Đời sống và Tội Ác

Cho đuổi mèo, mèo rượt chuột, chuột sa chỉnh gạo, gạo tải vô xe... thế rồi... xe cán chó!!!

Moderators: CNN, khieulong

Post Reply
User avatar
khieulong
Posts: 6757
Joined: Wed Dec 01, 2004 9:09 pm
Been thanked: 1 time

Đời sống và Tội Ác

Post by khieulong »

Ai đã sát hại nhà tỉ phú Ted Ammon?
Phiên tòa xử vụ sát hại Ted Ammon kết thúc ngày 13/12/2004 với bản án 25 năm tù giam dành cho kẻ thủ ác. Cuộc đời của nhà tỉ phú người Mỹ kết thúc trong bi kịch của tình và tiền. Ted Ammon lớn lên trong một gia đình trung lưu ở Mỹ. Hồi còn học Đại học Bucknell, anh là một vận động viên xuất sắc môn bóng ném. Năm 1973, Ted Ammon kết hôn và chuyển tới London thực tập tại một hãng luật. Cuộc hôn nhân đầu tiên của chàng tỉ phú tương lai này chỉ tồn tại 10 năm.

Sau khi ly dị, Ammon quay về Mỹ với quyết tâm tạo dựng sự nghiệp tại thành phố New York. Anh được tuyển vào làm việc tại một văn phòng buôn bán bất động sản mang tên Generosa Rand. Chủ văn phòng là một người phụ nữ cứng nhắc, thẳng tính. Nhưng đây lại là mẫu người mà Ted Ammon thích. Lễ cưới giữa anh và Generosa được tổ chức vào năm 1986.

Chỉ trong vòng hơn 10 năm, với tài kinh doanh của mình, Ted Ammon đã mang về hàng chục triệu USD lợi nhuận cho công ty. Vài năm sau, cuộc hôn nhân của họ vẫn hạnh phúc nhưng vì không có con nên cặp vợ chồng này đã nhận 2 đứa trẻ sinh đôi gốc Ukraina tên là Greg và Alexa về nuôi. Những năm gần cuối đời, vợ chồng Ted Ammon đột nhiên rời New York chuyển tới sống trong một ngôi nhà tồi tàn ở ngoại ô nước Anh. Ed Meyer, một trong những luật sư của Generosa cho biết, chính Generosa đã kéo Ted Ammon ra khỏi New York và mớ công việc hỗn độn của anh.

Thế nhưng cuộc sống nhàn hạ lại không phải là điều Ted Ammon ưa thích. Anh thường xuyên có những chuyến công tác tới New York, còn Generosa thì bắt đầu nghi ngờ lòng chung thủy của chồng mình. Cô tâm sự với bạn bè rằng hình như Ted Ammon có người tình ở New York. Mùa hè năm 2000, cả gia đình Ammon chuyển về Manhattan nhưng hai vợ chồng sống ly thân. Generosa cố gắng hoàn tất thủ tục ly dị với khoản trợ cấp là 1 triệu USD/năm.

Thảm kịch gia đình Ammon bắt đầu xuất hiện từ khi Generosa có một người bạn trai mới tên là Danny Pelosi. Và theo cô, anh chàng này có tất cả những gì mà Ted Ammon không có. Về phần mình, tự nhiên vớ được một người tình giàu có, Danny Pelosi tự ví cuộc tình của mình với Generosa là mối quan hệ giữa kẻ nghèo khổ và nàng công chúa. Cho đến cuối năm 2000, Generosa đã tin tưởng Danny Pelosi và giao cho anh ta toàn quyền quản lý việc nâng cấp ngôi nhà hiện tại của cô trị giá hàng triệu USD. Danny Pelosi nhớ lại: “Tôi đã chấm dứt những tháng ngày phải làm công việc là lái xe thuê trên Long Island. Buổi sáng hôm đó, Generosa vào xe tìm tôi khi tôi đang ngủ và cô ấy nói tôi sẽ có một phòng riêng ở Stanhope”.

Stanhope là một trong những khách sạn tráng lệ nhất New York, nơi Generosa và 2 đứa con nuôi ở tạm trong thời gian sửa nhà. Xuất thân từ một kẻ thất học, buôn bán ma túy và rượu giả, nay “một bước lên tiên” đã khiến Danny Pelosi ngày càng nổi máu tham.

Tháng 10/2001, sau hơn một năm đối đầu với nhau, cuối cùng Ted Ammon và Generosa đã đi đến thỏa thuận là Generosa được bồi thường 25 triệu USD. Nhưng vào lúc 17 giờ ngày 22/10/2001, chỉ vài ngày trước khi cả hai cùng ký vào tờ đơn ly dị, Ted Ammon đã bị đánh chết bằng dùi cui tại nhà riêng ở Đông Hampton. Các bằng chứng pháp y cho thấy Ted Ammon đã bị giết khi đang ngủ. Các bác sĩ pháp y cũng đã có những bằng chứng cho thấy khi bị đánh cú đầu tiên, Ted Ammon đã tỉnh giấc và ôm lấy đầu của mình nhưng anh vẫn thất bại trong việc bảo vệ tính mạng bản thân. Mọi hướng điều tra lại quay về Generosa.

Cảnh sát bắt đầu nghi ngờ Danny Pelosi khi phát hiện hắn đã thuê một nhà thầu lắp đặt hệ thống giám sát ngôi nhà ở Đông Hampton trong thời gian Generosa không còn ở đó. Hệ thống này do John Kundle lắp đặt 6 tháng trước khi xảy ra vụ giết người. Điều này cũng có nghĩa là trong khoảng thời gian đó, Danny Pelosi và Generosa có thể theo dõi mọi hành động diễn ra trong ngôi nhà đó bằng cách bật máy tính xách tay của mình. Khi trả lời thẩm vấn, Danny Pelosi đã khai rằng anh ta lắp đặt hệ thống giám sát đó theo yêu cầu của Generosa vì cô sợ chồng mình sẽ có những hành động bẩn thỉu. Tuy nghi ngờ Danny Pelosi nhưng cảnh sát lại không hề có một bằng chứng luận tội nào.

Ba tháng sau cái chết của Ted Ammon, đôi tình nhân Danny Pelosi và Generosa tổ chức lễ cưới. Generosa cùng hai đứa con nuôi chuyển tới sống tại ngôi nhà của Danny Pelosi ở Center Moriches. Song cuộc đời cũng thật trớ trêu. Năm đó Generosa 46 tuổi, đã phát hiện mình bị mắc bệnh ung thư vú. Tháng 7/2003, tức gần 2 năm sau ngày cưới, Generosa lại bỏ Pelosi, cùng hai đứa con trở về ngôi nhà ở Đông Hampton.

Ngày Generosa mất, Danny Pelosi đã đưa vợ tới khách sạn Stanhope. Chàng thợ ảnh Robert Kalfus đã chụp được bức ảnh Danny Pelosi đang ngồi trong quán uống bia và hút thuốc cùng Generosa. Bức ảnh này sau đó được đăng tải trên tờ New York Post khiến cho Danny Pelosi lo sợ, định chạy trốn.

Tháng 3/2004, Danny Pelosi bị bắt vì tội danh giết người. Màn kịch về những vụ lừa tình của Danny Pelosi cuối cùng đã bị phơi bày.

Thời gian Generosa bỏ đi, Danny Pelosi đã nhanh chóng tìm được người tình mới là Jennifer Zolnowski. Tiếp đó, màn kịch ve vãn của y lại tái diễn với nữ công tố viên Janet Albertson. Quá căm giận người đàn ông bỉ ổi đó, Janet Albertson đã đưa ra những bằng chứng có tính chất quan trọng trong việc luận tội Danny Pelosi giết người vì tiền. Danny Pelosi khi thuê nhà thầu lắp đặt hệ thống giám sát nhà ở của Ted Ammon đã nói về ý định giết người của mình. Chị gái của Pelosi là Barbara thì khai rằng, chính y đã nhờ chị nối hệ thống giám sát với máy tính xách tay để tiện việc theo dõi Ted Ammon trong nhà. Barbara cũng kể rằng trong cái đêm Ted Ammon bị giết, Danny Pelosi đã đến nhà chị nhờ tắt hệ thống giám sát nhà của Ted Ammon. Sau đó, Danny Pelosi còn khôn khéo tạo bằng chứng về việc hắn vắng mặt ở Long Island khi vụ giết người xảy ra.

Phiên tòa xử vụ án giết Ted Ammon đã kết thúc ngày 13/12/2004 với bản án 25 năm tù giam đối với tên giết người Danny Pelosi

( Tuấn Tú theo CBS )

User avatar
khieulong
Posts: 6757
Joined: Wed Dec 01, 2004 9:09 pm
Been thanked: 1 time

Post by khieulong »

Án mạng trên đại lộ Champs-Elysée Image Cuối năm 2004, một thanh niên bị giết chết bằng dao ngay trên đại lộ Champs-Elysée, đại lộ đẹp nhất nước Pháp, luôn được coi là đảm bảo về an ninh. Một cảnh sát cho biết: Đại lộ này là nơi duy nhất trên đất Pháp được chính phủ gọi là “vùng không khoan nhượng”. François Lebel, quan chức thuộc đảng Liên minh phong trào nhân dân (UMP), cũng xác định đại lộ Champs-Elysée là “một trong những địa điểm an toàn nhất nước Pháp”!Theo Sở Cảnh sát Paris, từ 4 năm nay tình trạng phạm tội trên con đường này mỗi năm giảm 10%. Đó là hiệu quả của sự “không khoan nhượng”, nói theo lực lượng an ninh. Một chính sách được học tập từ thành phố New York của Mỹ: mọi hành vi vi phạm trật tự công cộng dù nhỏ nhặt đến đâu đều bị trấn áp triệt để. Trên đại lộ Champs-Elysée xinh đẹp khó có thể xảy ra án mạng, vì cảnh sát được trang bị mạng lưới theo dõi bằng camera rất hiện đại.

Nhờ vào sự triển khai các lực lượng an ninh thường xuyên mà đại lộ Champs-Elysée từ lâu nay đã trở nên yên tĩnh. Một đội cảnh sát tuần tra về đêm, 4 nhóm cảnh sát quản lý các cụm nhà - rải rác bên số chẵn và số lẻ - và 2 đội chống tội phạm thường xuyên đi tuần dọc ngang đại lộ.

Ngoài ra, 5 êkíp canh gác các trạm xe điện ngầm và cảnh sát mặc thường phục chạy môtô chịu trách nhiệm ngăn chặn các vụ cướp giật. Từ năm 2000 số tội phạm đã giảm xuống 30%, kế đó là 20% vào năm 2001. Tổng cộng, trong các năm 2001 và 2004, loại tội phạm nhỏ như cướp giật đã giảm 30%.

Thế nhưng, vụ giết chết một thanh niên 18 tuổi tên là Zacharias B. đã làm xôn xao dư luận. Chuyện gì đã xảy ra vào ngày hôm đó? Vào giờ mà mọi thanh niên đều tụ tập xuống đường thì Zacharias cũng có mặt trên đại lộ.

Anh ta thơ thẩn một mình tìm bạn bè. Đến một công viên nhỏ, Zazharias nhìn thấy một nhóm thanh niên khác. Họ đã uống bia rượu từ buổi chiều. Zacharias hỏi mượn điện thoại di động của một thanh niên trong nhóm này để gọi bạn bè. Nhóm thanh niên tưởng anh ta có ý muốn cướp điện thoại. Lời qua tiếng lại, nhưng một người không thể chống lại 4 người. Zacharias bỏ đi và hẹn sẽ quay lại để rửa nhục.

Sau đó, anh ta gặp bạn bè, họ cũng đã nốc bia rượu từ đầu hôm. Zacharias lôi kéo được Moussa, 18 tuổi, tìm đến công viên nhỏ, "gặp lại" 4 thanh niên nọ. Moussa bị đấm té ngã ra đất và trong khi Zacharias nâng bạn dậy thì một đối thủ đã đâm anh từ sau lưng bằng dao. Hai người liền bỏ chạy, nhưng được chừng mươi mét thì Zacharias gục xuống: anh ta bị thủng phổi. Lúc đó là 20 giờ 45 phút. Một giờ sau, tại bệnh viện, Zacharias đã chết do xuất huyết nội . (Diên San ,theo Le Figaro)

User avatar
khieulong
Posts: 6757
Joined: Wed Dec 01, 2004 9:09 pm
Been thanked: 1 time

Post by khieulong »

Kẻ sát nhân máu lạnh

Sadashiv Sahu, 57 tuổi, trong suốt 4 năm qua đã giết chết 22 người dân thị trấn Fursatganj, bang Uttar Pradesh, phía bắc Ấn Độ. Khi bị bắt, Sadashiv Sahu nói: “Tôi thật tình không biết điều gì đã xảy đến với tôi. Tôi bị áp đảo bởi một sự thôi thúc kỳ lạ là phải giết người". Sahu khai, sau khi giết một mạng người, hắn ta trở về nhà và đánh một giấc thật ngon. Cảnh sát cho biết Sahu giết người lần đầu tiên vào tháng 4/2002 và nạn nhân cuối cùng của hắn là một người đàn ông 60 tuổi bị giết chết vào tháng 11/2004. Sadashiv Sahu cũng đã thừa nhận tội trạng giết người của hắn trong bản nhận tội dài 8 trang giấy.Sanjay Srivastava, sĩ quan cảnh sát địa phương cho biết, Sahu thường “săn” những người đàn ông lớn tuổi vào lúc trời nhá nhem tối. Viên cảnh sát nói: “Mỗi lần giết người, hắn ta đều áp dụng các phương pháp giống nhau: gí họng súng ép sát ngực nạn nhân rồi siết cò để giảm bớt âm thanh. Sau vụ bắt giữ này, đã không còn vụ giết người nào xảy ra ở thị trấn Fursatganj nữa. Chúng tôi sẽ hoàn tất hồ sơ vụ án trước tuần đầu tiên của tháng 2/2005”.

Những người láng giềng của “sát thủ máu lạnh” này cho biết, hắn ta sống rất âm thầm, không có vấn đề gì cả. Shiv Singh, người hàng xóm lâu năm của kẻ giết người, nói: “Hắn ta rất ít nói chuyện với mọi người. Và hễ khi nào rảnh rỗi, hắn ta thường đọc các sách về tôn giáo".

Tại đồn cảnh sát địa phương, Sahu thú nhận mình đã giết chết người đàn ông 60 tuổi nhưng lại chối bay đối với các vụ giết người khác. Sahu đang muốn tìm một luật sư giỏi để bào chữa cho tội lỗi ngất trời của hắn CAND (D.S ,Theo BBC )

User avatar
khieulong
Posts: 6757
Joined: Wed Dec 01, 2004 9:09 pm
Been thanked: 1 time

Post by khieulong »

Tâm Lý Một Kẻ Sát Nhân: Chuyện Cô Ashley Smith
Trần Bình Nam
Trong chuyện không vui cũng có điều đáng suy nghĩ. Brian Nichols, người thành phố Atlanta, bang Georgia, Hoa Kỳ bị truy tố về tội hiếp dâm. Trước tòa của quận Fulton, Atlanta hôm Thứ Sáu 11/3 anh cướp súng của người nữ cảnh sát áp tải là bà Cynthia Hall làm bà bị thương nặng. Sau đó Nichols bắn chết quan tòa Rowland Barnes, nhà báo Julie Brandau, cảnh sát viên Hoyt Teasley rồi tẩu thoát. Trên đường đào thoát Nichols bắn chết thêm một công chức của sở quan thuế, ông David Wilhelm.
Trong 24 giờ lẩn trốn, báo chí và truyền hình toàn quốc đầy ắp hình ảnh của anh, một thanh niên da đen, to lớn, khôi ngô, hói tóc. Sáng Thứ Bảy Brian Nichols bị bắt. Câu chuyện không có gì lạ. Người ta chờ đợi Brian Nichols sẽ được mang ra tòa tiếp tục xử tội hiếp dâm, và các tội giết người khác. Án nhẹ nhất đối với anh là chung thân khổ sai.
Lạ ở chỗ, qua một đêm ẩn náu trong nhà một thiếu phụ khả ái mà anh dùng súng uy hiếp, anh đã bị người thiếu phụ xinh đẹp này thuyết phục và khi cảnh sát được người thiếu phụ - cô Ashley Smith, 26 tuổi - thông báo kéo đến vây bắt anh đã đầu hàng không chống cự.
Khả năng thuyết phục của cô Smith như thế nào và cái gì đã diễn biến trong đầu kẻ sát nhân? Đây là câu chuyện kinh hoàng trong đêm Thứ Sáu 13/3 rạng ngày Thứ Bảy 14/3 xẩy ra trong căn nhà cô Smith vừa mới dọn tới tại quận Gwinnett, nằm ở phía bắc thành phố Atlanta.
Mới chuyển nhà hai ngày, đêm đó cô Ashley Smith thức khuya dọn dẹp nhà cửa. Khoảng 2:30 sáng cô thèm thuốc, cô lái xe đi mua thuốc lá tại một tiệm tạp hóa mở cửa 24/24 giờ gần nhà.
Khi trở về cô thấy một người đàn ông ngồi trên một chiếc xe truck đậu trên đường trước nhà cô. Lúc đi cô đã thấy chiếc xe nên không quan tâm lắm. Khu này là khu nổi tiếng an toàn. Đậu xe bên đường cô bước xuống đóng cửa xe. Đúng lúc đó cô nghe tiếng đóng cửa của xe kia. Cô cảm thấy sợ.
Cầm chặt chìa khoá cửa trong tay cô Smith bước nhanh đến mở cửa nhà. Vừa đút chìa vào ổ khoá cô ngoái nhìn ra sau thì thấy người một người đàn ông to lớn đã đến sau lưng cô. Cô rú lên. Người đàn ông chĩa mũi súng vào hông cô và bảo:
“Cô đừng kêu. Nếu cô không kêu tôi sẽ không làm hại cô.”
Cô Ashley Smith mường tượng viễn ảnh đen tối trước mắt, bị hiếp dâm rồi bị giết.
“Cô biết tôi là ai không?” Hắn hỏi
Hắn khoác một chiếc áo ngắn mầu đỏ phủ ngoài một chiếc áo khác mầu đen sậm, đầu đội một chiếc nón mang dấu hiệu của đại học Georgia.
Cô Smith không nhận ra hắn.
Hắn lấy chiếc nón ra để lộ chiếc đầu hói tóc.
“Bây giờ cô nhận ra tôi chưa ?” Hắn hỏi
Nhận ra Brian Nichols. Cô Smith run cầm cập.
“Đừng sợ. Tôi sẽ không làm hại cô.” Hắn nói.
Hắn đưa cô vào phòng tắm, bảo cô ngồi đó rồi đi rảo căn nhà xem có ai không? Trở về phòng tắm hắn trấn an cô.
“Tôi không muốn giết ai nữa. Nhưng nếu cô kêu lên, cảnh sát đến tôi buộc phải giết cô và tự vận.”
Hắn lấy băng keo cột chặt người cô rồi mang cô vào phòng ngủ, dùng dây điện và một tấm màn buộc chặt cô hơn. Hắn không tỏ vẻ gì muốn hiếp cô.
“Tôi muốn nghỉ ngơi một chút.” Hắn nói
Hắn bảo cô theo nó vào phòng tắm, đặt cô ngồi trên một chiếc ghế và tế nhị phủ lên đầu cô một cái khăn tắm trong khi nó tắm.
Tắm xong cô chỉ chỗ cho nó lấy một cái quần và một chiếc áo sơ mi (có lẽ của chồng cô). Cô thấy lúc này Nichols tỏ ra thư giãn.
Hắn gỡ trói cho cô và hai người ra phòng khách ngồi.
“Hôm nay là một ngày dài đối với tôi” Hắn nói.
Hắn giải thích một cách bóng bẩy tại sao nó trải qua một ngày dài như vậy: “Tôi cảm thấy tôi như một người chiến sĩ không ngừng đấu tranh. Như những người cùng màu da với tôi.”
Và hắn kết luận hắn chán lắm rồi. “Tôi không muốn giết ai nữa.” Hắn nói với cô Smith. “Tôi chỉ muốn nghỉ ngơi.”
Câu chuyện trao qua đổi lại trở nên bình thường. Và cô Smith hỏi nó cô có thể đọc sách không.
Hắn nói OK, cô cứ đọc đi. Cô mở một cuốn sách cô đang đọc nhan đề: “Mục đích của đời sống” (Purpose Driven Life). Cuốn sách chẳng cao siêu gì chỉ khuyên chuyện làm hằng ngày. Cô mở chương 33 đọc thành tiếng tiếp đoạn cô chưa đọc tới: “Giúp người khác là một cách phục vụ Chúa. Thế giới cho rằng ai có quyền lực, tiền tài, uy tín và vị trí trong xã hội là đáng nễ sợ. Và nếu anh có thể buộc người khác phục vụ cho anh là anh đã thành công. Trong văn hóa của chúng ta phục vụ người khác không phải là điều đáng ca ngợi.”
Hắn bảo cô ngừng, và đọc lại đoạn đó. Cứ thế câu chuyện kéo dài làm cả hai quên cả giờ khắc. Nhìn tấm ảnh gia đình treo trên tường, hắn hỏi những ai trong đó.
Cô Smith nói với Nichols về gia đình mình. Chồng cô chết cách đây 4 năm trong một vụ ẩu đả ở Augusta, Atlanta và bị đâm chết. Cô có một đứa con gái 5 tuổi. Cô nói nếu anh giết tôi thì con gái của tôi sẽ mồ côi cả cha lẫn mẹ.
Cô Smith nói với Brian Nichols sáng mai cô có hẹn thăm con gái lúc 10 giờ. Hai tuần rồi cô chưa gặp con. Ngày mai con gái cô nghĩ rằng sẽ gặp mẹ. Nó sẽ đau khổ biết bao nếu không gặp được mẹ. Đời nó đã trải qua quá nhiều đau khổ.
Smith lục hồ sơ giải phẫu của chồng cho Nichols xem. Trở nên bạo dạn, Smith nói với Nichols: “Nhiều người đã đau khổ vì những việc như anh làm”, và nói tiếp “Anh hãy ra nộp mình. Còn vớt vát được gì thì nên vớt vát. Nếu không anh cũng sẽ phải chết thôi”
Smith hỏi Nichols nghĩ sao khi giết người, và có nghĩ đến gia đình các nạn nhân không. Đến đây cô Smith nhớ thấy khuôn mặt của Brian Nichols trở nên đăm chiêu như tâm hồn hắn vừa tiếp nhận một luồng điện bí hiểm nào của vũ trụ.
“Cái súng của tôi kia kìa, cô hãy lấy bắn chết tôi đi” Hắn nói với cô Smith, “chẳng thà cô giết tôi hơn là cảnh sát bắn tôi.”
Brian Nichols kể chuyện gia đình, cho biết mẹ anh đang đi công việc ở Phi Châu và lo lắng không biết bà nghĩ gì về đứa con của mình khi biết tin này. Hai người ngồi trong phòng khách xem TV chiếu đi chiếu lại cảnh tượng bà cảnh sát Cynthia Hall bị Nichols uy hiếp.
“Tôi không bắn bà Hall.”, Nichols nói: “Tôi chỉ đánh thật mạnh vào đầu của bả. Thật tội nghiệp, tôi hy vọng bả không chết.”
Nhìn hình mình trên TV, Nichols nói: “Tôi không thể tưởng tượng đó là tôi.”
Nichols lục trong túi lấy tấm thẻ nhân viên liên bang và bằng lái xe của ông David Wilhelm, người anh bắn chết mấy giờ trước đó và đưa cho cô Smith.
Nhìn bằng lái xe, cô Smith thấy ông Wilhelm mới 40 tuổi, cô nói một cách trách móc: “Chắc ông ta còn vợ và con!”
“Tôi đâu muốn giết ông ta” Nichols nói, “Ông ấy không chịu làm những gì tôi bảo ông ấy làm và chống lại tôi nên tôi phải bắn ông ta.”
Càng về sáng cô Smith càng cảm thấy mình có hy vọng thoát nạn.
Nichols hứa sáng ra sẽ để cho cô đi thăm con gái.
Khoảng 6 giờ 15 sáng Nichols nói hắn cần chuyển xe hắn cướp của ông Wilhelm đi nơi khác để khỏi bị nhận diện.
Sợ bị giết cô Smith nói cô sẽ lái xe đi theo hắn. Hai người rời nhà, Nichols để lại mấy khẩu súng dưới nệm giường của cô Smith.
Lái theo sau xe Nichols cô Smith định gọi 911, nhưng quyết bỏ ý đó. Cô nghĩ cảnh sát đến bao vây và biết cái gì có thể xẩy ra trước lằn tên mũi đạn.
Chạy xa khoảng hai dặm đường Nichols cho xe của Wilhelm xuống hố bên vệ đường. Hắn mở cửa xe bước lên ngồi cạnh Smith và nói: “Trời, sao cô không chạy đi. Tôi tưởng thế nào cô cũng nhân dịp này chạy mất rồi.”
Smith lái xe trở về nhà. Lúc này cô tin rằng cô sẽ thoát nạn.
Nichols kêu đói. Cô Smith làm trứng gà và bánh ngọt, và hai người cùng ăn sáng và dùng nước trái cây.
Nichols hỏi giờ nào cô phải đi thăm con. Smith nói 10 giờ và gợi ý chừng 9 giờ 30 phút cô rời nhà là vừa.
Ăn xong cô Smith rửa chén bát, rồi chuẩn bị đi.
Nichols dùng dằng chia tay và nói cô Smith đừng quên hắn ở trong tù. Hắn nói: “Cô là vị thiên thần Trời mang đến cho tôi. Tôi muốn được trò chuyện với cô. Cô có đến thăm tôi không?”
Cô Smith nói cô sẽ đến thăm.
“Tôi sẽ trở lại trong chốc lát” Cô Smith nói trước khi rời khỏi nhà.
Nichols nhìn cô với đôi mắt không tin tưởng vào lời hứa của cô.
Tiễn cô Smith ra cửa, Nichols đưa cho cô 40 đồng tìền mặt. Cô Smith bảo cô không cần tiền.
“Nhưng cứ cầm lấy” Nichols nói, “tôi không có dịp dùng tiền nữa.”
Nichols hỏi Smith ở nhà hắn có thể treo lại màn cửa hay đóng lại vài bức tranh không?
Smith bảo hắn muốn làm gì thì làm.
Bước ra khỏi nhà, dưới ánh nắng chói chan và ấm áp, người cô run cầm cập. Cô lái xe đến một bảng “stop sign” và gọi 911. Cô cho biết Brian Nichols đang ở trong nhà của cô.
Trong vòng mấy phút một trung đội cảnh sát đặc biệt 30 người đã bao vây căn nhà của cô Smith. Nichols đưa một miếng vãi trắng ra cửa sổ báo hiệu đầu hàng.
Sau khi thuật lại những giờ khắc hãi hùng cô trải qua với Nichols, cô Smith tìm ra một cách giải thích:
“Tôi tin rằng Trời đã dẫn dắt anh ấy đến cửa nhà tôi để anh ấy không còn làm hại ai nữa.”
Câu chuyện Brian Nichols giết người đền tội, và cô Ashley Smith được thưởng 10.000 mỹ kim có đủ để kết thúc câu chuyện và cho nó vào quên lãng của dòng thời gian không?
Không! Còn nhiều câu hỏi làm bận trí chúng ta.
Cái gì đã làm cho một thanh niên có ăn học, con cái một gia đình tử tế như Brian Nichols trở nên hung bạo giết người một cách dễ dàng như vậy? Cái gì đã cảm hóa Nichols? Ý của trời (như cô Smith nghĩ) hay sắc dẹp dịu hiền của cô Smith (như chúng ta có thể nghĩ) là những cách giải thích quá đơn giản. Phải so sánh sự can đảm và nhất là tấm lòng của cô Smith với cái gì? Trong những giờ phút với Nichols cô Smith chỉ tính toán để sống sót hay cô đã làm toát ra được chút tình người và điều đó đã cảm hóa Nichols?
Những người tò mò sẽ hỏi, cô Smith có đến nhà tù thăm Nichols không? Cô Smith đã hứa và tôi nghĩ cô sẽ đến. Không phải để giúp cải hóa Brian Nichols mà còn giúp cải hóa những kẻ đang mang trong người mầm mống của tội ác.
Cái tâm tốt là phép mầu hóa giải mọi vấn nạn của trời đất và của con người.
Trần Bình Nam
March 17, 2005

BinhNam@sbcglobal.net
http://www.vnet.org/tbn

User avatar
linhgia
Posts: 1308
Joined: Fri Dec 03, 2004 9:30 am

Con Sâu Đỏ của Lâm Chương

Post by linhgia »

Con Sâu Ðỏ

Lâm Chương
--------------------------------------------------------------------------------

Gốc gác gia đình của cậu Hai Say là nhà nông, nhưng cậu ít khi ngó ngàng đến ruộng nương. Mùa màng cấy gặt, cậu giao hết cho vợ trông nom. Còn cậu, cứ tà tà đi tán dóc, coi cuộc đời như chốn rong chơi. Ðầu thôn cuối xóm, ai cậu cũng quen. Ra đường, gặp nhau chào hỏi mệt nghỉ. Chào mãi đâm nhàm, chỉ cần nhìn mặt, nhếch mép cười là đủ.
Có một thời cậu theo cách mạng vô bưng biền. Công cuộc kháng chiến trường kỳ, cần nhiều hy sinh gian khổ, không hợp với cái tính ưa hưởng nhàn của cậu. Cậu bỏ về, mang theo căn bệnh sốt rừng. Da cậu tái nhợt như tàu lá chuối non. Thầy thuốc Nam bảo, cậu ăn uống nhiều vật thực mang tính âm hàn, nên sinh ra dị chứng. Phải xổ độc để tống khứ nhiễm khí rừng thiêng. Cậu uống bao nhiêu thang thuốc Nam, vẫn không xổ hết chất độc. Mợ Hai, vợ cậu phải bán một bồ lúa, đưa cậu ra tỉnh thành trị bệnh. Bác sĩ nói, cậu bị sốt rét kinh niên. Nếu không chữa trị kịp thời, để con vi trùng xâm nhập vào gan thì bỏ mạng. Sau một thời gian dùng thuốc Tây, cậu khỏi bệnh. Và từ đó, cậu lấy chữ nhàn làm gốc.

Cái tên của cậu, làm tôi thắc mắc. Cậu là Hai Say hay Hay Say? Cách phát âm của người miền tôi, không phân biệt giữa Hai với Hay. Và Say có phải là tên thật của cậu, hay người ta thấy cậu thường có hơi rượu, rồi gán cái biệt danh Say? Tôi còn nhỏ, không dám hỏi về điều này. Mà có hỏi, cũng chưa chắc cậu trả lời thật. Bởi tính cậu, xưa nay vẫn hay thêu rồng vẽ rắn, chuyện thật như đùa, chuyện đùa như thật, biết đâu mà lường.

Trước cửa nhà tôi, có con đường đất. Cậu Hai Say thường đi trên đường này, mỗi ngày. Ðang đi, cậu ghé vào nhà này, nói năm ba câu trên trời dưới đất. Tạt vào nhà kia, bàn chuyện thời tiết nắng mưa. Không bao giờ nghe cậu đặt vấn đề làm ăn sinh kế. Cậu nói cậu là ông tiên ở trên trời bị đoạ xuống trần gian, và đọc:

Có chồng say như trong chay ngoài bội
Ngó vô nhà như hội Tầm Dương
Có chồng ghiền như ông tiên nho nhỏ
Ngó vô nhà đèn đỏ đèn xanh

Ðã là tiên thì đâu cần phải làm gì. Cậu rong chơi, chờ ngày mãn kiếp về trời. Nhà tôi là nơi cậu thường vào nghỉ chân sau một chuyến đi rảo quanh làng, hoặc lừng khừng sau khi lai rai vài ba sợi đế. Cậu đến nhà tôi, người lớn không cần phải bận tâm đón tiếp. Quen thân quá, hoá lờn. Không ai vô công rồi nghề để ngồi nghe cậu nói chuyện Nam Tào Bắc Ðẩu. Cậu cũng rất tự nhiên, nằm trên cái võng giữa nhà, đưa qua đưa lại, miệng phì phà điếu thuốc. Anh chị em tôi rất thích cậu Hai Say. Cậu có cả một kho tàng chuyện lạ, kể hoài không hết. Muốn nghe cậu kể chuyện, chúng tôi phải thay phiên đưa võng cho cậu lấy hứng. Ðưa võng cũng phải có nghệ thuật, cậu nói, đưa mạnh quá làm nôn ruột, đưa nhẹ quá dễ buồn ngủ. Thế thì phải đưa thử, đến lúc nào cậu bảo được, là giữ nhịp võng ấy mà đưa hoài. Mỗi khi cậu chấm dứt một câu chuyện kể, phải biết ý cậu, đưa mạnh hơn để tán dương và phụ hoạ cho tiếng cười được phơi phới lên cao. Không phải lúc nào cậu cũng chịu đưa võng. Những khi trời nóng nực, phải quạt cho cậu mát. Quạt mạnh quá, cậu nói ngộp thở. Nhẹ quá, cậu bảo không mát. Phải quạt vừa vừa, đều đặn. Cậu nằm phanh áo, bày ngực và bụng. Quạt từ trên mặt, quạt dài xuống bụng. Cái quạt lớn làm bằng mo cau, tôi phải cầm hai tay, quạt mới xuể.

Những chuyện kể của cậu Hai Say, mấy mươi năm qua rồi, tôi không nhớ hết. Sau đây là một trong vài chuyện mà tôi còn nhớ được.

Thời cậu còn theo kháng chiến làm cách mạng. Cậu đã đi rất nhiều nơi, từ chốn bưng biền cho đến miền rừng sâu núi thẳm. Một hôm cậu ngang qua một vùng núi non hiểm trở, bỗng nghe tiếng động ầm ầm dữ dội, như tiếng của Thần Rừng Thần Núi giao tranh. Cậu hoảng hồn, mau chân chạy tránh xa nơi nguy hiểm. Cả năm sau, cậu có dịp hộ tống Bác Hồ, ngang qua vùng ấy nữa. Cậu thấy hai con vật khổng lồ: con rít chúa và con mảng xà vương nằm chết, xác đã rữa mục rồi. Bấy giờ, cậu mới hiểu ra rằng tiếng động ầm ầm mà cậu nghe năm ngoái, là do hai con vật đánh nhau. Cái đuôi của chúng vùng vẫy làm gãy đổ cây cối cả một vùng rừng rộng lớn.

Con mảng xà vương chết, còn lại bộ da, trải dài như con đường lát gạch. Bác Hồ là người thông minh, có nhiều sáng kiến lạ, Bác bảo mỗi người cắt vài miếng da mảng xà để làm dép râu. Và Bác đã mang đôi dép này đi suốt "Ðường Kách Mệnh". Ðôi dép râu bằng da mảng xà, bền chắc vô cùng. Khi Bác lên làm chủ tịch nước, người ta đưa đôi dép râu này vào trưng bày trong viện bảo tàng. Các nhà khoa học lừng danh của Liên Xô có đến chiêm ngưỡng, và dùng phương pháp khoa học tối tân để phân chất, nhưng vẫn không khám phá ra đôi dép làm bằng nguyên liệu gì. Ðó một bí mật mà nhà nước ta giấu kín, không công bố cho nước nào biết, dù là nước xã hội chủ nghĩa anh em cũng vậy. Tất cả những gì liên quan đến Bác, đều được truyền miệng một cách hư hư thực thực như huyền thoại. Ðể từ đó, người ta nhìn thấy Bác là một siêu nhân.

Con rít chúa chết, còn lại cái vỏ. Vỏ rít có nhiều đốt, nối lại như một đường ống dài. Lúc ấy, trời bỗng đổ mưa to. Bác Hồ bảo mọi người chui vào cái vỏ rít mà trú mưa. Mưa to, thế mà không ai bị ướt.

Bác Hồ nói: "Lấy cái vỏ rít này, dùng làm nóc hầm trú ẩn hoặc làm địa đạo, có thể chống được bom đạn."

Ðấy lại là một sáng kiến độc đáo nữa. Có người rút nhật ký ra ghi chép lời Bác.

Anh tôi hỏi: "Ghi chép làm gì?"

Cậu nói: "Ðể sau này, Bác dùng làm tài liệu viết ký sự "Vừa Ði Ðường Vừa Kể Chuyện", dưới cái tên giả Trần Dân Tiên."

Cậu tiếc rằng, ở giữa vùng rừng núi xa xôi, không thể khiêng vài cái đốt của rít chúa về xóm làng.

Anh tôi lại hỏi: " Khiêng về làm gì?"

Cậu nói: "Ðể bán cho người ta làm mui xe bò. Mỗi đốt làm được một cái mui xe, rất chắc. Xài cả đời cũng không hư."

Chị tôi hỏi: "Cậu từng phục vụ cho Bác Hồ. Cậu thấy Bác ra sao?"

"Ồ, đẹp lắm. Trông Bác có cái dáng vẻ tiên phong đạo cốt, dưới càm phơ phất một chòm râu."

Tôi hát: "Mong Bác Hồ cho chúng cháu xin, đôi sợi râu làm dây thân ái". Và hỏi. "Sao cậu không xin Bác một sợi râu?"

"Dễ gì? Bác chỉ có một chòm râu, mà trẻ em cả nước đứa nào cũng muốn xin một sợi. Lấy đâu cho đủ? Nhưng cậu cũng tìm cách để có được một sợi râu của Bác."

"Khi Bác ngủ. Cậu lén nhổ râu hả?"

"Không. Nhổ râu Bác cũng giống như vuốt cái vảy ngược dưới cổ con rồng."

"Vuốt cái vảy ngược của rồng thì sao?"

"Thì chết chứ sao? Tương truyền, rồng là một linh vật, chúa tể của muôn loài. Vảy rồng mọc xuôi về phía sau, nhưng dưới cổ nó, có một cái vảy mọc ngược về phía trước. Ai chạm phải cái vảy ấy, nó giết liền. Người có chân mạng đế vương, thường được ví với rồng. Vì thế, mỗi sợi râu của Bác được coi như một sợi râu rồng, người đời thường gọi là long tu. Nhổ long tu của Bác, chẳng khác nào chạm cái vảy ngược của rồng."

"Nguy hiểm như vậy, làm sao cậu lấy được râu Bác?"

"Mỗi buổi sáng, cậu có bổn phận bưng thau nước vào cho Bác rửa mặt. Khi xong, cậu đem đi đổ. Trước khi đổ, cậu quan sát thật kỹ, những mong có được một may mắn. Và cậu đã may mắn thật, trong thau nước rửa, có một sợi râu rụng của Bác. Cậu giữ lại sợi râu quý này, làm kỷ niệm."

"Cho tụi cháu xem thử đi."

"Ngồi yên! Nghe cậu kể. Người ta nói cọp chết để da, nhưng không ai nói cọp chết để râu. Vì mỗi lần hạ được một con cọp, việc đầu tiên phải làm là đốt ngay bộ râu."

"Sao thế?"

"Nếu kẻ ác lấy được sợi râu cọp, họ sẽ dùng vào việc giết người."

Anh tôi thắc mắc: "Râu cọp mà có thể giết người được sao?"

Cậu Hai Say giải thích: "Họ nhét râu cọp vào mụt măng. Cháu biết măng là gì không?"

Chị tôi nhanh miệng: "Măng là mầm non của tre trúc mới nhú lên khỏi mặt đất."

"Ðúng rồi. Nhét sợi râu cọp vào mụt măng. Lâu ngày, sợi râu sẽ hoá thành con sâu màu đen. Cứt của con sâu này là một thứ thuốc độc ghê gớm. Chỉ cần cho một viên cứt sâu nhỏ bằng đầu cọng tăm vào lu nước. Ai uống phải nước này, sẽ ngả ra chết liền."

Chúng tôi rúc cổ le lưỡi: "Ghê quá!"

"Im! Bình tĩnh, nghe cậu kể tiếp. Râu Bác Hồ như râu rồng. Cậu nghĩ, nếu đem nhét vào mụt măng, nó sẽ hoá ra con gì? Vì tò mò, cậu đã làm thử."

"Cháu nghĩ nó sẽ hoá ra một con rồng nhỏ." Chị tôi nói.

"Không. Chẳng phải rồng mà là một con sâu đỏ lòm, cháu ạ."

"Thế, cậu làm gì với con sâu ấy?"

"Chẳng làm gì cả. Thấy con vật lạ thì nuôi chơi vậy thôi. Cậu nhốt nó trong một chiếc hộp nhỏ, đi đâu cậu cũng mang theo bên mình. Nhưng nó không chịu ăn, lừ đừ gần chết, cậu không biết làm sao để có thể nuôi nó lâu dài. Có lần, cậu vô ý làm đứt tay, một giọt máu tươi rớt vào trong hộp. Nghe mùi tanh của máu, nó như được hồi sinh và hút sạch giọt máu. Thế là cậu khám phá ra, con sâu đỏ này chỉ có thể nuôi bằng máu."

"Cậu làm sao đủ máu mà nuôi nó hoài?" Anh tôi hỏi.

"Phải có cách chứ. Ðâu thể trích máu của cậu mãi được. Ði với Bác lâu ngày, cậu cũng khôn ra. Nghĩa là tận dụng mọi thứ chung quanh, mà không hề làm tổn hại đến mình. Cậu bắt con đỉa hút no máu con trâu. Xong cậu cho con đỉa vào hộp. Con sâu đỏ hút lại máu từ con đỉa. Ðỉa là loài sống rất dai, cho nên có câu "sống dai như đỉa". Thế mà sau khi bị con sâu đỏ hút máu, con đỉa chết luôn. Ðiều này cho cậu biết rằng, con sâu đỏ là một độc vật ghê gớm nhất trên đời."

Chị tôi nói: "Sao không giết nó đi, nuôi chi một con vật gớm ghiếc?"

"Cậu đã nói, thấy con vật lạ, thì nuôi chơi. Mãi sau, có người biết được, tố giác chuyện này lên Bác Hồ. Bác ra lệnh tịch thu con sâu đỏ. Cậu giao nạp con sâu, nhưng vẫn còn sợ bị khép tội ăn cắp râu Bác Hồ, nên trốn về, không theo cách mạng nữa."

"Rồi Bác giết nó hay nuôi?"

"Nếu giết nó thì đỡ khổ cho dân lành rồi. Bác nuôi mới chết người chứ!"

"Không lẽ Bác nuôi nó bằng chính máu của Bác?"

"Bác đâu có dại. Máu của nhân dân thiếu chi."

"Nhưng Bác nuôi nó làm gì?"

"Làm gì, ai biết? Mọi hành vi của Bác đều được giữ bí mật. Trong thời kỳ cải cách ruộng đất, và thanh trừng thành phần trí phú địa hào bất mãn, có hàng vạn người bỗng ngả lăn ra chết bất đắc kỳ tử. Cậu nghi, họ bị đầu độc bằng cứt của con sâu đỏ này."

Sau mỗi chuyện kể của cậu Hai Say, thường là những tiếng cười vui thích thú. Nhưng sau chuyện này, cậu không cười, và chúng tôi thì sợ.

* * *

Mùa Xuân năm Ất Mão, tôi tơi tả trở về làng cũ. Cậu Hai Say bây giờ, đã già lắm rồi.

Cậu bảo: "Hãy chạy đi."

Tôi hỏi: "Sao cậu không chạy?"

"Với số tuổi của tao, bỏ thây không tiếc,"

"Cậu thường hay nói chơi. Không biết lần này cậu nói chơi hay nói thật. Nhưng đất nước vừa chấm dứt chiến tranh, không ở lại mà hưởng thái bình, còn chạy đi đâu?"

Cậu ngước mặt lên trời, than: "Người ngu mắc nạn, thường hay đổ thừa cho thiên mệnh."

Mười năm sau nữa, tôi ra khỏi tù, lại trở về làng cũ. Nghe nói, cậu Hai Say được cách mạng mời đi dự tiệc mừng Ðại Thắng Mùa Xuân. Và cậu đã chết ngay sau khi rời khỏi bàn tiệc. Tôi chợt nghĩ đến con sâu đỏ. Chẳng biết cái chết của cậu, có liên quan gì với cứt của loài độc vật này hay không?

User avatar
khieulong
Posts: 6757
Joined: Wed Dec 01, 2004 9:09 pm
Been thanked: 1 time

Post by khieulong »

Kiện Mẹ Vì Tội Sanh Ra Mình Chuyện này chắc chỉ có ở Mỹ mới có, Con đưa mẹ ra tòa thưa vì tôi đã sinh ra mình. Cậu Cletus, 19 tuổi ở Philadelphia, tháng 2 năm 2000 đã mướn luật sư Martin Peertas đưa mẹ cậu ra tòa đòi bồi thường 100 ngàn đô la vì lỗi đã sinh ra cậu vào cõi đời này. "Tôi thù ghét đời tôi, tôi không bao giờ đòi mẹ tôi phải sinh tôi ra". Cậu tiếp :"Tôi không muốn tỏ ra vô ơn bạc nghĩa nhưng tại sao lại sinh tôi ra vào cái thế giớ ngu muội này; thật là tàn nhẫn và vô trách nhiệm. Tôi đòi hỏi phải bồi thường cho sự khốn khổ mà cuộc này đã gây ra cho tôi".

Đây là vụ kiện dân sự hi hữu và bất thường nhất trong lịch sử thế mà nhiều luật gia lại tin tưởng rằng cậu Cletus sẽ thắng mới là lạ.

Bố cậu Cletus chết năm 1990, mẹ cậu làm nghề "waitress" kiếm được khoảng 20 nhàn một năm, nếu phải bồi thường 100 ngàn đô la thì bà ta dốc hết gia tài cũng không đủ trả mà sẽ còn phải trả món nợ này suốt đời.

Bà Audrey Regineau 43 tuổi than thở rằng vụ con bà kiện bà đã làm bà tan nát cõi lòng và bà tiếp: "Tôi không thể hiểu được lý do tại sao?". Bà mang những tấm hình của cậu Cletus từ lúc sơ sinh đến lúc lớn cho mọi người coi và nói rằng: "Vợ chồng tôi làm bất cứ điều gì để con tôi có một cuộc đời thơ ấu sung sướng. Chúng tôi không có nhiều tiền nhưng chúng tôi đã cho con tôi tất cả những gì chúng tôi có thể làm được". Không ngăn được nước mắt bà Audrey chỉ những bức hình nói lảm nhảm: "Đây thừ nhìn vào tấm hình này khi Cletus chỉ mới một tháng. Nó thật kháu khỉnh. Tấm hình naỳ khi Cletus được 7 tuổi với nụ cười hồn nhiên thật đẹp...".

Dù bà than thở gì thì than thở, luật sư Peertas của Cletus vẫn cho rằng bà Audrey đi lạc đề. Vấn đề chính ở đây là:"Bà này đã mang đứa trẻ này vào một thế giới đầy chiến tranh, ô nhiễm, hận thù và bệnh tật và bà phải chịu tráhc nhiệm cho hành động của bà". Nhưng một luật sư khác đã phát biểu rằng: "Thật là điên khùng rồ dại. Đây chỉ là một trường hợp điển hình nữa về cách lợi dụng hệ thống luật pháp để kiếm tí tiền. Thằng nhóc này không muốn kiếm việc nuôi thân nên hành hạ mẹ nó. Hắn cần được tống cổ vào trong tù một thời gian thì hắn sẽ quỳ xuống lậy lục để xin được trở lại cái thế giới mà hắn thù ghét".

Post Reply