Tin Trong Nước

Xin nhớ: tin cần có "nguồn", trích từ đâu ra!!!
User avatar
saohom
Posts: 2212
Joined: Wed Aug 26, 2009 11:30 pm

Post by saohom »

Hai ông Lê Thanh Tùng và Trần Anh Kim bị y án sơ thẩm 12 và 13 năm tù
May 26, 2017

Image
Hai ông Trần Anh Kim và Lê Thanh Tùng ra tòa sơ thẩm ở Thái Bình ngày 16 Tháng Mười Hai, 2016. (Hình: Báo điện tử VietNamNet)

THÁI BÌNH, Việt Nam (NV) – Hai ông Trần Anh Kim và Lê Thanh Tùng đã bị y án sơ thẩm trong một phiên xử phúc thẩm ngày 26 Tháng Năm tại tỉnh Thái Bình vì bị vu cho tội “âm mưu lật đổ chính quyền.”

Cả hai ông Trần Anh Kim (68 tuổi) và Lê Thanh Tùng (49 tuổi) đều là thành viên của Khối 8406, một tổ chức xã hội dân sự do Linh Mục Nguyễn Văn Lý hậu thuẫn, thành lập ngày 8 Tháng Tư, 2006. Hai ông đã từng bị tù vì lập blog viết các bài vận động dân chủ hóa Việt Nam, cổ võ tôn trọng nhân quyền thật sự phổ biến trên Internet.


Hai ông bị công an tỉnh Thái Bình bắt ngày 21 Tháng Chín, 2015, khi chuẩn bị ra mắt để kêu gọi mọi người tham gia một tổ chức xã hội dân sự trên Internet có tên là “Lực Lượng Quốc Dân Dựng Cờ Dân Chủ” dự trù vào lúc 9 giờ tối cùng ngày. Cả hai bị cáo buộc tội “Âm mưu lật đổ chính quyền…” theo Điều 79 của Luật Hình Sự CSVN.

Ngoài hai ông ra, tổ chức này mới chỉ trong tiến trình vận động thành lập. Tuy nhiên, trong phiên tòa sơ thẩm ngày 16 Tháng Mười Hai, 2016, ông Trần Anh Kim bị kết án 13 năm tù giam và ông Lê Thanh Tùng bị kết án 12 năm tù giam bất chấp các lời biện hộ của các luật sư chứng minh hai ông vô tội.

Cũng như phiên xử sơ thẩm, các luật sư biện hộ đã chứng minh hai ông vô tội theo đúng tinh thần của bản Hiến Pháp CSVN, đề nghị hủy án và đình chỉ vụ án tuy nhiên cái “hội đồng xét xử” vốn chỉ là những người thi hành các bản án “bỏ túi” không chấp nhận những quan điểm của luật sư và cũng không chấp nhận kháng cáo của ông.

Tại phiên tòa sơ thẩm ngày 16 Tháng Mười Hai, 2016, Luật Sư Võ An Đôn biện hộ cho hai ông đã trình bày rằng hai ông vô tội, bởi thứ nhất hai ông thành lập “Lực Lượng Quốc Dân Dựng Cờ Khởi Nghĩa” và thực sự “như một cái hội thôi, tổ chức này gồm có sáu người mà chỉ hai anh là người có thật, những người còn lại là người ảo trên mạng không xác định được ở đâu.”

Thêm nữa, trong phiên tòa, các ông đều nói rằng “tổ chức này thành lập ảo trên mạng, thật sự những người trong tổ chức chưa biết mặt nhau, ông Kim và ông Tùng hai người mới gặp nhau lần đầu tại tòa.”

Nhưng bản cáo trạng vẫn quy chụp ông Trần Anh Kim là “có ý tưởng thành lập tổ chức mang tên ‘Lực Lượng Quốc Dân Dựng Cờ Dân Chủ’ với lực lượng nòng cốt là sĩ quan và hạ sĩ quan trong quân đội nhân dân và quân đội Việt Nam Cộng Hòa trước kia.”

Thông Tấn Xã Việt Nam đưa tin phiên tòa phúc thẩm ngày 26 Tháng Năm, 2017, viết rằng: “Hội đồng xét xử phúc thẩm khẳng định, tổ chức ‘Lực Lượng Quốc Dân Dựng Cờ Dân Chủ’ là tổ chức bất hợp pháp, mục đích hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân, trong đó Trần Anh Kim là người vạch ra chủ trương, đường lối hoạt động của tổ chức, viết tuyên ngôn, lời kêu gọi, viết bài phát biểu trong buổi ra mắt, xây dựng chương trình buổi ra mắt, phân công vị trí, vai trò của từng thành viên trong tổ chức.”

Còn ông Lê Thanh Tùng bị cáo buộc là: “Người tham gia thành lập tổ chức, là người phát ngôn, trực tiếp soạn thảo lời tuyên bố khai mạc, bế mạc, đọc lời phát biểu ra mắt tổ chức, phát tán trên mạng Internet và một số bài viết khác.”

Ông Trần Anh Kim, cựu trung tá quân đội CSVN, từng bị bắt và kết án tù 5 năm 6 tháng hồi năm 2009 cũng với tội danh ‘hoạt động nhằm lật đổ chính quyền’ theo Điều 79 Bộ Luật Hình Sự CSVN. Còn ông Lê Thanh Tùng, cũng từng là một cựu chiến binh CSVN bị tòa sơ thẩm Hà Nội kết án tù lần thứ nhất năm 2012 với bản án năm năm tù giam; nhưng sau đó tại phiên phúc thẩm vào Tháng Mười Một, 2012, án giảm còn bốn năm.

Hai ông Trần Anh Kim và Lê Thanh Tùng bị chế độ Hà Nội áp đặt lên đầu hai bản án rất nặng chỉ ba ngày trước khi Thủ Tướng CSVN Nguyễn Xuân Phúc đi thăm Mỹ với hy vọng cải thiện mối bang giao và sẽ được Washington nâng đỡ hơn nữa về mặt kinh tế. Chính phủ Hoa Kỳ vừa cấp cho Việt Nam sáu tàu tuần tra cao tốc cỡ nhỏ và một tàu tuần tra cỡ lớn để giúp cải thiện khả năng bảo vệ vùng biển rất dài.

Y án sơ thẩm đối với hai ông Trần Anh Kim và Lê Thanh Tùng có dấu hiệu như trả lời cho Washington biết các đòi hỏi chế độ cải thiện nhân quyền không có tác dụng. Mới ngày 23 Tháng Năm vừa qua, đã có cuộc đối thoại nhân quyền tại Hà Nội giữa hai chính phủ.

Trong các bản phúc trình hằng năm về nhân quyền và tự do tôn giáo tại Việt Nam, Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ vẫn liệt kê ra rất nhiều các vụ vi phạm nhân quyền trắng trợn của chế độ Hà Nội. (TN)

kalua
Posts: 836
Joined: Sun Apr 22, 2012 5:26 pm

Post by kalua »

Sáu người chết khi đang ‘chạy thận’ tại bệnh viện Hòa Bình
May 29, 2017

Image
Bệnh nhân chạy thận tại bệnh viện.

HÒA BÌNH (NV) – Mười tám bệnh nhân suy thận khi đang chạy thận nhân tạo ở bệnh viện tỉnh Hòa Bình đã bị sốc thuốc và 6 người đã chết.

Truyền thông Việt Nam dẫn lời ông Trương Quý Dương, giám đốc bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình cho hay, ngày 29 Tháng Năm, khi đang chạy thận cho 18 bệnh nhân bị suy thận mạn phải lọc máu chu kỳ, đã xảy ra vụ nghi sốc phản vệ tập thể, khiến 6 người chết.


Theo báo Lao Ðộng, 18 bệnh nhân của khoa Thận Nhân Tạo đến bệnh viện để lọc máu chu kỳ. Khi lọc máu được khoảng 30-40 phút, thì các bệnh nhân có dấu hiệu nghi bị sốc. Sau đó, các bác sĩ đã dừng và chuyển sang cấp cứu gấp. Ðến 16 giờ cùng ngày, đã có 6 bệnh nhân chết.

Ông Dương cũng cho biết, ngay lập tức bệnh viện đã báo sự việc lên Sở Y Tế tỉnh. Hiện toàn bộ thuốc và thiết bị liên quan đều đã được niêm phong. Chưa xác định được nguyên nhân chính xác dẫn đến vụ chết tập thể này.

Chiều cùng ngày, một nhóm chuyên gia về thận nhân tạo và dị ứng của bệnh viện Bạch Mai đã đến Hòa Bình hỗ trợ điều trị và cấp cứu cho các nạn nhân còn lại. Dự kiến tối cùng ngày sẽ có thêm một nhóm nữa tiếp tục đến hỗ trợ.

Ông Nguyễn Hữu Dũng, trưởng khoa Thận Nhân Tạo, bệnh viện Bạch Mai cũng xác nhận, bệnh viện vừa cử 4 bác sĩ lên trên Hòa Bình để phối hợp giải quyết vụ việc. Trong đó, có 2 bác sĩ khoa Thận Nhân Tạo, một bác sĩ chuyên chống độc và một bác sĩ dị ứng.

“Trong y văn từng có trường hợp bệnh nhân sốc và chết khi đang được lọc máu chu kỳ, nhưng tại Việt Nam trong nhiều năm qua, đây là vụ việc nghiêm trọng nhất được ghi nhận,” ông Dũng nói.

“Hiện cơ quan công an vẫn đang xác minh nên chưa thể đưa ra kết luận gì. Nguyên nhân ban đầu sẽ do cơ quan y tế cung cấp,” ông Phạm Hồng Tuyến, giám đốc công an tỉnh Hòa Bình nói với báo Tuổi Trẻ. (Tr.N)

User avatar
MatVit
Posts: 832
Joined: Fri Sep 02, 2011 9:18 pm

Post by MatVit »

Việt Nam nhờ Nhật ‘bồi dưỡng’ cho ‘lãnh đạo cấp chiến lược’
June 7, 2017

Image
Thủ Tướng Nhật Shinzo Abe (phải) tiếp đồng nhiệm Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc tại Tokyo ngày 6 Tháng Sáu. (Hình: Kim Kyung-Hoon/AP)

TOKYO, Nhật (NV) – Việt Nam nhờ Nhật “bồi dưỡng” cho “lãnh đạo cấp chiến lược” có lẽ là thông tin đáng chú ý nhất về cuộc họp báo diễn ra sau khi ông Shinzo Abe, thủ tướng Nhật, hội đàm với ông Nguyễn Xuân Phúc, thủ tướng Việt Nam, tại Tokyo, Nhật, hôm 6 Tháng Sáu.

Trước đây, việc “bồi dưỡng” cho viên chức lãnh đạo, đặc biệt là “lãnh đạo cấp chiến lược” luôn do hệ thống các trường đảng tại Việt Nam đảm trách. Thỉnh thoảng, Việt Nam gom các viên chức lãnh đạo, kể cả lãnh đạo quân đội, công an thành đoàn, gửi cho Trung Quốc “bồi dưỡng.”


Bồi dưỡng các viên chức lãnh đạo, đặc biệt là “lãnh đạo cấp chiến lược” về quản lý giờ là một trong những thỏa thuận liên quan đến hợp tác Việt-Nhật và thuộc lĩnh vực “phát triển nguồn nhân lực.”

Tường thuật về cuộc họp báo vừa kể, báo chí Việt Nam và quốc tế chỉ chú trọng đến chuyện, trong năm tài khóa 2016, Nhật sẽ dành cho Việt Nam khoản vay ưu đãi để thực hiện các dự án phát triển (ODA) trị giá 100.3 tỷ yên, tương đương $912 triệu và yếu tố thỏa thuận vay đã được hai bên ký kết trong cùng ngày.

Việt Nam sẽ dùng khoản vay vừa kể thực hiện bốn dự án: (1) Bảo đảm an toàn và an ninh hàng hải. (2) Quản lý nước ở Bến Tre. (3) Cải tạo hệ thống thoát nước và giải quyết nước thải thành phố Biên Hòa, Đồng Nai, giai đoạn 1. (4) Phát triển hạ tầng của khu công nghệ cao Hòa Lạc, Hà Nội, giai đoạn 2.

Nếu đối chiếu thông tin về ODA mà ông Abe và ông Phúc công bố sau cuộc hội đàm, với thông tin về ODA mà ông Abe từng loan báo khi thăm Việt Nam hồi giữa Tháng Giêng năm nay thì khoản ODA mà Nhật hứa sẽ cho Việt Nam vay trong năm tài khóa 2016, với mức Nhật vừa chính thức cho vay giảm khoảng 23 tỷ yên.

Cách nay khoảng sáu tháng, sau khi hội đàm với thủ tướng Việt Nam tại Hà Nội, thủ tướng Nhật hứa sẽ cho Việt Nam vay đến 123 tỷ yên (xấp xỉ $1.05 tỷ).

Nhật và Việt Nam không cho biết tại sao số tiền Việt Nam được vay thấp hơn mức Nhật đã hứa hẹn cách nay nửa năm.

Cần nhắc lại rằng, Nhật hiện là một trong ba chủ nợ lớn nhất của Việt Nam. Từ 2001 đến 2015, nợ của Việt Nam đối với Ngân Hàng Phát Triển Châu Á (ADB) tăng 20.3 lần (từ 7.5 ngàn tỷ đồng thành 151.1 ngàn tỷ đồng), nợ Ngân Hàng Thế Giới (WB) tăng 11.5 lần (từ 23.9 ngàn tỷ đồng tăng thành 274.2 ngàn tỷ đồng), nợ Nhật tăng 6.8 lần (từ 35.9 ngàn tỷ đồng tăng thành 243.9 ngàn tỷ đồng).

Thông Tấn Xã Việt Nam tường thuật thêm, trong năm tài khóa 2016, ngoài cho vay ưu đãi, Nhật còn viện trợ 2.93 tỷ yên, tương đương $26.6 triệu để Việt Nam thực hiện các dự án liên quan đến phòng chống thiên tai và phát triển nguồn nhân lực: Vận hành các hồ chứa nước khi xảy ra tình huống khẩn cấp, quản lý lũ bằng hệ thống thông tin quản lý thiên tai toàn diện, học bổng phát triển nguồn nhân lực (JDS) 2017 và 2018.

Cũng theo thông tấn xã, hai quốc gia sẽ ưu tiên cho hợp tác phát triển hạ tầng phẩm chất cao (Nhật hỗ trợ Việt Nam xây dựng quy chuẩn cho cảng biển cho Việt Nam giai đoạn 2017-2020, hợp tác thực hiện dự án cao tốc theo hình thức hợp tác đối tác công tư – PPP), năng lượng, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và đào tạo nhân lực (Nhật giúp Việt Nam đào tạo 800 thạc sĩ, tiến sĩ trong vòng năm năm), hợp tác phát triển kinh tế, thương mại…

Trong hàng loạt nội dung liên quan đến hợp tác-phát triển đó, lần đầu tiên người ta thấy Việt Nam chính thức đề nghị một quốc gia tư bản “bồi dưỡng” cho viên chức lãnh đạo các cấp về quản lý, đặc biệt là viên chức cấp chiến lược.

Nhật và Việt Nam còn tái khẳng định sẽ phối hợp chặt chẽ với nhau tại các diễn đàn đa phương như Hiệp Hội Các Quốc Gia Đông Nam Á (ASEAN), APEC, Diễn Đàn Hợp Tác Á-Âu (ASEM), Liên Hiệp Quốc.

Đối với vấn đề Biển Đông, hai bên khẳng định sẽ cùng theo đuổi việc bảo vệ hòa bình, an ninh, an toàn và tự do lưu thông, chống những hành động đơn phương (quân sự hóa, thay đổi nguyên trạng) tạo thêm phức tạp trong tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông. Thúc đẩy giải quyết tranh chấp bằng các giải pháp ôn hòa, tôn trọng, tuân thủ luật pháp quốc tế. (G.Đ)

User avatar
nangchieu
Posts: 2060
Joined: Sun Apr 19, 2009 6:38 pm

Post by nangchieu »

Việt Nam không hấp dẫn giới đầu tư bằng Trung Quốc vì trình độ công nhân thấp
June 10, 2017

Image
Thợ may làm tại một xí nghiệp may cỡ nhỏ ở ngoại ô Hà Nội. (Hình: Hoàng Đình Nam/AFP/Getty Images)

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Dù dựa vào giá nhân công cực thấp để cạnh tranh nhưng trình độ của nhân công lại quá thấp, nên không lôi kéo được các nhà đầu tư nhiều như mong muốn của chính quyền Việt Nam.

Nền kinh tế của Việt Nam tăng trưởng trung bình trên dưới 6.2% từ năm 2000 đến nay nhờ nổi tiếng thế giới là nơi tốt để các nhà đầu tư sản xuất chạy đến để cắt giảm chi phí cho các loại hàng hóa xuất cảng đi khắp nơi.


Trung bình, lương nhân công ở cả Hà Nội và Sài Gòn và những nơi có các xí nghiệp ngoại quốc đặt cơ sở sản xuất chỉ trung bình 3.9 triệu đồng một tháng (khoảng $172). Tuy cái ưu thế này ban đầu gây chú ý cho nhà đầu tư nhưng 78% của lực lượng thợ thuyền lao động tại Việt Nam lại không có trính độ giáo dục cao và chỉ có 9% là có bằng cấp đại học hay cao hơn.

Bài phân tích của tạp chí tài chính Forbes nói rằng việc thiếu thợ chuyên môn có trình độ đại học của thị trường lao động tại Việt Nam ngày càng chứng tỏ đây là rào cản hiển nhiên để Việt Nam có thể trở nên một loại trung tâm sản xuất các loại sản phẩm kỹ thuật cao. Bởi vì nó đòi hỏi khả năng chuyên môn cao do kiến thức từ các đại học cung cấp cho nhân công.

“Trong khi lương bổng thấp giúp Việt Nam duy trì lợi thế cạnh tranh với các nước khác, đặc biệt là Trung Quốc, nhưng nó cũng giới hạn khả năng của Việt Nam thu hút các nhà đầu tư kỹ thuật cao,” bảng phân tích của tổ chức tư vấn đầu tư Healy Consultants Group viết hồi Tháng Năm.

Nếu không thay đổi chính sách giáo dục, Việt Nam có thể mất khả năng cạnh tranh lôi cuốn đầu tư ngoại quốc với Trung Quốc. Quốc gia này có tới 76% trong tổng số lực lương lao động không có nghề chuyên môn được đào tại bài bản tại trường học, theo tờ nhật báo Trung Quốc. Vì vậy mà có đến 90% các công ty của Trung Quốc bị ảnh hưởng vì thiếu chuyên viên có trình độ.

Tuy thiếu chuyên viên trình độ cao nhưng tỉ lệ còn lại 24% kia lại là con số khổng lồ trong số 840 triệu người trong tuổi lao động. Không thiếu những người trong số đó tốt nghiệp từ các đại học hàng đầu Tây phương. Một số có khả năng chỉ làm một thời gian ngắn, huấn luyện cho những người khác làm thay mình rồi đi ra ngoài khởi sự một công ty riêng.

Các công ty chế tạo kỹ thuật cao đã chọn Trung Quốc để đặt cơ sở sản xuất vì muốn ở ngay một thị trường tiêu thụ rộng lớn. Việt Nam với 93 triệu dân nhưng đại đa số quần chúng lại nghèo nên vẫn chưa đủ hấp dẫn.

Việt Nam là một nước nông nghiệp theo chính sách chỉ huy kinh tế tập trung vào tay nhà cầm quyền trung ương, mới chỉ bắt đầu “đổi mới” từ thập niên 1980 khi mở cửa đón các nhà đầu tư ngoại quốc và nhận viện trợ phát triển hạ tầng. Các nhà máy, xưởng thợ theo nhau mọc lên nhưng hầu hết đều là những cơ sở sản xuất giày dép, quần áo và các loại sản phẩm tiêu dùng không đòi hỏi trình độ chuyên môn cao của nhân công.

Nông dân từ các khu vực đồng ruộng chạy ra các thành phố kiếm việc làm vì nghề nông vất vả lại cũng không đủ sống. Thợ may quần áo, giày dép, đóng bàn ghế, sử dụng máy móc cắt, tiện phụ tùng xe, lắp ráp giản dị… vốn là những công việc người thợ có thể được dạy khi bắt đầu nhận việc, một thời gian vài tháng là thuần thục. Họ không cần phải có các bằng cấp chuyên môn từ các trường đại học.

Năm 2016, thống kê cho thấy đầu tư ngoại quốc đổ vào Việt Nam hơn $24 tỷ vừa mở các nhà sản xuất mới vừa mở rộng sản xuất đã có sẵn tại đây. Số tiền tương ứng với một phần tám tổng sản lượng quốc gia của Việt Nam.

Theo bảng nghiên cứu trên, những người có trình độ chuyên môn cao tại Việt Nam thường nhảy từ công ty này sang công ty khác khi thấy được trả lương cao hơn chỉ vì tình trạng thiếu chuyên viên bản xứ. Theo phân tích, các công nhân có trình độ tay nghề khá được hưởng lương cao hơn khoảng $164 một tháng so với những người không có bằng cấp.

Vấn đề đổi mới giáo dục tại Việt Nam không thấy nhắc đến nhưng cho đến nay vẫn thấy dậm chân tại chỗ. Người ta vẫn thấy hàng trăm ngàn người có bằng cấp đại học thất nghiệp trong khi thị trường lại thiếu người có trình độ chuyên môn.

Hồi năm ngoái, báo chí tại Việt Nam cho hay chỉ trong ba tháng đầu của năm 2016, có khoảng 225,000 cử nhân, thạc sĩ tốt nghiệp tại các trường đại học tại Việt Nam không kiếm được việc làm. (TN)

User avatar
saohom
Posts: 2212
Joined: Wed Aug 26, 2009 11:30 pm

Post by saohom »

Indonesia phóng thích thêm 695 ngư dân Việt
June 12, 2017

Image
Những ngư dân mới được Indonesia phóng thích, tập họp trên boong một tuần duyên hạm của Cảnh Sát Biển Việt Nam, chờ hồi hương. (Hình: VOV)

VŨNG TÀU (NV) – Hai tuần duyên hạm của lực lượng Cảnh Sát Biển Việt Nam vừa cập cảng Vũng Tàu, hoàn tất việc vận chuyển 695 ngư dân hồi hương sau khi được Indonesia phóng thích ngày 9 Tháng Sáu.

Những ngư dân này từng bị Indonesia cầm giữ với cáo buộc đã xâm nhập và đánh bắt trái phép trong vùng biển thuộc chủ quyền của Indonesia.


Indonesia là một trong những quốc gia cầm giữ nhiều ngư dân Việt Nam nhất. Tuy Indonesia đã vài lần phóng thích ngư dân Việt Nam nhưng đây là đợt phóng thích với số lượng lớn nhất.

Ðợt phóng thích diễn ra sau khi có va chạm giữa tàu của Cảnh Sát Biển Việt Nam với tàu của Cơ Quan Giám Sát Các Nguồn Lực Hàng Hải và Tài Nguyên Biển của Indonesia (Fisheries and Maritime Resources Surveillance Agency – PSDKP) hôm 21 Tháng Năm. Vụ va chạm khiến một tàu đánh cá của Việt Nam bị chìm, 11 ngư dân Việt Nam bị Indonesia bắt giữ. Indonesia cáo buộc ngư dân Việt Nam đã xâm nhập vùng biển thuộc quần đảo Natuna của Indonesia để đánh bắt trái phép, khi giải cứu những tàu đánh cá ấy, Việt Nam đã bắt một nhân viên của PSDKP làm con tin. Việt Nam bác bỏ cáo buộc này và khẳng định đã cứu nhân viên đó.

Tại cuộc họp báo sau vụ va chạm, bà Lê Thị Thu Hằng, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Việt Nam, từng cho biết, có tới năm tàu đánh cá của Việt Nam bị PSDKP bắt giữ khi đang hoạt động tại vùng biển cách đường phân định thềm lục địa Việt Nam-Indonesia 18 hải lý về phía Bắc. Theo yêu cầu của Việt Nam, phần lớn ngư dân và bốn tàu đánh cá của Việt Nam đã được thả. Việt Nam đã yêu cầu Indonesia phóng thích 11 ngư dân còn lại.

Ðối với đợt phóng thích mới nhất, cả Indonesia lẫn Việt Nam cùng bác bỏ dự đoán, đây là cuộc trao đổi con tin giữa hai bên.

Ông Eko Djalmo Asmadi, tổng giám đốc PSDKP, nói với Jakarta Post rằng, đợt phóng thích vừa là sáng kiến của Indonesia, vừa là kết quả của việc thảo luận kéo dài giữa giới hữu trách hai bên. “Sáng kiến” của Indonesia phát xuất từ chi phí giam giữ quá lớn.

Theo tường thuật của VOV thì ông Hoàng Anh Tuấn, đại sứ Việt Nam tại Indonesia, xác nhận, chỉ tính từ đầu năm đến nay, Indonesia đã phóng thích 1,035 ngư dân Việt Nam.

Ông Eko tiết lộ, Indonesia vẫn còn giữ 198 ngư dân Việt Nam vì tiến trình pháp lý liên quan tới cáo buộc đánh bắt trái phép đối với họ chưa hoàn tất. Trong số này, có những ngư dân đã bị cầm giữ đến hai năm.

Trong chuyện ngư dân Việt Nam bị Indonesia cầm giữ, ông Tuấn bảo rằng, Việt Nam và Indonesia đang có sự khác biệt về nhận thức đối với vùng biển tiếp giáp ranh giới hai quốc gia. Việt Nam và Indonesia đang cố gắng thông qua một thỏa thuận về vùng đặc quyền kinh tế, giúp ngư dân hai bên an tâm hơn khi đánh bắt trên biển. Một đại tá là phó tham mưu trưởng lực lượng Cảnh Sát Biển Việt Nam, nói thêm, hai bên đều đang muốn thiết lập một kênh thông tin chung, cùng tuần tra chung để ổn định tình hình ở vùng biển giáp ranh. (G.Ð)

User avatar
nangchieu
Posts: 2060
Joined: Sun Apr 19, 2009 6:38 pm

Post by nangchieu »

Tiền Giang: Không còn đất, xây mộ mẹ ngay trong nhà
June 16, 2017

Image
Căn nhà 16 mét vuông vừa là nơi chôn cất, thờ cúng bà mẹ, cũng là nơi ăn ở, sinh hoạt của người con.

TIỀN GIANG, Việt Nam (NV) – Khi còn sống, người mẹ lấy đất đem chia cho các con trai, đến khi chết không còn đất, người con gái út phải chôn mẹ ngay trong căn nhà vách lá nhỏ bé, nơi ăn ở, sinh hoạt hằng ngày của mình.

Người mẹ mất đã được khoảng 100 ngày, nhưng khi trò chuyện với phóng viên báo Thanh Niên, bà Trần Thị Phượng (ngụ xã Ngũ Hiệp, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) không cầm được nước mắt.


Theo bà Phượng, gia đình bà có năm anh chị em (ba gái hai trai), bà là con út. Trước đây, khi hai người anh lập gia đình, bà Đào Thị Kế (80 tuổi), mẹ bà Phượng cho mỗi người 2,000 mét vuông đất vườn. Phần còn lại hơn 400 mét vuông, có căn nhà tình thương do chính quyền cấp, bà Kế để lại nhằm sau này khi già yếu bà Phượng ở chung để phụng dưỡng.

“Khi má tôi lâm bệnh, hai bà chị gái bàn với tôi bán miếng đất nói trên để lấy tiền lo thuốc cho má. Lúc đó, do không có tiền lo thuốc thang cho má, tôi đồng ý bán miếng đất cùng với căn nhà tình thương cho người chị gái với giá 50 triệu đồng,” bà Phượng nói.

Bà Trần Thị Hà, con gái lớn của bà Kế, kể thêm: “Sau khi bán đất, nhà cho người chị gái, Phượng xin cái nền 4×4 mét và cất cái nhà để ở. Cất xong, má tôi đòi ở chung với Phượng trong căn nhà 16 mét vuông đó.”

Một thời gian sau, bà Kế mất. “Khi má tôi mất, suy tính mãi, tôi không biết tìm đất nơi đâu để chôn cất, trong khi các anh chị đều im lặng, né tránh. Không còn cách nào khác, tôi quyết định để má tôi nằm luôn trong nhà của mình,” bà Phượng nghẹn ngào kể.

Căn nhà nhỏ có bốn cột bằng xi măng, mái lá, vách được che tạm bợ bằng tấm bạt nhựa. Bên trong nhà, ngôi mộ lát gạch cùng với nơi thờ cúng chiếm hơn phân nửa diện tích. Phần còn lại được kê một cái giường gỗ cũ kỹ, song song với ngôi mộ. Đó là nơi yên nghỉ, thờ cúng người mẹ, cũng là nơi ăn, ở, sinh hoạt của bà Phượng, người đang mang hai chứng bệnh lãng tai và bướu cổ.

Nói với báo Thanh Niên ngày 15 Tháng Sáu, ông Nguyễn Văn Vạn, công an ấp Tân Đông, cho rằng việc bà Kế khi mất được chôn trong nhà của bà Phượng, là “do chuyện nội bộ gia đình.”

Ông Đỗ Quốc Khánh, chủ tịch xã Ngũ Hiệp, cho biết: “Theo tôi nắm sơ bộ thì con, dâu của bà Kế vẫn còn đất ở gần đó. Ở nông thôn, các trường hợp chôn cất trong đất vườn, đất nhà là bình thường. Nhưng chôn trong nhà như trường hợp này thì đây là điều đáng tiếc, ngoài ý muốn.”

“Hướng sắp tới, chúng tôi sẽ vận động bà Phượng tìm nơi khác để cất lại căn nhà. Trong điều kiện, khả năng của địa phương có thể được, chúng tôi sẽ cố gắng tạo điều kiện, hỗ trợ, đồng thời kêu gọi sự giúp đỡ,” ông nói thêm. (Tr.N)

User avatar
nangchieu
Posts: 2060
Joined: Sun Apr 19, 2009 6:38 pm

Post by nangchieu »

Nhiều nạn nhân liên tiếp ‘tự tử’ tại nhà tạm giam của công an
June 18, 2017

Image
Dây thun quần nạn nhân Ngô Chí Tâm dùng để tự sát (hình lớn) và bà Từ Thị Nhường, vợ nạn nhân.
SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Hai ngày liên tiếp của tuần lễ vừa qua, có hai người bị công an bắt để điều tra đã “tự tử,” theo lời giải thích rất quen thuộc của công an CSVN.

Theo báo điện tử Dân Việt, sau khi bị bắt hai ngày, nghi can Hoàng Văn Long (27 tuổi, trú thôn Tam Liên, xã Ea Tam, huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk) được phát hiện đã tự tử ngay trong nhà tạm giữ.


Báo này cho hay, ngày 13 Tháng Sáu, ông Long bị bắt tạm giam tại công an huyện để điều tra về “hành vi trộm cắp dây tiêu của một số gia đình ở địa phương.” Ông từng là một người nghiện ma túy.

Đến tối ngày 15 Tháng Sáu thì “cơ quan công an phát hiện nam thanh niên đã chết, nghi do tự tử trong trại tạm giam.”

Tờ Lao Động viết rất vắn tắt rằng “Sau khi vụ việc xảy ra, cơ quan chức năng đã khám nghiệm tử thi và làm thủ tục bàn giao cho gia đình để lo hậu sự.” Không thấy báo nào nói ông Long tự tử bằng cách nào.

Ông Long là nạn nhân thứ sáu chết trong tay công an CSVN từ đầu năm 2017 đến giữa Tháng Sáu khi vừa mới bị tạm giam để điều tra.

Trước đó một ngày, tức ngày 14 Tháng Sáu, ông Ngô Chí Tâm (40 tuổi, ngụ tại phường Tam Bình, quận Thủ Đức, Sài Gòn) đã “treo cổ bằng dây thun quần” tại trụ sở công an phường Tam Bình sau một ngày bị “mời đi làm việc.”

Kể lại với báo Pháp Luật TP.HCM, bà Từ Thị Nhường, vợ nạn nhân, cho biết khoảng 8 giờ tối 13 Tháng Sáu, một công an phường Tam Bình đến tận nhà kêu ông Tâm lên trụ sở công an có việc.

Đến sáng 14 Tháng Sáu, công an phường và tổ trưởng khu phố đến nhà mời bà lên phường. “Khi lên phường, họ thông báo là chồng tôi đã thắt cổ chết tại phường Tam Bình. Họ hỏi chồng tôi có buồn phiền chuyện gì không, tôi nói là chồng tôi đang phụ giặt quần áo với tôi thì mấy anh mời đi… Tôi thấy rất vô lý, chồng tôi sống với tôi 20 năm nay không có chuyện gì, tại sao phải thắt cổ chết ở phường,” bà bực tức kể.

Theo báo điện tử Infonet, bà Nhường cho biết, cách đây 4-5 năm, chồng bà đã đi cai nghiện xong rồi trở về với gia đình. Sau đó, ông tu chí làm lụng lo cho vợ con. Ông bán đồ điện, bà giặt đồ thuê, gia đình có ba người con.

Ông Ngô Văn Lâu, cha của nạn nhân, cho hay ông được mời đến nhận mặt con trước khi pháp y mổ và: “Lúc đó, tôi thấy mắt con tôi tụ máu, có chảy máu miệng và mặt sưng.”

Tháng trước, ông Nguyễn Hữu Tấn (38 tuổi, ngụ tại phường Thành Phước, thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long) một tín đồ Phạt Giáo Hòa Hảo ăn chay trường, sống với nghề bán hủ tíu chay, bị công an tỉnh Vĩnh Long “bắt khẩn cấp” vì bị vu cho là “có hành vi phát tán tài liệu chống phá nhà nước.”

Bị bắt tối 2 Tháng Năm thì sáng hôm sau Sở Công An tỉnh Vĩnh Long cho người tới nhà nạn nhân thông báo là ông Tấn đã “dùng dao rọc giấy của cán bộ điều tra tự sát trong trại tạm giam vào sáng 3 Tháng Năm.”

Vết cắt dài và sâu vòng quanh cổ rất khó có thể do ông Tấn tự cắt và đầu bị móp mềm nhũn cùng những dấu tích khác đã là những bằng chứng để gia đình ông Tấn không tin là ông “tự tử.”

Tuy chính quyền Việt Nam đã ký vào Công Ước Chống Tra Tấn của Liên Hiệp Quốc từ Tháng Mười Một, 2013, nhưng từ đó đến nay, không có dấu hiệu gì chứng tỏ các điều tra viên của guồng máy công an trên cả nước từ bỏ thói quen đánh đập, tra tấn nghi can để ép cung. Năm nào cũng có người bị chết bất thường khi vừa mới bị bắt vào trụ sở công an được vài giờ hay một vài ngày.

Vu cho nạn nhân “tự tử” là cách chạy tội gọn nhất, giản dị nhất vì guồng máy công an nằm hoàn toàn trong sự chỉ huy thay trắng đổi đen của đảng CSVN. Pháp y là “pháp y” của chế độ từ công an đến quân đội nên luôn luôn làm theo “chỉ đạo” từ bên trên, không khách quan vì không độc lập. Khám nghiệm pháp y cũng không có chụp quang tuyến nên trong rất nhiều trường hợp không làm lộ các dấu tích của tra tấn. (TN)

User avatar
saohom
Posts: 2212
Joined: Wed Aug 26, 2009 11:30 pm

Post by saohom »

Kiên Lương bị tàn phá, hệ sinh thái đồng bằng Cửu Long bị băm nát
June 20, 2017

Image
Nhà máy xi măng Hòn Chông đặt trong khu vực núi đá vôi đang bị khai thác, trong đó có những núi bị san bằng.
KIÊN GIANG, Việt Nam (NV) – Huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang, được thiên nhiên ưu đãi là vùng núi đá vôi độc đáo duy nhất phía Nam, là một trong những danh lam thắng cảnh biển đặc sắc, có hòn Phụ Tử nổi tiếng, đang đối diện với sự tàn phá khủng khiếp, không khác gì bán đảo Sơn Trà ở Đà Nẵng.

Những ngọn núi đá vôi đang bị san phẳng hoặc khai thác nham nhở phục vụ cho năm nhà máy xi măng với công suất hơn 4 triệu tấn/năm bủa vây xung quanh đủ để lý giải việc các núi đá vôi ở khu vực này đang mất đi. Núi bị khai phá, kéo theo đó là hệ sinh thái tự nhiên biến đổi, cuộc sống của con người và các loài vật ở đây bị xáo trộn.


Môi trường không khí ô nhiễm và mới đây hàng trăm hécta nuôi nghêu sò, cá biển chết chưa rõ lý do…

Đi dọc tỉnh lộ 80 từ Rạch Giá đến thị trấn Kiên Lương sẽ bắt gặp ngay cảnh thị trấn mịt mù bụi. Có lẽ không thị trấn ven biển nào mà người dân ra đường đều phải đeo khẩu trang như ở đây.

Đoạn đường qua khu vực nhà máy xi măng Kiên Lương ở ấp Lò Bom, thị trấn Kiên Lương, bụi còn mịt mù hơn. Bụi từ trong các lò chế biến clinker (nguyên liệu chính để sản xuất xi măng) bám vào trắng cả cây cối hai bên đường.

Nói về tình trạng ô nhiễm của thị trấn với báo Tuổi Trẻ, ông Đỗ Quang Vượng – ngụ khu phố Tám Thước – ngao ngán: “Dân ở đây không chỉ hít thở xi măng hằng ngày mà còn ăn xi măng, uống xi măng, ngủ cũng trên xi măng luôn…”

Ở nhà ông Vượng, từ bồn nước, giường tủ, bàn ghế, sàn nhà đến các vật dụng cá nhân tất cả đều bám bụi. “Chúng tôi sống vậy đó,” ông buông tiếng thở dài.

Ông Trần Quốc Vũ, cư dân ở đây, buồn bực nói: “Đà Lạt là thành phố sương mù, còn ở đây là thị trấn bụi mù. Về mùa này có mưa, ngược hướng gió nên còn đỡ, chứ cỡ từ Tháng Mười bụi nặng nề hơn.”

Ông Nguyễn Văn Tuyến – tổ trưởng khu phố Tám Thước, sống ở đây hơn 40 năm, từng làm kỹ thuật trong các nhà máy xi măng – cho rằng việc sản xuất xi măng không thể nào tránh khỏi phát tán bụi.

Hệ thống núi phía sau khu du lịch hang Cá Sấu trở thành bãi khai thác nham nhở. Image
Nhưng điều khiến người dân hoang mang hơn cả là có rất nhiều người dân trong khu vực đã chết vì ung thư.
“Từ lúc tôi về đây đến giờ, khu phố Tám Thước chỉ chừng 3,000 dân nhưng đã có hơn 40 trường hợp chết vì bệnh ung thư. Chỉ riêng trong năm 2014 đã có 14 người, hỏi sao người dân không lo lắng cho được…” ông Tuyến nói.

Ngoài nhà máy nằm ngay thị trấn trên, Kiên Lương còn ba nhà máy sản xuất xi măng khác nằm trên tỉnh lộ 11 nối từ thị trấn Kiên Lương ra danh thắng hòn Phụ Tử.

Tỉnh lộ này từng được xem là một trong những cung đường đẹp nhất của tỉnh Kiên Giang. Giờ đây bên cạnh những núi đá vôi xanh mướt là những ngọn núi đã bị phạt ngang đầu, xẻ nham nhở, ngổn ngang cảnh khai thác.

Từ trung tâm thị trấn có thể thấy một phần quần thể núi Mo So (Bãi Voi) bị phạt trắng một phần. Núi Mo So có hệ thống hang động độc đáo, đã được xếp hạng di tích lịch sử và thắng cảnh cấp quốc gia từ năm 1995. Nhưng một phần thắng cảnh này bị phá tan hoang. Đáng ngạc nhiên là sau ba tháng khi được công nhận là di tích, khu vực núi này bị cấp phép khai thác để phục vụ cho nhà máy xi măng Hòn Chông.

Ông Trần Minh Sang, trưởng Phòng Tài Nguyên-Môi Trường huyện Kiên Lương, thừa nhận: “Hệ thống hang động lịch sử nằm phía bên trái núi. Tuy chưa bị tác động do quá trình khai thác mỏ của nhà máy xi măng, nhưng một mảng núi đã bị khai phá phía bên sườn phải cũng ảnh hưởng nhiều đến không gian của thắng cảnh này.”

Ông Lưu Hồng Trường, viện trưởng Viện Sinh Thái Học Miền Nam, cho biết khu vực núi đá vôi duy nhất ở miền Nam này có hệ thống hang động, thực vật cực kỳ phong phú. Đặc biệt, nơi đây có đàn voọc bạc Đông Dương đang sinh sống ở các núi đá vôi Bãi Voi, Khoe Lá. Đây là loài vật có nguy cơ tuyệt chủng trên thế giới. Nhưng chính những ngọn núi mà chúng cư ngụ còn có nguy cơ biến mất, nói gì đến những thân phận nhỏ nhoi.

Ông cho biết, Sách Đỏ của Liên Minh Bảo Tồn Thiên Nhiên Thế Giới từng công bố nơi đây có hơn 30 loài đặc hữu đang có nguy cơ bị đe dọa. “Hiện tại chúng tôi vẫn theo dõi thì thấy đàn voọc bạc vẫn đang phát triển bình thường. Nhưng nếu không lập ngay khu bảo tồn cho khu vực này thì hệ sinh thái bị hủy hoại, động vật quý hiếm biến mất là điều có thể thấy ở tương lai gần,” ông nhận định.

Dù việc bảo tồn, phát triển vùng đất Kiên Lương đã được nhắc đến từ hàng chục năm qua, nhưng đến nay vẫn chỉ mới dừng ở những hội thảo kế hoạch, khuyến cáo và… đang tiếp tục xúc tiến.

“Không đánh đổi môi trường lấy phát triển kinh tế” đang là khẩu hiệu. Nhưng vùng đất Kiên Lương này bao lâu nữa môi trường, thiên nhiên nơi đây mới có thể thực sự thoát khỏi việc đánh đổi? (Q.D.)

kalua
Posts: 836
Joined: Sun Apr 22, 2012 5:26 pm

Post by kalua »


‘Giao lưu cấp cao biên giới Việt-Trung lần thứ 4’ bất ngờ bị hủy bỏ

June 21, 2017

Image
Thượng Tướng Phạm Trường Long (trái), phó chủ tịch Quân Ủy Trung Ương Trung Quốc,
và Đại Tướng Ngô Xuân Lịch, ủy viên Bộ Chính Trị, phó chủ tịch Quân Ủy Trung Ương kiêm bộ trưởng Quốc Phòng Việt Nam,
gặp nhau chiều 18 Tháng Sáu tại trụ sở Bộ Quốc Phòng Việt Nam. (Hình: Báo điện tử VietNamNet)

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – “Sự kiện giao lưu cấp cao biên giới Việt-Trung lần thứ 4” dự trù từ ngày 20 đến 22 Tháng Sáu với sự chủ trì của giới chức quân sự cấp cao hai nước không diễn ra như đã được loan báo.

Ngày 18 Tháng Sáu, Thượng Tướng Phạm Trường Long, phó chủ tịch Quân Ủy Trung Ương Trung Quốc, dẫn đầu một đoàn đại biểu quân sự cấp cao của Trung Quốc “thăm và làm việc” tại Việt Nam đến ngày 20 Tháng Sáu.


Ngay sau đó, ông Long và phái đoàn đi tới vùng biên giới, đồng chủ tọa với Đại Tướng Ngô Xuân Lịch, phó chủ tịch Quân Ủy Trung Ương kiêm bộ trưởng Quốc Phòng Việt Nam, các “Sự kiện giao lưu cấp cao biên giới Việt-Trung lần thứ 4.”

Năm nay, sự kiện được tổ chức ở vùng biên giới thuộc hai tỉnh Lai Châu của Việt Nam và Vân Nam của Trung Quốc mà Thông Tấn Xã Việt Nam ca ngợi rằng “nhằm xây dựng tình cảm hữu nghị, đoàn kết giữa chính quyền địa phương, nhân dân và lực lượng bảo vệ biên giới hai nước, qua đó tăng cường sự tin cậy chính trị, thúc đẩy quan hệ hai nước, hai quân đội phát triển ổn định, bền vững; góp phần xây dựng, củng cố niềm tin của hai nước về biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định và phát triển lâu dài.”

Tuy nhiên, sau những cuộc họp và tiếp xúc giữa phái đoàn ông Long với các lãnh đạo chính trị quân sự cao cấp nhất của Việt Nam vào ngày 18 Tháng Sáu, không hề thấy có tin tức gì được hệ thống báo đài hai nước viết gì về sự kiện giao lưu cấp cao này.

Trong khi truyền thông của phía Việt Nam không nói gì về sự kiện này, thì Bộ Quốc Phòng Trung Quốc phổ biến một bản thông báo cho biết “sự kiện giao lưu biên giới Việt-Trung” bị hủy bỏ với “lý do liên quan về phối hợp hoạt động.”

Ba ngày trước đó, tức ngày 18 Tháng Sáu, Thông Tấn Xã Việt Nam có bốn bản tin khác nhau tường thuật bốn cuộc tiếp xúc và “làm việc” của phái đoàn ông Phạm Trường Long với các ông Nguyễn Phú Trọng – tổng bí thư đảng CSVN, Trần Đại Quang – chủ tịch nước, Nguyễn Xuân Phúc – thủ tướng và Ngô Xuân Lịch – bộ trưởng Quốc Phòng.

Nhiều phần, lý do dẫn đến sự hủy bỏ “sự kiện giao lưu biên giới” cấp cao giữa quân đội Việt Nam-Trung Quốc là hậu quả từ lời tuyên bố của ông Phạm Trường Long cả quyết chủ quyền của Trung Quốc đối với các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là “từ thời cổ xưa” được thuật lại trên bản tin Anh Ngữ của báo Quân Đội Trung Quốc (ChinaMil) điện tử.

“Tướng Phạm Trường Long tái khẳng định lập trường của Trung Quốc đối với vấn đề biển Nam Hải (Việt Nam gọi là Biển Đông) và nhấn mạnh rằng các đảo tại Nam Hải là lãnh thổ Trung Quốc từ thời cổ xưa.” Nguyên văn đoạn tin trên báo ChinaMil: “General Fan Changlong reaffirmed China’s stance on the South China Sea issue, and stressed that the South China Sea islands are Chinese territory since ancient times.”

Không thấy báo chí của Việt Nam tường thuật gì về những lời nói của phía Việt Nam đối đáp gì với ông Phạm Trường Long về lời tuyên bố đó, mà chỉ thấy Thông Tấn Xã Việt Nam thuật lời ông Long nói với Chủ Tịch Nước Trần Đại Quang là “Về vấn đề trên biển, Thượng Tướng Phạm Trường Long cho rằng, vấn đề này cần phải được xử lý thận trọng, giải quyết một cách hòa bình, không để ảnh hưởng tới tình hữu nghị giữa hai nước Trung Quốc-Việt Nam.”

Không những vậy, trong cuộc gặp mặt với Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc, ông được thuật lời nhắc nhở: “Trong bối cảnh tình hình quốc tế hết sức phức tạp, Việt Nam và Trung Quốc cần đẩy mạnh hợp tác, cảnh giác trước những âm mưu chia rẽ quan hệ hai đảng, hai nước.”

Bản tin Thông Tấn Xã Việt Nam tường thuật cuộc gặp giữa ông Phúc với ông Long như sau: “Đánh giá cao kết quả hội đàm giữa Thượng Tướng Phạm Trường Long và Đại Tướng Ngô Xuân Lịch, Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng hoan nghênh Quân Ủy Trung Ương hai nước thiết lập cơ chế hợp tác, triển khai toàn diện Tuyên Bố Tầm Nhìn Chung về Hợp Tác Quốc Phòng đến năm 2025.”

Ngoài chuyện hủy bỏ “sự kiện giao lưu quân sự cấp cao” tại biên giới biểu lộ sự mâu thuẫn trong lập trường về chủ quyền lãnh thổ giữa hai nước, tương lai mối quan hệ quân sự và chính trị giữa hai nước có bị ảnh hưởng gì, bị thay đổi gì không, vẫn còn là dấu hỏi và phải chờ các diễn biến kế tiếp. (TN)

User avatar
nangchieu
Posts: 2060
Joined: Sun Apr 19, 2009 6:38 pm

Post by nangchieu »

Bản tường trình viết tay công an Yên Bái gài bẫy nhà báo là thật
June 27, 2017

Image
Cụm biệt thự gia đình ông Phạm Sỹ Quý, giám đốc Sở Tài Nguyên-Môi Trường tỉnh Yên Bái.



HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Bản tường trình viết tay của sinh viên thực tập báo chí đi cùng nhà báo Lê Duy Phong kể lại vụ công an Yên Bái dàn dựng gài bẫy để bắt người là có thật và đúng sự thật.

“Chính xác đó là bản tường trình của bạn sinh viên đi cùng chồng tôi. Bản tường trình được bạn này viết sau khi trở về từ Yên Bái và gặp tôi, tôi đã yêu cầu bạn ấy tường trình lại toàn bộ sự việc đã xảy ra.”


Đó là lời của bà Nguyễn Quỳnh Nga, vợ ông Lê Duy Phong, trưởng Ban Công Tác Bạn Đọc của báo điện tử Giáo Dục Việt Nam, nói với báo điện tử Dân Việt hôm Thứ Hai, 26 Tháng Sáu, về bản tường trình tường thuật chi tiết những gì xảy ra trong bữa ăn trưa ngày 22 Tháng Sáu của cô nữ sinh viên thực tập đi theo học nghề từ chồng của bà.

Nữ sinh viên này cũng bị bắt cùng với ông Phong nhưng sau đó được thả ra và quay về Hà Nội. Cô đã đến gặp bà Nga kể lại sự việc và viết bản tường trình mà mọi người thấy trên Facebook và được chuyển đi nhanh chóng.

Như nội dung của bản tường trình, nhà báo Lê Duy Phong, 32 tuổi, đã nhất định từ chối số tiền của người tự nhận là doanh nhân vốn là cựu công an mà ông chỉ gặp trong bữa ăn trưa qua sự giới thiệu của một người bạn cũ. Khi số tiền được ấn vào túi của ông thì công an ập vào nói bắt quả tang nhà báo ăn hối lộ.

Điều này xác nhận công an thành phố Yên Bái đã chuẩn bị vụ gài bẫy, đưa ông Phong vào tròng, kể cả việc đánh số trước hàng số “seri” trên số tiền “tang vật.”

Ngày 26 Tháng Sáu, Cơ Quan Cảnh Sát Điều Tra Công An thành phố Yên Bái ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với ông Phong và thực hiện lệnh bắt tạm giam bốn tháng. Ông bị khởi tố về tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản,” theo quy định tại Điều 280 Bộ Luật Hình Sự, mà bản án có thể đến 13 năm tù.

Dư luận xã hội giận dữ vì nhìn thấy vụ bắt giữ và khởi tố nhà báo qua trò dàn dựng rất lộ liễu. Bà Nga cho hay bà đã mời luật sư cho chồng, báo điện tử Giáo Dục Việt Nam cũng nói thuê luật sư cho ông. Nhiều luật sư nghe tin vụ việc cũng xin được tình nguyện đứng ra bảo vệ quyền lợi pháp lý cho ông.
Image
Biệt thự lớn đang dần hoàn thiện của ông Đặng Trần Chiêu, giám đốc Công An tỉnh Yên Bái. (Hình: Báo Thời Đại)
Trong cuộc phỏng vấn với báo điện tử Dân Việt, ông Nguyễn Tiến Bình – tổng biên tập báo – xác nhận có bản tường trình viết tay và cũng đã đề nghị Bộ Công An đứng ra điều tra để vụ án được khách quan. Nếu để công an thành phố Yên Bái điều tra thì chẳng lẽ họ lại nhìn nhận họ làm sai? Phủ bênh phủ, huyện bênh huyện sẽ “thiệt thòi” cho người bị cáo buộc.

Trong một bản tin, báo Dân Việt thuật lại tin từ một nguồn tin cho biết “Sau khi nghe đại diện công an tỉnh Yên Bái cáo cáo về vụ án bắt nhà báo Lê Duy Phong vào ngày 22 Tháng Sáu, Thượng Tướng Lê Quý Vương – thứ trưởng Bộ Công An – đã chỉ đạo lực lượng công an Yên Bái tiến hành điều tra đúng luật, khách quan.”

Nói cách khác, Bộ Công An từ chối lời yêu cầu của báo Giáo Dục Việt Nam và còn cho rằng “mức độ của hành vi phạm tội, nơi xảy ra tội phạm thuộc thẩm quyền công an thành phố Yên Bái điều tra chứ chưa phải là công an tỉnh Yên Bái,” gián tiếp nói rằng như thế là “khách quan.”

Ông Phong là tác giả của hai bản tin điều tra về “biệt phủ” đồ sộ của giám đốc công an tỉnh Yên Bái và giám đốc Sở Tài Nguyên-Môi Trường tỉnh, trong đó giám đốc sở này là em ruột của bí thư tỉnh ủy Yên Bái.

Hiện thanh tra của Thanh Tra Chính Phủ đã “công bố quyết định thanh tra về tài sản của gia đình em trai bí thư tỉnh Yên Bái – ông Phạm Sỹ Quý, giám đốc Sở Tài Nguyên-Môi Trường” để xem “quần thể biệt phủ” của ông chiếm dụng đất của thành phố, biến đổi quyền sử dụng có phải do từ tình nghĩa chị em mà được biệt đãi trái luật, tiền xây dựng từ đâu mà có.

Cũng đang có lời kêu gọi của ông Vũ Quốc Hùng, nguyên phó chủ nhiệm thường trực Ủy Ban Kiểm Tra Trung Ương của đảng CSVN, điều tra cả “biệt phủ” của giám đốc công an tỉnh Yên Bái là Thiếu Tướng Đặng Trần Chiêu.

Dư luận xã hội tại Việt Nam thì cho là công an tỉnh Yên Bái gài bẫy bắt nhà báo Lê Duy Phong là vừa trả thù cho các bài phóng sự điều tra đụng chạm đến tướng công an Đặng Trần Chiêu và em trai bà bí thư tỉnh ủy Phạm Thị Thanh Trà, đồng thời để “bịt miệng” báo chí. (TN)

Post Reply