TIN TỨC THẾ GIỚI HÀNG NGÀY

Xin cho biết tin từ đâu ra, phát xuất từ nước nào!!!
User avatar
CarteNoire
Posts: 361
Joined: Mon Sep 21, 2009 11:58 pm

Re: TIN TỨC THẾ GIỚI HÀNG NGÀY

Post by CarteNoire »

Putin khó tránh trách nhiệm khi quân Nga thất bại ở Ukraine
12 tháng 11 2022
Image
Steve Rosenberg, nhà báo BBC, Moscow

Ngay sau khi Nga xâm lược Ukraine, những người dẫn chương trình truyền hình tại Nga đã tự tin dự đoán rằng trong vài ngày tới quân đội Nga sẽ hành quân qua Kyiv.

Đó là gần chín tháng trước.

Tuần này, những người dẫn đau khổ khi họ thông báo "quyết định khó khăn" của quân đội trong việc rút lực lượng Nga khỏi Kherson.

Chỉ 6 tuần trước, Tổng thống Putin từng tuyên bố sáp nhập vùng Kherson cùng với 3 vùng lãnh thổ khác của Ukraine, khẳng định rằng vùng này sẽ mãi mãi là một phần của Nga.

Người dẫn Vladimir Solovyov nói: "Thật là đau đớn khi quân đội quay lưng khỏi Kyiv và Chernihiv. Nhưng đó là quy luật chiến tranh ... chúng ta đang chiến đấu với Nato."

Đó chính xác là cách Điện Kremlin cố gắng tuyên truyền: bằng cách đổ lỗi cho phương Tây.

Thông điệp từ các phương tiện truyền thông nhà nước Nga là ở Ukraine, Nga đang đối đầu sức mạnh tổng hợp của Mỹ, Anh, EU và NATO.

Nói cách khác, thất bại trên chiến trường không phải do lỗi của Điện Kremlin mà là do sự tiếp tay của những kẻ thù bên ngoài.

Đầu tuần này, chính các tướng lĩnh đã đưa ra thông báo rằng các lực lượng Nga sẽ được rút khỏi một phần khu vực Kherson.

Truyền hình Nga chiếu cảnh Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu ra lệnh sau khi tham vấn với Tướng Surovikin.

"Bộ trưởng Quốc phòng đã đưa ra quyết định, tôi không có gì để nói về điều này", phát ngôn viên của Tổng thống Putin, Dmitry Peskov, nói với các nhà báo hôm thứ Sáu.

Nhưng chính Tổng thống Putin là người ra lệnh xâm lược Ukraine.

Cái mà ông ấy gọi là 'chiến dịch quân sự đặc biệt' là ý tưởng của Putin.

Có một mối nguy hiểm ở đây đối với Vladimir Putin, trước cả cuộc rút lui khỏi Kherson.

Các sự kiện xảy ra trong 9 tháng qua có nguy cơ thay đổi cách nhìn nhận tổng thống ở quê nhà: không phải dân chúng Nga, nhưng - quan trọng - là tầng lớp thượng lưu Nga, những người xung quanh ông.

Trong nhiều năm, họ đã coi ông Putin như một nhà chiến lược bậc thầy, một người chiến thắng. Họ đã coi ông ta như là trụ cột của hệ thống mà họ là một phần.

Tuy nhiên, "chiến thắng" đã bị thiếu hụt kể từ ngày 24 tháng 2.

Cuộc xâm lược của Vladimir Putin đã không diễn ra theo kế hoạch.

Điện Kremlin từng miêu tả Vladimir Putin là "người tạo ra ổn định" ở Nga.

Điều đó đang khó thuyết phục lúc này.

User avatar
muanuadem
Posts: 461
Joined: Sun Apr 19, 2009 6:47 pm

Re: TIN TỨC THẾ GIỚI HÀNG NGÀY

Post by muanuadem »

Dù có bất đồng, G20 kết thúc bằng tuyên bố lên án Nga
November 18, 2022
NUSA DUA, Indonesia (NV) – Các thành viên của nhóm G20, nhóm những nước có nền kinh tế hàng đầu thế giới, vừa kết thúc hội nghị thượng đỉnh hôm Thứ Tư, 16 Tháng Mười Một, với tuyên bố lên án mạnh mẽ cuộc chiến ở Ukraine và cảnh báo rằng cuộc xâm lăng đang làm cho nền kinh tế thế giới, vốn đã bất ổn đang trở nên tồi tệ hơn, theo AP.

Tuyên bố bế mạc của hội nghị thượng đỉnh rất đáng chú ý vì các nhà lãnh đạo trên thế giới đang cố gắng lên án chiến tranh bất chấp sự chia rẽ trong nội bộ G20, chẳng hạn như Trung Quốc và Ấn Độ có mối quan hệ giao thương chặt chẽ với Moscow và không rõ ràng chỉ trích cuộc xâm lăng của Nga.
Image
Tổng Thống Joe Biden (phải) và Tổng Thống Indonesia Joko Widodo tại đảo Bali.
(Hình minh họa: Dita Alangkara/Pool/AFP via Getty Images)
Tuyên bố cho biết “hầu hết các thành viên đều lên án mạnh mẽ cuộc chiến ở Ukraine và nhấn mạnh rằng chiến tranh gây ra những đau khổ cho con người và ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn cầu.” Việc sử dụng từ “hầu hết” là một dấu hiệu cho thấy sự chia rẽ, cũng như thừa nhận rằng “có quan điểm khác biệt” và G20 “không phải là diễn đàn giải quyết các vấn đề an ninh.”

Mặc dù vậy, việc tuyên bố có sử dụng những từ ngữ từ nghị quyết Tháng Ba của Liên Hiệp Quốc, trong đó lên án mạnh mẽ hành động của Nga và yêu cầu rút quân hoàn toàn vô điều kiện là “bước đột phá lớn,” theo ông John Kirton, giám đốc Nhóm Nghiên Cứu G20.

Diễn biến về cuộc xung đột ở Ukraine trở nên trầm trọng hơn trong thời gian diễn ra hội nghị, khi một hỏa tiễn rơi vào miền Đông Ba Lan. Sự việc khiến Tổng Thống Mỹ Joe Biden phải gấp rút sắp xếp một cuộc họp khẩn cấp với các thành viên G7 và NATO tại hội nghị thượng đỉnh. Ông nhận định “không có khả năng” Nga bắn hỏa tiễn, nhưng nhấn mạnh sẽ điều tra chính xác.

Sau đó vào hôm Thứ Tư, 16 Tháng Mười Một, người đứng đầu Ba Lan và NATO cho biết vụ tấn công này dường như là không cố ý và có thể là do lực lượng phòng không Ukraine thực hiện khi đang chống lại các cuộc bắn phá bằng hỏa tiễn của Nga. Tuy nhiên Tổng Thống Ukraine Volodymyr Zelensky bác bỏ những kết luận sơ khởi và yêu cầu điều tra thêm. Còn phía Nga phủ nhận việc có liên quan đến vụ tấn công.

Tham dự cùng ông Biden tại hội nghị G20 có Chủ Tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Thủ Tướng Ấn Độ Narendra Modi và Thủ Tướng Anh Rishi Sunak. Tổng Thống Nga Vladimir Putin không tham dự.

Hôm Thứ Ba, 15 Tháng Mười Một, Nga tấn công nhiều thành phố của Ukraine bằng hàng chục cuộc tấn công hỏa tiễn nhằm vào hạ tầng cơ sở cung cấp năng lượng của nước này, khiến cả chục triệu người bị mất điện trong bối cảnh mùa Đông đang đến gần.

Ngôn từ thận trọng của tuyên bố cuối cùng của G20 phản ánh những căng thẳng tại cuộc họp và thách thách mà Mỹ và các đồng minh phải đối mặt khi cố gắng cô lập chính quyền Nga. Một số thành viên G20, bao gồm nước chủ nhà Indonesia, không muốn vướng vào tranh chấp giữa các cường quốc.

Thủ Tướng Đức Olaf Scholz cho biết dù G20 có đưa ra tuyên bố rõ ràng, thì việc đó cũng không thể thành hiện thực nếu không có sự hỗ trợ của các nước quan trọng, bao gồm cả Ấn Độ và Nam Phi.

G20 được thành lập vào năm 1999 và là một diễn đàn giải quyết các thách thức kinh tế, gồm các nước Argentina, Úc, Brazil, Canada, Trung Quốc, Pháp, Đức, Ấn Độ, Indonesia, Ý, Nhật Bản, Nam Hàn, Mexico, Nga, Saudi Arabia, Nam Phi, Thổ Nhĩ Kỳ, Anh, Mỹ và Liên Minh Châu Âu. Tây Ban Nha giữ ghế khách thường trực.


Tuyên bố bế mạc dài 16 trang cũng bày tỏ lo lắng về một loạt vấn đề, bao gồm khủng hoảng lương thực và năng lượng trở nên tồi tệ hơn do cuộc chiến ở Ukraine. Các nhà lãnh đạo nói rằng họ sẽ thực hiện “những hành động khẩn cấp để cứu mạng sống, ngăn chặn nạn đói và suy dinh dưỡng, đặc biệt là giải quyết tình trạng dễ bị tổn thương của các nước đang phát triển.”

Tổng Thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan bày tỏ hy vọng rằng thỏa thuận xuất cảng ngũ cốc từ Ukraine do Thổ Nhĩ Kỳ và Liên Hiệp Quốc làm trung gian sẽ được gia hạn trước khi hết hạn vào Chủ Nhật, 20 Tháng Mười Một. (V.Giang) [qd]

User avatar
tiendung
Posts: 329
Joined: Wed Dec 01, 2010 10:09 pm

Re: TIN TỨC THẾ GIỚI HÀNG NGÀY

Post by tiendung »

Thất bại trong bầu cử địa phương, Tổng Thống Thái Anh Văn từ chức lãnh đạo đảng
November 27, 2022
ĐÀI BẮC, Đài Loan (NV) — Bà Thái Anh Văn (Tsai Ing-wen), tổng thống Đài Loan, vừa từ chức lãnh đạo đảng Dân Chủ Cấp Tiến, đảng đang cầm quyền tại Đài Loan, sau khi đảng của bà thất bại trong cuộc bầu cử địa phương, trong đó cử tri nghiêng về đảng đối lập là Quốc Dân Đảng, theo AP hôm Thứ Bảy, 26 Tháng Mười Một.

Những lo ngại về các mối đe dọa từ Trung Quốc, quốc gia luôn tuyên bố Đài Loan là lãnh thổ của mình, đang nhường chỗ cho những vấn đề mang tính địa phương hơn trong cuộc bầu cử.
Image
Tổng Thống Thái Anh Văn (Tsai Ing-wen) đi bỏ phiếu. (Hình: Annabelle Chih/Getty Images)
Hiện tại ở Đài Loan đang tổ chức nhiều cuộc bầu cử chọn thị trưởng, thành viên hội đồng thành phố và các nhà lãnh đạo khác ở 13 quận hạt và chín thành phố. Ứng cử viên của Quốc Dân Đảng đã giành được ghế thị trưởng ở Đài Bắc, Đào Viên, Đài Trung và Tân Đài Bắc.

Bà Thái Anh Văn nhiều lần lên tiếng về chủ trương “phản đối Trung Quốc, bảo vệ Đài Loan” trong các chiến dịch vận động cho đảng của mình.


Tuy nhiên ông Chen Shih-chung, ứng cử viên đảng Dân Chủ Cấp Tiến, người vừa thua trong cuộc tranh cử thị trưởng Đài Bắc, chỉ nêu lên vấn đề về đảng Cộng Sản Trung Quốc trong vài lần trước khi chuyển nhanh chóng sang các vấn đề địa phương.

Bà Thái Anh Văn loan báo từ chức vào tối ngày Thứ Bảy, 26 Tháng Mười Hai. Trong bài phát biểu ngắn, bà gửi lời cảm ơn đến những người ủng hộ.

Trong khi các nhà quan sát quốc tế và đảng cầm quyền cố gắng liên kết cuộc bầu cử với mối đe dọa hiện hữu lâu dài từ Trung Quốc, thì nhiều chuyên gia địa phương không nghĩ rằng Trung Quốc có vai trò lớn trong khoảng thời gian này.


Theo ông Yeh-lin Wang, giáo sư khoa học chính trị tại đại học National Taiwan University, cho biết cộng đồng quốc tế đang nâng một cuộc bầu cử mang tính địa phương lên tầm quốc tế.

Về vấn đề các cuộc tập trận quân sự quy mô lớn của Trung Quốc nhằm đáp trả chuyến thăm Đài Loan của Chủ Tịch Hạ Viện Nancy Pelosi, ông Wang cho rằng khi vấn đề này không được chú ý nhiều trong cuộc đua ở Đài Bắc, thì nó cũng chẳng đáng phải xem xét trong các cuộc đua ở những thành phố phía Nam.

Tối Thứ Bảy, 26 Tháng Mười Một, trong một cuộc diễn hành lớn, ông Chiang Wan-an, thị trưởng Đài Bắc mới, tuyên bố chiến thắng với phát biểu “Tôi sẽ để thế giới thấy sự vĩ đại của Đài Bắc.”

Ông Kao Hung-an, một ứng cử viên của đảng Nhân Dân Đài Loan, giành được ghế thị trưởng ở Hsinchu, nơi có nhiều công ty bán dẫn của Đài Loan.


Các chiến dịch bầu cử tập trung nhiều vào những vấn đề địa phương như: ô nhiễm không khí ở thành phố Đài Trung, kẹt xe ở trung tâm kỹ thuật Nangang của Đài Bắc, chiến lược mua vaccine COVID-19. Trong đợt bùng dịch năm ngoái, vì vấn đề mua vaccine, hòn đảo này bị thiếu hụt nguồn cung cấp vaccine.

Thất bại của đảng cầm quyền trong cuộc bầu cử địa phương lần này có thể một phần là do cách đảng này giải quyết đại dịch.

Ông You Ting-lung, chủ tịch Tổ Chức Ý Kiến Cộng Đồng Đài Loan, cho biết nếu đảng Cấp Tiến Dân Chủ mất nhiều ghế ở địa phương, thì khả năng cầm quyền của họ sẽ bị ảnh hưởng. Theo ông, kết quả bầu cử theo một cách nào đó cũng phản ánh thái độ của công chúng với đảng cầm quyền. (V.Giang) [kn]

User avatar
bichphuong
Posts: 574
Joined: Mon Apr 25, 2016 12:10 am
Been thanked: 1 time

Re: TIN TỨC THẾ GIỚI HÀNG NGÀY

Post by bichphuong »

Ngoại trưởng Mỹ: NATO lo ngại về việc tăng cường quân sự ‘mờ ám’ của Trung Quốc
30/11/2022

Image
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken phát biểu tại Bucharest, Romania, ngày 30/11/2022.

Hôm 30/11, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken cho biết các đồng minh NATO lo ngại về sự tăng cường quân sự nhanh chóng và không rõ ràng của Trung Quốc cũng như sự hợp tác của nước này với Nga, đồng thời thảo luận về các biện pháp cụ thể để giải quyết các thách thức do Bắc Kinh đặt ra, theo Reuters.

“Các thành viên trong liên minh của chúng tôi vẫn lo ngại về các chính sách cưỡng ép của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, bằng cách sử dụng thông tin sai lệch, bằng việc phát triển quân đội nhanh chóng, không minh bạch, bao gồm cả việc hợp tác với Nga,” ông Blinken nói trong một cuộc họp báo sau cuộc họp kéo dài hai ngày của các ngoại trưởng của liên minh quốc phòng phương Tây.

“Nhưng chúng tôi cũng cam kết duy trì đối thoại mang tính xây dựng với Trung Quốc bất cứ khi nào có thể và chúng tôi hoan nghênh các cơ hội để cùng nhau giải quyết những thách thức chung”, ngoại trưởng Mỹ nói thêm.

Trong khi NATO tiếp tục tập trung vào việc duy trì sự hỗ trợ thống nhất cho Ukraine, các thành viên cũng muốn tăng cường khả năng phục hồi của liên minh bằng cách xem xét những thách thức mới, bao gồm cả những thách thức do Trung Quốc đặt ra, ông Blinken nói.

“Những gì chúng ta nói hôm nay, một lần nữa, đảm bảo rằng chúng ta đang làm việc để thích nghi theo những cách cụ thể để đáp ứng các thách thức,” ông Blinken nói mà không nêu chi tiết.

Hoa Kỳ và các đồng minh của họ nhận ra rằng có một cuộc cạnh tranh để định hình thế giới đằng sau sự chia rẽ của Chiến tranh Lạnh

“Có một sự thừa nhận rằng theo nhiều cách, cũng có cái mà người châu Âu gọi là sự cạnh tranh có hệ thống giữa Trung Quốc và nhiều quốc gia của chúng tôi,” ông Blinken nói. “Nhưng cũng có một sự thừa nhận rằng bất cứ khi nào có thể, chúng ta phải tìm cách hợp tác trong những vấn đề thực sự lớn”.

User avatar
ngayngo
Posts: 1208
Joined: Sat Nov 01, 2008 8:34 pm

Re: TIN TỨC THẾ GIỚI HÀNG NGÀY

Post by ngayngo »

Tài liệu thu được tiết lộ kế hoạch sáp nhập Ukraine trong 10 ngày và tiêu diệt các lãnh đạo Ukraine của Nga

Cù Tuấn
dịch
3-12-2022
Nga đã lên kế hoạch chiếm Ukraine trong vòng mười ngày và tiêu diệt các nhà lãnh đạo của nước này, theo các tài liệu mới dường như được Tổng thống Nga Vladimir Putin ký.


Các kế hoạch bị rò rỉ này được Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh Hoàng gia (Rusi) tiết lộ, cho thấy, Nga có ý định sáp nhập Ukraine vào tháng 8.

Nga dự định chiếm các sân bay, nguồn cung cấp nước, Ngân hàng trung ương và quốc hội của Ukraine khi các quan chức Ukraine bỏ chạy hoặc bị bắt “do tốc độ của cuộc xâm lược”.

Điện Kremlin đã tạo ra một “danh sách tiêu diệt” gồm những người Ukraine nên bị giết hoặc đàn áp.


Theo Rusi, kế hoạch này chỉ được một số ít quân đội Nga biết đến và các chỉ huy đơn vị đã không nhận được lệnh xâm lược cho đến vài giờ trước đó.

Kế hoạch sử dụng các đơn vị đổ bộ đường không Belarus

Cuộc xâm lược được cho là bắt đầu bằng một “chiến dịch không kích và tên lửa quy mô lớn” nhằm vào các mục tiêu quân sự Ukraine.

Cơ sở hạ tầng quan trọng bao gồm đường sắt và nhà máy điện sẽ không bị nhắm mục tiêu vì đây là những điều bắt buộc để giành toàn quyền kiểm soát Ukraine.

Cộng đồng tình báo Ukraine tin rằng, Nga cũng đã lên kế hoạch sử dụng các đơn vị đổ bộ đường không của Belarus để giúp đánh chiếm các nhà máy điện hạt nhân Rivne và Khmelnytsky.

Các quan chức Nga đã lên kế hoạch đăng ký toàn bộ dân số bằng cách đi đến từng nhà, ghi chú xem họ có nên bị loại bỏ hay liệu họ có khả năng hợp tác hay không.

Họ sẽ chia dân Ukraine thành bốn loại: những người cần phải giết ngay; những người cần đàn áp và đe dọa; những người được coi là trung lập, những người nên được khuyến khích cộng tác và những người chuẩn bị cộng tác.

Người dân Ukraine sẽ được xử lý thông qua các trại thanh lọc.

Nga cũng có ý định cưỡng chế sự hợp tác của chính quyền địa phương và các thống đốc khu vực, với việc Cơ quan An ninh Liên bang được chỉ đạo truy bắt các quan chức địa phương.

Theo thời gian, các kế hoạch đã được đề xuất để “cải tạo” người Ukraine bằng cách nhập khẩu các giáo viên và các quan chức khác từ Nga.

cuoigia
Posts: 255
Joined: Thu Aug 06, 2009 6:57 pm

Re: TIN TỨC THẾ GIỚI HÀNG NGÀY

Post by cuoigia »

Nhật tăng năng lực quân sự đối phó Trung Quốc
Hiếu Chân
21 tháng 12, 2022

Image
Một số người dân Tokyo tụ tập trước văn phòng của Thủ tướng Fumio Kishida hôm 16 tháng Mười Hai 2022 mang theo biểu ngữ phản đối kế hoạch tăng chi tiêu quân sự của chính phủ vì cho rằng điều đó trái với Điều 9 trong Hiến pháp “hòa bình” của Nhật. Ảnh David Mareuil/Anadolu Agency via Getty Images

Cán cân quân sự ở Đông Á sẽ có sự thay đổi lớn trong vài năm tới khi Nhật Bản thực hiện kế hoạch gia tăng năng lực quốc phòng lớn nhất kể từ Chiến tranh Thế giới thứ Hai với Trung Quốc là đối thủ được nhắm tới.

Trong một bước đột phá lớn so với nguyên tắc chỉ tự vệ của Hiến pháp Nhật Bản, hôm qua thứ Sáu 16 Tháng Mười Hai 2022, chính phủ của Thủ tướng Fumio Kishida đã thông qua chiến lược an ninh quốc gia mới, tuyên bố kế hoạch xây dựng khả năng tấn công phủ đầu và mở rộng kho hỏa tiễn hành trình để chủ động hơn trước các mối đe dọa từ nước láng giềng Trung Quốc và Triều Tiên.

Tăng chi tiêu quốc phòng lên 2% GDP

Với Trung Quốc, Triều Tiên và Nga nằm ngay phía Tây và phía Bắc, Nhật Bản “phải đối mặt với môi trường an ninh quốc gia phức tạp và nghiêm trọng nhất kể từ khi kết thúc chiến tranh [thế giới thứ hai]”, bản chiến lược nhấn mạnh. Nhật gọi Trung Quốc là “thách thức chiến lược lớn nhất” – trên cả Triều Tiên và Nga – đối với nỗ lực của Nhật Bản nhằm đảm bảo hòa bình, an toàn và ổn định cho chính mình và thế giới.


Phát biểu trong một cuộc họp báo hôm thứ Sáu, Thủ tướng Fumio Kishida mói rằng việc sở hữu khả năng tấn công là “không thể thiếu” để Nhật ngăn chặn các cuộc tấn công của kẻ thù. “Khi các mối đe dọa trở thành hiện thực, Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (SDF) có bảo vệ được hoàn toàn đất nước của chúng ta không? Thành thật mà nói, [khả năng của SDF] hiện tại là không đủ,” ông Kishida nói, theo AP.

Theo chiến lược này, chi tiêu quốc phòng của Nhật Bản trong năm năm 2022-2027 sẽ vào khoảng 43 ngàn tỷ yen ($320 tỷ), tương đương 2% GDP của Nhật, gấp 1.6 lần so với tổng chi tiêu trong năm năm hiện tại. Mức 2% GDP là tỷ lệ tối thiểu đầu tư cho quốc phòng được Hoa Kỳ yêu cầu các nước thành viên khối NATO thực hiện; Nhật không nằm trong NATO nhưng là đồng minh chiến lược về an ninh của Mỹ nên cũng có nghĩa vụ nâng tỷ lệ chi cho quốc phòng lên 2% GDP. Với chi tiêu quốc phòng $320 tỷ trong năm năm, và có thể lên 10 ngàn tỷ yen ($73 tỷ) mỗi năm, Nhật sẽ xếp thứ ba về chi tiêu quân sự, tương ứng với quy mô kinh tế của mình, sau Hoa Kỳ và Trung Quốc

Thủ tướng Kishida cho biết tăng ngân sách là ưu tiên chính sách của ông kể từ khi nhậm chức vào Tháng Mười năm 2021.

Trọng tâm là hỏa tiễn

Do quá khứ từng là kẻ xâm lược và phải đầu hàng không điều kiện, chính sách thời hậu chiến của Nhật Bản ưu tiên tăng trưởng kinh tế, còn về an ninh thì dựa vào quân đội Mỹ đóng tại Nhật Bản theo thỏa thuận an ninh song phương giữa hai nước. Việc xây dựng quốc phòng của Nhật Bản từ lâu đã được coi là một vấn đề nhạy cảm ở trong nước và trong khu vực, đặc biệt là đối với các nước châu Á từng là nạn nhân của các hành động tàn bạo trong thời chiến của Nhật Bản.

Nhưng các chuyên gia cho rằng do Trung Quốc gia tăng nhanh chóng sức mạnh quân sự, sự kiện Nga xâm lược Ukraine và lo ngại về tình trạng khẩn cấp của Đài Loan đã khiến nhiều người Nhật Bản ủng hộ việc tăng cường năng lực và chi tiêu quốc phòng.

Image
Một hỏa tiễn hành trình Tomahawk được bắn lên từ tàu khu trục USS Barry (DDG-52) tại Địa Trung Hải đế tấn công các mục tiêu ở Syria trong chiến dịch Odyssey Dawn tháng 3-2011. Tomahawk là loại hỏa tiễn dẫn đường bằng vệ tinh được hải quân Mỹ, Anh đánh giá rất cao và đang được chính phủ Nhật đàm phán để mua số lượng lớn. Ảnh US Navy via Getty Images.
Chiến lược an ninh quốc gia Nhật Bản cho rằng sự tiến bộ nhanh chóng của công nghệ hỏa tiễn đã trở thành “mối đe dọa thực tế” trong khu vực, khiến việc đánh chặn bằng các hệ thống phòng thủ hỏa tiễn hiện tại trở nên khó khăn hơn. Trong năm nay Triều Tiên đã bắn hơn 30 hỏa tiễn đạn đạo, trong đó có một tên lửa bay qua lãnh thổ Nhật Bản. Trong hành động phản ứng với chuyến thăm Đài Loan của Chủ tịch Hạ Viện Mỹ Nancy Pelosi hồi Tháng Tám, Trung Quốc đã bắn năm tên lửa đạn đạo vào vùng biển gần các đảo phía nam của Nhật Bản bao gồm cả đảo Okinawa – nơi có các căn cứ quân sự lớn của Mỹ.

Theo kế hoạch đề ra trong chiến lược, Nhật sẽ chi 5 nghìn tỷ yên ($37 tỷ) để mua từ nước ngoài các hỏa tiễn đất đối đất, bao gồm hỏa tiễn Tomahawk của Lockheed Martin và Hỏa tiễn đối không liên kết đất đối đất (Joint Air-to-Surface Standoff Missile), trong khi Công ty công nghiệp nặng Mitsubishi của Nhật Bản phát triển hỏa tiễn dẫn đường đất đối hạm Type-12. Để nhanh chóng ứng phó với các cuộc tấn công có thể xảy ra, Nhật Bản cũng sẽ triển khai một số đơn vị hỏa tiễn dự phòng tại các địa điểm không được tiết lộ.

Các mặt hàng khác trong danh sách mua sắm quân sự của Nhật bao gồm hỏa tiễn đánh chặn, máy bay không người lái tấn công và trinh sát, thiết bị liên lạc vệ tinh, chiến đấu cơ tàng hình F-35, trực thăng, tàu ngầm, tàu chiến và máy bay vận tải hạng nặng.

Khả năng tấn công phủ đầu

Một mục tiêu lớn trong kế hoạch của Nhật Bản là phát triển cái gọi là “khả năng phản công” mà theo các chuyên gia quân sự, chỉ là cách nói khác của khả năng tấn công phủ đầu; cho phép Nhật Bản tấn công các căn cứ hỏa tiễn của đối phương khi phát hiện âm mưu tấn công Nhật Bản ngay cả trước khi các hỏa tiễn đó được khai hỏa. Chiến lược an ninh mới của Nhật nói rõ nước này phải đạt được khả năng “ngăn chặn và đánh bại các cuộc xâm lược chống lại quốc gia của mình sớm hơn nhiều và ở khoảng cách xa hơn”.

Khả năng phản công của Nhật sẽ hình thành sớm nhất là vào năm 2026 khi các hệ thống hỏa tiễn Tomahawk tầm xa mạnh mẽ do Hoa Kỳ cung cấp được triển khai trên thực địa. Các quan chức quốc phòng Nhật Bản cho biết họ vẫn đang đàm phán chi tiết về việc mua hỏa tiễn Tomahawk.

Việc phát triển năng lực phản công như vừa nói là đặt dấu chấm hết cho chính sách của chính phủ Nhật Bản từ năm 1956, theo đó phản công chỉ được coi là biện pháp phòng vệ cuối cùng được quy định trong hiến pháp.

“Bằng việc tăng cường căn bản sức mạnh quốc phòng, chúng ta phải chuẩn bị vững chắc cho tình huống xấu nhất”, chiến lược mới cho biết.
Image
Thủ tướng Nhật Fumio Kishida họp báo hôm 16 Tháng Mười Hai công bố chiến lược an ninh
quốc gia mới của Nhật, kế hoạch tăng chi tiêu quốc phòng và mua sắm vũ khí. Ảnh David Mareuil/Anadolu Agency via Getty Images
Chính phủ Nhật Bản đã đổi tên cái được gọi là tấn công phủ đầu thành “khả năng phản công”, dường như để nhấn mạnh rằng đó là để tự vệ. Tomohisa Takei, một đô đốc đã nghỉ hưu của Hải quân Nhật Bản, cho biết dù diễn đạt theo cách nào thì chiến lược an ninh mới của Nhật vẫn xác định mối đe dọa chính là Trung Quốc, mà Nhật Bản đã phải chuẩn bị đối phó, còn mối đe dọa từ Triều Tiên chỉ được sử dụng “như một vỏ bọc”.


Nhưng “khả năng phản công” hoặc “tấn công phủ đầu” là chuyện rất khó thực hiện khi Nhật hoàn toàn dựa vào tình báo Hoa Kỳ để phát hiện sớm các dấu hiệu chuẩn bị phóng tên lửa của kẻ thù, nhằm ngăn chặn cuộc tấn công một cách hiệu quả mà không bị đổ lỗi cho việc thực hiện một cuộc tấn công phủ đầu. Christopher Johnstone, cố vấn cấp cao và chủ tịch Nhật Bản tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, cho biết sẽ cần một liên minh Nhật-Mỹ sâu sắc hơn thì Nhật mới phát triển được năng lực phản công.

Phản ứng của các nước

Trung Quốc tất nhiên đã phản ứng giận dữ với chiến lược quốc phòng mới của Nhật. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Vương Văn Bân (Wang Wenbin) cáo buộc Nhật Bản “phớt lờ sự thật, đi chệch khỏi cam kết đối với quan hệ Trung Quốc-Nhật Bản và những hiểu biết chung giữa hai nước, đồng thời làm mất uy tín của Trung Quốc một cách vô căn cứ”. “Việc thổi phồng cái gọi là mối đe dọa từ Trung Quốc để lấy cớ xây dựng quân đội của Nhật chắc chắn sẽ thất bại,” ông Vương cho biết hôm thứ Sáu tại một cuộc họp báo hàng ngày.

Hàn Quốc cho biết hôm thứ Sáu rằng Nhật Bản phải tham khảo ý kiến ​​của Seoul trước khi thực hiện bất kỳ hành động nào ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi ích quốc gia của Seoul, chẳng hạn như thực thi khả năng phản công nhắm vào Bán đảo Triều Tiên. Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho biết trong một tuyên bố rằng Hàn Quốc “mong muốn” Nhật Bản thực hiện chính sách an ninh để đóng góp cho hòa bình và ổn định khu vực.

Ngày 16 Tháng Mười Hai, chính quyền Mỹ đã ca ngợi chiến lược an ninh mới của Nhật, gọi đây là một bước đi “táo bạo và mang tính lịch sử” nhằm duy trì hòa bình ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, theo hãng tin Kyodo News.

Trên Twitter, Tổng thống Mỹ Joe Biden gọi liên minh Mỹ-Nhật là “nền tảng của một Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và cởi mở”. Ông cho biết Washington “hoan nghênh những đóng góp của Nhật cho hòa bình và thịnh vượng”.

Cố vấn An ninh Quốc gia Hoa Kỳ Jake Sullivan trong một tuyên bố cho biết chiến lược mới của Nhật Bản “đặt ra tầm nhìn của Thủ tướng Kishida và người dân Nhật Bản về một cộng đồng đối tác và đồng minh rộng lớn và mạnh mẽ trong khu vực”. “Mục tiêu của Nhật Bản tăng đáng kể đầu tư quốc phòng cũng sẽ củng cố và hiện đại hóa liên minh Mỹ-Nhật,” ông Sullivan nói thêm.

Đọc thêm:

Bài học từ chiến tranh Ukraine, từ Nhật Bản đến Việt Nam
Bắc Hàn bắn thử hỏa tiễn ngang qua Nhật Bản

User avatar
muanuadem
Posts: 461
Joined: Sun Apr 19, 2009 6:47 pm

Re: TIN TỨC THẾ GIỚI HÀNG NGÀY

Post by muanuadem »

Nga cay cú với chuyến thăm Mỹ của Zelenskyy
Bình Phương
24 tháng 12, 2022


Image

Chủ tịch Hạ Viện Nancy Pelosi và Phó Tổng thống Kamala Harris nhận từ tay Tổng thống V. Zelenskyy quà tặng là lá quốc kỳ Ukraine mang tới từ tiền tuyến, có chữ ký của các binh sĩ Ukraine đang chiến đấu chống quân xâm lược Nga ở miền Đông Ukraine, sau khi ông Zelenskyy có bài phát biểu trước các nghị sĩ lưỡng viện Quốc hội Mỹ hôm 21 tháng Mười Hai 2022. Ảnh Chip Somodevilla/Getty Images

Người dân Ukraine tưng bừng chào đón Tổng thống Volodymyr Zelenskyy trở về sau chuyến thăm lịch sử tới Hoa Kỳ. Họ ca ngợi chuyến đi của ông là thành công trong khi các nhà lãnh đạo Nga cho rằng chuyến thăm chỉ thúc đẩy xung đột và coi Ukraine chỉ là quân bài mặc cả trong tay Washington.

Sáng sớm thứ Năm 22 tháng Mười Hai, phi cơ chở ông Zelenskyy hạ cánh xuống Ba Lan trên đường trở về Ukraine, theo thông tin mà ông Zelenskyy đăng trên mạng xã hội. Một đoạn video cho thấy ông ta được các quan chức Ba Lan đón sau khi xuống máy bay. Ông Zelenskyy và Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda ôm nhau, chào nhau rồi ngồi nói chuyện.

Trong chuyến thăm của ông Zelenskyy, Hoa Kỳ đã công bố gói viện trợ quân sự mới trị giá $1,8 tỷ, bao gồm cả việc cung cấp hệ thống phòng không Patriot, loại hỏa tiễn phòng không mạnh nhất mà Ukraine mong có để chống lại những vụ không kích của Nga vào các cơ sở hạ tầng nước này.


Người Ukraine coi chuyến đi của tổng thống của họ là một thành công rực rỡ.

Trong khi đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin nói với các phóng viên: “Họ [Hoa Kỳ] nói rằng họ có thể gửi Patriot tới đó, tốt thôi, chúng tôi cũng sẽ tiêu diệt Patriot”. Ông Putin cho biết thêm rằng việc chuyển giao vũ khí của Mỹ sẽ chỉ kéo dài cuộc giao tranh. “Những người làm điều đó làm như vậy là vô ích, nó chỉ kéo dài thêm xung đột,” Putin nói thêm.

Putin đồng thời tái khẳng định Nga sẵn sàng đàm phán với Ukraine về chấm dứt xung đột. “Bằng cách này hay cách khác, tất cả các cuộc xung đột vũ trang đều kết thúc bằng đàm phán. Những người chống lại chúng ta càng sớm hiểu ra điều đó thì càng tốt. Chúng tôi không bao giờ từ chối các cuộc đàm phán.”

Cho đến nay, đàm phán giữa Nga và Ukraine luôn bế tắc vì lập trường của hai bên cách nhau rất xa. Putin muốn Ukraine phải chấp nhận thực tế là một số vùng lãnh thổ của họ đã bị Nga xâm chiếm và sáp nhập trong khi Ukraine cương quyết đòi Nga phải rút quân và hoàn trả những vùng lãnh thổ của Ukraine theo đường biên giới đã được quốc tế công nhận trước khi nổ ra chiến tranh.

Dmitry Belik, một thành viên Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nga, thì cay cú hơn khi nói với báo chí rằng việc Tổng thống Zelenskyy đặt niềm tin vào Mỹ là một “sai lầm chết người” sau bài phát biểu ấn tượng của ông Zelenskyy trước lưỡng viện Quốc hội Hoa Kỳ. “Tất cả các đồng minh của Hoa Kỳ đều kết thúc rất tệ hại, bị gạt ra rìa, hoặc tệ hơn, bị ném vào thùng rác của lịch sử. Người Mỹ chỉ có một đồng minh là chính họ, những người khác chỉ là nhân vật phụ bảo đảm cho sự thịnh vượng của họ và có thể bị phản bội nếu có chuyện gì xảy ra”, ông Belik nói, theo Newsweek.

Đại sứ Nga tại Hoa Kỳ Anatoly Antonov, cáo buộc ông Zelenskyy và các quan chức Mỹ “tập trung vào chiến tranh … và tiếp tục cột chặt chế độ Ukraine vào các nhu cầu của Washington.”


Truyền hình nhà nước Nga đã tìm cách hạ thấp sự hỗ trợ quân sự và chính trị mà Zelenskyy nhận được trong chuyến đi đến Washington; họ nhấn mạnh rằng không phải tất cả các thành viên Quốc hội Hoa Kỳ đều có mặt để nghe Zelenskyy phát biểu. Các nhà bình luận Nga cũng chỉ trích “trang phục giản dị” của nhà lãnh đạo Ukraine trong chuyến thăm Tòa Bạch Ốc và đàm đạo với Tổng thống Mỹ Joe Biden.
Image
Tổng thống Ukraine V. Zelenskyy được Tổng thống Joe Biden đón tiếp thân mật tại Tòa Bạch Ốc hôm 21 tháng Mười Hai 2022. Ảnh Drew Angerer/Getty Images

Trong một biến cố liên quan, nhà lãnh đạo vùng Donetsk do Moscow dựng lên tại một phần lãnh thổ bị quân Nga chiếm đóng thông báo quân đội Ukraine đã pháo kích vào một khách sạn ở thành phố Donetsk, đã giết chết hai người và làm bị thương một số người khác vào tối hôm quan thứ Tư. Trong số người bị thương có Dmitry Rogozin, cựu phó thủ tướng Nga và từng là người đứng đầu tập đoàn hàng không vũ trụ Roscosmos cua chính phủ Nga.

Truyền thông Nga đưa tin Rogozin đang tổ chức sinh nhật tại một nhà hàng ở Donetsk thì tòa nhà bị tấn công bằng hỏa tiễn. Sau đó, Rogozin báo rằng ông ta đã được lên lịch phẫu thuật vì một mảnh kim loại găm vào xương sống phía trên xương bả vai phải của ông ta.

Trong một tuyên bố hôm thứ Năm, Lực lượng Biên phòng Ukraine ngầm thừa nhận trách nhiệm vụ pháo kích ở Donetsk, nói rằng Rogozin đã vượt biên trái phép vào Ukraine và hành động đó “có hậu quả”.

Hôm nay thứ Năm, một vụ đánh bom xe đã giết chết người đứng đầu làng Lyubymivka do Nga chỉ định ở khu vực phía nam Kherson do Nga kiểm soát, truyền thông nhà nước Nga đưa tin. Trong nhiều tháng qua, quân du kích Ukraine đã hoạt động rất mạnh sau các phòng tuyến của Nga ở phía nam và phía đông Ukraine bị chiếm đóng, nhắm mục tiêu vào các quan chức, tổ chức và cơ sở hạ tầng quan trọng do Kremlin dựng lên.

nguyenthanh
Posts: 859
Joined: Fri Jan 06, 2012 5:40 pm

Re: TIN TỨC THẾ GIỚI HÀNG NGÀY

Post by nguyenthanh »

Nga phóng hơn 120 hỏa tiễn vào Ukraine, dập tắt đàm phán hòa bình
December 29, 20222172

KIEV, Ukraine (NV) – Nga tiếp tục leo thang chiến tranh, phóng hơn 120 hỏa tiễn hành trình vào các thành phố Ukraine vào rạng sáng Thứ Năm, 29 Tháng Mười Hai.

Theo Reuters, đây là một trong những đợt không kích lớn nhất mà phía Nga thực hiện tại Ukraine. Các hỏa tiễn được phóng đi từ mặt đất và tàu chiến.
Image
Cảnh tượng hoang tàn tại Kiev sau khi Nga tấn công bằng hỏa tiễn vào ngày 29 Tháng Mười Hai. (Hình: Genya Savilov/AFP via Getty Images)

Cuộc không kích bắt đầu vào khoảng 7 giờ sáng. Hỏa tiễn nhắm vào thủ đô Kiev, cùng các thành phố lớn của Ukraine như Lviv, Odessa, Kharkiv, Zaporizhzhia… Trước khi phóng hỏa tiễn, Nga còn tấn công bằng một số máy bay không người lái “tự sát.”


Mục tiêu của các cuộc không kích vẫn là các cơ sở năng lượng của Ukraine. Thị trưởng Lviv cho biết 90% thành phố gần biên giới Ba Lan này bị mất điện.

Không có báo cáo về các ca tử vong trong đợt không kích này.

Phía Ukraine cho biết họ đã bắn hạ được 54 hỏa tiễn của Nga.

Ông Dmytro Kuleba, ngoại trưởng Ukraine, gọi hành động này là man rợ vô lương tâm, khi tấn công vào những thành phố Ukraine yên bình vào thời điểm ngày đón năm mới đang tới gần.

Cuộc tấn công hỏa tiễn mới nhất này cho thấy những tuyên bố “muốn chấm dứt chiến tranh tại Ukraine thông qua đàm phán ngoại giao” của ông Vladimir Putin, tổng thống Nga, là không thực tế.

Ông Volodymyr Zelensky, tổng thống Ukraine, vào ngày 28 Tháng Mười Hai đưa ra một kế hoạch hòa bình với 10 điểm. Trong đó, ông Zelensky đặt điều kiện tiên quyết là Nga phải tôn trọng chủ quyền của Ukraine, rút toàn bộ quân đội ra khỏi những vùng đang chiếm đóng tại Ukraine.

Đáp lại, ông Sergei Lavrov, ngoại trưởng Nga, nói rằng những đề nghị của tổng thống Ukraine là “hoang tưởng.” Phía Nga yêu cầu Ukraine phải công nhận những vùng mà Nga tuyên bố sát nhập, bao gồm Luhansk và Donetsk, Kherson và Zaporizhzhia. Nga còn yêu cầu Ukraine phải công nhận Crimea, vùng bán đảo ở khu vực Hắc Hải mà Nga đã chiếm đóng từ năm 2014, là thuộc Nga. (HD) [qd]

User avatar
TheLang
Posts: 1960
Joined: Thu Oct 30, 2008 5:43 am

Re: TIN TỨC THẾ GIỚI HÀNG NGÀY

Post by TheLang »

ĐGH Francis chủ trì lễ tang cựu ĐGH Benedict, tín đồ đề nghị phong thánh
January 5, 2023

VATICAN CITY, Vatican (NV) – Đức Giáo Hoàng (ĐGH) Francis chủ trì lễ tang cựu ĐGH Benedict 16 hôm Thứ Năm, 5 Tháng Giêng, nhẹ nhàng chạm tay vào linh cữu người tiền nhiệm trong lúc chống gậy đứng trước hàng chục ngàn người viếng tang, vài người trong số đó đề nghị phong thánh cho vị cựu giáo hoàng, theo Reuters.

Cựu ĐGH Benedict qua đời Thứ Bảy tuần trước, chấm dứt 10 năm đương kim giáo hoàng và cựu giáo hoàng cùng sống ở Vatican, và đây là lần đầu tiên trong hơn 200 năm một giáo hoàng chủ trì lễ tang người tiền nhiệm.
Image
Đức Giáo Hoàng Francis (giữa) chủ trì lễ tang cựu Đức Giáo Hoàng Benedict 16 hôm Thứ Năm, 5 Tháng Giêng, ở Vatican City, Vatican. (Hình: Antonio Masiello/Getty Images)
Cựu ĐGH Benedict qua đời là nỗi mất mát lớn đối với người bảo thủ vì họ muốn Công Giáo trở lại thời kỳ truyền thống hơn như thời của ngài. Cựu ĐGH Benedict bất ngờ thoái vị năm 2013, là giáo hoàng đầu tiên thoái vị trong 600 năm.

Cuối lễ tang trên Quảng Trường St. Peter’s, một số người hét lớn bằng tiếng Ý “Santo Subito!” (Hãy phong thánh cho ngài ngay!). Đây cũng là câu mà người ta nghe thấy tại lễ tang cựu ĐGH John Paul II năm 2005, nhưng lúc đó, có nhiều người đề nghị hơn.

Trong số năm vị cựu giáo hoàng gần đây nhất, ba người được phong thánh, nhưng trong số tất cả giáo hoàng trong lịch sử 2,000 năm của Công Giáo, chỉ khoảng 1/3 được phong thánh.

Mặc dù nhiều nhân vật nổi bật ca ngợi cựu ĐGH Benedict kể từ khi ngài qua đời, nhưng cũng nhiều người chỉ trích ngài, trong đó có nạn nhân vụ bê bối lạm dụng tình dục của giới tu sĩ. Những người đó cáo buộc ngài tìm cách bảo vệ Công Giáo bằng mọi giá.

ĐGH Francis hầu như ngồi suốt lễ tang vì đau gối, cả khi ngài đọc thuyết pháp. Trong bài thuyết pháp, ĐGH Francis chỉ nhắc tới tên vị cựu giáo hoàng một lần. Khoảng 50,000 người dự lễ tang trên quảng trường đầy sương mù.

Cuối lễ tang, ĐGH Francis đứng dậy lúc linh cữu vị cựu giáo hoàng được đưa đi an táng bên trong thánh đường St. Peter’s Basilica. Cuối đầu cầu nguyện lặng lẽ, ĐGH Francis chạm tay một lúc vào linh cữu.
Image
Khoảng 50,000 người đến viếng cựu Đức Giáo Hoàng Benedict 16 ở Vatican City, Vatican, hôm Thứ Năm, 5 Tháng Giêng. (Hình: Marco Di Lauro/Getty Images)

ĐGH Francis năm nay 86 tuổi, lớn hơn 1 tuổi so với cựu ĐGH Benedict lúc thoái vị. ĐGH Francis ngồi xe lăn suốt thời gian qua nhưng không tỏ dấu hiệu chậm lại. Ngài có kế hoạch thăm Phi Châu và Bồ Đào Nha mấy tháng tới.

Bản thân ĐGH Francis cũng từng nói rõ ngài sẽ không ngần ngại thoái vị một ngày nào đó nếu ngài không đủ sức khỏe thể chất hoặc tinh thần để thực hiện nhiệm vụ.


Cựu Đức Giáo Hoàng Benedict sinh ở Marktl, tiểu bang Bavaria, Đức, năm 1927, và từng là Hồng Y Joseph Ratzinger của Đức. Năm 16 tuổi, cựu Đức Giáo Hoàng Benedict đi lính phòng không Đức, và bị lính Mỹ bắt giam một thời gian ngắn rồi thả ra.

Năm 1951, cựu Đức Giáo Hoàng Benedict thụ phong linh mục, rồi vươn lên làm người đứng đầu Công Giáo năm 2005 ở tuổi 78.

Năm 2013, Đức Giáo Hoàng Benedict gây chấn động thế giới khi quyết định thoái vị sau tám năm với lý do tuổi cao, sức yếu giữa lúc xảy ra vụ bê bối tình dục trong giới tu sĩ gây khủng hoảng cho Công Giáo. Quyết định này đánh dấu lần đầu tiên trong hơn 600 năm lịch sử Vatican có một vị giáo hoàng từ chức. Vị giáo hoàng thoái vị trước đó là ngài Gregory 12, vào năm 1415.


Tháng Giêng năm nay, theo bản báo cáo độc lập, cựu Đức Giáo Hoàng Benedict không có biện pháp gì đối với bốn vụ quấy nhiễu tình dục khi còn làm tổng giám mục Munich từ năm 1977 tới 1982. Sau đó, cựu Đức Giáo Hoàng Benedict xin lỗi về cách giải quyết những vụ đó, nhưng thừa nhận không làm gì sai.

Kể từ khi thoái vị, cựu Đức Giáo Hoàng Benedict hầu như ít xuất hiện trước công chúng. (Th.Long) [qd]

User avatar
dodom
Posts: 2723
Joined: Fri Nov 28, 2008 8:38 pm

Re: TIN TỨC THẾ GIỚI HÀNG NGÀY

Post by dodom »

Teheran treo cổ cựu thứ trưởng quốc phòng
Việt Bình
14 tháng 1, 2023

Image
Ông Alireza Akbari (Twitter)

Hôm nay, 14 Tháng Một 2023, nhà cầm quyền Iran cho biết họ đã xử tử một cựu quan chức quốc phòng cấp cao với tội danh gián điệp, một động thái có thể làm trầm trọng thêm căng thẳng với phương Tây, trong bối cảnh chính phủ Teheran đang đối đầu với các cuộc biểu tình trên toàn quốc.

Alireza Akbari, cựu Thứ trưởng Quốc phòng, bị kết tội tuồn thông tin mật liên quan an ninh quốc gia cho Cơ quan tình báo Anh, MI6, để đổi lấy hơn $2 triệu, hãng tin Mizan của Cơ quan tư pháp Iran cho biết. Ông Akbari đã bị treo cổ, theo Mizan, dù họ không nói rõ vụ hành quyết diễn ra khi nào hoặc cung cấp thêm chi tiết nào liên quan.

Cơ quan Tình báo Iran gọi ông Akbari là siêu điệp viên và là một trong những người cung cấp thông tin quan trọng nhất tiết lộ bí mật quốc gia cho MI6. Cơ quan Tư pháp Iran cho biết Akbari đã được các nhà ngoại giao Anh tuyển dụng làm gián điệp dưới vỏ bọc thiết lập quan hệ thương mại. Ông Akbari bị bắt ở Tehran hai hoặc ba năm trước, nhưng vụ bắt giữ mới được công khai trong tuần qua. Là công dân mang hai quốc tịch (Iran và Anh) đầu tiên được biết đến, ông cũng là quan chức nổi tiếng của Iran và là cựu thành viên Lực lượng Vệ binh Cách mạng tinh nhuệ.


“Đây là một hành động nhẫn tâm và hèn nhát, được thực hiện bởi một chế độ man rợ không tôn trọng nhân quyền,” Thủ tướng Anh Rishi Sunak viết trên Twitter vào Thứ Bảy 14 Tháng Một 2023.

Ngoại trưởng Anh James Cleverly gọi vụ hành quyết là “một hành động man rợ” và nói rằng vụ việc có động cơ chính trị. Vụ hành quyết có khả năng làm xấu hơn nữa mối quan hệ của Teheran với phương Tây, vốn căng thẳng nghiêm trọng kể từ khi các cuộc đàm phán nhằm khôi phục một thỏa thuận quốc tế dỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với Tehran và hạn chế chương trình hạt nhân của nước này bị đình chỉ vào năm ngoái.

Iran đã bị quốc tế chỉ trích nặng nề vì thẳng tay đàn áp phong trào chống chính quyền của người dân nổ ra từ Tháng Chín 2022 sau cái chết của Mahsa Amini, cô gái trẻ bị bắt vì cáo buộc vi phạm quy định về trang phục Hồi giáo. Tính đến nay, Iran đã kết án tử hình ít nhất 16 người liên quan các cuộc biểu tình; và đã hành quyết bốn nạn nhân. Đức và Vương quốc Anh đang kêu gọi châu Âu đưa Lực lượng Vệ binh Cách mạng vào danh sách các tổ chức khủng bố như Mỹ đã làm vào năm 2019.

Ông Akbari, cựu chỉ huy Lực lượng Vệ binh Cách mạng, từng giữ nhiều vai trò quốc phòng khác nhau trong ba thập niên. Ông là cố vấn thân cận và thứ trưởng quốc phòng đặc trách các vấn đề quốc tế thời Tổng thống theo đường lối cải cách Mohammad Khatami. Bộ trưởng Quốc phòng khi đó, Ali Shamkhani, hiện là thư ký của Hội đồng An ninh Quốc gia Tối cao, cơ quan an ninh hàng đầu của Iran. Được giới quan sát đánh giá là người hòa giải giữa phe bảo thủ và phe cải cách ở Iran, Ali Shamkhani hiện bị những người theo đường lối cứng rắn của Iran chỉ trích khi đề xuất đàm phán sâu hơn giữa Teheran và Washington trong các cuộc nghị đàm hạt nhân.

Trong một dấu hiệu khác cho thấy khuynh hướng cứng rắn đang áp đảo trong chính trường Tehran, Lãnh đạo tối cao Iran Ali Khamenei hồi đầu tháng này đã bổ nhiệm Ahmadreza Radan, một cựu thành viên Lực lượng Vệ binh Cách mạng, người trước đây đóng vai trò quan trọng trong việc đàn áp bạo lực các cuộc biểu tình, làm sếp cơ quan cảnh sát quốc gia.

Một tòa án Iran trong tuần này cũng đã kết án một nhân viên cứu trợ người Bỉ, Olivier Vandecasteele, 40 năm tù và 74 roi sau khi kết tội ông làm gián điệp, hợp tác với chính phủ Hoa Kỳ, buôn lậu ngoại tệ và rửa tiền. Bỉ đã lên án các cáo buộc là bịa đặt. Iran muốn Bỉ trả tự do cho Assadollah Assadi, một nhà ngoại giao Iran bị cầm tù ở Bỉ vì âm mưu khủng bố nhằm vào một nhóm đối lập Iran lưu vong.

Post Reply