VÀI NGÀY Ở XỨ CỦ SÂM

Đi du lịch, chứng kiến những điều lạ xin chia sẻ.
Post Reply
CNN
Posts: 1017
Joined: Wed Dec 01, 2004 8:18 am

VÀI NGÀY Ở XỨ CỦ SÂM

Post by CNN »

Phần 1 / 3

Sau hơn 1 giờ bay từ Narita (Tokyo), chúng tôi đến phi trường Incheon vào lúc xế chiều trong cái nắng chang chang giữa hè; mặc dù trước đó chúng tôi được tin trận bão “Saomai” đang kéo vào Trung hoa lục địa.

Đến đón chúng tôi ở phi trường Incheon là một nhân viên của công ty du lịch Nhật. Thật buồn cười khi cả hai bên khám phá ra là cô ta không nói được tiếng Anh, chỉ tiếng Đại hàn và tiếng Nhật; trong khi chúng tôi chỉ có thể nói được tiếng Việt và tiếng Anh. Cũng may là có con chúng tôi đi theo nên giải quyết được chút đỉnh, vì thực sự cháu cũng không xử dụng tiếng Nhật trong giao thiệp hàng ngày nên không biết nhiều.

Chúng tôi được đưa xếp hành lý vào 1 chiếc xe buýt nhỏ. Xe chỉ có gia đình tôi, cô tiếp viên cùng bác tài xế. Xe chạy về trung tâm Hán thành trong lúc trời bắt đầu tối xầm lại thật nhanh. Cô tiếp viên nhìn chúng tôi ái ngại, cười và đại khái cho chúng tôi biết sẽ bắt đầu có mưa từ đêm nay. Tôi nhìn bà xã, chọc:

- Nếu mưa nhiều mình khỏi phải đi đâu, nằm trong phòng ôm nhau cũng được.

Cô tiếp viên đưa chúng tôi đến khách sạn, dặn ngày giờ đến đón con chúng tôi vì cháu bận phải về Nhật trước. Sau đó, cô chúc chúng tôi những ngày vui vẻ ở Đại hàn và gĩa từ.

Đây là một khách sạn không xa trung tâm Hán thành lắm và chỉ cách trạm xe lửa ngầm (subway) có 2 phút đi bộ nên rất thuận tiện. Chúng tôi xếp hành lý, tắm qua loa rồi tranh thủ ra ngoài ngay do sợ trời sẽ đổ mưa.

Cuốn chỉ dẫn “100 nơi đáng đến ở Hán thành” thật hữu ích. Chúng tôi tìm ra chợ (market) chúng tôi muốn đến rất nhanh. Chỉ cần mấy trạm xe lửa ngầm, chúng tôi đã đến leo lên đúng đầu chợ. Chúng tôi đã kịp mua mấy cây dù trước khi trời đổ mưa.

Đây là 1 chợ như hàng chục chợ ở Hán thành. Chợ được dựng lên chung quanh một vận động trường khá lớn. Giống như đa số chợ ở Á châu, họ bán “thượng vàng, hạ cám” đủ mọi thứ. Chúng tôi đánh vòng ở một khu và nhận thấy các mặt hàng đều đẹp và khá rẻ (còn bền là chuyện khác). Mặc dù các mặt hàng có dán giá hoặc có bảng giá nhưng chuyện trả giá là chuyện đương nhiên. Tuy nhiên chúng tôi không thấy chuyện “bán 1 nói 10” mà chỉ thách khoảng 10% đến 20% là cùng.

Điểm đặc biệt là các “xạp” bán thực phẩm hầu như giống nhau. Nhìn thấy các món ăn bầy ra rất hấp dẫn chúng tôi bảo nhau ăn thử vì cũng đã đến giờ ăn tối.

Image
Image
Giò heo


Do cứ gọi thử nên chúng tôi no cành hông mà thức ăn còn thừa. May là các thức ăn đều xào nấu chín ngay trước mắt nên không gặp trở ngại. Chúng tôi về khách sạn lúc mưa nặng hạt.

Tôi thức giấc sớm như thông lệ, dù bên ngoài mưa rất lớn tôi cũng bảo vợ con sửa soạn ra ngoài. Chúng tôi đội dù đi ăn sáng vì không thích món trứng, xúc-xích trong khách sạn. Dù mưa lớn nhưng không thấy lạnh như ở Melbourne. Sau bữa ăn sáng, chúng tôi dự định đi thăm khu “Viện Bảo tàng quốc gia” của Korea. Theo bản đồ, chúng tôi phải chuyển tuyến xe một lần. Phải nói là hệ thống “subway” của Hán thành khá tốt, không mất thời giờ khi chuyển tuyến đường và chỉ dùng có 1 vé.

Lên đến mặt đường, trời mưa như trút. Chúng tôi định hướng và đi bộ về phía Viện bảo tàng. Một chuyện rất vui là chúng tôi đến ngay cổng rồi mà không biết, nên đến hỏi 2 cảnh sát viên trẻ gác cổng. Chúng tôi rất lạ là cả 2 không biết Anh ngữ và đọc bản đồ (Anh ngữ) mặc dù họ rất sốt sắng giúp chúng tôi. Một cảnh sát viên bỏ trạm ra ngoài mưa để định hướng và cuối cùng bảo chúng tôi phải đi ngược về ga xe lửa. Tôi tò mò đến đọc 1 tấm bảng nhỏ (cỡ tờ A4) và khám phá ra là mình đang đứng trước cổng Viện Bảo tàng. Chúng tôi chỉ biết cám ơn hai người cảnh sát và cả 5 chúng tôi cùng cười thật vui.

Thay vì vào Viện bảo tàng, chúng tôi đổi ý vào khu Hoàng cung xưa, cũng nằm trong khuôn viên. Lại mất 5 phút giầm mưa. Đến cổng chúng tôi mới biết phải đi mua vé ở chỗ khác, cùng trong khuôn viên, nhưng nhìn cái sân ngập nước làm tôi ái ngại.

Đã đến thì phải vào, tôi băng qua sân đất (họ cố tình không tráng xi măng) đi mua vé. Tôi phải đi lòng vòng để tránh những vũng nước tuy rất nông và sạch nhưng cũng đủ ngập bàn chân. Dù trời mưa nhưng chúng tôi cũng cảm thấy thú vị đi xem những công trình này.

Image
Image


còn tiếp

CNN
Posts: 1017
Joined: Wed Dec 01, 2004 8:18 am

Post by CNN »

Phần 2 / 3

Mưa nhẹ hạt, chúng tôi rời khu Viện bảo tàng đi ăn trưa tại một khu vực “higher class” của Hán thành. Chúng tôi rất ngạc nhiên khi nhà hàng không có bảng thực đơn bằng Anh ngữ nên phải dùng hình. Không ngờ họ mang ra các món ăn mà chúng tôi không làm cách nào ăn hết.

Đã hơn 3 giờ chiều, chúng tôi đến “Nhà Đại hàn” (Korean House) để xem văn nghệ. Giá vé vào cửa khoảng 70 Mỹ kim và phải trả thêm tiền ăn khoảng 60 Mỹ kim cho mỗi xuất. Vừa ăn uống căng bụng mà họ không chịu bán vé chỉ coi văn nghệ nên chúng tôi quyết định đến một khu chợ khác. Tôi được dịp ngồi một chỗ đợi bà xã và con gái chúng tôi đi mua hàng. Xin ghi nhận thêm là kính (kiếng thuốc, nhất là gọng) ở Korea rất khá và rẻ hơn ở Úc hay ở Nhật nhiều, gia đình chúng tôi đã dùng vài năm nay. Nếu quý vị đi Korea nên lấy toa ở nước mình cư ngụ rồi mua ở đó.


Hôm sau, trời vẫn còn mưa, chúng tôi đổi chương trình không đi sông Hàn vì sông đang bị cường nước làm ngập lụt hầu hết các công viên quanh bờ sông. Chúng tôi lên toà nhà “63”, đây là khu giải trí bên trong 1 toà nhà 63 tầng.

Image
Lụt lội, chán phèo

Chúng tôi mua vé trọn gói để lên observation deck, xem phim trong rạp IMAX và đi xem khu vực thuỷ sinh (aquarium). Bữa ăn trưa ở toà nhà “63” thật đặc biệt. Một cái tô thật bự với các món ăn Đại hàn được cả gia đình ăn chung, không có chén, đĩa riêng cho từng người.
Image
Ăn tập thể

Sau bữa trưa, chúng tôi dùng xe lửa đến khu vực có tên là “khu phố điện đử” (electronics town). Đây là một khu tương đối mới vì có những tầng lầu còn bỏ trống, chưa có cửa hàng. Hầu như mọi thứ thuộc về điện hoặc liên quan đến điện đều được bán ở đây. Giá cả cũng không rẻ hơn ở Úc là bao, có thứ còn đắt hơn (vì hầu hết hàng Úc làm tại China chăng). Tôi tìm cho cháu ít đĩa DVD+R trống để dọn dẹp cái laptop của nó mà tìm không ra. Sau này mới biết là họ không cần bán vì không có người mua. Người Đại hàn mua cái “copy” sẵn, rẻ hơn mà khỏi mất công. Chúng tôi ra về sớm, đi ăn tối để chuẩn bị cho cháu về lại Tokyo sáng hôm sau.

Sáng hôm sau, sau khi cháu rời khách sạn ra phi trường chúng tôi cũng chuẩn bị làm một chuyến đi xa. Mưa hơn hai ngày liền có lẽ đã hết nước. Tôi ước: phải chi Melbourne được 1 ngày mưa của Hán thành thì đủ nước dùng quanh năm. Mới đầu chúng tôi định đi vùng phi quân sự (DMZ) giữa Bắc và Nam Hàn nhưng đọc thấy phải book trước với passport vân vân và vân vân nên chúng tôi đổi ý định đi đến khu vực “Làng Đại hàn” cách Hán thành khoảng hơn 30 cây số. Tôi chấm bản đồ và đi nhưng đến trạm xe lửa phải xuống, chúng tôi kẹt vì những dữ kiện trong quyển hướng dẫn không có trong bảng chỉ dẫn ở trạm. Còn đang phân vân, chúng tôi gặp một thanh niên rất hiếu khách và sốt sắng đến giúp.

Chúng tôi đưa bản đồ và tài liệu, anh thanh niên này điện thoại hai ba chỗ rồi bảo chúng tôi đi theo. Anh ta nhiệt tình dẫn chúng tôi đi qua vài trạm xe lửa khác và cuối cùng dẫn chúng tôi đến chỗ mua vé xe buýt. Trong khi chờ xe buýt, anh bạn trẻ đã kiếm đâu ra thêm một lô tài liệu và bản đồ bằng chữ Nhật (có lẽ anh ta tưởng vợ chồng tôi là người Nhật) đưa cho chúng tôi. Anh còn cẩn thận đưa 1 cái “note” bằng chữ Đại hàn bảo chúng tôi đưa cho tài xế xe buýt.

Chúng tôi lên xe buýt sau cùng (vì vé có số ghế, không sợ mất chỗ) cốt để được tiếp xúc với người tài xế. Người tài xế sau khi đọc xong chỉ lắc đầu, chúng tôi không hiểu tại sao (sau này mới biết là anh ta không thể tạt qua ngã ba đường vào chỗ chúng tôi muốn đến được và có lẽ anh không biết cắt nghĩa cho chúng tôi ra sao).

Ngồi trên chuyến xe tốc hành, chúng tôi thấy sốt ruột vì rủi đi xa quá làm cách nào tìm đường về nơi “đất lạ quê người này” mà lại ngôn ngữ bất đồng, nhất là sau vụ các anh cảnh sát làm chúng tôi mất sự tin tưởng. Thấy ghế bên cạnh có một ông mặc đồ “lớn” bảnh bao, chúng tôi đánh bạo hỏi. Nhìn vào tờ giấy, ông ta móc điện thoại ra gọi một lúc rồi bảo chúng tôi là đến: “Hãy xuống bến xe buýt rồi thuê taxi đi vào, khoảng 12 ngàn won thôi”.

Chúng tôi đến bên xe buýt. Thấy khát nước tôi bảo bà xã ngồi trong nhà đợi để tôi đi mua nước uống. Không ngờ trong lúc trao đổi tiếng Việt lại có người Việt ở đó. Tự nhiên chúng tôi gặp đồng hương ở một tỉnh lẻ trên đất Đại hàn. Cuộc gặp mặt giữa chúng tôi và nhóm bạn trẻ trở nên thân thiện ngay. Chúng tôi đưa bản đồ hỏi đường đi thì mới biết bản đồ chỉ có chữ Anh và chữ Nhật, không có chữ Đại hàn nên những người hướng dẫn đã không đọc được. Sau cùng một người đề nghị:

- Hay là cô chú đi với chúng cháu đến khu Highlander chơi đi, đây là khu lớn nhất nước Hàn đấy.

Vui tai, chúng tôi đồng ý đi chung và thuê bao taxi đi vào trong khu Highlander. Các bạn trẻ đã trả giá và người tài xế chịu chở 5 người chúng tôi với giá 8 ngàn won. Taxi ở Đại hàn thật rẻ với đoạn đường dài như vậy.


Highlander là 1 khu giải trí kiểu Disneyland nên vợ chồng tôi quyết định không vào. Chúng tôi cám ơn các bạn trẻ, chụp hình chung với họ rồi vào nhà hàng ăn trưa trước khi ra bến xe buýt trở lại Hán thành. Về tới Hán thành, thấy còn sớm chúng tôi đi xem một dinh thự xưa nhưng vé xe lửa chúng tôi mua không mở cửa cho chúng tôi ra, có lẽ chúng rôi đã đi quá các trạm qui định. Tôi xem bản đồ, bảo bà xã:

- Mình đi ngược về khách sạn xem sao, vì từ đây về khách sạn 6 trạm (tuyến khác). Từ chỗ mình mua vé tới đây hơn 30 trạm và từ chỗ mình mua vé tới khách sạn có 19 trạm, như vậy máy sẽ tưởng mình chỉ đi 19 trạm.

Quả nhiên máy “ngu” thật, chúng tôi đã ra được và về đến khách sạn yên ổn. Tối đó tôi đề nghị đi lên tháp cao nhìn Hán thành về đêm nhưng bà xã đưa tay rờ trán tôi, bảo:

- Anh có điên không? Trời u ám thế này mà ngắm với nghiếc cái gì cho mất công.

Chúng tôi bỏ ý định đi chơi xa, thả bộ đi tìm một quán ăn nhỏ quanh khách sạn.

(Còn 1 kỳ)

CNN
Posts: 1017
Joined: Wed Dec 01, 2004 8:18 am

Post by CNN »

Phần 3 / 3

Hôm sau, tôi quyết định phải đi đến “Làng Đại hàn” bằng được. Chúng tôi theo hướng dẫn của cháu để lại thay vì dùng bản đồ. Đến ga xe lửa, tôi đưa bản đồ chỉ chỗ muốn đến để mua vé trực tiếp thay vì mua qua máy. Xe lửa Đại hàn cũng thật rẻ, với vé chỉ 1 ngàn rưởi won mà chúng tôi có thể chuyển xe đi đến mấy chục cây số. Tới đúng ga, chúng tôi chỉ phải mua vé vào “Làng”, đợi xe buýt đưa đến tận nơi, không phải trả thêm tiền.

Để cho tiện, chúng tôi mua vé trọn gói với giá 16 ngàn won mỗi người. Trong khi ngồi xe buýt, chúng tôi tính giờ các màn trình diễn để có thể xem đủ trước khi đáp chuyến xe buýt cuối cùng vì biết rằng mình đến lỡ cỡ.

Có hai đợt trình diễn mỗi ngày, đợt 1 từ 11 giờ đến 1 giờ và đợt 2 từ 3:30 đến 5:30. Mỗi đợt có 4 tiết mục trình diễn ở các địa điểm khác nhau: (a) diễn lại đám cưới truyền thống Đại hàn, (b) biểu diễn cưỡi ngựa, bắn cung .. (c) biểu diễn nhảy và đi dây và (d) biểu diễn hội trống kèn. Thời gian trống chúng tôi đi xem các khu vực trong làng như khu hành chánh (ai từng coi phim tập “Nước mắt Đại Trường Kim” sẽ nhận ngay ra khu này), khu bảo tàng, khu phim ảnh, khu chợ, khu tiểu công nghệ và khu giải trí (khu chợ và khu tiểu công nghệ bán hàng làm tại chỗ và hàng mang đến từ nơi khác).

Image
Một trong những cô dâu có đám cưới nhiều nhất thế giới
Image
Và chú rể cũng chẳng thua
Image
Cưỡi ngựa và biểu diễn bắn cung
Image
Ai từng coi phim tập "Đại Trường Kim" sẽ nhận ra chỗ này
Image
Biểu diễn múa, trống, kèn
Image
Biểu diễn nhảy cầu
Image
và đi dây

Với vé trọn gói, chúng tôi được đeo một vòng trên tay để có thể vào được khu bảo tàng và khu giải trí. Chúng tôi đã bỏ khu giải trí vì các trò chơi đều phải xếp hàng và có những trò không thích lắm (như ngồi trên ghế quay lòng vòng).

Chúng tôi đáp chuyến xe buýt cuối cùng (free) ra ga xe lửa. Còn dư giờ vào xem “supermarket” trước khi mua vé xe về khách sạn. Nghĩ thật buồn cười, khi tôi đưa 3 ngàn để mua 2 vé mà chị bán vé nhất định không chịu bán. Thấy mất thời giờ, có người đến hỏi tôi có phải người Nhật không, tôi lắc đầu; cô ta lại hỏi có phải người Hoa không, tôi cũng lắc đầu nói “no”. Cuối cùng cô ta hỏi tôi muốn đi đâu, tôi trả lời: “Muốn tới trạm 208”, cô ta hỏi “trạm tên gì ?”. Làm sao tôi biết được trạm tên gì, nên móc bản đồ ra chỉ. Cô ta không coi bản đồ mà bảo người bán vé bán đại cho xong. Một tuần lễ ở nam Hàn, có lẽ ngày đi “Làng Đại hàn” là ngày ưng ý nhất của chúng tôi.

Image
Hàng quán bên lề đường
Image
.... nhâm nhâm ....

Sáng hôm sau, thứ Bảy khô ráo và mát mẻ, chúng tôi chuyển chương trình đi bộ vòng quanh khu vực khách sạn. Không xa lắm là khu vực tiểu công nghệ về ngành sắt, thép. Chúng tôi không đếm nhưng có lẽ toàn khu có đến trên 100 tiệm tiện, hàn, gò, uốn …. Họ làm từ cái đinh ốc cho đến các thứ lớn hơn.

Đi được 4 hay năm “blocks” phố chúng tôi quay trở lại và nghỉ chân tại một công viên nhỏ. Đang ngồi nghỉ, chúng tôi thấy 3 bé trai đến truyện trò líu lo và có vẻ đang trông đợi một chuyện gì. Một lúc sau, 3 bé gái đến và chúng bắt đầu đi nhặt từng cái rác, tàn thuốc lá trong công viên. Có thể các trường học có chương trình giữ sạch công viên nên các em bé đến nhặt rác cuối tuần. Một số người cũng bắt đầu đến công viên ngồi chơi và thưởng thức ánh nắng hè trong tiếng ve kêu rộn rã.

Image
Nhàn hạ với bạn và đế

Hơn 40 năm trước, Đại hàn và miền Nam Việt nam có lẽ có cùng một hoàn cảnh kinh tế. Trước khi đến Đại hàn, tôi nghĩ Đại hàn ngày nay chắc chắn khá hơn VN bây giờ nhưng không ngờ họ tiến triển rất nhiều và giá sinh hoạt khá cao. Hạ tầng cơ sở mà tiêu biểu là phương tiện chuyên chở công cộng rất rẻ, sạch sẽ, an toàn và đúng giờ.

Đại hàn đang phát triển. Hàng hoá tinh xảo của họ đang cạnh tranh ráo riết với hàng hoá Nhật khiến Nhật phải đưa hầu hết các khâu lắp ráp sang các nước như China, Thái lan, Indonesia, Phi luật tân, Mã Lai Á … để có thể giảm giá thành. Vì phát triển nhanh và muốn giữ giá nên Đại hàn đã dùng khá nhiều công nhân ngoại quốc.

Chúng tôi rời Đại hàn sau 1 tuần lễ. Xe của công ty du lịch đến đón chúng tôi và đưa chúng tôi và một số người Nhật đến cửa hàng đặc sản (miễn thuế) của Đại hàn. Nhìn các sản phẩm với giá trưng bày, chúng tôi thấy tất cả đều đắt hơn ít nhất 3 lần món hàng y hệt mà chúng tôi đã mua. Đây là điểm chúng tôi thấy cần lưu ý quý vị khi có dịp ghé Hán thành. Năm 2005, chúng tôi đi theo “tua” qua một số quốc gia. Do không có giờ đi coi giá trước nên có lẽ các món hàng chúng tôi mua đều bị “hớ”. Xe buýt chỉ tấp vào các cửa hàng định sẵn để tài xế và hướng dẫn viên ăn hoa hồng.

Image
Đây rồi, cửa tiệm chỉ bán sâm đủ loại
CNN

Post Reply