TIN TỨC THẾ GIỚI HÀNG NGÀY

Xin cho biết tin từ đâu ra, phát xuất từ nước nào!!!
User avatar
khieulong
Posts: 6756
Joined: Wed Dec 01, 2004 9:09 pm
Been thanked: 1 time

Post by khieulong »

Các nhà lãnh đạo Thiên Chúa Giáo La Mã viếng thi thể Ðức Giáo Hoàng
Hôm nay, hàng vạn người đã tụ tập ở Quảng trường Thánh Phê rô để dự Thánh lễ đầu tiên của nhiều buổi lễ nhằm truy điệu vị tu sĩ người Ba Lan đã lãnh đạo giáo hội Công giáo La mã trong 26 năm qua.Hàng chục vị Hồng y đã trợ giúp Hồng y Angelo Sodano, Quốc vụ khanh Tòa Thánh Vatican, cử hành Thánh lễ bằng tiếng La tinh tại các bậc thềm trước đại giáo đường Thánh Phê Rô. Hàng vạn người đứng chen chúc ở quảng trường và các con đường xung quanh. Nhiều người đã qua đêm ở quảng trường này sau khi cái chết của Đức giáo hoàng được loan báo lúc 9 giờ 37 phút tối thứ 7 giờ Roma.

Hôm nay, các viên chức Tòa Thánh nói rằng nguyên do tử vong chính thức là chấn động vì nhiễm trùng và suy tim.
Các viên chức tòa thánh đã bắt đầu lễ chiêm bái di thể Đức Giáo hoàng Gioan Phao Lồ Đệ Nhị tại điện Vatican. Những người khác sẽ được phép đến viếng linh cữu của giáo hoàng trong vài ngày tới đây khi di thể của vị giáo hoàng 84 tuổi này được dời tới Đại giáo đường Thánh Phê rô.

Đức Giáo hoàng Gioan Phao Lồ Đệ Nhị là nhà lãnh đạo Công giáo du hành nhiều nhất trong lịch sử và là người tại vị lâu hàng thứ ba trong lịch sử 2000 năm của giáo hội hiện có hơn 1 tỉ tín đồ trên khắp thế giới. Ngài được nhiều người ngưỡng mộ và yêu thương về tài lãnh đạo tinh thần và đạo đức, và về vai trò của Ngài trong việc thúc đẩy cho sự sụp đổ trong hòa bình của chế độ Cộng sản ở Đông Âu.

Ngoài ra, Ngài cũng được tán dương trong việc cố gắng hàn gắn các mối quan hệ giữa giáo hi Công giáo với những người theo Do thái giáo, Hồi giáo và những tôn giáo khác, cùng với những nỗ lực nhằm duy trì tình đoàn kết giữa các giáo hội Cơ đốc.

Thi hài Giáo hoàng John Paul II được quàn tại phòng bích hoạ Sala Clementina.

Trong bộ lễ phục màu đỏ thẫm, trên đầu là chiếc mũ tế giám mục màu trắng, Giáo hoàng John Paul II đang bình thản nằm trong phòng Sala Clementine, Vatican.Đó là những hình ảnh do kênh truyền hình Vatican truyền đi toàn thế giới. Đây là lần đầu tiên người dân thế giới được thấy cố Giáo hoàng kể từ lần cuối cùng Ngài xuất hiện trước công chúng hôm 30/3. thi hài của Giáo hoàng được đặt ngay trước lò sưởi của phòng Clementine, hai bên là hai người lính gác Thuỵ Sĩ. Trên tường có huy hiệu của Vatican, hình cây thập ác được đặt một bên còn bên kia là một cây nến được trang trí công phu đang cháy. Đầu của John Paul II được đặt nằm trên một chiếc gối vàng, hai tay Ngài khoanh lại và phía dưới bên trái là một đội Giám mục đang quỳ gối.

Các Tổng giám mục và Thủ tướng Italia Silvio Berlusconi đứng xếp hàng phía sau để chờ tới lượt vào viếng. Thư ký riêng của John Paul II, Tổng giám mục Stanislaw Dziwisz nằm trong số những người dừng lại bên chân của Giáo hoàng để dành một phút tưởng niệm.

Hồng y giáo chủ Camillo Ruini, Cha cả giáo khu Rome thì quỳ gối bên thi thể Giáo hoàng. Trong lúc này, đức Giáo chủ thị thần Vatican, Hồng y giáo chủ Eduardo Martinez Somalo người Tây Ban Nha đang đọc điếu văn và kinh thánh bằng tiếng Latin. Toàn bộ các nghi lễ này được truyền trực tiếp trên tất cả các kênh truyền hình khác của Italia.

Phòng Clementine là một căn phòng lớn được xây dựng từ thế kỷ 17. Khắp quanh phòng được trang trí bởi những bức tranh tường, còn được gọi là bích hoạ. Căn phòng nằm ngay gần dinh thự của Giáo hoàng. Khi còn sống, Ngài thường dùng căn phòng này để tiếp các lãnh đạo thế giới trong đó có Tổng thống Mỹ George W. Bush.

Theo lịch trình, thi hài của Giáo hoàng sẽ được quàn tại đây lúc 12h30 để các quan chức Toà thánh La mã, các nhà chức trách và phái đoàn ngoại giao tới viếng. Sau đó, vào chiều mai (4/4), thi hài sẽ được chuyển khỏi Điện Giáo hoàng ra Nhà thờ Basilica tại St. Peter's để công chúng viếng.

Nghi lễ cổ xưa xác minh Giáo hoàng thật sự qua đời đã được tiến hành lúc 4h30 chiều nay (giờ VN). Theo đó, Đức cha cả phụ trách trị sự trong Toà thánh sẽ thông báo với Giáo chủ thị thần. Người này phải xác minh rằng Giáo hoàng đích thực đã qua đời trước sự chứng kiến của Đức cha chủ trì, các giám mục trong Hội đồng toà thánh và Thư ký toà thánh - người sẽ chịu trách nhiệm viết giấy chứng tử.

User avatar
khieulong
Posts: 6756
Joined: Wed Dec 01, 2004 9:09 pm
Been thanked: 1 time

Post by khieulong »

Phản ứng của thế giới trước tin Giáo hoàng qua đời
Tổng thống Mỹ George W Bush :
''Bầy tôi trung thành và tốt bụng của Chúa đã được gọi về nhà. Thế giới đã mất đi một nhà quán quân về hoà bình và tự do''.

Thứ trưởng Ngoại giao Vatican, Tổng giám mục Leonardo Sandri: ''Tất cả chúng ta cảm thấy như mình bị mồ côi tối nay''. Tổng thống Italia Carlo Azeglio Ciampi : ''Người Italia đang khóc thương trước sự ra đi của một người cha. Đức giáo hoàng sẽ luôn được nhớ đến như một trong những người của tự do và công lý''.

Tổng thư ký LHQ Kofi Annan: ''Tôi thực sự đau buồn trước cái chết của Giáo hoàng John Paul II...Ngoài vai trò là một người hướng đạo tinh thần cho hơn một tỷ đàn ông, phụ nữ, trẻ em, người còn ủng hộ không mệt mỏi cho hoà bình, một người tiên phong thực sự trong đối thoại tin tưởng lẫn nhau...''

Thủ tướng Anh Tony Blair: ''Thế giới đã mất đi một nhà lãnh đạo tôn giáo, người được mọi người thuộc mọi tín ngưỡng và không tín ngưỡng kính trọng''.

Tổng thống Pháp Jacques Chirac: ''Sự đau buồn này in đậm ở nước Pháp, mọi người dân Pháp, những người đồng cảm với thông điệp từ Nhà thờ Thiên chúa giáo''.

Thủ tướng Canada Paul Martin : ''Lịch sử sẽ ghi lại rằng Giáo hoàng John Paul II đã có đóng góp quan trọng trong sự đổi mới dân chủ tại Trung và Đông Âu và chấm dứt Chiến tranh lạnh''.

Vatican TV : ''Thiên thần đã đón người''.

Ngoại trưởng Israel Silvan Shalom: ''Israel, người Do Thái và toàn thể thế giới hôm nay đã mất đi nhà quán quân vĩ đại về hoà giải và tình anh em giữa các đức tin...Đây là một mất mát to lớn, trước tiên đối với Nhà thờ Thiên chúa giáo và hàng trăm triệu tín đồ, nhưng đây cũng là một mất mát lớn đối với toàn nhân loại''.

Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas: ''Chúng ta đã mất đi một nhân vật tôn giáo rất quan trọng, người đã cống hiến cả đời mình vì hoà bình và công lý cho mọi người''.

User avatar
khieulong
Posts: 6756
Joined: Wed Dec 01, 2004 9:09 pm
Been thanked: 1 time

Post by khieulong »

Linh cữu của Đức Giáo Hoàng được chuyển sang giáo đường Thánh Phê Rô
Image Linh cữu của Ðức Giáo Hoàng được đưa sang Giáo Ðường Thánh Phê Rô
Vào giờ này, các giới chức Tòa Thánh Vatican đang chuyển linh cữu của Đức Giáo Hoàng Gioan Phao Lồ Đệ Nhị từ Dinh Apostol qua Công Trường Thánh Phêrô sang giáo đường Thánh Phêrô. Hằng trăm ngàn người tụ tập gần Tòa Thánh Vatican để xem cuộc rước lễ chính thức của hàng giáo phẩm Thiên Chúa Giáo La Mã, các giới chức Tòa Thánh Vatican và các nhân viên đoàn Vệ binh nghi thức.Giáo đường Thánh Phêrô sẽ mở cửa 22 giờ một ngày cho tới lúc cử hành tang lễ vào 10 giờ sáng giờ địa phương ngày thứ Sáu tuần này để những người hành hương được chiêm bái di thể Đức Giáo Hoàng và tỏ lòng kính ngưỡng đối với Ngài.Đức Giáo Hoàng Gioan Phao Lồ Đệ Nhị sẽ được an táng vào ngày Thứ Sáu này tại phòng hầm mộ ở phía dưới Giáo Đường Thánh Phêrô.

Các giới chức Vatican dự kiến là sẽ có khoảng 100 vị nguyên thủ quốc gia và khoảng 2 triệu người hành hương tham gia tang lễ.Tổng Thống Hoa Kỳ và đệ nhất phu nhân Laura Bush dẫn đầu phái đoàn Hoa Kỳ đi dự tang lễ Đức Giáo Hoàng.Các màn ảnh truyền hình lớn đang được đặt ở khắp thành phố Vatican và nhiều nơi tại Roma để giáo dân có thể dự khán lễ tiễn đưa giáo hoàng đến nơi an nghỉ cuối cùng. Ít nhất 65 vị hồng y hôm nay đã họp tại phủ tông tòa để xác định chi tiết tang lễ.Tuy nhiên, một phát ngôn viên cho biết các vị hồng y chưa ấn định ngày tháng của cuộc họp mật viện để bầu giáo hoàng mới. Cuộc họp sẽ phải khởi sự trước ngày 22 tháng này.

User avatar
khieulong
Posts: 6756
Joined: Wed Dec 01, 2004 9:09 pm
Been thanked: 1 time

Post by khieulong »

Những nhân vật có khả năng kế vị John Paul II Suy đoán về việc ai sẽ trở thành Giáo hoàng tiếp theo chỉ có một điều duy nhất chắc chắn. Các hồng y phải đứng trước hai lựa chọn: hoặc tiếp theo John Paul II chọn ra một vị giáo hoàng không phải người Italy, hoặc trở lại với truyền thống xưa kia. John Paul, gốc Ba Lan, là vị giáo hoàng đầu tiên không phải người Italy trong 455 năm. Ông đã đem lại một sức sống mới cho Nhà thờ Công giáo. Vì thế một quan điểm được đưa ra là những người bầu chọn giáo hoàng nên tiếp tục tinh thần này bằng cách công nhận các trung tâm Công giáo khác bên ngoài châu Âu ở Mỹ Latin và châu Phi. Còn quan điểm kia là vị trí lãnh đạo Vatican nên được trả lại cho người Italy sau 26 năm triều đại John Paul II.Hiện không có nhân vật nào chiếm ưu thế rõ ràng, khi 117 hồng y chuẩn bị cuộc họp kín trong tháng này.

Một loạt cái tên được coi là có nhiều tiềm năng. Trong đó phải kể đến hồng y Francis Arinze, người Nigeria, và hồng y Claudio Hummes, người Brazil. Hồng y Francis Arinze, 72 tuổi, trong suốt 20 năm qua là nhân vật then chốt của Vatican phụ trách quan hệ với Hồi giáo. Các hồng y chọn vị giáo hoàng tiếp theo có thể cân nhắc đến yếu tố quan trọng này, bởi Arinze đến từ một quốc gia quy tụ cả Hồi giáo và Thiên chúa giáo.

Điều này dẫn tới suy đoán rằng ông có thể trở thành giáo hoàng châu Phi đầu tiên trong hơn 1.500 năm. Là một người rất sùng đạo, ông thường đi về phía văn phòng của mình gần Vatican với chuỗi tràng hạt trên tay trong khi cầu nguyện và luôn mỉm cười. Arinze sinh ra trong một gia đình theo thuyết duy linh ở làng Eziowelle. Lên 9 tuổi, ông mới được rửa tội để chuyển sang Công giáo. Ông có những quan điểm bảo thủ giống như John Paul về việc nạo thai và các vấn đề gia đình.

Còn Hummes, 70 tuổi, là tổng giám mục Sao Paulo, Brazil, thường kêu gọi chú ý tới việc chống nghèo đói và ảnh hưởng của toàn cầu hoá tới các nền kinh tế. Những người ủng hộ ông cho rằng vai trò của Brazil là một cường quốc kinh tế và chính trị ở Mỹ Latin có thể giúp Vatican đối phó với sự mới nổi lên của các nhà thờ phái Phúc âm tại khu vực. Hồng y Oscar Andres Rodiguez Maradiaga (người Honduras), 62 tuổi, tổng giám mục vùng Tegucigalpa, cũng được coi là có hy vọng. Nhưng việc lựa chọn ông sẽ là một bước đột phá quá mức đối với những nhân vật bảo thủ ở Vatican. Ông từng nghiên cứu tâm lý học lâm sàng, phong cách rất năng động và thẳng thắn.

Trong số những người Italy, hồng y Dionigi Tettamanzi, tổng giám mục Milan, theo tư tưởng ôn hoà, có khả năng điều hành thiên bẩm, phong thái thu hút giới trẻ. Nhưng Tettamanzi, 71 tuổi, lại không phải là một người hay công du và một số người chỉ trích cho rằng ông có thể gây ấn tượng Italy quá đậm nét.

Hai nhân vật Italy khác được nhắc đến còn có: hồng y Angelo Scola của Venice, 63 tuổi, khá trẻ trung, cùng Giovanni Battista Re, 71 tuổi, giữ chức chủ tịch uỷ ban Vatican cho khu vực Mỹ Latin từ năm 2001.

Tại châu Âu cũng có một số ngôi sao đang nổi lên. Đó là hồng y Christoph Schoenbon, tổng giám mục 69 tuổi của Vienna, Áo, có tài ngoại giao và thông thạo nhiều thứ tiếng. Ngoài ra, Hồng y Godfried Danneels, 71 tuổi, người Bỉ, nổi tiếng trong giới chính trị và ngoại giao. Hồng y Joseph Radzinger, vị tổng trưởng người Đức phụ trách Bộ Giáo lý Đức tín hùng mạnh, 78 tuổi, cũng là một tên tuổi hàng đầu. Ông là một người thân tín của John Paul II và được những người muốn duy trì các quan điểm bảo thủ của vị giáo hoàng quá cố ủng hộ.

Trong số hội đồng bầu giáo hoàng gồm 117 hồng y dưới 80 tuổi, châu Âu có đông số phiếu bầu nhất với 58 vị, riêng Italy đã có 20. Mỹ Latin góp 21 và châu Phi có 11. Nước Mỹ cũng có tới 11 hồng y và có thể làm đổi chiều lá phiếu nếu họ hợp sức với nhau. Tuy nhiên, một vị hồng y người Mỹ là một điều không tưởng, vì Vatican sẽ tránh một sự liên hệ phức tạp như vậy với siêu cường duy nhất của thế giới.

Tuy nhiên, mọi dự đoán bây giờ đều khó chính xác. Chỉ cần nhớ lại rằng sau 2 ngày và 8 vòng bỏ phiếu 26 năm trước, các hồng y mới chọn ra được Karol Wojtyla (tên thật của John Paul II), người chưa bao giờ được coi là một ứng cử viên nghiêm túc. Nhiều người khi đó đã không thể tin ở tai mình.

User avatar
khieulong
Posts: 6756
Joined: Wed Dec 01, 2004 9:09 pm
Been thanked: 1 time

Post by khieulong »

Nguyên thủ 42 nước về Rome dự tang lễ Giáo hoàng Theo ước tính ban đầu, tang lễ đức Giáo hoàng John Paul II sẽ có sự tham gia của lãnh đạo 42 quốc gia trên thế giới và Tổng thư ký LHQ Kofi Annan.

Nghi lễ:

Thi hài Giáo hoàng được chuyển từ Vatican tới Nhà thờ St. Peter's để công chúng tới viếng. Lễ tang và lễ mai táng sẽ được tiến hành vào ngày thứ 6 tuần này (8/4). Các nhà lãnh đạo thế giới cùng nhiều chính khách quan trọng khác sẽ tham dự tang lễ. Nhiều hồng y giáo chủ bao gồm những vị sẽ tham gia Họp kín cũng sẽ có mặt. Hồng y chủ tế sẽ là Chủ tịch Hội đồng Hồng y giám mục, hiện là Hồng y giáo chủ Joseph Ratzinger, người Đức.

Lễ tang sẽ kéo dài trong hơn 2 giờ đồng hồ.

Trong buổi lễ, các lính gác người Thuỵ Sĩ mặc đồng phục 3 màu hồng, vàng và đỏ sẽ quỳ gối, tay phải cầm kích còn tay trái chào.

Tại lễ tang Đức Giáo hoàng John Paul I năm 1978, quan tài của Ngài được đặt trên một tấm thảm dày ngay trước bệ thờ. Các Hồng y giáo chủ mặc lễ phục màu đỏ thắm xếp hàng đi vào theo thứ tự thâm niên và lần lượt ngồi xuống ghế.

Trong lễ tang hai vị Giáo hoàng trước, một quyển kinh Phúc âm được đặt trên nóc quan tài để tượng trưng cho sự trở lại với địa vị bình thường.

Vài thế kỷ trở lại đây, nhiều Giáo hoàng đã chọn lựa nơi chôn cất ngay tại hầm mộ Nhà thờ St. Peter's. Sau đám tang, quan tài của Giáo hoàng sẽ được khiêng qua "cánh cửa tử thần" ở bên trái bệ thờ chính trong Nhà thờ St. Peter's.

Một hồi chuông sẽ ngân lên.

Rồi quan tài được hạ xuống một chiếc quách bằng đá cẩm thạch và chiếc quách được đậy lại bằng một phiến đá lớn.

Danh sách các vị khách danh dự tới lễ tang Giáo hoàng John Paul II được xếp theo vần chữ cái tên nước:

Albania: Tổng thống Al Moisiu, Thủ tướng Fatos Nano

Argentina: Phó Tổng thống Daniel Scioli, Ngoại trưởng Rafael Bielsa.

Áo: Tổng thống Heinz Fischer, Thủ tướng Wolfgang Schuessel, Chủ tịch Nghị viện Andreas Khol.

Bỉ: Quốc vương Albert II, Hoàng hậu Paola, Thủ tướng Guy Verhofstadt.

Brazil: Tổng thống Luiz Inacio Lula da Silva.

Anh: Thái tử Charles, Thủ tướng Tony Blair.

Bulgaria: Tổng thống Georgi Parvanov.

Canada: Thủ tướng Paul Martin.

Chile: Ngoại trưởng Ignacio Walker.

Colombia: Phó Tổng thống Francisco Santos.

Costa Rica: Tổng thống Abel Pacheco.

Cộng hoà Czech: Tổng thống Vaclav Klaus, Ngoại trưởng Cyril Svoboda.

Cộng hoà Dominica: Đệ nhất phu nhân Margarita Cedeno và Đại sứ Dominica tại Vatican Carlos Rafael Marion-Landais.

El Salvador: Đệ nhất phu nhân Ana Ligia Mixco de Saca, Ngoại trưởng Francisco Lainez.

Estonia: Tổng thống Arnold Ruutel.

Phần Lan: Thủ tướng Matti Vanhanen.

Pháp: Tổng thống Jacques Chirac và Phu nhân Bernadette.

Đức: Thủ tướng Gerhard Schroeder, Tổng thống Horst Koehler.

Guatemala: Tổng thống Oscar Berger cùng phu nhân; Ngoại trưởng Jorge Briz và người được giải Nobel Hoà bình Rigoberta Menchu.

Haiti: Thủ tướng lâm thời Gerard Latortue.

Hungary: Tổng thống Ferenc Madl, Thủ tướng Ferenc Gyurcsany.

Ấn Độ: Phó Tổng thống Bhairon Singh Shekhawat.

Ai Len: Tổng thống Mary McAleese, Thủ tướng Bertie Ahern.

Lativa: Tổng thống Vaira Vike-Freiberga.

Lebanon: Tổng thống Emile Lahoud, Thủ tướng Omar Karami.

LIECHTENSTEIN: Hoàng tử Hans-Adam II, Công chúa Marie, Hoàng tử Nicholas.

LITHUANIA: Tổng thống Valdas Adamkus.

LUXEMBOURG: Đại Công tước Henri và Nữ Đại công tước Maria Teresa, Thủ tướng Jean-Claude Juncker.

NICARAGUA: Tổng thống Enrique Bolanos, Ngoại trưởng Norman Caldera, Đại sứ tại Vatican Armando Luna.

PANAMA: Đệ nhất phu nhân Vivian Fernandez de Torrijos.

Ba Lan: Tổng thống Aleksander Kwasniewski và Phu nhân, Thủ tướng Marek Belka, Cựu Tổng thống Lech Walesa.

Bồ Đào Nha: Chủ tịch Uỷ ban châu Âu Jose Manuel Barroso, Tổng thống Jorge Sampaio.

ROMANIA: Tổng thống Traian Basescu, Thủ tướng Calin Popescu Tariceanu.

Nga: Thủ tướng Mikhail Fradkov; Tổng giám mục Kirill, Ngoại trưởng theo Nhà thờ chính thống Nga.

Serbia và Montenegro: Tổng thống Kosovo Ibrahim Rugova.

Slovakia: Tổng thống Ivan Gasparovic, Chủ tịch Quốc hội Pavol Hrusovsky.

Tây Ban Nha: Thủ tướng Jose Luis Rodriguez Zapatero, Quốc vương Juan Carlos và Hoàng hậu Sofia.

Thuỵ Sĩ: Tổng thống Samuel Schmid.

Syria: Tổng thống Bashar Assad.

LHQ: Tổng thư ký Kofi Annan.

Mỹ: Tổng thống George Bush và Đệ nhất phu nhân Laura.

Uruguay: Đệ nhất phu nhân Maria Auxiliadora Delgado de Vazquez.

Venezuela: Ngoại trưởng Ali Rodriguez, Bộ trưởng Kế hoạch Jorge Giordanni.

Tang lễ Ðức Giáo Hoàng sẽ được cử hành vào thứ sáu

Cảnh sát tại Rome dự liệu có tới 2 triệu tín đồ hành hương và các du khách khác sẽ đến thành phố trong mấy ngày sắp tới để dự tang lễ đức Giáo Hoàng (AP)
Tổng thống Bush sẽ dẫn đầu phái đoàn Hoa Kỳ dự tang lễ đức Giáo Hoàng Gioan Phao Lô đệ nhị, nói rằng ông hoàn toàn hiểu được tại sao Ðức Giáo Hoàng chống đối cuộc chiến Iraq. Lên tiếng với các phóng viên tại Tòa Bạch Ốc vào hôm thứ hai, tổng thống Bush mô tả cố giáo hoàng là một người của hòa bình không muốn chiến tranh.

Ông nói rằng ông rất cảm kích những buổi đàm luận với Đức giáo hoàng liên quan đến cuộc chiến, nhưng không nói rằng Đức Giáo Hoàng đã có ảnh hưởng đến lối suy tư của ông về cuộc chiến này.

Tổng thống Bush nói rằng thật là một "vinh dự lớn lao" để ông cầm đầu phái đoàn đến dự lễ mai táng. Ông nói rằng thế giới sẽ nhớ đức giáo Hoàng Gioan Phao Lô đệ nhị, một nhân vật mà theo tổng thống, đã cho thấy rằng chỉ một người thôi cũng đủ để tạo nên được một khác biệt tốt đẹp hơn cho đời sống con người.

Hôm thứ hai, ít nhất 65 vị hồng y đã họp với nhau để ấn định những chi tiết của lễ mai tang đức Giáo Hoàng. Tuy nhiên một phát ngôn viên cho hay các hồng y chưa định ngày họp cơ mật viện để chọn vị giáo hoàng kế tiếp. Các vị sẽ phải khởi sự họp trễ nhất là vào ngày 22 tháng tư.

User avatar
khieulong
Posts: 6756
Joined: Wed Dec 01, 2004 9:09 pm
Been thanked: 1 time

Post by khieulong »

Trực thăng Hoa Kỳ rơi ở Afghanistan, 16 binh sỹ thiệt mạng Ngày 6/4, một chiến trực thăng của quân đội Hoa Kỳ đã rơi xuống một địa điểm gần thành phố Gazni ở Đông Nam Afghanistan làm ít nhất 16 người thiệt mạng.
Một quan chức cảnh sát Afghanistan cho biết, tất cả các nạn nhân xấu số, bao gồm toàn bộ 4 thành viên phi hành đoàn, đều là người Hoa Kỳ. Tuy nhiên, lực lượng quân đội Mỹ tại Afghanistan không tiết lộ bất kỳ thông tin nào về danh tính các nạn nhân. Hai người khác cũng được cho là mất tích trong vụ tai nạn này.

Theo nhận định của lực lượng Hoa Kỳ tại Afghanistan, thời tiết xấu là nguyên nhân gây khiến chiếc máy bay số hiệu CH-47 Chinook không thể tiếp đất an toàn sau khi vừa hoàn thành nhiệm vụ truy quét các tay súng vũ trang ở miền Nam Afghanistan.

Một thông báo của quân đội Hoa Kỳcho hay: "16 người được xác định đã thiệt mạng trong vụ tai nạn trên... Hai người khác hiện đang mất tích". Cũng theo thông báo này, danh tính những người thiệt mạng chỉ được chính thức công bố sau khi người nhà các nạn nhân được thông báo về cái chết của họ.

Nữ phát ngôn viên quân đội Mỹ Cindy Moore cho biết, chiếc máy bay gặp nạn là một trong hai chiếc trực thăng đang trên đường trở về căn cứ quân sự Bagram ở phía Bắc thủ đô Kabul thì mất liên lạc với trung tâm điều khiển.
Trong khi đó, các quan chức Afghanistan cho biết hiện không có dấu hiệu nào cho thấy chiếc trực thăng trên bị lực lượng nổi dậy ở Afghanistan tấn công.

Theo số liệu của Bộ Quốc phòng Mỹ, tính đến trước thời điểm xảy ra vụ tai nạn hôm Thứ Tư (6/4), đã có ít nhất 122 binh lính Mỹ thiệt mạng kể từ khi Mỹ phát động chiến dịch "Tự do bền vững" ở Afghanistan.

Hiện tại, Mỹ đang duy trì khoảng 17.000 binh lính tại Afghanistan để chống lại các cuộc tấn công của lực lượng nổi dậy do tàn quân Taleban cầm đầu. Tuy nhiên, theo Tướng David Barno - Chỉ huy trưởng lực lượng quân đội Mỹ tại Afghanistan, quân số Mỹ tại đây có thể được xem xét lại sau khi diễn ra cuộc bầu cử Quốc hội Afghanistan vào tháng Chín tới.(Văn Cường - Theo AP)

User avatar
khieulong
Posts: 6756
Joined: Wed Dec 01, 2004 9:09 pm
Been thanked: 1 time

Post by khieulong »

Ông Bush cùng hai cựu tổng thống sẽ tham dự tang lễ Ðức Giáo Hoàng
Tuesday, April 05, 2005 NDNHAT


WASHINGTON - Tòa Bạch Ốc hôm Thứ Ba loan báo các cựu Tổng Thống George H.W. Bush và Bill Clinton sẽ cùng đi với đương kim Tổng Thống Bush để tham dự tang lễ của Ðức Giáo Hoàng John Paul II. Phái đoàn cũng gồm cả Ngoại Trưởng Condoleezza Rice và Thị Trưởng New York.

Tổng Thống Bush và phu nhân, Laura, sẽ cầm đầu phái đoàn 5 người đại diện cho Hoa Kỳ tại tang lễ hôm Thứ Sáu, theo lời phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc Scott McClellan.

Cựu Tổng Thống Jimmy Carter đã rút lại lời yêu cầu được tham gia sau khi được nói cho biết số người trong phái đoàn có giới hạn.

Ông Carter, thuộc Ðảng Dân Chủ, đã chỉ trích gay gắt Tổng Thống Bush trong chiến dịch vận động bầu cử Tổng Thống Hoa Kỳ vào năm ngoái.

Cựu Tổng Thống Ford, hiện sống tại California, năm nay 91 tuổi và không còn di chuyển nhiều nữa.

Phát ngôn viên của cựu Tổng Thống Clinton, Jim Kennedy, nói ông Clinton đã được các bác sĩ xác nhận đủ sức khỏe để bay đi Rome. Ông Clinton đã trải qua một cuộc giải phẫu một tháng trước đây ở New York để chữa một biến chứng từ một cuộc giải phẫu nối tắt động mạch tim sáu tháng trước. Khởi thủy các bác sĩ của ông nói rằng ông cần bốn đến sáu tuần lễ tĩnh dưỡng tại nhà, nhưng tuần trước ông đã đáp xe lửa tới Washington để nhận một phần thưởng về sự đóng góp của ông trong việc chống bệnh AIDS.

Tổng Thống Bush sẽ rời Washington để đi Rome vào ngày Thứ Tư và dự trù sẽ gặp gỡ các nhà lãnh đạo ngoại quốc vào ngày Thứ Năm.

Ông Bush sẽ là vị tổng thống đương nhiệm đầu tiên tham dự tang lễ một giáo hoàng. Trong nhiệm kỳ tổng thống, ông đã gặp gỡ Ðức Giáo Hoàng ba lần. Ðức Giáo Hoàng từng nhanh chóng nói với ông Bush về sự bất đồng sâu xa của ngài đối với cuộc chiến tranh tại Iraq, vụ các binh sĩ Hoa Kỳ ngược đãi tù nhân Iraq và vấn đề ông Bush ủng hộ án tử hình. Trong cuộc gặp gỡ cuối cùng vào Tháng Sáu năm ngoái, Tổng Thống Bush đã trao tặng Ðức Giáo Hoàng Huy Chương Tự Do, và Ðức Giáo Hoàng đã đáp lại bằng cách đọc một bản tuyên bố nói rằng ngài “lo ngại nghiêm trọng” về những biến cố ở Iraq.

Mặt khác, Thượng Viện Hoa Kỳ cũng loan báo sẽ gởi một phái đoàn 14 người đi dự tang lễ, trong khi các nhà lãnh đạo Hạ Viện vẫn chưa quyết định về thành phần phái đoàn. (n.n.)

User avatar
khieulong
Posts: 6756
Joined: Wed Dec 01, 2004 9:09 pm
Been thanked: 1 time

Post by khieulong »

Tổng Thống Iraq: 1 Cựu Lãnh Tụ Du Kích Kurk BAGHDAD -- Khi QH Iraq bầu Tổng Thống mới, nhà độc tài Saddam và 10 viên chức chế độ cũ được phép xem cuộc tường thuật truyền hình, nhất là khi tân TT Iraq là 1 lãnh tụ Kurd.
Người ta còn nhớ ông Jalal Talabani từng chiến đấu chống lại quân đội Saddam Hussein trên núi miền bắc Iraq trong nhiều năm - ít ngày nữa, Iraq kỉ niệm 2 năm sụp đổ chế độ độc tài trong khi lãnh tụ Saddam và cac viên chức cao cấp chế độ cũ đang chờ ra tòa.
Cho tới nay, vẫn chưa có quyết định về ngày lãnh tụ Saddam sẽ bị đưa ra xét xử.
Quốc Hội Iraq đã bầu lãnh tụ Jalal Talabani vào chức vụ TT, vượt qua hơn 9 tuần lễ bế tắc và mở đường cho việc thành lập chính phủ chuyển tiếp - đây là lần đầu tiên Iraq có vị nguyên thủ là không phải là người A Rập.
2 Phó Tổng Thống đã được suy cử là nhân sĩ Adel Abdul Mahdi của phe Shi'ites đang là Bộ Trưởng tài chính, và cựu PTT Ghazi Yawar của phe Sunni A Rập.
Sau cuộc biểu quyết, chủ tịch QH al-Hassani tuyên bố "Đây là 1 nước Iraq mới, với 1 TT Kurd và cựu TT A Rập trở thành PTT - thế giới mong muốn gì hơn ở chúng tôi".
Khắp miền bắc và vùng mỏ Kirkuk, dân chúng nhảy múa mừng tân TT Talabani. Ông Talabani cam kết sẽ làm việc với mọi phe phái sắc tộc và tôn giáo để tái thiết đất nước.
Sau khi TT và 2 PTT đã được tuyển chọn, nay QH phải chỉ định 1 Thủ Tướng trong vòng 2 tuần lễ. 2 phe Shi'ites và Kurd đã đồng ý rằng Thủ Tướng mới sẽ là nhân sĩ Jaafari của liên minh Shi'ites - có lẽ ông Jaafari sẽ được bầu trong ngày Thứ 5. Đa số dân chúng than phiền rằng tiến trình chính trị quá chậm trong khi 1 số viên chức nghĩ rằng sự trì hoãn là có lợi cho quân nổi dậy.
Về tình hình chiến sự, hôm thứ tư tin quân sự Mỹ loan báo 4 binh sĩ tử thương, gồm 1 hi sinh tại Baghdad khu du kich tấn công 1 đội tuần tiễu bằng mìn ven đường và hỏa lực súng cá nhân.
Kể từ đầu chiến cuộc, Hoa Kỳ đã mất 1540 chiến binh và nhân viên Ngũ Giác Đài. Các sĩ quan Hoa Kỳ xac nhận rằng số lượng các vụ bạo động giảm bớt, nhưng quân nổi dậy mở những trận đánh lớn, 1 diễn biến khác thường trong khi loạn quân thường sử dụng chiến thuật đánh rồi chạy.
Hôm Thứ 7, trên 40 lính Mỹ và tù nhân bị thương khi loạn quân tấn công nhà tù Abu Ghraib bằng mọi hình thức : bom xe và súng cối.
Trong tháng qua, hàng chục du kích tấn công 1 đoàn quân xa Mỹ gần Salman Pak, đông nam Baghdad - ít nhất 24 tên bị hạ.

Việt Báo OL

User avatar
khieulong
Posts: 6756
Joined: Wed Dec 01, 2004 9:09 pm
Been thanked: 1 time

Post by khieulong »

Quang cảnh Vatican vài giờ trước tang lễ Giáo hoàng Image Trực thăng đã bắt đầu bay lượn rợp trời Vatican vào lúc này.
Hàng trăm ngàn người nằm la liệt trên các đường phố xung quanh Vatican, sẵn sàng tiến vào quảng trường St. Peter vào thời khắc quan trọng nhất với họ: bắt đầu tang lễ Giáo hoàng John Paul II. Quang cảnh xung quanh Vatican và cả thành Rome giờ đây mang một sắc thái chưa từng có tiền lệ

Rome - pháo đài thực sự


Vatican đã chính thức đóng các cửa chính dẫn vào thánh đường Basilica chiều tối ngày 7/3, kết thúc quãng thời gian suốt 4 ngày dành cho tín đồ viếng thi hài Giáo hoàng. Italia đã đóng cửa các sân bay ở trung tâm thủ đô Rome và huy động các lực lượng đặc nhiệm, hệ thống tên lửa phòng không và các chiến hạm dọc bờ biển để bảo vệ cho lễ tang, sẽ diễn ra đúng 15j chiều nay (giờ VN). Nhưng tới 11h trưa, các barier sẽ bắt đầu được dỡ bỏ và giáo dân có thể bắt đầu tiến vào Quảng trường.

Hệ thống tên lửa đất đối không Spada và Hawk đã được đặt khắp thành phố. Máy bay trực thăng đã bắt đầu bay lượn rợp trời Vatican vào lúc này. Các tàu chiến lầm lũi tuần tra dọc bờ Địa Trung Hải và khoảng 6.500 binh lính cùng các nhân viên an ninh đang căng mắt theo dõi mọi động tĩnh trên thành phố.

Tất cả các loại xe đã bị cấm tham gia giao thông trên các đường phố Rome. Hầu hết các văn phòng công sở, trường học và cửa hàng đã đóng cửa. 27 màn hình loại lớn được lắp đặt để truyền hình trực tiếp buổi lễ sẽ kéo dài 3 giờ này.Các hoạt động rà soát bom mìn được tiến hành khẩn trương, liên tục. Tuy nhiên, công tác quan trọng nhất của tất cả các lực lượng trên vào lúc này là để mắt tới đám đông hàng triệu tín đồ đang háo hức chờ tang lễ cử hành.

"Cuộc xâm lăng" của các tín đồ Ba Lan

Rome đã phải đối mặt với "cuộc xâm lăng" được báo trước của hàng triệu tín đồ đến từ Ba Lan, những người không quản ngại đường xa và công việc thường ngày, đã đến đây bằng đủ các loại phương tiện có thể để vĩnh biệt người được cho là "đứa con vĩ đại của đất nước Ba Lan".

Một tín đồ Ba Lan nằm ngoài đấu trường cổ đại ở Rome.

"Không quan tâm tới việc phải chen lấn giữa biển người chen chúc, không ngại mất ăn mất ngủ. Điều quan trọng là chúng tôi đã có mặt tại nơi này", một tín đồ Ba Lan nói.Khoảng 2 triệu tín đồ Ba Lan sẽ cùng với tín đồ từ khắp nơi trên thế giới tạo thành một biển người khoảng hơn 4 triệu thực sự đang xâm chiếm mặt đất Rome - nơi tổng dân số chỉ có 3 triệu người.

Dịp hội ngộ hiếm hoi của những kình địch

Quả vậy. Lễ tang vô hình chung đã mang những người chưa từng có ý định gặp mặt lại với nhau.Lần này, dù muốn dù không, Tổng thống Mỹ Bush vẫn có cơ hội đứng gần ông Mohammad Khatami, Tổng thống Iran - một trong 6 nước bị liệt vào "trục ma quỷ" mới của chính quyền Mỹ. Ngoài ra, một loạt nguyên thủ các nước "đứng về phía bên kia so với Mỹ" cũng sẽ giáp mặt gia đình Bush và cựu Tổng thống Clinton.Tổng thống Zimbabwe Robert Mugabe sẽ đối mặt với lãnh đạo các nước EU, những nước đã áp dụng lệnh cấm vận đi lại đối với chính phủ nước này với lý do gian lận bầu cử từ năm 2000. Trong khi đó, người đứng đầu Đài Loan Trần Thuỷ Biển cũng bất ngờ tới với thánh địa của Thiên Chúa Giáo, bất chấp trước đó Vatican đã hé lộ ý định cắt quan hệ với Đài Loan để lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc.

Công bố di chúc của Giáo hoàng

Di chúc của Giáo hoàng John Paul II lần đầu tiên được công bố lúc chiều tối qua. Trong đó, Giáo hoàng cho biết đã có ý định thôi giữ trọng trách đứng đầu thế giới Thiên Chúa Giáo từ năm 2000, khi sức khoẻ ông yếu dần cùng căn bệnh Parkinson. Ông cũng thừa nhận rằng, tính mạng của mình đã "nằm trong tay Chúa" kể từ đó.Trong bản di chúc viết trong vòng hơn 2 thập kỷ qua, Giáo hoàng cũng có đề cập tới nguyện vọng được an nghỉ nơi quê nhà, điều mà các tín đồ Ba Lan cũng luôn mong muốn. Cuối cùng, ông yêu cầu Vatican cho đốt bức di chúc này và tuyên bố ông không có tài sản gì để lại cho những người thừa kế

User avatar
khieulong
Posts: 6756
Joined: Wed Dec 01, 2004 9:09 pm
Been thanked: 1 time

Post by khieulong »

Dân Ba Lan sang dự tang lễ Ðức Giáo Hoàng bất kể đến các nỗi vất vả
Thursday, April 07, 2005 LE THUY


Trên Chuyến Xe Lửa Krakow-Rome.- Các chuyến xe lửa chật ních người Ba Lan để sang dự tang lễ Ðức Giáo Hoàng John Paul II, cũng là một người Ba Lan, đã cập nhà ga Rome hôm mùng 7 Tháng Tư, sau khi đã trải qua bao vất vả dọc đường.

Thật vậy, không ai nói với ai, mà cả trên trăm ngàn dân Ba Lan đã đổ xô đi mua vé xe lửa sang Rome, chỉ vài giờ sau khi được tin Ðức Giáo Hoàng qua đời hôm Thứ Bảy mùng 2 Tháng Tư tại Tòa Thánh Vatican, trong khi cả Ba Lan đau buồn và thương tiếc sự ra đi của vị lãnh đạo Công Giáo gốc Ba Lan này.

Tính ra các công dân và giáo dân Ba Lan đã phải xếp hàng chờ đến cả 8 giờ đồng hồ mới có thể mua được vé sang Rome, do số người mua vé quá đông (khoảng 150,000 người), và đáp các chuyến tàu chạy suốt 24 tiếng đồng hồ, qua 4 vùng biên giới (Cộng Hòa Tiệp, Áo, Ý), cộng thêm với bao vất vả dọc đường, mới kịp đến được Rome để dự tang lễ vào ngày Thứ Sáu mùng 8 Tháng Tư, hiện nay đã có phần chật cứng, với cả 4 triệu (trong khi lúc đầu chỉ ước lượng có hai triệu) tín đồ từ khắp thế giới về đây.

Rafal Baranski, một cư dân từ thành phố Krakow, phía Nam Ba Lan, nói với hãng Reuters trên chuyến xe lửa, như sau:

“Chúng tôi cần phải giã từ ngài lần cuối cùng. Chuyến đi này khá vất vả, để rồi tới đây lại đông chật cứng người rồi, nhưng không sao cả, dù rằng tối nay chúng tôi chưa biết ngủ ở đâu. Dù sao đây cũng là lần gặp gỡ cuối cùng của chúng tôi với ngài.”

Sở Hỏa Xa Ba Lan đã phải tăng thêm 6 chuyến xe lửa đặc biệt mới chở hết số người Ba Lan muốn sang Rome để dự tang lễ Ðức Giáo Hoàng.

Tuy vậy, vẫn có nhiều người Ba Lan phải đáp các chuyến xe buýt bao thuê đặc biệt, sau khi không thể mua được vé xe lửa, như Piotr Buchta, đã phải di chuyển 26 giờ bằng xe buýt xuất phát từ Wadowice, nơi sinh quán của Ðức Giáo Hoàng, để kịp đến Rome dự tang lễ, đã phát biểu như sau với báo chí:

“Ðức Giáo Hoàng là người Ba Lan vĩ đại nhất. Ngài vừa là cha, chú, vừa là người bạn và cả người giải phóng chúng tôi nữa...”

Do số người, tín đồ đông đảo đến dự tang lễ Ðức Giáo Hoàng như vậy, sẽ khởi sự vào lúc 10 giờ sáng giờ địa phương Rome (08 giờ Quốc tế GMT) ngày Thứ Sáu mùng 8 Tháng Tư, nên thành phố Rome đã phải cho thiết lập nhiều màn ảnh khổng lồ ở khắp mọi nơi, để cho dân chúng không thể đến gần được nơi tổ chức tang lễ, vẫn có thể dễ dàng theo dõi, dù ở bất cứ nơi nào. (L.T.)

Post Reply