Những con phố ngoại quốc giữa Sài Gòn

Xin nhớ: tin cần có "nguồn", trích từ đâu ra!!!
Post Reply
alinhnguyen
Posts: 8
Joined: Wed Dec 01, 2004 7:02 pm
Contact:

Những con phố ngoại quốc giữa Sài Gòn

Post by alinhnguyen »

SÀI GÒN 03-02 - Phố Tàu ở Chợ Lớn vốn dĩ không xa lạ với những ai đã và đang sống ở Sài Gòn, nhưng từ khi Việt Nam “mở cửa”, thành phố đã xuất hiện nhiều con phố mang dáng dấp của những người ngoại quốc đến Việt Nam làm ăn mà phố Nam Hàn ở đường Phạm Văn Hai, đường Hậu Giang, và phố Nhật (đường Lê Thánh Tôn)... là một ví dụ.

Theo tờ Tuổi Trẻ ngày mùng 01 Tháng Hai, con phố Nam Hàn nằm trên hai con đường ngắn khoảng 2 cây số ở hai khu vực khác nhau thuộc đường Phạm Văn Hai, phường 2, và đường Hậu Giang, phường 4, quận Tân Bình. Toàn bộ hàng quán, văn phòng và các cửa hiệu kinh doanh đều mang nhãn hiệu Hàn Quốc. Từ quầy nước giải khát, bánh ngọt, quán cơm, nhà hàng đến tiệm cắt tóc, gội đầu và cả quầy cho thuê truyện thiếu nhi đều phục vụ cư dân Hàn.

Hơn 80% chủ các cửa hiệu cũng là người Hàn. Không khí nhộn nhịp từ 7 giờ sáng đến 10 giờ đêm mỗi ngày. Sản phẩm Hàn Quốc đủ loại xuất hiện ở đây: Từ lương thực, thực phẩm đến rau củ quả. Các bà chủ quán cơm thường đứng tuổi (trên 40) đi theo gia đình, chồng con và mang theo cả... tài đầu bếp đến Việt Nam. Ban đầu các bà, các cô học người Việt đi chợ, làm quen với hương vị, thực phẩm mới, nấu cơm Việt, ăn cơm Việt để thẩm thấu cái “gu” và khẩu vị Việt.

Các món Hàn cần phải nhập qua như gia vị đều có mặt trên phố này, thậm chí những rau củ chính phẩm Hàn cũng có bày bán trong chợ Phạm Văn Hai. Món nào khó kiếm, khách có thể đặt hàng một tuần ra lấy. Vẫn là cách làm kim chi, trộn cơm theo kiểu Hàn, cách đứng nướng từng miếng thịt cho bữa ăn của khách, các bà chủ Hàn đã biết cách tiếp thị Việt-Hàn hòa hợp, đề huề...

Tên quán luôn được đặt song ngữ Hàn-Việt hay là một câu đối kiểu Hàn, chữ Việt, bàn ăn có cả đũa inox và đũa tre. Chị chủ quán ăn Hậu Giang (tên tiếng Việt Nam - đường Hậu Giang, phường 4, Tân Bình) nói chút chút tiếng Việt: “Quán phục vụ món ăn Hàn Quốc nhưng đã pha Việt bởi rất đông người Việt Nam cũng thích ăn món Hàn và người Hàn Quốc dù ở mau hay lâu tại đây cũng có một ít chất Việt”.

Các shop thời trang, làm đẹp, tiệm bánh lại thuộc các ông chủ Hàn sang Việt Nam lập nghiệp hoặc định cư luôn cùng cô dâu Việt. Họ mang theo đủ thứ sản vật từ đồ dùng sinh hoạt đến thời trang “phim Hàn Quốc” và cả thói quen gội đầu cắt tóc kiểu Hàn, uống rượu Hàn... Buổi chiều, những người Hàn đang sinh sống, làm việc ở Sài Gòn cũng tìm đến đây không chỉ để sống với không khí gia đình: Từ chiếc bàn ăn, cách trang trí đến cả ngôn ngữ. Vui nhất là tiếng ngọng nghịu của các em bé Hàn Quốc đang tập phát âm tiếng... Việt.

Nếu như khu phố Hàn mang không khí hơi ồn ào thì nơi những con phố Nhật lại rất trầm lặng. Phố Nhật tập trung nhiều nhất trên đường Lê Thánh Tôn, quận 1, không khí có phần trầm lặng vào ban ngày nhưng lại khá nhộn nhịp sau 3 giờ chiều. Không ồn ào náo nhiệt với thời trang hay buôn bán sôi động như phố Hàn nhưng nơi đây đặc trưng từng nét âm nhạc, trang trí, hội họa và lối sống Nhật qua văn hóa ẩm thực và cách kinh doanh. Khác với phố Hàn, phố Nhật có cả người Việt và người Nhật kinh doanh (phần lớn vẫn là người Nhật) phục vụ các công dân Nhật tại Sài Gòn. Các shop bán hàng cũng tập trung đủ thứ đồ tươi, đồ khô đến guốc gỗ, kimono và có cả áo dài Việt Nam. Một điều có vẻ vô lý nhưng rất thật là nếu bạn bắt gặp một tà áo dài thả bộ nhởn nhơ trên phố Sài Gòn (quận 1) thì 90% là các cô gái... Nhật. Họ rất thích mặc áo dài Việt Nam đi chơi, đi mua sắm và đến nơi công cộng.

Các chàng trai lại thích tìm kiếm món ăn ngon. Ngoại trừ chuyện kinh tế, người Nhật có phần cuồng tín chuyện thức ăn. Thông tin về thức ăn, quán ngon xem ra còn quan trọng hơn cả chính trị, thời trang hay đề tài gì khác. Như nhóm kỹ sư trẻ đang làm việc ở Biên Hòa, Ðồng Nai, họ vừa tìm món ăn vừa bàn tán về thú trồng bonsai, một phần văn hóa cổ truyền Nhật và món katsuo-bushi (dăm cá ngừ sấy khô), một thứ mà các đầu bếp Nhật không bao giờ dám thiếu. Nó được dùng để nấu nước dùng cho món xúp hầm hoặc làm nước xốt... “quyến rũ” trong từng món ăn.

Bước vào quán cà phê phố Nhật, cảm nhận đủ hương vị Nhật từ cách thiết kế nội thất với không gian hoa có mặt khắp nơi đến âm nhạc theo “gu” chuyên: Nhạc cổ điển, nhạc jazz hoặc rock đều pha âm hưởng của tiếng trống và các kiểu sáo cung đình Nhật. Ðặc biệt có một loại thư quán gọi là cafe Manga (truyện tranh). Với hàng trăm đầu sách, băng đĩa, CD, DVD tiếng Nhật, thư quán tiếp cả trăm khách hằng ngày. Theo một thói quen rất Nhật: Buổi sáng khách ghé quán chọn một cuốn sách, đọc vài trang, dùng điểm tâm, uống trà hoặc cà phê, chiều mượn sách kèm ít băng đĩa về nhà. Ở đây tập trung mọi thành phần, lứa tuổi, đến để thư giãn, để trao đổi thông tin và có khi xem thủ thư trình diễn tài xếp giấy. Như kỹ sư Yamada mà tôi gặp tại một thư quán, sau giờ làm ở Công Ty Vietnam Meiwe. Anh luôn có mặt ở cafe Manga, “nghiện sách” đến mức hết giờ quán đóng cửa mới ra về. Anh có vẻ hài lòng: “Ở đây tôi cảm thấy gần gũi và được đáp ứng các nhu cầu cơ bản của đời sống người Nhật”.

Phố ngoại giữa Sài Gòn là thế, một chút Việt, một chút Hàn, chút Nhật... và nhiều hơn thế nữa.

Post Reply