Tạp Ghi , Chuyện Phiếm , Chuyện Vui Hàng Ngày

Cho đuổi mèo, mèo rượt chuột, chuột sa chỉnh gạo, gạo tải vô xe... thế rồi... xe cán chó!!!

Moderators: CNN, khieulong

User avatar
dodom
Posts: 2724
Joined: Fri Nov 28, 2008 8:38 pm

Post by dodom »

Văn hóa cạn chén !

Image

…Buồn như ly rượu đầy
không có ai cùng cạn;
Buồn như ly rượu cạn
không còn rượu để say…
(“Buồn” – Y vân)
Ngòai cái tên tựa mà tôi tạm thời chọn cho bài này, “Văn hóa cạn chén” (the ‘bottom-up’culture), còn có muôn vàn tên từ phàm tục, bình dân giáo dục cho đến thi vị, bi tráng để gọi một vấn đề (hay một tệ nạn xã hội) - uống rượu: ăn nhậu, nâng ly, cụng ly, cạn ly, nhâm nha, lai rai, tiến tửu, nghinh tửu…

Cạn chén là một “bộ luật bất thành văn” duy nhất của xã hội Việt Nam hôm nay được áp dụng rất “nhất trí.” Từ cấp lãnh đạo nhà nước, cơ quan chính quyền cho đến xí nghiệp tư nhân, tiệc tùng ăn nhậu gần như là một nghi lễ bắt buộc khi tiếp quan khách cấp bậc nhà nước hoặc tiếp các đối tác thương mại… Không có ăn nhậu được hiểu là “không phải phép,” “không biết điều,” “không rượu không phải lễ (vô tửu bất thành lễ’),” “khó chơi,” “chơi không vô…”

Lần đầu về thăm Việt Nam sau gần 30 năm, khi tiếp xúc với thân nhân, bạn bè, người nào cũng than vãn là: “cuộc sống quá khó khăn,” “làm không đủ sống,” “gạo châu củi quế…” nhưng tôi lấy làm ngạc nhiên khi nhìn thấy từ thành phố lớn cho đến thôn quê, từ đường phố lớn đông người chen chúc cho đến ngoại ô xa xôi vắng vẻ, từ nhà hàng sang trọng máy lạnh cho đến quán cóc xiêu vẹo lôi thôi nhếch nhác vỉa hè, khi chiều tối vừa lên đèn là đã đầy nghẹt khách nhậu!!! Tôi có đem chuyện vô số các quán nhậu đầy khách ra hỏi một đồng môn cũ hiện đang làm việc cho một ngân hàng ở Sài gòn, thì người bạn trả lời là:

“Ông nói đúng. Mỗi buổi chiều tan sở, có ít nhất 5 hay 6 nơi mời tôi đi nhậu. Tôi phải lựa chọn một chỗ ngon lành và tốt nhất để nhậu mỗi ngày. Mà nè! Ở thời buổi ‘đổi mới’ bây giờ, nói không quá, không nhậu không thể làm việc được; bởi vì các vụ làm ăn, trao đổi, ký kết, quyết định của cơ quan chính quyền cũng như cơ sở dân sự thương mại đều ‘xử lý’ không phải ở trong văn phòng; mà trên bàn nhậu!”

Trời đất! Ở Mỹ này, Các nhà lãnh đạo chính phủ cũng như xí nghiệp tư họp bàn và quyết định mọi chuyện khi đầu óc họ tỉnh táo, thông thoáng mà còn đôi khi còn bị sai lầm đổ vỡ; vậy mà ở nước ta “mọi quyết định quan trọng” đều xẩy ở trên bàn nhậu khi các người can dự đều say khướt nôn ọe thì đất nước này sẽ đi về đâu? Có lẽ chỉ có một con đường rõ ràng nhất có thể nhìn thấy là sẽ xuống hố cả nút… xã hội mỗi ngày mỗi băng hoại hôi hám như những bãi ói mửa quanh bàn nhậu…

Cạn chén, cạn ly, ăn nhậu, hũ chìm, hũ nổi… đó là chuyện bình thường ở Việt Nam (!) Cán bộ có nhiều tiền, nhàn rỗi không sợ mất việc thì nhậu đã đành; Anh thợ hồ cũng nhậu, anh xe ôm cũng nhậu; Có bằng đại học cũng nhậu, công nhân tép riêu cũng nhậu; Người dở người giỏi đều nhậu; Phụ huynh người lớn nhậu, các em tuổi học sinh bắt chước nhậu, không uống được mười phần (như bố) thì cũng được hai ba phần là tốt rồi; Chuyện nhậu không còn dành riêng cho nam giới “hữu phong” mà phụ nữ con gái cũng theo chồng, theo con, theo bạn nhậu quắc cần câu… Trên bàn nhậu thấy có mặt đủ mọi thành phần, mọi giới, mọi trình độ… và nhậu với mọi “lý do.” Bạn bè gặp nhau (không nhất thiết phải là lâu ngày và tại sao) là phải nhậu… nhậu “giao lưu,” nhậu “kết nghĩa,” nhậu “trước lạ sau quen...” Ma chay, cưới hỏi, giỗ chạp, lễ hội, đại hội, hội nghị, đình đám, khởi hành, khai trương là phải có nhậu… Cứ nhậu trước rồi tính sau. Ông Nguyễn Hiến Lê trong tập “Hồi ký Nguyễn Hiến Lê” đã kể chuyện một ngôi làng ở miền bắc chỉ họp nhau đào một cái giếng nước nho nhỏ thôi; vậy mà từ lúc bắt đầu khởi công đến khi hòan thành giếng nước, dân làng đã tổ chức nhậu liên tiếp từng chặng một, đánh chén hết tổng cộng 42 con heo (?)… Thiệt tình văn hóa ăn nhậu của nước ta đã đến mức siêu đẳng…. Một hai ba cả nuớc chúng ta cùng nhậu, cùng nhau “liên hoan” mệt nghỉ cho tới ngày xuống hố một lượt cho tiện s sách… Chuyện đáng buồn là ở Việt Nam, nhậu còn được xem là một lợi thế thăng tiến trên đường công danh (?) Nhiều sếp lớn của cơ quan nhà nước cũng như xí nghiệp cần tuyển người “nhậu giỏi” để làm phụ tá giúp mình “uống” trong các buổi nhậu giao tiếp… hãi thật!

Theo thống kê của Bộ Y tế Việt Nam (?) (dân tị nạn “phản động” ở hải ngọai nên biết là cái “Bộ chuyên môn” này đã có một lúc - những năm 1980’s - nhà nước siêu việt của ta gọi là “Bộ Các Thứ Bệnh” cho nó “ăn theo” với “Xưởng Đẻ “ và “Nhà ỉa...” Sau đó vì bị dân chúng cười chế nhạo quá xá, nhà nước phải đổi tên lại cho “hoàn chỉnh” là “Bộ Y Tế”) mỗi năm cái quốc gia “ra ngõ đã thấy anh hùng” tiêu thụ khoảng 350 triệu lít rượu, trong đó 90% sản lượng là rượu nấu thủ công. Nên biết danh từ “rượu nấu thủ công” để chỉ Rượu Trắng (còn được gọi nhiều tên khác nhau như: Rượu Đế - rượu trắng nấu lậu trốn thuế được đem đi dấu ở các bụi cỏ lau, cỏ năng, cỏ đế khi bị “Tây đoan” (một lọai cảnh sát của thực dân Pháp chuyên đi bắt rượu lậu) lùng bắt; Rượu Ngang – rượu lậu phải đi tắt về ngang để đem bán; Rưọu Quốc Lủi – bán lậu như con cuốc trốn lủi trong bụi, trái nghĩa cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng với “Rượu Quốc Doanh” của nhà nước…) Cứ tạm cho là thống kê của “Bộ Các Thứ Bệnh” (chắc chắn phải kể cả bệnh nhậu! và bệnh teo não!) nhà nước ta đúng thì trung bình dân tộc Việt Nam anh hùng tính đổ đầu từ già cho đến sơ sanh nốc cạn chai trên 3 lít rượu trắng mỗi năm (?) Úi chà chà! Thế có chết người không?

Không phải chỉ nốc rượu vào dạ dày là xong đâu. Uống rượu thì phải có “mồi” chứ ai mà uống rượu xuông? Chả thế mà các tiệm nhậu, ở mọi nơi, mỗi ngày sáng chế ra thêm nhiều món thực đơn nhậu từ phong phú đến kinh hãi: “đặc sản” thịt rừng (nai, heo rừng, cá sấu…), thịt chuột, cóc, nhái, ếch, lươn, rắn, thỏ, đuông, cua đinh, bọ cạp… Rừng Việt Nam càng ngày càng ít đi vì bị tàn phá khai thác không luật lệ, không nương tay thì lấy đâu ra “đặc sản” “hương vị quê hương” cung cấp cho hàng hà quán nhậu mỗi ngày đều đặn như thế… Ai có đủ khả năng phân biệt thật hay giả? Mà đã không có ai kêu ca than phiền gì về chuyện “đặc sản” thật hay giả thì thắc mắc làm gì cho mất thời giờ nhậu quí báu… Cộng thêm các tên gọi mênh mông tình dân và đậm đà thói đảng như: “món ăn ba miền,” “nước mắt quê hương,” “thịt bò tùng xẻo,” “ngọc dương tiềm thuốc bắc,” “cá sấu hoa cà,” “cá kèo nướng mọi,” “sò huyết rang me,” “gà quay lu ketchup, “dựng bò nấu bia,” “ngầu pín xắt lát…”

Rượu bia làm gan, dạ dầy, tim mạch, lục phủ ngũ tạng “banh ta lông” hết trơn hết trọi. Rượu làm thần kinh rối lọan, tâm thần như đang treo ngược trên cành cây - Không biết đầu mình đang đội trời hay đầu đang đội đất??? Đâu có ai buồn để ý đến hậu quả tai hại của việc uống rượu uống bia. Mới 30 tuổi đầu, giữa ban ngày ban mặt đã lăn đùng ra chết vì bệnh gan; hoặc đột ngột “tạ từ trong đêm” vì tim ngừng đập (“cardiac arrest”, hay là bị “thương mã phong?” Chỉ có trời biết). Rồi gia đình bợm nhậu quá cố đưa tin là bợm chết vì xui xẻo, trúng gió? (Gió “lào?”) Chưa tới 50 tuổi đã đột qụy tai biến mạch máu não, tàn phế vĩnh viễn. Đất nước còn trông mong vào sức lực và trí óc ở đâu ra để sản xuất, để thăng tiến giầu mạnh… Men rượu còn làm thay đổi cả cá tính con người, làm mất đi sự đàng hòang sự kính trọng. Rượu vào lời ra làm bạn nhậu gây gỗ thanh toán chém giết lẫn nhau; Rượu gây xâm phạm tình dục, bạo hành gia đình (say rượu đánh vợ đánh con dã man, vợ chém chồng …) tan hoang cửa nhà sau khi say xỉn; Chạy xe gây tai nạn lưu thông chết người cũng vì say xỉn… Những tệ nạn này các thơ phú văn chương lãng mạn; những tập phim bộ, phim kiếm hiệp bi tráng đâu có nhắc đến… Thật vậy. Thơ nhạc lãng mạn đã tạo nên những hình ảnh nam nhi với thần thái hào sảng uống rượu như nước lã; khác hẳ n đời sống thực tế của con người phàm tục say rượu, ói mửa, phờ phạc, mệt mỏi, mất hồn…

Đầu tiên hãy thử nghe ông thi sĩ Vương Hàn (xì thẩu này chỉ là quan văn), trói gà không chặt, còn mơ ngủ ngay trong ban ngày trời sáng, của thời thịnh Đường (thế kỷ thứ 8 sau Công Nguyên) ca ngợi sự bi tráng của chiến sĩ uống rượu trước khi ra trận như sau:

Bồ đào mỹ tửu dạ quang bôi
Dục ẩm tỳ bà mã thượng thôi
Túy ngọa sa trường quân mạc tiếu
Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi.
(Lương Châu Từ - Vương Hàn)

Dịch nghĩa nôm là:

Rượu bồ đào cùng với chén lưu ly
Muốn uống nhưng tỳ bà đã giục lên ngựa
Say khướt nằm ở sa trường, bác chớ cười
Xưa nay chinh chiến mấy ai trở về.

Dịch ra thành thơ

Bồ đào rượu ngát chén lưu ly
Toan nhắp tỳ bà đã giục đi
Say khướt sa trường anh chớ mỉa
Xưa nay chinh chiến mấy ai về.
(Trần Quang Trân)

Rượu bồ-đào, chén dạ quang
Muốn say, đàn đã rền vang giục rồi
Sa trường say ngủ ai cười
Từ xưa chinh chiến mấy người về đâu
(Trần Trọng San)


“Xưa nay chinh chiến mấy ai về.” Nhận xét này của ông Hàn gàn bát sách luận gần đúng không cần phải bàn thêm. Bởi vì đi đánh trận khác xa với đi “shopping” hay đi dạo trong công viên. Trận mạc là chỗ tên bay đạn lạc chiến sĩ mất mạng dễ như không. Nhưng cái ông Hàn trói gà không chặt này không những đã xúi bậy mà còn có máu khôi hài: “Sa trường say ngủ ai cười.” Ậy! Uống rượu say khướt rồi vào chui phòng đắp chăn ngủ với vợ còn có thể chết (xin đọc lại tai nạn “âm thầm tạ từ trong đêm!” ở bên trên). Chứ ra trận mà say rượu thì chết là chắc chắn chăm phần chăm. Quờ quang nửa tỉnh nở mê đi ngơ ngơ giữa lằn tên mũi đạn thì không chết vì đạn của quân địch cũng chết vì đạn lạc của quân ta.

Bây giở nghe ông danh sĩ thứ hai – nhà thơ Nguyễn Bá Trác – cũng lại ca nỗi niềm bi tráng của chí sĩ tị nạn lưu vong thất thời qua bài “Hồ Trường:”

Hồ trường, hồ trường
Ta biết rót về đâu?
Nào ai tỉnh…
Nào ai say…
Chí ta biết, lòng ta hay…
Nam nhi sự nghiệp ư hồ thỉ
Hà tất cùng sầu đối cỏ cây…
(Hồ Trường – Nguyễn Bá Trác dịch thóat từ một ca khúc của Trung Hoa – tên là “Nam Phương Ca Khúc” - vào khỏang năm 1912)



Bài này đã làm những người yêu thơ rượu rất thích thú cái phong vị khảng khái mà bi tráng của kẻ sĩ vì vận nước phải dọc ngang trời đất (nói nôm na là đang sống đời tị nạn lưu vong) cho đền khi già lụ khụ, tóc bạc răng long (hay đầu hói răng gỉa) hết rồi mà vẫn thất chí; mượn chai rượu (cognac) để than thở với người đồng hưong… Riêng cá nhân tôi cũng là dân tị nạn vượt biển, vì không biết uống rượu và cũng không phải thi sĩ cho nên đọc và thấy bài thơ bất hủ này có vài vấn đề:

- Thứ nhất “Rót vào đâu?” Rượu thì phải rót vào chén hay vào ly hay cùng lắm là rót thẳng vào miệng chứ không thể rót lung tung được; hay đổ lầm vào mũi sặc sụa chết bỏ!

- Thứ hai, “Nào ai tỉnh, nào ai say?” Đã tính chuyện đi cứu nước thì luôn luôn phải “alert,” tỉnh táo như con sáo sậu. Chứ cứ say túy lúy thì ngay bản thân mình còn chưa cứu được nói gì đến chuyện trọng đại cứu nước cứu dân…

Bây giờ quay trở lại vấn đề say xỉn ở trong nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa ta…. Cán bộ cao cấp nhậu say xỉn xong ngày mai đi họp đại hội đảng hay hội nghị tổng kết thành quả thì chắc chắn phải được việc rồi; chứ anh thợ bần cố nông thành trì cách mạng say xỉn mà ngày mai phải đi làm công việc lao động sản xuất bằng tay chân ở nhà máy; phải sử dụng máy tiện, máy cắt, máy cưa thì cơ hội được nghỉ hưu non (tất nhiên là không lãnh lương) rất cao! Kể ra, cán bộ giầu có dư ăn dư mặc hay dân đen vô sản khố rách áo ôm đều say rượu khướt đằng nào cũng tiện cho nhà nước cả… Nếu tỉnh táo mạnh giỏi họ lại cắc cớ nghĩ ra việc phản tỉnh, nộp đơn xin bỏ đảng, đòi hỏi thêm quyền này quyền nọ, biểu tình kêu oan ăn vạ rất phiền toái làm mắt mặt mất mũi đảng và nhà nước trước các con mắt của quan sát viên ngoại quốc. Mà làm cái quái gì phải ngăn cấm việc liên hoan, uống rượu cho mệt xác; Chỉ tổ làm phương hại đến ý nghĩa của châm ngôn cao cả mà đảng và nhà nước ta đã hết lòng đề phát: “Độc lập, Tự do Hạnh phúc.”

Không hiểu lãnh đạo nhà nước sáng mắt hơn nghệ sĩ Văn Vỹ không chứ: Cái quang cảnh đời sống của dân càng khó khăn, dân càng nhậu mút mùa lệ thủy không phải là dấu hiệu tốt đánh dấu sự thăng tiến của “Kinh tế thị trường định hướng XHCN” đâu! Dân phải uống rượu nhiều để giải sầu, để cố quên đi cái thực tế quá cay đắng mà họ không thay đổi được! Nước xã hội chủ nghĩa anh em vĩ đại Liên sô trước đây cũng có tỉ lệ dân đen nghiện rượu (volka) cao nhất thế giới vì cùng một lý do; không phải vì họ sống đầy đủ, ấm no hay “tự do hạnh phúc” đâu!

Lãnh đạo cao cấp nhà nước đang bận tham nhũng vơ vét; đang bận củng cố địa vị ăn trên ngồi trốc, tất tật tận dụng đời bố củng cố đời con, cha truyền con nối; và quá bận tâm đến việc ngăn chặn các cao trào của nhân dân đòi quyền dân chủ (còn có nhiều nhóm phản động đòi xin tí huyết của lãnh đạo đảng…) Cán bộ cấp địa phương một mặt thì thì bận sách nhiễu dân chúng, một mặt chu đáo tiếp đón các phái đoàn từ trên xuống… Ngoài ra, không hề thấy có một biện pháp hay phương án nào để cảnh giác, để làm giảm thiểu hay giáo dục tệ nạn ăn nhậu tới bến mút chỉ này? Mặt khác, các báo in, điện báo (“internet”), phim ảnh còn thi đua nhau giới thiệu, quảng cáo các món ăn chơi và nhậu nhẹt, rủ rê bợm nhậu gia nhập các hội nhóm (clubs) nhậu… Trên toàn quốc, các nhà máy bia, nhà nấu cất rượu “chính qui” cũng như “chui” mọc lên như nấm. “Cầu” nhiều thì tất nhiên phải có “cung.” Sản xuất không đủ thì cứ việc nhập cảng thêm rượu bia từ nước ngoài vào cho đủ. Uống rượu không đủ nồng độ (vì thường có nhiều rượu giả!) thì cứ cho thêm thuốc rầy, cồn sống… vào để uống cho ói ra mật xanh, cho “tím cả chiều hoang biền biệt…” mới đã.

Tóm lại, “Cách mạng vô sản vô địch” và tiếp theo là “Kinh tế thị trường định hướng XHCN” chỉ ban phát cho dân một thứ tự do duy nhất thật quí báu và ý nghĩa. Đó là “tự do ăn nhậu” (không cần biết là tiền lấy ra từ đâu để nhậu?)… Tương lai và hy vọng thì mù mịt, nhưng rượu lúc nào cũng có sẵn và đầy đủ: Rượu đế ngâm sâm nhung, tắc kè, bìm bịp, rắn hổ, rắn ngũ xà, rắn cửu xà, bao tử nhím, hải mã… tha hồ uống cho bổ dương, bổ thận, bổ… nhào!

Tái bút:
“Đừng bao giờ mong uống rượu để nhận chìm nỗi buồn; bởi vì buồn biết bơi” (People who drink to drown their sorrow should be told that sorrow knows how to swim – Ann Landers)

Trần Văn Giang
09/04/2009

User avatar
lynhcao
Posts: 883
Joined: Sat Apr 30, 2005 10:46 pm

Post by lynhcao »

Vì sao nhiều vợ đẹp lấy chồng xấu?

Image
Ảnh minh họa của romantichorizons.co.uk.
Một bộ phận phụ nữ đẹp phải kết hôn với đàn ông không điển trai vì số lượng đấng nam nhi có ngoại hình hấp dẫn trên thế giới ngày càng ít hơn so với số phụ nữ quyến rũ.

Trong xã hội, cứ mỗi khi một cô gái đẹp kết hôn với đàn ông xấu, người ta thường nghĩ đấng nam tử kia hẳn phải có một thứ gì đó khiến cô gái ngưỡng mộ, chẳng hạn như sự thông thái hay gia sản kếch sù. Tuy nhiên, Satoshi Kanazawa, một nhà tâm lý tiến hóa của Đại học Kinh tế London (Anh), cho rằng trong một số trường hợp phụ nữ đẹp buộc phải kết hôn với đàn ông xấu vì không thể tìm thấy người điển trai.

Theo The New York Times, Kanazawa đã phân tích dữ liệu của hơn 3.000 người Mỹ trưởng thành để rút ra kết luận trên. Chuyên gia này cho rằng việc phái đẹp và phái yếu kết đôi với nhau tuân theo quy luật cung – cầu như thị trường hàng hóa. Khi tổng số đàn ông có ngoại hình hấp dẫn trên thế giới nhỏ hơn tổng số phụ nữ đẹp thì đương nhiên một bộ phận phụ nữ đẹp sẽ phải lấy đàn ông xấu dù những ông này không giàu hay thông minh.

Các nghiên cứu trước đây chứng minh rằng phần lớn phụ nữ quyến rũ có nhiều con hơn so với những người không có nhan sắc. Ngoài ra, tỷ lệ sinh con gái của phụ nữ đẹp cũng cao hơn. Khi con gái của phụ nữ đẹp đến tuổi trưởng thành, đa số họ thừa hưởng sự hấp dẫn về ngoại hình của mẹ. Xu hướng này cứ lặp đi lặp lại qua nhiều thế hệ khiến phụ nữ ngày càng trở nên đẹp hơn.

“Hấp dẫn về ngoại hình là đặc điểm có tính di truyền rất cao. Nó làm tăng khả năng sinh con gái ở người phụ nữ", Markus Jokela, một nhà khoa học của Đại học Helsinki (Phần Lan), cho biết.

Một cuộc khảo sát do Đại học Kinh tế London (Anh) thực hiện vào năm 2006 cho thấy, nếu đàn ông hấp dẫn kết hôn với phụ nữ xinh đẹp, xác suất sinh con gái của họ sẽ cao hơn so với tỷ lệ trung bình của xã hội. Khả năng sinh con gái đầu lòng của những cặp vợ chồng có ngoại hình hấp dẫn là 36%. Về mặt tiến hóa, điều đó cho thấy vẻ đẹp bề ngoài là đặc điểm có giá trị nhiều hơn đối với nữ. Vì thế mà mức độ hấp dẫn về ngoại hình của nam giới không cao hơn nhiều so với tổ tiên, trong khi số lượng phụ nữ đẹp ngày càng tăng.

“Khi cha mẹ có những đặc tính có lợi cho đàn ông thì xác suất sinh con trai sẽ cao hơn. Những đặc tính đó gồm: kích thước cơ thể, sức mạnh và sự hung dữ. Chúng giúp đàn ông có lợi thế cạnh tranh trong việc tìm kiếm bạn tình. Ngược lại, nếu cha mẹ có những đặc tính có lợi cho phái nữ thì xác suất sinh con gái sẽ lớn hơn”, Kanazawa giải thích với The New York Times.

Nghiên cứu trước đây của Kanazawa cho thấy những y tá, nhân viên xã hội và giáo viên mẫu giáo – những người có nhiều phẩm chất dành cho nữ - có nhiều con gái hơn con trai. Trong khi đó, ông nhận thấy phần lớn nhà khoa học, kỹ sư, chuyên gia kỹ thuật có nhiều con trai hơn so với con gái.

Minh Long

User avatar
saohom
Posts: 2217
Joined: Wed Aug 26, 2009 11:30 pm

Post by saohom »

Image

Tiếng Nam Tiếng Bắc

Bắc bảo Kỳ , Nam kêu Cọ (gọi là Kỳ Cọ)
Bắc gọi lọ, Nam kêu chai
Bắc mang thai, Nam có chửa
Nam xẻ nửa, Bắc bổ đôi

Ôi! Bắc quở Gầy , Nam than Ốm
Bắc cáo Ốm, Nam khai Bịnh
Bắc định đến muộn , Nam liền la trễ
Nam mần Sơ Sơ, Bắc Nàm Nấy Nệ

Bắc lệ tuôn trào, Nam chảy nước mắt
Nam bắc VạcTre, Bắc kê Lều Chõng
Bắc nói trổng Thế Thôi , Nam bâng quơ Vậy Đó
Bắc đan cái Rọ , Nam làm Giỏ Tre,

Nam không nghe Nói Dai , Bắc chẳng mê Lải Nhải
Nam Cải bai bãi, Bắc LỶ Sự ào ào
Bắc vào Ô Tô, Nam vô Xế hộp
Hồi hộp Bắc hãm phanh, trợn tròng Nam đạp thắng

Khi nắng Nam mở Dù, Bắc lại xoè Ô
Chưa chắc Nam nhắc Từ Từ, Bắc khuyên Gượm lại
Bắc là Quá Dại , Nam thì Ngu ghê
Nam Sợ Ghê, Bắc Hãi Quá

Nam thưa Tía Má, Bắc bẩm Thầy U
Nam nhủ Ưng Ghê, Bắc mê Hài Lòng
Nam chối Lòng Vòng, Bắc bảo Dối Quanh
Nhanh nhanh Nam bẻ Bắp, hấp tấp Bắc vặt Ngô

Bắc thích cứ vồ, Nam ưng là chụp
Nam rờ Bông Bụp, Bắc vuốt Tường Vi
Nam nói: mày đi ! Bắc hô: cút xéo.
Bắc bảo: cứ véo ! Nam : ngắt nó đi.

Bắc gửi phong bì, bao thơ Nam gói
Nam kêu: muốn ói, Bắc bảo: buồn nôn !
Bắc gọi tiền đồn, Nam kêu chòi gác
Bắc hay khoác lác, Nam bảo xạo ke

Mưa đến Nam che, gió ngang Bắc chắn
Bắc khen giỏi mắng, Nam nói chửi hay.
Bắc nấu thịt cầy, Nam thui thịt chó.
Bắc vén búi tó, Nam bới tóc lên

Nam: ăn đi chú, Bắc: mời anh xơi!
Bắc mới tập bơi, Nam thời đi lội
Bắc đi phó hội, Nam tới chia vui
Thui thủi Bắc kéo xe lôi, một mình xích lô Nam đạp

Nam thời mập mạp, Bắc cho là béo
Khi Nam khen béo, Bắc bảo là ngậy
Bắc quậy Sướng Phê, Nam rên Đã Quá !
Bắc khoái đi phà, Nam thường qua bắc

Bắc nhắc môi giới, Nam liền giới thiệu
Nam ít khi điệu, Bắc hay làm dáng
Tán mà không thật, Bắc bảo là điêu
Giỡn hớt hơi nhiều, Nam kêu là xạo

Bắc nạo bằng gươm, Nam thọt bằng kiếm
Nam mê phiếm, Bắc thích đùa
Bắc vua Bia Bọt, Nam chúa La-De
Bắc khoe Bùi Bùi lạc rang, Nam ừ Thơm Thơm đậu phọng

Bắc xơi na vướng họng, Nam ăn mãng cầu mắc cổ
Khi khổ Nam tròm trèm ăn vụng, Bắc len lén ăn vèn
Nam toe toét hổng chịu đèn , Bắc vặn mình em chả
Bắc giấm chua cái ả , Nam bặm trợn con kia

Nam mỉa tên cà chua , Bắc rủa đồ phải gió
Nam nhậu nhẹt thịt chó, Bắc đánh chén cầy tơ
Bắc vờ vịt lá mơ, Nam thẳng thừng lá thúi địt
Đến khi Nam đit, Bắc hô đánh rấm

Khi thấm, Nam xách thùng thì Bắc bê sô
Nam bỏ xương trong rương, Bắc tuôn vàng vào hòm
Nam lết vô Hòm, Bắc mặc áo Quan
Bắc xuýt xoa "Cái Lan xinh cực!", Nam trầm trồ "Con Lan đẹp quá!"


(Siu tầm / Lượm lặt)

User avatar
VuPhong
Posts: 2913
Joined: Wed Dec 01, 2004 4:28 pm

Post by VuPhong »

Chuyện Về một Dòng Sông

Có một dòng sông rất đẹp chảy qua núi đồi và đồng cỏ xanh tươi. Dòng sông ca hát nhảy nhót tung tăn từ trên núi xuống đồng bằng. Xuống đồng bằng, dòng sông chảy chậm lại, mặt nước trong xanh êm mát. Lúc ấy dòng sông còn trẻ lắm, và dòng sông muốn chảy mau ra biển cả. Dòng sông càng lớn càng đẹp ra, lượn khúc yêu kiều ven đồi và bờ lúa.

Một ngày kia dòng sông chú ý đến sự có mặt của những đám mây trong lòng nước. Mây đủ màu sắc, hình thể, đẹp quá chừng, nên suốt ngày dòng sông cứ miệt mài chạy đuổi theo những đám mây, mong bắt được một đám mây cho riêng mình. Nhưng mây cứ lơ lững từng cao khó mà bắt được, nhất là mây cứ thay hình đổi dạng không ngừng. Vì mây vô thường như vậy nên dòng sông rất đau khổ. Chạy đuổi bắt theo mây thì vui nhưng sau đó thì dòng sông đầy thất vọng, u sầu và tức giận.

Một ngày kia, một cơn gió lớn đi qua, quét sạch mây trên trời. Bầu trời trở nên quang đãng không còn một bóng mây. Dòng sông não nề tuyệt vọng, không còn muốn sống nữa. "Không còn mây để chạy theo, ta sống để làm gì?"

Tối hôm đó, lần đầu tiên trong đời, dòng sông quay trở về tiếp xúc với chính mình. Lâu nay dòng sông chỉ đuổi theo những cái bên ngoài mà không bao giờ thấy được chính mình. Tối hôm đó, lần đầu tiên dòng sông nghe tiếng mình khóc, âm thanh sóng vỡ vào bờ. Dòng sông lắng nghe tiếng của mình và khám phá ra một điều rất quan trọng.

Dòng sông nhận ra rằng cái mà lâu nay mình theo đuổi đã nằm sẵn trong lòng mình. Tưởng mây là gì, đâu ngờ mây cũng chỉ là nước. Mây sinh ra từ nước và bây giờ mây trở lại thành nước. Và dòng sông tự bao giờ cũng vẫn là nước như một đám mây.

Sáng hôm sau, khi mặt trời lên cao, dòng sông khám phá ra thêm một điều thật đẹp. Đây là lần đầu tiên dòng sông thấy được bầu trời xanh thẳm. Lâu nay dòng sông chỉ chú ý đến mây, không chú ý đến bầu trời. Bây giờ sông mới hiểu rằng bầu trời là quê hương của các đám mây. Mây luôn luôn thay đổi nhưng bầu trời không bao giờ thay đổi. Và bầu trời cao đã có mặt trong lòng sông tự thuở nào. Cái thấy này đem lại cho dòng sông một nguồn an lạc lớn.

Dòng sông hiểu rằng bao giờ bầu trời xanh còn có mặt, niềm an lạc của dòng sông sẽ mãi mãi vững bền.

Trưa hôm đó, các đám mây lại lục tục trở về nhưng dòng sông không còn có nhu yếu muốn đuổi bắt nữa.

Đám mây nào đi qua, dòng sông cũng thấy đẹp và cũng vẫy tay chào. Dòng sông không còn thấy buồn tủi hay lưu luyến. Bởi đám mây nào cũng là một dòng sông, chẳng còn phải chọn lựa. Một niềm an vui hài hòa đã kết hợp mây và sông.

Tối hôm đó một điều thật tuyệt diệu đã xảy ra. Dòng sông mở rộng lòng đón mặt trăng rằm, mặt nguyệt tròn tròn vành vạch và sáng rực rỡ như một viên bảo châu trong dòng nước trong vắt.

Có một bài kệ miêu tả hình ảnh đẹp đó:

Bụt là vầng trăng mát
Đi ngang trời thái không
Hồ tâm chúng sanh lặng
Trăng hiện bóng trong ngần


Dòng sông trong vắt đã làm hiện rõ bóng trăng và trăng đã cùng mây nước dắt tay nhau đi thiền hành về biển cả.

Chẳng có gì phải chạy đuổi theo. Chỉ cần trở về với mình, trở về với hơi thở và nụ cười, trở về nơi mình ở, nơi có thông reo, chim hót và nắng ban mai. Còn nơi nào đẹp hơn nữa?

User avatar
muanuadem
Posts: 461
Joined: Sun Apr 19, 2009 6:47 pm

Post by muanuadem »

TRƯỜNG SA HÀNH -

Thơ Tô Thùy Yên
Lời giới thiệu: Chúng tôi xin mạn phép nhà thơ Tô Thùy Yên để được sao lục bài thơ “Trường Sa Hành” của ông để cống hiến đồng bào trong và ngoài nước thưởng thức, như là một dịp để khóc thương cho một vùng hải đảo, máu thịt của quê hương Việt Nam, nay đã rơi vào tay bá quyền Trung Cộng, mà người con dân nước Việt thân yêu ở trong nước hiện nay phải sống dưới sự thống trị của bạo quyền Việt Cộng và dưới áp lực của Thái Thú Tầu xâm lược, cấm không được phép nhắc tới nữa các địa danh như Hoàng Sa, Trường Sa, Ải Nam Quan, Bản Giốc, v.v… đã nằm trong tay kẻ thù truyền kiếp của dân tộc.

Nhà thơ Tô Thùy Yên trước 30/4/1975 là sĩ quan Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, có thời gian là sĩ quan địa phương quân (?) cùng binh sĩ ra trấn giữ ngoài hoang đảo trong hải phận của nước Việt Nam Cộng Hòa (miền Nam VN). [HCT]

TRƯỜNG SA HÀNH

Toujours il y eut cette clameur,
Toujours il y eut cette fureur…
Saint John Perse



Trường Sa! Trường Sa! Đảo chếnh choáng!
Thăm thẳm sầu vây trắng bốn bề.
Lính thú mười người lạ sóng nước
Đêm nằm còn tưởng đảo trôi đi

Mùa Đông Bắc, gió miên man thổi
Khiến cả lòng ta cũng rách tưa
Ta hỏi han, hề, Hiu Quạnh lớn
Mà Hiu Quạnh lớn vẫn làm ngơ

Đảo hoang, vắng cả hồn ma quỉ
Thảo mộc thời nguyên thủy lạ tên
Mỗi ngày mỗi đắp xanh rờn lạnh
Lên xác thân người mãi đứng yên

Bốn trăm hải lý nhớ không tới
Ta khóc cười như tự bạo hành
Dập giận, vác khòm lưng nhẫn nhục
Đường thân thế lỡ, cố đi nhanh

Sóng thiên cổ khóc, biển tang chế
Hữu hạn nào không tủi nhỏ nhoi?
Tiếc ta chẳng được bao nhiêu lệ
Nên tưởng trùng dương khóc trắng trời

Mùa gió xoay chiều, gió khốc liệt,
Bãi Đông lở mất, bãi Tây bồi,
Đám cây bật gốc chờ tan xác
Có hối ra đời chẳng chọn nơi?

Trong làn nước vịnh xanh lơ mộng
Những cụm rong óng ả bập bềnh
Như những tầng buồn lay động mãi
Dưới hồn ta tich mịch long lanh

Mặt trời chiều rã rưng rưng biển
Vầng khói chim đen thảng thốt quần,
Kinh động đất trời như cháy đảo,
Ta nghe chừng phỏng khắp châu thân.

Ta ngồi bên đống lửa man rợ,
Hong tóc râu, chờ chin miếng mồi,
Nghe cây dừa ngất gió trùng điệp
Suốt kiếp đau dài nỗi tả tơi

Chú em hãy hát, hát thật lớn
Những điệu vui, bất kể điệu nào
Cho ấm bữa cơm chiều viễn xứ,
Cho mái đầu ta chớ cúi sâu

Ai hét trong lòng ta mỗi lúc
Như người bị bức tử canh khuya
Xé toang từng mảng đời tê điếng
Mà gửi cùng mây, đỏ thảm thê.

Ta nói với từng tinh tú một,
Hằng đêm, tất cả chuyện trong lòng
Bãi lân tỉnh thức, âm u sáng
Ta thấy đầu ta cũng sáng trưng

Đất liền, ta gọi, nghe ta không?
Đập hoảng Vô Biên, tín hiệu trùng.
Mở, mở giùm ta khoảng cách đặc.
Con chim động giấc gào cô đơn.

Ngày. Ngày trắng chói chang như giũa.
Ánh sáng vang lừng điệu múa điên.
Mái tóc sầu nung từng sợi đỏ
Kêu dòn như tiếng nứt hoa niên.

Ôi lũ cây gầy ven bãi sụp,
Rễ bung còn gượng cuộc tồn sinh,
Gắng tươi cho đến ngày trôi ngã
Hay đến ngày bờ tái tạo xanh.

San hô mọc tủa thêm cành nhánh.
Những nỗi niềm kia cũng mãn khai.
Thời gian kết đá mốc u tịch,
Ta lấy làm bia tưởng niệm Người.

Tháng 3 năm 1974
TÔ THÙY YÊN

User avatar
VuPhong
Posts: 2913
Joined: Wed Dec 01, 2004 4:28 pm

Post by VuPhong »

QUÁI TƯỢNG NGOẠI GIAO

Đỗ Thái Nhiên
Nhu cầu tìm kiếm lương thực và nhiên liệu để nuôi sống trên một tỉ 300 trăm triệu dân đã làm cho Trung Quốc ngày càng trở nên hung hãn trong việc lấn chiếm lãnh thổ, lãnh hải, tài nguyên thiên nhiên của các quốc gia lân bang. Đối diện với tình huống vừa kể, Hoa Kỳ, các tổ chức quốc tế, tổ chức ASEAN, đặc biệt là Việt Nam không thể không quan ngại. Giải pháp nào có thể giúp cho các quốc gia Đông Nam Á được sống ổn định bên cạnh ông khổng lồ Bắc Kinh đói ăn và khát nhiên liệu? Câu trả lời nằm ở các bản tin sau đây:

Ngày 22/07/2009 Hoa Kỳ ký thỏa ước bất tương xâm với các quốc gia trong tổ chức ASEAN. Theo ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton, thỏa ước kia là lời khẳng định: Hoa Kỳ đã trở lại Á Châu.

Tháng 07/2009, trong một cuộc phỏng vấn dành cho báo Bloomberg, Honolulu, ông Raymond Burnhardt, đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam các năm 2001-2004, nhận định rằng: “ Các bất đồng ý kiến về quần đảo Trường Sa và các vùng phụ cận có vẻ êm xuống một thời gian, bây giờ căng thẳng trở lại, một phần lý do là Trung Quốc muốn bành trướng thế lực”.

Ông cựu đại sứ Raymond Burnhardt nhấn mạnh: “ Mỹ và Việt Nam cùng có chung nhiều lợi ích chiến lược, trong số đó có cả sự duy trì cân bằng (thế lực) ở Đông Nam Á”.

Ngày 19/08/2009, từ giả Miến Điện TNS Jim Webb đến Việt Nam. Ông Jim Webb là chủ tịch Tiểu Ban Đông Nam Á Thái Bình Dương, Ủy Ban Đối Ngoại, Thượng Viện Mỹ. Trong một cuộc họp báo tại Hà Nội, khi đề cập tới những tranh chấp lãnh hải giữa Trung Quốc và các quốc gia Đông Nam Á, TNS Jim Webb tuyên bố: “ Hoa kỳ nên xác định rõ ràng, chi tiết và cụ thể công việc bảo vệ chủ quyền của các quốc gia trong khu vực này. Tôi không ám chỉ một đối đầu quân sự, nhưng tôi muốn nói đến vai trò ngoại giao. Với tư cách của một quốc gia, ý muốn của Hoa Kỳ sẽ trở thành một lực cân bằng-không phải để chống đối mà để cân bằng thế lực- đối với Trung quốc trong vùng này”.

Ngày 27 tháng 08 năm 2009, ông Lê Công Phụng, đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ cho Thông tấn Xã Việt Nam biết; Phó thủ tướng kiêm bộ trưởng ngoại giao CSVN đang chuẩn bị tới Mỹ. Đồng thời, ông Lê Công Phung còn nói thêm: Mỹ và Việt Nam đang thảo luận việc tướng Phùng Quan Thanh, bộ trưởng quốc phòng Việt Nam đến thăm Hoa Kỳ.

Các tin tức vừa trích dẫn cho thấy: Cả Hoa Kỳ lẩn Việt Nam đều đồng ý với nhau trên quan điểm rằng: Đông Nam Á, đặc biệt là Việt Nam cần Hoa Kỳ đóng vai trò đối lực hữu lý trong việc đương đầu với tham vọng bành trướng của Bắc Kinh. Vấn đề còn lại là làm thế nào biến quan điểm kia thành hành động cụ thể? Chúng ta hãy khảo sát hành động cụ thể của CSVN và Hoa Kỳ :

Về phía Hoa Kỳ
Ngay khi đến Hà Nội, TNS Jim Webb đưa ra nhận xét: Trung Quốc đã tạo điều kiện để Miến Điện phải sống bám vào Trung Quốc như một loài ký sinh: sống dở, chết dở; không thể phát triển được. Nói cho Hà Nội nghe về Miến Điện, TNS Jim Webb có hậu ý cảnh báo CSVN rằng: Bám vào Bắc Kinh, Hà Nội không thể không trở thành Miến Điện.

Mặt Khác, nhằm trấn an CSVN về lo sợ mất đảng, TNS Jim Webb đã không đề cập đến dân chủ, nhân quyền vào dịp Jim Webb đến Hà Nội ngày 19/08/2009. Tuy nhiên, do nhu cầu hợp lý của chính trị quốc tế, Hoa Kỳ không thể thực tâm hợp tác chiến lược với một chế độ độc tài và tham ô kiểu Hà Nội. Vì vậy, khi trả lời báo chí về dân chủ nhân quyền tại Việt Nam, ông Jim Webb chỉ nói vắn tắt: Vấn đề vừa nêu “là một tiến trình đang diễn ra”. Tuy nói là “vắn tắt” nhưng Hà Nội phải hiểu là quốc hội Hoa Kỳ, do đòi hỏi của cử tri, không thể nuôi dưỡng lâu dài một chế độ tham ô kiểu CSVN.

Về phía Cộng Sản Việt Nam
Bản chất của nhà cầm quyền Hà Nội là tham lam và thiển cận. Hà Nội tin là chế độ hèn kém và tham ô của họ có thể vừa van xin Trung Quốc bảo vệ CSVN ở vị thế thống trị Việt Nam, vừa dùng Hoa Kỳ để ngăn cản sức bành trướng của Bắc Kinh. Nhằm thực hiện âm mưu kia, Hà Nội đã đón tiếp TNS Jim Webb bằng cách: vào ngày ông Jim Webb tới Hà Nội, CSVN rầm rộ cho trình chiếu trên các hệ thống truyền hình của CSVN đoạn video ghi nhận bốn nhà đấu tranh dân chủ Việt nam đang “nhận tội và xin khoan hồng”. Bốn nhà dân chủ kia bao gồm: thạc sĩ Nguyễn Tiến Trung, kỹ sư Trần Huỳnh Duy Thức, cựu trung tá Trần Anh Kim, luật sư Lê Công Định. Kịch bản “nhận tội và xin khoan hồng” của Hà Nội nhằm nói lên hai điều:

1) Nói với Trung Quốc: CSVN quyết tâm bảo vệ quan hệ nước mẹ và nước con giữa Trung Quốc và CSVN. Quyết tâm vừa nói được CSVN thể hiện bằng hành động thẳng tay đàn áp tất cả người Việt Nam nào dám đấu tranh đòi hỏi tự do dân chủ, hoặc đấu tranh chống Trung Quốc xâm lược.

2) Nói với Hoa kỳ: CSVN rất cần Hoa Kỳ đóng trọn vai trò đối trọng đối với tham vọng bành trướng của Bắc Kinh tại Đông Nam Á. Tuy nhiên điều này không có nghĩa là CSVN để mặc cho Mỹ tùy nghi dân chủ hóa Việt Nam. Chủ trương bất biến của CSVN là: Thà mất nước còn hơn mất đảng.

Trong quan hệ với Mỹ, vì quá cực đoan với công việc bảo vệ đảng độc tài, CSVN đã để lộ cho thế giới thấy Hà Nội vừa mới thực hiện một quái tượng ngoại giao có một không hai trong lịch sử bang giao quốc tế. Thực vậy, trong đoạn video được gọi là “Nhận tội và xin khoan hồng” nói ở trên, guồng máy thông tin, tuyên truyền của chế độ Hà Nội đã làm cho công luận chú ý tới tiết mục Luật Sư Lê Công Định đọc lời nhận tội. Từ tài liệu nhận tội này luật sư Định cho biết ông đã có lần gặp mặt nguyên thứ trưởng ngoại giao Hoa kỳ John Negroponte và đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Michael Michalak. Mang các cuộc tiếp xúc vừa kể đặt vào phần nhận tội của luật sư Lê Công Định, CSVN muốn thông báo cho toàn thế giới văn minh biết rằng: tại Việt Nam nói chuyện với giới chức ngoại giao cao cấp của Mỹ là một tội phạm hình sự.

Theo tập quán bang giao quốc tế, quan hệ ngoại giao giữa Hoa Kỳ và CSVN chỉ có ý nghĩa, chừng nào quan hệ này hội đủ bốn chuẩn mực sau đây:

Thứ nhất: tình thân hữu, gọi tắt là thịnh tình. Tình thân hữu không thể thành hình trên điều luật: công dân Việt Nam nói chuyện với giới chức ngoại giao của Mỹ là một tội phạm hình sự.

Thứ hai: CSVN và Hoa Kỳ phải thực sự đứng ở vị trí của hai quốc gia hoàn toàn độc lập, gọi tắt là đắc vị. Không thể có yếu tố đắc vị nếu CSVN vừa bang giao với Mỹ, vừa run sợ đôi mắt trông chừng của quan thầy Trung Quốc.

Thứ ba: mỗi quốc gia trong cuộc bang giao phải làm trọn nghĩa vụ của mình, gọi tắt là tận phần. Nói cách khác tận phần có nghĩa là “có đi, có lại mới toại lòng nhau”. Làm gì có được tận phần khi CSVN toan tính vừa làm tay sai cho Trung Quốc vừa lấy tiền Mỹ, vũ khí Mỹ để cùng với Trung Quốc quấy nhiễu Hoa Kỳ?

Thứ tư: tính hợp lý hàng đầu trong bang giao quốc tế đòi hỏi các quốc gia trên cuộc bang giao phải thường xuyên trung thành với hai mục tiêu: một là phục vụ quốc gia mà mình đại diện, hai là xây dựng một cộng đồng quốc tế hòa bình và thịnh vượng chung. CSVN chỉ phục vụ quyền tham ô của đảng, không phục vụ quốc gia. Mặt khác, đối với CSVN, không có xã hội quốc tế hiểu theo nghĩa lành mạnh. Hãy nhìn cung cách CSVN phục vụ Olympic 2008 của Trung Quốc để hiểu rằng CSVN chỉ biết quốc tế Tàu và chối bỏ mọi hình thái quốc tế khác. Đi tìm tính hợp lý của chế độ Hà Nội trong bang giao quốc tế chẳng khác nào mò tìm mặt trăng dưới đáy giếng.

Khảo sát bốn yếu tố căn bản của bang giao quốc tế, người khảo sát thấy rằng CSVN không thực tâm mời gọi Hoa Kỳ đóng vai trò đối lực trong mục tiêu ngăn cản âm mưu bành trướng của Bắc Kinh. Bang giao Việt Mỹ chỉ là một loài hoa giấy. Nó chỉ có tác dụng làm cho dư luận quốc nội và quốc tế có cảm nghĩ là CSVN đang tìm đường thoát ra khỏi vòng tay của Trung Quốc. Xin nhấn mạnh cảm nghĩ kia chỉ là ảo tưởng. Từ vùng ảo tưởng vừa xác định, nhìn về tương lai Việt Nam, chúng ta chỉ thấy một khối mây xám khổng lồ. Ngoại giao gây ảo tưởng gọi là quái tượng ngoai giao vậy.

Đỗ Thái Nhiên

User avatar
VuPhong
Posts: 2913
Joined: Wed Dec 01, 2004 4:28 pm

Post by VuPhong »

Image

Cái Khó của Việc Cải Tổ Hệ Thống
Chăm Sóc Sức Khoẻ ở Hoa Kỳ


Bs Trần Xuân Ninh
Tâm Thức Việt Nam - September 10, 2009
Mỹ là nước siêu cường bậc nhất, có mức sống cao nhất thế giới, cứ 6 đô la kiếm đuợc thì có một đô la đem tiêu cho việc chăm sóc sức khoẻ, tức là gần gấp đôi số chi của các nước giầu. Thế mà số tử vong trẻ sơ sinh là 6.3/1000, đứng thấp thứ 33 trên thế giới; tuổi thọ là đứng thứ 30 trên thế giới. Mặc dầu vậy, không ai chối cãi được rằng Mỹ là nước có những phương tiện và kỹ thuật chăm sóc sức khoẻ hạng nhất thế giới. Ngược lại, tuy là nước dân chủ, Mỹ không có một hệ thống chăm sóc sức khỏe toàn dân, và gần 50 triệu dân không có bảo hiểm sức khoẻ. Một trong những lý do là tiền đóng bảo hiểm sức khoẻ rất cao, gấp 14 lần tiền bảo hiểm mà người dân Canada phải trả, theo như một vài thống kê. Ngoài ra thì có người đã cho vì phải chi những số tiền khổng lồ bảo hiểm sức khoẻ cho công nhân mà các hãng lâm vào cảnh vỡ nợ, như trường hợp hãng xe hơi GM. Về điều này thì nếu đúng cũng chỉ là một nửa sự thật, mà chúng ta sẽ nói đến trong môt dịp khác.

Chỉ xét qua những sự kiện trên người ta thấy rằng là tiền tiêu cho vấn đề chăm sóc sức khoẻ thiệt là nhiều, nhưng kết quả thì thật không xứng với vị trí nước Mỹ. Vắn tắt là hệ thống chăm sóc sức khoẻ phải xem lại, và phải cải tổ. Thượng nghị sĩ mới chết Ted Kennedy đã đặt vấn đề này từ thập niên 1970, nhưng không đi tới đâu. Bà Hillary Clinton đã hăng say đẩy mạnh vấn đề y tế toàn dân khi chồng bà làm tổng thống nhiệm kỳ đầu, nhưng thất bại...

Tổng thống Obama khi tranh cử đã hứa hẹn rằng ông sẽ thực hiện một hệ thống chăm sóc sức khoẻ toàn dân. Nhưng những sự việc diễn ra cho thấy rằng có vẻ như ông Obama đã lùi lại, khi tuyên bố rằng biện pháp chăm sóc sức khỏe công chỉ là một phần của kế hoạch cải tổ. Có nghĩa rằng là sẽ có những thay đổi trong luật về chăm sóc sức khoẻ để nhượng bộ cho những đòi hỏi của các nhóm quyền lợi tư, không muốn mất mối lợi khổng lồ trong những dịch vụ y tế. Các nhóm quyền lợi này đã chống việc thiết lập một cơ chế chăm sóc sức khoẻ công, do chính phủ trách nhiệm mà họ nói là làm cho các công ty tư không thể cạnh tranh và do đó phẩm chất chăm sóc sức khỏe đi xuống, và sẽ bỏ lơ sự chăm sóc các người già cũng như ép buộc người không có khả năng mua bảo hiểm y tế bắt buộc. Chiến thuật khai thác sự sợ hãi này của đảng Cộng hoà và một số đảng viên thủ cựu đảng Dân chủ đã tương đối hiệu quả, khiến cho số người ủng hộ chủ trương chăm sóc sức khỏe toàn dân của ông Obama giảm đi và chỉ còn cách nhóm chống cải tổ một khoảng nhỏ.

Thực chất, thì một cơ chế chăm sóc sức khỏe công sẽ là biện pháp hiệu quả để các hãng bảo hiểm tư không thể tự tung tự tác quyết định tiền bảo hiểm quá đắt, khiến xẩy ra tình trạng như hiện nay, gần 50 triệu người không có bảo hiểm y tế. Dĩ nhiên người ta cũng hiểu rằng trong số người không có bảo hiểm này có những người công ăn việc làm đàng hoàng, nhưng không bảo hiểm sức khoẻ vì cho rằng mình khoẻ mạnh không muốn phí tiền bảo hiểm, chứ không phải là vì không có tiền mua bảo hiểm.

Những người này sẽ không thể tiếp tục như thế khi luật bó buộc mua bảo hiểm sức khoẻ đuợc thông qua. Các nhóm quyền lợi chống đối việc cải tổ ngoài các công ty bảo hiểm tư còn có các nhà thương, các hãng y dược phẩm, các bác sĩ, và các luật sư sống bằng nghể kiện tụng bác sĩ, với những lý do khác nhau. Tất cả đều đưa ra một nửa sự thật, là để phục vụ bệnh nhân, và dùng những chuyện thực đời người được thổi phồng lên để khai thác cảm tính mà lôi kéo quần chúng. Nhưng bản chất thì là vấn đề tiền bạc, lợi nhuận.

Tại sao có thể khẳng quyết nói như thế? Tại vì người bác sĩ Mỹ trong suốt thời gian đi học cũng như sau khi ra trường có rất nhiều cơ hội để mà nghe các loại cố vấn chỉ rõ rằng hành nghề y sĩ là một dịch vụ thương mại và đưa ra không biết bao nhiêu là khuyến khích và chỉ dẫn để làm ra tiền tối đa, từ cách tổ chức phòng mạch cho tới cách làm hoá đơn lấy tiền chính phủ hay các hãng bảo hiểm. Sau chót, bệnh nhân cũng là một nguyên nhân làm cho chi phí chăm sóc sức khoẻ lên cao quá đáng. Bởi vì có những bệnh nhân lạm dụng thẻ khám bệnh và mua thuốc một cách phí phạm. Ông Obama ngày thứ tư đã đọc một diễn văn trước lưỡng viện quốc hội giải thích khéo léo các vấn đề, nhưng đã không có chi tiết nào cụ thể để mà biết luật cải tổ sức khoẻ của ông sẽ ra sao.

Cái khó của việc cải tổ chế độ chăm sóc sức khoẻ Mỹ là do hai lý do căn bản: Một là coi việc chăm sóc sức khoẻ là một thương vụ. Mà khi nói tới thương vụ là nói tới lợi nhuận. Hai là sự lạm dụng , cũng vì lý do tiền bạc. Nhân tố quyết định do đó nằm ở trong quần chúng, nếu mà hiểu biết vấn đề chính xác, để mà có áp lực đúng mức lên các dân cử. Tin cho biết rằng nhiều dân cử Cộng hoà cũng như Dân chủ đều đang lo ngại làm sao mà có thể sống còn trong kỳ bầu sắp tới năm 2010. Nếu mà người dân nhất quyết rằng phải có một cơ chế chăm sóc sức khoẻ công bên cạnh hệ thống tư, thì vấn đề sức khoẻ mới có hy vọng cải thiện.

Trần Xuân Ninh (ngày 10 tháng 9/2009)

User avatar
VuPhong
Posts: 2913
Joined: Wed Dec 01, 2004 4:28 pm

Post by VuPhong »

6 Quốc gia kỳ lạ trên thế giới 1. Kuwait- quốc gia không có nước

Đại bộ phận lãnh thổ Kuwait là sa mạc. Không có sông và cũng chẳng có hồ, nên 1,6 triệu dân quốc gia này luôn phải sống trong cảnh thiếu nước trầm trọng, đến rau cũng phải nhập khẩu từ nước ngoài.

2. Monaco - quốc gia không có đất canh tác

Monaco là một trong những quốc gia nhỏ nhất thế giới với tổng diện tích chưa đến 2km2. Nước này hoàn toàn không có đất dành cho nông nghiệp, nên 100% lương thực phải nhập khẩu. Thu nhập của quốc gia này chủ yếu dựa vào du lịch.

3. St Marino - quốc gia không có quân đội

St Marino là một quốc gia trong lòng quốc gia, bốn phía bị bao bọcbởi nước Ý, có diện tích khoảng 1km2 với 2 vạn dân. Quốc gia này từ trước tới nay chưa từng xây dựng quân đội, trật tự an ninh cả nước đều do lực lượng cảnh sát mong manh (hơn 40 người) đảm nhiệm. Đặc biệt hơn là St Marino không có cảnh sát PCCC cho nên mỗi khi gặp hỏa hoạn họ đều phải nhờ cảnh sát Ý, anh bạn láng giềng độc nhất trợ giúp.

4. Thuỵ Điển - quốc gia không có quán rượu

Thuỵ Điển là nước cấm rượu. Đến Thuỵ Điển người ta không thể tìm thấy bất cứ một quán rượu nào. Muốn uống rượu ở nhà hay mua rượu về uống, người dân phải xin được một loại giấy phép đặc biệt với vô vàn các chứng nhận của địa phương, nơi công tác và của bác sĩ. Không những vậy khi uống rượu nếu để say (lượng cồn trong máu hơn 1%) lập tức họ sẽ bị tống vào trại cai nghiện trong vòng 3 tháng.

5. Fiji - quốc gia không có ai mắc bệnh ung thư

Fiji là một quốc đảo gồm 800 đảo nhỏ có dân số hơn 60 vạn người. Ở quốc gia này chưa từng có ai mắc bệnh ung thư. Sau khi nghiên cứu các nhà khoa học phát hiện ra rằng người dân Fiji không bị mắc bệnh ung thư là do họ ăn nhiều quả hạnh nhân khô - một loại quả hàm lượng vitamin phong phú, có tác dụng chống ung thư.

6. Nauru - quốc gia không có đất

Cũng như Fiji, Nauru là một quốc đảo thuộc châu Đại Dương. Tuy nhiên các đảo của nước này lại hình thành trên nền nham thạch san hô. Sau một quá trình biến đổi hoá học lâu dài, nham thạch san hô tạo nên một lớp phân gốc muối Axít Photphoric dày tới 10 mét. Do đó muốn trồng trọt, Nauru phải nhập khẩu đất từ các quốc gia khác

Theo National Geography

User avatar
TheLang
Posts: 1960
Joined: Thu Oct 30, 2008 5:43 am

Post by TheLang »

Image

Cách Uống Rượu Vang Trong Bữa Ăn
1 - Ly uống Champagne:
- Có nhiều ly uống Champagne như:
Ly cho những Champagne nhẹ

-Ly cho những Champagne millesimé, loại đắt tiền

-Ly cho những vins mousseux secs (không phải Champagne, nhưng cũng có bọt, khô...)

-Ly cho những vins mousseux doux
2 - Ly uống rượu đỏ
-Ly uống Bourgogne Grand Cru
Cépages : Grenache, Nebbiolo, Pinot Noir et Syrah
Bourgogne muốn uống ngon, phải mua loại đắt tiền hơn cả Bordeaux

-Ly uống Bourgogne loại thường như Bourgogne / Montrachet
Cépages : Barbera, Portuguais Bleu, Blaufrânkish, Carignan, Chardonnay, Cinsault, Pinot noir, Teroldego

-Ly uống Bordeaux Grand Cru
Cépages : Cabernet Franc, Cabernet Sauvignon, Merlot
(Cépages là giống nho + hổn hợp đất. Chẵng hạn Cabernet Sauvignon trồng tại California (USA) khác với Adélaide (Australia), khác với vùng Bordeaux (France) )

-Ly uống rượu đỏ thường trong và không màu, như vậy mình mới thấy được màu đỏ của rượu. Ly có màu để uống rượu trắng .
Thật ra ly uống rượu tốt hay xấu tùy theo có phải là ly cristal hay không?
Nếu gỏ vào ly cristal, mình sẽ nghe tiếng rất thanh và ánh sáng chiếu vào rất đẹp. Những loại ly cristal đầu tiên là ở Venice -Italy Rót rượu, không bao giờ cầm ly, không bao giờ rót ra bọt trong ly (để miệng chai trên vành ly và rót từ từ -

- Rất khó khí nhìn chai và ly, và 1 mắt nhìn vào chiếc ly & phải đứng bên tay trái người được rót, nếu có chổ, và phải rót cho người nếm trước, 1 chút thôi, và sau đó, người lớn tuổi và phụ nữ trước , và chủ nhà hay người mời sau chót và phải châm khi rượu còn 1/6-1/8

-Nhưng nếu đổi rượu thì nên đợi uống hết ly rồi mới rót rượu mới

-Cách lịch sự và không làm chủ nhân lúng túng là khi 1 chai khác khui ra, đừng nên "nốc" hết ly ngay, và cũng đừng nên cứ để rượu cũ vậy chờ chủ nhân nhắc
-Còn ly tốt nhất để thử những mùi arôme trong rượu tập trung lại ngay miệng ly. Những chuyên viên thử rượu thường họ nhìn màu rượu (vì thế phải dùng ly trong, không màu), lắc ly rượu để ngưỡi mùi arôme và sao đó ngụm một hơi và tráng đều rượu trong miệng để cho lưởi nếm tất cả cái flavor của rượu.
-Như vậy người ta dùng : thị giác, thính giác và vị giác cùng một lúc.
- VN, chỉ có vài hotel là có ly rượu đúng phong cách : Santa Lucia, Augustine, Sifitel-Metropolitain, Camargue, và biết rót rượu


Sưu Tầm

User avatar
VuPhong
Posts: 2913
Joined: Wed Dec 01, 2004 4:28 pm

Post by VuPhong »

Tiếng chuông chùa

Huy Phương

Image
Một Phật tử gióng chuông tại chùa Shwedagon, Miến Ðiện nhân dịp mừng lễ mùa trăng rằm Tabaung trong Tháng Ba 2009.
(Hình: Lwin Maung Maung/AFP/Getty Images)
Nhiều đêm thức giấc trong sự vắng lặng của thành phố nhỏ này, lan man nhớ lại thời tuổi trẻ, bỗng dưng tôi thèm nghe một tiếng chuông chùa. Tiếng chuông đó tôi đã từng gặp trong những ngày tháng thơ ấu, tiếng chuông thanh thoát như gợi lên từ tĩnh lặng, đến đây từ hư vô, đem lại cho tâm hồn sự bình an, không phiền muộn.
Một buổi chiều nào đó trên bờ sông Hương, thời niên thiếu, tôi đã nghe tiếng chuông từ chùa Linh Mụ vọng về theo dòng sông, qua những bờ lau lách, qua những ruộng mía xanh rì vẳng đến ngôi trường học bên bờ sông Hương.
Ngày tôi trở về thăm lại quê hương đổ nát sau những năm dài lưu lạc khổ đau, mỗi đêm gần sáng, trong ngôi từ đường, tôi thường thức giấc bởi những hồi chuông từ ngôi chùa nhỏ bên kia sông vọng lại. Tôi nằm nghe tiếng chuông dóng dả khoan thai như một lời an ủi, tỉ tê. Tiếng chuông như ru tôi rũ sạch mọi muộn phiền.
Tôi đã xa những tiếng chuông như thế trong nhiều năm, bỏ lại thành phố nhỏ, con sông mượt mà và cả tuổi thơ không bao giờ có thể tìm lại. Danh lợi, chiến tranh, và hận thù đã xô đẩy loài người đến với âm thanh của những tiếng bom đạn, tiếng kẻng tù, tiếng rú của những nhà máy nhả khói mịt mù và thế giới văn minh với những dòng xe rộn ràng, vội vã.
Ngày xưa chúng ta đã từng nghe tiếng chuông trong Ðường Thi của Vương Duy, Mạnh Hạo Nhiên, Thường Kiến. Chúng ta ai mà không biết đến cái nửa đêm trăng tàn, sương xuống, quạ kêu và tiếng chuông chùa Hàn San vọng lại giữa đêm của Trương Kế. Và gần đây Quách Tấn với, “Những đêm buồn tỉnh giấc, chùa cũ tiếng chuông ngân.” Tiếng chuông luôn luôn là của phần hồn, của siêu thoát, của an nhiên tự tại khác hẳn với những gì trần tục, đời thường. Vậy mà tiếng chuông chùa đã không còn nghe nữa!
Câu chuyện sau đây đã giải thích vì sao tiếng chuông chùa đã ngưng tiếng.
Ðó là câu chuyện của thiền sư Ấn Ðộ Ram Gopal Muzumdar:
Xưa có một người quyết tâm học đạo, theo một vị thiền sư sống trong một cái cốc nhỏ, sống đạm bạc, quyết chí tu hành. Một này kia, có công việc, vị thiền sư phải đi xa, dặn đệ tử ở lại phải lo chăm chỉ tu hành, chớ hề xao lãng, giữ lối sống đạm bạc và tâm hồn thanh tịnh.
Người đệ tử này chỉ có một chiếc khố che thân, đêm tới khi ngủ, máng trên vách, thường bị chuột ra cắn rách, phải xin vải thừa bá tánh thay đổi nhiều lần.
Thấy vậy, thương người tu hành, người làng đến biếu thầy một con mèo dùng để đuổi bầy chuột. Từ khi có mèo, chuột hết cắn phá khố của thầy nhưng lại phải lo thức ăn thêm cho mèo. Một phú nông trong làng có lòng biếu thầy một con bò để thầy vắt sữa nuôi mèo. Có bò rồi, thầy lại phải lo đi cắt cỏ nuôi bò. Dân làng lại có lòng tốt biếu thầy một đám ruộng màu mỡ để thầy canh tác.
Chẳng mấy lúc, được mùa, lại bò, mèo đều sinh sản thêm, thầy phải nhờ đến dân làng phụ lực cày cấy. Không bao lâu, chốn thanh tịnh xưa kia trở thành một nông trại rộng lớn giàu có.
Lúc ấy thầy không thiếu tiền bạc, mới có ý định phá bỏ chùa nghèo cũ, xây chùa mới, bá tính mới nghe đã dốc lòng, ùn ùn góp công góp của cúng dường để lấy phước. Chẳng mấy chốc thầy đã xây dựng một ngôi chùa mới nguy nga tráng lệ, tượng lớn, cửa cao, trong ngoài đều sơn son thếp vàng như chốn cung đình của Vua Chúa.
Quá giàu, thêm đa đoan công việc, tính toán kinh doanh làm sao được nhiều tiền hơn, đêm đêm thầy bù đầu với những con số thu chi, không còn dốc tâm cũng như có thời gian để tu học. Ngày nay thầy đã trở thành triệu phú, đại tư bản, chỉ có bộ áo cà sa bên ngoài cho biết thầy là một tu sĩ.
Một ngày kia sư phụ trở về, mới đến rẻo đất cũ đã thất kinh rụng rời, hồn phi lạc phách, không thấy túp lều cỏ đơn sơ ngày xưa mình ra đi, mà trước mặt là một ngôi đền tráng lệ, khách thập phương lui tới chiêm bái, ngựa xe dầy đặc, ồn ào không kém gì chốn phồn hoa trần tục. Thấy sư phụ chống gậy, tay nải trở về, thầy hân hoan ra đón, cặn kẽ trình bày lại những chuyện đổi thay tuần tự theo thời gian, hy vọng được sư phụ nhiệt liệt khen ngợi, xiển dương công đức của thầy.
Sư phụ nín lặng hồi lâu, cuối cùng thở dài mà nói rằng:
“Từ một cái khố rách chuột cắn, con đã lầm đường đi một bước quá xa đến cái lâu đài này, ngược với những điều gì ta đã dạy con tu học nhằm để giải thoát và giúp người giải thoát. Chùa lớn nguy nga thì phải lo tu bổ coi sóc, tín đồ đông thì ồn ào, hỗn tạp, được phước thì thời giờ đâu nữa mà tu học.
Nhân vật trong chuyện chính là thiền sư, người kể chuyện:
“Người tu sĩ đó là tôi, tôi đã từ bỏ hết để theo thầy lên non học đạo, và nay tôi áp dụng nó (đoạn tuyệt tài sản) để chữa mọi bệnh nan y trong tu viện này...”
Bây giờ người ta không còn xây chùa trên núi, xây chùa trên núi thì thanh tịnh, dễ tu tập, nhưng không nhiều thiện nam tín nữ và khách vãng lai. Ông Trạng Nguyễn Bỉnh Khiêm đã mỉa mai: “Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ”, nhưng bây giờ đi tìm nơi vắng vẻ quả là dại, thà cứ theo chân “người khôn người tới chốn lao xao.”
Khi chùa nằm giữa phố thị, chợ búa rộn ràng thì tiếng chuông sẽ bị ngăn giữ giữa phồn hoa tục lụy, có khi chùa lại không được đánh chuông. Khi thầy bận rộn đa đoan với năm bảy ngôi chùa, với sổ sách chi thu, với suy tính, nợ nần vừa ân nghĩa, thương ghét thường tình thì khó nói chuyện tu học.
Ngày xưa khi đức Phật tìm ra chánh pháp, nếu muốn, Vua Tịnh Phạn sẽ cung cấp cho người xa mã, tiền hô, hậu ủng, và xây dựng hằng chục ngôi chùa nguy nga tráng lệ, sơn son thiếp vàng cho người hành đạo, đâu có phải lê đôi dép mòn qua hàng nghìn dặm đường gai góc, nắng cháy hay sương tuyết.
Tôi là người của thế kỷ trước đi lạc tới đây. Vì sao cứ nghĩ chùa phải là chùa Long Giáng của Hồn Bướm Mơ Tiên, chùa phải là chùa làng của Vang Bóng Một Thời, hay mơ màng đến cảnh chùa Hàn San, trong lời thơ không thấy rõ cảnh chùa, chỉ nghe tiếng chuông chùa vọng lại. Chúng ta đánh mất nhiều thứ, trong đó có cả một tiếng chuông chùa.
Xin cho tôi tìm lại một chút tuổi thơ và cả tiếng chuông chùa ngày ấy. Tôi đã đi trên những đoạn cuối của con đường đời, vẫn muốn có những giây phút tần ngần đứng lại, nhìn về quá khứ tưởng như đã mờ nhạt, nhưng làm sao có được một vài giây phút như Hồ Dzếnh để:

“Chân đi đếm tiếng chuông chùa,
Tôi ngờ năm tháng ngày xưa lại về.”

Post Reply