Hình ảnh đó đây

Đi du lịch, chứng kiến những điều lạ xin chia sẻ.
User avatar
khieulong
Posts: 6756
Joined: Wed Dec 01, 2004 9:09 pm
Been thanked: 1 time

Post by khieulong »

Kinh nghiệm đi du lịch Paris

Theo muonmau

Nếu có dịp ghé thăm kinh đô ánh sáng, bạn đừng quên những chỉ dẫn sau nhé, sẽ rất có ích cho bạn đấy! Kinh nghiệm du lịch – phượt Hà Giang

1

Nên chọn xe buýt làm phương tiện để di chuyển từ điểm du lịch này sang điểm du lịch khác thay vì tàu điện ngầm.

Dẫu tàu điện ngầm là phương tiện đi lại chủ yếu của người Pháp nhưng bạn sẽ chỉ có thể ngắm nhìn một cách chớp nhoáng
và thiếu sót thành phố xinh đẹp này. Đi xe buýt tuy chậm hơn nhưng lại có thể ngắm được cảnh đường phố Paris,
cả những góc phố vắng lặng và không mấy nổi tiếng, những khoảnh khắc thật khó phai.

Image

2

Chắc chắn bạn sẽ không bỏ qua việc leo tháp Eiffel và Khải Hoàn Môn nên tốt nhất hãy chia hai điểm đến này cho hai buổi :
ban ngày và ban đêm để có thể chiêm ngưỡng Paris hai lần, với hai diện mạo hoàn toàn khác nhau.

Paris hào nhoáng, lấp lánh rực rỡ trong đêm với muôn nghìn ánh đèn, rồi hoàn toàn lột xác, yên bình, dịu dàng và đầy lãng mạn ban ngày,
bình yên với những khu phố vuông vắn như bàn cờ và những chiếc tàu du lịch lững thững trên sống Sen cắt ngang thành phố.
Nên đi xem tháp Eiffel vào đêm để chiêm ngưỡng một ngọn tháp được thiết kế ánh sáng công phu với hệ thống đèn flash
nhấp nháy 1 tiếng 1 lần từ 7 giờ tối, mỗi lần 10 phút.

Image

3

Đi thăm bảo tàng Louvre thì nên tham khảo trước quyển hướng dẫn, giới thiệu để nhắm thẳng vào nơi mà bạn thích nhất
bởi không thể xem hết được toàn bộ bảo tàng do nó quá rộng và tráng lệ.

Đáng chú ý nhất là bức "Nàng Mona Lisa" nguyên gốc được bảo quản nghiêm ngặt bằng nhiều lớp kính và dây xích để tạo khoảng cách.
Bảo tàng cũng có quy định mới cấm chụp hình và quay phim tại các khu vực đông người.

Các bảo tàng ở Paris cũng miễn vé vào cửa vào Chủ nhật đầu tháng. Khi đi xem bảo tàng nên ăn no trước rồi vào xem,
vì họ không cho ăn trong bảo tàng mà phải vào khu canteen khá bất tiện.

Image


4

Nếu có nhã hứng vẽ chân dung hoặc biếm họa trên đồi Montmart thì hãy quan sát người họa sĩ nào đang vẽ, thấy đẹp và đứng chờ.

Giá chung là 15 - 20 EUR, nhưng nếu số lượng đông hoặc khéo nói thì cũng có thể giảm còn 10EUR.

Image

5

Thăm quan Disneyland nên đọc hướng dẫn trước vì đến mùa cao điểm có rất nhiều chương trình biểu diễn.
Nếu sắp xếp thời gian để vừa kết hợp được cả chơi và xem show thì tuyệt nhất.

Dẫu vậy, tốt nhất là dành hẳn 1 ngày để chơi do chi phí đi lại và vào cửa rất đắt mà có nhiều trò phải chờ rất lâu.
Mọi người nên tận dụng dịch vụ Fasttrack để đặt trước giờ mình quay lại chơi.

Image

Nếu có thời gian hãy ghé qua thăm cung điện Versaille với những khu vườn rất đẹp cùng nội thất hoàng gia tráng lệ đến không tưởng.

6

Nên thăm thú Gallery La Fayet nhưng chỉ nên windown-shopping, Chatelet mới là thiên đường mua sắm của dân Paris.

Image

7

Bánh mỳ Paris rất ngon, bán ở bến tàu điện ngầm vào ban sáng.

Bánh ngọt Pháp rất đa dạng, đẹp, hấp dẫn, hương vị trên cả tuyệt vời và tiêu diệt một vòng eo thon gọn với tốc độ cũng rất ác liệt.

Image

8

Hương vị Việt :

Phở trên đất Pháp - quán Phở Việt tại quận 13, chút Hà Nội giữa Paris nhộn nhịp, thử xem hồn dân tộc nơi xứ người
có gì giống và khác xứ mình bạn nhé !

Image


9

Đi tàu điện ngầm số 1 để thử loại tàu điện ngầm hiện đại nhất Paris và ngắm nhìn giới văn phòng đi làm
ở khu La Défense sang trọng lịch lãm, nhưng tinh tú tương lai của giới thượng lưu Paris.

TuanAnh
Posts: 329
Joined: Sat Jan 30, 2010 3:44 am

Post by TuanAnh »

Tokyo là thành phố đắt nhất thế giới

Tokyo được đánh giá là thành phố đắt nhất thế giới đối với người nước ngoài đến sinh sống và làm việc,
trong khi Hà Nội xếp thứ 136 trong số 214 thành phố được khảo sát.

Image
Một khu phố mua sắm ở Tokyo. Ảnh: whenfirst

Thủ đô Luanda của Angola năm nay xuống vị trí thứ nhì, hoán đổi chỗ với Tokyo. Việc đồng yen tăng giá so với đồng đôla đã đẩy chi phí sinh hoạt của những cá nhân và doanh nghiệp nước ngoài đang hoạt động ở Nhật. Đứng thứ ba về mức độ đắt đỏ là Osaka cũng của Nhật Bản.

Thủ đô Luanda của Angola từng đạt danh hiệu thành phố đắt đỏ nhất đối với người nước ngoài hai năm liên tiếp (2010, 2011) trong báo cáo của Mercer. Các nguyên nhân dẫn đến tình trạng này bao gồm: nội chiến kéo dài, năng lực sản xuất hàng hóa yếu dẫn đến 80% hàng hóa trên thị trường là hàng nhập khẩu và thuế cao.

Thủ đô Moscow của Nga đứng thứ tư hai năm liên tiếp.

Trong số 10 thành phố đắt đỏ nhất, châu Á chiếm 5 vị trí, gồm ba của Nhật và một của Trung Quốc. Thành phố còn lại là Singapore, đứng thứ 6 trong bảng xếp hạng.

Số lượng các thành phố của Trung Quốc đứng ở thứ hạng cao về mức đắt đỏ tăng lên do sự tăng mạnh của giá tiêu dùng cũng như sự mạnh lên của nhân dân tệ.

Hà Nội duy trì vị trí thứ 136 trong số 214 thành phố có tên trong danh sách. Karachi đứng chót bảng, là thành phố rẻ nhất đối với những người nước ngoài đến làm việc.

Nghiên cứu do công ty tư vấn Mercer tiến hành cho thấy Paris, Rome và Amsterdam đã trượt xuống bảng xếp hạng do đồng euro yếu giúp giảm chi phí cho các công ty nước ngoài.

Cũng trong bản nghiên cứu chi phí sinh hoạt tại 214 thành phố mà Mercer mới công bố, tiền nhà ở vẫn chiếm nhiều nhất trong chi tiêu của người nước ngoài (25%) tiếp theo là chi phí đi lại và sinh hoạt.

Mức tăng trưởng khá cao của các nền kinh tế đang lên ở châu Á - Thái Bình Dương gây sức ép lên túi tiền của người nước ngoài sống ở khu vực này. Tại Thượng Hải, chi tiêu cho nhà ở tăng 73%. Còn giá thuê nhà tại Bắc Kinh cũng tăng 15%.

Thu nhập sụt giảm và tỉ lệ thất nghiệp tăng do suy thoái ở hầu hết các nước trong khu vực eurozone làm giá cả cũng sụt giảm. Giá thuê nhà ở Rome, Berlin, Paris và Madrid cũng giảm.

Tuy nhiên, có thể ảnh hưởng lớn nhất lên giá cả chính là tỷ giá hối đoái. Tỷ giá đồng euro đã giảm 16% kể từ đỉnh tháng 5. Điều này đồng nghĩa với việc giảm 16% chi phí cho các cá nhân và công ty hoạt động trong khu vực sử dụng đồng euro.

Nghiên cứu của Mercer dựa trên thông số về giá cả từ tháng 3/2011 đến 3/2012. Trong quãng thời gian này, những dao động mạnh trên thị trường tiền tệ là tin xấu đối với các công ty nước ngoài kinh doanh tại châu Á, đặc biệt là những công ty có doanh thu chủ yếu bằng đồng euro.

Trọng Giáp

User avatar
macco
Posts: 3543
Joined: Mon Jan 17, 2005 8:04 am

Post by macco »

Image
South Australia Kangaroo Island

TẠP GHI: ÚC CHÂU, MỘT NƠI "CHẲNG CÓ RÕ"
NGUYỄN XUÂN QUANG


Đã từ lâu tôi muốn đi xuống thăm Úc châu một chuyến nhưng chờ dịp mãi không có. Chờ giới Bác sĩ Việt Nam ở Úc châu tổ chức đại hội ở miệt Hạ Dưới để có cơ hội xuống chơi nhưng các đồng nghiệp của tôi ở miệt dưới sợ bà con ngại đường xá xa xôi không xuống "miệt vườn" (lời của một thân hữu của tôi) tham dự nên đến nay vẫn còn do dự. Không phải các đồng nghiệp ở Úc e ngại là không chính đáng, cứ nghĩ tới phải ngồi trên máy bay 16 giờ từ Hoa Kỳ tới Úc châu những người ít mạo hiểm sẽ thấy ngại ngay. Người Âu Mỹ gọi Ú c châu là xứ Down Under, tôi dịch là miệt Hạ Dưới. Từ Down Under này nghe có vẻ âm u quá. Đã Down rồi mà lại còn Under nữa. Đã Hạ (thấp) rồi mà còn Dưới nữa. Down Under nghe thấy thăm thẳm quá, nghe thấy xa xôi diệu vợi quá, nghe thấy kỳ bí, nghe thấy lưu đầy quá . Down Under còn có nhiều ẩn ý nữa, "Chẳng Có Rõ" hết được. Down Under đối với dân Anh trước đây quả là xứ lưu đầy. Tổ tiên của người Úc da trắng ở đây là con cháu của những kẻ lưu đầy từ Anh Quốc. Dĩ nhiên những kẻ lưu đầy này có những người xấu như những kẻ tội phạm nhưng những kẻ lưu đầy cũng có thể chỉ là những người bất chính kiến như trường hợp vua Hàm Nghi và những nhà Cần vương như Kỳ Đồng của chúng ta chẳng hạn. Tuy nhiên xứ lưu đầy nào đi nữa cũng vẫn là một nơi biệt xứ , một chốn xa hun hút, một chỗ mịt mùng, một chốn thâm u… Chẳng cần nói gì đến thân phận của những kẻ lưu đầy, mà ngay cả những người phải đi canh giữ những kẻ lưu đầy cũng thấy mình bị lưu đầy. Đến Sydney chúng ta sẽ được nghe nói tới một bà thống đốc tên là Mac Quaries chiều chiều ra mỏm đá nhìn ra cửa bể:

Buồn trông cửa bể chiều hôm,
Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa.
mà nhớ quê xa Anh Cát Lợi:
Trông về quê mẹ, ruột đau chín chiều.

Chiều chiều bà ngồi đó trông ra cửa biển chờ những con tàu từ Anh đến mang theo những lá thư nhà, ngồi đó từ năm này qua tháng nọ. Bà ngồi đó, cái trôn chai thành đá, đúng như Việt ngữ gọi là chai đá và cái mỏm đất chỗ bà ngồi mòn trơ đá ra trở thành cái Ngai Đá Bà Thống Đốc. Cái trôn của bà đã trở thành cái ngai mà tiếng Nga gọi là cái trôn, Anh Pháp gọi là cái throne (Việt ngữ trôn chính là Nga ngữ trôn, Anh Pháp throne, đều liện hệ tới cái chỗ dùng để ngồi). Ngày nay cái ngai đá này trở thành một địa danh du khách đến tíu tít chụp ảnh mà ít ai thấu hiểu được cái tâm trạng Down Under của bà lúc đó. Người Úc da trắng ngày nay cũng còn thấp thoáng thấy ít nhiều cái mặc cảm Down Under này, họ vẫn "nhìn lên" các xứ Anh Mỹ, Âu châu với ít nhiều mặc cảm Down Under. Và cũng vì cái Down Under này mà chính phủ Úc đã để mất đi nhiều dịp cải tiến, để mất đi nhiều chất xám, nhiều nhân tài. Những chất xám này bỏ Úc ra đi tìm nơi thích hợp để phát triển tài năng. Nhân dịp xuát bản quyển Khai Quật Kho Tàng Cổ Sử Hừng Việt và được các văn hữu, thân hữu ở Hạ Dưới khuyến khích, ở Sydney có bác sĩ Liêu Vĩnh Bình cùng phu nhân là bác sĩ Trần Thị Xuyên và nhóm tạp chí Y Học & Đời Sống cùng anh Nguyễn Vi Túy, chủ nhiệm tờ Việt Nam Thời Nay, ở Melbourne có giáo sư Nguyễn Cung Thông và bác sĩ Trần Quốc Đông cùng phu nhân là dược sĩ Kiều Ánh…, tôi quyến định đi thăm Úc nhân dịp lễ Tạ Ơn được nghỉ ở Hoa Kỳ, mặc dầu rất gấp gáp chỉ trong vòng vài tuần lễ ngay sau khi vừa mới lu bu ra mắt sách ở Quận Cam xong. Tôi hân hoan đi Úc vì những cảm tình vì cái nhiệt tình của các thân hữu dưới đó. Thật ra làm khách như tôi chỉ vác xác tới, chủ nhà mới là những kẻ vất vả, nếu không có lòng yêu mến thì chẳng ai dám nhận lời vác gánh nặng vào người trong một khoảng thời gian gấp rút. Sau 12 giờ bay, ngồi bó gối, chỉ chợp mắt chập chờn, cuồng chân, đầu nặng, cổ khô, máy bay đáp xuống phi trường Fiji cho hành khách nghỉ ngơi thư dãn. Từ Fiji tới Sydney khoảng 4 giờ bay nữa. Khách sạn của chúng tôi ở khu Darling Harbour. Tắm rửa nghỉ ngơi xong chúng tôi thả bộ đi thăm viếng khu Darling Harbour ngay. Sydney với khu Darling Harbour đẹp tuyệt vời gợi nhớ lại khu Nội Cảng của Baltimore. Nổi tiếng khắp thế giới là cái hí viện Opera House với mái trông như những cánh buồm căng gió. Đây là biểu tượng của Sydney và gần như là của nước Úc về mặt kiến trúc. Nhìn gần những cái mái cánh buồm căng gió của hí viện có hình những mảnh vỏ ngao sò rạng đông viên mai (scallop) đang mở ra đón gió ngàn khơi. Với cái tính têu tếu, tôi đặt tên nôm na là cái Nhà Hát Ngao hay nôm na có hơi mách qué một chút là Nhà hát Ngao Hóng Gió. Cái hay ở chỗ là Hát Ngao Hóng Gió là vữa đi vừa hát ngao, vừa hát nghêu, vừa hát nghêu ngao vứa hóng gió mà còn có một nghĩa mách qué nữa.

Buổi tối Anh chị bs Liêu Vĩnh Bình và bs Trần Thị Xuyên, bs Võ Văn Phước, bs Vũ Ngọc Tấn bao chúng tôi một chầu Darling Harbour by night. Đêm nay có trăng. Ở Hoa Kỳ chỗ chúng tôi ở thuộc nơi quê mùa (agriculture zone), không có đèn đường, có thể trồng trọt, chăn nuôi được, những đêm rằm vẫn có trăng sáng nhưng không có nước. Cali đất khô sa mạc, sông cạn quanh năm. Lâu lắm rồi đêm nay mới sống lại cùng trăng nước, mà lại là cảnh trăng nước Sydney.

Ngoạn cảnh xong, chúng tôi được cho ăn tối ở một tiệm ăn Tầu Imperial Pekin, nhìn ngay ra cảnh trăng nước Nhà hát Ngao Hóng Gió. Nguyên cái view này cũng đã phải trả một giá đắt rồi. Cua ở Úc sống ở bùn nên gọi là "mud crab" khác với cua ở ghềnh đá gọi là cua đá. Định bụng đến Úc phải nếm các món bản địa nên khi được các đồng nghiệp chủ nhà khuyến khích, chúng tôi nhận lời "mạo hiểm" ăn món steak kangaroo. Thịt kangaroo mềm, ngọt, không oi như thịt bò, ăn lần đầu cũng đã thấy ngon.

Buổi tối về, không biết có phải tại ăn thịt kangaroo hay không mà thấy rậm rật, bắp thịt trong người "máy" như chuột chạy. Người Trung Hoa gọi kangaroo là đại thử, tức chuột lớn và các nhà cơ thể học gọi bắp thịt là muscle, cũng có nghĩa là con chuột dựa vào sự kiện là bắp thịt cũng nhúc nhích trông như chuột chạy. Bằng chứng thấy rõ nhất là khi bị bắp thịt co rút chúng ta nói là bị chuột rút. Như thế ăn thịt đại thử kangaroo chắc có ảnh hưởng đến chuột bắp thịt. Con kangaroo có một đặc tính hi hữu là nó đi, chạy bằng cách nhẩy tưng tưng. Sở dĩ chạy nhẩy nhanh được là nhờ kangaroo có cái đuôi to khỏe. Nếu áp dụng quan niệm Đông phương cho rằng ăn gì bổ nấy thì ăn kangaroo chắc là bổ nhất cái… đuôi. Cũng may là đêm nay có vợ nằm bên.

Sáng hôm sau, vì thời gian ở Sydney ít, chúng tôi đi một tua thành phố để có một khái niệm tổng quát về Sydney. Sydney là một thành phố cảng đẹp, một trong những thành phố đẹp nhất thế giới. Đâu đâu cũng thấy chuẩn bị và quảng bá cho Thế Vận Hội năm hai ngàn ở Sydney. Dĩ nhiên Sydney có mang nhiều nét của nền văn minh Anh quốc. Lái xe bên trái. Người Úc nói tiếng Anh còn dư âm của thứ Anh ngữ "lưu đầy", còn dùng nhiều từ có nghĩa cổ khác với Anh ngữ hiệm kim ví dụ chào nhau họ nói hi mate, g’d day mate, Anh Mỹ hiện kim mate chỉ những người cùng ở chung như inmate (bạn tù), room mate ( bạn ở chung phòng)… nhưng từ mate thường làm liên tưởng tới việc truyền giống của thú vật như mating season (mùa truyền giống), mua bán người Úc dùng nhiều từ trade còn mang âm hưởng của sự mua bán ngày xưa bằng cách trao đổi hiện vật gọi là trade (từ trade liên hệ với Việt ngữ tráo, trao); thức ăn mang đi họ nói là take away thay vì nói take out, to go như Anh Mỹ… Tiếng Anh ở Úc mang sắc thái riêng Down Under. Dĩ nhiên Sydney cũng đủ các khu trung tâm tài chánh, thương mại, văn hóa bên cạnh các khu ăn và uống, ăn và chơi, khu "gay", khu đèn đỏ (red light)…. Hàng năm có ngày lễ hội "gay" rất lớn với những xe hoa thu hút giới đồng tính khắp nơi trên thế giới đổ về đi hội, nhất là các nước vùng Nam Hải và các đảo Thái Bình Dương, nơi còn giữ nền luân lý cổ truyền rất chặt chẽ. Khu đèn đỏ, nếu muốn nói theo chữ Hán Việt là hồng lâu, ở đây có một con đường nổi tiếng của các chị em … người ta. Đây là một con đường dốc, các cô hạng sang thường đứng chờ khách trên đầu cao của dốc, còn càng xuống dốc các cô càng bình dân, dĩ nhiên giá cả càng cao ở trên đầu dốc và càng thấp khi càng tụt dốc và các nàng với giá tiết kiệm nhất, rẻ nhất, vừa "budget" nhất là các nàng đứng ở cuối con dốc, xế ngang của tiệm cho mướn xe BUDGET. Sydney có nhiều bãi biển đẹp, dĩ nhiên cũng có những bãi của những người giàu tiền nhưng nghèo quần áo. Bãi công cộng nổi tiếng nhất ở đây phái nữ cũng thấy đó đây có người phơi bánh dầy, bánh ú, phơi cau, phơi mướp, phơi dành (bình tích nước)… Ông trời cứ mở mắt to ra mà nhìn, hèn gì nắng Sydney bốc lửa… hoa cả mắt!

Buổi chiều đi một vòng tua hải cảng xong chúng tôi lấy xe lửa ở khu Circular Quay xuống khu Việt Nam ở Bankstown. Bác sĩ Xuyên đóng của phòng mạch sớm đón chúng tôi ở nhà ga đưa về thăm Bankstown. Khu phố Việt Nam xinh xinh, ngăn nắp, gọn gàng, sạch sẽ, đường được ngăn lại không cho xe cộ đi qua, cửa hàng nằm sát nách nhau khiến cho có cảm tưởng như đang dạo phố tại một nơi nào đó ở Việt Nam. Rất tiếc là đến đây đúng lúc các cửa hàng bắt đầu đóng cửa. Ở Úc năm giờ mọi dịch vụ đều đóng cửa (ngoại trừ ngày thứ 5 ?) kể cả phòng mạch bác sĩ. Ôi sao mà hạnh phúc đến thế ! bác sĩ mà năm giờ chiều đã nghỉ làm việc! Buổi trưa tôi có liên lạc với một số đồng nghiệp nhưng không gặp ai cả, sau mới biết là bác sĩ ở đây nghỉ trưa siesta. Ôi sao mà hạnh phúc thế, bác sĩ mà có được giờ nghỉ trưa tùy hứng. Mấy chục năm trời hành nghề ở Mỹ sao mà cực quá vậy! Bác sĩ có ai nghèo đâu, chắc chắn ở Úc này cũng vậy. Sau đó chúng tôi về Cabramatta, thủ đô của người tị nạn Việt tại Úc châu. Cabramatta thực sự đã gây cho tôi một xúc động mạnh. So với Little Saigon, Cabramatta nhỏ không có những khu thương xá lớn nhưng ấm cúng. Tôi đã đi qua nhiều khu phố Việt Nam ở hải ngoại nhưng chưa thấy ở nơi nào trên "cổng làng" có đề những chữ Việt bên cạnh chữ địa phương. Ở đây trên cổng làng có đề câu ca dao Việt Nam LÁ LÀNH ĐÙM LÁ RÁCH. Sau cổng là pho tượng con trâu và con nghé. Đây không có lân hí cầu, rồng phượng như thường thấy ở các khu phố Việt-Tầu khác. Nơi đây có trâu, hình bóng của Lạc Việt ruộng nước. Nơi đây có trâu là vật tổ của Lạc Việt. Nơi đây có trâu là vật biểu của Lạc Long Quân Mặt trời-Nước. Cổng đầu đàng kia có tượng nghê với sừng hai mấu, có cốt là con hươu sủa (barking deer) Mang gạc Munctjac , Kì Dương, vật biểu của Kinh Dương vương, vị vua đầu tiên của Xích Quỉ Việt Mặt trời rạng ngời. Ở đây chỉ thiếu hình bóng Cò Lang, Cò rạng ngời Hùng vương. Không biết có phải do trời định hay không mà người Việt đã đến Cabramatta lập nghiệp. Cabramatta có nghĩa là Xứ Rắn (Cabra gần cận với cobra và matta gần cận với mart, market, Việt ngữ mạc trong từ làng mạc). Chúng ta là con cháu Rắn Rồng Âu cơ- Lạc Long Quân dòng nước, dòng Rắn nên đã tìm đến Xứ Rắn Cabramatta dung thân. Phải chăng là thiên định? Theo truyền thuyết, thổ dân Úc cũng có ba vị thần tổ là ba con rắn Great Phallic-headed Serpent (Rắn có đầu là qui đầu, đây là thể lưỡng hợp âm dương), Rainbow Serpent (Rắn Cầu Vồng) và Wanabe Serpent. Ở hải đảo họ có nguồn gốc liên hệ với dòng Nước là chuyện hợp lý. Tại đây chính quyền xây cho cộng đồng Việt một building đậu xe rất ư là thiết thực. Úc châu có đủ cây trái nhiệt đới, bây giờ là mùa xuân đang mùa chôm chôm, vú sữa, xoài đủ loại, những trái xoài tượng to hơn ở quê nhà. Ở đây đất rộng người thưa. Cây trái ở đây mỗi thứ trồng hàng ngàn mẫu với kỹ thuật canh tác tân tiến. Một ngày nào đó các cây trái nhiệt đới của Việt tị nạn ở Úc sẽ nhập cảng vào Hoa Kỳ như hiện nay ở California về mùa đông vẫn có các cây trái mùa xuân, nhiệt đới từ Nam Mỹ nhập cảng vào. Các nhà trồng tỉa Việt Nam ở Úc châu nên xúc tiến việc này. Hơn một triệu khách hàng người Việt ở Hoa Kỳ về mùa đông đang chờ ăn cây trái nhiệt đới của Úc châu gởi sang.


Buổi tối chúng tôi đi ăn tối ở tiệm Bạch Đằng với các món ăn Việt khoái khẩu, trong đó có món cua bùn rang me. Nền nhạc kara oke ở đây cũng thấy thịnh hành…

Sáng sớm hôm sau, chúng tôi ra phi trường sớm đi Melbourne. Trời còn tinh mơ mà các quán cà phê vỉa hè đông nghẹt như những buổi sáng ở Saigon ngày xưa. Chuyến máy bay Quantas từ Sydney đi Melbourne sớm nhất trong ngày hành khách toàn là những tay mại bản, kinh doanh, tài chính mặc đồ lớn… họ đi máy bay bằng thẻ hàng tháng như đi xe bus dùng thẻ dài hạn. Bác sĩ Trần Quốc Đông và phu nhân Dược sĩ Kiều Ánh nghỉ việc đón chúng tôi ở phi trường rồi đưa chúng tôi về khu Việt Nam ở Footscray ăn phở. Đây cũng là một khu Việt Nam sầm uất. Melbourne lạnh hơn Sydney, cây cỏ xanh tươi hơn. Theo lịch trình buổi chiều tôi sẽ nói chuyện về cuốn Khai Quật Kho Tàng Cổ Sử Hừng Việt ở đây.

Buổi chiều bị kẹt xe nên đến nơi nói chuyện bị trễ. Giáo sư Nguyễn Cung Thông và nhóm Đồng Tâm cùng bác sĩ Đông đã giúp cho buổi họp mặt này thành hình. Mặc dầu được thông báo rất cận ngày nhưng khoảng 40 thân hữu đã có mặt, trong đó có các báo chí địa phương nhứ báoNhân Quyền và nhiều các nhà văn hóa khác nữa không nhớ hết tên. Thật là xúc động. Một bàn thờ quốc tổ Hùng vương đã được dựng lên. Trước khi nói chuyện giáo sư Nguyễn Cung Thông trưởng ban tổ chức, các vị trong nhóm Hùng vương, tác giả đều dâng hương trước bàn thờ tổ. Buổi nói chuyện rất thân mật. Xin xem tường thuật của Người Melbourne in trong số này. Số tiền bán sách thu được đóng góp vào quỹ phát huy quốc tổ Hùng vương.

Buổi tối vì anh Thông ăn chay nên không đi dùng cơm tối với chúng tôi được. Anh chị Đông và anh chị Dũng đã cho chúng tôi một bữa ăn ngon miệng tại nhà hàng Shark Fine Restaurant. Đặc biệt nhất là món bào ngư tươi vớt từ trong hồ nước ra. Bào ngư già vỏ có chín lỗ. Trong Khai Quật Kho Tàng Cổ Sử Hừng Việt tôi đã đề cập tới sự kiện là bào ngư cũng được nhiều tộc xem là biểu tượng cho vũ trụ giống như trứng hư vô. Những tộc này quan niệm vũ trụ là một cái bọc có vỏ cứng như đá (giống như con "cá bọc" bào ngư). Truyền thuyết Trung Hoa bà nói rằng bà Nữ Oa nấu đá ngũ sắc vá trời cũng cho thấy vỏ vũ trụ giống như vỏ xà cừ lóng lánh nhiều màu sắc của bào ngư. Ốc Âu cơ đội lốt ốc bọc bào ngư vũ trụ nên cũng đẻ bọc. Vũ trụ ốc bọc bào ngư sau đó phân cực. Cực dương thành mặt trời Nọc, Việt (Viêm Đế) sinh ra bốn mặt trời cõi tứ hành và bốn mặt trời cõi thế gian (ứng với Đế Minh, Kinh Dương vương, Lạc Long Quân và Hùng vương), tổng cộng là chín mặt trời. Truyền thuyết cổ Mường Việt chúng ta có 9 mặt trời. Bào ngư tương ứng với bọc vũ trụ và chín lỗ tương ứng với chín mặt trời Nọc Việt.

Ngày hôm sau còn ít thời giờ tự do chúng tôi xuống Richmond ăn phở Hùng vương và đi thăm vài nơi nữa trước khi đáp máy bay về Sydney. Anh Cung Đình Thanh chủ nhiệm báo Tư Tưởng và cậu con trai đã thương mến ra phi trường đón và đưa về nhà chơi. Sau đó chúng tôi về Cabramatta để nói chuyện với các thân hữu tại đây. Anh Nguyễn Vi Túy chủ nhiệm báo ViệtNam Thời Nay là trưởng ban tổ chức, Bác sĩ Liêu Vĩnh Bình làm điều hợp viên, anh tiết lộ cho biết anh vốn là một độc giả hâm mộ những truyện ma của tôi viết hồi còn làm tờ báo Trắng ở trường Y Khoa. Tại đây cũng có nhiều thân hữu, trong số này phải kể đến bác sĩ Nguyễn Nguyên đã từng có bài cộng tác với Y Học Thường Thức, bác sĩ Vũ Ngọc Tấn, người bạn cùng lớp với tôi cùng nhiều các bác sĩ khác, những nhà làm văn hóa như anh Cung Đình Thanh báo Tư Tưởng cùng nhiều báo chí khác như báo Dân Việt… Điều đáng quí là chị Ngọc Hân phóng viên đài SBS mặc dù bận rộn cũng đã đến dự và phỏng vấn tác giả cho thính giả toàn thể lục địa Úc châu. Đài SBS do chính phủ Úc tài trợ (xem thêm phóng sự bằng hình). Nhờ tài "mại bản" của bác sĩ Võ Văn Phước, bao nhiêu sách tác giả mang theo bán hết sạch và tiền bán sách thâu được đóng góp vào quĩ cứu trợ nạn nhân bão lụt miền Trung Việt Nam.

Nửa đêm về sáng nhóm thân hữu và chúng tôi đi ăn cháo thật là vui làm nhớ lại những ngày đi ăn đêm lúc trước ở Saigon.

Ngày hôm sau bà xã đi mua sắm cho tới lúc lên xe ra phi trường đi Fiji. Chúng tôi ở lại Fiji mấy ngày để hồi phục trước khi về Hoa Kỳ kéo cầy trở lại.

Rời Úc đầu óc tôi vẫn thắc mắc không hiểu tại sao lại gọi con thú biểu của Úc
châu là kangaroo, kangoroo? Hỏi ai cũng trả lời gọn lọn là không có biết, chẳng có
biết? Chắc chắn là kangaroo phải có một cái nghĩa nào đó. Về tới Hoa Kỳ tôi đi
đào tìm xem kangaro có nghĩa là gì? Cuối cùng tìm thấy một tài liệu giải thích cái tên kangaroo như sau: một vị thuyền trưởng người Anh khi đem đám tù nhân bị lưu đầy lên đất Úc châu đã kinh ngạc, bàng hoàng về những giống thú lạ ở đây. Một hôm thấy con kangaroo ông hỏi một người thổ dân: Cái con gì vậy? Người thổ dân trả lời: kangoro. Thế là từ đấy con vật đó có tên là con kangoro, kangaroo, kangourou, kanguru… Về sau các nhà ngôn ngữ học nghiên cứu tiếng thổ dân mới biết rõ nghĩa của từ kangoro là "don’t know", "không biết rõ". Con kangoro là con "không biết rõ" (Esperanto L…, Đặng Xuân Điện dịch in trong Khoa Học tạp chí số 55 ngày 1er Oct 1933 tr.8).

Và chuyến đi Úc kỳ này tôi lại khám phá ra từ kangoro ruột thịt với Việt ngữ ! Kangoro có kang- = chẳng (k=ch như kênh = chênh), go- = có (g=c như gài = cài) và -ro = rõ. Kangoro = Chẳng có rõ. Con kangoro là con Chẳng có rõ, con "don’t know". Sự khám phá này coi như là một món quà tặng các thân hữu ở Úc đã có lòng quí mến chúng tôi và riêng tặng anh Nguyễn Cung Thông, tác giả "Tiếng Việt Tuyệt Vời-âm M trong tiếng Việt", người cũng thích nghiên cứu tiếng Việt như tôi. Hy vọng các nhà văn hóa ở Úc châu kiểm điểm lại. Nếu kangaro, kangoro tiếng thổ dân Úc có nghĩa là "không biết" thì quả đúng kangoro ruột thịt với "Chẳng-có-rõ" của Việt ngữ. Chắc chắn trong các thổ dân Úc có những tộc liên hệ với người cổ Việt. Trong Khai Quật Kho Tàng Cổ Sử Hừng Việt, tôi đã nhắc đến một điểm giống nhau của người cổ Việt và thổ dân Úc châu là trong vũ trụ tạo sinh cả hai đều quan niệm vũ trụ có nhiều cõi và sự tạo sinh của mỗi cõi là một vòng tạo sinh riêng nhưng đội lốt lẫn nhau. Nếu kangoro đúnglà "không biết" là "Chẳng-có-rõ" xin phổ biến cho toàn thể dân Úc biết rằng kangaroo ruột thịt với Việt ngữ, nếu không muốn nói là tiếng Việt.

Úc châu, xứ kangaroo, kangoro, xứ CHẲNG-CÓ-RÕ, một thế giới còn đầy kỳ bí. Chắc chắn tôi sẽ trở lại thăm Úc châu và ăn thịt kangaroo để kiểm chứng lại…

Tác giả: Nguyễn Xuân Quang, MD.

User avatar
phodem
Posts: 229
Joined: Sat Feb 26, 2011 4:00 am

Post by phodem »

Istanbul - gạch nối giữa hai bờ Âu, Á
Những công trình kiến trúc cổ xưa, những thánh đường Hồi giáo và cung điện nguy nga rực rỡ hiện lên giữa một thành phố đầy sôi động, tất cả tạo nên một vẻ đẹp vừa cổ kính vừa hiện đại của Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ).

Với vị trí địa lý khá đặc biệt, có một phần diện tích nằm trên lục địa châu Âu, một phần thuộc lãnh thổ châu Á và được ngăn cách bởi biển Marmara, Istanbul là nơi giao thoa của nhiều tuyến giao thông quan trọng giữa các châu lục cũng như văn hóa đa sắc màu của nền văn minh Đông - Tây.

Từ sân bay quốc tế Ataturk, du khách sẽ mất khoảng 45 phút để vào đến trung tâm thành phố thuộc nửa phía châu Âu của Istanbul. Cảm giác đầu tiên khi đặt chân đến đây là một thành phố rất xanh, sạch với nhiều loài hoa và cây xanh mướt khoe sắc bên đường. Nổi bật nhất là loài hoa hồng với đủ màu sắc rực rỡ và những hàng cây phong xòe tán rộng được trồng ở khắp các tuyến đường.
Image
Blue Mosque - nhà thờ Hồi giáo lớn nhất tại Istanbul hiện lên kỳ vĩ giữa nền trời xanh. Ảnh: Hải Duyên.

Càng tiến gần về phía trung tâm, Istanbul càng hiện lên nét đẹp cổ kính qua những công trình kiến trúc đồ sộ. Hiện lên sừng sững ở ngay cửa ngõ của thành phố là một bức cổng và tường thành được xây dựng kiên cố từ thế kỷ thứ 5 dưới thời hoàng đế Théo Dose. Đây là một trong những công trình La Mã lớn nhất với chiều dài khoảng 25km bao quanh một thành phố cổ. Những di tích còn lại của công trình này cho đến nay đã bị hư hỏng nhiều nhưng vẫn hiện rõ vẻ hoành tráng, nằm xen lẫn giữa một thành phố Istanbul đầy sôi động và hiện đại ngày nay.

Nét nổi bật nhất trong kiến trúc của thành phố mà du khách có thể nhận thấy ngay từ khi đến đây là những đền thờ Hồi giáo được xây dựng bằng đá có mái vòm lớn cách đây hàng trăm năm. Chỉ riêng ở Istanbul đã có khoảng 500 đền thờ lớn nhỏ. Trong đó, đền thờ Blue Mosque là nổi tiếng nhất được xây dựng từ thời đế quốc Ottoman vào thế kỷ 17. Theo ghi chép của lịch sử, để xây dựng công trình này, nhà vua Sultan Ahmed đã phải huy động khoảng 10.000 người làm việc suốt ngày đêm trong vòng hơn 6 năm. Đây cũng là đền thờ Hồi giáo lớn nhất tại đây được lát bằng 20.000 viên gạch tráng men xanh dương được lấy từ vùng Bursan (thủ đô xưa của Thổ Nhĩ Kỳ), có mái vòm chính ở giữa và nhiều vòm nhỏ xung quanh, bên ngoài có 6 tháp nhọn vươn lên nền trời.
Image
Bên trong một nhà thờ Hồi giáo với những mái vòm lớn nhỏ. Ảnh: Hải Duyên.

Không chỉ ấn tượng với du khách bởi vẻ hoàng tráng từng nét trong kiến trúc, mà từng hoa văn được trang trí bên trong Blue Mosque còn thể hiện sự tinh xảo đến thần kỳ. Được thiết kế đến 1.600 cửa sổ lớn nhỏ xung quanh nên ngay khi đứng bên trong nhà thờ đồ sộ này du khách vẫn nhìn thấy được những ánh sáng tự nhiên chiếu vào từ mọi phía.

Cách đền thờ Blue Mosque vài trăm mét đi bộ là khu cung điện Topkapi Palace, nơi ăn ở giải trí và làm việc của 32 nhà vua Sultan đế quốc hồi giáo Ottoman trong vòng 400 năm. Cung điện này được xây dựng giữa thế kỷ 15 như một thành phố thu nhỏ bao gồm 4 khu sân vườn với nhiều công trình: nhà thờ Hồi giáo, bệnh viện, nhà bếp, nơi đúc tiền, sản xuất bánh… Riêng các nơi ở của vua và các cung phi mỹ nữ thì được chia thành những khu tách biệt. Ước tính thời đó, có khoảng 5.000 người sinh sống và phục vụ bên trong, phía ngoài còn có khoảng 10.000 dân sinh sống. Cho đến nay, cung điện này vẫn được bảo tồn nguyên vẹn và trở thành một bảo tàng cho du khách tham quan.

Nằm trong quần thể văn hóa này còn có quảng trường Hippodrome - nơi được xây dựng từ hơn 1.700 năm trước với sức chứa 40.000 chỗ ngồi dành cho khán giả theo dõi các cuộc đua ngựa và cả những cuộc giao đấu đẫm máu của các võ sĩ. Cho đến nay, công trình này chỉ còn lại một vài dấu tích, trong đó nổi bật là cột tháp cao 40m được làm từ một viên đá nguyên khối do hoàng đế La Mã lấy từ Ai Cập về dựng tại đây.
Image
Những người nghệ sĩ đường phố này cũng tạo nên một nét đẹp rất riêng của Istanbul. Ảnh: Hải Duyên.

Ngoài việc tham quan những công trình cổ kính, một trải nghiệm thú vị khác với du khách là ngồi trên thuyền đi dọc theo biển Marmara để chiêm ngưỡng một cách tổng thể vẻ đẹp của Istanbul. Bắc ngang eo biển này là 2 cây cầu lớn Bosphorus và Sultan Ahmet nối liền hai châu lục Âu và Á. Trong đó, cây cầu Bosphorus là tên của eo biển Bosphorus điểm nối giữa biển Marmara và biển Địa Trung Hải, còn cây cầu còn lại mang tên của nhà vua Sultan Ahmet.

Những cung điện nguy nga, những thánh đường Hồi giáo hiện lên hai bên bờ biển trong xanh sẽ tạo cho du khách có cảm giác như đi giữa một phim trường cổ tích. Những khu nghĩ dưỡng, khách sạn sang trọng và những ngôi nhà gỗ đỏ nằm ngay sát bờ biển như tô điểm thêm vẻ đẹp mới mẻ của thành phố. Thỉnh thoảng du khách cũng có thể bắt gặp những chú cá bơi tung tăng dưới làn nước trong xanh.

Istanbul không chỉ gây ấn tượng với nhiều công trình kiến trúc hoành tráng, mà con người nơi đây cũng có một đời sống văn hóa tinh thần phong phú. Đâu đó trên những con phố tấp nập người qua lại, du khách có thể bắt gặp một vài nghệ sĩ không chuyên từ mọi lứa tuổi. Họ chơi nhiều loại nhạc cụ khác nhau như một cách để tô điểm thêm nét sinh động cho phố phường.

Hải Duyên

User avatar
ngayngo
Posts: 1208
Joined: Sat Nov 01, 2008 8:34 pm

Post by ngayngo »

Những góc khuất của Seoul

Yangban Tal chậm rãi bước qua con hẻm chất đầy mảnh gỗ và thủy tinh vỡ vụn. Với chiếc máy ảnh trên tay,
anh mải mê khám phá, tìm kiểu và chụp lại những bức ảnh có một không hai ở khu nhà hoang tại ngoại ô Seoul.

Image
Con hẻm trong khu nhà bị bỏ hoang ở gần Ga Gongdeok, phía nam thủ đô Seoul, Hàn Quốc. Ảnh: YonhapNews

Chàng trai 33 tuổi Yangban đã làm điều này suốt 8 năm nay, với đam mê khám phá những ngôi làng, khu nhà và công trình bị bỏ hoang trước vòng xoáy của công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên khắp đất nước Hàn Quốc.

Sánh bước bên Yangban là một chàng trai người Australia. Thay vì tận hưởng buổi chiều cuối tuần đầy nắng như nhiều thanh niên khác, cả hai quyết định làm một chuyến tham hiểm vào khu nhà mới bị bỏ hoang ở gần Ga Gongdeok, phía nam thủ đô Seoul. Hai chàng trai trẻ với vóc dáng cao lớn cố gắng xoay xở trong không gian chật hẹp, tìm cách bước vào một ngôi nhà nhỏ với vẻ ngoài tồi tàn hết sức.

Tủ bếp vỡ tan. Ngăn kéo xô lệch. Sàn nhà lún sâu. "Nơi này chỉ có trong các bộ phim kinh dị", Yangban nói. "Điều gì đã khiến căn nhà biến thành thế này?", anh tự hỏi.

"Tôi chắc chắn bọn tội phạm đang chọn nơi này là chỗ trú ẩn?"

Vậy điều gì đã khiến một ngôi làng từng rất đông đúc và nhộn nhịp, bỗng chốc lại trở thành chốn đi về của xã hội đen? Yangban và anh bạn người Australia nhanh chóng tìm ra lý do, đó là bởi người dân tại khu vực này đã bị buộc phải chuyển tới khu vực khác để nhường đất cho tiến trình tái phát triển thành phố. Và trong khi chính quyền Seoul chưa kịp điều động cần cẩu, máy xúc tới để làm việc, thì vài kẻ sống dưới đáy xã hội đã nhanh chóng nhận ra đây là một nơi trú ẩn tuyệt vời.

Còn với những người ưa khám phá như Yangban, thì khu nhà hoang này lại không khác nào thiên đường trên mặt đất.

"Chúng tôi được chiêm ngưỡng thành phố theo một cách hoàn toàn khác", anh nói. "Mỗi địa điểm lại mang tới một câu chuyện riêng."

Khu vực này cũng không phải là ngoại lệ. Theo những gì Yangban tìm hiểu, chính quyền sẽ chuyển máy móc và công nhân xây dựng tới nơi này vào cuối năm nay.

Chủ nhân cũ của những ngôi nhà này dường như đã thu dọn đồ đạc rất nhanh. Chàng trai người Australia đã nhận ra điều đó khi chỉ cho cậu bạn đồng hành chiếc bàn trong phòng đọc sách, với ngăn kéo vẫn còn rất nhiều đồ vật, bao gồm bộ sưu tập những chiếc đĩa CD, DVD, vài chiếc bút máy, một cuốn sổ và vài vật dụng trang trí.

"Bỏ lại nhiều đồ vật như vật chứng tỏ chủ nhà đã dọn đi rất nhanh", Yangban Tal nói.

Tuy nhiên, Yangban không hề tỏ ra ngạc nhiên, bởi đây không phải là lần đầu tiên anh thấy những chuyện như vậy.

Anh từng trải qua một chuyến đi rất thú vị khi khám phá "khu đèn đỏ" gần Ga Yonsan với vài người bạn, trong đó có một blogger nổi tiếng.

"Khám phá thành phố mang lại cảm giác rất thú vị", anh chàng blogger, người đã vài lần tham gia các chuyến đi cùng Yangban Tal, nói. "Mọi người đều nói về sự phát triển chóng mặt của Hàn Quốc, nhưng chính những chuyến đi như thế này mới giúp chúng ta thấy được ý nghĩa thực sự của việc đó".

Nơi này từng là một vết đen của thành phố Seoul. Nhà cửa xuống cấp. Gái mại dâm đứng đường. Nhưng giờ thì mọi chuyện đã thay đổi. Các công nhân xây dựng và máy móc được chuyển tới. Khu nhà chất lượng kém biến thành đống gạch vụn. Và không còn bóng dáng của những cô gái đứng đường.

"Việc này giống với cảm giác khi xem một bộ phim kinh dị vào buổi tối", Yangban nói khi nhớ lại trải nghiệm lần đó. "Việc tiếp cận những khu vực bị bỏ hoang như thế rất thú vị và hấp dẫn."

Tuy nhiên, những người như Yangban làm việc này không chỉ để thỏa mãn máu phiêu lưu của mình.

"Lúc đầu tôi làm việc này chỉ vì muốn trải nghiệm cảm giác mới", anh nói. "Nhưng sau đó tôi nhận ra rằng những bức ảnh của mình có thể tạo ra sự khác biệt. Theo Yangban, việc này mang lại một cái nhìn khác về thành phố Seoul vốn lộng lẫy và nhộn nhịp trong mắt nhiều người.
Image
Một khu nhà bị bỏ hoang ở Seoul. Ảnh: YonhapNews

Tuy nhiên, Yangban không chỉ sự phản hồi tích cực. Sau khi công bố một loạt các bức ảnh về một công viên bị bỏ hoang, anh đã nhận được nhiều ý kiến yêu cầu thu hồi chúng, trước lo ngại rằng các bức ảnh có thể làm xấu đi hình ảnh của Hàn Quốc. Và Yangban không chỉ một lần nhận được những ý khiến như vậy.

Không giống Yangban, Kanghee Grandas-Rhee, một nghệ sĩ, lại quyết định khám phá thành phố theo một cách khác. Anh bắt đầu công việc của mình với việc chụp các bức ảnh cho dự án Danginri, tên của một nhà máy điện.

Nhưng không phải bức ảnh nào cũng được ủng hộ. "Bạn tôi chụp một bức ảnh nhà máy này khi nó đang thải ra hơi nước rồi chia sẻ lên internet", Grandas-Rhee nói. "Sau đó anh ấy nhận được một cuộc gọi từ chính quyền thành phố. Họ nói bức ảnh này dễ khiến người xem nghĩ rằng nhà máy đang xả khói gây ô nhiễm môi trường, mặc dù sự thật hoàn toàn trái ngược với điều đó, và yêu cầu anh ta xóa nó đi."

Ngoài việc sử dụng những khu vực bị bỏ hoang trong thành phố để thỏa mãn đam mê nhiếp ảnh, Grandas-Rhee còn tìm thấy một mục đích khác của chúng, đó là để phục vụ các sự kiện và triển lãm nghệ thuật.

"Ngay cả những khu vực bị bỏ hoang cũng sẽ được đẹp hơn nhờ các nghệ sĩ", Halim, một nhạc sĩ, người cũng đang cộng tác với Grandas-Rhee, nói. Theo anh, đang có sự mất cân bằng ở thành phố Seoul, khi khu vực trung tâm được đầu tư quá mạnh trong khi vùng ngoại ô lại chứa đầy các công trình bị bỏ hoang. Và dự án của các nghệ sĩ như anh và Grandas-Rhee sẽ giúp thành phố có lại được sự cân bằng vốn có.

Bản thân Yangban Tal, một người thường ít chú ý tới các hoạt động như vậy, cũng đang rất quan tâm tới dự án của Halim.

"Trong khi có rất nhiều công trình đang được tái xây dựng ở Seoul thì cũng có không ít không gian bị bỏ phí", anh nói. "Tôi tin rằng dự án này sẽ thay đổi quan điểm của người dân Hàn Quốc về việc tương tác với không gian sống trong tương lai không xa."

Quỳnh Hoa
(Theo YonhapNews)

Post Reply