Lục Dục Và Lục Căn

Đôi lời khuyên, đôi lời mắng, tô điểm sân trường, quét sạch lá bàng, tình nguyện vác ngà, kỹ thuật trục trặc, phòng học thiếu đèn, hàng quán thiếu thức ăn, khách thăm ngỡ ngàng.... Xin để lại đôi dòng nơi đây!!!

Moderator: khieulong

Post Reply
XomGa
Posts: 11
Joined: Sat Dec 18, 2004 4:13 pm

Lục Dục Và Lục Căn

Post by XomGa »

Nhục Dục Và Lục Căn

Trong kinh A Hàm cũng nhắc tới khỉ để nêu lên một ẩn dụ.

Một hôm đức Phật kêu các thầy Tỳ Kheo lại rồi
nói: "Ví như tại chỗ núi kia, có người thợ săn lấy nhựa cây gài bên thức ăn để nhử đàn khỉ. Một vài con khỉ tham ăn, không nghe lời dạy khôn ngoan của khỉ chúa, rời đàn đến bên thức ăn lấy tay bốc. Ngờ đâu tay vừa bám vào liền bị nhựa dính cứng! Khỉ bèn lấy tay kia ra gỡ! Thương thay, lại bị dính luôn một tay nữa. Khỉ lại lấy chân mặt ra quào, và một chân nữa lại dính vào nhựa. Tiếp theo chân trái cũng bị dính luôn. Bị dính hết cả chân tay, khỉ dùng đuôi cố gỡ lại bị dính. Sau cùng khỉ lấy miệng cạp cũng bị cùng chung số phận. Thế là khỉ hết cục cựa. Người thợ săn lúc đó chỉ việc lượm khỉ bỏ vô giỏ quảy về.

"Này các Tỳ Kheo, nhựa cây kia ví như lục dục, còn sáu bộ phận bị dính vào nhựa ví như lục căn. Như chú khỉ kia, khi lục căn bị dính cứng vào lục dục thì sẽ bị ma qủi tùy ý dẫn đi..."

XG Chép lại trên net

User avatar
linhgia
Posts: 1308
Joined: Fri Dec 03, 2004 9:30 am

Re: Lục Dục Và Lục Căn

Post by linhgia »

Cuộc sống mới




Thư Sinh

Người Việt Nam hiện đang sinh sống ở Hoa Kỳ ít nhiều gì cũng đã bị gắn liền với danh từ Tỵ-Nạn (Refugee). Bất cứ việc gì có liên quan đến người Việt Nam, da vàng mũi tẹt, cũng sẽ bị báo chí Mỹ gán cho cái tên Refugee.

Họ đâu có cần biết là ta sang đây du học, hoặc lấy chồng Mỹ từ trước năm 1975. Họ cũng chẳng "care" ta là loại thuyền nhân (boat people) hay là dân ODP hoặc là được trực thăng Mỹ rước từ tòa nhà Tòa Ðại Sứ ở Việt Nam hay tại phi trường Tân Sơn Nhất hồi cuối tháng tư 1975. Tất cả chúng ta bị đồng hóa (stereotype) là "tị-nạn Việt Nam".

Mà nói đúng ra, danh từ tị-nạn chính trị phải làm chúng ta hãnh diện lắm chứ. Cách đây 200 năm, dân Âu Châu cũng tị-nạn sang đây lập nghiệp như chúng ta ngày nay vậy. Mảnh đất này chính là của người da đỏ mà. Có nhiều người mới vào công dân Mỹ, thấy người ta gọi mình là "refugee" lấy làm khó chịu, cứ tưởng mình là công dân hạng nhất, thứ thiệt. Nhưng sự thật thì không phải vậy, cái chứng chỉ công dân có thể bị lấy lại như thường nếu ta bị lỗi nặng và có thể bị trục xuất nữa. Nếu ta mới chỉ là thường trú nhân thôi thì còn nguy hiểm hơn nữa. Vậy cho nên dù ta có đổi họ, đổi tên, làm đến ông gì, bà gì đi chăng nữa, ta cũng vẫn chỉ là người Việt tị nạn da vàng.

Thực tế là trên nước Mỹ vẫn còn vấn đề kỳ thị ở bất cứ một môi trường nào. Nếu chúng ta chưa bị kỳ thị thì chúng ta chỉ mới hên mà thôi vì luôn luôn Hiệp Chủng Quốc này có cái tiền lệ là kẻ đến trước không thích kẻ đến sau và muốn ngăn chặn làn sóng người di dân, mặc dù đời cha ông của họ cũng là người di dân. Kỳ thị da mầu chỉ có thể bớt dần dần khi mà trẻ con Mỹ sau nay lớn lên sống và chấp nhận hòa đồng mầu da.

Dù ta đến trước hay đến sau, ta cũng vẫn chỉ là loại "Mít" tị-nạn với nhau. Cuộc sống mới nơi xứ lạ quê người này cũng có nhiều phức tạp. Có những người rất "chì" khi còn ở quê nhà, rất chì khi phải phấn đấu trong trại cải tạo, thế mà sang đến Mỹ này lại yếu đuối mất hẳn ý chí trước nghịch cảnh, có người đã chán nản tự tử. Tưởng rằng khi đã tốt nghiệp "Ðại Học Cải Tạo" thì việc gì cũng thắng được chứ?

Ngoại trừ những người đem được tiền bạc rủng rỉûnh sống an nhàn không cần làm việc, ai ai mới sang Mỹ này cũng gặp nhiều khó khăn lúc đầu. Ngoài sự thay đổi môi trường và khung cảnh xã hội, người tị nạn phải đối diện với đủ một thực thể quá khác biệt với Việt Nam, nhất là ngôn ngữ bất đồng là cái thiẹt thòi nhất cho người tỵ-nạn.

Hơn nữa bị tin đồn thất thiệt đem đến những mộng tưởng: "nhà cửa được chính phủ cấp sẵn, xe hơi chờ sẵn trong ga-ra, được lãnh "rappel" từ năm 75 đến nay, tính ra cũng được 5,6 cây vàng một tháng sống phây phây dưỡng già v.v.".Ðến khi đụng phải thực tế quá phũ phàng, nhà phải đi thuê, xe cũng chẳng thấy, rappel thì chỉ có mấy trăm bạc tiền welfare trợ cấp trong tối đa là 7, 8 tháng mà thôi. Sau thời gian đó là phải tự túc.

Nếu không có tin đồn thì được 8 tháng trợ cấp sang đây rồi bắt đầu kiếm việc đi làm thì đâu có sao. Bì tù cải tạo, còn phải làm việc cực nhọc đến cỡ nào mà cũng vẫn chịu đựng được cơ mà. Vậy mới biết cái sự thất vọng nó tàn ác đến thế. Dù là cái thất vọng của một mộng tưởng không bao giờ có.

Trong một xã hội mà đời sống vật chất quá cao, cái gì cũng đắt đỏ, tiều xài bằng "cây", chứ không phải bằng "chỉ". Ở Việt Nam xưa, mỗi tháng có được 50 đô-la từ Mỹ gửi về, sống rất thoải mái, hoặc kiếm mối làm ăn kiếm mỗi tháng vài chỉ cũng là số dách rồi. Sang đây mỗi tháng không có trên 1000 đô, thì khó sống nhất là những vùng đắt đỏ. Tình trạng mất tinh thần đâu phải là nhỏ trong cộng đồng tị-nạn ở Mỹ.

Những cụ già và những người không nghe, nói, hiểu tiếng Mỹ lại không biết lái xe, lại càng thấm thía hơn vì khó mà thích ứng với văn minh mới, xã hội mới. Cái gì cũng lạ, cũng trái ngược với Việt Nam, làm cho tâm trí không được quân bình, sinh ra mặc cảm. Bị mặc cảm rồi thì quay ra, quay vô, ngó quanh , ngó quẩn để so sánh hiểu lầm, tuyên truyền tầm bậy, tầm bạ để rủ rê chia rẽ tỵ nạn cũ tỵ nạn mới.

Thống kê của Văn Phòng định cư người tỵ-nạn tại Washington DC cho biết là trên 80% các gia đình được bảo trợ theo diện di dân ÐÃ ÐÁNH MẤT NIỀM VUI ÐOÀN TỤ, tình gia đình sứt mẻ mà khi chưa đoàn tụ thì không xẩy ra. Nhất là đối với những người có đời sống khá giả ở Việt Nam, trước khi di dân không chịu tin những lời thân nhân nói về cuộc sống mới ở Mỹ, mà chỉ thấy những Việt Kiều hồi hương tiều sài xả láng trước mặt dân nghèo rồi mộng tưởng Hoa Kỳ là thiên đàng ra đường là bốc được vàng.

Sau một thời gian va chạm với thực tế, họ mới thấy là cái "thiên đàng" này không dễ kiếm mà đã được tạo dựng bằng mồ hôi, nước mắt, từ nhiều năm trước. Có gia đình người cha sang trước làm chỉ được có khoảng $800 1 tháng chưa trừ thuế mà nhận được lá thư của hai đứa con từ Việt Nam xin bố mỗi đứa 2,3 ngàn đô 1 lúc. Ngay chính cha con trong nhà còn không hiểu nhau được thì người ngoài hiểu lầm là phải.

Nhưng sự thật mà nói thì tình trạng này dần dần sẽ thay đổi với thời gian, sau này sẽ dễ thông cảm với nhau hơn. Những gì "trái tai gai mắt" họ thấy ở kẻ khác lúc này thì với thời gian, cá nhân gia đình họ cũng sẽ có những cử chỉ "gai mắt" như vậy một cách thật vô tình với những người mới tới.

Tất cả đều theo thói quen, như ngày xưa năm 1954, người miền Bắc di cư vào miền Nam cũng có những "trái tai gai mắt" va chạm như vậy với người miền Nam; nhưng sau một thời gian một vài ba năm, đâu đã vào đấy và chung sống hòa bình, cùng ăn rau muống và ngốn giá sống.

Những Tiểu Bang có đông người Việt tỵ nạn còn thêm một khổ não tinh thần nữa là báo chí địa phương hơi một tý bới móc những sữ sự xấu xa của người mình ra: "Nào là ăn welfare, đi làm chui thêm không khai thuế, nào là giả bộ đau ốm chạy tiền làm hồ sơ lèo để ăn tiền cấp dưỡng bệnh tật...

Băng đảng Việt Nam đã quá nổi tiếng đến nỗi chấn động Quốc Hội Mỹ. Tin San Jose cho biết các băng đảng Việt Nam thường đánh cắp các "chips" điện tử bán sang Ðài Loan và Nam Hàn, ngoài ra còn tống tiền, cướp nhà cướp của bằng súng ống và dao phay, bài bạc, đánh cắp xe hơi. Nghề mới lại thêm có in check giả để lấy tiền tại nhiều nhà băng khác nhau cũng như liên quan sắp xếp dàn cảnh các màn tai nạn xe cộ để ăn tiền bồi thường của hãng bảo hiểm.

Chúng ta đều là người tỵ-nạn, sống trên xứ người, một xứ có rất nhiều cơ hội cho chúng ta dựng cơ nghiệp thăng tiến cho cuộc sống chứ chúng ta không nên than phân trách phận rồi há miệng chờ sung.

Chính những người cựu chiến binh Hoa Kỳ từng chiến đấu tại Việt Nam, năm 1974 khi về nước cũng chẳng được ưu đãi gì, nói chi đến chúng ta là kẻ ăn nhờ ở đậu. Chúng ta cũng chẳng nên nhớ lại và tiếc nuối cái vàng son thủa xa xưa, như tiền tài, địa vị xã hội, cấp bậc lon lá cũ. Những thứ đó chỉ là phù du hết thời gian tính vì chẳng giúp cho ta gì cả, mà có khi nhắc lại còn đem lại cho ta nhiều hậu quả mỉa mai không tốt. Nếu ở Việt Nam sau cuộc đổi đời có cảnh:

"Ðầu đường Ðại Tá vá xe
Cuối đường Trung Tá bán chè đậu đen"

Thì bên Mỹ này cũng có cựu tướng lãnh và cựu bộ trưởng (loại thanh liêm thứ thiệt) quét cầu tiêu, chạy bàn trong các nhà hàng và nhiều giới chức tai to mặt lớn khác của thời cũ, cắt cỏ, rửa chén, bỏ báo, khuân vác trong các tiệm bán thực phẩm hay bán săng để sinh sống. Chả có nghề nào hèn và sang cả. Xã hội Mỹ rất khâm phục những người được coi là "tay trắng" làm nên, điển hình là Bill Gates bỏ học ra chế tạo PC, giờ đây gia tài lên đến 90 tỷ Mỹ Kim giầu nhất thế giới. Cựu Tổng Thống thứ 16 nổi tiếng của nước Mỹ là Abraham Lincoln đã từng đứng bán rượu trong bar. Người Việt thì có Ông nào đó ở Seattle, WA mới sang đi làm công cho một hãng đóng tầu, nay đã đứng ra làm chủ cho một hãng riêng, lợi tức hàng năm trền 20 triệu Mỹ Kim. Một ông giáo sư Mỹ xin nghỉ để đi làm thợ mộc, một luật sư ở New York bỏ nghề thầy cãi để đi sửa ống nước, kiếm khoảng $250,000 1 năm.

Khi mới ra trường tìm việc, người Mỹ chẳng bao giờ nề hà, luôn luôn chấp nhận một công việc với giá lương nhập ngạch, để tạo cho mình một cơ hội lấy kinh nghiệm hầu thăng tiến trong tương lai. Có hiểu được cuộc sống mới qua vụ đổi đời vừa qua chúng ta mới quên đi quá khứ để làm lại cuộc đời tha hương được.



Thư Sinh

User avatar
linhgia
Posts: 1308
Joined: Fri Dec 03, 2004 9:30 am

Re: Lục Dục Và Lục Căn

Post by linhgia »

Luận về... cái sự học

------------------------------------------------------


Phạm Lưu Vũ
(Trích Luận ngữ Tân Thư)


Đã gọi là thầy (sư) thì không phân biệt cao thấp, cứ hơn một tí tẹo là có thể làm thầy (nhất tự vi sư, bán tự vi sư). Chung quy chia làm hai hạng. Hạng tiên sư và hạng tục sư.

Hạng tiên sư vì người mà dạy cách làm người. Hạng tục sư vì tiền mà dạy cách làm tiền.

Hạng tiên sư “lôi” kiến thức (vốn có sẵn) trong bụng học trò ra. Hạng tục sư “nhét” kiến thức từ ngoài vào.

Tin theo tiên sư thì con người là tiểu vũ trụ. Tin theo tục sư thì con người là cái thùng chứa sách.

Hạng tiên sư chỉ cho học trò thấy cái chỗ thiếu của mình. Hạng tục sư chỉ cho học trò thấy cái chỗ giỏi của mình.

Thấy thiếu thì lo lắng, muốn được bổ sung, vì thế kiến thức tăng tiến.

Thấy giỏi thì hung hăng, muốn được thi thố, vì thế kiến thức dừng lại.

Hạng tiên sư nương theo con người mà hành đạo. Hạng tục sư nương theo chính trị mà hành nghề.

Nước có đạo lý thì tiên sư nhiều hơn tục sư. Nước vô đạo lý thì tục sư nhan nhản, có khi bói không ra một mống tiên sư nào.

Chính trị đứng đắn chú trọng đến tiên sư. Chính trị lưu manh chú trọng đến tục sư.

Bởi thiên hạ ai cũng quan tâm đến việc làm người thì chính trị khó bịp, ngôi vua nguy như đèn ra trước gió, phải tử tế lắm mới mong giữ được.

Thiên hạ ai cũng quan tâm đến việc làm tiền thì chính trị tha hồ bịp, ngôi vua chả cần tử tế vẫn có thể muối mặt mà cố đấm ăn xôi.

Giáo dục cốt làm thay đổi dân trí. Song không phải bao giờ cũng theo hướng nâng cao. Giáo dục vì dân nhằm vào cái chỗ sáng suốt của dân. Giáo dục lừa dân nhằm vào cái chỗ mê lú của dân.

Huống chi cái việc học làm người kia lại vô cùng khó khăn. Bậc tiên sư dù cố đến mấy, rốt cuộc chỉ mang tiếng vẽ đường cho hươu chạy. Mấy ngàn năm càng vắng ngắt bóng người... Vẫn “Lời tựa” trong “Luận ngữ tân thư”. Sau đây lại xin trích một phần của bộ sách đó:

Khổng Phu Tử một hôm đang thư thái, bỗng buột mồm nói ra câu: “Hành tương tựu mộc tác nhân nan” (Người ta thường sắp chui vào quan tài rồi, mới biết làm người là một việc khó). Các học trò nhao nhao thắc mắc.

Ai cũng cho rằng Ngài nói vậy là hơi bi quan. Làm người mà khó đến như thế, thì chẳng lẽ cuộc đời này toàn... khỉ hết hay sao?

Rằng cứ theo cái thuyết chữ “Nhân” của Ngài, thì miễn sao sống cho tử tế, có hiếu với bố mẹ, ông bà, không ăn cắp ăn trộm, không lừa đảo hay hại ngấm hại ngầm ai... là thành người được rồi. Chứ có gì ghê gớm mà Ngài phải kêu khó.

Khổng Tử bèn thuyết liền một hồi:

- Các ngươi chỉ biết một mà chưa biết hai. Làm người trước tiên cần phải biết phân biệt. Mà phân biệt đâu phải là một kiến thức đơn giản. Không biết phân biệt sẽ không bao giờ cho ra cái hồn người. Kẻ không biết phân biệt có ba việc mù mờ (nguyên văn: tam sự bất tri) như sau:

Thứ nhất, ăn không biết thế nào là ngon, uống chẳng biết thế nào là dở... như thế gọi là: “thực bất tri kì vị”.

Thứ hai, nói không biết nên nói với ai, nghe chẳng biết nên nghe ai nói... như thế gọi là: “xử bất tri kì nhân”.

Thứ ba, đi không biết nên đi theo đường nào. Ngồi chẳng biết nên ngồi chỗ nào cho đúng... như thế gọi là: “hành bất tri kì đạo”.

Huống chi các ngươi chỉ biết nghe theo một chiều, hiểu theo một chiều, tin theo một chiều... duy nhất. Trên đời này không cái ngu nào sánh bằng ngu đó. Không cái lười nào sánh bằng lười đó...

Vừa ngu, vừa lười đến tận cùng như thế, thì làm sao có thể tự hiểu được mình. Kẻ không hiểu được mình thì đứng không biết mình đang đứng chỗ nào, đi chẳng biết mình sẽ đến đâu...

Thế rồi tự cao tự đại, thế rồi vỗ ngực xưng danh... tự cho là mình khôn nhất thiên hạ. Lời nói hay chẳng bao giờ lọt vào tai nữa, cứ một mực tin theo những hạng đểu giả.

Kiến thức như thế thì dẫu cao mấy, thực chất cũng chẳng khác gì kiến thức của một anh hoạn lợn.

Không những tự gây họa cho mình, mà còn gây họa cho người khác. Có khi gây họa cho cả thiên hạ chưa biết chừng.

Các học trò nghe đến đó thì sợ toát mồ hôi. Bèn hỏi:

- Thế nào là tự gây họa cho mình?

Khổng Tử bảo:

- Người ta vạch ra cái chỗ dở của mình để mong mình sửa, thì lại tưởng là người ta chửi. Người ta nịnh cái chỗ đểu của mình để hòng kiếm chác, thì lại tưởng là người ta khen... Rốt cuộc người đáng lẽ là bạn, thì lại nghĩ là thù. Kẻ đáng lẽ là thù, thì lại cho là bạn... Lẫn lộn, u tối đến như thế mà không gặp họa thì xưa nay chưa ai từng nghe nói đến bao giờ.

Các học trò nghe thấy thế thì càng sợ hơn nữa. Lại hỏi tiếp:

- Thế nào là gây họa cho thiên hạ?

Khổng Tử bảo:

- Hạng người ấy mà làm tướng thì mất toi thành. Làm quan phủ, quan huyện nào thì dân trong phủ, huyện ấy điêu đứng. Làm vua thì cả nước khốn nạn, thậm chí còn mất nước vào tay ngoại bang. Làm thầy thì ngu đến cả trăm đời sau... Thế gọi là gây họa cho thiên hạ.

Các học trò hỏi tiếp:

- Vậy cứ theo ý Phu Tử thì bao giờ chúng tôi mới có thể học thành người?

Khổng tử trả lời:

- Ta có thể dạy các ngươi hiểu thấu được lẽ đời (nhi bất hoặc – hết ngờ vực). Song không thể dạy các ngươi hiểu thấu được lòng trời (tri thiên mệnh – biết mạng trời).

Ta có thể dạy các ngươi hiểu thấu được lòng trời. Song không thể dạy các ngươi hiểu thấu được lòng người (nhi nhĩ thuận – nghe thuận tai).

Ta có thể dạy các ngươi hiểu thấu được lòng người. Song không thể dạy các ngươi hiểu thấu được lòng mình (tòng tâm kì dục, bất du củ – tùy lòng muốn mà vẫn không thay đổi quy củ).

Ta có thể dạy các ngươi hiểu thấu được lòng mình. Song không thể dạy các ngươi khiến được lòng mình (lạc dĩ vong ưu – vui (theo đạo lý) mà quên hết buồn phiền).

Ta có thể dạy các ngươi khiến được lòng mình. Song không thể dạy các ngươi (thấu suốt đạo lý) đến nỗi quên đi cả sự tồn tại của mình (bất tri lão chi tương chí – không hề biết tuổi già của mình sắp đến)...

Xem thế thì biết, cái sự học làm người kia là... không biết đến bao giờ.

Các học trò nghe như vịt nghe sấm. Bèn đề nghị:

- Phu Tử có thể giảng kĩ hơn một chút được không? Vẫn biết học làm người là một việc khó khăn, lâu dài. Song cớ sao lại rắc rối như thế?

Khổng Tử bảo:

- Đó là những thang bậc từ thấp đến cao của cái sự học (hạ học nhi thượng đạt). Cũng là những điểm “chết” (nguyên văn: tắc tử) của kiến thức. Vượt qua được những mốc ấy là một việc khó khăn nhất trong cái sự học của muôn đời. Dừng lại ở bất cứ mốc nào cũng lập tức biến thành người ngu.

Các học trò lại hỏi:

- Thế nào là biến thành người ngu?

Khổng Tử bảo:

- Kẻ ngu nhất trên đời là kẻ tự bằng lòng với kiến thức của mình. Dẫu đã thấu hết lẽ đời thì cũng không bao giờ hiểu được lòng trời. Dẫu đã thấu được lòng trời thì cũng không bao giờ hiểu được lòng người. Dẫu đã thấu được lòng người thì cũng không bao giờ hiểu được lòng mình... Từ khi làm thầy, ta kị nhất loại học trò học đến đâu giỏi đến đó. Học kiểu ấy nguy như trứng để đầu gậy. Bởi kiến thức có thể dừng lại bất cứ lúc nào. Kiến thức đã dừng lại, thì hậu quả tai hại sẽ không biết đâu mà lường được. Có khi còn biến thành một kẻ lưu manh trí thức lúc nào không hay.

Nói đến đó, Khổng Tử bỗng buột mồm thốt ra một câu than thở:

- Ôi! Kẻ học giả lúc nào cũng có sẵn sàng một cơ hội lớn để trở thành một tên... thậm ngu ngốc, thậm lưu manh.

Các học trò nghe vậy thì không ai bảo ai, tất cả đều nhất tề thở dài đánh sượt một cái. Lại hỏi tiếp:

- Phu Tử nói thế thì chúng tôi cũng đành cố gắng học được đến đâu hay đến đó, học mãi không dám dừng lại. Chứ còn biết làm thế nào. Không hiểu những đời sau này không có Phu Tử, thì rồi có ăn thua gì không? Hay là chỉ sinh ra rặt những hạng bịp bợm, kiến thức đã như anh hoạn lợn, mà đểu giả, bất lương thì không ai sánh bằng. Nhưng chẳng hay Phu Tử có thể lấy ví dụ về cái việc học làm người là rất khó ấy, cho chúng tôi nghe được không?

Khổng Tử bèn ví dụ bằng mấy câu chuyện sau đây:

Câu chuyện thứ nhất:

Ta (Khổng Tử) từng có một học trò xưng là Tử Hư. Y là một người rất say mê cây cối. Cây càng cổ thụ, y càng mê mẩn. Không ngày nào là y không tìm đến một nơi có cây cao bóng cả, có tán rộng như những chiếc dù vĩ đại, che rợp cả một vùng, cành lá xanh tốt sum xuê để ngắm nghía, xuýt xoa... Ngắm mãi không biết chán, xuýt xoa mãi không mỏi mồm. Lại tưởng tượng mỗi tán cây như một nước, mỗi nhánh, cành như một phủ, huyện, mỗi lá cây như một kiếp người... còn thân cây như một vị hoàng đế. Sự hâm mộ kể cũng đến thế là cùng.

Một hôm, y chợt phát hiện thấy từ một thân cây to lớn mà xưa nay y vẫn hâm mộ, vẫn ngắm nghía ấy bỗng nhú ra những mẩu gì tròn tròn, xam xám, mềm mại như lông thú. Những mẩu ấy cứ mỗi ngày lại thò dần ra. Vài hôm sau thì rõ là những cái đuôi chồn. Những cái đuôi chồn vắt vẻo, ngoe nguẩy ở thân cây nom đến kinh. Cây không mọc cành, đơm lá... mà lại mọc ra những cái đuôi chồn? Đó là điều mà y không thể chấp nhận, không thể tin được.

Y quyết tâm giữ gìn sự hâm mộ, còn hơn giữ gìn con ngươi của mắt mình. Nhưng những cái đuôi chồn thì cứ sờ sờ ra đấy, làm y không chịu nổi. Y bèn thắc mắc với ta. Ta bảo: “Ngươi đã có thể tin được rằng mỗi thân cây như một vị vua, thì tại sao lại không tin được rằng từ đó có thể mọc ra những cái đuôi chồn? Chớ vì sự hâm mộ mà sinh ra lú lẫn. Kiến thức của ngươi một khi đã cố chấp như thế thì khó có thể làm người được”.

Câu chuyện thứ hai:

Ông Mỗ làm quan tể ở ấp Trâu là một người có tiếng ngay thẳng, thanh liêm, rất ghét thói nịnh bợ. Vì thế pháp luật được thi hành. Dân ấp Trâu vui vẻ làm ăn, không tranh giành, đểu cáng với nhau. Trẻ con biết kính trọng người lớn, người lớn thương yêu, đùm bọc trẻ con. Ban ngày ra đường không ai nhặt của rơi. Tối về nhà không phải khoá cổng. Con trai, con gái đi riêng hai bên đường, không bậy bạ, sàm sỡ với nhau... Tất cả nhờ ở cái đức của ông quan Mỗ ấy mà có được như thế.

Tưởng làm người mà được như ông Mỗ thì ai còn nghi ngờ gì nữa. Tất nhiên xung quanh ông cũng không thiếu những kẻ xấu, những kẻ cơ hội, bất lương. Chúng tìm mọi cách để nịnh nọt, lung lạc cái đức của ông hòng kiếm chác này nọ. Song ông Mỗ không những không hề lay chuyển, mà còn thẳng tay trừng trị, khiến chúng không dám ho hoe gì nữa. Ấp Trâu ngày càng thịnh vượng.

Thế mà cũng chẳng được bao lâu. Có ai ngờ một người như ông Mỗ cũng đến lúc thay đổi. Ông bắt đầu thích những lời tâng bốc, ca ngợi. Ông bằng lòng và kiêu ngạo với những gì mình đạt được. Ông nhắm mắt, bịt tai trước những lời nói thẳng, những kẻ can gián. Thậm chí còn sai người bắt bớ, bỏ tù họ. Dần dần, ông biến hẳn thành một ông quan bịp bợm, lèo lá, vừa thích nịnh, vừa ăn của đút như ranh. Đám tay chân cũng nhanh chóng a dua theo. Chúng tha hồ nhân danh pháp luật để ăn cắp trắng trợn mọi thứ của dân, không cho dân được kêu ca, oán thán gì...

Ấp Trâu trở thành một nơi tăm tối nhất thiên hạ, chính trị đểu giả, lưu manh không nơi nào sánh bằng. Dân chúng bị cưỡi lên đầu lên cổ đã đành, lại còn không dám hó hé, suốt ngày phải ca ngợi, mở mồm ra là phải nói lời biết ơn cái lũ đầu trâu mặt ngựa, cầm đầu là ông quan Mỗ ấy(!). Biết ơn lũ kẻ cướp là một việc xưa nay chưa từng có. Chắc chỉ diễn ra ở nơi có cái thứ chính trị đã biến thành lưu manh như kiểu ấp Trâu mà thôi.

Tại sao ông Mỗ lại thay đổi nhanh chóng, lại trở thành một kẻ thối nát ghê tởm như vậy? Trong khi ông từng có tiếng là một người ngay thẳng, ghét cay ghét đắng bọn nịnh hót kia mà. Ai đã bỏ bùa mê thuốc lú cho ông?
Nguyên nhân té ra rất đơn giản. Tất cả chỉ tại lũ chó nhà ông. Trong nhà ông Mỗ nuôi một đàn chó, gầy, béo, đốm, khoanh, vàng, vện... đủ cả. Hàng ngày đi làm về, chúng tranh nhau vẫy đuôi mừng ông rối rít. Con thì liếm chân, liếm tay, con thì ngửi quần áo, con thì cố tru lên những tiếng sủa ra vẻ hớn hở, vui mừng... Chúng thi nhau nịnh ông bằng đủ các động tác, cử chỉ làm ông vô cùng hả hê.

Ông Mỗ từ chỗ thích cái sự nịnh nọt ấy của lũ chó, dần dần đâm ra thích được cả người nịnh. Nhất là những kẻ có cái lối nịnh cũng na ná như lũ chó kia thì ông lại càng thích. Mà những kẻ đó nào có thiếu gì. Tài bắt chước chó của họ thì không chê vào đâu được. Họ không những nịnh bằng giọng lưỡi, động tác, bằng sự liếm láp y hệt loài chó... mà còn nịnh bằng cả văn chương, nhạc, họa... Thậm chí sẵn sàng bóp méo cả sử sách để làm hài lòng ông...

Thế mới biết làm người quả là một việc khó khăn. Duy trì sự tử tế quả là một công phu nan giải. Có khi bị hỏng, bị dang dở giữa chừng chỉ vì lũ chó nuôi trong nhà. Vì thế, kẻ đã quyết chí làm người thì phải cảnh giác với từ con chó trở đi.

Những điều trên đây rút ra từ ghi chép của Nhan Hồi - một học trò yêu của Khổng Tử. Khổng Tử có lần đã nói: “Này Hồi! ta sở dĩ thích ngươi, chính bởi ngươi là một học trò học đến đâu thấy thiếu đến đó. Vì thế kiến thức không bao giờ dừng lại, cái ngu, cái xấu không có cơ hội đến gần được với ngươi...” (nguyên văn: tri nhi bất hạn, ngu xú bất cận).


March 8, 2007
Phạm Lưu Vũ
(Trích Luận ngữ Tân Thư)


===

Post Reply