ĐẠO NHẠC

Đi du lịch, chứng kiến những điều lạ xin chia sẻ.
Post Reply
CNN
Posts: 1017
Joined: Wed Dec 01, 2004 8:18 am

ĐẠO NHẠC

Post by CNN »

Viễn Khúc Việt Nam : Ai Là Tác Giả ?

Chào các bạn,

Tối nay, 30/04/2005, Hàn Lệ Nhân mới có trong tay DVD Paris By Night 77 (30 Năm Viễn Xứ). Trong nầy, đúng như vài bạn đã cho biết tin " vui ", có bản nhạc Viễn Khúc Việt Nam do ca sĩ trẻ Dương Triệu Vũ trình bày, hay.

Toàn bộ 2 DVD, mục nào MC cũng cẩn thận nhắc tên người sáng tác, TRỪ bản ... Viễn Khúc Việt Nam. MC Nguyễn Ngọc Ngạn không nhắc tới tên tác giả. Xem kỹ lại mục lục : Có chút trục trặc nho nhỏ ở tên tác giả, PBN77 ghi ngoài bià : tác giả Viễn Khúc Việt Nam là Tấn Phát ! Cớ sự " đạo nhạc " nầy bắt buộc Hàn Lệ Nhân phải lên tiếng cho rộng đường dư luận. Chuyện đạo nhạc không phải chỉ có ở VN qua vụ Bảo Chấn, Võ Thiện Thanh, Quốc Bảo ... năm 2004, mà ở hải ngoại, chính xác là ở Paris, đã có từ những năm 1986. Đó là vụ ca sĩ Tấn Phát (tên đầy đủ là Văn Tấn Phát) đã cầm nhầm bản nhạc VKVN vốn là đứa con do Hàn Lệ Nhân mồ côi sinh ra !

Văn Tấn Phát (VTP) và Hàn Lệ Nhân (HLN) là bạn từ thuở lọt lòng mẹ, vừa đồng hương, đồng đạo, vừa đồng trường, đồng cảnh. Bản nhạc VKVN hoàn toàn do HLN sáng tác, nhân bà xã của HLN đang có bầu (cuối 1984) và sanh cháu gái cuối hè 1985, đặt tên Hải-Nhi (đứa bé sinh ra tại hải ngoại). Là bạn bè từ ngày còn bé, nên khi VTP xin lấy bản nhạc thâu vào băng Phút Đầu Tiên và Đừng Xa Nhau (chung với ca sĩ Hương Lan) do TT Thanh Lan (Mỹ) phát hành năm 1986, HLN đã đưa và không lấy một xu teng tác quyền nào cả. Có điều trong cả hai băng nói trên không hề ghi tên tác giả. (Hai cuốn băng vẫn còn trong tay HLN).

Biết thằng bạn mình chơi không đẹp, nên khi ca sĩ Xuân Lan muốn thâu VKVN vào băng Ngăn Cách của cô, HLN chịu liền. Trong băng Ngăn Cách của Xuân Lan có ghi tên tác giả Hàn Lệ Nhân, phát hành năm 1986, ủng hộ phong trào Y Sĩ Thế Giới (Médecins du Monde) tại Pháp. (Cuốn Ngăn Cách vẫn còn đó).

TT Làng Văn bên Hoa Kỳ có mua bià cuốn Ngăn Cách do Xuân Lan thực hiện, phát hành dưới chủ đề Đêm Cuối (một bản nhạc khác của Hàn Lệ Nhân) tức Làng Văn 19, năm 1986 : Làng Văn xoá tất cả tên tác giả vốn có trong bià băng gốc là Ngăn Cách. Bià cuốn Đêm Cuối (Làng Văn 19) là do Nguyễn Cao Kỳ Duyên … chụp.

Đêm 23/01/1988 Trung Tâm Âu Châu Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại, thời LS Trần Thanh Hiệp và Từ Nguyên Trần Văn Ngô, tổ chức Đêm Thơ Nhạc Hàn Lệ Nhân, Thụy Khuê viết lời giới thiệu, Từ Dung điều khiển chương trình, bài VKVN do Bích Trinh trình bày. Có sự hiện diện của VTP. (Cuốn Video ĐTN-HLN vẫn còn đó).

Cũng trong năm 1988, nhà văn người Pháp, Jean Hugues có dịch bản Viễn Khúc Việt Nam ra tiếng Pháp, đăng trong cuốn " Nous venons du Vietnam ", trong collection " Les Copains de la Classe ", nxb Syros.

Cho đến ngày 12/05/1991, VTP được Hồng Trung của đài phát thanh RFI phỏng vấn, trong lời phát biểu VTP đã tự nhận là đã viết chung với HLN bản nhạc đắc ý nhất của anh ta là bài Viễn Khúc Việt Nam, nhưng anh ta lại không cho phát thanh tác phẩm đắc ý nhất đó (?) viện cớ là chưa thâu băng (trong khi sự thật VKVN đã được VTP thâu & phát hành từ 5 năm trước, 1986).

Thật không may cho VTP, Hồng Trung (tên thật là Nguyễn Kim Biên) vốn là bạn văn của HLN, từng viết chung trong tuyển tập Làng Xưa Phố Cũ và trong các sinh hoạt văn nghệ cộng đồng tại Paris nên biết rõ ai là tác giả VKVN. Ngay sau cuộc phỏng vấn, Hồng Trung gọi điện thoại cho HLN, Hồng Trung rất ngạc nhiên trước sự nhận vơ rất " can đảm " của VTP, và gửi cuốn băng ghi lại nguyên buổi phát thanh hôm đó. (Cuốn băng nầy vẫn còn chạy rất rõ, rất tốt).

Trước khi gọi điện thoại cho Văn Tấn Phát, HLN có mời anh ruột của Văn Tấn Phát là Văn Tấn Phước đến nhà, cho Phước nghe cuốn băng buổi phỏng vấn. Văn Tấn Phước chỉ biết lắc đầu, ngao ngán cho lá gan gấu của thằng em, Phước có nói xa gần mong HLN đừng làm to chuyện ... Hàn Lệ Nhân gọi điện thoại cho Văn Tấn Phát, VTP chối bây bẩy và đã rất nặng lời với HLN. Tiếp theo VTP còn gửi một bức thư tới mạt sát HLN, thư đề ngày 03/06/1991. (bức thư vẫn còn giữ nguyên mùi mực).

Ngày 09/06/1991 Hồng Trung mời HLN lên đài RFI, có lập đi lập lại câu hỏi, chủ ý muốn HLN lật mặt nạ VTP trước dư luận, HLN vụng nghĩ đến tình bạn lâu năm, nên không nỡ, chỉ nói HLN là tác giả của VKVN, cho phát thanh qua giọng ca của Xuân Lan và không đá động tới cái tên Văn Tấn Phát.

Sau đó, chuyện Văn Tấn Phát về VN và Lào, tự nhận là tác giả VKVN, bạn bè có nói cho HLN biết, nhưng HLN lại vụng nghĩ đó là dư luận, nên cũng chẳng nói gì.

Hè năm 1997, HLN về thăm gia đình. Trong bar Mekong đêm đó, chung bàn rượu gồm 4 người, có Văn Tấn Cảnh, người anh thứ ba của Văn Tấn Phát. Người điều hành quán Mekong là cô Hồng. Trong câu chuyện văn nghệ, cô Hồng có hỏi HLN ở bên Pháp có biết Văn Tấn Phát không ? HLN trả lời VTP là bạn từ nhỏ mà. Cô Hồng tiếp : vì anh VTP có sáng tác một bản nhạc rất hay, bài Viễn Khúc Việt Nam ! HLN chưa kịp nói gì, thì chính anh Văn Tấn Cảnh (tức anh Đức) vội vàng trả lời (nguyên văn) : Không, tác giả bài VKVN là ông nầy, Hàn Lệ Nhân chính là ông nầy đó. Văn Tấn Phát chỉ là người hát thôi ". Cô Hồng nhíu mày, liếc nhìn anh Cảnh và nhìn HLN đăm đăm. Nghe anh Cảnh nói vậy, một lần nữa HLN lại vụng nghĩ, đành im luôn.

Năm 2002, Hàn Lệ Nhân có làm một cuốn VCD Karaoke Về Phương Cũ, bài VKVN do Xuân Lan trình bày. (cuốn VCD còn đó).

Đêm 24 tháng 04 năm 2004, nhân đem bà xã về thăm gia đình tại Savannakhet, trong buổi Vì Tương Lai Con Em Của Chúng Ta do Hội Người Việt Nam tại Savannakhet tổ chức, HLN có nhận trả lời phỏng vấn của bác sĩ Minh (Teo), người điều khiển chương trình, có phần liên quan tới VKVN, HLN có ôm đàn nghêu ngao bài VKVN. Danh ca Văn Tấn Phát cho HLN mượn guitare, đích thân điều chỉnh âm thanh dùm và cũng có tiết mục trong chương trình. Tấm hình ở trang chính của HLN trong Trinh Nữ được chụp trong đêm đó. (cuốn Video còn đó).

Thưa các bạn,

VKVN dù sao cũng chỉ là một trong mấy chục đứa con tinh thần mà HLN đã ngẫu hứng tạo ra trong nhiều năm cu ki một bóng, một đèn, một bút, một đàn. HLN vẫn tự dặn lòng tập viết để tự học tiếng mẹ đẻ, làm chơi thế thôi. Nếu các bạn để ý sẽ thấy, ở các sites khác, dưới mỗi bản nhạc ký tên HLN đều có chua " NO COMMERCIAL USE ".

1986 - 2005 là thời gian gần 20 năm, nay cũng do cuốn DVD Paris By Night 77 ra đời, Hàn Lệ Nhân mới buộc lòng tỏ bày về nỗi long đong của một trong những đứa con tinh thần của mình. Cũng là điều chẳng đặng đừng, vì từ 1986 và nhất là trên Internet sau nầy, bản nhạc Viễn Khúc Việt Nam do Xuân Lan hát đã được ký tên Hàn Lệ Nhân, bà con xa gần hẳn có không ít người biết tới. Nay PBN77 lấy hát lại, ghi tên tác giả là Tấn Phát. Nếu HLN tiếp tục giữ im lặng, thì dù muốn dù không, dưới mắt bà con, bè bạn xa gần đã có dịp nghe VKVN qua giọng ca của cô bạn Xuân Lan, Hàn Lệ Nhân sẽ phải gánh chịu suốt đời là phường đạo nhạc ! Ôi, Đạo Nhạc, đối với cá nhân HLN, là nỗi nhục nhả không những ảnh hưởng đến thân bằng quyến thuộc, bè bạn xa gần mà còn xoáy sâu đến tận đáy mồ của hai đấng sinh thành !

Cũng chẳng hiểu khi lấy VKVN hát lại TT Thúy Nga có liên lạc với ai không, nếu có, người đó là ai, chứ đến giờ phút viết những dòng nầy Hàn Lệ nhân chẳng biết gì cả.

Trong phạm vi trang nầy, HLN chưa tiện đăng toàn bộ những vật chứng đạo nhạc hiện có trong tay về Viễn Khúc Việt Nam, khi hữu sự e cũng sẽ đành đau lòng phổ biến thôi.

Thân kính,
Hàn Lệ Nhân


Source: Bút Nhóm Trinh Nữ

Post Reply