BÌNH LUẬN

Xin nhớ: tin cần có "nguồn", trích từ đâu ra!!!
User avatar
phu_de
Posts: 2917
Joined: Sun Nov 28, 2004 10:57 pm
Has thanked: 7 times

Vá vết thương!

Post by phu_de »

Vá vết thương!
lêtamanh

Người ta tự hỏi, tại sao sau ba mươi năm trời nước Việt Nam đã thoát khỏi cuộc “chiến tranh ý thức hệ” mà lòng dân vẫn không yên! Người ta cũng hỏi nhau, tại sao một thời gian “ hòa bình” lâu như thế mà “nhà cầm quyền Cộng Sản” trong nước vẫn không “an” được dân, vẫn không làm cho dân “tin phục”! ...




... Biên giới Quốc Cộng càng ngày càng đậm nét, hố chia rẽ càng ngày càng sâu thêm. Phải chăng người Việt ta vốn là một dân tộc mang bản chất chia rẽ? Phải chăng dân tộc Việt không có lòng bao dung và không biết hướng nhìn tương lai cho một tổ quốc hùng cường, sánh vai với năm châu bốn biển?

Giá như sau năm 1975, người Cộng Sản biết nhìn đúng, biết đánh giá đúng chỗ đứng của dân tộc Việt, biết thi hành một chính sách đoàn kết toàn dân thì ngày nay thế cuộc ra sao? Ở đây, ta chưa nói đến cái ý thức hệ ngoại lai mà người Cộng Sản đã mang vào áp dụng trên đất nước ta, ở đây ta cũng chưa cần nói đến những tội lỗi mà họ đã thi hành bắt đầu từ những năm 1950... Sau cái ngày mà những người Cộng Sản cho là “đại thắng mùa xuân”, nếu họ biết lượng giá được tương lai và tầm nhìn của họ xa một tí thì ngày nay dân tộc Việt sẽ tiến đến độ nào, sẽ văn minh và phồn vinh đến đâu trong cộng đồng thế giới?

Ngay từ khi xua quân vào chiếm miền Nam, người Cộng Sản đã áp dụng một chính sách chia rẽ quân phiệt! Dĩ nhiên là kẻ “chiến thắng” có quyền tàn sát hay bỏ tù, hay tha chết và có quyền hành hạ những kẻ “chiến bại”. Nhưng hậu quả của một chính sách phản dân tộc, chính sách một chiều đầy sắt máu sẽ là một thảm họa kéo dài không bao giờ ngừng nghỉ...! Ngày nay, người ta thấy mộ phần của những người chiến đấu chống lại chủ nghĩa Cộng Sản, họ cũng mang dòng máu Việt, họ là người Việt Nam... Nghĩa trang của họ đã bị san bằng không còn vết tích. Những người lính miền Nam là thương phế binh, là cô nhi quả phụ, là thân nhân của họ... đều liên tục bị đàn áp, bị khủng bố, bị chà đạp nhân phẩm, không có nhân quyền, không có chỗ đứng trong ”xã hội mới”, nếu có thì chỉ là thiểu số nhỏ bé liên hệ thân bằng quyến thuộc, hay cũng là những chỉ điểm viên, lãnh lương quốc gia mà hoàn toàn làm việc cho người Cộng Sản... Những người mà giờ nầy còn âm vang câu:” Ăn cơm quốc gia, thờ ma Cộng Sản!”

Người Cộng Sản cũng đã thừa thắng xông lên. Họ cho hàng loạt quân nhân, công chức... miền Nam vào các trại tập trung, coi họ là những con vật chẳng có tánh người, hành hạ và tìm cách giết chết họ bằng nhà tù khổ sai dưới cái tên “tập trung cải tạo”. Hơn thế nữa, một chính sách hà khắc khác được áp dụng vào chính người dân. Nào là cải tạo “công thương nghiệp tư bản tư doanh”, nào là chính sách “vùng kinh tế mới”, nào bậc thang từ một đến “N“ phân biệt đối tượng con em vào đại học, coi trí thức là công cụ “hồng mới chuyên”... Tất cả ruộng vườn đều xung công, thành lập hợp tác xã, thành lập tổ sản xuất... Chúng ta không thể nào kể hết ra đây những lý do tại sao đến bây giờ, dầu người Cộng Sản đã “đổi mới”, đã quay đầu... Nhưng lòng dân vẫn chưa tin, người dân vẫn nhìn hướng khác!

Sau bao nhiêu cuộc đổi mới chính sách nhằm sửa sai những lỗi lầm, kể từ ngày thế giới CS sụp đổ, đảng CS Việt Nam vẫn khư khư giữ lối mòn xưa, không dám nhìn ra nước ngoài để cải đổi sâu sộng hội nhập vào văn minh chung. Tuy họ rất muốn gia nhập vào hệ thống kinh tế toàn cầu, muốn vào WTO và các định chế phát triển thế giới khác... Nhưng họ vẫn không thể nào dám bỏ cái ghế cầm quyền và vẫn chủ trương độc đảng!

Họ kêu gọi và phỉnh dụ người Việt Nam hải ngoại tị nạn CS là khúc ruột nghìn dặm, nhưng vẫn có chính sách đối xử phân biệt. Cũng chưa bao giờ người CS tỏ ra đối xử bằng tình anh em chung bọc trứng với người Việt hải ngoại mặc dù họ biết hàng năm tiền của nước ngoài gởi về hàng bao nhiêu tỉ Mỹ kim.

Đến bây giờ người CS vẫn chưa hiểu tại sao, sau ba mươi năm mà họ vẫn chưa có thể công khai đến với người Việt tị nạn hải ngoại. Họ càng không hiểu tại sao các tòa Đại sứ và Lãnh sự của họ vẫn chẳng thể nào giao dịch trực tiếp với kiều dân Việt trừ những dịch vụ về quá cảnh visa du lịch! Họ chỉ biết đổ lỗi đó cho người Việt tị nạn, còn họ thì không có lỗi gì cả! Họ lại càng không hiểu và chẳng thể nào hiểu tại sao cờ vàng ba sọc đỏ cho đến bây giờ vẫn làm cho cờ đỏ co cụm từ trước trụ sở LHQ đến bất cứ nơi nào có người Việt Nam cư ngụ! Tượng Đài Chiến Sĩ Việt Mỹ và lá cờ vàng được khánh thành sau bao nhiêu phản đối thất bại, người CS vẫn chưa học được gì về nhân tâm từ trong nước ra đến hải ngoại.

Lá cờ vàng đang từng bước tiến sâu vào lòng các cities và tiểu bang nước Mỹ, có nơi có lúc nó tạm dừng vì các phản ứng quyết liệt của người CS! Họ lấy cớ là Hoa Kỳ bang giao với lá cờ đỏ, tại sao công nhận lá cờ vàng. Nhưng trên thực tế, đã ba chục năm qua, đâu cần có nghị quyết nào mà cờ đỏ của CS vẫn chưa bao giờ có mặt trên các nơi người Việt tị nạn cư ngụ, cờ vàng vẫn cứ rợp bóng tung bay...! Họ phải hỏi lòng dân, họ phải nhìn khuynh hướng người dân trong và ngoài nước về những khát khao cơ bản người CS đã bóp chết của họ. Đó là các quyền về con người, các vấn nạn tự do tôn giáo, dân chủ, văn hóa, quyền sống và quyền ngôn luận...!

Chính vì thế cho nên hố sâu ngăn cách càng ngày càng lớn. Trong nước thì họ lo sợ bị mất quyền cai trị nên ra sức đàn áp các mầm mống đòi hỏi tự do, đòi hỏi đổi mới, đòi hỏi tự do tôn giáo... Càng ra sức lập bức tường lửa ngăn chặn thông tin, ngăn chặn làn sóng văn minh, người CS càng ngày càng thấy cái ghế của họ tự nó mục rữa.

Phan Văn Khải sang Mỹ để tính chuyện ôm chân kẻ thù cũ làm bình phong cho các ý đồ xoa dịu dư luận. Có thể trong tương lai, sau khi Khải về, một chính sách “đoàn kết” sẽ cho thả giây. Cái gọi là “hòa hợp hòa giải” sẽ được thực hiện bằng một màn đa nguyên đa đảng cuội. Các đảng đã cuội từ lâu sẽ giơ tay xin làm cuội chính thức... Cuối cùng, đảng Cộng Sản vẫn an toàn nắm quyền, dưới trướng có một loạt “Đảng” từ các nơi bên ngoài tung hô vạn tuế.

Vết thương ba mươi năm sẽ chẳng bao giờ lành, lòng người Việt Nam vẫn chẳng bao giờ nhìn về hướng tương lai cùng chung xây dựng, một lòng đưa tổ quốc đến vinh quang, chừng nào chưa có một chính sách thực tế. Với giải pháp Nam Phi đã thi hành sau khi lật đổ chế độ kỳ thị chủng tộc, có thể là một giải pháp khả thi. Người Việt Nam hãy ngồi lại nhận lỗi quá khứ, người Việt Nam hãy nhận ra mình là Việt Nam, không mang màu CS hay Quốc Gia (?) ngồi lại. Đảng CS sẽ nhận lỗi trước quốc dân về những năm cầm quyền, người Quốc Gia nhận lỗi về quá khứ... Có thể như thế vết thương lòng trong từng người sẽ chóng lành và tổ quốc, dân tộc chóng phục hồi cái tinh thần xưa!

lêtamanh

User avatar
lynhcao
Posts: 883
Joined: Sat Apr 30, 2005 10:46 pm

Post by lynhcao »

Vụ xúc phạm Kinh Quran

Friday, May 20, 2005




Một lần tôi đã vào một đền thời Hồi Giáo trong vùng người Cham sinh sống ở Châu Ðốc. Kiến trúc Hồi Giáo ở đâu cũng mang vẻ đẹp đơn sơ, tao nhã và gây niềm tôn kính. Người hướng dẫn chỉ cho tôi thấy cuốn kinh Quran ở cuối giáo đường. Tôi vô tình định đưa tay cầm lên coi nhưng anh ngăn lại. Anh giải thích: Người ngoại đạo không được chạm đến cuốn sách thánh này vì họ không sống theo những quy tắc thanh tịnh như các tín đồ. Thí dụ người đã ăn thịt heo chẳng hạn mà chạm vào kinh Quran thì coi như xúc phạm nặng nề. Từ đó mỗi lần tới một đền thờ Hồi Giáo tôi đều biết để tránh không phạm lỗi. Tôi viết chữ Quran theo lối của một cơ quan truyền thông Á rập, al Jazeera, họ viết là Qur'an, mà trên sách báo còn viết là Kuran, Cô Răng, vân vân.

Vụ báo Newsweek loan tin về những hành động của lính Mỹ xúc phạm cuốn kinh Quran làm cho tín đồ Hồi Giáo khắp thế giới phẫn nộ, khiến nhiều người đặt câu hỏi về trách nhiệm của nhà báo khi làm việc thông tin. Ðã có 17 người chết và hàng trăm người bị thương vì những cuộc biểu tình chống Mỹ sau khi bài báo trên được dịch và đăng lại ở các nước Afghanistan, Pakistan, Indonesia, vân vân. Ngày hôm qua vẫn còn những cuộc biểu tình của người Hồi Giáo ở Calcutta, Ấn Ðộ, ở Mogadishu, thủ đô nước Somalia, ở Nablus trong vùng Tây Ngạn và trước cửa tòa đại sứ Mỹ ở London, Anh quốc. Thứ Sáu tuần tới sẽ còn nhiều cuộc biểu tình khác.

Phu nhân Tổng thống George W. Bush ngày hôm qua bắt đầu đi thăm các nước vùng Trung Ðông để người Á rập và Hồi Giáo cón dịp nhìn thấy một bộ mặt khác của nước Mỹ; bà cũng nhắc tới những hình ảnh chụp ở nhà tù Abu Ghraib và bài báo Newsweek. Nhưng không thể nói chỉ vì một bài báo dài 200 chữ đăng trên tuần báo Newsweek ra ngày 9 tháng Năm 2005 đã gây ra phong trào chống Mỹ ở các nước Hồi Giáo. Trước khi những tấm hình lính Mỹ tra tấn bằng cách làm nhục tù nhân ở Abu Ghraib, Iraq, xuất hiện trên báo chí quốc tế, Hội Hồng Thập Tự quốc tế đã gửi cho bộ quốc phòng Mỹ những báo cáo về các hành động xúc phạm đến kinh Quran ở nhà tù Guantanamo, trong căn cứ quân sự Mỹ ở Cuba, nơi giam giữ các tù binh quốc tế bị bắt sau khi Mỹ tấn công Afghanistan. Bản báo cáo của Hồng Thập Tự quốc tế có nói đến những lời tố cáo của tù nhân về việc xúc phạm đến kinh Quran của các người thẩm vấn trong quân đội Mỹ. Nhân viên Hồng Thập Tự đã nhận được các lời khai này khi phỏng vấn từng tù nhân trong phòng riêng, và Hồng Thập Tự đã yêu cầu bộ quốc phòng Mỹ thay đổi. Hồng Thập Tự quốc tế không chịu tiết lộ các hành động xúc phạm kinh Quran đó là như thế nào. Nhưng nhiều tù nhân đã nói đến việc ném cuốn kinh Quran xuống đất và đạp chân lên.

Nhiều tờ báo ở Mỹ đã tường thuật các lời tố giác này trong vài năm qua nhưng không gây phản ứng mạnh trong thế giới Hồi Giáo. Vì các lời tố cáo tương tự đã được các tù nhân được phóng thích nói lên từ lâu rồi, dân chúng các nước Hồi Giáo đã được đọc các tin tức tương tự. Bài báo ngắn ngủi của Newsweek đã gây phẫn nộ vì nói có người ném cuốn kinh vào cầu tiêu, và cho biết chi tiết đó nằm trong một bản báo cáo chính thức của bộ quốc phòng Mỹ, theo một nguồn tin ẩn danh cho hai phóng viên biết. Báo Newsweek cũng cho biết họ đã đưa bản tin cho hai nhân viên bộ quốc phòng Mỹ đọc để kiểm chứng trước khi in. Và chỉ có một người chỉ ra một điểm sai lầm, nhưng không phải chi tiết được đăng. Một tuần sau, tuần báo Newsweek đã rút lại bản tin trên và xin lỗi gia đình những người đã chết và bị thương. Họ nói rằng nguồn tin của họ nhầm lẫn khi bảo rằng chi tiết ném cuốn kinh vào cầu tiêu được ghi trong một bản báo cáo chính thức của bộ quốc phòng Mỹ. Tờ báo này không cải chính rằng hành động xúc phạm nặng nề tới kinh Quran không hề xẩy ra, họ còn cho thấy là chi tiết đó có thể được tiết lộ trong các văn kiện khác. Khi chính quyền Mỹ lên tiếng chỉ trích tuần báo Newsweek về vụ trên, không ai chính thức phủ nhận là chuyện trên không bao giờ xẩy ra. Và cũng không ai lên án các chính quyền ở Afghanistan hay Pakistan khi họ ra lệnh binh sĩ và cảnh sát bắn vào đám biểu tình chống Mỹ, chính vì thế mới gây ra những vụ chết chóc. Dần dần,độc giả sống ở Mỹ chỉ chú ý tới nhầm lẫn của tờ báo Newsweek về nguồn tin, mà không còn quan tâm đến các yếu tố quan trọng hơn. Ðó là chính sách thẩm vấn có tính cách tra tấn thể chất và tinh thần của quân đội Mỹ đối với những người bị bắt vì bị tình nghi dính líu tới tổ chức al Qaeda, sau vụ tấn công Afghanistan.

Ngày hôm qua, Thứ Sáu 20 tháng 5, 2005, trước cửa tòa đại sứ Mỹ ở London một cựu tù binh ở căn cứ Guantanamo đã kể một cách thúc đẩy tù nhân cung khai là ném kinh Quran xuống đất và đạp lên. Anh Martin Mubanga, 32 tuổi, bị bắt ở Zambia, châu Phi và trao cho chính phủ Mỹ. Người ta nghi anh hoạt động cho al Qaeda nhưng anh phủ nhận. Anh nói các tù nhân đã yêu cầu ban quản giáo ở Guantanamo hãy yết những cáo thị nói cho lính Mỹ biết là không được ném kinh Quran xuống đất. Nhưng lính Mỹ đổi phiên luôn luôn và những người lính mới không biết gì về huấn lệnh đó. Và nguyên nhân chính gây nên những vụ xúc phạm tôn giáo chính là vì những người lính coi tù không được huấn luyện để biết bén nhậy về các vấn đề tín ngưỡng. Sự khác biệt về văn hóa đã gây nên những cái chết của các người vô tội, nhưng sự thờ ơ của các cấp chỉ huy quân sự và chính trị ở Mỹ rất đáng trách. Quân đội Israel đã từng giam giữ các tù binh Hồi Giáo từ mấy chục năm nay nhưng chưa bao giờ để cho những chuyện tương tự xẩy ra.

Những người biểu tình chống Mỹ ở Calcutta đã ném lá cờ Mỹ xuống đất và dùng chân đạp lên, có người còn gọi một đứa bé tới đi tiểu trên lá cờ Mỹ. Xứ Ấn Ðộ có hơn 120 triệu tín đồ Hồi Giáo. Chắc họ nghĩ đó là một hành động trả đũa xứng đáng. Họ nghĩ rằng người Mỹ cũng thấy bị xúc phạm khi thấy quốc kỳ của họ bị đạp lên, không khác gì người Hồi Giáo bị nhục khi kinh Quran bị chà đạp. Nhưng những người Ấn Ðộ theo Hồi Giáo đó đã lầm. Ngay tại nước Mỹ cũng có những người dân Mỹ ném quốc kỳ xuống đất, đốt cờ, hoặc may quần đùi bằng mầu lá cờ. Ðiều này được coi là một thứ quyền phát biểu tự do.

Nhưng để cho quân sĩ xúc phạm đến cuốn kinh Quran trong lúc thẩm vấn các tù nhân Hồi Giáo thì phải coi là một nhầm lẫn lớn của chính phủ Mỹ. Họ muốn chinh phục cảm tình của người dân Hồi Giáo trên thế giới, với mục đích tốt như họ nói, nhưng lại không chịu học hỏi về cơ sở văn hóa của các dân tộc trên. Ðối với người Hồi Giáo thì kinh Quran không phải chỉ là những tác phẩm của những người được Thượng đế mạc khải, như kinh thánh Thiên Chúa giáo. Người Hồi Giáo coi Quran chính là lời Thượng Ðế nói, mà nhà tiên tri Muhammad chỉ làm công việc ghi chép lại mà thôi. Vì vậy đối với họ Quran có tính chất thiêng liêng hơn. Giáo đường Hồi Giáo không có ảnh tượng, không có biểu tượng nào, chỉ có kinh Quran.

Những người bênh vực chính phủ Mỹ thường nêu lên cách cư xử bất công của các chính phủ Á rập và Hồi Giáo đối với các tôn giáo khác. Chẳng hạn, chính phủ Á Rập Sau đi, một đồng minh thân thiết của Mỹ ở Trung Ðông. Có 30,000 người Mỹ sống và làm việc ở Sau đi và họ bị cấm không cho cử hành những ngày lễ tôn giáo như lễ Giáng sinh, lễ Phục sinh. Trước ngày ông hoàng Abdullah sang Mỹ gặp Tổng thống Bush tháng trước, chính phủ Sau đi đã cho dẹp bỏ hai cuộc tập hợp của những người theo Thiên Chúa giáo ở xứ này. Kinh thánh và thập tự giá bị tịch thu và bị hỏa thiêu. Năm 1993 một người dân Sauđi bị chặt đầu vì giữ trong nhà một cuốn thánh kinh Thiên Chúa giáo. Nhưng ngay cả đối với kinh Quran họ cũng không một lòng kính trọng như chính phủ Sau đi đang kêu gọi chính phủ Mỹ. Tháng Mười năm 2004 một đoàn người dân Sau đi biểu tình ở thủ đô Riyadh đã ôm trước ngực những cuốn kinh Quran để tự vệ. Cảnh sát Sau đi dẹp biểu tình đã đánh đập những người dân và khi các cuốn Quran bị rớt xuống đất thì cũng chịu gót giầy cảnh sát trà đạp như thường.

Nhưng người Mỹ cũng không chấp nhận việc xúc phạm đến các tôn giáo dù thuộc nguồn gốc nào. Bà Laura Bush đi thăm và giải thích chính sách của chính phủ Mỹ, nhưng muốn người ta tin thì cần có những hành động cụ thể. Sự sơ suất của các cấp chỉ huy Ngũ Giác đài phải bị cảnh cáo, phải điều tra và trừng phạt những người đã xúc phạm đến kinh Quran, để thế giới Hồi Giáo khỏi hiểu lầm dân Mỹ. Và các nhà báo Mỹ cũng phải thận trọng hơn khi loan báo những tin gây xúc động, vì tình cảm về tín ngưỡng của người Hồi Giáo rất bén nhậy, ngoài kinh nghiệm, hiểu biết hoặc sự tưởng tượng của người làm báo ở Mỹ. Người làm báo có thể hy sinh những “tin giật gân” dù có thật, nếu việc loan tin có thể gây tổn hại đến sinh mạng hoặc danh dự của những người vô can. Việc loan báo những tin chưa chắc chắn còn phải dè dặt hơn nữa.


NGÔ NHÂN DỤNG

User avatar
khieulong
Posts: 6756
Joined: Wed Dec 01, 2004 9:09 pm
Been thanked: 1 time

Post by khieulong »

Phát biểu của ông Bùi Tín trong cuộc gặp gỡ cộng đồng Việt Nam ở Tiệp
Sunday, June 05, 2005


LTS: Bài viết dưới đây nguyên là bài nói chuyện của nhà báo Bùi Tín tại cuộc gặp đồng bào trong cộng đồng người Việt ở Praha/Tiệp khắc( ngày 22/5/2005)



Xin các vị chớ sợ hãi nền dân chủ!

Ý kiến hiện nay của tôi về ông Hồ Chí Minh,

về chuyến đi Mỹ của ông Phan văn Khải.

Thưa các vị và các bạn,

Trước hết tôi xin gửi đến các vị và các bạn lời chào thân thiết nhất.

Phần lớn bà con ta ở Tiệp hiện nay đã ra đi từ miền Bắc nước ta, từng sống dưới chế độ gọi là XHCN, như hoàn cảnh của tôi, do đó tôi cảm thấy cuộc gặp mặt này thật là thân thiết và ấm cúng.

Tôi lại càng xúc động vì 2 lần trước tôi đến Praha thì Tiệp còn là một nước trong phe xã hội chủ nghĩa, mà các bạn Tiệp từng là thành viên của Hiến chương 77 gọi là thời kỳ bị Liên Xô ''thống trị như một thuộc địa của họ '', nay Tiệp đã là một nước hoàn toàn độc lập, dân chủ, gia nhập Liên minh châu Âu. Tôi vui mừng thấy bà con ta có may mắn làm việc, học tập và kinh doanh trong một môi trường tự do, có pháp luật nghiêm minh, bình đẳng cho mọi người.

Môi trường dân chủ, tự do là thuộc một tầng cao văn hóa hơn hẳn môi trường độc đoán, độc đảng, tạo cho mỗi con người trong môi trường ấy điều kiện để nảy nở hết tài năng sáng tạo, sống tự do thoải mái, ngẩng cao đầu, không phải e dè sợ hãi trước cường quyền áp chế. Ðược hưởng không khí tự do, chúng ta thông cảm sâu sắc hơn với bà con ruột thịt ở trong nước vẫn còn chịu cảnh thiếu tự do, nhân phẩm bị xúc phạm.

Năm nay, kỷ niệm 60 năm Cách mạng Tháng Tám và 30 năm thống nhất đất nước. Trong nước đang tổ chức nhiều lễ hội ồn ào , hình thức tốn kém, chỉ để tô vẽ cho vai trò chính đáng lãnh đạo đất nước của đảng CS, khi mà uy tín của đảng xuống thấp nhất, sự chia rẽ từ trên hàng ngũ lãnh đạo cao nhất trở nên cực kỳ gay gắt, khi mà đảng đã thất bại rõ ràng trong chống ''giặc tham nhũng '', trong bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ và lãnh hải của Tổ quốc, trong thu hẹp khoảng cách về sản xuất và đời sống với các nước láng giềng, trong thu hẹp khoảng cách giữa những kẻ giàu và người nghèo trong xã hội...

Ðúng vào dịp kỷ niệm này, từ trong nước vang lên liên tiếp những tiếng nói yêu cầu đảng từ bỏ chế độ độc đảng lạc hậu và có hại - nguồn gốc của mọi bế tắc hiện nay, bắt đầu xây dựng chế độ đa nguyên đa đảng để huy động mọi nội lực của dân tộc vào công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước.

Ðó là yêu cầu của các nhà dân chủ kiên cường Hoàng Minh Chính, Nguyễn Thanh Giang, Phạm Quế Dương, Hà Sỹ Phu, Bùi Minh Quốc, Trần Khuê..., của các nhà dân chủ trẻ quý mến Phạm Hồng Sơn, Nguyễn Khắc Toàn, Lê Chí Quang, Nguyễn Vũ Bình, Ðỗ Nam Hải..., các nhà tu hành Thích Quảng Ðộ, Thích Huyền Quang, Nguyễn văn Lý... Thậm chí các trí thức hàng đầu trong cơ chế như các ông Lê Ðăng Doanh, Trần văn Hà, Phan Ðình Diệu và nhà mác xít số một Hoàng Tùng cũng nhìn thấy cái khiếm khuyết của bộ máy cai trị là ở chỗ độc đoán, phản dân chủ. Tất cả đều chỉ rõ: Chế độ độc đảng, một mình một chiếu, không có lực cân bằng, không có ganh đua và kiểm soát, đảng đứng trên và đứng ngoài pháp luật, là nguyên nhân của những nguyên nhân chậm tiến, trì trệ, quan liêu, tham nhũng, rút ruột ngân sách và nguyên vật liệu quy mô kinh hoàng hiện nay.

Từ tháng 8 năm 1945, sau khi đảng CS cùng nhân dân khởi nghĩa cướp chính quyền, lẽ ra đảng phải chịu sự kiểm soát của nhân dân qua những cuộc bỏ phiếu thật sự tự do định kỳ 3 hoặc 5 năm - như phần lớn các nước khác, nhưng đảng đã ôm chặt lấy chính quyền không chia xẻ cho ai, đi vào con đường độc đảng, độc quyền, độc đoán tệ hại suốt 60 năm dài. Tình hình đến nay không thể trì hoãn được nữa; có thể nói là chậm, quá chậm rồi. Hơn 10 năm trước, các nhà lãnh đạo CS còn chống chế, trì hoãn, vin vào các giá trị ''châu Á '' là quen vâng lời, quen theo đạo Khổng tôn trọng vua - quan (!),nhưng ngay sau đó hầu hết các nước châu Á : Quân phiệt như chế độ Pác Chung Hy ở Nam Hàn, Tưởng Kinh Quốc ở Ðài Loan, Mac-cốt ở Philippin, Xu-hac-tô ở Inđônêxia, chế độ các thống chế ở Thái lan... đều đã đi vào con đường tiến bộ dân chủ đa đảng, với các cuộc bỏ phiếu tự do, được quốc tế công nhận, mở đường cho đất nước phát triển phồn vinh, hơn hẳn các nước độc đoán còn lại như Lào, Miến Ðiện, Bắc Hàn và Việt nam.

Những tháng gần đây, các cuộc cách mạng không bạo lực, xây dựng dân chủ đa đảng ở Éttôni, Léttôni, Lithuani, ở Grudia và Kirghixtan, ở cả Libăng ... được mang tên cách mạng hoa hồng, hoa cẩm chướng, hoa tuylip..., dẫn đầu bởi một số trí thức tiến bộ và các nam nữ thanh niên đầy nhiệt huyết và trí tuệ, được cả loài người nức lòng cổ vũ, thúc đẩy quá trình dân chủ hóa trên toàn thế giới.

Mới đây, tại phòng họp của Quốc hội Pháp đã có một cuộc hội thảo Việt - Pháp về Việt nam ; một nhà sử học phát biểu rằng thật là một điều không có văn hóa, phản văn hóa khi một đảng cầm quyền thực hiện chế độ toàn trị đối với chính nhân dân nước mình, đối với chính đồng bào của mình. Nhà báo Pháp nổi tiếng Jean Lacouture từng ủng hộ cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của VN, từng viết sách ca tụng ông Hồ Chí Minh, nhân dịp này đã tự phản biện mình và ngay thẳng sáng tạo ra danh từ mới để chỉ sự cai trị hà khắc nhẫn tâm của đảng CS đối với chính dân mình, đó là từ: ''autocolonisationáá '' , nghĩa là nền cai trị thực dân đối với chính đồng bào nước mình.

Các nhà lãnh đạo CS nước ta hãy ngẫm nghĩ về cái danh từ mới này , thật thâm thúy, xác đáng.

Và xin hãy biết xấu hổ!

Hãy biết xấu hổ để chấm dứt những cuộc bỏ phiếu ịáđảng cử dân bầuáỂ á nhạt nhẽo nhàm chán, chỉ làm trò cười cho công luận.

Vì tháng này còn có ngày sinh nhật của ông Hồ Chí Minh (19/5) nên cho phép tôi nói đôi điều cần thiết với các bạn, đặc biệt là các bạn trẻ. Giới lãnh đạo trong nước đến nay vẫn còn cố tình trưng ra tư tưởng Hồ Chí Minh để chứng minh tính chính đáng cầm quyền của họ. Họ vẫn coi Hồ Chí Minh là Thần tượng, là Thánh sống, là Bồ Tát, không hề có sai lầm, và buộc nhân dân phải sùng bái tuyết đối. Tôi không đồng tình với những quan điểm như thế, nhưng tôi cũng không thể đồng tình với những người quá khích, chửi rủa ông bằng những danh từ xấu xa nhất. Tôi tôn trọng những đánh giá khác nhau về nhân vật lịch sử này, cũng như tôi cho rằng những nhận định cực đoan đều không đúng. Theo tôi, ông HCM là con người, với tốt xấu, đúng sai, phải trái của mỗi con người. Mặt tích cực không phải là nhỏ; ông đã lãnh đạo thành công cuộc Cách mạng tháng 8 và đứng đầu cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi. Ông đã thành nhân vật lịch sử. Nhưng mặt khác, ông HCM đã có những lầm lẫn, những lầm lẫn không nhỏ. Dịp này, tôi chỉ mạnh dạn đưa ra một lầm lẫn lớn nhất, cực kỳ tai hại của ông. Khi 30 tuổi, anh Nguyễn Tất Thành dự một cuộc họp của đảng Xã hội Pháp, anh thú nhận lúc ấy còn non nớt về chính trị, chưa hiểu gì các danh từ chính trị, nhưng anh đã vội đặt hết niềm tin ở Quốc tế CS III; ngay sau đó anh đọc được một bài luận văn của Lênin, đã vội ôm vào ngực hét toáng lên rằng: Chân lý đây rồi, con đường đúng đây rồi. Rồi HCM sang Moscou, sống hàng chục năm làm việc, học tập dưới quyền Staline, để sau này cả quyết tại Ðại hội II đảng CS (1952)rằng: ịáBác bảo đảm rằng 2 đồng chí lãnh tụ của chúng ta Staline và Mao Trạch Ðông không bao giờ phạm sai lầm!áỂ. Bây giờ mọi sự đã rõ như 2+2=4. Chủ nghĩa Mác - Lê đã phá sản triệt để cả về lý luận và thực tiễn. Liên bang xô viết và đảng Cộng sản Liên Xô vang bóng một thời đã mất tiêu. Sai lầm và tội ác của Xít và Mao kể ra, có chứng minh, hàng pho sách! Ai muốn tìm hiểu, xin vào các thư viện, cửa hàng sách quốc tế, các mạng web...

Tôi không nghĩ ông HCM cố tình gây tội ác, cố tình phá hoại. Tôi thận trọng, vì theo luật pháp cần phân biệt ngộ sát với cố sát. Có thể ông vẫn nghĩ rằng chủ nghĩa CS và chủ nghĩa XH theo kiểu của Lênin và Staline là tốt đẹp nhất, như cả một tầng lớp trí thức châu Âu những năm 50,60 của thế kỷ trước đã lầm tưởng một cách hăng say và vụng dại.

Lầm lẫn của một con người luôn xảy ra. Nhưng lầm lẫn của một nhà lãnh đạo, của một đảng lớn, tự cho là duy nhất đúng, suốt hơn 75 năm, với 60 năm dài cầm quyền, với một học thuyết đầy ảo tưởng, thì thật là kinh khủng, kinh hoàng! Máu đổ bao nhiêu? Nước mắt bao nhiêu? Khổ ải lầm than bao nhiêu? Tụt hậu bao nhiêu? Phí phạm thời gian của dân tộc bao nhiêu? Mà nay vẫn chưa thoát! Thật là ghê rợn. Các thế hệ tiếp nối còn phải gánh chịu biết bao hậu quả dai dẳng! Mọi sự đều có hạn, cả sự lầm lẫn và mù quáng nữa chứ!

Vì vậy, nhân dịp này tôi xin được cùng các nhà dân chủ trong và ngoài nước kêu gọi các nhà lãnh đạo CS hãy suy nghĩ về hiện tình đất nước, chớ nên huênh hoang kiểu ''tốt đẹp phô ra, xấu xa đậy lại.'' thực hiện ngay nền dân chủ đa đảng , trả lại cho nhân dân các quyền cơ bản ghi trong hiến pháp: Tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tôn giáo, tự do bầu cử mà nhân dân một số nước đã được hưởng từ 200 năm nay.

Tôi mong bà con ta nhất là tuổi trẻ trong và ngoài nước hãy nhân dịp này thảo luận rộng rãi về nền dân chủ có lợi hay hại ra sao và làm thế nào để sớm hòa nhập về mọi mặt với thế giới dân chủ hiện tại.

Ðài phát thanh Pháp RFI vừa hỏi tôi muốn nhắn gì lúc này đến các nhà lãnh đạo ở Hà nội; tôi trả lời: Xin các vị đừng sợ hãi nền dân chủ! bầu cử dân chủ là giá trị cao quý nhất của thời đại. Vận động bầu cử, tranh cử ngay thật rất lương thiện, hấp dẫn, bổ ích, sôi động hứng thú lắm. Các vị cứ thực hiện mà xem. Hãy biết sợ trách nhiệm trước lịch sử nếu các vị một mực chống lại nền dân chủ đích thật!

Cuối cùng xin báo cùng các bạn tin mừng: Hôm thứ năm trước, chúng tôi gặp một số nhân vật chính trị Tiệp của Phong trào Hiến chương 77; các bạn Tiệp đều tán thành và nhiệt tình ủng hộ cuộc đấu tranh dân chủ hóa VN của chúng ta, yêu cầu nhận được những thông tin đầy đủ về đấu tranh của các chiến sỹ dân chủ trong nước, còn dự định lập ra Ủy ban ủng hộ dân chủ cho VN, như đã có Ủy ban ủng hộ dân chủ cho Cuba mà nhà dân chủ tuyệt vời Havel là Chủ tịch.

Xin cám ơn các bạn đã lắng nghe và chúc các bạn trong cộng đồng, cả các bạn vì điều kiện ngoài ý muốn không đến được, lời chúc chân thành đạt thật nhiều kết quả, thành tựu trong công việc, kinh doanh và học tập trên đất Tiệp tự do và tươi đẹp này.

Bùi Tín.

Praha 22/5/2005.


Ghi thêm : -Trong cuộc trao đổi ý kiến sôi nổi sau đó, một bạn trẻ trong nước qua mạng Paltalk hỏi nhà báo Bùi Tín: ''Sắp tới thủ tướng Phan văn Khải sẽ công du sang Mỹ; xin hỏi nhà báo Bùi Tín nếu như ông được hỏi ý kiến thì ông sẽ khuyên ông Khải nói những gì với tổng thống Bush? Ông Khải có nên đặt vấn đề về vụ kiện liên quan đến chất độc màu da cam với ông Bush không? Nếu gặp đại diện cộng đồng, ông Khải nên nói điều gì?

Nhà báo Bùi Tín đã trả lời như sau:

''Theo ý tôi, ông Khải nên nói với ông Bush đại thể và vắn tắt như sau: Bộ chính trị chúng tôi lấy làm tiếc về việc hồi năm ngoái đã có nhận định của bộ quốc phòng chúng tôi không đúng về Hoa kỳ (ý nói về nghị quyết ngày 24/8/2004 của bộ Quốc phòng do Tổng cục 2 thảo ra chỉ rõ Hoa kỳ vẫn là kẻ thù nguy hiểm có âm mưu diễn biến hòa bình để lật đổ chính quyền, điều này chắc chắn ông Bush đã biết rõ; về ngoại giao, công thức ''lấy làm tiếc'' thường được coi là lời xin lỗi chính thức). Từ nay chúng tôi coi trọng việc thắt chặt quan hệ về mọi mặt với các nước dân chủ như Hoa kỳ, Liên Âu, Nhật bản, Úc... không kém gì với Trung quốc và các nước ASEAN (có nghĩa là đường lối đối ngoại không còn như trước, không còn gắn bó ưu tiên với Trung quốc, từ bỏ ''giải pháp đỏ'' là gắn bó chặt các nước cộng sản còn rớt lại, lấy Trung quốc làm trụ).

Về đối nội chúng tôi đang chuẩn bị cho Ðại hội X theo hướng dân chủ đa đảng trong trật tự, với các quyền tự do ngôn luận báo chí, tự do tôn giáo và bầu cử tự do theo những tiêu chuẩn quốc tế thông thường.

Ông Khải không nên nói gì đến vụ chất độc màu da cam vì Hà nội đã vụng về và lộ liễu sử dụng vụ án pháp lý này như một vụ án chính trị, khơi lại căm thù, qua những chiến dịch thu nhặt thật nhiều chữ ký làm áp lực, với những con số tự tạo thổi phồng quá đáng, không có cơ sở khoa học và bằng chứng pháp lý, trong khi phía VN cũng đã dùng hóa chất làm phân bón một cách liên tục, quy mô lớn và thiếu thận trọng... Do đó theo luật pháp, vụ kiện đã bị bác và khó lòng đổi khác. Các nạn nhân thật sự lại thêm là nạn nhân của một lầm lẫn tệ hại do chủ quan, duy ý chí, thiếu hiểu biết.

Với cộng đồng, ông Khải nên có dũng khí nói 2 chữ ''xin lỗi'' về sự đối xử quá đáng (bỏ tù gần 300 ngàn sỹ quan viên chức, phân biệt đối xử với gia đình viên chức và sĩ quan thuộc chính quyền cũ, bán bãi bán tàu bán chỗ thu vàng, cưỡng bức đi kinh tế mới, gây nên số chết trên biển chưa thống kê được - có ước lượng từ 50 ngàn đến 300 ngàn.) Ông nên báo tin trong nước sẽ tổ chức ví dụ như vào dịp Lễ xá tội vong nhân rằm tháng 7 ta năm nay - nhân 30 năm chấm dứt chiến tranh, một cuộc cầu siêu và cầu kinh trong toàn quốc cho tất cả vong linh của mọi người chết trong chiến tranh (1945 - 1975), không phân biệt ở bên nào.

Với nội dung trên, tôi cho rằng chuyến đi của ông Khải sẽ có tác dụng nhanh chóng, sâu sắc, lâu bền, bằng hàng ngàn cuộc kêu gọi đầu tư, bằng hàng trăm Nghị quyết 36, nó sẽ đúng là một chuyến đi lịch sử, làm nên lịch sử, mở ra một thời kỳ phát triển hoàn toàn mới cho đất nước; cả nhân dân Mỹ và bà con cộng đồng sẽ tiếp sức, có thể nói là dốc sức, theo quy mô không ai lường nổi về tiền của, tài năng, chất xám cho nước Việt nam thật sự thống nhất, thật sự hòa giải và hòa hợp trong tình anh chị em ruột thịt đã trở lại sau hơn nửa thế kỷ chia lìa và chiến tranh. Việt nam sẽ cất cánh từ đây!

Mong rằng bộ chính trị đảng CSVN không bỏ qua một cơ hội cực kỳ hiếm này.


Bùi Tín

User avatar
khieulong
Posts: 6756
Joined: Wed Dec 01, 2004 9:09 pm
Been thanked: 1 time

Post by khieulong »

Tổng cục II và vụ án Trịnh Vĩnh Bình
Thursday, June 09, 2005


Trần Quốc Hoàn

Trích Ðàn Chim Việt Online


LTS: Có lẽ không một quốc gia nào hay bị các cá nhân đơn lẻ kiện ra tòa án quốc tế nhiều như nước Việt Nam hiện nay. Chỉ trong vòng hai năm nay, nước Việt Nam đã bị ba vụ kiện mà hai vụ đầu do VietNam Airlines gây ra bị thường 5 triệu đô la, và Liên Ðoàn Bóng Ðá phải bồi thường cho huấn luyện viên Letard xấp xỉ 200 ngàn đô la. Vụ kiện thứ ba ly kỳ nhất, bởi vì nguyên đơn là một người Việt, ông Trịnh Vĩnh Bình một Việt kiều cư ngụ ở Hòa lan đem 4 triệu đô la về đầu tư, tiền đã mất, tật lại mang vì bị xử 11 năm tù, nhưng may mắn và cũng có thể do cơ quan áp giải nhận lệnh trên để cho ông trốn thoát trốn thoát về lại Hòa Lan, để rồi ông đâm đơn kiện nhà nứoc đòi bồi thường một số tiền khổng lồ 100 triệu đô la. Nhật báo Người Việt cũng đã đăng tải nhiều bài viết liên quan tới vụ đầu tư của ông Trịnh Vĩnh Bình.

Bài viết dưới đây của ông Trần Quốc Hoàn, một người Việt cư ngụ ở Vũng Tầu, nơi ông Trịnh Vĩnh Bình đem tiền về đầu tư, và dường như ông Trần Quốc Hoàn là một nhân viên trong guồng máy của nhà nước và đã tỏ ra khá am tường nội vụ, và đã cung cấp cho người đọc trong và ngoài nước nhiều chi tiết lý thú liên quan tới vụ án. Chúng tôi đăng tải lại bài viết này để độc giả được biết thêm về sự ngu dốt, lưu manh, nham hiểm của Tổng Cục II, một cơ quan an ninh hàng đầu của nhà nước VNCS.


Gần đây, việc ông Trịnh Vĩnh Bình thưa kiện Chính phủ Việt Nam ra một Tòa án Quốc tế đã làm xôn xao dư luận ở Hải ngoại. Vụ kiện này là một vụ án chưa từng có trong lịch sử Việt Nam và có rất nhiều ý nghĩa khác nhau, đặc biệt là số tiền bồi thường quá lớn đối với một đất nước nghèo khó như Việt Nam: 100,000,000 USD. Thật ra, trong những cuộc họp giao ban của khối an ninh vào khoảng cuối năm 2002 thì người ta đã phổ biến thông tin rằng ông Trịnh Vĩnh Bình đang tìm cách thưa kiện Chính phủ Việt Nam rồi. Song, vì thái độ vô trách nhiệm, coi thường pháp luật, coi thường dư luận quốc tế, cộng với sự chủ quan, lúng túng của bộ máy an ninh, của lãnh đạo cộng sản nên họ đã để sự việc diễn biến đến nghiêm trọng như ngày hôm nay. Tuy nhiên, điều đáng buồn là dư luận trong nước lại rất ít người biết đến vụ việc này, do sự chỉ đạo bưng bít thông tin của Ban Tư tưởng Văn hóa, Ðảng Cộng Sản Việt Nam, mới chỉ có hai, ba tờ báo là “dám” nhắc đến vụ án này một cách “qua quít”, sao chép giống hệt nhau, cùng với mấy ông luật sư trả lời một cách “không có đầu, không có cuối”.

Nhà nước Cộng Sản Việt Nam, mà tất nhiên là do Ðảng Cộng Sản cầm quyền lãnh đạo, đã rất lo ngại vụ việc này bị phanh phui như một vụ án nghiêm trọng và đặc biệt điển hình để tố cáo chế độ cộng sản ở nhiều mặt khác nhau. Với Quốc tế và giới doanh nhân (xin nhấn mạnh ở đây là giới doanh nhân nói chung, ở cả trong và ngoài nước chứ không riêng gì Việt kiều hay doanh nghiệp nước ngoài như một số bài báo nêu ra, vì ở Việt Nam chưa hề có “một sân chơi bình đẳng cho các doanh nghiệp” như lời mời gọi của giới lãnh đạo cộng sản vẫn hô hào, bất kể doanh nghiệp nào không phải là doanh nghiệp nhà nước (là “con bò sữa”, là chỗ làm tiền và rửa tiền của Mafia cộng sản) đều gặp phải rất nhiều rắc rối do chính quyền gây ra) đây là một vụ án điển hình nhất được tố cáo và sẽ đưa ra xét xử công khai trước Quốc tế, sẽ là một bằng chứng sống động nhất cho Thế giới biết đến sự cưỡng bức trắng trợn, sự bất chấp luật pháp, vi phạm nhân quyền của bộ máy an ninh cộng sản, chính quyền cộng sản. Ðặc biệt đây là một sự kiện hi hữu, không thể lý giải được: Một tội phạm đào thoát đang chịu hình phạt bị kết án 11 năm tù - có nghĩa là một kẻ đang bị một chính phủ truy nã - lại dám công khai đứng ra kiện chính phủ đó trước Tòa án Quốc tế. Nhưng quan trọng hơn là đối với số đông quần chúng nhân dân, chính quyền cộng sản đang rất lo sợ dư luận nhân dân sẽ biết rõ sự việc này, và đặc biệt nếu chính phủ Việt Nam sẽ bị xử thua ở phiên tòa năm sau thì vụ án này sẽ gây ra một sự bất bình lớn trong dân chúng, nếu toàn bộ sự thật được phơi bày có thể sẽ gây ra một làn sóng phản ứng mạnh mẽ mà sẽ khó đoán trước được hậu quả như thế nào.

Sau khi đã đọc và nghe kỹ hầu hết các bài viết và phỏng vấn ở Hải ngoại có liên quan đến vụ án, tôi xin gửi đến quý độc giả (thính giả) và đặc biệt là ông Trịnh Vĩnh Bình thêm một số chi tiết mà tôi khẳng định là yếu tố quyết định vụ án. Với cương vị là một người trong cuộc, tôi xin đảm bảo rằng những thông tin mình đưa ra là chính xác 100% (điều này hy vọng sẽ được ông Trịnh Vĩnh Bình xác nhận), đồng thời cũng cung cấp thêm một số thông tin mà có thể do ở một góc độ khác ông Trịnh Vĩnh Bình không được biết, hoặc vì một vài lí do nào đó mà ông Trịnh Vĩnh Bình đã không tiết lộ, với mục đích làm rõ hơn những ẩn khuất trong vụ án này và để dư luận trong ngoài nước sẽ được biết đến, quan tâm đến vụ án này hơn nữa; qua đó quần chúng nhân dân, đồng bào Việt Nam ở Hải ngoại và trong nước sẽ cùng lên tiếng tố cáo những bất công, bưng bít, vi phạm pháp luật, vi phạm nhân quyền của chế độ Cộng Sản Việt Nam.

Cần trở lại vụ án Công ty cổ phần Bình Châu (cũng gọi là vụ án Bình - Hà Lan) ở những năm 1998-1999, đã được báo chí Việt Nam viết đến rất nhiều, cũng không ít bài báo viết có sự phân tích, mổ xẻ về tính pháp lý của vụ án, bênh vực “bị cáo” Trịnh Vĩnh Bình. Do có nhiều quan điểm đánh giá khác nhau nên vụ án được dư luận trong nước quan tâm nhiều. Thế nhưng, sự quan tâm đấy cũng chỉ đơn thuần coi như một vụ án kinh tế, có “dính dáng” đến Việt kiều, đến đầu tư nước ngoài. Rất ít ai được biết đến vụ án là đã có những yếu tố chính trị, thậm chí cái yếu tố ấy đã có tính quyết định toàn bộ vụ án. Về nội dung này tôi không nghĩ là ông Trịnh Vĩnh Bình đã không hề biết gì. Gần đây, khi trả lời phỏng vấn báo chí ông Trịnh Vĩnh Bình cũng đã không cung cấp thêm thông tin gì mới hơn, có thể ông cần phải giữ thái độ thận trọng cần thiết, cũng có thể ông chưa được biết chính xác. Tôi xin công khai chi tiết này dưới đây, để độc giả có thể hiểu được bản chất của sự việc và qua đó các bên liên quan sẽ tìm ra những phương pháp hành sử tốt nhất trong những công việc tiếp theo của vụ án mà ông Trịnh Vĩnh Bình đang theo kiện chính phủ Việt Nam.

Những nguyên nhân chính mà ông Trịnh Vĩnh Bình đưa ra (cũng đã được ông Trọng Kim, chủ bút tờ báo Ngày Nay ở Houston, Texas - Hoa Kỳ cho biết thêm) là do ông Bình đã có một sự đối đầu với cơ quan công an tỉnh Bà rịa - Vũng tàu, cụ thể là ông Ngô Chí Ðan, trưởng phòng an ninh điều tra (PA24) và ông Phạm Văn Phương - anh vợ ông Ngô Chí Ðan - chức danh phó Tổng giám đốc công ty liên doanh Vicarent.


Sự việc này cần phải diễn giải chi tiết thêm thì độc giả mới có thể hình dung được. Tại địa phương tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thì gần như ai ai cũng đều biết đến ông Ngô Chí Ðan, với cương vị trưởng phòng an ninh điều tra, phó thủ trưởng cơ quan điều tra liên tục mười mấy năm liền, và là một con người khét tiếng với các vụ án quan trọng. Thế nhưng còn nổi tiếng và “tài ba” hơn nhiều lại chính là ông Phạm Văn Phương, anh vợ của Ngô Chí Ðan, với những quan hệ mà những người dân thường chỉ nghe thấy thôi cũng đã phải “rùng mình”, từ Tổng bí thư (xin nói rõ là Tổng bí thư Ðảng Cộng Sản Việt Nam chứ không phải bí thư xã, bí thư huyện nhé) đến Thủ tướng, phó Thủ tướng Chính phủ, còn cỡ như Bộ trưởng, Thứ trưởng thì ông Phương có thể quen biết vài chục vị. Chỉ qua việc ông ta đã từng hạ “nốc ao” cả Chủ tịch tỉnh và đưa một vị khác lên thay chức chủ tịch tỉnh, rồi vào ủy viên Trung ương Ðảng Cộng Sản là đủ biết uy lực của ông Phương lớn đến thế nào (riêng sự việc này tôi xin gửi thông tin đến độc giả ở một bài viết khác). Thế nhưng, sau này chính anh em ông Ngô Chí Ðan và Phạm Văn Phương cũng lại phải ra hầu Tòa trong một vụ án khác, mà ông Ngô Chí Ðan đã bị kỷ luật, tước danh hiệu công an, Phạm Văn Phương thì chịu bản án 27 năm tù giam. Thật ra, trong vụ án đó anh em ông Phương, ông Ðan cũng chỉ là con mồi của bộ máy an ninh cộng sản, con mồi của chính cái bẫy mà mình đã giăng ra, và tôi cũng xin khẳng định rằng vụ án đó cũng lại chính là hệ lụy của vụ án Trịnh Vĩnh Bình mà chúng ta đang nói đến hôm nay, vì lí do đó tôi lại phải xin hẹn với độc giả trong một bài viết khác sẽ được nói rõ thêm về vụ án này (độc giả ở Hải ngoại có thể tìm xem về “vụ án Phương Vicarent” trên các trang pháp luật của các báo điện tử tại Việt Nam, còn ở Việt Nam thì chắc là ai cũng đều biết đến vụ án ấy cả). Vì xã hội Việt Nam đã hoàn toàn bị Ðảng cộng sản cưỡng bức thông tin, bưng bít thông tin; chế độ Ðảng trị độc tài can thiệp vào tất cả bê bối kinh tế và chính trị nhằm che dấu tội lỗi của mình, lo sợ sự phản ứng giận dữ của quần chúng, nhằm đảm bảo sự độc tài thống trị của mình, nên người dân không được biết về thế lực thật sự của ông Phạm Văn Phương cùng những hành động tội lỗi của ông ta mà thật ra “tập đoàn Mafia Năm Cam” so ra với ông Phương cũng chỉ bằng hạt cát.

Quay trở lại vụ án của ông Trịnh Vĩnh Bình, thật không may cho ông Trịnh Vĩnh Bình là: Thời điểm mà ông Trịnh Vĩnh Bình vào Việt Nam đầu tư là thời điểm mà ông Phạm Văn Phương và vây cánh của ông ta đang rất mạnh. Tất cả các doanh nghiệp vào đầu tư tại Bà Rịa - Vũng Tàu đều phải nhờ vả hoặc đến “ra mắt” ông Phương, phải chịu sự điều khiển của ông ta, hoặc ít ra cũng phải “cống nộp” tiền bạc cho ông ta. Ông Trịnh Vĩnh Bình vì là người ở Hà Lan đến, cộng thêm sự tự tin là về đầu tư trên quê hương mình nên đã không sớm có sự hiểu biết đó. Nguyên nhân mà ông Trịnh Vĩnh Bình hiểu ra rằng sự khó chịu và đối đầu với ông Phạm Văn Phương đã gây ra cho ông bao nhiêu khó khăn, vất vả sau này, từ đổ vỡ trong kinh doanh, rồi tù tội, trắng tay về kinh tế, rồi phải đào thoát, tính mạng nguy hiểm đến thế nào, và cuối cùng là vụ kiện chính phủ Việt Nam mà ngày hôm nay ông đang theo đuổi. Về xuất phát cơ bản thì đúng là như vậy, nhưng sự thật đằng sau đó có ý nghĩa quyết định vụ án đấy là lí do chính trị, bàn tay của Tổng cục II, Bộ quốc phòng.

Ngay sau khi ông Phương và bè cánh của ông Phương đã lên một “kế hoạch” hãm hại ông Trịnh Vĩnh Bình, người ta chưa hề nghĩ đến sẽ có một hậu quả xấu như thế (tôi chắc là ngay cả chính ông Phương cũng chưa định liệu trước được một hậu quả như vậy.) Bởi vì bản chất của Phương chỉ là một kẻ giang hồ, mượn oai thế và uy lực để bức hiếp kẻ yếu, tống tiền, trục lợi. Về con đường “quan lộ”, với cái gốc là lái xe, không một mảnh bằng cấp, không trình độ ngoại ngữ, Phương không thể “mảy may” nghĩ tới. Và Phương cũng không nghĩ ra được rằng con mồi của mình (ông Trịnh Vĩnh Bình) lại liên quan đến các yếu tố chính trị cơ hội khác. Ngô Chí Ðan, dù là trưởng phòng an ninh điều tra, phòng có uy quyền nhất trong lực lượng công an cộng sản (cơ quan điều tra là cơ quan duy nhất được phép ra lệnh triệu tập và bắt người), là cơ quan theo dõi mọi hoạt động an ninh có liên quan đến yếu tố nước ngoài, thế nhưng Ngô Chí Ðan cũng không hề có thông tin và âm mưu hãm hại ông Trịnh Vĩnh Bình là có liên quan đến các yếu tố chính trị (ngoài việc biết ông Trịnh Vĩnh Bình là thành viên Ðảng dân chủ tự do Hà Lan). Việc Phương và Ðan mưu hại thật ra cũng chỉ là một màn kịch tống tiền, Phương và Ðan chưa nghĩ ra được Trịnh Vĩnh Bình sẽ trở thành một miếng mồi thơm hơn để có thể trục lợi những âm mưu khác, Phương và Ðan cũng không thể nghĩ ra rằng việc hãm hại Trịnh Vĩnh Bình có thể để lại một hệ lụy khôn lường (cho chính cả bản thân mình và cho cả chính phủ Việt Nam) đến ngày hôm nay.

Mọi việc không chỉ đơn giản như vậy. Chắc rằng, tất cả những người có một chút am hiểu về bộ máy an ninh của cộng sản đều biết rằng: Mọi công dân nước ngoài khi vào hoạt động, làm ăn tại Việt Nam cũng đều bị một sự giám sát vô hình của cơ quan an ninh cộng sản. Ðặc biệt như trường hợp của ông Trịnh Vĩnh Bình, một thành viên của Ðảng dân chủ tự do Hà Lan, ngoài các bộ phận nghiệp vụ của Bộ công an ra thì không thể nào Tổng cục II - Bộ quốc phòng lại có thể “quên” được. Do vậy, giai đoạn mà mạng lưới Mafia của Phạm Văn Phương đang tìm cách hãm hại ông Trịnh Vĩnh Bình ở thời điểm quan trọng, quyết định nhất thì chính là lúc lộ diện vai trò của Tổng cục II. Lúc đó, Phương và Ðan đều có phần lúng túng (dù là không bất ngờ) vì kế hoạch của mình có thể bị bại lộ hoặc phải thay đổi, lúc này bọn chúng phải tính đến việc phải phối hợp với Tổng cục II để hướng sự việc sang một chiều hướng khác. Do phối hợp với Tổng cục II nên nhiều yếu tố mới đã xuất hiện, từ đó sự việc trở nên phức tạp và ngoài tầm kiểm soát của Phương - Ðan, nhưng cũng lại mở ra một âm mưu mới táo bạo hơn, có lợi hơn cho Phương - Ðan (âm mưu hạ bệ ông Nguyễn Trọng Minh, chủ tịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu sau vụ án này.)


Ðây là yếu tố quyết định của vụ án này, và cũng chính từ Tổng cục II đã phát ra nhiều thông tin đặc biệt rất bất lợi đến ông Trịnh Vĩnh Bình (đến bây giờ cũng khó khẳng định được những thông tin này là thật hay “dỏm” như những thông tin mà Tổng cục II đưa ra về ông Võ Nguyên Giáp và các lãnh đạo cao cấp khác ?) Những diễn biến dưới đây , tôi cũng xin để trả lời cho nguyên nhân tại sao mà ông Trọng Kim, chủ bút tờ báo Ngày Nay ở Houston, Texas - Hoa Kỳ, không biết được tại sao mà ngay cả khi đã có bút phê của thủ tướng chính phủ Việt Nam - Phan Văn Khải - rồi mà bên Bộ công an họ vẫn ra lệnh khởi tố, bắt giam ông Trịnh Vĩnh Bình (xin xem thêm trong phỏng vấn ngày 15/5/2005 của Ðài RFA, BBC hoặc các trang Web: www.ykien.net, www.doi-thoai.com, www.danchimviet.com ...) Và qua đây tôi cũng xin làm rõ một số chữ viết tắt (mà theo tôi là không cần thiết), và một số điều chưa rõ trong “Thư gửi đồng bào cả nước” của tác giả Nguyễn Thiện Tâm đăng trên rất nhiều báo chí Hải ngoại thời gian gần đây, ở phần nói về vụ án của ông Trịnh Vĩnh Bình (xin đọc trên trang Web: www.vnn-news.com ra ngày 18/5/2005). Việc này ông Trọng Kim cho rằng: Là do thế lực và vây cánh của thứ trưởng Bộ công an - Nguyễn Khánh Toàn - quá mạnh. Thực chất, không phải là như vậy, mặc dù tôi cũng khẳng định rằng ông Phương - Ðan có quan hệ rất thân thiết với ông Nguyễn Khánh Toàn (thậm chí việc ông Nguyễn Khánh Toàn mất ghế Bộ trưởng công an sau này cũng do vụ án “Phương Vicarent” mà liên lụy), thế nhưng lúc đấy ông Lê Minh Hương là Bộ trưởng - Ủy viên Bộ chính trị, quyền lực rất mạnh nếu muốn làm cũng không thể làm được gì, đấy chính bởi vì đã có bàn tay của Tổng cục II - Bộ quốc phòng dính vào, thậm chí là quyết định toàn bộ vụ án.

Rất ít khi có một vụ án kinh tế mà lại phức tạp như vụ án này. Cần phải nói rõ thêm, về vụ án này đã có mấy chục cá nhân liên quan được cơ quan công an thẩm vấn, điều tra. Trong số các bị cáo, ngoài ông Trịnh Vĩnh Bình là bị cáo chính, còn một nhân vật cũng được rất nhiều người biết đến, đấy chính là ông Lê Quang Luyện, tiến sĩ hóa học, đã từng là thư ký riêng của Chủ tịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu; gia đình bà Hương, vợ ông Luyện, lại có quan hệ với bà phó chủ tịch nước Việt Nam lúc đó là Nguyễn Thị Bình và ông Nguyễn Mạnh Cầm (lúc đó mới chỉ là Bộ trưởng Bộ ngoại giao). Từ đó đã nảy sinh ra rất nhiều mối quan hệ, nhiều sức ép từ nhiều phía. Bằng con đường ngoại giao, chính phủ Hà Lan đã có công hàm cho chính phủ Việt Nam. Thường vụ Bộ chính trị Việt Nam đã phải họp mở rộng bốn lần về vụ án này. Theo quan điểm ngoại giao, ông Phan Văn Khải và bà Nguyễn Thị Bình (đã từng là bộ trưởng ngoại giao và trưởng phái đoàn đàm phán của CPLTCHMN Việt Nam tại Paris) đề nghị đình chỉ vụ án và giải oan cho ông Trịnh Vĩnh Bình. Ngược lại, ý kiến của ông Lê Khả Phiêu, Lê Minh Hương và đặc biệt người tỏ ra quyết liệt, gay gắt nhất là ông Phạm Thế Duyệt (người mà tác giả Nguyễn Thiện Tâm viết tắt là PTD, còn ba người kia nữa là ông Châu Văn Mẫn - giám đốc công an tỉnh Bà rịa - Vũng tàu, Lê Văn Dỹ - bí thư tỉnh ủy, sau này bị khiển trách và đưa ra làm Phó Ban kinh tế Trung ương, và Phạm Văn Phương) là phải kiên quyết xử lý. Nhưng từng ý kiến của các vị Ủy viên Bộ chính trị ấy đều không có tính quyết định bằng các chứng cứ của Tổng cục II đưa ra, họ khẳng định rằng Trịnh Vĩnh Bình vào Việt Nam là để hoạt động gián điệp, núp dưới cái “vỏ” doanh nhân. Tổng cục II đã đưa ra hàng loạt những ghi chép theo dõi về các hoạt động của ông Trịnh Vĩnh Bình, một trong những mục tiêu của Trịnh Vĩnh Bình là mua chuộc các cán bộ cao cấp nhất, mà cụ thể Tổng cục II đưa ra dẫn chứng về một cuộc sắp đặt của ông Trịnh Vĩnh Bình tiếp xúc ông Phan Văn Khải, cũng như việc ông Trịnh Vĩnh Bình đã dùng tiền hối lộ (mà theo tổng cục II là để mua chuộc, khống chế) ông Nguyễn Trọng Minh - Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bà rịa - Vũng tàu (sau này ông Minh cũng bị mất chức Chủ tịch vì vụ việc này) (người viết chỉ đưa ra các chi tiết theo các tài liệu có được, điều này chắc chắn ông Trịnh Vĩnh Bình là người biết rõ nhất và là đúng sai như thế nào ?) Về phía bà Nguyễn Thị Bình và ông Nguyễn Mạnh Cầm cũng được Tổng cục II cho biết những mối quan hệ và tiếp xúc với gia đình ông Lê Quang Luyện, do vậy ông Khải, ông Cầm và bà Bình gần như “chết cứng”, không thể nói được gì nữa. Vậy là từ một âm mưu tống tiền rồi chuyển thành một vụ án kinh tế, một vụ án kinh tế lại được biến ra thành một vụ án chính trị. Bộ chính trị Ðảng Cộng Sản Việt Nam đã phải trực tiếp chỉ đạo vụ án. Tuy nhiên, cả phía an ninh quân đội và công an đều cho rằng họ đã “bắt non” ông Trịnh Vĩnh Bình, vì vậy họ phải xử theo một vụ án kinh tế (chứ không phải là “hình sự hóa quan hệ kinh tế” như ông Trịnh Vĩnh Bình đã trả lời phỏng vấn báo chí). Vậy là việc ông Trịnh Vĩnh Bình bị kết án là việc không thể tránh khỏi và là một “vở kịch” đã được Tổng cục II viết sẵn rồi, các công việc thủ tục pháp lí tiếp theo chỉ còn mang tính chất hợp pháp hóa cho cái “vở kịch” đó thôi.

Nhưng sau khi ông Trịnh Vĩnh Bình đã bị kết án và bắt giam rồi thì lại xảy ra một “tấn tuồng” khá vụng về của cơ quan an ninh Việt Nam và “tấn tuồng” ấy đã để lại hậu quả đến hôm nay. Ðấy chính là việc “để thoát” ông Trịnh Vĩnh Bình, cần xem lại các báo chí Việt Nam viết về sự kiện đó, các báo đưa tin: “Trịnh Vĩnh Bình đã bỏ trốn khi cơ quan công an di lí từ Tân Sơn Nhất ra Nội Bài - Hà Nội” (đào thoát trên máy bay mới lạ chứ! Thật là một “trò hề” quá vụng về!) Việc này, gần đây tất cả các bài báo và trả lời phỏng vấn của ông Trịnh Vĩnh Bình đều không đề cập đến. Có thể vì lí do nào đó mà ông Trịnh Vĩnh Bình đã né tránh điều này, chỉ duy nhất hai lần ông Trịnh Vĩnh Bình và ông Trọng Kim nhắc đến sự việc này với từ “đào thoát” mà không nói gì thêm. Tôi chắc chắn rằng ông Trịnh Vĩnh Bình có thể viết sách bán được về cái vụ “đào thoát” của mình. Tôi cũng đề nghị ông Trịnh Vĩnh Bình cần công khai tất cả những chi tiết này, vì nó sẽ có lợi hơn cho ông. Theo một thông tin tuyệt mật được phía Bộ công an tiết lộ thì âm mưu đào thoát của ông Trịnh Vĩnh Bình lại là một kế hoạch được thỏa thuận ngầm của Tổng cục II. Rất may khi ông Trịnh Vĩnh Bình đã nghĩ là: “Sau một thời gian tôi được tại ngoại, tôi cảm thấy là có nguy cơ tôi sẽ bị bắt lại và đưa vào tù và có thể tôi sẽ bị chết. Do đó, với hoàn cảnh đó, tôi phải đào thoát khỏi Việt Nam.” Bởi vì, theo kế hoạch đó của Tổng cục II, việc họ bắt và xử ông là không có cơ sở, trái với luật pháp Quốc tế và Việt Nam. Do vậy, các Chính phủ và tổ chức Quốc tế sẽ can thiệp và nếu sự việc vỡ lở lúc đó sẽ dẫn đến những hậu quả lớn hơn trên trường Quốc tế. Vậy thì, cách tốt nhất là họ để ông “đào thoát” và sau đó sẽ tìm cách thủ tiêu ông, lúc đó sẽ chẳng có ai phải chịu trách nhiệm về vụ án của ông cũng như mạng sống của ông nữa. Nếu có một tổ chức điều tra Quốc tế nào đó có thể điều tra ra thì đấy cũng chỉ như một vụ án hình sự thanh toán lẫn nhau của các băng nhóm giang hồ mà thôi. Những linh tính đã mách bảo cho ông Trịnh Vĩnh Bình và cứu ông thoát khỏi cái chết trong tay của Tổng cục II. Phải chăng, đây là một trong những trường hợp may mắn khá hi hữu, hay là khi ông Trịnh Vĩnh Bình tiết lộ rõ mọi chuyện thì người ta sẽ lại được thấy thêm những bộ mặt phản trắc trong nội bộ Tổng cục II?

Từ vụ án này người ta lại thấy bản chất cực kỳ thâm độc của cơ quan An ninh cộng sản - Tổng cục II. Nhưng hơn tất cả là người ta nhận thấy sức mạnh ghê gớm của nó, nó có thể điều hành tất cả các vị trí, chức vụ cao nhất trong Ðảng, trong Chính phủ, kể cả các ủy viên Bộ chính trị. Nó có thể can thiệp vào mọi công việc và quyết định mọi sự việc theo ý mình. Sau vụ này cũng cần phải nói thêm là viên trung tá phụ trách Tổng cục II ở Bà Rịa - Vũng Tàu là Võ Minh Thắng (biệt hiệu là Thắng “què”) đã được phong quân hàm lên chức thượng tá.

Cuối cùng, điều gì cần rút ra sau vụ án này Dù ông Trịnh Vĩnh Bình có thắng hay thua trong vụ án này thì nhiều bài học rất xót xa cũng đã và sẽ được rút ra từ các bên, mà những nguyên nhân của nó lại chính xuất phát từ cơ quan an ninh - Tổng cục II, Bộ quốc phòng Việt Nam, một cơ quan đã gây ra quá nhiều vụ án, tai tiếng từ quá khứ và hiện tại rồi sẽ ảnh hưởng đến tương lai của cả dân tộc. Nhà nước Việt Nam thì bị tai tiếng, mất uy tín trên trường Quốc tế. Chính quyền Việt Nam thì bị mất đi một số cán bộ do bị họ chụp mũ, vu khống, cưỡng bức. Các cá nhân, các tổ chức, doanh nghiệp, những người không thể tự mình có thể đối phó với thế lực của họ thì bị tù đày, oan ức, sạt nghiệp và không ít người bị thủ tiêu, bức tử. Và điều gì nữa sẽ xảy ra nếu ông Trịnh Vĩnh Bình sẽ thắng kiện trong vụ kiện sắp tới (mà cá nhân tôi tin chắc rằng ông ta sẽ thắng kiện)? Ông Trịnh Vĩnh Bình cũng đã khẳng định rằng số tài sản ban đầu mà ông đầu tư vào Việt Nam chỉ tổng cộng trên dưới 4 triệu Mỹ kim; tất nhiên con số 100 triệu Mỹ kim của ông Bình và luật sư của ông đưa ra yêu cầu Chính phủ Việt Nam phải bồi thường cũng phải rất có cơ sở, vậy số tiền chênh lệch lên đến 96 triệu đô la Mỹ, có nghĩa là phải chịu trách nhiệm bồi thường toàn bộ gấp 24 lần giá trị ban đầu. Một trăm triệu đô la Mỹ, đâu phải là một khoản tiền nhỏ? Một khoản tiền rất lớn đối với mọi quốc gia, và đối với Việt Nam lại càng là một số tiền khổng lồ. Ở Việt Nam, với số tiền đó có thể xây dựng được hơn 200 trường học khang trang, hiện đại; khoảng 30 bệnh viện lớn. Số tiền đó có thể giúp cho khoảng 160,000 hộ gia đình thoát khỏi cảnh đói nghèo. Và nếu chia đầu người 82 triệu dân Việt Nam phải gánh chịu thì già trẻ, lớn bé mỗi người đều phải đóng góp gần 20,000 đồng mới đủ để trả cho ông Trịnh Vĩnh Bình, chưa tính được án phí sẽ là bao nhiêu nữa.

Thật là khủng khiếp. Thật là đáng căm giận! Số tiền đó ai sẽ phải trả? Chính phủ Việt Nam ư? Chẳng có Ngân sách quốc gia nào cả, đấy chính là tài sản của nhân dân Việt Nam đó. Tất cả một đồng bạc nào của đất nước Việt Nam cũng đều do nhân dân lao động làm ra và đóng góp cả. Hết vụ kiện của ông Letard kiện Liên đoàn bóng đá Việt Nam số tiền 197,000 Mỹ kim, rồi lại đến vụ hãng hàng không quốc gia Việt Nam Airline bị kiện bồi thường khoảng 5 triệu đô la Mỹ, rồi lại đến vụ kiện của ông Trịnh Vĩnh Bình sắp tới đây. Ðảng Cộng Sản Việt Nam, Chính phủ Việt Nam sẽ lấy đâu ra tiền để bồi thường những khoản tiền đấy (dù chỉ là chi phí theo hầu kiện và án phí)? Ðảng Cộng Sản Việt Nam, Chính phủ Việt Nam làm gì có “của hồi môn” nào để lại mà tự gánh chịu thiệt hại? Tất nhiên những đồng tiền ấy là của NHÂN DÂN rồi! Thế thì, ai cho phép Ðảng Cộng Sản Việt Nam được tự ý sử dụng những đồng tiền mồ hôi nước mắt của nhân dân như vậy? Ai cho phép Ðảng Cộng Sản Việt Nam dùng mồ hôi của người lao động để đóng cái khoản “tiền ngu” cho mình như thế? Tại sao báo chí Việt Nam và những ông luật gia, luật sư lại chỉ nói đến việc ấy một cách vô cảm, vô trách nhiệm như là một “bài học kinh nghiệm”? Nhân dân Việt Nam đâu có cần và đâu có làm ra những “bài học kinh nghiệm” đó ?


Hay phải chăng những đồng tiền đó không phải là mồ hôi, nước mắt của nhân Việt Nam? Hoàn toàn không thể như vậy được, chẳng qua là do người dân không được biết sự thật đó thôi. Nhân dân Việt Nam cần phải biết sự thật! Những nhà hoạt động dân chủ, những người có khả năng và phương tiện để tuyên truyền đến dân chúng, cùng tất cả những người dân yêu nước Việt Nam, phải vạch rõ những sự thật này cho mỗi người dân trong nước được biết đến. Trách nhiệm là của tất cả mọi người, nếu chúng ta không muốn nhìn thấy bất công, nếu chúng ta không muốn đất nước và nhân dân phải chịu thiệt hại, nếu chúng ta không muốn lại tái diễn những sự kiện tương tự, chúng ta phải có trách nhiệm thông báo và giải thích rõ những sự kiện này đến mỗi người dân lao động Việt Nam? Tại sao các tổ chức đối lập ở Hải ngoại không lên tiếng đấu tranh với Chính phủ Việt Nam về những sự kiện này? Phải chăng là họ không cảm thấy thương xót cho tài sản, mồ hôi nước mắt của đồng bào mình đã bị Nhà nước cộng sản xâm phạm? Tại sao những nhà hoạt động dân chủ trong và ngoài nước không lên tiếng đấu tranh với một sự việc quá rõ ràng và không thể bưng bít được (so với vụ án Tổng cục II mà lâu nay vẫn tốn nhiều giấy mực nói đến)? Phải chăng các nhà hoạt động dân chủ cho rằng vụ việc này không liên quan đến đấu tranh dân chủ, không thiệt hại đến đồng bào và cá nhân mình? Còn chờ gì nữa? Ðã đến lúc cần phải tự cảnh tỉnh và tự vấn mình!!


Bài viết này tôi cũng xin gửi đến toàn thể đồng bào Việt Nam ở trong nước và Hải ngoại để chúng ta được biết thêm sự thật đằng sau bức màn đen tối của chế độ cộng sản Việt Nam. Tôi xin nhờ đến các cơ quan đài, báo Việt Nam ở Hải ngoại và đài, báo quốc tế có quan tâm đến sự việc này giúp tôi chuyển bài viết này đến đồng bào Việt Nam ở trong nước và trên khắp Thế giới. Tôi cũng rất mong sẽ nhận được những ý kiến của ông Trịnh Vĩnh Bình để khẳng định thêm tính trung thực về những tư liệu mà tôi đưa ra, đồng thời cũng rất mong muốn rằng ông Trịnh Vĩnh Bình sẽ cho các cơ quan báo chí và đồng bào Việt Nam được biết thêm những chi tiết về cuộc “đào thoát” của mình, cùng những thủ đoạn đen tối của cơ quan an ninh cộng sản đã áp dụng đối với ông. Tôi cũng sẽ xin cung cấp thêm những thông tin riêng mà mình đang có liên quan đến vụ án mà ông đang theo đuổi, nếu ông thấy cần thiết.

Xin hẹn trở lại với độc giả ở một bài viết sau, nói về hậu quả của vụ án Bình Châu (Trịnh Vĩnh Bình) đã để lại cho gia đình ông Phạm Văn Phương và Ngô Chí Ðan, cũng chính là một vụ bê bối chính trị trong bộ máy cộng sản được ém nhẹm, ngụy trang dưới cái vỏ “kinh tế” để lừa bịp che mắt nhân dân.


Bà Rịa-Vũng Tàu ngày 25/5/2005

User avatar
phu_de
Posts: 2917
Joined: Sun Nov 28, 2004 10:57 pm
Has thanked: 7 times

Post by phu_de »

Bia đá và bia miệng
Thursday, June 16, 2005
NGÔ NHÂN DỤNG

Trước khi ông Phan Văn Khải tới nước Mỹ, chắc trong Bộ Chính trị đảng Cộng Sản Việt Nam có những người muốn cổ động cho người Việt tị nạn ở Mỹ hãy đi biểu tình thật đông tại tất cả những nơi ông Khải sẽ tới. Và sẽ phải đi biểu tình đả đảo chứ không thể hoan nghênh.

Chắc có dụng ý đó, cho nên đảng Cộng Sản Việt Nam đã làm một việc không thể nào tưởng tượng nổi. Nghĩa là những người Việt bình thường không thể tưởng tượng nổi. Cộng Sản Việt Nam đã yêu cầu chính phủ Mã Lai Á dẹp bỏ tượng đài kỷ niệm những thuyền nhân tử nạn, dựng trên đảo Bidong; và chính phủ Indonesia dẹp bỏ đài kỷ niệm của người Việt tị nạn tại đảo Galang. Những hòn đảo nhỏ bé chìm mất trên bản đồ ít ai biết tới đó, đã có thời trở thành những ngọn hải đăng, những biểu tượng của tự do. Hàng trăm ngàn người Việt khao khát lái thuyền vượt sóng tìm đường tới những mảnh đất tạm dung đó. Nhiều người không bao giờ tới được vì đã chết trên đường vượt biển. Dựng lên một bia đá để tưởng niệm những vong hồn oan khuất, là hành động tự nhiên của tất cả những kẻ có tình người và có chút lương tâm. Vậy mà đảng Cộng Sản Việt Nam đã tạo áp lực buộc chính phủ Mã Lai, Indonesia phải dẹp bỏ những tượng đài kỷ niệm này.
Image Những người biết suy nghĩ ai làm như thế. Người có lương tâm không ai làm như thế. Không ai ôm lòng ti tiện, nhỏ nhoi, vẫn muốn kèn cựa, gây hấn, chèn ép, trả thù cả những người đã chết từ 20, 30 năm trước. Mà những nạn nhân đó ra đi không vì ý định đánh phá, chống đối chế độ. Họ chỉ bỏ trốn vì không thể sống nổi với một đảng chuyên quyền, độc tài, tham nhũng. Nhiều bà mẹ đã ôm con vượt biển vì hy vọng con mình sẽ được lớn lên trong một xã hội tự do. Nhiều thiếu niên được cha mẹ gửi xuống tầu vượt biển vì không muốn trông thấy con mình bị nhồi sọ trong các lớp học chỉ nhồi nhét chủ nghĩa Mác Lê, không còn dậy đạo đức truyền thống của dân tộc nữa. Bao nhiêu đồng bào miền Bắc chịu sống dưới chế độ cộng sản mấy chục năm rồi nhưng cũng phải bỏ đi tìm đất sống. Nhiều bà mẹ, nhiều trẻ thơ đã chết oan khuất trên đường vượt biển. Có ai trong chúng ta không có một người thân, một người bạn, một người quen đã chết trên đường vượt biển? Tất cả những người thoát chết muốn tưởng nhớ đến họ, mãi mãi. Ðảng Cộng Sản Việt Nam, khi yêu cầu các nước Indonesia và Mã Lai Á phá bỏ các tượng đài của người tị nạn, họ đã đụng vào một vết thương đau đớn nhất của tập thể người Việt tị nạn. Vì họ xúc phạm tới cả vong linh những người đã khuất.

Thời Cải cách Ruộng đất, nhiều người bị bức tử được gia đình chôn cất nhưng cán bộ cộng sản cấm không cho dựng mộ bia. Hành động ngày nay của đảng Cộng Sản Việt Nam vẫn tiếp tục chính sách đó. Các lãnh tụ cộng sản vẫn quen bôi xóa, sửa chữa lịch sử. Stalin bắt xóa những hình của Trotsky đứng bên cạnh Lenin. Mao Trạch Ðông xóa hình Lâm Bưu sau khi viên tướng đảo chính hụt. Ngay sau khi chiếm được Sài Gòn, đảng Cộng Sản xóa hết những tên đường Phan Văn Hùm, Tạ Thu Thâu, vân vân, những nhà ái quốc đã bị đảng Cộng Sản đệ tam giết. Ðảng Cộng Sản muốn xóa bỏ trí nhớ của mọi người. Họ tưởng rằng bôi xóa lịch sử như vậy là đời sau sẽ không còn nhắc đến tội của họ nữa. Nhưng hành đồng này sẽ gây ra tác dụng ngược.

Ðồng bào trong nước chán ghét một đảng Cộng Sản bất lực và đầy tham nhũng. Bây giờ họ còn làm cho đồng bào phải khinh nữa. Ðồng bào ở hải ngoại bị khiêu khích trực tiếp sẽ có phản ứng. Không có cách giải thích nào khác: Có những người muốn khích động một mối uất hận trong tất cả đồng bào tị nạn. Họ biết rằng đối với người Việt Nam thì đụng vào mồ mả là gây oán thù truyền kiếp. Phương cách hiệu quả nhất để cổ động biểu tình chống ông Phan Văn Khải là chọc vào vết thương chưa lành trong tâm thức của tập thể người tị nạn ở khắp thế giới.

Ai cũng biết ông Phan Văn Khải sẽ bị biểu tình đả đảo khi ông tới Mỹ. Nhưng bây giờ chúng ta sẽ thấy có thêm rất nhiều người muốn tham dự biểu tình. Vì họ bị khiêu khích. Chẳng khác gì khi một anh chủ tiệm cho thuê phim ở giữa khu Tiểu Sài Gòn đem treo hình Hồ Chí Minh trong tiệm và lên giọng thách đố. Bốn triệu người Việt tị nạn đang bị thách đố.

Một chế độ làm gì để đến nỗi hàng triệu người phải liều chết vượt biển tìm tự do, đó là một vết nhơ không bao giờ rửa sạch. Mấy trăm ngàn nạn nhân đã chết oan ức, chết tức tưởi ngoài biển Ðông vì muốn tìm tự do. Trong lịch sử nước ta, cộng sản là thể chế chính trị duy nhất đã khiến cho hàng triệu người phải bỏ nước ra đi dù biết trước đã có bao nhiêu người chết. Không phải chỉ có những đồng bào trong miền Nam mà cả những người đã nếm mùi chủ nghĩa Xã hội ở miền Bắc, họ cũng bỏ chạy khi có cơ hội. Nhiều sĩ quan, cán bộ miền Bắc vào Nam sau ngày 30 tháng Tư năm 1975 đã nói nhỏ với thân nhân: “Ði được thì đi đi!” Ðiều này lịch sử sẽ ghi chép. Dù đảng Cộng Sản có muốn xóa bỏ các tượng đài, nhưng ngàn năm sau lịch sử sẽ không quên những người đã chết trên đường tìm tự do. Bia đá có thể xóa, nhưng bia miệng không bao giờ mất.
Image

Image

Ðiều tốt nhất mà ông Phan Văn Khải có thể làm được là trước khi đặt chân lên đất Mỹ, ông hãy ra lệnh nhân viên ngoại giao của ông yêu cầu các nước Mã Lai Á và Indonesia bỏ lệnh phá các tượng đài đi. Không lẽ khi đến Mỹ ông lại thanh minh rằng cái nghị quyết số 36 của các ông chỉ nhắm vào người còn sống thôi, còn những người đã chết bỏ qua! Vì chỉ người còn sống mới có tiền!

User avatar
khieulong
Posts: 6756
Joined: Wed Dec 01, 2004 9:09 pm
Been thanked: 1 time

Post by khieulong »

Chết Vẫn Chưa Yên Giấc
Posted on Monday, June 20 @ 20:15:00


Trần Gia Phụng
Vừa qua, các tin tức liên tiếp của đài BBC, được các báo Việt ngữ hải ngọai đăng lại, làm cho đại đa số người Việt phẫn nộ. Đó là các tấm bia kỷ niệm thuyền nhân Việt Nam tử nạn trên đường vượt biên ở Bidong bị chính quyền sở tại ra lệnh phá bỏ (tin ngày 16-6-2005), và tấm bia kỷ niệm ở Galang bị khóet lấy đi (tin ngày 17-6).

Sau đây là nguyên văn tiếng Việt bản tin BBC ngày 17-6-2005: “Chính phủ Việt Nam đã than phiền với với Bộ Ngoại Giao Malaysia, và sau đó, chính quyền trung ương Malaysia đã yêu cầu chính quyền bang Terengganu, tức là chính quyền chủ quản hòn đảo Bidong, phải dẹp bỏ tượng đài. Một nguồn tin tại Bộ Ngoại Giao Malaysia nói rằng Việt Nam còn đang bận rộn với lịch sử của họ, và để bảo tồn bang giao tốt đẹp với Việt Nam nên Malaysia quyết định tôn trọng ý muốn của Hà Nội.
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/regiona ... /06/050615

Theo các nguồn tin trên đây, nguyên nhân thúc đẩy hai nước Malaysia và Indonesia đục bỏ hai tấm bia nầy, là do yêu cầu và áp lực của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam. Vấn đề nầy cần nhìn rộng rãi từ nhiều phía khác nhau.

1.-MỤC ĐÍCH CỦA CỘNG SẢN VIỆT NAM

Chắc chắn nhà cầm quyền Hà Nội đã yêu cầu hai nước Malaysia và Indonesia, nên họ mới ra tay hành động. Ý đồ rõ nét của Hà Nội là muốn xóa bỏ dấu vết cuộc vượt biên vừa qua... Đây là một ý định điên rồ, vì không ai có thể níu kéo lại thời gian và cũng không ai có thể sửa đổi lại lịch sử, mà chỉ có thể học từ lịch sử và sửa đổi cung cách hành xử để chuộc lỗi lịch sử. Thậm chí chỉ cần một cây đinh đóng vào một miếng gỗ, khi rút ra cũng còn dấu vết, huống gì là những việc làm đã qua trong quá khứ, trước mắt mọi người, trước mắt cả thế giới. Ca dao chúng ta viết rất đơn giản: “Trăm năm bia đá thì mòn/ Ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ.” Xóa bỏ một tấm bia đá thì dễ, nhưng làm sao xóa bỏ hàng triệu triệu tấm bia trong lòng của người Việt, trong trí nhớ của dân chúng thế giới, cũng như làm sao xóa bỏ được lịch sử nhân lọai?

Ngày xưa, theo luật pháp của các chế độ quân chủ chuyên chế, nếu một người đã qua đời, mà truy xét có tội với chế độ, thì mồ mả của họ bị xiềng xích, hay bị quật phá. Luật pháp nầy đã bị dân chúng Việt lên án là tàn bạo. Đọc lịch sử, không ai là không bất bình hành động của vua Gia Long đối xử tồi tệ với di cốt của vua Thái Đức và vua Quang Trung, dầu giữa hai bên có oán thù qua lại với nhau.

Trong khi đó, những đồng bào bỏ nước ra đi có tội tình gì, ngoài việc chạy trốn chế độ CSVN? Đồng bào chạy trốn có nghĩa là đồng bào tránh né chế độ, chứ đồng bảo không ở lại để chống phá chế độ. Vì rủi ro tử nạn trên đường đi, chứ nếu còn sống sót, được đi định cư, có tiền rủng rỉnh gởi về giúp bà con trong nước, thì những đồng bào nầy trở thành “khúc ruột ngàn dặm” của chế độ CSVN. Những đồng bào nầy đã một lần tử nạn trên đường vượt biên sau năm 1975. Ba mươi năm sau, quý vị lại tử nạn thêm lần thứ nhì vì ý đồ đen tối của chế độ CSVN. Nhà cầm quyền Hà Nội tưởng rằng xóa bỏ những tấm bia kỷ niệm là có thể xóa bỏ được tội lỗi lịch sử. Xin đừng quên rằng những hầm mộ chôn sống con cháu nhà Lý vào thế kỷ 13 hiện nay không còn vết tích, nhưng hành độc ác của Trần Thủ Độ khi tiêu diệt con cháu nhà Lý, là một vết đen không bao giờ phai nhạt trên những trang sử dân tộc.

Phải chăng CSVN muốn bắt chước Nhật Bản, xóa bỏ những tội lỗi trong thế chiến thứ hai (1939-1945) của Nhật Bản tại Trung Hoa và tại các nước Á Châu khác, kể cả Việt Nam? Thử hỏi Nhật Bản có làm được không? Các nước Triều Tiên và Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa (CHNDTH) đã lật tẩy âm mưu nầy của Nhật Bản. Vì đảng CSVN đồng lõa với quân đội Nhật Bản trong vụ đói năm 1945, và vì hiện nay quá cần đồng Yên (Yen) của Nhật Bản, nên Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam (CHXHCNVN) không dám đòi hỏi Nhật Bản phải bồi thường hay xin lỗi về việc hai triệu đồng bào Việt Nam chết đói năm 1945.

Ngoài ra, khi yêu cầu xóa bỏ các tấm bia kỷ niệm thuyền nhân tử nạn trên đường vượt biên tại Indonesia và tại Malaysia, CSVN đã xúc phạm chẳng những tâm tình của thân nhân những người quá cố ở trong và ngoài nước, tâm tình của những người vượt biên, mà còn xúc phạm đến niềm tin thiêng liêng của người Việt vào sự hiện hữu của linh hồn người quá cố, mà người Việt tin rằng vẫn tồn tại sau khi thể xác bị tiêu hủy. Vì vậy người Việt mới thờ cúng ông bà tổ tiên. Vì vậy người Việt mới lập bia kỷ niệm những thuyền nhân tử nạn tại Bidong và tại Galang; và cũng vì vậy mà đảng CSVN mới xây dựng mộ phần to lớn của Hồ Chí Minh giữa lòng thành phố Hà Nội.

Thử hỏi đảng CSVN có muốn ai tới đập phá mộ phần ông Hồ ở Hà Nội hay không, mà CSVN lại muốn đập phá tấm bia kỷ niệm thuyền nhân tử nạn tại Bidong và Galang? Hay phải chăng CSVN bất bình vì những người Việt ở nước ngoài chẳng ai quan tâm đến viếng cái phần mộ gồ ghề của ông Hồ giữa lòng thành phố rộng lớn rộn rịp người qua lại, trong khi có nhiều người thành tâm đi hành hương nơi hoang đảo xa xôi để tưởng nhớ những người vô tội bỏ mình trên biển cả? Vì vậy CSVN mới hao công tốn sức vận động các nước láng giềng dẹp bỏ tấm bia nhỏ xíu cô đơn khiêm nhường lặng lẽ giữa sóng nước mây trời.



Việc CSVN yêu cầu các nước Malaysia và Indonesia đập phá các bia kỷ niệm thuyền nhân ở Bidong và Galang thêm một lần nữa cho thấy tính bất nhất đối chọi nhau giữa các nghị quyết tùy tiện của CSVN, mà người Việt không lạ lùng gì, vì vụ việc nầy phủ nhận toàn bộ nghị quyết 36/NQ-TW ngày 26-3-2004 của Bộ chính trị đảng CSVN theo đó CSVN kêu gọi những người Việt ở nước ngoài trở về góp phần xây dựng cố hương. Tuy nhiên ai mà dám trở về Việt Nam vì một tấm bia nhỏ ở ngoài hoang đảo mà CSVN cũng không tha? Đồng thời vụ việc nầy tạo thêm một kinh nghiệm quý báu nữa cho những ai muốn hòa giải hòa hợp với CSVN, vì những người tử nạn mất xác trên đường trốn chạy, “cô hồn nhờ gởi tha hương” (Nguyễn Du, “Văn tế thập lọai chúng sinh”, câu 91), mà cũng còn bị truy đuổi đến cùng, huống gì là những người đang sống ở những nước dân chủ tự do.

2.- LÝ DO HÀNH ĐỘNG CỦA MALAYSIA VÀ INDONESIA

Trong vụ việc nầy, có một câu hỏi cần được đặt ra là tại sao lại xảy ra vụ đập phá tấm bia kỷ niệm thuyền nhân tử nạn trong thời gian lãnh tụ cộng sản là Phan Văn Khải sửa sọan qua thăm Hoa Kỳ? Hiện nay, ai cũng biết nhóm lãnh đạo CSVN gồm hai khuynh hướng đối chọi nhau: khuynh hướng thiên về CHNDTH và khuynh hướng thiên về Hoa Kỳ. Nhiều người cho rằng chính khuynh hướng thiên về CHNDTH trong đảng CSVN đã thúc đẩy các nước Malaysia và Indonesia làm việc nầy, để phá rối chuyến đi của ông Phan Văn Khải.

Thật ra vấn đề không đơn giản như vậy. Trước hết, chắc chắn có lời yêu cầu của CSVN, các nước Malaysia và Indonesia mới hành động. Không phải chỉ có một trong hai khuynh hướng trên đây mà là tòan bộ nhóm lãnh đạo đảng CSVN đã đưa ra lời yêu nầy. Tuy nhiên CSVN đưa ra lời yêu cầu khi nào thì chưa được biết. Chắc chắn không phải chỉ một sớm một chiều mà cả hai nước láng giềng hành động ngay, bởi vì cả hai nước nầy đâu có dễ dàng nghe theo lời yêu cầu của CSVN. Họ còn phải đưa ra thảo luận, bàn cãi trong nội bộ, ít nhất trong Hội đồng chính phủ, và phải tham khảo ý kiến từ nhiều phía, nhất là phía Quốc hội. Vậy lời yêu cầu nầy của CSVN có thể đã được đưa ra khá lâu. Cộng sản Việt Nam phải thương lượng và nhượng bộ thế nào, cả hai nước mới quyết định thi hành. Tuy nhiên, tại sao lúc nầy các nước Malaysia và Indonesia mới đem ra thi hành?

Ngang đây, cần chú ý đến địa lý chính trị vùng Đông Nam Á. Việt Nam, Malaysia, Indonesia đều trong trong khối ASEAN. Khối ASEAN đứng trung lập giữa hai thế lực CHNDTH và Hoa Kỳ. Chắc chắn, chẳng những CHNDTH mà cả Indonesia lẫn Malaysia đều không muốn Việt Nam xích lại gần Hoa Kỳ, vì hai lý do:

Thứ nhất, cả ba nước nầy đều không thân thiện với Hoa Kỳ, dầu vẫn muốn buôn bán với thị trường Hoa Kỳ. Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa là đối thủ chính của Hoa Kỳ. Trung Hoa muốn khống chế Việt Nam để Trung Hoa thực hiện giấc mộng xâm lăng ĐNÁ. Hai nước Indonesia và Malaysia là hai nước Hồi giáo, rất chống đối Hoa Kỳ sau vụ Irak. Cả ba nước nầy không muốn Hoa Kỳ dính líu vào vùng ĐNÁ qua đường Việt Nam, nhất là sợ Hoa Kỳ tham dự vào cuộc tranh chấp trên Biển Đông với nhiều tiềm năng dầu hỏa dưới đáy biển.

Thứ hai, nếu Hoa Kỳ viện trợ và giúp đỡ Việt Nam canh tân, thì nền kỹ nghệ Việt Nam sẽ có cơ hội phát triển, vì trước năm 1975, kỹ nghệ Việt Nam Cộng Hòa đã từng vượt trội so với các nước ĐNÁ. Một khi kỹ nghệ Việt Nam tiến bộ, thì sẽ cạnh tranh hàng hóa, thị trường với cả ba nước trên. Chẳng những chỉ có ba nước trên, mà tất cả các nước ngòai đều không muốn Việt Nam tiến bộ, để họ hưởng lợi và có thể tuôn hàng vào bán ở Việt Nam. Ví dụ vào cuối thập niên 70, CSVN cấm thường dân không được dùng xe gắn máy để CSVN dễ kiểm sóat an ninh, đồng thời để khỏi tốn ngọai tệ nhập cảng xăng dầu; ai muốn dùng xăng làm việc gì, thì phải xin nhà cầm quyền cấp giấy phép. Thế là các nước ngòai vỗ tay hoan hô, vì Việt Nam nhịn xăng cho họ xài, và nhịn xăng thì làm sao máy móc chạy được, làm sao sản xuất hàng hóa, làm sao xuất cảng để kiếm ngọai tệ. Vậy là hàng hóa từ nước láng giềng nhập lậu qua các đường biên giới, tràn vào thị trường Việt Nam.

Do những lẽ đó, các nước CHNDTH, Indonesia và Malaysia đều không muốn Việt Nam xích lại gần Hoa Kỳ. Trong ba nước nầy, riêng CHNDTH ảnh hưởng khá lớn với Indonesia và Malaysia, vì CHNDTH là nước giàu mạnh nhất trong vùng, và vì số lượng người gốc Hoa ở hai nước nầy khá đông. Do đó, quyết định và thời điểm mà hai nước Indonesia và Malaysia đập phá các tấm bia kỷ niệm không phải chỉ đến từ áp lực của Việt Nam, mà còn có thể từ CHNDTH và từ chính quyền lợi riêng của hai nước Indonesia và Malaysia trong tương quan chính trị và kinh tế vùng ĐNÁ. Vì vậy, họ tung ra ngọn đòn thọc gậy bánh xe trên đường đi qua Hoa Kỳ của ông Phan Văn Khải.

3.- THÁI ĐỘ CỘNG ĐỒNG NGƯỜI VIỆT

Trước hành động của Malaysia và Indonesia, người Việt ở trong và ngoài nước đều phẫn nộ, bất bình. Dân chúng trong nước không thê phản ứng vì sự kềm cặp của CSVN. Chắc chắn đồng bào Việt Nam hải ngọai không để yên việc nầy, nhất là trong chuyến Mỹ du của ông Phan Văn Khải. Tuy nhiên, cần chú ý là tòng phạm, mà cũng có thể là đồng chánh phạm, trong vụ nầy là chính các nước CHNDTH, Indonesia và Malaysia. Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa ném đá giấu tay nên khó điểm danh, nhưng Indonesia và Malaysia thì quá rõ ràng.

Người Việt rất biết ơn nhân dân và đất nước Indonesia và Malaysia đã giúp đỡ, đón nhận thuyền nhân Việt Nam và cho thuyền nhân Việt Nam tá túc một thời gian trước khi đi định cư, dầu nghĩa cử nầy không phải hòan tòan vô vị lợi. Tuy nhiên người Việt vô cùng phẫn nộ trước hành động xúc phạm đến anh linh những người quá cố, làm thương tổn tâm tình người Việt; do đó người Việt không thể không bày tỏ vài thái độ cần thiết đối với chính quyền hai nước nầy.

Thứ nhất, người Việt tránh đi du lịch hai nước nầy, không sử dụng các hãng hàng không của hai nước nầy, và không đi máy bay quá cảnh hai nước nầy. Thứ hai, hàng hóa, thực phẩm của hai nước nầy nhập khá nhiều vào các siêu thị Á đông ở Bắc Mỹ, ở Úc Châu, trong đó có cả siêu thị Việt. Do đó, đề nghị người Việt vận động tẩy chay hàng hóa, thực phẩm của hai nước nầy tại các siêu thị, và yêu cầu các siêu thị Việt đừng nhập cảng hàng hóa, thực phẩm của hai nước nầy. Nếu được, người Việt vận động cả các siêu thị người địa phương thì càng tốt. Thứ ba, đề nghị các cộng đồng Việt ở khắp nơi trên thế giới vận đông với các chính khách, nghị sĩ, dân biểu, quốc hội địa phương có thái độ với Indonesia và Malaysia, vì hai lẽ:

Thứ nhất, những tấm bia nầy vừa để tưởng nhớ những thuyền nhân tử nạn, vừa để bày tỏ lòng tri ân đối với hai nước Malaysia và Indonesia cho tạm trú những người Việt đi tìm tự do. Nước Việt Nam độc lập và thống nhất, nhưng thiếu tự do nên dân chúng mới vượt biên. Nay hai nước nầy đập bỏ tấm bia kỷ niệm những người tử nạn vì đi tìm tự do, có nghĩa là hai nước nầy đã đi ngược với truyền thống tinh thần tôn trọng tự do.

Thứ hai, hành động thiếu sáng suốt của nhà cầm quyền hai nước nầy, đã xúc phạm tâm tình, truyền thống tôn trọng và thờ cúng linh hồn người quá cố, cũng như đời sống tâm linh của người Việt. Các nước Indonesia và Malaysia hành động vì quyền lợi riêng của họ, nên chỉ khi nào quyền lợi của họ bị thiệt thòi, họ mới có thể thay đổi thái độ.

Cuối cùng, có một vấn đề không thể quên được là cộng đồng người Việt hải ngọai đã lập được những tượng đài kỷ niệm chiến binh Việt Nam Cộng Hòa (ở Hoa Kỳ, Úc Châu), tượng đài kỷ niệm cuộc vượt biên (Mẹ bồng con, ở Ottawa, Canada), nhưng cộng đồng người Việt chưa chọn một ngày kỷ niệm để hằng năm làm lễ tưởng nhớ những đồng bào tử nạn trên đường vượt biên. Chúng ta đã mang ơn các chiến sĩ VNCH, và hàng năm, chúng ta làm lễ tưởng nhớ các chiến sĩ VNCH trong Ngày Quân Lực (19-6). Chúng ta cần lưu ý rằng chúng ta cũng rất mang ơn những người tử nạn trên đường vượt biên, vì cái chết oan khiên của những đồng bào nầy đã làm cho cả thế giới kinh hòang xúc động, nên cả thế giới đã rộng mở vòng tay cưu mang những người vượt biên. Những đồng bào tử nạn trên đường vượt biên là những anh hùng vô danh đã hy sinh để người Việt hải ngọai có được sự nghiệp hôm nay. Đồng thời ngày tưởng niệm cũng sẽ là ngày tri ân các dân tộc và đất nước đã cho chúng ta tạm trú và định cư. Người Hoa Kỳ và Canada đều có “Remembrance Day”. Xin cộng đồng người Việt hãy tự tổ chức riêng cho mình truyền thống một “NGÀY TƯỞNG NHỚ VÀ VINH DANH NHỮNG NGƯỜI TỬ NẠN TRÊN ĐƯỜNG VƯỢT BIÊN”. Có như thế, mới hy vọng những người tử nạn trên đường vượt biên, dầu có bị chết hai lần, có thể yên giấc trong truyền thống của cộng đồng người Việt hải ngọai. Và việc nầy sẽ làm đậm nét hơn nữa trang sử vượt biên trong toàn bộ lịch sử dân tộc. Kính mong sẽ có một ngày kỷ niệm như thế. Mong lắm thay!

TRẦN GIA PHỤNG
(Toronto, 19-6-2005)

User avatar
linhgia
Posts: 1308
Joined: Fri Dec 03, 2004 9:30 am

Post by linhgia »

Những Người Bại Não

Tưởng Năng Tiến

--------------------------------------------------------------------------------

Tôi biết Bill, Kite, và Lang khi còn đi học. Cả ba không may đều bị bại não. Lúc mới chập chững biết đi Bill té xuống hồ bơi và chìm nghỉm một hồi, thời gian đủ lâu để về sau y trở thành một gã dở hơi - nếu nói theo kiểu Việt Nam. Kite thì đẻ ngược và gặp bà mụ chậm tay nên tế bào não bị chết một mớ trước khi hắn cất tiếng khóc chào đời. Kite rồi ra cũng trở nên ... dở người, nếu vẫn cứ theo kiểu Việt Nam mà nói. Tương tự, khi hai tuổi, Lang bị sốt ác tính. Thuở ấy nước Mỹ chắc chưa có số điện thoại cấp cứu 911, và những xe cứu thương trang bị bình oxygen như bây giờ, nên khi đến được nhà thương thì tế bào não của y đã đi đong một ít. Tất nhiên là Lang bị "retarded" (chậm trí), nếu nói theo tiếng Mỹ.
Chậm trí có nhiều mức độ, phân chia tùy theo thương số thông minh của nạn nhân. Trong nỗi bất hạnh chung của ba nhân vật này họ có cùng một điều may mắn. Thương số thông minh của cả ba đều thấp nhưng không thấp lắm, nghĩa là cỡ chừng từ 50 - 55 đến cỡ gần 70. Cả ba, theo hồ sơ, cùng được chẩn bệnh là "Mild Mental Retardation" (bệnh chậm trí hạng nhẹ) - mức độ được coi là nhẹ nhất. Chính ở điểm chung đó tôi mới có cơ hội biết được cả ba người cùng một lúc. Họ đều là bệnh nhân lâu năm của của nhà thương X., nơi mà tôi được trường gửi đi thực tập, và đều đang ở giai đoạn chuẩn bị để cho xuất viện.

Tôi thực tập mỗi tuần ba ngày. Hơn phân nửa thời gian dùng để học nghề "cạo giấy"; phần còn lại, tôi được giao nhiêm vụ làm "group therapy" cho Bill, Kite và Lang. Gọi là "nhóm trị liệu", như theo chữ dùng của đời thường, chứ thực sự thưở ấy (và ngay cả bây giờ nữa) tôi không có khả năng chữa trị bệnh tật gì cho bất cứ ai và cũng chưa bao giờ tôi có tham vọng ấy. Tôi chỉ cố chỉ cho Bill, Kite và Lang một số những hiểu biết căn bản để sinh sống ở xã hội bên ngoài (basic skills to survive in the community), nếu nói nguyên văn bằng tiếng Anh qua sách vở.

Có sáng tôi đang chuẩn bị đến đón ba người ở "unit" của họ thì được báo tin cả ba đều biến mất. Bệnh nhân bỏ trốn là chuyện... bình thường, và sẽ bị bắt lại (không bao lâu sau đó) là chuyện bình thuờng không kém nên không có gì phải bận tâm. Tự nhiên có một buổi sáng rảnh rỗi nên tôi nghĩ ngay đến chuyện kiếm cớ chạy ra phố, kiếm một ly cà phê pha theo kiểu Việt Nam và một tờ báo tiếng Việt để đọc chơi. Vừa lái xe ra khỏi cổng vài trăm mét, tôi đã thấy Bill, Kite và Lang đứng lớ ngớ ở một góc đường, trước một cửa tiệm tạp hóa bán hàng đa dụng -Seven Eleven.

Tôi tắp xe vô, chưa kịp mở cửa thì Bill, Kite và Lang đã chạy nhào tới, tranh nhau nói, nói không kịp thở:

- We're in deep shit, man !
- We got big trouble, man !
- We're cold and hungry, man!

Tôi làm bộ như không biết chuyện gì xảy ra :

- Ủa, chớ tụi bay làm gì ở đây vậy cà ?

- Tụi tao chôm chìa khóa đi chơi tính gần sáng về ...

- Tụi tao làm mấy lần rồi, đâu có sao, đêm hôm qua xui quá...

- Xui làm sao ?

- Thằng cha gác gian nó quên khóa cổng nên tụi tao vô không được.

Tôi sợ mình nghe không rành tiếng Mỹ nên hỏi gặn:

- Nó quên khóa cửa tại sao lại không vô được ?

- Thì đã nói là tụi tao có chìa khóa mà. Cửa phải khóa mới mở được chớ.

Cố nén một tiếng thở dài, tôi chỉ tay về phía bệnh viện, cổng đang mở toác hoác, ráng nói vớt vát:
- O.K., còn mai giờ thì sao ? Cổng mở từ sáng sớm mà.

Cùng lượt, cả ba đều nổi nóng:

- Trời, đã nói là tụi tao có chìa khóa mà. Cổng nó mở tanh banh như vậy thì làm sao xài chìa khoá ! Mà mày có thuốc hút không, tụi tao thèm thuốc quá rồi.

Trong một thoáng, tôi chợt thấy chán chường và nghi ngại cho khả năng của mình nói riêng và của ngành tâm thần học nói chung. Trước khi gặp tôi, "chưa được tôi áp dụng tâm lý trị liệu", ba cha nội này cũng đã điên từ lâu, và điên dữ dội, nhưng chắc không điên... đến cỡ này.

Tôi mời ba người ăn "donut", uống cà phê, chìa cho họ bao thuốc Marlboro rồi gọi điện thoại về bệnh viện. Tôi tóm tắt sự việc, trấn an mọi giới chức hữu trách bằng tất cả những tĩnh từ Anh ngữ tốt lành nhất mà mình biết được khi nói về hiện trạng của Bill, Kite và Lang - đại loại là "they are cool, calm, logic, coherent, relevant, friendly, and very cooperative..." Tôi cố thuyết phục để họ đồng ý cho tôi đưa mấy chả về bằng xe của mình, khỏi phiền tới cảnh sát, xe cứu thương, xe cứu hỏa... Và tất nhiên tôi lờ tít vụ cái chìa khóa cổng.

Rồi chuyện cũng đâu vào đó. Cuối cùng, cả ba ông bạn của tôi rồi cũng đều được phép rời bệnh viện, hòa nhập với đời sống bên ngoài. Bill về ở với gia đình bà dì ở Bloomington, tiểu bang Illinois. Kite và Lang thì không có thân nhân nên được sắp xếp để sống ở nhà trọ dành riêng cho người bệnh (Board and Care Home) ở thành phố San Jose, miền Bắc California.

Tôi thì học xong ra trường, đi làm, có vợ, có con, có nhà, có cửa, có mèo, có chó... Cuộc sống của tôi chỉ khác Bill, Kite và Lang ở những cái có vớ vẩn và chưa chắc đã cần thiết đó. Ngoài ra, chúng tôi đều chia chung với nhau một cuộc đời thường, rất tầm thường và hơi tẻ nhạt - nếu nói một cách lịch sự là như thế. Ðiều an ủi là chúng tôi đều có cơm ăn ba bữa, quần áo mặc cả ngày, được chăm sóc đàng hoàng về y tế khi cần, và đều có những quyền tự do tối thiểu của một con người.

Tôi không nhớ gì đến Bill, Kite và Lang nữa cho mãi đến mấy tháng gần đây. Gần đây, nơi quê hương tôi xuất hiện ba nhân vật lãnh đạo mới của đảng cộng sản Việt Nam: ông Lê Khả Phiêu, ông Nguyễn Ðức Lương và ông Phan Văn Khải. Theo dõi tình hình đất nước cùng với hoạt động của ba nhân vật này tự nhiên khiến tôi nhớ đến Bill, Kite, và Lang đến muốn... rơi nước mắt!

Qua báo Nhân Dân, cơ quan ngôn luận của đảng cộng sản Việt nam, số ra ngày 3 tháng 4 vừa rồi ông tổng bí thư Lê Khả Phiêu tuyên bố nguyên văn như sau :"Không nơi nào thiên hạ tự động đóng cửa. Nếu cửa đóng, nó sẽ tự mở ra và tại Việt Nam cũng vậy. Trong tình thế hiện tại, đóng cửa để hiện đại hóa và kỹ nghệ hóa chỉ là ...ảo tưởng." Tôi có được xem qua tiểu sử của ông Phiêu, không thấy có nói đến chuyện ông bị ngọng nghịu hay khả năng tiếng Việt hạn chế vì lai Tàu hay lai Miên gì cả. Ông ấy ăn nói lòng vòng tối nghĩa như thế chả qua vì bối rối, thế thôi. Thái độ của ông thủ tướng Phan Văn Khải và ông chủ tịch nước Trần Ðức Lương cũng y như vậy.

Họ làm tôi liên tưởng đến cái đêm mà Bill, Kite và Lang đứng lóng ngóng ngoài cổng bệnh viện chỉ vì người gác gian quên... khóa cửa. Bức màn sắt, bức màn tre, hay cánh cửa Việt Nam... (muốn gọi tên gì cũng được) đã hỏng từ lâu và không đóng lại được nữa. Tuy thế ba ông Phiêu, Khải, Lương vẫn cứ lúng túng không thể bước chân ra được bên ngoài. Lý do chỉ vì họ còn kẹt trong túi cái chìa khóa... xã hội chủ nghĩa, nhất định phải dùng, thế thôi.

Cả ba ông, trong mấy tháng qua, đều nhiều lần khẳng định là Việt Nam sẽ tiếp tục con đường xã hội chủ nghĩa. Cho hợp thời trang, họ thêm rằng sẽ chủ trương "kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa".

Tôi đã có dịp nhìn thấy con "lama" ở Nam Mỹ - tiếng Việt có thể dịch là con "đà mã" vì nó trông y như con lạc đà nhưng không có bướu ở lưng và chỉ thấp bằng con ngựa nhỏ. Tôi cũng có nghe nói đến một giống vật nửa dơi nửa chuột nhưng không thể hình dung được thực sự trông nó ra sao. Vì nhu cầu hiếu tri, tôi ước ao trước khi nhắm mắt được nhìn thấy loài thú lạ này và được ai đó giảng cho nghe hoặc chỉ cho biết thế nào là kinh tế thị trường theo định hướng... chủ nghĩa xã hội!

May mắn cho tôi, hôm 24 tháng 3 năm 98, ông Phan Văn Khải đã "thuyết minh" điều này trong một cuộc họp báo tại Hà Nội là kinh tế thị trường theo định hướng xã hội của Việt Nam sẽ giống như Trung Quốc. Ah, thì ra thế, giống như Trung Cộng. Có thể nói (mà không sợ mang tiếng cường điệu) rằng lịch sử của đảng cộng sản Việt Nam chỉ là sự lập lại, một cách máy móc và dại dột, tất cả những lầm lẫn của đảng cộng sản Trung Hoa. Xin đơn cử vài thí dụ : cải cách ruộng đất, cải tạo công thương nghiệp, vụ Nhân Văn, vụ án xét lại...

Bây giờ ba ông Lương, Khải, Phiêu lại tiếp tục đi theo... Trung Cộng. Trí nhớ của họ thiệt là ngắn, ngắn hơn của Bill, của Kite và của Lang nhiều. Họ dám bị "Severe Mental Retardation" (bệnh chậm trí nặng), nghĩa là thương số thông minh chỉ cỡ chừng từ 20 -25 đến 35 - 40 thôi, nếu nói theo DSM IV (Diagnostic and Statistical Manual of Mental Disorder, Fourth Edition. Washington, DC, American Psychiatric Association, 1994).

Vẫn cứ theo DSM IV thì ngoài trí nhớ ngắn ra, những người chậm trí còn có những thuộc tính chung khác như thụ động và hay nhờ vả (passive and dependent). Khả năng sử dụng ngôn ngữ của họ cũng giới hạn nên hay có khuynh hướng sử dụng bạo lực. (Lack of communication skills may pre- dispose to disruptive and aggressive behaviors that substitute for communicative language - sách đã dẫn trang 43).

Tất cả những hội chứng kể trên ba ông Phiêu, Lương, Khải đều có đủ. Họ vô cùng thụ động và sợ thay đổi. Nói một cách ví von, ba ông giống như những người đạp phải cứt nhưng nhất định không chịu thay giầy; đã thế, họ sẵn sàng bỏ tù bất cứ ai đứng kế bên mà mở miệng kêu hôi hay đưa tay bịt mũi. Tôi thực lấy làm tiếc vì đã ví von như thế, đã thiếu thanh nhã lại hoàn toàn không cân xứng. Cứt còn có chỗ khả dụng chứ chủ nghĩa cộng sản thì không và so với chủ nghĩa cộng sản thì cứt cũng đâu đã lấy gì làm thối.

Họ thích nhờ vả vào thiên hạ. Chỉ trong vài tháng cầm quyền ba ông đã rủ nhau đi ăn mày ở khắp mọi nơi, từ Âu sang Á. Trong lịch sử đảng CSVN, hiếm khi có những đồng chí lãnh đạo sẵn sàng và vội vàng đi công du nước ngoài "để vận động hợp tác kinh tế" như ba ông Phiêu, Khải và Lương.

Họ ngại chuyện đối thoại và thích dùng bạo lực. Những lời kêu gọi cải cách của những phần tử cấp tiến trong nước, dù được trình bầy rất là nhũn nhặn, đều bị ba ông Lương, Khải, Phiêu đáp lại bằng một thái độ rất kém... ôn hòa, nếu không muốn nói là vô cùng đe dọa. Thêm một thí dụ nữa: trong vòng mấy tháng cầm quyền, thượng tướng Lê Khả Phiêu đã thăng chức cho cỡ đâu... 15 ông tuớng công an và bộ đội. Nếu không biết rằng những người bại não rất "sính" bạo lực, người ta đã ngỡ là đồng chí bí thư đang chuẩn bị để Việt Nam sẵn sàng bước vào... Thế Chiến Thứ Ba.

Lời cuối, để thay phần kết luận, tôi xin chân thành gửi lời tạ lỗi đến những người bị bệnh bại não vì đã có đôi lời khiếm nhã xúc phạm đến nỗi bất hạnh của họ - dù những gì tôi viết chỉ là ghi lại những dữ kiện khách quan. Không phải mọi người bị bệnh bại não đều thụ động như ông Lương, hay cầu cạnh như ông Khải hoặc cùng ưa bạo lực như ông Phiêu. Chậm trí, nghĩ cho cùng, cũng chỉ là một chứng bệnh - như trăm ngàn loại bệnh khác trong tiến trình sinh lão bệnh tử của kiếp người. Vấn đề chỉ là sự may rủi của mỗi cá nhân thôi. Khi để những người bại não lãnh đạo một quốc gia thì vấn đề mới trở thành sự may rủi của cả một dân tộc. Dân tộc Việt Nam thiệt... rủi, thế thôi !


Tưởng Năng Tiến

User avatar
khieulong
Posts: 6756
Joined: Wed Dec 01, 2004 9:09 pm
Been thanked: 1 time

Post by khieulong »

Làm Sao Để Được Kính Trọng ?

Ngô Nhân Dụng (NV) 23-6-2005


Ít khi vị tổng thống Mỹ tiếp quốc khách mà lại phải ghi rõ trong bản thông cáo chung rằng mối quan hệ giữa hai quốc gia đặt trên căn bản tương kính. Vì thông thường các quốc gia văn minh đều kính trọng nhau, ngay cả khi họ đang đánh nhau, hoặc coi nhau là thù nghịch. Khi người cầm quyền ở nước này đón tiếp người cầm đầu chính phủ nước khác, riêng hành động đó đã chứng tỏ một lòng kính trọng đối với quốc gia rồi. Nếu không thì chẳng thèm nhìn mặt nhau làm gì. Ông Bush hoặc ông Cheney đã từng gọi ông Hussein, chủ tịch Iraq, hoặc ông Kim Chính Nhất, xứ Bắc Hàn, bằng những tên không hay, như là độc tài, diệt chủng, côn đồ chẳng hạn. Khi đã nói nặng như vậy tức là không có vụ mời họ vào Tòa Bạch Ốc.

Bản thông cáo chung của hai ông Phan Văn Khải và George W. Bush có điều lạ khi nói hai người xác nhận mối bang giao “đặt trên căn bản bình đẳng, tương kính,” vân vân. Riêng hai chữ “tương kính” được ghi đến hai lần. Người ngoài không hiểu những nhà ngoại giao của bên nào đã yêu cầu phải ghi hai chữ “tương kính” (mutual respect) vào đó. Tôi không nghĩ là người Mỹ đã đề nghị cái đó; vì nói thực, tôi có thành kiến với người Mỹ. Bọn nó tự cao ghê lắm, trong bụng lúc nào cũng nghĩ là được cả thế giới kính trọng rồi. Cho nên tự nhiên họ không cảm thấy phải đòi ai ghi lên giấy là kính trọng họ! Ông bà hàng xóm của tôi chẳng hạn, nghỉ hưu rồi, cuối tuần chỉ đi đánh golf ở Palm Spring, có ngôi nhà thứ hai của họ tại đó. Hỏi bao giờ ông bà tính đi du lịch thế giới, ông ta hỏi lại: Ði thăm nước Mỹ chưa hết, đi nước khác làm cái gì?

Người dân những nước nhỏ thường muốn người ta phải tỏ ra biết kính trọng mình, điều đó chúng ta có thể thông cảm, vì chính mình vốn là dân nước nhỏ. Như tuần trước, báo chí Bắc Hàn viết rằng chính phủ họ rất hài lòng, sẵn sàng sẽ họp lại với mấy nước khác; lý do chính thức nêu lên là họ thấy ông Bush đã gọi ông Kim Chính Nhất là “Mít tơ Kim.” Cảm động đến như thế đấy! Người Nam Hàn lo ngại, lỡ đến lúc ông Bush gọi ông Kim là ngài (sir) nữa thì chắc ông Kim sẽ cho dân Bắc Hàn được tự do chạy xuống miền Nam tị nạn! Làm sao định cư được hàng chục triệu người đói rách!

Báo chí và các đài ở Việt Nam đều loan tin rầm rộ về chuyến đi của ông thủ tướng. Riêng điều đó là ông Phan Văn Khải thành công. Ông mang về được hai chữ “tương kính,” kèm theo lời hứa của ông Bush ủng hộ Việt Nam vào Tổ Chức Mậu Dịch Thế Giới (WTO). Các báo đài trong nước còn nói là tất cả các báo ở Mỹ đều hồ hởi loan tin về cuộc viếng thăm của ông Phan Văn Khải. Nhưng quý bạn đồng nghiệp của chúng tôi ở trong nước không nói rõ chi tiết. Nhiều tờ báo ở Mỹ không hề loan tin; những báo có loan tin thì chỉ đăng mấy dòng ở trang trong. Có tờ như Nhật báo Wall Street chỉ dành cho vị thủ tướng Việt Nam được 4 dòng tin tóm tắt, ngày ông tới bắt tay ông Bush. Hồi đầu tháng, tờ báo này loan tin ông Peter Rodman, phụ tá bộ trưởng quốc phòng Mỹ đến Hà Nội, họ dùng tới hơn 80 dòng chữ, nhưng cũng ở trang 13. Trong ngày ông Phan Văn Khải đến Tòa Bạch Ốc, đài phát thanh NPR chuyên về tin tức, bình luận, có bản tường trình của một phóng viên đang ở Hà Nội gọi về. Anh ta tường thuật là dân chúng Việt Nam rất chú ý đến chuyến công du của ông thủ tướng, ai cũng vui vẻ đặt nhiều kỳ vọng vào biến cố này. Anh cũng nói báo, đài ở Việt Nam coi đó là tin lớn nhất, ngày nào cũng nói tới. Người ngồi ở đài hỏi phóng viên rằng thế báo chí ở Việt Nam có tự do không. Anh phóng viên nói thẳng là không, tất cả do chính phủ kiểm soát. Và anh nói thêm, chính phủ muốn dân biết cái gì thì dân được biết cái đó. Một đoạn tin ngắn nhưng nói được thực chất của tình trạng nước Việt Nam. Không một lời phê bình, nhưng cũng thấy là người ta không kính trọng một chế độ kiểm soát tất cả báo chí.

Cũng trong thời gian đó, đài NPR dành rất nhiều giờ cho cuộc bầu cử ở Iran. Họ phân tích khuynh hướng của các ứng cử viên và các cuộc vận động, liên minh. Họ kể có những cuộc biểu tình của sinh viên chống các ứng cử viên bảo thủ của nhóm giáo sĩ đang nắm quyền, cùng với lời bình luận của các tờ báo lớn. Tin bầu cử ở Iran kéo dài suốt nhiều ngày trên đài này, hôm nay Thứ Sáu dân Iran đi bỏ phiếu vòng nhì, người Mỹ còn theo dõi kỹ hơn nữa. Dân Mỹ kính trong dân tộc Iran, mặc dù chính phủ Mỹ coi chính phủ Iran là thù nghịch, luôn miệng chửi rủa - một cách rất thiên lệch! Kể ra, một dân tộc muốn được người nước ngoài kính trọng cũng không khó. Chỉ cần tỏ ra là mình đáng được kính trọng.

Cuộc hành trình của ông Phan Văn Khải được sắp xếp cho thấy ông tới Mỹ, ngoài tính cách tượng trưng kỷ niệm 10 năm giao thiệp bình thường, chủ yếu là vì chuyện cải tổ kinh tế (thăm Thị Trường Chứng Khoán New York), và nhấn mạnh đến giáo dục cao cấp (thăm Boston, có hai trường đại học Havard và MIT). Ông đã gây ra được đúng các ấn tượng đó. Nhưng ông Phan Văn Khải cũng vô tình làm cho người Mỹ thấy rằng làm ăn với chính phủ ông rất khó, và chính ông cần học hỏi nhiều điều. Ðó là những ấn tượng gây ra do cuộc họp báo bỏ nửa chừng của ông Khải khi mới đặt chân tới nước Mỹ. Ðiều ông cần học hỏi là cách cư xử khi gặp nghịch cảnh, và đặc biệt là cần biết kính trọng những người dân bình thường.

Hành động ngưng cuộc họp báo sau khi bị la lối chứng tỏ ông Phan Văn Khải là người nóng. Nhưng cũng cho thấy là ông không có thói quen đối đầu với những người dân bình thường bất đồng ý kiến với mình. Năm ngoái chúng ta đã chứng kiến hai ứng cử viên tổng thống Mỹ đi tới nhiều nơi bị người ta đả đảo. Ông Bush cũng như ông Kerry tỉnh bơ, cứ thế tiếp tục nói chuyện với những người ủng hộ họ. Những lãnh tụ cộng sản không có thói quen đó, mà không phải là lỗi cá nhân họ. Họ được đào tạo trong môi trường như vậy. Nghe ai lớn tiếng phản đối mình là họ không chịu nổi, vì xưa nay họ đi tới đâu cũng chỉ nghe hoan hô thôi.

Có người mới viết khen ngợi bà Angela Merkel, một nhà chính trị đang lên ở Cộng Hòa Liên Bang Ðức. Bà có thể lên tới chức thủ tướng Ðức nếu đảng Dân Chủ Thiên Chúa Giáo (CDU) đánh bại đảng Dân Chủ Xã Hội của Thủ Tướng Gerhard Schroder trong cuộc bầu cử Tháng Chín này. Nếu đắc cử, bà sẽ là vị thủ tướng Ðức trẻ nhất từ sau đại chiến, và vị nữ thủ tướng đầu tiên.

Bà Merkel 51 tuổi, rất đáng chú ý: Bà lớn lên ở Ðông Ðức cho tới năm 36 tuổi nhưng lại được một đảng đã cầm quyền lâu nhất ở Tây Ðức chọn làm lãnh tụ (xưa nay họ chỉ chọn đàn ông vào địa vị đó thôi). Bà lại có nhiều đức tính cần thiết của một người có thể chơi trò chính trị trong một hệ thống dân chủ, bầu cử tự do, là tính lỳ. Một chứng cớ mà ông Andre Minuth kể trên Nhật Báo Wall Street cho thấy bà Merkel biết cách đối phó với “những trò ba hoa ngốc nghếch” (lời ông Minuth) là: Trong thời gian theo học để lấy bằng tiến sĩ vật lý, bà bắt buộc phải theo những lớp giáo lý cộng sản. Năm đầu học chủ nghĩa Mác Lê-nin; năm thứ hai học triết học và kinh tế học xã hội chủ nghĩa và tư bản chủ nghĩa; năm sau cùng học Chủ Nghĩa Cộng Sản Khoa Học - cái tên nghe đã thấy nghịch lý, ông Minuth phải yêu cầu độc giả “đừng cười.” Phải học các môn đó suốt ba năm mà không cười cũng không mếu! Con người đởm lược như vậy thì còn sợ gì những chướng ngại trong một mùa tranh cử, trong đó ai cũng có quyền chỉ trích, xỉ vả mình?

Ông Phan Văn Khải cũng từng du học ở Liên Bang Xô Viết (hồi chế độ Xô Viết còn tại thế) và chắc cũng phải học qua các môn giáo lý trên. Nhưng coi bộ ông thua bà Merkel. Vì hôm họp báo ở Seattle, tiểu bang Washington, mới nghe mấy câu hô đả đảo mà ông đã nổi nóng. Trước bao ống kính truyền hình của báo chí Việt-Mỹ và thế giới, ông thủ tướng không giữ được bình tĩnh, mở miệng đòi đuổi một người ra khỏi phòng họp, “Ðuổi nó ra ngoài!” Rồi ông phủi áo đứng dậy, dỗi luôn, không thèm nói chuyện với ai nữa! Nhiều người ngạc nhiên sao có một nhà chính trị làm đến chức thủ tướng mà còn nóng nảy như thế. Ở một quốc gia có tự do dân chủ, người ta không kính trọng những chính trị gia như thế.
Image Image Tại cuộc họp báo của Thủ tướng Việt cộng Phan Văn Khải, ông Huỳnh Quốc Bình, giáo sĩ của nhà thờ Nazarette ở Oregon, cũng là phóng viên của VNN đã chỉ vào mặt Khải và những thằng Cộng sản trong phái đoàn và nói lớn rằng: "CÁC ÔNG LÀ NHỮNG NGƯỜI NÓI LÁO! YOU ARE LIARS!" khiến cho Thủ tướng VC nhà ta nổi giận và tưởng rằng mình đang ở Việt Nam nên đã ra lệnh cho bọn tay chân "Đuổi nó ra ngoài!" Khi bọn thủ hạ VC (giống chủ, quên rằng mình không còn ở VN) tính làm ẩu thì ông Bình nói: "Đừng chạm vào tôi. Đây là một nước tự do. Đây không phải là Việt Nam." Sau đó, theo báo New York Sun, một phát ngôn nhân cảnh sát nói ông Bình đã tự nguyện rời khỏi khách sạn và không có việc bắt giữ. Cũng may cho ông Bình, nếu là ở VN thì đã bị Thủ tướng nhà ta cho đi "cải tạo khổ sai mút mùa" vì tội hành xử quyền tự do ngôn luận...

Seattle's Fairmont Olympic Hotel - June 19, 2005. Photo: Kevin Casey/Stringer
Ðiểm khác biệt khiến ông Khải thua bà Merkel là kinh nghiệm chính trường. Bà Angela Merkel đã từng đi vận động dân Ðông Ðức đòi đổi mới, ngay trong thời cộng sản cai trị. Khi nước Ðức thống nhất, bà đắc cử vào quốc hội liên bang năm 1991 và được mời làm bộ trưởng mấy bộ nhỏ trong chính phủ Helmut Kohl, đến năm 1994 đã leo lên làm tổng thư ký đảng CDU. Bà chắc được dân Ðức kính trọng, mà người ngoại quốc cũng kính trọng, mặc dù tính tình bà bị coi là lạnh lùng, không có tài hùng biện khi ra trước công chúng. Ở những nước tự do, dân chủ, các nhà chính trị bắt buộc phải ra trước công chúng. Nhờ lá phiếu của dân chúng họ mới leo lên được những địa vị như bộ trưởng, thủ tướng. Ở các nước cộng sản thì khác.

Ðọc hồi ký của ông Ðoàn Duy Thành, nguyên bí thư thành ủy Hải Phòng, từng làm bộ trưởng và phó thủ tướng cho các ông Phạm Văn Ðồng, Phạm Hùng, chúng ta thấy nhiều lần ông Thành được cử lên giữ chức mà không biết trước. Ðến dự họp, nghe ông Ðỗ Mười gọi mình là phó thủ tướng, mới biết mình được thăng chức! Nhiều khi được hỏi ý kiến (ông Lê Duẩn đã ngỏ ý ông Thành có thể làm tổng bí thư, trong khi chờ đợi có thể làm thủ tướng) thì người đảng viên trung thành chỉ nói: “Tùy các anh ở trên quyết định.” Ông Thành cũng kể những lần nghe các ông Lê Duẩn, Nguyễn Văn Linh hỏi ý kiến về những họ người họ muốn chọn kế vị. Tất cả là do một nhóm chọn lựa lẫn nhau, ai mạnh cánh thì thắng. Ông Ðỗ Mười chủ mưu xúi giục đàn em của ông Thành vu cáo ông nhiều chuyện xấu, chính ông Thành khẳng định. Chắc cũng chỉ vì coi ông là một đối thủ tranh các chức vụ với mình.

Ở các nước cộng sản, những lãnh tụ khi leo lên đến Trung Ương Ðảng hay Bộ Chính Trị thường cũng là nhờ vận động ở hậu trường. Họ không có dịp vận đồng với dân chúng. Khi ra trước công chúng thì tất cả bài bản đã được đạo diễn, vỗ tay cũng theo đúng nhịp. Ai được vỗ tay nhiều, vỗ tay ít, đều có cô-ta (quota), theo tiêu chuẩn khẩu phần tem phiếu ấn định trước hết.

Vì thế ông Phan Văn Khải đã ngưng cuộc họp báo nửa chừng, khiến người làm báo ở Mỹ ngạc nhiên. May một điều là báo chí và dư luận họ không coi cuộc viếng thăm của ông là quan trọng, cho nên sự kiện này không ai chú ý tới. Hiện tượng ông thủ tướng chính phủ Việt Nam cắm cúi đọc bài phát biểu viết sẵn, nghe giọng đọc chán đời như giọng đọc điếu văn, cũng không bị người Mỹ để ý. Chỉ có mấy độc giả báo Người Việt viết thư tỏ ý xấu hổ, hỏi tại sao ông Khải không thể học thuộc lòng để giả bộ nói như ứng khẩu? Ðộc giả này còn hỏi hay là ông ta sợ không dám ứng khẩu vì không nói dám sai một chữ nào trong bài diễn văn đã được kiểm duyệt trước?

Ông Phan Văn Khải đã xong việc ở Mỹ, lên đường qua Canada. Ở đây chắc người Việt tị nạn cũng sẽ đón ông như ở Washington D.C., với những lời kêu gọi thực thi nhân quyền ở Việt Nam. Nhưng chắc chắn ông Khải sẽ không đến đặt vòng hoa tại đài kỷ niệm thuyền nhân tị nạn, ngay ở thủ đô Ottawa! Vì người tị nạn sẽ hỏi tại sao chính phủ ông lại yêu cầu các nước Indonesia và Mã Lai Á phá các bia tưởng niệm những thuyền nhân tử nạn trên các đảo Galang và Bidong? Những người quá cố sống không nổi với chế độ của các ông, họ sợ các ông quá đến nỗi liều chết vượt biển. Họ đã bị dập vùi trong sóng biển lênh đênh, sao các ông còn đuổi theo họ, mang lòng oán hận, ganh ghét, đòi phá cả mộ bia của người ta? Một dân tộc văn minh ai nỡ trả thù những người đã chết một cách vô lương tâm như thế? Nếu một chính phủ mà làm như vậy thì có đáng được người dân kính trọng hay không?

Ngô Nhân Dụng (NV)

User avatar
khieulong
Posts: 6756
Joined: Wed Dec 01, 2004 9:09 pm
Been thanked: 1 time

Post by khieulong »

Việt Cộng Theo Mỹ Chống Tàu ?

Nguyễn Gia Tiến
Mỹ “gieo rắc Dân Chủ”!

Gần đây dư luận Hải ngoại xôn xao về việc Chính phủ Mỹ tiếp đón Phan Văn Khải, Thủ Tướng Việt Cộng.

Nếu Việt Nam là một quốc gia dân chủ bình thường,đã có quan hệ ngoại giao với Mỹ cả từ mười năm nay, thì sự tiếp đón này chẳng có gì đáng quan tâm. ...

... Nhưng điều gây bất bình, phẫn nộ, là vì Phan Văn Khải chẳng hề đại diện cho nhân dân Việt Nam. Hắn chỉ là bộ mặt nhem nhuốc của một tập đoàn bạo quyền độc tài tham nhũng, chẳng do dân bầu lên, đang đè đầu cưỡi cổ cả một dân tộc từ nửa thế kỷ nay, không khác gì Saddam Hussein của Iraq, hay Kim Chính Nhật của Bắc Hàn.

Vậy nếu ông Bush có thể tươi cười bắt bàn tay đẫm máu của Phan Văn Khải, đưa đón hắn vào Tòa Bạch Ốc, thì người ta tự hỏi, sao trước đây ông không làm như vậy với Saddam và Kim Chính Nhật? Liệu ông còn đáng tín nhiệm khi hô hào bao nhiêu thanh niên Mỹ sang chết chóc tại Iraq, để hy sinh cho điều mà ông gọi là “chính nghĩa lật đổ độc tài”, và đồng thời ông đang đón tiếp một tên độc tài còn tệ hại hơn? Cái chính nghĩa tại Iraq này tốt đẹp hơn cái chính nghĩa tại Việt Nam chăng, nơi mà chỉ mới ba thập niên trước đây, hơn năm chục ngàn thanh niên Mỹ, đồng bào của ông, đã bỏ mình hy sinh, trong khi riêng bản thân ông thì hình như muốn né tránh?

Rồi cũng chỉ mới vài tuần trước khi đón Phan Văn Khải, ông lại tuyên bố không ngượng miệng là chính phủ Mỹ “sẽ gieo rắc Dân chủ” trên khắp thế giới! Thật là mỉa mai ! Một kiểu «gieo rắc» Dân chủ khá kỳ lạ ! Và hình như ông còn quên luôn cả bản Nghị quyết vừa ra chưa ráo mực của Quốc Hội Mỹ, đã liệt kê Hà Nội trong danh sách các quốc gia cần theo rõi vì đàn áp Tôn Giáo.

Thực ra, trên chính trường quốc tế xưa nay, lời nói không đi đôi với việc làm là chuyện thường tình. Các chính khách hàng đầu, với những lời tuyên bố đao to búa lớn, phun ra rồi nuốt lại, cũng chẳng làm ai ngạc nhiên. Người ta chỉ theo rõi xem họ hành động ra sao, vì động lực nào, và tự hỏi, nếu chỉ vì động lực kinh tế thương mại, ông Bush có thực sự cần phải hạ mình đón Phan Văn Khải vào Mỹ chăng ?


Mỹ lôi kéo VC chống Tàu?

Có người cho rằng, ngoài nhu cầu buôn bán với Việt Cộng, ông Bush còn muốn lôi kéo VC về phía Mỹ, làm «nút chặn» cho sự bành trướng của Trung Cộng về phía Nam. Ông có mục tiêu chiến lược là “dùng Việt Cộng để chống Tàu” ! Nếu quả thực đây là ẩn ý của Hoa kỳ, thì hình như người Mỹ vẫn chưa rút ra được bao nhiêu kinh nghiệm, sau mấy chục năm đau thương, đổ xương máu đối phó với đám Cộng Sản Á Châu, đặc biệt là Trung Cộng và Việt Cộng.

Người Việt Nam chúng ta, biết rõ tâm lý Việt Cộng hơn, hiểu rằng tập đoàn Hà Nội sẽ chẳng dại dột theo Mỹ. Đường lối khôn ngoan duy nhất để chúng nắm chặt bạo quyền sẽ là tiếp tục liên kết, thần phục Bắc Kinh như chúng đang làm hiện nay. Thật vậy, suốt chiều dài Lịch sử kể từ Hồ Chí Minh, “truyền thống” của Cộng Sản Việt chưa hề bao giờ là đặt Dân tộc lên trên quyền lợi phe nhóm. Ngày nay chúng lại càng không thể có ngoại lệ nào. Các tập đoàn độc tài thường dễ nương tựa nhau để thủ lợi lâu dài. Sở dĩ trước đây Hà Nội dám ra mặt chống Bắc Kinh là vì yên chí có Liên Xô, một tập đoàn độc tài khác đứng sau bao che, giúp đỡ.

Nếu có dấu hiệu Hà Nội muốn xáp lại gần Hoa Kỳ thì cần hiểu là chúng đang lâm vào ngõ bí. Nhưng cũng như mọi tập đoàn độc tài khác, chúng sẽ chỉ dò xét xem có kẽ hở, có sự hớ hênh nào đó từ phía Hoa kỳ để thủ lợi. Chúng sẽ khôn ngoan dừng lại khi cần thiết, nếu cảm thấy bạo quyền của chúng bị đe dọa. Chưa kể là quan thày Trung Cộng luôn luôn kè sát bên Hà Nội để kiểm soát, không dễ dàng gì cho phép Việt Cộng thoát ra ngoài vòng kiềm tỏa.

Đó là viễn ảnh, là “triển vọng” cho mối “liên kết Mỹ-Việt Cộng để chống Tàu” mà một số người đang “hồ hởi” mong đợi!

Đã có quan niệm cho rằng người Phương Tây nói chung, và người Mỹ nói riêng, “to khoẻ”, nhưng thường vẫn “ngây thơ” khờ khạo, dễ mắc mưu sự nham hiểm của Phương Đông. Cho đến nay, hình như quan niệm này vẫn đúng!

Quá khứ đã cho thấy những “đỉnh cao trí tuệ” của Hoa Kỳ (the best and the brightest) như Mc Namara, Kissinger … đã từng bị phe Cộng Sản cho vào xiếc. Kế hoạch gia vĩ đại Mc Namara của Mỹ ngày nay thú nhận trong chiến tranh đã “hoàn toàn không hiểu gì” về Việt Nam. Và cho đến nay vẫn chưa “sáng mắt”, cày cục bay sang Hà Nội để bắt tay cho kỳ được Võ Nguyên Giáp, và tuyên bố rằng Cộng Sản Việt là những người “quốc gia”!

Trước đây, để làm giảm mối đe dọa của thể chế độc tài Trung Cộng, Clinton tưởng có thể áp dụng chính sách “khuyến khích tham gia” (engagement), thu hút Trung Cộng hội nhập vào Cộng đồng quốc tế, hy vọng Trung Cộng sẽ dần dần “dân chủ hóa”.

Ngày nay, Trung Cộng càng hung hăng độc tài hơn, đe dọa Đài Loan, và “nền dân chủ” của Trung Cộng ra sao thì mọi người đã biết.

Khi ông Bush mới lên cầm quyền, trước khi xảy ra vụ 9/11, người ta tưởng Mỹ sẽ cứng rắn hơn đối với các tập đoàn độc tài, qua lời ông tuyên bố Trung Cộng sẽ là “đối thủ chiến lược”, chứ không thể là “bạn hợp tác” như chủ trương của Clinton.

Nhưng sau vụ 9/11, vì nhu cầu chống khủng bố, Bush đã đổi hướng 180 độ, trở lại o bế Trung Cộng. Ông ta khúm núm trước Wen Jiabao, Thủ tuớng Trung Cộng, và chỉ trích nền Dân Chủ Đài Loan để lấy lòng Trung Cộng.

Cho nên, thực tế cho thấy nhóm lãnh đạo Mỹ hiện nay có lẽ cũng chẳng sáng suốt khôn ngoan hơn những Mc Namara, Kissinger khi xưa bao nhiêu.

Kể từ khi Mỹ lập bang giao với Hà Nội, qua ba đời đại sứ Peterson, Burkhardt, rồi đến Marine ngày nay, hành động và khẩu khí của mấy nhân vật này hình như chỉ thuận lợi cho bạo quyền Hà Nội, mà chẳng hề hỗ trợ gì cho chính nghĩa Dân chủ, cho người dân Việt Nam bị kìm kẹp. Không hiểu đây là “ngôn ngữ ngoại giao” hay chỉ giản dị là sự tái diễn những hiện tượng ngây thơ, khù khờ, tiếp tục bị Việt Cộng xỏ mũi.

Trong tiến trình Dân chủ ở Việt Nam, có lẽ chẳng nên quá trông đợi vào “yếu tố Hoa Kỳ”. Các thế lực Tư bản, khi quyền lợi của họ song song, tương đồng với quyền lợi của bạo quyền, thì họ sẵn sàng “cho rơi” mọi lý tưởng Dân chủ, để đồng lõa với độc tài.

Câu nói sau đây của một nhân vật CS có lẽ vẫn còn chính xác : “Chúng ta (Độc tài CS) sẽ thắt cổ Tư Bản bằng ngay sợi giây thòng lọng mà bọn Tư Bản sẽ bán cho chúng ta!” Ngày nay, điều này hình như đang được Trung Cộng ráo riết thực hiện đối với Tư bản Phương Tây.


Triển vọng Dân chủ cho VN

Cho nên, để dành lại Tự Do cho mình, người dân Việt bị áp bức, bị kìm kẹp ở trong nước có lẽ chỉ còn trông vào sức mạnh của chính mình. Thời cơ cho thấy ngày càng thuận lợi cho cuộc đấu tranh của họ. Bạo quyền Hà Nội từ lâu đã lộ nguyên hình là một tập đoàn Mafia Đỏ, hoàn toàn không còn lý tưởng. Chúng chỉ cấu kết, dựa vào nhau để chia xẻ tiền bạc, quyền lực.

Gần đây, tin tức tràn ngập khắp nơi về sự đấu đá không ngừng trong nội bộ Cộng Sản. Bọn đàn em theo lệnh của những Lê Đức Anh, Đỗ Mười, đang trù dập hết mình đám Võ Nguyên Giáp và các “lão thành cách mạng” khác. Âu cũng là qui luật rất công bằng đối với các tập đoàn tội ác. Nhóm đàn anh leo lên tột đỉnh quyền lực do tội ác, thì sẽ bị chính các đàn em hạ bệ, như đã xảy ra tại hầu hết các nước độc tài Cộng Sản.

Hiện nay Hà Nội thực sự đang lâm vào cuộc khủng hoảng lãnh đạo, không tên nào còn đủ uy tín để chỉ huy. Các phe phái thanh toán lẫn nhau và sẽ dẫn đến tự hủy diệt. Chế độ của chúng bấp bênh chứ không vững như ta tưởng. Chỉ một tàn lửa nhỏ thổi lên sẽ làm cháy cả khu rừng.

Các chế độ độc tài Đông Âu hậu CS và Trung Á vừa qua đều kết thúc như vậy. Nhiều nơi dân trí không hơn gì Việt Nam mà người dân bị áp bức kìm kẹp đã biết nổi lên thanh toán bọn bạo quyền, chẳng hề do sự đánh phá nào từ bên ngoài.

Chúng ta tin tưởng tiến trình này rồi cũng sẽ xảy ra tại Việt Nam trong một ngày không xa.

Nguyễn Gia Tiến
Thụy Sĩ, Tháng 6. 2005

User avatar
phu_de
Posts: 2917
Joined: Sun Nov 28, 2004 10:57 pm
Has thanked: 7 times

Post by phu_de »

6.7.2005
Trần Trung Đạo
Nhìn tấm bia tưởng niệm ở Galang suy nghĩ về hòa giải

Image

Dấu tích của con người trên địa cầu không chỉ là Kim Tự Tháp, Angkor Wat, Mona Lisa hay những bản giao hưởng bất tử mà còn là Auschwitz, Armenia, Rwanda và nhiều hành động diệt chủng tàn bạo và bất nhân khác. Thật vậy, bên cạnh những bậc thánh nhân mang lại an lạc và giải thoát cho con người, những nhà khoa học có khả năng sáng chế những cái hay cái đẹp để làm thăng hoa cho cuộc sống, cũng có những ác nhân như Hitler, Pol Pot, Stalin, Bin Laden lại có thể nghĩ ra những cách giết người vô cùng dã man, tàn độc.

Nhắc đến Bin Laden, tôi lại nhớ đến biến cố 11 tháng 9 năm 2001. Tôi làm việc trong ngành tài chánh và nơi tôi làm việc cũng có tên là World Trade Center, mặc dù không phải là World Trade Center New York. Đồng nghiệp của tôi, trong đó nhiều người tôi quen biết, làm trong tòa nhà ngay bên kia đường của World Trade Center. Nơi tôi làm, giống như hầu hết các công ty tài chánh khác, dọc bốn bức tường và các cột chính thường treo nhiều máy truyền hình để nhân viên có thể trực tiếp theo dõi biến động của thị trường đang diễn ra nhiều nơi trên thế giới. Buổi sáng ngày 11 tháng 9 năm 2001, thay vì nghe tin tức thị trường, tôi bàng hoàng nhìn cảnh khói lửa mịt mù đang trực tiếp chiếu trên hàng chục máy truyền hình. Hình ảnh chiếc máy bay thứ hai cất cánh từ thành phố tôi đang sống, lao vào tòa nhà phía nam của khu thương mại World Trade Center sẽ không bao giờ phai đi trong trí nhớ của tôi. Đứng nhìn cột khói bốc cao, tôi xúc động như đang đứng nhìn chính căn nhà mình đang cháy, và tương tự nhìn cảnh những người nhảy xuống trong tuyệt vọng từ những tầng lầu cao, tôi cảm tưởng những người thân yêu của mình lao vào cõi chết. Mỗi khi nhìn lại Ground Zero trơ trụi, từng là World Trade Center New York sầm uất, tôi lại chạnh lòng nghĩ đến những người dân vô tội đã chết. Tại sao những thành viên của tổ chức Al-Qaeda lại có thể làm công việc giết người tàn nhẫn như thế? Họ nhân danh ai và họ thật sự vì ai?

Thời gian qua đi, cuộc sống đã dần dần trở lại bình thường. Những chuyến bay cất cánh từ phi trường quốc tế Logan bên kia cửa sổ của phòng làm việc không còn làm tôi nghĩ ngợi xa xôi. Thế nhưng, tuần trước, khi nhìn vết tích của tấm bia tưởng niệm thuyền nhân chết trên đường vượt biển ở Galang bị nhà nước Việt Nam yêu cầu chính phủ Nam Dương đập bỏ, cơn xúc động khi nhìn cảnh Ground Zero, tưởng chừng như lắng xuống lại lần nữa nhói lên. Hai sự việc thoạt nhìn không dính líu gì nhau. Hai tòa nhà ở New York không phải là bia tưởng niệm; tổn thất vật chất ở New York lên đến hàng trăm tỉ đô-la trong lúc tấm bia tưởng niệm đồng bào bạc phước ở Galang nhiều lắm là vài ngàn đô-la; số người chết ở hai tòa nhà thương mại New York là 2986 người trong lúc bia tưởng niệm ở Galang chỉ là một tấm đá đơn sơ. Có liên hệ gì chăng giữa hai di tích? Có chứ. Điều giống nhau không phải ở chỗ người chết mà là người sống, không phải từ phía nạn nhân mà ở kẻ gây ra tội ác, không phải thiệt hại về vật chất mà là những tác hại tinh thần, không phải ở hành động mà là suy nghĩ. Và quan trọng nhất, cả hai sự tàn phá đều phát xuất từ những kẻ có cùng một tâm thức, mang cùng một não trạng, đó là tính cực đoan, hận thù và sợ hãi còn ám ảnh và đè nặng trong tư duy họ.

Tôi nghĩ đến nỗi bất hạnh của nạn nhân bởi vì tôi đã từng ở trại tị nạn và đã một lần phó thác cuộc đời mình cho may rủi trên vùng biển đó. Những ngày ở Palawan, tôi thường ngồi nhìn mặt trời lặn, tự hỏi phải chăng phía sau vầng ráng đỏ cuối chân trời kia là quê hương tôi, là Hội An, là Đà Nẵng thân yêu. Những hình ảnh mẹ lạc cha, vợ xa chồng, anh mất em, đứa bé bị bỏ quên đứng khóc trên đường ra bãi, chuyến hải hành vô định trên biển Đông trùng trùng gió bão, đói khát, lo âu, tuyệt vọng vẫn nhiều đêm trở về trong giấc ngủ tôi. Tôi vẫn nhớ phía cuối trại Palawan là một căn nhà nhỏ, lúc nào dường như cũng tối. Người đến trước bảo đó là chỗ ở của ba thuyền nhân còn may mắn sống sót từ chuyến ghe của gần một trăm người. Sau hai tháng trời chết máy trôi bềnh bồng trên biển, một trăm người khi ra đi đến nơi chỉ còn lại ba người. Ngoại trừ phái đoàn cao ủy tị nạn, ba người kia không tiếp xúc với ai, không tâm sự với ai, không chia sẻ với ai làm cách nào họ đã không chết đói, chết khát. Họ giữ cho riêng họ nỗi đau thầm kín, và tôi tin có thể sẽ không bao giờ ai biết. Phía sau trại là căn nhà của những người phụ nữ bị hải tặc hiếp dâm. Những phụ nữ bất hạnh kia lẩn tránh trong nhà, ít khi ra ngoài để khỏi nghe những lời hỏi han, dù chỉ để an ủi cho số phận hẩm hiu của họ. Nhiều trong số những người đi cùng ghe với các chị đã gởi thây trên biển, bỏ xác trên các đảo san hô sau những lần bị hiếp dâm tập thể. Trên bờ cát Palawan, có một em bé chừng năm, sáu tuổi, mỗi chiều vẫn ngồi nhìn ra ngoài khơi như thói quen chờ mẹ đi chợ về, khác chăng, mẹ của em sẽ không bao giờ về nữa. Cha, mẹ, chị và em của em đã chết trong chuyến hải hành dài cả tháng trời. Không ai biết rõ em từ đâu ra đi. Nếu có người nào hỏi, em chỉ vỏn vẹn trả lời rằng em đến từ Việt Nam, và đó cũng là tất cả những gì em biết về gia đình bạc phước và đất nước đầy bất hạnh của em.

Hoàn cảnh tương tự như thế cũng đã xảy ra trong các trại tị nạn khác trong vùng Đông Nam Á như Galang, Bidong, Leamsing, Sungei Besi, Bataan, White Head, Panat Nikhom và hàng chục trại tị nạn khác, nơi nhiều trăm ngàn người Việt Nam đã một lần tá túc để chờ ngày định cư. Phần đông đồng bào đến trại sau khi đã trải qua một cuộc hải hành nhuộm đầy máu và nước mắt. Họ cố nuốt đau thương đưa tay cầm chén gạo tình người. Những tiếng thank you, merci, danke, gracias vụng về, ngượng ngập từ cửa miệng của những người ở tuổi ba mươi, và ngay cả năm mươi, bảy mươi nhưng chỉ mới bắt đầu tập nói.

Trong những đợt sóng người vượt biển từ sau mùa bão lửa 1975, bao nhiêu người đã ở lại trong lòng biển? Một trăm ngàn, hai trăm ngàn hay năm trăm ngàn như Liên Hiệp Quốc thống kê? Những con số mà chúng ta thường nghe, thường đọc, thật ra chỉ là những phỏng đoán để điền vào khoảng trống cần thiết cho một bản thống kê. Con số thật đã vĩnh viển nằm yên trong lòng biển. Sáng nay, trên đất nước Việt Nam, có những bà mẹ già ba mươi năm sau vẫn còn nuôi hy vọng người phát thư buổi sáng sẽ trao cho mẹ lá thư đầu của đứa con ra đi từ nhiều năm trước. Đêm nay, có những người vợ nằm nghe tiếng lá rơi bên thềm mà ngỡ tiếng chân chồng mình trở về bên căn nhà cũ. Lịch sử rồi sẽ sang trang nhưng cái chết đau thương của hàng triệu người Việt Nam sẽ còn ở lại rất lâu trong lòng dân tộc như máu người Việt Nam sẽ không bao giờ phai đi trong màu nước Thái Bình Dương.

Ngày trước ở miền Nam, tuy khói lửa chiến tranh đang phủ một màu đen trên đất nước nhưng không một giáo trình tiểu học nào dạy trẻ em để thù ghét nhau, chém giết nhau. Mỗi sáng thứ hai trên tấm bảng đen của lớp học bao giờ cũng có một câu châm ngôn đầu tuần thắm đượm tình dân tộc, lòng kính nhớ tổ tiên, ơn cha mẹ sinh thành dưỡng dục. Câu cách ngôn đầu tiên một học sinh tiểu học miền Nam được dạy nếu không là "một giọt máu đào hơn ao nước lã" thì cũng "nhiễu điều phủ lấy giá gương, người trong một nước phải thương nhau cùng." Giống những người lính ngoài mặt trận đang ráng bảo vệ từng tấc đất, từng con sông, các thầy các cô trong ngành giáo dục cũng đã cố gắng giữ lại những đức tính nhân bản, dân tộc trong tâm hồn các thế hệ măng non miền Nam. Dân tộc Việt Nam là một dân tộc có đạo, có truyền thống kính trọng anh linh những người đã chết. Tình ruột thịt nghĩa đồng bào được hun đúc nhiều năm trong tâm thức đã thôi thúc những người còn sống sót dựng lên những tấm bia tưởng niệm đồng bào ở Galang, Bidong và những nơi có dấu chân của người Việt tị nạn.

Một mặt của tấm bia ở Galang viết: "Tưởng nhớ hàng trăm ngàn người Việt Nam đã thiệt mạng trên đường tìm tự do (1975-1996). Dù họ đã chết vì đói, khát, bị hãm hiếp, bị kiệt sức hoặc vì một nguyên nhân nào khác, chúng ta cầu xin rằng họ bây giờ được hưởng yên bình vĩnh cửu. Sự hy sinh của họ không bao giờ bị quên lãng. Các cộng đồng người Việt hải ngoại, 2005." Tại sao những người lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam, vốn thích nhân danh những điều tốt đẹp nhất trên đời, những lý tưởng cao thượng và vĩ đại nhất của nhân loại, lại có thể yêu cầu chính phủ Nam Dương, Mã Lai đập phá những tấm bia tưởng nhớ những người đã chết? Có gì trong những dòng chữ đó vi phạm đến an ninh quốc gia của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam? Có gì trong những dòng chữ đó xúc phạm đến các lãnh tụ cộng sản đã chết hay còn sống? Không. Nếu có chăng, trong tấm bia đá đơn sơ kia có dấu vết của những bào thai bị chết ngộp khi còn trong bụng mẹ, có tiếng khóc của những trẻ thơ đang đói khát, có giọt máu của người phụ nữ Việt Nam đau đớn trong bàn tay hải tặc, có tiếng gào tuyệt vọng của bà mẹ giữa cơn bão lớn ngoài khơi.

Chưa bao giờ trong ba chục năm qua, cụm từ "hòa giải dân tộc, xóa bỏ quá khứ" lại được nhắc đi nhắc lại nhiều như trong những ngày này. Các lãnh đạo Đảng và nhà nước chủ trương hòa giải. Nhiều trí thức, học giả hô hào hòa giải. Nhiều nhà văn, nhà thơ cổ võ cho tinh thần hòa giải. Nhiều vị lãnh đạo tôn giáo kêu gọi lấy tình thương xóa bỏ hận thù.

Thật ra, bản thân của cụm từ hòa giải không có gì sai trái, và tương tự, đem tình thương xóa bỏ hận thù là một tư tưởng vô cùng cao quý. Từ kinh nghiệm sống đầy thăng trầm và trắc trở của mình, tôi tin rằng tình thương là cứu cánh của mọi nỗi khổ đau, và tôi cũng tin rằng nỗi đau trong trái tim dân tộc hơn nửa thế kỷ qua, phải được hóa giải, không phải bằng "ai thắng ai" nhưng bằng tinh thần cảm thông, tình thương, bao dung và hướng thiện. Vâng, nhưng trước khi vượt qua quá khứ, mỗi người Việt Nam, từ cấp lãnh đạo đảng, nhà nước cho đến một người dân thường đang ở trong hay ngoài nước, phải can đảm nhìn vào sự thật, và những ai có trách nhiệm cho những tang thương đổ vỡ của đất nước phải biết thừa nhận những sai lầm và thực hiện các biện pháp căn bản để thay đổi đất nước. Con đường hòa giải là đại lộ hai chiều và là chiếc cầu nhiều nhịp. Không ai có thể đứng bên này sông ra lệnh người khác bơi qua để hòa giải với mình. Tôi tin rằng khi nhìn vào sự khổ đau phải nhìn vào nguyên nhân của nó hơn là chỉ nhìn vào sự lở lói bên ngoài. Những lở lói hôm nay của đất nước bắt nguồn từ ba mươi năm đầy lầm lỗi của giới lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam.

Nếu thực tâm hòa giải, giới lãnh đạo đảng và nhà nước cộng sản Việt Nam lẽ ra phải là những người dựng lên tấm bia tưởng niệm đó; lẽ ra họ là người phải lo chăm nom hương khói những phần mộ, hồi hương hài cốt những người đồng bào không may mắn bỏ thây trên xứ lạ quê người. Quá khứ tuy khó có thể quên ngay nhưng tôi tin dù nói gì đi nữa trong lòng con người Việt Nam cũng còn nhiều bao dung, tha thứ. Người dân Việt Nam dù bị lừa gạt năm lần bảy lượt nhưng trong trái tim của họ màu độ lượng vẫn đậm hơn màu thù hận. Chịu đựng trong cơn mưa dài nửa thế kỷ, dân tộc Việt Nam đang quá cần một ngày nắng đẹp. Hòa Thượng Thích Huyền Quang, một trong những nhà lãnh đạo tôn giáo bị tù đày, hành hạ nhiều nhất sau 1975, nhưng trong buổi tiếp xúc với ông Phan Văn Khải tại Hà Nội ngày 2 tháng 4 năm 2003, cũng đã nhấn mạnh đến tinh thần hòa giải và sẵn sàng gác qua quá khứ đầy khắc nghiệt mà bản thân ngài và Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất gánh chịu suốt gần ba mươi năm để cùng góp tay nhau xây dựng đất nước nếu đảng và nhà nước thành thật hối cải những sai lầm. Tiếc thay bao nhiêu cơ hội đã đến và đi trước thái độ thờ ơ của đảng và nhà nước cộng sản Việt Nam.

Đối với những người lãnh đạo cộng sản, phương pháp truyền thống để gọi là "xóa bỏ quá khứ," không chỉ ở Việt Nam mà nhiều nơi trên thế giới trước đây, đơn giản là đập bỏ, phá hủy. Những tội ác như Goulag và thanh trừng ở Liên Xô, Cách mạng Văn hóa và Công xã Nhân dân ở Trung Quốc, chính sách Năm Số không (Year Zero) của Pol Pot ở Campuchia, tư tưởng Juche của Kim Nhật Thành ở Bắc Hàn, Cải cách Ruộng đất ở Việt Nam v.v..., tuy khác nhau về hình thức, mức độ nhưng đều bắt nguồn sâu xa từ lý thuyết cộng sản, đúng như Mác khẳng định trong Tuyên ngôn Cộng sản: "Những người vô sản chẳng có gì là của mình để bảo vệ cả, họ phải phá hủy hết thảy những cái gì, từ trước đến nay, vẫn bảo đảm và bảo vệ chế độ tư hữu."

Tôi biết điều đó và nhiều độc giả biết điều đó, nhưng đồng bào chúng ta với bản chất nhân hậu, thường có thói quen nghĩ rằng, dù sao những người lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam cũng sinh ra từ một đất nước có truyền thống văn hóa bốn ngàn năm. Dân tộc Việt Nam là một trong số rất ít quốc gia, ở đó người dân đã gọi nhau bằng hai tiếng đồng bào thiết tha trìu mến. Tiếc thay, những gì vừa xảy ra ở Galang đã giết đi chút hy vọng cuối cùng ngay cả trong những người ôn hòa và kiên nhẫn nhất. Việc xúc phạm đến anh linh những đồng bào đã qua đời trong hoàn cảnh vô cùng thương tâm trên biển, không những xát muối vào vết thương vẫn còn đang mưng mủ mà còn đào sâu thêm sự rẽ chia, phân hóa hôm nay và nhiều thế hệ Việt Nam mai sau.

Hành động đập bia để phi tang còn là lời tự thú của giới lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam đối với đồng bào Việt Nam nói chung và miền Nam nói riêng. Nói rõ hơn, họ công khai thú nhận rằng nếu không có Kinh tế Mới, không có những trại tập trung, không có kiểm kê tài sản, không có đổi tiền năm lần bảy lượt, không có lý lịch ba đời và hàng chục chính sách bất nhân hà khắc hơn cả thời thực dân thì em Hoàng Thị Thu Cúc đã không treo cổ ở Thái Lan, đồng bào tị nạn đã không tự thiêu, tự sát tập thể ở Sungei Besi, Galang, Bidong mười năm trước, không có thảm cảnh cha bị cọp tha trong rừng già và mẹ xác trôi bồng bềnh trên biển. Các chính sách trả thù tàn nhẫn, tiêu diệt mọi mầm mống chống đối đã đẩy hàng triệu người dân Việt không còn chọn lựa nào khác hơn là ra biển để tìm đường sống trong con đường chết.

Trái với thái độ rụt rè đến mức chỉ dăm câu chào hỏi xã giao tổng thống Bush mà phải cầm giấy đọc như trường hợp ông Phan Văn Khải trong chuyến Mỹ du vừa rồi và sự hạ mình thần phục thiên triều Trung Quốc qua việc ông Lê Khả Phiêu ký hiệp ước biên giới lén lút năm 1999, đảng và nhà nước cộng sản Việt Nam lại không có một hành động thành thật và cụ thể nào để chứng tỏ tinh thần hòa giải với những người cùng máu mủ với mình. Tại sao? Họ lấy lòng các nước lớn vì họ biết rằng các hình thức lật đổ chính quyền, các âm mưu đảo chánh, ám sát, vốn quen thuộc trong thời kỳ chiến tranh lạnh, đã trở thành lỗi thời trong thời đại kinh tế toàn cầu ngày nay. Mối quan tâm hàng đầu của chính quyền Mỹ không phải ai là người lãnh đạo Việt Nam hay đảng nào lãnh đạo Việt Nam nhưng ai đáp ứng nhiều nhất, phục vụ tốt nhất cho chính sách đối ngoại, đem lại nhiều mối lợi và tạo sự ổn định cho thị trường kinh tế thương mại của họ. Chính quyền Mỹ không quan tâm tài sản của ông Lê Khả Khiêu, ông Lê Đức Anh trị giá bao nhiêu, ông Đỗ Mười sở hữu bao nhiêu biệt thự, ông Phan Văn Khải có bao nhiêu triệu đô-la, và họ cũng không cần nghe, cần biết, cần thấy tuyệt đại đa số người dân Việt Nam đang sống những tháng ngày cơ cực ra sao trên vỉa hè góc phố.

Lịch sử bang giao quốc tế cho thấy rằng những khái niệm hận thù, thương ghét chỉ tồn tại trong con người chứ không bao giờ là những phạm trù quốc gia. Quốc gia chỉ có quyền lợi chứ không có bạn hay thù. Cuộc chiến tranh lạnh giữa tư bản và cộng sản đã tàn và các liên minh quân sự đang chuyển sang liên minh kinh tế. Do đó, những ai chỉ nghe câu kết luận của Tổng thống Bush trong diễn văn nhậm chức: "Tất cả những ai đang sống dưới chế độ độc tài bạo ngược và trong sự tuyệt vọng có thể biết là, Hoa Kỳ sẽ không làm ngơ trước tình trạng bị áp bức của các bạn, hoặc tha thứ cho những kẻ áp bức. Khi mà các bạn đứng lên vì tự do của mình, chúng tôi sẽ đứng về phía các bạn" mà vội tin rằng vị tổng thống thứ 43 của Mỹ sẽ công khai và tích cực ủng hộ các phong trào dân chủ Việt Nam, có thể chỉ là một giấc mơ quá sớm. Với tổng sản lượng nội địa (GDP) vỏn vẹn 45 tỉ đô-la, không bằng hai phần ba GDP của thành phố Thượng Hải, Việt Nam còn quá xa, quá nhỏ để trở thành một hấp lực cho đầu tư quốc tế đừng nói chi đến việc cạnh tranh với thị trường Trung Quốc.

Dân chủ là lý tưởng cao đẹp, là nếp sống văn minh nhưng đồng thời cũng là món hàng vô cùng đắt giá. Bằng chứng, Anh, Mỹ, Đức, Pháp, Nga giành nhau để đem lại dân chủ cho Iran, Iraq trong lúc ba phần tư các quốc gia châu Phi hàng trăm năm nay vẫn còn chịu đựng dưới ách độc tài nghèo đói. Tại sao họ không giúp lật đổ các chế độ độc tài tại Congo, Gabon, Chad? Đơn giản vì các quốc gia đó quá nghèo, không có tài nguyên gì quý giá để đổi lấy món hàng dân chủ. Tháng 6 năm 1989, để bày tỏ thái độ ủng hộ phong trào dân chủ tại Trung Quốc và phản đối việc nhà cầm quyền đàn áp sinh viên một cách đẫm máu trong biến cố Thiên An Môn, các quốc gia Mỹ, Nhật, Pháp, Đức đồng thanh lên án, các công ty lớn đe dọa ngưng đầu tư, hủy bỏ hợp đồng, nhưng không bao lâu, đâu cũng vào đó. Một mặt, các tổng thống Clinton, rồi Bush tiếp tục chỉ trích tình trạng nhân quyền tại Trung Quốc, trong khi một mặt khác, mười hai năm qua các công ty Mỹ đã đầu tư 450 tỉ đô-la vào Trung Quốc. Thị trường Trung Quốc với lao động rẻ mạt và sức mua lớn vẫn là miếng mỡ béo cho các con mèo tư bản. Vận dụng mọi điều kiện chính trị thế giới vào công cuộc phục hưng dân tộc là một điều cần thiết, tuy nhiên, trách nhiệm chính vẫn nằm trên vai của các thế hệ Việt Nam yêu nước chứ không thể trông chờ vào ai khác.

Một lý do khác khiến giới lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam không thực tâm hòa giải với nhân dân Việt Nam vì họ rất sợ sức mạnh tổng hợp của dân tộc Việt Nam. Trung Quốc và Mỹ, vì quyền lợi kinh tế, có thể không quan tâm đến chuyện thay đổi lãnh đạo tại Việt Nam, nhưng nhân dân Việt Nam, nếu có cơ hội chắc chắn sẽ làm ngay. Các lãnh đạo Đảng biết rằng ngày nào dân tộc Việt Nam có cơ hội để đoàn kết nhau thành một khối thì đó cũng là ngày đánh dấu sự cáo chung của chế độ độc tài toàn trị tại Việt Nam. Bao nhiêu năm qua, cơ chế độc tài tồn tại nhờ vào sự hoài nghi Nam Bắc, sự phân hóa xã hội, sự chia rẽ trong cộng đồng dân tộc và họ luôn luôn tìm mọi cách để duy trì sự phân hóa, chia rẽ đó. Hành động yêu cầu đập bỏ những tấm bia tưởng niệm ở Galang là một phản ứng tuyệt vọng trước ánh sáng của sự thật. Sau ba mươi năm, đồng bào Việt Nam đã hiểu ra ai là nạn nhân và ai là những kẻ sống bám vào máu, mồ hôi và nước mắt của bao nhiêu thế hệ Việt Nam đã và đang đổ xuống.

Câu chuyện những sĩ quan và viên chức miền Nam bị tù ra miền Bắc trước đây là một bằng chứng. Khi đi ra họ đã bị dân chúng hai bên đường chửi bới, mắng nhiếc, thậm chí còn có kẻ ném đất, ném bùn vào họ, nhưng mười năm sau trên chuyến tàu vào Nam, chính những người từng tin rằng lính miền Nam thích ăn thịt người, đã nhét vội vào bàn tay tù xanh xao những điếu thuốc lá, những củ khoai mì. Món quà nhỏ nhoi không đáng giá bao nhiêu nhưng mang theo hơi ấm của tình dân tộc. Đồng bào miền Bắc cảm thông, thương xót người tù miền Nam không phải chỉ vì tình đồng bào ruột thịt mà thôi, nhưng quan trọng hơn vì họ đã thấy được sự thật. Thấy được sự thật, hòa giải sẽ tự nhiên đến mà không cần ai phải hô hào kêu gọi, và có thể lúc đó chuyện hòa giải sẽ không còn cần thiết. Tôi tin một ngày khi chế độc độc tài tàn lụi, những người lính cũ Nam Bắc gặp nhau, sẽ không ai còn hứng thú nói về những ngày ở Khe Sanh, An Lộc, Bình Long hay trong các trại tù Hàm Tân, Thanh Phong, Thanh Hóa, và cũng không thích nghe những lời xin lỗi nhau đã trở thành thừa thãi, mà sẽ nói nhiều về các con, các cháu của họ. Niềm hãnh diện của họ không phải là những tấm huy chương mà là công trình, dự án mà con cháu đang theo đuổi cho đất nước mình. Ngày đó, nhiều lắm, những ông già còn sống sót sẽ cùng uống với nhau một chén rượu nếp than, và như thơ Tô Thùy Yên, để gọi là "giải oan cho cuộc biển dâu này."

Phân tích như thế để cùng thấy rằng, khi nhìn lại chặng đường dài đầy bi tráng của dân tộc, tất cả chúng ta, dù Nam hay Bắc, cầm súng hay không cầm súng, dù trực tiếp hay gián tiếp tham dự cuộc chiến, vượt biên ra đi hay ở lại chịu đựng, nói cho cùng, đều là nạn nhân của phong kiến, thực dân và độc tài lạc hậu. Nỗi đau của ngư dân Thanh Hóa bị hải quân Trung Quốc giết mới đây hay thảm cảnh người vượt biển chết chìm trên biển Đông ba mươi năm trước đều là nỗi đau chung của dân tộc. Trách nhiệm đưa đất nước vượt qua hố thẳm độc tài lạc hậu để vươn lên cùng thời đại là trách nhiệm của mọi người Việt quan tâm đến số phận dân tộc mình. Một dòng sông không ra biển không còn là dòng sông nữa và dù rộng lớn bao nhiêu cũng chỉ là ao tù nước đọng. Dân tộc Việt Nam như một dòng sông lớn, phải vận hành theo luật tuần hoàn, tụ thành mây để làm nên những cơn mưa lớn và bay ra khơi để sớm trở về nguồn. Chúng ta đã từng chịu đựng như một dân tộc, và tôi tin chúng ta sẽ vượt qua như một dân tộc.

Trong ý nghĩa đó, tấm bia tưởng niệm ở đảo Galang không chỉ để tưởng nhớ đồng bào đã hy sinh trên đường tìm tự do, mà quan trọng hơn, đó là một phần của lịch sử Việt Nam. Một trăm năm sau, hai trăm năm sau, các thế hệ Việt Nam sẽ tìm đến Bidong, Galang, Palawan, Sungei Besi, White Head, Panat Nikhom v.v... để dò lại dấu chân của những người đi trước và lắng nghe tiếng biển thì thầm về một chặng đường bi tráng đã qua. Đập đổ tấm bia là một trọng tội với lịch sử, và giống như số phận của tập đoàn Taliban khi bắn sụp các tượng Phật ngàn năm ở Afghanistan, không có đất sống cho những kẻ từ chối, khinh bỉ và hủy diệt các giá trị văn hóa thiêng liêng của dân tộc mình.

© 2005 talawas

Post Reply