Sau 31 năm dưới chế độ Cộng Sản

Đi du lịch, chứng kiến những điều lạ xin chia sẻ.
Post Reply
User avatar
phu_de
Posts: 2917
Joined: Sun Nov 28, 2004 10:57 pm
Has thanked: 7 times

Sau 31 năm dưới chế độ Cộng Sản

Post by phu_de »

Sau 31 năm dưới chế độ Cộng Sản ...
Những đứa trẻ sống trên bãi rác

Phóng viên S.V.999

Image

Hòa chung với dòng người tấp nập trên đường đi du lịch Vũng tàu, tôi tìm đến bãi rác Phước Cơ, phường 11, Thành phố Vũng tàu, nơi đây đã được một vài bài báo mô tả như một xã hội đen thu nhỏ. Qua cầu cỏ may 2 km tôi dừng lại hỏi thăm, một cậu bé nhanh nhẹn trả lời:

- Chú đi tới một chút nữa qua trại gà Phước Cơ 100 m rồi rẽ trái, đi qua trại giam Phước Cơ 500 m là tới bãi rác, nhưng chú vô đó làm chi? Dơ bẩn lắm.

Theo lời chỉ đường của cậu bé, tôi đi qua trại giam Phước Cơ, con đường ngoằn ngoèo lách qua rừng cây nước mặn, những đám bụi khói mù mịt quyện lẫn mùi hôi nồng nặc cùng với hàng bầy, hàng đàn ruồi ào tới như chào đón khách. Một cảnh tượng rùng rợn hiện ra khiến tôi bàng hoàng:

Đó là một khu dân cư đông đúc sống cạnh một đống rác khổng lồ, hàng trăm cái chòi lúp xúp cao không quá đầu người với lối kiến trúc sáng tạo độc đáo và được chắp vá bởi những vật liệu đa dạng nhặt trong bãi rác.

Image

Không khí lao động nơi đây nhộn nhịp như một công trường, từ người lớn đến trẻ nhỏ đều hăng say dùng cào, dùng móc sắt, bới tìm trong đống rác để nhặt tất cả những gì cặn bã của xã hội mà có thể bán được ra tiền. Chỉ có những trẻ nhỏ từ 4 tuổi trở xuống là được ở nhà, nhìn thấy người lạ các cháu ngơ ngác, tò mò ngắm nghía. Nhìn chúng cũng kháu khỉnh, ngây thơ như bao đứa trẻ khác, nhưng chúng không được đến trường học. Cũng như bao đứa trẻ đã cất tiếng khóc khi chào đời, nhưng chúng không được sống trong mái ấm gia đình mà vất vưởng lê la, lấy bãi rác làm trường mẫu giáo, tìm kiếm trong rác rưởi để nhặt những đồ chơi cũ nát.

Thấy mấy đứa bé bò lê la trên đất mình mẩy lấm lem, nước mũi thò lò, ruồi nhặng chen nhau bâu kín mũi, mắt, miệng. Tôi giơ máy lên định chụp hình thì bỗng có một bàn tay hộ pháp, gân guốc từ phía sau giật chiếc máy chụp hình khỏi tay tôi. Giật mình ngoái lại phía sau, tôi sửng sốt khi thấy một đám thanh niên mình trần xạm nắng, trong cái lớp bụi bẩn phủ kín người ấy lộ ra những ánh mắt dữ tợn, hằn học nhìn thẳng vào tôi.

Một người trong số họ lên tiếng:

- Ông đi theo tôi!

Và thế là người đi trước, kẻ hộ tống theo sau, tôi chỉ còn biết tuân lệnh và bước theo. Đi qua những đống phế liệu cao ngất, đến một túp lều nằm giữa trung tâm.

Một người lên tiếng dõng dạc:

- Thưa anh Út, chúng tôi đã dẫn thằng nhà báo này đến.

Một tiếng nói nhỏ nhẹ pha chút lịch sự từ trong túp lều phát ra làm tôi phần nào trấn tĩnh:

- Ừ! Đưa ông ta vào đây.

Tôi chui qua tấm màn che ruồi ở cửa để vào trong túp lều và thật ngạc nhiên khi thấy thủ lãnh của những người dữ tợn ấy lại là một người đàn ông chạc tuổi 40, dáng mảnh khảnh như cái tàu lá chuối. Anh kéo ghế mời tôi ngồi. Bằng một giọng nhỏ nhẹ nhưng khô khan và lạnh lùng, anh nói:

- Tại sao các ông cứ quấy rầy việc làm ăn của chúng tôi?

Dường như không cần đến câu trả lời của tôi, anh chậm rãi nói tiếp:

- Chúng tôi không phải xã hội đen, không phải là băng nhóm như các ông đã nêu lên trên báo, chúng tôi là những người dân lương thiện, lao động bằng chính đôi tay của mình…

Nghe đến đây tôi đã hiểu tại sao mà những người đến đây quay phim, chụp hình đều được tiếp đón một cách đặc biệt như vậy. Đồng thời tôi cũng chút được gánh nặng tâm lý để bình tĩnh giải thích với mọi người ở đây. Khi được biết tôi đến đây để tìm hiểu về nỗi thống khổ của người dân, đặc biệt là các cháu nhỏ. Anh Út đồng ý cho tôi đi thăm quan lãnh địa của anh, nhưng với một điều kiện là: “Không được chụp hình”.

Điều đầu tiên đập vào mắt tôi là ở giữa một đống rác rưởi hôi tanh lại có một lá cờ đỏ sao vàng nhuộm màu bụi khói đang chới với bay theo chiều gió, nom giống như món đồ nghề của một gã bù nhìn ở trên ruộng lúa. Như đọc được suy nghĩ của tôi, anh Út giải thích:

- Tôi nhặt lá cờ này trên đống rác, treo lên đây để răn đe cái bọn phóng viên và chính quyền.

Thì ra là thế! Ở cái nơi bần cùng của xã hội này mà vẫn không được yên ổn, bóng dáng của bọn ma quỷ vẫn ẩn hiện khiến bà con nơi đây phải sử dụng lá cờ này như một chiêu thức “Gậy ông lại đập lưng ông” .

Đến một nơi cao ráo, anh Út dừng lại và chỉ cho tôi xem toàn cảnh của lãnh địa này. Anh nói:

- Ở đây có trên 300 người chiếm 40% là trẻ nhỏ, họ xuất xứ từ nhiều hoàn cảnh éo le khác nhau, nhưng đều giống nhau ở một điểm là không còn đường nào khác để kiếm sống nên họ phải tá túc ở cái nơi bần cùng, cặn bã nhất của xã hội này.

Nhìn toàn cảnh nơi đây, quả đúng là một công trường xử lý rác bằng tay, tất cả mọi công việc như nhặt mảnh chai, sắt vụn, ni lông, sàng phân… đều làm bằng tay và hầu như không có khẩu trang, bao tay cùng những bảo hộ lao động khác. Không khí làm việc đang say xưa, bỗng có tiếng la to của mấy đứa nhỏ:

- Xe đến rồi. Xe đến rồi!

Mọi người nhốn nháo bỏ dở những công việc đang làm, chạy ào tới vây quanh chiếc xe ô tô chở rác. Xe vừa đổ rác xuống, một cảnh tưởng hỗn loạn diễn ra: Người lớn, trẻ nhỏ chen lấn nhau, có đến 70 người cầm cào bổ xuống một đống rác nhỏ khoảng 5mỸ. Chỉ trong thoáng chốc, đống rác đã được phân loại xong.

Anh Út lớn tiếng nói với một cậu bé trong đám đông:

- Mày dẫn anh này đi những nơi nào anh ta muốn!

Cậu bé đến bên tôi, cười tươi và tự giới thiệu mình:

- Cháu tên là Hùng, nhưng mọi người vẫn gọi cháu là Còm. Ở đây! Cháu là đứa bé duy nhất biết chữ.

Image

Vừa nói cậu bé vừa nắm chặt tay tôi kéo đi. Bàn chân nhỏ bé không mang dép đi phăm phăm trên những đống rác, cái áo rách toang để hở ra nguyên bộ xương sườn, dáng vẻ hồn nhiên vô tư của cậu bé làm tôi bớt sợ cái mùi hôi tanh ở đây. Cậu bé dẫn tôi đến một chỗ nhặt bịch ni lông, nơi đây tập trung nhiều những anh hùng trẻ tuổi nhất, nhưng cũng là một chỗ làm việc bẩn tưởi và ghê tởm nhất. Những đứa trẻ xúm quanh một đống rác, công việc của các em là phải xé rách các bịch ni lông nhỏ, rũ những thứ rác đựng trong bịch để lấy bao ni lông.

Image


Mỗi lần các em rũ rác ra là một màn ghê tởm chẳng kém gì trong phim kinh dị của Mỹ. Bởi vì những thứ đựng trong các bịch rác ấy là tất cả những gì mà con người thải ra: Nào là rác quét nhà, thực phẩm thiu thối, băng vệ sinh phụ nữ, xác chết động vậtvv… Bịch nào bịch ấy nhung nhúc ròi bọ, xộc lên mùi hôi thối, tanh tưởi và vô cùng tởm lợm khiến bất cứ ai thấy cũng phải ói mửa. Vậy mà các em nhỏ nơi đây vẫn hàng ngày, hàng giờ phải tiếp xúc với môi trường ấy, mà vẫn vui vẻ, hồn nhiên. Thấy tôi choáng váng, các em dừng công việc lại để trò chuyện. Một cô bé đen nhẻm vừa cười, vừa nói với tôi:

- Khổ lắm chú ơi! Nhưng biết làm sao được? Như thế này chưa đáng sợ đâu. Hôm qua cháu rũ đống rác của bệnh viện, toàn là máu mủ, chú mà nhìn thấy thì chắc chết khiếp.

Có những em khác thì la to lên:

- Chú ơi! Bao giờ thì chúng cháu hết khổ?

- Chúng cháu mù chữ thì có được làm công nhân không? …



Một em nhỏ khác bê một chồng sách cũ đặt dưới chân tôi và hổn hển nói:

- Cháu lượm được ở trong đống rác của nhà giàu, toàn là sách đẹp và mới nguyên. Họ xài sang thiệt, cả đống sách mơí vậy mà đã bỏ đi. Chú coi giùm con xem có bán được nhiều tiền không?

Thể theo yêu cầu của chú bé, tôi nhìn kỹ xem sách gì. Ồ! Thì ra là tuyển tập Mác Lê Nin nguyên bộ trên 30 cuốn.

- Thứ sách này bán chẳng ai mua đâu cháu ạ. Chỉ làm giấy vụn thôi.

Nghe tôi nói vậy, cậu bé tiu nghỉu buồn rồi lẩm bẩm:

- Thế mà cái bọn nhà giàu nó dùng sách này để làm gì không biết?

Image

Các em cho biết, cuộc sống nơi đây vô cùng khốn khổ. Không có điện, đêm ngủ không mùng mền, nóng thì nhờ gió trời quạt mát, lạnh thì đắp bao tải rách thay mền. Nước uống mua rất đắt cho nên phải tắm rửa bằng nước mặn. Tôi không khỏi xúc động, bàng hoàng khi được chứng kiến tường tận những cảnh thảm thương này. Khi xưa Bác Hồ chỉ nhìn thấy một đứa bé bán bánh mì rong mà trong lòng xúc động tràn trề. Nếu Bác biết được những đứa bé khốn khổ ở Phước Cơ thì Bác sẽ nghĩ gì về con đường đi lên của nghĩa xã hội?

Tôi đang mải suy nghĩ về Đảng và Bác Hồ đối với thế hệ mầm non của đất nước thì bỗng nghe thấy tiếng của anh Út:

- Anh Quyền thấy đó, chúng tôi không quản ngại những công việc dơ bẩn để duy trì cuộc sống, vậy mà họ đang tâm đăng lên những bài báo này.

Nói rồi, anh Út đưa cho tôi xem các bài báo viết về nơi đây. Đọc những bài báo ấy, so với những gì có thực ở nơi đây thì sự phẫn nộ của bà con trên bãi rác Phước Cơ quả là có căn cứ. Bởi lẽ những người dân ở đây đã không còn đường nào khác để sống. Họ tránh xa những tệ nạn xã hội như mãi dâm, trộm cướp, không quản ngại khó khăn cực khổ để đến nơi bần cùng này, kiếm kế sinh nhai. Tuy rằng nơi đây cực khổ nhưng còn hơn các em phải đi lang thang, trộm cắp, bụi đời.


Image

Trong cái xã hội mà Đảng vẫn gọi là công bằng tự do, nhân văn và đạo đức ấy, cũng chẳng còn chỗ nào hơn để cho những đứa bé khốn khổ này dung thân. Dù rằng nghề nhặt rác ở Phước Cơ có bẩn tưởi, hôi tanh nhưng vẫn còn hơn cái nghề khoác áo Đảng hút máu người của bè lũ chính quyền hiện nay. Phải chăng các nhà báo đã dùng sự nhọc nhằn của bà con Phước Cơ làm một thành tích ca ngợi Đảng? Hay là vì Đảng đã bịt một bên tai, che một bên mắt của các phóng viên nên họ chỉ còn một khả năng duy nhất là: chỉ nhìn nhận những điều hay và điều tốt của Đảng? Còn những khổ cực lầm than của dân chúng trong xã hội này, đều không thể lọt tai, vô mắt?

Image

Không chỉ ở bãi rác Phước cơ mà còn nhiều, rất nhiều những cảnh cùng cực tương tự và còn hơn thế nữa ở trong cái chủ nghĩa xã hội tươi đẹp này. Cái xã hội mà Đảng đã cố tình che đậy và lấp liếm bằng hình ảnh của Bác Hồ. Nhưng ``vải thưa không che được mắt thánh. Cây kim trong bọc giẻ lâu ngày cũng sẽ lộ ra`` những khổ đau và mất mát về quyền trẻ em, quyền làm người của các em nhỏ sẽ là tiếng chuông thức tỉnh tinh thần đấu tranh bất khuất kiên cường của dân tộc Việt Nam.

Chia tay với bà con ở bãi rác Phước Cơ, nhưng những ánh mắt khắc khổ và những tiếng kêu ai oán của trẻ thơ nơi đây vẫn canh cánh trong tôi. Màn đêm đã dần buông, xa xa là quầng sáng của Tp Vũng Tàu. Ở nơi ấy, những toà biệt thự sừng sững của các quan chức chính phủ vẫn bỏ không, những bữa tiệc linh đình và xa hoa của các cấp chính quyền vẫn ngày đêm diễn ra. Nhưng các ngài có biết? Sự xa hoa, sang trọng ấy của các ngài đã được thêu dệt bởi sự khổ đau cùng cực của bao người dân, trong đó có các em bé Phước cơ và cả hàng triệu em bé Việt Nam đáng thương khác.


Image

S.V.999
vnfa

Post Reply