Đặc biệt tưởng nhớ ký giả Huyền Vũ

Xin cho biết tin từ đâu ra, phát xuất từ nước nào!!!
Post Reply
User avatar
phu_de
Posts: 2917
Joined: Sun Nov 28, 2004 10:57 pm
Has thanked: 7 times

Đặc biệt tưởng nhớ ký giả Huyền Vũ

Post by phu_de »

Đặc biệt tưởng nhớ ký giả Huyền Vũ: HUYỀN VŨ TRONG TÔI
Nguyễn Thiên Ân, Aug 24, 2005

Image

Lời dẫn của tòa soạn Cali Today News - Những người dân miền Nam mê túc cầu chắc không ai không biết cái tên Huyền Vũ. Tên ấy đồng nghĩa với túc cầu. Giọng của anh qua làn sóng phát thanh Sài Gòn loan truyền khắp miền Nam qua tường thuật một trận túc cầu nào đó mà dù ở đâu trên đất nước miền Nam, chúng ta vẫn tưởng rằng chúng ta có mặt tại vận động trường và trực tiếp theo dõi trận đấu. Không chỉ từ các cầu trường miền Nam, mà giọng nói ấy còn vang động về nước từ những trận cầu vàng dội của Hội tuyển miền Nam qua các cúp lớn của các quốc gia trong vùng Đông Nam Á như Merdeka,… Cái độc đáo của ông ngoài lối tường thuật thật nóng bỏng, nhanh như đường banh trên cầu trường, miêu tả bằng những hình tượng mà chúng ta dù ngồi ở nhà cũng hình dung được cục diện một cách rõ ràng trên sân bóng. Ông tài như thế. Nhưng điều đó không tôn tạo nên tính chất vĩ đại của ông. Điều vĩ đại của cố ký giả thể thao Huyền Vũ là sự sáng tạo nhiều thuật ngữ túc cầu và những ảnh tượng túc cầu. Trước ông, ngôn ngữ tường thuật túc cầu của chúng ta không phong phú lắm, nếu không muốn nói là nghèo nàn. Thế nhưng, ông đã sáng tạo ra nhiều thuật ngữ còn truyền lại cho đến bây giờ mà nếu có dịp quý độc giả đọc hồi ký Tôi Làm Ký Giả Thể Thao của ông thì sẽ hiểu nhiều hơn. Tôi vẫn nhớ như in, ngày ấy, khi nói về một trận thua xứng đáng của Hội tuyển miền Nam, ông ta đưa ra một hình ảnh thật ảnh tượng: Chúng ta thua trong hương khói vẻ vang. Thua mà là chiến thắng, chiến thắng trái tim người thưởng ngoạn. Hôm nay, ông ra đi, một vì sao nữa đã tắt. Chúng tôi giới thiệu đến quý độc giả một số bài viết trên các trang báo bạn về ông như để thắp một nén hương lòng tưởng nhớ một tài hoa của đất Việt.


Dưới đây là bài viết của nhà báo Truyền thanh Nguyễn Thiên Ân là một trong số ít Phóng viên của Đài Phát thanh Sài Gòn trước năm 1975 được tuyển chọn theo học “bán chính thức” nghề Truyền thanh đá bóng với Ký giả Huyền Vũ. Chúng tôi xin giới thiệu với Bạn đọc bài viết tâm tình đấy ắp những kỷ niệm của anh về người Thầy trong ngành : “Huyền Vũ là chòm sao cao vút trên bầu trời, ý nghĩa đích thực của bút danh mà ký giả Nguyễn Ngọc Nhung đã tự đặt cho mình …”

Viết về một danh nhân được mọi người biết tới xem ra là chuyện dễ. Nhưng viết về một người được mọi người biết tới mà không phải là một danh nhân thì khó khăn hơn nhiều. Lý do thiệt cũng dễ thấy: từng chi tiết liên hệ tới danh nhân vẫn được mọi người tìm tòi ghi nhận và công bố trong khi một thường dân nổi tiếng thì tuy ai cũng biết nhưng các dữ kiện về thân thế và sự nghiệp của đương sự thì lại không hề là loại tin tức phổ cập. Ấy là chưa kể trường hợp có những người tuy được nhiều người biết đến tên nhưng lại ít khi muốn ra mắt công chúng, và càng ít muốn nói về mình. Đây chính là trường hợp của ký giả Huyền Vũ - Nguyễn Ngọc Nhung.

Sau nửa thế kỷ làm cả báo viết lẫn báo nói trước khi rời nước năm 1975 và hưu dưỡng sau một thời gian đi làm, số người biết tới ký giả Nguyễn Ngọc Nhung có thể được đếm trên đầu ngón tay. Ngược lại, mọi người, ít nữa cũng là những người từng sinh sống ở phía nam vĩ tuyến 17 từ năm 1954 tới năm 1975, đều có thể tự nhận là quen biết, thậm chí có thể khoe là “thân thương” với Huyền Vũ. Cho nên nói rằng tuy ông rất nổi tiếng nhưng khó tìm cho đầy đủ mọi dữ kiện xác thực về thân thế sự nghiệp của ông là vì thế.

Ông nổi tiếng – ai cũng biết – là do tiếng nói sang sảng và hấp dẫn của ông bao giờ cũng đi kèm các trận banh mà giới mộ điệu túc cầu coi như không thể không dự khán. Không phải tiếng nói đó chỉ đi kèm mà càng về sau nầy thì những lời tường thuật trực tiếp các trận đá banh quốc tế tại Saigon của ông càng được coi như linh hồn của trận đấu. Hiểu theo nghĩa là nòng cốt của trận đấu đó. Có thể nêu lên mà không sợ lầm lẫn rằng chính những gì ông ghi lại qua làn sóng điện, những lời bình luận về đấu pháp, những nhận xét của ông về chiến thuật toàn đội hoặc về tài nghệ cá nhân các tuyển thủ, mới là những chi tiết được ghi lại trong tâm não các khán giả ngồi xem ngay trong cầu trường chớ không phải những gì do chính mắt họ nhìn thấy. Tất nhiên đó cũng là những gì mà thính giả - nghĩa là những người không trực tiếp dự khán mà chỉ ngồi nhà mở nghe qua máy thu thanh - ghi nhớ về trận đấu. Điều ngộ nghĩnh là người ta vẫn thường mô tả trận đấu – như một người rất thông thạo – mà không biết rằng họ đang lặp lại những gì đã nghe ông nói trước đó.

Các cuộc tranh tài quốc tế về túc cầu ở Saigon trong những năm từ đầu thập niên 1960 cho tới năm 1975 có giá trị tương đồng với tiếng nói của Huyền Vũ. Khán giả mộ điệu luôn luôn trông ngóng được tham dự trận đấu để có dịp nghe ông tường thuật tận chỗ nhưng cũng không thiếu gì khách mộ điệu, vừa ra khỏi cầu trường đã mong sao cho cuộc tranh tài quốc tế sắp tới đến nhanh hơn để họ được nghe lại tiếng nói của Huyền Vũ ! Nỗi háo hức được xem nhồi bóng chưa chắc đã mạnh hơn so với nỗi háo hức được nghe lối tường thuật hấp dẫn của ông. Ngược lại thì cũng có thể nói rằng nếu không có những lời tường thuật trực tiếp của ông thì sự chú ý của quần chúng – cho dẫu là những người rất hâm mộ bóng tròn đi nữa – cũng giảm đi thập phần.

Tiếng nói của ông thẩm nhập đều đặn, nhưng nhẹ nhàng, vào tim óc người nghe, khiến họ nghe và thưởng thức ông, thưởng thức và tin tưởng ông ... mà không hề thắc mắc, trành tròn, hay nêu nghi vấn, về tính chính xác của những gì ông nói ra. Thậm chí ngồi ngay trên khán đài và cùng xem những diễn biến dưới sân cỏ y như ông, nhưng tên tuổi của cầu thủ vừa chạm banh, vừa bị đốn ngả, hay vừa việt vị; hoặc lối giao banh, cách nhồi bóng hay những sơ hở của họ, đều được người ta tin qua những gì ông nói hơn là qua những gì họ thấy.

Có rất nhiều khan giả, dù đã ngồi trong cầu trường theo dõi trận đấu mà vẫn áp tai vào chiếc Radio cầm tay để nghe Huyển Vũ tường thuật !

Trong các sinh hoạt thể thao ở miền Nam trước 1975, mức độ tăng hay giảm còn tùy vào quan niệm và sở thích của những người có trách nhiệm về thể thao. Hồi đó các viên chức có thẩm quyền cũng đã từng đề cập đến cụm từ “tre tàn măng mọc”, cho rằng rồi ra thì cũng sẽ có lúc ông Huyền Vũ - vì một lý do nào đó - không còn gởi được tiếng nói quen thuộc và đầy đủ thẩm quyền đến tai người nghe, đã đề nghị phải tìm cách tuyển chọn và tạo cơ hội cho các hậu bối để khi cần thì có người nối nghiệp ông.

Thời gian đó là năm 1965, sau khi chánh phủ mệnh danh là “Nội các Chiến tranh” do Thiếu tướng Nguyễn Cao Kỳ cầm đầu ra đời. Lần lượt đã có 3 người được thử giọng, được chấm là “có triển vọng” và đã hân hạnh đôi lần lên tiếng trên sóng phát thanh của đài Saigon. Dĩ nhiên đám trẻ nầy coi đó là một cơ duyên có tiền mua cũng không được nên đã hăm hở nhập cuộc, hăng hái nhào lên mui xe phóng thanh, bám chặt lấy cái micrô để run rẩy tường thuật trận đấu. Một cách rất hồn nhiên, những người trẻ có triển vọng đó, đã sử dụng lối tường thuật gần đúng với bài bản vẫn được Huyền Vũ dùng. Cũng giới thiệu các cầu thủ, cũng bàn tới thành tích hai đội bóng, cũng ghi nhận đấu pháp của đôi bên, cũng kể tên từng cầu thủ (kể cả phang đại tên Hán Việt của các cầu thủ Hương Cảng mà vì không biết rõ Hán Tự như ông nên không thể nói cho đúng tên như ông đã nói), cũng phê phán đấu pháp mà nhà dìu dắt dự tính áp dụng... Nhưng sự kiện khó ai ngờ, mặc dầu phải nói là “không thể khác hơn”, là họ đều đã dùng đúng những danh từ, động từ hay hình dung từ đã được ông xài từ lâu.

Nhắc lại sự kiện nầy mấy chục năm sau thì hẳn ai cũng thấy là tức cười. Y như đám nhỏ đã đạo văn, hoặc - tệ hơn nữa - mạo nhận chữ ký của Huyền Vũ. Nhưng dạo đó, vài thanh niên “trẻ người non dạ” đang hi vọng thế chân ông, đều không hề thấy ngượng ngùng. Trái lại, còn hãnh diện nghĩ rằng mình đã nói giống Huyền Vũ, đã nhập tâm phương pháp tường thuật của Huyền Vũ và đã xài chữ y trang như Huyền Vũ.

Những chàng ngựa non háu đá này nghĩ cứ làm như vậy, và chỉ cần vậy thôi, cũng đã đủ bửu bối để trở thành những kẻ được truyền thừa y bát và bảo đảm trở thành nhị tổ của tông phái trực tiếp truyền thanh đá banh do Huyền Vũ khai sáng. Vô hình trung ông đã mặc nhiên được coi là “Sư Tổ” và bỗng dưng đã có mấy đệ tử mà ông chưa hề cho làm lễ nhập môn bao giờ. Nói lại chuyện này với ông về sau nầy, ông chỉ cười mỉm, không nhìn nhận, mà cũng không chối từ cái lối khơi khơi bị coi là “thầy” của vài ba anh học trò chưa bao giờ được ông chánh thức truyền thụ và dĩ nhiên cũng chưa bao giờ theo học với ông cho đến nơi đến chốn.

Khá đông thính giả hồi đó cũng đã nhìn vấn đề một cách bao dung như ông. Nghĩa là họ cũng chấp nhận phải bị nghe những giọng tường thuật non nớt “à la Huyền Vũ” và mỉm cười phê bình “ừa, thì nói nghe cũng đường được”. Một vài thính giả thuộc thế hệ ông đã thỉnh thoảng, thành thật hơn, nhận xét “cỡ tuổi tụi con mà dùng những chữ như dịp may bằng vàng thì rõ ràng là đã xác nhận chân tướng vô thực của mình rồi còn gì nữa”. Cũng may (!+?) mà vận số của miền Nam năm 1975 đã đến hồi mạt, khiến cho mấy anh học trò thuộc loại thời thế tạo anh hùng nầy hết cơ hội biểu dương cái sở học lóm của mình !

Thuở đó dù người trong nước đã qúa quen thuộc với tiếng nói Huyền Vũ, nhưng sự thật là chẳng có mấy người, ngoài giới ký giả, biết mặt ông. Ông quả là người thuộc loại văn kỳ thanh bất kiến kỳ hình. Và điều đó, tự nó, đã xác nhận cá tính khiêm cung của ông.

Ông vẫn hàng ngày cỡi Lambretta màu trắng đã phai mầu đi làm, viết báo, in báo, giao báo, tới thu thanh trong đài (thậm chí còn có lúc ông đọc bình luận trên đài truyền hình trong tư cách xướng ngôn viên nữa) mà chẳng có bao nhiêu người biết người đàn ông da sạm với thân người trông cường tráng và với dáng dấp cao to hơn một người Việt bình thường mà họ vừa thấy lại chính là tác giả của giọng nói mà từ lâu họ vẫn ngưỡng mộ.

Dĩ nhiên đó không phải là điều có thể nói đối với những người trong cùng làng báo thể thao như ông. Ông vừa thân tình vừa cởi mở với những đồng nghiệp cùng trang lứa - tỉ như Thiệu Võ, Phan Như Mỹ, Nguyễn Ang Ca hay Lê Ngọc Hiển - trong khi vừa dễ dãi vừa tận tình với những chàng trẻ tuổi vẫn tôn ông là đàn anh, hay thuộc cỡ chú bác như Tấn Huỳnh hay Tuấn Linh. Những Ký giả này là những người đã nhiều lần cùng ông có mặt trong các diễn biến thể thao cả trong lẫn ngoài nước như giải túc cầu Merdeka thường niên bên Kuala Lumpur để mừng lễ độc lập của Malaysia hoặc S.E.A.P Games (Đông Nam Á Vận Hội) ở Bangkok, hoặc vô địch bóng tròn Á Châu ở Jakarta hay Á Vận Hội ở Tokyo. Và họ, có thể nói, là những đồng nghiệp vừa yêu quí vừa kính trọng ông.

Những người lo bán vé máy bay ở văn phòng các công ty hàng không tại Saigon lẫn những người phụ trách đổi ngoại tệ tại Ngân Hàng Quốc Gia đều là những người ông quen mặt. Sự quen biết đó đã khiến họ cũng dễ dãi cả với những người đi cùng với ông. Tiếng nói của Huyền Vũ tự nhiên trở thành tiếng nói bảo bọc và yểm trợ luôn cho những bạn trẻ mới chập chửng có mặt trong làng ký giả thể thao. Không phải chỉ ở trong nước như vừa ghi. Trái lại còn cả ở các lân quốc mà ở đó làng ký giả thể thao cũng vốn đã quá quen thuộc với ông. Tiếng nói truyền thanh trực tiếp của ông gởi qua các cơ sở phát tuyến của các nước bạn, đã dễ dàng được truyền về tới hệ thống truyền thanh quốc gia của VNCH (hồi trước vẫn được biết tới trong Hiệp Hội Truyền Thanh Á Châu - Asian Broadcasting Union - dưới danh hiệu VTVN) là nhờ vào những quan hệ cá nhân giữa ông với làng truyền thông tại các lân bang ấy hơn là nhờ vào liên hệ chánh thức giữa các nước thành viên trong ABU. Ở các nước đó, sự trợ giúp dành cho các ký giả trẻ một đôi lần công tác không có mặt ông, cũng là nhờ tên tuổi của ông. Giải thích rõ hơn, họ giúp chàng trẻ nầy, phần chính, chỉ vì người trẻ ấy có liên hệ gần gũi với Huyền Vũ. Gần đến nỗi đôi khi ông đã phải giải thích – như một lời đính chánh nhẹ nhàng – cho những người ngập ngừng hỏi ông rằng “anh định đào tạo cho con anh nó thay cho anh hả?”.

Nói cho đúng thì dạo mấy chục năm trước, cũng đã có vài cấp chỉ huy trong hệ thống VTVN hi vọng rằng các phóng viên trẻ thuộc lực lượng cơ hữu của đài sẽ dần dà học hỏi, qua kinh nghiệm, để thay thế ông. Họ chỉ không biết rằng rất khó để đi cho vừa đôi giày của ông cho nên vì vậy mà không làm sao có thể theo bước chân ông được. Thành thử tuy đã có người đôi lần lên tiếng thay cho ông khi ông không có mặt hoặc khi ông từ chối thực hiện một chương trình truyền thanh trực tiếp nào đó, nhưng tiếng nói đó vẫn là tiếng nói của anh nầy chớ chưa bao giờ có thể được coi là tiếng của một học trò của Huyền Vũ.

Đã không thể đạt đến bực học trò - như nhận xét trung thực của một số không nhỏ thính giả - thì thử hỏi làm sao có thể đạt đến mức ngang bằng với Huyền Vũ dù đã được ông dìu dắt và tận tình hướng dẫn từ những bước đầu tập tễnh? Rốt cuộc lại, không phải chỉ trong thời gian cuối trào Đệ nhị Cộng hoà thôi, mà cả đến bây giờ ở trong nước cũng chưa có tiếng nói nào thay được ông trong các buổi trực tiếp truyên thanh đá banh.

Tre thì đã tàn. Măng thì cũng đã mọc. Nhưng các mụt măng, cho tới giờ nầy, cũng chưa có mụt nào trở thành một cây tre cứng cáp, vững chãi hay giông giống như cây tre thuở trước. Đó là điều mà giới thính giả mộ điệu môn bóng tròn trong nước ngày nay đành phải chấp nhận. Bởi vì Huyền Vũ không phải là một cục đá đen do phún xuất núi lửa tạo thành và do đó mà giống với bao nhiêu cục đá đen khác cũng xuất phát từ phún thạch, từ trước hay sau nầy. Trái lại, Huyền Vũ là chòm sao cao vút trên bầu trời, ý nghĩa đích thực của bút danh mà ký giả Nguyễn Ngọc Nhung đã tự đặt cho mình và đích thân giải thích với kẻ đã tự xưng là con như tôi và vẫn gọi ông là Papa Huyền Vũ khi lên tiếng hỏi ông. Con người đó, giờ đây, hẳn đã trở về với cái chỗ cao ngất cùng với chòm sao của mình, chỗ không ai có thể theo kịp và có lẽ cũng sẽ chẳng có ai có thể bén gót ông được.

Nếu những lời vừa ghi mà bị coi là quá đáng thì Tác giả cũng xin được bao dung bởi chưng đối với một Ký giả Thể thao tiếng tăm lẫy lừng như Huyền Vũ, có nói cạn lời cũng không lột tả hết được mức độ tài năng trong nghề nghiệp và đức độ trong đời sống của ông. Nhưng đối với một người từng may mắn được ông truyền dậy cho ít nhiều “bửu bối” của nghề trực tiếp truyền thanh bóng đá, tôi chỉ xin coi đây là chút tâm tư rất nhỏ của sự kính trọng và yêu thương của “đứa con tự xưng” đã cực chẳng đã phải làm thay cho việc đích thân quay về cư tang ông mà nó đã không làm được vì thiếu phương tiện.
(Oklahoma)
(14/8/2005)


HUYỀN VŨ : TIẾNG NÓI CỦA BÓNG ĐÁ VIỆT NAM ĐÃ TẮT

Phạm Trần

Huyền Vũ, Ký giả Truyền thanh Thể thao nổi tiếng nhất của Việt Nam không còn nữa. Ông đã từ giã cõi đời ở tuổi 90 ngày…. tại thành phố New Port News, Virginia, cách Thủ đô Hoa Thịnh Đốn gần 3 giờ lái xe về phía nam.

Theo lời tự giới thiệu trong Hồi ký “Tôi làm Ký giả Thể thao” (TLKGTT) của ông xuất bản lần đầu năm 1989 thì tên thật của ông là Nguyễn Ngọc Nhung, sinh năm Ất Mão (1915) tại Phan Thiết. Khi còn thanh niên, đã có một thời gian ông sinh sống ở Cao Miên cho đến năm 1948 thì về nước vì nhu cầu học hành của các con.
Trước khi trở thành Ký giả Thể thao thực thụ năm 1951 cho Đài phát thanh Pháp Á (Radio France-Asie), ông từng là “ký giả tài tử” (chữ của ông) từ năm 1936 khi ông săn tin địa phương cho hai báo Zân Báo của Võ Khắc Thiệu và Trung Lập của Bùi Thế Mỹ. Tuy nhiên nghề Ký giả địa phương không nuôi sống được ông nên ông đã chuyển qua nghề viết văn từ năm 1950 cùng thời với Lý Văn Sâm (chuyên về truyện Đường rừng) , Hoàng Tấn, Việt Quang v.v…Phần lớn truyện ngắn của ông thuộc thể loại Trinh thám qua hai Bút hiệu Xuyên Sơn và Huyền Vũ viết cho Nhà Xuất bản Nam Việt của ông Đinh Xuân Hòa và hai Nhật báo bán chạy vào thập niên 1950 là Sàigòn Mới (ÔB. Bút Trà) và Tiếng Chuông (Đinh Văn Khai).

Nhưng nghề viết Văn cũng chưa phải là sở trường của Huyền Vũ vì ông rất say mê theo dõi tin Thể thao. Ông viết trong Hồi ký : “ Bản tính thích thể thao từ nhỏ (chúng tôi thích đọc sách, báo về thể thao, khoa học va du hành 9Science et Voyage) về tiểu thuyết trinh thám của Simenon (Pháp) lúc ấy tôi là trọng tài của Tổng cuộc túc cấu Nam Việt. Nếu tiếp tục nghề này chúng tôi đã được đề nghị trọng tài quốc tế một lượt với Trương Văn Ký, trọng tài Quốc tế Việt Nam đầu tiên…” (TLKGTT)

Từ khi làm kỳ gỉa thể thao cho đài Pháp Á, ông Huyền Vũ từ chức Trọng tài “để ngòi viết của mình được vô tư hơn” , theo lời ông viết.

Sau một thời gian, ông nghỉ Pháp Á sang phụ trách tin Thể thao cho Đài Phát thanh Sài Gòn. Trong 24 năm làn Kỳ giả Thể thao, độc giả và thính giả toàn cõi miền Nam đã được nghe và đọc Huyền Vũ qua các bài tường thuật và bình luận Thể thao sắc bén nhưng công bình về nhiều bộ môn, nổi bật và hấp dẫn nhất là các bài viết về bóng đá của ông.

Trên làn sóng điện của hai đài Pháp Á và Sài Gòn, hàng triệu thính giả ở cả miền Nam – Bắc (phải nghe lén trước năm 1975) đã say mê theo dõi, đôi khi đến ngộp thở vì lối tường thuật trực tiếp hấp dẫn và thôi thúc của ông về các trận tranh giải vô địch Túc cầu trong nước và các trận cầu Quốc tế diễn ra tại sân Tao Đàn (tên cũ là Cercle Sportif Saigonais) và sau này trên sân Cộng Hòa.

Huyền Vũ nhìn nhận : “ Trong đờI ký giả Thể thao, nếu chúng tôi được nhiều người biết đến là qua các làn sóng điện của đài phát thanh Sài Gòn, theo với các buổi trực tiếp truyền thanh các trận túc cầu tranh vô địch và nhứt là các trận quốc tế, giữa hội tuyển nhà và các hội tuyển khách hoặc nhừng đoàn danh cầu ngoại quốc.” (TLKGTT).

Theo Ký giả Huyền Vũ, người trực tiếp tường thuật các trận đá banh trước ông là Ông Nguyễn Hùynh (Nguyễn Hùynh Phước) và trước nữa là Ký giả Trần Đình Khiêm. Nhưng trực tiếp truyền thanh thể thao có khó không ?

Huyền Vũ đáp : “ Phải thành thật thú nhận, ở lần “trực tiếp” đầu tiên chúng tôi đã không tránh khỏi bối rối không kém khi trực tiếp truyền thanh bóng rổ (lần đầu). Mấy hôm sau chúng tôi nhận được bức thơ của một thính giả ở Bến Tre phê bình kỹ thuật “trực tiếp” của chúng tôi. Vị thính giả này là một sinh viên du học bên Pháp về, đã so sánh cuộc “trực tiếp” của chúng tôi với kỹ thuật của phóng viên Pháp tại Ba Lê. Dĩ nhiên sự phê phán đã rất thẳng thắn, xây dựng.”
“Bức thơ đã làm cho chúng tôi suy nghĩ rất nhiều. Buồn là lẽ tự nhiên, nhưng chúng tôi không chán nản. Chúng tôi lấy đó làm bài học cốt để sửa chữa vì biết con đường của chúng tôi đi còn dài. Làm báo viết đúng -- đắn vớI thiên chức – đã khó, thì làm “báo nói” đâu đã dễ. Huống chi không có thầy, chưa có dịp ra nước ngoài, xem thể thức trực tiếp truyền thanh của các nước tiền tiến để học hỏI, chúng tôi nghĩ đền cách phác họa cho mình một đướng lốI để cảI thiện. Vào thời ấy cũng chưa có sách nào, theo chỗ chúng tôi biết, dạy “trức tiếp truyền thanh…” (TLKGTT)

Đoạn văn này, theo quan sát của tôi, đã lột tả tất cả tính tình trong sự nghiệp 69 năm viết văn, làm “báo viết” và “báo nói” của Nhà báo Huyền Vũ. Đối vớ tôi, Ông là nhà báo đàn anh trên nhiều phương diện : Ông vào nghề trước tôi đến 24 năm, từ 1936, lại vừa viết văn vừa làm báo và truyền thanh, nhưng không vì thế mà ông “coi thường” hay “không thèm chơi” với mấy anh nhà báo hậu sinh, nhất là những người không liên hệ gì đến báo Thể thao như tôi.

Tôi gặp ông lần đầu khi cùng ông tham dự lớp Huấn luyện Ký giả của Liên Đoán Ký giả Quốc tế tổ chức tại Sài Gòn trong thấp niên 60. Nhưng có một lần tôi không bao giờ quên khi được đi theo Ký giả Thể thao Phan Như Mỹ vào xem đá banh “cọp” ở sân Cộng Hòa. Lần đó khi vừa đến cửa soát vé thì đã thấy “thần hộ mạng” Phan Như Mỹ đứng đợi. Tưởng có mình tôi, ai ngờ anh Mỹ còn “đỡ đầu” thêm 4 mạng phóng viên nữa. Tất cả đều không có vé vào sân. Tôi hơi ái ngại vì có tới hai nhân viên soát vé một cửa vào nếu bị hỏi vé thì mắc cở muốn chết. Bất ngờ anh Huyền Vũ xuất hiện nói cười vui vẻ rồi bắt tay từng người. Ông giục mọi người đi vào vì sắp tới giờ ông phải “lên Đài”. Thế là chúng tôi “lanh lẹ” nối theo chân ông mà không cần đến sự “can thiệp” của anh Phan Như Mỹ. Hai người soát vé cũng vui vẻ cuời theo không thắc mắc gì cả, sau khi họ nghe ông giới thiệu “Đây là mấy anh em báo chí đồng nghiệp của tôi !”. Thế là cả bọn nghiễm nhiên lọt vào hàng ghề dành riêng cho Báo chí (đáng lẽ ra phải là Ký giả Thể thao được Tổng cuộc Bóng tròn VNCH nhìn nhận !).


Sau khi ngồi chễm chệ ở gần giữa Khán đài Danh dự, anh Phan Như Mỹ mới nói với bọn tôi : “ Bữa nay các chú nợ Huyền Vũ một chầu La-de đấy nhé” !

Dân ghiền đá banh, nhất là những người không có cơ hội đi coi hay ở xa Sài Gòn “mê” Huyền Vũ đã đành. Ngay cả những khán giả ngồi trong sân, nhất là khán giả ngồi trên cao, theo dõi trận thư hùng cũng vô số người mang theo máy thu thanh bỏ túi để nghe ông tường thuật !

Ông kể ra ba trường hợp điển hình:

“ Một hôm khi “trực tiếp” xong một trận cầu, chúng tôi định đi đến toà soạn (báo) Sàigòn Mới để viết bài tường thuật kịp cho số báo phát hành vào đêm hôm đó,bỗng có bàn tay đặt lên vai chúng tôi và có lời nói : “Chào ông”. Chúng tôi ngạc nhiên quay nhìn lại, nhận ra người đối thoại là một ông cụ mà búi tóc và chòm râu dài đã điểm sương. Ông cụ chỉ vào hai vị cao niên khác bên cạnh, nói tiếp :”Anh em chúng tôi ở vùng Thất Sơn (Tỉnh Châu Đốc ngày xưa), thường nghe ông trực tiếp qua máy ra-đi-ô chạy “pin”. Hôm nay có dịp lên Sài Gòn nhằm có “trực tiếp” nên chúng tôi mua vé vào xem, cố tìm gặp cho biết ông. Chúng tôi đã lựa chỗ ngồi ngay sau lưng ông.”

“Dịp khác, một quân nhân đã thân mật : “Ở rừng không có gì giải trí, nên lúc hành quân tuần tiễu mà nghe anh trực tiếp truyền thanh là tụi tôi cho dừng lại theo dõi đến hết trận cầu.”

“ Ở Huế, cạnh chợ Đông Ba có quán Lạc Sơn của các anh Ngô Văn Đệ và Ưng Lảo được xem như nhà hàng Thanh Thế tại Sài Gòn, là nơi anh em thể thao gặp gỡ nhau, nhứt là vào những sáng cuốI tuần. Dịp chúng tôi ra cố đô, đền gặp anh em tại Lạc Sơn, chủ nhân vừa cười vừa nói với chúng tôi “Phải bắt đền anh mới được. Vì mỗi lần anh trực tiếp truyền thanh là anh em tựu lại nghe, giựt chân, giựt tay, đá gãy cả ghế của quán tôi…”

Ông kể lại những mẩu chuyện này, tôi nghĩ, chẳng phải để “khoe” về sự chú ý của khán, thính gỉa đã dành cho ông mà để nói đến cái tính “máu mê” môn bóng đá đã chiếm một vị trí quan trọng trong đời sống của người Việt Nam trong mọi hòan cảnh.

Nói vậy nhưng không ai có thể phủ nhận : Nếu một trận đấu bóng đá , dù mới chỉ ở vòng loại của một cuộc tranh giải mà thiếu tiếng nói từ thao trường của Huyền Vũ thì cuộc giao đấu ấy sẽ mất đi hào hứng rất nhiều.

Bỏi vì tên tuổi Huyền Vũ đã gắn liền với môn Túc cầu ở miền Nam trong suốt 24 năm tựa như chuyện “như thế thì phải thế” không thể thiếu một trong hai của môn Thể thao được ưa chuộng nhất ở Việt Nam.

Cho đến ngày ông về cõi Vĩnh Hằng với Thiên Chúa, Ký giả Thể thao Huyền Vũ đã để lạI cho giới mộ điệu Thể thao trong và ngoài nước nhiều kỷ niệm khó quên về tính say mê nghề nghiệp và tài hùng biện tại cầu trường của ông.

Sau khi phải rời miền Nam chạy tị nạn Cộng sản năm 1975, bỏ lại sau lưng không biết bao nhiêu là thương nhớ và kỷ niệm với sân cỏ và thính giả, Nhà báo Huyền Vũ đã sống an bình bên cạnh người bạn đời Bà Madeleine Ho Thi Nga cùng các con, cháu.

Nhưng người vợ hiền hậu suốt đời hy sinh cho Gia đình Huyền Vũ đã bỏ ông ra đi từ năm 1997, sau một thời gian lâm trọng bệnh. Từ đó, anh Huyền Vũ đã sống cho riêng mình nhiều hơn. Mãi đến tháng 8 năm 1999,ông mới chịu xuất hiện cùng anh em làng báo và đồng bào mến yêu ông trong vùng Thụ đô Hoa Thịnh Đốn. Đó là Ngày Huyền Vũ (28-8-99) mà chúng tôi và một số anh em thân hữu đứng ra tổ chức để tri ân những công lao đóng góp của ông cho nền Báo chí Thể thao và Bóng tròn miền Nam.

Trước mặt khoảng 300 người mến mộ đến từ nhiều nơi, người Ký giả 85 năm tuổi đã nghẹn lời nhiều lần khi ông lên tiếng cảm ơn mọi người đã vì thương mến ông mà tham dự cuộc họp mặt. Ngày đó, Lão tướng Huyền Vũ đã phải ngồi trong xe lăn để di chuyển cho dễ, nhưng tiếng nói sang sảng của ông ngày nào vẫn còn đó, vẫn cuốn hút người nghe như khi ông còn tường thuật Bóng đá.

Trước đó trong cuộc phỏng vấn tại nhà con ông, Cựu Thủ môn Quốc gia Quốc Bảo,tôi cũng đã mủi lòng theo ông khi tôi hỏi :”Anh có nhớ các sân Tao Đàn và Cộng Hoà ở miền Nam không ?”

”Tôi nhớ lắm chứ Chú. Làm sao mà quên được.”, Huyền Vũ đáp mà rưng nước mắt.

Phạm Trần
(Ngày Huyền Vũ mất, 24-8-05)

Một Huyền Vũ

Vũ Đức Vinh

Qua điện thoại tôi nói chuyện với ký giả Huyền Vũ lần chót vào quãng thời gian trên bốn năm trước. Tiếng nói của ông hồi đó còn tốt nhưng ông đã gặp khó khăn trong việc cầm ống nghe, rồi ít lâu sau người nhà cho biết cơ thể ông ngày càng suy yếu không thể nói chuyện điện thoại được nữa. Coi như đã cách biệt ông từ lần đó. Cho tới sáng hôm qua ký giả Nguyễn Thiên Ân từ Oklahoma cho hay ký giả đại lão Huyền Vũ đang ở trong giờ phút có thể giã biệt con cháu bất cứ lúc nào. Ông Ân nói chắc đã tới phiên đại lão nhận vé lên tầu - chuyến tầu suốt về đoàn tụ với tổ tiên.

Là một ký giả thể thao lão thành danh tiếng qua các bản tường trình các trận tranh giải bóng đá quốc gia, quốc tế qua các làn sóng phát thanh của đài Phat Thanh Sai-gòn trong suốt thời gian gần 25 năm, Huyền Vũ có nhiều bạn bè quí mến ông, và hàng triệu người say mê bóng đá mến mộ ông dù chưa từng gặp. Hẳn tất cả những người này sẽ ngậm ngùi đón nhận tin ông ra đi như một mất mát. Họ đã thiếu vắng tiếng nói của ông từ ba mươi năm trước, khi các làn sóng phát thanh quốc gia đã im tắt, nhưng giờ đây họ mất đi một con người đã từng chinh phục lòng mến mộ của họ qua nhiều năm.

Huyền Vũ có một giọng nói thiên phú, trường âm và truyền cảm; ông lại có một phương thức tường thuật các trận tranh giải bóng đá rất tự nhiên và sống động. Đằc biệt ông nắm vững kỹ thuật, chiến thuật bóng đá, và có một trí nhớ đặc biệt có thể nói đúng boong tên từng cầu thủ ngay khi cầu thủ cùng đội bóng ra quân lần đầu, và dù là cầu thủ mang tên Việt ngắn gọn hay tên Thái, tên Lào, tên Thụy Điển dài lê thê. Qua làn sóng truyền thanh vô hình, lời tường thuật của Huyền Vũ có thể giúp người nghe mường tượng ra quang cảnh trận đấu, theo dõi được từng đường banh công thủ giữa hai đội tranh tài để rồi hòa mình với những cảm xúc biến đổi thăng trầm của hàng chục ngàn khán giả quanh sân cỏ. Ông dẫn giắt người nghe xác định vị trí trái banh từ lúc khởi đi, đưa ngang qua trái hoặc qua phải, trả về hoặc thọc sâu, đánh đầu hoặc đá móc… cho đến lúc banh gặp chân làm bàn tạo nên cú sút sấm sét để thọc lưới….., và rồi tiếng nói của ông vui reo lên theo tiếng hò vang trấn động cầu trường. Cũng có khi trái banh đi trật sà ngang trong gang tấc ra ngoài khung thành thì tiếng nói của ông bỗng hét lên giận dữ hay sìu xuống tiếc nuối sót sa, phản ảnh cái tâm trạng vui buồn của khán giả quanh sân cỏ. Trong lúc tường thuật ông còn thường cung cấp nhiều tin tức, dữ kiện, và bối cảnh liên quan đến thành tich của từng đội bóng, chân cẳng từng cầu thủ , và kỹ thuật, chiến thuật áp dụng trong trận đấu, khiến tính hiếu kỳ tìm hiểu của người nghe được thỏa mãn một cách thoải mái. Bản tường thuật của ông mang rât nhiều chất liệu thông tin (informative) kèm theo những chi tiết có tính cách dẫn giải (educative), do đó nhiều người mộ điệu dù đến tận cầu trường mua vé vào coi trận đấu tận mắt mà vẫn mang theo máy thâu thanh cầm tay để theo dõi tường trình và lời bình giải của Huyền Vũ. Khi hành nghề ký giả Huyền Vũ thường đứng bên chiếc máy vi âm và các dụng cụ trang bị truyền thanh đăt ngay khu khán đài danh dư. Ông nói không ngừng trong suốt trận đấu, kể cả thời gian giải lao và những lúc chờ nhặt bóng bay ra ngoài biên, hay thay đổi cầu thủ. Ông sử dụng từ ngữ thật ngắn gọn, xúc tich và gợi hình để diẽn tả từng diễn biến trên sân cỏ khiến người nghe có thể dễ dàng ghi nhận dù không chính mắt nhìn thấy. Ông cũng luôn luôn dùng những từ ngữ ẩn dụ khiến lời lẽ dễ dàng lọt tai và người nghe lãnh hội cảm nhận được ngay. Có một thời nhiều từ ngữ ông dùng trên sân cỏ trở thành phổ thông trong dân gian, như: “uổng dịp thắng bằng vàng”, “con én không mang lại mùa xuân”, “hụt thắng trong đường tơ kẽ tóc”, “cú sút sấm sét”. Rồi những đường banh ngang dọc trao trả ăn nhịp như đan thêu trên sân cỏ được ông mô tả một cách vui tươi thi vị là “những đuòng banh huê dạng”. Qua cách nói của ông, nhiều từ ngữ thông dụng đã trở nên mặn mà có duyên. Có thể nói Huyền Vũ đã thi vị hóa ngôn ngữ tiếng Việt trong nền thể thao bóng đá, và đã khiến dân mê bóng đá qua làn sóng phat thanh thấy gần ông, quí mến ông, coi tiếng nói Huyền Vũ là tiếng nói của họ.

Cùng thời với Huyền Vũ có các ký giả thể thao danh tiếng khác như Thiệu Võ, Phan Như Mỹ. Nhưng Huyền Vũ đã nổi bật, sáng chói, được giới mộ điệu biết đến nhiều hơn qua chương trình bình luận tường thuật truyền thanh bóng đá trên các làn sóng phát thanh của hai đài Sài-gòn và Quân Đội. Chương trình của ông thu hút một khôí lượng thính giả khổng lồ rất trung thành cho hai đài này. Trong mùa bóng, cứ mỗi khi có trực tiếp truyền thanh trận bóng lớn là các chương trình phát thanh trùng ngày giờ hôm đó đương nhiên bị dẹp bỏ để nhường làn sóng cho bóng đá. Huyền Vũ được rất, rất nhiều người nghe và yêu mến.

Cách đây trên 5 năm, để bày tỏ tấm lòng quý mến trong tình đồng nghiệp với ký giả thể thao Huyền Vũ, một số cựu ký giả của miền Nam Việt Nam trước 1975 đã tỗ chức một ngày vinh danh ông tại thủ đô Hoa Thịnh Đốn. Đuợc yêu cầu góp ý trong dịp đó tôi đã có nhận xét là khó có một Huyền Vũ thứ hai để nối tiếp Huyền Vũ đi trước. Điều này đến nay được nhà văn Văn Quang rất sành điệu bóng đá từ trong nước xác nhận còn đúng. Ông Văn Quang từng là một “fan” của Huyền Vũ trong suốt 21 năm Cộng Hòa. Rồi từ gần 20 năm qua ông lại coi đá bóng trên “khắp các kênh” (cứ kênh nào có trận đá thì coi); ông còn có cả “đài kỹ thuật số” để coi các trận của Anh, Pháp, và theo dõi qua vệ tinh các trận đấu của các đội Nam Mỹ như Brasil, Mexico. Chính ông cũng đã từng tường thuật các trận bóng đá trên báo. Nói như vậy để thấy ông là người có nhiều hiểu biết về tình hình bóng đá trong nuớc hiện nay. Ông cho biết hiện có 5 hay 6 “ký giả thanh niên” trong số có con trai của Lý Quý Chung (cố dân biểu Việt Nam Cộng Hòa) phụ trách bình luận và tường thuật bóng đá trên các đài truyền hình và đài phát thanh Sài-gòn. Họ nghiên cứu về các trận đấu và các cầu thủ rât kỹ, đến mức có thể nhớ và mang so sánh một đường banh ở trận đấu này với đường banh ở một trận đấu khác đã diễn ra từ cả tuần cả tháng trước. Mỗi ký giả này làm cho một đài, nhưng nói chung họ được khá nhiều khán thính giả theo dõi. Theo Văn Quang, không thể nói là các ký giả thể thao truyền thanh truyền hình hiện nay thua kém tài nghệ Huyền Vũ, nhưng ông ghi nhận Huyền Vũ được chính ông và các thính giả, khán giả gần gụi hơn, dành cho nhiều cảm tình riêng tư hơn. Hiển nhiên Huyền Vũ đã tạo được một sắc thái riêng, vượt trội, lôi cuốn hơn, được quý mến hơn, mà người khác dù tài nghệ có cao cũng khó bắt kịp.

Tôi tin rằng những người yêu chuộng bóng đá, mến mộ Huyền Vũ vẫn mong có một Huyền Vũ mới để kế tiếp Huyển Vũ của thế kỷ trước, để giúp người mộ điệu tận hưởng cái thú rộn rã háo hức sôi động khi thưởng thức trận đấu bóng đá, thưởng thức bằng mắt và bằng tai luôn. Chắc chính Huyền Vũ tiền bối cũng mong như thế khi hướng về lớp hậu duệ. Nhưng đến bây giờ, qua tin tức ghi nhận mới nhất trên đây, chúng ta vẫn chỉ có một Huyền Vũ . Ký giả đại lão Huyền Vũ có ra đi, tiếng nói tường thuật bóng đá của ông qua các làn sóng phát thanh những năm xưa vẫn và sẽ còn âm hưởng lâu dài trong lòng người mến mộ ông và trong lịch sử nền thể thao bóng đá Việt Nam.

Bài viết này được hoàn tất ngay sau khi người viết đuợc tin không lành về tình trạng sức khỏe của ký giả đại lão Huyền Vũ. Hi vọng con tầu đón ông chưa đến hay không đi, vé tầu ông chưa nhận hay nếu có nhận thì còn đề nó trong túi, và hy vọng tới lúc này ông vẫn nghe đuợc những gì thân hữu và những người mến mộ ông viết về ông.
Bellevue, Bang Washington
Ngày 21 tháng 8, 2005


HUYỀN VŨ (1914-2005)

NGUYỄN NGOC NHUNG, tự HUYEN VU
Sanh ngày 1-10-1914 tai Phan Thiết
Đến Mỹ và định cư ở Newport News,Virginia năm 1975
1976-1981: Làm việc cho hãng NOLAND về Data Processing.
1988 : Đậu bằng Cữ Nhân về Political Science ở Đại Học Christopher Newport University ( CNU ) Newport News, Virginia.
Vi muốn làm gương cho con cháu để thấy sự cần thiết của học vấn và bất cứ lớp tuổi nào cũng có thể học được, nhứt là ở Hoa Kỳ có đủ phương tiện cho những ai muốn đi học.
Vừa làm việc ở hãng Noland vừa đi học để thi GED, trước khi đi học bán thời gian, 8 năm, ở Đại Học Christopher Newport (CNU) để lấy bằng Cữ Nhân về Political Science.
Trong khi làm việc với Noland Company và sau khi hưu trí ông có viết thể thao, kịch ngắn, chuyên vui cho báo và nguyệt san, thâu âm các tin tức thể thao cho chương trình phát thanh Việt ngữ.
Ngoài ra ông cũng có tham dự các buổi tổ chức Thể Vận Thể Thao Việt Nam ở Michigan, Texas, Washington DC ….
1988 : Ra mắt hồi ký “ Tôi làm Ký Giả Thể Thao”
1999 : Duyệt lại và tái bản hồi ký “Tôi Làm Ký GiảThể Thao”
Ong chuẫn bị để viết hai cuốn sách về “Lưu Vong Trên Dất Mỹ” và chuyện tình giữa ông và người bạn đời, Madeleine Ngà, nhưng không thực hiện đươc ý định nầy vì bệnh Parkinson.
- Madeleine Ho Thi Nga, qua đời năm 1997
Chọn Newport News, Virginia để lập nghiệp vì ông bà Joe Leming, người bảo trợ của gia đình là bạn của anh cả Nguyễn Quốc Dũng khi hai người được thụ huấn về ngành Quân Vận ở Fort Eustis ( Newport News, VA )
Tất cả 8 người con, 6 trai và 2 gái dang ở Virginia .
Cháu nội, ngoại : 19Cháu cố : 13



Image
Calitoday

Post Reply