TIN HOA KỲ

Xin cho biết tin từ đâu ra, phát xuất từ nước nào!!!
kalua
Posts: 836
Joined: Sun Apr 22, 2012 5:26 pm

Post by kalua »

Gina Haspel: Nữ Giám đốc đầu tiên của CIA
BBC 18/5/18

Image
Bà Haspel từng điều hành một cơ sở bí mật của Mỹ ở nước ngoài nơi nghi phạm khủng bố bị tra tấn

Thượng viện Hoa Kỳ phê chuẩn giám đốc nữ đầu tiên của CIA, bất chấp vai trò trước đây của bà trong chương trình thẩm vấn nghi phạm khủng bố.


Bà Gina Haspel 61 tuổi, từng làm việc cho CIA 33 năm trong các vai trò bí mật, trở thành giám đốc CIA thay thế ông Mike Pompeo với tỷ lệ biểu quyết 54-45.


Bà Haspel từng điều hành một 'nhà tù đen' ở Thái Lan. Đây là hệ thống nhà tù bí mật của Mỹ được thành lập sau vụ khủng bố ngày 11/9/2001 để giam giữ các nghi phạm khủng bố.


Cựu giám đốc CIA, Mike Pompeo, từ nhiệm để trở thành Ngoại trưởng Hoa Kỳ.


Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa John McCain - người bị tra tấn trong hơn năm năm tại một nhà tù Việt Nam - trước đó đã tuyên bố ông phản đối người được Trump đề cử.


Hôm thứ Năm 16/5, sáu đảng viên Dân chủ đã bỏ phiếu cho bà Gina.


Một trong số họ, Thượng nghị sĩ Virginia Mark Warner, cho biết bà Haspel từng nói với ông rằng CIA không nên dùng đến cái gọi là kỹ thuật thẩm vấn nâng cao.


Ông nói bà cam kết không bao giờ sử dụng các phương pháp như vậy ngay cả khi tổng thống yêu cầu.


Hai thành viên đảng Cộng hòa - Jeff Flake và Rand Paul - đã bỏ phiếu chống lại bà Haspel, có nghĩa là bà sẽ không trúng cử nếu không có sự ủng hộ của đảng Dân chủ.

Image
Một hình ảnh tra tấn 'trấn nước' trên chương trình Panorama của BBC

Năm 2002, bà được CIA chọn để điều hành một 'nhà tù đen' ở Thái Lan, nơi các kỹ thuật thẩm vấn khắc nghiệt được sử dụng, trong đó có tra tấn, theo một báo cáo của Thượng viện.


Một nghi phạm được đưa đến đó, Abd al-Rahim al-Nashiri, bị tra tấn bằng các phương pháp mà sau này bị tổng thống Barack Obama cấm.


Al-Nashiri, người bị thẩm vấn sau khi bà Haspel điều hành cơ sở này, chịu cảnh thiếu ngủ, khoả thân, nhiệt độ khắc nghiệt, bị giam giữ trong một chiếc hộp nhỏ, bị đẩy mạnh nhiều lần vào tường.


Ba năm sau, bà Haspel ra lệnh hủy bỏ 92 băng video ghi lại việc thẩm vấn ông Al-Nashiri, và ông Abu Zubaydah, người cũng bị giam ở Thái Lan.


Ít nhất 119 nam giới bị Mỹ tra tấn sau những vụ tấn công vào Trung tâm Thương mại và Lầu năm góc, theo một báo cáo của Thượng viện năm 2014.


Các nhóm nhân quyền cho biết bà Haspel đã rời Thái Lan để giám sát thêm chương trình tra tấn của Mỹ ở nước ngoài, nhưng không rõ vai trò của bà chính xác là gì do hồ sơ của bà đã được CIA bảo mật.


Trước đó, ông Trump kêu gọi Hoa Kỳ bắt đầu lại hình thức tra tấn 'trấn nước' các nghi phạm khủng bố.

User avatar
nangchieu
Posts: 2060
Joined: Sun Apr 19, 2009 6:38 pm

Post by nangchieu »

Trump: "Thị trường sụp đổ nếu tôi bị luận tội'
23 tháng 8 2018


Image

Ông Trump cảnh báo những lời buộc tội ông có thể làm tổn hại nền kinh tế
Tổng thống Donald Trump nói nếu ông bị luận tội, "thị trường thế giới sẽ sụp đổ".
Ông đáp trả những đồn đoán về chuyện tổng thống đương nhiệm của Hoa Kỳ có thể bị đem ra luận tội theo thủ tục 'impeachment'.

Trong một cuộc phỏng vấn với Fox & Friends, ông nói thị trường sẽ sụp đổ và "mọi người sẽ nghèo đi".

Ông Trump nói vậy sau khi Michael Cohen, cựu luật sư của ông, đã nhận tội vi phạm luật bầu cử và nói rằng được ông Trump chỉ đạo làm như vậy.

Hai cựu nhân viên chủ chốt của Trump bị kết tội

Báo Mỹ tấn công 'cuộc chiến bẩn thỉu' của ông Trump

Trump tước quyền miễn trừ an ninh của cựu giám đốc CIA

Ông Trump hiếm khi nói về viễn cảnh bị luận tội.


Các phóng viên nói rằng không có vẻ gì là các đối thủ của ông Trump sẽ tìm cách tố cáo ông trước cuộc bầu cử giữa kỳ vào tháng 11 năm nay.

Tại sao Trump nói thị trường sẽ sụp đổ?

"Tôi không biết làm thế nào bạn có thể luận tội một ai đó đã làm công việc tuyệt vời", ông Trump nói với Fox and Friends.

"Tôi nói với bạn điều này, nếu tôi bị luận tội, tôi nghĩ thị trường sẽ sụp đổ, tôi nghĩ mọi người đều nghèo đi."

Chỉ tay vào đầu mình, ông nói:

"Bởi vì không có đầu óc này, bạn sẽ thấy những con số mà bạn sẽ không tin vào điều ngược lại."

Ông Trump nói gì về khoản tiền để giữ im lặng?

Cohen nói ông đã trả một khoản tiền thanh toán cho hai người phụ nữ để giữ im lặng trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2016.
Diễn viên ‘bị cấm cáo buộc tình ái’ về Donald Trump

Mỹ: Manafort 'trả tiền cho cựu chính khách châu Âu'

Trump thừa nhận hoàn tiền trả cho sao khiêu dâm



Hai người phụ nữ, được cho là ngôi sao khiêu dâm Stormy Daniels và cựu người mẫu Playboy Karen McDougal, cả hai đều tuyên bố họ có dính dáng tới ông Trump.

Theo lời tuyên thệ, Cohen nói rằng ông đã trả tiền "theo sự chỉ đạo" của ông Trump, "vì mục đích chính là gây ảnh hưởng đến cuộc bầu cử".
Image
Ông Michael Cohen cùng luật sư tại phiên tòa hôm 21/8
Tuy nhiên, ông Trump khẳng định hai khoản thanh toán không vi phạm luật bầu cử.

Ông nói rằng các khoản thanh toán là tiền của cá nhân ông, chứ không phải tiền từ chiến dịch tranh cử, nhưng ông không hề biết gì mãi đến "sau này".

Tháng Bảy, Cohen tiết lộ băng ghi âm giữa ông và ông Trump bị cáo buộc đang thảo luận về một trong những khoản thanh toán trước cuộc bầu cử.

Tổng thống cũng cáo buộc Cohen tạo dựng câu chuyện để nhận bản án nhẹ hơn.

Theo luật bầu cử Mỹ, bất kỳ khoản thanh toán nào nhằm mục đích ảnh hưởng đến cuộc bầu cử phải được báo cho Ủy ban Bầu cử Liên bang.

Câu hỏi là liệu khoản tiền thanh toán này để bảo về danh tiếng của ông Trump hay bảo vệ hình ảnh ông như một ứng cử viên tổng thống.

Ông Trump mâu thuẫn bản thân như thế nào?

Trong những bình luận công khai đầu tiên, hồi tháng Tư, về cáo buộc của ông với Stormy Daniels, ông Trump nói không biết về khoản 130.000 USD trả cho nữ diễn viên này thông qua Cohen.


Daniels, tên thật là Stephanie Clifford, cáo buộc rằng cô và ông Trump có quan hệ tình dục ở một khách sạn năm 2006.

Khi được phóng viên của Air Force One hỏi liệu ông có biết Cohen lấy tiền từ đâu để trả cho Daniels, tổng thống trả lời tại thời điểm đó: "tôi không biết."

Đến tháng sau, ông Trump chính thức thừa nhận khoản tiền thanh toán cho Cohen từ 100.001 đến 250.000 USD để trả cho các chi phí phát sinh trong năm 2016.
Image
Michael Cohen là một trong hai phụ tá của ông Trump vừa bị kết tội
Điều gì xảy ra tiếp theo?

Bất kỳ hành động nào chống lại ông Trump dường như khó xảy ra cho đến sau cuộc bầu cử giữa kỳ vào ngày 6/11, khi Đảng Dân chủ đối lập tìm cách đánh bại Đảng Cộng hòa của ông Trump ở Quốc hội.

Nhưng Đảng Cộng hòa hiện chiếm đa số ghế ở cả Thượng viện và Hạ viện.

Trong khi đó, Cohen có thể đồng ý làm chứng cho cuộc điều tra cáo buộc sự dính líu của Nga trong chiến dịch tranh cử của ông Trump.

nhuvan
Posts: 342
Joined: Sun Mar 27, 2016 8:29 pm

Post by nhuvan »

Image

Toàn bộ Chương trình Tang Lễ của
Cố Thượng Nghị Sĩ John Sidney McCain III.
Xin click vào link dưới đây, Quý Vị sẽ được biết Chương trình Tang Lễ được cử hành tại 4 địa điểm:

https://www.johnmccain.com/


Memorials and Services

There will be memorial events celebrating the life of Senator John Sydney McCain III in Arizona and Washington, D.C.
Please see below for more information:

1.- Arizona State Capitol: 29/08/2018

2.- North Phoenix Baptist Church: 30/08/2018

3.- United States Capitol: 31/08/2018

4.- Washington National Cathedral: 01/09/2018


He will be laid to rest at the U.S. Naval Academy Cemetery in Annapolis, Maryland.

Thánh Lễ an táng Thượng nghị sĩ John McCain sẽ được diễn ra vào lúc 2 giờ trưa, ngày 2/9/2018 tại Nhà nguyện Trường Võ Bị Hải quân
và sau đó Ông sẽ được an táng tại nghĩa trang Trường Võ Bị Hải quân, Annapolis, Maryland.

nhuvan
Posts: 342
Joined: Sun Mar 27, 2016 8:29 pm

Post by nhuvan »

Cựu phụ tá TT Trump,
lấy lý do sai lầm vì muốn lập công, xin giảm tội nói dối FBI

September 2, 2018

Image
Ông George Papadopoulos, cựu cố vấn đặc trách chính sách ngoại giao của ủy ban tranh cử Donald Trump.
(Hình: Alexandria, VA Sheriff's Department)

WASHINGTON, DC (NV) – Cựu phụ tá của Tổng Thống Donald Trump trong thời gian vận động tranh cử, ông George Papadopoulos, vừa làm đơn xin giảm hình phạt sau khi nhận tội nói dối FBI trong cuộc điều tra về can dự của Nga.

Luật sư của ông Papadopoulos xin cho ông Papadopoulos, người từng là cố vấn chính sách ngoại giao của ông Trump trong cuộc tranh cử 2016, chỉ bị biện pháp quản chế thay vì bị án tù.


Ông Papadopoulos, năm nay 31 tuổi, hồi Tháng Mười năm ngoái đã nhận tội nói dối FBI về các cuộc họp với thành phần được coi là có liên hệ mật thiết với chính phủ Nga trong thời gian có cuộc tranh cử.

Hồ sơ tại tòa nói ông Papadopoulos có nỗ lực để tạo sự liên hệ giữa ủy ban tranh cử và điện Kremlin sau khi ông Trump được đảng Cộng Hòa đề cử.

Các luật sư của ông Papadopoulos nói ông đáng được khoan hồng vì “trẻ tuổi” và nói dối do “lòng trung thành sai trái với chủ của mình,” chứ không vì muốn đánh lạc hướng cuộc điều tra.

Ông Papadopoulos cũng cho hay trong hồ sơ nộp ở tòa rằng tại cuộc họp ngày 31 Tháng Ba năm 2016, có sự tham dự của ông Trump, ông Jeff Sessions, lúc đó còn là Nghị Sĩ, cùng một số giới chức cao cấp trong ủy ban tranh cử, ông đã nói là có thể giúp có cuộc gặp giữa Tổng Thống Nga Vladimir Putin và ông Trump.

Theo ông Papadopoulos, ông Trump gật đầu đồng ý và ông Sessions nói “ủy ban nên xem xét việc này.”

Lời khai của ông Papadopoulos trái ngược với lời khai của ông Sessions, nay là Bộ Trưởng Tư Pháp Hoa Kỳ, trong cuộc điều trần trước Quốc Hội. Ông Sessions nói khi nghe ý kiến của ông Papadopoulos, ông đã bác bỏ việc để ứng cử viên Trump gặp Putin. (V.Giang)

nhuvan
Posts: 342
Joined: Sun Mar 27, 2016 8:29 pm

Post by nhuvan »

Sắp ra mắt cuốn sách với nhiều tình tiết ‘kinh khủng’ về TT Trump
September 5, 2018

Image
Cuốn "Fear: Trump in the White House" của phóng viên Bob Woodward. (Hình: news.vcu.edu)
ATLANTA, Georgia (NV) – Phóng viên Bob Woodward sắp cho ra mắt cuốn sách “Fear: Trump in the White House,” nói về những bí ẩn hậu trường chưa ai biết qua sự chứng kiến của những người thân cận Tổng Thống Donald Trump, theo tin CNN.

Cuốn sách dày 448 trang kể rõ nhiều sự kiện từ văn phòng tổng thống (Oval Office), đến phòng chiến lược (Situation Room), đến Tòa Bạch Ốc.


Ông Woodward có những cuộc phỏng vấn để minh chứng nỗi sợ hãi của những cố vấn cao cấp của ông Trump. Họ coi ông như một sự đe dọa cho an ninh quốc gia nên phải tìm cách ngăn chận vị nguyên thủ quốc gia.

Những thù hằn và xung đột hằng ngày được ghi lại cẩn thận, nhưng hình ảnh những người thân tín của ông Trump, nhân viên cao cấp và nhân viên nội các tiết lộ rằng nhiều người thấy một tình trạng báo động không thể hiểu được và chưa từng có.

Vẫn theo CNN, ông Woodward cho thấy bức tranh đầy tàn phá của chính quyền rối loạn Trump, với những chi tiết về những phụ tá cao cấp tại chức và đã thôi việc của ông Trump phải bực bội vì ông cũng như nỗi lo của họ ngày càng tăng vì cách hành xử thất thường của ông, cũng như sự kém hiểu biết và thói quen nói dối, CNN tường thuật.

Ông John Kelly, chánh văn phòng, mô tả ông Trump là một “thằng ngu” (“idiot”) và “không tự kềm chế” (“unhinged”), tác giả Woodward viết.

Ông James Mattis, bộ trưởng quốc phòng, mô tả ông Trump là “có sự hiểu biết của một học sinh ‘lớp năm hay lớp sáu.'”

Và ông John Dowd, luật sư riêng cho ông Trump, mô tả ông là “thằng nói láo” (“fucking liar”), và sẽ phải mặc quần áo tù (“orange jump suit”) và nếu ông đồng ý tham dự cuộc điều tra với ông Robert Mueller, công tố viên đặc biệt.

Ông Kelly được trích lời: “Ông ấy là thằng ngu. Có thuyết phục ông ta về bất cứ điều gì cũng chỉ là vô ích thôi. Ông ta điên rồi. Chúng ta sống trong ‘crazytown.’ Tôi không biết tại sao chúng ta lại ở đây. Đây là công việc tệ nhất tôi từng có.”

Đài CNN cho biết cuốn sách “Fear: Trump in the White House” này của ông Bob Woodward sẽ ra mắt công chúng vào ngày 11 Tháng Chín tới đây.

Những tiết lộ kinh hồn về ông Trump từ những người thân cận nhất của ông sẽ rất có ảnh hưởng đến cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ tổng thống vào Tháng Mười Một này.

Cuốn sách còn có những chi tiết kinh người về nỗi ám ảnh của ông Trump với cuộc điều tra về sự dính dáng của người Nga, kể rõ cuộc nói chuyện đầu tiên giữa luật sư của ông Trump và ông Mueller.

“Cuốn sách này không có gì hơn ngoài những câu chuyện thêu dệt của những nhân viên bất mãn nhằm nói xấu tổng thống mà thôi,” bà Sarah Sanders, phụ trách thông tin, báo chí tại Tòa Bạch Ốc, nói.

ÔngWoodward tuyên bố ông tin chắc vào những gì ông viết, theo CNN. (ĐG)

User avatar
saohom
Posts: 2212
Joined: Wed Aug 26, 2009 11:30 pm

Post by saohom »

Thâm thủng ngân sách Mỹ tài khóa 2018 cao nhất trong 6 năm trở lại đây
October 16, 2018

Image
Trụ sở Bộ Tài Chánh Mỹ ở Washington, D.C. (Hình: Chip Somodevilla/Getty Images)

WASHINGTON, D.C. (AP) – Mức thâm thủng ngân sách chính phủ liên bang Mỹ đã tăng vọt lên tới $779 tỉ trong tài khóa 2018, do việc Tổng Thống Donald Trump giảm thuế khiến chính phủ phải mượn thêm nhiều tiền để trả cho các chi tiêu.

Bộ Tài Chánh Mỹ hôm Thứ Hai, ngày 15 Tháng Mười, nói rằng mức thâm thủng tăng $113 tỉ so với tài khóa 2017. Tình trạng nợ nần nhiều phần sẽ còn nặng nề hơn trong những năm tới đây qua việc chính phủ Trump ước tính mức thâm thủng sẽ vượt qua con số $1 ngàn tỉ trong năm 2019, gần bằng con số $1.1 ngàn tỉ của năm 2012.


Tình trạng thâm thủng ngân sách tệ hại hơn vì tiền thuế thu được không đủ để đáp ứng chi tiêu của chính phủ. Tài khóa của chính phủ Mỹ khởi sự từ Tháng Mười năm ngoái và chấm dứt vào Tháng Chín năm nay.

Mức thuế thu được coi như không tăng cho tài khóa này, trong khi mức chi tiêu gia tăng 3.2% vì Quốc Hội phê chuẩn thêm tiền cho ngân sách quốc phòng và các chương trình trong nước.

Khi Tổng Thống Trump ký ban hành luật giảm thuế $1.5 ngàn tỉ hồi Tháng Mười Hai năm ngoái, các giới chức chính phủ cho hay sự phát triển kinh tế nhờ vào việc cắt giảm thuế này sẽ giúp có thêm tiền cho ngân sách, nhưng đến nay điều này không thấy xảy ra.

Ông Marc Goldwein, giám đốc đặc trách chính sách cho tổ chức Committee for a Responsible Federal Budget, một nhóm có khuynh hướng bảo thủ, kêu gọi giảm thâm thủng ngân sách, nói rằng “các con số về ngân sách cho thấy rất rõ là kinh tế phát triển nhanh hơn không ngăn được sự gia tăng thâm thủng.”

Bộ Trưởng Tài Chánh Steve Mnuchin nói thâm thủng ngân sách gia tăng là do chi quá nhiều chứ không phải vì cắt giảm thuế. (V.Giang)

User avatar
VuPhong
Posts: 2910
Joined: Wed Dec 01, 2004 4:28 pm

Post by VuPhong »

Tổng thống Trump muốn bỏ quyền quốc tịch theo nơi sinh
Thu Hằng

Image
Ông Donald Trump

Tại Mỹ, trong khi chỉ còn một tuần là đến bầu cử giữa kỳ, tổng thống Donald Trump cho biết muốn bỏ « quyền quốc tịch tại nơi sinh » ở Mỹ. Trong bài phỏng vấn, được trang Axios đăng ngày 30/10/2018, nguyên thủ Mỹ khẳng định đang xem xét ký sắc lệnh để trẻ em sinh ra trên lãnh thổ Mỹ nhưng cha mẹ không có giấy tờ hợp lệ sẽ không được tự động có quốc tịch Mỹ. Tuy nhiên, điều này đi ngược với một điều khoản được ghi trong Hiến Pháp Mỹ.

Từ Washington, thông tín viên RFI Anne Corpet cho biết thêm :

« Đối với tổng thống Donald Trump, nhập cư là một mối đe dọa, và lại là một chủ đề dễ thu phiếu cử tri, cho dù nói sai sự thật, như khi ông khẳng định Hoa Kỳ là nước duy nhất còn tồn tại luật về« quyền quốc tịch tại nơi sinh »

Ông Trump nói : « Thật nực cười, chúng ta là nước duy nhất trên thế giới, nơi mà một người có thể tới, sinh con và đứa trẻ đó thành công dân Mỹ suốt 85 năm và hưởng mọi phúc lợi xã hội. Đây là điều nực cười và cần phải chấm dứt ».

Tổng thống Mỹ khẳng định có thể hành động bằng sắc lệnh tổng thống. Tuy nhiên, một sắc lệnh như vậy sẽ bị đưa ra tòa, vì đi ngược với tu chính án thứ 14 của Hiến Pháp, theo đó mọi trẻ em sinh ra trên lãnh thổ Hoa Kỳ được mang quốc tịch Mỹ. Phó tổng thống Mike Pence ý thức được điểm này.

Ông phát biểu : « Chúng ta đều biết tu chính án 14 nói gì, nhưng Tòa Án Tối Cao chưa bao giờ phán quyết về việc điều khoản này được áp dụng hay không đối với những người sống bất hợp pháp tại Mỹ ».

Phe Cộng Hòa đang chiếm đa số ở Tòa Án Tối Cao và tin vào kết cục của một cuộc chiến tư pháp có thể kéo dài. Trong khi chờ đợi, ý định của tổng thống đã gây phản ứng chống đối ngay trong nội bộ đảng Cộng Hòa. Người đứng đầu phe đa số ở Hạ Viện, nghị sĩ Paul Ryan, tuyên bố không thể thay đổi Hiến Pháp bằng sắc lệnh. Nhưng nghị sĩ Ryan không còn nhiều trọng lượng, vì ông sẽ rời vị trí này sau kỳ bầu cử giữa kỳ ».

User avatar
saohom
Posts: 2212
Joined: Wed Aug 26, 2009 11:30 pm

Post by saohom »

Image

Điếu văn xúc động, tiễn biệt Cha của Tổng thống Bush Con
December 5, 2018
(CaliToday) – “Các vị Khách quý, các vị Tổng thống và Đệ nhất Phu nhân, các viên chức chính phủ, viên chức nước ngoài, và bạn bè thân quý. Jeb, Neil, Marvin, Doro, và tôi cùng gia đình thân quyến chân thành cám ơn tất cả quý vị đã có mặt tại đây cùng chúng tôi.

Tôi có lần nghe người ta nói ông có ý kiến “chết trẻ càng trễ càng tốt.” (Nhiều tiếng cười vang lên).

Ở tuổi 85, một thú vui của cố Tổng thống George H. W. Bush là đề máy chiếc thuyền Fidelity, khởi động những động cơ gấp ba lần 300 mã lực để phóng, bay một cách vui vẻ qua Atlantic với thuyền Mật vụ đang căng thẳng theo sau.

Ở tuổi 90, cố Tổng thống George H. W. Bush nhảy dù từ phi cơ, đáp xuống Nhà thờ St. Ann bên bờ biển ở Kennebunkport, tiểu bang Maine – nơi mẹ ông kết hôn và nơi ông vẫn thường đi lễ. Mẹ vẫn đùa, bảo bố chọn nơi đó phòng khi dù không bung. (Tiếng cười vang lên.)

Ở tuổi 90, ông phấn chấn vui mừng khi bạn thân James A. Baker giấm giúi đem vào bệnh viện một chai vodka Grey Goose. Rõ ràng, chai rượu quá tốt với món bò steak mà Morton giao cho Baker. (Tiếng cười rộ lên)

Cho đến những ngày cuối đời, bố vẫn hướng dẫn con cháu. Khi về già, ông dạy chúng tôi sống có tuổi với phẩm cách, hài hước và tử tế như thế nào, và đến khi Chúa gọi thì can đảm gặp Ngài với niềm vui trong lời hứa của những gì phía trước.

Một lý do Bố biết chết trẻ như thế nào là do ông gần chạm tay vào đó, hai lần. Khi còn thiếu niên, nhiễm trùng tụ cầu khuẩn gần như lấy đi mạng sống của ông. Vài năm sau, khi một mình trên chiếc bè lênh đênh trên Thái Bình Dương, ông cầu nguyện được người ta đến cứu trước khi bị kẻ thù tìm thấy.

Chúa đã trả lời những lời cầu nguyện này, không những thế, Ngài có những dự tính khác cho George H.W. Bush. Đối với bố, tôi nghĩ, những vết bầm tím của cái chết đã khiến ông trân quý món quà cuộc sống. Chính vì vậy, ông thề sẽ sống hết mình mỗi ngày.

Bố luôn luôn bận rộn – một người đàn ông chuyển động không ngừng – nhưng ông chưa bao giờ quá bận rộn chia sẻ tình yêu cuộc sống với những người chung quanh. Ông dạy chúng tôi yêu thích thiên nhiên, ông thích nhìn chó chọc ghẹo bầy chim. Ông yêu thích thả cá vược khó bắt. Và khi phải gắn liền với xe lăn, ông vui khi được ngồi trước hiên sau nhà tại Walker’s Point, chiêm ngưỡng vẻ đẹp hùng vĩ của Đại Tây Dương. Đường chân trời trước mắt ông thật tươi sáng và tràn đầy hy vọng. Bố quả thật là một người rất lạc quan, và niềm lạc quan đó đã dẫn dắt con cái, và giúp mỗi một chúng tôi tin rằng, bất cứ điều gì đều có thể làm được.

Bố vẫn thường mở rộng những chân trời của mình với những quyết định can đảm. Ông ấy là nhà ái quốc. Sau khi tốt nghiệp trung học, ông tạm gác đại học sang một bên để trở thành phi công chiến đấu Hải quân khi Đệ nhị Thế chiến nổ ra. Giống như nhiều người trong cùng thế hệ, ông chưa bao giờ nói về thời gian quân ngũ cho đến trở thành nhân vật của công chúng, buộc ông phải nhắc đến. Chúng tôi được biết về cuộc tấn công ở Chichi Jima, hoàn thành nhiệm vụ, và bị bắn rơi. Chúng tôi được biết về cái chết của những đồng đội của bố, những người ông suốt đời giữ trong tâm tưởng, và chúng tôi biết về chuyện ông được cứu như thế nào.

Và rồi, một quyết định táo bạo khác, bố đưa gia đình trẻ của mình đang thoải mái ở bờ Đông dọn sang Odessa, Texas. Bố mẹ nhanh chóng thích nghi với môi trường cằn cỗi. Bố là người dễ chịu, ông tử tế, kết láng giềng với những phụ nữ mà bố mẹ và tôi dùng chung phòng tắm trong một căn duplex nhỏ, thậm chí ngay cả khi ông biết công việc của họ – những nữ hoàng bóng đêm. (Tiếng cười rộ lên)

Bố là người biết đồng cảm, có thể cảm thông với bất cứ ai trong mọi tất cả tầng lớp xã hội. Ông ấy không hoài nghi, ông biết tìm điểm tốt trong mỗi con người, và vẫn thường tìm thấy.

Bố dạy chúng tôi rằng, phục vụ công chúng cao quý và cần thiết, và một người có thể phục vụ với liêm chính và gìn giữ những giá trị quan trọng, như niềm tin và gia đình. Ông ấy tin mãnh liệt rằng, điều quan trọng là phải đền đáp cộng đồng và quốc gia nơi mỗi người sinh sống. Bố nhận ra rằng, tâm hồn sẽ luôn phong phú khi chúng ta cho ra, khi phục vụ những người khác. Chính vì vậy, ông ấy toả sáng nhất trong một ngàn điểm sáng.

Trong thành công, bố không dành hết điểm. Khi thất bại, ông gánh vác trách nhiệm. Ông chấp nhận thất bại là một phần của việc sống một cuộc đời trọn vẹn, nhưng bố dạy chúng tôi không bao giờ để thất bại đánh gục. Ông cho chúng tôi thấy, những trở ngại có thể tăng thêm sức mạnh như thế nào.

Không có nỗi thất vọng nào của ông có thể so sánh với thảm kịch lớn nhất trong cuộc đời một con người, đó là sự mất mát đứa con. Jeb và tôi còn quá nhỏ để có thể nhớ nỗi đau đớn mà bố mẹ trải qua khi em gái 3 tuổi của chúng tôi qua đời. Sau này chúng tôi mới biết, bố cầu nguyện cho em mỗi ngày. Ông gắng gượng được là nhờ tình yêu của Đấng Toàn năng, và tình yêu đích thực và bền bỉ của mẹ chúng tôi. Bố luôn tin, một ngày nào đó, ông sẽ lại được ôm con gái Robin yêu quý.

Bố thích cười, đặc biệt là cười nhạo bản thân. Ông có thể trêu ghẹo và châm chích ai đó, nhưng không bao giờ mạ lị. Ông xem những câu nói đùa hay rất quan trọng. Đó là lý do ông chọn Simpson. (Tiếng cười rộ lên). Có một nhóm bạn bè thân thích mà ông vẫn thường xuyên chia sẻ những câu chuyện đùa trên email. Hệ thống chấm điểm chất lượng của truyện cười mang tính rất George Bush. 7 – 8 điểm rất hiếm và được xem là người thắng lớn, nhưng hầu hết chúng không có màu sắc. (Tiếng cười).

George Bush biết làm bạn trung thành và đích thực như thế nào. Ông vinh danh và nuôi dưỡng nhiều tình bạn bằng sự rộng lượng và tâm hồn cho ra. Có rất nhiều thư viết tay, động viên, khích lệ, cảm thông hay cám ơn bạn bè và người thân.

Bố là người có khả năng phi thường trong việc đóng góp bản thân mà không mong báo đáp. Nhiều người sẽ nói với các bạn rằng, bố tôi là cố vấn, là một người cha tinh thần trong cuộc đời họ. Ông biết lắng nghe và biết an ủi. Ông là bạn của Don Rhodes, Taylor Blanton, Jim Nantz, Arnold Schwarzenegger, vào có lẽ, không giống như những người khác, ông làm bạn với người đã đánh bại ông, Bill Clinton. Anh em chúng tôi xem những người đàn ông trong nhóm bạn này là “anh em khác mẹ.” (Tiếng cười.)

Bố dạy chúng tôi, không nên bỏ phí dù một ngày. Ông chơi golf với tốc độ đáng nể. Tôi luôn luôn tự hỏi, tại sao bố khăng khăng chơi golf tốc độ, ông đánh golf rất giỏi. Kết luận của tôi là, ông chơi nhanh, vì vậy có thể chuyển sang trận khác, tận hưởng thời gian còn lại trong ngày, tiêu hao năng lượng, sống hết mình. Ông được sinh ra với hai trạng thái: vắt kiệt sức, rồi ngủ. (Tiếng cười).

Bố dạy chúng tôi làm người cha, làm ông nội, cố nội tốt có ý nghĩa gì. Ông rất cứng trong những nguyên tắc riêng và luôn hỗ trợ khi chúng tôi bắt đầu trưởng thành. Ông khích lệ, động viên và an ủi nhưng không bao giờ mách nước. Chúng tôi thử sự kiên nhẫn của ông – tôi biết mình từng thử (Tiếng cười) – nhưng ông bao giờ cũng đáp lại với món quà tuyệt vời của tình yêu vô điều kiện.

Thứ Sáu tuần trước, khi được báo ông đang lâm chung, tôi gọi điện đến. Người nhận điện thoại bảo, “Tôi nghĩ ông ấy có thể nghe được ông, nhưng hầu như cả ngày không nói tiếng nào. Tôi bảo, “Bố à, con yêu bố lắm, và bố là người cha tuyệt vời nhất trên đời.” Và câu nói cuối cùng của ông trên trái đất này là, “Bố cũng yêu con!”

Đối với chúng tôi, bố gần như hoàn hảo, nhưng không phải hoàn hảo tuyệt đối. Game của bố ồn ào, (tiếng cười) ông không giống như vũ công, ca sĩ Fred Astaire trên sàn nhảy, (tiếng cười) ông không thể tiêu hoá rau, đặc biệt là broccoli, (tiếng cười). Và nhân tiện, ông ấy truyền gen này sang cho chúng tôi (tiếng cười).

Cuối cùng, mỗi ngày trong cuộc hôn nhân 73 năm, Bố dạy chúng tôi làm một người chồng tuyệt vời có ý nghĩa như thế nào. Ông ấy kết hôn với nửa của mình, ông trân trọng mẹ, ông cười và khóc cùng với bà, ông dành trọn vẹn cho bà.

Khi tuổi xế chiều, Bố thích nắm tay mẹ khi xem các loạt phim truyền hình cảnh sát chiếu lại, vặn âm thanh lớn (cười). Sau khi mẹ qua đời, Bố mạnh mẽ nhưng ông chỉ muốn được nắm tay mẹ lại.

Tất nhiên, Bố dạy tôi một bài học đặc biệt khác. Ông cho tôi thấy ý nghĩa của việc làm Tổng thống, phục vụ quốc gia với liêm chính, lãnh đạo với lòng can đảm, và hành động với trái tim chứa đầy tình yêu dành cho đồng bào quốc gia. Khi lịch sử được viết thành sách, họ sẽ bảo rằng, George H.W. Bush là vị Tổng thống vĩ đại của Hoa Kỳ, một nhà ngoại giao chưa từng có, một vị Tổng Tư lệnh có thành tựu to lớn, và một người đàn ông lịch lãm thực thi nhiệm vụ với tư cách phẩm giá và danh dự.

Trong bài phát biểu nhậm chức, Tổng thống 41 của Hoa Kỳ nói rằng, “Chúng ta không thể hy vọng chỉ để lại cho con chiếc xe to hơn, một trương mục ngân hàng lớn hơn. Chúng ta phải hy vọng cho chúng biết ý nghĩa của một người bạn trung thành, một người làm cha làm mẹ biết yêu thương, một công dân biết xây dựng căn nhà của mình, cộng đồng của mình, khu phố của mình tốt hơn khi anh ta tìm đến. Chúng ta muốn những người đàn ông, những phụ nữ làm việc với chúng ta nói gì khi chúng ta không còn ở đó nữa? Rằng chúng ta hướng tới thành công hơn bất cứ hai chung quanh? Hay, chúng ta dừng lại hỏi thăm một đứa trẻ bị bệnh đã khoẻ chưa, và ghé một chút để trao đổi vài câu thăm hỏi bạn bè?”

Bố à, chúng con sẽ ghi nhớ lời bố, nhớ tất cả những điều này và nhiều hơn thế nữa!

Chúng con sẽ nhớ Bố. Tấm lòng lịch sự, chân thành, và tốt bụng của bố sẽ ở lại với chúng con mãi mãi. Chính vì vậy, qua nước mắt, hãy để chúng con được nhìn thấy phước lành khi được làm con của Bố và yêu thương Bố – một người đàn ông cao quý và tuyệt vời, và người cha tốt nhất trên đời.

Và trong niềm thương tiếc và đau buồn, hãy để chúng con mỉm cười khi biết Bố đang ôm Robin và đang nắm tay mẹ! “

Hương Giang

User avatar
macco
Posts: 3542
Joined: Mon Jan 17, 2005 8:04 am

Post by macco »

Image

Di sản của Tổng thống Donald Trump
Thắng Đỗ
Gửi tới BBC từ San Jose, California, Hoa Kỳ
19 tháng 1 2019
Sự kiện một cá nhân như ông Donald Trump trở thành Tổng Thống Mỹ sau khi thắng số phiếu đại cử tri (tuy thua tới hơn 3 triệu số phiếu đại chúng) chưa có tiền lệ trong lịch sử Hoa Kỳ.

Một thương gia không mảy may kinh nghiệm lãnh đạo với chủ trương bài di dân và thói quen sử dụng ngôn ngữ thô tục và xúc phạm, trở thành người lèo lái siêu cường số một của thế giới.

Không những thế, đây là một nhân vật đầy rẫy các xì-căng-đan, từ đời sống cá nhân bê bối cho đến các sinh hoạt thương mại thiếu minh bạch.

Ông Trump đã từng lập ra "Trump University" sau bị đóng cửa và còn phải đền 25 triệu đôla cho những học sinh viên bị lừa, đã từng khai phá sản bốn lần và quỵt nhiều chủ nợ, cũng như tạo ra quỹ từ thiện dưới tên mình để thu hút tiền của những người nhẹ dạ (Trump Foundation, vừa bị tiểu bang New York đóng cửado sử dụng tiền quỹ vào việc riêng của ông Trump).

Không chỉ người Mỹ, mà người dân ở nhiều quốc gia khác cũng lo ngại: Nước Mỹ đang đi về đâu? Nước Mỹ có còn là một cường quốc đáng tin cậy nữa không? Nước Mỹ đang theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan, thậm chí Phát-xít? Có gì mờ ám trong quan hệ của Tổng Thống Trump và Putin không?

Những biến chuyển gần đây

Trong vài tuần nay, các diễn biến thời sự cho le lói hy vọng là các lo ngại trên sẽ được giải quyết trong một thời gian không xa. Vở tuồng chính trị mà ông Donald Trump đóng vai chính dường như đang đến hồi kết, ít ra chúng ta có thể mong thế. Hệ thống lập pháp, tư pháp, truyền thông và xã hội dân sự của một quốc gia dân chủ lâu đời như Hoa Kỳ đã bắt đầu chứng tỏ có khả năng kiểm soát sự thao túng và lạm quyền của người lãnh đạo hành pháp.

Khởi đầu là cuộc bầu cử giữa kỳ vào tháng 11 năm 2018, khi Đảng Dân chủ thắng Hạ viện một cách quyết liệt với hơn 10 triệu lá phiếu. Cử tri toàn quốc đã biểu lộ ý muốn thay đổi đường hướng mà chính quyền Trump theo đuổi trong hai năm trước đó.

Do chiếm được đa số, đảng đối lập đã nắm tất cả các ủy ban của viện này, với khả năng điều tra đến nơi đến chốn các tội phạm của ông Trump và bè phái mà Quốc hội dưới quyền của Đảng Cộng hòa trước đó đã bao che. Cuộc điều tra của Hạ viện có thể còn gay gắt và hữu hiệu hơn cả của Công Tố Viên Đặc Biệt Mueller, do họ có khả năng kiểm soát ngân sách và bổ định nhân sự cần thiết.

Về phía Bộ Tư Pháp, ông Mueller đã cho sa lưới nhiều nhân vật quan trọng có thời rất thân cận với Tổng thống Trump và hiểu biết tường tận các sinh hoạt hậu trường: Michael Cohen, cựu luật sư riêng, phải đi tù do vi phạm luật tranh cử khi che dấu việc trả tiền cho các phụ nữ để che đậy quan hệ của họ với ứng cử viên tổng thống; Paul Manafort, người từng quản lý cuộc tranh cử của ông Trump cũng đi tù do che dấu quan hệ bất hợp pháp với các chính phủ nước ngoài như Ukraine và Nga. Những người này, cùng với gần 20 nhân vật đã cộng tác mật thiết với ông Trump và bị kết án như Michael Flynn, Rick Gates và George Papadopoulos, đã khai gì với ông Mueller? Còn ai nữa sẽ bị bắt? Ông Mueller đang từ từ thắt chặt vòng dây thừng và tới lúc nào đó, có khả năng xiết luôn cả Tổng Thống?

Mặt khác, hầu hết các nhân vật tương đối độc lập trong nội các Trump dần dần đều tự ý rút lui do không chấp nhận được chính sách liều lĩnh khó hiểu của Tổng thống. Gần đây nhất là Tướng Jim Mattis đã từ chức vì không đồng ý với quyết định rút vội vã khỏi mặt trận Syria.

Theo Tướng Mattis, lệnh này gây thiệt hai cho vị trí địa chính trị của Mỹ ở Trung Đông, vì nó giúp Nga và Iran củng cố thế lực của họ trong vùng. Nó cũng làm Mỹ mất uy tín vì bỏ rơi quân đội người Kurds, một đồng minh đã cùng Mỹ chiến đấu trong nhiều năm chống nhóm khủng bố ISIS và chính phủ độc tài của Tổng Thống Assad. Người Việt tị nạn không thể không liên tưởng đến việc Mỹ bỏ rơi Miền Nam Việt Nam, dẫn đến biến cố 1975 và thảm kịch thuyền nhân sau đó.

Trừ một thiểu số trung thành, ngoài ra đa số người Mỹ dường như không ủng hộ kết quả cuộc bầu cử năm 2016.

Trong cuộc thăm dò ngay sau cuộc bầu cử năm 2018, Đài CBS cho biết khoảng 60% cử tri nghĩ rằng nước Mỹ đang đi sai hướng và cần thay đổi; 54% đánh giá thấp khả năng của ông Trump. Các con số này còn bất lợi cho ông Trump hơn nữa với giới cử tri phụ nữ, trẻ tuổi, học thức (có bằng đại học trở lên), hay da màu.

Gần đây nhất, Tổng thống Trump cho đóng cửa chính phủ để áp lực đòi Hạ Viện Dân Chủ chấp thuận ngân quỹ 5,7 tỉ đôla để xây bức tường biên giới. Chính Fox News, cơ quan truyền thông luôn luôn ủng hộ ông Trump triệt để, đã cho biết kết quả thăm dò của họ: 63% cử tri đồng ý với Đảng Dân chủ rằng cần mở cửa chính phủ trở lại, và chỉ có 30% không đồng ý. Cũng con số 63% này phản đối phương cách của ông Trump dùng chính phủ làm con tin để có được ngân quỹ xây tường. Các con số này đi sát với tỉ lệ chống và bênh ông Trump qua các cuộc thăm dò khác.

Tóm lại, giới quan sát cho rằng xác suất ông Trump mất ghế tổng thống trong cuộc bầu cử tới vào năm 2020 không nhỏ, nếu như ông không bị Quốc hội truất phế trước đó. Xác suất ông bị truất phế không thể bị loại ra, nếu các cuộc điều tra chứng minh một cách cụ thể rằng ông Trump đã phạm tội.

Ông Trump sẽ để lại di sản gì sau bốn năm tại chức?

Xét một cách khách quan nhất có thể, nước Mỹ và thế giới đã và sẽ còn bị tổn hại nhiều do chính sách ông Trump theo đuổi. Chúng ta có thể liệt kê những tổn hại chính như sau:

Nước Mỹ bị chia rẽ trầm trọng

Có lẽ từ sau cuộc nội chiến đến giờ, nước Mỹ chưa khi nào chia rẽ như trong hai năm nay.

Chiêu bài kỳ thị chủng tộc mà ông Trump xướng lên: người đạo Hồi toàn là khủng bố, người Mexican là lũ hiếp dâm, các xứ sở da đen Phi Châu là các hố phân, trong khi bào chữa cho, thậm chí khen ngợi các nhóm người da trắng độc tôn, đã gây 'sốc' cho người dân khắp nơi.

Ông Trump tạo nên một nước Mỹ của "ta và nó", nếu không là bạn thì là kẻ thù không thể thỏa hiệp, với một cái rãnh sâu ngăn cách hai bên. Ông miệt thị hầu hết tất cả mọi giới, từ phụ nữ đến người da màu, và bất cứ ai không hoàn toàn ủng hộ ông một cách tuyệt đối. Hình ảnh của nước Mỹ trước thế giới chưa bao giờ đã xuống cấp như hiện nay.

Đâu là sự thật ở thời đại Trump?

Chưa bao giờ sự dối trá, giả dối lại tràn lan như dưới thời đại Trump.

Nhiều cơ quan truyền thông đã làm thống kê thành tích nói dối kỷ lục của Tổng thống. Vào tháng 5, năm 2018, tờ Washington Post đã đếm được là ông Trump đã nói dối 3.000 lần sau 466 ngày giữ chức vụ nguyên thủ, trung bình là 6,5 lần mỗi ngày. Ít người làm chính trị nào nói thật 100 phần trăm, nhưng ông Trump dễ dàng đạt quán quân và bỏ xa các chính khách khác trong khoản này.

Cụm từ 'fake news' (tin giả) trở nên phổ biến từ khi ông ra tranh cử. Trên mạng xã hội tràn lan các tin giả được rất nhiều người tin. Theo điều tra của FBI và các cơ quan truyền thông, chủ mưu chính loan tin thất thiệt trên mạng xã hội là tình báo Nga, với mục đích lũng đoạn cuộc bầu cử Mỹ và giúp cho ông Trump đánh bại bà Hillary Clinton.

Các cơ quan truyền thông uy tín từ lâu đời, như các tờ New York Times, Washington Post, Los Angeles Times, và các đài CNN, NPR, BBC, đều bị ông Trump và giới ủng hộ ông quy là 'truyền thông tả phái' hay thậm chí 'kẻ thù của nhân dân', vì họ đăng những tin bất lợi cho ông.

Sự thật có quan trọng không?

Trong một thể chế dân chủ, người dân cần biết sự thật để thi hành nghĩa vụ công dân, như đi bầu. Sự dối trá có lợi cho các chế độ độc tài cộng sản hoặc phát-xít, nhưng nó đi ngược lại với quy ước của một xã hội dân chủ. Ít phương pháp nào gây tổn hại cho nước Mỹ hữu hiệu hơn là làm mất niềm tin vào truyền thông và chính phủ. Khi hoang mang, người ta dễ bám víu vào các tin giả và vô hình chung trở thành nạn nhân của âm mưu tuyên truyền.

Uy tín của nước Mỹ xuống cấp

Sức mạnh của nước Mỹ trong một thế kỷ nay là đã tạo được uy tín để lãnh đạo một mạng lưới đồng minh chặt chẽ, chống lại phe độc tài đại diện bởi Nga và Trung Quốc. Chính phủ Trump đã đơn phương hủy và không tôn trọng các hiệp ước các vị tiền nhiệm đã ký như TPP, Nafta và Hiệp Ước Khí Hậu Paris.

Rút khỏi TPP - Hiệp Định Châu Á Thái Bình Dương - là món quà vô giá cho Trung Quốc, vì một mục đính chính của hiệp định này là xây dựng một hệ thống đồng minh bao vây kinh tế Trung Quốc. Quyết định rút lui của Tổng Thống Trump hầu như không được sự hậu thuẫn của bất cứ chính khách nào, Dân chủ hay Cộng hòa, và chưa ai có thể thật sự giải thích được.

Sự khôi phục của nước Nga

Trước nhiệm kỳ của ông Trump, Nga đã bị suy yếu nhiều do giá dầu hỏa tuột dốc, và sau khi Nga xâm lăng Ukraine, thế giới đã phong tỏa kinh tế Nga và một cuộc chiến tranh lạnh mới đã bắt đầu.

Thái độ cực kỳ thân thiện của ông Trump với nhà lãnh đạo độc tài Putin của Nga là điều rất khó hiểu.

Putin là chính khách duy nhất, trong và ngoài nước Mỹ, mà ông Trump không tiếc lời ca ngợi: "Putin xuất sắc qua mặt nước Mỹ" (trả lời phỏng vấn vào ngày 10 tháng 3, 2013 và 10 tháng 2, 2014). Ông khen Putin là nhà lãnh đạo tài giỏi, bào chữa cho việc Putin xâm lăng Ukraine và thủ tiêu nhà báo (trả lời phỏng vấn vào ngày 18 tháng 12, 2015). Ông công khai kêu gọi tình báo Nga xâm nhập vào hệ thống email của đối thủ Hillary Clinton. Vừa nhậm chức, ông lập tức tìm cách hủy cấm vận đối với Nga, nhưng không thành do bị các quan chức chính phủ và Quốc Hội phản đối.

Khi tranh cử, ông Trump đã chối mình không có bất cứ quan hệ nào với Putin, tuy trước đó ông đã nhiều lần công khai khoe gặp gỡ và quen biết Tổng Thống Nga. Mới đây nhất, theo tờ Washington Post, ông Trump đã tịch thu tất cả giấy tờ ghi chép của nhân viên thông dịch sau các buổi họp tay đôi giữa ông và Putin để không ai khác biết hai người đã trao đổi những gì.

Chính sách dễ dãi và thân thiện của ông Trump đã cho phép nước Nga trỗi dậy và trở thành một thế lực đáng kể ở Trung Đông cũng như đe dọa trở lại Khối Liên Minh Bắc Đại Tây Dương NATO (ông Trump cũng dọa rút ra khỏi tổ chức này).

Nợ công khổng lồ gây suy thoái kinh tế

Cuộc giảm thuế lớn nhất lịch sử Mỹ do ông Trump và đảng Cộng hòa thông qua năm 2018 đã tạo ra thâm thủng ngân quỹ và một món nợ công vĩ đại.

Cùng lúc, ông Trump khởi xướng chiến tranh mậu dịch với Trung Quốc và vài quốc gia khác, hành động mà các nhà kinh tế đều cho rằng sẽ đưa đến tổn hại cho cả hai bên.

Vài tuần trước, ông cho đóng cửa chính phủ để áp lực Quốc Hội cung cấp ngân quỹ xây bức tường biên giới, tạo tình trạng bế tắc đến nay vẫn chưa giải quyết được.

Tất cả các việc này đã và đang gây ra hậu qủa xấu nghiêm trọng: tăng trưởng kinh tế có nguy cơ bị khựng lại; thị trường chứng khoán tuộc dốc; tiền lời tiếp tục tăng trong khi thâm thủng với Trung Quốc trở lại mức kỷ lục. Các công ty Mỹ như Apple đã dự báo một tương lai đen tối sắp tới cho kinh doanh của họ.

Bảo vệ môi trường cho các thế hệ con em

Biến đổi khí hậu là một nguy cơ rất thật, đe dọa đến sự sống khắp nơi trên thế giới, không phân biệt biên giới quốc gia.

Nhiệt độ trái đất đang tăng dần lên. Các tảng băng của hai cực địa cầu đã và sẽ tan, nâng cao mặt biển và làm cho nhiều vùng đất gần biển bị ngập nước. Các trận bão ngày một lớn và thất thường như chúng ta đã chứng kiến trong những năm gần đây.

Nước Mỹ, cũng như tất cả các quốc gia khác, đều có nhiệm vụ phải ngưng sự lệ thuộc vào các nguồn năng lượng dầu hỏa và than đá để giảm bớt khí thải. Quyết định vô trách nhiệm của ông Trump khi rút khỏi Hiệp Định Khí Hậu Paris để lại một di sản rất xấu cho các thế hệ con em.

Chúng ta cần hy vọng rằng câu nói được gán cho vua Louis XV của Pháp "sau tôi, sẽ là trận đại hồng thủy" (Après moi, le deluge - có thể hiểu là sau tôi, đại họa sẽ xảy ra) sẽ không áp dụng cho ông Trump.

Đa số người Mỹ, kể cả nhiều người gốc Việt, hiểu rõ cái hố sâu chúng ta đã tự đào cho mình trong hai năm nay, và đã tham gia vào các sinh hoạt cộng đồng và chính trị để tạo thay đổi. Sau ông Trump, chúng ta cần chung sức nỗ lực để đảo ngược các nguy hại thời đại Trump đã tạo ra và xây dựng trở lại một nước Mỹ và thế giới an bình cho mọi người.

Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả Thắng Đỗ một kiến trúc sư hành nghề ở San Jose, California, Hoa Kỳ. Ông là thành viên của PIVOT, Hội Người Mỹ Gốc Việt Cấp Tiến, ủng hộ đảng Dân chủ Mỹ. BBC đón nhận và sẽ đăng tải các bài nêu quan điểm ủng hộ đảng Cộng hoà, mời các bạn đón đọc.

Độc giả muốn chia sẻ quan điểm của mình, xin liên lạc với BBC: vietnamese@bbc.co.uk.

User avatar
saohom
Posts: 2212
Joined: Wed Aug 26, 2009 11:30 pm

Post by saohom »

TT Trump không muốn có đối thủ trong kỳ bầu sơ bộ 2020
February 5, 2019

Image
Tổng Thống Donald Trump trong buổi gặp giới ủng hộ. (Hình: AP Photo/Alex Brandon, File)
WASHINGTON, D.C. (AP) – Do lo ngại là sẽ có người trong đảng Cộng Hòa ra tranh cử chống Tổng Thống Donald Trump trong giai đoạn bầu cử sơ bộ, ủy ban vận động tái tranh cử của ông Trump hiện đang mở ra một chiến dịch ở khắp các tiểu bang ngằm ngăn chặn trước việc này.

Chiến dịch nói trên được nhiều sự chú ý trong những tuần lễ gần đây và gồm có việc thay đổi luật lệ của đảng bộ tại tiểu bang, thuyết phục không ai ra tranh cử, đồng thời dập tắt mọi chỉ dấu chống đối có thể làm giảm uy thế của Tổng Thống Trump.


Các quan sát viên cho rằng hành động này là sự công nhận rằng Tổng Thống Trump hiện chưa hoàn toàn kiểm soát được đảng Cộng Hòa và cũng chưa chắc dễ dàng được đảng tái đề cử năm 2020 mà không gặp sự chống đối.

Tuy rằng những người định thách đố Tổng Thống Donald Trump tại kỳ tranh cử sơ bộ rất khó thành công, các phụ tá của ông cũng không muốn thấy có tình trạng chia rẽ trong thời gian đại hội đảng.

Để đạt được điều này, ủy ban tái tranh cử của ông Trump đã có nỗ lực rộng lớn chưa từng thấy qua việc theo dõi và ảnh hưởng các giới chức của đảng tại địa phương, nhằm chắc chắn rằng chỉ có những người ủng hộ ông mới được vào tham dự đại hội đề cử ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng Hòa vào Tháng Tám năm 2020.

Ông Bill Stepien, một cố vấn cao cấp cho ủy ban tranh cử của Tổng Thống Trump, gọi đây là “một tiến trình nhằm bảo đảm rằng đại hội toàn quốc của đảng sẽ là quảng cáo truyền hình cho tổng thống trước 300 triệu khán giả, chứ không để chứng kiến một cuộc đấu đá nội bộ.”

Một thành công sớm sủa trong nỗ lực này của phía Tổng Thống Trump là tại tiểu bang Massachusetts, nơi cựu dân biểu tiểu bang Jim Lyons, người ủng hộ ông Trump, được bầu vào chức vụ chủ tịch đảng bộ tiểu bang, đánh bại cựu thống đốc Charlie Baker, người chỉ trích ông Trump.

“Chúng tôi thường xuyên theo dõi mọi vấn đề trong tiến trình này. Chúng tôi muốn biết ai ra tranh cử, họ ủng hộ tổng thống đến mức nào và số phiếu họ có được ra sao,” cũng theo ông Stepien. (V.Giang)

Post Reply