Vũ Hoa viên

Hoa có hương có sắc... Hương làm ngây ngất tâm hồn, còn sắc thì lảo đảo tâm can... Gởi gió cho hương, phấn son cho sắc: xin mời!!!

Moderator: CayQueo

User avatar
tieuvuvi
Posts: 2822
Joined: Sun Nov 26, 2006 1:29 pm
Been thanked: 3 times
Contact:

Post by tieuvuvi »

Image



DIORESCENCE
Image

User avatar
tieuvuvi
Posts: 2822
Joined: Sun Nov 26, 2006 1:29 pm
Been thanked: 3 times
Contact:

Post by tieuvuvi »

Image


THE FAIRY
Image

User avatar
phu_de
Posts: 2917
Joined: Sun Nov 28, 2004 10:57 pm
Has thanked: 7 times

Post by phu_de »

Cám ơn Vũ Vi đã post bài về hoa hồng rất thú vị, hoa đẹp, nhạc đệm rất hay càng đọc càng thích thú. Xin post theo 1 bài của Lm. Dũng Lạc Trần Cao Tường, nói về truyện Hoa Hồng Nhà Kín của Quyên Di

-------------------------------------------

HOA HỒNG NHÀ KÍN CỦA QUYÊN DI



Hoa hồng vốn là hoa của tình yêu. Vì thế mà nhà văn Quyên Di đã đặt tên cho tập truyện của mình là Hoa Hồng Nhà Kín, gồm mười hai truyện ngắn đầy ắp thương yêu.



Mỗi truyện đều kể về một loài hoa liên hệ tới một người hoa, như hoa huệ, hoa quỳnh, hoa cỏ huyên, hoa sao luân vũ, hoa sử quân, hoa hồng, hoa đào, hoa lan, hoa ngâu, hoa phượng, và ngay cả một loài hoa rất tầm thường nhỏ bé là hoa dừa... Mỗi loài hoa đều đẹp và trân quí khác nhau về màu sắc, mùi hương, dáng nét. Nhưng ngắm nhìn và thưởng thức mười hai bông hoa của Quyên Di tặng thì thấy hoa nào cũng là hoa tình yêu. Như mấy dòng cuối cùng của tập truyện kể về hoa phượng đỏ, "không phải là màu đỏ của máu lửa, đấu tranh, nhưng là màu đỏ của lòng son sắt tin vào điều thiện hảo, là màu đỏ của máu trái tim tuổi trẻ biết Yêu Thương nồng nàn. Màu đỏ hoa phượng, như thế, sẽ tô thắm cuộc sống chúng ta, cho dù cuộc sống ấy có trải qua nhiều gian truân, trôi nổi."



THỜI ĐIỂM NHỮNG ĐÔI ĐŨA DÀI MỘT THƯỚC



Cấy hồng mà nở được hoa tình yêu hạnh phúc lại là cả một nghệ thuật, một bí quyết. Quyên Di đã diễn tả được nghệ thuật và bí quyết này qua một câu chuyện viết về Những Cánh Phượng:



"Có một vị thánh kia, vì quá tốt đẹp nên được Chúa ban ơn cho xem thiên đàng và hỏa ngục ngay khi còn sống. Thiên thần đưa vị thánh đi xem hỏa ngục trước. Đến nơi, ngài thấy hỏa ngục là một căn phòng rấr rộng rãi, trang thiết cực kì sang trọng, mọi người ở trong hỏa ngục đang ngồi vào bàn dự một bữa tiệc vô cùng linh đình. Mọi sự đều vui vẻ, ổn thỏa cả, trừ một việc là thực khách phải dùng đôi đũa dài tới ... một thước để gắp thức ăn. Thế mới phiền, vì cố gắng gắp thì cũng được, nhưng bỏ vào miệng thì khó quá. Có người đưa thức ăn gần tới miệng thì nó lại rớt xuống. Thực là thảm! Bởi vậy, cuối cùng mọi người nhìn nhau buồn chán, và bàn tiệc trở thành vô duyên, đáng ghét, thà không có còn hơn."



"Thiên thần lại đưa vị thánh đi xem thiên đàng. Tưởng có gì đặc biệt hơn, ai ngờ thiên đàng cũng là một căn phòng có diện tích và cách trang hoàng y như hỏa ngục. Mọi người ở đấy cũng đang ngồi vào bàn tiệc, và họ cũng phải dùng những đôi đũa dài một thước như ở dưới hỏa ngục vậy. Chỉ có một điều khác: ở đây họ ăn uống vui vẻ. Ngạc nhiên, vị thánh nhìn kĩ mới biết nguyên nhân: trên thiên đàng, người ta dùng đôi đua dài một thước gắp thức ăn bỏ vào miệng... người đối diện. Ai cũng làm thế cả nên ai cũng ăn uống vui vẻ. Người ở hỏa ngục không ăn được, vì họ dùng đũa dài một thước cố gắng gắp thức ăn bỏ vào chính miệng mình."



THÁNG TRỒNG HỒNG



Câu truyện này thật đúng với kinh nghiệm của người Việt đã trở thành nghệ thuật sống qua bao thế hệ: muốn ăn gắp bỏ cho người. Mình thích miếng thịt bò lúc lắc kia quá phải không? Cách tốt nhất là trở đầu đũa gắp miếng thịt ấy cho người bên cạnh, và lạ lắm, ngay sau đó thế nào cũng có người gắp cho mình một miếng y như vậy. Đã quá chứ! Thì ra muốn dựng xây được tình yêu hạnh phúc thì bí quyết là phải biết cho đi. Ngược lại, chỉ lo vun quén vơ vét vào cho mình thì sẽ chẳng bao giờ thỏa, và tự tạo ra hỏa ngục đầy đọa chính mình và đầy đọa người khác.



Tháng mười hàng năm vẫn được truyền thống Công Giáo gọi là tháng Mân Côi, tức là Tháng Hoa Hồng, tháng vun trồng tình yêu. Ngay ngày mồng một đầu tháng có lễ kính một vị thánh trẻ: Thánh Têrêsa, bông hồng nhỏ.



Truyện Hoa Hồng Nhà Kín của Quyên Di kể về mối tình giữa Nga là một người Công Giáo và Khanh là người chưa theo đạo. Nga nhận thánh Têrêsa làm bổn mạng nên rất thích hoa hồng và cũng ước mong trở thành một bông hồng nhỏ, mà phải là hoa hồng nhà kín cơ, nghĩa là phải đẹp một cách kín đáo và thanh thoát. Thảo nào "Khanh đã khám ra ở Nga một vẻ đẹp tuyệt vời khi nàng quì nghiêm trang cầu nguyện, một vẻ đẹp mà nàng không có trong những lúc khác" (trang 104). Chính Nga cũng đã từng dẫn Khanh đến nhà nguyện các sơ Dòng Kín để cầu nguyện, và đặc biệt trong tháng mười, để mua hoa hồng bằng vải các sơ làm rất nghệ thuật tặng những người thân yêu, nhất là Khanh:



"Em muốn anh giữ hoa này, trân trọng, như chúng ta đã cùng trân trọng giữ tình yêu chúng ta dành cho nhau".



Mối tình đẹp vậy mà bị cắt ngang vì một một viên đạn vô tình. Nga đã vĩnh viễn ra đi. Trái tim Khanh như muốn vỡ ra. Trong cơn náo loạn, Khanh đã tìm đến đám táng của Nga. Khi quan tài đã được đưa xuống huyệt, thay vì ném Bông Hồng Nhà Kín Nga tặng hôm nào xuống theo để tiễn biệt, Khanh bỗng ngừng tay lại và thì thầm nói với Nga: "Cho phép anh giữ lại bông hồng này như giữ lại hình ảnh người em Thánh Nữ Thérèse. Hãy bắt chước chị thánh Nga ạ, để làm mưa những bông hoa hồng ơn phúc Chúa xuống cho những người thân, ít là cho anh, người đã từng được em trao tặng bông Hoa Hồng Nhà Kín ngày em còn sống, và đã được em dạy phải trao những đóa hồng yêu thương cho cuộc sống, cho tha nhân. Anh sẽ làm điều đó, mãi mãi trong cuộc đời anh..." (trang 111-112).



TIN VUI THƠM THO CẢ CÕI LÒNG



Giữa đám mây đen u ám và cơn bão vần vũ xoáy đổ nhiều cuộc tình chưa kịp nở mà đọc được Hoa Hồng Nhà Kín, ai mà chả cảm thấy tia nắng mới đang lóe lên. Quyên Di đã nắm bắt được một nguyên tắc rất giản đơn: trong phòng tối hãi hùng, chỉ cần bật lên một đốm lửa nhỏ; trong một môi trường đầy uế khí, chỉ cần một bông hoa như bông huệ trong truyện Bông Huệ Trắng của Người Nữ Tu: "mùi huệ thơm ngát tỏa lan, mùi thơm của lòng đạo đức, của những buổi cầu kinh trong nhà nguyện, của tâm hồn thanh khiết..." (trang 35).



Mà nguyên tắc trên thì phát khởi từ Hoa Kinh Thánh, với một sách lược tích cực và tất thắng: "Nếu lòng tin của các con bằng cỡ hạt cải thì các con có thể khiến cây dâu này: bốc rễ lên và trồng xuống giữa biển, cây dâu cũng sẽ vâng lời các con" (Luca 17:6)



Chỉ cần bắt đầu trồng một bông hoa, dù nhỏ bé và tầm thường như hoa dừa, thì sức lan của độ sóng sẽ khởi động một mùa xuân miên viễn. Đó là con mắt bật sáng long lanh trong truyện Hoa Dừa Tím Dưới Chân Đức Mẹ: "Những bông hoa vẫn còn. Đó là thứ hoa dừa tím, một loại hoa rất tầm thường, người ta trồng cho vui bồn bông. Hoa có hai loại: trắng và tím, đều là những màu đơn sơ, khiêm hạ. Hoa dừa mọc rất nhanh, khi bén rễ rồi, lớn lên và lan ra trông thấy. Hoa năm cánh, rất mỏng manh nhưng tươi tắn, nhìn kĩ thì đẹp dịu dàng... Hoa dừa cắm trong bình sành, nở tươi dưới chân Đức Mẹ. Đơn sơ, mộc mạc quá! Nhưng sao chàng thấy đẹp đẽ, lộng lẫy hơn cả ngàn bông hồng trước kia vẫn khoe sắc..." (trang 171-172).



Đọc đoạn trên tôi thấy xúc động, cái vui mọc cánh ở trong lòng. Có gì đâu, chỉ mấy bông hoa dừa nhỏ bé tầm thường, do một cô nữ sinh chưa theo đạo Công Giáo nhưng rất kính yêu Đức Mẹ mang đến. Giữa những hận thù, Quyên Di ngang nhiên nói về những bông hoa tình yêu, về lý tưởng, về sức mạnh nội tâm, về nét đẹp đạo Chúa. Có người nhận xét thế giới Quyên Di trình bày là một thế giới khuyết, chỉ có ánh sáng mà thiếu vắng cái màu đen của đêm tối vẫn luôn rình rập... Nhưng tôi lại thấy khác. Quyên Di đã chuyển được sứ điệp tất thắng của Tin Vui Tình Yêu: Chỉ cần một nút bật sáng, dù rất nhỏ, là phòng tối biến mất. Như thế đâu phải là khuyết mà là đầy tròn. Nút bật nhỏ đó là hoa tin yêu. Vì vậy mà bông hoa nào của Quyên Di cũng đều mang sức mạnh của một nút bật. Như Võ Phiến đã cảm được cái tâm của Doãn Quốc Sỹ trong Văn Học Miền Nam Tổng Quan:"Trong tác phẩm của ông, nhân vật nào cũng tốt, việc gì cũng có khía cạnh hay. Ông bất lực không tạo nổi người xấu, kể nổi một việc xấu. Đọc sách ông, thơm tho cả tâm hồn".



Và tôi cũng muốn nhìn Quyên Di như Võ Đình nhìn Doãn Quốc Sỹ: "Sống trong một thời đại mà ngôn ngữ lạm phát thê thảm, mà biết bao con người trở thành hời hợt, trâng tráo, ông nói chuyện ăn ở thanh bạch, tình yêu quê hương, gia đình, bằng hữu, về nhân đạo và danh dự v.v... mà không mảy may e dè, ngượng nghịu. Thiển nghĩ ông thật đáng yêu ở chỗ đó". (Sao Có Tiếng Sóng...(trang 66).



PHÚT TỊNH TÂM



Đây cũng là "Truyện Mùa Xuân Bông Hoa Nhỏ" của thánh nữ Têrêsa khi kể lại truyện đời mình chỉ là một loài hoa xem ra tầm thường: “Nếu tất cả những hoa nhỏ xíu ấy lại muốn làm hoa hồng cả, thì cảnh thiên nhiên sẽ mất vẻ đẹp lý thú mùa xuân, các cánh đồng sẽ chẳng còn muôn hoa rực rỡ nở...”.



Mẹ Têrêsa Calcutta cũng đã bắt đầu bằng những bông hoa nhỏ qua những chuyện nhỏ bé như vậy, thế mà độ sóng tình đã lan ra cả thế giới: "Thánh nữ Bông Hoa Nhỏ là một mẫu gương lạ lùng nhất, làm những việc nhỏ với một tình yêu lớn, làm những việc bình thường với một tình yêu phi thường. Đó là lý do Ngài đã trở thành vị thánh lớn".

Mình đang thấy tình yêu rã rời hụt hẫng sao? Mẹ Têrêsa đã chỉ cho cách trồng hoa hồng tình yêu thật đơn giản và thực hành ngay được: để một nụ cười tình thương nở trên môi ngay lúc này. Hãy tặng người bên cạnh nụ cười đó, như trao tặng Chúa Giêsu vậy. Hãy để một bông hồng tình yêu là kinh Mân Côi nở trên môi mỗi tối, nở trên mọi lối đi, bật sáng mọi ngõ tối tâm hồn.



Và xin mượn lời của nhà văn Quyên Di trong Hoa Hồng Nhà Kín mà nói với chính mình: "Hãy làm việc bằng tất cả khối óc, và hãy Yêu Thương bằng tất cả trái tim. Hãy trao những đóa hồng yêu thương cho cuộc sống, cho tha nhân. Như thế sẽ thấy Hạnh Phúc, điều mà biết bao người đi tìm nhưng mấy ai đã thấy".



Lm. Dũng Lạc Trần Cao Tường

User avatar
tieuvuvi
Posts: 2822
Joined: Sun Nov 26, 2006 1:29 pm
Been thanked: 3 times
Contact:

Post by tieuvuvi »

Image

MARY ROSE


[stream]http://store.lifavn.com/musicdontstolen/vietnamese/VIET - haingoai/Tu quyen - Nu hong mong manh.wma[/stream]

Image
Last edited by tieuvuvi on Mon Dec 18, 2006 1:41 pm, edited 1 time in total.
Image

User avatar
tieuvuvi
Posts: 2822
Joined: Sun Nov 26, 2006 1:29 pm
Been thanked: 3 times
Contact:

Post by tieuvuvi »

Vi thành thật cám ơn anh vì em rất thích những bài viết của Cha Tường và bác Quyên Di...
Hi vọng chia sẻ cùng các anh chị những gi mà Vi yêu thích...
Image

User avatar
tieuvuvi
Posts: 2822
Joined: Sun Nov 26, 2006 1:29 pm
Been thanked: 3 times
Contact:

Post by tieuvuvi »

HOA HỒNG NHÀ KÍN


Tháng Mười, trời nắng ráo, thành phố tươi tắn, trong trẻo và đẹp. Trên những vòm cây me hai bên đường, chim sẻ kêu ríu rít. Những cô thiếu nữ ở thành phố, cả đời chưa biết chiến tranh là gì, thoáng thấy trong trái tim hồng chất ngất một niềm vui. Hơn hai tháng nữa mới đến lễ Giáng Sinh, nhưng ở một vài nơi, những chuẩn bị đã bắt đầu. Tháng Mười, tháng há nở một niềm vui mới, chưa viên mãn nên tạo cho người ta sự náo nức đợi chờ.

Tháng Mười, những người Công giáo sẽ dự một ngày lễ rất dễ thương: lễ mừng Thánh Nữ Thérèse, bông hoa hồng của Giáo Hội; vị thánh lìa bỏ thế gian năm 24 tuổi, và trước khi nhắm mắt an bình về với Chúa, còn hứa sẽ làm mưa hoa hồng xuống cho trái đất, hoa hồng của ân phúc tự trời cao.

Những ngày tháng Mười đẹp dễ thương ấy, Khanh hay dẫn Nga đi dạo trên đường Cường Để và Thống Nhất. Hai người thường bỏ những giờ triết khô khan trong giảng đường đại học Văn Khoa để vừa đi dạo, vừa triết lý vụn với nhau, hữu ích và thích thú hơn nhiều. Tuy vậy, hình như đôi khi cũng cảm thấy ân hận, Nga trách nhẹ Khanh rằng từ khi quen chàng và yêu chàng, nàng mới mắc cái tội “trốn học”, tội mà trước đó chỉ nghĩ đến thôi, Nga đã lấy làm sợ hãi. Khanh cười, nói rằng lẽ ra Nga phải cảm ơn chàng đã giúp nàng thoát ra khỏi cái mặc cảm tội lỗi tệ hại ấy, chàng ngụy biện rằng một người đã muốn học thì ở đâu cũng có cái để học; điều đó lại càng đúng vời những người học... triết. Nga cãi lại, nói là Khanh hoang lắm, học trò ngày xưa đâu có thế. Để trả lời, Khanh đọc cho Nga nghe những câu thơ trong bài “Khi mới lớn” của Đinh Hùng:

“Hỡi thành đô với linh hồn bách thảo,

Còn nhớ ta chàng tuổi trẻ tóc bay.

Làm học trò nhưng không sách cầm tay,

Có tâm sự đi nói cùng cây cỏ.”

Thường thường, sau những cuộc tranh luận như vậy, Nga kết luận là “Anh già mồm còn hơn con gái, ai cãi lại anh được”. Khanh hì hì cười, hình như không cảm thấy xấu hổ gì khi được phong chức là “Anh chàng già mồm”. Nga muốn đặt cho Khanh biệt danh gì thì đặt, miễn Nga yêu chàng là đủ rồi.

Có một điều là Khanh không cách nào phá bỏ được cái “mặc cảm tội lỗi” của Nga như chàng vẫn huênh hoang tuyên bố. Bởi vì bao giờ cũng thế, kết thúc cuộc đi dạo, Nga đều thuyết phục Khanh cho bằng được để hai người bước vào nhà nguyện dòng Camêlô, ngôi nhà nguyện nhỏ nhắn, xinh xắn nằm nép mình dưới những bóng cây râm mát trên đường Cường Để; bên kia đường, xéo đi một chút là đại chủng viện Sài Gòn. Những cái tên “Nhà nguyện dòng Camêlô” và “Đại chủng viện Sài Gòn” là những tiếng rất lạ tai đối với Khanh, chàng vốn không phải là người Công giáo, mà cũng chẳng theo đạo nào cả. Hồi mới quen nhau, có lần Nga hỏi Khanh theo đạo gì, chàng thoáng bối rối, chẳng lẽ trả lời “không theo đạo nào cả” thì... mất điểm quá, cuối cùng chàng đáp lại bằng một câu vô thưởng vô phạt “Anh theo đạo ông bà!”. Nga bảo “Thế cũng tốt, Chúa dạy chúng ta phải thảo kính cha mẹ, tổ tiên”. Khi nói câu ấy, khuôn mặt Nga nghiêm cẩn, cung kính một cách dịu dàng và Khanh cảm thấy yêu cái dung nhan ấy quá.

Lần đầu tiên khi Nga chỉ cho Khanh cái cổng đại chủng viện Sài Gòn, chàng thấy đó là cả một thế giới kỳ bí. Thỉnh thoảng, có một vài thanh niên trạc tuổi chàng ra vào cái cổng ấy, dáng điệu nghiêm trang. Khanh hỏi Nga:

- Mấy anh chàng kia vô đó làm gì?

Không ngờ Khanh bị Nga “suỵt” cho một cái, nàng nói nhỏ, giọng kính cẩn:

- Đấy là các đại chủng sinh, các thầy tu ở trong đó, mai mốt thụ phong làm linh mục coi sóc con chiên.

“À thì ra đây là trường huấn luyện các ông cha”. Khanh nghĩ thầm trong bụng và chàng lấy làm lạ lùng vô cùng. Tại sao lại có những thanh niên trạc tuổi chàng có thể sống đời như vậy được. Thế giới bên ngoài không đủ sức hấp dẫn họ sao? Hay họ chán đời? Khanh hỏi Nga thì nàng đáp:

- Tại họ có lý tưởng và có ơn Chúa.

Câu trả lời của Nga chẳng thỏa mãn được chút nào thắc mắc của Khanh, nhưng qua cách nói và khuôn mặt của Nga, chàng đoán rằng vấn đề khá nghiêm chỉnh nên không dám đùa.

Để vào nhà nguyện dòng Camêlô, Nga dẫn Khanh bước lên những bậc cầu thang xây bằng xi măng. Không khí nhà nguyện thinh lặng làm cho lòng người ta lắng xuống. Nga đưa tay làm dấu Tháng Giá và vén vạt áo dài, quì xuống hàng ghế cuối cùng. Khanh ghé vào tai Nga, hỏi thầm:

- Anh làm cái gì bây giờ?

Nga trả lời thật ngắn:

- Ngồi chờ Nga.

Và nàng lại chìm đắm trong sự thinh lặng. Khanh có cảm tưởng Nga đã quên mất chàng để bước vào một thế giới nào khác, chàng đưa mắt nhìn quanh quẩn. Nhà nguyện tuy nhỏ, nhưng lối kiến trúc vẫn tạo cho người ta cái cảm giác đối diện với một cái gì vĩ đại, cao cả. Trên bàn thờ, những ngọn nến cháy, tỏa một chút ánh sáng vàng ấm áp, Khanh có cảm tưởng những ngọn nến ấy đã cháy sáng từ lâu lắm rồi và sẽ cháy mãi không bao giờ tắt. Thánh giá treo trên tường với tượng Chúa Cứu Thế bị đóng đinh trở thành một hình ảnh gần gũi với Khanh, dù rằng đây là lần đầu tiên Khanh có dịp ngắm kỹ hình ảnh ấy.

Một lúc khá lâu, Khanh thấy Nga lại đưa tay làm dấu Thánh giá, và nàng đứng lên, nắm tay Khanh, nói nhỏ:

- Em dẫn anh viếng tượng Thánh Thérèse.

Rồi cầm tay Khanh, Nga đưa chàng lên gần phía cung thánh. Ở đấy, có một hộp kính lớn và dài. Khanh giật mình vì trong ấy có dáng người nằm, nhưng rồi chàng trấn tĩnh lại ngay khi nhận ra đó chỉ là một bức tượng. Vì đã được Nga nói trước, Khanh biết đó là tượng Thánh nữ Thérèse. Thánh Nữ nằm trong tư thế an bình, hai tay chắp trước ngực, ôm lấy tượng Thánh giá, khuôn mặt xinh đẹp và tươi tắn, trên mình Thánh nữ phủ những đóa hoa hồng. Nga lại nghiêm cẩn làm dấu Thánh giá, nàng lẩm nhẩm đọc kinh gì đó Khanh không biết. Chẳng biết làm gì, Khanh đứng ngắm tượng Thánh Nữ, thấy không kém gì hình ảnh “Bạch Tuyết”hay “Công chúa ngủ trong rừng”, những hình ảnh nhiều màu trong các cuốn sách Pháp đã một thời khiến tuổi thơ chàng ngây ngất.

Trên đường trở về trường, Khanh có cảm tưởng như đang đi cạnh một vị thánh thực sự. Chàng không ngờ được tôn giáo lại có ảnh hưởng mạnh mẽ trên tâm hồn người ta đến thế. Nga kể cho Khanh nghe cuộc đời của Thánh nữ Thérèse, vị nữ tu trẻ tuổi, xinh đẹp, yêu Chúa nồng nàn, suốt cuộc đời được dệt bằng lời cầu nguyện, chiêm niệm và những hy sinh. Nga cũng cho Khanh biết nàng chọn Thánh Thérèse làm bổn mạng và ao ước được giống như Thánh Nữ. Nghe như vậy, Khanh không tránh khỏi một câu nói đùa:

- Giống thế nào cũng được, càng nhiều càng tốt. Có một điều là Nga đừng bỏ anh, vào nhà dòng mất tiêu.

Nga cười thật xinh:

- Nếu chưa gặp anh thì cũng dám lắm. Nhưng nay thì... lỡ rồi. Nga bỏ anh cho ai bây giờ!

Qua lần đầu tiên ấy, không khí nhà nguyện trở nên quen thuộc và thân mật đối với Khanh. Sau những buổi đi dạo, nhiều khi Khanh nhắc Nga viếng nhà nguyện dòng Camêlô trước khi nàng ngỏ ý. Không phải Khanh muốn lấy lòng Nga khi nhắc nàng điều ấy. Nhưng thực sự Khanh khám phá ra ở Nga một vẻ đẹp tuyệt vời khi nàng quì nghiêm trang cầu nguyện, một vẻ đẹp mà nàng không có trong những lúc khác. Khanh cũng được lợi một điều khi biết Thánh bổn mạng Nga là Thérèse, mỗi khi nàng bực mình cáu kỉnh, Khanh thường nói:

- Em không giống Thánh Thérèse rồi.

Những lúc ấy, trăm lần như một, Nga đều dịu lại để trở nên hiền lành, dễ thương...

Năm ấy, vào một ngày trung tuần tháng Chín, buổi chiều vừa lấy thẻ sinh viên ở văn phòng nhà trường ra, Khanh rủ Nga:

- Đi ăn kem Phương Lan với anh, nhé.

Nga mê ăn kem dễ sợ, bao giờ Khanh rủ đi ăn kem, nàng đều reo lên, hớn hở như trẻ con. Nga có cái thú ngồi trên lầu quán kem Phương Lan, gọi những ly kem không có trong thực đơn, nghĩa là nàng bắt nhà hàng phải pha chế thứ kem này với thứ kem khác theo ý thích của nàng. Vì Nga là khách quen, vả lại nàng lại xinh quá, nên chủ quán luôn luôn chiều ý nàng, mặc dù nhiều khi những ly kem nàng gọi rất oái oăm, phức tạp. Thế nhưng lần này Nga không vồn vã mấy, nàng bảo:

- Đi chứ ! Nhưng lại đằng này với em trước đã.

Khanh hơi ngạc nhiên. Leo lên xe, Nga bảo Khanh đi thẳng đường Cường Để đến nhà nguyện dòng Camêlô. Vừa dựng xe, chưa bước chân lên những bậc thang xi măng, Khanh đã cảm thấy một không khí khang khác, có những tiếng chân đi lại và tiếng cười nói. Khanh quay nhìn Nga dò hỏi, nhưng nàng không trả lời, vội vã kéo tay Khanh và nói:

- Nhanh lên đi anh, không có hết.

Vừa bước hết những bậc thang, Khanh đã thấy có nhiều người trước cửa nhà nguyện, một chiếc bàn con đặt ở đó và một vị nữ tu trọng tuổi nhưng tươi tắn đang ngồi ghi chép, trước mặt bà là một hàng người đứng nối đuôi. Nga vội vã kéo Khanh vào đứng cuối hàng. Không khỏi thắc mắc, Khanh hỏi:

- Mình làm gì thế, Nga?

Bây giờ Nga mới trả lời:

- Em đặt hoa hồng.

Và nàng giải thích:

- Sắp đến tháng Mười, nhà dòng mừng lễ kính Thánh Thérèse. Dịp lễ này, các sơ làm những hoa hồng vải, để lại cho giáo dân. Ngày lễ, Cha sẽ làm phép hoa hồng cho mình đem về làm kỷ niệm. Muốn có hoa, phải đặt trước từ bây giờ, ai đến chậm thì hết, vì số hoa hồng các sơ chỉ làm có hạn.

Rồi nàng khoe:

- Các sơ khéo tay lắm. Anh xem...

Vừa nói, Nga vừa chỉ lên trên tường nhà nguyện. Lúc đó Khanh mới để ý tới những chùm hoa hồng kết rất mỹ thuật, trang hoàng trên các bức tường nhà nguyện, những bông hoa nhỏ xinh xắn, đẹp như những chùm tường vi thật, làm khung cảnh nguyện đường tươi mát hẳn lên. Những cánh hoa vải chồng lên nhau thật tinh vi, khéo léo. Khanh buột miệng khen:

- Đẹp thật!

Và chàng hỏi Nga:

- Hoa này không bán ở ngoài, phải không?

Nga đáp:

- Vâng, mồi năm các sơ chỉ làm một lần thôi, và chỉ để lại cho những giáo dân đến viếng nhà dòng.

Đến lượt Nga, nàng nhỏ nhẹ nói với vị nữ tu:

- Sơ để cho con mười hai bông, sáu bông hồng, sáu bông trắng.

Vị nữ tu mỉm cười ghi chép, trong khi Nga mở ví lấy tiền. Khi ngẩng lên, bà cầm tay Nga, ân cần hỏi:

- Con khỏe chứ? Còn giữ ý định vào nhà dòng không?

Nga mỉm cười không nói, nàng liếc nhìn Khanh, khuôn mặt đỏ hồng vì xấu hổ. Vị nữ tu hiểu ý, bà nói:

- Sơ chúc con hạnh phúc.

Và bà tiếp:

- Ở hoàn cảnh nào, con cũng có thể sống tốt đẹp như Thánh Thérèse được.

Nga nhỏ nhẹ:

- Sơ cầu nguyện cho con nhé.

- Dĩ nhiên con ạ. Sơ luôn luôn cầu nguyện cho con.

Lễ Thánh Thérèse năm ấy, Khanh dự lễ cùng với Nga. Ngôi nhà nguyện nhỏ bé chật ních những người. Đại ca đoàn chủng viện Thánh Giuse mặc áo trắng rộng tay, xếp hàng đi sang nhà nguyện. Trong thánh lễ, ca đoàn hát những bản thánh ca thật uy nghi, và đây là lần đầu tiên Khanh cảm nhận được giá trị những bản Thánh ca Công giáo.

Tan lễ, khi ra về, Nga trao cho Khanh một bông hồng, nàng nói:

- Mọi năm, em chỉ tặng hoa cho mẹ và các bạn cùng mang tên Thánh Thérèse như em. Năm nay có thêm anh. Em muốn anh giữ hoa này, trân trọng, như chúng ta đã cùng trân trọng giữ tình yêu chúng ta dành cho nhau.

?

Tháng Mười của Hoa Hồng Nhà Kín đã cùng với những ngày tháng đẹp đẽ khác qua đi, và người tặng hoa thì không bao giờ trở về với Khanh nữa. Người nữ sinh viên Văn khoa dịu dàng, tươi tắn ấy đã đi vào cõi sống đời đời.

Nga chết giữa ngày miền Nam hấp hối, chết nhanh chóng, bất ngờ. Trước đó vài ngày hai người còn gặp nhau. Trong cơn hốt hoảng của thủ đô, hai người đã cố tạo cho mình một vài giây phút tĩnh lặng của tâm hồn. Khanh đưa Nga dạo hết quãng đường Cường Để, đi ngang qua trường Nông Lâm Súc, Văn khoa, trường Dược, băng qua đường Thống Nhất ngược về phía Dòng Kín. Hôm ấy lá rơi nhiều quá, cả những chiếc lá còn xanh cũng tự nhiên rơi rụng. Những chiếc lá bám lên tóc Nga và nàng để mặc không gỡ xuống.

Sau một lúc yên lặng khá lâu, Khanh hỏi:

- Em có ý định gì không?

Nga hiểu ý, nàng khẽ lắc đầu:

- Không, anh ạ. Thực ra em có phương tiện ra đi, nhưng em thương khung cảnh thành phố này quá. Em được sinh ra và lớn lên ở đây, thở hút không khí ở đây. Em thuộc về thành phố này, và thành phố này là của em. Em cũng không thể đi được, vì em yêu anh quá.

Khanh thực tình xúc động vì câu nói của Nga, trong trái tim chàng chấp chới dâng lên một tình cảm mãnh liệt khiến chàng gần như nghẹt thở. Chàng đưa tay nắm lấy bàn tay Nga và cảm thấy Nga dịu dàng đan những ngón tay thon nhỏ của nàng vào những ngón tay của chàng. Rất lâu, Khanh mới nói:

- Phần anh, anh cũng sẽ không đi đâu cả. Ở đây có em và có kỷ niệm.

Chàng nói xong câu đó và chợt cảm thấy buồn. Một linh tính nào đó cho Khanh biết chàng chỉ còn kỷ niệm chứ không còn Nga. Tuy nhiên chàng không dám nói ra điều ấy.

Hai người đến chân cầu thang nhà nguyện dòng Camêlô. Không ai nói với ai mà cả Khanh và Nga đều ngừng lại một chút trước khi đặt chân lên những bậc thang xi măng. Khanh đưa tay đẩy nhẹ cánh cổng nguyện đường khép hờ hững và cả hai bước vào bên trong. Không khí trầm hẳn xuống với sự thinh lặng cố hữu. Nhà nguyện hình như cách biệt hẳn với thành phố xáo trộn và căng thẳng bên ngoài. Hai ngọn nến trên bàn thánh vẫn cháy một cách bình tĩnh. Tượng Chịu Nạn trên tường với hình Chúa Cứu Thế chịu đóng đinh hình như đã hiện diện ở đó lâu lắm rồi và sẽ còn hiện diện ở đấy mãi. Bất chợt, Khanh nhớ lại một câu nói của Nga, một lần nào đó Nga bảo chàng: “Tình yêu và ơn Cứu Độ của Chúa không bao giờ ngưng đổ xuống cho con người”. Nga quì bên cạnh Khanh, nàng bất động như một pho tượng. Nhưng bất chợt, Khanh nhận thấy hai giọt nước mắt trong, chảy ra từ khóe mắt Nga và lăn dài trên hai gò má, sau cái chớp mắt nhẹ của nàng.

Khanh ghé tai Nga thì thầm:

- Em sao thế?

Nhưng Nga chỉ lắc đầu và trả lời:

- Em không sao cả.

Hai người đứng lên tiến về bên cạnh bàn thánh, viếng tượng Thánh nữ Thérèse. Thành kính chiêm ngắm tượng Thánh Nữ, bỗng dưng Khanh có cảm tưởng một ngày nào đó, chàng sẽ viếng Nga giống như thế này. Điều ấy làm Khanh rùng mình, lo sợ.

Khanh đưa Nga về căn gác gỗ nhà chàng, căn gác nhỏ vì đầy những sách vở. Mỗi lần đến, Nga thường trách nhẹ chàng sống mất trật tự quá và nàng lại xăn tay áo thu dọn, xếp đặt. Khanh sung sướng vì được trách móc và săn sóc. Cuộc đời chàng thiếu những bàn tay săn sóc đã lâu rồi.

Nhìn bông hoa hồng vải cắm một cách trang trọng trong bình pha lê để trên bàn, Nga có vẻ vui, nàng hỏi Khanh:

- Anh yêu em không?

Khanh nắm bàn tay Nga, chàng nói nhỏ:

- Nhiều lắm.

Nga khép nhẹ đôi mi, môi nàng hé nở, thì thầm:

- Hôn em đi.

Khanh ôm lấy bờ vai Nga, chàng cúi xuống hôn lên hai bờ môi mọng chín, say đắm và trang trọng. Cũng lạ, hai người quen nhau và yêu nhau lâu lắm rồi, vậy mà đây là lần thứ nhất hai người hôn nhau.

Và đó cũng là nụ hôn cuối cùng. Khi đoàn quân phương Bắc, trong niềm vui điên cuồng và man dại ngồi trên những chiếc Molotova và xe bọc sắt tiến qua cầu xa lộ vào thủ đô Sài Gòn, họ đã bắn bừa bãi mừng chiến thắng, bất kể những viên đạn của họ trúng vào đâu, vào vật hay người nào. Và một trong những viên đạn vô tình đó đã bắn trúng người em Thánh nữ Thérèse. Nga đang ngồi trong nhà với những người thân trong gia đình, viên đạn ghim vào ngực nàng như được nhắm bắn trúng mục tiêu, trong khi những người chung quanh không hề hấn gì.

Khanh được người nhà của Nga báo tin ngay. Sài Gòn đang trong cơn náo loạn, đường phố la liệt những vật dụng cản đường, những xe cộ vất ngổn ngang, những áo quần, đồ đạc và những xác chết. Khanh đã không nhớ được chàng làm cách nào để vượt qua những chướng ngại đó. Chàng chỉ biết rằng khi đến được nhà Nga, ào vào nhà như một cơn lốc, thì đã thấy Nga nằm ngay ngắn trên chiếc giường trải khăn trắng. Khuôn mặt nàng còn tươi tắn như khi còn sống, đôi mắt nàng khép kín và bời môi hơi hé mở. Khanh nhớ cách đây mấy hôm, đôi mắt ấy cũng khép hờ như vậy và đôi môi ấy đã mở ra đón nụ hôn của chàng. Mẹ và những người em của Nga đã lấy tất cả những bông hồng của Nhà Kín họ có trong bao nhiêu năm nay trải trên thân xác nàng. Trái tim Khanh như muốn vỡ ra, chàng thấy Nga giống Thánh Thérèse quá và chợt nhớ rằng lần hai người viếng nhà nguyện Dòng Kín lần cuối cùng, chàng đã có cảm giác một ngày nào đó sẽ đến viếng Nga giống như đến viếng tượng Thánh nữ. Chuyện bây giờ xảy ra đúng như thế. Khanh thấy mằn mặn ở bờ môi, đã lâu lắm rồi chàng mới khóc.

Đám tang Nga được tổ chức một cách vội vã trong khung cảnh một thành phố mới đổi chủ. Gia đình nàng cùng một số người rất thân đưa nàng đến nơi an nghĩ cuối cùng. Khi quan tài đã được đưa xuống lòng đất sâu. Những người chung quanh huyệt ném những đóa hoa và những hòn đất xuống, như một cử chỉ tiễn biệt cuối cùng. Khanh rút trong túi áo ra Bông Hồng Nhà Kín, mà một ngày tháng Mười năm nào đó Nga đã tặng, chàng định ném bông hồng xuống huyệt, nhưng không hiểu nghĩ sao, chàng lại thôi, với tay lấy một bông hoa khác ném xuống. Khi đó, trong trái tim Khanh thì thầm những lới với Nga:

“Cho phép anh giữ lại bông hồng này như giữ lại mãi hình ảnh người em Thánh nữ Thérèse. Hãy bắt chước chị Thánh, Nga ạ, để làm mưa những bông hoa hồng ơn phúc Chúa xuống cho những người thân, ít là cho anh, người đã từng được em trao tặng bông Hoa Hồng Nhà Kín ngày em còn sống, và đã được em dạy phải trao những đóa hồng yêu thương cho cuộc sống, cho tha nhân. Anh sẽ làm điều đó, mãi mãi trong cuộc đời anh. Nhưng hãy làm mưa thêm hoa hồng cho anh, vì anh biết trong hoàn cảnh mới, một hoàn cảnh được trang bị bằng những hận thù và đấu tranh, việc tặng hoa hồng yêu thương cho người khác không phải là điều dễ thực hiện”.


Quyên Di
Image

User avatar
tieuvuvi
Posts: 2822
Joined: Sun Nov 26, 2006 1:29 pm
Been thanked: 3 times
Contact:

Post by tieuvuvi »

Image Khi chiến tranh tàn, tình thế càng ngày càng hỗn loạn. Biết bao gia đình lâm vào cảnh lý tán, sống không có ngày mai. tương lai mù mit...

Những tháng ngày sau đó là những chuỗi ngày sống trong cơ cực đầy khủng hoảng. Có một cô bé từ một "vị tiểu thơ " đài các đã bắt đầu nếm hầu hết các mùi vị khổ đau .Trên đôi vai gầy bé nhỏ, cô bé đã gánh vác cả gia đình thay mẹ nuôi, dạy dỗ, chăm sóc các em trong nhũng ngày tháng mà mẹ cô bé, vì đau thương quá độ sau lần thăm nuôi ba cô bé lần đầu tiên, đã ngã bệnh và phải nằm chữa trị ở viện lao Hồng Bàng . Với cái tuổi chưa tròn trăng mười sáu đầy thơ mộng, cô bé đã thay ước mơ mình bằng nước mắt, mồ hôi và buồn tủi...

Có một chiều lang thang trên phố phường Sàigòn để đi giao hàng, cô bé đã lạc đến một ngôi nhà nguyện nhỏ trên đường Cường Để. Cô bé nhớ hôm đó ngoài trời mưa tầm tả. Cơn mưa đầu tháng 10 có gió heo may se lanh. Mưa rơi mịt mù, khiến cô bé không tài nào đạp xe nổi, tim cô bé bắt đầu nghe nhói đau. Mình không thể ngất được. Cô bé ghé vào bên đường trú mưa. Bỗng cô bé thấy một ánh sáng dịu dàng phát ra từ một cánh cửa hé mở rất nhỏ...Từ trong vang những lời thánh ca thanh thoát. Hiếu kỳ cô bé khoá xe đap vào cột đèn rồi đẩy cửa bước vào...Thi ra đây là một nhà nguyện nhỏ. Cô bé vội làm dấu thánh giá và đi dần về cung Thánh...Những ngọn nến vàng cho cô bé có một cảm giác ấm áp. Nhìn lên tượng Chúa khổ nạn bao nhọc nhằn mệt mỏi của cô bé như dần tan biến hết. Cô bé bỗng chú ý đến một hộp bằng kính chứa một bức tượng một vì thánh nữ với gương mặt đẹp hiền hoà. Chung quanh người và bàn thánh đều đầy hoa hồng...Chưa bao giờ cô bé lại thấy hoa hồng nhiều như thế. Khung cảnh nhà nguyện giữa tiếng hát của các soeur sau bức màn, ánh trầm hương lung linh, một rừng hoa hồng...làm cho cô bé thấy mình như lạc vào hư ảo, một cõi vô thường bình yên. Cô bé thấy tâm hồn được bình an. Cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa cô bé và thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu là như thế đó...

Từ buổi chiều hôm ấy, ngày nào đi giao hàng về phía đường Thống nhất, cô bé đều đạp xe ghé đến nhà nguyện. Soeur lo nhà nguyện đã quen bóng hình người con gái quỳ mỗi chiều dưới chân tương thánh nữ. Rồi năm qua tháng lại, cô bé cao hơn một chút, mái tóc dài hơn một chút nhưng cô bé vẫn quỳ tại nơi đó dù trời nắng hay mưa...

Rồi một ngày cô bé xin gặp mẹ Bề Trên vì cô bé muốn khoác chiếc áo dòng tu kín như Thánh Nữ. Mẹ Bề Trên đã quan sát và nghe tâm sự của cô bé mấy năm liền. Cô bé có một tấm lòng bác ái và hy sinh cao, lúc nào củng sống cho người và vì người. Tuy sức khoẻ cô bé mong manh nhưng cô bé ngoài việc học, phụ lo cho gia đình, cô bé còn để giờ rãnh của mình để lo cho các em cô nhi và các em khuyến tật. Mẹ Bề Trên muốn cô bé suy nghĩ thêm một năm nữa...

Nhưng thánh ý Chúa lại muốn cô bé tiếp tục ở ngoài đời làm khí cụ bình an của Chúa. Trước ngày cô bé rời xa quê nhà cô bé đã ở thật lâu với thánh nữ. Me Bề Trên đã tặng cho cô bé một đoá hồng vàng bằng vải và nói với cô bé rằng : "Hãy đem đoá hồng tình yêu của Chúa đến cho mọi người..."


Tiểu Vũ Vi


Image
Last edited by tieuvuvi on Mon Dec 18, 2006 1:26 pm, edited 1 time in total.
Image

User avatar
tieuvuvi
Posts: 2822
Joined: Sun Nov 26, 2006 1:29 pm
Been thanked: 3 times
Contact:

Post by tieuvuvi »

Image


GOLD GLOW
Image

User avatar
tieuvuvi
Posts: 2822
Joined: Sun Nov 26, 2006 1:29 pm
Been thanked: 3 times
Contact:

Post by tieuvuvi »

Image


Đóa Hoa Hồng


Thưa đây một đóa hoa hồng
Và đây một án hương lòng hoang vu
Đầu bù trở lại kinh đô
Tơ vương chín mối sầu cho một lòng.
Tình tôi như đóa hoa hồng
Ở mương oan trái, trong lòng tịch liêụ
Kinh đô cát bụi bay nhiều
Tìm đâu thấy một người yêu hoa hồng?



- Nguyễn Bính -
Last edited by tieuvuvi on Sun Aug 26, 2007 3:28 pm, edited 1 time in total.
Image

User avatar
tieuvuvi
Posts: 2822
Joined: Sun Nov 26, 2006 1:29 pm
Been thanked: 3 times
Contact:

Post by tieuvuvi »

Image


Hoa Hồng Lễ Tình Yêu



Nàng tên Hồng yêu loài hoa màu đỏ
Nữ sinh viên còn trong trắng thơ ngây
Một chiều xuân bỗng có một chàng trai
Đến tỏ tình với cánh Hồng tươi thắm
Nàng cảm động mối tình đầu thơ mộng
Trái tim non nguyền chung thuỷ suốt đời
Anh là người em yêu mãi anh ơi
Và trung thành trọn đời em xin hứa
Vào ngày Lễ Tình Yêu mùa Xuân đó
Một bó hồng được gởi đến nhà nàng
Kèm thiệp Tình Yêu viết bởi tay chàng
Hoa khoe sắc giữa ngày xuân tươi mát


Rồi quê hương bỗng vang rền súng giặc
Xếp bút nghiên theo tiếng gọi lên đường
Ngày tòng chinh chàng từ giã người thương
Sau những tháng quân trường, ra biên aỉ
Trước khi lên đường, lòng trai hăng hái
Chàng dến tìm chủ nhân của tiệm hoa
Trả trăm lần, trước khi bước đi xa
Viết trăm thiệp và dặn dò chủ tiệm
Thời loạn ly, người đi trong chinh chiến
Hẹn ngày đi, ai hẹn dược ngày về!
Những chiến công hiển hách với lời thề...
Rồi chàng hy sinh nơi miền biên aỉ
Nàng đau đớn muốn chết theo, nhưng ngại
Không còn ai để nuôi nấng song thân
Mộ của chàng nàng xây tại đồi thông
Và đến trồng những hoa hồng tươi thắm
Cuộc đời trôi với chuỗi ngày cay đắng
Mùa Xuân sau vẫn trong lửa chiến tranh
Lể Tình Yêu tiệm hoa gởi đến nàng
Bó hoa hồng với thiệp yêu chàng viết
Rằng anh yêu em nhiều hơn năm trước
Cách âm dương không cách được ân tình
Nàng đinh ninh chàng đã lỡ đặt tiền
Trước ngày lên đương đi ra chiến trận
Nhìn những hoa hồng với bao trân trọng
Kỷ niệm xưa đầy luyến tiếc, nhớ nhung...
Nàng nâng niu để bên cạnh chân dung
Của người chồng chưa bao giờ được cưới
Nhìn lưu luyến hoa tình yêu lần cuối .
Nhưng năm sau cũng vào lễ Tình Yêu
Một chiều xuân, chim hót, gió hiu hiu
Nàng cô đơn trong một căn nhà nhỏ
Ôn kỷ niệm với bao nhiêu gắn bó
Bỗng tai nghe tiếng cửa gõ bên ngoài
Người giao hoa hồng mang đến tận tay
Kèm với thiệp Anh Yêu Em trìu mến
Nàng sững sờ hỏi người giao hoa đến
Được trả lời rằng trước lúc lên đường
Người yêu đặt hoa cho một trăm lần
Và trăm thiệp Anh Yêu Em mãi mãi
Nàng mở thiệp có thư tình để lại
Em yêu ơi một năm đã trôi qua
Âm dương bây giờ hai đứa cách xa
Anh hiểu nỗi cô đơn và đau khổ
Tình của anh vẫn không hề thay đổi
Không lời nào tả nổi được lòng anh
Anh muốn em hạnh phúc ở trần gian
Nên đặt hoa mang tên Em yêu mến
Mỗi độ Xuân về lễ Tình Yêu đến
Em cứ ở nhà để đón nhận hoa
Nhớ những ngày kỷ niệm của đôi ta
Mỗi bó hoa giao đúng ngày lễ đó
Chỉ tới khi nào cửa người ta gõ
Không ai trả lời, họ mới ngưng giao
Họ đến ba lần nếu chẳng thấy ai
Thì họ sẽ theo lời anh ghi rõ
Mang bó hồng lên đỉnh đồi hoa đỏ
Nơi ta bên nhau như cặp vợ chồng
Anh yêu Em nên anh thích hoa Hồng.


.....................


Bao nhiêu năm sau cuộc chiến đã tàn
Có dịp dừng chân bên đồi hoa đỏ
Đọc chuyện hai người khắc trên đôi mộ
Tôi chạnh lòng viết nên một bài thơ
Vào ngày đầu Xuân nhân Lễ Tình Yêu



Tân Văn
Valentine Day
Image

Post Reply