Tin Trong Nước

Xin nhớ: tin cần có "nguồn", trích từ đâu ra!!!
User avatar
saohom
Posts: 2214
Joined: Wed Aug 26, 2009 11:30 pm

Post by saohom »

Image


Việt Nam: Ba ngày lễ, 80 người chết vì tai nạn giao thông

January 2, 2017


Một vụ tai nạn giao thông xe hơi tông 5 xe máy xảy ra chiều 2 Tháng Giêng ở quận 7, Sài Gon.
HÀ NỘI (NV) – Chỉ trong 3 ngày nghỉ lễ Tết Dương Lịch 2017, Việt Nam xảy ra 93 vụ tai nạn giao thông, làm 80 người chết, 54 người bị thương.

Truyền thông Việt Nam dẫn tin từ văn phòng Ủy Ban An Toàn Giao Thông Quốc Gia loan báo, riêng chiều 2 Tháng Giêng, ngày cuối kỳ nghỉ lễ Tết Dương Lịch 2017 có đến 32 vụ tai nạn giao thông, làm chết 23 người và 23 người bị thương nặng.





Theo báo Người Lao Động, trong 3 ngày từ 31 Tháng Mười Hai năm 2016 đến 2 Tháng Giêng năm 2017, phúc trình của Cục Cảnh Sát Giao Thông tổng kết, tại Việt Nam đã xảy ra 93 vụ tai nạn giao thông, làm chết 80 người, bị thương 54 người. Trong đó, đường bộ xảy ra 91 vụ, làm chết 77 người và 54 bị thương; đường sắt 2 vụ, làm chết 2 người.

Ông Nguyễn Trọng Thái, chánh văn phòng Ủy Ban An Toàn Giao Thông Quốc Gia cho biết thêm, cảnh sát giao thông đường bộ các tỉnh thành đã kiểm tra, xử phạt hơn 9,500 trường hợp vi phạm luật giao thông, nộp Kho Bạc Nhà Nước hơn 8 tỷ đồng.

Tuy nhiên, vấn nạn kẹt xe trong các ngày nghỉ lễ tại các thành phố vẫn trầm trọng. Theo ông Thái là “do người dân đổ về quê chơi khiến lưu lượng xe tăng cao đột biến, cộng với ý thức giao thông kém của nhiều người nên liên tục dẫn đến va chạm giao thông. Cùng lúc đó, nhiều tuyến đường tại các cửa ngõ ở những thành phố lớn như Hà Nội-Ninh Bình; Sài Gòn- Miền Tây và Sài Gòn-Miền Đông cũng bị quá tải do lượng khách ùn ùn đổ về đón xe đã góp phần gây tắc nghẽn giao thông.” (Tr.N)

User avatar
nangchieu
Posts: 2060
Joined: Sun Apr 19, 2009 6:38 pm

Post by nangchieu »


Dân Việt kêu trời vì các chính sách kiểu ‘trời ơi’


Văn Lang/Người Việt


January 5, 201
Image

Bạt ngàn xe máy ở Sài Gòn, ai “huỡn” đâu mà đi tìm xe “chính chủ.” (Hình: Văn Lang/Người Việt)
SÀI GÒN (NV) – Mới đây, Bộ Giao Thông Vận Tải, tự nhiên ra quyết định: Tất cả bằng lái xe phải đổi qua bằng mới, hạn chót là 30 tháng 12, 2016. Những ai không đổi đúng hạn, buộc phải đi thi lại lý thuyết mới được cấp bằng lái.

Thế là dân chúng ùn ùn kéo đi đổi bằng lái, người nghỉ việc, kẻ nghỉ phép, chen chúc nhau… chửi rùm trời. Vì thời hạn cuối năm đã gần kề.

Trước sự bực bội của dư luận, Bộ Tư Pháp cho rà soát lại văn bản của Bộ Giao Thông. Và quyết định đình chỉ thi hành quyết định của Bộ Giao Thông vì… trái luật.

Năm trước nữa, nhà cầm quyền ra quyết định thu phí xe gắn máy. Dù việc này lình xình đã mấy năm, nhiều tỉnh thành đã kiến nghị không thu phí. Vì, nhiều năm trước nhà cầm quyền đã ra quyết định tính phí giao thông vào thuế xăng. Như vậy là công bằng, ai chạy nhiều đóng thuế xăng nhiều, ai chạy ít đóng ít…

Ðã đánh thuế từng lít xăng để tận thu phí giao thông, nay lại đè xe ra lấy tiền lần nữa. Quá vô lý! Sài Gòn quyết định… tha cho dân, với lý do là không có người thu phí. Nhưng nhà cầm quyền trung ương, cũng vẫn kịp ra “sáng kiến” là nâng thuế môi trường đánh vào xăng từ 1 ngàn đồng lên 3 ngàn đồng/1 lít xăng.

Những người có dịp qua Malaysia hoặc Indonesia về cho biết, là giá xăng của Việt Nam luôn cao hơn giá xăng của các nước trong khu vực. Vì phải “cõng” đủ các loại thuế, từ thuế mẹ cho tới thuế con.

Trong khi rượu, bia và thuốc lá của Việt Nam thì lại… quá rẻ. Vì không phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

Một chai bia Sài Gòn xanh cao (450ml) bán với giá 8 ngàn đồng (chưa tới 50 cent); một chai bia ngoại Heineken ướp lạnh bán tại nhà hàng-quán nhậu, với giá 18 ngàn đồng (chưa tới 1 Mỹ kim). Image
Các quán nhậu tràn lan mọc lên như nấm cùng song hành với nạn tham nhũng. (Hình: Văn Lang/Người Việt)
Một chuyên gia kinh tế nhận xét, đánh thuế mạnh vào xăng làm tăng giá thành sản xuất, cũng như tăng giá cước vận chuyển, làm hàng Việt Nam mất khả năng cạnh tranh với hàng giá rẻ của Trung Quốc. Trong khi rượu, bia, thuốc lá giá rẻ làm cho dân chúng lún sâu vào vòng nghiện ngập, với tác hại xã hội nguy hiểm khôn lường.

Mấy năm trước, công an bận thường phục “nằm vùng” trong mấy quán nhậu. Hễ thấy ai nhậu nhiều, lúc họ ra về thì theo dõi biển số xe và điện cho cảnh sát giao thông ở phía ngoài chặn bắt.

Ðược mấy bữa thì việc “nằm vùng” bị dẹp bỏ. Vì Sài Gòn nhiều quán nhậu quá công an đâu mà làm cho xuể. Chưa kể, người đi nhậu toàn là anh em,”đồng chí” của họ không. Hơn nữa làm vậy chẳng khác nào đóng cửa quán nhậu, vì rình bắt người như vậy thì bố ma men nào dám tới quán đó nữa.

Luật giao thông nghiêm cấm người say xỉn lái xe. Ðiều này dĩ nhiên đã có từ lâu,và hầu hết các nước trên thế giới đều có luật này. Nhưng để xác định “đúng người, đúng tội” thì phải xây dựng luật pháp trên cơ sở khoa học thì dân chúng mới “tâm phục, khẩu phục.”

Ðằng này, đụng ai cũng kiểm tra chẳng khác nào… lùa gà, vi phạm quyền tự do thân thể của người dân. Với nồng độ cồn là 0.25ml đã bị phạt, trên 0.4ml thì bị phạt nặng… Như vậy uống 2 lon bia đã bị phạt (theo tính toán của giới khoa học). Trong khi cơ địa người mỗi khác, còn nếu như xác định đã có hơi men dù ít dù nhiều thì đều bị phạt, vậy thì nên ban hành luôn luật cấm bia rượu như các nước Hồi Giáo? Trên thực tế, nhà cầm quyền Cộng Sản từng ban hành luật cấm bia rượu, nhưng rồi chính các “đồng chí” lại bãi bỏ, vì cán bộ Cộng Sản vốn là “tổ sư bồ đề” về mấy khoản ăn nhậu.

Ðầu năm Bộ Y Tế ra “luật” đòi cấm bán rượu bia sau 10 giờ đêm. Bị phản đối, vì đó là giờ “cao điểm” của giới ăn nhậu, con gà đang đẻ trứng vàng cho ngân sách, bảo ngưng là sao? Luật “giới nghiêm” dân nhậu không trống không kèn mà tự… lui.

Như tỉnh Hà Tĩnh thì ra chỉ thị cho các cơ quan thuộc cấp trong toàn tỉnh, và các nhà hàng, quán bar… là phải uống bia Sài Gòn trong mọi lễ lạt, liên hoan, tiếp khách… uống bia khác bị phạt. Lý do, vì bia Sài Gòn mở cơ sở mới ở tỉnh này, vậy tăng cường uống bia Sài Gòn là tăng cường… ngân sách cho tỉnh. Dù việc này bị cho là vi phạm quyền tự do cạnh tranh, có thể bị các hãng bia khác khởi kiện. Nhưng việc chính quyền không biết luật mà vẫn cứ ra luật… tỉnh queo, là chuyện thường ngày ở Việt Nam.

Dân Việt kêu trời vì các chính sách kiểu 'trời ơi'
Một phụ nữ nhập cư, kiếm sống bằng nghề bán dạo quanh các quán nhậu vỉa hè. (Hình: Văn Lang/Người Việt)

Mới đây lại có chuyện đòi kiểm tra xe “chính chủ,” dù vụ việc lình xình này đã bị bãi bỏ từ năm 2014. Nhưng nay chả biết vì lý do gì câu chuyện lại đội mồ sống dậy.

Xe chính chủ, nghĩa là bạn đang đi xe mà không phải do chính mình đứng tên thì sẽ bị phạt. Không cần biết là chồng đi xe của vợ hay con đi xe của cha, “bồ tèo” đi xe của nhau…

Nhìn lại quá khứ, Hà Nội đã từng cấm dân ngoại tỉnh không được đứng tên mua xe ở Hà Nội, nên dân nhập cư phải nhờ người đứng tên.

Sài Gòn thì còn “thảm” hơn, nhiều người bị buộc đi kinh tế mới, sau khổ quá họ bỏ về. Từ đó họ mất luôn hộ khẩu, trở thành dân “lậu.” Bất kể cái gì họ cũng phải nhờ người đứng tên…

Kiểm tra xe trên đường, thứ nhất là bằng lái, thứ hai là giấy tờ (đảm bảo không phải giấy giả), xe không có ai báo bị mất cắp, vậy là xong. Chính chủ cái nỗi gì, thêm rắc rối? Còn ai gây tai nạn thì xử lý ngay chính người đó.

Hiểu như vậy, nên nhà cầm quyền ở Sài Gòn tuyên bố chỉ kiểm tra xử lý xe “chính chủ,” khi gây tai nạn nghiêm trọng. Trong trường hợp khác vẫn lưu thông bình thường. Còn Hà Nội thì đã trang bị máy móc hiện đại, quyết tâm kiểm tra xử lý xe “chính chủ” tới cùng.

Ðất nước mà thảm họa Formosa vẫn chưa qua, bao nhiêu con người còn ấm ức. Quốc nạn tham nhũng thì “liên tục phát triển.” Nói như cựu chủ tịch Cộng Sản là “một bầy sâu nhung nhúc…,” còn phó chủ tịch thì than là “Ăn không từ một cái gì của dân….” Vụ “tiêu cực” nào rờ tới cũng trên vài ngàn tỷ, còn thủ phạm thì đang đi… trị bệnh ở nước ngoài. Ðáng lý phải coi tham nhũng là tội phạm nghiêm trọng – ngang với tội phản quốc, phải đem xử bắn để làm gương. Thì ông “Tổng” của bài trừ tham nhũng lại tuyên bố: “Chống tham nhũng là ta tự đánh ta!”

Huề trớt! Ðất nước này không phải là kỳ cục mà là quá xá… kỳ cục!

nguyennam619
Posts: 238
Joined: Mon May 09, 2011 6:49 am

Post by nguyennam619 »

Nguyễn Phú Trọng thăm Bắc Kinh, giữa lúc Biển Ðông căng thẳng
January 5, 2017

Image
Tập Cận Bình được Nguyễn Phú Trọng đón tiếp khi ông này đến thăm Hà Nội vào tháng 11 năm 2015. (Hình: Getty Images)
HÀ NỘI (NV) – Tổng bí thư đảng CSVN, ông Nguyễn Phú Trọng, sẽ đến thăm Bắc Kinh vào tháng 1 năm 2017. Ông Phạm Bình Minh, phó thủ tướng kiêm bộ trưởng Ngoại Giao CSVN loan báo tin này trong cuộc họp báo ở Hà Nội hôm 5 tháng 1, 2017.

Không có thông tin chi tiết về chuyến thăm này, nhưng truyền thông tại Việt Nam trích lời ông Phạm Bình Minh nói một cách chung chung rằng: “Chuyến thăm nhằm tăng cường quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước đồng thời khẳng định đường lối đối ngoại của Việt Nam muốn tăng cường quan hệ hợp tác hữu nghị với các nước, trong đó có Trung Quốc, một đối tác chiến lược toàn diện quan trọng của Việt Nam.”

Vẫn theo ông Phạm Bình Minh được báo Tuổi Trẻ dẫn lời: “Chuyến thăm ngay thời điểm đầu năm khẳng định rõ mong muốn của Việt Nam đưa quan hệ với Trung Quốc đi vào chiều sâu, hiệu quả, tạo môi trường hòa bình, ổn định, mở ra một năm sẽ có nhiều chuyến viếng thăm lẫn nhau giữa lãnh đạo hai bên.”

Nếu chuyến thăm này diễn ra, thì đây là lần đầu tiên ông Nguyễn Phú Trọng công du Bắc Kinh kể từ khi tái nắm chức tổng bí thư của đảng CSVN sau kỳ đại hội đảng lần thứ 12 hồi tháng 1 năm 2016.

Chuyến thăm viếng Bắc Kinh gần nhất của ông Nguyễn Phú Trọng kéo dài 4 ngày diễn ra hồi tháng 4 năm 2015. Chỉ 3 tháng sau đó, ông Trọng lần đầu tiên có chuyến thăm Mỹ diễn ra vào các ngày từ 6 đến 10 tháng 7, 2015.

Kể từ sau đại hội đảng lần thứ 12, ít nhất đã có 3 ủy viên Bộ Chính Trị của đảng CSVN thăm Trung Quốc.

Ðầu tiên là Bộ Trưởng Quốc Phòng, Tướng Ngô Xuân Lịch, đến Bắc Kinh vào ngày 28 tháng 8 năm 2016. Chưa đầy một tháng sau, ngày 10 tháng 8, Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc, cũng thăm Trung Quốc và dự Hội Chợ Trung Quốc – ASEAN và Hội Nghị Thượng Ðỉnh Thương Mại và Ðầu Tư Trung Quốc – ASEAN lần thứ 13 tại Nam Ninh. Ngay tháng sau đó, ngày 21 tháng 10, 2016, Ðinh Thế Huynh, thường trực Ban Bí Thư thăm Trung Quốc từ ngày 19 đến ngày 21 tháng 10, đồng thời có chuyến thăm Hoa Kỳ ngay sau đó vào hôm 25 tháng 10, năm 2016.

Như vậy, nếu tính luôn chuyến thăm của ông Nguyễn Phú Trọng vào tháng 1 này, thì chỉ trong vòng một năm kể từ sau đại hội 12, đã có đến 4 ủy viên Bộ Chính Trị của đảng CSVN đến Bắc Kinh. Tần suất các chuyến thăm này cho thấy, đảng CSVN ngày càng có quan hệ mật thiết hơn với Trung Quốc, và mỗi khi chuẩn bị có những biến động lớn về chính trị, các lãnh đạo CSVN vẫn thường đến Bắc Kinh, đồng thời bảo đảm thế “đu dây” trong quan hệ tay ba giữa Việt Nam, Trung Quốc và Hoa Kỳ.

Trong chuyến thăm Bắc Kinh lần trước, tháng 4 năm 2015, ông Nguyễn Phú Trọng muốn cải thiện mối quan hệ bị sứt mẻ vì tranh chấp chủ quyền lãnh thổ trên Biển Ðông kể từ khi có cuộc đối đầu trên biển giữa lực lượng hai nước ở phía Nam quần đảo Hoàng Sa từ đầu tháng 5 năm năm 2014 và kéo dài 2 tháng rưỡi.

Còn lần này, tình hình trên Biển Ðông tiếp tục căng thẳng sau khi Trung Quốc hoàn tất việc bồi đắp 7 đảo nhân tạo ở Trường Sa đang gia tăng sự hiện diện quân sự và biểu dương sức mạnh ở Biển Ðông kể cả việc mang hàng không mẫu hạm đến tham gia tập trận.

Tin cho hay, những ngày cuối năm 2016, mẫu hạm Liêu Ninh và đoàn tàu hộ tống đã thực tập chiến đấu với các phi cơ J-15 ở khu vực biển Hoàng Hải, đã tới Biển Ðông và chuẩn bị cho những chương trình huấn luyện tác chiến quy mô tại vùng biển đang có tranh chấp chủ quyền lãnh thổ giữa Trung Quốc và các nước trong khu vực.

Không ảnh chụp được những tháng gần đây cho thấy Bắc Kinh gấp rút hoàn thiện các cơ sở và pháo đài quân sự trên các đảo nhân tạo tại Trường Sa. Một số đảo ở quần đảo Trường Sa cũng đã được mở rộng thêm và xây cất thêm.

Tờ Hoàn Cầu Thời báo viết bình luận khoe rằng các cuộc tập trận của mẫu hạm Liêu Ninh chứng tỏ Trung Quốc đang hoàn thiện khả năng tác chiến và có thể hành động ở những khu vực xa.

Về kinh tế, người ta thấy Việt Nam càng ngày càng lún sâu vào sự lệ thuộc kinh tế với Trung Quốc. Ba năm trở lại đây, kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc liên tục tăng. Năm 2014 kim ngạch thương mại Việt-Trung tăng 17%, lên tới $58.77 tỉ đôla. Trong đó mức thâm hụt mậu dịch của Việt Nam với Trung Quốc cũng gia tăng lên tới gần $29 tỉ trong năm 2014, so với năm trước đó chỉ có $23.7 tỉ đôla. Xuất cảng từ Trung Quốc vào Việt Nam tăng 18.8% hồi năm ngoái với $43.87 tỉ trong khi xuất cảng từ Việt Nam sang Trung Quốc chỉ tăng được 12.6% với $14.91 tỉ.

Các chuyên gia ước tính, kim ngạch thương mại Việt Nam-Trung Quốc sẽ đạt con số $100 tỷ vào năm 2016.

Về đầu tư, tính đến tháng 10 năm 2015, số dự án Trung Quốc đầu tư vào Việt Nam còn hiệu lực là 1,212 dự án, tổng vốn đầu tư là $8.439 tỷ, đứng hàng thứ 9 trong tổng số hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.

Trung Quốc có các dự án ở hầu khắp các tỉnh thành của Việt Nam, nhiều nhất là ở Hà Nội, Hải Phòng, Lào Cai, Hưng Yên, Long An, Sài Gòn, Bình Dương, Ðồng Nai,…

Số du khách Trung Quốc đến Việt Nam cũng liên tục tăng. Nếu như năm 2014 có 1.9 triệu lượt khách, thì năm 2016 con số này đã là 2.7 triệu, tăng hơn 51% so với năm 2015.

Người dân Việt Nam và nhiều nhân sĩ trí thức từng mong muốn nhà cầm quyền “thoát Trung,” tức là giảm sức ảnh hưởng của Trung Quốc vào tất cả các mặt của đời sống kinh tế, xã hội Việt Nam. Tuy nhiên, tần suất các cuộc thăm viếng Bắc Kinh của các lãnh đạo CSVN ngày càng dày đặc, có vẻ như mong muốn này càng ngày càng xa diệu vợi. (KN)

User avatar
saohom
Posts: 2214
Joined: Wed Aug 26, 2009 11:30 pm

Post by saohom »


Dân Việt phẫn nộ trước ‘đề xuất’ mỗi năm phải hiến máu một lần

January 9, 2017

Image
Những người tham gia một đợt vận động hiến máu ở Hà Nội. (Hình: Getty Images)
HÀ NỘI (NV) – Theo “đề xuất” của Bộ Y Tế CSVN trong dự án luật về máu gửi Bộ Tư Pháp của chế độ thẩm định tính cách pháp lý trong đó có “nghĩa vụ bắt buộc của công dân phải thực hiện 1 năm/lần.”

Tin này khi vừa loan tải đã khiến dư luận trong nước phẫn nộ vì họ không ngờ lại có một thứ “đề xuất” bất bình thường như thế. Khoảng 67% người được tờ VNExpress thăm dò dư luận chống lại cái đề xuất cưỡng bách người ta phải hiến máu mỗi năm một lần.

Theo tin tức của tờ Dân Trí, “Bộ Y tế CSVN ‘đề xuất’ 2 giải pháp về nghĩa vụ của công dân liên quan đến hiến máu. Giải pháp 1, quy định việc hiến máu là nghĩa vụ bắt buộc của công dân phải thực hiện 1 năm/lần nhưng có loại trừ một số trường hợp không thể hiến máu; Giải pháp 2, quy định việc hiến máu là tự nguyện kết hợp với tăng chi cho hoạt động vận động hiến máu.”

Theo đề xuất vừa kể, “Việc hiến máu được thực hiện trên cơ sở cân nặng của người hiến máu: Người có cân nặng từ 42 kg đến dưới 45 kg được phép hiến không quá 250 ml máu toàn phần mỗi lần; người có cân nặng 45 kg trở lên được phép hiến máu toàn phần không quá 09 ml/kg cân nặng và không quá 500 ml mỗi lần.”

Tính ra, với dân số cả nước khoảng khoảng 90 triệu người, nếu áp dụng chính sách thứ nhất thì một năm sẽ có khoảng 46 triệu người phải tham gia hiến máu (trừ 30.3 triệu công dân dưới 18 tuổi và khoảng 14.2 triệu người mắc các bệnh không thể hiến máu).

Còn nếu coi việc hiến máu là tự nguyện và “trong điều kiện lý tưởng” là có 18.2 triệu người hiến máu tình nguyện trong một năm thì hằng năm sẽ tiêu tốn khoảng 2,000 tỷ đồng. Trong đó, “quỹ bảo hiểm y tế sẽ phải tăng chi thêm khoảng 524 tỷ/năm, chủ sử dụng lao động sẽ phải bỏ ra khoảng 1,250 tỷ để chi trả tiền lương cho khoảng thời gian mà người lao động sử dụng để đi hiến máu và bản thân người lao động sẽ phải bỏ ra trên 217 tỷ đồng cho việc đi lại phục vụ cho việc hiến máu.”

Trên thế giới, không có quốc gia nào ra luật hiến máu là nghĩa vụ bắt buộc của công dân, kể cả Trung Quốc, mà chỉ có những lời kêu gọi sự tự nguyện trong cách chiến dịch vận động.

Trước sự phẫn nộ của dư luận trên các mạng xã hội và ngay cả trên một số báo chính thống, ông Nguyễn Huy Quang, vụ trưởng Pháp Chế, Bộ Y Tế Hà Nội “khẳng định trong dự thảo luật về máu và tế bào gốc, Bộ Y Tế chưa đề cập gì đến đề xuất công dân bắt buộc hiến máu năm một lần mà vẫn trên cơ sở hiến máu tình nguyện,” theo tường thuật của VNExpress hôm 9 tháng 1, 2017.

Ông này nói thêm rằng, “Nếu bắt buộc hiến máu là liên quan đến quyền con người, không dễ gì bắt buộc được. Tham khảo luật pháp quốc tế thì cũng không có nước nào quy định hiến máu bắt buộc.”

Theo bản tin của VNExpress, “Việc hiến máu tình nguyện trong 2-3 năm gần đây đáp ứng tốt nhu cầu điều trị của người bệnh. Năm 2016 cả nước tiếp nhận gần 1.4 triệu đơn vị máu, 1.52% dân số hiến máu. Khi tỷ lệ 2% dân số hiến máu thì phong trào hiến máu đạt ngưỡng thỏa mãn nhu cầu điều trị của người dân.”

Nhiều năm trước, các bệnh viện tại Việt Nam thiếu máu trầm trọng cho các trường hợp cấp cứu và giải phẫu. Lượng máu có được phần lớn tùy thuộc vào một đội quân “bán máu” chuyên nghiệp. Những người nghèo, cùng khốn trong xã hội cần tiền để mua gạo đã đến các cơ sở hiến máu để bán. Người ta từng thấy có những ký sự về những “làng bán máu” ở dưới chân cầu Hồng Phú, phường Quang Trung, thị xã Phủ Lý (miền Bắc), hoặc xã Hòa Lợi, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh ở miền Nam.

Những năm trước đây, các bệnh viện truyền máu huyết học ở Sài Gòn, Hà Nội và một số tỉnh thường trực có một đoàn người túc trực để bán máu. Vì bị giới hạn số lần bán máu, họ đã phải di chuyển vòng quanh từ nơi này sang nơi khác và xuất hiện một nhóm người gọi là “cò máu.”

Bộ Y Tế CSVN từng đưa ra nhiều quy định được cho là quái đản, bị dư luận chỉ trích dữ dội buộc phải bỏ. Năm 2014, bộ này ra một nghị định cấm người “ngực lép” chạy xe hai bánh. Có người phản ứng trên mặt báo rằng “ngực lép thì tội tình gì mà bị cấm.”

Năm 2013 thì cấm người có bàn tay 6 ngón không được thi bằng lái xe dù điều này không hề ảnh hưởng đến khả năng điều khiển xe của người lái xe. (TN)

User avatar
TheLang
Posts: 1960
Joined: Thu Oct 30, 2008 5:43 am

Post by TheLang »


Mỗi người dân Việt Nam đang gánh nợ hơn $1,000

January 10, 2017

Image
Một tiệm bán lẻ thực phẩm ở khu trung tâm thành phố Hà Nội. Nền kinh tế Việt Nam vẫn còn mang tính nhỏ lẻ và vay nợ nước ngoài
vẫn chiếm phần lớn của nền kinh tế. (Hình: Getty Images)
HÀ NỘI (NV) – Số nợ công của Việt Nam hiện tại đang ở con số $94.85 tỷ, nếu đem số nợ này chia cho dân số hơn 91 triệu người, tính trung bình mỗi người dân Việt Nam đang gánh một khoản nợ khoảng $1,039.

Báo Tri Thức Trẻ dẫn lời ông Nguyễn Xuân Phúc, thủ tướng CSVN cho biết: “Nợ công ngày càng là một thách thức chính sách vĩ mô Việt Nam.”

Theo trang Economist.com, mức gia tăng nợ của Việt Nam là 9.3% mỗi năm.

Báo Tri Thức Trẻ trích dẫn phúc trình của Bộ Tài Chính CSVN cho biết “đến cuối năm 2016 dư nợ công khoảng 64.73% GDP, dư nợ chính phủ khoảng 53.62%. Hai con số này đều đã tiến đến sát ngưỡng nợ không quá 65% GDP, nợ chính phủ không quá 54% GDP trong nghị quyết về kế hoạch tài chính quốc gia 5 năm giai đoạn 2016-2020.”

Theo báo này, mặc dù Bộ Tài Chính khẳng định nợ công được quản lý, kiểm soát chặt chẽ đảm bảo trong giới hạn cho phép nhưng tỷ lệ nợ công tăng rất nhanh, mức tăng trung bình 5 năm qua là 18.4%, gấp 3 lần tốc độ tăng trưởng kinh tế và việc “nếu tính đủ thì nợ đã vượt quá trần cho phép.”

Do đó, ông Nguyễn Xuân Phúc cảnh báo rằng “sẽ không tránh khỏi sự sụp đổ nền tài khóa quốc gia” nếu không chấm dứt được tình trạng trên.

Trước đó, ngay ngày đầu năm 2017, HSBC đã phát đi cảnh báo “nợ công vẫn tăng và có thể ảnh hưởng đến những lựa chọn chính sách trong trường hợp tăng trưởng sẽ thoái trào trong thời gian tới.”

“Bóc ngắn, cắn dài” là hoàn cảnh của nhà cầm quyền CSVN hiện nay khi người ta thấy nó qua báo cáo của Ủy Ban Tài Chính Ngân Sách Quốc Hội khiến thâm thủng ngân sách ngày càng nặng.

Theo “Báo cáo thẩm tra về mục tiêu, định hướng huy động, sử dụng vốn vay và quản lý nợ công giai đoạn 2016-2020” của Ủy Ban Tài Chính Ngân Sách Quốc Hội được một số báo tại Việt Nam thuật lại thì “do tăng trưởng kinh tế không đạt kế hoạch, chính sách tài khóa chưa tích cực cùng với sự mất cân đối trong thu, chi ngân sách nhà nước, dẫn đến bội chi tăng cao trong nhiều năm, không đạt mục tiêu Quốc Hội đề ra.”

Trong năm 2015, nợ công của Việt Nam là 2,608,000 tỷ đồng, bằng 62.2% GDP. Tuy “vẫn trong giới hạn cho phép song tốc độ tăng bình quân cả giai đoạn (18.4%/năm) là khá cao, gấp hơn 3 lần tốc độ tăng trưởng GDP…” Báo Diễn Ðàn Ðầu Tư tường thuật và viết là, “Tỉ lệ nợ chính phủ/GDP tăng từ 39.3% năm 2011 lên 50.3% năm 2015. Ðặc biệt, chỉ tiêu nợ chính phủ/GDP năm 2015 là 50.3% đã vượt giới hạn trần cho phép (50%).”

Bản báo cáo kêu rằng, “Ðây chính là nguyên nhân khiến nợ công tăng nhanh, mặc dù vẫn trong giới hạn cho phép nhưng bắt đầu có dấu hiệu rất khó khăn về trả nợ trong ngắn hạn và có biểu hiện không an toàn trong dài hạn.”

Hồi Tháng 10, 2016, tờ Thời Báo Kinh Tế Việt Nam dựa theo báo cáo tổng kết của Bộ Tài Chính viết rằng, “Ðến hết 30 Tháng 9, chính phủ đã huy động 250,320 tỷ đồng (hơn $11 tỷ) trái phiếu, vay vốn nước ngoài quy đổi khoảng $4.88 tỷ… bội chi ngân sách chín tháng đã vượt 152,200 tỷ đồng, bằng 59.9% so với dự toán năm.”

“Ðể có tiền chi tiêu, nhà nước CSVN vay ngang vay dọc qua nhiều “kênh” khác nhau, khi gộp lại, tính chung cả vay nợ nước ngoài và huy động qua trái phiếu (quy đổi ra USD), 9 tháng Chính phủ đã vay thêm khoảng 16 tỷ USD,” tờ TBKTVN viết.

Theo dự báo của Ngân Hàng Thế Giới (WB), nợ công của Việt Nam sẽ lên tới hơn 64% GDP, vượt xa mức $117 tỷ vào hồi cuối năm 2015. (KN)

nguyennam619
Posts: 238
Joined: Mon May 09, 2011 6:49 am

Post by nguyennam619 »


Ngoại Trưởng Kerry tin tưởng Mỹ vẫn sẽ phát triển thương mại với Việt Nam

January 13, 2017

Image
Ngoại Trưởng John Kerry được Đại Sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius và một số người đón tại sân bay Nội Bài ngày 12 Tháng Giêng
(Hình: AP Photo/Alex Brandon)
SÀI GÒN (NV) – Ngoại Trưởng Mỹ John Kerry bảo đảm là mối quan hệ với Việt Nam vẫn tiếp tục phát triển khi ông Donald Trump làm tổng thống dù ông Trump muốn bỏ Hiệp Định Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP).

“Tôi quay trở lại Việt Nam bây giờ để nhấn mạnh rằng dù có thay đổi chính phủ ở Hoa Thịnh Đốn thì cũng không làm xấu đi những căn bản cam kết của Hoa Kỳ đối với sự ổn định và thịnh vượng của Á Châu Thái Binh Dương.” Ông Kerry nói như vậy trong bài phát biểu tại đại học Sư Phạm Kỹ Thuật ở Sài Gòn chiều ngày 13 Tháng Giêng, 2017, sau khi buổi sáng cùng ngày đã gặp giới lãnh đạo chế độ tại Hà Nội.



“Tình bạn giữa chúng ta không tùy thuộc vào một số cá nhân, một tổng thống này hay tổng thống khác, một đảng này hay đảng khác.”

Ông John Kerry đến Việt Nam trong một chuyến đi qua nhiều nước từ Á sang Âu lần cuối cùng trong cương vị ngoại trưởng Hoa Kỳ của chính quyền Tổng Thống Barack Obama. Ông là một trong những nhân vật chính yếu của chính sách “xoay trục sang Á Châu” cũng như đóng góp cho sự mở mang kinh tế của Việt Nam.

Việt Nam là một trong những thị trường xuất cảng phát triển nhanh nhất của Mỹ. Việt Nam cũng là một trong 12 nước đã tham gia đàm phán Hiệp Định Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà ông Trump từng cho rằng hiệp định này tồi tệ cho nước Mỹ và dọa sẽ dẹp bỏ sau khi ông vào Tòa Bạch Ốc. Ngoại Trưởng Kerry, vì vậy, nhìn nhận rằng tương lai số phận của TPP sẽ “không có gì chắc chắn.”

“Tôi không thể tiên đoán chính phủ mới của Mỹ sẽ làm gì về mặt thương mại nhưng tôi có thể nói với quý vị rằng các lý do dẫn đến Hiệp Định TPP không thay đổi,” ông Kerry nói.

Theo ông, nước Mỹ cần xuất cảng để phát triển kinh tế nhưng kỹ thuật, không phải thương mại, đã lấy đi mất rất nhiều việc làm trong ngành sản xuất kỹ nghệ. Ông nhìn nhận rằng rất nhiều người Mỹ cho rằng toàn cầu hóa làm “đảo lộn” vì rất nhiều việc làm của giới trung lưu trong sản xuất ky nghệ đã bị mất đi.

“Tại quốc gia chúng tôi, và nhiều nước khác trong thế giới kỹ nghệ hóa, chúng tôi biết chúng tôi phải làm nhiều hơn nữa để đáp ứng những quan tâm của người dân khi người ta thấy sự trục trặc xảy đến nhanh chóng,” ông nói.

Ông thúc hối Việt Nam tiếp tục cải tiến kinh tế cũng như bảo vệ quyền người lao động và môi trường theo tinh thần đã được các bên thỏa thuận trong bản Hiệp Định TPP.

Đây là lần thứ tư ông Kerry đến Việt Nam trong tư cách ngoại trưởng Mỹ. Thời chiến tranh, ông từng là một trung úy hải quân, hoạt động vùng sông nước ở đồng bằng sông Cửu Long các năm 1968 và 1969.

Ông cùng với Nghị Sĩ John McCain là những người có công rất lớn để nối lại bang giao giữa hai cựu thù vào năm 1995.

Dịp này, Ngoại Trưởng Kerry cũng nêu vấn đề nhân quyền với các lãnh tụ Hà Nội. Cho đến nay, chế độ Hà Nội vẫn không thay đổi chính sách đàn áp các người bất đồng chính kiến dù bị các chính phủ Tây phương, đặc biệt là Hoa Kỳ, áp lực thường xuyên. Khi một số người này mãn án tù hoặc được thả trước thời hạn thì chế độ Hà Nội lại bắt ngay một số người khác trám chỗ.

“Quyền của người dân phát biểu ý kiến cá nhân, quyền tự do tôn giáo và quyền tự do đi lại cũng như quyền chia xẻ thông tin và kiến thức, những điều lên quan đến quyết định ảnh hưởng đến đời sống của họ, chúng tôi cho là những quyền không thể chuyển nhượng,” ông Kerry nói.

Ngày 10 Tháng Mười, 2016, khi phát biểu tại một hội thảo về Internet, Virtuous Circle, ở vùng thung lũng điện tử California, ông Kerry cho rằng chỉ còn “chủ nghĩa tư bản cuồng nhiệt” tại Việt Nam. Nói khác, ông tin là cái chủ nghĩa Cộng Sản giáo điều hiện chỉ còn có cái vỏ để chế độ Hà Nội bám vào để tuyên truyền bịp dân. (TN)

User avatar
saohom
Posts: 2214
Joined: Wed Aug 26, 2009 11:30 pm

Post by saohom »



Tân Sơn Nhất kẹt cứng vì ‘rừng người’ đón Việt kiều về ăn Tết

January 15, 2017

Image
Hai bên hành lang cửa ra đông nghẹt người chen nhau ngóng chờ người thân.
SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Khu vực phi trường Tân Sơn Nhất những ngày gần đây kể cả cuối tuần lúc nào cũng nghẹt người vì người ta đi đón người thân ở ngoại quốc về ăn Tết hoặc tiễn người đi.

Đông nhất là vào buổi trưa, nhưng vì thời gian này nhiều hãng máy bay quốc tế tăng thêm chuyến để kiếm tiền, tình trạng đầy nghẹt người kéo dài đến cả đêm.

Theo tin và hình ảnh của VnExpress, ban quản lý sân bay lập rào chắn và thiết kế ghế ngồi cho người đến đón nhưng không còn một chỗ trống. Những người đến sớm giành được ghế ngồi thẳng cửa ra, vị trí rất dễ nhận ra người thân trong đám đông. Hai bên hành lang cửa ra đông nghịt người chen nhau ngóng chờ người thân.

Theo VnExpress, khi làm việc với lãnh đạo cảng vụ hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, ông Đinh La Thăng, bí thư thành ủy, đề nghị đơn vị này nghiên cứu kết nối từ sân bay thoát ra bên ngoài, tổ chức lại giao thông cho phù hợp. Đặc biệt là đưa thủ tục “check-in” ra bên ngoài, không cho taxi vào trong sân bay mà dùng xe buýt đưa đón hành khách từ nơi “check-in” vào.

“Đưa đón người thân, người nhà cũng chỉ ở đấy thôi. Bây giờ cứ dồn vào đấy hết, cứ một người đi thì 10 người tiễn, một người về thì 10 người đón. Mỗi người cưỡi một chiếc taxi vào thì sân bay nào chịu nổi. Chưa nói đến taxi Uber và Grab tăng kinh khủng, nên phải tổ chức lại,” ông Thăng được trích lời nói.

Phi trường Tân Sơn Nhất là phi trường quốc tế cho cả khu vực phía Nam chứ không riêng gì cho thành phố Sài Gòn. Bởi vậy, người các tỉnh khác cũng đổ về đây đón người thân từ nước ngoài về quê ăn Tết, tạo nên một tình trạng khác thường.

Nhiều người chờ đợi quá lâu, nhất là trẻ em, kẻ nằm người ngồi trong mệt mỏi. Có thể người từ nước ngoài về mang rất nhiều hành lý, đặc biệt là quà cáp đủ loại cho nhiều người, nên nhiều người trong một gia đình cùng đi đón một người. (TN)

nguyenthanh
Posts: 859
Joined: Fri Jan 06, 2012 5:40 pm

Post by nguyenthanh »


Ðốt 7 ngàn tỉ đồng, cách chức, khai trừ khỏi đảng CSVN là xong

January 17, 2017

Image
Ông Vũ Ðình Duy - một “hạt giống đỏ.” Sau khi ông Duy đốt 7,000 tỉ, chính quyền Việt Nam hủy hai yếu tố “hạt giống” và yếu tố “đỏ” của ông Duy.
Vậy là xong! (Hình: Ðất Việt)
HÀ NỘI (NV) – Chuyện ông Vũ Ðình Duy, cựu tổng giám đốc công ty hóa dầu và xơ sợi dầu khí, gọi tắt là PVTex coi như đã… xong!

Ông Duy được xác định là nhân vật phải chịu trách nhiệm về sự thất bại của dự án xây dựng nhà máy sản xuất xơ sợi polyeste Ðình Vũ, tọa lạc tại Hải Phòng. Sau khi ngốn hết 7,000 tỷ đồng, nhà máy sản xuất xơ sợi polyeste Ðình Vũ phải đóng cửa vì nếu ráng vận hành thì sẽ gây thiệt hại trầm trọng hơn.


PVTex là một thành viên của Tập Ðoàn Dầu Khí Việt Nam (PVN). PVN có hàng chục dự án thua lỗ hàng ngàn tỉ đồng như PVTex.

Sau khi đốt xong vài chục ngàn tỉ đồng, ông Ðinh La Thăng, chủ tịch Hội Ðồng Quản Trị Của PVN được rút về làm bộ trưởng Giao Thông-Vận Tải, rồi trở thành ủy viên Bộ Chính Trị và giờ đang đảm nhiệm vai trò bí thư Thành Ủy Sài Gòn.

Những thuộc cấp của ông Thăng như ông Duy cũng rời PVN để chuyển về làm phó giám đốc Sở Công Thương thành phố Hải Phòng, cục phó Cục An Toàn Kỹ Thuật và Môi Trường Công Nghiệp của Bộ Công Thương. Năm vừa qua, trước khi ông Vũ Huy Hoàng (người làm bộ trưởng Công Thương suốt hai nhiệm kỳ ông Nguyễn Tấn Dũng làm thủ tướng Việt Nam) nghỉ hưu, ông Duy được chỉ định làm thành viên Hội Ðồng Quản Trị Tập Ðoàn Hóa Chất Việt Nam (Vinachem).

Do áp lực của dư luận, chính phủ Việt Nam phải tổ chức thanh tra các dự án ngốn của ngân sách nhiều ngàn tỉ đồng song không những không sinh lợi mà còn tạo thêm nhiều khoản nợ khổng lồ khác.

Nhà máy sản xuất xơ sợi polyeste Ðình Vũ là một trong năm dự án thuộc loại vừa kể được lôi ra xem xét.

Ðầu Tháng Mười Một năm ngoái, khoảng hai tuần trước khi kết luận thanh tra về năm dự án ngốn hết 30.000 tỉ song chỉ sinh nợ, báo chí Việt Nam loan báo, ông Duy đã vắng mặt không phép nhiều ngày tại Vinachem, và không ai liên lạc được. Tin ban đầu cho biết ông Duy đã ra ngoại quốc để chữa bệnh!

Mới đây, trò chuyện với tờ Ðất Việt, ông Nguyễn Tuấn Minh, chánh văn phòng Vinachem, cho biết, do ông Duy vắng mặt không phép nhiều ngày, Bộ Công Thương đã cách chức, cho ông Duy thôi việc, còn Vinachem đã khai trừ ông Duy ra khỏi đảng CSVN. Ông Minh khẳng định, bởi ông Duy không còn liên quan đến Vinachem nên Vinachem không quan tâm đến ông Duy nữa. Ông Minh khuyên phóng viên tờ Ðất Việt nên liên lạc với Bộ Công Thương.

Theo tờ Ðất Việt thì một viên chức đại diện cho Vụ Tổ Chức Cán Bộ của Bộ Công Thương bảo rằng, cơ quan này đã làm xong tất cả những thủ tục cần thiết đối với một cán bộ “vi phạm nghiêm trọng kỷ luật lao động và vi phạm quy định về quản lý cán bộ đi ngoại quốc” nên chẳng còn “thông tin nào để trao đổi cả.”

Nói cách khác, chuyện ông Duy coi như đã xong. Nó giống hệt chuyện ông Trịnh Xuân Thanh. Ông Trịnh Xuân Thanh, người từng là cựu chủ tịch Hội Ðồng Quản Trị của Tổng Công Ty Xây Lắp Dầu Khí Việt Nam (PVC) dưới thời ông Ðinh La Thăng làm chủ tịch Hội Ðồng Quản Trị PVN.

Ông Thanh cũng rời khỏi PVC khi ông Thăng không còn ở đó và giống như ông Duy, dù làm mất 3,200 tỉ của PVC nhưng ông Thanh vẫn lên như diều. Sau khi làm trưởng văn phòng đại diện của Bộ Công Thương ở miền Trung, ông Thanh quay về Hà Nội làm chánh văn phòng Ban Cán Sự Ðảng của Bộ Công Thương, rồi được luân chuyển về tỉnh Hậu Giang làm phó chủ tịch. Nếu không có chuyện hệ thống tư pháp khởi tố, truy cứu trách nhiệm vì đã làm mất 3,200 tỉ đồng, chắc chắn ông Thanh sẽ trở thành thứ trưởng vì đã được qui hoạch.

Ông Thanh đột ngột biến mất trước khi lệnh khởi tố được công bố và 3,200 tỉ thành khói tiễn ông Thanh rời khỏi hàng ngũ đảng viên và công chức. (G.Ð)

User avatar
nangchieu
Posts: 2060
Joined: Sun Apr 19, 2009 6:38 pm

Post by nangchieu »



Người nghèo Việt Nam mắc bệnh thận chỉ biết ‘bó tay’


January 19, 2017


Image
Một bệnh nhân đang được lọc thận ở Việt Nam. (Hình: dieuduongngoai.com)
HÀ NỘI (NV) – Một bản tin gần đây của tổ chức quốc tế Oxfam cho hay, bị bệnh tiểu đường giai đoạn cuối, chỉ những người giầu có mới có khả năng tiền bạc để thay thận, kéo dài cuộc sống.

Oxfam nêu ra sự bất bình đẳng xã hội này khi dẫn trường hợp một phụ nữ tên Oanh, 27 tuổi, cư ngụ ở vùng nhà quê huyện Mê Linh, Hà Nội, gặp rất nhiều khó khăn tài chánh trong đời sống hàng ngày và phải dọn nhà tới khu vực gần trung tâm thành phố để thuận tiện cho việc “chạy thận nhân tạo” mỗi tuần lễ 3 lần.





Tuy có bảo hiểm y tế trả cho phí tổn chạy thận nhưng tiền mua thuốc uống thì phải tự túc. Vì quá nghèo, chị không có tiền thay ghép thận vì tốn phí ít nhất phải từ trên 180 triệu đồng Việt Nam (khoảng $9,000) trở lên, chị không đào đâu ra được.

“Tôi cảm thấy buồn cho hoàn cảnh của tôi vì thấy không có khả năng trả tiền mua thuốc. Những ai có thể trả được phải là những người khỏe mạnh hơn. Tôi cảm thấy đời tôi quá khó khăn và tôi bị kẹt. Thật bất công.” Lời chị Oanh được dẫn lại trên bài viết của Oxfam.

Chị Oanh chị kiếm được khoảng một triệu đồng một tháng nhờ đi vòng quanh bán nước trà ở ngay trong bệnh viện, số tiền dùng cho các chi phí chữa bệnh. Nhưng nếu bị bắt và bị cấm bán thì chị sẽ không biết xoay xở ra sao.

Lợi tức của người bạn trai của chị cũng chỉ đủ để trả các chi phí cần thiết như tiền thuê nhà, tiền ăn. Cha mẹ của chị đã phải bán hết ruộng đất lấy tiền giúp con đối phó với chứng bệnh, nhất là khi có chuyện khẩn cấp.

“Khi nào trong nhà có người bị bệnh, tất cả các gia đình đều phải vay tiền. Nếu nhà cầm quyền hỗ trợ khi người ta ốm đau, tôi có thể ít khó khăn hơn. Đời tôi không đến nỗi quá khó khăn.” Chị Oanh tâm sự.

Theo lời chị Oanh kể, cả chị và gia đình đều kẹt cứng trong vòng xoay nợ nần. Chị cũng như người bạn trai không dám nghĩ tới kết hôn hoặc có con vì vừa bệnh tật hiểm nghèo lại không có nguồn lực tài chính như đang vây chặt lấy họ. Thay thận để gia tăng phẩm chất cuộc sống cũng như khả năng kéo dài cuộc sống còn không có, nghĩ thế nào được những cái khác.

Mỗi năm, khoảng hơn 10,000 người ở Việt Nam cần được thay ghép thận. Hai năm trước, từng có một số bài viết nói về những người nghèo tại một làng thuộc tỉnh Cần Thơ đã theo nhau đi bán bớt một trái thận để giải quyết các khó khăn tiền bạc trong đời sống.

Tuy các bản thống kê hàng năm đều nói nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng, lợi tức đầu người trung bình được tới 2,000 đô la/năm, nhưng không có tên chị Oanh và gia đình chị trong đó. Hiện vẫn còn khoảng 13 triệu người Việt Nam sống bên dưới mức nghèo khó, phần lớn sống tại các khu vực nông thôn hoặc các miền núi.

Theo bản tường trình mới được Oxfam công bố, nhà cầm quyền hô hào công bằng xã hội, “tiến lên Xã Hội Chủ nghĩa” nhưng khoảng cách về thu nhập giữa nhóm giàu nhất và nghèo nhất ở Việt Nam ngày càng lớn.

Người giàu nhất Việt Nam có thu nhập trong một ngày cao hơn thu nhập của người nghèo nhất Việt Nam trong 10 năm. Trong một giờ, người giàu nhất Việt Nam có thu nhập từ nguồn tài sản cao hơn gần 5,000 lần thu nhập của nhóm 10% nghèo nhất Việt Nam.

Theo Oxfam, thu nhập trong một năm của nhóm 210 người siêu giàu ở Việt Nam dư sức để đưa 3.2 triệu người thoát nghèo. (TN)

nguyenthanh
Posts: 859
Joined: Fri Jan 06, 2012 5:40 pm

Post by nguyenthanh »


Mỗi năm, dân Việt đốt 1 tỉ đô la cho thuốc lá

January 25, 2017

Image
Việt Nam nằm trong nhóm 15 nước có số người hút thuốc lá nhiều nhất thế giới.
HÀ NỘI (NV) – Mỗi năm, chính quyền Việt Nam đã chi ra hơn 23,000 tỉ đồng (khoảng $1.1 tỉ) để chữa các bệnh liên quan đến thuốc lá. Trong khi đó, người dân lại bỏ ra 22,000 tỉ đồng (khoảng $1 tỉ) để mua thuốc lá hút mỗi năm. Báo Người Lao Động, ngày 24 Tháng Giêng dẫn tin Bộ Y Tế cho biết như vậy.

Theo thống kê của Bộ Y Tế, Việt Nam nằm trong nhóm 15 nước có số người hút thuốc lá nhiều nhất thế giới. Qua khảo sát thuốc lá toàn cầu dành cho người trưởng thành (GATS), tỉ lệ người hút thuốc lá trong nhóm nam giới trưởng thành tại Việt Nam chiếm 45.3%, và có tới hơn 15.6 triệu người đang hút thuốc, trong đó tỉ lệ hút thuốc lá ở nam giới các vùng nông thôn rất cao.

Hậu quả tác động sức khỏe của việc sử dụng thuốc lá ở Việt Nam đang ngày càng rõ rệt với số người mắc các bệnh về hô hấp, tim mạch và ung thư do thuốc lá ngày càng gia tăng nhanh chóng.

Hiện Việt Nam có hơn 40,000 người chết vì các bệnh liên quan đến thuốc lá, cao gấp 4 lần so với số người chết vì tai nạn giao thông và nhiều hơn số người chết do HIV/AIDS, sốt rét và bệnh lao cộng lại.

Báo cáo của Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO) cho hay, theo điều tra toàn cầu về sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành trong năm 2015 tại Việt Nam, thì nhà hàng ăn uống là một trong những nơi chịu ảnh hưởng của khói thuốc nhiều nhất, chiếm đến 80.7%. (Tr.N)

Post Reply