CÔ GIÁO CỦA TÔI

Moderator: dongbui

Post Reply
CNN
Posts: 1017
Joined: Wed Dec 01, 2004 8:18 am

CÔ GIÁO CỦA TÔI

Post by CNN »

Trong thời học trò, tôi nghĩ hầu hết ai cũng được thầy, cô lưu ý hơn vì một lý do nào đó như 'dễ thương' hoặc 'dễ ghét' chẳng hạn. Cũng có những cô, cậu “làng nhàng” dễ bị thầy, cô quên đi trong số hàng trăm, hàng ngàn học sinh. Trong những năm học ở HNC tôi thấy tôi cũng được một số thầy cô lưu ý đến hơn các bạn khác (có thể do chủ quan chăng) và cũng nhiều khi làm các thầy cô buồn lòng.

Trong số các thầy cô tôi được thụ huấn ở HNC, có những vị tôi thấy gần gũi hơn và có những vị tôi không được gần gũi với các ngài. Phải thú tội nơi đây là tôi biết có vị còn không ưa tôi nữa. Tôi xin kể chuyện 3 vị mà tôi được gần gũi hay được chiếu cố trong 3 năm học là cô Hồ Thị Nguyệt dạy Anh văn năm tôi học đệ Thất, thầy Trần Thế Xương dạy Việt Văn năm tôi học đệ Lục và thầy Nguyễn Học Hải dạy Toán năm tôi học đệ Ngũ.

Năm 60 có lẽ là năm đầu tiên bộ Giáo dục chọn "Let's Learn English" là bộ sách giáo khoa chính thức cho 4 lớp Trung học (vì năm 59 tôi nhớ tôi còn phải học "L'Anglais Vivant") và trong các bài học/chương học có phần Tom's Impression là phần cô Nguyệt hay bắt chúng tôi học thuộc lòng. Vốn không có khiếu về ngoại ngữ, nên học thuộc lòng là một chuyện thật khó đối với tôi. Còn nhớ một lần khi đến nhà cô Nguyệt ở đường Hoà Hưng, tôi đã hỏi cô làm cách nào mà có thể học thuộc lòng được, cô bảo "cần phải cố gắng, như học thuộc lòng chữ Việt vậy". Bài đầu tiên tôi học thuộc được có câu đầu như sau

Mr and Mrs Dawson have two children, a son and a daughter.
Their son's name is William but they call him Bill …

Chữ thầy trả thầy (cô mới đúng). Tôi vẫn không khá được và điều này quý thầy Khương, thầy Điền, thầy Bằng cùng thầy Thành biết rất rõ. Thậm chí sau hơn 21 năm sống ở đất nói tiếng Anh, mà vốn liếng của tôi vẫn chỉ ăn đong. Cô Nguyệt biết tôi yếu nhưng có cố gắng, nên cô đã tận tình chỉ bảo tôi khi có dịp hoặc những lần tôi đến thăm cô tại nhà riêng.

Trên đây là đoạn đầu tiên tôi đặt bút viết Giận và Thương trên trang web “Lối Đi Của Nắng” của mình. Khi có dịp cùng các bạn cũ nhắc lại qúy thầy, cô dạy ở HNC; cô Nguyệt là vị thầy (cô) mà tôi luôn luôn nghĩ và nhắc tới đầu tiên.

Tôi không còn nhớ là lần chót tôi đã được gặp lại cô Nguyệt của tôi khi nào. Cho đến đầu năm 2003, tôi đọc được một phóng ảnh thủ bút của cô trong một lá thư cô viết cho các đồng môn HNC ở Việt Nam vào năm 2000. Nhờ vậy cô đã suy luận ra là cô vẫn còn ở VN vào thời kỳ đó. Căn cứ vào phóng ảnh lá thư của cô, tôi đã mầy mò, dọ hỏi tin tức của cô và có bạn cho biết hình như cô đã rời VN sang định cư tại Mỹ vào cuốn năm 2000.

Tháng 9 năm 2005, khi vợ chồng tôi có dịp gặp gỡ các bạn đồng khoá và đồng môn HNC ở Nam Cali, tôi đã hỏi thăm các bạn về tin tức của cô. Có bạn nghĩ rằng cô hiện ở Mỹ và có thể cô đang ở Texas hay New Jersey chứ không ở California.

Đùng một cái, tôi nhận được tin cô Hồ Thị Nguyệt, giáo sư Anh văn trường Gia Long gặp tai nạn giao thông ở vùng Quận Cam. Tin này do một đồng môn đưa lên Diễn Đàn. Sau một số e-mail qua lại, tin tức đã đến rõ hơn, và cô giáo Nguyệt của trường Gia Long đúng là cô Nguyệt của chúng tôi. Cô Nguyệt mới sang định cư ở California được ít năm, vừa gặp tai nạn giao thông khá nặng và hiện đang điều trị tại một nhà thương khu Quận Cam.

Năm 1960, sau khi tốt nghiệp, cô Nguyệt được bổ nhiệm về dạy tại HNC. Có lẽ nhóm chúng tôi là những học trò thực thụ và quỷ quái đầu tiên của cô. Sau 3 niên khoá, cô xin thuyên chuyển về trường nữ trung học Gia long để gần nhà và tránh “lũ quỷ” chúng tôi. Thời gian cô dạy ở HNC tương đối ngắn và do đổi buổi học nên tôi không có dịp gặp lại cô sau niên khoá 61-62. Và như đã kể, tôi không biết tin tức của cô cho đến những năm gần đây, với những tin tức thật ra không được chính xác lắm.

Trong 3 năm cô dạy ở HNC, số môn sinh công chung khoảng trên dưới 500. Ngoại trừ các cậu thật nghịch hoặc thật chăm, có lẽ cô không thể nhớ hết đám học sinh quần xanh áo trắng ngày nào. Và thú thật, nếu tôi có may mắn gặp cô ngay bây giờ, tôi cũng khó nhận ra được cô chứ đừng nói là cô nhận ra mình sau 44 năm thầy trò không gặp nhau.

Tôi còn nhớ những chiều thứ bảy, cùng với một vài bạn đến nhà cô ở đường Hoà Hưng. Có những bữa cô bận nhưng cũng không đuổi chúng tôi về, chỉ bảo chúng tôi ngồi ở “divan” đọc sách, đợi cô xong việc cô sẽ “hỏi tội” chúng tôi. Tội của chúng tôi đây là kiểm điểm lại trong tuần 6 giờ của cô, trong lớp đứa nào đã phá cô, hoặc thậm chí tinh nghịch nhái lại giọng miền Trung êm nhẹ của cô. Khơi tội chúng tôi (may mà chỉ những đứa vắng mặt) xong cô thường kết luận:

- Các trò ngoan hơn mấy bạn nhiều, cần ngoan hơn và học hành chăm chỉ hơn.

Cuối năm 60-61, tôi được cô cho một cuốn sách mà giờ đây tôi không còn nhớ rõ lắm. Hình như đó là cuốn “Cách phát âm Anh ngữ” của một tác giả mà tôi cũng quên luôn. Tôi vốn lười và không có khiếu về ngoại ngữ nên chẳng dùng sách. Mãi cho tới năm đệ tứ, tôi tình cờ dùng một đoạn nhỏ trong cuốn sách này để trả lời thầy Trần văn Điền. Kết quả là được thầy Điền khen tới hai ba lần là chịu khó tìm hiểu … Biết vậy tôi nghiền ngẫm cả cuốn sách cô cho từ vài năm trước.

Biết tin cô gặp tai nạn nhưng không thể vù một cái là tôi có thể đến thăm cô được. Trong suốt thời gian học HNC, tôi đã được thụ huấn bởi nhiều thầy, cô. Gần 40 năm rời trường, tôi mới chỉ có dịp gặp lại một vài thầy cô lúc còn ở Việt Nam. Sau hơn 20 năm ở Úc, khoảng vài năm gần đây tôi mới được gặp lại thầy Hiếu, thầy Cảnh (đã thất lộc), thầy Chiếm và thầy Hoà. Mới đây, tôi được gặp cô Minh trong buổi họp mặt HNC tại Little Saigon. Như vậy đủ thấy việc đi thăm quý thầy cô, thậm chí bạn, đồng môn nhiều khi rất khó dù có thiện chí đến mấy. Người xưa có nó: “Đường đi khó, không khó vì ngăn sông cách núi mà khó vì lòng người ngại núi e sông”. Với chúng tôi lúc này, chúng tôi phải thành thật xin nhận xét: câu nói trên chưa thể áp dụng được.

Cũng trong lần chúng tôi gặp cô Đái Thị Minh tại nhà cô ở Fountaine Valley, cô đã nhắn nhủ: “Cô còn khoẻ, các em đến thăm cô là cô mừng lắm. Lúc nào đó cô già yếu, bệnh tật nằm nhà thương, các em mới đến thăm cô thì cả cô và các em đều không có gì vui mừng đâu” (xin lỗi cô Minh nếu em ghi lại không đúng 100%).

Tin tức mới nhất tôi nhận được tuần rồi: sau 6 tuần nằm ở nhà thương, cô Nguyệt đã trên đường bình phục nhưng vẫn còn tiếp tục phải nằm viện. Ước mong khi những hàng chữ này đến “Net”, cô đã bình phục và trở về nhà.

Đỗ Quang Khanh
1Dec2005

User avatar
tunguyen61
Posts: 10
Joined: Sat Oct 28, 2006 4:20 pm

Post by tunguyen61 »

Đã gần 35 năm, tôi vẫn nhớ cô giáo chủ nhiệm năm lớp 7, và cô giáo dạy môn địa lý năm lớp 8. Các cô hiện đang sống ở Sydney.
Cô chủ nhiệm hiện ở Bankstown, cách nơi tôi ở khoảng 20 phút lái xe. Còn cô dạy địa lý hình như ở Campbletown. Tôi có phone hỏi thăm cô chủ nhiệm một lần. Tôi vẫn hy vọng sẽ có một dịp họp mặt nào đó của các cựu HS HNC với các thầy cô, để gặp lại các cô. Không biết nhân dịp đầu năm sắp đến, các đàn anh HNC có tổ chức những cuộc họp mặt nào không? Tôi nhớ mỗi năm, thường có tổ chức văn nghệ liên trường vào dịp Tết. Thiệt tình tôi chỉ biết khi đọc tin đăng trên báo, chứ chưa bao giờ có cơ hội tham gia.
Nhân đây, em chúc các cô một mùa Giáng sinh thật vui tươi và năm mới dồi dào sức khoẻ, hạnh phúc. Hy vọng các cô sẽ đọc được message này.
Nguyễn Viết Tự
(Cựu HS HNC 72-75)

Post Reply