Tạp Ghi , Chuyện Phiếm , Chuyện Vui Hàng Ngày

Cho đuổi mèo, mèo rượt chuột, chuột sa chỉnh gạo, gạo tải vô xe... thế rồi... xe cán chó!!!

Moderators: CNN, khieulong

hoangphong
Posts: 391
Joined: Tue Feb 12, 2019 7:20 am

Re: Tạp Ghi , Chuyện Phiếm , Chuyện Vui Hàng Ngày

Post by hoangphong »

Một nền giáo dục phi giáo dục
Kim Ngữ
27 tháng 9, 2023


Image
(minh họa: Alexander Grey/Unsplash)

Dạo gần đây khi nói về tình trạng giáo dục, trên mạng xã hội kèm theo một câu nhận xét rất ngắn, nhưng lại đầy đủ đến bất ngờ: Ở Việt Nam có bốn thứ chỉ dùng một lần: vé số, bao cao su, băng vệ sinh và sách giáo khoa.

Sách giáo khoa bị xếp hạng ngang với ba thứ trước nó, vì cái sự thật không thể chối cãi: Mỗi năm, Bộ giáo dục yêu cầu thay đổi sách giáo khoa một lần và mỗi năm học bắt đầu bằng một loại sách giáo khoa mới, sách cũ phải bỏ đi như một chiếc bao cao su của đàn ông hay một mảnh băng vệ sinh của phụ nữ.

Sự so sánh ấy nghe có vẻ oái oăm nhưng nếu nhìn kỹ vào thực trạng nền giáo dục hiện nay thì e rằng chưa đủ diễn tả cái tình trạng mà Bộ giáo dục cưỡng bức phụ huynh, giáo viên, học sinh mỗi lần tiếng trống khai trường được gióng lên hàng năm.


Thật ra ngân sách mà Bộ giáo dục nhận từ chính phủ hàng năm chưa tới 17% và số tiền này dùng để trả cho giáo viên các cấp một cách dè sẻn và tằn tiện trong khi Bộ này lại đòi hỏi người đứng lớp phải chịu rất nhiều sức ép từ hiệu trưởng, tới phụ huynh học sinh và ngay cả miếng cơm manh áo trong gia đình.

Dụng cụ dùng trong giảng dạy đã không đủ thì tiền đâu in sách giáo khoa? Vì vậy giải pháp xã hội hóa đã được áp dụng và năm này sang năm khác, câu chuyện sách giáo khoa như một chiếc bình hoa không bao giờ thay nước, chỉ thay hoa và cắt tỉa chúng bất kể mùi hôi thối của cặn bã từ những năm trước tồn đọng của nước chứa trong bình.

Mỗi năm Bộ Giáo dục xuất bản hàng triệu cuốn sách giáo khoa được in ấn rất đẹp từ các “đầu nậu” tư nhân núp bóng dưới chiêu bài Bộ Giáo dục. Sách được sửa chữa sao cho có vẻ thật mới và thật khó để phụ huynh học sinh không nói là xào nấu cuốn sách năm rồi. Việc làm này chẳng những khiến giáo viên đau đầu vì phải soạn bài phù hợp, mà học sinh cảm thấy bất lực, vì sách giáo khoa năm trước không theo đúng nhịp của sách giáo khoa năm sau trong cùng một môn học. Còn về phần phụ huynh học sinh thì không cần phải nói, giàu nghèo gì cũng mặc, miễn là đóng đủ yêu cầu thì con em mới có cơ hội ngồi vào bàn học cùng chúng bạn.

Số tiền mua sách giáo khoa mà phụ huynh học sinh bỏ ra cho con em là một số tiền kếch sù, đủ chia chác cho hằng ngàn người trong hệ thống in sách giáo khoa. Từ biên tập, in ấn, phân phối, ký giấy phép cho tới vận động truyền thông, vận động hiệu trưởng, sở giáo dục các tỉnh thành… Món tiền phi nhân này được Bộ Giáo dục và Đào tạo chấp nhận như một nguồn thu cho ngân sách. Nó gây đau đớn cho phụ huynh học sinh, nhưng góp phần “chữa lành” cho một số nhân viên dưới quyền, kể cả những kẻ vẫn ngày đêm kêu gào cải cách giáo dục.

Nền giáo dục này làm sao cải cách khi mà từ chóp bu cho tới anh lao công trông coi cổng trường đều hau háu nhìn vào đồng lương của mình trong tháng tới?


Bắt đầu từ ông hiệu trưởng: bất cứ cái gì cũng có thể làm ra tiền cho mái trường mà ông ta đứng ra trông nom. Từ bộ đồng phục học sinh cho tới bữa ăn trưa cho trẻ mẫu giáo. Từ vài mảnh học cụ cho tới bàn ghế học sinh, những vật thể ấy nếu không còn kiếm tiền được vì đã báo cáo, thì có ngay các “phi vật thể” được bao biện bằng những thứ rất xa lạ trong môi trường giáo dục. Chẳng hạn như dạy “liên kết” học các môn tăng cường từ lớp Một, nào Tiếng Anh, Kỹ năng sống, Trải nghiệm… Những tiết này đưa vào Thời khoá biểu chính khoá, học sinh buộc phải học và phải đóng tiền!

Hiệu trưởng nào cũng có một “Kim bài làm tiền” được Bộ giáo dục trao tặng: “Thu nhận giáo viên mới”. Không phải cứ học sư phạm xong ra trường là được chính thức đứng lớp đâu! Muốn vào giảng dạy thì phải “chạy” mà kẻ cuối cùng nhận bạn vào làm việc theo biên chế thì chẳng ai khác ngoài hiệu trưởng cái trường mà bạn muốn vào đứng lớp!

Hiệu trưởng bắt tay với cấp dưới tạo ra những khoản tiền ất ơ nghe như trò đùa được gửi trực tiếp cho cha mẹ học sinh và không ai dám cự cãi khi nhận được tờ sớ táo quân liệt kê ra hàng chục thứ mà chỉ có Việt Nam mới nghĩ ra được mà thôi!

Giáo viên dạy cật lực cách mấy cũng không đủ sống vì đồng lương bị Bộ Giáo dục đóng vào cái khung cực kỳ “phản động”. Lương tháng của họ chỉ đủ để đong gạo cùng vài thực phẩm rẻ tiền và muốn sống cho ra sống, họ phải nghĩ cách dạy thêm cho chính học sinh mình đứng lớp.

Cái vòng tròn kiếm sống vừa chua chát vừa bi thảm ấy kéo dài hàng mấy chục năm qua không làm cho chính phủ này một lần e ngại. Ngân sách cho Giáo dục đứng sau Bộ Công an, Quốc phòng, không làm cho bất cứ bộ phận nào trong dân chúng giãy nảy lên chống đối. Cái tư duy ù lì ấy đã giúp cho những cái đầu hoạch định ngân sách quốc gia yên ổn và thậm chí tự hào.

Tệ nạn đồng lương ít nhưng số lượng công việc lại nhiều khiến tình trạng bỏ dạy kiếm một nghề khác trong cộng đồng thầy cô giáo cứ tăng theo hàng năm. Trong vòng ba năm học, kể từ Tháng Tám 2020 đến Tháng Tám 2023, tổng số giáo viên mầm non, phổ thông nghỉ việc, bỏ việc trong cả nước lên đến hơn 40,000 người. Trong đó, hai năm học có số lượng giáo viên bỏ việc nhiều nhất là 2021 – 2022 với khoảng 16,000 và năm học 2022 – 2023 với hơn 13,000.

Năm ngoái, hơn 3,000 thầy cô giáo sang Hàn Quốc làm công nhân vì thu nhập gấp 12 lần làm giáo viên, đã khiến cho cộng đồng mạng bức xúc. Thầy cô giáo vốn được những xứ sở hấp thụ Nho giáo xem trọng nay trở thành một bức tranh vân cẩu không hơn không kém.

Cách làm từ Bộ Giáo dục trở xuống tới từng mái trường không thể xem là giáo dục vì căn bản nó không được thực hiện với mục tiêu giáo dục mà là mục tiêu khác hoàn toàn khác với những gì mà người dân cần đến: tiền trao cháo múc! Nhưng hỡi ơi, thứ cháo mà học sinh, giáo viên, phụ huynh múc được chỉ là nước lã pha gạo lõng bõng không đáng để gọi là cháo, nó chỉ có tác dụng duy nhất là làm cho người dân nghĩ rằng họ được thụ hưởng một nền giáo dục bình đẳng như mọi nước khác.

Nói cho dễ hiểu hơn, người dân bỏ tiền ra mua thứ giáo dục rất phản giáo dục tại đất nước này.

muoiot
Posts: 100
Joined: Sat Sep 19, 2009 6:52 pm

Re: Tạp Ghi , Chuyện Phiếm , Chuyện Vui Hàng Ngày

Post by muoiot »

Nhân vật chính của thời đại

Chu Mộng Long
24-10-2023
Không chỉ một mà có nhiều nhà văn đang than thở: Truyện mình viết ra ít người đọc. Là họ nói truyện đăng FB. Suy rộng ra nếu in sách thì cũng vậy thôi. Thậm chí còn ít người đọc hơn. Ngay cả cho, tặng, chưa chắc người được cho, tặng đã đọc.

Tôi tin thơ càng khốn đốn hơn!

Họ so sánh với những hình ảnh mông má nhảm nhí khoe trên FB hay Youtube có triệu lượt người xem mà khóc. Khóc cho tình đời bạc bẽo. Bạc bẽo với truyện và thơ! Nôm na là chê dân trí lùn!

Tôi không chê mà khen! Khen dân trí biết quan tâm đến điều đáng quan tâm. Thời buổi này mà đọc truyện, xem thơ với những nội dung yêu đương, kể cả thế thái nhân tình lâm li thì xem cải lương còn hơn. Nhưng cải lương có bề dày mấy trăm năm mà vẫn ế. Huống hồ thơ, truyện cải lương.


Tôi mách cho các nhà văn, nhà thơ khao khát có nhiều bạn đọc. Rằng không phải không có nhiều bạn đọc truyện, đọc thơ đâu. Tôi quan sát thấy loại truyện, thơ viết về quan lại, giáo sư tiến sĩ có lượng người đọc rất đông. Một bài thơ, một truyện của tôi ngắn hay dài, nhân vật chính là quan lại hay giáo sư tiến sĩ, chỉ trong một ngày có hơn 80.000 lượt người xem và trên 1000 lượt like và thả mặt cười. Thật chứ không phải khoe. Vì tôi lo, bạn đọc đông quá không phải là điều tốt. Không chừng bị các nhà văn đố kỵ như nhiều người đố kỵ với em Ngọc Trinh!

Năm tôi viết Chí Phèo ở Yên Báy, có vạn lượt xem. Một gã nào đó đớp lấy và đọc trên Youtube, nó gom cả triệu lượt xem và hốt bạc. Nếu than thở thì than viết FB chẳng có xu nào. Chỉ mua vui cũng được một vài trống canh!


Người đọc quan tâm đến quan lại, giáo sư tiến sĩ, vì đây mới là nhân vật chính của thời đại. Nếu nói người đọc quan tâm đến chuyện nhảm nhí thì chẳng phải quan lại, giáo sư tiến sĩ mới là đối tượng nhảm nhí nhất?

Cứ nhè vào đối tượng nhảm nhí mà viết cho thằng dân nó vui, lo gì không có người đọc?

Viết làm sao mà bà vợ trong nhà vừa đọc vừa són ra quần, ắt có nhiều người quan tâm và đọc. Còn người viết mới vừa đặt bút viết một câu về đối tượng nhảm nhí mà đã són ra quần thì chẳng ai thèm đọc!

Thà xem quần lót Ngọc Trinh
Hơn xem thơ truyện nhơn tình éo le…


Bình Luận từ Facebook

User avatar
saohom
Posts: 2212
Joined: Wed Aug 26, 2009 11:30 pm

Re: Tạp Ghi , Chuyện Phiếm , Chuyện Vui Hàng Ngày

Post by saohom »

PHIẾM CUỐI NĂM: NGƯỜI GIÀ
Phong Châu
Người già tức là người lớn tuổi, còn gọi là người nhiều tuổi hay người cao niên… Thế thì bao nhiêu tuổi mới được gọi là người già, người lớn tuổi hoặc người cao niên? Hồi xưa lúc còn ở Việt Nam tôi thường nghe nói đến những người từ 50 tuổi trở lên được (bị) gọi là người già. Chỉ gọi là “người già” chứ không ai gọi “người lớn tuổi” hay “người cao niên” như sau này. Ra đường thấy “người già” thì gọi “ông già” “bà già” chứ không ai gọi “ông cao niên” hoặc “bà cao niên”. Nhưng nói chung, cho dù gọi bằng thứ chữ nghĩa nào thì “ông già” vẫn là “ông già” và “bà già” vẫn cứ là “bà già”. Để biết được ai là người già, chỉ cần nhìn qua vóc dáng bên ngoài như tóc bạc, da nhăn, đi đứng chậm chạp, nói năng từ tốn, mắt kém, tai lảng…vân vân…Nhưng với những “xảo thuật” của văn minh nhân loại, người ta có thể biến “tóc bạc” thành “tóc đen”, biến “da nhăn” thành “da láng cón”, đôi mắt “lờ mờ” thành đôi mắt sáng, tai điếc thành tai hết điếc…Kể ra có rất nhiều món ăn chơi khiến mấy ông già bà già vực lại vóc dáng mĩ miều như xưa đôi chút và những cơ phận suy thoái trong cơ thể cũng được phục hồi phần nào.

Người già – đặc biệt là “các bác già gái” có thể ngụy trang bằng “tóc giả”, bằng “răng giả”, bằng “mắt giả”, bằng “tiền vệ giả”, bằng “hậu vệ giả…nhưng những bộ phận bên trong thì không thể nào có “đồ giả” được như trái tim, lá phổi, bộ não…Đó là chưa kể đến những thứ mà thời chưa phải là “ông già” hay “bà già” chưa có được, nay lại có để mang vào mình. Chẳng gì xa lạ! Đó là những “con bịnh”. Đây chính là kẻ thù của những ông già lẫn bà già. “Nam nữ bình quyền” nên “bịnh” không chừa một ai. Ba căn bịnh thông thường mà đa số người già thường mang “từ đầu đến chân” là: cao máu, cao mỡ và cao đường. Nhiều lần tôi nghe câu phán như đinh đóng cột này: “Ba cao một thấp” tức là ba loại “cao” nói trên cùng với một thấp là “thấp khớp”. Những bịnh khác đáng kể là đau cột sống, đau thần kinh tọa, trụy xương đầu gối… Đó là chưa kể một số bịnh “cao cấp” khiến ai cũng ngán như đau tim, liệt não, đau thận, ung thư…Có cả tá bịnh dành tặng cho người già kể ra không hết.

Đừng nói chi đâu xa, như tôi đây cũng được ông trời tự động cho đứng chung hàng ngũ với những người già mà không cần phải làm đơn cứu xét gì cả. Cách nay chừng hơn ba mươi năm lúc còn ở Việt Nam, một hôm đang ngồi nghỉ trưa ở ghế thì bỗng dưng nghe cái đầu bừng bừng khó chịu. Đi cho bác sĩ khám. Kết quả: cao máu! Ở Mỹ dạo còn đi làm, giờ nghỉ ăn trưa xong độ ba mươi phút sau thấy ruột cồn cào, người mệt, toát mồ hôi, về nhà mét vợ, vợ phán: tiểu đường! Khuya đang ngủ bỗng nghe ngón chân cái đau điếng như có ai lấy miểng chai rạch vào. Hôm sau đi bác sĩ lại nghe phán: gout! Đại khái đó là những con bịnh chính, còn những bịnh khác thì tính ra cũng kha khá chẳng hạn như có một ngày đẹp trời, lái xe ghé phòng bác sĩ khám mắt. Khám xong phán: mắt cườm! Phải mổ. Mổ thì mỗ. Mỗi tuần mổ một con. Rồi cầm cái toa đi làm kiếng, mỗi bên mỗi độ khác nhau. Lại bày đặt làm cái kiếng hai tròng. Tròng trên đeo vào để thấy đường lái xe. Tròng dưới mang vào để đọc sách, đọc email, đọc facebook, đọc đủ loại messages, messengers từ bốn phương trời gửi tới …nhưng không có ai gửi thư viết tay như thư tình chẳng hạn để đọc…Chưa hết…cũng vào một ngày đẹp trời…vợ từ dưới nhà gọi vọng lên lầu. Nghe thoang thoảng tưởng nàng đang cất giọng hát “anh có nghe mùa thu mưa giăng lá đổ…Anh có nghe nai vàng hát khúc yêu đương…Và anh có nghe…”. Cứ tưởng tiếng ca du dương đang lọt vào tai nên cứ ngồi yên thưởng thức. Chừng phút sau tiếng hát trở thành tiếng quát “Anh có nghe hay không? Xuống bưng dùm nồi canh…” Thế là xuống lầu bê nồi canh nóng hổi ra khỏi bếp điện. Mà chẳng phải một lần đâu! Nhiều và rất nhiều lần như thế. Chán mớ đời! Cho đến một ngày vợ xúi đi bác sĩ khám tai. Đốc tờ làm hai ba cái test xong phán: điếc tai bên trái! Phải mang trợ thính! Mang thì mang sợ gì (chữ ‘sợ gì’ học được của ông Chính Đầu Đò). Nhét hai máy trợ thính vào hai tai thì nghe toàn những tiếng lao xao, xì xào, rột rẹt, cót két…đôi khi nghe như tiếng sắt tiếng chì khiến nhức cả cái đầu. Rồi ba lần bốn lượt thay đổi máy, vẫn đâu vào đấy! Cho đến một hôm cũng đẹp trời, con gái rõ chuyện nên mời bố già lên xe và chở thẳng vào nhà thương khám tai làm test rồi cũng phán: đeo trợ thính! Chiếc máy này giá cả làm tôi đau cái bụng quá nhưng đành phải mang vì con gái lo cho cha già nên nỡ nào không đeo. Ban đầu bà đốc tờ dụ khị mua hai cái và cho đeo thử, không thích thì mang trả. Mang được vài ngày nghe êm êm nhưng tai bên phải vốn nghe rõ, nay mang vào nghe cũng không tác dụng gì hơn, phí tiền nên mang trả. Kết quả là máy mới này khi đeo vào nghe nó êm tai chứ không còn nghe tiếng rì rào xột xoạt gì nữa. Tuy vậy nhiều lúc ở nhà cũng quên đeo nên vợ phải lên tiếng “gọi người yêu dấu xa vời…” Lúc đi ra ngoài gặp gỡ bạn bè thì mang nhưng lắm lúc quên đeo nên bạn bè cứ nói và ta cứ làm bộ như đang nghe rõ và gật gật cái đầu như người đã hiểu chuyện. Vụ này có thể nào là tội “gian dối” với bạn bè? Nghĩ lại, bạn bè già nhiều khi chỉ nói những chuyện “trời ơi đất hỡi” nên không lọt vô hai lỗ nhĩ cũng không sao…

Chẳng những một mình tôi bị điếc mà tôi biết chính xác trong đám bạn bè của tôi cũng có cả đám điếc, có đứa mang máy, có đứa không nên cũng sinh ra nhiều chuyện tức cười. Hôm tháng mười tôi đi dự một đám cưới, có hai anh bạn tôi biết là điếc ngồi gần nhau, không biết có mang máy điếc hay không nhưng hai người nói chuyện ra điều tâm đắc lắm…nói nói cười cười và người nào cũng chăm chú nghe. Khi tan tiệc tôi hỏi anh A (giấu tên): bồ nói chuyện gì với ông B mà thấy vui quá vậy? Anh ta trả lời: “Có nghe mẹ gì đâu!”. Tôi lại hỏi anh B: Ông và ông A nói chuyện gì mà vui vẻ thế? Anh B trả lời: Có nghe mẹ gì đâu! Thật chán mớ đời cho mấy ông già điếc…như tôi.

Chuyện của người già là chuyện dài bất tận. Vui có. Buồn có. Nhưng vui ít buồn nhiều. Mỗi người một hoàn cảnh. Mỗi người lãnh vào người năm ba thứ bịnh khác nhau. Tôi có nhiều bạn ở khắp nơi, thường liên lạc nên biết người này mới bị đột quỵ, người kia mới mổ tim, kẻ ngồi xe lăn, người đi chống gậy…Mới đây tôi làm một chuyến du hành sang California để tham gia sinh hoạt hội đoàn vừa thăm viếng bạn bè. Đến San Jose có bạn bệnh nặng không ra ngoài gặp bạn bè được, người khác vừa mổ tim hai tháng, ốm tong teo như cây sậy, đang phục hồi. Một trự khác vừa gặp bèn cầm bàn tay tôi đặt vào ngực chàng, thì ra chàng đang mang máy trợ tim. Xuống tới nam California gặp người bạn thân mới biết anh bị đột quỵ nặng, chữa khỏi và sức khỏe kém xưa rất nhiều. Cầu cho các bạn tôi chóng phục hồi sức khỏe. Như vậy, so với một số bạn của tôi, tôi vẫn là người tuy có mang những bệnh trời cho nhưng sức khỏe của tôi vẫn hơn một số bạn bè.

Tiếp tục câu chuyện người già. Cũng không đâu xa. Nơi tôi ở cũng nhiều bạn bè, già có, trẻ có. Đặc biệt là các bạn già thân thiết. Vài trường hợp đang diễn ra như sau:
Inline image


Thứ nhất, bạn tôi từ thời trung học người rất khỏe, ăn nói hoạt bát, thể dục đều đặn và thường xuyên khuyên tôi phải ăn thứ này phải uống thứ nọ cho khỏe. Bỗng có một thời gian chừng hơn hai tháng không gặp nên tôi lái xe đến nhà thăm thì biết anh đột quỵ nhẹ và đã chữa khỏi hoàn toàn, sức khỏe bình thường trở lại. Nhưng anh cho biết là vợ con của anh không cho anh lái xe nữa! Anh rất buồn. Tôi hỏi “mày còn lái được hay không?”. Anh trả lời: Được chứ sao không! Tao vẫn còn khỏe mà…”. Vài lần tôi khuyên chị vợ nên để cho anh tiếp tục lái xe, chỉ lái vòng vòng gần nhà nhưng chị bảo con chị đã giấu chìa khó xe. Anh ta than với tôi về điều này và từ đó anh chỉ loanh quanh trong nhà, thỉnh thoảng con cái đến rước đi ra ngoài ăn uống rồi thảy lại về nhà. Chuyện đã hơn ba năm và mỗi lần tôi ghé thăm anh mừng lắm và chuyện trò vui vẻ. Như tôi đã đoán là anh sẽ lâm tình trạng “trầm cảm” nếu vợ con anh cứ nhất mực nhốt anh ở nhà. Mới đây tôi ghé thăm anh. Thấy lưng anh khòm, bước đi chậm chạp hẳn, giọng nói yếu ớt... Hỏi đến đâu anh trả lời đến đó, tôi gợi lại vài chuyện xưa, anh cũng nhớ. Nói xong anh ngồi im, quay mặt đi chỗ khác, mặt đờ đẫn trông rất tội nghiệp… Trường hợp thứ hai, tôi chơi rất thân với một anh bạn vong niên. 90 tuổi nhưng anh vẫn khỏe mạnh, thường lái xe đi đường xa đường gần và có mặt trong các cuộc sinh hoạt với bạn bè. Thế mà vào mùa xuân năm nay (2023) anh cho biết là đôi chân của anh tự dưng yếu hẳn, không bước đi được mà phải chống gậy “bước từng bước thầm” trong nhà. Anh không lái xe được nữa! Anh yêu cầu tôi nếu có gặp gỡ bạn bè trong nhóm thì ghé nhà chở anh đi. Tôi đã làm theo lời yêucầu của anh lâu nay.
Inline image


Trường hợp thứ ba. Bạn tôi là một nhà văn, nhà thơ nổi tiếng, trước ở Sacramento, sau dời về Houston. Chúng tôi thường gặp nhau trong các buổi sinh hoạt văn nghệ, đi cắm trại…mặc dầu đôi chân của anh yếu, phải có gậy chống mỗi khi đi ra ngoài. Anh không còn lái xe được nữa! Thế rồi một hôm – anh kể – mở cửa bước đi thì bị vấp té – lý do là mắt anh không còn thấy rõ nữa. Tôi ghé thăm và thấy anh mò mẫm viết trên những trang giấy không hàng không lối. Con anh chở đi bác sĩ suốt cả năm trời nhưng bệnh tình không có dấu hiệu thuyên giảm. Anh rất buồn và mỗi lần muốn gặp bạn bè thì tôi ghé nhà chở anh đi. Cách nay hai năm anh di chuyển về tiểu bang North Carolina để tiếp tục điều trị nhưng, theo lời anh “mắt không bớt mù mà lại còn mù thêm! Tôi có hỏi “thị lực” của anh bây giờ ra sao? Anh cho biết “khoảng chừng 20 đến 25 phần trăm”. Vào thượng tuần tháng 11 vừa rồi anh gọi điện thoại cho tôi và báo:”Tôi đã đi được nửa đường”. Tôi hỏi: “Nửa đường là sao? Anh trả lời” “tôi đang trên đường về lại Houston…đi bằng Greyhound…”. Hôm sau tôi ghé nhà con anh để đón anh đi uống cà phê. Anh nói ở bên đó (North Carolina) buồn quá nên về lại đây thỉnh thoảng gặp anh em cho vui. Anh kể cho tôi nghe anh nghĩ ra cách để xử dụng bàn phím computer để tiếp tục viết truyện. Anh đã hoàn thành truyện ngắn “Người Mù” và về Houston anh sẽ tiếp tục viết và đặc biệt viết về đề tài “Mù”.

Do “Duyên”, tôi đã trở thành tài xế Uber cho ba người bạn của tôi. Tôi thương và quý trọng họ. Ngày nào tôi còn lái xe được, tôi vẫn đến đón họ – âu đó cũng là một việc Thiện mà trong Hướng Đạo dùng hai chữ “Giúp Ích”.
Inline image

Cần nói thêm việc người già và thuốc men. Dĩ nhiên bịnh là phải uống thuốc. Đối với tôi, tôi thi hành khá đứng đắn việc uống thuốc, nhất là các loại thuốc nằm trong nhóm “ba cao”: máu – mỡ - đường. Nếu chỉ tính từ ngày qua Mỹ đến nay là 32 năm, mỗi ngày uống một viên thuốc cao máu, cho đến nay tôi đã ních hết 11,650 viên. Thuốc cao mỡ mỗi ngày 4 viên, 32 năm xơi đủ 46, 600 viên. Thuốc trị cao đường mới uống 22 năm, tính ra tổng cộng là 8,030 viên nằm trong bụng! Chưa kể những loại thuốc khác để trị các bịnh loại linh tinh như nhức xương, đau khớp, đau vai, đau bàn tay, nhức đầu sổ mũi hay bệnh gout…tổng cộng sơ sơ cả ngàn viên. Tạm đúc kết cho đến nay khi đang ngồi gõ gõ trên máy tôi đã nhét vào trong bao tử 86,280 viên thuốc đủ các loại! Riêng về món thuốc trị gout, theo chỉ dẫn của đốc tờ thì mỗi ngày ních một viên. Dĩ nhiên tôi thi hành đúng khi hai ngón chân đang quằn quại. Sau một tuần hết đau thì tôi ngưng uống thuốc một thời gian khá lâu, chừng cả năm. Sau đó tôi bắt đầu uống lại dù bịnh chưa tái phát nhưng chỉ uống hai viên mỗi tuần. Tôi tự giải thích như sau: vì tôi khoái xơi món phở bò và thích uống rượu vang là hai món giúp làm tăng lượng Acid uric trong máu nên phải uống cầm chừng cả vài năm nay, thấy cũng phê! Phở bò là món “quốc hồn quốc túy” khó mà từ bỏ được. Còn món rượu vang thì theo nhà báo Lê Văn là “Món Quà Của Thượng Đế”. Thượng Đế đã ban cho nhân loại mà không nhận hưởng thì khi chết xuống địa ngục hay leo lên được Thiên đàng e rằng khó trả lời với Ngài…

Trở lại chuyện của tôi “đáng ghét”. Trước ngày lễ Tạ Ơn vừa qua trong khu vực tôi ở “Berkshire Community” có tổ chức “Chạy bộ” và “Đi bộ”. Để rà soát sức khỏe của mình nên tôi liều ghi danh môn “Chạy bộ”. Chạy hai miles. Đi bộ chỉ một mile. Khoảng ba mươi người chạy bộ đủ lứa tuổi già trẻ lớn bé nam nữ. Tôi chạy theo đám đông và không thể nào theo kịp mấy ông Mỹ ông Mễ nhưng cố bám sát, có lúc phải bước sãi rồi lại lết tiếp cho đến khi về đến đích. Đến nơi ban tổ chức tròng vào cổ tôi một chiếc Medal. Tối hôm đó nằm ngủ nghe hai bắp vế đau nhức dữ dội nên hôm sau lái xe vào Gym ngồi trong Spa cho nước nóng nựng hai bắp đùi. Liên tục ba ngày thấy hết đau hết nhức. Gặp bạn bè, người quen ai cũng bảo sức khỏe tôi tốt! Mừng ghê đi! Năm tới tôi sẽ bước lên bục tuổi tám bó…

Phong Châu
Tháng 12 - 2023

User avatar
saohom
Posts: 2212
Joined: Wed Aug 26, 2009 11:30 pm

Re: Tạp Ghi , Chuyện Phiếm , Chuyện Vui Hàng Ngày

Post by saohom »

Vụ “xá lợi tóc Đức Phật 2.600 năm” ở chùa Ba Vàng
Thái Hạo
30-12-2023
Bình luận của nhà báo Kỳ Duyên: Điều tệ hại, những kẻ “ngụy tu” lợi dụng sự mê muội của đám đông để sử dụng vào những mục đích vụ lợi của họ. Cũng là một thứ ngu dân đắc lực.

***

Cái sợi tóc kia có phải là xá lợi Phật không? Tôi không quan tâm chuyện đó, và cứ cho luôn rằng đó là xá lợi thật chứ không phải trò lừa đảo của anh sư, thế thì đã sao?
Image
Ảnh chụp được cho là xá lợi tóc của Đức Phật ở chùa Ba Vàng, nơi cho rằng xá lợi này có từ 2.600 năm trước. Nguồn: Báo Thanh Niên

Hình dưới là hóa thạch của một con bọ ngựa trong hổ phách, đã có tuổi đời hàng triệu năm, ngoài bán lấy tiền thì nó có phép màu gì đây? Giới khảo cổ đã tìm thấy những hóa thạch của các loài vật tồn tại đến dăm trăm triệu năm. Một sợi tóc 2500 tuổi thì đáng kể gì?
Image
Ảnh: Bọ ngựa hóa thạch được cho là khoảng 30 triệu năm tuổi ở Cộng hòa Dominican. Nguồn: Twitter
Trong cuốn “Thế giới như là ý dục và biểu tượng”, Schopenhauer dẫn chứng trường hợp những con cóc trong núi tuyết bị đông đá cả nghìn năm, một ngày kia thuận lợi nó hồi sinh và nhảy ra! Không nói đâu xa, một con đỉa bị cắt làm đôi sẽ thành hai con đỉa, lại bơi tung tăng dưới nước như thường.

Bạn muốn tìm thấy các hiện tượng kỳ thú trong thiên nhiên thì dễ lắm, chúng tràn ngập. Một sợi tóc 2500 năm thì xi nhê gì mà phải rộn lên và lạy lục thấy ghê vậy?

Đó là chưa nói, Đức Phật và các bậc tu hành chân chính không bao giờ chủ trương những điều thần bí, tránh xa chuyện thần thông biến hóa và nạn sùng bái cá nhân. Phật cũng già, đau ốm và chết vì bị ngộ độc thức ăn kia mà.

Tôi không bận tâm chuyện xá lợi có thật hay không, vì nó gần như vô nghĩa với người tu hành có tinh thần duy tuệ thị nghiệp. Một vị thầy chết đi, cái còn lại lâu dài chính là đức hạnh và trí tuệ của vị ấy, không theo học điều ấy mà đi quỳ lạy xương, răng, móng, tóc, chẳng phải là việc làm vô ích sao? Giê-su có để lại xá lợi gì đâu mà nhân loại mãi tôn kính như vậy?

User avatar
dodom
Posts: 2723
Joined: Fri Nov 28, 2008 8:38 pm

Re: Tạp Ghi , Chuyện Phiếm , Chuyện Vui Hàng Ngày

Post by dodom »

Công an và vì đó là… Việt Nam!
Trân Văn
1-3-2024

Image
Hình: Facebook.com/baodantridientu
Theo Dân Trí thì đây là “kiểm tra đột xuất” vì phim đang chiếu (Mai) thuộc loại “cấm trẻ em dưới 18 tuổi”.
Tuần này, video clip ghi lại cảnh công an và một số viên chức hữu trách của ngành văn hóa xộc vào một rạp chiếu phim trong cụm rạp của Cinestar tọa lạc ở quận 1, TP.HCM để kiểm tra giấy tờ tùy thân của những người đang xem phim, đã khuấy động sự bất bình trong công chúng.

Theo Dân Trí thì đây là “kiểm tra đột xuất” vì phim đang chiếu (Mai) thuộc loại “cấm trẻ em dưới 18 tuổi”. Kết quả “kiểm tra đột xuất” không phát hiện khán giả nào dưới tuổi quy định và dù bộ phận điều hành cụm rạp này bảo rằng, đó là “quy trình bình thường, có thể xảy ra ở bất kỳ cụm rạp nào” (1) nhưng công chúng không xem đó là bình thường!…

Video clip, hình ảnh ghi lại cảnh buổi chiếu phải tạm dừng để các viên chức hữu trách xem xét giấy tờ tùy thân của khán giả, “thanh lọc trẻ dưới 18” là lý do khiến nhiều người nêu thắc mắc như Lê Đình Thắng: Đang thời chiến ư? Nghe nói hòa bình từ 1975 rồi mà (2)!

Hoặc nêu những nhận xét như Đỗ Ngọc Giàu: Nghe nói nơi chiếu phim Mai bị kiểm tra vụ để trẻ em dưới 18 vô rạp. Làm như vậy nếu là tui, tui cũng ngại đi coi phim. Sợ đang coi bị kiểm tra. Chuyện trẻ dưới 18 vào xem phim gắn nhãn phải trên 18 chắc không chỉ mỗi phim Mai và không chỉ mới đây, không hiểu sao phim Mai lại được “mở hàng” như thế (3). Hay thở dài như Hoàng Lêquang: Thời của các chú mà (4)!

Cũng có những người dựa vào các diễn biến gần đây, than như Facebooker Bị Cạo Râu: Cảnh sát không bao giờ giăng dây giữa đường để dồn dân lái xe bắt thổi nồng độ cồn. Cảnh sát không bao giờ đột kích vào quán bar để xét nghiệm người dân có dương tính với ma túy hay không. Cảnh sát không bao giờ vào rạp chiếu phim quấy rối khán giả bằng cách xét căn cước để xem họ trên hay dưới 18 tuổi. Cảnh sát luôn được lệnh phải tôn trọng nhân quyền.… Đó là tôi nói về cảnh sát Hàn, cảnh sát Nhật, cảnh sát Mỹ và cảnh sát châu Âu nha (6)…

Bên cạnh đó còn có những người phản ứng hết sức gay gắt như Chanh Tam: Để công an vô rạp xét tuổi người xem thì nước non này thành của công an cả rồi! Ai chủ trương và cấp nào quyết định chuyện tày trời đó? Trong khi Tiến Hưng – một thân hữu của Chanh Tam – đùa: Phải mang theo còng số tám nữa cho oai. Đứa nào dưới 18 hốt về đồn. Pháp quyền XHCN phải nghiêm thế giới mới nể… thì Cuong Nguyen phán đoán “có thể vì chủ quản các rạp chưa nộp phế hoặc nộp ít quá”, còn Tran Q. Dai – một thân hữu khác – bình: Thời đại công an trị mà, hiến pháp, luật pháp là cai đinh gì (7)!

Tương tự, Nguyen Dan nhấn mạnh: Phải xem việc giữa buổi chiếu phim công an xông vào rạp, kiểm tra có khán giả nào dưới 18 không là một việc tày đình. Một đất nước (tự xưng) tự do dân chủ không thể có việc công an ngang nhiên hành xử thô bạo như vậy. Trên lý thuyết, quan hệ giữa khán giả và rạp chiếu phim là một giao dịch dân sự và giao dịch này là một giao dịch đặc biệt vì có liên quan đến cảm xúc nhưng lại không thành vì có sự cản trở của công an và cơ quan ban ngành. Khán giả hoàn toàn có thể kiện rạp đòi bồi thường tiền vé và tổn thất tinh thần. Còn rạp có thể kiện ngược lại công an hoặc sẽ có các định chế “trị” sự lộng quyền của các cơ quan này. Nhưng đây là ở Việt Nam! Vỹ Đặng – một thân hữu của Nguyễn Dân – gọi đó là chuyện “quái dị” của “kiêu binh” (8).

***

Theo một luật sự tên Đặng Huỳnh Lộc thì: Cảnh báo độ tuổi là để người xem cân nhắc, không phải là quy định pháp luật mang tính cấm đoán. Nhóm người kiểm tra tuổi trong rạp chiếu phim nhằm cấm người xem phim là trái pháp luật, có dấu hiệu gây rối trật tự công cộng (9). Không phải tự nhiên Chanh Tam yêu cầu: Chính quyền TPHCM phải trả lời cho dân biết, việc công an vào rạp kiểm tra tuổi người xem phim có đúng pháp luật không, do cấp nào chủ trương, quyết định (10)?

Với kinh nghiệm và sự hiểu biết của quý vị về nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam và về công an nhân dân, quý vị nghĩ yêu cầu dẫu chính đáng đó có được đáp ứng không?

User avatar
dodom
Posts: 2723
Joined: Fri Nov 28, 2008 8:38 pm

Re: Tạp Ghi , Chuyện Phiếm , Chuyện Vui Hàng Ngày

Post by dodom »

Image

Các Bảng Hiệu Trên Đường Phố Ở Việt Nam Ngày Nay
Trần Văn Giang (ghi lại)
Lời Giới thiệu

Những dòng dưới đây là trích từ một “Trang Nhật Ký Ghi Vội" về “Những Ngày tháng ở Việt Nam" của một Việt kiều đã về chơi Saigon năm 2023.

TVG

*

Năm 2023 tôi về Việt Nam chơi. Ở Saigon ngày nay việc đi bộ trên đường phố rất nguy hiểm. Chỉ khi quá cần thiết và không có phương tiện nào khác hơn, người ta mới phải đi bộ một đoạn đường ngắn. Đi bộ nguy hiểm vì phải đi dưới lòng đường, chen lấn với xe cộ đủ loại. Tất cả lề đường đều đã bị chiếm làm chỗ buôn bán, làm nơi để hàng ngàn xe gắn máy! Chỗ lề đường nào còn trống, thì xe gắn máy lại lưu thông… hai chiều (!) ngay trên vỉa hè! Vì vậy, mỗi khi đi phố, tôi phải dùng xe hơi.


Ngồi trên xe hơi, có thể nhìn quang cảnh đường phố, nhưng không thể nhìn kỹ một nơi nào, vì xe chạy lướt qua khá nhanh. Tôi thấy trên đường phố Saigon, vài nơi ở Hà Nội, và các tỉnh miền Bắc có những bảng hiệu của các cửa tiệm buôn bán ghi những tên hiệu khá khôi hài. Sự cạnh tranh buôn bán dữ dội, trong một nước tự nhận là Xã Hội Chủ Nghĩa, cố nhiên là một điều mỉa mai, tự chửi cha cái chế độ chuyên nghề “đánh tư sản.” Sự cạnh tranh khốc liệt đã khiến cho người ta phải chế ra các bảng hiệu kỳ dị để lôi cuốn sự chú ý của khách mua. Nhưng vì cố gắng “sáng tạo” quá trớn cho nên hóa ra buồn cười. Khi đi dạo phố, vì tôi không có ý và không chuẩn bị để ghi chép, tôi chỉ còn nhớ được một số bảng hiệu “ấn tượng” khá tiếu lâm. Tiếc đã không có hinh chụp để quý vị thấy tận mắt. Xin ghi lại đây vài tên tiệm mà tôi còn nhớ để quý vị thấy được một vẻ đặc biệt của Việt Nam hôm nay. Tôi cũng có ghi thêm vài nhận xét của cá nhân tôi sau mỗi tên bảng hiệu, nhưng dĩ nhiên tôi không chắc đó là những nhận xét đúng. Quý vị nên đoán thêm ý nghĩa của chúng; may ra chính xác hơn chăng!

Nhai Nhóp Nhép: Đây chắc hẳn là tiệm bán dồ ăn rồi. Nhưng nó bán cái gì để "nhai nhóp nhép" (?) thì khó mà biết được, nếu không chịu bỏ tiền để vào ăn thử!

Mô Rứa: Chịu thua, không biết nó muốn bán cái gì?

Phê Đây: Có thể là tiệm bán cà phê hoặc bán rượu? Nhưng không chắc!

Bánh Mì Biết Nói: Đúng là tiệm bán bánh mì rồi. Còn như nó “nói” cái gì, thì bố tôi cũng không hiểu được!

Đây Rồi: Bán cái gì vậy hà? Tôi chịu thua luôn!

Tìm Chi Nữa: Cũng lại không thể biết nó bán cái thứ gì nữa?

Sáng Còn Tối Còn: Là cái củ cải gì? Xin Chào thua!

Điều Hòa Châu Âu: Cố nhiên tiệm này không thể điều hòa bất cứ cái gì ở Châu Âu. Giản dị, nó chỉ là tiệm bán máy lạnh chế tạo tại Châu Âu. Dễ hiểu?

Hoa Sự Kiện: Hoa bán để dùng cho mọi việc, mọi trường hợp, như trang hoàng, tặng hoa, phúng điếu… Nghe ra “sự kiện” quá phải không quý vị!

Đầu Vòi Tăng Áp: Đây chắc hẳn phải là cái vòi để phun nước rửa xe hay sàn nhà. Nước cần được phun mạnh, cần có áp lực (?) Nhưng cái dấu huyền - trên chữ vòi đã mòn nhạt quá, nhìn loáng quáng, tôi đã đọc nhầm là đầu VOI tăng áp; và cứ thắc mắc mãi, không biết người ta bán cái "đầu con voi" dùng để tăng áp (suất) cái quái gì?

Bò Né: Chắc chắn tiệm này bán thịt bò; Nhưng thịt bò nó “né tránh” cái gì (?) thì không ai hiểu! Hình như đó chỉ là tên gọi món thịt bò nướng trên vỉ sắt?

Khúc Xạ: Đó là tiệm bán kính quý vị ơi! Nhưng tại sao nó không để là “Tiệm Kính” mà lại là “Khúc Xạ?” Có lẻ nó muốn biểu diễn cái tài quang học vật lý của chủ tiệm chăng!

Thiết Bị Chống Lưng: Chịu thua, không biết nó bán cái gì! Nhưng chắc chắn không phải là cái gậy hay cái nạng để chống lưng cho người đau chân hay đau lưng; bởi vì tôi không hề nhìn thấy những thứ đó bên trong tiệm.

Bếp Có Gu: Có nhiều bảng hiệu bán Bếp Ga, Bếp Điện, Bếp Từ (?)… Nhưng “Bếp Có Gu”thì không biết nó là cái “gu” gì! Còn cái gọi là “Bếp Từ” thì tôi cũng chỉ biết là một cái bếp để nấu đồ ăn uống, dù không biết “Từ” là cái quỷ gì. Còn như Bếp Có Gu thì xin vái! Tôi có “chất vấn” một người ở Saigon về ý nghĩa của cái “Bếp” này. Ông ta giải thích rằng: Chữ “Bếp” ở đây không có nghĩa là cái Bếp để đun, nấu. Nó có nghĩa là “món ăn” hoặc “Người nấu ăn.” Còn như “Có Gu,” thì chữ “Gu” chính là tiếng Pháp “Gout” có nghĩa là “sở thích.” Thí dụ: Cái “Gu” của ông ta là uống rượu “champagne” mỗi buổi sáng; Cái “gu” của thằng đó là các cô có ngực bự v..v.. Như thế thì “Bếp Có Gu” chính là nơi bán đồ ăn cho những người sành điệu, người có “gu” vậy ! Chà chà! Chữ nghĩa văn miêng dữ quá ta!

Bánh Mì Rau Mầm: Chắc đây là tiệm bán bánh mì. Còn như “rau mầm” là cái rau chi (?) thì hơi khó hiểu! Rau có mầm? Rau quái gì vậy cà?

Khoai Lang Lúc Lắc: Không biết khoai lang này được chế biến ra sao! Chắc hẳn là khoai phải được “lúc lắc” dữ lắm! Nhưng mà lúc lắc như thế thì khoai lang bể hết còn gì? Ngon hơn chăng?

Trâu Tươi: Chắc là nơi bán thịt trâu mới giết, mới mổ. Không biết có tiệm “Trâu Khô” nào không đây?

Dê Núi: Đoán là tiệm bán thịt dê được nuôi trên núi… Có lẽ khác với thịt dê nuôi ở các nơi không phải là núi (?)

Lợn Cắp Nách: Tôi đoán là nơi bán lợn con để nuôi! Nhưng vô lý, vì đây có vẻ là nơi bán đồ ăn. Vậy thì “Lợn Cắp Nách” chỉ có thể là nơi bán thịt heo con, thứ heo còn có thể “kẹp vào nách” - tức là heo còn nhỏ.

Chim To Dần: Đây là một tiệm bán một món... hấp dẫn cho nam giới chăng? Tôi hỏi một ông Bắc Kỳ đi cùng xe xem đó là tiệm bán chim gì? Ông lắc đầu đáp “Hiểu được, chết liền!” Chắc chắn đây là tiệm bán chim, hay thịt chim. Nhưng “To Dần” thì xin chào thua! Mới đọc qua có thể nghĩ là “Con chim bỗng nhiên lại cứ to lên dần dần!” Nhưng làm sao có thể chim lại to dần lên được? Hãi thật? Có ông còn giải thích rằng: Đây là tiệm bán thức ăn đại bổ cho quý ông bị bênh "teo chim"; thường là những ông "nớn" trong các Bộ kể cả Bộ Chính Chị. Các ông cần có thứ đồ ăn để "Chim To Dần" lên! Xứ Công sản “Đỉnh Cao Trí Tệ loài người” mà; phải hơn đời chứ! Người thường như chúng ta, chớ nên đụng tới món ăn đó; vì "chim" của ta cũng sẽ cứ to dần lên. Hết hồn luôn!

Tôi nghi ngờ cái cách cắt nghĩa trên đây, nên tôi muốn “cương quyết” phải tìm hiểu đến nơi đến chốn cái bảng hiệu kỳ cục này đã nói cái gì! Tôi thấy cái bảng hiệu “Chim To Dần” này khi tôi đang trên đường đi tới thành phố Sa Pa ở ngoài Bắc. Về Saigon, tôi kể lại tên cái tiệm này, thì có một ông cho là tôi “sáng tác” ra cái tên này, chứ ai mà đặt cái tên lạ như rứa! Nhưng mà may quá, ở ngay một con đường vùng Phú Nhuận Saigon, tôi cũng tìm thấy có một tiệm có tên “Chim To Dần.” Thì ra đây là một thương hiệu đã có tiếng, chớ không phải chuyện đùa! Các ông bà đang ở Saigon có thể thấy cái tiệm này dễ dàng.

Như đã nói, đây là một món nổi tiếng, nên có rất nhiều tiệm “Chim To Dần" ở nhiều thành phố khác nhau, chứ đâu phải là chuyện nói dỡn. Cho nên phải tìm xem nó bán món chim gì mà lại "to dần" lên mãi!

Một ông bạn khác đã giải nghĩa thêm cho tôi cái “bí mật” này, nhưng tôi không tin ông đã nói đúng. Ông giải thích rằng: “CHIM” đây đích thị có nghĩa là… con chim. Còn chữ “TO” là một tính từ chỉ cái sự lớn. Vậy “CHIM TO” tức là chim Lớn. “DẦN” có nghĩa là lấy một vật cứng như xống dao, hoăc cái chày đập vào một vật khác, làm cho vật ấy mềm ra. Chẳng hạn, khi tức giận nhau, có người đã nói: “Để tao DẦN cho mày một trận,” tức là dọa sẽ đánh cho nhừ tử, cho mềm người ra.

Vậy thì “Chim To Dần” chỉ có nghĩa là một “con chim lớn” đã được “dần” (làm mềm) ra... Vậy thôi! Nghe ra hơi có lý! Nhưng mà "dần" chim như thế, thì có làm cho chim ngon hơn hoặc hấp dẫn khẩu vị hơn? Tới đây, tôi xin để quý vị tự tìm hiểu lấy vì đã bàn loạn về "chim to" hới quá đà rồi....

Dĩ nhiên còn vô số bảng hiệu loại “cù léc” khác, nhưng tôi không kịp ghi lại, nên quên mất, và không thể nhớ hết được.

Hết biết!

Trần Văn Giang
(ghi lại)

Post Reply