Chuyện Phiếm

Moderator: dongbui

KhanhVan
Posts: 800
Joined: Sat Dec 11, 2004 6:11 am

Post by KhanhVan »

BẠN NGHĨ THẾ NÀO???? BẠN NGHĨ LÀM SAO???



Từ khi lập quốc cho đến ngày nay, đã có 43 vị Tổng Thống Hoa Kỳ kế tiếp nhau. Vị Tổng Thống Mỹ đầu tiên là ông George Washington, tuyên thệ nhậm chức ngày 30-4-1789; và vị Tổng Thống hiện nay thứ 43 là ông George W. Bush sẽ mãn nhiệm khi có Tân Tổng Thống được bầu cử ngày 04-11-2008 tới đây.


Trong số 43 vị Tổng Thống Hoa Kỳ, Tổng Thống Thứ 16 là Abraham Lincoln đã bị ám sát chết đầu tiên khi đang tại chức. Tổng Thống thứ 35 John Kennedy là vị Tổng Thống Mỹ gần đây nhất đã bị ám sát chết khi đang cầm quyền. Nhìn vào trường hợp hai vị Tổng Thống Mỹ bị ám sát, các nhà nghiên cứu rút ra những điểm trùng hợp ly kỳ như sau đây:


1. Hai vị Tổng Thống đều có tên dài gồm 7 chữ : LINCOLN (7 chữ) = KENNEDY (7 chữ).


2. Lincoln được bầu vào Quốc Hội năm 1846. Kennedy được bầu vào Quốc Hội năm 1946 (đúng 100 năm sau).


3. Lincoln đắc cử Tổng Thống năm 1860. Kennedy đắc cử Tổng Thống năm 1960 (đúng 100 năm sau).


4. TT Lincoln tuyên thệ nhậm chức Tổng Thống Mỹ năm 1861. TT Kennedy tuyên thệ nhậm chức năm 1961.


5. TT Lincoln và TT Kennedy đều là Luật sư chuyên về Dân Quyền (Civil Rights).


6. Cả hai Tổng Thống đều có Phó Tổng Thống trùng tên là Johnson: TT Lincoln có Phó Tổng Thống là Andrew Johnson; TT Kennedy có Phó TT là Lyndon Johnson. Tên của hai ông Phó Tổng Thống nầy đều dài 13 chữ.


7. TT Lincoln và TT Kennedy đều chết trong khi tại chức vì bị ám sát bắn đạn trúng vào đầu và cùng chết vào ngày Thứ Sáu (Friday):


- TT Lincoln bị ám sát tại Rạp Hát Ford's Theatre khi đưa vợ đi xem vở kịch “My American Cousin” và bị kịch sĩ JOHN WILKES BOOTH lẽn vào phòng riêng xem hát của Tổng Thống trên bao-lơn và chỉa súng bắn vào đầu từ phía sau gáy vào ngày 14-4-1865. Ông được đưa đi cấp cứu nhưng đã chết sáng sớm hôm sau ngày Thứ Sáu 15-4-1865.


- TT Kennedy bị tên LEE HARVEY OSWALK bắn lén khi ông cùng với vợ đi xe qua đoạn đường ở thành phố Dallas. Đạn xuyên vào đầu và ông chết ngày Thứ Sáu 22-11-1963 (thiếu 2 năm sẽ đầy 100 năm sau).


8. Cả hai ông đều bị ám sát trước mặt vợ của họ.


9. Thư Ký riêng của TT Lincoln tên là KENNEDY đã khuyên ông không nên đến rạp hát Ford's Theatre vì nguy hiểm nhưng ông vẫn cứ đi và bị ámk sát chết.


10. Ngược lại, Thư Ký riêng của TT Kennedy tên là LINCOLN đã khuyên ông đừng đi Dallas vì nguy hiểm nhưng ông vẫn cứ đi và bị ám sát chết.


11. Sát thủ bắn TT Lincoln tên JOHN WILKES BOOTH sinh 1839, và sát thủ bắn TT Kennedy tên LEE HARVEY OSWALK sinh năm 1939 (100 năm sau) và cả hai cùng có tên dài 15 chữ.


12. Sát thủ bắn TT Lincoln tại Rạp Hát và chạy trốn về một nhà kho ở bắc Virginia và sau đó bị kỵ binh bắn chết chứ không đưa ra tòa án. Trong khi sát thủ ám sát TT Kennedy đã bắn lén từ một nhà kho rồi tẩu thoát chạy trốn về một rạp hát thì bị bắt và bị một người khác giết chứ không được đưa ra tòa án xét xử.


13. Một tuần trước khi bị ám sát, TT Lincoln đã đến dự họp tại thành phố Monroe; trong khi TT Kennedy thì một tuần trước khi bị ám sát đã có cuộc vui chơi với cô đào điện ảnh Marylin Monroe.




www.truyenhinhvietnam.tv,



KhanhVan
Posts: 800
Joined: Sat Dec 11, 2004 6:11 am

Post by KhanhVan »

Đả Đảo Google với Yahoo!


Cáo Phó
Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam
Xóa Đói + Giảm Nghèo + Nuôi Mù + Dưỡng Câm + Trợ Điếc


Mỗ đây họ Tô, nhũ danh Điểm Báo (không họ hàng thân tộc gì với Tô Đông
Pha hay Tô Định, Tô-Bia), gia cảnh độc thân, hộ khẩu Hà Nội, hộ chiếu
công vụ bìa đỏ, địa bàn làm việc khắp nước, thẻ nhà báo gần hết hạn.

Lẽ ra Điểm Báo mỗ đây chẳng nên làm bẩn thêm mắt, chói thêm tai quý
độc giả vốn đã ù, đã rát, đã nhòe, đã háy, đã đầy cứt ghèn, cứt ráy
với biết bao nghị quyết, nghị định, quy chế, quy định, pháp lệnh cùng
sắc lệnh… hàng ngày. Biết rồi! Chỉ toàn là đồng nát, cám lợn, óc bùn
với bã đậu, chẳng đâu ra đâu. Ngày xưa nào có khác gì, nhưng mà, ơn
bác với ơn đảng, cứ theo truyền thống phép tắc gọi dạ với bảo vâng,
thì đố có đứa nào dám tam phân tứ biệt rằng đó là trầm hương hay củi
mục! Thành thử, biết thì cứ biết thế, thông thì mặc thông vậy, nhưng
mà không được nói ra thì lòng đầy dạ đặc, cứ ấm ức, bức xúc, trăn trở,
mất ngủ hàng đêm với từng cơn thở dài kéo thành giông, từng dòng nước
mắt tràn thành lụt… Cứ đà này thì khéo dăm hôm ba bữa nữa là phải lâm
sàng hấp hối mất thôi! Đành tạm cất thẻ báo vào túi áo, nhét sỉ diện
vô túi quần, khấu đầu đúng lễ cúc cung, cúi xin toàn thể quý độc giả
gia ân cho Điểm Báo mỗ đây được giơ tay phát biểu một lần. Một lần là
mãi mãi. Một lần là trăm năm.

Chẳng phải hãnh tiến hay khoe tài, nói giỏi gì, nhưng mà tình thật
Điểm Báo mỗ đây đâu phải thuộc hạng ngu lâu dốt bền hoặc hâm đầu chập
mạch! Nghĩa là cũng cảm, cũng biết, cũng nghiệm rõ, cũng quán triệt ra
rằng đã gần đến lúc chúng ta phải bắt nhịp đồng ca bản nhạc buồn Cuộc
Chia Ly (với) Màu Đỏ: Quý vị chẳng thèm đọc báo nữa thì sá gì cái thân
phận Điểm Báo cực kỳ bèo bọt nhỏ nhoi của bản thân mỗ đây? Biết rồi!
"Đọc một biết trăm" chẳng phải là thần đồng hay đỉnh cao trí tuệ gì
sất, mà nó là truyền thống kỷ luật tự kiểm, tự giác và tự hoạn rất
đáng tự hào của nền báo chí chính thống cách mạng Việt Nam ta. Mà đã
"liếc một tờ biết vài trăm tờ" như thế thì cần quái gì cái mục Điểm
Báo nhi nhô, hay các cái chỉ đạo lăng nhăng của Ban Tuyên giáo nhì
nhằng? Ngay cả thời chủ nghĩa rập rềnh một sọt, tuyên huấn rưng rức
một nia, giang sơn rạt rào một cõi của báo chí cách mạng tiến nhanh
tiến mạnh từ ronéo sang offset 4 màu mà còn vậy, thì huống gì thời
buổi cưỡi chuột chu du thế giới, bấm phím lướt mạng toàn cầu hôm nay?

Mong toàn thể quý độc giả lượng thứ cho: Càng nhắc tới cuộc dâu bể
truyền thông này là Điểm Báo mỗ đây càng bầm gan tím mật, lên máu tợ
lên đồng!

*

Mả cha thằng Google chết tiệt! Mồ tổ thằng Yahoo! mắc toi! Màn sắt
cũng te tua, màn tre cũng rách nát… với chúng bây. Toàn một lũ phản
động cứ kề vai cọ vế mãi với các thế lực thù địch không chân dung mà
lại lắm thần nhiều thế rất đáng voi dày ngựa xé, tru di tám tộc!

Này này! Quân cướp tin trộm chữ Google với Yahoo! tụi bây hãy vén mái
tai, gài mái tóc, chống cửa ngõ cho cao, chặt hàng rào cho thấp mà
nghe cho rõ:

Cao tằng cố tổ, thúc bá đệ huynh, cô dì tỉ muội thằng nào con nào giựt
tin chộp chữ của dàn báo nhà tao. Báo chí nhà tao như hoa hướng dương,
vạn thọ một màu tươi thắm, về nhà chúng mày sẽ thành bụi xương rồng,
mắc cỡ đầy gai. Báo chí nhà tao là Cơ Quan Ngôn Luận, về nhà chúng mày
nó sẽ thành sắt gỉ ve chai. Gai này đâm chúng bây mù mắt. Mảnh chai
cắt chúng bây cụt tay. Chém cha chúng bây! Mấy năm trước đây báo chí
nhà tao còn nhất hô bá ứng, xã luận bén như liềm, quan điểm nặng tợ
búa, vạn khẩu đồng từ, muôn hộ quán triệt… mà nay lũ chuột tụi bây kéo
về nằm cạnh bàn phím, khiến nhân dân đếch thèm ghé sạp, thậm chí cơ
quan trả bằng ngân sách mua báo về tận nơi, trà đặc thuốc lào có sẵn,
mà cũng chẳng ai buồn đọc, lại còn phê sát bình sâu là buồn cười, buồn
ngủ với buồn nôn. Thế, không phải là thời …mạt báo thì là gì?

Mồ tổ đám chuột nhắt lũ bây! Có cạnh tranh gì thì cũng phải nhẩn nha
nhường nhịn bánh ít bánh quy nhau tí chút! Chứ có đâu cứ Google một
phát "Thái Hà" hoặc "Tòa Khâm" là màn hình bật ngay lên mấy chục vạn
kết quả tin bài có liên quan tới đại quan "hàng xén" Nguyễn Thế Thảo
cùng đám côn đồ áo xanh áo rêu phá tượng thánh xây công viên, còn biếu
thêm cái gáy đỏ au bầm máu của thằng Ben AP gì đó? Hoặc giả, Yahoo!
một phát "ỷ lại" hay "tổng diễn tập" là nãy nòi ra hàng vạn bài bản
nhắc đến đại quan "trên về" Phạm Quang Nghị, cộng thêm hàng nghìn bức
ảnh tung chài, cất vó nhấp nhô dập dềnh dợn sóng ngay giữa lòng 36 phố
phường cổ kính phủ đầy cao ốc thân yêu! Kiếm mỗi từ "hàng nóng" là có
ngay hàng đàn hàng đống: cả xuồng, cả thúng, cả ca-nô… Bụp thêm phát
"mưa lịch sử" là màn hình hiển thị ngay cái bản đồ lênh láng không mò
ra đâu là Dâm Đàm Hà Nội, đâu là Nam Hải Trung Hoa, cứ như thử triều
cường từ Vân Nam ba nguồn nhập một tuôn về, khiến nhà nhà nền lỏng cột
long, người người ngồi xổm trên nóc tủ gõ xô mà hát …nhìn xuống đáy
nước đường sâu, xế anh đã chìm đâu? Mồ tổ chúng bây làm ăn thế à? Cả
tin, cả bài, cả hình ảnh, cả thơ biếm, cả cười đểu… tất tật đều đăng
trước báo đài nhà tao, là sao? Bây đăng cho chồng bây sợ, cho vợ bây
kinh. Bây đăng cho ngã miếu sập đình, cho mồ cha tao chết tiệt để một
mình bây đăng, à?

Trước đó nữa là Trường Sa, Hoàng Sa, Tam Sa, rước đuốc Bắc Kinh… Nhấp
chuột tìm mấy từ Điếu Cày, Việt Chiến, PMU-18, PCI, Nexus… là màn hình
nhấp nháy không kịp đọc hàng chục vạn lượt tin, ảnh, thơ, văn, vè,
phiếm, phim, nhạc… Lại còn khuyến mãi thêm cả đoạn băng ghi âm buổi
họp thượng đỉnh của Ban Tuyên giáo trung ương toàn cây vàng lá, toàn
quả chột thui, đồng thanh chỉ đạo về phiên tòa kêu án hai nhà báo
chống tham nhũng tựa hồ chống đảng. Thậm chí còn lòi ra luôn cái công
điện khẩn mật của Ban Tuyên giáo Trung ương chỉ đạo suốt từ bộ Ngoại
giao qua tận bộ 4Tờ để hợp lực xử lý giải Nobel Hòa bình 2008 xa mút
tận Thụy Điển, Na Uy. Toàn loại hàng độc không đào đâu ra trên dàn báo
chính quy, dàn đài chính thống. Rồi còn khoa tay: Không tự hào sao
được, khi cả thế giới này chẳng đâu bằng đây: Bấm phát "y tế" là có
ngay quy định về …giao thông, từ vú lép tới trĩ sa, đủ cả. Lỡ bấm chữ
"Thủ Tướng" thì nó bật ra bàn, đập vào mặt cả nghìn trang cửa hậu 08
với công hàm 58. Lại thử gõ thêm chữ "Doãn", là chúng bây trình làng
dọc ngang trên dưới ra cả bộ danh ngôn toàn tập để đời, lẫn học lực,
hạnh kiểm của các ngài bộ trưởng Doãn Hợp với thứ trưởng Quý Doãn bộ
4Tờ… Chơi vậy sao bền hở thằng cầm cờ vàng đầu ngõ, con cầm cờ đỏ sau
nhà, đứa ở gần mà qua, đứa ở xa mà lại… lũ bây?

Bớ cái bầy chết đâm Yahoo!, cái lũ chết bằm Google kia! Chúng bây chỉ
giỏi một nước đắp đường cho voi chạy. Đã bày ma trận, lại còn cúng
kiến cá chép với ngựa thồ cho tin tặc thong dong. Cả cái dàn dân báo
bloggers hàng triệu tay ngoài luồng trong ngõ đó hiện giờ chẳng phải
đã đăng ký hộ khẩu từ Yahoo!, Google, Wordpress… của lũ bây đó sao?
Chúng nó đã chẳng nhởn nhơ lượn lách đêm ngày trên sân chơi trơn láng
như trượt băng của chúng bây đó sao? Chúng nó đã chẳng phơi bày hàng
họ của lãnh đạo nhà bà từ trong ra ngoài, từ trên xuống duới, từ sau
ra trước, từ ngược tới xuôi đó sao? Chúng nó đã chẳng khiến cho dàn
báo chí nhà bà phải ngoắc ngoải cầm hơi đó sao, hỡi cái bầy chết đâm,
cái lũ chết bằm kia!

Tiên sư chúng bây, bây tưởng ngày nào cũng rình mò tiệm cận hàng rào
nhà bà là bà không biết không hay đấy phỏng? Lãnh đạo bộ 4Tờ nhà bà sẽ
lôi đầu tóm cổ, dí dập chúng mày sắp hàng một đi vào hành lang lề phải
truyền thông xứ này cho lũ bây biết thế nào là tập trung, thế nào là
…chế độ.

Chứ không à? Xưa nay, phàm đã là quan thì chửi trùm chửi lợp chửi xối
chửi xới nhân dân lúc nào chẳng được, ở đâu chẳng được, mấy đứa chẳng
được, thằng nào con nào chẳng được, mà còn bày đặt vẽ vời chữ nghĩa
xúc phạm với mất lòng? Thử không có chúng mày thì làm chó gì quan Tổng
Trấn nhà tao phải nghe lời mấy thằng chết tiệt trinh sát "tự đáy lòng"
mà mặc áo mưa ra đứng ễnh bụng ngoài đê ráo tạnh để diễn tuồng xin lỗi
khơi khơi bốn phương tám hướng? Lại có đứa còn bảo cứ coi như lô an ủi
đi! Nhưng đó là lời xin lỗi về một câu phát ngôn bừa bãi. Có đáng gì
so với cái lỗi Thái Sơn-Trung Nam Hải của trung ương không thông được
cái hệ thống thoát nước, không điều được các ban ngành cứu cấp, khiến
dăm ba triệu nhân dân thủ đô phải chết dở chết thật bởi một cơn mưa?
Có đáng gì so với cái lỗi dự báo khí tượng thủy văn hư hư thực thực mơ
mơ hồ hồ? Có đáng gì so với cái lỗi tày liếp tày đình của hệ thống
thông tin lô nhô lãi nhãi ngày thường mà lại thất thanh bặt tiếng ngày
lũ? Lại còn có kẻ đòi trước khi giải quyết hệ thống thoát lũ phải
thiết kế cho xong hệ thống thoát cùm. Nói thế mà nghe lọt lỗ tai lãnh
đạo ta sao?

Chứ không à? Xưa nay, phàm đã là quan thì muốn phán sao cũng được,
lệnh sao cũng được, đã bảo miệng quan trôn trẻ từ lâu, thì mắc mớ gì
phải thăm dò ý kiến với sờ-vây ý ruồi? Thử không có chúng mày thì cần
quái gì bộ Ê Tí nhà bà phải tự ý tự nguyện cắt giảm phân nửa rồi sau
cùng rút lại toàn bộ cái quy định giao thông trên 80 tiêu chí vừa mới
ban hành?

Bà bảo cho mà đong mà đo mà suy mà gẫm này! Cái lòng tự nguyện với lời
xin lỗi đó rẻ lắm à? Này Google với Yahoo!, bọn bây sinh sau tuổi mọn,
toàn X80 với X90, thì làm cóc gì biết được từ thuở Cải cách Ruộng đất
nửa thế kỷ trước tới giờ nhà nước anh minh quang vinh nhà bà chỉ trả
cái giá cắt cổ mỗ họng đó mới …hai lần? Mà này! Đừng tưởng thế là
nhượng bộ nhượng bè gì nhá. Đó chỉ là giải pháp tình thế nhất thời
thôi. Để rồi coi! Lũ bây sẽ phải xếp hàng một cúi đầu mà đi vào hành
lang bên phải tất tật! Bà không rỗi hơi dọa chay dọa mặn dọa bóng dọa
gió lũ chúng mày đâu! …

*

Ấy chết, mong toàn thể quý độc giả thân mến lượng thứ cho lần nữa.
Điểm Báo mỗ đây chưa kềm được tính nhạy cảm khi nghe nhắc đến hai
thằng tin tặc Google với Yahoo!, cứ y rằng nhồi máu cơ tim, tai biến
mạch não, nên mới lan man dông dài dấm dẳng như thế mà quên mất chủ đề
Cuộc Chia Tay (với) Màu Đỏ. Xin độc giả niệm tình bỏ qua cho. Chẳng
qua chỉ là cơn mắng mỏ hai thằng tin tặc đó một lần cho hả, xong rồi
nghiệm lại câu châm ngôn của một xứ sở thiếu công bằng, phi dân chủ,
kém văn minh nào đó, bảo rằng: "Không thắng nó thì theo nó!".

Chẳng phải rằng than, chẳng phải van! Ở đây chỉ là chút tình thông cảm
sẻ chia, rằng Điểm Báo mỗ đây đã hiểu, đã thông, đã quán triệt được vì
sao chúng ta phải lên xe tiễn nhau đi, chưa bao giờ buồn thế! Báo đã
hết thời thì Điểm Báo còn đâu đất sống? Cho nên, đây là lần đầu mà hẳn
cũng là lần cuối được trần tình trước quan viên trăm họ: Điểm Báo mỗ
đây xin được theo gót ngài Bộ trưởng Lê Huy Ngọ mà tuyên bố từ chức,
để về nhà tìm nick mới, lập blog dung dăng dung dẻ cho khỏe tấm thân,
coi bộ cái lề trái này ngày càng thông thoáng, đông vui, nhộn nhịp.
Gọi là để hiển thị chút lương tâm chưa móm, cũng được. Gọi là tóm cổ
cơ hội để hạ cánh an toàn, cũng chẳng sai. Nhưng, gọi là để làm gương
cho lãnh đạo thì có phần hơi quá đáng, thật tình Điểm Báo mỗ đây không
dám, không dám.

Kể từ hôm nay, Điểm Báo mỗ đây coi như chết.

Thành kính giã từ. Tô gia khấp báo.

Cáo phó này thay thế thiệp tang – Xin miễn phúng điếu.

(Lại biết là đăng báo cũng chẳng ai thèm đọc. Đành phải mượn nhờ lề
đường bên trái của một tay dân báo để trang trải tấm lòng. Đa tạ).



08-11-2008

Blogger Đinh Tấn Lực chấp bút.

KhanhVan
Posts: 800
Joined: Sat Dec 11, 2004 6:11 am

Post by KhanhVan »

THỬ MINH HỌA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM VÀ TÂM
TRẠNG NGƯỜI DÂN QUA 30 NĂM CA DAO


Nguyễn Ngọc Bảo


Việt nam có một ông già
Râu dài, tóc bạc tên là Chí Minh
Ông hay uống rượu một mình
Khi buồn lại rủ Trường Chinh uống cùng
Say sưa ông nói lung tung:
Việt Nam mình sẽ sánh cùng năm châu
- Này ông, chuyện ấy còn lâu!!!


Câu ca dao nêu trên có lẽ được sáng tác và lưu hành tại miền Bắc từ ngày Hồ Chí Minh còn có thể ngồi lai rai uống rượu và ăn nói lung tung, tức là trước cái ngày ông được nhân dân ca tụng bằng hai câu ca dao khác cũng chẳng kém mùi "phản động": "bác Hồ ta thật vẻ vang, đang từ khỏe mạnh chuyển sang… từ trần".
Phải công nhận tác giả câu ca dao tả bác uống rượu, và cả những người góp phần khẩu truyền câu ca dao, quả là trông xa thấy rộng. Ngay từ bốn, năm thập niên trước, khi đảng cộng sản Việt Nam nói riêng và cộng sản quốc tế nói chung đang làm mưa làm gió trên quả địa cầu, những người dân ấy đã đủ sáng suốt để vỗ vai bác, dù là vỗ vai bằng chữ nghĩa, mà bảo bác rằng "Này ông, chuyện ấy còn lâu!".
Quả thật, cho đến hôm nay, dưới sự lãnh đạo của cộng sản, chuyện Việt Nam có thể sánh vai cùng cộng đồng nhân loại vẫn còn lâu, lâu lắm. Trong suốt hơn nửa thế kỷ kể từ ngày cai trị miền Bắc và ba thập niên từ lúc cưỡng chiếm miền Nam, cộng sản Việt Nam đã gieo rắc muôn vàn tang thương cho dân tộc. Biết bao tiếng kêu đau đớn và phẫn uất của nhân dân đã vang lên trong suốt chiều dài lịch sử này. Trong số ấy, nhiều tiếng kêu đã cô đọng thành những câu ca dao thật độc đáo.
Tự ngàn xưa, cổ nhân đã nhận định là muốn tìm hiểu bản chất một chế độ thì chỉ cần xét tinh thần của người dân sống trong chế độ. Tuy nhiên, làm thế nào để biết được tinh thần người dân? Để trả lời câu hỏi, các cụ dậy rằng "dễ lắm, tinh thần người dân luôn luôn được phản ảnh qua thơ và nhạc lưu truyền trong dân gian". Cũng vì vậy mà cụ Khổng đã bảo "thanh âm chí đạo dữ chính thông hỹ", tức là "đạo thanh âm tương thông với chính trị", và cụ nói rõ rằng "thơ nhạc gốc ở tình cảm, mà tình cảm gốc ở chính trị". Từ quan niệm này, cụ đã san định Kinh Thi, gồm hơn ba trăm bài thơ mà đa số là những bài thơ "quốc phong", tức thơ của dân gian, về đời vua Văn nhà Chu (1186 đến 1135 trước Tây Lịch) để mô tả xu hướng chính trị và luân lý của xã hội thời bấy giờ.
Hôm nay, 30 năm sau ngày miền Nam đổi chủ, bắt chước cổ nhân, người viết xin dùng những câu ca dao được lưu truyền tại Việt Nam kể từ biến cố tháng tư năm 75 để minh họa bức tranh xã hội chủ nghĩa và tâm trạng người dân trong suốt 30 năm qua. Trong số những câu ca dao này, có những câu ta thán đầy thê lương ảo não, có những câu trào phúng "bề ngoài cười nụ, bề trong khóc thầm", có những câu châm biếm chua cay, và có cả những tiếng mắng chửi vô cùng hằn học. Có thể nói tất cả những câu ca dao ấy là một hình thức phản kháng, một thứ vũ khí đấu tranh của người dân thấp cổ bé miệng trước sự áp bức của bạo quyền.
Cũng xin nói thêm, người viết rời quê hương trong ngày cuối cùng của cuộc chiến và cho đến hôm nay, sau 30 năm tỵ nạn nơi đất khách, vẫn chưa về thăm lại quê nhà để đi "thực tế" (mượn tạm ngôn từ của cộng sản) một chuyến. Vì vậy, những câu ca dao trích dẫn trong bài là những câu hoặc đã sưu tầm được trên sách báo và trên mạng lưới điện toán, hoặc do những người đã từng sống nhiều năm với cộng sản kể lại khi đến định cư tại xứ người, hoặc do các thân hữu về thăm Việt Nam mang sang làm "quà lưu niệm".
Đến hôm nay, có lẽ những người di tản đợt đầu tiên từ gần 30 năm trước vẫn còn nhớ đôi câu thơ phát xuất tại miền Nam sau ngày Sài Gòn đổi chủ. Vâng, chúng ta đã nghe nhắc đến đôi câu ấy trong những năm tháng đầu xa quê hương. Nghe mà dạ bùi ngùi. Nghe mà lòng chua xót:
Nam Kỳ Khởi Nghĩa tiêu Công Lý
Đồng Khởi vùng lên mất Tự Do
Câu thơ đánh dấu sư kiện, tại Sài Gòn, nhà cầm quyền cộng sản đổi tên đường Công Lý thành Nam Kỳ Khởi Nghĩa và đường Tự Do thành Đồng Khởi. Ở một ý nghĩa khác, công lý đã chết tức tưởi và tự do thì đã vội vã ra đi.
Và đôi câu khác cũng được phổ biến khá rộng rãi trên mọi miền đất nước, từ sông Bến Hải đến tận mũi Cà Mau:
Dép râu dẫm nát đời son trẻ
Nón tai bèo che khuất nẻo tương lai

Đau đớn thay:

Chim xa rừng còn thương cây nhớ cội
Việt Cộng về thành làm tội dân ta
Ba mươi năm bị làm tội làm tình, quãng thời gian dài gấp đôi đoạn đường luân lạc của Thúy Kiều thuở trước. Từ ngày ấy đến hôm nay, bao nhiêu hàng nước mắt đã lăn dài trên gò má người dân cùng khổ.
Đổi tiền và học tập cải tạo
Một thời gian ngắn sau khi tống giam hàng trăm ngàn quân nhân công chức chế độ Việt Nam Cộng Hòa vào cái gọi là trại cải tạo, nhà cầm quyền đã ban lệnh đổi tiền để tước đoạt tài sản người dân miền Nam. Có lẽ những người dân miền Nam từng sống dưới chế độ cộng sản còn nhớ là chỉ trong vòng 10 năm kể từ ngày chiếm miền Nam, cộng sản đã ba lần đổi tiền. Lần thứ nhất vào ngày 2 tháng 9 năm 1975 theo tỷ giá quy định là 500 đồng Việt Nam Cộng Hòa đổi lấy một đồng Giải Phóng, có nghĩa là năm đồng tiền cũ đổi lấy một xu tiền mới. Thêm nữa, mỗi hộ, tức mỗi gia đình, chỉ được đổi tối đa 200 đồng tiền mới, tức 100.000 đồng tiền cũ bất kể hộ có bao nhiêu nhân khẩu. Có nhiều người, ngay sau khi đổi tiền, cầm những tờ giấy bạc mới đứng khóc nức nở, khóc mùi mẫn nơi vệ đường.
Vì vậy, người dân có câu ca dao:
Năm đồng đổi lấy một xu
Thằng khôn đi học, thằng ngu làm thày
"Đi học" ở đây tức là bị học tập cải tạo còn "thày" tức cán bộ cộng sản phụ trách giảng dậy tại các trại cải tạo.
Cả nước thiếu ăn
Sau khi chiếm miền Nam, cộng sản xóa bỏ quyền tư hữu, áp đặt chế độ bao cấp như tại miền Bắc và phát tem phiếu để người dân xếp hàng mua nhu yếu phẩm tại mậu dịch, mà nhu yếu phẩm thì lúc có lúc không. Lúc bấy giờ dân miền Nam mới thấm thía hai câu nhại Kiều của người miền Bắc từ đầu thập niên 60:
Bắt phanh trần phải phanh trần
Cho may ô mới được phần may ô
(nguyên văn: "bắt phong trần phải phong trần, cho thanh cao mới được phần thanh cao").

Từ khi ta có Bác Hồ
Nhân dân chẳng được ăn no ngày nào
Vài tháng sau, vật giá gia tăng một mức khủng khiếp. Rau muống là thức ăn chính của người dân. Có câu ca dao chơi chữ khá độc đáo mô tả tình trạng này:
Lương chồng, lương vợ, lương con
Đi ba buổi chợ chỉ còn lương tâm
Lương tâm đem chặt ra hầm
Với rau muống luộc khen thầm là ngon
Vài tháng sau nữa, lạm phát trở thành "siêu phi mã". Lương tháng trung bình một công nhân viên khoảng 60 đồng tiền mới, chỉ mua được 30 bó rau muống. Người dân bèn réo tên ba lãnh tụ cao cấp nhất của đảng:
Anh Đồng, anh Duẩn, anh Chinh
Ba anh có biết dân tình cho không?
Rau muống nửa bó một đồng
Con ăn bố nhịn, đau lòng thằng dân
Rồi dân không còn đủ gạo để ăn với rau muống vì nhà cầm quyền thu gom gạo để trả nợ chiến tranh. Ngoại trừ những cán bộ trung cấp và cao cấp trong đảng, gần như cả nước đã phải nhai sắn thay cơm:
Ai sinh ra cái củ mì?
Hỏi : Để làm gì? Đáp : Để mà ăn!
Nước nhà mãi mãi khó khăn
Dân mình mãi mãi phải ăn củ mì

Ăn sắn, ăn mì, và đi dự các buổi học tập tại địa phương để hoan hô đảng và đả đảo Mỹ Ngụy là thời biểu bó buộc của người dân miền Nam lúc ấy:
Dân đói mà đảng thì no
Sức đâu ủng hộ, hoan hô suốt ngày
Đảng béo mà dân thì gầy
Độn bắp, độn sắn biết ngày nào thôi?
Chỉ đôi ba năm sau, ngô sắn cũng dần cạn, nhà cầm quyền cầu viện các đàn anh Đông Âu và được đàn anh viện trợ hữu nghị cho một món thực phẩm họ thường dùng cho ngựa ăn. Đó là bo bo, thứ thực phẩm được nhà nước cường điệu gọi là "cao lương". Trong suốt một thời gian dài cả nước vêu mồm ra mà thi nhau nhai thứ cao lương này. Dù có ninh kỹ và nhai kỹ đến đâu thì bo bo vẫn là thứ hạt bao tử con người không thể tiêu hóa nổi, ăn thế nào thì ra thế nấy. Bởi vậy người dân có ca dao rằng:

Hoan hô độc lập tự do
Để cho tớ nhá bo bo sái hàm

và:

Nhân dân thì chẳng cần lo
Nhà nước lo sẵn bo bo mỗi ngày
Hãy chăm tay cấy tay cầy
Nhịn ăn nhịn mặc chờ ngày vinh quang
Khi truyền miệng câu ca dao nêu trên, người dân miền Nam hóm hỉnh đọc trại chữ "l" thành "n" để chế nhạo các cán bộ miền Bắc phát âm sai hai chữ này. Vì vậy câu ca dao bỗng dưng mang một ý nghĩa khá khôi hài:
Nhân dân thì chẳng cần "no"
Nhà nước "no" sẵn bo bo mỗi ngày
Mùa hè năm 1980, nhằm mục đích tuyên truyền, cộng sản Việt Nam đã khẩn cầu Liên Xô cho Phạm Tuân làm "lơ" phi thuyền, tháp tùng phi hành gia Victor Gorbatco trong chuyến bay vào vũ trụ trên con tầu Liên Hợp. Lúc bấy giờ đang đói vêu vì thiếu ăn, nhân dân bèn có câu:

Một thằng lên vũ trụ
Trăm thằng đi Mút Cu (Moscow)
Nghìn thằng chè chén lu bù
Để dân bảy mươi triệu đói thò cu ra ngoài
Có người tức quá nên hoạnh họe:
Nhân dân thiếu gạo thiếu mì
Mày vào vũ trụ làm gì hở Tuân???
Và người khác thực tế hơn:
Ai lên vũ trụ thì lên
Còn tôi ở lại ghi tên mua mì
.... còn tiếp....



Image

KhanhVan
Posts: 800
Joined: Sat Dec 11, 2004 6:11 am

Post by KhanhVan »

... tiếp theo...

Thiếu mặc


Tình hình miền Nam trong những năm đầu tiên bị chiếm đóng thật thê thảm. Người dân đã không đủ ăn thì làm sao đủ mặc. Mỗi năm, một người chỉ được mua vài thước vải xấu theo giá chính thức từ mậu dịch. Bởi vậy, dân gian có câu ca dao cười ra nước mắt:

Một năm hai thước vải thô
Nếu đem may áo cụ Hồ ló ra
May áo thì hở lá đa
Chị em thiếu vải hóa ra lõa lồ
Vội đem cất ảnh bác Hồ
Sợ rằng bác thấy tô hô bác thèm

và :

Có áo mà chẳng có quần
Lấy gì hạnh phúc hỡi dân cụ Hồ?
Có đói mà chẳng có no
Lấy gì độc lập, tự do hỡi người?
Thiếu đủ thứ

Trong chế độ xã hội chủ nghĩa Việt Nam, không những người dân thiếu ăn thiếu mặc mà là thiếu đủ thứ, từ các nhu yếu phẩm cho đến tự do và hạnh phúc:
Ở với Hồ Chí Minh
Cây đinh phải đăng ký
Trái bí cũng sắp hàng
Khoai lang cần tem phiếu
Thuốc điếu phải mua bông
Lấy chồng nên cai đẻ
Bán lẻ chạy công an
Lang thang đi cải tạo
Hết gạo ăn bo bo
Học trò không có tập
Độc Lập với Tự Do
Nằm co mà Hạnh Phúc!
Tuy đã biến cả nước thành một nhà tù khổng lồ, đảng vẫn hạn chế sự đi lại của người dân. Muốn đi từ tỉnh này sang tỉnh khác, người dân phải xin giấy phép của chính quyền địa phương:

Mang danh Dân Chủ Cộng Hòa
Đi ra khỏi tỉnh phải qua cửa quyền
Xuất trình giấy phép liên miên
Chứng từ thị thực ở miền nào qua
Tình trạng này đã phát sinh một bài ca dao trào phúng, được phổ biến trên khắp các miền đất nước:
Trăm năm trong cõi người ta
Ở đâu cũng được đi ra đi vào
Xa xôi như xứ Bồ Đào
Người ta cũng được đi vào đi ra
Đen đủi như Ăng Gô La
Người ta cũng được đi ra đi vào
Chậm tiến như ở nước Lào
Người ta cũng được đi vào đi ra
Chỉ riêng có ở nước ta
Người ta không được đi ra đi vào
Trong những nạn nhân của chế độ, có cả những cựu cán binh cộng sản đã hưu trí, đặc biệt là những cán bộ tập kết miền Nam. Đó là những múi chanh đã bị đảng vắt hết nước. Vì vậy, văn học dân gian có câu:

Đầu đường đại tá vá xe
Cuối đường trung tá bán chè đậu đen
Giữa đường thiếu tá rao kem
Có những người còn ở trong hoàn cảnh nghiệt ngã hơn:
Ngày xưa chống Mỹ chống Tây
Ngày nay chống gậy ăn mày áo cơm
Kinh tế mới và thanh niên xung phong
Với sự hiểu biết thiển cận về kinh tế cộng thêm một ý thức hệ bệnh hoạn, năm 1976, các lãnh tụ của đảng cho thành lập những khu kinh tế mới tại những vùng rừng thiêng nước độc. Chỉ nội trong một năm, nhà cầm quyền đã đày khoảng 1,4 triệu người dân miền Nam đến sinh sống tại những khu hoang vu này, trong số đó có 700.000 dân Sài Gòn, hầu hết thuộc gia đình quân nhân, công chức chế độ Việt Nam Cộng Hòa. Bài ca dao dưới đây thuật lại hoàn cảnh đau lòng của những người bị lưu đày lúc bấy giờ:

Đuổi dân ra khỏi cửa nhà
Bắt đi kinh tế thật là xót xa
Không sao sống được cho qua
Nên đành lại phải trở ra Sài Gòn
Chẳng ai giúp đỡ chăm nom
Cùng nhau vất vưởng, lom khom vỉa hè
Màn sương chiếu đất phủ che
Sinh ra bệnh tật khò khè ốm đau
Nhưng mà có sống được đâu
Bộ đội kéo đến hàng xâu xúc liền
Chúng đem bỏ tại Tam Biên
Rừng sâu núi thẳm oan khiên buộc vào
Sáu ngàn nhân mạng năm nào
Thảy đều chết đói, biết bao nhục hình
Tháng 3 năm 1976, nhà cầm quyền phát động phong trào thanh niên xung phong để cưỡng ép sinh viên học sinh về miền quê công tác, chủ yếu là đào kinh. Có một câu ca dao khá ngộ nghĩnh, được truyền bá trong các đoàn thanh niên xung phong miền Nam lúc bấy giờ. Câu ca dao tuy mắng mỏ tổng thống Nguyễn Văn Thiệu nhưng gói ghém sự tiếc nuối những ngày tháng cũ:

Mồ cha thằng Thiệu rời dinh
Để tao ở lại đào kinh mỗi ngày

Chuyện dài Hợp Tác Xã

Với chính sách kinh tế xã hội chủ nghĩa, cộng sản đã truất quyền tư hữu đất đai và các phương tiện sản xuất khỏi tay nông dân qua hình thức hợp tác xã tập thể. Qua hình thức này, nhà nước kiểm soát việc phân phối thực phẩm bằng cách thu mua và ấn định thuế khóa.
Câu chuyện nêu sau biểu lộ sự vô trách nhiệm của giới lãnh đạo đảng:
Vào thập niên 1990, nhà nước thúc dục người dân, nhất là dân miền Trung, bỏ trồng lúa để trồng mía làm đường. Tuy nhiên, sau khi ông Fidel Castro đến thăm Việt Nam, các nhà lãnh đạo đảng hứa giúp Cuba bằng cách nhập khẩu đường mía nước này vào thị trường Việt Nam. Sau đó, nhà nước thực hiện lời hứa, nhập khẩu đường Cuba suốt mấy năm liền. Hậu quả là nông dân trồng mía bị sạt nghiệp vì số mía thu hoạch phải bán tống bán tháo hoặc vứt bỏ. Vì vậy, người dân phẫn uất truyền miệng bài ca dao sau:

Bắt trồng mà chẳng thu mua
Tại sao đảng nỡ dối lừa nhân dân?
Tiền cầy, tiền giống, tiền phân
Một trăm thứ thuế đổ thân gầy gò
Dân đói mà đảng thì no
Kêu trời, kêu đất, kêu Hồ chí Minh!

Không những chỉ bị lỗ nặng vì trồng mía, người nông dân còn bị lao đao nhiều lần khác vì phải nghe lời nhà nước:

Trồng mía, trồng ớt, trồng hành
Vì nghe lời đảng mà thành bể niêu
Trồng tiêu rồi lại trồng điều
Vì nghe lời đảng mà niêu tan tành
Năm 1992, trong một bài viết tố cáo những sai lầm của cộng sản Việt Nam, thượng tọa Thích Quảng Độ thuật lại một câu chuyện thú vị ngài đã chứng kiến trong thời gian 10 năm bị quản thúc tại xã Vũ Đoài, tỉnh Thái Bình, từ 1982 đến 1992. Lúc bấy giờ, các cụ già tại địa phương này bị xung vào đội trồng cây của hợp tác xã để trồng cây lấy điểm, cứ trồng năm cây thì được một điểm, đủ để đổi lấy một lạng thóc. Khổ nỗi các cụ tuổi cao, sức kém, đã trồng không kỹ lại thiếu chăm sóc vì "cha chung không ai khóc", nên cây trồng chỉ vài tuần sau là úa héo. Các em bé chăn trâu cho hợp tác xã mới làm vè trêu các cụ:

Hoan hô các cụ trồng cây
Mười cây chết chín, một cây gật gù
Nghe các cháu trêu, các cụ bèn phản pháo lại:
Các cháu có mắt như mù
Mười cây chết tiệt, gật gù ở đâu?
Chỉ một thời gian ngắn sau, hai câu đối đáp hài hước nêu trên đã trở thành ca dao thời đại mới.
Ấy thế mà cứ vài ba tháng, đảng lại phát động chiến dịch thi đua cho các hợp tác xã và thúc dục người dân làm việc bằng hai bằng ba theo lời khuyên của ông Hồ từ những ngày còn chiến tranh. Người dân bực quá nên có câu:

Thi đua làm việc bằng hai
Để cho cán bộ mua đài mua xe
Thi đua làm việc bằng ba
Để cho cán bộ xây nhà lát sân
Có người còn nhạo báng:


Thi đua ta quyết tiến lên
Tiến lên ta quyết tiến lên hàng đầu
Hàng đầu... rồi... tiến... về... đâu?
Nhiều phụ nữ đã từng trải qua lắm gian nan, khổ cực với hợp tác xã mà chẳng "ăn cái giải rút gì", tức quá bèn văng tục:
Đi làm hợp tác hợp te
Không đủ miếng giẻ mà che cái l..

Xã hội bất công


Điều nghịch lý là trong xã hội chủ nghĩa, một mặt đảng tuyên bố đấu tranh cho công bằng xã hội thì mặt khác, các nhà lãnh đạo lại tự cho mình hưởng những quyền lợi đặc biệt. Tại Hà Nội, người dân chua chát truyền khẩu những câu ca dao sau:

Tôn Đản là chợ vua, quan
Vân Hồ là chợ những gian, nịnh thần
Đồng Xuân là chợ thương nhân
Vỉa hè là chợ "nhân dân anh hùng"
...còn tiếp.....
Image

KhanhVan
Posts: 800
Joined: Sat Dec 11, 2004 6:11 am

Post by KhanhVan »

...tiếp theo....


Lãnh đạo giả dối

Có thể nói, trong hơn 50 năm qua, cộng sản Việt Nam cai trị đất nước bằng các thủ đoạn lừa bịp và dối trá. Trong một bài viết với nhan đề Nhật Ký Rồng Rắn được phổ biến ra hải ngoại đầu năm 2001, ông Trần Độ, cựu trung tướng quân đội Nhân Dân của cộng sản, đã tố cáo thủ đoạn này qua những lời lẽ sau:
"Nói thì 'dân chủ, vì dân' mà làm thì chuyên chính phát xít. Cái đặc điểm đó cũng có nghĩa là nói dối, nói láo, lừa bịp, trò hề, 'nói vậy mà không phải vậy'.
Suốt ngày đóng trò, cả năm đóng trò. Ở đâu cũng thấy các vai hề, ở đâu cũng thấy các trò lừa bịp. Suốt ngày đêm, suốt năm tháng cũng lúc nào cũng chỉ nghe thấy những lời nói dối, nói lừa.
Chế độ này bắt mọi người phải đóng trò, bắt tất cả trẻ con phải đóng trò, bắt nhiều người già phải đóng trò
Đặc điểm này đã góp phần quyết định vào việc tạo ra và hình thành một xã hội dối lừa: lãnh đạo dối lừa, đảng dối lừa".
Tại Việt Nam, một trong những cơ quan mang tiếng nhất về chuyện có nói thành không, không nói ra có là nha khí tượng:

Bảo nắng mà trời lại mưa
Mấy thằng khí tượng đoán bừa hại tao
Trời làm một trận mưa rào
Mấy thằng khí tượng làm tao ướt rồi
Ấy thế mà theo người dân, nghệ thuật nói khoác của nha khí tượng còn kém xa những lãnh tụ cộng sản. Dưới triều đại Lê Duẩn, người có bí danh "Anh Ba", thì kẻ đoạt quán quân về nói khoác lại chính là đồng chí tổng bí thư. Vì vậy, dân gian phát sinh ra câu ví von:

Thứ nhất anh Ba, nhì Nha Khí Tượng Câu ca dao thời đại sau đây đã nói lên bản chất dối trá và hợm hĩnh của đảng :

Mất mùa là bởi thiên tai
Được mùa là bởi thiên tài đảng ta
Bỏ nước ra đi

Có thể nói người Việt Nam là người vô cùng quyến luyến với quê cha đất tổ. Tuy nhiên, khi miền Nam bị đặt dưới sự cai trị của cộng sản, hàng triệu người dân đã buộc lòng phải bỏ nước ra đi. Chồng lìa vợ, con xa mẹ xa cha. Trong những năm tháng ấy, kể sao cho xiết những đau đớn của sinh ly, của "lệ rơi thấm đá".

Thuở trước, kho tàng ca dao của dân tộc có câu:
Có con mà gả chồng gần
Có bát canh cần nó cũng mang qua
Có con mà gả chồng xa
Một là mất giỗ, hai là mất con
Khi phong trào vượt biên bùng nổ vào cuối thập niên 1970, dân miền Nam đã cải biên bài ca dao nêu trên thành những câu thật dí dỏm:

Có con mà gả chồng gần
Nửa đêm xe đạp mang phần cho cha
Có con mà gả chồng xa
Tháng tháng nó gửi đô la kìn kìn
Lúc bấy giờ, người dân bảo nhau câu "cái cột đèn nếu nó biết đi, nó cũng vượt biên, chứ đừng nói con người". Đâu đâu, người ta cũng bàn về chuyện vượt biên. Ngay cả những cặp tình nhân, hôm nay còn gặp nhau, nhưng ngày mai có thể sẽ ngàn trùng cách biệt. Có một câu ca dao khá văn chương diễn tả tâm trạng của những kẻ yêu nhau thuở ấy:

Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên
Giang phong ngư hỏa đối sầu miên
Canh khuya thao thức mạn thuyền
Biết người quân tử vượt biên chốn nào?
Đất nước tang thương, kẻ ở người đi, lòng người ly tán, tất cả tội lỗi dĩ nhiên phát xuất từ bác Hồ, như câu ca dao thời đại:

Bác Hồ chết phải giờ trùng
Nên bầy con cháu dở khùng dở điên
Thằng tỉnh thì đã vượt biên
Những đứa ở lại chẳng điên cũng khùng
Đổi mới

Trước cảnh suy thoái trầm trọng sau nhiều năm rập khuôn một cách máy móc mô hình xã hội chủ nghĩa theo Liên Xô; nên để sống còn, đại hội VI của đảng năm 1986 phải đưa ra chính sách đổi mới, bãi bỏ chế độ bao cấp, và chấp nhận một nền kinh tế nhiều thành phần. Kinh tế thì hô hào đổi mới nhưng chính trị thì dĩ nhiên vẫn là chuyện độc quyền của đảng. Cụm từ "kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa" bỗng một sớm một chiều được phát sinh.
Lúc bấy giờ Đỗ Mười là tổng bí thư đảng, Lê Đức Anh là chủ tịch nước, còn Võ Văn Kiệt là thủ tướng. Vì vậy, người dân kháo nhau rằng:

Ông Anh, ông Kiệt, ông Mười
Dở khóc, dở cười biết chọn ông nao?
Ông nào, ông nảo, ông nao
Một đồng một cốt làm sao bây giờ?
"Cửa mở", phải có giấy tờ
"Đổi mới" nhìn lại vẫn thờ mấy ông
Đèn cù cứ chạy lòng vòng
Dân chủ cái còng, độc lập đói ăn
Hạnh phúc chú cuội cung trăng!
Tham nhũng

Trong lịch sử nhân loại, độc tài về chính trị bao giờ cũng sinh ra tham nhũng. Trước kia niềm mơ ước của một công dân xã hội chủ nghĩa là làm thế nào để đạt được 4Đ, tức là được vào "đảng", để có thể ký cóp những khoản hối lộ cỏn con mà tậu một chiếc xe "đạp", một cái "đài" (radio), và một "đồng hồ" đeo tay (đảng, đạp, đài, đồng). Tuy nhiên, chỉ vài năm sau đổi mới, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa dẫn đến sự tham nhũng công khai khiến các đảng viên đang nắm quyền trở thành giới tư bản đỏ với tài sản lên đến hàng triệu mỹ kim. Vì vậy, dân mình có những câu ca dao:

Công nhân, vợ ốm con côi
Lãnh đạo nhà gác, xe hơi bộn bề
Bao giờ cho hết trò hề?

và:

Nhà ai giàu bằng nhà cán bộ?
Hộ nào sang bằng hộ đảng viên?
Dân tình thất đảo bát điên
Đảng viên mặc sức vung tiền vui chơi
Tuy sở hữu những tài sản kếch sù trong lúc quần chúng còn thiếu cơm thiếu áo, các đảng viên cầm quyền vẫn tiếp tục lải nhải điệp khúc "nhân dân là chủ, đảng là đầy tớ". Nghe câu ví con này, các "ông chủ" bèn sôi máu lên mà sáng tác bốn câu ca dao sau:

Ai về qua tỉnh Nam Hà
Xem lũ đầy tớ xây nhà bê tông.
Tớ ơi, mày có biết không?
Chúng ông làm chủ mà không bằng mày!
Trước đổi mới, các "ngài đầy tớ" thường chỉ nhận một "thù lao" (hối lộ) khá khiêm nhượng từ những "ông chủ" (rất nghèo). Chẳng hạn như đối với các cán bộ điện lực, điều kiện để các ông mắc điện cho các gia đình ở nông thôn nhiều khi chỉ là một buổi tiệc nhậu có thịt gà thịt lợn:

Muốn cho điện sáng về nhà
Ruột lợn ruột gà phải nối đến nơi
Tuy nhiên, sau đổi mới, các đảng viên cầm quyền khôn ra, chỉ nhận hối lộ bằng các phong bì nhè nhẹ. Bởi vậy dân gian có ca dao rằng:

Phong lan, phong chức, phong bì
Trong ba thứ ấy, thứ gì quý hơn?
Phong lan ngắm mãi cũng buồn
Phong chức thì phải cúi luồn vào ra
Chỉ còn cái phong thứ ba
Mở ra thơm nức, cả nhà cùng vui
Đối với các ông thanh tra của đảng, mỗi khi đến làm việc ở cơ quan hoặc địa phương nào mà được trao tay một chiếc phong bì thì các ông sẽ biến mọi thứ tiêu cực thành tích cực ngay. Chứng kiến tệ trạng này, người dân bèn sáng tác hai câu ca dao với cách chơi chữ cả Việt lẫn Anh đầy nghệ thuật:

Thanh "cha", thanh mẹ, thanh gì?
Hễ có phong bì thì nó "thanh kiu" (thank you)
Năm 1996, một tờ báo phát hành tại Đà Nẵng đã "in chui" được hai câu ca dao sau đây để nói lên bản chất đảng cộng sản trong thời kỳ đổi mới:

Đảng ta là đảng thần tiên
Đa lô thì được, đa nguyên thì đừng.
Khi nói lái, "thần tiên" là "thân tiền" và "đa lô" thành "đô la". Quả là hai câu độc đáo.
Hiện nay, nấc thang giá trị trong xã hội Việt Nam được định đoạt bởi đồng tiền như bài vè được lưu truyền trong dân gian từ nhiều năm qua:

Tiền là Tiên là Phật
Là sức bật con ngưòi
Là nụ cười tuổi trẻ
Là sức khỏe ngưới già
Là cái đà danh vọng
Là cái lọng che thân
Là cán cân công lý
Đồng tiền là… hết ý!
Một chuyện khá khôi hài nói lên tính tráo trở của người cộng sản là trước kia, nhà cầm quyền kết án người vượt biên là Việt gian, là phản bội tổ quốc. Dân vượt biên bị bắt là bị tống vào nhà giam, hoặc bị đầy vào trại cải tạo. Thậm chí, có người còn bị công an xử bắn ngay tại nơi bị bắt. Tuy nhiên, sau đổi mới, đảng đã tha thiết mời gọi Việt kiều về du lịch và bỏ vốn đầu tư tại Việt Nam. Không những thế, đảng còn ví von đồng bào hải ngoại là khúc ruột ngoài ngàn dặm của tổ quốc. Trước sự đổi trắng thay đen này, dân gian bèn có câu:

Ngày đi, đảng gọi "Việt gian"
Ngày về thì đảng chuyển sang "Việt kiều"
Chưa đi: phản động trăm chiều
Đi rồi: thành khúc ruột yêu ngàn trùng
Song song với việc chiêu dụ Việt kiều, đảng ngày càng tỏ thái đô lấy lòng Hoa Kỳ để được hưởng lợi lộc kinh tế. Tháng 11 năm 2000, khi nhà nước đang tất bật "lo ngày không đủ tranh thủ lo đêm" để "chiêu đãi" tổng thống Clinton và phái đoàn Hoa Kỳ trong chuyến viếng thăm Việt Nam thì người dân rỉ tai nhau rằng:

Ngày xưa chửi Mỹ hơn người
Ngày nay nịnh Mỹ chẳng ai bằng mình

...còn tiếp.....

KhanhVan
Posts: 800
Joined: Sat Dec 11, 2004 6:11 am

Post by KhanhVan »

...tiêp theo...


Xã hội xuống cấp

Có thể nói sách lược kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa đã soi mòn truyền thống đạo đức của dân tộc một cách trầm trọng. Năm 1996, bà Nguyễn Thị Hằng, thứ trưởng bộ Lao Động, Thương Binh và Xã Hội cho biết cả nước có ít nhất 76.900 gái mại dâm. Tuy nhiên, cũng trong năm ấy, theo lời một viên chức cao cấp trong đảng tiết lộ với báo chí ngoại quốc thì chỉ riêng tại Sài Gòn đã có khoảng 300.000 phụ nữ hành nghề không vốn này, vượt xa số thống kê chính thức của giới cầm quyền. Đến nay, đã gần 9 năm trôi qua, số gái mại dâm tại Việt Nam có lẽ còn tăng cao nhiều hơn nữa?
Trong những năm qua, ca dao tân thời của xã hội chủ nghĩa không hiếm những câu tương tự như câu tả cảnh bến Ninh Kiều ở Cần Thơ như sau:


Chiều chiều trên bến Ninh Kiều
Dưới chân tượng bác, đĩ nhiều hơn dân
Nếu trước năm 1975 tại miền Nam chỉ có một loại dịch vụ "ôm" là bia ôm xuất hiện lác đác một cách bất hợp pháp tại một vài thành phố lớn, thì hiện nay nhan nhản trên khắp các nẻo đường đất nước, ngoài bia ôm, người dân có thể thưởng thức đủ thứ dịch vụ "ôm" hợp với túi tiền từng người như cà phê ôm, chè ôm, cháo ôm, phở ôm, sổ xố ôm, hớt tóc ôm, tắm ôm, xem video ôm, ngủ ôm, câu cá ôm, v.v. Thậm chí có nhiều tiệm may còn tặng thêm món hàng đo quần áo ôm cho các đấng mày râu.
Tuy nhiên, bia ôm vẫn là dịch vụ phổ biến nhất, như câu ca dao nêu sau, nghe đồn được phát xuất từ một quán bia ôm gần Văn Miếu ở Hà Nội, nơi đặt những tấm bia đá khắc tên các ông nghè, tức tiến sĩ thuở xưa:

Trăm năm bia đá cũng mòn
Bia chai cũng vỡ, chỉ còn bia ôm
Nền giáo dục thì xuống cấp một cách thê thảm. Đây là điều hiển nhiên vì nhà giáo là những người bị hất hủi đến cùng cực trong cái gọi là xã hội chủ nghĩa:
Thày giáo lãnh lương ba đồng
Làm sao sống nổi mà không đi thồ
Nhiều thày phải đạp xích lô
Làm sao xây dựng tiền đồ học sinh
và thê thảm hơn:
Cô giáo phải bán bia ôm
Ôm phải học trò, ăn nói sao đây?


Điều đau xót và tủi nhục nhất của dân tộc trong những năm gần đây là dưới sự cai trị của những bộ óc "ưu việt, đỉnh cao trí tuệ", nhiều phụ nữ miền Nam phải chấp thuận lấy người ngoại quốc, hầu hết là người Đài Loan và Nam Hàn, để có thể thoát cảnh đói nghèo. Tại xứ người, đa số bị đối xử như những nô lệ tình dục. Chứng kiến cảnh đau lòng này, các chàng trai đất Việt đành bùi ngùi than thở:

Tiếc thay cây quế còn soan
Để cho đám mọi Đài Loan nó trèo




Tìm em như thể tìm chim
Chim bay biển Bắc, anh tìm biển Đông
Tìm chi cho phải mất công
Đài Loan, Hàn Quốc em dông mất rồi


Châm biếm và chỉ trích lãnh tụ


Là nạn nhân của sự cai trị bạo tàn, người dân, nhất là dân miền Nam, đã phải cậy đến một thứ khí giới đặc biệt để chống lại kẻ mạnh là thi ca trào phúng. Trong suốt 30 năm, nhiều lãnh tụ cộng sản đã trở thành đối tượng để nhân dân "xả xú bắp" bằng ca dao châm biếm. Trong những ông này, ngoại trừ ông Hồ, ba ông bị nhắc đến nhiều nhất là tổng bí thư Lê Duẩn, chủ tịch quốc hội Trường Chinh, và thủ tướng Phạm Văn Đồng, tức những người lãnh đạo cao nhất của đảng trong 10 năm đầu tiên kể từ khi miền Nam thất thủ, thời kỳ bị xem là đen tối nhất của lịch sử dân tộc cận đại.
Với ông Hồ, có khi ca dao là một bài châm biếm về khả năng lãnh đạo:

Trách ai sinh thứ họ Hồ
Để cho cả nước như đồ vất đi

Có khi là một bài mỉa mai về tư cách và đạo đức, như chuyện bác "ăn ốc" xong rồi bắt đàn em "đổ vỏ":

Bác Hồ đại trí, đại hiền
Chơi Minh Khai chán, gá liền Hồng Phong
Minh Khai phận gái chữ tòng
Bác Hồ sái nhất, Hồng Phong sái nhì
Còn về ba ông Đồng, Duẩn, Chinh thì thoạt đầu là những lời tố cáo như:
Ông Đồng, ông Duẩn, ông Chinh
Vì ba ông ấy, dân mình lầm than
Rồi đến sự căm phẫn:

Trường Chinh, Lê Duẩn, Văn Đồng
Cả ba đồng lòng giết chết con tôi

Cuối cùng là niềm mơ ước:

Trường Chinh, Lê Duẩn, Văn Đồng
Ba thằng cùng béo, vặt lông thằng nào?
- Vặt lông cả đám cho tao!
Có một chuyện khá khôi hài xẩy ra trong nội bộ đảng cộng sản vào năm1983. Lúc bấy giờ đại tướng Võ Nguyên Giáp bị phe Lê Duẩn và Lê Đức Thọ làm nhục, tước hết binh quyền và giao nhiệm vụ phụ trách "sinh đẻ có kế hoạch". Trước hoàn cảnh dở khóc dở cười của đại tướng, người dân có câu ca dao chế diễu:
Ngày xưa đại tướng cầm quân
Ngay nay đại tướng cầm quần chị em
Còn những chị em… vui tính hơn thì khúc khích rỉ tai nhau mà bảo rằng:
Khi xưa trấn thủ lưu đồn
Bây giờ đại tướng bịt l.. chúng em
Cuối tháng 6 năm 1991, đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của đảng bầu ông Đỗ Mười làm tổng bí thư và cử ra một ban chấp hành trung ương đảng gồm 146 ủy viên. Sau đại hội, có mấy ông công dân rỗi việc, mò mẫm sưu tra lý lịch của 146 ngài đỉnh cao trí tuệ này thì cả nước mới hay chỉ 10 phần trăm đạt được thành tích vẻ vang là đã hoàn tất bậc trung học. Đặc biệt, đồng chí tổng bí thư thì hoặc tự bỏ học hoặc bị đuổi học từ năm lớp ba. Bởi vậy, dân gian có câu ca dao khen đồng chí rằng:
Giỏi a đồng chí Đỗ Mười
Lớp ba chưa đỗ đã ngồi bí thư
Một trong những thành tích đáng tủi hổ của cộng sản Việt là ồ ạt xuất khẩu nhân công sang làm lao động tại xứ người vì không tạo nổi công ăn việc làm cho người dân. Chỉ trong năm 2004, nhà cầm quyền đã đưa gần 70.000 người dân đi làm thuê tại các nước ngoài, hầu hết đến Đài Loan, Nam Hàn, và Mã Lai là những nước có nền kinh tế còn kém Việt Nam thời chưa bị họa cộng sản ở nửa thế kỷ trước. Tại những xí nghiệp thuộc những nước này, người nhân công Việt Nam bị đối xử như những nô lệ của thời đại mới. Dân gian bèn có câu châm biếm:


Vẻ vang thay lãnh tụ ta
Đem dân xuất khẩu bán ra nước ngoài
So sánh với thực dân Pháp thuở xưa, đảng cộng sản Việt Nam hôm nay tệ hại hơn nhiều về thành tích bóc lột nhân dân và chiếm đoạt tài nguyên đất nước:
Ngày xưa giặc Pháp mộ phu
Ngày nay đảng bán dân ngu lấy tiền
Đảng ta là đảng cầm quyền
Đảng bán ruộng đất lấy tiền đảng tiêu

KhanhVan
Posts: 800
Joined: Sat Dec 11, 2004 6:11 am

Post by KhanhVan »

Không những thế, để bảo đảm chiếc ghế lãnh đạo, những ông lớn của đảng còn đang tâm nhượng một phần lãnh thổ quốc gia cho Trung Quốc. Điển hình là các hòn đảo thuộc quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, cùng một giải đất rộng lớn bao gồm ải Nam Quan và thác Bản Giốc ở cực Bắc nước ta. Các câu ca dao nêu sau nói lên lòng phẫn uất của nhân dân trước sự kiện này:
Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa
Cúi đầu dâng đảo Trường Sa cho Tầu
và:
Tiên sư cộng sản Việt Nam
Cuối đời bán cả giang san nước nhà


Tương lai về đâu?

Nhiều người Việt ở hải ngoại từng về thăm quê hương trong những năm gần đây cho rằng Việt Nam đã tiến một bước khá dài kể từ đổi mới, và ánh sáng ngày một sáng hơn ở cuối đường hầm. Tuy nhiên, đây chỉ là một nhận định phiến diện căn cứ trên sự phát triển tại các thành phố lớn. Đồng ý là trong gần hai thập niên qua, sau khi cộng sản trả lại phần nào quyền tư hữu cho người dân và chấp nhận tự do kinh doanh có giới hạn, nền kinh tế đã tăng trưởng khoảng bẩy, tám phần trăm mỗi năm. Con số này quả là to lớn với những nước đã phát triển nhưng không thể gọi là đáng khích lệ đối với những nước đang cố vươn lên từ nền kinh tế lạc hậu và đang sở hữu một khối lượng nhân công quá rẻ so với những quốc gia khác. Ngoài ra, phần lớn sự phát triển hiện nay bắt nguồn từ khoản "viện trợ" của "khúc ruột ngoài ngàn dặm", tức số tiền các Việt kiều gửi về cho thân nhân và đầu tư ở Việt Nam, cũng như tiêu pha trong các chuyến về thăm quê hương. Con số này đã lên đến hơn ba tỉ mỹ kim trong năm 2004.
Thêm nữa, điều đáng nói là tại Việt Nam, tài sản quốc gia không được phân chia đồng đều vì hầu hết ở trong tay các cán bộ cao cấp và giới tư bản đỏ liên minh kinh tế với họ. Đại đa số nhân dân, nhất là những người ở nông thôn, còn thiếu ăn thiếu mặc một cách trầm trọng. Nước ta bị sa vào vòng luẩn quẩn không lối thoát. Có quyền thì có tiền và khi có tiền thì giữ được quyền. Điều nghịch lý là vài thập niên sau khi vỗ ngực huênh hoang là đã tiêu diệt được chế độ phong kiến, thì ngày hôm nay, cộng sản đã biến xã hội Việt Nam trở nên phong kiến hơn bất cứ giai đoạn nào trong lịch sử. Đau đớn nhất là dưới sự cai trị của đảng, tham nhũng đã dần dần trở thành một giá trị tiêu cực của nền văn hóa dân tộc, một tệ trạng không phải một sớm một chiều có thể diệt trừ, kể cả khi chế độ cộng sản đã cáo chung.
Dưới ngọn cờ chỉ đạo xã hội chủ nghĩa, Việt Nam sẽ đi về đâu? Người dân sẽ ấm no hơn chăng, sẽ hạnh phúc hơn chăng? Bốn, năm thập niên về trước, dân gian đã vỗ vai ông Hồ mà bảo "này ông, chuyện ấy còn lâu". Câu nói ấy vẫn chính xác và sẽ còn chính xác cho đến ngày nào Việt Nam còn bị đặt dưới sự cai trị của cộng sản. Chẳng tin, cứ hỏi ông Lê Nin thì biết.
Ơ hay, sao lại có chuyện Lê Nin ở đây? Ông ấy đã "đang từ khỏe mạnh chuyển sang từ trần" từ hơn tám thập niên rồi cơ mà!
Câu chuyện như sau:
Năm 1985, cộng sản Việt Nam cho xây tượng đài Lê Nin cao đến 5,2 thước trong công viên Chi Lăng, gần quảng trường Ba Đình, tại Hà Nội. Ngay sau khi tượng được khánh thành, người dân Hà Nội có bài ca dao nhại theo lời một bài vè ca tụng Lê Nin của thi nô Tố Hữu. Bài ca dao của nhân dân như sau:

Ông Lê Nin ở nước Nga
Sao ông lại đến vườn hoa nước này?
Ông ưỡn ngực, ông chỉ tay
Ông xem như thể nước này của ông
Ít lâu sau, cộng sản Liên Xô sụp đổ, người dân bèn "hồ hởi" đọc cho nhau nghe bản hiệu đính của bài ca dao trên. Mỗi lần đọc xong lại cùng cười hô hố một cách cực kỳ… phản động:
Lê Nin quê ở nước Nga
Cớ sao lại đứng vườn hoa nước này?
Ông vênh mặt, ông chỉ tay:
- Tự do, hạnh phúc lũ mày còn xa
Kìa xem gương của nước Nga
Bẩy mươi năm lẻ có ra đếch gì!
Đấy, ông Lê Nin nói đấy: "tự do, hạnh phúc lũ mày còn xa". Quả là hơn sáu thập niên sau khi chết, đến ngày cộng sản Liên Xô tan rã, ông Lê Nin mới sáng mắt ra.
Ngày hôm nay, gần hết tháng giêng năm 2005, tin tức từ bên nhà cho biết dịch cúm gà đã tái bùng nổ tại 23 tỉnh. Đúng một năm trước, bệnh dịch này đã hoành hành trên khắp đất nước khiến nhiều người thiệt mạng. Ngay sau khi dịch gà lắng đọng thì dịch heo lại bộc phát tại miền Nam gây biết bao thiệt hại cho dân nghèo. Trước sự kiện này, người dân đã khẩu truyền cho nhau một câu ca dao thật đặc sắc:

Dịch heo nối tiếp dịch gà
Bao giờ dịch đảng cho bà con vui
Bao giờ thì bà con mới được vui? Căn cứ vào một câu ca dao thuộc loại sấm truyền được lưu hành trong dân gian từ vài thập niên trước thì ngày ấy không còn xa lắm đâu:
Bao giờ Hồ cạn, Đồng khô
Chinh rơi, Giáp rách, cơ đồ mới yên
Xét về khía cạnh nghệ thuật, câu sấm truyền quả là đắt giá vì "hồ", "đồng", "chinh", và "giáp" hiểu theo nghĩa đen là "ao hồ", "đồng ruộng", "cái chiêng" và "áo giáp". Theo nghĩa bóng thì bao giờ các Việt gian Hồ Chí Minh, Việt gian Phạm Văn Đồng, Việt gian Trường Chinh, và Việt gian Võ Nguyên Giáp về chầu ông tổ Mác thì bà con cả nước mới có thể an vui. Đến nay, trong số này chỉ còn ông Giáp, nhưng đại tướng nhà ta đã 94 tuổi, như ngọn đèn dầu leo lét trước gió, có muốn "cầm quần chị em" như thuở trước thì cũng chẳng còn đủ sức mà cầm. Cái ngày "Giáp rách" chắc chắn sẽ xẩy đến chỉ trong nay mai.
Trong kho tàng văn chương truyền khẩu Việt Nam, đa số những câu ca dao được truyền đến hôm nay là những câu hoặc gói ghém tình cảm con người, nhất là tình yêu nam nữ, hoặc ca ngợi hình ảnh đất nước. Rất ít câu ta thán về sự bạo ngược của chế độ cũng như chỉ trích và châm biếm giới cầm quyền như những câu ca dao thời xã hội chủ nghĩa. Điều này chứng tỏ cộng sản là chế độ gây nhiều tang thương nhất cho dân tộc chúng ta kể từ ngày lập quốc.
Tuy nhiên, khi lật bất cứ tác phẩm sưu tầm ca dao nào được xuất bản tại Việt Nam trong 30 năm qua, chúng ta không bao giờ bắt gặp những câu mang nội dung tương tự những câu trích dẫn trong bài này. Những câu ca dao thời hiện đại được đăng trong những tác phẩm ấy là những câu ca tụng bác và đảng, ca tụng cuộc kháng chiến chống Pháp, và cuộc chiến chống Mỹ Ngụy. Dĩ nhiên, những câu này được sáng tác bởi lũ bồi bút của chế độ. Vì vậy, ngoài sự hiện diện trong tác phẩm, chúng không hề được lưu truyền trong dân gian. Đây là một lừa bịp trâng tráo của đảng và lũ bồi bút.
Một thí dụ điển hình là năm 1977, ông Vũ Ngọc Phan hoàn tất việc sưu tập và trước tác quyển "Tục ngữ, ca dao, dân ca Việt Nam", trong đó có bao gồm phần "Ca dao chống Mỹ cứu nước", với nhiều câu vè ca ngợi bác và đảng, dài đến 40 trang sách. Tác phẩm này đã được nhà cầm quyền cho in đến 10 lần tính đến năm 1994. Tuy nhiên, với bản tính lương thiện hiếm thấy so với những người cầm bút khác đã và đang phục vụ chế độ, ông Vũ Ngọc Phan đã cẩn thận ghi tên tác giả của từng bài vè trong phần chống Mỹ cứu nước. Là một học giả thành danh từ đầu thập niên 40, dĩ nhiên ông thừa hiểu ca dao là một bài thơ ngắn (thường là lục bát) từ hai câu trở lên do một người làm ra, rồi qua miệng từng người, dần dần được sửa đổi (một cách ngẫu nhiên) cho đến khi được hoàn chỉnh, tức khi đã phản ảnh đích thực được tâm lý quần chúng. Như vậy, tác giả của ca dao chính là dân gian. Một bài thơ hay vè có ghi tên tác giả không thể là một bài ca dao. Có lẽ tuy hiểu như vậy, nhưng ông Vũ Ngọc Phan vẫn phải bao gồm những bài vè này trong phần ca dao chống Mỹ để thỏa mãn yêu cầu của những người lãnh đạo đảng.
Người viết hy vọng rằng ở một thời điểm không xa, sẽ có những vị thiết tha với văn hóa dân tộc bỏ công san định các câu ca dao đã lưu hành trong suốt thời gian Việt Nam bị đặt dưới ách cộng sản để ghi lại trong những tác phẩm xuất bản tại hải ngoại. Những câu ca dao "ngoài luồng" này mới thực sự có giá trị về cả hai phương diện văn học và lịch sử. Mai sau, khi đọc những tác phẩm ấy, những thế hệ tương lai có thể phần nào hiểu được nỗi khổ đau cha ông họ đã phải gánh chịu, để họ có cơ hội được làm người. Những tác phẩm ấy cũng sẽ khiến các nhà cầm quyền (không cộng sản) sau này phải đắn đo hơn khi cai trị đất nước, nếu không muốn trở thành "ngàn năm bia miệng" như những người cầm quyền trong năm thập niên qua.
Và, cuối cùng, người viết cũng hy vọng rằng những thế hệ tương lai ấy, họ sẽ không phải khổ sở đánh vật với miếng cơm manh áo như cha ông chúng bây giờ, họ cũng không phải đón nhận, không phải truyền đi những câu ca dao có những giọt lệ đau xót ẩn dấu trong tiếng cười, như những câu ca dao đăng trong bài viết.
Những thế hệ tương lai ấy, họ sẽ có thời giờ, nhiều thời giờ là khác, để đọc những câu ca dao thắm thiết tình cảm của dân tộc, họ sẽ rung động (đến xúc động) khi bắt gặp những câu như "Đá mòn nhưng dạ chẳng mòn, Tào Khê nước chẩy vẫn còn trơ trơ".
Và họ sẽ cảm thấy yêu dân tộc hơn, yêu quê huơng hơn: yêu nồng nàn và tha thiết.



Nguyễn Ngọc Bảo

KhanhVan
Posts: 800
Joined: Sat Dec 11, 2004 6:11 am

Post by KhanhVan »

PHIẾM TO và NHỎ Việt Nam ! 1 đất nước nhỏ, trong đất nước rất nhỏ đó có một cái thủ đô
rất to. Trong cái thủ đô rất to này có những con đường rất nhỏ. Bên
những con đường rất nhỏ lại có những ngôi biệt thự rất to Trong những
ngôi biệt thự rất to có những cô vợ nhỏ. Những cô vợ nhỏ dành cho các
ông quan to. Những ông quan to đeo những cái cặp rất nhỏ, trong những
cái cặp rất nhỏ thường có những dự án rất to. Những dự án rất to nhưng
hiệu quả lại rất nhỏ. Hiệu quả rất nhỏ nhưng thất thoát thì rất to ,
những thất thoát đó thường được coi là những lỗi rất nhỏ.....


Rằng hay thì cũng là hay .
Đọc xong thấm thía đắng cay dân mình .
Tuy xa xứ còn lưu tình .
Đồng bào ruột thịt khổ hình tham quan .

Hàn Sỹ đất khách.


KhanhVan
Posts: 800
Joined: Sat Dec 11, 2004 6:11 am

Post by KhanhVan »

Messages gửi anh Khiêu Long - Anh Toàn Năng. Cùng mấy anh HNC trông nom Diễn Đàn HNC.Net
Các anh làm ơn không cho anh
PHU - DE làm việc -ra vô - trả lời Diễn Đàn trong một thời gian ngắn. Đủ để anh ấy tịnh dưỡng con măt. KV đã THỬ...BẪY..anh ấy bằng cách gửi lên D/Đ tấm Card get Well...Ông CỤ...vào trả lời ngay..

12 giờ đêm thứ năm Vancouver - Canada - vợ chồng KV try to phone
Anh PHU - DE ở ÚC từ 9 giờ tối cho đến 12 giờ đêm, vẫn không gặp. Tính "Mắng - La " anh ấy một trận tơi bời hoa lá... vì cái tội không dưỡng sức - bảo vệ con mắt - còn đang đau - nhức - xưng và ngưá mà còn viết chữ nhỏ để trả lời với lại cám ơn....

Nhất là anh Toàn Năng hiện ở gần anh Phu De nhất Làm ơn phôn..nhắc nhở anh ấy luôn luôn...dùm cái. Bộ Anh Phu De tính làm Văn Vỹ luôn hay sao dzậy?? KV cám ơn các anh trước. Happy Holidays.

Image

KhanhVan
Posts: 800
Joined: Sat Dec 11, 2004 6:11 am

Post by KhanhVan »

Luận chử Tử
(trong vị thuốc Đông Y !!!)



Người có đầy đủ phúc đức mà chết trong bồn tắm gọi là Phúc Bồn Tử
Lúc nào cũng sống trong kỷ niệm mà chết gọi là Kỷ Tử
Ăn thịt thỏ bị ngộ độc mà chết là Thỏ Ty Tử
Lên xuống những vùng kinh thượng sức yếu mà chết gọi là Mạn Kinh Tử
Bá Tước chết gọi là Bá Tử Nhân
Chết vì kim khí gọi là Kim Anh Tử
Ði kinh lý vùng biên giới mà chết gọi Kinh Giới Tử
Chết vì áp lực là Áp Cước Tử
Anh Em chết cùng nhau gọi là Anh Tử Túc
Chết trắng xác là Bạch Giới Tử
Ði câu mà chết là Câu Kỷ Tử
Ăn xài chi tiêu nhiều đến chết là Chi Tử
Bị đánh mà không chết là Ðả Bất Tử
Chết ở ngoài biển rộng gọi là Ðại Hải Tử
Ði du lịch ăn cam mà chết là Du Cam Tử
Bị cơn gió mạnh thổi chết là Da-.i Phong Tử
Chết vì bị la hét là La Bặc Tử
Chết rồi sống lại là Miễn Tử
Bị cây đè mà chế là Mộc Biết Tử
Làm thơ ngẫu hứng mà chết là Ngẫu Tử
Ðang ngũ mà chết rồi được linh thiêng là Ngũ Linh Tử
Bị hỏa tiễn nổ chết là Nỗ Tiễn Tử
Chọc phá thiên hạ khi chết gọi là Phá Cốt Tử
Ăn ngũ vị hương mà chết gọi là Ngũ Vị Tử


Trần Trọng Nhân
(sưu tầm ???)

Post Reply