Tạp Ghi , Chuyện Phiếm , Chuyện Vui Hàng Ngày

Cho đuổi mèo, mèo rượt chuột, chuột sa chỉnh gạo, gạo tải vô xe... thế rồi... xe cán chó!!!

Moderators: CNN, khieulong

User avatar
dodom
Posts: 2723
Joined: Fri Nov 28, 2008 8:38 pm

Re: Tạp Ghi , Chuyện Phiếm , Chuyện Vui Hàng Ngày

Post by dodom »

Trung Quốc quay cuồng với COVID-19: Chạy trời không khỏi nắng
Lê Tây Sơn

Image
Trung Quốc – “cái nôi” của coronavirus – đang quay cuồng chống chỏi COVID-19 (ảnh: Zhang Yu/China News Service via Getty Images)

Chính sách “zero-Covid” của Trung Quốc (TQ), vốn đã làm đình trệ nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và gây ra làn sóng phản đối chưa từng có của người dân trong nước, hiện được dỡ bỏ một phần, khi vào ngày 6 Tháng Mười Hai, Bắc Kinh công bố các thay đổi sâu rộng đối với chính sách “zero-Covid” vốn thất bại thảm hại…

Tỉ lệ nhiễm vẫn tăng mạnh

Các hướng dẫn mới (và là “chương mới” trong chương trình kiểm soát dịch bệnh của đất nước, ba năm sau khi các ca nhiễm Covid-19 đầu tiên được phát hiện ở thành phố Vũ Hán) vẫn giữ nguyên một số hạn chế nhưng loại bỏ việc trình mã QR y tế bắt buộc tại hầu hết địa điểm công cộng (ngoại trừ một số nơi như cơ sở y tế và trường học). Xét nghiệm hàng loạt không còn áp dụng cho tất cả mọi người, trừ những người ở những khu vực rủi ro cao.

Những nơi “rủi ro cao” vẫn có thể bị phong tỏa, nhưng phải thu gọn và chính xác hơn. Những người có kết quả xét nghiệm dương tính với Covid-19 nhưng nhẹ hoặc không có triệu chứng và đáp ứng một số điều kiện nhất định có thể cách ly tại nhà, thay vì phải vào các trung tâm cách ly. Thay đổi được đưa ra sau khi nhiều thành phố bắt đầu dỡ bỏ một số biện pháp kiểm soát khắc nghiệt khiến cuộc sống hàng ngày của người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng trong gần ba năm qua. Nhưng trong khi những thay đổi đánh dấu bước chuyển đáng kể và mang lại sự nhẹ nhõm cho nhiều người dân thì một thực tế khác lại lộ diện: TQ chưa chuẩn bị tốt cho sự gia tăng số ca bệnh đã bắt đầu có dấu hiệu.


Chưa rõ sẽ có biện pháp thích nghi nào trong tương lai gần nhưng TQ đang thiếu sự chuẩn bị như tỷ lệ tiêm chủng mũi tăng cường cho người cao tuổi thấp, năng lực chăm sóc đặc biệt tại các bệnh viện kém và thiếu dự trữ thuốc kháng virus. Theo các chuyên gia, dù biến thể Omicron nhẹ hơn so với các chủng trước đó và tỷ lệ tiêm chủng tính chung tại TQ cao, nhưng ngay cả chỉ có một số ít ca nặng phải nhập viện ở các nhóm dễ bị tổn thương và chưa được tiêm phòng đầy đủ như người già cũng đủ khiến các bệnh viện quá tải nếu số ca nhiễm tăng đột biến trên khắp đất nước 1.4 tỷ dân.
Image
Tại một điểm xét nghiệm COVID-19 ở Thượng Hải ngày 7 Tháng Mười Hai 2022 (ảnh: Hugo Hu/Getty Images)

“Cuộc khủng hoảng có thể sắp xảy ra và nếu có, sẽ thực sự tồi tệ. Để xoa dịu sự bất mãn của công chúng, chính quyền đã quá vội vã khi nới lỏng nhiều biện pháp phòng dịch đúng vào mùa cúm” – Xi Chen, giảng sư tại Đại học Yale, nhận định. William Schaffner, giáo sư về các bệnh truyền nhiễm tại Trung tâm Y tế Đại học Vanderbilt, Hoa Kỳ, bổ sung:

“TQ đã theo đuổi chính sách zero-Covid quá lâu, nay họ đang gặp khó khăn chồng chất nhưng không còn lựa chọn nào khác. Tiến thoái lưỡng nan! TQ hy vọng Covid-19 sẽ ảnh hưởng khắp thế giới còn họ có thể sống sót mà không bị ảnh hưởng! Thực tế chứng minh điều đó đã không xảy ra! Khi các hạn chế được nới lỏng và coronavirus lây lan khắp đất nước, TQ sẽ phải trải qua giai đoạn đau đớn về số ca nhiễm, số ca nặng, tử vong và hệ thống chăm sóc sức khỏe bị quá tải như từng xảy ra ở những nơi khác trên thế giới trong đại dịch” – dẫn lại từ CNN.

Nguy cơ tiềm tàng

Kể từ chiến dịch tiêm chủng toàn cầu và sự xuất hiện của biến thể Omicron, các chuyên gia y tế thế giới đã đặt câu hỏi về việc liệu TQ tiếp tục chính sách “zero-Covid” mãi mãi? Họ nghi ngờ sự bền vững của chính sách tập trung vào xét nghiệm, giám sát, phong tỏa và cách ly diện rộng để ngăn chặn một loại virus rất dễ lây lan. Nhưng khi các hạn chế được dỡ bỏ sau nhiều năm kiểm soát chỉn chu, các chuyên gia đều đồng ý: “Sự thay đổi chỉ nên đến khi TQ đã chuẩn bị đủ những gì cần thiết cho đợt bùng phát dịch và nhập viện có thể xảy ra”.

“Một đại dịch không còn được kiểm soát để đạt đến đỉnh điểm sẽ đặt ra những thách thức rất lớn đối với hệ thống chăm sóc sức khỏe, không chỉ đơn thuần là quản lý các ca bệnh nặng mà còn những vấn đề y tế khác – Ben Cowling, giáo sư dịch tễ học tại Đại học Hong Kong giải thích – Tuy nhiên, việc nới lỏng các hạn chế không có nghĩa là tốc độ lây nhiễm sẽ tăng bởi vì vẫn còn một số biện pháp được duy trì. Đó là chưa nói nhiều người dân đã thay đổi hành vi như ít ra ngoài hơn và mang khẩu trang thường xuyên. Nhưng cũng không loại trừ khả năng các biện pháp nghiêm ngặt hơn sẽ được áp dụng lại nếu số ca bệnh mới vượt ngoài tầm kiểm soát”.


Các chuyên gia đồng ý việc chính quyền TQ để virus lây lan trên toàn quốc đã là một sự thay đổi đáng kể đối với một quốc gia cho đến thời điểm này chỉ báo cáo chính thức 5,235 ca tử vong do Covid-19 kể từ đầu năm 2020 (quá thấp so với Mỹ) và là một niềm tự hào của Đảng Cộng sản TQ!

Với việc dỡ bỏ nhiều hạn chế và tăng tiếp cận giữa người dân với nhau, mô hình từ các nhà nghiên cứu tại Đại học Phúc Đán ở Thượng Hải công bố trên tạp chí Y học Tự nhiên vào Tháng Năm dự đoán hơn 1.5 triệu người TQ có thể chết trong vòng 6 tháng tới vì không thể mua được các loại thuốc kháng virus đã được phê duyệt. Tỷ lệ tử vong chỉ có thể giảm xuống mức của bệnh cúm theo mùa, nếu hầu hết người cao tuổi được tiêm vaccine tốt và thuốc kháng coronavirus được bán rộng rãi. Tháng trước, chính quyền đã công bố danh sách các biện pháp cấp bách để củng cố hệ thống y tế quốc gia chống Covid-19, kể cả chỉ thị tăng cường tiêm chủng cho người già; chuẩn bị sẵn các phương pháp điều trị và thiết bị y tế, đồng thời mở rộng năng lực chăm sóc các ca trở nặng.
Image
Người già vẫn nằm trong nhóm nguy cơ cao lây nhiễm vì không được tiêm nhắc đầy đủ (ảnh: CFOTO/Future Publishing via Getty Images)

“Nhưng TQ đã chuẩn bị kỹ chưa nếu chúng ta nhìn vào số ca nhiễm tăng đột biến sau ba năm và tình trạng thiếu dự trữ các loại thuốc chống virus hiệu quả. Câu trả lời là không! Nếu bạn nói về các thủ tục phân loại những người có nguy cơ cao và tỷ lệ tiêm chủng cho người già, đặc biệt là những người từ 80 tuổi trở lên, nhìn chung cũng là không – Yanzhong Huang, thành viên cấp cao về sức khỏe toàn cầu tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại ở New York, nhận định – Chính quyền TQ sẽ phải theo dõi hàng ngày tỷ lệ tử vong và những phát sinh quan trọng khác để quyết định các bước đi tương lai”.

Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế, hiện Hoa Kỳ có ít nhất 25 giường chăm sóc đặc biệt cho 100,000 dân trong khi TQ có chưa đến bốn giường cho 100,000 người.

Chen của Yale nhận định: “Việc cung cấp dịch vụ chăm sóc ban đầu hạn chế đã khiến ngay cả những người ốm nhẹ cũng phải đến bệnh viện thay vì gọi bác sĩ gia đình, gây thêm căng thẳng cho các cơ sở y tế. Mạng lưới y tế yếu kém ở các vùng nông thôn sẽ tạo ra cuộc khủng hoảng nếu virus lan tràn, đặc biệt là khi hoạt động xét nghiệm bị giảm và những người trẻ tuổi sống ở thành phố trở về quê thăm gia đình trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới”.

Dù tỷ lệ tiêm chủng chung của TQ khá cao nhưng người cao tuổi ít được bảo vệ hơn nhiều nước khác, nơi những người già nhất và dễ bị tử vong nhất do Covid-19 được ưu tiên tiêm chủng. Một số quốc gia đã triển khai liều thứ tư hoặc thứ năm cho các nhóm nguy cơ cao. Theo thống kê của Ủy ban Y tế Quốc gia TQ, hơn 86% dân số TQ trên 60 tuổi đã được tiêm phòng đầy đủ nhưng tỷ lệ tiêm nhắc lại thấp hơn. Khoảng 25 triệu người cao tuổi chưa được tiêm mũi nào. Đối với nhóm trên 80 tuổi có nguy cơ cao nhất, chỉ có khoảng 2/3 đã được tiêm phòng đầy đủ theo tiêu chuẩn của TQ, nhưng chỉ 40% được tiêm nhắc lại.

Các loại vaccine bất hoạt được sử dụng ở TQ tạo ra mức độ phản ứng kháng thể thấp hơn so với các loại vaccine khác được sử dụng ở nước ngoài. Nhiều quốc gia sử dụng vaccine bất hoạt đã kết hợp chúng với các loại vaccine mRNA có tính bảo vệ cao hơn cho mũi tăng cường và tiêm nhắc mà TQ chưa cho phép sử dụng.

User avatar
dodom
Posts: 2723
Joined: Fri Nov 28, 2008 8:38 pm

Re: Tạp Ghi , Chuyện Phiếm , Chuyện Vui Hàng Ngày

Post by dodom »

Màn hai, cảnh một của vở tuồng “Dưới hai màu áo”
Mai Bá Kiếm
31-12-2022
Khoảng năm 1970, đoàn kịch Kim Cương diễn vở “Dưới hai màu áo”, Kim Cương đóng hai vai chị em sinh đôi có cá tính trái ngược nhau: Bê chân chất – Bích nổi loạn, đua đòi. Đài vô tuyến truyền hình Sài gòn dùng kỹ xảo ghép hình để xuất hiện cùng lúc hai “Kim Cương” tranh luận nhau.


Má tôi khen nức nở Kim Cương có phép “phân thân”, còn tôi nể ý tưởng “một người đóng hai vai có hai mặt” của Kim Cương. 52 năm sau, tôi mới ngộ ra, trên sân khấu chính trị, các lãnh đạo cũng đang diễn lại tuồng “Dưới hai màu áo”.

Khi Bộ Công an công bố bắt trợ lý của hai phó thủ tướng vì “lợi dụng chức vụ quyền hạn” trong vụ test kit Việt Á và “nhận hối lộ” trong các chuyến bay giải cứu, người dân biết sẽ liên can đến hai ông Vũ Đức Đam và Phạm Bình Minh. Nhưng kịch bản không cho phép kéo màn đột ngột, hoặc để nhân vật đột nhiên biến mất, trừ khi nhân vật đó nói “tau khỏe, có chi mô?”

Trong vai chính diện, ngày 9/12/2022, ông Vũ Đức Đam đã có kết luận chỉ đạo tại phiên họp tổng kết Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa 2022. Đến ngày 30/12/2022, trong vai phản diện, ông Đam được cho thôi chức ủy viên Trung ương.

Cực hơn bạn đồng diễn Vũ Đức Đam, ông Phạm Bình Minh diễn vai chính diện đến phút hạ màn. Xung đột hai vai lên đỉnh điểm từ ngày 27/12, ông Phạm Bình Minh ký quyết định thi hành kỷ luật đối với chủ tịch và phó chủ tịch tỉnh Thanh Hóa: Đỗ Minh Tuấn và Đầu Thanh Tùng.


Rồi ngày 29/12, ông Phạm Bình Minh trong vai “Bao Cong mặt sét”, ký quyết định thi hành kỷ luật thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ, cùng lúc ký quyết định kỷ luật chủ tịch và hai phó chủ tịch tỉnh Nam Định: Phạm Đình Nghị, Trần Anh Dũng, Trần Lê Đoài.

Ngày hôm sau, 30/12, trong vai phản diện ông Phạm Bình Minh được cho thôi giữ hai chức ủy viên: Bộ Chính trị và Trung ương đảng. Kỳ nữ kiêm soạn giả Kim Cương chắc cũng không nghĩ ra tính xung đột giữa hai vai trong một nhân vật lên cực điểm như vậy.

Phục soạn giả viết kịch bản sân khấu một, tôi phục soạn giả viết quy trình bãi nhiệm ngàn lần!

Bình Luận từ Facebook

User avatar
CarteNoire
Posts: 361
Joined: Mon Sep 21, 2009 11:58 pm

Re: Tạp Ghi , Chuyện Phiếm , Chuyện Vui Hàng Ngày

Post by CarteNoire »

Biển sự thật chìm trong tiếng cười
Tuấn Khanh


Image
Xuân Bắc, một diễn viên hài đang trở thành “biểu tượng” của một loại làm văn hóa nhưng vô văn hóa (ảnh: VTV)

Cách đây không lâu ngồi cafe với một anh bạn, trong lúc lướt qua các trang mạng xã hội, anh chợt tổng kết là không hiểu sao bây giờ, ở đâu cũng thấy chuyện hài, trò cười, hay mọi thứ như chỉ tập trung để cười vui nhiều đến vậy. “Cứ lướt trên Tiktok hay Facebook Reels, YouTube shorts… mới thấy mọi thứ gần như 90% các bản upload là để vui, là để cười thôi. Chắc là đất nước mình giờ nhộn nhịp vui vẻ hơn xưa nhiều rồi hả”, anh ta nói.

Nhưng anh bạn đó không sống lâu đủ ở quê nhà, để biết nếu là một người Việt Nam, sống qua các giai đoạn biến động của xã hội như vụ Formosa xả thải độc ra biển, vụ Dự luật cho Trung Quốc thuê đất làm đặc khu, những thảm cảnh bất bình trong Đại dịch Covid… những cay đắng ấy có xuất hiện nhiều đến mức nào, rồi cũng dần dần biến mất.

Giờ nếu quay lại tìm trên internet, chắc nhiều người rất vất vả mới có thể tìm lại được một phần. Rõ ràng như là có những bàn tay nào đó đã im lặng phối hợp với các tập đoàn mạng xã hội quốc tế để tháo dỡ dần dần những điều khiến con người Việt Nam nhìn thấy mà phải suy nghĩ, phải day dứt hay thôi thúc muốn thực hiện quyền công dân chính đáng của mình. Tất cả nhường chỗ cho những từ khóa tìm kiếm chỉ hiện hình trò vui, tấu hài, giật gân…


Có thể đây là một nhận định cá nhân, cũng không cần phải quan tâm. Nhưng bạn có bao giờ tự hỏi có bao giờ như lúc này, tấu hài, làm hề, dựng các trò vui khiến các nhân vật biểu trưng trong dòng chảy đó nổi bật hơn bao giờ hết. Nghệ sĩ kịch nói, cải lương, văn sĩ, họa sĩ… trí thức nói chung khác dòng đều lu mờ trong lộ trình cả nước vào hội cùng cười, cười xuề xòa rồi quên hiện tại trong ký ức mờ ảo. Quên cả biển sự thật của đời, đang bị nhấn chìm ngay trước mắt mình.

Từ thế kỷ 19, gây cười hay hài hước được xem như một bộ môn khoa học, một công cụ được lạm dụng để dẫn dắt. Nói thẳng thừng như Lenin “nghệ sĩ là chiến sĩ” – nhưng ở thời đại văn minh ngày nay, người ta cũng nên có lúc tự vấn là loại chiến sĩ ấy phục vụ cho ai, và mục đích tồn tại để làm gì.

Trong tập nghiên cứu của mình có tên Dealing with Angry Crowds, tiến sĩ Frank Benest, giáo sư về quản trị công từ California State University, Long Beach, chỉ ra rằng những nhóm người ở thế yếu hoặc bất lực trước quyền lực thường là tác nhân của các làn sóng bất mãn trong xã hội. Nếu muốn chế ngự hoặc triệt tiêu sự giận dữ luôn âm ỉ trong họ – thường thấy ở các chế độ kiểm soát con người – nhà cầm quyền thường dùng đến công cụ trò vui, hài hước như có vẻ chỉ trích, có vẻ nói thẳng, phô bày sự thật, nhưng thật ra là tạo một cảm giác công bằng lên tiếng giả tạo, để hạ nhiệt những gì đã diễn ra.

Những điều như vậy đã được giới làm chính trị nhận ra từ thế kỷ 19, và đến giờ đã trở thành bài học giáo khoa cho các phương thức thao túng đám đông.

Giữa sự thật và gian dối, luôn có một lằn ranh, dù mỏng manh, nhưng vẫn dễ dàng hiện ra khi đám đông tỉnh táo quan sát và đặt câu hỏi, đặt lại giá trị về cuộc sống mà họ đang ở trong đó. Năm 2017, trong lúc thế giới đang chao đảo bởi các chuyện tin giả nói như thật, những chuyện cười cợt chính trị vô lý nhưng lại được đám đông thích thú cổ vũ, tổ chức PEW đã thực hiện một nghiên cứu và tập hợp nhiều chuyên gia, trí thức để nhận định về làn sóng truyền thông này.


Văn bản những nhận định và phân tích đó được để lại trong tập The Future of Truth and Misinformation Online. Giám đốc dự án nghiên cứu Michel Grossetti, thuộc French National Center for Scientific Research, đã tổng kết rằng việc sự thật bị cố ý xóa nhòa vẫn luôn diễn ra trong các âm mưu để duy trì quyền lực hay sự ổn định tạm thời – luôn có một cuộc giành giật giữa lẽ phải và sai trái, luôn như vậy (There will be a competition between the true and the false, as always).

Ở Việt Nam, nổi bật với chương trình Táo quân hàng năm của Đài Truyền hình Trung ương (VTV), người ta nhìn thấy sự thật và những vấn đề nhức nhối của xã hội luôn bị cào bằng với tiếng cười. Sự bất bình trong cuộc sống của đám đông không có thực quyền cải tạo xã hội, mà chỉ có thể bày ra nỗi niềm của mình trên mạng, thì các câu chuyện đau đớn hoặc cay đắng bị xóa nhòa lằn ranh công lý qua tiếng cười, và tạo ra một đám đông tự an ủi với lòng mình đại khái như kiểu “hóa ra ‘ở trên’ họ cũng biết và cũng bất bình như mình”.

Dĩ nhiên, đó là cách thao túng được đầu tư, để đám đông, sẽ có những thành phần tối thiểu, cảm thấy nhẹ lòng và tự huyễn hoặc rằng công lý tiếng cười cũng là một cách thực thi tinh thần pháp luật cộng đồng.

Tạm chọn một chương trình nổi bật nhất để minh họa: Bạn đã nghe Táo nào trong đêm 30 nói về những quan chức Việt Nam cấu kết với đường dây buôn người bị Liên Hiệp Quốc cảnh báo chưa? Bạn đã nghe bình luận nào xác đáng – dù là cười thôi – về Việt Á và trùm cuối của nó?

Hay bạn đã nghe một nhận định hài hước nào về tính hệ thống của các quan lại từ trung ương đến địa phương róc xương thịt đồng bào qua các chuyến bay giải cứu rực rỡ? Ngay cả việc cứu hộ quái lạ mất đến 21 ngày – dù chỉ đưa thi thể một đứa bé lên mặt đất, cũng không có loại Táo nào đứng ngoài cây bút kiểm duyệt để dám nhếch mép. Tất cả đại án quốc gia được tổ chức nắm tay nhau chằng chịt và công phu, được quy đổi về chuyện chỉ là vấn đề cá nhân hư hỏng sai lầm, và nếu có cười, thì cũng là những nụ cười được cho phép, cười trơ trẽn.

Nói cho cùng, cười khoác áo “minh bạch phê phán” như Táo quân của truyền hình Việt Nam, chỉ là cười vào những ai không thể chống lại mình, cười vào những kẻ đã ngã ngựa cùng đường – hung hăng và rất an toàn. Học giả Nguyễn Văn Vĩnh từ xưa đã nhận ra bóng tối của nụ cười Việt. Ông từng viết “An Nam ta có cái lạ thế nào cũng cười… Nhăn răng hì một tiếng mọi việc hết nghiêm trang”.

Đất nước hôm nay quả vậy, có những chuyện thật đáng để lặng người, thì khi được tổ chức cười vui, lập tức ý nghĩa sự kiện cũng mất dần sự nghiêm trọng. Có lẽ đến lúc người Việt cần loại bớt nhu cầu cười đã thành thói quen của mình sau nhiều năm được rèn giũa một cách công phu từ nhiều hướng. Đất nước Việt bây giờ thật sự cần những người nhìn, nghe và biết đau hơn là chỉ biết vui cười theo những kịch bản vụng về.

User avatar
MatVit
Posts: 832
Joined: Fri Sep 02, 2011 9:18 pm

Re: Tạp Ghi , Chuyện Phiếm , Chuyện Vui Hàng Ngày

Post by MatVit »

Tuyên thệ khi nhậm chức và thanh minh khi bàn giao chức vụ là “văn hoá của chính khách”?

Mai Bá Kiếm
4-2-2023

Sáng 26/7/2021, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tuyên thệ: “Trước cờ đỏ sao vàng thiêng liêng của Tổ quốc, trước Quốc hội, trước đồng bào cử tri cả nước, tôi – Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam xin tuyên thệ: Tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Nhân dân và Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam. Tôi nguyện nỗ lực rèn luyện phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó“.


Cùng ngày 5 năm trước (26/7/2016), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tuyên thệ gần y chang: “Dưới cờ đỏ sao vàng thiêng liêng của Tổ quốc, trước Quốc hội, và đồng bào, cử tri cả nước, tôi Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, xin tuyên thệ: Tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với nhân dân, với Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nỗ lực công tác tốt để hoàn thành nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó“.

Chiều ngày 4/2/2023, nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc mượn lễ bàn giao cho Quyền Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân để “thanh minh thanh nga, út bạch lan thành được” rằng: “Gia đình tôi, vợ, các con tôi không tư lợi, tham nhũng liên quan đến Việt Á, chưa bao giờ gặp giám đốc Việt Á, điều này đã được Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận rõ ràng“.

Nhớ lại Harry S. Truman (8/5/1884 – 26/12/1972) là tổng thống thứ 33 của Hoa Kỳ (1945–1953), kế nhiệm do cái chết của Franklin D. Roosevelt – khi ông làm phó tổng thống. Người ra lệnh thả bom nguyên tử vào hai đảo Hiroshima và Nagasaki buộc Nhật hoàng đầu hàng, gây ra nhiều tai tiếng!

Ông tái đắc cử vào năm 1948, nhưng không kiểm soát được Quốc hội và không thể thông qua một chương trình Thỏa thuận Công bằng (Fair Deal) của ông, phải thất cử ở nhiệm kỳ thứ ba bởi tổng thống Cộng hòa Eisenhowser.

Khi bàn giao chức tổng thống, Harry S. Truman chỉ nhắn nhủ người kế nhiệm: “Thành công đến bất ngờ hơn khi bạn không quan tâm tới lợi ích” (It is amazing what you can accomplish if you do not care who gets the credit), chứ không “mượn dịp thanh minh” với bàn dân thiên hạ rằng “vợ con tôi không tư lợi, tham nhũng liên quan tới tập đoàn nào đó”.

Cái tầm “vịt quay, đầu tàu” chỉ như vậy thôi!

_____


https://baotiengdan.com/wp-content/uplo ... 04.mp4?_=1
Mời xem clip Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đọc diễn văn “từ chức”. Nguồn: CTV Tiếng Dân gửi tới.

User avatar
MatVit
Posts: 832
Joined: Fri Sep 02, 2011 9:18 pm

Re: Tạp Ghi , Chuyện Phiếm , Chuyện Vui Hàng Ngày

Post by MatVit »

Hóa ra dân ta cày xấp mặt để làm giàu cho lũ vô học!
Ông Tư Sài Gòn

Image
Biếm họa

Đó là lời ta thán của nhiều người khi đọc bản tin: “Trung tướng Tô Ân Xô: Có giám đốc Trung tâm đăng kiểm không biết chữ” trên trang mạng VNExpress.

Bản tin này liên quan đến vụ các trung tâm đăng kiểm đang bị thanh tra tại Sài Gòn, Long An, Tiền Giang, Sóc Trăng, Đồng Tháp, Bến Tre, Bắc Giang, Bắc Ninh.

Riêng tại Sài Gòn, công an đã khám xét 13 trung tâm kiểm định, bắt 43 tên lãnh đạo trung tâm và khởi tố với các tội danh Nhận hối lộ, Môi giới hối lộ và Giả mạo trong công tác.


Điều khiến dư luận ngạc nhiên là trong những tên giám đốc trung tâm bị bắt, có tên “không biết đọc, không biết viết”, như lời xác nhận của Trung tướng Công an Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng, người phát ngôn Bộ Công an.

Theo báo chí trong nước, nhân vật “mù chữ” này tên Hồ Hữu Tài, Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới số 50-17D tại số 1031 Nguyễn Hữu Thọ, ấp 2, xã Long Thới, huyện Nhà Bè, Sài Gòn.

Ông Thiếu tướng Xô nói, sau khi bị bắt, ông Tài khai với cơ quan điều tra rằng ông ta chỉ mới học lớp 3 cách đây… 50 năm! Ông Xô còn cho biết thêm “Hành vi liều lĩnh như thế cũng là lần đầu được phát hiện, ngoài ra còn có nhiều nữa trong quá trình điều tra”. Chẳng biết ý ông Xô nói “nhiều” là bao nhiêu, vài trăm hay vài… triệu đảng viên giống như thế. Tuy nhiên, chỉ nội chi tiết giám đốc học lớp 3 thôi, đã khiến dư luận trên mạng xã hội bàn tán xôn xao.

Tài khoản Nguyen Dinh Trong cho rằng ông Tài này “khai man lý lịch”, vì nếu ông ta học hết lớp ba, thì phải biết đọc, biết viết. Suy ra ông Tài “mù chữ”, có nghĩa là không đi học.
Image
Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới số 50-17D tại số 1031 Nguyễn Hữu Thọ, ấp 2, xã Long Thới, huyện Nhà Bè, Sài Gòn –
Ảnh: Google

Một tài khoản có tên viết tắt là MN phân tích kỹ hơn:

“Hồi thời VNCH, lớp Ba đã biết đọc biết viết rồi, lại còn biết chào hỏi, đi thưa, về trình. Nên tôi nghĩ rằng 50 năm trước ông Tài được học lớp Ba dưới mái trường XHCN nên mới không biết đọc, không biết viết như vậy”.


Tài khoản Hoàng Thiên Lâm có vẻ như không đồng ý với nhận định của MN, khi cho rằng mái trường XHCN đã sản sinh ra rất nhiều “anh hùng hào kiệt” như ông Nguyễn Văn Bảy năm xưa. Thiên Lâm viết:

“Ngày xưa ông ‘anh hùng’ Nguyễn Văn Bảy học 7 ngày lên 7 lớp, sau đó 7 lần lái máy bay chiến đấu Mig-17 bắn rời 7 máy bay Mỹ dễ dàng thì ngày nay ông Tài chỉ học lớp Ba nhưng đầu óc đã là ‘tiến sĩ’ rồi thì ngồi ghế giám đốc cũng đâu có gì lạ”.

Như thế rõ ràng trường hợp của Hồ Hữu Tài không phải là hy hữu ở một đất nước cứ “ra ngõ là gặp ăn cướp”, khiến Facebooker Nguyễn Thùy Dương phải “ngợi ca” đồng chí Tài:

“Dù chỉ học hết lớp 3 nhưng bằng sự thông minh của giai cấp vô sản, đồng chí ấy đã lẫm liệt lên lãnh đạo tới cái gì luôn rồi. Nghiệp đúng là nghiệp…. bần cố nông!”

Thấy giáo Chu Mộng Long dùng từ khác để miêu tả hạng người này: Bọn vô học! Ông viết trên Facebook:

“Đọc xong bài báo, tôi không ngạc nhiên khi nghe một đồng nghiệp kể mua cái ô tô mới toanh, nhưng mỗi lần đăng kiểm phải tốn hàng chục triệu đồng để nuôi mấy đứa vô học. Thôi thì xe mới không chết ai, chứ xe cũ, xe hỏng mà đăng kiểm lấy giấy chứng nhận an toàn là phạm tội giết người.

Mà cũng lạ. Cán bộ của ta khi được bổ nhiệm phải theo quy trình 5 bước, trong đó có kê khai bằng cấp, trình độ, có thông qua các cấp ủy. Vậy thì cấp ủy hay “cấp quỷ” mà để lọt loại cán bộ không biết chữ?

Theo tướng Xô, không phải một mà ‘còn nhiều nữa’ thì là bao nhiêu? Không chừng có đến bốn triệu (đảng viên – ghi chú thêm của người viết) cũng nên?

Tôi đề nghị Bộ Công an trị tội mấy giảng viên đại học đang đòi cán bộ, giáo viên phải có bằng thạc sĩ, vì mấy ông bà này cũng là ‘quỷ’. Quỷ đói kiếm ăn bằng cách đòi sửa luật quy định cán bộ, giáo viên phải có bằng thạc sĩ. Vị giám đốc kia không biết chữ, nhưng chắc chắn phải có bằng cấp. Mà bằng cấp không do giáo dục đẻ ra thì là ai?”

Nói như thầy Long hóa ra từ hồi “giải phóng” đến nay, dân miền Nam cày xấp mặt để làm giàu cho lũ vô học à!

User avatar
macco
Posts: 3542
Joined: Mon Jan 17, 2005 8:04 am

Re: Tạp Ghi , Chuyện Phiếm , Chuyện Vui Hàng Ngày

Post by macco »

Sài Gòn có tất cả mọi thứ, trừ nhà vệ sinh công cộng!
An Vui


Image
Một trong những nhà vệ sinh công cộng ở Sài Gòn, ai dám bước vào? Chưa kể nơi đây thường là chỗ tụ tập của dân nghiện hút –

Đó là đánh giá của Nikkei Asia cuối Tháng Giêng 2023 khi công bố bảng xếp hạng nhà vệ sinh công cộng ở 69 thành phố du lịch trên thế giới theo đánh giá của QS Supplies, một công ty có trụ sở tại Anh.

Trong bảng xếp hạng các nhà vệ sinh công cộng ở các thành phố du lịch trên thế giới, Hà Nội đứng thứ 66/69, còn Sài Gòn đứng thứ 67/69, gần như đội sổ, một điều hoàn toàn đúng.

Thứ hạng nhà vệ sinh công cộng ở Hà Nội và Sài Gòn chỉ đứng trên Johannesburg (Nam Phi) và Cairo (Ai Cập), có khoảng cách khá xa với Kuala Lumpur (Malaysia) đứng thứ 42, Bangkok (Thái Lan) đứng thứ 45…


Bảng xếp hạng dựa trên số nhà vệ sinh công cộng có trên mỗi km vuông, và 10 thành phố có mật độ nhà vệ sinh công cộng cao trên mỗi km vuông đều thuộc các quốc gia giàu có và phát triển như Paris, Zurich, Barcelona…; trong khi nhóm thành phố bị xếp hạng gần chót chủ yếu ở châu Phi hoặc các nước nghèo châu Á.

Với hơn 13 triệu dân, Sài Gòn chỉ có khoảng 200 nhà vệ sinh công cộng (trong đó có cả nhà vệ sinh công cộng bị bỏ hoang), còn Hà Nội khá hơn, gần 400 cái. Nhà vệ sinh công cộng có lẽ cũng là một trong những lý do khiến du khách quốc tế quay trở lại Việt Nam chưa tới 10%, trong khi có 40% du khách quốc tế quay lại Thái Lan.
Image
Bảng thống kê 15 thành phố có điều kiện nhà vệ sinh công cộng kém nhất, Hà Nội vị trí 66 và Sài Gòn 67/69 thành phố du lịch thế giới – Ảnh chụp màn hình

Khi đi tìm kiếm nhà vệ sinh công cộng ở quận 1, Sài Gòn, phóng viên báo Thanh Niên chỉ đếm được khoảng 10 cái và cho biết ở khu phố Tây (Bùi Viện – Trần Hưng Đạo – Cống Quỳnh – Phạm Ngũ Lão – Nguyễn Thái Học) không có nhà vệ sinh công cộng nào. Đường Nguyễn Huệ và Hai Bà Trưng ngay trung tâm quận 1 mỗi nơi chỉ có một nhà vệ sinh công cộng, còn bến Bạch Đằng không có cái nào, dù du khách đổ về đây mỗi buổi chiều và tối rất đông.

Truyền thông về du lịch của Việt Nam thường chỉ chú ý đến những bài báo vinh danh như Sài Gòn là một điểm đến hàng đầu châu Á năm 2023 (xếp hạng của Fodor’s Travel của Hoa Kỳ); Sài Gòn và Hội An có tên trong Top 25 điểm đến là xu hướng du lịch hàng đầu năm 2023 (Tripadvisor – nền tảng du lịch hàng đầu thế giới bình chọn); Hà Nội có tên trong Top 3 điểm đến ẩm thực hàng đầu thế giới năm 2023 (xếp hạng của Travel + Leisure) nhưng chưa có bài nào đề cập đến thực trạng nhà vệ sinh công cộng ở hai thành phố lớn nhất nước này. Nói chung, với truyền thông Việt Nam thì cứ khen là được!

Mỉa mai, Nikkei Asia nhận định: “Đường phố TP.HCM có mọi thứ mà khách du lịch mong muốn như thức ăn ngon, lịch sử kiến trúc sâu sắc, cuộc sống sôi động… Tất cả đều hấp dẫn, trừ nhà vệ sinh”! Đúng như vậy.


Đây không phải lần cảnh báo đầu tiên. Vì hồi năm 2014, nhà vệ sinh công cộng ở Việt Nam đã là một trong bảy nỗi sợ của du khách ngoại quốc. Số lượng vừa ít (kiếm đỏ mắt mới có), vừa… không sử dụng được vì quá dơ dáy hoặc đang khóa cửa bỏ hoang.
Image
Bên trong một nhà vệ sinh công cộng ở trung tâm quận 1, thà “nhịn” còn hơn –

Hồi năm 2014, Sài Gòn từng khai trương rầm rộ một số nhà vệ sinh công cộng tiêu chuẩn 4 – 5 sao ở các công viên Tao Đàn, 23/9 và Lê Văn Tám (thuộc quận 1) do ngân hàng Sacombank đầu tư với chi phí từ 800 triệu – 1 tỷ đồng/cái (trị giá lúc đó $37,654 – $47,067). Mỗi nhà vệ sinh công cộng này có diện tích 60m2, sạch sẽ, vì có người dọn dẹp thường xuyên. Thế nhưng hiện nay, hệ thống này đã không còn giữ được vẻ sạch sẽ do thiếu người dọn dẹp, chưa kể một số điểm đã không còn hoạt động.

Năm 2016, Sài Gòn có kế hoạch xây dựng 1,000 nhà vệ sinh công cộng, kinh phí dự định khoảng 110 tỷ đồng (trị giá lúc đó $4.8 triệu) do công ty Vinasing đầu tư. Hà Nội cũng có kế hoạch tương tự với sự đầu tư của công ty này.

Thế nhưng, tới nay kế hoạch này ở Sài Gòn vẫn chỉ nằm trên giấy và lý do theo Sở Tài nguyên Môi trường là Sài Gòn thiếu quỹ đất công và mô hình hợp tác công – tư đã không còn được áp dụng. Hà Nội khá hơn, cũng chỉ xây được 85 nhà vệ sinh công cộng trên tổng số 416 vị trí đã khảo sát đủ điều kiện.

Kinh nghiệm của tôi khi đi chơi ở khu trung tâm thành phố (Sài Gòn lẫn Hà Nội) là khi mắc vệ sinh nên vào một quán cà phê hiệu như Starbucks mua một ly nước… hoặc vào hẳn trung tâm thương mại do người ngoại quốc đầu tư như Aeon, Takashimaya, Diamond… vì chỉ có dân ngoại quốc mới chú trọng đến sự sạch sẽ của nhà vệ sinh.

hoangphong
Posts: 391
Joined: Tue Feb 12, 2019 7:20 am

Re: Tạp Ghi , Chuyện Phiếm , Chuyện Vui Hàng Ngày

Post by hoangphong »

Câu hỏi trước ngày 30 tháng 4
Trương Nhân Tuấn
26-4-2023

Đất đai, lãnh thổ của Việt Nam thì ở đâu cũng như nhau. Thủ Thiêm hay Hoàng Sa, Trường Sa… đều có giá trị như nhau, đều là lãnh thổ của quốc gia.


Câu hỏi đặt ra, trước ngày 30 tháng Tư, là đồng bào Việt Nam có sẵn lòng hy sinh để bảo vệ đất nước, khi một ngoại bang nào đó xâm phạm lãnh thổ hay không?

Cá nhân tôi thì từ lâu đã có câu trả lời rồi.

Mở dấu ngoặc ở đây là tôi không “nhân danh” ai để đấu tranh hết cả. Tôi chỉ cố gắng nghiên cứu tài liệu, sử sách các nơi với mục đích thiết lập lại công lý. Tức đem lại sự thật cho lịch sử, như làm bổn phận của một người viết sử, ngay cả với tư cách một người viết sử không chuyên nghiệp.

Tôi cũng không tranh đấu cho ai hết cả. Tôi chỉ tranh đấu để đất nước Việt Nam ngày thêm tốt đẹp hơn, các thế hệ tương lai Việt Nam không còn sống cảnh “trai làm nô, gái làm tì” cho ngoại bang, ngay trên đất nước của mình. Đóng dấu ngoặc.


Tại sao tôi phải đổ máu để bảo vệ lãnh thổ, thí dụ Thủ Thiêm, mà tôi biết chắc rằng những hy sinh của tôi chỉ để phụng sự cho bọn tư bản đỏ, những trọc phú địa ốc mà một người trong bọn họ làm giàu là có hàng trăm, hàng chục nạn nhân mất nhà mất đất?

Tại sao tôi phải hy sinh giữ biển khi mọi tài nguyên dầu khí đã được hút lên từ 1975 đến nay, không thấy một đồng đưa vào đầu tư cho dân VN, đặc biệt dân miền Nam, nơi có các mỏ dầu đã và đang khai thác. Đường xá, nhà thương, trường học… đại đa số xây dựng là tiền vay nước ngoài.

Phải cho tôi một lý do để tôi sẵn sàng hy sinh, cũng như sẵn sàng hô hào mọi người cùng hy sinh để bảo vệ đất nước.


Đến nay tôi không thấy lý do nào hết cả. Ngoài những chuyện xấu xa, nghe qua là thấy chán.

CSVN bây giờ đã đưa Việt Nam trở thành một “quốc gia côn đồ”. Các vụ tổ chức bắt cóc người ở nước ngoài, mới đây là Thái lan, cho thấy CSVN bất chấp mọi nguyên tắc nền tảng của Hiến chương LHQ (cũng như các cam kết trong nội bộ ASEAN). CSVN, qua hệ thống “hồng vệ binh” của họ, còn đe dọa xâm lược Thái Lan, đòi đem xe tăng qua Bangkok.

Trong quá khứ chưa từng có tập đoàn lãnh đạo quốc gia nào như CSVN đã ăn cướp của cải của ngoại kiều, ở đây là Hoa kiều, sau đó đuổi họ đi khỏi nước, bằng phương tiện tự túc, với hai bàn tay trắng. Chưa hề có tập đoàn lãnh đạo quốc gia nào đã lột sạch của cải của nhân dân, như CSVN, sau đó cưỡng ép họ vượt biên, gây thảm trạng thuyền nhân với gần 1/2 triệu người chết. Tập đoàn lãnh đạo CSVN đã làm vậy với nhân dân miền Nam Việt Nam.

CSVN đã đưa quốc gia Việt Nam vào hạng côn đồ, như bản chất của họ. Tôi không ngạc nhiên khi nay mai họ sẽ cho hồng vệ binh đi ám sát, giết người, hay cho đặt bom, làm khủng bố ở nước ngoài.

Vì vậy, không, tôi sẽ không tranh đấu để để “bảo vệ đất nước”. Bởi vì tôi thấy, nếu đất nước lọt vô tay “ngoại bang”, như Mỹ, Pháp… thì dân tộc Việt Nam sẽ tốt hơn rất nhiều lần so với chế độ bây giờ.

Bình Luận từ Facebook

langbat
Posts: 256
Joined: Sat Sep 22, 2012 3:50 am

Re: Tạp Ghi , Chuyện Phiếm , Chuyện Vui Hàng Ngày

Post by langbat »

Tạp Ghi
Image

Phở từ “Hà Nội 36 Phố Phường” đến Little Saigon
Vương Trùng Dương

Nói về món ăn thuần túy ở Việt Nam, mỗi miền nổi tiếng với đặc sản riêng, khi gọi tên món ăn đó gợi lên hình ảnh của nơi nào rồi. Với món phở, theo thời gian đã đi vào văn chương qua các ngòi bút nhà văn, nhà thơ từ đầu thận niên của thế kỷ XX trong các tác phẩm.
Nhà văn Nguyễn Công Hoan ghi nhận: “Năm 1913... trọ số 8 hàng Hài... thỉnh thoảng tối được ăn phở (gánh phở rong). Mỗi bát 2 xu, có bát 3 xu, 5 xu”.

Trong quyển Giòng Nước Ngược của Tú Mở (nhạc phụ của nhà văn Doãn Quốc Sỹ) ấn hành ở Hà Nội năm 1934, có bài thơ “Phở” Đức Tụng:
“Trong các món ăn “quân tử vị”,
Phở là quà đáng quý trên đời.
Một vài xu, nào đắt đỏ mấy mươi,
... Phở xơi no cũng đỡ nhọc nhằn.
Khách làng thơ đêm thức viết văn,
Được bát phở cũng đỡ băn khoăn óc bí
… Phở bổ âm, dương, phế, thận, can, tì
Bổ cả ngũ tạng, tứ chi, bát mạch
… Ai ơi, nếm thử kẻo thèm”

Trong cuốn tùy bút Hà Nội 36 Phố Phường của Thạch Lam, NXB Đời Nay, Hà Nội năm 1943. Chương 2: Phở Bò - Món Quà Căn Bản:
“Phở là một thứ quà thật đặc biệt của Hà Nội, không phải chỉ riêng ở Hà Nội mới có, nhưng chính là vì chỉ ở Hà Nội mới ngon. Đó là thứ quà suốt ngày của tất cả các hạng người, nhất là công chức và thợ thuyền. Người ta ăn phở sáng, ăn phở trưa, và ăn phở tối. Phở bán gánh có một vị riêng, không giống như phở bán ở hiệu. Các gánh phở có tiếng ở Hà Nội đều được người ta đặt tên và tưởng nhớ: phố Hàng Cót, phố ô Quan Chưởng, phố Cửa Bắc v.v…
Kẻ viết bài này vẫn trung thành với lối phở cổ điển cũng như ưa nghe tuồng chèo giữ đúng điệu xưa”.
Chương 3: Phở Gà: “Ở Hà Nội, có hai ngày trong tuần mà những người “chuyên môn ăn phở” bực mình: thứ Sáu và thứ Hai. Hai ngày đó là hai ngày không thịt bò. Anh nào nghiện thịt bò, nhớ phở bò hai hôm ấy như gái nhớ trai, như trai nhớ gái.
Thật ra công việc so sánh phở bò và phở gà không thể thành được vấn đề, nhưng một buổi sáng mùa thu rỗi rãi, trời hơi lành lạnh, mà ngồi ăn một bát phở gà, có đủ rau mùi, hành sống, vừa ăn vừa nghĩ thì phở gà cũng có một phong vị riêng của nó, khác hẳn phở bò. Điều người ta nhận thấy trước nhất là phở gà thanh hơn phở bò: thịt dùng vừa đủ chứ không nhiều quá: ở giữa đám bánh phở nổi lên mấy miếng thịt gà thái nhỏ xen mấy sợi da gà vàng màu nhạt, điểm mấy cuộng hành sống xanh lưu ly, mấy cái rau thơm xanh nhàn nhạt, vài miếng ớt đỏ: tất cả những thứ đó tắm trong một thứ nước dùng thật trong đã làm cho bát phở gà có phong vị của một nàng con gái thanh tân - nếu ta so sánh bát phở bò với một chàng trai mà hào khí bốc lên ngùn ngụt.
… Vì thế, những hàng phở gà ngon vẫn thường dùng gà mái, ăn thơm mà mềm. Về điểm này, có một hàng phở gánh, đỗ ở dưới một gốc si phố Huyền Trân Công Chúa đặc biệt lưu ý tới, mà cũng đặc biệt nữa là người hàng phở này quanh năm chỉ bán phở gà, nhất quyết làm khác hẳn phở Tráng, không bán phở bò, “dù có thể làm được phở bò ngon”.
Nguyễn Tuân viết tùy bút Phở với nhiều phát hiện độc đáo. Nào là sự phân biệt giữa “xẩu” và “xương” trong nồi phở. Nhiều người cứ nghĩ “xẩu” cũng giống như “xương”, là một tiếng đệm mà thôi, nhưng thực ra “xẩu” có nghĩa là những đầu xương trong nồi phở có dính thịt và những cái xương chưa róc hết thịt… Nguyễn Tuân còn đề cập bát phở ngon nhất đối với ông luôn luôn là một “bát phở cổ truyền Hà Nội ăn ngay bên lò than quả bàng đỏ lửa giữa ngàn năm văn vật”.
“Phở còn tài tình ở cái chỗ là mùa nào ăn cũng thấy có nghĩa thâm thúỵ Mùa nắng, ăn một bát, ra mồ hôi, gặp cơn gió nhẹ chạy qua mặt qua lưng, thấy như giời quạt cho mình. Mùa đông lạnh, ăn bát phở nóng, đôi môi tái nhợt chợt thắm tươi lại…”
Trong bài viết của Tôn Thất Thành về nhà văn Nguyễn Tuân sau năm 1975 ở Sài Gòn được mời ăn phở:
“Nói đến nhà văn Nguyễn Tuân thì ít ai không biết vài giai thoại độc đáo về chuyện ăn uống của ông. Ông vốn là người rất kỹ tính trong việc này. Ông kén từ cái ăn, đồ dùng để ăn đến cách ăn, chỗ ăn. Nhưng, kén nhất là kén người ăn cùng với ông… (khách mời có con gái trưởng và cháu ngoại Phạm Quỳnh).
Tối hôm ấy, y lời hẹn, tôi đi xe đạp, chở mẹ tôi đến số nhà 125-E đường Nguyễn Đình Chiểu (mà anh Nguyễn Ngọc Lương còn cẩn thận nhắc tên cũ là đường Phan Đình Phùng, sợ đi xe xích lô nói tên mới có người không biết). Đến nơi thì ra nhà số 125 ấy là một cái hẻm nhỏ, rộng độ 2 mét, các nhà kế bên nhau bên tay phải đánh số từ 125-A đến 123-I. Nhà anh Nguyễn Ngọc Lương (nhà văn Nguyên Nguyễn) ở giữa.
Trời tối, mẹ con tôi tìm đến nhà 125-E thì có tiếng một người đàn ông lớn tuổi đằng hắng, (nhà văn Nguyễn Tuân)
… Chủ khách đang nhâm nhi rượu ngon và bàn phiếm ba câu chuyện về các loại rượu, thì vừa lúc mùi phở Hà Nội đặc trưng tỏa ra ngào ngạt: Chị Quyến (vợ anh Lương) bưng một mâm bốn tô khói thơm phưng phức. Chị chủ nhà mời mọi người cầm đũa, thìa và không quên nhấn mạnh là “Nước dùng này tôi ninh xương bò, lợn cả nửa ngày với các thứ củ chứ tuyệt không dùng chút bột ngọt (Chị sợ dân Bắc chưa quen, còn nói thêm “tức là mì chính ấy ạ”). Các bác xơi xem có đúng vị phở Hà Nội không”.
Nhà văn Nguyễn Tuân chưa ăn ngay, mà xin cái bát nhỏ, cái thìa sứ và ít lát ớt. Sau đó, ông từ tốn như một nghi lễ đã quen: sớt một ít bánh phở và nước ra bát nhỏ, gắp vài miếng thịt bò chín, rồi lấy cái thìa sứ gắp vài sợi bánh phở vào, thêm một lát thịt và một lát ớt rồi giầm cả xuống nước phở nóng, sau đó lấy đũa và dần vào miệng từng chút một.
Cứ vài thìa, lại nhâm nhi chút rượu vang, im lặng thưởng thức món quà của một phụ nữ Hà Nội gốc, như anh Lương đã giới thiệu về vợ.
… Thấy khách mải nói chuyện văn chương, chẳng ai nhận xét gì về phở cả, bà chủ phải lên tiếng: “Các bác xơi phở em làm thấy có được không?” Nguyễn Tuân đã ăn xong hai chén nhỏ, vui vẻ nói với nét mặt rạng rỡ: “Ngon lắm, đúng vị phở Hà Nội”
… Nhà văn Nguyễn Tuân đã vì quí mến Phạm Quỳnh mà để cả một buổi tối dùng phở, trò chuyện chân tình với mẹ con tôi, là con và cháu người”
Có giai thoại kể rằng khi Nguyễn Tuân được mời ăn phở trên đường Paster (trước năm 1975 thường gọi là con đường phở), khi có tô phở trên bàn, nhà văn không ăn mà chỉ ngửi hương vị phở đã tắm tắc khen ngon vì trải qua những thập niên ở Hà Nội với “phở quốc doanh”!
Trong quyển tùy bút Miếng Ngon Hà Nội của nhà văn Vũ Bằng, Sài Gòn năm 1960. Với 15 món trong Miếng Ngon Hà Nội, nhà văn coi như các món “quốc hồn, quốc túy”. Bài viết Phở Bò - Món Quà Căn Bản. Ông nhớ về từng hàng phở của Hà Nội xưa như: phở Sứt, phở Nhà thương Phủ Doãn, phở Đông Mỹ ở phố Mới, phở Cống Vọng kéo xe, phở Mũ Đỏ đằng sau miếu chợ Hôm, phở Tàu Bay ở ngã ba phố Hàm Long…
Vũ Bằng mô tả về Phở Tráng ở phố Hàng Than, được mệnh danh là “vua phở 1952”. Ông gọi bát phở ấy là một “bài thơ phở”: “Cứ nhìn bát phở không thôi cũng thú. Một nhúm bánh phở, một ít hành hoa thái nhỏ, điểm mấy ngọn rau xanh thơm biêng biếc; mấy nhát gừng màu vàng thái mướt như tơ; mấy miếng ớt mỏng vừa đỏ màu hoa hiên vừa đỏ sẫm như hoa lựu… Nước dùng nóng lắm đấy, nóng bỏng rẫy lên, nhưng ăn phở có như thế mới ngon. Thịt thì mềm, bánh thì dẻo, thỉnh thoảng lại thấy cay cái cay của gừng, cay cái cay của hạt tiêu, cay cái cay của ớt; thỉnh thoảng lại thấy thơm nhè nhẹ cái thơm của hành hoa, thơm hăng hắc cái thơm của rau thơm, thơm dìu dịu cái thơm của thịt bò tươi và mềm… Rồi thì hòa hợp tất cả những vị đó lại, nước dùng ngọt cứ lừ đi, ngọt một cách hiền lành êm dịu, ngọt một cách thành thực thiên nhiên, không có chất gì là hóa học…”.
Vũ Bằng ca ngợi món phở: “Ngay từ đằng xa, mùi phở cũng đã có một sức huyền bí, quyến rũ ta như mây khói chùa Hương, đẩy bước chân ta, thúc bách ta…
Qua làn cửa kính đã thấy gì? Một bó hành hoa xanh như lá mạ, dăm quả ớt đỏ buộc vào một cái dây, vài miếng thịt bò tươi và mềm: chín có, tái có, sụn có, mỡ gàu có, vè cũng có…
Người bán hàng thỉnh thoảng lại mở nắp cái thùng sắt ra để lấy nước dùng chan vào bát. Một làn khói tỏa ra khắp gian hàng, bao phủ những người ngồi ăn ở chung quanh trong một làn sương mỏng, mơ hồ như một bức tranh tàu vẽ những ông tiên ngồi đánh cờ trong rừng mùa thu… Trông mà thèm quá!”.
Theo ghi nhận, phở Tàu Bay (gốc Bắc) có mặt ở Sài Gòn năm 1954 và nhanh chóng trở thành tiệm phở quen thuộc, phở Thịnh đường Gia Long, Phở Turc đường Turc, phở Minh nằm trong hẻm nhỏ (hẻm 63), đường Pasteur và phở 79 ở đường Frère Louis (sau đó đường Võ Tánh). Phở Cao Vân, không nằm trên đường Trần Cao Vân (Larclause) mà trên đường Mạc Ðĩnh Chi (Massiges) chủ nhân từ Hà Nội vào bán xe phở rồi mở tiệm. Phở Hòa trên đường Pasteur năm 1960, khai trương mang tên Hòa Lộc chỉ có phở bò, thực khác chỉ gọi phờ Hòa. (Xuất xứ phở Hòa được đặt theo tên của một người đàn ông miền Nam tên Hòa làm nghề bán phở rong, với chiếc xe đẩy cà tàng, mỗi ngày ông Hòa thường đẩy xe đi bộ gần 20 cây số từ chợ Xóm Mới (quận Gò Vấp) tới đường Pasteur để bán. Nhờ cơ duyên nào đó, ông đã truyền lại những bí quyết nấu phở cho thân mẫu anh Nguyễn Trang ở đường Pasteur).
Thích phở gà có Hương Bình trên đường Hiền Vương, phở gà Nam Phiên ở đường Trần Quang Diệu. Phở Quyền trên đường Võ Tánh gần cổng phụ của Bộ Tổng Tham Mưu nên thu hút giới quân nhân. Phở Lệ trên đường Nguyễn Trãi, quận 5. Bảng hiệu phở Lệ ghi (Tái Nạm - Gầu - Viên) kèm theo chữ Hán và tiếng Anh (Beef Noodle Soup Restaurant). Thời gian đầu phở Bắc không có rau, dần dà theo sở thích của người miền Nam nên có thêm loại rau thơm như rau húng quế, bạc hà, ngò gai, hành xanh và hành trắng, chén củ hành tây bào… và giá.

Riêng phở không bảng hiệu có mặt từ năm 1958 trong hẻm 288 đường Công Lý (trước năm 1954 là Mac Mahon. Quán với mái tôn bên ngoài, bàn ghế thấp lè tè nhưng thu hút thực khách trong giới văn nghệ và quan chức… Tiệm không có bảng hiệu, có lẽ chủ nhân là bà Dậu nên gọi phở Dậu.
Có nhiều bài viết, gần đây Phở Dậu của nhà văn Song Thao:
“… Phở Dậu thời của chúng tôi. Thời đó, bàn ghế trong tiệm lỏng chỏng không đồng đều. Hình như chúng được gom dần trong nhiều thời gian khác nhau. Trông chúng cũ kỹ, đơn giản. Có lẽ chủ nhân chẳng cần để ý tới chúng. Cứ có chỗ ngồi và chỗ để tô phở là được. Khách cũng chẳng cần câu nệ. Miễn ăn được bát phở. Nếu những tiệm phở khác thời đó dùng cái có thể gọi là “tô” thì phở Dậu chỉ có “bát”. “Bát là tiếng Bắc, “tô” là tiếng Nam, chẳng phân biệt lớn nhỏ. Nhưng bát phở Dậu nhỏ hơn hẳn những tô phở của các tiệm phở khác. Người ăn khỏe, một bát vẫn thòm thèm. Phải hai bát. Cỡ tôi thì hai bát thì quá bụng nhưng một bát vẫn thiêu thiếu. Thường tôi gọi thêm một bát tái nước có tiết. Tiết là thứ chỉ có ở phở Dậu. Tiết tươi chan vào nước phở nóng tạo thành những màng màu nâu đục là thứ ngọt ơi là ngọt.
… Không thể gọi phở Dậu là tiệm hay quán được. Nó không có được một cái tên. Dậu là tên mà hồi đó thực khách nghĩ là tên của bà chủ. Thực ra bà đứng bán tên là chi, chẳng ai biết. Dậu là tên bà chủ đầu tiên khi tiệm thành lập vào năm 1958. Sau vài năm bà nhường lại tiệm cho bà Uy là bà đang bán phở cho chúng tôi. Bà khoảng ngũ tuần, người nhỏ nhắn, phong thái Bắc kỳ rặt, bận tíu tít nhưng vẫn không bao giờ quên gu tô phở của từng thực khách quen. Những khách quen không cần phải order nhưng tô phở để trước mặt đúng là tô phở ưng ý nhất. Ngay những ý thích nhỏ nhặt của khách bà cũng thuộc nằm lòng.

Ngày đó khi bát phở của tôi được bưng ra không bao giờ thiếu một chén hành tây bên cạnh. Vắt múi chanh, thêm vào chút ớt, chén hành tây ăn kèm với phở ngon tuyệt vời. Cái tên “phở Dậu” chỉ là tên… bán chính thức, thực khách còn đặt cho tiệm này nhiều tên khác. Tác giả Đỗ Duy Ngọc bàn như sau: “Sài Gòn có một quán phở bán suốt mấy chục năm mà chủ nhân không đặt tên quán. Trong suốt một thời gian dài, quán đều do khách đặt tên. Đầu tiên là “Phở Công Lý” vì tiệm nằm trong hẻm thuộc đường Công Lý. Thời gian sau, quán thường có đám khách thường xuyên là các sĩ quan Không Quân. Thành ra quán được gọi là “Phở Không Quân”. Thời gian mang tên này ngắn ngủi vì sự xuất hiện một thực khách đặc biệt. Đó là tướng Nguyễn Cao Kỳ. Từ đó người ta gọi là “Phở Ông Kỳ” hay “Phở Nguyễn Cao Kỳ”.
… Ông Kỳ là thực khách đình đám của phở Dậu nhưng còn có những thực khách khác, cũng đình đám vậy. Như ông Trần Minh Công. Ông nầy là bạn học với tôi tại Chu Văn An. Ông đi du học bên Úc rồi về gia nhập ngành Cảnh Sát. Ông đóng tới lon Đại Tá và giữ chức Viện Trưởng Học Viện Cảnh Sát Quốc Gia. Theo một ông dân cư xá Công Lý từ năm 1955 đến 1988, nơi có phở Dậu, thì “tôi thấy có ông Trần Minh Công tới ăn có ba bốn xe cảnh sát hộ tống”.
… Nhà văn Phan Nghị, từng lê lết nơi phở Dậu, nhớ lại: “Phở Dậu có những đặc điểm không giống bất cứ một tiệm phở nào: không rau, không giá và rất sạch, và nhất là không có cái mùi phở kinh niên. Thịt thái mỏng và bánh phở to bản thích hợp với cái gu của người Hà Nội. Vì ở sâu trong hẻm, nên thoạt đầu khách tới ăn uống rất lơ thơ tơ liễu buông mành, chỉ có dăm bảy mống. Sau đó, nhờ sự cổ động của người Hà Nội, người ta mới bắt đầu chiếu cố tới hương vị không rau không giá đó”.

Sau 1975, phở Dậu là ngã ba hẹn hò của giới ăn phở Dậu trước đó, khi thành phố chưa đổi tên. Ngày đó, bạn bè chúng tôi tan tác sau cơn bão dữ, ai còn, ai đi thoát, ai chưa “cải tạo” về, cứ tới phở Dậu là biết hết. Gọi là “ngã ba hẹn hò” cho thêm phần tình cảm chứ thật ra chúng tôi chẳng ai hẹn ai. Cứ thuận chân tới. Tới sẽ gặp. Gặp rồi đấu láo chửi thề. Thường chúng tôi mắng mỏ nhau sao chậm lụt thế. Trông thấy cái mặt nào còn trình diện là thêm một ngao ngán..”..
Sau nầy bà Uy định cư tại San Jose, mở quán Phở Dậu Phở số 1939 đường Alum Rock Ave Suite H. Song Thao viết tiếp: “Ông bạn thân nhất của tôi ở San Jose là ông ký giả Hà Túc Đạo đã bị cô Vy rủ đi mất tiêu, tôi nắm áo ông bạn chung của ông Hà và tôi là ông Nguyễn Xuân Phác, một cây sành ăn. Ông cho tôi một số tin tức: “Vào thời gian sau 2010, tin Phở Dậu mở ở San Jose đã khiến cho dân ghiền phở nơi đây xôn xao và kéo đến thưởng thức hương vị Sài Gòn cũ khá đông đảo… Tôi có hỏi dò bà cụ thường ngồi khiêm nhường ở một góc quầy thì bà xác nhận chính là chủ Phở Dậu ở Sài Gòn trước đây, nay qua San Jose truyền nghề cho đứa con (hay cháu?), tên Dũng đứng ra mở tiệm. Cô vợ ở quầy tính tiền là con gái một ông chủ tiệm vàng nổi tiếng trong vùng. Tiệm đang kinh doanh phát đạt thì đột nhiên bị xé đôi. Nửa tiệm ở lại tại chỗ vẫn mang tên “Phở Bà Dậu” nhưng bấy giờ do cô vợ làm chủ. Nửa kia do ông chồng mang qua một tiệm ăn mới sang nhượng nhưng trước đó có tên là “Quán Nhà Tôi”. Sau khi sang nhượng, quán mang tên “Phở Công Lý”. Nhưng chỉ một thời gian ngắn sau đó, cả hai tiệm đều đã “âm thầm đóng cửa” không biết lý do vì sao”.
Trong khi Sài Gòn và miền Nam VN món phở “trăm hoa đua nở” thì Hà Nội và miền Bắc trong thời kỳ tem phiếu, bao cấp, thịt khan hiếm nên chỉ sống còn với “phở quốc doanh, phở mậu dịch” chỉ có nước lỏng bỏng, thực khách đến quầy mang ra bàn ăn!
Bà Nguyễn Thị Hậu, tiến sĩ, chuyên gia khảo cổ và nghiên cứu văn hóa viết về phở ở Hà Nội viết: “Những quán phở mậu dịch như vậy thì nổi tiếng với món “phở không người lái”, tức là không có thịt gì cả chỉ có nước dùng trong veo và thậm chí rất nhạt cùng với bánh phở. Có một ít hành ngò và thịt bò, thịt gà thì không bao giờ thấy mà đôi khi chỉ có thịt heo, nếu có vài miếng thịt heo thì rất mỏng mà hồi đó bọn học sinh chúng tôi hay nói đùa là miếng thịt heo nó bay qua bát phở và biến đâu mất không kịp nhận ra cái mùi vị của miếng thịt như thế nào nữa.
Đi kèm với bát phở mậu dịch không người lái như vậy chúng tôi nhớ rất rõ có đôi đũa và cái muỗng bị đục thủng, bị cái đinh đóng thủng vào để ngăn chặn tình trạng người ta lấy cái muỗng về nhà mất.
Cái muỗng nó bị thủng nên khi múc một miếng nước phở lên để húp thì có khi nhiều khi nước nóng nó chưa đến miệng thì nước dùng trong cái thìa đã chảy xuống hết cái tô phở rồi… Cái muỗng bị đục lỗ để tránh bị ăn cắp vẽ nên diện mạo của nền kinh tế bao cấp kiệt quệ, tương quan một cách lý thú với khái niệm “phở gia truyền” của người Hà Nội trong tư duy giữ chặt bí quyết nấu phở nhưng cũng từ đó mất đi sự sáng tạo cần có mà sau này người miền Nam đã mạnh dạn bổ khuyết”.
Bà Nguyễn Thị Hậu nổi tiếng trong giới khảo cổ ở VN, bà cũng là nhà văn và những dòng bà viết của thời sinh viên ở Hà Nội. Chao ôi! “Cái muỗng bị đục lỗ để tránh bị ăn cắp vẽ nên diện mạo của nền kinh tế bao cấp kiệt quệ” không thể nào ngờ nhân cách, phẩm giá con người bị khinh rẻ đến mức đề phòng “bần cùng sinh đạo tặc” như vậy! Có ai gọi phở mậu dịch là “quốc hồn quốc túy”.

*
Nói đến phở ở hải ngoại thì không có nơi nào bằng Little Saigon, Quân Cam, California được xem như “thủ phủ” của món phở. Càng nhiều thì càng cạnh tranh để sống còn nên vừa ngon vừa rẻ. Đồng hương có đến nơi nầy cũng hỏi thăm để thưởng thức món “quốc hồn quốc túy”, có vài tiệm bán thâu đêm.
Với từ phở, các cuốn tự điển Việt như Tự Điển Việt-Bồ-La của Alexandre de Rhodes xuất bản năm 1651 không có từ phở. Tự Điển Huỳnh Tịnh Của (1895), Tự Điển Genibrel (1898) cũng vậy.
Cho đến khi Viêt Nam Tự Điển của Hội Khai Trí Tiến Đức, Hà Nội năm 1930 ghi về phở “Món đồ ăn bằng bánh thái nhỏ nấu với thịt bò” (không có thịt gà). Theo Wikipedia “Phở or pho is a Vietnamese soup dish consisting of broth, rice noodles, herbs, and meat, sometimes chicken. Pho is a popular food in Vietnam where it is served in households, street stalls and restaurants countrywide. Pho is considered Vietnam’s national dish”.
Chữ “rice noodle” không thuần túy là bánh phở nhưng cũng được giải thích chữ: “Banh Pho” is traditionally made from rice flour, coated in thin sheets and then cut into fibers.
Loại gạo xoay nhuyển thành bột, tráng thành bánh mỏng rồi cắt ra thành sợi cũng dành cho các món như hủ tiếu, cao lầu, mì Quảng… Loại nầy sấy khô, đóng gói được bán ở supermarket có tên Việt/Mỹ rất thông dụng. Bún cũng làm bằng bột gạo nhưng chế biến khác nhau, món ăn nầy cũng thông dụng như phở ở trong nước và hải ngoại.
Theo Wikipedia thì một trong những tài liệu đầu tiên nhắc đến phở là cuốn từ điển Hán-Việt Nhật Dụng Thường Đàm của Phạm Đình Hổ biên soạn vào năm 1827. Trong mục thực phẩm, cụm từ chữ Hán “ngọc tô bính” được chú thích bằng chữ Nôm là “bánh phở bò”.
Và theo trang web nầy “Có người nói rằng phở bắt nguồn từ một món ăn Quảng Đông mang tên “ngưu nhục phấn”… Cũng có giả thuyết khác cho rằng, phở có nguồn gốc từ phương pháp chế biến món thịt bò hầm của Pháp pot-au-feu (đọc như “pô tô phơ”) kết hợp với các loại gia vị và rau thơm trong ẩm thực Việt Nam.
Cũng có ý kiến cho rằng phở vốn bắt nguồn từ món “xáo trâu” (dùng sợi bún) của Việt Nam, sau được biến tấu thành món “xáo bò” dùng bánh cuốn.
P.Huard và M.Durand đã phân tích chữ phở tiếng Nôm gồm ba chữ Hán ghép lại: a/chữ mễ (lúa), b/chữ ngôn (lời nói), c/chữ phổ (phổ biến).
Từ phở hiểu nôm là món ăn chế biến từ lúa gạo phổ biến trong đại chúng và phát âm là “phổ”. Tiếng rao của các hàng quà rong vốn dĩ nghe rất du dương có vần, có điệu, đôi khi còn luyến láy như hát biến âm đủ thanh sắc rót vào tai người nghe
Nhà văn Nguyễn Công Hoan ghi nhận: “Năm 1913... trọ số 8 hàng Hài... thỉnh thoảng tối được ăn phở (gánh phở rong). Mỗi bát 2 xu, có bát 3 xu, 5 xu”.
Tiếng rao món phở âm Nôm: “phố đây, phố ơ! Danh từ phở được chính thức ấn hành lần đầu trong cuốn Việt Nam tự điển (1930) do Hội Khai Trí Tiến Đức khởi thảo: “Món đồ ăn bằng bánh thái nhỏ nấu với thịt bò”.
Năm 1939, phở gà xuất hiện, bởi khi ấy một tuần có hai ngày: thứ hai và thứ sáu không có thịt bò bán. Chưa rõ vì sao có sự cố này, song có lẽ một nguyên nhân khó thể bỏ qua đó là việc giết mổ trâu bò luôn bị hạn chế suốt thời phong kiến, do trâu bò vẫn là sức kéo chính cho nền nông nghiệp lúa nước Việt Nam. Bởi vậy, nhiều chủ quán phở bò đành phải đóng cửa vào hai ngày không có thịt bò trong tuần, tạo điều kiện cho phở gà phát triển. Từ sau năm 1939, hai món phở bò và phở gà đã chính thức ngự trị và song hành cùng nhau trong lòng ẩm thực Việt. Và từ đó, phở gánh đến tiệm phở dần dàn phát triển từ Bắc vô Nam.
Ông Nguyễn Văn Cảnh (thường gọi là Cảnh Vịt) là một trong những người Việt tiên phong lập ra tiệm phở Nguyễn Huệ, phở Hòa (năm 2003 đổi thành phở Quang Trung), phở 79 ra đời năm 1979… từ đó đến nay có cả trăm tiệm phở ở Little Saigon và các vùng phụ cận. Không những người Việt mà người bản xứ, các sắc tộc khác cũng thích món phở. Nếu tính trên đầu người, người Việt cư ngụ ở Little Saigon, khoảng trên dưới 100.000 thì Little Saigon có nhiều tiệm phở nhất, kể cả trong nước.
Về bảng hiệu với chữ 45, 54, 86, 79… và tên chỉ, một, hai chữ, nhạc sĩ Tuấn Khanh dùng tựa đề ca khúc Hoa Soan Bên Thềm Cũ làm tiệm phở ở TP Garden Grove. Ngày nay, nhiều tiệm phở tên tiếng Anh với chữ “pho” bên cạnh, thực khách nước ngoài cũng hiểu đó là món ăn thuần túy của người Việt, chứng tỏ nó đã trở thành món ăn thông dụng nơi xứ người.


Little Saigon, April 2023
Vương Trùng Dương

User avatar
MatVit
Posts: 832
Joined: Fri Sep 02, 2011 9:18 pm

Re: Tạp Ghi , Chuyện Phiếm , Chuyện Vui Hàng Ngày

Post by MatVit »

Image

Ông Hoàng Phủ Ngọc Tường, cái chết và lời “xin lỗi”
Trần Tiến Dũng
26 tháng 7, 2023

Cái chết vật lý là quy luật tự nhiên của con người. Người Việt có câu châm ngôn: “Trăm năm bia đá thì mòn, ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ”.

Tin về cái chết của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường không khiến đa số dư luận quan tâm, nói đúng hơn là lạnh nhạt. Nếu so với hơn nửa thế kỷ không ngừng dậy sóng quan tâm đến ông, thì bởi do sự kiện ông có liên quan đến vụ thảm sát đồng bào vô tội ở Huế năm Mậu Thân 1968.

Tội ác không có cái chết vật lý, bởi vì trớ trêu thay người làm việc ác ở một tầm mức thảm sát hàng loạt thì cũng luôn có chỗ trong lịch sử dân tộc.

Không phải đến khi biết tin về cái chết của ông Hoàng Phủ Ngọc Tường, dư luận mới bắt đầu tranh luận về việc ông đồng ý cho công bố bức thư với ý chính là “xin lỗi” về việc ông có liên quan đến vụ thảm sát năm Mậu Thân.

Từ toàn cảnh nhận thức, chuyện có hay không có bức thư cũng không thay đổi được sự liên quan của ông, nếu trông chờ ý nghĩa về sự tha thứ của những linh hồn người vô tội bị thảm sát hoặc người thân còn tại thế của họ, thì lại càng không thể làm lành những tang thương; và ngay cả lịch sử cũng không thể đại diện mà chấp nhận lời xin lỗi.

Ông Hoàng Phủ Ngọc Tường là một trong những trí thức thủ lĩnh của phong trào tả khuynh ồn ào của giới trẻ dưới chế độ VNCH. Thời hậu chiến tranh Việt Nam, lúc ông trả lời phỏng vấn trong loạt phim Việt Nam Thiên Sử Truyền Hình, thái độ quyết liệt đến sắc lạnh khi nhắc về thảm sát ở Huế của ông đã đưa ông vượt hẳn lên và nổi danh khắp thế giới so các thủ lĩnh cực tả khác ở Việt Nam.

Hàng chục năm sau loạt phỏng vấn đó, đồng chí-thân hữu công bố bức thư “xin lỗi”. Trong lá thư xin lỗi năm 2018, ông viết rằng mình đã nói dối khi trả lời một nhà báo Mỹ về sự kiện lạm sát Tết Mậu Thân 1968, rằng ông là người ngoại cuộc, không có mặt ở Huế thời điểm đó nhưng tự nhận vơ rằng mình có mặt… Thú nhận nói dối để sau đó thú tội vốn thuộc về nhân tính căn cơ của con người, còn tự nhận nói dối để hoàn chỉnh sự dối trá lại là chuyện xây cao thêm nấm mồ dối trá.

Nhưng có vẻ việc thú nhận này đã thành công khi mà dư luận dễ tính, ba phải, cùng phe cho đó là đủ để tha thứ, nhưng ai cho họ cái quyền đó? Tiếp đến là các “trí thức đỏ” lại lồng ghép ăn theo đạo lý của người Việt: Nghĩa tử là nghĩa tận, rồi cho mình cái quyền xác nhận ông “thầy giáo” Hoàng Phủ Ngọc Tường không liên quan gì đến sự kiện thảm sát năm Mậu Thân ở Huế.

Trong những người đang tiễn biệt ông Hoàng Phủ Ngọc Tường có đồng chí-thân hữu của ông; hào quang các trào lưu khuynh tả, cực tả một thời đạt đỉnh ở Việt Nam đang lụi tàn, và đang phơi bày bộ mặt thật chuyên chế. Ông Hoàng Phủ Ngọc Tường đã chọn phe và chọn thành đảng viên cộng sản, người khác phe với ông nên tôn trọng điều đó và cũng nên tự biết rằng: Có khi phe ông phục vụ chỉ coi vụ chết người dân vô tội ở Huế năm Mậu Thân, và cả việc ông có liên quan đến sự kiện lạm sát lịch sử này, với họ, một trong những tội ác khó tránh khỏi và để mình ông gánh chịu trách nhiệm.

Thế hệ người Việt hôm nay coi lời “xin lỗi” của ông cũng là lời “xin lỗi” muộn màng của cả một thế hệ sinh viên-trí thức miền Nam cực tả. Nếu những thủ lĩnh chống phá nền Cộng Hòa miền Nam non trẻ ngày ấy cảm thấy có tội, có lỗi…, đó không phải là nỗi đau trước thảm cảnh mà cả dân tộc, hôm nay và tương lai, phải gánh chịu thì là gì?!

User avatar
saohom
Posts: 2212
Joined: Wed Aug 26, 2009 11:30 pm

Re: Tạp Ghi , Chuyện Phiếm , Chuyện Vui Hàng Ngày

Post by saohom »

Người dân Việt Nam, văn hóa Việt Nam bị xúc phạm
Phạm Đình Trọng
24-8-2023
Image
Văn Cao sinh ngày 15-11-1923.
Còn ba tháng nữa mới đến 100 năm ngày sinh của hiền tài Văn Cao.

Cách mạng tháng Tám năm1945 khởi đầu từ nhà Hát Lớn, Hà Nội ngày 19.8.1945. Biển người tập hợp ở quảng trường nhà Hát Lớn, gầm vang như sóng biển hát Tiến Quân Ca sáng tác của Văn Cao, rồi từ nhà Hát Lớn rầm rập đi cướp chính quyền của chính phủ chính danh, hợp pháp Trần Trọng Kim. Ngày 19.8.1945 khắc ghi vào lịch sử nhà nước Việt Nam của cách mạng vô sản là ngày khởi nghĩa cướp chính quyền. “Mười chín tháng tám chớ quên là ngày khởi nghĩa …” Lời bài hát Mười Chín Tháng Tám của nhạc sĩ Xuân Oanh còn âm vang từ 1945 đến nay.

Đêm nhạc chủ nhật 20.8.2023 tổ chức ở nhà Hát Lớn Hà Nội, danh xưng là kỉ niệm 100 năm Văn Cao nhưng thực sự là hoạt động kỉ niệm 78 năm Cách mạng tháng tám. Vì vậy đêm nhạc 20.8.2023 ở nhà Hát Lớn Hà Nội mới có mặt một quan lớn của cách mạng vô sản nhưng là bộ mặt mà người dân không muốn nhìn, như không muốn thấy một thứ nhem nhuốc, dơ bẩn.

Sự có mặt trong đêm nhạc được coi là kỉ niệm 100 năm Văn Cao của ông Nguyễn Xuân Phúc, một quan lớn từng đứng đầu nhà nước đương thời nhưng với người dân có con mắt từng trải, tinh tường và công bằng nhìn ông Phúc như một tội phạm trong tội ác ghê tởm Kit test dỏm Việt Á. Tội ác mang tính mạng người dân ra kinh doanh. Tội ác làm cho đại dịch covid-19 bùng phát thê lương, cướp đi mạng sống hơn bốn mươi ba ngàn người dân lao động lam lũ.


Được đảng của ông trao những trọng trách tối cao, ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng – An ninh mới hơn một năm, chưa được nửa nhiệm kì, đang hả hê, mãn nguyện có mặt ở mọi hội hè, lễ lạt, đang véo von những ngôn từ viển vông, sáo rỗng bỗng ông Phúc đột ngột rầu rĩ nói lời từ biệt đỉnh cao quyền lực về vườn với lí do được tuyên giáo lựa chọn từ ngữ và công bố là chịu trách nhiệm chính trị của người đứng đầu khi để nhiều cán bộ có nhiều sai phạm gây những hậu quả rất nghiêm trọng.

Nhưng người dân đã trải qua gần cả thế kỉ 20 bão táp cách mạng vô sản đều hiểu chính xác, sâu sắc rằng để làm cách mạng vô sản, đảng cộng sản phải lãnh đạo trực tiếp, tuyệt đối, toàn diện thì mọi vị trí quyền lực, từ người đứng đầu nhà nước, đứng đầu chính phủ đến người đứng đầu phường, xã, cả người đứng đầu các hội đoàn dân sự, các tổ chức tôn giáo trong mặt trận Tổ quốc đều do đảng cắt cử, sắp đặt, đều do đảng soi lí lịch, chọn mặt, đặt lên ghế.


Được đảng đặt lên ghế quyền lực mà hư hỏng thì người đứng đầu đảng phải chịu trách nhiệm chứ không phải người đứng đầu chính phủ, càng không phải là người đứng đầu nhà nước. Hơn một trăm ngàn người dân giầu của cải, giầu trí tuệ, giầu lòng yêu nước bị chết oan ức, tức tưởi, chết do bị đày đoạ trong ngục tù, chết do bị xử bắn, chét do treo cổ trong cải cách ruộng đất mà người đứng đầu nhà nước, người đứng đầu chính phủ vẫn bình thản trên ghế quyền lực, có hề hấn gì đâu! Chỉ có người đứng đầu đảng nhẹ nhàng, êm ái chuyển đổi vị trí quyền lực từ tổng bí thư đảng sang chủ tịch quốc hội. Số dân đen chết thảm do dịch virus corona làm sao so được với số người chết oan trong cải cách ruộng đất.

Từ lịch sử cách mạng và chiến tranh đẫm máu suốt gần một thế kỉ qua cũng cho người dân nhận thức chính xác, sâu sắc rằng chỉ khi có một tên tuổi được đảng chọn mặt, đặt lên ghế quyền lực gây ra một tội ác không thể trốn tránh, không thể giấu giếm thì tên tuổi đó mới bị tổ chức đảng xử lí nhưng cũng chỉ xử lí nhẹ nhàng, êm ái, xử lí lấy lệ cho qua mà thôi.

Từ bộ trưởng, thứ trưởng, từ bí thư, chủ tịch tỉnh, nhiều yếu nhân trong hệ thống quyền lực đảng và nhà nước tiếp tay cho gian thương kinh doanh kit test dỏm Việt Á, tạo điều kiện cho dịch covid-19 bùng phát giết chết hơn bốn mươi ba ngàn người dân là tội ác cụ thể không thể lấp liếm, là tội phạm những quan chức cụ thể không thể giấu giếm, không thể không xử lí nhưng cũng chỉ buộc phải xử lí những tên tuổi đã lộ liễu.

Vốn quen giấu giếm sự thật không có lợi cho đảng cầm quyền, truyền thông nhà nước nói với dân rằng ông Phúc chủ tịch nước từ chức do phải chịu trách nhiệm thời ông làm Thủ tướng để nhiều quan chức dưới quyền hư hỏng. Còn người dân đều hiểu rằng việc không thể công khai tội danh thật của ông Phúc cũng giống như việc không thể công khai tên tuổi chủ của tám mươi phần trăm vốn đầu tư cho Việt Á để kinh doanh test kit dỏm.

Hiểu như vậy nên người dân biết rõ tội danh đích thực buộc ông Phúc phải rời đỉnh cao chói lọi trở về cuộc sống đời thường, chìm vào bóng tối quên lãng.

Có tội với dân với nước đã bị lịch sử đào thải, lòng dân bao dung cũng tha thứ, bỏ qua. Nhưng con người nhơ nhuốc có tội với dân đã bị lịch sử đào thải lại không biết thân biết phận, lại vẫn nhơn nhơn như một gương mặt tiêu biểu của người dân Việt Nam, nhơn nhơn có mặt như một giá trị của chính trường, của quyền lực, của thời đai ở nơi tôn vinh tinh hoa, tôn vinh giá trị văn hoá, tôn vinh hiền tài Việt Nam thì người dân không thể chấp nhận.

Sự có mặt của tội phạm tiếp tay giết hơn bốn mươi ba ngàn dân trong dịch covid-19 ở đêm nhạc kỉ niệm cách mạng tháng tám, đêm nhạc Văn Cao 20.8.2023 ở nhà Hát Lớn Hà Nội là sự xúc phạm cuộc cách mạng tháng tám. Xúc phạm Văn Cao. Xúc phạm vong hồn bốn mươi ba ngàn người chết bởi kit test dỏm Việt Á. Xúc phạm hồn văn hoá kinh kì và khí thiêng lịch sử Việt Nam hội tụ ở Hồ Gươm, hội tụ ở nhà Hát Lớn, hội tụ ở Thăng Long – Hà Nội. Xúc phạm người dân Hà Nội và người dân cả nước Việt Nam.

Post Reply