Hình ảnh đó đây

Đi du lịch, chứng kiến những điều lạ xin chia sẻ.
User avatar
dauden
Posts: 575
Joined: Mon Aug 24, 2009 6:09 pm

Post by dauden »

Một cái nhìn khác về Canada Mùa đông Canada thật ảm đạm. Sáng sớm đi làm khi trời còn mờ sương, chiều về thì trời đã tối đen. Cả ngày có buổi trưa đi ăn để thấy ánh sáng mặt trời, thì trời cũng âm u, không một chút nắng.
> Cuộc sống yên bình của tôi ở Canada
Tôi là người dân lâu năm ở Canada và lại có cái nhìn khác về đất nước này.
Image
Ảnh minh họa sulekha.com.


Thiên nhiên Canada rất đẹp với biết bao núi non sông hồ ở miền Bắc và có tuyết rơi trắng xóa bao trùm mọi vật hằng năm. Nhưng đa số mọi người còn phải lo học hành hay làm việc bận rộn với cuộc sống, ít ai có dịp du lịch lên miền Bắc.

Và tuyết thì thật là phiền phức. Tôi không phải triệu phú để chỉ ở nhà ngắm tuyết rơi. Tôi chỉ nghĩ đến ngày mai phải đi làm xúc tuyết cào đường hết hơi, và sự nguy hiểm khi lái xe trên xa lộ trơn trợt khi đi làm.

Mùa đông thì thật là ảm đạm. Sáng sớm đi làm khi trời còn mờ sương, chiều về thì trời đã tối đen. Cả ngày có buổi trưa đi ăn để thấy ánh sáng mặt trời, thì trời cũng âm âm u u, không một chút nắng.

Nhà cửa thì bé xíu, đa số làm bằng gỗ chia thành từng phòng nhỏ để đỡ tốn nhiệt. Qua California hay về Việt Nam chơi, thấy những căn nhà thoáng mát rộng thênh thang thấy mà ham.

Tôi lại rất thích mùa Xuân, khi trời dần ấm áp, những lá cây trơ trụi đen thui mùa đông bắt đầu đâm chồi nẩy lộc báo hiệu một sinh khí mới. Và những đợt gió sẽ nhẹ nhàng dịu êm hơn những đợt gió sắc buốt mạnh bạo mùa đông. Bắt đầu từ tháng 11 khi trời rục rịch vào đông, tôi đã đếm từng ngày chừng nào đến ngày 21 tháng 3, là ngày đầu tiên của mùa Xuân để ăn mừng.

Rồi y tế, và chương trình xã hội thì lại gắn liền với mức thuế rất cao so với Mỹ. Canada đặt nặng an sinh xã hội, đồng nghĩa với với một số người phải đóng thuế rất cao để̉ tài trợ những người già yếu bệnh tật, thất nghiệp… Độc thân khỏe mạnh có việc làm tốt là người thiệt thòi nhất vì không được lợi lộc gì trong các chương trình chính phủ. Dĩ nhiên là về già được lương hưu, nhưng ở Mỹ cũng có bảo hiểm y tế và lương hưu.

Canada là nước ít người nên không có nhiều cơ hội cho những người giỏi, đây là ý kiến cá nhân của tôi. Lương thành phần giỏi không được cao như Mỹ, thuế lại nặng hơn, và không có nhiều cơ hội trong các lãnh vực hot về khoa học kỹ thuật. Mấy chục năm qua những sáng tạo lớn và công ty lớn mới nổi lên toàn từ Mỹ, như trong lãnh vực máy tính, Internet, công nghệ sinh học.

Nói tóm lại Canada theo chủ nghĩa lo cho toàn dân, lương thấp, thuế cao (so với Mỹ) và rất ảm đạm vào mùa đông.

A Canadian

User avatar
nangchieu
Posts: 2060
Joined: Sun Apr 19, 2009 6:38 pm

Post by nangchieu »

Image

Chào Em, BB Sydney

Trần Thị Vĩnh-Tường
Người Việt đi du lịch thường nghĩ đến Athenes, Bangkok, Beijing, London, Moscow, Paris, Roma…thanh lịch và văn minh, thiêng liêng và trí tuệ. Nhưng vĩ đại quá nên không thuộc về ai.

Châu Úc “riêng một góc trời” rón rén lùi lại đằng sau. Nhưng chính ở đấy, nhiều tuyệt vời vướng chân khách lữ hành. Những con chim đùa nghịch giấu mỏ hôn nhau, tóc vàng tươi gót khua vang phố Rocks, khăn lụa trên vai tường vi cài áo tràn ngập nhà hát con sò Opera House, bên trái hương nồng ngày nắng Stadium bên phải cánh rừng Tràm rợp mát, bộ ngực tròn trên bãi Bondi cát đẫm lưng gió cuốn mùi em thơm theo sông chảy tuôn ra bể …

Sydney cuối mùa hoa, Jacaranda man mác tím đẹp như giấc mơ của khách lữ hành. Người Úc vẫn giữ lấy cảnh quang ngày 29/4/1770 khi thuyền trưởng James Cook 42 tuổi rời con tầu Endeavour đặt chân lên lục địa. Nơi ông đến, một bãi biển vắng bóng người, vô số vỏ sò hoá vôi và những nhánh rong biển như chuỗi ngọc bích vắt ngang hốc đá sóng biển soi mòn. Một đài nhỏ trên bờ nơi bước chân James Cook đặt lên, ghi tên ông. Những cây bạch đàn thân trắng dọc theo lối đi quanh co. Bao la và im lặng. Điều kỳ diệu nhất nếu du khách cảm được trong không gian là tính mạo hiểm của người da trắng và từ đó chạnh lòng khao khát thêm nhiều chuyến viễn du. Theo vết chân James Cook, người Anh nhoài ra khỏi thành phố lạnh lẽo sương mù, lướt trên đầu ngọn sóng đi xây dựng một lục điạ, ngoại trừ tì vết đối xử sai trái với thổ dân, còn thì cái gì cũng đẹp như vỏ sò Nautilus dù phơi mình trên cát vẫn ôm ấp niềm bí mật của biển khơi.


Khác Nautilus, người Úc không giữ bí mật. Viện Bảo Tàng Quốc Gia Canberra trưng bày những tấm ảnh chụp năm 1909 xích thổ dân, chưng cả xiềng xích lẻng xẻng đã từng xâu cổ dẫn họ đi như súc vật. Những thổ dân này, theo sách vở, cùng 1 chủng với ngươì Hòa Bình ở VN. Một trăm năm trước, còn đen đúa như thế, thì sáu ngàn, mười ngàn năm trước, không biết diện mạo con người thế nào? Nếu thấy “tổ tiên” mình xấu xí thế, không rõ mấy nhà sử học có nhận không, hay chỉ nhận trống đồng Đông Sơn.

Người Úc cũng giữ lại tên điạ phương, mà âm thanh là lạ làm đôi chân ưa chuyện mạo hiểm phải ghé thăm. Từ ngàn năm, thổ dân có riêng con đường Burrawang xuyên qua nơi bây giờ là Kamay Botany Bay National Park. Mảnh rừng đó cung cấp đồ ăn, dược thảo, dụng cụ và nơi trú ẩn cho thổ dân Gweagal, cây điạ phương là Banksia, Eucalyptus và Illawarra.


Illawarra còn có tên Christmas tree, gần đến ngày giáng sinh lá hoa và quả một màu đỏ rực. Viễn khách mải đếm những ngôi nhà bằng gạch nung màu đỏ, mái ngói cũng đỏ thấp thoáng dưới hoa, tự hỏi mái nhà ấy đã ấp ủ bao mảnh đời ly xứ, bao chuyện tình đổi trao, để từ một nơi nhốt tù, Úc trở thành một lục địa an bình nhất trên thế giới? Nơi nào khí hậu cho phép cả hai cây rụng lá và trổ hoa một lượt, người Úc trồng xen kẽ Illawarra và Jacaranda, mỗi năm từ tháng 10 đến tháng 12, thiên nhiên tô hai màu đỏ và tím, một tương phản vô cùng diễm lệ in trên nền trời xanh trong vắt, một trời chỉ mù mịt khói khi có cháy rừng. Các chuyên viên thời tiết say công việc như say huyền thoại tình yêu, thường xuyên báo tin về cấp gió, cấp bão, nồng độ Carbon monoxide, Nitrogen dixoxide…đôi khi cũng bối rối vì trời đất Sydney cũng giống phụ nữ: một ngày hè nhưng có tới bốn mùa, thoắt lạnh thoắt ấm, thoắt nắng thoắt mưa, cách vài km nắng chang chang, trên núi có tuyết rơi.



Trời cho xứ Úc cây bạch đàn Eucalyptus, cho luôn hai em kangaroo và kaola ăn lá Eucalyptus. Hai con vật này tuy vậy không được kể như chó mèo. Người Úc hiếm thi sĩ nên không có anh trai khói lửa nhớ nhà dắt chú kangaroo lang thang châm điếu thuốc khói um đường phố. Họ thực tế, biến kangaroo thành kỹ nghệ du lịch và lấy thịt. Thịt kangaroo gần giống thịt bò, sớ mềm nhưng hơi kém vị, dẫu vậy kangaroo-steak cũng giúp đời di tản đỡ buồn khi bận bịu nhai nuốt. Không ai nói tới ăn thịt kaola, chắc tại nó nhỏ xíu dễ thương dành cho mấy cô bé dưới 10 tuổi hôn môi chụp hình, cả hai đứa cười toe toét. Không thấy các cô lớn hôn kaola. Chắc các cô dành đôi môi san hô cho người khác. Miền Nam mình gọi bạch đàn là khuynh diệp, loại làm dầu Bác Sĩ Tín trước 1975, có lẽ lúc đó trồng tại thành phố sư tử-Singapore. Ở VN giờ không rõ có trồng làm cây kỹ nghệ chưa? Dầu BS Tín phổ biến tới nỗi nhà nào cũng có vài lọ. Báo hại quí bà quí cô nhè Channel số 5 cũng theo thói quen quẹt ngang mũi. Về sau này có dầu gió xanh “hiệu Con Ó” rất phổ biến ở VN, cũng làm từ Eucalyptus Singapore, leo lên xe đò về miền Tây nực mùi dầu con Ó giống như vào nhà bảo sanh.

Nhà thảo mộc học Joseph Banks, người Anh, đến Australia một lượt trên tàu Endeavour với James Cook năm ông 27 tuổi. Joseph Banks và Daniel Solander, người Thụy Đìển, liệt kê/phân loại tới 132 loại cây trong đợt đổ bộ Kamay Botany Bay, đặc biệt giới thiệu với phương Tây cây Eucalyptus, Mimosa, Acacia và Banksia. 11 năm sau, Banks đuợc trào đình Anh phong nam tước. Người Úc có vẻ ái mộ Banks, nên ngoài đặt tên cho cây Banksia, Sydney còn có Bankstown, Café Banksia, Banksia Adventures, Banksia Railway Station…Người xa nhưng hoa lá còn ở lại, vài cánh hoa khô, lá ép của họ còn trưng bày ở National Herbarium/Sydney. Banksia chiụ được khô hạn, mọc chen với đá tảng. Ở Úc, vào mùa khô, nắng rọi lá khô làm thành cháy tự nhiên, hạt Banksia nhờ cháy, nứt mầm cho thêm những cây con. Hạt khô Banksias là nguồn thức ăn cho chim, thỏ, sóc, dơi, ong…Cành Banksia ở tiệm hoa cho những bó hoa mạnh khoẻ nhờ nhiều mầu chói lọi và thân cứng.

Ngươì Úc có thói quen tốt cuả ngươì da trắng: đánh giá và giữ gìn những gì thuộc về môi trường hay quá khứ. Năm 2000, công trình Olympic Stadium đang xây dựng phải ngưng ngang và chuyển hướng vì khám phá ra một hồ nước có loài Green Frog, đang trên đà tuyệt chủng, sinh sống. Hồ đuợc khoanh vùng, bảo vệ cẩn mật. Nước hồ thức ăn cỏ hoa tạo điều kiện sinh thái cho mấy chú chàng Green Frog chỉ chuyên viên mới đuợc phép xuống. Trên mặt hồ, du khách tò mò dạo trên Ring Walk, có vòng tròn 550 mét cao hơn mặt hồ 18 mét, nhìn xuống dưới hồ tìm kiếm vô vọng mặt nước xao động may ra có 1 chú nhái màu xanh.

Tính giữ gìn bản sắc của người Việt ở Úc tỉ mỉ và sâu lắng ăn vào kẻ tóc chân tơ, có thể chính người trong cuộc cũng bất ngờ, không hề đặt câu hỏi xem lòng mình đã biến tan chưa hay vẫn giữ làn hơi ấm cũ. Tượng Phật, tranh Đông Hồ, tranh sơn mài, vài cụm bạc hà dấp cá ngò gai tía tô húng quế húng cây… Cây ăn trái không bưởi cũng chanh không hồng cũng khế dù lâu lâu dối dá qua loa về VN nếm khế ngọt khế chua nhà hàng xóm.

Khu Cabramatta-Little Asia có nhiều cửa tiệm người Việt. Đủ thứ hoa quả như chợ Long An. Nếu rau trái có linh hồn sẽ hết sức vui khi hiểu ra có những người lái xe gần tiếng đồng hồ chỉ đến ngó màu xanh khổ hoa màu tím trái cà màu đỏ trái ớt…Không hay trong lòng có nỗi nhớ không tên gượng cười “nấu bậy tô canh ăn cho nó mát”. Xoài chín hột vịt lộn chuối sứ hiệp màu tô đậm bức “Quê Nhà”. Quầy bán chè đủ món cứ như má nấu ở nhà, chè đậu chè chuối cốm dẹp nước dừa cho những tấm tha hương mượn chút ngọt ngào. Ở Cabramatta, tiệm ăn Hương Xưa có món Mì Quảng ngon hơn Mì Quảng Đà Lạt, bánh dẻo rau thơm nước dùng ngọt, có lẽ vì tôm cua tươi.

Những thức ăn tưởng là lặt vặt nhưng sắm vai cây Tràm cây Đước thời khai sinh Nam Bộ, Sơn Nam mô tả trong Hương Rừng Cà Mau, lãnh trọn khó khăn giữ đất bồi nơi nước ngọt nước mặn gặp nhau khó cây nào sống nổi. Ở Cà Mau hiện nay, “rừng Tràm vàng” biến thành “rừng Tràm nghèo”: vỏ cây Tràm xuất cảng sang Trung Quốc làm giấy giá rẻ rề, nông dân mình trồng Tràm bậm môi nuốt nước mắt thay cơm. Cây Mangrove/Tràm ở Úc vừa làm kiểng vừa giữ gìn môi sinh, giữ vững bờ biển, nguồn cung cấp cá nước lợ. Gìữa lòng Sydney Olympic Park, con đường Tràm thơ mộng Mangrove Boardwalk quanh co bên sông Parramatta, in hệt mấy lối mòn lá nâu vàng miền Mid-West bên Mỹ cuối thu.

Giữa xanh thẳm Mangrove ngàn chim nước ríu rít cất khúc thanh ca, vỗ về tâm hồn bận rộn mấy giọt nghỉ ngơi. Chim chóc xứ Úc còn giữ tánh nguyên sinh, dạn dĩ tới sát xin ăn. Chim đủ màu, đầu và gáy màu đen ngực đỏ chói cánh xanh. Chim chào mào rủ nhau tắm nắng, chim sáo dắt tay nhau chạy dưới mưa. Có loài chim tên Laughing Kookaburra, dài tới 42cm, chuyên viên bắt cá, tiếng kêu như tiếng cười cốt nhắc nhở mấy bồ khác về không phận “xin miễn oanh tạc, vượt qua binh sĩ sẽ nổ súng”.

Biển Úc nước ấm, mỗi năm cá mập trốn lạnh tung tăng cả trăm con không mấy xa bờ. Cá sông cá biển, ăn ở nhà hay nhà hàng đều ngon hơn cá… đông lạnh. Miếng cá chắc, ngọt và không có vướng mùi tanh. Tôm Sydney tươi rói, làm món pò pía gỏi ngó sen hay gỏi cuốn ăn đâu mát đấy. Tiệm ăn Úc thịnh hành món Fish & Chips chiên bột giòn tan. Món này bị tuyệt chủng ở Mỹ. Dân Mỹ khoái thịt bò, tay cầm thuốc cao máu tiểu đường rưng rưng hai hàng lệ thảm tay kia bốc hamburger nhanh như gió cuốn. Sydney tháng 12, giá tôm càng lobster đang từ $40/kg, thình lình xuống 20, rồi 15, vì Trung quốc khi không xoá hợp đồng nhập cảng. Anh Hai chi tiền lâu lâu làm khó bà con. Hèn chi mấy nước có buôn bán với Trung quốc lo canh chừng thị trường, lờ béng món nhân quyền, thỉnh thoảng bấm nút cho sinh viên non tay ấn hay nghị viên dân biểu mỵ dân, biểu tình cho vui đời … dân chủ-khoa học giả tưởng. Anh Hai không mua chừng nửa năm, ắt bỏ mạng sa tràng lấy kho đâu mà chứa, chưa kể ảnh hưởng dây chuyền. Đi đến đâu cũng nghe tin vui giữa giờ tuyệt vọng. Tinh thần ăn uống lên cao. Nhà nhà gọi nhau mời mọc, tình lân lý nghĩa… tôm càng. Quí ông tử vi có sao Nấu Nướng chiếu mạng nhân dịp trổ tài “tay ngọc bếp hồng”. Ngọc thật hay ngọc giả, lobster vẫn ngon như chưa ngon thế bao giờ.

Người Việt ở Sydney có đôi điều hơi khác. Ở California, quí bà lái xe quí ông ngồi cạnh tỉnh bơ là thường. Ở Sydney, “ông lái bà la”, chỉ trỏ khan tiếng, nhưng quí ông không bao giờ mất mặt ngồi cho đàn bà lái. Mà họ lái rất giỏi, có nghĩa không làm người ngồi bên nghiến răng ken két vì sợ hãi, dù đường sá Sydney lái bên trái, vòng vèo như sắp leo lên lề, khiến lâu lâu tái xế đi lạc nẻo niết bàn, vòng tới vòng lui như Lục Vân Tiên cõng mẹ đi ra đụng phải cột nhà cõng mẹ đi vô. Quan sát bãi đậu xe, thấy đa số bác trai thuộc chi chủng “Thong Thả Đi Ra Cửa”. Chàng xuống xe, rút chìa khóa đút túi, anh dũng đi thẳng một lèo “đường ta ta cứ đi nhà ta ta cứ xây ruộng ta ta cứ cầy…” Không mở/đóng cửa xe, không cầm tay, không chờ đợi, không ngừng lại, không dắt qua đường, không giúp khoác áo, không để tay lên eo ếch, không bỏ valise lên/xuống xe, cũng không quay laị xem có cần giúp vợ/đào/chị em/bạn gái/con gái khiêng vác bao lớn bao nhỏ. Nhiều khi đi xuống thang cuốn, quay lại không thấy khúc xương suờn chạy theo, chàng cũng không nhăn nhó. Ung dung chàng nhịp chân hát hết liên khúc mùa thu; hay vừa thiền vừa ngó tóc vàng nhún nhảy trên hè phố mà không cần phải đến thiền viện mắc mỏ như ở California. Quí ông đóng tròn vai chủ gia đình lương hảo, “family man”, sửa gara sửa nhà lót gạch thay ngói sơn tường… Không biết ít nhiều có giống quí Việt kiều bên Mỹ, đa số thuộc đại chủng “Đang Sửa Lăn Ra Ngủ.”

Nếu quí ông hồn nhiên thiền, quí bà tự tin qua cách ăn mặc còn vương nét “y phục xứng kỳ đức”. Trang điểm nhẹ nhàng, giờ nào áo đó, không thấy đeo kim cương 2 carat ra hồ bơi, hay xách ví Louis Vuitton 3 ngàn đi chợ mua mắm tôm mắm ruốc. Sự đơn giản này có thể do môi trường sống: Sydney quen tiết kiệm. Chỉ được tưới cây 2 ngày 1 tuần; nhà nào cũng có giây phơi quần áo; chỉ dùng máy sấy khi trời mưa liên tiếp; chính phủ đang tài trợ chương trình Solar System dùng năng lượng mặt trời, bàn cầu có 2 nút, nhấn phân nửa hay toàn thể số lượng nước tuỳ nhu cầu. Ý kiến này tuyệt hay, không hiểu sao những tiểu bang khô hạn như California, Arizona, Las Vegas… ở Mỹ thích xài đã điếu, rồi cha con mếu máo khai vỡ nợ, dân biểu nghị sĩ hy sinh làm thinh cho chắc.

Người Huê Kỳ ưa làm nhiều quả bất ngờ làm dân Úc bảo thủ ngạc nhiên. Tháng 11, ngoại trưởng Hillary Clinton qua thăm Melbourne. Bà làm con sò Opera House trố mắt khi nhận xét về Vegemite, món bơ mặn người Úc ăn mỗi ngày “Các bác trét Vegemite vô chi cho hư cả bánh mì”. Tháng 12, Oprah Winfrey cùng tùy tùng từ Mỹ sang Sydney hô hào bà con du lịch Úc Châu. Oprah ký ngay chi phiếu $250.000 tặng gia đình Kristian Anderson bị ung thư. Oprah còn tuyên bố sẽ cung cấp máy computer cho toàn thể học sinh thầy giáo. Nói về tính bảo thủ, không thể không nhắc tới đầu thế kỷ 20, tiêu chuẩn được làm công chức của Úc vẫn phải là “da trắng/theo Tin Lành” (White Anglo-Saxon Protestant, viết tắt là WASP). Cho đến những năm 1960, giới "thượng lưu" hầu hết là WASP. Người theo Ki-tô La Mã bị kỳ thị trong ngành hành chính và nhiều ngành khác. Từ 1940-50, chính phủ (liên bang/tiểu bang) mới bắt đầu tuyển người Ki-tô Irish làm công chức. Đảng Lao Động/đa số thành viên Ki-tô giáo lần đầu cầm quyền năm 1910. Từ 1970-80, nhiều sắc dân nhập cư khiến nước Úc có bộ mặt “đa văn hóa”. Nhiều luật chống kì thị ra đời, các ngành nghề không phân biệt chủng tộc, tôn giáo, giới tính…Tuy vậy, ở Sydney không thấy đón giáng sinh tưng bừng. Cuối tháng 12, thấy mỗi một căn nhà trang hoàng giăng mắc đèn đóm.

Sự bảo thủ còn thấy ở đám học sinh tiểu học trung học mặc đồng phục hết sức dễ thương, quần xanh aó trắng, váy trắng áo hồng… có thêu huy hiệu từng trường. Lên đại học, các em gái nhí nhảnh mới mặc váy mini/maxi-sandal La Mã, thiên thần trên trời thở dài muốn xuống làm người trần gian. Các nữ sinh viên Sydney có vẻ nữ tính hơn sinh viên những thành phố bên Mỹ, ngay cả Boston, ưa quần Jeans, trông bụi đời nhưng thiếu vẻ mềm mại.

Dùng xe điện đi Pitt Street Mall, du khách tấp nập. Chỉ một đọan đường ngắn có tới 600 cửa hàng lộng lẫy. Trước đây đa số du khách Á Châu là người Nhật. Nay người Trung Hoa thay thế, mua sắm linh đình. Trong tủ kíếng nữ trang bày một viên ngọc trai cực lớn, khoảng 16mm, màu vàng đậm cực hiếm như vàng 22 karat, loại Golden South Sea Pearl, ngọc trai nước mặn tỏa màu ngũ sắc nước bóng êm như lụa có thể soi như soi kiếng. Ngọc màu vàng được cấy từ loaị sò Gold-Lipped Pinctada Maxima. Viên ngọc trai này có thể từ Broome, trại nuôi sò rất nổi tiếng của Úc nhưng trên thị trường ít nghe tên. Giá có thể từ $6,000-10,000 nếu do sò tự nhả nước dãi - trong phản ứng tự vệ chống lại vật lạ (tức là một hạt xà cừ 6 hay 8mm) do người ta cấy vào thịt chúng - trong vòng từ 10 đến 12 năm, hoặc $300 nếu được các chuyên viên trong phòng thí nghiệm sơn bằng tay cũng với nước dãi con sò, đại khái giống như quí bà sơn móng tay, lớp này chồng lên lớp khác.


Xuân thì mua sắm nữ trang thích chọn Mikimoto, Tahitian Pearl và South Sea Pearl. Tất cả là ngọc nhân tạo. South Sea Pearl thường màu trắng, lớn hơn 10mm, do năm nguồn cung cấp: Úc-Indonesia-Myanmar (Burma)-Philippines và Papua/New Guinea). Úc cung ứng nhiều nhất, với doanh số bán AUS$200 triệu/1 năm. Úc và Bahrain (vịnh Ba Tư) là hai nơi cuối cùng trên thế giới còn tìm thấy ngọc trai thiên nhiên. Năm 1930, nước vịnh Ba Tư bị kỹ nghệ dầu hoả làm ô nhiễm, tiêu diệt cả loài sò. Vì vậy, Úc là nơi duy nhất còn có ngọc trai thiên nhiên. Nhưng trong hàng trăm hay ngàn con sò, may ra mới có 1 con có ngọc. Quí bà nội trợ mua sò làm món ăn nên coi kỹ, biết đâu! Dù không đủ tiêu chuẩn làm nữ trang, cũng là một bất ngờ lý thú. Nếu bị nấu sôi, viên ngọc trai hư hoàn toàn không cứu chữa được.

Museum khoe Opal là loại đá quí được Úc công nhận là đá quốc gia. Opal có độ cứng Mohs từ 6-6.5, so với kim cương 10. Opal đặc biệt hơn hết thẩy gemstones ở chỗ có đủ màu sắc vô cùng lộng lẫy, từ xanh như Jade, tím như Amethyst, trắng như Moonstone, đỏ như Ruby, xanh như Saphir, từ trong suốt đến đặc. Tuy nhiên, hình như người Việt không có duyên với opal, cho rằng …xui. Một suy nghĩ rất huyền bí Đông Phương, có nghĩa… miễn bàn.


War Memorial ở Canberra không chỉ là một bức tường ghi tên tử sĩ như ở Washington DC. Nơi đây trưng bày hình ảnh của quân nhân Úc tham chiến cạnh Đồng Minh suốt từ Chiến Tranh Lạnh 1946 đến bây giờ… Địa đạo, súng đạn, tóc bết máu, tập vở rách nát, dao nĩa gẫy gục… Một bức tượng gây xúc động, ngườì lính mình mẩy toàn bùn, tạm nghỉ bên chiến hào gục đầu vào hai tay. Đôi bàn tay tạm sạch nhờ rửa vào vũng bùn đặc quánh kế bên. Kích thước bằng người thật, nhọc nhằn cũng thật và hy sinh cũng thật. Từ Flanders, chiến trường và nghĩa trang tử sĩ biên giới Pháp/Bỉ thế chiến I, những bông hoa poppy màu đỏ thắm nở đầy. Tin rằng hoa thắm máu người vừa giã từ vũ khí, Đồng Minh chọn poppy cho ngày tưởng nhớ. Người lính John McCrae chứng kiến cái chết đồng đội 22 tuổi, lặng lẽ khóc bạn, bài thơ “In Flanders Fields” viết tay nắn nót trong tập vở. Xin dịch thoát “Bạn ơi, từ tối đêm khuya đến đầu sương sớm-Mình đã sống. Rồi mình sẽ mãi nằm xuống nơi bến Flanders-Dù mình đang yêu và cũng được yêu”. Có 520 quân nhân Úc tử trận tại chiến trường VN từ 1962-1975. Ở VN, tính cho đến ngày hôm nay, đài Kỷ Niệm Chiến Sĩ Trận Vong do quân nhân Úc dựng tại đồn điền cao su Long Tân là đài duy nhất còn được VN lưu giữ, dù ở đâu cũng vậy, chỉ lính là người mỏi mệt nhất và chết đúng nghĩa “hy sinh” nhất. Nobel Văn Chương 2005 Harold Pinter đau đớn hỏi “Có ai hôn xác chết, có ai vuốt mắt cho xác chết, có ai chôn xác chết?” Trả lời ông, trên hồ nước, một ngọn lửa loang loáng cháy suốt ngày đêm, tượng trưng linh hồn tử sĩ không bao giờ diệt.

So ra trong trăm ngàn gặp mặt rồi chia tay, trên bến nước nhân gian nghiêng mình ngắm nghía kẻ ở người đi tô vẽ trăm điều não nuột. Sao không đơn giản yêu lấy cả hạnh ngộ lẫn chia ly? Để dành “Con thuyền ngọn gió chia phôi. Bạc đầu sóng bạc đầu người ra đi” cho những người chiến sĩ.

Tạm biệt Sydney. Tạm biệt Jacaranda. Hẹn ngày này. Năm nao? Ai nào biết?

Trần Thị Vĩnh-Tường Cuối mùa hoa Jacaranda tháng 12/22/2010, Sydney

User avatar
khieulong
Posts: 6756
Joined: Wed Dec 01, 2004 9:09 pm
Been thanked: 1 time

Post by khieulong »

Du lịch Las Vegas: Phố Tàu và người Việt ở Las Vegas

Bài và ảnh: Trịnh Hảo Tâm

Image
Phố Á Châu tiên khởi ở Las Vegas nơi có Phở Kim Long.


Dân ta đến chơi Las Vegas vài ngày là bắt đầu ngán thức ăn trong các khách sạn và tìm đến các nhà hàng Việt Nam để ăn cơm trắng với canh chua, cá kho tộ hay đơn giản hơn là một tô phở thơm mùi bò nghi ngút khói hoặc một tô bún bò Huế, bún vịt sáo măng, bún chả Hà Nội v.v...

Riêng tôi mới đến Las Vegas vào buổi sáng, buổi chiều sau khi lấy phòng khách sạn Circus Circus xong, nghỉ ngơi chút đỉnh rồi rủ vợ tôi vào khu phố Việt Tàu xem dân cho biết sự tình. Ðối với người Mỹ, Việt hay Tàu họ không phân biệt được nên gọi chung là Phố Tàu. Vào Phố Tàu không phải để ăn mì hoặc quan sát các chú Ba “puôn pán” làm sao mà là để xem khu thương mại người Việt phát triển thế nào?

Phố Tàu Las Vegas ở về phía Tây của khu trung tâm khách sạn, xa lộ 15 và nằm trên đường Spring Mountain Road là một đại lộ lớn chạy theo hướng Ðông Tây. Phố Tàu cách đại lộ xương sống Las Vegas Strip 1.4 miles (2.3 km) về hướng Tây. Thật ra phải nói khu phố Á Châu mới đúng vì ngoài những nhà hàng Tàu, chợ thực phẩm của người Việt gốc Hoa còn có những nhà hàng Việt, Ðại Hàn và Thái Lan. Người Phi Luật Tân (Filipinos) và người Hạ Uy Di (Hawaiians) sinh sống ở Las Vegas cũng đông nhưng không thấy nhà hàng có lẽ vì món ăn của họ không có sắc thái riêng, đặc biệt hấp dẫn người nước khác.
Image
Phố Tàu nơi ngã tư Spring Mountain và Wynn.


Lịch sử phố Tàu Las Vegas


Vào đầu thập niên 1990 cộng đồng người Hoa gốc Ðài Loan ở Las Vegas không đông lắm, năm 1995 khu thương mại đầu tiên được thành lập là Chinatown Plaza do nhà xây cất người Mỹ gốc Ðài Loan James Chih-Cheng Chen làm chủ. Khu thương mại này được thống đốc bang Nevada lúc bấy giờ là Kenny Guinn chính thức đặt tên là Chinatown vào tháng 10, 1999. Từ đó dân số người Hoa tăng dần được sự chú ý của tờ nhật báo The Wall Street Journal với một bài viết vào năm 2004. Trước kia khúc đường Spring Mountain Road phía Tây là một khu phố “đèn đỏ” với những hộp đêm thoát y vũ nhấp nháy đèn màu, những tiệm chiếu phim “người lớn” bỏ bạc cắc vào (25 cents Arcade, loại tiệm này bị đào thải vì Internet lấn áp) và những tiệm Massage dành cho du khách từ khu trung tâm sòng bài sang chơi. Ðất hồi đó rất rẻ, từ khi có khu phố Chinatown nằm đối diện, rồi những khu thương mại của những di dân người Á Châu mọc lên gần đó, giá đất tăng lên nhanh cho thấy người Á Châu đi đến đâu là giá bất động sản tăng lên đến đó. Ngày trước muốn đi đến chợ Tàu gần nhất để mua sắm thực phẩm Á Châu người Las Vegas phải lái xe về San Gabriel và Monterey Park ngoại ô của Los Angeles cách xa đến hơn 250 miles (400 km) mới có.

Theo thống kê dân số năm 2000 người Mỹ gốc Á Châu ở Las Vegas là 22,879 người chiếm 4.8% dân số Las Vegas trong đó 2,784 người là gốc Ðài Loan. Thống kê dân số 2010 chưa công bố nhưng theo đà phát triển của khu phố Tàu cho thấy số người Á Châu hiện đã tăng lên rất nhiều. Hiện nay Las Vegas có một nhật báo chữ Tàu và trong các chợ có những tờ báo Tàu từ vùng Monterey Park được chở đến hàng ngày.
Image
Khu chợ Thuận Phát cũ.


Vòng quanh phố Tàu

Từ đại lộ Las Vegas Strip nơi có các khách sạn Palazzo, Wynn, Treasure Island lái xe về hướng Tây trên đường Spring Mountain Road sau khi qua khỏi xa lộ 15 là chúng ta đã thấy các cửa hàng của người Việt Nam như Lee's Sandwich, Phở Kim Long là tiệm phở đầu tiên tại thành phố này. Kế đến cũng về phía Nam nơi giữa đường Wynn và Arville có thương xá Chinatown là khu thương mại Á Châu đầu tiên tại Las Vegas với cổng chào theo kiến trúc Trung Hoa nơi đây có chợ 99 Ranch Market cũng là chợ Á Châu đầu tiên tại Las Vegas. Rồi từ đó rất nhiều nhà hàng tiệm phở Việt xen lẫn với những hiệu buôn, nhà hàng Tàu, Thái. Nơi góc Ðông Nam của ngã tư Spring Mountain và Decatur là một khu thương xá lớn với bãi đậu xe rộng rãi trước kia là Spring Oaks Plaza Shopping Center nay toàn là nhà hàng Việt và các sắc dân Á Châu khác với ngôi chợ Thuận Phát mới mở tại đây. Ðây cũng là bến đậu của các xe đò người Việt từ Westminster lên đỗ hành khách nơi đây.

Hiện nay hàng ngày có 2 hãng xe đò sáng đi từ Little Saigon đến Las Vegas và tối trở về lại Little Saigon, giá vé 40$ mỗi chuyến. Trên xe có cung cấp bánh mì, nước uống, báo Người Việt, hơn hẳn các hãng máy bay vì đi máy bay thức ăn phải mua, hành lý gởi phải trả tiền! Bãi đậu này có nhà hàng Hamburger Carl's Jr cũng như Phở Số 1, tiện lợi cho hành khách chờ xe món ăn Việt hay Mỹ đều có. Tiếp tục lái xe về hướng Tây các tiệm Việt, Tàu, Nhật xen lẫn với các cơ sở thương mại người Mỹ, tôi lại thấy một chợ Thuận Phát khác nhỏ hơn, chắc là chợ cũ trước kia nay mở thêm chợ mới lớn hơn. Bắt đầu từ đây các cơ sở thương mại Á Châu rải rác thưa dần nhưng tới góc đường Jones nhộn nhịp trở lại nhưng không ở hướng Nam mà lên khu phố ở hướng Bắc. Cho tới ngã tư Rainbow khu chợ Tàu chấm dứt bằng một khu thương xá của người Ðại Hàn. Từ đây trên đường Spring Mountain là những khu gia cư mới xây trong những năm gần đây quy tụ nhiều người Việt Nam sinh sống làm ăn ở Las Vegas mua nhà trong khu mới phía Tây này. Càng đi xa về hướng núi thêm 5 miles nữa nơi có xa lộ vòng đai 215 chạy ngang, nhà cửa càng rộng lớn hơn nhất là trong vùng Summerlin South với hồ nước, cây cối rất đẹp. Ðây là vùng sa mạc việc duy trì, chăm sóc bãi cỏ cây cối rất tốn kém vì phải tưới nhiều.


Ðiểm đặc biệt của phố Tàu Las Vegas

Nhận xét đầu tiên là ở đây lạm phát... tiệm phở, có lẽ khi ngán thức ăn trong các Buffet thì dân ta thèm phở trước nhất. Trên đường Spring Mountain thấy có những tiệm phở sau đây: Phở Kim Long, Phở Little Saigon, Phở Thanh Hương, Pho Village, Phở Số 1, Phở Saigon 8, Phở 87, Jenni Pho, Pho Vietnam Restaurant, Pho Hung, Pho Huong Saigon, Phở Như Ý v.v... Vì quá nhiều nên phải cạnh tranh, quảng cáo cho du khách từ xa đến hay biết nên nhiều tiệm phở phải thuê những Billboard lớn gắn trên những cột cao hay thuê những xe truck chở hàng đậu trên những bãi đất trống quảng cáo tiệm phở của mình. Chúng tôi có đến ăn một tiệm hương vị cũng đậm đà, tô cũng lớn và giá cả cũng như ở khu phố Bolsa, California nhưng đến Las Vegas là phải cầu may mới thắng bạc mà chưa thấy tiệm phở nào có tên như Pho Lucky, Phở Phát Tài?

Ðiểm thứ nhì là khu Phố Tàu cũng rất nhiều tiệm Foot Massage của người Trung Quốc tập trung ở dãy phố phía Bắc con đường (một điều lạ là các hiệu buôn Tàu Việt đều nằm ở dãy phố phía Nam, cửa tiệm nhìn về hướng Bắc, có lẽ thuật “phong thủy” dính dáng vào đây chăng?). Giá cả Foot Massage ở đây cũng không cao hơn Bolsa bao nhiêu: 20$ cho một giờ. Phê bình trên trang mạng nhiều du khách Mỹ ở xa đến rất lấy làm thích thú khi thưởng thức nguyên một giờ đấm bóp thư giãn với giá thật rẻ như vậy. Nhưng có một người Mỹ phàn nàn khi vào tiệm hai ông thợ massage người Trung Quốc đấu khẩu nhau kịch liệt bằng tiếng Quan Thoại mặc cho có khách hàng vào tiệm họ cũng không ngưng lớn tiếng! Một phụ nữ Mỹ than phiền là trong tiệm bay mùi đồ ăn Tàu từ microwave bốc ra!

Ðiểm đặc biệt thứ ba là khu Phố Tàu Las Vegas rất dễ dàng tìm được chỗ đậu xe vì tương đối vắng vẻ trong khi Phố Tàu San Gabriel, Monterey Park của Los Angeles hoặc khu Bolsa Little Saigon luôn đông đảo khách ăn uống mua sắm, tìm được nơi đậu xe rất khó khăn. Phố Tàu Las Vegas ngày thường cũng như cuối tuần ngày nào cũng vậy, không nhộn nhịp đông đảo hơn trong khi Phố Việt Bolsa cuối tuần hay ngày lễ cuối năm người đông nhộn nhịp khác thường, đậu xe không là chuyện dễ. Chuyện mấy năm trước từ giữa đường Bolsa thấy trong bãi một chiếc xe de ra, “điền vào chỗ trống cho... hợp nghĩa,” tôi vọt một cái đậu ngay vào. Bỗng có tiếng đàn bà hỏi: “Chú đậu xe dzậy coi được hông?” Hóa ra vì lo nhìn lưu thông ngược chiều trên đường Bolsa, thấy trống là tôi vào bãi đậu, đâu có thấy một bà đang chờ! Bả xổ nho rồi má của bả nấu trong tiệm... cơm chay chạy ra, hai mẹ con họp nhau xổ tiếng Ðức, tiếng Ðan Mạch (ÐM) um sùm! Tôi không biết nói sao, tìm nơi khác thì hết chỗ đậu, tôi bỏ đi sau khi ghi số xe của bả (xe tôi bị gạch bảo hiểm tôi sẽ gọi cho bà). Ðó là những chuyện “thắm thái tình đồng hương” ở xứ Bổn Xà.

Image
Trung tâm Công Giáo Việt Nam trong khuôn viên nhà thờ La Vang.



Cộng đồng người Việt ở Las Vegas


Người Việt sinh sống tại Las Vegas theo thống kê dân số Census năm 2000 là 3,493 người đứng thứ 40 trong các thành phố trên nước Mỹ có đông người Mỹ gốc Việt. Hiện thống kê 2010 cũng chưa có nên người ta không biết chính xác dân số gốc Việt sinh sống tại Las Vegas là bao nhiêu nhưng ước chừng gấp đôi con số 10 năm trước là khoảng 7, 8 ngàn nhưng cũng có thể lên đến 10,000 người không chừng? Thập niên qua kinh tế thương mại nhiều biến chuyển, giá nhà đất Orange County và Los Angeles tăng vùn vụt nên một số đông người Việt di chuyển sang Las Vegas, Phoenix sinh sống làm ăn vì nơi đây giá nhà có tăng nhưng vẫn rẻ hơn California nhiều.

Người Việt ở Las Vegas đa số làm nghề móng tay (Nail) và những công việc trong các sòng bài như chia bài (dealer), trong các nhà hàng hoặc trong các khách sạn. Nói chung rất dễ tìm việc làm ở Las Vegas cho dù không có nghề chuyên môn hoặc không cần biết tiếng Anh. Hầu hết những tiệm Nail ở đây đều do người Việt làm chủ và thợ cũng là người Việt, không phải chỉ ở Las Vegas mà còn các thành phố nhỏ lân cận như Henderson, Boulder City, Lake Mead, v.v... Một số ít người Việt cũng hàng nghề chuyên môn như bác sĩ, nha dược sĩ, y tá, chuyên viên trong bịnh viện, kỹ sư làm trong các hãng kiến trúc hoặc chính quyền.

Về tôn giáo, văn hóa cũng có các chùa, Thánh thất Cao Ðài hàng tuần đều sinh hoạt nhưng không nhất thiết phải diễn ra ngày cuối tuần mà thường là ngày Thứ Tư, cuối tuần đồng hương phải đi làm vì du khách đến Las Vegas đông hơn ngày thường.
Image
Nhà thờ La Vang Las Vegas.



Ðền Thánh Mẹ La Vang Las Vegas


Nhà thờ Công Giáo có Ðền Thánh Mẹ La Vang ở số 4835 S Pearl St. Las Vegas, NV 89121, hàng tuần hiện nay đều có Thánh lễ vào ngày Chủ Nhật lúc 9 giờ 30 sáng và 6 giờ chiều (gọi số 702-821-1459 để biết giờ Thánh lễ). Ðền Thánh Ðức Mẹ La Vang cũng thường tổ chức các lễ cổ truyền như Tết Nguyên Ðán, Tết Trung Thu v.v... Vào ngày cuối ở Las Vegas chúng tôi có đến thăm Ðền Thánh Ðức Mẹ La Vang, một nơi nhiều phái đoàn Công Giáo ở Nam Cali thường tổ chức những chuyến hành hương. Vì không dự định trước nên không có địa chỉ hoặc số điện thoại, tìm kiếm trên Internet lại không có máy Laptop nên không biết làm sao biết địa chỉ. May sao trong điện thoại niên giám trong khách sạn lại có liệt kê nhà thờ Việt Nam này để rồi từ đó chúng tôi lái xe tìm đến viếng thăm cho biết.

Nhà thờ tọa lạc tại một vùng dân cư êm đềm về phía Ðông Las Vegas, bằng đường Tropicana đi về hướng Ðông, qua phi trường McCarran khoảng 3 miles là tới. Nhà thờ nằm khuất bên trong đường Tropicana lại nóc chuông không cao nên khó thấy. Chúng tôi loanh quanh một lúc mới tìm được nhà thờ ở góc Ðông Bắc của ngã tư Tropicana Ave. và Pecos Rd. Khuôn viên nhà thờ khá rộng, phía trước là một khoảng sân lớn có bộ tượng Chúa chịu nạn của Chặng Ðàng Thánh Giá được đem từ Việt Nam sang. Nhà thờ được xây theo kiểu nhà thờ La Vang ở Quảng Trị đổ nát vì chiến tranh không có tháp chuông nhọn bên trên. Trước nhà thờ là tượng đài Ðức Mẹ La Vang phần bên trên là những cây hình nấm như nhà thờ chính La Vang Quảng Trị. Khi chúng tôi đến viếng là sáng Thứ Hai, vị linh mục quản nhiệm đi đâu đó nên nhà thờ cửa đóng then gài và văn phòng giáo xứ cũng vậy. Khung cảnh nhà thờ yên ắng thanh tịnh, cây cối xanh tươi mặc dù đất nơi đây là vùng sa mạc khô cằn. Ðược biết Ðền Thánh Mẹ La Vang thành lập từ năm 2000 và có trang nhà ở địa chỉ www.lavang-lasvegas.com. Du khách người Việt theo Công Giáo khi đến nghỉ hè, vui chơi ở Las Vegas có thể xem lễ ngày Chúa Nhật ở đây vừa hiệp thông cầu nguyện vừa gặp gỡ đồng hương người Việt sinh sống ở Las Vegas.

Trịnh Hảo Tâm

Cùng ngòi bút lãng du Trịnh Hảo Tâm, đã ra 6 quyển ký sự du lịch: “Trên Những Nẻo Ðường Việt Nam,” “Miền Tây Hoa Kỳ,” “Trung Quốc,” “Mùa Thu Ðông Âu,” “Tây Âu Cổ Kính” và “Miền Ðông Nước Mỹ và Canada.” Mới phát hành quyển thứ 7 “Hành Hương Thánh Ðịa Do Thái” dầy 234 trang nhiều hình ảnh ghi lại trong chuyến thăm Do Thái vào tháng 2, 2010. Ðộc giả từng thích thú theo dõi các chuyến đi của tác giả trên Người Việt có thể tìm mua tại các nhà sách, đồng giá 15 USD mỗi quyển. Ở xa gởi ngân phiếu 15 USD về tác giả, sách có chữ ký sẽ được gởi đến tận nhà (bao cước phí):

TRINH HAO TAM
3683 Hawks Drive
Brea CA 92823
Ðiện thoại 714-528-1413
Email: trinhhaotam@hotmail.com

User avatar
muanuadem
Posts: 461
Joined: Sun Apr 19, 2009 6:47 pm

Post by muanuadem »

Image

Sydney - đất lành chim đậu
Nhiều người khi đến thăm Sydney, Australia, ngạc nhiên vì ở đây có rất nhiều chim chóc. Đâu đâu cũng có tiếng chim hót. Chúng sống tự do và dạn dĩ. (Nguyễn Ngọc Phương Khanh Katherine)
Đầu tiên phải kể đến hải âu. Sydney được biết như là vương cung của hải âu vì chúng có mặt ở khắp nơi, tô điểm thêm cho vẻ đẹp thành phố.

Ồn ào nhất phải kể đến chim miner, chúng hót suốt ngày. Có một điều thú vị, tất cả những nơi có nước đều trở thành bể tắm của chim miner.

Những chú chim ibis trông hơi xấu xí nhưng có lẽ chúng là loài chim ranh mãnh nhất ở đây.

Một lần vào công viên chơi, em đã làm quen với gia đình gà nước. Rồi em làm bạn với những chú chim cockatoo thân thiện. Chúng dịu dàng đón nhận tình bạn của em.

Ngoài ra Sydney còn có rất nhiều vẹt, vịt trời, thiên nga, bồ câu, chim sẻ, chim én… Chúng chung sống hòa bình trên cùng một mảnh đất, chia sẻ với nhau thức ăn, ríu rít nói chuyện bằng nhiều ngôn ngữ.

Má dạy em nhiều tục ngữ Việt Nam, trong đó có câu: Đất lành chim đậu. Em hiểu Sydney không chỉ là đất lành cho chim đậu, mà còn là đất lành, là quê hương thứ hai đầy bình an của những người đến từ nhiều nơi khác nhau trên thế giới… như trẻ con chúng em không phân biệt màu da, ngôn ngữ, cùng chia sẻ một sân chơi và cùng hòa giọng nhịp nhàng trong một dàn đồng ca.

Nguyễn Ngọc Phương Khanh Katherin

User avatar
macco
Posts: 3543
Joined: Mon Jan 17, 2005 8:04 am

Post by macco »

Từ Rio de Janeiro đến Lisbon

Trần Nguyên Thắng (ATNT Tours)

Rio de Janeiro

Tôi đã từng đến Rio de Janeiro từ bảy năm trước đây, nhưng chưa lần nào đến Rio de Janerio
mà tôi lại cảm thấy nhơ nhớ đến thành phố Lisbon của Bồ Ðào Nha nhiều như lần này.

Image
Tượng Chúa Cứu Rỗi tại Rio de Janeiro, Brazil. (Hình: ATNT Tours)

Có lẽ một phần bầu trời sương mù của Rio đã làm tôi liên tưởng đến thành phố Lisbon trong cái mờ mờ của khói trời. Một phần có lẽ vì tôi cũng vừa mới đến Lisbon trước khi đến lại Rio. Nhưng điều mà tôi biết chắc chính hai bức tượng Chúa Cứu Rỗi (Christo Redentor) tại hai thành phố này đã là nguyên nhân làm tôi nhớ.

Rio de Janerio là thành phố lớn thứ hai của Brazil. Năm 1509, vào một ngày đầu năm, một nhà hàng hải mạo hiểm Bồ Ðào Nha đã cập bến một cửa sông vùng Nam Mỹ mà ông nhận thấy rất rộng và ông đã đặt tên cho cửa sông này là Rio De Janerio. Rio có nghĩa là sông và Janerio có nghĩa là Tháng Giêng. Vì thế, Rio de Janeiro có nghĩa là thành phố “Sông Tháng Giêng.” (Mãi về sau ông mới biết là ông đã lầm vì đây không phải là dòng sông chảy ra biển mà chính là một vùng vịnh biển ăn rất sâu vào đất liền.)
Image
Quang cảnh Rio de Janeiro nhìn từ tượng Chúa Cứu Rỗi. (Hình: ATNT Tours)

Thoạt đầu nghe đến tên thành phố “Sông Tháng Giêng” thì người Việt Nam cảm thấy xa lạ vì ít ai chú ý đến những thành phố và đất nước thuộc về Nam Mỹ. Một trong những biểu tượng chính của thành phố Rio là tượng Chúa Cứu Rỗi đứng dang hai tay trên đỉnh ngọn núi Corcovado và nhìn xuống thành phố. Ðây là một kiến trúc tượng đặc biệt và được xem như một kỳ quan kiến trúc hiện tại.

Tượng do sáng kiến của một vị tổng giám mục khởi xướng sau khi ông được thuyên chuyển từ Lisbon (thủ đô Bồ Ðào Nha) sang trông nom khu vực thành phố Rio de Janerio vào cuối thế kỷ 19. Sáng kiến đó được thành phố Rio ấp ủ và phải mất đến hơn 50 năm sau mới được bắt đầu thực hiện. Công trình được khởi công từ năm 1910 mãi đến Tháng Mười, 1931, ngôi tượng Chúa Cứu Rỗi mà chúng ta thấy ngày nay được hoàn thành.
Image
Tượng Chúa Cứu Rỗi ở Lisbon, Bồ Ðào Nha. (Hình: ATNT Tours)

Tượng Chúa cao 30m, hai sải tay dài 28m, đứng trên bệ cao 8m (bên trong bệ cao này là nhà nguyện) và nặng đến 1,145 tấn. Tượng Chúa với khuôn mặt hiền từ và tư thế dang hai tay ban ơn cho cả thành phố. Vị trí đỉnh núi Corcovado nhô hẳn ra ngoài dãy núi và cao hơn 700m, vì thế người ta đứng khắp mọi nơi chung quanh thành phố Rio đều có thể dễ dàng nhìn thấy tượng Chúa Cứu Rỗi từ xa.

Từ đó tên đỉnh núi Corcovado dần dần được thay thế bằng tên Christo Redentor và trở thành một trong bảy kỳ quan kiến trúc của thế giới hiện đại. Phải nói rằng ngôi tượng Christo Redentor đã trở thành biểu tượng thứ nhất của Rio de Janerio, vượt qua cả thắng cảnh thiên nhiên rất đẹp Sugar Loaf của thành phố. (Sugar Loaf trở thành biểu tượng thứ hai của Rio De Janeiro.)


Lisbon

Tyrus là một con sông lớn của Bồ Ðào Nha chảy qua phía Nam thủ đô Lisbon và tuôn ra biển Ðại Tây Dương. Ðây cũng là nơi mà phần lớn các nhà hàng hải nổi tiếng của Bồ Ðào Nha cùng với các con thuyền xuất phát vượt đại dương đi tìm những châu lục mới và những thành phố mới vào thế kỷ 15-16. Tượng đài “cánh buồm Ðại Dương” dựng bên bờ sông Tyrus, gần pháo đài Bélem của Lisbon là một trong những tượng đài kỷ niệm tạo cho người lữ khách từ phương xa đến Lisbon không khỏi bùi ngùi nhớ về những người mạo hiểm từ những thế kỷ trước.
Image
Cầu treo bắc qua sông Tyrus ở Lisbon. (Hình: ATNT Tours)

Nếu đi xe từ bên Madrid, thủ đô Tây Ban Nha, muốn vào trung tâm thành phố Lisbon, người ta có hai cách đi: Một là đi từ hướng Bắc xuống, hai là đi từ phía Nam lên. Thường thì người ta chọn đi hướng Bắc cho gần. Tuy nhiên, tôi đề nghị nên vào Lisbon từ hướng Nam vì chúng ta thế nào cũng phải đi qua con sông Tyrus thì mới vào trung tâm Lisbon được. Cây cầu nối ngang hai bên sông là một phiên bản của cầu Golden Gate ở San Francisco, cũng do công ty của Golden Gate thiết kế và xây dựng, chỉ khác một điều là tầng dưới của cầu thì thiết kế cho đường xe điện chứ không cho đường xe hơi như cầu Golden Gate.

Nhưng trước khi vượt cầu qua sông, một hình ảnh làm du khách sững sờ là tượng Chúa Cứu Rỗi (mà người Bồ Ðào Nha gọi là Chris Rei) cao vút đứng trên một đỉnh đồi cao bên dòng sông Tyrus. Tượng Chúa đứng trên một bệ cao có đến cả 100m, về độ lớn tượng Chúa Cứu Rỗi Lisbon cũng suýt soát lớn như tượng Chúa ở Rio de Janeiro. Chúa cũng đứng dang hai tay nhìn xuống ban ơn cho thành phố Lisbon bên kia sông, một hình ảnh rất lạ cho ai mới đến thăm Lisbon. Ðường đi vào tượng Chúa Cứu Rỗi ngoằn ngoèo lên dốc khá xa nhưng nằm trên một vị trí rất tốt để du khách có thể thưởng ngoạn toàn cảnh của Lisbon, sông Tyrus và cây cầu chính Lisbon.
Image
Từ chân tượng Chúa Cứu Rỗi nhìn qua Lisbon. (Hình: ATNT Tours)

Khác với Rio de Janeiro, vào thăm khu vực Chris Rei du khách không phải trả tiền vé vào cửa. Chúng ta chỉ trả tiền vé thang máy nếu muốn lên trên tận chân tượng Chúa. Khuôn mặt Chúa cũng khác hẳn tượng Chúa ở Rio de Janeiro, nhưng có mấy ai bận tâm đến điều đó. Nếu ai đã từng đến Rio de Janeiro thì không thể nào đứng đây (Lisbon) mà không nhớ đến Rio. Chúa của hai nơi mà sao cứ như là một! Bồ Ðào Nha vào thế kỷ 20 không còn là một đất nước giàu có nữa, thời kỳ lịch sử vàng son đã qua đi. Nhưng họ vẫn phải tham gia vào hai trận thế chiến của thế kỷ 20. Những mất mát, những hy sinh đó đã được người người dân Lisbon gửi gấm vào Chúa Cứu Rỗi, và từ đó tượng Chúa Christ Rei được hoàn thành vào năm 1949 bên dòng sông Tyrus để cứu rỗi và cũng để ban ơn cho thành phố Lisbon.
Image
Tác phẩm “Cánh buồm ra khơi” tại chân tượng Chúa Cứu Rỗi, Lisbon. (Hình: ATNT Tours)


Bỏ qua các hệ lụy mẫu quốc (Bồ Ðào Nha) và thuộc địa (Brazil), con người của cả hai đất nước trên đều tìm thấy một điểm chung, một niềm tin chung cho họ. Khi nghèo đói, khi còn phân biệt chủng tộc, khi hy sinh mất mát vô nghĩa thì cả hai cho dù là mẫu quốc hay thuộc địa thì Chúa Cứu Rỗi vẫn là một niềm tin chung cho họ. Ðã là một niềm tin chung thì làm sao bên này không nhớ bên kia. Từ Lisbon nhớ về Rio De Janeiro và từ Rio làm sao không nhớ đến Lisbon.

User avatar
saohom
Posts: 2213
Joined: Wed Aug 26, 2009 11:30 pm

Post by saohom »

Cuối thu ở Pháp


Thành phố Rennes, Pháp, đang bước vào những ngày cuối thu. Những cơn mưa rả rích báo hiệu mùa đông lạnh lẽo sắp tới
không thể xua tan vẻ đẹp và sự yên bình vốn có của mùa thu.

Image
Rennes là thủ phủ của vùng Bretagne nằm ở phía tây bắc nước Pháp và là thành phố lớn thứ 11 của Pháp.

Image
Mùa thu ở Rennes rất đẹp và yên bình với những hàng cây cao vút trổ vàng trong công viên...

Image
...với những con đường rợp tán lá vàng trên đường tới trường...

Image
...và với những cơn mưa rả rích cuối mùa như báo hiệu một mùa đông lạnh lẽo sắp tới.

Image
Cuộc sống học tập và làm việc ở Rennes được đánh giá là rất dễ chịu, yên bình với chi phí ăn ở hợp lí.

Image
Rennes cũng là thành phố có tỷ lệ sinh viên cao nhất nước Pháp,
cứ 3,7 người ở Rennes thì có một người là sinh viên.

Image
Ở Rennes hiện nay có khoảng gần 300 sinh viên Việt Nam đang theo học và làm việc
với nhiều ngành nghề như kinh tế, luật, công nghệ thông tin, xây dưng,...
ở bậc học như cử nhân, kỹ sư, nghiên cứu sinh và sau tiến sĩ.
Sinh viên Việt Nam ở Rennes chủ yếu học và làm việc tại trường Đại học Rennes 1,
Rennes 2, trường kỹ sư INSA và viện tin học INRIA.

Trần Hoàng Hải

User avatar
dauden
Posts: 575
Joined: Mon Aug 24, 2009 6:09 pm

Post by dauden »

Tuyết rơi mùa thu ở Mỹ

Tuyết hôm nay rơi trắng thành phố Pittsburgh của Mỹ. Đây là lần đầu tiên hiện tượng này xảy ra trong vòng 115 năm.

Pittsburgh là thành phố lớn thứ 2 ở tiểu bang Pennsylvania, Mỹ. Đây là thành phố lớn nhất nằm ở vùng Appalachia và là vùng đô thị lớn thứ 22 ở Mỹ.
Pittsburgh được mệnh danh là "thành phố của những cây cầu. Cả thành phố có khoảng 446 cây cầu,
nhiều hơn thành phố lãng mạn Vience của Ý ba cây cầu.

Hôm nay ở Pittsburgh đã xuất hiện một hiện tượng lạ, tuyết rơi mùa thu. Hiện tượng này chưa từng xảy ra trong vòng 115 năm qua.
Dưới đây là hình ảnh này do độc giả Phương Linh chụp lại.

Image
Tuyết phủ trắng bãi xe ôtô.

Image
Tuyết đọng trên những cành lá đỏ mùa thu Pittsburgh.

Image
Cành lá níu giữ những bông tuyết sớm hiếm hoi.

Image
Hơn một thế kỷ trôi qua, Pittsburgh mới đón một trận tuyết sớm đến vậy.

Image
"Những luồng run rẩy rung rinh lá".

Image
Sắc vàng thu Pittsburgh.

Image
Sắc đỏ của thu Pittsburgh vẫn rực rỡ trong tuyết trắng.

Phương Linh

User avatar
khieulong
Posts: 6756
Joined: Wed Dec 01, 2004 9:09 pm
Been thanked: 1 time

Post by khieulong »

Hình Ảnh Đẹp Của Thế Giới Quanh Ta

Image

Image

Image

Image

Image

Image

Image

Image

Image

Image

Image

Image

Image

Image

Image

Image

Image

Image

Image

Image

Image

Image

Image

Image

Image

Image

Image

Image

User avatar
tiendung
Posts: 329
Joined: Wed Dec 01, 2010 10:09 pm

Post by tiendung »

Tranh Vẽ Việt Nam
Tranh Về Mẹ



Image

Image

Image

Image

Image

Image

Image

Image

Image

Image

User avatar
tiendung
Posts: 329
Joined: Wed Dec 01, 2010 10:09 pm

Post by tiendung »

Nét đẹp thiếu nữ Việt Nam trong tranh họa sĩ Nguyễn Quốc Dũng
Nguyễn Quốc Dũng sinh năm 1959 tại Hà Nội. Ông tốt nghiệp Đại học Mỹ Thuật công nghiệp vào năm 1984. Từ năm 1989-1992 ông là họa sĩ công ty tem Việt Nam.

Hiện tại, Quốc Dũng là họa sĩ tự do. Ông thực hiện nhiều triển lãm được công chúng đón nhận như: Triển lãm cá nhân “Duyên xưa”, “Những tấm lòng” tại Hà Nội (2003 – 2004), “Nắng tháng ba” (2008), triển lãm “Duyên xưa 2″ tại Lotus Gallery,

TP HCM (2005), triển lãm cá nhân “Nhớ” tại Tự Do Gallery, TP HCM (2010)… Ông còn tham gia một số triển lãm nghệ thuật tại nước ngoài và có tranh nằm trong các bộ sưu tập tại Pháp, Mỹ, Nhật, Singapore…

Ngoài hội họa, Nguyễn Quốc Dũng còn đam mê nhiếp ảnh. Ông tham gia và đoạt giải một số cuộc thi ảnh toàn quốc và quốc tế.

Đầu năm nay, với 20 bức sơn dầu thể hiện hình ảnh thiếu nữ và áo dài xưa, trong buổi trưng bày chủ đề "Giọt xuân", ông tái ngộ khán giả TP Saigon. Vẫn với nét cọ rất riêng, tả thực mà vẫn lãng mạn, bay bổng, họa sĩ người Hà Nội cho thấy niềm đam mê sáng tạo vô tận khi thể hiện vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam...

Lần gần nhất họa sĩ Nguyễn Quốc Dũng mang tranh đến Sài Gòn là triển lãm "Đi qua mùa sen" vào năm 2010.


Là người có nhiều tranh nổi tiếng về áo dài Việt Nam, ở triển lãm này, họa sĩ tiếp tục tôn vinh nét duyên dáng, đằm thắm của người con gái trong tà áo dài. Thiếu nữ vận tấm áo cũ, nô đùa ngoài đồng ruộng, vẫy vùng với cỏ hoa... khiến tranh của Nguyễn Quốc Dũng trở nên mênh mang, bay bổng. Đó chính là không gian để cho những người đẹp thỏa sức tung tăng, phơi bày nét trinh nguyên, e ấp.



Image


Image


Image


Image


Image


Image


Image


Image


Image


Image


Image


Image


Image


Image


Image


Image


Image


Image


Image


Image


Image


Image

Post Reply