TIN TỨC THẾ GIỚI HÀNG NGÀY

Xin cho biết tin từ đâu ra, phát xuất từ nước nào!!!
User avatar
mexanh
Posts: 477
Joined: Tue Nov 04, 2008 4:18 am

Re: TIN TỨC THẾ GIỚI HÀNG NGÀY

Post by mexanh »

Tổng Thống Zelensky: Quân đội Ukraine cần có thêm nửa triệu binh lính
December 20, 2023

KYIV, Ukraine (NV) – Tổng Thống Volodymyr Zelensky cho hay quân đội Ukraine cần phải động viên thêm 500,000 binh lính để đáp ứng nhu cầu của cuộc chiến chống Nga sắp bước sang năm thứ hai, Đài BBC loan tin hôm Thứ Ba, 19 Tháng Mười Hai.

Lên tiếng tại một cuộc họp báo ở thủ đô Kyiv, vị tổng thống cho biết các tư lệnh chiến trường đang cần từ 450,000 đến 500,000 binh lính nữa, và họ cùng nhìn nhận rằng đây là một vấn đề không dễ dàng thực hiện và tốn kém. Ông Zelensky nói ông cần thêm các chi tiết để hoàn thành kế hoạch đó, và cho biết hiện đang có 500,000 binh sĩ đang chiến đấu tại các mặt trận trên khắp đất nước Ukraine.


Lời tuyên bố của nhà lãnh đạo Ukraine được đưa ra tiếp theo sau vụ Liên Hiệp Âu Châu và Hoa Kỳ cùng khước từ quân viện và kinh viện cho Ukraine.

Image
Binh sĩ Ukraine giữ tiền đồn ở thành phố Nga chiếm đóng Horlivka, vùng Donetsk, ngày 14 Tháng Mười Hai, 2023 (Hình: ANATOLII STEPANOV/AFP/Getty Images)

Tuần trước, các dân biểu Cộng Hòa tại Hạ Viện Mỹ đã bác bỏ khoản viện trợ $60 tỷ cho Ukraine. Các giới chức của cả Tòa Bạch Ốc lẫn Bộ Ngoại Giao Mỹ vẫn nói rằng Hoa Kỳ dự trù sẽ cung cấp thêm một khoản viện trợ nữa cho Ukraine, nhưng chẳng may chuyện này đã không thành tựu.

Vụ thất bại tại Hoa Kỳ tiếp theo sau vụ Hungary ngăn chặn số tiền Liên Âu viện trợ 50 tỷ đồng euro, tương đương $55 tỷ, cho Ukraine hồi đầu tháng này. Đệ Nhất Phu Nhân Olena Zelensky của Ukraine, trong một cuộc phỏng vấn với Đài BBC hồi đầu tháng, cảnh cáo rằng Ukraine đang ở trong giai đoạn hiểm nguy sinh tử khi bị để cho chết tức tưởi vì không được sự yểm trợ của Tây Phương.

Trong khi đó, cũng trong tuần này, Tổng Thống Nga Vladimir Putin tuyên bố rằng Moscow sẽ tiếp tục cuộc xâm lược Ukraine, thề quyết hoàn thành mọi mục tiêu mà ông đã đề ra từ những ngày đầu cuộc tiến đánh vào Ukraine.

Vị chủ nhân Điện Kremlin còn cho biết rằng 617,000 binh lính Nga hiện đang tham gia vào một cuộc chiến được Moscow mô tả là “cuộc hành quân đặc biệt.” Nhưng ông Putin cũng nhìn nhận rằng quân đội Nga đang gặp khó khăn với hệ thống phòng thủ trên không cũng như với các hoạt động thông tin liên lạc, và đang cần phải sản xuất thêm nhiều máy bay drone để phục vụ chiến trường. (TTHN)

hoangphong
Posts: 391
Joined: Tue Feb 12, 2019 7:20 am

Re: TIN TỨC THẾ GIỚI HÀNG NGÀY

Post by hoangphong »

Tấn công ồ ạt, Nga bắn 122 hỏa tiễn và 36 drone vào Ukraine
December 29, 2023

KYIV, Ukraine (NV) – Quân Nga đã bắn 122 hỏa tiễn và phóng mấy chục máy bay drone xuống các mục tiêu của Ukraine, phần lớn là nhắm vào thủ đô Kyiv, các giới chức cho hay vào hôm Thứ Sáu, 29 Tháng Mười Hai, làm thiệt mạng ít nhất 24 thường dân trong điều mà không lực Ukraine coi là cuộc tấn công trên không lớn nhất suốt cuộc chiến, thông tấn xã AP đưa tin.

Trong đêm, không lực Ukraine đã đánh chặn hầu hết các hỏa tiễn đạn đạo và hỏa tiễn hành trình cùng với các máy bay drone kiểu Shahed do Iran chế tạo, theo một thông báo trên Telegram của tư lệnh quân đội Ukraine Valeril Zaluzhnyi và tư lệnh Không Quân Ukraine Mykola Oleshchuk. Bản thông báo cho biết đây là “cuộc tấn công trên không ồ ạt nhất” kể từ khi diễn ra cuộc xâm lăng toàn diện của Nga vào Ukraine hồi Tháng Hai năm 2022 đến nay.


Không lực Ukraine cho hay cuộc tấn công trên không kinh khủng nhất đã diễn ra vào hồi Tháng Mười Một năm 2022 khi quân Nga phóng lên 96 hỏa tiễn vào Ukraine. Riêng trong năm nay, con số hỏa tiễn mà Nga phóng đi trong một trận chiến là 81 chiếc vào ngày 9 Tháng Ba, các số liệu cho biết như thế.

Image
Một cô giáo xem xét thiệt hại lớp học ở Lviv, phía Tây Ukraine, hôm 29 Tháng Mười Hai, 2023, sau khi Nga tấn công (Hình: YURIY DYACHYSHYN/AFP/Getty Images)

Mới đây, các giới chức và phân tích gia Tây Phương đã cảnh cáo rằng Nga đã giới hạn các cuộc tấn công bằng hỏa tiễn hành trình từ nhiều tháng qua trong một nỗ lực mà ai cũng thấy là nhằm tích lũy kho dự trữ hỏa tiễn của họ cho các cuộc tấn công đại quy mô vào mùa Đông năm nay, với hy vọng đập tan ý chí chiến đấu của phía Ukraine. Thời tiết đông giá thế nào cũng làm cho các cuộc tấn công ngoài trận tuyến bị khựng lại sau khi cuộc phản công mùa Hè của Ukraine không đem lại khai thông nào đáng kể cho cuộc giằng co dọc theo chiến tuyến kéo dài gần 1,000 kilometer, tức 620 dặm, ở miền Đông và miền Nam Ukraine.

Tại Odesa ở miền duyên hải phía Nam Ukraine, những mảnh vụn từ các chiếc drone bị phá hủy trên không đã rơi xuống và gây nên một đám cháy trên một cao ốc nhiều tầng lầu tại một khu dân cư, theo phúc trình của Oleh Kiper, chủ tịch ủy ban hành chánh địa phương. Có hai thường dân bị thiệt mạng và 15 người khác bị thương, trong đó có hai trẻ em. (TTHN)

User avatar
bichphuong
Posts: 574
Joined: Mon Apr 25, 2016 12:10 am
Been thanked: 1 time

Re: TIN TỨC THẾ GIỚI HÀNG NGÀY

Post by bichphuong »

Thế giới tưng bừng đón năm mới 2024, tạm gác thảm kịch chiến tranh
December 31, 2023

LOS ANGELES, California (NV) – Năm mới 2024 đến với nhân loại toàn thế giới trong bối cảnh bi thảm của cuộc chiến Israel và Hamas diễn ra mỗi ngày với cái chết của thường dân Palestine vô tội, và cuộc xâm lăng của Nga tại Ukraine vẫn chưa chấm dứt, theo Reuters tổng kết vào cuối năm.

Nhưng dòng thời gian vẫn trôi, để một năm mới lại đến. Con người vẫn còn hy vọng một tương lai tốt đẹp chờ đón tại một thời khắc đánh dấu một trang mới.
Image
Cảnh đốt pháo bông tại cảng Sydney, Úc. (Hình: Roni Bintang/Getty Images)
Theo vòng trái đất quay, các quốc gia lần lượt bắn pháo bông sáng rực chào đón năm mới 2024.


New Zealand

New Zealand nằm trong số những quốc gia đầu tiên trên thế giới đón mừng năm mới 2024 bằng màn bắn pháo bông ở thủ đô Auckland.

Màn trình diễn pháo bông từ tháp Sky Tower cao 328 mét ở Auckland đã chiếu sáng bầu trời đêm đầy mây và đi kèm với màn trình diễn hoạt hình và ánh sáng laser.


Màn trình diễn kéo dài 5 phút với 500 kg pháo bông được bắn từ tòa tháp và cầu Cảng Auckland cũng được chiếu sáng.

Dân chúng Auckland theo dõi qua cơn mưa phùn khi pháo bông rực rỡ bắn lên bầu trời đêm.

Úc

Sydney chào đón năm mới 2024 bằng màn bắn pháo bông rực rỡ trong màu sắc bạc và vàng để kỷ niệm 50 năm thành lập Nhà Hát Opera nổi tiếng.

Màn pháo bông trình diễn ngoạn mục kéo dài 12 phút bao gồm 36,000 hiệu ứng hình ảnh làm nức lòng người xem.

Pháo bông được bắn từ Cầu Cảng Sydney, Nhà Hát Opera Sydney, sáu bệ phóng nổi trên mặt nước, năm mái nhà cao tầng và bốn cầu phao khắp thành phố.


Theo ban tổ chức, màn trình diễn đã sử dụng hơn 8.5 tấn pháo bông.

Hồng Kông

Hồng Kông chào đón năm 2024 bằng màn bắn pháo bông đêm giao thừa ngoạn mục trên cảng Victoria vào tối Chủ Nhật, 31 Tháng Mười Hai.

Mặt tiền của trung tâm Hong Kong Convention and Exhibition Centre được trang trí bằng đồng hồ đếm ngược quy mô lớn trước màn trình diễn pháo bông kéo dài 12 phút.

Văn phòng du lịch thành phố cho biết năm nay là màn bắn pháo bông đêm giao thừa lớn nhất ở Hồng Kông cho đến nay.
Image
Cảnh đốt pháo bông tại tháp Taipei 101, Đài Loan. (Hình: Gene Wang/Getty Images)

Đài Loan

Đài Loan chào đón năm 2024 bằng màn pháo bông ngoạn mục từ tòa tháp Đài Bắc 101, khi đồng hồ điểm nửa đêm.

Màn trình diễn xung quanh tòa nhà chọc trời mang tính bước ngoặt ở độ cao 508 mét kéo dài trong 300 giây và bao gồm hơn 16,000 vụ nổ, đồng thời lần đầu tiên kết hợp pháo bông Nhật Bản.


Theo Bộ Ngoại Giao Đài Loan, chủ đề của màn bắn pháo bông đêm giao thừa năm nay là “Thế Giới Sắc Màu” tượng trưng cho sự trở lại cuộc sống bình thường vào năm 2024, sau nhiều năm đại dịch cản trở du lịch nước này.

Bắc Kinh

Bắc Kinh đón năm mới với bài phát biểu của Chủ Tịch Tập Cận Bình cho biết Trung Quốc sẽ củng cố và nâng cao xu hướng phục hồi kinh tế tích cực vào năm 2024, đồng thời duy trì phát triển kinh tế lâu dài với những cải cách sâu sắc hơn.

Trong bài phát biểu đầu năm này, ông Tập đưa ra triển vọng Trung Quốc “chắc chắn phải được thống nhất,” thông điệp ám chỉ đến Đài Loan.

Năm 2023, là một năm đầy khó khăn cho nền kinh tế Trung Quốc khi tỷ lệ thất nghiệp trong giới trẻ tăng kỷ lục.

Thái Lan

Thái Lan đón năm 2024 với màn bắn pháo bông kéo dài 12 phút trải dài trên một phần sông Chao Phraya ở thủ đô Bangkok.

Lễ đón năm mới được tổ chức tại Icon Siam, một trong những trung tâm mua sắm lớn nhất ở Bangkok, còn bao gồm màn trình diễn máy bay không người lái kéo dài chín phút mô tả hình ảnh đếm ngược năm mới của Thái Lan.


Ở những khu vực khác của Bangkok, người xem cũng có thể xem màn bắn pháo bông tương tự từ Cung Điện Lớn nằm ở phía đối diện sông.
Image
Đức Giáo Hoàng Francis vào chiều cuối năm 31 Tháng Mười Hai tại Vatican. (Hình: Andreas Solaro/AFP via Getty Images)
Vatican
Đức Giáo Hoàng Francis tưởng nhớ vị tiền nhiệm Đức Giáo Hoàng Benedict nhân ngày giỗ đầu. Đức Giáo Hoàng Benedict qua đời vào ngày 31 Tháng Mười Hai, 2022, kết thúc một thập niên mà một vị giáo hoàng đương nhiệm và cựu giáo hoàng sống cùng lúc tại Vatican.

Đức Giáo Hoàng Francis mô tả năm 2023 đánh dấu bằng những xung đột dữ dội và cầu nguyện cho “những người dân Ukraine, Palestine và Israel, Sudan, và những ai còn đau khổ trên thế giới.”


Đức Giáo Hoàng Francis mong muốn một năm kết thúc yên bình khi mọi người trên khắp thế giới kỷ niệm ngày kết thúc năm 2023.

Pháp

Tổng Thống Emmanuel Macron cho biết trong bài phát biểu cuối năm truyền thống trước quốc dân rằng năm 2024 sẽ là năm có những lựa chọn mang tính quyết định đối với đất nước ông và châu Âu.

Ông Macron nhấn mạnh thực tế rằng cuộc bầu cử Nghị Viện Châu Âu sắp tới vào Tháng Sáu sẽ là thời điểm quyết định nên tiếp tục xây dựng dự án châu Âu hay ngăn chặn nó, tiếp tục quá trình chuyển đổi sinh thái hay quay ngược đồng hồ, để khẳng định sức mạnh của các nền dân chủ tự do hay từ bỏ nó bởi những lời dối trá gieo rắc hỗn loạn.

Tổng Thống Pháp cho biết cả nước đang hướng tới một năm có nhiều cam kết quan trọng: Từ lễ kỷ niệm 80 năm D-day vào Tháng Sáu, đến Thế Vận Hội Olympic Paris 2024 vào mùa Hè và khai mạc Nhà Thờ Đức Bà vào ngày 8 Tháng Mười Hai.
Image
Khải Hoàn Môn tại thủ đô Paris, Pháp, đón năm mới 2024. (Hình: Guillaume Souvant/AFP via Getty Images)
Đức
Những người hâm mộ pháo bông đã được thưởng thức một chút lễ đón giao thừa ở thành phố Grevenbroich thuộc Bắc Rhine-Westphalian vào Thứ Năm, 28 Tháng Mười Hai.

Khi đợt bắn pháo bông bắt đầu vào lúc nửa đêm, khách hàng của một cửa hàng bán lẻ pháo bông được thưởng thức màn trình diễn pháo bông và tia laser cho đêm cuối cùng của năm.

Cảnh sát Đức, các nhóm môi trường và cơ quan y tế đã kêu gọi cấm bắn pháo bông trước đêm giao thừa vì thường được sử dụng không phù hợp và bất cẩn, đồng thời gây ô nhiễm không khí.

Giống như ở nhiều quốc gia, truyền thống bắn pháo bông là một phần trọng tâm trong lễ đón giao thừa ở Đức. Tuy nhiên, một số thành phố đã cấm bắn pháo bông, thiết lập các khu vực cấm bắn pháo bông, đặc biệt là xung quanh các đường phố đông đúc.

Những nơi không đón mừng năm mới rầm rộ

Ukraine

Người dân Kiev năm nay yên lặng đón mừng năm mới 2024 vì lệnh giới nghiêm cảnh giác trước các cuộc tấn công bằng hỏa tiễn và máy bay không người lái dồn dập trong những tuần gần đây.

Chính phủ Ukraine không dành ngân sách cho việc đón mừng năm mới vì cần phải lo thực phẩm cho dân chúng trong mùa Đông trước bối cảnh Mỹ không thông qua được viện trợ quân sự do đảng Cộng Hoà ngăn cản.
Image
Cảnh Gaza chiều cuối năm 2023. (Hình: Dawood Nemer/AFP via Getty Images)

Gaza và Israel

Trong lúc cả thế giới sáng rực với ánh sáng pháo bông, thì ở Gaza, người dân Palestine không có một chốn nương thân trong khói lửa bom đạn của Israel.

Con số thường dân Palestine chết kể từ ngày 7 Tháng Mười cho đến nay là ít nhất 21,800 người. (MPL) [kn]

User avatar
mexanh
Posts: 477
Joined: Tue Nov 04, 2008 4:18 am

Re: TIN TỨC THẾ GIỚI HÀNG NGÀY

Post by mexanh »

NATO tập trận lớn nhất kể từ Chiến Tranh Lạnh với 90,000 quân
January 19, 2024

BRUSSELS, Bỉ (NV) – NATO đang tiến hành cuộc tập trận lớn nhất kể từ Chiến Tranh Lạnh, diễn tập cách quân đội Hoa Kỳ có thể tăng cường cho các đồng minh Châu Âu ở các quốc gia giáp Nga và ở sườn phía Đông của liên minh nếu một cuộc xung đột bùng lên với một “đội quân đối nghịch tương xứng.”

Khoảng 90,000 binh sĩ sẽ tham gia cuộc tập trận Steadfast Defender 2024 sẽ kéo dài đến Tháng Năm, Tướng Chris Cavoli, tư lệnh tối cao lực lượng đồng minh tại Châu Âu, cho biết hôm Thứ Năm, 18 Tháng Giêng, Reuter loan tin.
Image
Tướng Chris Cavoli (Mỹ), tư lệnh tối cao lực lượng đồng minh tại Châu Âu. (Hình: Omar Havana/Getty Images)

NATO cho biết có hơn 50 chiến hạm bao gồm các hàng không mẫu hạm đến khu trục hạm sẽ tham gia cùng hơn 80 chiến đấu cơ, trực thăng và máy bay không người lái cùng ít nhất 1,100 quân xa bao gồm 133 xe tăng và 533 xe chiến đấu bộ binh.


Tướng Cavoli cho biết cuộc tập trận sẽ diễn tập việc NATO thực hiện các kế hoạch khu vực nêu chi tiết cách liên minh sẽ phản ứng trước một cuộc tấn công của Nga.


NATO không đề cập đích danh Nga trong thông báo nhưng trong các tài liệu chiến lược hàng đầu của khối đều xác định Nga là mối đe dọa trực tiếp và quan trọng nhất đối với an ninh của các thành viên NATO.

“Steadfast Defender 2024 sẽ thể hiện khả năng của NATO trong việc nhanh chóng khai triển lực lượng từ Bắc Mỹ và các khu vực khác của liên minh để củng cố khả năng phòng thủ của châu Âu,” Tướng Cavoli nói với các phóng viên ở Brussels sau cuộc họp kéo dài hai ngày với những lãnh đạo quốc phòng trong liên minh.

Theo NATO, cuộc tập trận cuối cùng có quy mô tương tự là Reforger – hồi thời Chiến Tranh Lạnh năm 1988 với 125,000 người tham gia – và Trident Juncture vào năm 2018 với 50,000 người tham gia.

Các binh sĩ tham gia cuộc tập trận, bao gồm mô phỏng việc đưa nhân sự đến Châu Âu cũng như các cuộc tập trận trên thực địa, sẽ đến từ các nước NATO và Thụy Điển, quốc gia hy vọng sẽ sớm gia nhập liên minh.
Image
Cảnh quân Pháp và Romania trong một cuộc tập trận hồi Tháng Chín, 2022. (Hình: Daniel Mihailescu/AFP via Getty Images)

Các đồng minh đã ký kết các kế hoạch khu vực tại hội nghị thượng đỉnh Vilnius năm 2023, chấm dứt một kỷ nguyên dài mà NATO thấy không cần thiết phải có các kế hoạch phòng thủ quy mô lớn khi các nước Tây phương tiến hành các cuộc chiến nhỏ hơn ở Afghanistan và Iraq và cảm thấy một số nước Nga thời hậu Xô Viết không còn là một mối đe dọa hiện hữu.

Trong phần thứ hai của cuộc tập trận Steadfast Defender 2024, trọng tâm đặc biệt sẽ là việc khai triển lực lượng phản ứng nhanh của NATO tới Ba Lan ở sườn phía Đông của liên minh.

Các địa điểm chính khác của cuộc tập trận sẽ là các quốc gia vùng Baltic được coi là có nguy cơ cao nhất trước một cuộc tấn công tiềm tàng từ Nga. (MPL) [qd]

hoangphong
Posts: 391
Joined: Tue Feb 12, 2019 7:20 am

Re: TIN TỨC THẾ GIỚI HÀNG NGÀY

Post by hoangphong »

Giằng co Đài Loan trên trận tuyến ngoại giao
Thái Ngọc –
28 tháng 1, 2024

Image
Ảnh: Alex Wong/Getty Images


Ngày 27 Tháng Giêng 2024, Bộ Quốc phòng Đài Loan cho biết hơn 30 máy bay quân sự Trung Quốc đã được phát hiện quanh Đài Loan trong vòng 24 giờ, đánh dấu màn phô trương lực lượng lớn nhất kể từ cuộc bầu cử lập pháp và tổng thống ngày 13 Tháng Giêng 2024 với chiến thắng thuộc về Lai Ching-te (Lại Thanh Đức) của Đảng Dân Tiến (ông Lại Thanh Đức chính thức nhậm chức ngày 20 Tháng Năm 2024).

Trong một tuyên bố, trong vòng 24 giờ tính đến 6 giờ sáng ngày 27 Tháng Giêng 2024, Bộ Quốc phòng Đài Loan đã phát hiện 33 máy bay quân sự Trung Quốc, trong đó có máy bay chiến đấu Su-30 và 6 tàu hải quân hoạt động quanh Đài Loan. Cơ quan này cho biết 13 chiếc máy bay đã “vượt qua đường trung tuyến của eo biển Đài Loan”. Một bản đồ cũng cho thấy hoạt động của loạt khinh khí cầu quân đội Trung Quốc.

Đài Loan tiếp tục trở thành vấn đề thời sự trên mặt trận ngoại giao quốc tế. Hai ngày sau khi Lại Thanh Đức – cái gai của Bắc Kinh – đắc cử tổng thống, đảo quốc Nauru tuyên bố cắt đứt quan hệ với Đài Loan để ủng hộ Trung Quốc, trở thành quốc gia thứ 183 công nhận Trung Quốc – so với khoảng 160 quốc gia vào hai thập niên trước và 80-90 quốc gia vào ba thập niên trước. Anh và nhiều nước phương Tây khác đã thiết lập quan hệ với Trung Quốc vào đầu những năm 1970. Mỹ thực hiện chính sách tương tự vào năm 1979. Khi xét đến sự công nhận chính thức, Trung Quốc dường như đang chiến thắng. Hiện chỉ có 11 quốc gia (và Vatican) tiếp tục công nhận Đài Loan.


Mặt sau của vấn đề không đơn giản như những con số chính thức. 183 quốc gia nhìn Đài Loan theo những cách rất khác nhau. Có rất nhiều nước dù không muốn làm phật ý Bắc Kinh và thừa nhận “chủ quyền Bắc Kinh” trên Đài Loan nhưng trong thực tế họ lại xem hòn đảo này là một quốc gia độc lập. Theo ghi nhận của tuần báo Anh The Economist, chỉ có vỏn vẹn khoảng 28 quốc gia khẳng định quan điểm của Trung Quốc về những gì liên quan chủ quyền lãnh thổ Đài Loan.

Tháng Mười 2023, Pakistan cho biết họ “ủng hộ mạnh mẽ” nỗ lực thống nhất đất nước của Trung Quốc; một tuyên bố của Syria vào Tháng Chín 2023 sử dụng ngôn ngữ tương tự. Làm thế nào để ngày càng có nhiều quốc gia tuyên bố chính thức ủng hộ quan điểm Trung Quốc liên quan chủ quyền của họ với Đài Loan là vấn đề bận tâm lớn nhất của Bắc Kinh. Trong mắt Trung Quốc, sự hỗ trợ như vậy giúp Trung Quốc chứng minh rằng việc thống nhất là hợp lý, thậm chí bằng vũ lực.

Hầu hết các nước phương Tây đều ít nhiều – khi công khai, khi ngấm ngầm – đứng về phía Đài Loan, dù ngôn ngữ ngoại giao trên bề mặt của họ luôn nói rằng vấn đề Đài Loan là chuyện của Trung Quốc. Mỹ là nước điển hình. Một mặt nới lỏng hạn chế tiếp xúc ngoại giao với giới chức Đài Loan, mặt khác, Mỹ lại tăng cường viện trợ quân sự cho Đài Loan. Tổng thống Joe Biden thậm chí nói rằng Mỹ sẽ bảo vệ Đài Loan khỏi cuộc xâm lược của Trung Quốc, dù giới chức ngoại giao Hoa Kỳ thường rút lại những tuyên bố như vậy để duy trì “sự mơ hồ về mặt chiến lược”. Kiểu chơi nước đôi của Washington về vấn đề Đài Loan dĩ nhiên khiến Bắc Kinh ấm ức và tức tối.

Điều khiến Trung Quốc khó chịu nhất là việc Mỹ đang lôi kéo đồng minh áp dụng chiến lược nước đôi như họ. Chính quyền Biden khuyến khích các nước “mở rộng hợp tác với Đài Loan”. Một số lượng đều đặn phái đoàn nghị viện phương Tây liên tục đến thăm hòn đảo này. Úc, Anh, Canada và Pháp đã cử tàu chiến qua eo biển Đài Loan. EU và G7 cũng đưa ra quan điểm kêu gọi sự ổn định trong khu vực – một cách nói khéo léo và “tế nhị” cho thấy người ta đang ủng hộ Đài Loan hơn là Trung Quốc.

Cộng hòa Czech là một trong những quốc gia tỏ ra rất tích cực ủng hộ Đài Loan. Bản thân họ có bề dày lịch sử chống thể chế độc tài. Các nhà lãnh đạo Quốc hội Czech liên tục đến thăm hòn đảo này. Petr Pavel, Tổng thống Czech, đã nói chuyện qua điện thoại với người đồng cấp Đài Loan, Thái Anh Văn, vào năm 2023. Ông Pavel cũng là nguyên thủ quốc gia châu Âu đầu tiên chúc mừng Đài Loan sau chiến thắng bầu cử tổng thống của Lại Thanh Đức vào ngày 13 Tháng Giêng 2024.


Như nhiều thập niên qua, Trung Quốc tập trung nỗ lực (và áp lực kinh tế) để lôi kéo các nước đang phát triển. Hầu hết quốc gia công khai khẳng định lập trường của họ về vấn đề Đài Loan đều là nước nghèo. Nhiều nước trong số đó ủng hộ Bắc Kinh đơn giản chỉ vì tiền “hối lộ” của Trung Quốc. Năm 2023, Honduras tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Đài Loan sau 82 năm. Chẳng phải Honduras thích gì Bắc Kinh. Đơn giản, họ muốn Đài Loan đàm phán lại số tiền $600 triệu mà Honduras nợ; trong khi Đài Loan cáo buộc Honduras “tống tiền” bằng cách yêu cầu viện trợ hơn $2 tỷ!

Hiện các đồng minh còn lại của Đài Loan là Belize, Guatemala, Haiti, Paraguay, Saint Kitts & Nevis, Saint Lucia… Ở Thái Bình Dương, Đài Loan vẫn được Quần đảo Marshall, Palau và Tuvalu công nhận. Eswatini là đồng minh châu Phi duy nhất của nước này và Vatican là đồng minh duy nhất ở châu Âu. Đại sứ của Tuvalu, Bikenibau Paeniu, cho biết quyết định của Tuvalu vào năm 1979 về việc đứng về phía Đài Loan phần lớn xuất phát từ hệ tư tưởng và đức tin: Đất nước theo đạo Cơ đốc này luôn cảnh giác với cộng sản.

Theo The Guardian, năm 2020, Đài Loan đã viện trợ $502 triệu cho “các đồng minh ngoại giao và quốc gia thân thiện” – tăng từ mức $302 triệu vào năm 2018. Họ thường xuyên tài trợ các dự án phát triển cho đồng minh Mỹ Latin và châu Phi. Tất cả đồng minh của họ đều có quyền tiếp cận học bổng giáo dục đại học toàn diện cho hàng trăm sinh viên mỗi năm. Những quốc gia thân thiện và ủng hộ Đài Loan đều nói rằng, các học bổng giáo dục – đặc biệt về công nghệ, kỹ thuật và y học – luôn mang lại lợi ích lâu dài cho đất nước họ.

Phần mình, Trung Quốc thường xuyên gài quan điểm của mình vào các tuyên bố với nhiều nhóm quốc gia châu Phi, Ả Rập, Trung Á và Thái Bình Dương. Bắc Kinh luôn mồm tuyên truyền Đài Loan như một tỉnh của họ trên các diễn đàn quốc tế, chẳng hạn “Nhóm bạn bè bảo vệ Hiến chương Liên hợp quốc” (“Group of Friends in Defence of the Charter of the United Nations”), trong đó có Iran, Nga và Triều Tiên. Tại một cuộc họp nhóm gần đây, Trung Quốc tự nhận họ là “người bảo vệ trật tự quốc tế”.

Mới đây, Trung Quốc tuyên bố chính Liên Hiệp Quốc đã tán thành quan điểm của họ về Đài Loan. Trung Quốc viện dẫn Nghị quyết 2758, được thông qua năm 1971, công nhận Bắc Kinh là đại diện hợp pháp duy nhất của Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc. Trung Quốc đã thành công trong việc ép các nước như Nauru trích dẫn Nghị quyết 2758 khi nói về Đài Loan. Bắc Kinh cũng ghi được một chiến thắng khác vào Tháng Giêng 2024, khi Dennis Francis, nhà ngoại giao người Trinidad hiện giữ chức chủ tịch Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, gợi ý rằng Liên Hiệp Quốc cần tuân theo quan điểm Trung Quốc; và những gì Liên Hiệp Quốc làm sẽ căn cứ theo nội dung Nghị quyết 2758.

Trên mặt trận này, Trung Quốc có thể đạt được một số thành công. Bắc Kinh đã thuyết phục nhiều quốc gia áp dụng thuật ngữ của họ về những vấn đề liên quan nhân quyền và phát triển. Nói cách khác, họ đã có thể ép một số nước dùng lối ăn nói của họ khi phát biểu về nhân quyền và phát triển thế giới. Trong trường hợp Đài Loan, cuộc chiến ngoại giao không chỉ là vấn đề câu chữ ngôn ngữ.

Vài năm qua, Trung Quốc tăng cường hoạt động gây hấn ở eo biển Đài Loan. Đó là cách Trung Quốc cố thay đổi hiện trạng về mặt quân sự và ngoại giao. Ngày càng họ muốn thế giới thấy rằng Đài Loan thật sự là của họ và họ có toàn quyền hành xử theo cách của họ. Càng có nhiều quốc gia chấp nhận quan điểm của họ về Đài Loan thì họ càng có nhiều vỏ bọc để biến lời nói thành hành động.

nhuvan
Posts: 342
Joined: Sun Mar 27, 2016 8:29 pm

Re: TIN TỨC THẾ GIỚI HÀNG NGÀY

Post by nhuvan »

Mỹ, Nga đụng độ ở Liên Hiệp Quốc về Ukraine
February 6, 2024

NEW YORK, New York (NV) – Mỹ đụng độ với Nga ở Liên Hiệp Quốc (LHQ) về Ukraine hôm Thứ Ba, 6 Tháng Hai, theo Reuters.

Mỹ cáo buộc Nga bắn sang Ukraine ít nhất chín hỏa tiễn do Bắc Hàn cung cấp, còn Nga nói Mỹ là “kẻ đồng lõa trực tiếp” trong vụ vận tải cơ quân sự của Nga bị bắn hạ tháng trước.
Image
Ông Vassily Nebenzia, đại sứ Nga tại Liên Hiệp Quốc, phát biểu trong cuộc họp về cuộc chiến Israel-Hamas tại trụ sở Liên Hiệp Quốc ở New York, New York, hôm 30 Tháng Mười, 2023.
(Hình minh họa: Michael M. Santiago/Getty Images)

Ông Vassily Nebenzia, đại sứ Nga tại LHQ, và ông Robert Wood, phó đại sứ Hoa Kỳ tại LHQ, cáo buộc qua lại tại cuộc họp của Hội Đồng Bảo An về Ukraine. Cuộc họp do Nga yêu cầu tổ chức. Nga xâm lược nước láng giềng Ukraine gần hai năm nay.


“Tới nay, Nga ít nhất chín lần bắn sang Ukraine hỏa tiễn đạn đạo do Bắc Hàn cung cấp,” ông Wood phát biểu trước Hội Đồng Bảo An gồm 15 quốc gia thành viên.


“Nga và Bắc Hàn phải chịu trách nhiệm cho việc họ làm, vốn vi phạm những bổn phận từ lâu của họ theo nghị quyết Hội Đồng Bảo An LHQ,” ông Wood thêm.

Cả Nga lẫn Bắc Hàn đều bác bỏ cáo buộc của Mỹ, nhưng năm ngoái, hai quốc gia này tuyên bố sẽ tăng cường quan hệ quân sự. Từ khi bắt đầu xâm lược Ukraine hồi Tháng Hai, 2022, Nga gia tăng quan hệ với Bắc Hàn và những quốc gia thù địch với Mỹ khác, như Iran. Tây phương đang lo ngại về những mối quan hệ đó.

Hôm 24 Tháng Giêng, vận tải cơ Il-76 của Không Quân Nga bị rớt. Nga loan báo toàn bộ 74 người trên phi cơ thiệt mạng, trong đó có 65 lính Ukraine đang được chở đi trao đổi tù binh Nga. Nga cáo buộc Ukraine bắn rớt phi cơ này.

“Chúng tôi có bằng chứng không thể chối cãi rằng hỏa tiễn Patriot địa đối không được dùng trong vụ tấn công này, nên rõ ràng Washington cũng là kẻ đồng lõa trực tiếp trong tội ác này,” ông Nebenzia phát biểu trước Hội Đồng Bảo An.


Tuần trước, điều tra viên của Nga cho hay họ có bằng chứng quân đội Ukraine bắn hạ chiếc vận tải cơ bằng hỏa tiễn Patriot của Mỹ.

Nga yêu cầu hội đồng họp hôm Thứ Ba sau khi nước này cáo buộc Ukraine hôm Thứ Bảy dùng hỏa tiễn được Tây phương cung cấp tấn công tiệm bánh và nhà hàng ở miền Đông Ukraine do Nga kiểm soát, làm ít nhất 28 người thiệt mạng.

Ông Serhii Dvornyk, nhà ngoại giao cao cấp của Ukraine tại LHQ, cho rằng Nga lợi dụng Hội Đồng Bảo An “để loan tin giả.”

Ông Wood nói Mỹ không thể xác minh độc lập thông tin Nga đưa ra vì không có báo chí độc lập tường thuật, nhưng ông lên án việc dân thường thiệt mạng.

Ông Wood thêm: “Xin nói rõ, Nga là kẻ gây hấn duy nhất trong cuộc chiến này, và là nước duy nhất có thể chấm dứt cuộc chiến này hôm nay.” (Th.Long) [qd]

User avatar
bichphuong
Posts: 574
Joined: Mon Apr 25, 2016 12:10 am
Been thanked: 1 time

Re: TIN TỨC THẾ GIỚI HÀNG NGÀY

Post by bichphuong »

Tổng thống Hungary từ chức sau vụ ân xá tội phạm ấu dâm
February 11, 2024

BUDAPEST, Hungary (NV) – Bà Katalin Novak, tổng thống Hungary, tuyên bố từ chức trước việc ngày càng có nhiều chỉ trích từ công chúng về quyết định của bà nhăm ân xá cho một người đàn ông liên quan đến vụ lạm dụng tình dục trẻ em.

Tổng Thống Novak nói trong bài phát biểu trên truyền hình quốc gia hôm Thứ Bảy: “Tôi đã quyết định ân xá vào Tháng Tư năm ngoái vì tin rằng kẻ bị kết án đã không khai thác tính dễ bị tổn thương của những đứa trẻ mà đương sự giám sát”.
Image
Bà Katalin Novak, tổng thống Hungary. (Hình: Timothy A. Clary/AFP via Getty Images)

“Tôi đã phạm sai lầm, vì việc ân xá và việc thiếu lý do đã dẫn đến việc gây ra những nghi ngờ về sự không khoan nhượng cho tội ấu dâm,” bà Novak


Hàng ngàn người biểu tình đã xuống đường ở thủ đô Budapest vào Thứ Sáu, kêu gọi bà Novak từ chức.

Vào Tháng Tư năm 2023, Novak đã ân xá cho khoảng hai chục người trước chuyến thăm của Đức Giáo Hoàng Francis, trong số đó có phó giám đốc một trại trẻ mồ côi, người đã giúp cựu giám đốc che giấu tội ác.

Reuters đưa tin cựu giám đốc này bị kết án 8 năm tù vì lạm dụng tình dục các bé trai chưa đủ tuổi vị thành niên từ năm 2004 đến năm 2016.

Phó giám đốc nhận bản án ba năm.

Theo Reuters, bà Novak đang có chuyến thăm chính thức tới Doha khi những người biểu tình đến văn phòng của bà. Các đảng đối lập ở Hungary đã yêu cầu bà Novak từ chức.

Bà Novak là đồng minh thân cận của thủ tướng theo chủ nghĩa dân tộc cứng rắn của Hungary Viktor Orbán và từng là bộ trưởng gia đình. Năm 2022, bà trở thành người phụ nữ đầu tiên giữ chức tổng thống Hungary, một vai trò mang tính nghi lễ.

Lời phát biểu hôm Thứ Bảy là lần cuối cùng của bà Novak nói chuyện trước công chúng trên cương vị tổng thống, chưa đầy hai năm sau khi nhậm chức.

Bà xin lỗi các nạn nhân và gia đình họ trong bài phát biểu trên truyền hình hôm Thứ Bảy, nói rằng mình đã “phạm sai lầm”. (MPL) [kn]

hoangphong
Posts: 391
Joined: Tue Feb 12, 2019 7:20 am

Re: TIN TỨC THẾ GIỚI HÀNG NGÀY

Post by hoangphong »

Putin đã giết Alexei Navalny?
Nguyên Cao

Image
Alexei Navalny (ảnh: Sefa Karacan/Anadolu Agency/Getty Images)

Alexei Navalny, nhân vật đối lập chính trị nổi bật nhất của Nga, đã chết trong một nhà tù hẻo lánh ở Nga ở tuổi 47. Tin tức về cái chết Navalny được đưa ra vào Thứ Sáu 16 Tháng Hai 2024 từ Cơ quan Nhà tù Liên bang của Nga.

Navalny đã phải thụ án tù dài hạn vì các tội tuyên truyền “chủ nghĩa cực đoan”. Tuy nhiên, gần như ai cũng biết Alexei Navalny bị trù dập bởi liên tục chỉ trích và đối đầu Tổng thống Vladimir Putin. Người phát ngôn Kremlin Dmitry Peskov cho biết Putin đã được thông báo về cái chết Navalny và rằng các bác sĩ nhà tù đang tìm hiểu “nguyên nhân cái chết”.

Dư luận thế giới phản ứng gay gắt trước cái chết mờ ám của Alexei Navalny. Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken nói rằng “cái chết của Navalny trong nhà tù ở Nga chỉ làm nổi rõ sự yếu kém và mục nát ở trung tâm của hệ thống mà Putin xây dựng. Chính phủ Nga phải chịu trách nhiệm về điều này.”


Mối lo ngại về sức khỏe của Navalny ngày càng được chú ý sau khi Navalny không xuất hiện trong video từ phòng giam trong hai phiên tòa vào đầu Tháng Mười Hai. Các quan chức tại khu nhà tù IK-6, thuộc vùng Vladimir, cách Moscow khoảng 140 dặm về phía Đông, biện bạch sự vắng mặt của Alexei Navalny là do “vấn đề về điện”. Các thành viên trong gia đình và những người ủng hộ ông nói rằng chính quyền Nga liên tục từ chối chăm sóc y tế cho Navalny và bắt ông phải chịu biệt giam trong thời gian dài, với mục đích ngăn cản ông tiếp cận thế giới bên ngoài. Một đại diện thuộc Tổ chức Chống Tham nhũng của Alexei Navalny ở Washington DC hồi Tháng Tư bày tỏ rằng Navalny bị đầu độc trong tù.

“Không ai được phép gặp tôi,” Navalny nói, với bộ dạng hốc hác trong phiên tòa hồi Tháng Mười. “Tôi hoàn toàn bị cô lập khỏi các nguồn thông tin.” Navalny thụ án 19 năm tù với các tội danh tuyên truyền chủ nghĩa cực đoan, tham ô và lừa đảo. Là người chỉ trích kịch liệt Tổng thống Putin suốt hơn một thập niên, Navalny được rất nhiều người Nga ủng hộ khi ông thực hiện các chiến dịch khơi dậy sự phẫn nộ công chúng đối với nạn tham nhũng ở cấp chính phủ cao nhất. Ông luôn bày tỏ khát vọng một viễn kiến xa xôi rằng ngày nào đó người Nga có thể sống khác đi và nước Nga sẽ sạch bóng chính trị độc tài. Ngay từ trong phòng giam, Alexei Navalny đã chỉ trích việc Nga xâm chiếm Ukraine và sự cai trị bằng chính sách đàn áp khốc liệt của Putin.

Sinh ngày 4 Tháng Sáu 1976 tại một ngôi làng ngoại ô Moscow, Alexei Navalny là một luật sư được đào tạo bài bản. Ông trở nên nổi tiếng nhờ nỗ lực khuyến kích các cuộc nổi dậy đòi hỏi minh bạch tại những công ty nhà nước vốn dĩ đầy tham nhũng ở Nga. Sau đó, Alexei Navalny nổi lên như một ngôi sao chính trị trong các cuộc biểu tình chống chính phủ. Với khả năng thuyết phục và tài diễn thuyết trước công chúng, Alexei Navalny chỉ trích các cuộc bầu cử Quốc hội vào năm 2011. Ông gọi đảng Nước Nga Thống nhất cầm quyền của Kremlin là “đảng của những kẻ lừa đảo và trộm cắp”.

Alexei Navalny được phép tranh cử thị trưởng Moscow vào năm 2013 nhưng ông vẫn đứng thứ hai, khi ứng cử viên do Kremlin lựa chọn cuối cùng chiến thắng. Sau đó, Navalny thách thức Putin trong cuộc tranh cử tổng thống vào năm 2018. Một tòa án ra phán quyết rằng ông không đủ tư cách tranh cử tổng thống. Trong một cuộc phỏng vấn hãng tin NPR của Mỹ, Alexei Navalny nói: “Tôi muốn sống ở một đất nước bình thường và từ chối chấp nhận bất kỳ cuộc nói chuyện nào về việc Nga trở thành một quốc gia tồi tệ, nghèo nàn hoặc nô lệ. Tôi muốn sống ở đây và tôi không thể chịu đựng được sự bất công mà với nhiều người ngày càng trở thành chuyện bình thường”.

Phong cách thân mật của Navalny trái ngược hoàn toàn với thái độ hống hách của Putin. Truyền thông nhà nước Nga gọi Alexei Navalny là “tên phát xít”. Bị cấm phát sóng truyền hình quốc gia ở Nga, Navalny thành thạo việc sử dụng mạng xã hội – đặc biệt YouTube – để quảng bá thông điệp chính trị. Năm 2011, Navalny thành lập Tổ chức Chống Tham nhũng nhằm điều tra bằng chứng hối lộ của thành phần chóp bu quyền lực nhất nước Nga. Các cuộc điều tra do Navalny dẫn đầu đã phanh phui nhiều chuyện động trời, từ việc các bộ trưởng phô trương sự giàu có xa hoa vượt xa thu nhập được công bố của họ, đến việc họ sử dụng máy bay chính phủ để chở chó corgi hoặc tổ chức những cuộc thi chó đẹp.


Video nổi tiếng nhất của Alexei Navalny là bộ phim dài hai tiếng vào năm 2021 cho thấy cảnh bên trong một cung điện bí mật ở Hắc Hải mà Navalny cho rằng được Putin xây với kinh phí hơn $1 tỷ. Khi lượt xem bộ phim trên tăng lên hơn 100 triệu, một nhà tài phiệt có liên quan Kremlin đứng ra tuyên bố rằng ông ta là chủ sở hữu bất động sản chứ không phải Putin. Trong nhiều năm, Navalny nhiều lần lãnh đạo các cuộc biểu tình trên toàn quốc chống lại chủ nghĩa thân hữu của Putin và Kremlin. Ông và những người ủng hộ đã bị bắt hàng chục lần; riêng năm 2011, ông bị giam giữ 15 lần.

Alexei Navalny càng nổi tiếng thì kẻ thù của ông trong giới thượng lưu Nga càng nhiều. Tháng Năm 2017, một kẻ đã dùng chất hóa học tấn công Alexei Navalny khiến ông gần như bị mù một mắt. Tháng Tám 2020, Navalny đột ngột ngã gục trên chuyến bay từ Siberia đến Moscow. Sau đó, trong tình trạng hôn mê sâu, ông được điều trị ở Đức. Bác sĩ tìm thấy dấu vết của chất độc thần kinh Novichok trong máu nạn nhân.

Vài tháng sau, Navalny hồi phục và bắt đầu cùng một số nhà báo điều tra vụ tấn công. Navalny dụ được một trong những kẻ nằm trong nhóm sát thủ thú nhận rằng hắn đã được cơ quan an ninh Nga hướng dẫn bôi chất độc lên quần lót của mình. Alexei Navalny tin rằng chuyện đó chỉ có thể được thực hiện theo lệnh Putin. Kremlin bác bỏ cáo buộc này; cùng lúc, chính phủ Nga tái gia hạn bản án cũ đối với Navalny, cáo buộc ông vi phạm lệnh ân xá khi điều trị tại một bệnh viện ở nước ngoài.

Động thái này nhằm buộc Navalny sống lưu vong. Tuy nhiên, Navalny vẫn nhất quyết quay lại Nga. Ông ngay lập tức bị bắt giam khi trở lại Nga vào Tháng Giêng 2021. Lần này, ông bị kết án hai năm rưỡi vì “vi phạm lệnh tạm tha”. “Các người không thể nhốt hàng triệu, hàng trăm nghìn người. Tôi hy vọng ngày càng nhiều người nhận ra điều này”, Navalny nói trong phiên tòa. “Và một khi như vậy – khoảnh khắc (thay đổi) sẽ đến – tất cả sẽ tan thành từng mảnh vì các người không thể phong tỏa cả đất nước.”

Một phiên tòa khác về tội “lừa đảo” vào năm 2022 đã bổ sung mức án với tổng cộng 19 năm. Cùng lúc, chính quyền Nga tiến hành triệt phá mạng lưới chính trị của Navalny, dán nhãn cho Tổ chức Chống Tham nhũng và các thành viên của tổ chức này là “cực đoan”. Một số cộng sự của Alexei Navalny bị bắt. Số còn lại lẩn trốn hoặc trốn ra nước ngoài. Tuy nhiên, ngay cả khi ở sau song sắt, ảnh hưởng chính trị Navalny vẫn mạnh. Trên bình diện quốc tế, Alexei Navalny vẫn được chú ý. Ông được trao một giải nhân quyền hàng đầu châu Âu vào năm 2021, và năm 2023, bộ phim tài liệu về ông có tên “Navalny” giành được Oscar.

Khi Nga phát động cuộc tấn công vào Ukraine vào Tháng Hai 2022, Navalny liên tục chỉ trích Putin. Ông gọi Putin là “tên điên”, tiến hành một “cuộc chiến ngu ngốc” mà chắc chắn nước Nga sẽ thua. “Tổ quốc khốn khổ, kiệt quệ của chúng ta cần được cứu. Nó đã bị cướp bóc, bị tổn thương, bị kéo vào một cuộc chiến tranh xâm lược và bị biến thành nhà tù do bọn vô liêm sỉ và lừa đảo nhất cai trị,” Navalny viết trong một bài đăng trên mạng xã hội vào Tháng Giêng, đánh dấu kỷ niệm hai năm ông ngồi tù. Ông kêu gọi những người ủng hộ vận động chống lại cuộc xâm lược bất chấp nguy cơ bị bắt, đồng thời duy trì niềm tin rằng mọi thứ có thể thay đổi nếu ngày càng có nhiều người Nga sẵn sàng lên tiếng phản đối.


Giới lãnh đạo thế giới và các nhà hoạt động đối lập đã bày tỏ phản ứng gay gắt khi nghe tin về cái chết của Alexei Navalny.

Tổng thống Joe Biden nói: “Thảm kịch này nhắc chúng ta về những rủi ro vào thời điểm này. Chúng ta phải viện trợ để Ukraine có thể tiếp tục tự vệ trước tội ác chiến tranh và những cuộc tấn công dữ dội của Putin. Đừng nhầm lẫn: Putin phải chịu trách nhiệm về cái chết của Navalny. Những gì xảy ra với Navalny ngày càng là bằng chứng rõ ràng hơn về sự tàn bạo của Putin.”


Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, đang ở Đức để vận động tìm kiếm viện trợ, nói: “Rõ ràng ông ấy đã bị Putin giết”. Thủ tướng Đức Olaf Scholz, ca ngợi sự dũng cảm của Alexei Navalny, nói rằng cái chết của Alexei Navalny cho thấy rõ “đây là loại chế độ gì”. Tổng thống Latvia Edgars Rinkēvičs nói, Navalny đã bị Điện Kremlin sát hại dã man, rằng “đó là sự thật và là điều người ta nên biết về bản chất thực sự của chế độ hiện tại ở Nga.” Mikhail Khodorkovsky, một tỉ phú Nga lưu vong, bày tỏ: “Nếu điều này đúng thì bất kể nguyên nhân thật sự thế nào, trách nhiệm về cái chết phải thuộc về cá nhân Vladimir Putin”.

“Nếu được xác nhận thì cái chết Alexei (Navalny) là một vụ giết người. Được tổ chức bởi Putin”, chính trị gia đối lập Dmitry Gudkov nói trên mạng xã hội. “Ngay cả khi Alexei chết vì những nguyên nhân ‘tự nhiên’ đi chăng nữa thì nguyên nhân vẫn bắt nguồn từ việc ông bị đầu độc và bị tra tấn trong tù.” Cựu vô địch cờ vua thế giới Garry Kasparov nhận định, “Putin đã cố gắng và thất bại trong việc sát hại Navalny một cách nhanh gọn và bí mật bằng thuốc độc, và giờ thì hắn sát hại ông một cách từ từ và công khai trong tù. Ông ấy (Alexei Navalny) bị giết vì dám vạch trần Putin và đồng bọn mafia của hắn chẳng khác gì là những kẻ lừa đảo và trộm cắp”.

Pyotr Verzilov, thành viên nổi bật của nhóm biểu tình Pussy Riot, nói, “Navalny đã bị sát hại trong tù”. Trong một bài đăng trên X (Twitter), Verzilov nói thêm: “Chúng tôi chắc chắn sẽ trả thù và tiêu diệt chế độ này”. Chủ tịch Ủy ban EU Ursula von der Leyen cho biết cái chết Navalny cho thấy “Putin không sợ gì hơn ngoài sự bất đồng quan điểm từ chính người dân của mình”. Bà Ursula gọi đó là “một lời nhắc nhở nghiệt ngã về Putin và chế độ của ông ta là gì,” rằng điều đó sẽ tạo thêm động lực để “chúng ta đoàn kết trong cuộc chiến nhằm bảo vệ tự do và an toàn cho những người dám đứng lên chống lại chế độ chuyên chế.”

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói rằng Nga có nhiều câu hỏi cần trả lời. Stoltenberg nói: “Những gì chúng tôi thấy là nước Nga ngày càng trở thành một cường quốc độc tài, họ sử dụng biện pháp đàn áp chống lại phe đối lập trong nhiều năm”. Cố vấn An ninh Quốc gia Nhà Trắng Jake Sullivan nói với NPR rằng nếu cái chết của Navalny được xác nhận, thì “đó là một thảm kịch khủng khiếp và, xét đến lịch sử lâu dài và bẩn thỉu của chính phủ Nga trong việc gây hại cho đối thủ chính trị, điều đó đặt ra những câu hỏi rõ ràng về những gì xảy ra ở quốc gia này”.

Phó Tổng thống Hoa Kỳ Kamala Harris, phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich, gọi cái chết của Alexei Navalny, nếu được xác nhận, là “một dấu hiệu nữa về sự tàn bạo của Putin”. Ngoại trưởng Anh David Cameron, cũng có mặt tại hội nghị, lặp lại nhận xét của bà, nói rằng “Nước Nga của Putin đã bỏ tù ông ấy, bịa đặt các cáo buộc chống lại ông ấy, đầu độc ông ấy, đưa ông ấy đến trại giam Bắc Cực và giờ ông ấy chết một cách bi thảm. Chúng ta cần phải buộc Putin chịu trách nhiệm về việc này.”

hoangphong
Posts: 391
Joined: Tue Feb 12, 2019 7:20 am

Re: TIN TỨC THẾ GIỚI HÀNG NGÀY

Post by hoangphong »

Tại sao bằng mọi giá Putin trừ khử Alexei Navalny?
Thảo Chi

Image
Tưởng nhớ Alexei Navalny tại Ba Lan (ảnh: Beata Zawrzel/NurPhoto via Getty Images)

Cái chết đầy mờ ám của nhân vật chính trị đối lập Nga Alexei Navalny tiếp tục gây sốc thế giới. Trong nhiều năm, Alexei Navalny đã dũng cảm đương đầu trực tiếp với Vladimir Putin, chấp nhận hậu quả là bản án 19 năm tù. Rất khó có khả năng Alexei Navalny được thả chừng nào Putin còn nắm quyền nhưng điều đó vẫn chưa đủ. Theo cơ quan quản lý nhà tù Nga, Navalny đã “bất ngờ ngã gục” khi đi dạo một quãng ngắn trong sân nhà tù, bất tỉnh và chết ngay sau đó. Trong thực tế, chẳng ai biết Alexei Navalny chết như thế nào.

Alexei Navalny đã mang lại điều gì cho nước Nga?

Quyết định giết Navalny của Putin không có gì đáng ngạc nhiên. Đối với Tổng thống Nga, việc khiến Alexei Navalny im lặng một lần và mãi mãi là điều cần phải làm. Putin không thể chịu nổi sự nổi tiếng của Alexei Navalny – người cực kỳ thành công về mặt truyền thông xã hội, đánh bại Kremlin trong trò chơi thông tin, vạch trần hàng loạt hành vi sai trái khủng khiếp của chế độ ở Moscow và “bạch hóa” thông tin cho hàng triệu người trên YouTube và các nền tảng xã hội khác, ngay cả khi Moscow liên tục làm mọi thứ để bịt miệng ông.


Không như bất kỳ nhân vật đối lập nào ở Nga kể từ khi Putin lên nắm quyền gần một phần tư thế kỷ trước, Navalny đã xây dựng được một lượng người ủng hộ vượt xa giới tinh hoa thành thị của Nga. Ông tiếp cận mọi người dân Nga từ mọi nơi trên đất nước, từ công nhân đến kỹ sư công nghệ thông tin, từ dân thường đến giới chuyên gia. Alexei Navalny đặc biệt giỏi trong việc khích lệ giới trẻ Nga, hầu hết vốn dĩ quay lưng lại với chính trị.

Trong xã hội Nga hiện tại, với hầu hết sống trong tâm trạng bối rối, chán nản và thường xuyên bị hù dọa bởi một chế độ đàn áp khốc liệt, Navalny là nhân vật duy nhất có khả năng đoàn kết. Dù chính quyền Nga giam giữ kể từ lúc ông bị bắt khi trở về Nga vào năm 2021, Alexei Navalny vẫn tiếp tục giữ được tầm vóc ảnh hưởng cho đến thời điểm qua đời. Cái chết của Navalny đánh dấu một bước đen tối mới trong quá trình theo đuổi quyền lực một cách tàn nhẫn của Putin.

Trong một thập niên, Alexei Navalny và một nhóm người ủng hộ ngày càng đông đã tìm ra cách để bước qua những trở ngại chính trị mà phe đối lập theo chủ nghĩa tự do ở Nga từ lâu cho rằng không thể vượt nổi. Từ những năm 1990, những người theo chủ nghĩa tự do ở Nga dường như luôn tin rằng chỉ ở những thành phố lớn nhất của Nga – chẳng hạn Moscow và St. Petersburg – nỗ lực thúc đẩy cải cách dân chủ mới thực sự được lắng nghe. Chỉ môi trường đô thị mới có những cộng đồng có tư tưởng tự do quan tâm đến việc xây dựng các thể chế tự do cũng như tạo ra cơ chế kiểm soát và cân bằng dân chủ. Phần còn lại của đất nước chẳng hiểu dân chủ là gì.

Putin, như hầu hết nhà lãnh đạo chuyên quyền ở Moscow trước ông, từ các Sa hoàng đến Stalin, từ lâu luôn công khai tạo ra sự chia rẽ như vậy. Đối với một số người Nga bình thường, chủ nghĩa tự do đồng nghĩa với vô chính phủ. Hậu quả, những người đấu tranh dân chủ dần mất kết nối với chính người dân của họ. Với thực tế rằng tiếng nói của các nhà cải cách dân chủ ít được ủng hộ, nhiều người tin rằng dân Nga chưa sẵn sàng cho dân chủ. Từ đó bắt đầu chiến lược “dân chủ được quản lý” của Putin; rằng chỉ có kẻ mạnh đứng đầu hiểu đất nước mới có khả năng cải cách.

Ở một mức độ nào đó, kinh nghiệm thực tế của nước Nga từ cuối những năm cộng sản đến những năm 2010 đã cho thấy chính sách của Kremlin là “đúng” với thực tế xã hội Nga. Trong giai đoạn perestroika vào những năm 1980, phong trào dân chủ chủ yếu tập trung ở các thành phố lớn. Khi Liên Xô sụp đổ, chỉ có đảng dân chủ Yabloko thành công trong việc xây dựng một mạng lưới rộng lớn trên đất nước Nga. Tuy nhiên, dù mạnh, Yabloko cũng không thể thu hút được hơn 20% số phiếu bầu vào thời kỳ đỉnh cao những năm 1990. Sau khi Putin lên nắm quyền, hoạt động dân chủ nhanh chóng suy giảm, giúp tái xác nhận rằng những người theo đuổi dân chủ ở Nga, bị cô lập ở các thành phố lớn, đã bị tách rời khỏi nhu cầu và lợi ích của phần còn lại đất nước.

Navalny là nhân vật đối lập đầu tiên phá vỡ lối suy nghĩ như vậy. Kết hợp kỹ năng sử dụng mạng xã hội và sở trường của một luật sư trong việc tìm ra bằng chứng truy tố, cùng với năng khiếu giao tiếp và cảm nhận nhạy bén về những vấn đề mà người Nga bình thường quan tâm, Navalny bắt đầu tấn công chế độ Putin theo những cách mà nhiều người lảng tránh. Bộ phim tài liệu phát trên YouTube năm 2017 của Navalny, “Đừng gọi ông ấy là Dimon”, phơi bày chi tiết tình trạng tham nhũng nghiêm trọng của Thủ tướng Dmitry Medvedev, vốn là cộng sự thân cận của Putin. Sự lan tỏa của bộ phim đã giúp Navalny tổ chức các cuộc biểu tình ở khoảng 100 thành phố và thị trấn trên khắp nước Nga vào năm đó. Tính đến năm 2023, bộ phim đã thu hút hơn 45 triệu lượt xem trên YouTube.


Di sản Alexei Navalny

Năm 2015, sau khi Nga sáp nhập Crimea, ngày càng có nhiều ý kiến đồng thuận rằng bộ máy tuyên truyền Putin đã thành công trong việc gây ảnh hưởng đối với phần lớn giới trẻ, những người còn quá trẻ để nhớ những cải cách dân chủ hỗn loạn và thoáng qua vào những năm 1990 và chưa bao giờ thực sự nếm trải mùi vị không khí dân chủ. Qua nhiều năm truyền bá và cai trị chuyên quyền của Putin, người ta tin rằng Kremlin đã loại bỏ hoàn toàn thế hệ trẻ ra khỏi chính trị. Kremlin muốn nói và luôn nhắc: Các bạn trẻ, hãy tận hưởng lợi ích của nền kinh tế ổn định nhờ giá dầu cao, hãy sống xa hoa khi có thể, hãy chơi bời xả láng, chuyện chính trị để chúng tôi lo.

Tuy nhiên, Tổ chức Chống Tham nhũng của Navalny (FBK – Фонд борьбы с коррупцией) đã chứng minh điều đó không đúng. Giới trẻ Nga rất thèm khát dân chủ. Đám đông thanh thiếu niên tham gia những cuộc biểu tình của Navalny đã trở thành một trong những lực lượng chính của phong trào. Năm 2017, bức ảnh một cảnh sát Nga lôi hai cậu bé xuống từ cột đèn ở Quảng trường Pushkin tại trung tâm Moscow đã trở thành biểu tượng cho những người ủng hộ Navalny trên khắp đất nước. Không chỉ xây dựng thành công một tổ chức chính trị đối lập đầu tiên trong lịch sử hậu Xô Viết, với sự hiện diện rộng rãi nhiều thành phần và thu hút nhiều tầng lớp trong xã hội, Alexei Navalny cũng thu hút giới trẻ Nga theo những cách mà Kremlin không thể làm được.

Yếu tố quan trọng nhất trong sự hiện diện của Navalny là mạng xã hội, thứ mà tổ chức của ông liên tục khai thác, ngay cả sau khi ông bị bắt vào năm 2021. Nhóm của Navalny liên tục vượt qua những thách thức công nghệ đối với hoạt động chính trị ở “nước Nga của Putin”. Sự hiện diện không thể ngăn cản trên mạng xã hội của Navalny trở nên đặc biệt quan trọng sau cuộc xâm lược Ukraine năm 2022, khi Kremlin thực hiện chiến dịch bịt miệng và trục xuất tất cả lực lượng đối lập. Khi chiến tranh bắt đầu, các nhà hoạt động đối lập lưu vong đã phát hiện và áp dụng nhiều chiến lược của tổ chức Navalny.

Ngay cả sau khi bị bắt, tên tuổi Navalny tiếp tục là tâm điểm trong chương trình nghị sự của phe đối lập, không chỉ bởi ông là nhân vật đối lập dễ nhận biết nhất mà còn vì ông là biểu tượng đứng đầu trong việc xây dựng được sự ủng hộ thống nhất, trong lẫn ngoài nước. Cái chết của Navalny một lần nữa đánh dấu chính sách đàn áp tàn bạo của nhà nước Nga trong việc loại bỏ mọi nguồn phản đối. Trong hơn hai thập niên, Putin đã biến ám sát chính trị trở thành một phần chủ lực trong “bộ công cụ” tiêu diệt những kẻ “gây rối” – như nhà báo Anna Politkovskaya hoặc người tố giác Alexander Litvinenko. Putin luôn sử dụng biện pháp này để bịt miệng các đối thủ chính trị như Boris Nemtsov (bị bắn gục năm 2015), và Vladimir Kara-Murza (bị đầu độc hai lần và hiện ở trong tù).

Cái chết của Alexei Navalny là một đòn khủng khiếp đối với những người Nga chống Putin. Sẽ khó tìm được người thay thế có thể thống nhất phe đối lập theo cách tương tự, không chỉ bây giờ mà cả ở giai đoạn tương lai hậu Putin. Dù vậy, Navalny đã để lại một di sản chính trị đáng kể. Tổ chức và những người ủng hộ ông vẫn còn. Đó mới là điều quan trọng. Người ta tin rằng số người chống đối Putin sẽ nhiều hơn và giới trẻ sẽ không ngừng nung nấu một tương lai dân chủ cho đất nước họ.

User avatar
khieulong
Posts: 6756
Joined: Wed Dec 01, 2004 9:09 pm
Been thanked: 1 time

Re: TIN TỨC THẾ GIỚI HÀNG NGÀY

Post by khieulong »

Nếu “Chú Sam” bỏ rơi, châu Âu xoay sở quốc phòng như thế nào?
Lâm Chi
10 tháng 3, 2024


Image
Ảnh: Lorenzo Di Cola/NurPhoto via Getty Images


Sự hiếu chiến ngày càng hung tợn của Nga, vị thế ngày càng xấu đi của Ukraine và khả năng Donald Trump trở lại Tòa Bạch Ốc đã đưa châu Âu vào thời điểm được đánh giá là nguy hiểm nhất trong nhiều thập niên – như nhận định của nhiều nhà quan sát.

Câu hỏi quan trọng bây giờ không chỉ là liệu Mỹ có bỏ rơi Ukraine hay không mà là Washington có “quăng cục lơ” châu Âu hay không. Để châu Âu lấp đầy khoảng trống mà sự vắng mặt của Mỹ để lại sẽ đòi hỏi nhiều điều hơn là tăng chi tiêu quốc phòng.

Quốc phòng châu Âu đang thiếu những gì?


Trong một cuộc phỏng vấn The Economist, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius nhấn mạnh rằng hoạt động sản xuất vũ khí của châu Âu đang tăng “nhanh nhất có thể” và ông “rất lạc quan” rằng châu Âu có thể lấp đầy tất cả khoảng trống mà Mỹ để lại. Không phải ai cũng nghĩ như vậy. Một quan chức Mỹ nói nếu viện trợ Mỹ bốc hơi hoàn toàn, Ukraine có thể sẽ thua và tình thế an ninh châu Âu sẽ hỗn loạn. Mối đe dọa không chỉ là một cuộc xâm lược của Nga mà còn là các cuộc tấn công thách thức những giới hạn của Điều 5, điều khoản phòng thủ chung của NATO.

Bộ trưởng Quốc phòng Đan Mạch mới đây cảnh báo: “Không thể loại trừ khả năng rằng trong vòng ba đến năm năm tới, Nga sẽ thách thức Điều 5 và sự đoàn kết của NATO”. Nhìn chung, mối lo ngại không phải là thời điểm mà là viễn cảnh châu Âu phải một mình đối đầu với Nga.

Châu Âu đã nghĩ đến tình cảnh éo le này trong nhiều năm. Năm 2019, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, nói rằng các đồng minh cần “đánh giá lại thực tế của NATO dựa trên cam kết của Hoa Kỳ”. Ý tưởng về “quyền tự chủ chiến lược” của châu Âu, từng chỉ được thúc đẩy bởi Pháp, đã được các nước khác đồng ý. Chi tiêu quốc phòng bắt đầu tăng sau khi Nga thực hiện cuộc xâm lược Ukraine lần đầu vào năm 2014. Năm đó, chỉ có ba thành viên NATO đáp ứng mục tiêu của liên minh là chi 2% GDP cho quốc phòng. Đến năm 2023, số quốc gia thực hiện tương tự đã lên đến 11. Năm nay (2024), ít nhất 18 trong 28 thành viên châu Âu của NATO kỳ vọng đạt được mục tiêu. Tổng chi tiêu quốc phòng của châu Âu sẽ đạt khoảng US$380 tỷ, tương đương Nga.
Image
Một cuộc tập trận giữa quân đội Mỹ và Đức (ảnh: Lennart Preiss/Getty Images)

Tuy nhiên, châu Âu nói chung còn nhiều năm nữa mới có thể tự vệ trước cuộc tấn công của Nga. Tại hội nghị thượng đỉnh an ninh 2023, các nhà lãnh đạo NATO đã thông qua kế hoạch phòng thủ toàn diện đầu tiên kể từ sau Chiến tranh Lạnh. Giới chức NATO cho biết việc chấn chỉnh quốc phòng châu Âu đòi hỏi phải tăng các mục tiêu hiện có (và chưa được đáp ứng) về năng lực quân sự nói chung lên khoảng 1/3 mức hiện tại. Điều đó có nghĩa châu Âu sẽ phải chi cho quốc phòng nhiều hơn khoảng 50% so với hiện nay, tương đương 3% GDP. Hai thành viên châu Âu duy nhất của NATO hiện đạt được mức này là Ba Lan và Hy Lạp.

Tuy nhiên, nhiều tiền hơn cũng chưa đủ. Hầu như tất cả quân đội châu Âu đang vật lộn để đạt mục tiêu tuyển quân. Quan trọng nữa là năng lực chiến đấu. Một bài báo gần đây của Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (International Institute of Strategic Studies – IISS), một tổ chức tư vấn ở London, phát hiện rằng số tiểu đoàn chiến đấu ở châu Âu hầu như không tăng kể từ năm 2015 (Pháp và Đức mỗi nước chỉ bổ sung một) hoặc thậm chí giảm ở Anh. Tại một hội nghị năm 2023, một tướng Mỹ than thở rằng hầu hết các nước châu Âu chỉ có thể điều động một lữ đoàn (gồm vài nghìn quân) với đầy đủ sức mạnh cần có.

Ngay cả khi có những đạo quân đủ sức chiến đấu, châu Âu vẫn thiếu nhiều yếu tố cần thiết để đánh đấm hiệu quả trong thời gian dài: Khả năng chỉ huy và kiểm soát tình hình (các sĩ quan tham mưu có thể điều hành bộ tư lệnh tác chiến); tình báo và trinh sát (máy bay không người lái và vệ tinh); năng lực hậu cần (vận tải hàng không); và đạn dược đủ “xài” lâu hơn một tuần.


Trong số các nước EU, chỉ Ba Lan là tương đối đáp ứng yêu cầu. Ba Lan sẽ chi 4% GDP cho quốc phòng trong năm 2024 và chi hơn một nửa trong ngân sách này vào thiết bị, vượt xa mục tiêu 20% của NATO. Họ đang mua một số lượng lớn xe tăng, trực thăng, đại pháo và pháo tầm xa HIMARS. Dù vậy, dưới thời chính phủ trước đó – theo nhà phân tích quốc phòng Konrad Muzyka, Ba Lan lại không có kế hoạch rõ ràng cho quốc phòng và hoàn toàn thờ ơ việc quản lý và bảo trì thiết bị. Dàn HIMARS của Ba Lan có thể bắn trúng mục tiêu cách xa 300km nhưng vấn đề ở đây là họ thiếu công cụ tình báo để giúp… nhìn xa ở khoảng cách như vậy (họ phải dựa vào Mỹ để được giúp định vị mục tiêu).
Image
Quân đội Mỹ trong cuộc tập trận DEFENDER Europe 20 tại Ba Lan (ảnh: Maja Hitij/Getty Images)

Có tiền chưa chắc mua được tiên

16 năm qua, một nhóm gồm 12 quốc gia châu Âu đã hùn tiền mua và vận hành một phi đội gồm ba vận tải cơ tầm xa. Tháng Giêng 2024, Đức, Hà Lan, Romania và Tây Ban Nha đã hợp tác đặt mua 1,000 hỏa tiễn được sử dụng trong hệ thống phòng không Patriot. Cách tiếp cận tương tự có thể được thực hiện ở các lĩnh vực khác, chẳng hạn vệ tinh thám sát.

Vấn đề là các nước có ngành công nghiệp quốc phòng lớn như Pháp, Đức, Ý và Tây Ban Nha thường không thống nhất được cách phân chia hợp đồng giữa các nhà sản xuất vũ khí trong nước. Một số ông lớn EU lại thường xuyên cãi nhau như mổ bò giữa việc xây dựng an ninh quốc gia với an ninh của khối. Cụ thể, Pháp không hài lòng với kế hoạch gần đây do Đức dẫn đầu, Sáng kiến Lá chắn Bầu trời Châu Âu (European Sky Shield Initiative – ESSI), trong đó đề xuất 21 quốc gia châu Âu cùng nhau mua hệ thống phòng không. Một trong những lý do khiến Paris không vui là ESSI dự kiến mua bệ phóng của Mỹ, Israel và Đức chứ không phải của Pháp.

Bởi vậy, khi Thủ tướng Đức Olaf Scholz nói châu Âu nên áp dụng “nền kinh tế chiến tranh”, ông nghị Pháp Benjamin Haddad (thuộc đảng Phục hưng của Tổng thống Emmanuel Macron) đáp lại ngay: “Không phải bằng cách mua thiết bị của Mỹ mà chúng ta có thể đạt được điều đó”. Benjamin Haddad nhấn mạnh, việc mua thiết bị Mỹ chẳng mang lại lợi lộc gì cho các nhà sản xuất vũ khí và công nhân quốc phòng châu Âu. Chưa hết, các quốc gia châu Âu thường có những ưu tiên thiết kế vũ khí khác nhau. Trong khi Pháp muốn máy bay phản lực có khả năng vận hành trên hàng không mẫu hạm và xe bọc thép nhẹ; Đức lại khoái máy bay tầm xa và xe tăng hạng nặng.

Tổng quát, quy mô những thay đổi quốc phòng đặt ra những câu hỏi lớn hơn về kinh tế, xã hội lẫn chính trị. Sự chấn chỉnh bộ máy quân đội Đức sẽ không thể được Quốc hội nước này duyệt chi nếu không cắt giảm các khoản chi tiêu khác của chính phủ hoặc xóa bỏ cái gọi là chính sách “khống chế nợ” (“debt brake”), mà điều này đòi hỏi phải sửa đổi Hiến pháp. Thierry Breton, ủy viên phụ trách quốc phòng EU, đề xuất một quỹ quốc phòng trị giá 100 tỷ euro (US$108 tỷ) để thúc đẩy sản xuất vũ khí. Thủ tướng Estonia, Kaja Kallas, được Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và các nhà lãnh đạo khác hậu thuẫn, đề xuất việc EU tài trợ cho các khoản chi tiêu quốc phòng bằng khoản vay chung, giống như cách họ đã làm với quỹ phục hồi mà họ thành lập trong đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, vụ việc lại gây tranh cãi giữa các thành viên có khuynh hướng muốn siết chặt hầu bao.

Khi rắn mất đầu

Trong lịch sử, Mỹ từng cam kết sử dụng vũ khí hạt nhân để bảo vệ đồng minh châu Âu. Tuy nhiên, điều gì xảy ra nếu Hoa Kỳ, đặc biệt dưới một tổng thống như Donald Trump, không mặn mà trong việc cứu châu Âu bằng vũ khí hạt nhân? Anh và Pháp đều có vũ khí hạt nhân nhưng họ chỉ sở hữu 500 đầu đạn, so với 5,000 của Mỹ và gần 6,000 của Nga. Và không chỉ là vấn đề số lượng.

Vũ khí hạt nhân của Anh được giao cho NATO, nơi Nhóm Kế hoạch Hạt nhân (Nuclear Planning Group – NPG) có quyền định hình chính sách về cách vũ khí hạt nhân được sử dụng. Trong khi đó, Anh lại phụ thuộc Mỹ trong việc thiết kế đầu đạn và sử dụng nguồn hỏa tiễn chung được cất giữ ở phía bên kia Đại Tây Dương. Theo một đánh giá được công bố cách đây 10 năm, nếu Mỹ cắt đứt hợp tác, lực lượng hạt nhân của Anh “có thể chỉ tồn tại được tính bằng tháng chứ không phải bằng năm”. Ngược lại, Pháp – nơi có khả năng tự sản xuất vũ khí hạt nhân – lại không tham gia vào NPG!

Không phải tự nhiên mà mới đây, Tháng Hai 2024, Bộ trưởng tài chính Đức Christian Lindner than thở trên tờ Frankfurter Allgemeine Zeitung, kêu gọi EU “suy nghĩ lại” về các thỏa thuận hạt nhân ở châu Âu. “Trong điều kiện chính trị và tài chính nào thì Paris và London mới sẵn sàng duy trì hoặc mở rộng khả năng chiến lược (hạt nhân) của họ để đối phó với các mối nguy hiểm? Và ngược lại, chúng ta (nước Đức) sẵn sàng đóng góp những gì (để Anh và Pháp “xả hàng” hạt nhân cứu châu Âu)?”


Chuyên gia quân sự Pháp Bruno Tertrais viết trong một bài báo gần đây rằng, ý tưởng Anh hoặc Pháp sẽ “chia sẻ” quyết định sử dụng vũ khí hạt nhân là điều chưa có tiền lệ. Bruno Tertrais nói thêm, sẽ không có khả năng Pháp đồng ý tham gia NPG hoặc giao lực lượng hạt nhân phóng từ trên không của họ cho NATO.
Image
Một khi vắng Mỹ, NATO như rắn mất đầu (ảnh: Sean Gallup/Getty Images)

Một câu hỏi rất lớn nữa là ai chỉ huy NATO nếu không có Mỹ? NATO là một bộ máy quan liêu khổng lồ, với việc chi 3.3 tỷ euro hàng năm để vận hành mạng lưới trụ sở gồm Tổng hành dinh tối cao lực lượng đồng minh ở Bỉ; ba bộ chỉ huy hỗn hợp ở Mỹ, Hà Lan và Ý; cùng một loạt các bộ tư lệnh nhỏ hơn rải rác ở nhiều nơi.

Nếu Mỹ rút khỏi NATO, sẽ không có quốc gia nào ở châu Âu đủ khả năng thay thế ngay lập tức. Họ thiếu kinh nghiệm và hoàn toàn không có khả năng giám sát chiến tranh cường độ cao. Olivier Schmitt, giáo sư tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến tranh ở Đan Mạch, nhận định rằng chỉ có Pháp, Anh hoặc Đức họa hoằn có thể có những sĩ quan có khả năng lập kế hoạch tác chiến ở cấp sư đoàn và quân đoàn. Ngoài ra, lâu nay, tổng tư lệnh NATO luôn là người Mỹ. Điều này đã giúp ngăn các tranh chấp nội bộ châu Âu trong nhiều thập niên. Nếu Mỹ rút đi, một cuộc “nội chiến” giành ghế tổng tư lệnh NATO ở châu Âu không thể không xảy ra.

Bất luận thế nào, châu Âu cũng đang tính đến khả năng – dù rất thấp – việc “Chú Sam” không còn đóng vai “nhà bảo kê” quốc phòng. Người ta tiếp tục tranh luận gay gắt về việc châu Âu nên chuẩn bị như thế nào một khi không có Mỹ. Ngày 14 Tháng Hai 2024, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg (người Na Uy) nhắc lại một cảnh báo mà ông từng nói nhiều lần: “EU không thể bảo vệ châu Âu”.

Chỉ còn vài tháng nữa là hội nghị thượng đỉnh NATO, đánh dấu 75 năm ngày liên minh quân sự này được thành lập, được tổ chức ở Washington DC vào Tháng Bảy 2024, châu Âu vẫn còn chưa trả lời chính xác được câu hỏi: Các thể chế chồng chéo EU đang ảnh hưởng như thế nào đến khả năng quốc phòng của họ, đặc biệt một khi đôi giày boot Mỹ không còn nện cồm cộp trên đất châu Âu.

Post Reply