Tạp Ghi , Chuyện Phiếm , Chuyện Vui Hàng Ngày

Cho đuổi mèo, mèo rượt chuột, chuột sa chỉnh gạo, gạo tải vô xe... thế rồi... xe cán chó!!!

Moderators: CNN, khieulong

User avatar
macco
Posts: 3543
Joined: Mon Jan 17, 2005 8:04 am

Post by macco »

Image

ĐẤU TRANH BẤT BẠO ĐỘNG HAY BẠO ĐỘNG CHO VIỆT NAM ?

Tôi biết thường những người ủng hộ cho đấu tranh bạo động thường bị ném đá.

Người cổ động cho đấu tranh bất bạo động luôn được đề cao là đạo đức, quân tử, bác ái v.v. Nhưng thực tế vấn đề này như thế nào?

Đấu tranh bất bạo động hay bạo động thực ra hoàn toàn lệ thuộc vào dân trí của từng nước. Ta không thể lấy cách đấu tranh bất bạo động của các nước dân trí cao phát triển để dùng cho VN. Có nhiều điểm khác biệt giữa các nước.

Ở các nước dân chủ, khi thấy chuyện sai trái, dân chúng sẽ tự giác xuống đường với số đông và khả năng bạo động sẵn sàng cho đến khi đòi được công lý.

Có một sự ngộ nhận mà nhiều người VN do bị cộng sản và những tổ chức tay sai đánh lận con đen với quan điểm: "Đấu Tranh Bất Bạo Động Như Là Một Chân Lý". Đây là một sự ngộ nhận nguy hiểm và ngây thơ. Ngay cả các nước có dân trí cao và văn minh như Mỹ vẫn chưa bao giờ chấp nhận "chân lý" này.

Ông Nelson Mandela là người nhận giải Nobel Hòa Bình đã nói: "For me, nonviolence was not a moral principle but a strategy; there is no moral goodness in using an ineffective weapon."

Tam dịch: "Đấu tranh bất bạo động đã không phải là một chân lý của đạo đức mà nó chỉ là một phương cách; không có đạo đức nào hơn quyền tự vệ với vũ khí răn đe hiệu quả".

Cũng vậy Martin Luther King Jr. trong vụ "Birmingham Campaign" Ông với mục đích có một sự nổi dậy bạo động để nhiều người bị bắt để tạo ra một khủng hoảng và từ đó buộc chính quyền ngồi xuống đàm phán ôn hòa.

Chính sự bạo động hay khả năng có thể bạo động là một yếu tố quan trọng để dẫn đến ôn hòa.

Ngay tại Mỹ là một nước có trình độ dân trí cao. Nhưng thỉnh thoảng vẫn có biểu tình bạo động. Vậy thử hỏi một nước có dân trí thấp như VN khó có thể tập trung được số đông để áp lực CS thì bất bạo động là tự sát. Chưa nói đến bản chất của cộng sản là bạo lực, gian trá với đủ mọi thủ đoạn.

Trở lại hoàn cảnh của VN. Ai cũng biết cộng sản cai trị bằng bạo lực và chưa bao giờ ôn hòa cả. Vấn đề ở chỗ là chúng ta không có đủ số đông và ý thức đấu tranh, cộng thêm quan điểm ngu ngơ "bất bạo động" đã biến chúng ta thành đàn cừu ngu xuẩn, mặc cho đám sói công an cắn xé.

Chính sự tuyên truyền và kêu gọi biểu tình bất bạo động của những người cầm đầu trước đây đã tước đi "khả năng bạo động" là một vũ khí răn đe hữu hiệu cho người biểu tình khi bị chính quyền đàn áp. Chúng ta có thể ôn hòa nhưng phải sẵn sàng để tự vệ và đánh trả.

Xin đừng rao giảng cái "đạo đức bất bạo động" vì sẽ không có bất cứ đạo đức nào của sự bất bạo động, gọi là Đạo Đức nếu chúng ta không có một khả năng tự vệ trước bạo quyền tàn ác. Chính sự tuyên truyền ôn hòa mị dân đã biến người dân thành con cừu và chính quyền thành con sói. Đã gián tiếp gây ra và kéo dài sự tang thương mất mát cho dân tộc VN. Đã đến lúc phải nhìn vào sự đấu tranh bất bạo động một cách nghiêm chỉnh và thấu đáo, không như những con vẹt.

Đấu Tranh Bất Bạo Động chưa bao giờ là chân lý, quảng bá nó là hành động "vô lương tâm" của những "kẻ làm chính trị" với "đạo đức giả"

Cộng sản rất sợ biểu tình và bạo động nên chúng đã tìm cách bóp nghẹt từ trong trứng nước. Cô lập các người tiên phong. Hù dọa khủng bố, tuyên truyền để mọi người dân sợ hãi mà không xuống đường.

Đừng sợ cộng sản, hãy làm những gì chúng sợ. Mỗi người đều có thể là tiên phong và dẫn đầu.

Tóm lại "Số Đông đoàn kết có ý thức" là điều kiện cần thiết, cộng thêm khả năng bạo động là vũ khí răn đe hữu hiệu để có được biểu tình ôn hòa dưới bất cứ chế độ nào kể cả cộng sản.

User avatar
saohom
Posts: 2213
Joined: Wed Aug 26, 2009 11:30 pm

Post by saohom »

Image

Người đàn bà trên cầu Nitelva

Phạm Tín An Ninh

Thực ra cây cầu không có tên, nhưng có lẽ vì nó bắc ngang qua đoạn quanh co và đẹp nhất của dòng sông Nitelva, nên người dân ở địa phương này thường gọi như thế. Đây là đoạn cuối cùng của một con sông lớn trước khi đổ ra biển.
Sau khi các con đã trưởng thành và có cuộc sống riêng, vợ chồng tôi bán ngôi nhà rộng cũng nằm bên bờ sông này, nhưng ở tận vùng Fjerdingby xa xôi, về đây mua căn nhà nhỏ trong một khu apartment, nằm khá xa thành phố. Chỉ làm việc thêm một năm là đến tuổi về hưu. Sống trong vùng ngoại ô tĩnh mịch này, cả ngày không biết làm gì, ngoài cái thú đọc sách và đi bộ. Ở đây khá lâu rồi, nhưng lúc ấy còn phải đi làm, mùa hè thì bận bịu chuyện sửa sang nhà cửa, mùa đông thì chỉ nằm nhà hoặc bay sang Mỹ thăm con nhân dịp nghỉ lễ Phục Sinh, nên chúng tôi không biết gần bên nhà có một con đường đi bộ đẹp và thơ mộng đến như thế. Sau này, khi đã về hưu, nhờ ông bà láng giềng người bản xứ giới thiệu và rủ đi bộ, chúng tôi mới biết.
Con đường tráng nhựa đen bóng, lớn như những tỉnh lộ trong vùng, nhưng đặc biệt chỉ dành riêng cho người đi bách bộ. Chạy quanh co xuyên qua cánh rừng đầy những loại hoa dọc theo bờ sông Nitelva, đến khúc sông đẹp nhất, là một chiếc cầu đúc bắc qua để tiếp tục đến một khu rừng khác, nhưng bây giờ là cánh rừng thông với những hàng cây cao, thẳng tắp, che kín cả mặt trời.
Chúng tôi khởi sự đi bộ vào đầu mùa hè, bởi mùa đông con đường và cả khu rừng ngập đầy tuyết, dòng sông đóng cứng băng, chẳng ai có hứng thú. Chúng tôi thường đi vào buổi chiều tàn, vắng người. Mùa hè Bắc Âu trời tối muộn. Có những hôm, đến 12 giờ đêm mà vẫn còn chói chang ánh nắng mặt trời. Hôm đầu tiên và suốt cả tuần sau đó, khi đến giữa cây cầu, chúng tôi thấy một người đàn bà Á châu. Không biết bà đã đến đây từ lúc nào, nhưng khi vừa bước lên cầu chúng tôi đã thấy bà đứng bất động bên thành cầu nhìn đăm đăm xuống dòng sông, như không hề để ý đến mọi điều chung quanh. Muốn chào, hỏi thăm bà đôi câu, nhưng không dám, ngại làm mất đi cái không khí yên tĩnh riêng tư của bà.
Mãi một hôm, trên đường trở về, khi đến gần đầu cầu, trời đang nắng bỗng đổ xuống một cơn mưa rào, chúng tôi chạy vào trú mưa dưới một tàn cây khá lớn, bất ngờ gặp bà đứng sẵn ở đó. Bà gật đầu chào và kéo bà xã tôi đứng sát bên bà để tránh mưa tạt. Rất vui khi biết bà là người đồng hương, đến định cư ở nước Bắc Âu xa xôi này từ khá lâu, năm 1979. Nhìn mái tóc bạc, tôi đoán bà cao tuổi hơn mình. Trông bà hiền lành, nói năng từ tốn, thỉnh thoảng nở nụ cười, nhưng khó tìm được nét vui nào, bởi đôi mắt thật buồn. Và không ngờ cơn mưa rào hôm ấy đã đưa chúng tôi trở thành những người bạn già đồng hương sống đời lưu lạc.
Bà cho biết, bởi hoàn cảnh đặc biệt, nên hơn hai mươi năm nay, từ khi dọn về sống ở vùng này, bà không quen biết ai. Bà muốn sống yên lặng một mình trong căn nhà nhỏ, riêng tư với những nỗi niềm quá lớn của mình.
-Tôi vẫn muốn giữ lấy quá khứ buồn bã cho riêng mình, cứ sợ chia sẻ với người khác thì mình sẽ chẳng còn lại cái gì hết.
Lần đầu tiên, khi đến thăm chúng tôi bà tâm tình như thế.
Tôi nói như để an ủi bà:
-Người ta thường nói lời phân ưu, chia buồn. Nhưng thực ra cũng chỉ là một cách an ủi thôi. Chứ làm sao có thể chia sớt được nỗi buồn của người khác. Tuy nhiên, khi nói ra cũng là cách để làm nhẹ bớt những gì cứ đè nặng trong lòng mình đi chị ạ.
Sau đó bà thường đến chơi và càng lúc càng thân tình với vợ chồng tôi. Bả bảo thấy rất hợp với chúng tôi, vì có cùng những hoàn cảnh, hoạn nạn, và giờ thì đang cùng “sống ở cuối trời quên lãng” tận xứ Bắc Âu này. Sau lần vợ chồng tôi gật đầu trước đề nghị khi bà muốn được kết nghĩa chị em, bà ôm chầm lấy chúng tôi nước mắt sụt sùi, bảo là bà chỉ có một cô con gái, nhưng phải sống ở trong Trung Tâm dành cho người bị bệnh tâm thần, mất trí nhớ.
Trung Tâm này khá lớn nằm trong khu vực chúng tôi đang ở. Chúng tôi đã từng đi qua lại rất nhiều lần, nhưng không biết đó là một trung tâm như thế.
Chiều hôm sau, chúng tôi cùng đi bộ theo bà đến thăm cô con gái. Không ngờ đây là một cơ sở rất qui mô, có nhiều bác sĩ đảm trách. Cứ một bác sĩ phụ trách mười bệnh nhân, và mỗi bệnh nhân có riêng một y tá trực tiếp săn sóc, dẫn dắt đi chơi, mỗi năm có hai lần đi du lịch nước ngoài tùy theo hoàn cảnh, xuất xứ của mỗi người.
Cô bé trông khá xinh, nhưng đôi mắt thất thường. Có khi đang thật buồn, bất ngờ trở nên giận dữ. Dường như đôi lúc vẫn còn nhận ra mẹ, nên sau vài phút xa lạ, lại ôm vai và vuốt tóc mẹ. Khi mới đến, cả bà và vợ chồng tôi đã được dặn dò, bất cứ tình huống nào cũng luôn nở nụ cười. Có khi cô bé cũng cười với chúng tôi, nhưng bất chợt sa sầm nét mặt. Tôi nhìn thấy bà cười, nhưng có dòng lệ ứa ra từ khóe mắt. Trên đường về, thấy bà trầm ngâm, chúng tôi tìm cách đi sau bà, tôn trọng sự yên lặng và những suy nghĩ trong đầu bà. Đã có hẹn trước, chúng tôi mời bà về nhà dùng cơm tối với chúng tôi. Biết sở thích của bà, bà xã tôi đã cuốn sẵn chả giò, về nhà chỉ chiên lên là xong.
Tối hôm ấy, bà ở lại với chúng tôi, và ngồi kể lại cuộc đời mình. Bà cho biết đây là lần đầu và cũng là lần duy nhất bà kể những điều này, bởi bà xem chúng tôi như người thân trong nhà, và có thể sau này có đôi điều cần thiết phải nhờ đến chúng tôi.
Trước ngày mất nước, chồng bà là thiếu tá Pháo Binh thuộc Quân Đoàn I. Ông là bạn học cùng lớp với ông anh cả của bà. Hai người làm đám cưới ở Nam Định, lúc bà vừa đúng 18 tuổi. Sau đó theo về sống cùng nhà chồng, ở thành phố Hải Phòng. Nhưng chỉ mấy tháng sau thì xảy ra chuyện Hiệp Định Genève, chia đôi đất nước, bà theo gia đình chồng xuống tàu há mồm di cư vào Nam, trong lúc cả gia đình của bà vẫn còn kẹt lại. Ngoài cha mẹ, bà chỉ có một người anh duy nhất, là bạn cùng học ở Hà nội với ông chồng.
Vào miền Nam, chỉ có một lần duy nhất bà nhận được tấm bưu thiếp của gia đình với đôi dòng vắn tắt, rồi bặt tin luôn. Nuốt bao đau đớn vào lòng, bà cố quên đi nỗi buồn chia ly, để cùng gia đình chồng tìm kế sinh nhai trên vùng đất mới, giúp chồng tiếp tục con đường học vấn dở dang.
Sau ba năm đại học, ông đi dạy toán ở một vài trường trung học tư thục để lo cho gia đình. Khi ấy ông bà cũng vừa có đứa con trai đầu lòng. Mấy năm sau, do tình hình chiến tranh ngày một leo thang, ông theo lệnh gọi nhập ngủ vào Trường Sĩ Quan Thủ Đức. Sau đó được chọn theo học Ngành Pháo Binh.
Ra trường, ông lần lượt chuyển về phục vụ tại các đơn vị Pháo Binh của các Sư Đoàn Thuộc Vùng 3, rồi Vùng 2. Khi thăng cấp Thiếu Tá, đang làm Tiểu Đoàn Phó, ông được chọn sang Mỹ học một khóa chuyên môn. Về nước, được bổ nhiệm về Trường Pháo Binh Dục Mỹ để đảm trách huấn luyện. Năm 1971, tình hình chiến sự Vùng 1 trở nên quyết liệt, sau những thiệt hại nặng nề trong cuộc hành quân Hạ Lào Lam Sơn 719, ông được chọn bổ sung cho Pháo Binh Quân Đoàn I. Bà và ba đứa con di chuyển theo ông, thuê căn nhà nhỏ ở thành phố Đà Nẵng. Bà lo việc học hành cho mấy đứa nhỏ, ông ở đơn vị, mỗi tuần một đôi lần về thăm. Có khi bận hành quân cả tháng mới về được một lần rồi vội vã ra đi.
Đầu tháng ba 75, thấy tình hình có nhiều dấu hiệu bất lợi, ông thu xếp cho vợ và ba đứa con về lại Sài gòn, tá túc tạm thời với gia đình người em, một sĩ quan Hải quân, đang làm việc ở Hải Quân Công Xưởng. Hôm đưa ra phi cơ, ông ôm bà và hai đứa con thật chặc, không muốn rời nhau. Không ai ngờ đó lại là dấu hiệu của chia ly.
Ngày 11.3 Ban Mê Thuột thất thủ. Cuộc di tản từ Pleiku theo tỉnh lộ 7 B đã kết thúc số phận của các đơn vị thuộc Quân Đoàn II, từng tạo nên những chiến công hiển hách , đặc biệt đã đánh tan mấy Sư đoàn Cộng quân của Mặt Trận B3, để giữ vững Kontum và Tây Nguyên trong suốt mùa hè khói lửa 1972. Rồi tiếp theo là lệnh bỏ Quân Đoàn I của vị tướng lừng danh Ngô Quang Trưởng. Không mấy ai tin là ông sẽ bỏ vùng đất địa đầu từng thắm đẫm máu đào của hàng vạn sinh linh, đồng đội, một thời trấn giữ, giành lại từng tất đất, để dựng cờ trên Cổ Thành Quảng Trị. Vậy mà cuối cùng đã bỏ, bỏ thật. Mọi người, từ quân tới dân đều bàng hoàng, hụt hẫng. Kế hoạch di tản và sự phối hợp, chỉ huy tồi tệ của một số tướng lãnh, đã tạo nên một cuộc bại trận đớn đau bi phẫn nhất trong lịch sử chiến tranh. Một cuộc lui quân đẫm máu trên bờ biển Thuận An, mà có những người lính gọi đó là pháp trường cát. Một vùng biển máu ngập những xác người, cả dân và đủ mọi sắc lính. Một quân đoàn với ba sư đoàn bộ binh thiện chiến, nhiều Liên Đoàn Biệt Động Quân dạn dày lửa đạn, những Thiết Đoàn Kỵ Binh với hỏa lực hùng mạnh, hai Lữ Đoàn TQLC của một đơn vị Tổng Trừ Bị vang danh, từng tạo những chiến tích lẫy lừng ở các trận chiến Mậu Thân, Quảng Trị, giờ phải lâm vào bước đường cùng, không còn lối thoát, không còn đạn để có thể chiến đấu. Nhiều người tự sát trong tiếng cười ngạo nghễ, nhiều người bị giết khi vừa bắn đi viên đạn cuối cùng, và tất cả số còn lại bị bắt bởi những tên du kích!
Chồng bà là một trong hàng vạn người lính bất hạnh ấy. Vị thiếu tá Pháo Binh đã phải phá hủy hết các khẩu pháo, từng bao nhiêu năm sống chết với mình, để chỉ tự vệ bằng cây súng cá nhân M16, rồi cuối cùng cũng phải vất đi để chiến đấu với sóng biển, với số phận, khi tìm cách bơi ra những chiến hạm Hải Quân lắc lư xa tít ngoài khơi, dưới xích sắt của những chiến xa M113 cũng lội sóng đi tìm sinh lộ.
Ở Sài gòn, mỗi ngày bà ra bến Bạch Đằng hỏi tin tức chồng mình, nhờ người em Hải quân liên lạc các chiến hạm công tác tại Vùng I. Nhưng tất cả đều không thể cho bà một tin tức nào cụ thể. Trong cái mất mát quá lớn và khủng khiếp ấy, cá nhân một ông thiếu tá, chồng bà, trở nên vô cùng nhỏ nhoi hơn bất cứ lúc nào.
Cuối cùng thì Cộng quân cũng vào đến Sài gòn. Người Mỹ có lệnh phải ra đi. Những người làm việc cho Mỹ hoặc có liên quan đến họ bắt đầu được ưu tiên di tản khỏi Việt nam bằng phi cơ. Tướng Lê Minh Đảo chỉ huy Sư Đoàn 18 BB của ông cùng các lực lượng Thiết Giáp, Nhảy Dù, Biệt Động Quân, Địa Phương Quân tăng phái, đã chiến đấu thật dũng mãnh, kiêu hùng, ngăn chặn hằng mấy quân đoàn địch tràn vào Long Khánh, làm cả thế giới ngạc nhiên, thán phục. Nhưng cũng chỉ cầm chân được hơn một tuần. Địch quân tránh đụng độ, mở đường sang hướng Biên Hòa để bao vây, uy hiếp Sài gòn.
Tối ngày 29.4, người em chồng từ Hải Quân Công Xưởng mang xe về nhà đón vợ con xuống tàu. Anh thúc hối bà và ba đứa con theo ông di tản. Nhưng bà nhất quyết cùng con ở lại chờ chồng.
Miền Nam mất vào tay Cộng Sản đã hơn một tháng, chồng bà vẫn biệt tăm. Bà nghĩ chắc ông đã bị bắt, lặn lội ra Đà Nẳng tìm. Vào các trại tù nhốt những sĩ quan miền Nam hỏi thăm, nhưng không ai biết chồng bà. Bà tìm đến nhà anh tài xế cũ, nhờ đưa bà đi thăm một số đồng đội của chồng. Cuối cùng, một anh trung sĩ, người lính thân cận của ông, cho biết là ông đã chết trên biển. Chính anh cùng bơi ra với ông, và nhìn thấy ông bị thương do pháo kích của địch, rồi chìm xuống biển, nhưng anh không thể nào cứu được, bởi lúc ấy, anh cũng không nghĩ là mình có thể sống sót. Bà nhờ anh trung sĩ đưa bà ra bờ biển và chỉ nơi nào ngoài khơi mà ông đã ra đi. Nhìn những cánh hải âu lượn lờ trên mặt nước, tưởng như hóa thân của chồng mình, bà quỳ xuống khóc nức nở.
Cuộc đổi đời đã dìm bà và cả ba đứa con xuống vực thẳm. Nhà ngươi em bị tịch thu, kẻ chiến thắng đuổi mẹ con bà không chỉ ra khỏi nhà mà ra khỏi cả Sài gòn. Bà dắt con chạy lên Long Khánh tá túc nhà một người bạn thân có vườn cây ăn trái, rồi mua lại một căn nhà tranh bên cạnh để sống qua ngày. Nhờ người bạn giúp, bà theo buôn bán trái cây. Cả ba đứa con phải nghỉ học, ở nhà khai khẩn thêm đất hoang, làm vườn, trồng khoai, trồng sắn.
Lo âu khốn khổ chất chồng, bà không còn biết đến thời gian. Mấy năm sau, nhờ những thùng quà của người em chồng từ Mỹ gởi về, mẹ con bà có được chút vốn làm ăn, cậu con trai lớn tập tành buôn bán thuốc tây. Bớt khổ một chút.
Nhưng đùng một cái, khi cậu con trai đầu lòng này vừa tròn 22 tuổi, thì trận chiến biên giới với Campuchia bùng nổ, Trung Cộng đòi dạy cho Việt nam một bài học. Thằng bé bị bắt “thi hành nghĩa vụ quân sự”. Bà phản đối, nêu lý do nó là con của “ngụy” sao các ông tin mà cho vào “Quân Đội Nhân Dân”. Nhưng họ vẫn nhất quyết cưỡng bách, bảo là đáng lẽ phải đi cả hai anh em, như vậy là nhân đạo lắm rồi. Cũng có thể thằng bé phải thế chỗ cho một thằng nào có tiền bạc chạy chọt hoặc quen biết bà con với đám chính quyền. Năn nỉ xin xỏ không được, bà khóc hết nước mắt tiễn con đi, làm lính cho kẻ thù. Bà đau lòng lắm, chỉ cầu mong Trời Phật và vong linh chồng bà phù hộ cho nó. Nhưng chỉ ba tháng sau, bà nhận giấy báo, đứa con trai đầu lòng của bà đã trở thành liệt sĩ! Không biết xác thân nằm ở nơi nào.Người ta chỉ mang đến cho bà tấm bằng Tổ Quốc Ghi Công. Họ vừa ra khỏi nhà, bà xé nát rồi cho vào bếp lửa. Trong ngôi nhà tranh bé nhỏ giờ có hai cái bàn thờ, leo lét ánh đèn dầu.
Giữa năm 1979, muốn cướp tài sản của những người gốc Hoa, Cộng Sản bày ra chương trình “Ra đi bán chính thức”. Nhờ người em chồng ở Mỹ, liên lạc được một người lính thuộc cấp thân cận cũ gốc người Hoa Chợ Lớn, nhờ ứng vàng và lo lót cho công an, làm giấy tờ giả cho ba mẹ con bà ra đi. Ông sẽ hoàn tiền lại khi họ đến Mỹ.
Chiếc thuyền mới đóng, lớn và chắc chắn, nhưng mới ra khơi hai ngày thì hỏng máy. Hai người thợ máy đi theo lại chẳng biết gì về máy tàu, nên cuối cùng chiếc thuyền như thả trôi giữa biển mênh mông, mang theo số mạng của hơn hai trăm người. Tất cả chỉ còn cầu nguyện để mong có một chiếc tàu nào cứu thoát. Nhưng bao nhiêu lời cầu xin vẫn chưa làm động lòng Trời. Chiếc thuyền trôi dạt trên hai mươi ngày, lương thực đã cạn, và vì do không điều khiển được nên bị sóng đánh, nhiều lúc như muốn chìm. Nước tràn vào trong khoang. Mặc dù không còn sức, nhưng tất cả đàn ông đều được gọi lên trên mạn thuyền để thay nhau tát nước. Một số tháo những thanh gỗ trên đài chỉ huy, thu góp tối đa áo quần, chăn mền mang theo, đốt lên tạo thành cột khói để làm dấu hiệu cấp cứu. Con thuyền nghiêng ngả, những đợt sóng lớn đánh vào mạn thuyền, kéo theo một số người xuống biển khơi. Sinh mạng con người lúc này thật nhỏ nhoi. Ai cũng nghĩ rồi sẽ đến lượt mình. Khi tàu sắp chìm, thì Thượng Đế xuất hiện. Một chiếc tàu chở dầu của Vương quốc Nauy đã cứu họ.
Thủy thủ đoàn trên tàu rất nhân đạo, tận tình cứu vớt. Họ thi nhau dùng dây đu xuống chiếc thuyền bị nạn, ưu tiên cõng theo con nít và đàn bà, và giúp những người đàn ông cố bám theo chiếc thang lưới, leo lên tàu. Ngay trên sàn tàu, họ sắp xếp đàn ông vào một khu, đàn bà một khu khác, rồi dùng vòi nước ngọt “tưới” lên những người bị nạn để giúp họ tỉnh táo lại, và phát quần áo mới để thay.
Sau khi hoàn hồn, không tìm thấy cậu con trai, bà và cô con gái chia nhau đi tìm nhưng không ai biết. Cả anh lính Hải quân đã giúp mẹ con bà cũng mất tích. Bà và cô con gái ôm nhau khóc nức nở, đòi nhảy xuống biển. Vị thuyền trưởng người Nauy biết chuyện nên lệnh cho cô bác sĩ đưa mẹ con bà vào phòng y tế săn sóc và bảo đảm sự an toàn. Bà bảo, nếu không nghĩ đến cô con gái út, bà đã nhảy xuống biển.
Đến định cư ở Nauy, một đất nước giàu có và đầy lòng nhân đạo, bà và cô con gái được ưu tiên sắp xếp cho định cư ngay tại thủ đô Oslo. Mẹ con được cấp một căn nhà mới khang trang, hai phòng ngủ có đầy đủ tiện nghi. Cô con gái được theo học một trường Gymnas (trung học đệ nhị cấp) sau một khóa học ngôn ngữ Nauy dành cho người ngoại quốc.
Bà cũng được theo học tại một trường Voksengymnas (trung học dành cho người lớn). Hằng tháng, với số tiền trợ cấp đặc biệt, hai mẹ con không những sống đầy đủ mà còn dành dụm trả dần cho vợ người lính Hải quân tiền tương ứng với số vàng mà người em chồng của bà đã hứa với người thuộc cấp cũ. Người lính ân nhân này cũng đã chết trên biển cùng với đứa con trai của bà.
Cuộc sống tưởng chừng yên ả, sau khi những đau thương mất mát tạm lắng xuống, thì cô con gái trở nên kỳ lạ, thất thường sau những cơn ác mộng. Ở nhà, ban ngày chỉ đóng cửa nằm suốt trong phòng, ban đêm thức giấc la hét thất thanh. Bà phải đưa con tới trường, nhưng nhiều hôm cô bé la hét và vất tung sách vở chạy ra ngoài. Được đưa vào bệnh viện tâm thần chữa trị, nhưng không thuyên giảm. Bệnh tình ngày càng trầm trọng, mất dần trí nhớ. Thấy cô bé không còn làm chủ được mình, có thể nguy hại đến bản thân và cho người khác, Hội đồng Y khoa quyết định đưa vào một trung tâm đặc biệt dành chữa trị lâu dài. Bà không chịu, khóc lóc xin cho cô con gái được sống ở nhà, bà sẽ tự chăm sóc cho con, nhưng mọi người đều khuyên bà nên để cho cháu vào sống ở Trung tâm, để có thể chữa trị và giúp bà tự lo được cho mỉnh. Hơn nữa, mỗi tuần Trung Tâm sẽ sắp xếp cho bà hai lần vào thăm và ở lại với con khoảng ba tiếng đồng hồ.
Đúng vào lúc này bà lại nhận thêm một tin buồn. Người em chồng vừa qua đời ở Mỹ do một tai nạn giao thông. Bà không thể sang dự tang lễ được.
Trung Tâm đặc biệt này nằm trong khu vực chúng tôi đang ở. Bà thì đã dọn về đây từ lâu rồi, sau ngày cô con gái được đưa vào sống ở đây.
Từ ngày thân tình, bà luôn đi bộ với chúng tôi mỗi ngày trên con đường dọc theo bờ sông Nitelva. Nhưng khi đến giữa cầu bà dừng lại, đứng ở đó, chờ chúng tôi trở lại, sẽ cùng về với nhau. Điều đặc biệt, thành chiếc cầu này là một tấm lưới bằng sắt sơn màu xám, trên đó có treo rất nhiều ổ khóa, cả mấy trăm chiếc. Có những cái nằm riêng một mình, có những cái khóa chung vào với hai, ba cái khác. Trên nhiều ổ khóa có khắc tên hai người, một số có tên nhiều người. Đã mấy lần, vợ chồng tôi tò mò, đứng lại xem và đọc vài cái tên trên ấy. Chỉ toàn tên người bản xứ, Nauy. Tôi nghĩ có lẽ đây là nơi hẹn hò, thề non hẹn biển của những cặp tình nhân.
Buổi chiều, sau ngày đến thăm cô con gái và ở lại nhà chúng tôi, khi cùng thả bộ tới giữa cầu, bà dắt tay chúng tôi đến một chiếc ổ khóa lớn, nằm riêng rẻ trên tấm lưới thành cầu. Cái khóa đồng, có khắc đậm năm cái tên. Mặt trước là tên của vợ chồng bà, mặt sau là tên của ba đứa con. Cũng lần đầu tiên, bà giải thích vì sao bà thường đứng một mình giữa thành cầu. Vì cứ mỗi lần nhìn xuống dòng sông phía dưới, bà đều nhìn thấy hiện lên khuôn mặt của chồng bà và hai đứa con trai. Trong gợn sóng, bà vẫn thấy họ mỉm cười với bà. Chính điều này đã giúp bà có nghị lực để sống tới hôm nay.
Mỗi năm, bà làm giỗ chung cho ba cha con vào giữa tháng ba, vì họ đều mất trong cùng tháng ba. Tháng ba, Bắc Âu đang mùa Đông, trời rất lạnh. Khoảng thời gian này, vợ chồng tôi lại thường sang Mỹ thăm ba cô con gái, và cũng để trốn lạnh. Nhưng năm nay, chúng tôi ở lại Nauy, theo mong muốn của bà. Ước nguyện của bà là sau kỳ giỗ này bà theo chúng tôi sang Tây Ban Nha, sống trên đảo nào đó vài hôm, để bà có thể mỗi ngày ngồi trước biển, nhìn ra đại dương xa xăm, hy vọng sẽ thấy được quê hương và hình ảnh chồng và hai đứa con trai. Bà nghĩ như thế.
Trong ngày giỗ, bà khẩn khoản nhờ chúng tôi, trước khi trao một tờ giấy ủy quyền, để khi bà qua đời, thân xác được thiêu, và chúng tôi sẽ mang tro cốt rải xuống dòng sông Nitelva, nơi mà bà thường đứng trên cầu, mỗi buổi chiều hè, nhìn xuống đó. Bà cũng dặn dò, nhờ chúng tôi bỏ hết mấy tấm ảnh của gia đình, chồng và các con vào quan tài để cùng thiêu với bà.
Bà đi với vợ chồng tôi sang Mallorca, một hòn đảo du lịch nổi tiếng của Tây Ban Nha và ở đây hai tuần. Bà bắt buộc chúng tôi phải để cho bà bao trọn chuyến du lịch này. Theo ước muốn của bà, mỗi ngày sau khi ăn điểm tâm xong, vợ chồng tôi đưa bà ra biển, nơi có mô đất cao, được làm thành một vườn hoa rất đẹp. Bà ngồi trên ghế đá có dù che, nhìn ra một vùng biển trời mênh mông trước mặt. Không biết bà có nhìn thấy được chồng con và quê hương ở phía cuối chân trời? Chúng tôi ngại, không dám hỏi bà.
Sau chuyến đi khoảng ba tháng, bà bị bệnh. Chúng tôi đến thăm. Bà than mệt, thỉnh thoảng lên cơn ho. Tôi nghĩ bà chỉ cảm nhẹ, hoặc mùa này nhiều người bị dị ứng phấn hoa, nên đi mua thuốc cho bà. Khi mang cốc nước đến cho bà uống thuốc, tôi vỗ vai, an ủi:
– Bà chị đã trên 80 rồi, tất nhiên sức khỏe có yếu đi, hay mệt, hoặc có thể bị dị ứng phấn hoa, chứ chẳng có chuyện gì đâu”
Bà xã tôi dọn dẹp nhà cửa, nấu cơm, làm ít món ăn bà thích, và dặn dò bà phải nghỉ ngơi, không được làm việc gì, nhà cửa, cơm nước để chúng tôi lo.
Không ngờ bệnh tình ngày một nặng hơn. Chúng tôi đưa bà vào bệnh viện. Sau khi khám và làm xét nghiệm, bác sĩ cho biết trong phổi bà có nước, và có cả vi khuẩn. Tình trạng khá nguy hiểm.
Hơn một tuần sau bà mất. Là người thân duy nhất được bà ghi vào hồ sơ, chúng tôi được bệnh viện báo tin. Với tờ ủy quyền, chúng tôi nhận đứng ra lo việc an táng cho bà. Tôi đến Trung Tâm Tâm Thần, nơi cô con gái của bà ở, báo tin cho Bác sĩ Giám Đốc, và yêu cầu vào ngày tang lễ, xin Trung Tâm đưa cô con gái đến dự và chịu tang cho mẹ, theo truyền thống Việt nam
Đám tang tổ chức ngay tại nhà quàn bệnh viện. Ngoài vợ chồng tôi, chỉ có cô con gái của bà và hai người của Trung Tâm Tâm Thần. Tôi cũng mời một vị sư đến niệm kinh cho bà. Cô con gái ăn mặc đúng phong cách, một bộ vest đen mới toanh, theo sự hướng dẫn của cô ý tá, cùng chúng tôi quỳ xuống trước linh cữu của bà. Không biết cô gái có biết điều gì đang xảy ra hay không? Chỉ im lặng cúi đầu. Khi vị sư choàng chiếc khăn tang vào đầu, cô đưa tay giật xuống. Không biết cô ý tá nói nhỏ với cô điều gì, rồi lấy chiếc khăn tang quấn lại trên đầu. Lần này cô bé yên lặng, chống hai tay cúi xuống.
Đúng một trăm ngày, theo ước nguyện của bà, cũng là đầu tháng bảy, mùa hè, chúng tôi mang tro của bà ra rải giữa dòng sông, dưới chiếc cầu Nitelva, cùng lúc với những cánh hoa hồng trắng được bỏ xuống. Loại hoa bà thường cắm trên bàn thờ chồng và hai đứa con trai của bà. Hôm ấy trời đang thật đẹp, bỗng bất chợt một cơn mưa rào. Mùa hè ở đây thường như thế. Vợ chồng tôi vội vàng chạy vào dưới tàn cây ở phía đầu cầu trú mưa, nơi mà lần đầu tiên chúng tôi đã thực sự gặp bà, để rồi sau đó trở thành thân thiết.
Bệnh viện cũng đã trao lại cho chúng tôi những di vật của bà. Trong đó ngoài hai thẻ ngân hàng và mấy tấm ảnh còn có lá thư ngắn viết cho vợ chồng tôi và tờ di chúc viết bằng tiếng Việt. Bà nhờ tôi dịch ra tiếng Nauy hai bản. nhờ bệnh viện chứng nhận. Một bản trao lại cho kommune (văn phòng thị xã), một bản cho Trung Tâm Tâm Thần. Trong đó bà quyết định, tất cả tài sản, căn nhà và tiền bạc trong ngân hàng, bà xin hiến tặng cho Trung Tâm, nơi nuôi nấng chăm sóc con gái của bà. Bà chỉ có một yêu cầu, khi nào con gái bà qua đời, xin cho thiêu xác và rải tro xuống dòng sông, giữa cầu Nitelva, để cháu được đoàn tụ với bố mẹ và hai anh, khi theo dòng sông chảy ra biển và cùng nhau trôi dạt về lại quê nhà.

Phạm Tín An Ninh

User avatar
VuPhong
Posts: 2910
Joined: Wed Dec 01, 2004 4:28 pm

Post by VuPhong »

Image


Trump: một con người với ba thái độ

Jeffrey D. Sachs
Đỗ Kim Thêm dịch

Trong lịch sử gần đây chưa bao giờ có một sự thay đổi trong giới lãnh đạo mà thu hút được nhiều chú ý và suy đoán như việc trỗi dậy của Donald Trump trong nhiệm kỳ tổng thống Mỹ. Những thay đổi này có nghĩa gì và báo trước tín hiệu gì, nó đòi hỏi cần phải làm sáng tỏ ba chuyện bí ẩn, vì có ba phiên bản về con người của Trump.
Phiên bản đầu tiên vì Trump là bạn của Tổng thống Nga Vladimir Putin. Nhiệt tình của Trump dành cho Putin là một phần không hề thay đổi trong các lời hùng biện của ông. Mặc dù có một thế giới quan xem Hoa Kỳ là nạn nhân của các cường quốc nước ngoài - Trung Quốc, Mexico, Iran, Liên Âu - nhiệt tình của Trump dành cho Putin toả sáng.
C:\Users\Kim Them Do\Desktop\140.jpg

Tùy thuộc việc xem ai là người diễn đạt, hoặc xem Trump là một người hâm mộ ngây thơ về một con người bản lĩnh như Putin hoặc xem Trump là một công cụ lâu dài cho tình báo Nga. Chắc chắn là hầu như có một câu chuyện đằng sau ở đây, người ta có thể tiêu diệt chính quyền của Trump nếu một số tin đồn khủng khiếp này được xác nhận. Hiện nay, chúng ta biết rằng một số cuộc hẹn quan trọng và các chi tiết trong "hồ sơ" khét tiếng về mối quan hệ của Trump với Putin đã được xác minh, do một cựu viên chức tình báo của Anh tổng hợp.
Một số bằng chứng gián tiếp ngày càng tăng cho thấy rằng Trump đã được hỗ trợ bằng tiền bạc của Nga trong nhiều thập niên. Các giới đầu sỏ chính trị của Nga có thể đã cứu Trump khi bị phá sản cá nhân, và có tin tường thuật là có người đến tham gia một số chiến dịch tranh cử của Trump, có lẽ ông ta hoạt động như một nhân vật trung gian với điện Cẩm Linh. Và nhiều thành viên cao cấp trong toán công tác của Trump - bao gồm Paul Manafort, Giám đốc đầu tiên đặc trách chiến dịch tranh cử của Trump; Michael Flynn, Cố vấn An ninh Quốc gia, gần đây bị mất chức; Rex Tillerson, cựu Giám đốc điều hành của công ty Exxon Mobil và bây giờ là Ngoại trưởng; và Wilbur Ross, Lãnh đạo Quỹ đầu cơ và Bộ trưởng Thương mại - tất cả đều có giao dịch kinh doanh quan trọng với Nga hoặc các giới đầu sỏ của Nga.


Phiên bản thứ hai vì Trump là một doanh nhân đầy ham muốn. Trump dường như có ý định chuyển đổi nhiệm kỳ tổng thống thành một nguồn thu khác cho tài sản cá nhân. Đối với hầu hết mọi người, nhiệm kỳ tổng thống có vẻ như là một phần thưởng cá nhân, mà không nhận tiền mặt (ít nhất là không phải trong khi còn tại chức). Điều này không đúng cho Trump. Trái ngược với tất cả các quy luật trước đó, và trong khi vi phạm các tiêu chuẩn được Cơ quan Đạo đức của Chính phủ đề ra, Trump đang còn giữ đế chế kinh doanh của mình, trong khi các thân nhân trong gia đình vận động để kiếm tiền nhân danh Trump trong các đầu tư mới trên khắp thế giới.
Phiên bản thứ ba vì Trump là một người thuộc trào lưu dân túy và mị dân. Trump là một nguồn bất tận của những lời nói dối, một người không quan tâm đến những lời đính chánh không thể tránh khỏi bởi các phương tiện truyền thông với lời cáo buộc về "tin tức giả mạo." Lần đầu tiên trong lịch sử hiện đại của nước Mỹ, tổng thống đang quy tội cho báo chí một cách quá hung hãn. Tuần vừa qua, Toà Bạch Ốc cấm the New York Times, CNN, Politico và the Los Angeles Times tham gia một cuộc họp báo của Tuỳ viên Báo chí.

Theo một số diễn giải, thái độ mị dân của Trump nằm trong việc phục vụ của Stephen Bannon, nhà chiến lược chính của Trump, người lập luận bảo vệ cho một viễn cảnh đen tối của một cuộc chiến tranh sắp tới của các nền văn minh. Bằng cách làm tăng sự sợ hãi đến mức có thể là cao nhất, Trump nhằm tạo ra một tinh thần dân tộc của nước Mỹ là trên hết và có bạo lực. Từ trong lao tù ở Nuremberg sau khi thế chiến II, Hermann Göring đã giải thích khá khủng khiếp về một công thức rằng: “Mọi người có thể luôn tuân phục ý kiến của các nhà lãnh đạo. Điều đó thật dễ. Tất cả điều mà người ta phải làm là nói với họ rằng họ đang bị tấn công và tố cáo những kẻ hiếu hoà là họ thiếu lòng yêu nước và trình bày về tình trạng đất nước đang lâm nguy. Điều này áp dụng hữu hiệu cùng một cách như nhau dù trong bất cứ nước nào”
Một giả thuyết khác là tất cả ba thái độ của Trumps - một người bạn của Putin, một người chỉ lo tối đa cho cơ nghiệp và một người mị dân - thực sự ra là một: doanh nhân Trump đã từ lâu đã được hỗ trợ bởi các người Nga, họ đã sử dụng Trump trong nhiều năm qua như một bình phong lo chuyện rửa tiền. Người ta có thể nói rằng họ đã trúng lô độc đắc, đặt tiền cược ít mà chuyển thành một khoản tiền thu rất lớn - họ dàn dựng một cuộc bầu cử mà họ rất có thể là không bao giờ ngờ rằng Trump sẽ thắng cử -. Theo lối giải thích này, các cuộc tấn công của Trump với báo chí, các cơ quan tình báo, và FBI đặc biệt nhằm làm mất uy tín các cơ quan trước khi bị tiết lộ nhiều hơn về các giao dịch của Trump và nước Nga.
Những ai đã sống qua thời Watergate nhớ lại biết bao là khó khăn khi quy trách cho Richard Nixon. Nếu không có phát hiện ra cuốn băng ghi âm mật tại Toà Bạch Ốc, gần như chắc chắn là Nixon sẽ thoát việc bị huyền chức và truất nhiệm trước nhiệm kỳ. Điều này cũng đúng với Flynn, người có lúc nói dối và lại nói dối trước công chúng, và rồi tới Phó Tổng thống Michael Pence, việc thông tin liên lạc của ông với Đại sứ Nga trước khi ông nhậm chức. Tuy nhiên, giống như Nixon, ông đã chỉ vấp phải vì những lời nói dối của ông đã được ghi âm, trong trường hợp này là do các cơ quan tình báo Mỹ.
Khi những lời nói dối Flynn đã được phát hiện, phản ứng của Trump, đúng theo đặc tính của ông, là ông tấn công các rò rỉ, không phải là nhắm vào lời nói dối. Các bài học chính của Washington, và thực sự của chính trị của người bản lĩnh nói chung, là nói dối luôn luôn là phương tiện đầu tiên, không phải cuối cùng.
Nếu Quốc hội có đủ các dân biểu thành tín, khi đa số biết rằng Đảng viên Đảng Cộng hòa sẽ không theo dõi Đảng viên Đảng Cộng hòa, họ sẽ yêu cầu một cuộc điều tra độc lập về quan hệ của Trump với Nga. Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Rand Paul đã minh thị điểm này, ông tuyên bố rằng việc điều tra "không có ý nghĩa" để cho Đảng viên Đảng Cộng hòa điều tra Đảng viên Đảng Cộng hòa. Trump dường như có ý tạo áp lực cho FBI, các cơ quan tình báo, các tòa án, và các phương tiện truyền thông để nhường bước.


Những người mị dân sống sót nhờ sự hỗ trợ của công chúng mà họ cố gắng duy trì thông qua lời kêu gọi thuộc về háo lợi, chủ nghĩa dân tộc, lòng yêu nước, phân biệt chủng tộc, và sợ hãi. Họ tung cho các người ủng hộ một số tiền mặt nhất thời, dưới hình thức là cắt giảm thuế và tiền trợ cấp, được tài trợ bằng cách gia tăng các khoản nợ công và để cho các thế hệ tương lai trả nợ. Cho đến nay, để làm cho giới quý tộc hạnh phúc Trump đã hứa cắt giảm thuế mà không thể kham nổi, trong khi đó ông làm mê hoặc cho tầng lớp lao động da trắng ủng hộ ông với sắc lệnh Hành pháp, ông trục xuất người nhập cư bất hợp pháp và cấm nhập cư cho các nước có đa số người theo Hồi giáo.
Không có một biện pháp nào trong các biện pháp này đã làm cho Trump được ưa chuộng. Mức đồng thuận dành cho vị tân tổng thống là mức thấp nhất trong lịch sử, khoảng 40%, so với khoảng 55% số người được hỏi là không hài lòng. Thỉnh cầu toà án xét lại các biện pháp của Hành pháp, các chống đở với các phương tiện truyền thông, những căng thẳng bắt nguồn từ các thâm hụt ngân sách tăng cao, và các tiết lộ mới liên quan đến Trump và nước Nga, tất cả sẽ tiếp tục sôi nổi - và sự hỗ trợ của công chúng dành cho Trump có thể tiêu tan.
Trong trường hợp này, các nhà lãnh đạo Đảng Cộng hòa dường như sẽ xoay ra chống Trump. Nhưng không ai nên đánh giá thấp một kẻ mị dân bao giờ, khi họ sẵn sàng sử dụng sự sợ hãi và bạo lực - thậm chí cả chiến tranh - để duy trì quyền lực. Và thực sự nếu Putin là người hỗ trợ và đối tác của Trump, các cám dỗ của Trump trong việc này sẽ mạnh mẽ.
***
Jeffrey D. Sachs, Giáo Sư Đại học Columbia, Giám Đốc Columbia’s Center for Sustainable Development và UN Sustainable Development Solutions Network. Tác giả của The End of Poverty, Common Wealth, The Age of Sustainable Development. Tác phẩm mới nhất là Building the New American Economy. Nguyên tác: The Three Trumps. Tựa đề bản dịch là của người dịch
https://www.project-syndicate.org/comme ... hs-2017-03

kalua
Posts: 836
Joined: Sun Apr 22, 2012 5:26 pm

Post by kalua »

Tổng Thống Trump, Những Ngày Đầu Sóng Gió

TOÀN NHƯ
Tân Tổng Thống thứ 45 của Hoa Kỳ Donald J. Trump mà có người Việt gọi vui là Đỗ Nam Trâm hay Đỗ Năng Trâm mới nhậm chức từ ngày 21 tháng 01, 2017, đến nay chưa đầy hai tháng mà đã có biết bao nhiêu sóng gió. Ngay trong ngày ông tuyên thệ nhậm chức, đã có nhiều cuộc xuống đường, biểu tình bạo động phản đối ông xảy ra ở nhiều nơi và ở ngay thủ đô Hoa Thịnh Đốn, gần nơi tổ chức buổi lễ. Kế tiếp qua ngày hôm sau, lại thêm hàng trăm ngàn quý bà, quý cô tham gia cái gọi là Cuộc Diễn Hành Phụ Nữ phản đối ông Trump ngược đãi, không tôn trọng phụ nữ căn cứ vào những lời nói và hành động của ông đã xảy ra từ rất lâu trong quá khứ. Cuộc biểu tình thứ hai này làm cho người viết nhớ lại những cuộc xuống đường của cái gọi là phong trào phụ nữ đòi quyền sống của bà Ngô Bá Thành ở Sài Gòn, Việt Nam, trước 1975 dạo nào vì nó trông cũng bát nháo, lố lăng, không giống ai; có lắm bà, lắm chị đi diễn hành đã mang theo những biểu ngữ tục tĩu lăng mạ vị tổng thống vừa đắc cử chẳng tiếc lời.

Image
Không loại trừ những cuộc biểu tình chống tổng thống Trump do đảng Dân Chủ và những người cấp tiến thuộc phe tả hậu thuẫn. Dường như họ cay cú vì ông Trump đã bất ngờ chiến thắng trong cuộc bầu cử vào tháng 11 vừa qua, cuộc bầu cử mà họ vẫn đinh ninh rằng ứng cử viên của họ, bà Hillary Clinton, đáng lẽ đã chiến thắng như các cuộc thăm dò trước đó đã tiên đoán. Trong niềm tin đó, họ bị hụt hẫng muốn phản kháng, tìm đủ cách để mong, nếu không hạ bệ được ông Trump thì cũng làm cho ông bị giảm uy tín và sự thất bại của bà Hillary Clinton cũng vớt vát được một chút vinh quang. Vì vậy, họ bày ra đủ trò để mong lật ngược tình thế. Nào là xin đếm phiếu lại; kêu gọi các đại cử tri đoàn không bỏ phiếu cho ông Trump; đòi tu chính hiến pháp để bầu cử Tổng thống theo lối phổ thông đầu phiếu để bà Clinton và đảng Dân Chủ dễ dàng đắc cử; tố cáo Nga can thiệp vào cuộc bầu cử làm hại bà Clinton và đảng Dân Chủ; đổ thừa cho cơ quan FBI đã mở cuộc điều tra về những email của bà Clinton vào phút chót; rồi xúi giục người đi nộp đơn kiện ông Trump về những việc xảy ra từ đời nào trong quá khứ, v.v… và v.v… Không những vậy, sau khi tất cả những trò trên đều thất bại, có người lại còn đi xa hơn, đòi truất phế hay đàn hạch (impeach) tổng thống Trump dù ông chỉ mới nhậm chức chưa đầy một tháng, chưa phạm một lỗi lầm nào nghiêm trọng.

Hiển nhiên, tất cả những sự phản đối hay chống nói trên chưa đủ sức mạnh để có thể lật đổ một tổng thống đã đắc cử hợp pháp như ông Trump chiếu theo hiến pháp Hoa Kỳ. Tuy nhiên, nó cũng đã gây ra nhiều khó khăn cho ông không ít. Ngay sau khi kế hoạch làm việc trong 100 ngày đầu tiên của Tổng thống Trump được công bố, dù chưa bắt tay vào việc nhưng ngay lập tức kế hoạch này của ông đã bị nhiều chỉ trích và nó lại càng bị chống đối mạnh mẽ hơn khi ông ban hành một số sắc lệnh hành pháp (executive order) trong quyền hạn của tổng thống. Đáng chú ý nhất là những sắc lệnh hành pháp mà tổng thống Trump đã ký liên quan đến việc hủy bỏ đạo luật về chăm sóc sức khỏe gọi tắt là Obamacare của TT Obama vừa mãn nhiệm, rút Mỹ ra khỏi Hiệp ước đối tác xuyên Thái Bình Dương gọi tắt là TPP, và sắc lệnh mới tạm thời về di dân đối với một số nước ở vùng Trung Đông,…

Trong số những sắc luật trên, đáng chú ý nhất là sắc luật về di dân được Tổng thống Trump ký ngày 27/1/2017 dưới tiêu để “Protecting The Nation From Foreign Terrorist Entry Into The United States.” (Bảo Vệ Quốc Gia Thoát Khỏi Khủng Bố Nước Ngoài Xâm Nhập Vào Hoa Kỳ). Cụ thể, sắc luật ra lệnh tạm thời đình chỉ trong 90 ngày việc nhập cảnh những người đến từ 7 quốc gia từng bị chính quyền Obama xếp hạng cần quan tâm đặc biệt (CPC). Bảy quốc gia này là: Iran, Iraq, Syria, Sudan, Lybia, Yemen, và Somalia. Ngoài ra, sắc lệnh cũng tạm thời đình chỉ trong 120 ngày chương trình định cư tị nạn bất kể từ quốc gia nào (dĩ nhiên trong đó có Việt Nam).

Thật không thể hiểu, lệnh cấm của sắc lệnh nói trên chỉ có tính cách tạm thời nhằm mục đích để chính quyền có thời gian nghiên cứu tìm biện pháp rà soát, ngăn chặn khủng bố xâm nhập vào nước Mỹ, bảo đảm an ninh cho quốc gia và an toàn cho người dân nhưng lại bị chống đối quyết liệt. Sắc lệnh không hề đề cập đến người Hồi giáo hay người Ả Rập nhưng vì 7 quốc gia nói trên có đa số là người Hồi giáo nên sắc lệnh đã bị gán ghép cho là kỳ thị người Hồi giáo. Thế là nhiều cuộc biểu tình đã nổ ra. Sự chống đối không những vậy còn đi xa hơn lên tới tòa án phân xử. Thẩm phán liên bang James Robart tại tiểu bang Washington căn cứ vào một đơn kiện đã ra phán quyết có hiệu lực trên toàn quốc tạm ngưng thi hành sắc lệnh về di dân của tổng thống Trump nói trên. Phán quyết này đã bị chính quyền tổng thống Trump kháng cáo lên tòa kháng án liên bang khu vực 9 ở San Francisco yêu cầu tái phục hồi sắc lệnh nhưng đã không thành công. Mọi người cứ tưởng chính quyền sẽ kháng cáo lên Tối Cao Pháp Viện (TCPV) nhưng việc này đã không xảy ra có thể vì TCPV hiện chỉ có 8 vị thẩm phán trong đó có 4 vị do các tổng thống Cộng Hòa bổ nhiệm và 4 vị do tổng thống Dân Chủ đề cử nên phán quyết có thể sẽ là 4-4 và như vậy, theo quy định, phán quyết ở tòa kháng án sẽ có hiệu lực. Có lẽ vì vậy mà tổng thống Trump đã không kháng cáo lên TCPV và chính phủ của ông có thể sẽ nghiên cứu để đưa ra một sắc lệnh khác hợp lý hơn để không bị chống đối. Tuy nhiên, dù có ra một sắc luật mới có gì bảo đảm nó sẽ không bị chống đối như sắc luật cũ?

Nhưng những sự chống đối TT Trump không dừng ở đó. Dường như bất cứ một quyết định nào của ông cũng bị truyền thông cánh tả, phần lớn có khuynh hướng Dân Chủ, soi mói để chỉ trích, phản đối. Từ việc xây bức tường ở biên giới phía nam cho đến việc bổ nhiệm các thành viên nội các.

Việc xây tường ở biên giới phía nam giáp ranh nước láng giềng Mễ Tây Cơ nếu thực hiện được cũng là điều tốt để ngăn chặn việc nhập cư lậu ở biên giới phía nam đã từ lâu không kiểm soát được dẫn đến tình trạng hiện có khoảng 12 triệu di dân bất hợp pháp trên nước Mỹ. Bức tường này có khác gì đâu một bức tường rào của từng nhà dân để ngăn ngừa việc xâm nhập gia cư bất hợp pháp. Như vậy đâu có gì sai trái, có điều chỉ sợ kiếm không ra tiền để xây thôi chứ sao lại chống đối. Và không chỉ chống đối có người còn ví von bức tường này một khi được thành hình sẽ chẳng khác gì Bức Tường Bá Linh trước đây. Thật là một sự so sánh tưởng tượng quá đáng. Riêng về việc bổ nhiệm các thành viên nội các, cho đến nay (dù đã trên một tháng) việc đề cử vẫn chưa được Thượng Viện chuẩn thuận hết. Hầu hết các chức vụ trong nội các của ông hầu như được rất ít các thượng nghị sĩ Dân Chủ bỏ phiếu thuận, thậm chí có chức vụ chỉ có những TNS của đảng Cộng Hòa chuẩn thuận. Điều này cho thấy sự bất hợp tác và cố tình gây khó dễ của đảng Dân Chủ đối với ông Trump.

Trước cuộc bầu cử ngày 8 tháng 11, 2016, truyền thông cánh tả và đảng Dân Chủ đã chỉ trích và chế nhạo ông Trump khi ông tuyên bố chỉ công nhận cuộc bầu cử nếu ông thắng vì ông nghi ngờ cuộc bầu cử có thể bị lũng đoạn, gian lận. Truyền thông và đảng Dân Chủ đã chỉ trích, chế nhạo ông về việc này và cho rằng ông Trump đã đi ngược lại với truyền thống bầu cử của Hoa Kỳ vốn được cho là dân chủ bậc nhất trên thế giới. Sở dĩ như vậy vì họ, những người đảng Dân Chủ, quá tin vào những cuộc thăm dò cho rằng bà Hillary Clinton, ứng cử viên của họ, sẽ chắc thắng. Thế nhưng kết quả đã không như dự đoán của họ và nay chính họ lại là những người tìm đủ mọi lý lẽ để không công nhận kết quả và phản đối người đã thắng cuộc bầu cử một cách hợp pháp, hợp hiến.

Sự chống đối tổng thống Trump đã để lộ ra tinh thần đảng phái hẹp hòi và cố chấp của những người được cho là cấp tiến hay cánh tả. Hình ảnh tiêu biểu cho sự bất hợp tác, cố chấp này được nhìn thấy rõ nhất trong buổi Tổng thống Donald Trump đọc bài diễn văn lần đầu tiên trước lưỡng viện Quốc Hội tối ngày 28/2/2017. Hầu hết những lần ông Trump được vỗ tay hoan nghênh không thấy có sự tham gia của những nghị sĩ đảng DC. Ngay cả trong giây phút đầy xúc động khi TT Trump vinh danh bà quả phụ Carryn Owens, vợ của chiến sĩ biệt kích Hải Quân William “Ryan” Owens, người vừa hy sinh trên chiến trường Yemen. Ống kính truyền hình đã cho thấy bà Carryn Owens dàn dụa nước mắt trong khi các dân biểu, nghị sĩ đảng Dân Chủ hầu như đã ngồi yên, không đứng lên vỗ tay trong lúc cả hội trường đã đứng lên vỗ tay trong một thời gian kỷ lục lâu tới 90 giây như một sự biểu tỏ lòng tri ân đối với bà quả phụ và chồng bà. Thật là một hình ảnh đáng xấu hổ cho đảng Dân Chủ!

Như chúng ta đều biết, trong bất cứ một cuộc bầu cử nào cũng đều có hai phe: phe bầu cho đảng này và phe bầu cho đảng khác. Chuyện đó cũng là bình thường vì chẳng có một ứng cử viên nào đắc cử với 100% phiếu bầu cả, ngoại trừ ở những nước độc tài như cộng sản. Vì thế, trong cuộc bầu cử ở Mỹ, đương nhiên có người là ‘fan’ của đảng Dân Chù, cũng như có người là ‘fan’ của đảng Cộng Hòa. Điều đó cũng là lẽ tự nhiên, bình thường. Cho nên cũng dễ hiểu, sau cuộc bầu cử vừa qua có kẻ bênh, người chống ông Trump. Đâu cần gì phải giương biểu ngữ “Trump’s Not My President” người ta mới biết mình không ủng hộ Trump.

Việc bênh và chống ông Trump dĩ nhiên không chỉ có ở trong cộng đồng người Mỹ mà còn có ngay trong cộng đồng người Việt. Trên các diễn đàn liên mạng, kể từ trước và sau cuộc bầu cử, đã có những bài viết bênh và chống ông Trump từ ở cả hai phía. Trong khi, những người ủng hộ đảng Dân Chủ cuồng nhiệt tìm cách chống ông Trump bằng mọi cách kể cả bạo động, nhưng họ lại không nhận họ là những người cuồng Dân Chủ, cuồng Hillary. Họ ra vẻ mình vô tư chánh trực dè bỉu, chê bai những người ủng hộ ông Trump và đảng Cộng Hòa là cuồng Trump, cuồng Cộng Hòa. Đúng là vừa đánh trống, vừa la làng.

Cho nên, có thể nói, chưa bao giờ sau một cuộc bầu cử tổng thống, nước Mỹ lại bị chia rẽ, phân hóa đến như vậy. Sự bất hợp tác, chống đối của đảng Dân Chủ đối với đảng Cộng Hòa đang cầm quyền có lẽ sẽ còn kéo dài ít nhất là đến hết năm 2018, năm sẽ diễn ra cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ tổng thống. Qua những chống đối này, đảng đối lập Dân Chủ hy vọng sẽ giành lại được thế đa số trong quốc hội để làm bàn đạp tiến tới cuộc bầu cử tổng thống năm 2020 hầu tái chiếm lại Tòa Bạch Ốc. Cho nên, chúng ta sẽ không ngạc nhiên khi thấy ông tổng thống Trump bị tấn công tối tăm mặt mũi kể từ khi nhậm chức tới giờ, bất kể ông đưa ra một quyết định gì. Riêng cá nhân người viết, chỉ có một ý kiến nhỏ rằng, hãy còn quá sớm để phê phán tổng thống Trump. Xin hãy để cho ông ấy làm việc rồi hãy phê phán: Wait and See!

TOÀN NHƯ

User avatar
saohom
Posts: 2213
Joined: Wed Aug 26, 2009 11:30 pm

Post by saohom »

Khi con người giữ lại

Tuấn Khanh
14-3-2017

Image
Ảnh: internet
Tháng 1/1995, khi ông Võ Văn Kiệt ký văn bản số 406-Ttg, ra lệnh không được đốt pháo trên cả nước. Không những pháo trong hiện thực bị săn lùng và hủy diệt, mà ngay cả pháo trong trí tưởng cũng bị ngăn chận. Ít lâu sau đó, trong một lần đưa ca khúc Bài Ca Tết Cho Em (sáng tác: nhạc sĩ Quốc Dũng) vào chương trình sản xuất CD mùa xuân, một biên tập viên đã than thở rằng Sở Văn hóa Thông tin ở Sài Gòn nói phải sửa lại lời, vì có chữ “pháo”, nghe nhạy cảm với một loại hình sản phẩm đã bị cấm.

Những chuyện hài hước như vậy, không bao giờ thiếu trong một nền văn hóa bị kiểm duyệt theo chỉ đạo, và cũng theo tính trung thành đến bại hoại của những nhân viên kiểm duyệt tại Việt Nam, kể từ sau 1975.

Một buổi sáng, khi đọc bản tin về chuyện 5 ca khúc có từ nửa thế kỷ trước bị lại cấm lưu hành, nhiều người dân đã tỏ ý bất bình. Nhưng với giới văn nghệ đã tận mặt sống và quay quắt trong các sợi xích kiểm duyệt từ suốt nhiều năm thì lại khác. Phản ứng thường là một nụ cười mỉa, và gật gù như của một anh bạn “đến giờ này mà vẫn còn bệnh hoạn như vậy à?”

Năm ca khúc đó, bao gồm Cánh thiệp đầu xuân (tác giả Lê Dinh – Minh Kỳ), Rừng xưa, Chuyện buồn ngày xuân (Lam Phương), Đừng gọi anh bằng chú (Diên An), Con đường xưa em đi (Châu Kỳ – Hồ Đình Phương). Như bao lần, những người “làm” văn hóa của Nhà nước vẫn giải thích mơ hồ, thậm chí ngớ ngẩn như dừng lưu hành để tìm tên tác giả chính xác. Một quan chức nhà nước, được báo Tuổi Trẻ dẫn lời, nói rằng ông băn khoăn vì không biết ý nghĩa lời hát “cuộc chiến” nằm trong Con đường xưa em đi, là cuộc chiến nào.

Như một đứa trẻ to lớn nhưng gồng gánh tâm hồn tự kỷ, hệ thống văn hóa xã hội chủ nghĩa của Việt Nam hiện nay loay hoay với một nỗi ám ảnh mơ hồ, và không thể hội nhập cùng cuộc sống bình thường. Đứa trẻ đó lo sợ mọi thứ – từ quá khứ đến tương lai. Đứa trẻ cố vươn vai đứng thẳng oai vệ trong đời sống, nhưng nhột nhạt thầm kín vì đêm đêm còn mắc tật đái trộm trên giường. Đứa trẻ tự cáu gắt vì chứng không thể trưởng thành của mình.

Nhạc sĩ Thanh Sơn, lúc còn sinh thời, từng ngồi buồn hiu, kể rằng một nhân viên kiểm duyệt của Sở, trẻ bằng tuổi con út của ông, ra lệnh cho ông về phải bỏ chữ “phu quân” trong một ca khúc tình yêu đồng quê của ông, chỉ vì chữ “quân” có thể ám chỉ đến quân nhân Việt Nam Cộng Hòa.

Năm ngoái, một đôi bạn trẻ viết tạp bút về Sài Gòn, chạy xin giấy phép in với một nhà xuất bản. Khi bản thảo đưa lên duyệt, một đoạn văn liên quan đến bài hát Chiếc lá cuối cùng (tác giả Tuấn Khanh sinh năm 1933) bị lưu ý là phải bỏ đi vì liên quan văn hóa trước 1975. Khi các bạn trẻ này kêu nài rằng bài hát đã được duyệt, tác giả được lưu hành… thì biên tập viên – kiểm duyệt viên bối rối, chuyển sang ý khác là “cũng phải bỏ, vì gợi ý đến nhạc sĩ Tuấn Khanh hiện nay, người đang có vấn đề”.

Trãi qua rất nhiều năm. Kể từ lúc những bánh xích xe tăng chiến thắng của những người Cộng sản lăn trên các đường phố ở miền Nam. Có không ít những khung thước văn hóa thật mới mẻ được kẻ ra cho người dân. Từ chiếc quần ống loe bị chận cắt giữa đường, mái tóc dài nam giới bị giữ lại và buộc xén đi vô tội vạ… cho đến hôm nay, quả là một chặng đường rất dài để con người Việt Nam thấy rằng mình đang phải chạy hồng hộc trên một vòng tròn thật lớn, để cố về điểm xuất phát văn minh ban đầu của mình.

Đầu năm 2017, có tin bài hát Ly rượu mừng được trả tự do. Rất nhiều người vui mừng vì nghĩ rằng “rồi cuối cùng những điều tốt đẹp nhất cũng đã trở lại”. Có không ít những bài viết, sự hân hoan xuất hiện trên các trang mạng. Có bóp, thì phải có mở chứ!

Cảm giác này có thể so sánh với năm 1977, khi nạn đói tràn lan ở Việt Nam, bệnh ghẻ ngứa rừng hành hạ mọi gia đình. Rồi đến năm 1990, khi nhiều người bắt đầu được ăn cơm có thịt và sử dụng xà bông Hoa Kỳ gửi về từ các thùng đồ của kiều bào – thì người Việt nam cũng đã hân hoan và hạnh phúc như vậy. Quả là có bóp, rồi phải có mở!

Và rồi, khi một ca khúc được trả tự do, thì cũng không lâu sau, có đến 5 ca khúc khác bị giam lại. Cái được và mất có vẻ đã rõ trong đời sống văn hóa bình thường của con người. Mở và bóp!

Cấm và cho / Bóp và mở trong kiểm duyệt văn hóa tại Việt Nam chưa bao giờ có một câu trả lời quang minh, hay có một thái độ chính đáng. Năm 2012, khi được hỏi về cách thức cho phép lưu hành những bài hát trước năm 1975, ông Lê Ngọc Cường – nguyên cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn từng xác nhận rằng thay vì lên danh sách những bài cần cấm, thì Cục chỉ có danh sách những bài được cho phép (khoảng hơn 1500 bài, trong số hàng chục ngàn bài hát trước 1975). Và việc bóp xiết các bài hát cũ, được khoán lớn cho Sở ở thành phố Hồ Chí Minh, vì nơi này được coi là có khả năng “biết rõ nội tình”.

Nội tình ấy, Trịnh Công Sơn, đến khi qua đời nhiều năm, vẫn chưa bao giờ được phép ấn hành chính thức và đầy đủ bộ Ca khúc Da Vàng, tập tác phẩm được coi là làm nên tên tuổi của ông.

Nội tình ấy, Nhạc sĩ Phạm Duy, từ khi giao cho công ty Phương Nam quản lý và xin phép các ca khúc của ông từ năm 2005 đến nay, chỉ khoảng 200 bài hát được cho phép. Thậm chí có những bài cấp phép rồi, lại cấm như Trường ca Con đường Cái quan và Còn chút gì để nhớ.

Không biết dựa vào luật nào, Cục chỉ cho phép một năm làm đơn xin từ 2 đến 3 lần, mỗi lần từ 7 đến 13 bài. Và nếu chiếu theo trình tự đó, di sản hơn 1000 bài hát của nhạc sĩ Phạm Duy có thể phải đến năm 2050 mới được cấp phép hoàn toàn. Dĩ nhiên, đó là trong tình trạng các nhà “làm” văn hóa không trở chứng tự kỷ kinh niên.

Cũng có ý kiến cho rằng Nhà nước đang lo lắng vì không cản nổi tình trạng văn hóa trước 1975 bùng phát lại ở miền Nam và nhiều nơi khác. Khởi đầu là âm nhạc, sau đến là sách vở, lịch sử… nên đang tìm cách kìm hãm bằng cách cắt nhanh nguồn cảm hứng của dân chúng. Khởi đầu là không ít nghệ sĩ của Nhà nước được hậu thuẫn lên tiếng bài bác bolero, rồi kế đến kêu đòi một nền văn minh gameshow không có bolero… Hôm nay là thả một và nhốt năm, như tín hiệu của một mùa xuân không còn nghe tiếng pháo.

Nếu lưu ý, sẽ không ít người ngạc nhiên rằng năm 2017, khi bài hát Ly rượu mừng được trả tự do một cách hữu ý trước Tết Nguyên Đán, nhưng lại không vang lên rộn rã bằng những năm mà người dân phải tự vượt rào để hát, để nghe nó. Có lẽ người dân đã bằng lòng với sự bình thường và giá trị được trả lại, nên không ra sức níu kéo như nhiều thập niên qua.

Nhưng ngay khi danh sách 5 bài hát bị cấm được tung ra, lạ thay, đâu đâu cũng nghe người dân hát, mở lại những ca khúc này. Chuyện “cấm”, trở thành một thái độ vô vọng trước đời sống tự nhiên trong phút chốc.

Và như thế, những bài hát cấm đó, chắc chắn lại sẽ vang lên – không khác gì những ngày tháng Ly rượu mừng bị giam nhốt. Kẻ có quyền có thể phất tay phế bỏ, nhưng nhân dân sẽ mãi mãi âm thầm giữ lại trong trí nhớ và từng lời hát khe khẽ của mình, bởi lẽ năm bài hát ấy – hay hàng chục ngàn bài hát khác – không có tội tình gì.

Vì họ biết, cuối cùng tài sản lớn nhất của con người là văn hóa chứ không là cường quyền. Âm nhạc hay sách vở – tri thức và cảm xúc… sẽ còn lại mãi mãi, bền bỉ thách đố mọi thời đại mê muội của quyền hành.

User avatar
TheLang
Posts: 1960
Joined: Thu Oct 30, 2008 5:43 am

Post by TheLang »

Image


CSVN muốn “tiêu diệt mọi dấu tích văn hóa-nghệ thuật của một nửa đất nước trước 1975”

Hạ Trắng
(Danlambao) - Sau khi “cởi trói” cho “Ly rượu mừng”, Cục Nghệ thuật Biểu diễn vừa ra quyết định tạm... trói lại năm ca khúc trước 1975 là "Con đường xưa em đi", "Chuyện buồn ngày xuân", "Cánh thiệp đầu xuân", “Rừng xưa”, “Đừng gọi anh bằng chú” để “thẩm định lại dị bản, tên tác giả, ca từ”.

Tuy nhiên, công luận đều cho rằng việc “thẩm định lại dị bản, tên tác giả” chỉ là trò bịa đặt, không có căn cứ mà mục tiêu chính là nhằm bức tử các ca khúc vốn thuộc vào hàng tinh hoa của nền nhạc Miền Nam trước năm 1975. Điều này thể hiện thái độ hằn học, thù ghét, sự ngu dốt và cả mặc cảm của chế độ Cộng sản đối với chế độ VNCH.


Dưới chế độ VNCH, nghệ thuật nói chung và âm nhạc nói riêng đã đạt đến trình độ đỉnh cao. Các tên tuổi nhạc sĩ, nghệ sĩ và những ca khúc trước 1975 dù bị bách hại, bức tử hay cấm đoán vẫn có sức sống mãnh liệt cho đến ngày hôm nay. Ngược lại, miền Bắc dưới sự cai trị của cộng sản thì các văn nghệ sĩ, từ họa sĩ đến nhà điêu khắc, từ đạo diễn đến nhà biên kịch, từ nhà văn cho đến nhà thơ, nhạc sĩ đến văn công đều phải phục vụ lợi ích cho mưu đồ chính trị. Nhiệm vụ duy nhất của họ là ca ngợi Hồ Chí Minh, ca ngợi đảng cộng sản. Các văn nghệ sĩ cộng sản hầu hết bị biến thành những tên đao phủ và các sáng tác của họ góp phần không nhỏ trong việc đẩy hàng vạn thanh niên ra trận để rồi chết cho cuộc chiến phi nghĩa này.

Do không được tự do sáng tác nên nhiều năm qua, “nền âm nhạc Việt Nam” dưới bảng chỉ đường XHCN, đôi mắt cú vọ của tuyên giáo, công an... đã không có nổi một tác phẩm ra hồn. Điều này đã tạo ra xu hướng “trở về với nhạc miền Nam” mà ngay cả nhà cầm quyền dù ngăn cấm, kiểm duyệt cũng không thể chống lại. Thậm chí, các bài “nhạc xưa” còn được biểu diễn một cách “tự nhiên” trên truyền hình. Trừ các đảng viên cộng sản, những kẻ cuồng cộng và những người không được tiếp cận với nền âm nhạc nào khác ngoài “nhạc đỏ” mới hát và nghe những ca khúc tuyên truyền của đảng. Còn lại, người ta tìm đến nhạc quốc tế hoặc nhạc lính, nhạc vàng và cả những sáng tác “sau 1975” mà tác giả hoặc nội dung có dính dáng đến VNCH.

Cựu TNCT - blogger Huỳnh Anh Tú, chia sẻ với chúng tôi:

“Các ca khúc miền Nam trước 1975 nói chung và năm ca khúc bị “cấm” lần này nói riêng, đều là những bài hát mang hơi thở của tự do, là nghệ thuật đích thực. Hãy làm một phép thử, nếu như chúng ta loại bỏ hết các ca khúc miền Nam trước 1975 thì gia tài âm nhạc của Việt Nam còn lại gì. Người ta không thể “tỏ tình” với nhau bằng “Bác đang cùng chúng cháu hành quân”, “Cô gái vót chông”, “Đảng đã cho ta cả mùa xuân” hay những bài nhạc đỏ, nhạc “Cách mạng” theo cách gọi của người cộng sản được. Chả lẽ, với trí tuệ luôn tự nhận là “đỉnh cao” mà suốt hơn 40 năm, người cộng sản không thể hiểu được nội dung một bài hát vẻn vẹn của ít câu ngắn ngủi hay sao mà bây giờ còn cần “thẩm định lại”. Việc cấm đoán này, tôi nghĩ không những không đạt được mục đích mà còn mang lại những tác dụng ngược. Điều gì cấm, càng gây tò mò và hứng thú. Tôi nghĩ, trong thời gian tới "Con đường xưa em đi", "Chuyện buồn ngày xuân", "Cánh thiệp đầu xuân", “Rừng xưa”, “Đừng gọi anh bằng chú” sẽ được hát nhiều hơn như chưa bao giờ bị cấm”.

Cựu TNCT Huỳnh Anh Tú từng có thời gian 14 năm tù đày trong nhà tù cộng sản vì chống lại thể chế độc tài này. Anh cũng chính là người cuối cùng sở hữu “cây đàn tù” và mang nó trở về trong ngày mãn án. Cây đàn guitar đã trải qua gần 40 năm tù đày và làm bạn tâm giao với nhiều thế hệ tù chính trị. Để được làm bạn với cây đàn guitar, những người tù chính trị từng phải trả giá bằng máu, nước mắt, những trận đòn thù của cai tù. Cây đàn guitar cũ kỹ và những ca khúc Miền Nam trước 1975 đã được Huỳnh Anh Tú và các bạn tù chính trị của anh xướng lên trong nhà tù, nơi họ từng bị giam cầm, bất chấp cấm đoán và đánh đập.

Chúng tôi cũng tìm gặp Nhà báo Phạm Đoan Trang, người không chỉ được biết đến bởi những hoạt động nhân quyền mà còn với tư cách của một người yêu nhạc và chơi nhạc. Nhà báo Phạm Đoan Trang cho rằng nhà cầm quyền muốn “tiêu diệt mọi dấu tích của văn hóa- nghệ thuật của một nửa đất nước trước 1975”.

“Có một điểm tôi phải nói rõ là hầu như tất cả các bài hát của thời VNCH đều bị cấm. Ngoài ra, về mặt tuyên truyền còn bị dán vào nhãn “nhạc vàng”, nhạc độc hại. Trong số các bài bị cấm, có rất nhiều bài là những tình khúc nổi tiếng, ví dụ như “Chiều mưa biên giới” của nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông, “Con đường xưa em đi”, “Đêm hỏa châu” của nhạc sĩ Châu Kỳ, “Ly rượu mừng” của nhạc sĩ Phạm Đình Chương... Thế thì, việc làm của Cục BDNT lần này chỉ là việc nhắc lại việc bị cấm của “Con đường xưa em đi” mà thôi, chứ không phải bây giờ mới bị cấm.

Tại sao bây giờ nhắc lại lệnh cấm “Con đường xưa em đi”? Tôi nghĩ họ nhằm vào bài “Gánh xiếc to trên quê hương nhỏ” của Nhạc sĩ Tuấn Khanh, thứ hai là họ muốn ngăn chặn ảnh hưởng của văn hóa nghệ thuật trước 1975. Quan sát các tụ điểm âm nhạc, kể cả các dịch vụ Karaoke, tôi thấy nhạc vàng chưa bao giờ chết như cộng sản mong muốn. Nhiều khi, nó được thanh niên Việt Nam ưa thích, cả trong Nam lẫn ngoài Bắc. Vì thế, tuyên giáo VN thấy cần phải “chấn chỉnh” gấp. Họ muốn tiêu diệt mọi dấu tích của văn hóa- nghệ thuật của một nửa đất nước trước 1975. “Con đường xưa em đi” là một trong 10 ca khúc trước 1975 mà tôi thích nhất.”

Ôi! con đường xưa em đi thì bị cấm. Con đường nay em đi như Mẹ Nấm thì bị vào tù!

Kết thúc bài viết, xin được gửi tặng quý bạn đọc một bài “vè” phỏng theo bài “Con đường xưa em đi” đang được lan truyền trên mạng, như một kiểu giễu cợt và thách thức nhà cầm quyền trong cái lệnh cấm ngớ ngẩn này.

“Con đường xưa em đi
Nhiều năm đã đi rồi
Bỗng chiều nay cấm đi
Biết rằng không cho đi
Khách qua đường vẫn đi
Sợ gì không dám đi?

Những đường không cho đi
Người ta vẫn đi hoài
Cấm, càng thêm khoái đi
Có đường không cho đi
Cấm đi người vẫn đi

Hỏi tại sao vẫn đi!?”.

13.03.2017

kalua
Posts: 836
Joined: Sun Apr 22, 2012 5:26 pm

Post by kalua »

Image

Kỷ lục


1. Người thính tai nhất Việt Nam là nhạc sĩ Trần Hoàn vì có thể "giữa Mạc Tư Khoa nghe câu hò xứ Nghệ".
2. Người điếc nhất là anh Kim Đồng vì "đùng đùng đùng, đoàng đoàng đoàng anh cứ đi". Và người con gái sông La đồng giữ kỷ lục này vì "em dõi theo từng ngày đếm từng loạt bom rơi; dù bom nổ bên tai em vẫn đứng giữa trời!"
3. Người tinh mắt nhất, và cũng vô duyên nhất là nhạc sĩ Xuân Hồng vì "Cao cao bên cửa sổ có hai người hôn nhau" Trác Ngọc Lĩnh bổ sung mục 3,4,5)
4. Chia nhau giải ảo giác, mù màu là Tố Hữu và Hoàng Hiệp vì "Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ..."
5. Tay dài nhất không ai qua được nhạc sĩ Trịnh Công Sơn vì "Từ Bắc vô Nam nối liền nắm tay..."
6. Cây có rễ dài nhất là cây Ko Nia vì ở Tây Nguyên mà uống nước xa tuốt luốt ngoài miền Bắc. (Quyen Nguyen phát hiện.)
7. Người bán hàng xạo nhất là Hàn Mặc Tử với lời rao "ai mua trăng tôi bán trăng cho"
8. Người làm biếng nhất là nhạc sĩ Trịnh Công Sơn vì sống cũng phải nhờ người khác "Hãy sống dùm tôi, hãy nói dùm tôi, hãy thở dùm tôi"
9. Người có nhiều con nhất theo ông Nông Đức Mạnh là ông hồ vì "ở Việt Nam này ai ai cũng là con cháu bác Hồ hết" vị chi 90 triệu mạng!
10. Người có nhiều máu nhất là anh giải phóng quân trong tác phẩm của Lê Anh Xuân vì
Anh ngã xuống đường băng Tân Sơn Nhất
Nhưng anh gượng đứng lên
Tì súng lên xác trực thăng
Và anh chết trong khi đang đứng bắn
MÁU ANH PHUN NHƯ LỬA ĐẠN CẦU VỒNG
11. Người đàn ông có giới tính linh hoạt nhất là ông Thọ vì có sữa, và còn có thể dụ thêm cô gái Hà Lan mang sữa về Việt Nam.
12. Người đầu tiên triển khai ý tưởng giờ trái đất chính là cụ Ngô Tất Tố. Từ đầu thế kỷ 20 cụ đã khuyên mọi người phải TẮT ĐÈN!
13. Người vô cảm hay lãnh cảm nhất có lẽ là ca sỹ Mỹ Tâm vì "tình yêu đến em không mong đợi gì, tình yêu đi em không hề nuối tiếc.
14. Thần đồng ngoại ngữ là em bé trong thơ Tố Hữu vì "tiếng gọi đầu đời con gọi Xít Ta Lin" - anh Nguyễn Thông đề xuất.
15. Người nịnh thối nhất chắc không ai qua Tố Hữu với quá nhiều ranh ngôn mà chán chả muốn trích dẫn nữa.
16. Người phụ nữ nặng nhất là "chị Hai Năm Tấn quê ở Thái Bình" trong bài hát Hai Chị Em của nhạc sĩ Hoàng Vân.
...còn kỷ lục gì tương tự không nhỉ?

(Fb"s Chi Trung Nguyen edited)

User avatar
macco
Posts: 3543
Joined: Mon Jan 17, 2005 8:04 am

Post by macco »

Hãy Ngủ Yên Đà Nẵng Của Tôi Ơi

FB Trần Trung Đạo
29-3-2017

Image
Đà Nẵng trước năm 1975. Ảnh: internet
Đà Nẵng của tôi, nơi những buổi chiều của tuổi mười ba, tôi vẫn thường đứng nhìn những đoàn xe mang nhãn hiệu Sealand, RMK, GMC nối đuôi nhau mỗi ngày trên chiếc cầu màu đen mang tên của một viên tướng thực dân. Những chiếc chiến xa nặng nề, những khẩu đại pháo nòng dài được cất lên từ những chiếc tàu lớn neo ngoài cửa biển Sơn Chà. Tiếng gầm thét của những đoàn phi cơ chiến đấu đang đáp xuống phi trường quân sự ngoài ngã ba Duy Tân. Tiếng nhạc, tiếng cười, tiếng chọc ghẹo, okay, hello, goodbye của những người lính Mỹ và những cô gái Việt Nam vào tuổi chị tôi, vọng lại từ những hộp đêm dọc bờ sông Bạch Đằng. Tất cả đã khơi dậy trong lòng tôi nhiều câu hỏi, nhiều băn khoăn và cả những tủi thẹn đầu đời của một đứa bé Việt Nam xót xa cho số phận của một cây cổ thụ bốn ngàn năm đang biến thành cây chùm gởi. Tại sao? Tại sao lại là Đà Nẵng? Tại sao là Việt Nam quê hương tôi mà lại không phải một nơi nào khác?

Đà Nẵng của tôi, như định mệnh an bài, cũng là nơi an nghỉ của người lính Mỹ đầu tiên thuộc chiến hạm Hoa Kỳ lừng danh, USS Constitution. Không phải đợi đến 1965, khi các chiến hạm thuộc Đệ Thất Hạm Đội thả neo tại cửa biển Đà Nẵng để đổ bộ các đơn vị Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ đầu tiên nhưng từ hơn 120 năm trước, Đà Nẵng đã là một nơi hẹn hò đầy định mệnh giữa quân đội Việt Nam thời Thiệu Trị và Hộ Tống Hạm Hoa Kỳ đầu tiên của hải quân Hoa Kỳ dưới quyền của hạm trưởng John Percival. Theo các tài liệu còn ghi lại, năm 1845, chiến hạm USS Constitution của Hải Quân Hoa Kỳ, trên chuyến hải hành hai năm vòng quanh thế giới, dừng lại cảng Đà Nẵng để xin cung cấp thực phẩm và nước ngọt.

Cũng tại hải cảng lịch sử nầy, Hạm trưởng John Percival xin phép quan trấn thủ thành Đà Nẵng để chôn cất thủy thủ William Cook vừa qua đời, dưới chân Núi Khỉ nằm trong rặng Sơn Chà. Thậm chí ông còn “viện trợ” hai Mỹ kim để lo phần hương khói. Tiếc thay, chỉ vài ngày sau đó, vì việc triều đình Huế bắt giam Giám Mục Dominique LeFevre, đã làm cho tang lễ thắm đượm tình nhân đạo của con người, biến thành một xung đột quân sự giữa hai quốc gia. Cuộc chạm trán ngắn ngủi năm 1845 rất ít người biết đến. Những viên đại pháo bắn vào lãnh hải Việt Nam, dù chỉ để đe dọa, cũng đã vô tình gây thương tích cho quan hệ đầy oan trái giữa hai quốc gia Việt Mỹ sau này.

Đà Nẵng của tôi có khu Ngã Ba Huế nhộn nhịp, nơi tôi từ Hội An về thăm cô tôi những chiều thứ Sáu trong những chiếc xe khách hiệu Renault già nua màu xanh đậm. Tôi vẫn nhớ căn nhà nhỏ, ánh đèn dầu loe lắt, bàn tay xanh xao của cô khi dúi vào túi tôi những tờ giấy bạc được gói kín trong nhiều lớp vải. Đó là những đồng tiền khó khăn và vô giá mà cô dành dụm cho đứa cháu trai vào Hội An nương náu trong chùa ăn học.

Tôi ra Đà Nẵng tìm cô vào đầu năm 1968. Nhà cô nghèo, con cháu lại quá đông. Nhiều đêm tôi phải ngủ đói trên căn gác của một trại cây ở hẻm 220 Hùng Vương, ngang hông phường Thạc Gián. Vài tuần sau, vì nhà đông đúc, cô đưa tôi đến sống với người anh họ và bà chị dâu khó tánh ở Cổ Mân, Sơn Chà. Chị dâu tôi khó tánh đến nỗi, chỉ sau một thời gian ngắn, tôi không chịu đựng được nữa nên lặng lẽ bỏ đi.

Tôi vào chùa Viên Giác. Năm tháng như mây trời, bao độ hợp tan mang theo những giận hờn, thương ghét. Cô tôi đã về bên cõi khác nhưng lòng tôi sao vẫn nhớ vẫn thương. Trên xứ người, nhiều đêm không ngủ được, nhớ lại tiếng ho của người cô bịnh hoạn, tôi vẫn còn nghe nhức nhối như thuở mới về thăm. Chiến tranh và nghèo đói đã cướp đi bao thế hệ Việt Nam vô tội.

Đà Nẵng của tôi không phải chỉ là điêu linh tang tóc mà còn là thành phố cảng đẹp tuyệt vời. Những bờ biển uốn cong như mái tóc của người con gái Việt Nam đang đứng trông ra Thái Bình Dương bao la bát ngát. Từ eo biển mỹ miều đó những thương thuyền ngoại quốc đã đến thăm thành phố từ mấy trăm năm trước. Đà Nẵng của tôi có hàng phượng đỏ hai bên đường Bạch Đằng, đường Độc Lập với những chiếc ghế đá dọc bờ sông mang chứng tích của một thời học trò đầy kỷ niệm. Đà Nẵng của tôi có bãi Mỹ Khê (không phải China Beach), với bờ cát trắng chạy dài và hàng dương vi vu theo gió, có bãi Thanh Bình với những chiếc ghe đánh cá đi về và cảnh chợ chiều nhộn nhịp. Những ngày hè oi bức, tôi và đám bạn vẫn thường ôm đàn ra ngồi dựa lưng vào những gốc dương liễu dọc bãi biển. Trong tiếng sóng từng nhịp vỗ vào bờ, chúng tôi cùng cất cao bài hát ra khơi như để cổ võ cho những chiếc thuyền đánh cá đang giong buồm ra biển. Tôi đâu biết vài năm sau, bạn bè tôi cũng lần lượt ra khơi như thế nhưng chẳng còn ai dám đến tiễn đưa.

Đà Nẵng của tôi có những hàng cây sao tình tự dọc đường Thống Nhất, nối từ bờ sông đi ngang qua Trường Nữ, nơi các cô cậu học trò Phan Châu Trinh, Phan Thanh Giản vẫn thường đứng đợi người trong mơ sau mỗi buổi tan trường. Những chiếc áo dài trắng thướt tha. Những mái tóc thề chấm vai thơ mộng. Những đôi mắt nai tơ đó đã từng là nguồn cảm hứng của nhiều nhà thơ xứ Quảng đa tình. Xin mời đọc vài câu thơ của nhà thơ Luân Hoán viết về các cô nữ sinh Đà Nẵng:

Chiều chiều luồn chợ Vườn Hoa trôi theo Đồng Khánh bám tà áo bay mắt hồng liệng cái ngoắt tay dắt qua Độc Lập dựa cây đèn đường chập chùng xuân ảnh vải hương ngó ai lòng cũng yêu thương tức thì giả vờ châm thuốc nhâm nhi nuốt thầm vóc đứng, dáng đi quanh mình. (Đà Nẵng, thơ Luân Hoán)

Các cô nữ sinh của một thời thơ mộng tung tăng như những con bướm vàng trên đường Thống Nhất, Lê Lợi, Hoàng Diệu, Khải Định ngày xưa đã không về nữa. Các cô đã ra đi, bỏ lại sau lưng hàng cây sao rợp bóng bên đường, bỏ lại những chiếc ghế vuông, những ly chanh muối, những quán chè. Các cô bây giờ đã lớn, đã trưởng thành. Nhiều cô đã là những bà mẹ tay bồng tay bế, để rồi 17 năm sau ngồi nhớ lại năm mình 17 tuổi.

Các cậu học trò cũng thế. Những chàng thanh niên với buồng phổi và trái tim chất đầy hùng khí của xứ địa linh nhân kiệt đã ra đi. Thế hệ trẻ Việt Nam trong thời chinh chiến và cả khi đất nước hòa bình, đã chịu đựng quá nhiều thiệt thòi mất mác. Nỗi bất hạnh lớn nhất của một đời người vẫn là bất hạnh không có tuổi hoa niên. Các cậu ra đi, bỏ lại sau lưng những chiếc xe đạp, những quán Cà-phê Thạch Thảo, Thanh Hải, Ngọc Lan, những rạp hát Trưng Vương, Chợ Cồn, bỏ lại cây đàn guitar cũ kỹ và những bản tình ca chưa viết trọn trong sân trường. Để rồi nhiều năm, sau cuộc biển dâu, chinh chiến, gian lao, tù tội trở về. Trở về chỉ để thấy thành phố xưa nay đã đổi chủ và con đường xưa nay đã đổi thay tên. Tuổi thơ không bao giờ trở lại. Suối vẫn chảy, nước vẫn reo nhưng điêu linh tang tóc đã xua bầy nai tơ lạc đàn đi biền biệt, mất dấu đường về bên khe đá cũ.

Sau 1975, những bãi biển Mỹ Khê, Thanh Bình, Tiên Sa, Thanh Khê, Tân Thái, Mân Quang, Chợ Mai, Chợ Chiều, Non Nước, Nam Ô, v.v.., vẫn còn là điểm hẹn nhưng không phải là nơi hẹn hò của những cặp tình nhân mà là nơi những người con Đà Nẵng hẹn nhau để bỏ quê hương mà ra đi. Xin đừng hỏi họ đi đâu, về đâu trong những đêm tối trời lầm lủi đó. Không ai biết chắc. Chỉ một điều họ biết là họ không còn chọn lựa nào khác hơn là phải ra đi. Không một người dân Quảng nào bỏ quê hương ra đi mà không đau xót.

Xin đừng dán lên lưng, lên trán họ những nhãn hiệu theo Tây, theo Mỹ. Không. Người dân Quảng là những người yêu nước. Ông cha họ đã từng cười mà bước lên máy chém thực dân. Những cơn bão lụt tàn phá mỗi năm đã không làm họ bỏ làng mạc ra đi. Nạn hạn hán làm ruộng đồng khô cháy mỗi năm không buộc họ phải bỏ mồ mả tổ tiên ra đi. Sụp căn nhà này họ căm cụi xây trên nền đất cũ căn nhà khác. Trôi căn nhà này họ lại xẻ gỗ, lợp tranh xây lên căn nhà khác. Bao thế hệ đã sống và đã chết trên vùng đất cày lên sỏi đá đó. Nhưng chế độ mới, một chế độ nhân danh những mục tiêu tốt đẹp nhất trên đời đã buộc họ phải ra đi. Sự thôi thúc của tự do như tiếng gọi thiêng liêng của người cha già vọng về từ một nơi xa thăm thẳm. Và sẽ không ai biết, bao nhiêu người, trong số hàng ngàn, hàng vạn người bỏ Đà Nẵng ra đi, đã đến được Hong Kong, Philippines, và bao nhiêu người không may mắn đã bị chôn sâu trong lòng biển, chết thảm thương trong bàn tay hải tặc, chết trong đói khát sau những tuần, những tháng lênh đênh ngoài biển cả.

Đà Nẵng của tôi sau 1975 không còn thơ mộng nữa. Những câu ca dao đậm đà tình quê hương đất nước: “Ngó lên hòn Kẽm đá Dừng, thương cha nhớ mẹ quá chừng bậu ơi” đã được thay bằng những khẩu hiệu đấu tranh giai cấp chất chứa toàn chuyện oán thù. Những điệu hò khoan đậm đà hương vị Quảng Nam “Đất Quảng Nam chưa mưa đà thấm, rươụ hồng đào chưa nhấm đà say” đã được thay bằng những những đêm dài học tập, thảo luận, khuyến khích thầy cô, cha mẹ, anh em tố cáo lẫn nhau. Ánh trăng không còn là những dải lụa vàng Duy Xuyên đang trải trên dòng sông Hàn mỗi đêm rằm, nhưng là những vết dao nghèo đói đang chém xuống một quê hương vốn đã chịu đựng nhiều bất hạnh.

Ngày cuối cùng của tôi ở Đà Nẵng như đoạn kết của một cuốn phim buồn. Tôi và cô bé, lý do cho những bài thơ tình học trò đầy sáo ngữ của tôi, ngồi trên chiếc ghế đá trên đường Bạch Đằng, nhìn sang hướng Sơn Chà.

– Anh sắp phải đi xa. – Em biết. – Sao em biết, anh chưa nói với em mà? – Anh nói với em rồi. “Anh phải vô Sài Gòn học đại học. Học xong anh sẽ về quê, không đi nữa.” Em còn nhớ anh nói với em câu đó lúc mấy giờ, ngày nào và tại đâu nữa kìa. – Không phải. Đó là chuyện hồi chưa “giải phóng”, bây giờ thì khác. – Bây chừ anh tính đi đâu? – Anh vượt biên. Nếu đi lọt, có thể anh sẽ qua Mỹ học. – Bộ ở Việt Nam không có trường cho anh học sao. Em nghe nói Mỹ xa lắm, chắc là xa hơn Sài Gòn nhiều. Mùa hè làm sao anh về thăm quê được. – Anh sẽ về nhưng chắc không phải mùa hè. – Anh lại hứa.

Hai đứa nhìn ra sông. Chiếc phà An Hải vẫn mệt mỏi đưa người qua lại. Giọng hát buồn não nuột của anh thương phế binh cụt hai chân từ ngoài bến vọng vào: “Rừng lá xanh xanh cây phủ đường đi. Thành phố sau lưng ôm mộng ước gì. Tôi là người đi chinh chiến dài lâu. Nên mộng ước đầu nghe như đã chìm sâu”. Anh hát để tưởng nhớ bạn bè nhưng không biết rằng bạn bè anh đang lần lượt bỏ anh đi. Hàng phượng dọc bờ sông đã bắt đầu nở rộ nhưng không còn để “lòng man mác buồn” nhưng là chia tay vĩnh viễn, nát tan.

Nước sông Hàn lững lờ trôi mang theo dăm chiếc lá. Hai đứa ngồi im lặng, không biết phải nói gì. Nói gì rồi cũng chia tay. Em đơn giản, hồn nhiên và ngây thơ đến tội nghiệp. Em sẽ chẳng thể nào hiểu được tôi, và tôi cũng chẳng biết giải thích thế nào cho em hiểu. Trái đất của em nhỏ nhoi, bao bọc bởi những rặng tre xanh hiền hòa. Tâm hồn em là giòng sông mùa thu êm đềm, tĩnh lặng. Tâm hồn tôi hoàn toàn tương phản, trùng điệp núi đèo, ghềnh thác. Tôi sinh ra trong cuộc đời này để gánh hết khổ đau, để làm tên du mục đi lang thang trên chính quê hương mình. Ngày mai, tôi lại sẽ bắt đầu hành trình du mục mới. Con nước trôi còn biết mình đang ra biển. Chiếc lá rơi còn biết cội quay về, nhưng tôi không biết sẽ về đâu.

Bao nhiêu năm rồi tôi chưa về Đà Nẵng. Cô tôi đã qua đời. Bạn bè mỗi người một ngã. Cô bé ngày xưa đã có gia đình. Khuôn mặt thành phố mang nhiều thay đổi. Đà Nẵng thân yêu ơi, có còn nhớ đến tôi không? Căn gác đường Hùng Vương, căn nhà lá phía trong Ngã Ba Huế, cồn cát trắng ở Mân Quang, nơi tôi chôn dấu kho tàng tuổi thơ khốn khổ của mình, biết có còn nhận ra tôi, cho dù tôi trở lại. Đêm nay, tôi ngồi đây, tưởng tượng một ngày về Đà Nẵng.

Và biết đâu, nhờ chưa về mà thành phố còn nguyên vẹn trong trái tim tôi. Nếu tôi về thăm, Đà Nẵng chắc sẽ không còn nữa. Hãy ngủ yên Đà Nẵng của tôi ơi.

Trần Trung Đạo
(Trích trong tác phẩm Tâm Bút Trần Trung Đạo)

User avatar
macco
Posts: 3543
Joined: Mon Jan 17, 2005 8:04 am

Post by macco »

Chúng ta rồi như những con cá trong lưới
được chết trong “thống nhất”.
Lại một bài viết hay của Tuấn Khanh.

Chúng ta rồi như những con cá trong lưới được chết trong “thống nhất”.
41 năm sau ngày chấm dứt cuộc chiến tranh có tên gọi thống nhất Bắc Nam, vào 30/4 năm nay, nhân dân Việt Nam lại có dịp nhìn thấy một cuộc chiến “thống nhất” khác đang phủ bóng lên quê hương mình: Cuộc chiến âm thầm từ lâu mang bóng dáng của người bạn Trung Quốc.

Chưa bao giờ trên trên toàn Việt Nam, nỗi sợ hãi có tên gọi Trung Quốc đang hình thành rõ như vậy, bao gồm thực phẩm, hàng hoá, văn hoá mới, môi trường, chính trị… Khắp nơi, một cuộc chiến không tiếng súng đang diễn ra nhưng thất bại luôn thuộc về con người Việt Nam.

Mỗi lúc càng không thể chối cãi: nạn ung thư về thực phẩm tăng nhanh trong toàn dân, nền kinh tế lệ thuộc leo thang một cách ngu ngốc vào Bắc Kinh, biển và đất liền bị công khai cưỡng đoạt dần dần, người Trung Quốc di cư ồ ạt và thiếu minh bạch vào Việt Nam, biến nhiều điểm quan yếu của tổ quốc thành tô giới riêng của người Trung Quốc.

Thậm chí năm 2016, đã có những nơi chỉ buôn bán, sinh hoạt cho người Trung Quốc và dùng tiền nhân dân tệ, không tiếp người Việt. Giai đoạn mới cuộc chiến “thống nhất” đã đến.

Mới đây, từ thảm hoạ môi sinh kinh hoàng xảy ra ở Vũng Áng, nhiều người Việt vẫn nghĩ rằng Formosa Hà Tĩnh chỉ là công ty Đài Loan. Thế nhưng tiết lộ trên trang web mang tên Trần Đại Quang, tên của chủ tịch nước hiện tại ở Việt Nam, cho biết hệ thống đó hoàn toàn là Trung Quốc.

Tin cho biết, theo công văn số 1407114 của Công ty TNHH Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh đề đạt với chính quyền Hà Tĩnh về số lượng nhà thầu làm việc cho hệ thống này, thì trong số 28 công ty thầu, đã có đến 25 công ty Trung Quốc (không phải Đài Loan), chỉ có 3 công ty Việt Nam. Số lượng công nhân Trung Quốc cũng lên đến 10.000 người.

Một cuộc thống nhất khác, ngay từ sau 30/4 của nhiều thập niên trước. Trên tấm bản đồ đầy những điểm đánh dấu sự có mặt của người Trung Quốc, nhân danh thịnh vượng, bạn hãy làm một đường nối tất cả, để nhận ra đó là hình thù một tấm lưới lớn. Chúng ta rồi như cá, không còn đường đến với biển khơi tự do, và chỉ còn được sống – ăn loại thức ăn nào mà họ đã chọn. Như những con cá trong lưới, nhưng chúng ta được chết trong “thống nhất” mà không được giãy giụa hay cất tiếng.

NS Tuấn Khanh

User avatar
TheLang
Posts: 1960
Joined: Thu Oct 30, 2008 5:43 am

Post by TheLang »

Image


Tôi Là Con Gì
FB Ngô Trường An
4-4-2017
Họ nói với tôi là họ giải phóng cho tôi. Họ bảo tôi đừng lo gì cả, mọi việc đã có họ lo rồi! Thực ra, họ chẳng lo gì cả! Chủ quyền quốc gia họ cũng không giữ được! Họ bán hết tài nguyên của Tổ Tiên để lại cho con cháu. Họ bắt tôi nộp thuế để nuôi công an và quân đội, nhưng họ lại bảo quân đội và công an phải trung thành với họ?! Thế có phải họ xem tôi như con Lừa không?
Khi cá chết hàng loạt vì Formosa xả độc. Nhưng họ lại nói với tôi: cá chết là do âm thanh ồn ào đấy! Kẻ khác lại bảo: cá chết là do tàu thuyền đi lại quá nhiều… Như vậy, có phải họ xem tôi ngu như con Bò, cho nên họ muốn nói gì thì nói phải không?

Tổng Thống Hàn quốc nhận hối lộ liền bị tòa án phát lệnh bắt giam. Còn bọn họ tham nhũng về xây lâu đài, xây biệt thự, xây nhà thờ Tộc… Thì họ tuyên bố: Tôi làm việc thối cả móng tay mới đuợc cơ ngơi này, kẻ khác lại nói: Tôi xây biệt thự là tiền ngày xưa tôi chạy xe ôm dành dụm…. Đấy! có phải họ xem tôi như con Cừu khiếp nhược trước sự lộng hành, ăn cướp của họ? Cho nên họ nói sao cũng được phải không?

Tất cả thực phẩm độc hại, mất vệ sinh … Bị châu Âu, châu Mỹ trả về, thì họ đem vào siêu thị để bán lại cho tôi. Họ nói với tôi: con Tôm bị dư lượng thuốc bvtt chỉ cần luộc lên là ăn được! Đấy! Họ xem tôi như con Lợn, họ muốn cho tôi ăn cái gì thì cho, đúng không?

Họ tuyên bố: khai thác boxit là chủ trương lớn của họ. Thế nhưng, họ càng khai thác càng lỗ. Năm vừa rồi họ lỗ đến 3.700 tỷ đồng! Kiểu này chắc họ sẽ điều khiển tôi như con Trâu kéo cày để trả nợ cho họ, chứ họ có làm gì ra tiền đâu, đúng không? Kỳ này họp QH, họ cũng tính đi vay tiếp để trả nợ cho những năm trước kia kìa!

Thực ra, họ biến tôi thành con gì tôi vẫn không hiểu nữa! Còn các bạn hay chửi tôi là đồ phản động, các bạn tự cho mình là giỏi giang, thì các bạn có biết mình là con gì trong Thế Giới này không?

Post Reply