TIN HOA KỲ

Xin cho biết tin từ đâu ra, phát xuất từ nước nào!!!
nhuvan
Posts: 342
Joined: Sun Mar 27, 2016 8:29 pm

Re: TIN HOA KỲ

Post by nhuvan »

Donald Trump đã thu nhập và đóng thuế bao nhiêu?

Nhã Duy
22-12-2022
Ủy ban Hoạch Định Thuế Vụ Hạ Viện Hoa Kỳ (House Committee on Ways and Means) đã quyết định sẽ công bố hồ sơ thuế vụ của cựu tổng thống Donald Trump trong vài ngày tới. Trong khi có thể xem được chi tiết hơn về các hồ sơ này, bên dưới là vài nét chính của hồ sơ thuế vụ hai vợ chồng Trump và Melania trong vòng sáu năm, từ 2015 đến 2020 mà các cơ quan truyền thông đã có được.


2015: Tổng thu nhập (total income) là ÂM $31.7 triệu đô la, thu nhập chịu thuế (taxable income) là 0 và trách nhiệm thuế (tax liability – tiền đóng thuế) là $641,931.

2016: Tổng thu nhập ÂM $32.2 triệu, thu nhập chịu thuế là 0 và trách nhiệm thuế là $750.

2017: Tổng thu nhập ÂM $12.8 triệu, thu nhập chịu thuế là 0 và trách nhiệm thuế là $750.

2018: Tổng thu nhập $24.4 triệu, thu nhập chịu thuế là $22.9 triệu và trách nhiệm thuế là $999,466.

2019: Tổng thu nhập $4.4 triệu, thu nhập chịu thuế là $2.97 triệu và trách nhiệm thuế là $133,445.

2020: Tổng thu nhập ÂM $4.7 triệu, thu nhập chịu thuế là 0 và trách nhiệm thuế là 0, lấy về (refund) $5.47 triệu.


Những điểm đáng chú ý về thu nhập chỉ trong khoảng thời gian 6 năm này:

1. Ba năm liên tiếp 2015-2017 (và có thể các năm trước kia mà ủy ban thuế không có hồ sơ) thì thu nhập của Trump là ÂM và không chịu thuế thu nhập. Trách nhiệm thuế (từ các khoản khác) có mức thuế so với thu nhập rất thấp, thấp hơn nhiều lần với những người lao động bình thường phải đóng thuế.

2. Thu nhập năm 2018 bắt đầu đảo chiều đáng kể và thu nhập chịu thuế hợp lý hơn (xét trên số liệu) sau khi ủy ban thuế vụ Hạ viện yêu cầu điều tra và đòi có hồ sơ thuế của Trump.

3. Mức thu nhập 2019 và 2020 có cũng có xu hướng thay đổi đáng kể , tuy nhiên tiền thuế phải đóng năm 2018 và 2019 cũng chỉ ở mức 4-5% (thang thuế thu nhập (tax bracket) cho những cá nhân hay gia đình có thu nhập trên $40,000 phải chịu là 22%).

4. Năm 2020, Trump không chỉ không đóng một đồng thuế nào mà còn lấy lại tiền của chính phủ đến $5.47 triệu.

5. Báo cáo của ủy ban thuế vụ cũng cho thấy Sở Thuế Vụ IRS đã không kiểm toán hồ sơ thuế của tổng thống (và phó tổng thống) đương nhiệm theo luật. Báo cáo cũng cho biết một vài viên chức lãnh đạo IRS được Trump bổ nhiệm cũng có làm ăn với Trump nhưng không khai báo khi nhậm chức.

Bên trên chỉ một phần hồ sơ thuế trong sáu năm của vợ chồng Donald Trump.

Không cần có kiến thức về thuế vụ hay hệ thống thuế của Mỹ, với hiểu biết và nhìn nhận thông thường, bạn nghĩ gì về hồ sơ thuế của một tỉ phú Mỹ?

User avatar
bichphuong
Posts: 574
Joined: Mon Apr 25, 2016 12:10 am
Been thanked: 1 time

Re: TIN HOA KỲ

Post by bichphuong »

Bão tuyết càn quét, 72% dân số Mỹ bị ảnh hưởng
Duy Lê
27 tháng 12, 2022
Image
Thomas Gilmore đang cố “giải cứu” chiếc xe của mình bị tuyết vùi sau trận bão tuyết ở Buffalo, New York. (ảnh: Joshua Thermidor cho The Washington Post qua Getty Images)

Bão tuyết vẫn đang diễn biến phức tạp trên toàn quốc, gây hư hại lưới điện, ùn tắc cao tốc và xáo trộn giao thông hàng không trong dịp lễ Giáng Sinh.

Nhiều tiểu bang ghi nhận tình trạng bão tuyết mịt mù, mưa rét, ngập lụt và nhiệt độ thấp nguy hiểm. Cơn bão có quy mô ảnh hưởng chưa từng có, trải dài từ vùng Ngũ Đại Hồ và biên giới Canada đến vùng Rio Grande dọc biên giới Mexico. Nhiệt độ các vùng từ sườn Đông dãy núi Rocky ở miền Tây nước Mỹ đến dãy Appalachian ở phía Đông Bắc có thể giảm sâu. Mưa lạnh gây nên tình trạng băng giá ở phần lớn vùng duyên hải phía Tây Bắc, tiếp giáp Thái Bình Dương.
Image
Một người đàn ông ở gần ngôi nhà bị băng bao phủ hoàn toàn sau khi tuyết rơi khiến số người chết lên tới 26 người ở Buffalo, New York, hôm 26 Tháng Mười Hai năm 2022. (ảnh: Fatih Aktas/Cơ quan Anadolu qua Getty Images)

Cơ quan Thời tiết Quốc gia (NWS) ước tính khoảng 72% dân số Mỹ nhận các thông điệp khuyến cáo hoặc cảnh báo mối nguy hiểm. Nhiệt độ thấp kèm theo gió giật có thể dẫn đến “gió lạnh nguy hiểm ở phần lớn miền Đông và miền Trung nước Mỹ trong kỳ nghỉ lễ cuối tuần”. NWS cảnh báo, một số nơi rét nghiêm trọng có nguy cơ bị bỏng lạnh, đe dọa tính mạng những người bị kẹt trên đường vì thời tiết xấu.

Image
Nhiều nơi trú ẩn ấm áp được thiết lập xung quanh Buffalo khi thành phố thoát khỏi trận bão tuyết lịch sử vào Chủ Nhật, ngày 25 Tháng Mười Hai năm 2022. (ảnh: Getty Images)
Trước lễ Giáng Sinh, hơn 5,700 chuyến bay kể cả nội địa lẫn quốc tế bị hủy, một số địa phương mất điện, ảnh hưởng đến hàng triệu gia đình và cơ sở kinh doanh. Tại Florida, nơi thường có khí hậu dễ chịu hơn vào mùa Đông, thì năm nay, chính quyền tiểu bang phát cảnh báo thời tiết giá rét sẽ xuất hiện. Tại South Dakota, Thống đốc Kristi Noem phải huy động Vệ binh Quốc gia chuyển gỗ đến các khu vực dành cho người da đỏ bản địa và hỗ trợ dọn tuyết. Mưa lớn kèm theo thủy triều cao khiến một khu vực trong trung tâm thành phố Boston, tiểu bang Massachusetts ngập nặng. Tình trạng tương tự xảy ra ở nội đô New York vào ngày 23 Tháng Mười Hai. Hàng trăm chiếc xe hơi bị “ngập” trong bão tuyết ở các New York, South Dakota và Minnesota.
Image
Một nhân viên ở phi trường đi trong cơn bão tuyết. (ảnh: Camilo Freedman/SOPA Images/LightRocket qua Getty Images)

Theo CNN và NBC News, có ít nhất hàng chục người thiệt mạng sau các tai nạn xe hơi do thời tiết khắc nghiệt ở Kansas, Missouri, Ohio. Cảnh sát tuần tra Ohio khuyến cáo mọi người không nên ra đường vào những ngày này, trừ khi có việc cần thiết. Nếu có chuyện gấp phải ra đường, đừng quên thắt dây an toàn, giữ khoảng cách giữa hai xe, chạy chậm, và hết sức bình tĩnh, đừng nóng vội.

Trước đó, NSW đưa ra cảnh báo năm nay sẽ là “mùa Đông khắc nghiệt” tới 240 triệu dân khi bão tuyết tấn công. Trang theo dõi mạng lưới điện Poweroutage cho biết khoảng một triệu khách hàng mất điện, chủ yếu ở miền Nam và miền Đông nước Mỹ. Thành phố Dallas, Texas, nơi thường có khí hậu ôn hòa, nhiệt độ rớt xuống -9.4 độ F.

Các chuyên gia thời tiết Mỹ nhận định cơn bão có thể nhanh chóng mạnh lên thành “bom bão tuyết”, hiện tượng xảy ra khi áp xuất khí quyển hạ xuống và một khối không khí lạnh gặp khối không khí nóng. Thuật ngữ “bão bom tuyết” được sử dụng từ thập niên 1980 ở Mỹ cho những cơn bão diễn biến nhanh, có áp suất không khí giảm sâu trong vòng 24 tiếng.

lequyen
Posts: 283
Joined: Sun May 22, 2011 6:22 am

Re: TIN HOA KỲ

Post by lequyen »

Bão gây ngập lụt, sạt lở đất đá khắp California
December 31, 2022
SACRAMENTO, California (NV) – Đất đá sạt lở khiến đường sá khắp California bị chặn hôm Thứ Sáu, 30 Tháng Mười Hai, giữa lúc mưa lớn khởi đầu hàng loạt trận bão dự trù sẽ khiến phần lớn tiểu bang này đón Năm Mới trong cảnh ngập lụt, còn vùng núi Sierra Nevada thì tuyết rơi nhiều foot, theo AP.

Trận bão từ Thái Bình Dương bắt đầu quét qua khắp miền Bắc California hôm Thứ Sáu và theo dự báo, sẽ tiếp tục gây mưa tới hết Thứ Bảy, Sở Khí Tượng Quốc Gia (NWS) ở Sacramento cho hay.
Image
Xa lộ U.S. 101 hướng Nam bị chặn ở đường Hookton do ngập nước hôm Thứ Sáu, 30 Tháng Mười Hai. (Hình: Caltrans)
Lệnh báo động bão mùa Đông có hiệu lực tới Chủ Nhật cho những nơi trên cao của vùng núi Sierra từ phía Nam Công Viên Quốc Gia Yosemite tới phía Bắc Lake Tahoe, nơi có thể tuyết sẽ rơi tới 5 foot trên núi, theo NWS ở Reno, Nevada.

Lệnh cảnh báo ngập lụt có hiệu lực khắp phần lớn Bắc California tới hết đêm Giao Thừa. Giới chức cảnh báo sông suối có thể tràn bờ, nên họ khuyến cáo cư dân chuẩn bị sẵn bao cát.

Trước đó, đất đá sạt lở làm tắc nghẽn đường sá ở San Francisco Bay Area, từ Fremont tới Sunol, cũng như ở Mendocino County gần cộng đồng Piercy và ở Rừng Quốc Gia Mendocino, nơi công nhân phải dọn dẹp gạch đá tới tận đêm Thứ Sáu.

Đường sá ở Humboldt County, nơi vừa bị động đất 6.4 độ hôm 20 Tháng Mười Hai, cũng bắt đầu ngập nước, theo NWS ở Eureka. Cây cầu bị tạm thời chặn tuần trước do hư hại trong trận động đất, có thể sẽ tiếp tục bị chặn nếu nước sông Eel dâng lên quá cao, giới chức thông báo.

Đó là trận bão đầu tiên trong số hàng loạt trận bão dự trù ập tới California tuần tới. Trận bão hiện tại có lẽ sẽ ấm hơn và nhiều mưa hơn, còn những trận bão tuần tới sẽ lạnh hơn, làm tuyết rơi ở nơi thấp hơn trên núi, bà Hannah Chandler-Cooley, nhà khí tượng học NWS ở Sacramento, cho hay.


Vùng Sacramento có thể mưa 4 tới 5 inch trong tuần tới, theo bà Chandler-Cooley.

Cảnh Sát Tiểu Bang California (CHP) báo cáo vài tuyến đường ở Đông Sacramento bị ngập nước và có lúc xe cộ không chạy qua được hôm Thứ Sáu. Trong 24 giờ tính đến tối Thứ Sáu, lượng mưa gần 5 inch đổ xuống vùng chân núi Sierra ở Blue Canyon, cách Sacramento khoảng 70 dặm về hướng Đông Bắc, NWS thông báo.
Image
State Route 271 bị chặn phía Nam Piercy do sạt lở gạch đá gần cầu McCoy Creek ở Mendocino County, California, hôm 30 Tháng Mười Hai. (Hình: Caltrans)

Lệnh cảnh báo bão mùa Đông có hiệu lực tới 4 giờ sáng Chủ Nhật cho hầu hết vùng Sierra, gồm khu vực cao nhất quanh Lake Tahoe nơi dự trù tuyết sẽ rơi hơn 1 foot gần bờ ở độ cao khoảng 6,200 foot và tuyết sẽ rơi tới 5 foot ở độ cao trên 8,000 foot, và gió trên đỉnh núi có thể sẽ mạnh 100 mph.

“Gió mạnh có thể làm ngã cây cối và gây cúp điện, còn sóng lớn trên Lake Tahoe có thể làm lật thuyền nhỏ,” NWS ở Reno cảnh báo.


NWS phát lệnh cảnh báo lở tuyết ở vùng quê hẻo lánh quanh Lake Tahoe cũng như thị trấn Mammoth Lakes phía Nam Yosemite.

Ở Nam California, NWS dự báo mưa từ vừa tới nặng trong ngày Thứ Bảy. Vùng này sẽ bắt đầu tạnh mưa vào ngày đầu năm mới và Diễn Hành Hoa Hồng ngày 2 Tháng Giêng có thể sẽ tránh được mưa.

Tuy nhiên, mưa lớn sẽ trở lại Nam California vào Thứ Ba và Thứ Tư, NWS ở Oxnard dự báo.

Vốn đang bị hạn hán, California rất cần mưa, nhưng phải mưa nhiều mới có thể làm nên khác biệt đáng kể. Ba năm qua là giai đoạn khô hạn nhất California từ trước tới nay. (Th.Long) [qd]

User avatar
CarteNoire
Posts: 361
Joined: Mon Sep 21, 2009 11:58 pm

Re: TIN HOA KỲ

Post by CarteNoire »

‘Fan cứng’ Trump quyết không lùi bước, McCarthy vẫn chưa được bầu chủ tịch Hạ Viện
January 4, 2023
WASHINGTON, DC (NV) – Vẫn 20 thành viên “fan cứng” của cựu Tổng Thống Donald Trump ở Hạ Viện tiếp tục ngáng chân Dân Biểu Kevin McCarthy (Cộng Hòa-California) trở thành chủ tịch Hạ Viện trong lần bỏ phiếu thứ bảy, diễn ra trong ngày Thứ Tư, 4 Tháng Giêng, theo nhật báo Washinton Post.

Sau đó, các dân biểu đồng ý ngưng cuộc họp và trở lại bầu tiếp vào hôm sau, Thứ Năm, 5 Tháng Giêng.
Image
Dân Biểu Kevin McCarthy (Cộng Hòa-California) vẫn không thể giành được ghế chủ tịch Hạ Viện sau vòng bỏ phiếu lần thứ sáu diễn ra hôm Thứ Tư, 4 Tháng Giêng. (Hình: Drew Angerer/Getty Images)
Trước đó, hôm Thứ Ba, cũng 20 dân biểu cực kỳ bảo thủ này ngáng chân ông McCarthy trong ba vòng bỏ phiếu.

Trong số 20 dân biểu này, có 18 người cho rằng cuộc bầu cử tổng thống năm 2020 mà trong đó, ông Joe Biden thắng ông Donald Trump, là gian lận.


Đáng chú ý là sau bảy cuộc bỏ phiếu, số dân biểu Cộng Hòa ủng hộ ông McCarthy giảm, dù không nhiều.

Mặc dù được ông McCarthy chấp nhận nhiều đòi hỏi, 20 dân biểu vẫn không chấp nhận giao chiếc ghế chủ tịch Hạ Viện quyền lực cho vị dân biểu của tiểu bang California.

Chiêu thức để phá ước mơ làm chủ tịch của ông McCarthy là phe ủng hộ luận điệu “gian lận bầu cử” của cựu Tổng Thống Donald Trump cứ lần lượt đưa ra những ứng cử viên đối đầu để “phá phiếu” cựu trưởng khối thiểu số của Quốc Hội Khóa 117.

Trong vòng đầu tiên, hôm Thứ Ba, Dân Biểu Andy Biggs (Cộng Hòa-Arizona) chiếm được 10 phiếu, đủ để ông McCarthy không đạt được 218 phiếu cần thiết để trở thành chủ tịch Hạ Viện.

Trong vòng hai, phe “bầu cử gian lận” chơi “độc chiêu” là đề cử ngay một người lên tiếng ủng hộ ông McCarthy, Dân Biểu Jim Jordan (Cộng Hòa-Ohio). Chiêu độc này khiến ông McCarthy mất thêm chín phiếu so với vòng đầu tiên khi có tới 19 dân biểu Cộng Hòa bỏ phiếu cho ông Jordan.


Trò “chia uyên rẽ thúy” giữa ông McCarthy và ông Jordan tiếp tục được phát huy khi vào vòng ba có tới 20 người Cộng Hòa bỏ phiếu cho vị dân biểu ở Ohio, nhiều hơn một phiếu so với vòng nhì.

Qua ngày Thứ Tư, bước vào vòng bỏ phiếu thứ tư, phe “phá phiếu” lại đưa ra một ứng cử viên khác, Dân Biểu Byron Donalds (Cộng Hòa-Florida), với kết quả là ông McCarthy lại mất 20 phiếu, tương tự vòng bỏ phiếu thứ ba ngày hôm trước.
Image
Dân Biểu Đắc Cử Lauren Boebert (Cộng Hòa-Colorado (phải) đăng đàn đề cử Dân Biểu Byron Donalds (Cộng Hòa-Florida) đối đầu Dân Biểu Kevin McCarthy (Cộng Hòa-California, trái) hôm Thứ Tư, 4 Tháng Giêng. (Hình: Chip Somodevilla/Getty Images)

Vòng bỏ phiếu thứ năm, giấc mơ làm chủ tịch Hạ Viện của ông McCarthy vẫn không trở thành hiện thực khi chỉ có 201 phiếu ủng hộ, vì “đối thủ cùng đảng,” Dân Biểu Donalds vẫn được 20 phiếu từ phe ủng hộ “gian lận bầu cử.”

Điểm đáng chú ý là Dân Biểu Donalds, chỉ mới có một nhiệm kỳ ở Hạ Viện, và là một người Mỹ gốc Phi Châu.


Kinh nghiệm non nớt tại nghị trường liên bang của ông Donalds hầu như không đủ để giữ vị trí chủ tịch Hạ Viện vô cùng quan trọng, cho thấy, phe “phá phiếu” có thể chỉ muốn tạo một biểu tượng đối chọi với Dân Biểu Hakeem Jeffries, người da màu đầu tiên làm lãnh đạo đảng Dân Chủ tại Hạ Viện.

Trong lần bỏ phiếu thứ bảy, 20 dân biểu tiếp tục “nổi loạn” khi dồn phiếu cho Dân Biểu Donalds.
Image
Dân Biểu Byron Donalds (Cộng Hòa-Florida). (Hình: Anna Moneymaker/Getty Images)

Khi đề cử ông Donalds vào chức vụ chủ tịch Hạ Viện, Dân Biểu Lauren Boebert (Cộng Hòa-Colorado), một người cổ vũ luận điệu “bầu cử gian lận” và nhiệt thành ủng hộ cựu Tổng Thống Trump, lớn tiếng kêu gọi ông McCarthy rút lui khỏi cuộc đua: “Thưa ngài, ông không có đủ phiếu đâu, tới lúc nên rút lui là vừa.”

Sáng Thứ Tư, trên trang mạng truyền thông xã hội Truth Social, cựu Tổng Thống Trump kêu gọi các dân biểu Cộng Hòa nên ủng hộ ông McCarthy tận hưởng chiến thắng chiếm đa số tại Hạ Viện thay vì đấu đá như hiện nay. Kết quả bỏ phiếu vòng thứ bảy cho thấy lời kêu gọi của cựu tổng thống chưa đủ bảo đảm cho ông McCarthy chiến thắng. (MPL) [đ.d.]

cuoigia
Posts: 255
Joined: Thu Aug 06, 2009 6:57 pm

Re: TIN HOA KỲ

Post by cuoigia »

Kevin McCarthy được bầu làm chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ
07/01/2023

Image
Sau 14 cuộc biểu quyết thất bại, Dân biểu Kevin McCarthy thuộc Đảng Cộng hòa cuối cùng được bầu làm chủ tịch tiếp theo của Hạ viện Hoa Kỳ tại Điện Capitol trụ sở Quốc hội Hoa Kỳ ở Washington, ngày 7 tháng 1 năm 2023.

Kevin McCarthy, dân biểu Đảng Cộng hòa, được bầu làm Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ vào sáng sớm ngày thứ Bảy, sau khi đưa ra nhiều nhượng bộ trước một nhóm những nghị sĩ theo đường lối cứng rắn cánh hữu.

Nghị sĩ 57 tuổi đến từ bang California đã chịu sự bẽ mặt cuối cùng khi Dân biểu Matt Gaetz không biểu quyết cho ông trong đợt biểu quyết thứ 14 lúc gần nửa đêm. Việc này đã khiến Dân biểu Mike Rogers nổi giận và sấn tới nhưng ông được ghì lại để tránh một cuộc ẩu đả.


Chiến thắng của ông McCarthy trong cuộc biểu quyết lần thứ 15 chấm dứt tình trạng rối loạn trầm trọng nhất tại Quốc hội Mỹ trong hơn 160 năm, theo Reuters. Nhưng nó cho thấy rõ ràng những khó khăn mà ông sẽ phải đối mặt khi lãnh đạo một đa số với cách biệt mong manh và phân cực sâu sắc.

Ông McCarthy chỉ giành chiến thắng sau khi đồng ý một đòi hỏi của những người theo đường lối cứng rắn rằng bất cứ nhà lập pháp nào cũng có thể kêu gọi truất quyền ông bất cứ lúc nào. Điều này sẽ cắt giảm mạnh quyền lực mà ông sẽ nắm giữ khi cố gắng thông qua luật về các vấn đề quan trọng bao gồm cấp ngân khoản cho chính phủ, giải quyết trần nợ công của quốc gia và các cuộc khủng hoảng khác có thể phát sinh.

Thành tích yếu hơn mong đợi của phe Cộng hòa trong cuộc bầu cử giữa kì vào tháng 11 đã cho họ thế đa số sít sao 222-212, và điều này có nghĩa là những người theo đường lối cứng rắn cánh hữu phản đối sự lãnh đạo của ông McCarthy có quyền lực lớn hơn nhiều.

Những nhượng bộ đó, bao gồm cả việc cắt giảm mạnh chi tiêu và các hạn chế khác đối với sự lãnh đạo của ông McCarthy, có thể dẫn đến tình trạng rối loạn hơn nữa trong những tháng tới, đặc biệt là khi Quốc hội sẽ cần phê chuẩn tăng thêm thẩm quyền vay 31,4 ngàn tỉ đôla của Mỹ.

Trong thập niên qua, phe Cộng hòa đã nhiều lần đóng cửa phần lớn chính phủ và đẩy Mỹ, nước vay nợ lớn nhất thế giới, đến bờ vực vỡ nợ trong nỗ lực buộc phải có các khoản cắt giảm chi tiêu mạnh hơn, thường là không thành công, theo Reuters.
Chiến thắng muộn của ông McCarthy diễn ra một ngày sau dịp kỉ niệm hai năm vụ tấn công nhắm vào Điện Capitol trụ sở Quốc hội Mỹ vào ngày 6 tháng 1 năm 2021, khi một đám đông bạo lực xông vào Quốc hội nhằm lật ngược thất bại trong cuộc bầu cử của tổng thống khi đó là Donald Trump.

Mười bốn đợt biểu quyết thất bại trong tuần này đánh dấu số đợt biểu quyết nhiều nhất cho chức chủ tịch Hạ viện kể từ năm 1859, trong những năm đầy biến động trước Nội chiến.

Lần tranh cử cuối cùng của ông McCarthy cho vị trí này, vào năm 2015, sụp đổ trước sự phản đối của phe cánh hữu. Hai chủ tịch Hạ viện trước đây của phe Cộng hòa, John Boehner và Paul Ryan, đã rời bỏ chức vụ này sau xung đột với các đồng nghiệp cánh hữu.

Ông McCarthy hiện có quyền ngăn chặn chương trình lập pháp của Tổng thống Joe Biden thuộc Đảng Dân chủ, buộc tiến hành các cuộc biểu quyết cho các ưu tiên của phe Cộng hòa về kinh tế, năng lượng và nhập cư, đồng thời tiến hành các cuộc điều tra nhắm vào ông Biden, chính quyền và gia đình của ông.

User avatar
CarteNoire
Posts: 361
Joined: Mon Sep 21, 2009 11:58 pm

Re: TIN HOA KỲ

Post by CarteNoire »

Vấn đề nợ công của nước Mỹ: “Bên miệng hố chiến tranh”
Trần nợ công lại trở về trong cuộc đấu chính trị


Lê Tây Sơn
26 tháng 1, 2023

Image
Khoản nợ hiện tại của nước Mỹ trên một đồng hồ nợ công ở New York ngày 19 Tháng Một 2023 (ảnh: Fatih Aktas/Anadolu Agency via Getty Images)

Đảng Cộng hòa (GOP) thề không nhượng bộ thỏa thuận trần nợ công (debt ceiling- giới hạn nợ) với Tổng thống Joe Biden. GOP khẳng định lại các yêu cầu chính trị của mình khi Biden chuẩn bị làm việc với Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy (Cộng hoà-California).

Hai đảng đứng ở miệng hố chiến tranh nợ công

Biden đã đồng ý gặp McCarthy, ngay cả khi Tổng thống cho rằng Hoa Kỳ “không nên mặc cả trong việc ngăn chặn vỡ nợ”. Ngày Chủ nhật, 22 Tháng Một, các đảng viên GOP hàng đầu đã chỉ trích Biden từ chối đàm phán một thỏa thuận về trần nợ công, đồng thời nhắc lại lời đe dọa sẽ tận dụng viễn cảnh vỡ nợ nghiêm trọng để buộc Toà Bạch Ốc phải cắt giảm chi tiêu. Bế tắc vẫn tiếp tục và có khả năng gây thảm họa cho số tiền tối đa mà chính phủ Mỹ có thể vay để thanh toán các hóa đơn đang chờ thanh toán.

Theo các nhà kinh tế học và quan chức hành chính hàng đầu, Quốc hội phải hành động ngay để tăng hoặc “treo” mức trần nợ, nếu không sẽ đẩy Hoa Kỳ vào suy thoái ảnh hưởng đến toàn cầu. Khoản nợ công của nước Mỹ (hiện đã vượt quá $31 ngàn tỷ) là hệ quả của hàng thập niên chi tiêu từ cả hai đảng. Nhưng GOP đang nắm quyền kiểm soát Hạ viện trong khi cam kết tìm cách cắt giảm mạnh chi tiêu liên bang đã cố đổ lỗi hoàn toàn cho đảng Dân chủ.


“Bạn không thể chỉ tăng giới hạn nợ để Tổng thống Biden tiếp tục chi tiêu thoải mái như ông ấy đã làm” – lãnh đạo đa số Hạ viện Steve Scalise (Cộng hoà-Lousiana) nhận định trong chương trình “Sunday Morning Futures” của Fox News Channel. Xuất hiện trên chương trình “Meet the Press” của kênh NBC, Dân biểu Nancy Mace (Cộng hoà-South Carolina) khuyến cáo: “GOP phải khống chế trần nợ công vì rõ ràng quy trình ngân sách không hoạt động”. Bà nói thêm: “Không có lúc nào như lúc này, chúng ta nói về trần nợ công khi thời hạn chót đã lù lù trước mắt!”.

Ngay cả Thượng nghị sĩ (TNS) Joe Manchin III (Dân chủ-West Virginia), một thành viên chủ chốt của đảng nhưng có xu hướng trung dung, cũng tỏ ý muốn tổ chức các cuộc đàm phán về chi tiêu. Trong một gợi ý “ly khai có thể” với các đảng viên Dân chủ khác, Manchin III nói với CNN: “Sẽ là một sai lầm nếu tổng thống không thảo luận về một số cắt giảm với những người đồng cấp GOP của tôi, đặc biệt tập trung vào việc loại bỏ lãng phí, gian lận và lạm dụng”.
Image
Vấn đề nợ công lại ám ảnh và phủ bóng đen lên Tòa Bạch Ốc (Getty Images)


Thời gian không còn nhiều

Cuộc tranh cãi về trần nợ công đã tạo tiền đề cho một trận chiến chính trị gay cấn trong những tháng tới, khi Hoa Kỳ dự kiến ​​sử dụng hết số ngân sách đặc biệt còn lại để ngăn vỡ nợ chính phủ. Trong một bức thư gửi các nhà lập pháp vào tuần trước, Bộ trưởng Tài chính Janet L. Yellen cảnh báo: “Các biện pháp đặc biệt chỉ có thể duy trì tài chính liên bang cho đến qua đầu Tháng Sáu”.

Chính mốc thời gian cấp bách này đã khiến đảng Dân chủ trong Quốc hội phải đưa ra những lưu ý hành động khẩn cấp vào ngày Chủ nhật. “Chúng ta không nên chơi trò đánh đố với nợ quốc gia” – TNS Richard J. Durbin (Dân chủ-Illinois) lưu ý trên chương trình “State of the Union” của CNN, đồng thời khuyên Biden “tuyệt đối không nên đàm phán với GOP”.

Chính phủ Hoa Kỳ chưa bao giờ vỡ nợ trong lịch sử nhưng ngay cả nguy cơ vỡ nợ cũng đã đủ khiến nền kinh tế phải trả giá đắt. Một cuộc đối đầu tương tự giữa các nhà lập pháp GOP và Toà Bạch Ốc do Đảng Dân chủ kiểm soát vào năm 2011 đã làm náo loạn thị trường, ảnh hưởng xấu đến tín dụng và khiến người nộp thuế phải mất hơn $1 tỷ.


Tình trạng “bên miệng hố chiến tranh” nợ công chỉ kết thúc sau khi Tổng thống Barack Obama đạt được một thỏa thuận với các nhà lập pháp GOP nhằm hạn chế chi tiêu trong một thập niên, dẫn đến “sự thiếu hụt trầm trọng kinh phí phân bổ cho các cơ quan y tế, khoa học, giáo dục và lao động liên bang”, đúng như đảng Dân chủ cảnh báo từ lâu.

Sẽ có đàm phán

Năm nay, các đảng viên GOP cũng tìm kiếm một thỏa thuận tương tự dưới thời McCarthy dù các đồng cấp Dân chủ vẫn kiên định từ chối các yêu sách của họ. Nhưng ngày 20 Tháng Một, Toà Bạch Ốc xác nhận Biden hiện có kế hoạch gặp Chủ tịch Hạ viện “để thảo luận về một loạt vấn đề”, gồm cả cuộc chiến chi tiêu sắp xảy ra. Tuy nhiên, Thư ký báo chí Karine Jean-Pierre nhấn mạnh trong một tuyên bố: “Cuộc gặp về nâng trần nợ không phải là đàm phán” và nhắc lại viễn cảnh “sẽ có hỗn loạn kinh tế nếu GOP dùng áp lực trần nợ công để đạt được lợi ích chính trị” – The Washington Post cho biết.

Các trợ lý của Biden cũng muốn GOP từ bỏ các đe dọa về giới hạn nợ. Về phần mình, gần đây Tổng thống đã nhấn mạnh đến trách nhiệm của GOP đối với khoản nợ công cao ngất ngưởng hiện nay của đất nước. Phát biểu tại Toà Bạch Ốc ngày 20 Tháng Một, ông nói: “Khoảng một phần tư nợ công của Hoa Kỳ trong 200 năm qua đến từ “bốn năm của người tiền nhiệm của tôi”, ám chỉ cựu Tổng thống Donald Trump.

Các đảng viên Dân chủ khác nhắc lại họ từng bỏ phiếu để nâng trần nợ dưới thời chính quyền Trump nên bây giờ phải “có qua có lại”. Một đảng viên GOP ôn hòa hàng đầu, Dân biểu Brian Fitzpatrick (Pennsylvania) cảnh báo trên “Fox News Sunday”: “Sẽ là một vấn đề nếu Biden không thuyết phục được sự tham gia của các đảng viên GOP trong thời đại đất nước bị chia rẽ!”.

Là đồng chủ tịch của “Problem Solvers Caucus” (nhóm giải quyết vấn đề lưỡng đảng), Fitzpatrick cho biết ông đang nghiên cứu luật để tìm cách phá vỡ bế tắc cùng Dân biểu Josh Gottheimer (New Jersey), một đảng viên Dân chủ ôn hòa, và cho biết cả hai sẽ sớm trình một dự luật mới.

Theo Fitzpatrick, dự luật đang còn soạn thảo sẽ thay đổi thước đo trần nợ từ “số tiền bằng đôla” thành tỷ lệ phần trăm của tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Nếu tỷ lệ phần trăm đó vượt quá một ngưỡng ấn định, “thời kỳ chữa bệnh” sẽ bắt đầu. Ông lưu ý “nếu không có chữa trị, một số cải cách ngân sách quy định sẽ tự động bắt đầu” và nhấn mạnh: “Không ai nên giữ vững lập trường không đàm phán”.

muoiot
Posts: 100
Joined: Sat Sep 19, 2009 6:52 pm

Re: TIN HOA KỲ

Post by muoiot »

Thông điệp Liên bang: Biden kêu gọi hợp tác cùng làm việc
Hiếu Chân
8 tháng 2, 2023

Image
Tổng thống Joe Biden đọc diễn văn Thông điệp Liên bang trước lưỡng viện Quốc hội Hoa Kỳ tối ngày thứ Ba 07/02/2023, nhấn mạnh đoàn kết lưỡng đảng. Ảnh Chip Somodevilla/Getty Images

Trong bài diễn văn Thông điệp Liên bang đọc trước lưỡng viện Quốc hội và được truyền hình tới toàn dân Mỹ vào tối ngày thứ Ba 7 tháng Hai 2023, Tổng thống Joe Biden đã nhiều lần kêu gọi đảng Cộng hòa hợp tác với ông để xây dựng lại nền kinh tế và đoàn kết quốc gia đồng thời trấn an người dân đang bi quan với tình trạng chia rẽ chính trị gay gắt.

Đây là lần thứ hai ông Biden đọc Thông điệp Liên bang (State of the Union) trong cương vị tổng thống Hoa Kỳ nhưng lần này khung cảnh đã khác hẳn năm ngoái khi sau lưng ông là một Chủ tịch Hạ viện thuộc đảng Cộng hòa với bộ mặt vô cảm, còn những nhà lập pháp Cộng hòa mới giành được đa số mong manh trong Hạ Viện đã nhiều lần đứng lên gào thét, chỉ trích chính quyền và chính sách của đảng Dân chủ mà ông là đại diện.

Ngay từ khi cuộc họp bắt đầu, sự chia rẽ đảng phái đã hiện rõ. Các nghị sĩ Dân chủ – gồm cả Phó Tổng thống Kamala Harris ngồi sau lưng ông – đã vỗ tay nhiệt liệt khi ông bắt đầu đọc diễn văn. Trong khi đó tân Chủ tịch Hạ viện thuộc đảng Cộng hòa, Dân biểu Kevin McCarthy, mặc dù đã chào đón tổng thống một cách nồng nhiệt khi ông bước vào phòng, vẫn ngồi im tại chỗ sau lưng ông Biden mà không biểu lộ cảm xúc gì.

Image
Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy (Cộng hòa – California) (bên phải) không biểu lộ cảm xúc gì khi nghe diễn văn của Tổng thống Biden. Ảnh Jacquelyn Martin-Pool/Getty Images

Ông Biden cũng đọc Thông điệp Liên bang vào lúc tỷ lệ cử tri ủng hộ ông thấp một cách đáng ngại: 42% cử tri chấp nhận công việc của ông trong hai năm đầu cầm quyền, chỉ cao hơn một chút so với người tiền nhiệm Donald Trump, 40.4%, và thấp hơn tất cả những tổng thống hiện đại khác. Thăm dò ý kiến của AP-NORC Center vừa thực hiện cho thấy chỉ một phần tư dân Mỹ nói đất nước đang đi đúng hướng, còn ba phần tư cho rằng nước Mỹ đã sai đường. Đa số đảng viên đảng Dân chủ không muốn ông Biden tái tranh cử nhiệm kỳ tổng thống thứ hai.

***

Tuy vậy, Thông điệp Liên bang 2023 của ông tối nay là một thành công, theo đánh giá của nhiều nhà phân tích thời sự. Trong bài diễn văn dài 73 phút, ông Biden đã nhấn mạnh vào sự thay đổi đáng kể của nước Mỹ sau hai năm từ lúc ông nhậm chức tổng thống tháng Giêng 2021: từ một nền kinh tế đang chao đảo trở thành một quốc gia thịnh vượng, kinh tế tăng trưởng và hơn 12 triệu việc làm mới đã được tạo ra; từ một quốc gia tê liệt, mệt mỏi vì đại dịch thành một quốc gia đã mở cửa bình thường và một nền dân chủ đã vượt qua thử thách lớn nhất kể từ Nội Chiến.

“Câu chuyện của nước Mỹ là câu chuyện về sự tiến bộ và khả năng phục hồi; câu chuyện của việc luôn tiến về phía trước; không bao giờ bỏ cuộc. Một câu chuyện độc đáo trong mọi quốc gia,” ông Biden nói. “Chúng ta là quốc gia duy nhất đi ra khỏi mọi cuộc khủng hoảng mà mạnh mẽ hơn so với khi chúng ta bước vào khủng hoảng. Và một lần nữa, chúng ta đã làm được điều đó”.


Tuy nhiên, “Chúng ta chưa làm xong việc”, ông tuyên bố.

Ông Biden đã tìm cách trấn an người dân rằng vai trò điều hành đất nước của ông đã mang lại kết quả cả trong và ngoài nước. Thay vì đưa ra các đề nghị chính sách hào nhoáng, ông Biden đã trình bày một sự đánh giá lạc quan về tình trạng của quốc gia; ông tuyên bố hai năm sau cuộc tấn công vào Điện Capitol, nền dân chủ của Mỹ đã “không bị khuất phục và không bị phá vỡ”.

Nhưng thách thức đối với ông Biden là rất lớn: Sự bất định của nền kinh tế, cuộc chiến mệt mỏi ở Ukraine, căng thẳng gia tăng với Trung Quốc và nhiều chuyện khác. Những dấu hiệu chấn thương trong quá khứ tại Điện Capitol, đáng chú ý nhất là cuộc bạo loạn ngày 6 tháng Giêng 2021, là không thể tránh khỏi: Một hàng rào lớn bao quanh đồi Capitol, các nhà lập pháp và khách mời tham dự cuộc họp phải trải qua thủ tục kiểm tra an ninh chặt chẽ hơn bình thường.

***

Thách thức gay gắt nhất có lẽ là tình trạng chia rẽ và đối lập gay gắt về chính trị giữa hai đảng Dân chủ và Cộng hòa, giữa hành pháp và lập pháp. Và đó cũng là trọng tâm bài diễn văn State of the Union của ông tối nay.


Ông nhấn mạnh những lĩnh vực mà hai đảng đã đạt được tiến bộ trong hai năm đầu tiên tại nhiệm của ông, bao gồm việc thông qua các đạo luật quan trọng về cơ sở hạ tầng, về sản xuất công nghệ cao và về giảm lạm phát, trong đó tập trung vào việc phát triển năng lượng sạch. Từ tiến bộ đó, ông khẳng định: “Không có lý do gì chúng ta không thể làm việc cùng nhau trong Quốc hội mới này.”

“Người dân đã gửi cho chúng ta một thông điệp rõ ràng. Chiến đấu chỉ để chiến đấu, quyền lực vì quyền lực, xung đột vì xung đột thì chẳng đưa chúng ta đến đâu cả,” ông Biden nói. “Và tầm nhìn của tôi đối với đất nước luôn là: khôi phục linh hồn của quốc gia, xây dựng lại xương sống của nước Mỹ – tầng lớp trung lưu – để đoàn kết đất nước.” “Chúng ta được bầu lên đây để hoàn thành công việc!” ông khẳng định.

Sau khi dành hai năm đầu tiên của nhiệm kỳ để thông qua các đạo luật quan trọng, đặt nền tảng cho công cuộc nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế Mỹ và cải thiện điều kiện sống của người dân, nay ông tập trung vào việc thực hiện những đạo luật lớn đó và mong muốn cử tri ghi nhận thành tích của ông.

Bằng những điệp khúc nảy lửa, trong bài diễn văn ông Biden đã 13 lần kêu gọi các nghị sĩ “hãy hoàn thành công việc”, kêu gọi các nhà lập pháp hoàn thành công việc dang dở của chính quyền liên bang về hạn chế chi phí insulin cho tất cả người Mỹ bị bệnh tiểu đường, đối mặt với biến đổi khí hậu, tăng thuế đối với người giàu và các tập đoàn cũng như cấm vũ khí tấn công.
Image
“Chúng ta được bầu lên đây để hoàn thành công việc [cho đất nước]”, ông Biden nhắc nhở các nhà lập pháp trong Điện Capitol tối 07/02/2023. Ảnh Win McNamee/Getty Images
Lời kêu gọi đoàn kết của người đứng đầu quốc gia là hết sức cần thiết. Đảng Cộng hòa mới giành được quyền kiểm soát Hạ Viện đang rất muốn hủy bỏ nhiều thành tích của chính quyền Biden và thề sẽ thực hiện vô số cuộc điều tra – từ việc xem xét những các tài liệu mật mới phát hiện gần đây từ thời ông còn làm phó tổng thống tại nhà riêng và văn phòng cũ của ông cho đến cuộc rút quân hỗn loạn và đẫm máu khỏi Afghanistan tháng Tám 2021.
Mặc dù cam kết đoàn kết lưỡng đảng nếu có thể, ông Biden cũng nhấn mạnh những căng thẳng gay gắt tồn tại giữa ông và các nghị sĩ Cộng hòa tại Hạ viện: Ông phê phán các nỗ lực của đảng Cộng hòa nhằm bãi bỏ luật chăm sóc sức khỏe và biến đổi khí hậu năm 2022 và thái độ miễn cưỡng của họ trong việc tăng giới hạn nợ liên bang vào giữa năm nay hoặc đưa đất nước tới nguy cơ vỡ nợ.

“Thay vì bắt những người giàu có trả phần công bằng của họ, thay vì không cho phép các tỷ phủ đóng thuế với tỷ lệ ngang bằng hoặc thấp hơn các giáo viên và lính cứu hỏa, một số đảng viên Cộng hòa muốn chương trình chăm sóc y tế cho người cao niên (Medicare) và quỹ An sinh xã hội phải chấm dứt hoạt động sau mỗi chu kỳ năm năm. Các đảng viên Cộng hòa khác nói rằng nếu chúng tôi không cắt giảm quỹ An sinh xã hội và Medicare, họ sẽ để nước Mỹ vỡ nợ lần đầu tiên trong lịch sử của chúng ta. Tôi sẽ không cho phép điều đó xảy ra,” ông Biden nhấn mạnh.

Xem ra Tổng thống Biden đang cho thấy một nhánh hành pháp không ngại va chạm với lập pháp, thậm chí còn gay gắt hơn lúc đảng Dân chủ của ông nắm đa số ở cả hai viện. Lợi thế của ông có lẽ là ở chỗ Thượng viện vẫn thuộc quyền kiểm soát của đảng Dân chủ và nhờ đó có thể làm giảm thiểu sức chống đối của Hạ viện.


Trong khi hy vọng về chế độ đoàn kết lưỡng đảng trên quy mô lớn là rất mong manh, Biden vẫn tiếp tục nhắc lại lời kêu gọi Quốc hội năm 2022 ủng hộ các chương trình của ông nhằm giải quyết nạn dịch thuốc gây nghiện (opioid), sức khỏe tâm thần, sức khỏe của cựu chiến binh và bệnh ung thư. Ông đã công bố chương trình hành động mới và kêu gọi các nhà lập pháp hỗ trợ các biện pháp mới nhằm đẩy mạnh nghiên cứu bệnh ung thư, giải quyết nhu cầu nhà ở và tình trạng tự tử của các cựu chiến binh, tăng cường dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần và trấn áp mạnh hơn nữa nạn buôn bán ma túy fentanyl gây chết người.
Image
Dân biểu Marjorie Taylor Greene (Cộng hòa-Georgia) đứng lên la hét và ra dấu phản đối bài diễn văn Thông điệp Liên bang của Tổng thống Biden tại Điện Capiotl tối 07/02/2033. Ảnh Win McNamee/Getty Images

Nhưng dường như lời kêu gọi đoàn kết lưỡng đảng của ông đã không được đón nhận một cách tích cực. Những lời bình luận của Biden về các chương trình an sinh xã hội đã bị các đảng viên Cộng hòa phản đối kịch liệt. Dân biểu Marjorie Taylor Greene (Cộng hòa- Georgia) và một số người khác đã đứng dậy, một số người hét lên “Tên dối trá!”

Đáp lại, Tổng thống Biden nói: “Hãy đứng dậy và cho mọi người thấy: Chúng tôi sẽ không cắt An sinh xã hội! Chúng tôi sẽ không cắt Medicare!” Khi các dân biểu Cộng hòa tuyên bố họ không cắt Medicare thì ông Biden lật lại: “Thế thì chúng ta đồng thuận rồi nhé”!

***

Bài diễn văn của ông Biden chỉ vài ngày sau khi ông ra lệnh bắn hạ một khinh khí cầu bị nghi ngờ là gián điệp của Trung Quốc bay ngang qua nước Mỹ, thu hút sự chú ý của cả quốc gia và là một lời nhắc nhở về mối quan hệ căng thẳng giữa hai cường quốc toàn cầu. “Đừng nhầm lẫn: Như chúng tôi đã nói rõ vào tuần trước, nếu Trung Quốc đe dọa chủ quyền của chúng ta, chúng tôi sẽ hành động để bảo vệ đất nước. Và chúng tôi đã làm,” ông Biden nói.

Bài diễn văn năm ngoái diễn ra chỉ vài ngày sau khi Nga bắt đầu cuộc xâm lược Ukraine và khi nhiều người ở phương Tây nghi ngờ khả năng của Kyiv chịu đựng được cuộc tấn công dữ dội đó. Trong năm qua, Hoa Kỳ và các đồng minh khác đã gửi hàng chục tỷ đô la viện trợ quân sự và kinh tế để củng cố khả năng phòng thủ của Ukraine. Bây giờ, ông Biden phải chứng minh – cả trong và ngoài nước – liên minh dưới sự lãnh đạo của Hoa Kỳ sẽ bền vững kể cả khi chiến tranh kéo dài. Ông cho biết cuộc xâm lược của Nga là “một thử thách của thời đại. Một phép thử cho nước Mỹ. Một phép thử cho thế giới.”

“Cùng nhau, chúng ta đã làm điều mà nước Mỹ luôn làm hết sức mình. Chúng ta đã dẫn đầu. Chúng ta đã thống nhất NATO và xây dựng một liên minh toàn cầu. Chúng ta chống lại sự xâm lược của Putin. Chúng ta sát cánh cùng người dân Ukraine,” ông Biden nói.

User avatar
nangchieu
Posts: 2060
Joined: Sun Apr 19, 2009 6:38 pm

Re: TIN HOA KỲ

Post by nangchieu »

Nikki Haley chính thức “thách đấu” Donald Trump
Việt Bình
19 tháng 2, 2023

Image
Bà Nikki Haley (ảnh: Alex Wong/Getty Images)

Ngày 14 Tháng Hai 2023, Nikki Haley, cựu Thống đốc Nam Carolina và cựu Đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hợp Quốc, đã chính thức “tuyên chiến” với Donald Trump, khi tuyên bố tham gia cuộc đua tranh cử tổng thống.

Việc công bố sớm chiến dịch tranh cử của Nikki Haley, 51 tuổi, khi kêu gọi “sự thay đổi thế hệ” trong đảng Cộng hòa (GOP), được xem như là cơ hội để bà dẫn đầu trong chiến dịch gây quỹ và thu hút sự chú ý mạnh hơn đối với các cử tri của vòng bầu cử sơ bộ. Trong video thông báo tranh cử, Nikki Haley không đề cập tên của Trump nhưng hàm ý rõ bà muốn đoạn tuyệt với kỷ nguyên Trump.

Ngoài việc kêu gọi một thế hệ mới tiến lên, Nikki Haley kêu gọi các đảng viên GOP cùng đoàn kết để thực hiện những vấn đề trọng đại. Nikki Haley nhấn mạnh: “Cộng hòa đã thua phiếu phổ thông ở bảy trong tám cuộc bầu cử tổng thống vừa qua”, và “điều này phải thay đổi.”


Trong một cuộc tranh cử giả định mới đây, với nhiều ứng cử viên khác, Trump giành được ít hơn 50% cử tri GOP. Việc Nikki Haley tham gia cuộc đua cho thấy cựu tổng thống đã thất bại trong việc “dọa” các đối thủ GOP trong việc gián tiếp yêu cầu họ nhường sân cho mình. Đây hẳn nhiên là sự nghiền ngẫm với những phân tích chiến thuật và khả năng chiến thắng có thể trong tầm tay của Nikki Haley trong bối cảnh mới. Năm 2021, Nikki Haley từng nói bà sẽ không tranh cử nếu Trump là ứng cử viên.

Kể từ khi rời chính quyền Trump năm 2018, Nikki Haley luôn giữ quan hệ tốt với cựu tổng thống, ca ngợi các chính sách và thành tựu của ông. Tuy nhiên, một ngày sau cuộc tấn công Điện Capitol ngày 6 Tháng Một 2021, Nikki Haley nói rằng hành động của Trump “sẽ bị lịch sử phán xét gay gắt”. “Ông ấy đã đi vào con đường mà lẽ ra ông ấy không nên đi, và lẽ ra chúng tôi không nên theo ông ấy, không nên nghe lời ông ấy,” Nikki Haley nói với Politico vài ngày sau. Tuy nhiên, Nikki Haley lại phản đối việc luận tội Trump liên quan cuộc bạo động gây ô nhục lịch sử Hoa Kỳ.
Image
Nikki Haley và Donald Trump, 2018 (ảnh: Mark Wilson/Getty Images)

Trong một số cuộc phỏng vấn vào Tháng Một 2023, Nikki Haley cho rằng đã đến lúc những ông già như Trump (76 tuổi) và Biden (80) nên lùi lại và nhường sân khấu cho thế hệ tiếp theo. Để chuẩn bị nghị sự tranh cử, Nikki Haley đang nêu bật tiểu sử cá nhân với việc xuất thân từ gia đình nhập cư, trở thành nữ thống đốc đầu tiên của South Carolina và là thống đốc đầu tiên không phải người Da trắng. “Tôi là đứa con gái đáng tự hào của những người nhập cư Ấn Độ, không phải Da đen, không phải Da trắng,” – Nikki Haley, sinh ra ở Bamberg, South Carolina, nói trong video loan báo tranh cử tổng thống.

Cha của Nikki Haley, Ajit Singh Randhawa; và mẹ, Raj Kaur Randhawa, là những người nhập cư từ Punjab (Ấn Độ). Họ đến Nam Carolina khi ông Ajit Singh Randhawa nhận vị trí giảng dạy tại một trường đại học của người Da đen. Được nuôi dạy với niềm tin tôn giáo của truyền thống người Sikh, Nikki Haley cải đạo sang Công giáo sau khi lập gia đình với Michael Haley năm 1996. Sau khi tốt nghiệp Đại học Clemson, Nikki Haley Haley làm việc cho cửa hàng thời trang của gia đình; sau đó tham chính và giành được ghế nghị sĩ Hạ viện South Carolina. Nikki Haley được bầu làm thống đốc năm 2010.

Với tư cách cựu Thống đốc South Carolina, về mặt lý thuyết, Nikki Haley có vị trí thuận lợi cho cuộc bầu cử sơ bộ năm 2024 của tiểu bang. Tuy nhiên, cần nhắc lại, bang nhà của Nikki Haley cũng là nơi mà cử tri GOP bảo thủ ủng hộ Trump một cách tuyệt đối vào năm 2016. Tại South Carolina, Nikki Haley còn có thể đụng độ với một ứng cử viên tiềm năng, Thượng nghị sĩ Tim Scott, người dường như đang nhom nhem tìm cách tranh cử tổng thống khi chứng minh nội lực với tư cách là một nhà gây quỹ đáng gờm.

Image
Hai nhân vật ngồi cạnh Nikki Haley trong một phiên họp Đại hội đồng LHQ vào Tháng Chín 2018 – Phó Tổng thống Mike Pence và Ngoại trưởng Mike Pompeo – đều có thể trở thành đối thủ tiềm năng của bà trong chiến dịch tranh cử tổng thống 2024 (ảnh: Spencer Platt/Getty Images)

Một số nhân vật trung thành Trump trong chính trường South Carolina tin rằng có rất ít khả năng cựu tổng thống sẽ thua cuộc bầu cử sơ bộ năm 2024 tại tiểu bang này. Tuy nhiên, Wes Climer, một thượng nghị sĩ tiểu bang và là người ủng hộ Haley, nhận định rằng Nikki Haley “hoàn toàn có thể” giành chiến thắng trong cuộc bầu cử sơ bộ ở South Carolina nếu bà thực hiện chiến dịch tranh cử tốt ở Iowa và New Hampshire.

Một số nhân vật “số má” trong Cộng hòa khác có thể tranh cử tổng thống là Ron DeSantis (Thống đốc Florida); cựu Phó Tổng thống Mike Pence; và Mike Pompeo, cựu Ngoại trưởng và giám đốc CIA dưới thời Trump. Thống đốc Chris Sununu của New Hampshire và Glenn Youngkin của Virginia cũng có thể đang để mắt đến cuộc chạy đua, chưa kể cựu Thống đốc Larry Hogan của Maryland.

Trong các cuộc thăm dò ban đầu về “mức độ nhận biết” tên tuổi, Nikki Haley chưa đạt được “chỉ số” cao. Nikki Haley là sự lựa chọn của vỏn vẹn 1% cử tri GOP trong cuộc thăm dò do Đại học Monmouth thực hiện vào Tháng Hai; trong khi Trump và DeSantis cùng ở mức 33%.

Tuy nhiên, Nikki Haley là nhân vật được yêu thích của những người tài trợ cho GOP. Một ủy ban hành động chính trị mà bà thành lập năm 2021 để xây dựng danh sách các nhà tài trợ, hỗ trợ những ứng cử viên giữa nhiệm kỳ và chịu trách nhiệm trang trải chi phí cho chuyến đi vận động chính trị của bà – Stand for America PAC – đã huy động được $17 triệu. Trong khi đó, DeSantis huy động được hơn $100 triệu nhưng hiện còn lại khoảng $64 triệu; và Mike Pence, từ khi rời Nhà Trắng, chỉ gom được $1.2 triệu.

Để thực hiện chiến dịch tranh cử, Nikki Haley sẽ đến New Hampshire sau một cuộc chào sân được lên kế hoạch ở South Carolina vào ngày 15 Tháng Hai, và bà dự định đến Iowa vào tuần tới.

User avatar
CarteNoire
Posts: 361
Joined: Mon Sep 21, 2009 11:58 pm

Re: TIN HOA KỲ

Post by CarteNoire »

Hi hữu tại Nam California: Cảnh báo tuyết rơi dày 6.5 foot ở vùng núi
February 26, 2023

SAN DIEGO, California (NV) – Một cơn bão mùa Đông từ Thái Bình Dương ập vào khắp miền Nam California đổ xuống 6.5 foot tuyết trên vùng Mountain High và hơn 5 inch lượng mưa trong vùng Cucamonga Canyon, theo đài CNN.

Theo Sở Khí Tượng Quốc Gia chi nhánh ở San Diego cho biết, tuyết rơi dày 5 foot trong vùng Snow Valley, 57 inch tại Bear Mountain Snow Summit, 50 đến 55 inch đến hẻm núi Wrightwood Acorn Canyon, 45 inch tại hồ Green Valley Lake, 38 inch tại Mount Baldy và 36 inch ở hồ Arrowhead Lake.
Image
Một chiếc xe bị trượt vì bão tuyết đâm vào một vũng nước nhỏ ven đường vùng núi Sierra Pelona Mountain, gần Green Valley, Los Angeles County. (Hình: Mario Tama/Getty Images)
Ngoài ra, mưa lớn tại nhiều khu vực, bao gồm hơn 4 inch ở vùng Holy Jim Canyon, hẻm núi Lower Silverado Canyon và đập Henshaw Dam; hơn 3 inch ở La Jolla Amago, Costa Mesa, Núi Woodson và Sân bay Carlsbad; Và hơn 2 inch đến phi trường John Wayne, Escondido, San Bernardino và Temecula, theo báo cáo lượng mưa trong vòng năm ngày.

Cảnh báo hiếm có về tình trạng tuyết rơi được đưa ra tại một số khu vực ở miền Nam California và khu vực Los Angeles, cũng như những cảnh báo khác về độ nguy hiểm do thời tiết mùa Đông ở những vùng có độ cao lớn hơn.

Cơn bão mùa khiến gây ra điều kiện giao thông nguy hiểm ở một số khu vực.

Tại rừng Quốc gia Los Padres National Forest, State Route 33 bị đóng cửa do các đường trượt đá và xói mòn từ những cơn bão này cũng như từ các cơn bão trước đó, theo video từ Bộ Giao Thông Vận Tải California.
Image
Tuyết phủ cột bảng chỉ đường tại vùng Green Valley, Los Angeles County. (Hình: Mario Tama/Getty Images)

Bà Lynda Sandoval và chồng, sống ở Frazier Park, cách Los Angeles khoảng 65 dặm về phía Tây Bắc không thể ra khỏi nhà kể từ Thứ Sáu, bà Sandoval nói với CNN.

Tuyết rơi nặng tạo ra các điều kiện giao thông nguy hiểm trong khu vực và nhà chức trách đã đóng nhiều phần trên của xa lộ I5.


“Dù chúng tôi có chuẩn bị kỹ cho cơn bão tuyết và có đủ thức ăn để kéo dài vài ngày nhưng tôi vẫn bị ‘sốc’ khi nhìn tuyết phủ tràn ngập,” bà Sandoval kể.

Hệ thống bão này đang trên đường di chuyển về phía Đông sâu vào trong nội địa nước Mỹ và dự báo tạo ra gió lớn sẽ gây tổn hại đáng kể trên khắp miền Trung nước Mỹ vào hôm Chủ Nhật.

Hơn 20 triệu người đang đối mặt với sự đe doạ từ các cơn bão vào hôm Chủ Nhật từ phía Tây tiểu bang Texas đến Illinois, bao gồm thành phố Oklahoma City, Tulsa, thành phố Kansas City, Fort Worth và St. Louis. (MPL) [kn]

User avatar
dodom
Posts: 2723
Joined: Fri Nov 28, 2008 8:38 pm

Re: TIN HOA KỲ

Post by dodom »

Lá thư của cựu Tổng Thống Jimmy Carter
Mai Vũ Phạm

Image


Hội từ thiện The Carter Center hôm Thứ Bảy, 18 Tháng Hai loan tin Tổng Thống thứ 39 của Hoa Kỳ (từ năm 1977 đến 1981) – Jimmy Carter được đưa về nhà để an dưỡng cuối đời (hospice care).

“Sau những lần vào viện chữa trị, cựu Tổng Thống Jimmy Carter quyết định dành hết những tháng ngày còn lại để an dưỡng bên gia đình, trong ngôi nhà của ông thay vì tiếp tục điều trị. Gia đình và nhân viên y tế ủng hộ ông về quyết định này,” The Carter Center thông báo.

Cháu trai của ông, Jason Cater, cựu Thượng Nghị Sĩ Georgia, viết trên Twitter hôm Thứ Sáu: “Tôi đã gặp ông và bà của tôi. Họ rất an nhiên và, lúc nào cũng thế, ngôi nhà của ông bà tràn ngập tình yêu.”


Cựu Tổng Thống Carter không xa lạ với cộng động người Việt hải ngoại, bởi chính ông là người đã ký Đạo luật Di dân, cho phép thêm 15.000 người tị nạn Việt Nam vào Mỹ, gấp đôi con số đã đề ra trước đó.

Năm 2022, nhân ngày tưởng niệm một năm Toà Quốc Hội bị tấn công, Tổng thống thứ 39 của Hoa Kỳ (từ năm 1977 – 1981) – Jimmy Carter, đã viết bài xã luận trên New York Times, như một lời mời gọi thiết tha gửi đến cử tri Mỹ hãy quan tâm nhiều hơn nữa đến nền dân chủ Mỹ trước khi quá muộn.
Image ***

Một năm trước, một đám đông bạo lực được các chính trị gia vô đạo đức kích động, đã xông vào toà nhà Quốc Hội và sắp thành công trong việc ngăn chặn sự chuyển giao quyền lực dân chủ. Cả bốn cựu tổng thống của chúng ta đều lên án hành động bạo lực của họ và khẳng định tính hợp pháp của cuộc bầu cử năm 2020. Đã có một hy vọng lẻ loi rằng cuộc nổi loạn sẽ khiến đất nước thức tỉnh để giải quyết tình trạng chia rẽ chính trị độc hại đang đe dọa nền dân chủ của chúng ta.

Tuy nhiên, một năm sau, những người tuyên bố dối trá rằng “cuộc bầu cử đã bị tước đoạt” đã kiểm soát chính đảng của họ và gây mất niềm tin vào hệ thống bầu cử của chúng ta. Những thành phần này phát huy sức mạnh và ảnh hưởng bằng cách liên tục gieo rắc những thông tin sai lệch, điều này tiếp tục khiến người Mỹ chống lại người Mỹ. Theo Trung tâm Khảo sát về Cuộc sống Hoa Kỳ, 36% người Mỹ – khoảng 100 triệu người trưởng thành đủ thành phần đảng phái – đồng ý rằng “lối sống truyền thống của Mỹ đang biến mất nhanh đến mức chúng ta có thể phải dùng vũ lực để cứu lấy nó.” Tờ Washington Post gần đây đưa tin rằng khoảng 40% đảng viên Cộng Hòa tin rằng hành động vũ lực chống lại chính phủ đôi khi là chính đáng.

Các chính trị gia ở bang Georgia quê hương tôi, cũng như ở các bang khác, như Texas và Florida, đã tận dụng sự ngờ vực mà chính họ tạo ra, để ban hành luật trao quyền cho các cơ quan lập pháp thuộc đảng của họ, can thiệp thô bạo vào các quy trình bầu cử. Họ tìm cách giành chiến thắng bằng mọi cách, và nhiều người Mỹ đang bị thuyết phục để suy nghĩ và hành động tương tự. Điều này đe dọa làm sụp đổ nền tảng an ninh và dân chủ của chúng ta với tốc độ chóng mặt. Hiện tại, tôi lo sợ rằng những gì chúng ta đã đấu tranh rất vất vả để đạt được trên toàn cầu đã và đang suy yếu nghiêm trọng ngay tại quê nhà: quyền bầu cử tự do, công bằng, không bị ngăn cản trở bởi các lãnh đạo chuyên chế, là những người không tìm kiếm gì hơn ngoài việc đẩy mạnh quyền lực của mình.


Cá nhân tôi đã gặp phải mối đe dọa này tại quê nhà vào năm 1962, khi một viên chức bầu cử quận tìm cách đánh cắp chiến thắng của tôi vào Thượng viện Georgia. Đây là cuộc bầu cử sơ bộ, và tôi đã kiện hành vi gian lận này. Cuối cùng, một thẩm phán đã bác bỏ kết quả, và tôi đã thắng trong cuộc tổng tuyển cử. Từ đó, việc bảo vệ và thúc đẩy nền dân chủ trở thành ưu tiên hàng đầu đối với tôi. Khi là tổng thống, mục tiêu chính của tôi là thiết lập chế độ đa số ở miền Nam Châu Phi và các nơi khác.

Sau khi rời Toà Bạch Ốc và thành lập Trung Tâm Carter, chúng tôi đã nỗ lực để thúc đẩy các cuộc bầu cử tự do, công bằng, và có trật tự trên toàn cầu. Tôi đã lãnh đạo hàng chục phái đoàn quan sát bầu cử ở Châu Phi, Châu Mỹ Latinh, và Châu Á, bắt đầu từ Panama vào năm 1989, nơi tôi đặt một câu hỏi đơn giản cho các quản trị viên: “Bạn là những quan chức trung thực hay kẻ cắp?”

Tại mỗi cuộc bầu cử, vợ tôi, Rosalynn, và tôi đã cảm động trước sự can đảm và cam kết của hàng nghìn công dân đi bộ hàng dặm và xếp hàng chờ từ bình minh đến hoàng hôn để bỏ những lá phiếu đầu tiên trong các cuộc bầu cử tự do, nuôi dưỡng hy vọng cho bản thân và quốc gia của họ, và tiếp những bước đầu tiên cho quyền tự trị. Nhưng tôi cũng chứng kiến các nền dân chủ mới – và đôi khi cả những nơi dân chủ đã được thiết lập – có thể rơi vào tay quân phiệt hoặc những kẻ thèm khát quyền lực. Sudan và Myanmar là hai ví dụ gần đây.
Image Để nền dân chủ Mỹ tồn tại lâu dài, chúng ta phải yêu cầu các nhà lãnh đạo và ứng cử viên của chúng ta phải giữ vững lý tưởng tự do và tuân thủ các tiêu chuẩn ứng xử đạo đức.

Thứ nhất, trong khi công dân có thể bất đồng về các chính sách, mọi công dân thuộc mọi thành phần chính đảng, phải đồng ý về các nguyên tắc và chuẩn mực hiến pháp cơ bản về công bằng, văn minh, và tôn trọng pháp quyền. Công dân có thể dễ dàng tham gia vào các quy trình bầu cử minh bạch, an toàn, và bảo mật. Các khiếu nại về sự bất thường trong bầu cử phải được đệ trình một cách thiện chí để tòa án xét xử, với tất cả những người tham gia đồng ý chấp nhận kết quả điều tra. Và quá trình bầu cử nên được tiến hành một cách hòa bình, không bị đe dọa và bạo lực.

Thứ hai, chúng ta phải thúc đẩy cải cách nhằm đảm bảo an ninh và khả năng tiếp cận các cuộc bầu cử, cũng như đảm bảo lòng tin của công chúng vào tính chính xác của kết quả bầu cử. Những tuyên bố giả mạo về bỏ phiếu bất hợp pháp và các cuộc kiểm toán vô nghĩa chỉ làm giảm những lý tưởng dân chủ.

Thứ ba, chúng ta phải chống lại sự chia rẽ chính trị đang biến đổi bản sắc của chúng ta. Chúng ta phải tập trung vào một vài sự thật thiết yếu: Chúng ta đều là con người, đều là người Mỹ, và chúng ta cùng hy vọng cho cộng đồng và quốc gia phát triển. Chúng ta phải tìm cách gắn kết, trong tinh thần tôn trọng và xây dựng, bằng cách tổ chức các cuộc trò chuyện dân sự với gia đình, bạn bè, và đồng nghiệp và cùng nhau đứng lên chống lại các thế lực đang chia rẽ chúng ta.

Thứ tư, bạo lực không có chỗ đứng trong nền chính trị của chúng ta, và chúng ta phải hành động khẩn cấp để thông qua hoặc củng cố luật pháp để loại bỏ xu hướng ám sát, đe dọa, và sự hiện diện của lực lượng dân quân có vũ trang. Chúng ta phải bảo vệ các quan chức bầu cử của mình – những người bạn và hàng xóm đáng tin cậy của nhiều người trong chúng ta – khỏi các mối đe dọa đối với sự an toàn của họ. Cơ quan thực thi pháp luật phải có khả năng giải quyết những vấn đề này và tham gia vào nỗ lực toàn quốc để giải quyết vấn đề bất công chủng tộc trong quá khứ và hiện tại.

Cuối cùng, phải giải quyết việc lan truyền thông tin sai lệch, đặc biệt là trên mạng xã hội. Chúng ta phải cải cách mạng xã hội và tập thói quen tìm kiếm thông tin đúng đắn. Các doanh nghiệp và các cộng đồng tôn giáo nên khuyến khích tôn trọng các chuẩn mực dân chủ, tham gia vào các cuộc bầu cử và nỗ lực chống lại thông tin sai lệch.

Quốc gia vĩ đại của chúng ta hiện đang đứng trên bờ vực thẳm ngày càng lan rộng. Nếu không có hành động ngay lập tức, chúng ta thực sự có nguy cơ xung đột dân sự và đánh mất nền dân chủ quý giá của mình. Người Mỹ phải gạt sự khác biệt sang một bên và liên đới cùng nhau trước khi quá muộn.

(Mai Vũ Phạm phỏng dịch)

Post Reply