"A Force More Powerful"

Cho đuổi mèo, mèo rượt chuột, chuột sa chỉnh gạo, gạo tải vô xe... thế rồi... xe cán chó!!!

Moderators: CNN, khieulong

Post Reply
User avatar
phu_de
Posts: 2917
Joined: Sun Nov 28, 2004 10:57 pm
Has thanked: 7 times

"A Force More Powerful"

Post by phu_de »

"A Force More Powerful" - Đan Mạch sống với kẻ thù

Lời giới thiệu:

Cuốn phim phóng sự tài liệu "A Force More Powerful" xuất hiện trên màn hình của đài PBS, Hoa Kỳ cách đây hơn 6 năm, ghi lại các kinh nghiệm đấu tranh bất bạo động của nhiều dân tộc trong thế kỷ 20, đã nhanh chóng thu hút sự chú ý của cả thế giới, đặc biệt là phần nhân loại còn đang nằm dưới các ách độc tài.

Đất nước và dân tộc Việt Nam đang còn nằm trong số các quốc gia đang sống dưới chế độ độc tài toàn trị CSVN hiện nay. Những bất công, áp bức, khủng bố đang diễn ra hàng ngày trên quê hương bởi thành phần thống trị bằng phương cách độc tài theo phương cách CS ngoại lai còn sót lại, ở đó những nhà dân chủ đủ mọi lứa tuổi đang nỗ lực tranh đấu cho tự do dân chủ sớm đến với đất nước Việt Nam.

Để kính tặng đến các chiến sĩ dân chủ trong ngoài nước, chúng tôi trân trọng giới thiệu đến quí độc giả từng phần lược dịch cuốn phim này với ước mong những hình ảnh cùng những phương cách và ý chí đấu tranh trong cuốn phim này sẽ giúp thêm sức cho cao trào đấu tranh đòi dân chủ cho Việt Nam hiện nay. (VNN)


***

Image

Phim tài liệu: A Force More Powerful
Đan Mạch Sống với Kẻ Thù
(Shawn Tran lược dịch)



Mùa xuân đến với xứ nầy thật sớm vào năm 1940. Ngủ say trong ảo tưởng hòa bình như thể chiến tranh tuy đã lan tràn khắp Âu Châu nhưng sẽ để yên cho quốc gia Đan Mạch khiến chính phủ Đan Mạch quyết định vừa tuyên bố chính sách trung lập, vừa cắt giảm phân nửa số quân của mình. Đan Mạch cố duy trì nền hòa bình một cách thật tiêu cực.


Nhưng tất cả đều thay đổi hôm 9 tháng 4, năm 1940. Hôm đó quốc gia Đan Mạch chìm đắm trong một cuộc tổng tấn công toàn diện - trên không, trên bộ và ngay cả trên biển. Quân viễn chinh Đức Quốc Xã đã đương đầu với một số kháng cự lẻ tẻ ở mặt trận Nam Đan Mạch, nhưng chánh phủ Đan Mạch đã ban hành lệnh buông súng có hiệu lực tức khắc. Một công dân Đan Mạch hành nghề thư ký vào lúc bấy giờ, là bà Jytte Bruun, kể lại là: "Không ai trong chúng tôi có thể hình dung là chiến tranh sẽ xảy đến với Đan Mạch, và chúng tôi lại càng không nghĩ là Đức sẽ chiếm đóng đất nước chúng tôi."


Bà nói tiếp: "Lúc đó chúng tôi nhảy phóc ra khỏi giường ngủ để nhìn xuống cửa sổ nhìn thấy họ tiến đến thật gần, khi quân Đức nói chuyện thật ồn ào trên đường chuyển quân của họ. Bất chợt tôi linh cảm một điều thật tai hại sắp giáng lên đầu chúng tôi. Kế đến quân Đức Quốc Xã tiến chiếm Bộ Chỉ Huy Quân Đội Đan Mạch mà không tốn đến một viên đạn. Nhân dân Đan Mạch trong nỗi bàng hoàng đã túa ra đường phố. Truyền đơn từ phi cơ Đức Quốc Xã rải xuống có lời lẽ trấn an nhân dân Đan Mạch, họ hứa là họ không đến với tư cách của một kẻ thù mà họ đến với tư cách của một đồng minh và cam kết là quốc gia Đan Mạch sẽ duy trì tự trị theo luật lệ và guồng máy cai quản của quốc gia Đan Mạch."


Nhưng thử hỏi làm sao có thể tin được lời hứa hẹn đó? Theo lời ông Borge Hoff, một công nhân xí nghiệp, kể lại là ông cùng các bạn đồng nghiệp tại sở làm hỏi quân Đức: "Các ông muốn cái gì?" và họ trả lời rằng: "Chúng tôi đến giúp nhân dân Đan Mạch chống trả sự khống chế của Anh Quốc." và chúng tôi mỉa mai nói: "Các ông đến giúp chúng tôi làm việc đó là đúng rồi!". "Rồi đất nước chúng tôi rơi trọn vào tay quân Đức chỉ trong vòng sáu tiếng đồng hồ." Ông Hoff kể tiếp.
Ngay buổi chiều hôm ấy, Thủ Tướng Đan Mạch thỉnh cầu Quốc Hội biểu quyết đón nhận điều kiện thôn tính mà quân Đức áp đặt. Theo lời người con của Thủ Tướng Đan Mạch, tên là Soren Stauning thuật lại suy nghĩ của thân sinh của ông, khi đó ông phải quyết định sao cho người dân Đan Mạch ít bị nguy hại nhất. Nếu quân đội Đan Mạch chống trả cuộc tiến quân của Đức hôm 9 tháng 4 năm 1940, xứ Đan Mạch sẽ hứng lấy bom đạn của quân đội Đức Quốc Xã khiến dân vô tội sẽ bị thiệt mạng.


Thay vì phải đương đầu với sự thất trận, các nhà lãnh đạo Đan Mạch chủ trương đương đầu với kẻ thù bằng một giải pháp chính trị ôn hòa. Họ cố lèo lái tìm một con đường sống cho quốc gia của họ. Theo đó họ cố thuyết phục sao cho quân Đức giữ lời cam kết để cho Đan Mạch được duy trì một chế độ trung lập. Theo lời ông Herbert Pundik, một sinh viên thuật lại, khi đó Quốc Vương Đan Mạch vẫn tồn tại, Quốc Hội vẫn dự thảo luật pháp, Cảnh Sát vẫn duy trì trật tự xã hội, và Tòa Án vẫn duy trì công lý. Ngay cả cộng đồng Do Thái Đan Mạch vẫn sinh hoạt thường lệ.

Lúc ban đầu quân đội Đức Quốc Xã còn giữ cung cách đàng hoàng và vẫn duy trì đuợc tình cảm của người dân Đan Mạch. Nhưng sự hiện diện của họ đã khiến cho người dân Đan Mạch cảm thấy như là một khiêu khích đối với họ. Người Đan Mạch bắt đầu hoài nghi về giải pháp hòa bình mà lãnh đạo quốc gia nầy đã thực hiện khi đương đầu với kẻ thôn tính quốc gia của họ. Nhân dân Đan Mạch không hề chuẩn bị tâm lý cho cuộc thôn tính nầy. Họ không có một Thánh Gandhi như quốc gia Ấn Độ. Họ không có sẵn một tổ chức kháng chiến chống quân ngoại xâm. Theo lời sinh viên Ninna Almdal: "Thái độ của hầu hết mọi người Đan Mạch là đã tỏ ra cam chịu sự đô hộ nầy, với tinh thần bất hợp tác, không nói chuyện với quân xâm lăng và cảnh giác trong từng hành động của mình."


Thế rồi nội các Đan Mạch ban hành chính sách chống đối kín đáo, ngụy thức như là hợp tác với kẻ xâm lược. Chiến thuật của họ là chỉ hợp tác đủ để duy trì cho được quyền tự quyết. Các phái viên ngoại giao Đan Mạch cố tìm cách thương thuyết với Đức Quốc Xã và cố chậm trễ áp đặt chính sách cai trị của Đức. Phần lớn dân Đan Mạch nghĩ rằng họ đã không cố gắng bảo toàn danh dự quốc gia, để cho danh dự quốc gia bị tổn thương nặng nề.

Nhưng theo sử gia Đan Mạch, ông Henrik Nissen: "Trong hoàn cảnh này đâu có ai có thể làm gì hơn. Không thể chiến đấu được vì không có một cơ cấu chiến đấu khả dĩ. Bất đắc dĩ, người dân Đan Mạch chỉ còn biết kéo nhau ra công viên để cùng hát quốc ca Đan Mạch, như một cách thức hâm nóng lòng yêu nước. Số người tham dự ngày càng đông dần như một cách chia sẻ duy nhất về cái hận vong quốc trong tay kẻ ngoại xâm. Người dân Đan Mạch bày tỏ niềm hãnh diện mới đối với Quốc Vương xứ nầy khi mỗi sáng ông thân chinh trên lưng ngựa qua các hè phố. Nhân dân Đan Mạch lấy làm cảm kích đối với quốc vương như một bầy tỏ thầm kín về nỗi bất mãn kẻ ngoại xâm dày xéo đất nước họ. Nhưng kẻ chiến thắng không hề đếm xỉa gì đến sự biểu lộ lòng yêu nước của người Đan Mạch. Thừa thắng, họ xử dụng nông trại bản xứ để nuôi quân, dùng xí nghiệp để tăng cường thiết bị và dùng hải cảng để đáp ứng nhu cầu quân vận.
Liên hệ ngoại giao với kẻ ngoại xâm do Bộ Ngoại Giao đảm trách qua sự điều khiển của ông Scavanius, đương kiêm Bộ Trưởng Bộ Ngoai Giao, được xem là người thân Đức. Có người gạn hỏi liệu cái đà mà Đan Mạch đang đi, về lâu về dài, đất nước sẽ bị xấu hổ với thế giới. Nhưng ông nêu vấn nạn là: "Giữ danh dự để tất cả chúng ta cùng chết là điều nên làm hay là mất danh dự, nhưng bảo tồn được mạng sống là một chọn lựa thích nghi?" Khi đó ông cũng bày tỏ tiếp là: "Chúng ta có khả năng hy sinh bao nhiêu mạng sống để bảo tồn danh dự quốc gia?" Thật ra, Bộ Trưởng Scavanius cố tạo cho kẻ xâm lăng đất nước ông có cảm giác như họ hoàn toàn đạt được điều mà họ muốn để cho Đan Mạch được tạm ổn.


Tháng 11 năm 1941, ông Scavanius đại diện Đan Mạch đến thành phố Bá Linh nhằm thừa nhận hiệp ước thôn tính Nga Xô của Đức Quốc Xã. Hình ảnh mà ông cùng chụp với Hitler đã tạo một phản kháng mạnh mẽ trong giới học sinh và sinh viên Đan Mạch. Phẫn nộ này đã tạo ra những cuộc đình công, bãi thị liên tục trong nhiều ngày. Đến ngày thứ năm thì cảnh sát Đan Mạch mới tái hồi được trật tự. Nhưng khi đó chánh sách hòa hoãn của Scavanius đã bắt đầu bị chống đối. Các nhà lãnh đạo kháng chiến, hoạt động với bí danh Hội Đồng Tự Do, đã lên án chính sách hòa hoãn là một chính sách phản quốc.
Vũ khí chính yếu của kháng chiến quân là phổ biến tin tức. Họ bắt đầu bí mật in báo lên đến 2 triệu ruỡi số báo ấn hành, ngang với mực số dân Đan Mạch. Tin tức hoạt động kháng chiến mà đài phát thanh BBC Luân Đôn cùng các nguồn tin khác đã mang lại cho người dân Đan Mạch một niềm tin mới.
Số báo in mật nầy cũng đã cổ võ thúc đẩy khơi dậy khả năng chống đối của người dân. Rồi những cuộc tấn công lẻ tẻ đã bắt đầu. Họ bắt đầu đốt phá, lén cắp vũ khí từ trong tay kẻ ngoại xâm. Học trò cấp trung học tuy không được huấn luyện nhưng cũng đã hăng say nhập cuộc. Các học sinh này đã khẳng định đây là việc làm của người lớn, nhưng người lớn thờ ơ trong trách nhiệm thì họ quyết định giành lấy trọng trách để dấn thân cứu quốc. Đức Quốc Xã đã ra chỉ thị cho cảnh sát Đan Mạch phải triệt tiêu mầm móng kháng chiến này. Tuy không được trang bị về kỹ thuật quân sự, nhưng lòng yêu nước vô bờ bến của họ thì không có gì khiến cho họ xao xuyến.


Ông Alex Ljonouiss, một trong những người trẻ lúc đó đã phát biểu: "Tôi vô cùng căm phẫn và đến ngay cả bây giờ tình cảm mạnh mẽ đó vẫn còn trong tôi, và rất nhiều bạn trẻ đã chia sẻ lòng căm phẫn này với tôi, vì tự hỏi tại sao không ai cố làm một điều gì đó để bảo vệ đất nước khỏi rơi vào tay ngoại bang. Mặc dù về sau này chúng tôi nhận thức được mình đã đi đến chỗ tuyệt vọng." Nhưng điều đó không làm thay đổi lòng yêu nước của những người trẻ này.
Vào thời kỳ đầu tháng 11, tướng Đức Quốc Xã S.S Vernebest bắt đầu nắm quyền trực tiếp chỉ huy cảnh sát Đan Mạch mà Hitler đã đặc biệt chỉ thị là viên tướng nầy phải dùng biện pháp sắt thép để đập tan phong trào đấu tranh của người Đan Mạch. Tướng Vernabest đã áp lực với Bộ Trưởng Scavanius phải triệt để thực thi chính sách này. Nhưng vào thời điểm này thì khí thế chống đối của người dân Đan Mạch đã lan rộng như tức nước vỡ bờ. Đài BBC loan tải một nguồn tin liên quan đến một chính khách Đan Mạch lưu vong, John Christmas Miller. Cũng theo đó, ông Miller tuyên bố chính sách ngoại xâm của Đức Quốc Xã là một chính sách vô cùng dã man nhằm áp đặt lên quê hương ông. Ông phát động chiến dịch tẩy chay chống đối ngoại xâm và yêu cầu nhân dân Đan Mạch hãy cùng ông dấn thân vô đại cuộc. Ông hứa sẽ cùng sát cánh với toàn dân để bảo vệ linh hồn đất nước.
Đến mùa Xuân năm 1943, thời gian mà Đan Mạch đã bị cưỡng chiếm gần ba năm, lúc mà chính sách giả vờ hợp tác với kẻ thù để mong được yên thân vẫn còn đang tiếp diễn, thì cuộc kháng chiến chống ngoại xâm bắt đầu khởi sắc. Ban ngày thì chính phủ hành quân chống phá kháng chiến quân, đêm đến kháng chiến quân phản công bằng cách đốt phá xí nghiệp sản xuất đạn dược, thuốc nổ tiếp vận chiến trường, chận đứng nguồn tiếp vận cho quân Đức.
Đến mùa Hè năm 1943, các tin tức loan truyền về những thất bại xa gần của Đức Quốc Xã tại các mặt trận, Nam Phi và Phía Nam Âu Châu đã có tác dụng nâng cao tinh thần chiến đấu của phe kháng chiến Đan Mạch. Các cuộc biểu tình lớn bắt đầu khởi xướng có khi cả nguyên một khu phố. Rồi các cuộc bãi thị từ hỏa xa đến hầu hết các sinh hoạt chính trong phố bắt đầu diễn ra. Người ta nhận thấy, trong một tháng mà số điểm phá hoại đã gia tăng gấp đôi. Ngay cả những nơi mà người Đan Mạch chưa chống phá được bằng phương tiện võ trang, họ cũng tổ chức chống đối chính quyền bù nhìn của họ.
Ông Borge Hoff kể: "Lúc đầu chúng tôi tiến hành kế hoạch đánh phá chậm thôi. Chúng tôi không tiến hành theo tốc độ thời chiến. Khi có lệnh quân Đức bảo xây thêm tàu chiến, chúng tôi cố tình trì trệ thời khóa biểu xây cất. Kế hoạch xây dựng bị phá hoại khiến họ phải mang công tác xây dựng đó về nước Đức để hoàn tất. Tổ chức kháng chiến Đan Mạch xử dụng mọi kế hoạch để gây trở ngại cho quân ngoại xâm.
Tới một lúc nào đó, họ bắt đầu nhận thức là chính sách áp đặt mà họ cố đè đầu lên dân tộc Đan Mạch không còn hữu hiệu nữa. Chánh phủ bù nhìn chỉ còn là một cái vỏ không ruột. Họ cố thực hiện một biện pháp sau cùng. Ngày 28 tháng 8 năm 1943, chánh phủ bù nhìn Đan Mạch nhận được tối hậu thư của Đức Quốc Xã tống đạt. Tối hậu thư nầy buộc họ phải chấm dứt các cuộc đình công, phải áp đặt giờ giới nghiêm, phải tiêu diệt kẻ phá hoại và chính phủ Đan Mạch phải phúc đáp trước 4 giờ chiều cùng ngày. Quốc Hội đã họp và thảo luận về điều khoản nằm trong tối hậu thư đến hơn sáu tiếng đồng hồ và đã đi đến đồng thanh biểu quyết rằng đây là một đòi hỏi mà họ không thể chấp nhận được. Bộ Trưởng Scavanius cùng toàn thể nội các của ông từ chức. Quốc Hội giải tán. Thế là Đan Mạch không còn chính phủ bản xứ nữa.


Điều mà Đan Mạch cố trì hoãn trong ba năm trời đã giáng xuống trên quê hương họ. Quân ngoại xâm Đức bắt đầu một chính sách cai trị lên quốc gia Đan Mạch. Họ bắt đầu chiếm cứ các công thự chính yếu. Hội họp trên năm người bị cấm chỉ. Và họ bắt đầu thi hành gắt gao các luật lệ áp đặt để cai trị. Bà Ninna Almdal cho biết: "Khi chúng tôi ý thức là dù có hợp tác đi chăng nữa cũng không mang lại kết quả gì, thì mình phải đổi hướng đi cho thích nghi với quyền lợi của mình. Với nhận thức phũ phàng mình là dân bị đô hộ, và họ là kẻ ngoại xâm. Khi không còn chính quyền bản xứ cũng là một khởi điểm tâm lý bất lợi cho quân ngoại xâm, lúc đó nhân dân Đan Mạch khắp nơi bắt đầu cuộc tổng nổi dậy. Phe kháng chiến Đan Mạch nhanh chân nắm lấy thời cơ, liên lạc với các tổ chức báo chí ẩn náu trên đất Đan Mạch.
Một tuần sau đó họ bắt đầu nếm mùi nham hiểm của Hitler. Quen dần với cái khó khăn của chiến tranh, ai cũng hy vọng tình hình sẽ sáng sủa dần, nhưng thực ra số phận của người Do Thái Đan Mạch cũng giống với số phận của những người Do Thái khắp Âu Châu và họ bắt đầu rơi vào tay Đức Quốc Xã.



Gestapo của Đức bắt đầu lập danh sách và địa chỉ của 7,000 người Do Thái trên đất nước Đan Mạch. Nhưng kế hoạch bắt bớ của họ bị bại lộ. Những người Do Thái đã được mật tin là họ sẽ bị bắt và bị hành hình. Trước tin sửng sốt đó, hàng ngàn người Đan Mạch đã can đảm đứng ra để cứu nguy. Ông Herbert Pundik, gốc Do Thái thuật lại, hôm đang đi học, được ông hiệu trưởng gọi ra cùng một người bạn Do Thái khác, nói rằng bố mẹ ông đang chờ đợi ở một điểm hẹn để cùng kịp đi trốn trong đêm ấy vì đêm đến quân Đức sẽ đến bắt.

Image

Cuộc săn bắt người Do Thái bắt đầu hôm 1 tháng 10. Nhưng người Do Thái đã lẩn trốn trên nóc các nhà thờ, hoặc ẩn náu trong nhà dân cư Đan Mạch giúp họ chỗ trú ẩn. Có nhiều người Đan Mạch tình nguyện đến các ga hỏa xa thật xa xôi để kín đáo rước những người Do Thái xa lạ cần tìm nơi ẩn náu. Khi đi ngang qua trục kiểm soát của quân Đức, họ giả vờ như là họ hàng của nhau để tránh bị phát hiện, vì các trạm kiểm soát được bố ráp bởi những tên Đức Quốc Xã rất là nguy hiểm. Địa điểm ẩn náu sau cùng mà họ cố đến cho được là Thụy Điển, một xứ chỉ cách Đan Mạch vài dặm bằng đường biển, nhưng vùng duyên hải bao quanh xứ Thụy Điển thì tàu chiến hải quân Đức canh phòng thật cẩn mật và không dễ gì lọt được những cặp mắt cú vọ của quân Đức. Trên đường thoát thân, họ lẩn trốn trong rừng, nơi bãi hẹn để được những người hảo tâm Đan Mạch giúp chạy nạn. Ông Herbert Pundik cũng bùi ngùi kể tiếp: "Tuy không phải là một người ngoan đạo lắm nhưng không bao giờ tôi quên được hình ảnh mà những người cố giúp chúng tôi trốn thoát, trong đêm gồm có ba người vợ chồng vị ân nhân và vợ một người bạn của họ đã chắp tay lên đầu làm lễ khấn nguyện cho chuyến vượt thoát của chúng tôi được an lành." Những người Đan Mạch giàu lòng nhân ái này đã xúc động vì hoạt động của những nhà ái quốc kháng chiến Đan Mạch và họ xem tổ chức kháng chiến như là một chánh phủ vô hình.


Một ngày trong tháng 11 năm 1943, tổ chức kháng chiến lần đầu tiên rải truyền đơn phát động chiến dịch khước từ Đức Quốc Xã quyền xâm lăng tổ quốc họ. Rồi với sự tiếp tay của quân đội Anh Quốc tiếp vận phương tiện chiến đấu bằng cách thả dù, họ đã tập trung phá hoại các kỹ nghệ chiến tranh của Đức, mà mục tiêu phá hoại đầu tiên là các trục giao thông nhằm chận đứng đường tiếp vận của quân Đức. Tuy nhiên mỗi một thành công nhỏ của họ đều phải đánh đổi bằng những đòn trả thù chí tử mà kẻ ngoại xâm mang lại. Kháng chiến quân đánh phá các rạp hát nơi có sự hiện diện đông đảo của quân Đức. Họ đánh phá các công viên lớn, điển hình như vườn hoa Coppenhagen.


Để chận đứng các vụ phá hoại này, Đức Quốc Xã ban hành giờ giới nghiêm trên toàn thị xã Coppenhagen trong tháng Sáu năm 1944. Một vụ nổ ở xưởng chế tạo vũ khí đã làm bực mình viên tướng Đức Quốc Xã và do đó mà hắn ban hành giờ giới nghiêm. Phe kháng chiến khởi xướng cuộc trả đũa tại xưởng Burmeister & Wains thật khéo léo. Ý chúng tôi là cố làm cho họ bỏ đi giờ giới nghiêm. Chúng tôi muốn có thể đi lại trong đêm. Cứ đến 12 giờ trưa chúng tôi ra cửa, đá vào cổng chánh đòi về, viện cớ về để kịp tưới cây, chứ đến giờ giới nghiêm là không tưới kịp. Từ đó 1200 phu khuân vác kho lũ lượt kéo về sớm, chúng tôi nhất định đây không phải là lãng công, mà là phải về cho kịp giờ giới nghiêm. Phong trào bỏ sở làm ra về sớm được loan truyền khá nhanh, được sự tham dự của hầu hết nhân công của thật nhiều xí nghiệp khác. Kỳ thực họ cũng không về nhà mà tụ tập lại trên đường phố biểu dương và đập phá, chế ra các chất nổ cùng gây chướng ngại trên đường tuần tiểu của quân Đức.


Image


Sáu người Đan Mạch bị thiệt mạng ngay trong ngày đầu. Chúng tôi chận đường cố cản trở lưu thông, xí nghiệp càng thưa vắng người làm, không ai còn thiết tha muốn đi làm nữa, thái độ điển hình tích cực nầy đã khơi dậy trong lòng người Đan Mạch là họ phải nổi dậy chống lại xiềng xích mà ngoại xâm áp đặt lên trên đầu họ. Cuộc tổng đình công có thể nói đã mang lại ý nghĩa nhất. Tướng Đức Vernabest cố tăng thêm xiềng xích trên đầu người Đan Mạch gần như hằng ngày. Quân Đức được lệnh bắn nã bất cứ cuộc tụ họp nào trên năm người. Chưa bằng lòng với biện pháp sắt thép mà hắn đã ban hành, tướng Vernabest còn ra lệnh cúp điện, gas và nước. Người Đan Mạch đáp lại bằng cách dùng nước hồ, và củi để nấu ăn. Thế rồi họ bắt đầu chính sách đóng cửa, rút cầu, cô lập thành phố với thế giới bên ngoài.
Quần chúng bắt đầu ngả theo phe kháng chiến và tuân theo những khuyến cáo của họ. Lãnh đạo kháng chiến yêu cầu nhân dân hãy tiếp tục không ngừng trong chiến dịch đình công và chỉ ngừng khi nào quân Đức thực sự hủy bỏ giờ giới nghiêm và đình chỉ việc vô cớ bắn giết thường dân vô tội. Nhiều khi sự hợp tác nầy diễn ra thật nhịp nhàng, thí dụ như khuyến cáo kháng chiến yêu cầu lãng công vào lúc 12:00 giờ, thì tuyệt nhiên cứ đến 12:00 giờ ngày hôm sau thì việc lãng công nhứt tề xẩy ra, và quân Đức đã tỏ ra thán phục kết quả nầy.


Thực ra, Vernabest cố công cũng vô ích, vì quân đội của họ bị phân tán và bổ xung trám vào những mặt trận mà Đức bị thua cuộc. Mặc dù vậy, tướng Vernabest quyết tâm gia tăng sản xuất vũ khí, nhưng khả năng quân đội dưới quyền của ông ta thì có giới hạn. Nên để tiếp tục khả năng sản xuất nầy, tướng Vernabest nhận thức thà để cho người Đan Mạch sống để sản xuất còn hơn là giết chết họ, phí phạm năng lực và do ý thức đó, ngày thứ Chín, hắn quyết định bãi bõ lệnh giới nghiêm và rút quân vây hãm thành phố cùng yêu cầu dân Đan Mạch trở lại nhiệm sở làm việc.


Hội Đồng Kháng Chiến tung truyền đơn, bích báo, nêu cao tinh thần hợp tác mà nhân dân đã tích cực tham gia, và đồng thời minh danh công tác lãng công như là một vũ khí sắc bén trong tay kẻ bị trị khiến quân Đức nhượng bộ mang lại một thành quả tràn đầy ý nghĩa cho Đan Mạch. Đây cũng là một chứng nghiệm cụ thể về thành quả của phương thức tranh đấu bất bạo động mà ông Gandhi đã đề xướng.
Rút tỉa kinh nghiệm quý báu này, các nhà lãnh đạo kháng chiến đã chuyển từ chiến tranh võ trang sang tổ chức đình công. Trong tháng sau đó, họ thực hiện kế hoạch lãng công trong hai phút. Mỗi ngày cứ đến 12:00 giờ trưa khi đồng hồ thị xã gõ vang, tất cả mọi sinh hoạt đều hoàn toàn ngừng lại, mang theo một sự yên lặng tuyệt vời.


Đan Mạch trải qua một mùa Đông thật rét mướt vừa thiếu thức ăn, vừa thiếu nước. Và mùa Xuân đã đến. Hôm đó mọi người xúm lại nghe tin tức đài BBC loan truyền một tin vui. Không hiểu sao lúc đó sóng bỗng dưng bị ngừng một lúc. Ngay sau đó, đài loan tin là Đức Quốc Xã đã quyết định bỏ cuộc. Một tin thật vui mà ít có tin vui nào sánh được.


Sử gia Đan Mạch kết luận rằng tuy Đan Mạch không có chiến thắng trong chiến tranh này, nhưng họ cũng không bị thua trận và không bị tiêu diệt. Người dân Đan Mạch đã không bị giam cầm đày đọa và họ cũng đã không giết hại lẫn nhau do ngoại xâm chia rẽ. Chống đối bất bạo động đã giúp họ cứu quốc và mang lại chiến thắng cho đồng minh của họ. Giá trị của tự do làm rung động trái tim người Đan Mạch, một nguồn vui vô bờ bến.
Cảm giác thể chất mà Tự Do đem lại rất lạ lùng. Chan hòa trong cả sự sung sướng và nỗi rùng mình, nó mang lại niềm phấn khởi vô tả trong lòng sử gia Henrik Nissen mà ông không cầm được nước mắt khi nhắc lại về khúc quanh lịch sử của quốc gia Đan Mạch, ông cho là nhân dân Đan Mạch đã thoát nạn.
.

User avatar
phu_de
Posts: 2917
Joined: Sun Nov 28, 2004 10:57 pm
Has thanked: 7 times

Công Đoàn Đoàn Kết Ba Lan

Post by phu_de »

Phim tài liệu:
A Force More Powerful
- Công Đoàn Đoàn Kết Ba Lan




Lời giới thiệu:

Cuốn phim phóng sự tài liệu "A Force More Powerful" xuất hiện trên màn hình của đài PBS, Hoa Kỳ cách đây hơn 6 năm, ghi lại các kinh nghiệm đấu tranh bất bạo động của nhiều dân tộc trong thế kỷ 20, đã nhanh chóng thu hút sự chú ý của cả thế giới, đặc biệt là phần nhân loại còn đang nằm dưới các ách độc tài.
Đất nước và dân tộc Việt Nam đang còn trong số các quốc gia sống dưới chế độ độc tài toàn trị của CSVN hiện nay. Những bất công, áp bức, khủng bố đang diễn ra hàng ngày trên quê hương bởi thành phần thống trị độc tài theo phương cách CS ngoại lai còn sót lại, ở đó những nhà dân chủ đủ mọi lứa tuổi đang nỗ lực tranh đấu cho tự do dân chủ sớm đến với đất nước Việt Nam.
Để kính tặng đến các chiến sĩ dân chủ trong ngoài nước, chúng tôi trân trọng giới thiệu đến quí độc giả từng phần lược dịch cuốn phim, với ước mong những hình ảnh cùng những phương cách và ý chí đấu tranh trong cuốn phim này sẽ giúp thêm sức cho cao trào đấu tranh đòi dân chủ cho Việt Nam hiện nay. (VNN)


***

Phần 2 - Phim tài liệu: A Force More Powerful

Image

Công Đoàn Đoàn Kết Ba Lan
(Phong Lý lượt dịch)

Ngày thứ nhất - 14 tháng 8, 1980

Thời cơ tốt nhất cho cuộc đình công đã đến. Trước sáu giờ sáng, chúng tôi bắt đầu phân phát truyền đơn. Nguy cơ bị bắt có thể xảy ra bất cứ lúc nào, vì vậy chúng tôi rất sợ.

Công nhân tại xưởng tàu Lennin thuộc tỉnh Cdanska đã nóng lòng muốn đình công vì sự bực bội của họ đối với sự kiện giá cả tăng vọt gần đây và việc khai trừ một công nhân được nhiều người quí mến tại xưởng tàu.

Ít người trong số công nhân lúc ấy hiểu rõ là cuộc đình công của họ sẽ bị chính phủ cộng sản Ba Lan dùng toàn lực đàn áp. Có người bắt đầu la lớn: ''Hãy mở cổng ra, chúng ta phải đến văn phòng chính của đảng Cộng Sản. ''Lúc đó, chúng tôi phải hát to bản quốc ca để làm dịu cơn nóng giận của mọi người xuống.

Chúng tôi không thể để lịch sử tái diễn biến cố năm 1970 khi xe tăng quân đội ngang nhiên tấn công đoàn công nhân xuống đường biểu tình. Mọi công nhân Ba Lan đều biết rõ sự kiện lịch sử đó. Hôm đó, những người đình công cũng rời xưởng tàu và hiên ngang tuần hành trên đường phố tới trước trụ sở đảng Cộng Sản. Kết quả là 6 người bị chết và hơn 300 người bị thương. Đó là hậu quả của cuộc đối đầu với quân đội trên đường phố.

Một kỹ sư tại xưởng tàu, sau 10 năm tính từ ngày tổ chức cuộc xuống đường hôm đó, đã trở lại với công nhân để xây dựng một cuộc đấu tranh mới. Ông nói: ''Trong suốt 10 năm qua tôi vẫn thường nghĩ đến những sai lầm trước đây và nếu có cơ hội cho tôi được lãnh đạo lần nữa, tôi sẽ làm nhiều điều khác hơn trước!''

Lần nầy, các nhà lãnh đạo cuộc đình công tổ chức kỹ càng. Một vị lãnh đạo đã phát biểu: ''Chúng ta sẽ chiếm giữ lấy xưởng tàu, và nếu có bị tấn công, chúng tôi sẽ là những người cuối cùng rời khỏi nơi này''. Cuộc đình công sẽ dứt khoát là không bạo động. Nhà nước sẽ không có lý cớ để nổ súng.

Ủy ban đình công bắt đầu họp trong căng-tin. Bước đầu tiên là phải bảo đảm cho tin tức về cuộc đình công không bị nhà nước bưng bít. Tin tức đã được bí mật truyền ra ngoài tới các hãng thông tấn như đài Âu Châu Tự Do và BBC. Nhờ vậy mà tin tức đã được loan đi toàn thế giới và tới gia đình của những công nhân đình công để họ biết rõ tại sao cha anh của mình vẫn còn chưa tan sở.

Ngày thứ nhì

Đến sáng thứ sáu, cuộc đình công đã lan rộng. Hệ thống giao thông công cộng ngưng hoạt động, hải cảng đóng cửa, 22 xí nghiệp cùng đình công, và tổng số công nhân đình công lên đến 50,000 người. Nhà nước ra lệnh chặn hết dây điện thoại trên toàn quốc Ba Lan vì lo ngại cuộc đình công sẽ lan rộng hơn. Nhưng đã quá trễ. Cả nước đã biết tin về cuộc đình công đang diễn ra.
Trong căng-tin, Uỷ ban đình công viết một bản thảo đòì hỏi quyền lợi với nhà nước. Họ chuẩn bị truyền đơn cho các công nhân đình công. Đứng đầu bản đòi hỏi này là quyền được tự do thành lập công đoàn độc lập và quyền được đình công. Đảng Cộng Sản Ba Lan chắc chắn sẽ bác bỏ những đòi hỏi quyền lợi chưa từng có này.


Ngày thứ ba

Sáng thứ Bảy, bí thư Đảng Cộng Sản Ba Lan gởi thư cho nhóm lãnh đạo cuộc đình công, nói rằng họ sẳn sàng mở cuộc đàm phán hai bên: ''Chúng tôi được chỉ thị bằng mọi cách phải chấm dứt cuộc đình công và giới hạn sự việc này trong khuôn viên xưởng tàu mà thôi''.
Đại diện công nhân xưởng tàu đưa ra đề nghị tăng lương cho các công nhân, đòi cải thiện điều kiện lao động, và đủ thứ khác... ngoại trừ đòi hỏi quyền thành lập công đoàn độc lập.
Ngay khi đề nghị này được phía Nhà Nước chấp thuận, công nhân bắt đầu tan hàng ra về. Bỗng nhiên, một nữ công nhân đứng vậy nói rằng: ''chúng ta chấp nhận thỏa ước này là bỏ rơi những công nhân khác trên toàn quốc đang tham gia vào cuộc đình công''. Cô nói tiếp: ''Rồi còn các công nhân khác thì sao? Còn 40 xí nghiệp khác thì sao? Còn người dân thì sao? Tôi thấy rất xấu hổ và bất lực. Chúng ta phải làm sao đây? ''
Cô công nhân này vội chạy đến cổng chánh và ngăn cản các công nhân đang đi về. Một nhóm nhỏ đứng lại lắng nghe. Cô ta nài nỉ mọi người ở lại: ''Nếu chúng ta thật sự muốn có công đoàn độc lập và nếu chúng ta thật sự muốn ảnh hưởng lên ban quản lý xưởng tàu, chúng ta phải có hành động đoàn kết với mọi người khác vẫn đang tiếp tục đình công.''
Hàng ngàn người đã ra về, chỉ còn vài trăm ở lại tiếp tục đình công và giữ vững ngọn lửa đấu tranh.
Đêm đó, họ quyết định thành lập một Uỷ ban vận động đình công xuyên xí nghiệp và liên hãng xưởng để đại diện cho tất cả công nhân khắp Ba Lan. Uỷ ban này sẽ khai triển rộng sức mạnh của công nhân đình công và tạo ra một lực lượng lớn lao chưa từng thấy tại quốc gia cộng sản này.

Ngày thứ tư

Sáng Chủ Nhật, công nhân tham gia một buổi Thánh Lễ trong khung viên xưởng tàu. Hàng ngàn người dân đứng bao vây bên ngoài cổng chánh. Cổng sắt được cắm đầy hoa, bày tỏ những tấm lòng ủng hộ và một bức ảnh của Đức Giáo Hoàng Gioan-Phaolô đệ nhị, người Ba Lan, cũng được treo lên. Đây là một sự ủng hộ bất ngờ cho những người công nhân đình công. Một công nhân cho biết: ''Tôi chẳng bao giờ ngờ là sẽ được sự ủng hộ của tất cả dân chúng tại đây. Họ đã cho chúng tôi rất nhiều nghị lực và can đảm để tiếp tục hành động của mình. Nhờ sự ủng hộ đó mà tôi biết chúng tôi sẽ đạt được những điều đang tranh đấu".


Ngày thứ năm

Uỷ ban Đình Công Xuyên Hãng Xưởng nêu lên 21 điều yêu cầu đối với chính phủ. Văn kiện này đã động viên và làm phấn khởi tất cả công nhân đang đình công trên toàn quốc.

''Đột nhiên chúng tôi nghe được sự đình công của công nhân xưởng tàu tại Cdanska và 21 điều đòi hỏi. Chúng tôi lập tức biết mình đang có trong tay một phương tiện mà nếu biết dùng cho khéo thì nhất định sẽ gặt hái được nhiều điều tốt đẹp."
Tại Cdanska, những công nhân ở lại tiếp tục đình công suốt cuối tuần trước đã được một món quà tinh thần xứng đáng. Đó là sự trở lại của 15,000 công nhân để tham gia cuộc đình công tại đó. Và cuộc đình công tiếp tục lan rộng tới các thành phố khác.
''Đây là cảm giác có một không hai trong đời người khi tôi nhìn những công nhân trở lại với cuộc đình công. Tôi cảm nhận được chiến thắng trong tầm tay, nhưng vẫn lo không biết chúng tôi có đủ khí thế để kéo dài cuộc đấu tranh này không''.
Trong lúc Uỷ Ban Đình Công chờ đợi trả lời của nhà nước đối vớii 21 điều yêu cầu của họ, có thêm nhiều hãng xưởng tham gia vào cuộc đình công. Họ từ từ chiếm thêm tư thế để chống đối lại một bộ máy cai trị chưa hề biết nhượng bộ một tổ chức phi cộng sản nào. Khắp nơi, công nhân tiếp tục noi theo gương các công nhân tại Cdanska. Họ giảm bớt hiểm họa bị đàn áp bằng cách ở lại trong khuôn viên các hãng xưởng.
''Chúng tôi không ra khỏi cổng vì nếu ra thì sẽ tạo cơ hội cho chính quyền khiêu khích bạo động và rồi có cớ sử dụng lực lượng công an trấn áp. Chúng tôi muốn tránh điều đó. Chúng tôi biết cách thức đấu tranh của các ông Ghandi và Martin Luther King. Họ tin tưởng vào đấu tranh bất bạo động và họ đã chiến thắng."

Tuần thứ 2 bắt đầu

Nhân công đình công bắt đầu phát hành một tờ thông báo hàng ngày có tên là Đoàn Kết và chuẩn bị cho một cuộc đấu tranh lâu dài.
''Có thể nói trong xưởng tàu đã có một chính phủ Ba Lan thứ hai. Chúng tôi có các Bộ Trưởng lo lắng cho các bộ phận đấu tranh khác nhau như thông tin, tài chánh, thức ăn, và trật tự an ninh,v.v...''
Sự kiên trì đã cho họ sức mạnh. Trong 9 ngày, Uỷ Ban Đình Công đã trở thành tiếng nói của hơn nửa triệu công nhân, 370 hãng xưởng trên khắp nước Ba Lan.

Ngày thứ mười

Đàm phán viên chính phủ đến xưởng tàu, sự bế tắc có triển vọng được phá vở. ''Có người vỗ tay khi thấy ông phó thủ tướng đi vào xưởng tàu để bắt đầu cuộc đàm phán. Có người khác lại buông lời hăm dọa, nạt nộ, và la hét tên ông ta.''

Công nhân đòi hỏi mọi chi tiết đàm phán phải được phát thanh trực tiếp qua hệ thống loa của xưởng tàu. Báo chí Ba Lan phải được cho phép loan tải tự do các diễn tiến đàm phán đang diễn ra.

Nhà nước đã ngồi vào bàn đàm phán sau 10 ngày bế tắc bởi cuộc đình công gây ra.

Trong 10 ngày đấu tranh vừa qua, Uỷ Ban Đình Công đã củng cố sức mạnh và thuyết phục được mọi người là giải pháp cho cuộc xung đột chỉ có thể thành hình qua sự đàm phán giữa Uỷ ban này và chính phủ.

Cho đến giờ phút này, Nhà Nước vẫn gọi những công nhân đình công là những kẻ phản quốc. Tuy bây giờ họ phải gởi một phó thủ tướng đến nơi để đàm phán, Uỷ Ban Đình Công vẫn phải rất thận trọng. Nếu họ thúc đẩy quá mạnh, bao nhiêu công lao sẽ tan thành mây khói và sẽ tạo cơ hội cho quân đội nhảy vào can thiệp.

Rất nhiều người trong phe chính phủ hiểu rằng việc cho thành lập công đoàn độc lập chính là sự đồng ý cho thay đổi chế độ chính trị. Hơn nữa, họ biết không thể nào Liên-xô chấp thuận để việc đó xảy ra.

Đàm phán viên của khối công nhân không vội vã gì. Họ từ từ đi vào từng chi tiết liên quan đến vấn đề công đoàn độc lập mặc dù phe chính phủ đã muốn đổi đề tài đàm phán.

Phía chính phủ nói: ''Không thể bàn từng điểm một. Chúng tôi không thể ngồi đây vàì giờ đồng hồ để sửa đổi từng chi tiết yêu cầu. Hãy đem những gì chúng ta đã đồng ý và bắt đầu thi hành những điều ấy''.

Phía công nhân đáp lại: "Đừng vội vàng, chúng ta vẫn còn giờ mà. Chúng ta có cả một cuối tuần trước mặt. Cứ làm cho đúng đi."
Kế hoạch và chủ trương của phía công nhân là: phải đòi cho được sự chấp thuận cho thành lập công đoàn độc lập, mọi thứ khác sẽ theo sau. Theo hướng đó, các đại diện công nhân nói với ông phó thủ tướng: mình đừng bàn tới những chi tiết nhỏ, mà nên nói đến chuyện công đoàn độc lập. Trong hai tuần lễ đàm phán, đại diện phe công nhân đã báo cáo và trưng cầu ý kiến của tất cả công nhân hiện diện, một việc chưa hề có trong công đoàn quốc doanh.

Chưa hề có cuộc đình công nào kiên quyết như vậy với niềm tin trước sau như một vào uỷ ban đình công từ tất cả công nhân tại tất cả các hãng xưởng, và từ hàng ngàn người dân đang bao quanh các nơi đình công. Tất cả tin tưởng vững chắc rằng họ sẽ chiến thắng. Những hình ảnh đó đã làm cho những người phe chính phủ chột dạ.
Công nhân đình công tiếp tục tranh đấu. Vì nôn nóng muốn sớm hồi phục nền sản xuất của các hãng xưởng, nhà nước chỉ còn cách đáp ứng từ từ những yêu cầu của công nhân.

Ngày thứ 18

Chủ nhật 31 tháng 8, một thoả ước đã được hai bên chấp thuận. Công nhân được tăng lương, giảm bớt giờ làm, thêm ngày nghỉ. Họ cũng được giảm bớt sự kiểm soát thông tin và truyền thông, được thành lập công đoàn độc lập, và được quyền đình công.
Ông Walesa tuyên bố trước công nhân: ''Tôi đã nói từ ngày đầu là chúng ta sẽ thắng và bây giờ thì chúng ta đã thắng. Đó là sự thật.... Một điều rất căn bản là chúng ta đương nhiên phải được sống với các quyền tự do, mà công đoàn độc lập sắp được lập ra sẽ đem lại. Và chúng ta sẽ có các quyền tự do đó đúng với hình dạng mà chúng ta tạo dựng nên''.
Một lãnh đạo công đoàn thuật lại: "Chứng kiến buổi ký kết bản thỏa ước hôm đó, chúng tôi lập tức hiểu rằng đây là lúc phải thật sự chạy đua với thời gian vì chúng tôi hiểu rõ là mặc dù Nhà Nước mới ký xong hiệp ước, họ đã lập tức muốn xé bỏ nó rồi".
Cuộc chạy đua với thời gian bắt đầu và hàng trăm công đoàn đã được thành lập, liên kết với uỷ ban tổ chức đình công. Trong vòng 4 tháng, số thành viên công đoàn đã lên đến hơn 10 triệu người.

Khi thực sự chăm lo cho đời sống của các thành viên, Công Đoàn Đoàn Kết không thể tránh khỏi một hiện trạng là: sự tồn tại của công đoàn này là một sự thách thức đối với quyền tối cao của Đảng Cộng Sàn.
''Tôi biết rằng ngay từ lúc đầu, phe bên kia đã luôn muốn tấn công chúng tôi. Nhưng khi họ dàn trận để tấn công một trăm tổ chức, thì mình đã có một ngàn tổ chức, và khi họ sẳn sàng để tấn công một ngàn tổ chức thì mười ngàn tổ chức đã hình thành, và con số sẽ thành hàng triệu v.v..''

Công Đoàn Đoàn Kết phải phát triển thật nhanh để khi phía Nhà Nước muốn phản pháo thì đã quá muộn. Ngay từ những ngày đầu, thành viên công đoàn đã bị hăm dọa, báo chí đã bị quấy nhiễu, và công nhân đã bị hù dọa phải làm ngày thứ bảy, v.v. Tất cả những trò đó đều là những vi phạm đối với bản thỏa ước.

Image

Công Đoàn Đoàn Kết trả đủa bằng hăm dọa sẽ đình công.

''Tôi đang nghĩ tới việc ra lệnh tổng đình công. Tôi đã nghe quá nhiều người xôn xao chế nhạo. Anh hiểu tôi nói gì khi kêu chính quyền ngừng tay ngay nếu không thì chúng tôi đình công. Cám ơn!'' Dân chủ và tự do nhỏ giọt... thật khó thực hiện trong thực tế.. ''
Một năm sau ngày thành lập, đội ngũ trong Công Đoàn được dân chủ hóa và đồng thời phải đối phó với các thành phần cực đoan và thành phần do Nhà Nước cài cắm. Những phần tử xâm nhập này luôn đổ dầu vào lửa, thúc dục dùng bạo lực. Dĩ nhiên chính quyền đã không còn lựa chọn nào khác ngoài việc: một là từ bỏ quyền hành và chấp nhận tự do tranh cử một cách dân chủ và hai là dùng thiết giáp và bỏ tù hết mọi người.

Trong đêm 11 tháng 12, 1981, chính quyền cộng sản bao vây một buổi họp của công đoàn Đoàn Kết. Trong hai ngày tiếp theo, hàng ngàn nhà hoạt động của Đoàn Kết đã bị bắt và thiết quân luật được ban hành khắp nơi.

''Khi họ đánh đập chúng tôi, tôi đã nói rằng: các anh đã thua ngay tại giờ phút nầy. Các anh đang đóng những cây đinh cuối cùng vào cỗ quan tài cộng sản của các anh''.
Khi sử dụng quân lực, chính quyền thừa nhận đã mất hết sự đồng ý phục tùng của nhân dân. Nhà Nước đã không còn quyền lực để thuyết phục, mà chỉ còn có biện pháp trừng trị người dân mà thôi.

Công đoàn bị cấm nhưng nền tảng ủng hộ vẫn còn. Đoàn Kết đã trở thành một phong trào tranh đấu bất bạo động, gắn liền với lòng yêu nước của người dân Ba Lan. Dầu mất đi lãnh đạo trung ương, Đoàn Kết đã có quá nhiều tổ chức nhỏ nên không thể nào có thể tiêu diệt được. Họ tiếp tục phản kháng và bất hợp tác với chính quyền.

''Anh có thể giam tôi, giết tôi, nhưng không thể đánh bại tôi. Cuộc tranh đấu sẽ tiếp diển và chúng tôi sẽ thắng."

Trong 7 năm sau đó, đảng Cộng Sản Ba Lan cai trị bề ngoài, nhưng bên trong, bộ máy chính trị đã thối nát. Mùa hè 1988, bộ máy sụp đổ. Giá cả tăng vọt và khủng hoảng đã làm tê liệt cả nước. Một làn sóng đình công bắt đầu. Chính quyền đưa ra giải pháp tái hợp pháp hóa tổ chức Đoàn Kết nếu đình công chấm dứt. Ba ngày sau, cả nước ngưng đình công và Đoàn Kết đã trở thành một lực lượng có năng lực và trách nhiệm.

Tháng hai năm 1989, Đoàn Kết, chính quyền, Đảng Cộng Sản, và Giáo Hội bắt đầu ngồi xuống thảo luận tương lai của Ba Lan. Sau hai tháng, họ đồng ý ba nguyên tắc: tự do công đoàn, tự do báo chí, và tự do bầu cử quốc hội.

Trong hai tháng vận động tranh cử, ứng cử viên của Đoàn Kết rất được dân chúng mến mộ, nhưng không ai ngờ họ được dân chúng tin tưởng đến độ đánh bại luôn đảng Cộng Sản đang cầm quyền.

Post Reply