TÔI ĐI TẮM ONSEN

Cho đuổi mèo, mèo rượt chuột, chuột sa chỉnh gạo, gạo tải vô xe... thế rồi... xe cán chó!!!

Moderators: CNN, khieulong

Post Reply
CNN
Posts: 1017
Joined: Wed Dec 01, 2004 8:18 am

TÔI ĐI TẮM ONSEN

Post by CNN »

TÔi ĐI TẮM ONSEN Có hai thứ được nhiều người nói: nếu chưa làm tức là chưa có thể bảo là đã đến Nhật: (a) leo núi Phú sĩ và (b) đi tắm onsen.

Do địa dư đặc biệt nên bất cứ ở vùng nào trên đất Nhật, chúng ta cũng có thể thấy nhiều núi lửa nay không còn hoạt động. Riêng vùng Hakone không cách Tokyo bao xa, hiện vẫn còn khá nhiều núi lửa đang âm ỉ “phun” khói, nhả phún xuất hoặc làm nóng các suối nước chảy qua. Có suối nước nóng có thể luộc được trứng và có những suối nước nóng đủ để cho người ta ngâm mình ngay cả lúc giữa mùa Đông.
Image
Đang được biến thành khu du lịch

Image
Nước rất nóng, có thể luộc được trứng

Image
Trứng sau khi luộc bi đen vỏ do xúc tác lưu huỳnh va vôi
Tôi đến vùng Hakone vào lúc chạng vạng tối sau một ngày leo núi Phú sĩ. Nói là leo chứ thực sự tôi chỉ muốn đi chụp ít hình. Tiếc thay khi xe buýt đưa đến lưng chừng, chỗ có tên là chặng thứ Năm (the fifth station, ở độ cao trên 2,500m) thì trời quá u ám và chuyển mưa nên tôi phải bỏ ý định “mạo hiểm”.

Sau khi tìm ra khách sạn đã đặt trước, chúng tôi nhận phòng và việc đầu tiên là thu xếp chỗ ngủ vì mình phải tự làm “giường” lấy. Trái với các khách sạn kiểu Tây phương, các khách sạn kiểu Nhật (ryokan) rất nhiều chỗ khách phải tự xếp đặt lấy.

Phòng khá rộng so với tiêu chuẩn khách sạn bình thường với đầy đủ bàn, ghế, TV … và một “ban công” khá rộng, nhưng không có giường. Chúng tôi mở tủ lấy các tấm nệm, xếp đặt chỗ ngủ rồi chuẩn bị đi ăn tối. Tôi bảo bà xã:

- Cả ngày ở trên độ cao không dưới 1,500 mét nhưng ở đây coi bộ nóng hơn bình thường. Để anh tắm 1 cái cho khoẻ rồi hãy đi.

Quả là nóng hơn bình thường thật, vì ngọn núi nơi chúng tôi tạm trú qua đêm cũng từng là một ngọn núi lửa. Tôi mở cửa qua phòng bên cạnh và khám phá ra là dù phòng khá rộng nhưng hoàn toàn không có bồn tắm vòi nước cho việc tắm táp (shower). Tôi trở ra bảo con tôi:

- Sao bố chẳng thấy chỗ nào để tắm vậy ?

Cháu cười lớn trả lời:

- Bố quê quá, phòng này đâu phải là phòng như bố thường ở. Đây chỉ là một ryokan có phòng tắm onsen nên bố phải vào đó mà tắm chung.

Tôi lấy quần áo để đi tắm. Đến khu nhà tắm tôi phải thật cẩn thận nhận rõ chữ nào là Nam, chữ nào là Nữ vì hai tấm rèm vải đỏ với chữ Nho (ở Nhật họ dùng chữ Hán khắp mọi nơi dù họ có chữ Nhật) nằm liền với nhau. Lúc này tôi thấy vốn liếng chữ Hán hồi học ở HNC thật quý. Tôi nhớ thầy Xương dạy: chữ nào ở trên có chữ điền là ruộng, ở dưới có chữ lực là sức; ai có sức đội/cầy ruộng là đàn ông, đó là chữ Nam. Nhờ vậy mà không vào lộn phòng.

Tôi bỏ dép vào hộc gỗ, ôm quần áo và khăn tắm rồi mở cửa đi vào bên trong. Vào đến phòng này, tôi thấy vài cái quạt máy và một cái máy điều hoà (portable air conditioner) khá lớn chạy ào ào. Trong phòng còn có một kệ dài với đầy đủ dụng cụ lược, máy xấy tóc đủ cho 8 người chải chuốt cùng 1 lúc.

Đi qua một cửa kéo khác (sliding door) tôi mới vào đến trong nhà tắm. Năm sáu ông đang đầm mình trong nước bốc khói mù mịt dưới ánh đèn khá sáng. Tôi nhìn quanh chỉ thấy ngoài bồn tắm là hai dãy ghế nhựa thấp và những vòi nước gắn liền vào những tấm gương thật lớn. Tôi đi kiếm một chỗ để quần áo khô, khăn và tìm một cái “shower” nhưng không thấy nên kéo cửa đi ra và trở về phòng.

Thấy tôi về y như lúc đi, bà xã tôi hỏi:

- Ủa, anh chưa tắm à ?

Tôi mô tả lại cảnh tượng trong phòng tắm rồi kết luận:

- Không thấy shower đâu cả nên về.

Cháu đang xem TV quay qua bảo tôi:

- Phải có chứ bố, họ để sẵn đó cho mình.

Rồi cháu bảo mẹ:

- Hay là con với mẹ đi tắm trước, bố đi tắm sau.

Khoảng 20 phút hai mẹ con về phòng, bà xã tôi nói:

- Anh chỉ cần mặc cái áo và cái khăn họ cung cấp là đủ. Anh vào trong phòng sẽ có các ghế, ngồi vào đó mà “shower” sau đó mới vào bồn onsen.

Tôi vào phòng riêng, cởi bỏ quần áo rồi lấy cái áo choàng truyền thống của Nhật choàng vào người, sau đó mang theo cái khăn tắm đi vào phòng tắm trở lại.

Lần này tôi hiên ngang như người sành điệu đi vào phòng tắm. Đang loay hoay tìm chỗ để cái khăn thì một ông tồng ngồng đứng lên xua tay loạn xạ và nói một tràng tôi chẳng hiểu gì nhưng đoán ra là tôi phải bỏ đồ khô bên ngoài nên bước ra. Lúc này tôi mới thấy một lô giỏ nhựa xếp trên các ô để bỏ quần áo khô.

Tôi thoát y 100% mà mở cửa bước vào phòng, ngồi vào một chiếc ghế bắt đầu tắm. Tôi cầm vòi nước xịt lung tung khiến cho hai đứa bé đang tắm dưới bồn nhìn tôi cười khanh khách.

Tắm rửa sạch sẽ xong, tôi đứng lên định ra ngoài lau khô rồi về phòng nhưng đã “leo lưng cọp” thì phải cưỡi nên lò dò tìm bậc thang và cũng đầm mình vào nước suối nóng đầy muối khoáng từ một máng rộng chảy vào bồn.

Mấy người lớn trong bồn vẫn tự nhiên như thường nhưng hai đứa trẻ khoảng 7, 8 tuổi đã để ý tôi từ đầu cứ thỉnh thoảng nhìn tôi làm tôi thấy không được tự nhiên. Tôi ngâm người (tới cổ) thêm khoảng 2 phút rồi đứng lên, ra phòng lau khô, choàng áo, về phòng.

Tôi bảo vợ con sửa soạn đi ăn tối và không đả động gì đến vụ “onsen” nữa dù bà xã tôi có gặng hỏi:

- Anh có tắm onsen thật không ?

Sau bữa ăn tối, cháu hỏi tôi:

- Sáng mai bố đi tắm nữa không ?

Tôi trả lời:

- Bố đi chứ, bố quen tắm sáng mà bỏ sao chịu được.

Lúc này tôi mới kể chi tiết cùng vợ con, bà xã tôi nói:

- Thế là anh không tắm lại nước thường rồi, để vậy anh chịu được à ?

Tôi bảo hai mẹ con đi ngủ vì hôm sau mình phải đi sớm cho kịp các dự định trong ngày.

Sáng hôm sau, vợ chồng tôi ra ban công phía sau để ngắm cảnh. Dưới tầm mắt là thung lũng xanh ngập chìm trong mây trắng thật đẹp. Một cảnh mà đã gần 50 năm bây giờ tôi mới thấy lại.

Nắng lên khá nhanh. Không xa lắm, ngọn Phú sĩ ngạo nghễ đứng làm biểu tượng cho nước Nhật còn mờ mờ trong hơi sương. Tôi chụp khoảng chục tấm hình trước khi ánh nắng đủ làm nước bốc hơi làm mờ cảnh ban mai.

Tôi nghĩ lúc này còn sớm, chắc chưa có ai vào tắm nên không ngần ngại đi ngay. Nhưng tôi đã lầm vì khi vào đến phòng tắm đã thấy hai “ngài võ sĩ đạo” với y phục thiên nhiên 100%, đang ngồi trên thành cửa sổ mở toang (họ thiết kế để có thể ngồi an toàn) ngắm ngọn “Fujisan”. Tôi làm như một người Nhật thực sự: ngồi vào ghế, tắm rửa rồi hiên ngang bước vào bồn nước suối nóng.

CNN
ps. Lúc từ giã khách sạn tôi mới phát hiện ra là họ dẫn nước từ một hồ chứa gần đó. Đây là 1 hồ giữ nước “hotspring” cung cấp cho toàn khu vực.

Post Reply