TIN TỨC THẾ GIỚI HÀNG NGÀY

Xin cho biết tin từ đâu ra, phát xuất từ nước nào!!!
kalua
Posts: 836
Joined: Sun Apr 22, 2012 5:26 pm

Post by kalua »

NATO đưa quân giúp các quốc gia Baltic và Ba Lan chống Nga
Monday, June 13, 2016 1:19:28 PM

BRUSSELS, Bỉ (AP) - Tổng thư ký NATO hôm Thứ Hai cho hay liên minh quân sự này sẽ đạt thỏa thuận
trong tuần để gửi bốn tiểu đoàn liên quân đến các quốc gia vùng Baltic và Ba Lan để giúp tăng cường phòng thủ chống Nga.

Image
Estonia, Latvia, Lithuania và Ba Lan, bốn quốc gia thành viên NATO cảm thấy bị Nga đe dọa nhiều nhất. (Hình: Getty Images)


Ông Jens Stoltenberg, tổng thư ký NATO, cho hay các bộ trưởng quốc phòng của liên minh sẽ chính thức chấp thuận kế hoạch bố trí do các chuyên gia soạn thảo trong cuộc họp bắt đầu ngày Thứ Ba ở Brussels.

Estonia, Latvia, Lithuania và Ba Lan, bốn quốc gia thành viên NATO cảm thấy bị Nga đe dọa nhiều nhất, sẽ được tăng cường mỗi nơi một tiểu đoàn, ông Stoltenberg cho hay trong cuộc họp báo.

“Ðiều này sẽ đưa ra một chỉ dấu rõ ràng là NATO sẵn sàng bảo vệ thành viên của mình,” ông Stoltenberg cho hay.

Ðại sứ Mỹ tại NATO, ông Douglas Lute, nói rằng các chi tiết về quân số cũng như đóng góp của các thành viên vào các tiểu đoàn này, cũng như ai sẽ chỉ huy, dự trù được quyết định và loan báo tại hội nghị thượng đỉnh Tháng Bảy này của NATO tại Warsaw. Các giới chức NATO cho biết có chừng 4,000 quân sẽ ở trong các tiểu đoàn này. (V.Giang)

nhuvan
Posts: 342
Joined: Sun Mar 27, 2016 8:29 pm

Post by nhuvan »

Trung Quốc: “Châu Âu nên tránh xa Biển Đông”
Friday, June 17, 2016 5:48:16 PM

BẮC KINH (NV) - Bà Yang Yan Yi (Dương Yến Di), đại sứ Trung Quốc tại Liên Hiệp Châu Âu,
vừa khuyên khối này nên tiếp tục giữ thái độ trung lập trong vấn đề Biển Đông.

Image
Phi đạo xây dựng trên bãi đá Xu Bi đã hoàn tất, Trung Quốc coi là chuyện riêng giữa mình
và các quốc gia đang có tranh chấp về chủ quyền ở Biển Đông. (Hình: CSIS)

Giống như Hoa Kỳ, Liên Hiệp Châu Âu từng khẳng định không đứng về phía nào trong số những quốc gia đang có tranh chấp về chủ quyền tại Biển Đông. Tuy nhiên trước chuỗi hành động trong thời gian vừa qua của Trung Quốc ở Biển Đông: Mở rộng các đảo tự nhiên, bồi đắp hàng loạt bãi đá thành đảo nhân tạo, xây dựng hàng loạt công trình, bài bố các thiết bị quân sự, cảnh cáo phi cơ và tàu của nhiều quốc gia di chuyển ngang hoặc trên biển Đông rằng họ đang xâm phạm lãnh thổ Trung Quốc,... thái độ của Liên Hiệp Châu Âu đã thay đổi.

Càng ngày, Liên Hiệp Châu Âu càng tỏ ra lo âu về các diễn biến tại Biển Đông. Ý kiến của Liên Hiệp Châu Âu về Biển Đông không còn là những khuyến cáo và đề nghị chung chung mà nhắm thẳng vào Trung Quốc.

Hồi cuối tháng trước, khi tham gia Hội Nghị Thượng Đỉnh G7 (liên minh giữa bảy cường quốc công nghiệp: Hoa Kỳ, Canada, Anh, Pháp, Đức, Ý và Nhật) để phát triển kinh tế, diễn ra ở Nhật, ông Donald Tusk, chủ tịch Hội Đồng Châu Âu, khuyến cáo G7 nên có “lập trường cứng rắn” đối với vấn đề Biển Đông, bởi tình hình tại đó càng ngày càng tồi tệ hơn do sự thái quá của Trung Quốc.

Cũng dịp đó, ông David Cameron, thủ tướng Anh, nhấn mạnh là Trung Quốc phải tôn trọng phán quyết của Tòa Trọng Tài Quốc Tế về Luật Biển trong vụ Philippines kiện yêu sách của Trung Quốc về chủ quyền tại Biển Đông. Ông Cameron bảo rằng, cần khuyến khích Trung Quốc trở thành một phần của thế giới có luật lệ.

Đến đầu tháng 6, Đại Tướng Petr Pavel, chủ tịch Ủy Ban Quân Sự NATO (Khối Minh Ước Bắc Đại Tây Dương mà đa số thành viên là các quốc gia Châu Âu), tuyên bố, tuy sẽ không can thiệp vào những vấn đề của các khu vực khác nhưng NATO sẵn sàng hỗ trợ các quốc gia ven Biển Đông phát triển khả năng quốc phòng, chia sẻ thông tin tình báo và thực hành bảo vệ an ninh hành hải.

Tướng Pavel còn nói thêm là NATO sẽ theo dõi các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông một cách cẩn trọng và ủng hộ việc giải quyết bất đồng dựa trên các giải pháp ngoại giao. Đối với tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông, Tướng Pavel đề nghị các bên tuân thủ luật pháp quốc tế.

Mới đây, khi đến thăm Trung Quốc, bà Angela Merkel, thủ tướng Đức lập lại sự lo ngại về các diễn biến tại Biển Đông và cho rằng, cần phải sử dụng một loạt cơ chế, kể cả đàm phán đa phương.

Giống như nhiều viên chức ngoại giao khác của Trung Quốc, đại sứ Trung Quốc tại Liên Hiệp Châu Âu, khẳng định, giải quyết bất đồng về chủ quyền tại Biển Đông là chuyện... nằm ngoài phạm vi chi phối của Công Ước về Luật Biển. Bởi tranh chấp về chủ quyền tại Biển Đông liên quan đến lợi ích thiết yếu của Trung Quốc nên Trung Quốc đã quyết định đàm phàn trực tiếp với từng quốc gia đang có tranh chấp với Trung Quốc về chủ quyền tại Biển Đông và không muốn có sự can dự của bên thứ ba.

Bà Yang khuyên Liên Hiệp Châu Âu nên hướng sự quan tâm của mình vào chuyện... chống cướp biển, bảo đảm an ninh hàng hải trong khu vực Châu Âu vì đó mới là mối đe dọa thực sự đối với châu lục này. (G.Đ)

User avatar
macco
Posts: 3543
Joined: Mon Jan 17, 2005 8:04 am

Post by macco »

Người dân Anh chọn rời EU

Kết quả kiểm phiếu cho thấy người dân Anh chọn rời khỏi Liên minh châu Âu trong cuộc trưng cầu dân ý mang tính lịch sử hôm qua.

Image
Kết quả kiểm phiếu trưng cầu dân ý ở Anh. Đồ họa: BBC.


Người dân Anh chọn rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) với tỷ lệ 51,9% ủng hộ, 48,1% phản đối trong cuộc trưng cầu dân ý lịch sử, theo BBC.

Người dân ở London và Scotland đều nghiêng về "ở lại" EU nhưng lợi thế này đã mất đi do tỷ lệ ủng hộ thấp ở khu vực phía bắc Anh.

Phó thủ tướng Đức kiêm Bộ trưởng Kinh tế Sigmar Gabriel hôm nay mô tả cuộc trưng cầu dân ý ở Anh là "một ngày tồi tệ với châu Âu". Cựu thủ tướng Phần Lan Alexander Stubb gọi đây là "cơn ác mộng" mà khi tỉnh dậy, các lãnh đạo châu Âu sẽ bị sốc trước kết quả làm rung chuyển liên minh 28 nước.

Geert Wilders, lãnh đạo phe phản đối người nhập cư ở Hà Lan, hôm nay kêu gọi nước này tổ chức trưng cầu dân ý giống Anh. "Chúng tôi muốn tự chịu trách nhiệm về đất nước, đồng tiền, biên giới và chính sách nhập cư của riêng chúng tôi", ông cho biết. Người dân Pháp, Hà Lan và Italy cũng có yêu cầu tương tự.

Đồng bảng Anh hôm nay đã mất giá mạnh nhất so với đồng USD kể từ năm 1985 do thị trưởng phản ứng với kết quả kiểm phiếu. Bộ trưởng tài chính Nhật Bản tổ chức họp báo trong bối cảnh đông yên tăng do lo sợ Brexit, tức Anh rời khỏi châu Âu.

Người dân Anh nếu chọn rời khỏi EU sẽ khiến Anh đi theo con đường vô định và là bước thụt lùi lớn nhất đối với nỗ lực tăng cường đoàn kết sau Thế Chiến II, theo Reuters.

Wall Street Journal trước đó dự đoán nếu người dân chọn Brexit, nền chính trị Anh có thể rơi vào hỗn loạn. Thủ tướng Anh David Cameron có nguy cơ đối mặt với sức ép phải từ chức, buộc Anh phải tổ chức tổng tuyển cử.

Tuy nhiên, Andrew Bridgen, thượng nghị sĩ đảng Bảo thủ ủng hộ Brexit, cho rằng ông Cameron nên tiếp tục làm thủ tướng để trấn an người dân ở Scotland và bắc Ireland, cũng như thị trường.

"Chúng tôi cần sự ổn định. Ông ấy nên tiếp tục", Bridgen trả lời khi được hỏi ông Cameron nên tiếp tục cầm quyền trong bao lâu.

Thủ tướng Cameron, lập trường thân EU và nghiêng về ở lại liên minh, tổ chức trưng cầu dân ý do đối mặt với áp lực từ đảng Bảo thủ và ảnh hưởng ngày càng tăng từ phe phản đối EU. Ông hy vọng cuộc trưng cầu sẽ giúp kết thúc tranh cãi kéo dài nhiều thập kỷ về vị trí của Anh ở châu Âu và quan hệ với EU.

Trong chiến dịch vận động bỏ phiếu ở lại, ông khẳng định sẽ không từ chức cho dù kết quả trưng cầu là gì. Tuy nhiên, một số chuyên gia và đảng viên Bảo thủ nói lập trường thân EU sẽ khiến vị trí của ông Cameron lung lay và đảng cầm quyền có cơ chế để buộc ông phải từ chức dù không muốn.

Image
Cựu thị trưởng London Boris Johnson, ủng hộ rời khỏi EU, cùng vợ tại một điểm bỏ phiếu ở bắc London. Ảnh: Reuters.


Như Tâm

User avatar
dodom
Posts: 2723
Joined: Fri Nov 28, 2008 8:38 pm

Post by dodom »

Vương Quốc Liên Hiệp Anh rút khỏi Liên Âu
Friday, June 24, 2016 8:10:26 PM

Hà Tường Cát/Người Việt
Hôm Thứ Năm, 23 Tháng Sáu, nước Anh đã tổ chức cuộc trưng cầu dân ý về vấn đề rút ra khỏi hay tiếp tục ở lại trong Liên Âu.

Kết quả: 51.9% (17.4 triệu cử tri) đồng ý ly khai và 48.1% (16.1 triệu cử tri) muốn ở lại trong liên minh.

Cuộc trưng cầu dân ý này được Quốc Hội Anh chấp thuận bằng đạo luật European Union Referendum Act 2015. Kết quả sẽ phải được Quốc Hội phê chuẩn thì mới có hiệu lực thi hành.

Nước Anh và quá trình tham gia Liên Âu

Qua hai cuộc thế chiến, ông Jean Monnet (1888-1979), nhà chính trị kinh tế và ngoại giao Pháp đã tích cực vận động cho sự hợp tác giữa các cường quốc dân chủ. Ông được xem như là cha đẻ của Liên Âu, sau này, hình thành với mục tiêu tạo dựng và duy trì một nền hòa bình trường cửu cho phần lục địa này.

Nhưng về mặt địa lý, nước Anh là một quần đảo cách biệt với lục địa. Các nhà lãnh đạo Anh đã phải qua nhiều khó khăn để xác định bản chất của quốc gia mình, nên gắn bó với Mỹ và khu vực ảnh hưởng Anh hay là với cộng đồng Âu Châu. Vấn nạn này không bao giờ có lời giải đáp dứt khoát và nước Anh từng thời gian hội nhập và xa rời cam kết với Liên Âu.

Anh không phải là nước ký kết Hiệp Ðịnh Rome năm 1957 thành lập EEC (Cộng Ðồng Kinh Tế Âu Châu), tiền thân của EU (Liên Âu). EEC gồm sáu nước Bỉ, Pháp, Tây Ðức, Ý, Hòa Lan, và Luxembourg. Hai lần Anh xin gia nhập, 1963 và 1967, đều bị Pháp phủ quyết. Tổng Thống Charles de Gaule lúc đó viện lẽ “trên bình diện kinh tế, nước Anh có một số điểm không phù hợp từ thực tiễn lao động cho đến nông nghiệp.”

Sau de Gaule, năm 1973, Anh mới thành công trong việc xin gia nhập EEC, quen gọi là Thị Trường Chung Âu Châu. Chính phủ của Thủ Tướng Edward Health thuộc đảng Bảo Thủ chủ trương đường lối này, nhưng đảng Lao Ðộng đối lập của ông Harold Wilson trong kỳ tổng tuyển cử năm 1974 vận động chống lại và yêu cầu tổ chức trưng cầu dân ý. Kết quả trưng cầu dân ý năm 1975 là đa số các địa phương đồng ý nước Anh ở lại trong EEC, ngoại trừ hai quần đảo Shetland và Outer Hebrides.

Giữa hai cuộc trưng cầu dân ý 1975 và 2016, vấn đề Anh rút khỏi Liên Âu nhiều lần được các đảng đối lập đề ra.

Trong cuộc bầu cử năm 1983 đảng Lao Ðộng một lần nữa vận động tranh cử với chủ trương rút khỏi EU nhưng đảng Bảo Thủ của bà Margaret Thatcher thắng cử.

Bằng hiệp ước Maastricht, năm 1993, EEC trở thành EU (Liên Âu) và từ liên minh kinh tế mang thêm tính cách một liên minh chính trị.

Năm 1994, Sir James Goldmith thành lập đảng Referendum Party với chủ trương sẽ mang vấn đề nước Anh là thành viên EU ra trong cuộc tranh cử năm 1997. Ðảng Ðộc Lập Vương Quốc Liên Hiệp Anh (UKIP) thành lập đầu thập niên 1990, lần đầu tiên không phải là một trong hai chính đảng chiếm được một tỷ lệ phiếu lớn trong kỳ tổng tuyển cử năm 2014.

Năm 2012, Thủ Tướng David Cameron bác bỏ đề nghị trưng cầu dân ý về tính cách thành viên EU của Anh, nhưng lại gợi ý rằng có thể sẽ có trưng cầu dân ý để đo lường sự ủng hộ của quần chúng. Ông cho rằng, “cần sự ủng hộ toàn tâm của nhân dân về việc Anh làm thành viên EU nhưng phải kiên nhẫn hơn trước khi thực hiện chuyện ấy.”

Năm 2013, ông Cameron loan báo đảng Bảo Thủ có thể cho tổ chức trưng cầu dân ý trước cuối năm 2017 nếu thắng cử năm 2015. Năm 2015 đảng Bảo Thủ thắng cử và theo hứa hẹn, đạo luật European Union Referendum Act được quốc hội thông qua. Ngày 22 Tháng Hai, 2016, Thủ Tướng Cameron đọc diễn văn trước quốc hội công bố ngày trưng cầu dân ý là 23 Tháng Sáu.

Bao giờ Anh chính thức rút khỏi Liên Âu?

Trưng cầu dân ý không có giá trị cưỡng chế thi hành về mặt pháp lý, nhưng các quan sát viên nhận định rằng chính quyền Anh khó có thể bỏ qua ý muốn của cử tri.

Tiến trình rút khỏi Liên Âu chỉ khởi sự khi chính phủ Anh viện dẫn Ðiều 50 của hiệp ước thành lập EU. Ngay khi thất bại trong trưng cầu dân ý về việc vận động bỏ phiếu cho Anh ở lại EU, Thủ Tướng Cameron tuyên bố từ chức và để cho người kế nhiệm sau cuộc bầu cử vào Tháng Mười quyết định. Khi Ðiều 50 đã được áp dụng, nước Anh sẽ không thể đổi ý và ở lại trong EU nếu không được sự đồng thuận của toàn thể 27 nước thành viên khác.

Ðiều 50 mới chỉ được đưa vào nội quy EU từ Hội Nghị Lisbon năm 2007. Trước đó không có quy định về vấn đề rút khỏi EU. Theo Ðiều 50: “Tất cả các thành viên có thể quyết định rút ra khỏi Liên Âu nếu thấy phù hợp với đòi hỏi trong Hiến Pháp của nước mình.”

Một khi Anh thông báo cho Hội Ðồng Âu Châu (hội đồng các nguyên thủ quốc gia) về ý định rút ra, sẽ phải có một thời gian thương lượng để giải quyết những ràng buộc hiện hữu và tương lai quan hệ giữa Anh và EU. Ðể thỏa hiệp có giá trị, cần có 72% các nước thành viên với 65% dân số, và Quốc Hội Âu Châu chấp thuận. Nếu không có thỏa thuận thì sau hai năm đòi hỏi này không còn áp dụng nữa. Nhưng Anh cũng có thể không cần đi qua thủ tục nội bộ của EU nếu đơn phương rút căn cứ trên đạo luật Cộng Ðồng Âu Châu năm 1972.

Cuộc trưng cầu dân ý 2016 không trực tiếp buộc chính phủ phải hành động cụ thể như thế nào, tương tự như cuộc trưng cầu dân ý về độc lập của Scotland năm 2014. Cũng không có ấn định thời điểm hay giới hạn trong thời gian bao lâu phải viện dẫn Ðiều 50. Thủ Tướng Cameron đã nói trong lúc vận động rằng sẽ viện dẫn Ðiều 50 ngay sau khi kết quả trưng cầu dân ý là ra khỏi EU. Nhưng bây giờ ông cho biết sẽ để cho người kế nhiệm quyết định. Cựu thị trưởng London, ông Boris Johnson, người tán thành Anh ra khỏi EU có thể là nhân vật ấy.

Hậu quả

Sự thất bại sít sao của phía ủng hộ ở lại trong Liên Âu là một kết quả bất ngờ vào giờ chót, ngược với dự đoán của các thăm dò dư luận. Ðây là lần đầu tiên một thành viên rời khỏi EU.

Ủng hộ và chống “Brexit” ngang ngửa nhau chứng tỏ sự phân hóa trầm trọng trong quốc gia này. Nỗi lo lắng về làn sóng di dân là động lực chính thúc đẩy những người muốn rút khỏi EU. Toàn cầu hóa và sự bất bình vì nước Anh chịu tác động bởi Bỉ (Brussels là nơi đặt trụ sở trung ương của EU) là những yếu tố khác.

Tác động đầu tiên khi biết Anh ra khỏi EU là thị trường kinh tế tài chính thế giới đều rung động và đi xuống. Sáng Thứ Sáu, ở thị trường New York, chỉ số Dow xuống 610 điểm, tương đương 3.39%. Cổ phiếu tại các thị trường Hồng Kông, Thượng Hải, Tokyo đều rớt.

Ðồng bảng Anh hạ 12% tới mức thấp nhất kể từ 1985 (1 bảng chỉ còn ăn $1.35); các nhà đầu tư vội vã chuyển qua đồng đô la Mỹ và đồng yen của Nhật. Tương lai ngành dịch vụ tài chính của Anh trở nên bấp bênh trong mối quan hệ với EU. Một số ngân hàng đặt trụ sở ở Anh có lẽ sẽ phải chuyển một phần tới Frankfurt, Paris hay Dublin nếu muốn có khách hàng EU. Các ngân hàng đầu tư cho biết sẽ phải chuyển hàng ngàn công việc ra khỏi Anh, trong khi Ngân Hàng Trung Ương Âu Châu nói là có thể buộc phải chuyển sự trao đổi đồng euro ra khỏi London, thị trường ngoại hối lớn nhất thế giới.

Cựu Thủ Tướng Tony Blair nói với ký giả Wolf Blizer của CNN rằng trong hai năm nữa dân Anh sẽ thấy rằng ra khỏi EU không giúp giải quyết được khó khăn kinh tế, sự lo sợ toàn cầu hóa và di dân hay làm cho nước Anh độc lập hơn theo một nghĩa thích đáng. Ông nói thêm rằng Anh cung cấp phân nửa sản phẩm và dịch vụ cho Âu Châu và bây giờ thương thuyết để trở lại thị trường ấy sẽ có rất nhiều khó khăn hơn người ta tưởng.

Bà Angela Merkel, thủ tướng Ðức, cho rằng “Brexit” là một điều đáng tiếc và nước Anh sẽ phải đón nhận nhiều khó khăn trong tương lai.

Tổng Thống Barack Obama hôm Thứ Sáu điện đàm với Thủ Tướng Cameron, và nói rằng sẽ không có thay đổi trong mối quan hệ Anh-Mỹ. Còn Phó Tổng Thống Biden thì nhìn nhận là Tòa Bạch Ốc thất vọng về kết quả trưng cầu dân ý ở Anh.

Ứng cử viên Donald Trump trong cuộc họp báo sáng Thứ Sáu ở Scotland, nơi ông đang thăm viếng hai ngày, tán dương kết quả trưng cầu dân ý. Ông cho rằng dân Anh muốn đem nước họ trở về và dân Mỹ cũng thế.

Một số đảng phái đối lập ở các nước thành viên EU cũng kêu gọi tổ chức trưng cầu dân ý. Scotland dự định sẽ trưng cầu dân ý về độc lập, tách ra khỏi Vương Quốc Liên Hiệp Anh. Tình thế bấp bênh sẽ xảy ra tại nhiều nơi ở Âu Châu và hậu quả việc Anh rời khỏi EU sẽ còn có nhiều tác động trong một thời gian dài cho toàn thế giới.

User avatar
thuyduong
Posts: 447
Joined: Fri Dec 04, 2009 6:41 pm

Post by thuyduong »

Biển Đông: ‘Đòn phép’ Bắc Kinh phá vỡ Hội Nghị ASEAN
Sunday, June 26, 2016 3:30:11 PM

ASEAN vừa không đoàn kết, vừa sợ Bắc Kinh


BẮC KINH (NV) - Hội Nghị ASEAN - Trung Quốc mới đây đã không đạt kết quả về ước vọng “đồng thuận”
cách giải quyết tranh chấp chủ quyền Biển Đông vì Bắc Kinh muốn chơi gác cả khối.

Image
Bản đồ Biển Đông và tuyên bố chủ quyền chồng lấn của các nước trong khu vực. (Hình: Internet)

Sau phiên họp của 10 nước ASEAN với Trung Quốc ở tỉnh Vân Nam hôm 14 tháng 6, 2016, một bản tuyên bố chung đã được toàn thể các ngoại trưởng tham dự “đồng thuận” rồi phát cho báo chí nhưng khoảng ba giờ sau lại bị thu hồi.

Sự việc gây ngạc nhiên khi có sự trục trặc bất thường mà nguyên nhân dần dần được xì ra sau khi các bên tham dự trở về nước. Truyền thông quốc tế bình luận rằng khối ASEAN vừa không đoàn kết, vừa sợ Bắc Kinh nên mới có màn đưa ra rồi rút lại.

Hai ngày sau, hôm Thứ Năm, 16 tháng 6, 2016, theo bản tin AFP, Bộ Ngoại Giao Việt Nam nhấn mạnh các nước thành viên của ASEAN đã “đồng thuận” ở Vân Nam, Trung Quốc, về những gì đã được cung cấp cho báo chí tại cuộc họp.

Các nước thành viên đã đồng ý về nội dung của bản tuyên bố chung trong đó gồm cả “lập trường chung của các nước ASEAN về vấn đề Biển Đông” và sự đánh giá tích cực về kết quả của cuộc họp, theo lời phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Hà Nội Lê Hải Bình qua một điện thư gửi cho hãng tin Channel NewsAsia ở Singapore.

Trong khi đó, trong một cuộc họp báo cũng trong ngày Thứ Năm, Bộ Ngoại Giao Indonesia đồng ý rằng nội dung của bản tuyên bố chung bị rút lại được kể ở trên phù hợp với lập trường của ASEAN về vấn đề (Biển Đông). Tuy nhiên, phát ngôn viên Arrmanatha Nasir lại nói chữa rằng văn bản đó chỉ là hướng dẫn báo chí, không phải là văn bản phố biến cho báo chí.

Bản tuyên bố chung “đồng thuận” rồi bị rút lại đã được Malaysia phổ biến được viết những lời cảnh cáo rằng, “Chúng tôi bày tỏ những sự quan ngại sâu xa về những diễn biến xảy ra gần đây và còn đang diễn ra mà chúng đã làm xói mòn sự tin cậy lẫn nhau, gây thêm căng thẳng và chúng có thể làm tổn hại hòa bình, an ninh và sự ổn định của vùng Biển Đông.”

Nội dung này gián tiếp đả kích chủ trương bá quyền bành trướng của Bắc Kinh, cậy thế nước lớn ức hiếp các nước nhỏ ở khu vực qua các hành động bồi đắp các đảo nhân tạo, biến chúng thành những căn cứ khổng lồ để khống chế toàn bộ khu vực Biển Đông.


Bắc Kinh ‘chơi gác’


Cuối tuần qua, tạp chí thông tin thời sự chính trị The Diplomat tiết lộ nội dung của một bản tuyên bố chung mà Trung Quốc đưa ra muốn các nước có tranh chấp chủ quyền Biển Đông với Trung Quốc “đồng thuận” theo ý muốn “chơi gác” của họ nhưng đã bị phản tác dụng. Các nước ASEAN đã thảo một bản tuyên bố khác của riêng các nước ASEAN nhưng đã rút lại vì áp lực của Bắc Kinh.

Theo Diplomat, bản tuyên bố chung 10 điểm “đồng thuận” của Trung Quốc soạn thảo chia ra làm ba phấn. Phần đầu nói về mối quan hệ Trung Quốc - ASEAN. Phần thứ hai đề nghị những gì Trung Quốc và ASEAN nên làm chung về vấn đề Biển Đông. Phần thứ ba liên quan đến vai trò của các nước khác nhau liên quan “trực tiếp” đến vấn đề tranh chấp.

Về hai điểm đầu tiên, bản văn của Trung Quốc đề cập đến mối quan hệ ASEAN-Trung Quốc. Điều này trùng hợp với lời lẽ kiềm chế (bề ngoài) của Trung Quốc trên vấn đề Biển Đông. Tức là vấn đề Biển Đông nên đặt trong bối cảnh của mối quan hệ ASEAN - Trung Quốc và không nên thổi phồng nó quá đáng.

Thứ Nhất, Trung Quốc muốn nhân cơ hội đánh dấu 25 năm quan hệ với khối ASEAN để thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược giữa hai bên. Trung Quốc (tuyên truyền) nhấn mạnh đến sự hậu thuẫn của Bắc Kinh giúp xây dựng cộng đồng ASEAN và vai trò trung tâm của ASEAN cho sự hợp tác khu vực. Đồng thời muốn ASEAN hậu thuẫn cho sự phát triển của Trung Quốc và “vai trò quan trọng của Bắc Kinh” trong sự hợp tác khu vực. Theo sự tiết lộ, khi bàn cãi về các điều vừa kể, Trung Quốc bị nhiều nước phản ứng khó chịu.

Các điềm thứ ba, thứ tư, thứ năm và thứ sáu đề nghị các điều mà ASEAN và Trung Quốc nên làm chung trong vấn đề Biển Đông.

Điểm thứ ba tuyên bố hai bên hợp tác để duy trì hòa bình, ổn định trên Biển Đông và cải thiện an ninh và thịnh vượng ở khu vực. Đây là điểm tổng quát nhất trong 4 điểm trực tiếp đề cập đến vấn đề Biển Đông.

Điểm bốn nói rằng Trung Quốc và ASEAN sẽ “xử lý đúng cách vấn đề Biển Đông và không để nó ảnh hưởng đến viễn ảnh của sự hợp tác và tình hữu nghị Trung Quốc - ASEAN.”

Về điểm này cho thấy nó nằm trong nỗ lực của Bắc kinh muốn làm nhỏ vấn đề tranh chấp Biển Đông bằng cách khuyên bảo các nước ASEAN hãy đặt vấn đề nằm trong tầm rộng lớn hơn của mối quan hệ với Trung Quốc.

Điểm thứ năm nói rằng ASEAN và Trung Quốc cam kết thực thi toàn diện và hiệu quả Bản Tuyên Bố Ứng Xử trên Biển Đông (DOC), đồng thời “tích cực tiến hành” các cuộc tham khảo lẫn nhau cho một Bộ Quy Tắc Ứng Xử trên Biển Đông (COC) với tầm nhìn là đạt được nó trong sự đồng thuận ở thời gian gần sắp đến.

Điều này xác nhận lại quan điểm của Trung Quốc vẫn có từ lâu nay, tức là áp dụng một bộ khung DOC không có ràng buộc pháp lý thay vì một bộ COC. Nói khác, Bắc Kinh muốn tiếp tục tránh né một thỏa thuận cho một bộ quy định COC có giá trị pháp lý vốn được hiểu là sẽ ngăn chặn Trung Quốc làm càn.

Điểm thứ sáu ghi nhận rằng cả Trung Quốc và Bắc Kinh đều bị ràng buộc bởi những văn bản quốc tế căn bản như Tuyên Ngôn Liên Hiệp Quốc, Công Ước Quốc tế về Luật Biển (UNCLOS), Năm Nguyên Tắc của Chung Sống Hòa Bình, và Hiệp Định Huynh Đệ và Hợp Tác ở Đông Nam Á.

Điều khá thú vị của điểm này là nó có nhắc đến UNCLOS bên cạnh những văn bản quốc tế khác gồm cả “5 Nguyên Tắc Chung Sống Hòa Bình.”

Bốn điểm sau cùng của Bản Tuyên Bố Chung do Bắc Kinh soạn thảo liên quan đến một số nước có tranh chấp nhưng không nêu thẳng tên.

Điểm số 7 viết rằng chỉ có các nước “trực tiếp liên quan” là nên giải quyết tranh chấp lãnh thổ và pháp lý xuyên qua các cuộc tham vấn và đàm phán hữu nghị, không được đe dọa hoặc dùng võ lực, cũng không cần đến tòa án quốc tế. Điều này y chang như những lời tuyên bố của Bắc Kinh đã từng được lập đi lập lại đến nhàm tai.

Điểm 8 nói “mọi bên liên quan” (tức các nước tranh chấp trực tiếp) cần phải tự kềm chế, không được có các hành động làm phức tạp thêm và leo thang tranh chấp. Đồng thời cần có các biện pháp ngăn ngừa những nguy cơ xảy ra trên biển.

Tuy nói vậy, Bắc Kinh vẫn cứ tiến hành các chương trình bồi đắp đảo nhân tạo, xây dựng các cơ sở quân sự quy mô ở cả quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa. Khi bị vạch mặt chỉ tên thì Bắc Kinh nói những nơi đó là lãnh thổ của mình có từ “cổ xưa,” không có tranh chấp nên không ai có quyền phản đối. Quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam bị Trung Quốc đánh cướp năm 1974 rồi đến 1988 Bắc Kinh xua tàu chiến tới cướp 7 bãi đá ngầm ở Trường Sa.

Lập luận của Bắc Kinh về “kiềm chế,” “không được gây thêm căng thẳng” chỉ là cách nói kiểu “vừa đánh trống vừa ăn cướp.”

Điểm số 9 tuyên bố các nước ASEAN và Trung Quốc sẽ duy trì sự tự do hải hành và quay qua không phận của khu vực theo sự quy định của Công Ước Quốc Tế về Luật Biển (UNCLOS). Nên lưu ý là “tự do hải hành và bay qua” chỉ “tự do” ở những khu vực bên ngoài khu vực mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền lãnh thổ từng ăn cướp của Việt Nam.

Điểm số 10 và cũng là điểm cuối cùng kêu gọi “các nước ngoài khu vực” nên “đóng vai trò xây dựng cho hòa bình và ổn định ở khu vực.” Ở đây, Bắc Kinh cũng chỉ lập lại chủ trương muốn gạt Mỹ và các nước có quyền lợi liên quan đến Biển Đông ra ngoài để họ dùng thế nước lớn mà chèn ép.

Nói tóm lại, những gì Bắc Kinh viết ra trong bản tuyên bố chung muốn các nước ASEAN cùng “đồng thuận” chẳng có gì mới mà chỉ là muốn ép các nước ASEAN làm theo ý mình, theo tham vọng bá quyền bành trướng của mình.

Nhiều phần, tức giận vì trò chơi gác này nên đã dẫn đến một bản tuyên bố chung của các nước ASEAN rồi bị rút lại khi một số nước thành viên nghe lệnh Bắc Kinh chống lại.

Sự thất bại của hội nghị ASEAN - Trung Quốc ở Vân Nam hồi giữa tháng 6, 2016 báo hiệu có thể có những chuyển biến mới trong đối sách của Bắc Kinh với khu vực mà người ta chưa biết sẽ là leo thang hay xuống thang căng thẳng. Thông thường, một kẻ cướp hung dữ chỉ bỏ chạy khi nó thấy yếu thế. (TN)

nguyenthanh
Posts: 859
Joined: Fri Jan 06, 2012 5:40 pm

Post by nguyenthanh »

Đánh bom ở Thổ Nhĩ Kỳ, 36 người chết, 147 người bị thương
Tuesday, June 28, 2016 1:48:57 PM

ISTANBUL, Thổ Nhĩ Kỳ (NV) – Hai vụ nổ bom do hai người gây ra tại phi trường Ataturk ở Istanbul hôm Thứ Ba, sau khi bị cảnh sát bắn,
làm thiệt mạng it nhất 36 người và làm bị thương 147 người, đài WGNTV trích dẫn lời của Bộ Trưởng Tư Pháp Bekir Bozdag cho biết.

Image
Lối vào phi trường Ataturk ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, sau khi xảy ra vụ tấn công. (Hình: AP/DHA)

Hãng thông tấn chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ trích lời phát biểu của ông Bozdag, cho hay: “Theo thông tin tôi nhận được, một tên khủng bố xã súng AK-47 tại lối vào một trạm hàng không ở phi trường trước khi nổ bom tự sát. Chúng ta có khoảng 36 người tử đạo và chừng 147 người bị thương.”

Trong khi đó, một giới chức cho biết, nhiều kẻ tấn công cho nổ bom tại lối vào một trạm hàng không trước khi tiến qua trạm kiểm soát an ninh.

Các phi trường ở Thổ Nhĩ Kỳ có đặt trạm kiểm soát tại lối vào một tòa nhà của trạm hàng không và sau đó thêm một trạm kiểm soát khác trước khi qua cổng vào máy bay.

Theo đài NPR, đoạn video phát từ hãng thông tấn Dogan cho thấy xe cứu thương chở đến bệnh viện các nạn nhân trên người đầy máu me và nhanh chóng chuyển vào bên trong.

Thổ Nhĩ Kỳ bị nhiều vụ nổ bom trong những tháng gần đây liên hệ đến sắc dân người Kurd hoặc dân quân tổ chức ISIS, gồm hai vụ tấn công hồi Tháng Ba tại Ankara và Istanbul, cũng như một vụ khác gần các trại lính ở Istanbul hồi Tháng Hai.

Trong cùng ngày, Tòa Bạch Ốc ra thông cáo lên án vụ tấn công Istanbul, nói rang: “Phi trường quốc tế Ataturk cũng như phi trường Brussels bị tấn công hồi đầu năm, là một biểu tượng của sự liên kết quốc tế và là mối dây kết chặt chúng ta lại với nhau. Chúng ta vẫn tiếp tục ủng hộ Thổ Nhĩ Kỳ, đồng minh NATO của chúng ta và cũng là người cộng tác của chúng ta, cùng với tất cả bạn bè và đồng minh của chúng ta trên khắp thế giới, vào lúc mà chúng ta đang tiếp tục đương đầu với đe dọa khủng bố.”

Ứng cử viên tổng thống đảng Dân Chủ, bà Hillary Clinton, nói: “Quân khủng bố một lần nữa lại tấn công vào trái tim của một đồng minh trong khối NATO của chúng ta. Cuộc tấn công hôm nay ở Istanbul chỉ làm cho chúng ta mạnh mẽ thêm trong việc đánh bại khủng bố và thánh chiến cực đoan trên khắp thế giới. Và điều này nhắc nhở chúng ta rằng Hoa Kỳ không thể chùn bước. Chúng ta phải cộng tác nhiều hơn với đồng minh và đối tác của chúng ta ở Trung Đông và Âu Châu để chận đứng sự đe dọa này.”

Ứng cử viên tổng thống đảng Cộng Hòa, ông Donald Trump, nói: “Cả thế giới đều sững sờ và kinh hoàng. Đe dọa khủng bố chưa bao giờ lớn hơn. Kẻ thù của chúng ta là tàn bạo và vô tâm và sẽ làm bất cứ điều gì để giết hại những ai không chịu khuất phục họ.”

Ông Trump tiếp: “Ngay từ bây giờ chúng ta phải có những hành động nhằm bảo vệ nước Mỹ khỏi họa khủng bố, và làm mọi cách trong khả năng chúng ta để cải tiến an ninh của chúng ta để cho nước Mỹ được an ninh hơn.”

Ông Binali Yildirim, thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ, nói, điều tra sơ khởi của lực lượng an ninh cho thấy tổ chức khủng bố ISIS đứng sau vụ tấn công này và rằng đây là mối đe dọa của cả toàn cầu.

Tổng Thống Thổ Nhĩ Kỳ, ông Tayyip Erdogan, ước lượng phân nửa những người bị thương ở trong tình trạng “hết sức nguy kịch.”

Ông nói: “Rõ ràng vụ tấn công này không nhắm đến bất kỳ kết quả nào mà chỉ để tạo sự tuyên truyền chống lại đất nước chúng ta bằng máu và sự đau đớn của người dân vô tội.”

Cơ Quan Quản Trị Hàng Không Hoa Kỳ (FAA) ra lệnh ngưng mọi chuyến bay từ Mỹ qua Istanbul và ngược lại, trong khi Port Authority gia tăng biện pháp an ninh tại các phi trường trong khu vực thành phố New York.(TP)

User avatar
TheLang
Posts: 1960
Joined: Thu Oct 30, 2008 5:43 am

Post by TheLang »

Mỹ, Nhật, Hàn lần đầu tập trận hỏa tiễn chống Bắc Triều Tiên

Thụy My


Image
Lực lượng phòng vệ Nhật Bản tìm thấy một đầu đạn rớt xuống bờ biển nước này, nghi là tên lửa Bắc Triều Tiên.
Ảnh được cung cấp cho báo chí ngày 23/06/2016.

Hàn Quốc, Nhật Bản và Hoa Kỳ hôm 28/06/2016 cùng tham gia cuộc tập trận ba bên chưa từng có từ trước đến nay, nhằm đối phó với nguy cơ Bắc Triều Tiên bắn hỏa tiễn. Bình Nhưỡng gọi cuộc tập trận tại Hawai này là « khiêu khích quân sự ».

Cuộc tập trận ba bên diễn ra một tuần sau vụ Bắc Triều Tiên bắn thử thành công hỏa tiễn tầm trung, mà theo Bình Nhưỡng là có thể tấn công các căn cứ quân sự Mỹ tại Thái Bình Dương.

Hệ thống chống hỏa tiễn Aegis của Hoa Kỳ được đưa vào thử nghiệm, qua đó các bên tham gia tập trận có thể tăng cường khả năng tương tác, các kênh thông tin, thu thập dữ liệu.

Điều quan trọng nữa là Nhật Bản và Hàn Quốc cùng tham gia. Hai láng giềng châu Á lâu nay vẫn lấn cấn trong quan hệ ngoại giao khiến Hoa Kỳ gặp khó khăn trong việc tạo dựng một mặt trận chung nhằm đối phó với Bình Nhưỡng.

Phó đô đốc Nora Tyson, tư lệnh Đệ tam Hạm đội Mỹ tuyên bố cuộc tập trận ba bên đã « củng cố mối quan hệ vốn đã chặt chẽ giữa ba nước ». Bộ Ngoại Giao Bắc Triều Tiên cho đây là « một vụ khiêu khích quân sự mới của Hoa Kỳ », và tái khẳng định Bình Nhưỡng sẽ không ngần ngại « tấn công hạt nhân phủ đầu » trong trường hợp bị đe dọa.

Từ đầu năm nay, Bắc Triều Tiên đã tiến hành một loạt thử nghiệm thuộc chương trình nguyên tử và đạn đạo, với mục tiêu hoàn chỉnh loại hỏa tiễn liên lục địa (ICBM) mang đầu đạn hạt nhân có thể bắn tới lãnh thổ Hoa Kỳ. Vụ bắn thử một hỏa tiễn Musudan mới vào thứ Tư tuần trước có thể giúp Bình Nhưỡng đạt mục đích này từ nay đến năm 2020.

Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Ashton Carter tuần trước nhận định, các vụ bắn thử hỏa tiễn của Bắc Triều Tiên chứng tỏ sự cần thiết phải tăng cường các hệ thống lá chắn chống tên lửa như THAAD để bảo vệ lợi ích của Hoa Kỳ cũng như các đồng minh châu Á.

User avatar
lynhcao
Posts: 883
Joined: Sat Apr 30, 2005 10:46 pm

Post by lynhcao »

Nga thanh trừng bộ chỉ huy hạm đội Baltic
Thursday, June 30, 2016 2:21:41 PM

MOSCOW, Nga (AP) - Vị đô đốc tư lệnh hạm đội Baltic của Nga đã bị giải nhiệm cùng với các sĩ quan cao cấp dưới quyền ông
vì một số khiếm khuyết không được công bố rõ ràng, trong một cuộc thanh trừng chưa từng thấy kể từ thời Liên Xô tới nay.

Image
Một số tàu trong hạm đội Baltic. (Hình minh họa: RIA Novosti via Getty Images)

Tờ báo online Fontanka.ru hôm Thứ Năm nói rằng 50 sĩ quan cao cấp của hạm đội Baltic đã bị giải nhiệm cùng với tư lệnh.

Nguồn tin này nói rằng việc thanh trừng diễn ra sau khi có tố cáo cho rằng cấp chỉ huy đã tìm cách che giấu vụ một tàu ngầm gặp tai nạn, các lỗi lầm trong việc tuyển mộ và các sai phạm trong dự án xây cất.

Bộ Quốc Phòng Nga loan báo vụ thanh trừng này trong một bản thông cáo ngắn gọn vào tối ngày Thứ Tư.

Nguồn tin này cho hay Phó Đô Đốc Viktor Kravchuk, ông Sergei Popov, chánh văn phòng của ông, và một số sĩ quan cao cấp khác trong hạm đội đã bị giải nhiệm vì nhiều lỗi lầm.

Bản thông cáo cũng cho hay các sĩ quan bị kỷ luật cũng đưa các báo cáo sai trái về tình trạng thật sự của hạm đội.

Nguồn tin từ giới truyền thông cho hay một trong những lý do khiến Phó Đô Đốc Kravchuk bị giải nhiệm là tình trạng quá tệ hại của khu nhà dành cho gia đình các sĩ quan ở Kaliningrad, với một số căn nhà bị sập thời gian gần đây. (V.Giang)

User avatar
saohom
Posts: 2213
Joined: Wed Aug 26, 2009 11:30 pm

Post by saohom »


Al-Qaeda: ‘Hậu quả nghiêm trọng’ nếu Mỹ xử tử Tsarnaev"

July 3, 2016

Image
Hiện trường nơi xảy ra vụ nổ bom Boston Marathon vào năm 2013. (Hình: Wikipedia/Aaron “tango” Tang)

WASHINGTON DC (NV) – Ông Ayman al-Zawahri, lãnh đạo tổ chức khủng bố al-Qaeda, vừa cảnh cáo rằng Hoa Kỳ sẽ chịu “hậu quả nghiêm trọng nhất” nếu Dzhokhar Tsarnaev, một trong hai anh em hung thủ vụ đánh bom Boston Marathon, bị Mỹ xử tử hình.

Theo Reuters, Tsarnaev bị tuyên án tử hình bằng cách chích thuốc độc hồi năm ngoái, liên quan đến vụ đánh bom hồi năm 2013 làm chết ba người và hơn 260 bị thương.

Ông Zawahri nói: “Nếu chính phủ Mỹ giết Dzhokhar Tsarnaev, người anh hùng anh em chúng ta, hay bất kỳ người Hồi Giáo nào, thì điều đó sẽ mang lại cho công dân Mỹ những hậu quả nghiêm trọng nhất.”

Ông Zawahri trở thành lãnh đạo của al-Qaeda sau khi lực lượng Mỹ hạ sát trùm khủng bố Osama bin-Laden hồi năm 2011.

Ông kêu gọi người Hồi Giáo bắt cóc càng nhiều người Tây phương càng hay, đặc biệt công dân những nước gia nhập “Chiến dịch Thập Tự Quân do Mỹ lãnh đạo.”

Theo ông, những người Tây phương bị bắt sẽ đem trao đổi với các tù binh Hồi Giáo.

Các nước Tây phương “là những tội phạm, họ chỉ biết đến ngôn ngữ của võ lực,” ông nói thêm.

Đoạn video dài gần một giờ, trong đó có hình ảnh của Tsarnaev, không thể xác định đã được thu ở đâu nhưng được cho là ở gần biên giới giữa Afghanistan với Pakistan.

Tsarnaev thực hiện cuộc đánh bom Boston Marathon với anh ruột là Tamerlan, người bị hạ sát khi đối đầu với cảnh sát sau đó.

Đương sự hiện bị giam tại nhà tù “hết sức cẩn mật” ở Florence, Colorado, nơi các luật sư đại diện đang kháng cáo án tử hình.

Sự giằng co pháp lý về số phận của Tsarnaev có thể kéo dài hằng năm, kể cả hằng thập niên.

Được biết chỉ ba trong số 74 tù nhân ở Mỹ bị án tử hình về những tội liên bang bị thi hành án, tính từ năm 1998. (TP)

User avatar
saohom
Posts: 2213
Joined: Wed Aug 26, 2009 11:30 pm

Post by saohom »

‘TQ nên chuẩn bị đối đầu quân sự’

Image

Một tờ báo theo khuynh hướng dân tộc chủ nghĩa tại Trung Quốc nói Bắc Kinh nên tự chuẩn bị cho đối đầu quân sự ở Biển Đông.

Bài viết được đăng tải vào hôm thứ Ba, một tuần trước một phán quyết của Tòa án Quốc tế về tranh chấp giữa Trung Quốc và Philippines.

Hoàn Cầu Thời báo, cả bản tiếng Anh và tiếng Trung, nói tranh chấp, vốn trở nên phức tạp do sự can thiệp của Hoa Kỳ, nay phải đối mặt với thực trạng leo thang thêm do mối đe dọa của phán quyết đối với chủ quyền của Trung Quốc.


"Washington đã triển khai hai tàu sân bay tại Biển Đông, và muốn gửi một tín hiệu bằng cách lên gân theo đó muốn chứng tỏ họ là cường quốc lớn nhất trong khu vực và chờ đợi Trung Quốc phải phục tùng," báo này viết.

"Trung Quốc nên tăng tốc phát triển khả năng răn đe quân sự.

"Mặc dù Trung Quốc không thể theo kịp Hoa Kỳ về quân sự về ngắn hạn, Trung Quốc sẽ có thể khiến Hoa Kỳ phải trả một cái giá mà Hoa Kỳ không thể lường nếu họ dùng vũ lực can thiệp vào tranh chấp Biển Đông.

"Trung Quốc hy vọng tranh chấp có thể được giải quyết bằng đàm phán, nhưng Trung Quốc phải chuẩn bị cho bất kỳ cuộc đối đầu quân sự nào. Đây là chuyện bình thường trong quan hệ quốc tế," báo này bình luận.

Trung Quốc vào tuần này nói họ tiến hành tập trận trên Biển Đông từ 5-11 tháng Bảy tại khu vực quần đảo Hoàng Sa và tàu bè bị cấm đi lại trong khu vực vào thời gian này.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam ngay lập tức lên tiếng phản đối, gọi đây là "hành động vi phạm luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) và Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC)".

Ông Lê Hải Bình nói: "Việt Nam phản đối mạnh mẽ và yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, hành xử có trách nhiệm, chấm dứt ngay và không có những hành động đe dọa đến an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông hay làm gia tăng căng thẳng tại khu vực này”.

Tòa trọng tài thường trực tại The Hague, Hà Lan, cho biết họ sẽ công bố phán quyết vào ngày 12/7, trong vụ Philippines kiện Trung Quốc vì tuyên bố chủ quyền trong khu vực vùng biển chiến lược và giàu tài nguyên.

Tuy nhiên, Trung Quốc liên tục tẩy chay vụ kiện, và cho rằng tòa trọng tài không có thẩm quyền phán quyết với vụ kiện.

Post Reply