Chuyện Tào Lao

Moderator: dongbui

User avatar
linhgia
Posts: 1308
Joined: Fri Dec 03, 2004 9:30 am

Chuyện Tào Lao

Post by linhgia »

TÌNH MUỘN VẪN LÀ TÌNH


Bác sĩ Nguyễn Ý ĐỨC



Mỗi khi khi đi khám bệnh, bác Minh rất thích nói chuyện với bác sĩ. Hết chuyện bệnh tật, bác chuyển sang chuyện chính trị, chuyện quê hương đất nước, chuyện cộng đồng. Gặp được ông thầy thuốc vui tính, lại nhằm vào ngày vắng khách, hai người đủ chuyện nhỏ to. Chuyện vãn xong, bác lấy toa thuốc thơ thới ra về.

Đến nhà, bà Minh hỏi ông có kể cho bác sĩ cái chuyện mà mình vẫn thắc mắc không, thì bác cười trừ, đáp: định nói nhưng thấy kỳ quá. Bác lại thầm trách cái ông thầy thuốc, chẳng chịu hỏi mình về vấn đề đó để mình được trút bầu tâm sự.

Chẳng là từ mấy tháng nay, bác lơ là trong bổn phận đàn ông, không thấy có cảm hứng như trước. Mà bác đâu đã già gì cho cam. Tuổi Ất Hợi, năm nay mới ngoài sáu chục. Nhiều lúc, bác cứ cho là mình có tuổi thì nó phải vậy, cũng là tự nhiên thôi. Nhưng nhìn sang hàng xóm, thấy anh Bẩy Tùng, 68 tuổi mà mới cưới bà vợ còn sung sức ra phết. Thế là bác gái lại càng nhắc nhở chồng đi khám xem tại sao. Cho ra lẽ.

Quan niệm về vấn đề tình dục ở người già.

Trường hợp bác Minh đây cũng là trường hợp của nhiều vị cao tuổi, thắc mắc mà cứ ngại ngùng không nói. Việc ái ân phòng the vẫn được coi là riêng tư, chẳng nên hỏi hoặc kể với ai.

Những ý nghĩ không có thật về nhu cầu và khả năng ái ân của người cao tuổi đã quá phổ biến không những trong dân chúng, mà ngay cả trong y giới, chuyên môn. Nào là nỗi ham muốn và sự hấp dẫn tình dục giảm đi với số tuổi tăng. Nào là khi về già, cơ thể không còn nhu cầu đòi hỏi hoặc nhu cầu đáp ứng dục tính, làm như là tới tuổi này thì "thôi là hết, chia ly từ đây" với chuyện gối chăn. Lại còn được răn đe rằng, già màrồi còn ái ân thì có hại cho sức khỏe, mệt tim; rằng già rồi mà còn bầy đặt yêu đương, bầy trẻ chúng cười cho. Hoặc những lời nói khôi hài về các cụ cao niên "hết xí quách", "xụm bà chè" khi đề cập đến vấn đề tình dục. Y giới chuyên môn một thời đã không được huấn luyện nên họ cảm thấy bối rối khi đề cập tới vấn đề này. Cũng đã có những thời gian mà chuyện tình dục của người già không được nhắc tới. Truyền hình, sách báo chỉ nhắm vào sự trẻ trung, hấp dẫn, đầy sinh khí của lứa tuổi chưa già. Tài liệu về đời sống tình ái ngưỡi cao tuổi rất ít . Ngay trong cả ngàn trang nghiên cứu tình dục của Kinsey hay Masters & Johnson, cũng chỉ dành có vài trang để đề cập tới vấn đề này.

Ngày nay, vấn đề tình dục của người cao tuổi đã được lưu tâm hơn, sự thảo luận cũng dễ dàng, tự nhiên , cởi mở hơn. Một phần quan trọng trong đời sống của lớp tuổi này đã được chăm lo, cung ứng thỏa đáng .

Trong những lúc trà dư, tửu hậu với mấy vị vong niên, một vài thắc mắc tình trường được mang ra để mạn đàm. Chúng tôi thấy cũng có phần lý thú nên xin chia xẻ cùng hải nội chư niên trưởng. Và cũng mong quý niên trưởng nam nữ cho những người muốn an hưởng tuổi vàng được lãnh hội kinh nghiệm bản thân trong các vấn đề của tuổi hạc, đặc biệt câu chuyện ái ân hôm nay .

Tới tuổi nào thì tình dục của con người giảm hay mất đi ?

Nhiều chuyên viên về vấn đề hấp dẫn giới tính đều đồng ý là sự đòi hỏi và khả năng hành động tình dục của con người tồn tại suốt đời, trừ khi bị bệnh hoạn. Hoặc theo quan niệm cũ xưa, tự cho là khi về già mình sẽ hết tình.

Từ năm 1926, Raymond Pearl đã nhận ra rằng 4% những người tuổi từ 70 tới 79 đều làm tình ba ngày một lần, 9% thì mỗi tuần một lần.

Theo nghiên cứu của Alfred Kinsey vào năm 1948 và 1953 thì số những lần giao hợp của nam giới giảm dần, nhưng đa số đều giữ được khả năng tình dục tới tuổi 70, 80; còn ở nữ giới thì không có thay đổi mấy với tuổi già.

Master & Johnson, một cơ quan có uy tín về vấn đề tình dục, cũng có cùng nhận định như A. Kinsey: đời sống tình dục ở người cao tuổi vẫn mạnh cho tới tuổi 80 hay hơn nữa, mặc dù nó sẽ thưa thớt dần và không vũ bão như lúc còn trẻ.

Ta biết rằng tình dục mạnh nhất vào tuổi 18, 20. Thống kê cho hay ở tuổi này, họ có thể yêu nhau một tuần 3, 4 lần, đến lúc 40 tuổi thì 2 lần rồi một tuần một lần, cho tới tuổi 60, 70 thì khi này khi khác, nhưng không mất hẳn.

Có người đã ví làm tình như đi xe đạp: đã biết đi xe đạp thì chẳng bao giờ quên được, ngoại trừ không có xe mà đi hoặc xe đổi kiểu. Đang đi xe ghi đông cao, mà đổi sang xe cuốc, xe đua, thì phải thích nghi với kiểu xe mới. Chỉ có một điều khác là, ngược lại với động tác làm tình, ta phải bơm bánh xe bẹp trước khi cưỡi nó. Còn làm tình thì cưỡi lên xe rối mới bơm.

Năm 1981, Starr và Wiener nghiên cứu về tính dục của 800 người trên 60 tuổi, đưa ra kết quả như sau: 99% trả lời vẫn còn muốn có tình dục; 62% nói khi nhìn hình ảnh gợi tình thì cũng động lòng cao hứng; 75 % thấy đời sống tình dục tốt đẹp hơn lúc trung niên vì không phải lo lắng gì; 88% than phiền là chưa bao giờ được chỉ dẫn về tính dục lúc còn bé.

Theo bác sĩ Domeena C. Renshaw, giáo sư Thần Kinh Tâm Trí trường Đại học Y khoa Loyola, Chicago, thì đời sống tình dục của con người tồn tại cho tới khi chết và không có gì là bất thường khi bệnh nhân cần sự giúp đỡ về vấn đề này.

Còn GS Fran E Kaiser, chuyên khoa người già của đại học St Louis, cho rằng: "Thật là kỳ thị người cao tuổi khi gọi họ là già dịch chỉ vì họ tiếp tục muốn có đời sống tình dục" .

Năm 2000, phụ trang Parade đã thực hiện vịêc thăm dò về đời sống tình ái của những vị lớn tuổi: 40% quý vị trên 75 tuổi trả lời còn rất sung mãn về vấn đề này; 45% nói vẫn còn tận hưởng lạc thú làm tình.

Kinh Cựu Ước có ghi: "Moses chết vào tuổi 120 mà nhãn quan vẫn tinh tường, khả năng tình dục không giảm ."

Tục ngữ, ca dao ta có câu

"Gìa thì già tóc già tai;

Già răng già lợi, đồ chơi không già" hoặc

" Càng già, càng dẻo, càng dai .

Càng gẫy chân chõng, càng sai chân giường."



Vậy thì khi về già có những thay đổi gì không? như là về cơ quan sinh dục, khả năng làm tình .

Khi về già, tất cả các cơ quan, bộ phận trong cơ thể đều thay đổi, không nhiều thì ít, cả về cấu tạo lẫn chức năng. Cơ quan sinh dục cũng chịu cùng số phận.

1-Trước ết xin liếc mắt nhìn qua sự thay đổi ở nữ giới.

Khi sanh ra, trong noãn sào có chừng 1 triệu rưởi noãn cầu. Tới khi 40, 50 tuổi chỉ còn khoảng 11,000. Mỗi lần có kinh, một noãn cầu được đẩy ra để làm công việc nối dõi tông đường, nếu may mắn được hội ngộ với chú tinh trùng.

Khi tắt kinh, vào tuổi 45, 50, thì người đàn bà hết khả năng cao quý này, đồng thời noãn sào cũng ngưng sản xuất kích thích tố estrogen. Estrogen rất cần thiết cho sự nẩy nở, cho chức năng của bộ phận sinh dục và hành động tình ái. Hậu quả là âm đạo thu ngắn, không đàn hồi, mỏng hơn, và trở nên khô vì tuyến nhờn bớt hoạt động. Âm vật nhỏ laị, nhũ hoa mềm nhũn, nhăn nheo, teo tóp. Âm mao lưa thưa, cứng. Đại và tiểu âm thần vừa nhăn vưà mỏng vì mất tế bào mỡ . Quý bà có những triệu chứng như bồn chồn, lo sợ, bẳn tính, buồn phiền, kém ăn, kém ngủ, nhức đầu, mặt bốc nóng phừng phừng.

Về phương diện sinh lý, ta phân biệt hai sự việc :

a- Khả năng đáp ứng tình dục : Trong giai đoạn này, sự khơi gợi để có kích thích nhiệt tình và nhờn ướt âm bộ chậm xuất hiện; âm thần và tử cung không vươn lên; thời gian cực khoái mau hết; tử cung đã ít co bóp lại còn gây đau. Thủ thuật kích âm vật cần được sử dụng lâu hơn để gây nguồn cảm hứng.

b- Sự háo hức, quan tâm tới tình dục : Liệu những thay đổi sinh học trên có ảnh hưởng gì tới sự quan tâm tình dục không?

Câu trả lời rất phấn khởi là KHÔNG. Nhiều nghiên cứu còn chứng minh là quý bà càng quan tâm thích thú hơn, nhất là ở lứa tuổi từ 69 tới 76 mà lại có chồng. Đôi khi cũng có sự không thích thú nhưng hầu hết do lòng mình hững hờ trước thái độ hay vóc dáng của đối tượng. Góa phụ thường ít hứng thú hơn người có chồng. Mà khi vì lý do nào đó người chồng lại lạnh nhạt trong việc gối chăn thì vợ cũng bị lạnh cảm theo.

Nói chung chung thì sự hóa già chỉ làm mất khả năng sinh con nhưng vẫn tôn trọng khả năng yêu đương xác thịt của các bà.

2-Ở nam giới, sự thay đổi nhẹ nhàng hơn : khả năng sinh sản chỉ giảm chứ không mất vì tinh trùng tiếp tục được sản xuất với số lượng ít và vẫn thụ tinh được. John J. Medina kể trường hợp một lão niên đã được chứng nhận là sanh con cuối cùng lúc 94 tuổi. Thực là lão bạng sinh châu.

Tinh dịch, chế biến ở nhiếp hộ tuyến, bớt khối lượng. Nam kích thích tố ít, nhưng sự giảm thiểu này không ảnh hưởng gì tới khả năng giao hợp. Lão nhân sẽ cần nhiều thời gian hơn để có cương dương, (bốn món ăn chơi tha hồ được biểu diễn ), đồng thời nó cũng mau mềm; thời kỳ bình ổn lâu, sự xuất tinh chậm lại ( âu yếm, vuốt ve nhau kéo dài ); tột đỉnh vu sơn lâu được một, hai giây với vòi tinh khí ít và yếu. Muốn có cương dương trở lại, phải chờ cả mấy tiếng đồng hồ .

Như vậy, tình muộn không những vẫn là tình mà còn trưởng thành, kinh nghiệm. Nó thân thiết hơn trong cảm giác, khơi động hơn trong mơn trớn. Hai người như thư thả hơn, kiên nhẫn cho nhau, chia sẻ cảm giác cho nhau.

Tình yêu bây giờ không phải chỉ là số lần, là sự lên mau, vào sâu, mà là sự trang trọng lẫn nhau, sự thắm thiết cam kết với nhau. Nó không vội vàng, hối hả như ở cặp vợ chồng trẻ, quá bận rộn, nên chỉ chiếu lệ, cho xong. Nó không bị gián đoạn bởi tiếng đập cửa kêu " Mẹ ơi, thằng Vinh nó ăn cục kẹo của con ." Nó cũng không mang một thoáng ưu tư về tăng nhân số không dự trù trong gia đình.

Càng sống lâu với nhau, càng yêu nhau thì giao hợp sẽ là một nhu cầu để diễn đạt sự cần thiết nhau, sự chia sẻ với nhau, sự làm vừa lòng nhau. Nó không phải là một cuộc thi đua mà phải quan tâm đến tài nghệ diễn xuất hay sức mạnh tráng niên. Nó ngả nhiều về phẩm chất hơn là số đếm.

Và, có thể như Alex Comfort, tác giả cuốn The Joy of Sex, lạm bàn là chậm lên, lâu ra có khi tốt vì "chạy chậm đỡ tốn săng" (more miles per gallon). Laị không tốn tiền mua mắt dê, tam tinh hải cẩu, bổ thận hoàn.

Hơn nữa:

" Nghiã đã thâm sâu càng thắm thiết;

Tình tuy chay tịnh, đỡ tơi bời." Ông Già Bách Độc .



Tôi nghe nói đàn ông hay bị bất lực, sự bất lực này có liên hệ gì tới tuổi cao không ?

Sự bất lực mà ta thường nói tới, chủ yếu là tình trạng không cương cuả dương cụ, mà văn hoa ra, ta gọi là Rối Loạn Cương Dương (LCD). Đấy là mức độ cương của dương cụ không đáp ứng được nhu cầu vào sâu và kéo dài thỏa đáng động tác giao hợp.

Sự cương là do kết quả phối hợp giữa dục vọng, một hóa chất (Cyclic GMP) ,hệ thần kinh và huyết quản.

Bình thường, khi có khêu gọi, tín hiệu thần kinh khiến tiết ra hóa chất GMP có tác dụng làm giãn mở cơ thịt ở dương cụ, máu động mạch tràn ngập cơ quan này làm nó cương lên, ép vào tĩnh mạch, ngăn sự thất thoát máu. Hậu qủa là dương cụ tiếp tục cương cho tới sau khi giao hợp, xuất tinh.

Ở người Loạn Cương Dương, cơ thịt của dương cụ không giãn nở tới mức chặn được sự thoát máu vì thiếu hoá chất kể trên, nên cơ quan mềm nhũn. Một số người lâu lâu mới bị, một số khác thì thường xuyên gặp trở ngại . Trên nước Mỹ, có cả hơn ba chục triệu người mắc chứng quỷ quái này. Việt Nam ta chắc cũng có khá nhiều.

Bất cứ nguyên nhân nào làm suy yếu mạch máu đều có thể gây ra rối loạn này.

a-Nguy cơ thông thường nhất là do tác dụng phụ của một vài loại dược phẩm trị bệnh cao huyết áp, kinh phong, thần kinh tâm trí, thuốc ngủ, thuốc đau bao tử.

b- Rồi đến tác dụng của rượu, cần sa, ma tuý;

c- Biến chứng một số bệnh như tiểu đường, cao huyết áp.

d-Tâm thần bất an, không tập trung, buồn phiền, mặc cảm là mình kém tuyệt chiêu hoặc bị đối tượng coi nhẹ tài năng, cũng gây trở ngại cương dương.

e- Giải phẫu nhiếp tuyến gây tổn thương cho dây thần kinh điều khiển sự cương cứng.

Sự lão hoá không phải là thủ phạm củaLoạn Cương Dương vì tình dục không có " ngày hết hạn dùng " (Expiration date) như dược liệu, thực phẩm.Cũng không có mốt cũ mốt xưa như quần áo, trang sức. Và chẳng bao giờ có cương khi mà không có kích với thủ thuật, hương thơm, dáng yêu, lời ngọt của người nằm kế bên...

Trước đây, giới cao niên ít quan tâm tới việc tìm thầy chữa chạy, một phần vì tin rằng mình gìa thì nó cũng già, phần khác nghĩ rằng chẳng có thuốc tiên.

Ngày nay, đã có nhiều tiến bộ trong việc điều trị Loạn Cương Dương, đồng thời y giới cũng chú tâm hơn đến nhu cầu của người già. Giải phẫu, cơ phận, thuốc chích, thuốc nhét, thuốc uống...chẳng thiếu gì. Sự xuất hiện của Viagra, Levista, Cialis đã mang lại nhiều nguồn cảm hứng, với, "lão ông uống, lão bà khen".

Mà nếu quý vị chê tây y nóng, thì ta lại trở về, bảo tồn văn hóa dân tộc, với mấy toa thuốc gia truyền của tiền nhân, biết đâu chẳng hào hùng nhất dạ, lục giao, hoặc đêm bẩy, ngày ba, vào ra không kể ...



Thế ông có điều gì nhắn nhủ mấy mụ già này không ?

Làm sao chúng tôi dám lơ là với mấy bà chị, vì quên thì thất lễ mà cũng ngại cảnh ngủ ngoài phòng khách, ăn khoai mì thay cơm . Trước hết xin mừng quý bà chị là, tới một tuổi nào đó, sau nhiều lần mang nặng đẻ đau, chăm lo cho con cái, thì tạo hóa cũng thương tình cất cho quý vị cái trách nhiệm góp phần nối dõi tông đường. Nhưng vẫn ban cho mấy bà chị niềm vui tận hưởng sự khoái lạc của tình dục. Cho tới những năm khi, vừa lau chùi răng, vừa ngậm ô mai. Và, mái tóc đầu tháng lương thì đen, mà cuối tháng trở lại muối tiêu ( vì chưa kịp nhuộm).

Khoái lạc này cũng không thay đổi dù dạ con, buồng trứng đã từ giã bà chị ra đi. Duy có điều kích thích tố estrogen được sản xuất ít nên một vài thay đổi trong cơ thể làm giảm vẻ duyên dáng của bà chị.

Gò má bớt đầy, da nhăn nheo và khô, mí mắt sưng. Ngực không những đã không no tròn, mà còn chẩy xệ xuống vì mỡ mềm đã thế chỗ của tế bào tuyến vú. Mỡ cũng chen vào vùng bụng, mông, cổ, bắp chân,tay.

Các thay đổi này nói vậy cũng chẳng ăn nhằm gì. Chồng vẫn yêu, ta vẫn du dương. Vả lại thẩm mỹ bây giờ nó "hiện đại" lắm, bà chị ạ : năm nhăm, sáu chục đổi ra đôi tám, hai mươi mấy hồi.

Cơ quan nghiên cứu Masters & Johnson cũng như Kinsey đều quả quyết là nếu quý bà có đời sống tình dục tốt đẹp trong thời kỳ mầu mỡ sanh đẻ thì khi tắt kinh, sẽ không có gián đọan trong quan hệ hưởng thú yêu đương. Có điều là ở giai đoạn này, quý bà cần sự chu đáo, sự kiên nhẫn, thông cảm hơn của đức lang quân để sớm phát hiện nhiệt tình tham gia.



Vài bà chị thắc mắc là mình tuổi cao mà thích nuôi kép nhí, liệu có hại gì không?

Về thể xác chắc chắn không sao vì sức chịu đựng dẻo dai của nữ giới, cố gắng một chút cũng bắt kịp vào nhịp điệu của tráng niên.

Nhưng sợ là có những không hòa đồng về tính tình, lối sống, nên ta cần cân nhắc động lực thương yêu. Có phải vì chân tình hay phúc lợi kinh tế, ưu tiên xã hội. Điểm này được nêu ra là vì, theo kết qủa nghiên cứu củaDuke University, vào một tương lai gần đây, 3 trong 4 bà vợ sẽ trở thành góa vì trẻ hơn chồng lại thọ hơn chồng, việc kiếm bạn đồng sàng cùng lứa tuổi sợ gặp khó khăn. Ấy là nói về phụ nữ tây phương thôi. Mà sự thỏa màn tình dục dường như tùy thuộc vào sự có thường xuyên hay không, vì, càng thường xuyên càng hài lòng hơn.
Kết luận

Người viết còn qúa nhiều điều muốn thưa với quý bà chị, cũng như mạn đàm về tình dục tuổi già thì nó tràng giang đại hải. Nhưng cứ e ngại bài dài, đọc lâu, còn đâu thì giờ để cho người ta hành sự.

Nên xin tạm thời ngưng ý với lời tâm sự sau đây của một ông già 100 tuổi ở vùng Azerbaijan bên Trung Á:

Ông ta mới lấy bà vợ thứ bẩy được ba năm. Có người hỏi hạnh phúc không, ông ta đáp: " Sáu bà vợ trước của tôi thật là toàn hảo. Mụ vợ bây giờ nó sung sức quá, tôi đã già đi ít nhất là 10 tuổi từ khi cưới bả. Nếu mình có một người vợ tốt, dịu dàng thì sống đến tuổi một trăm dễ như chơi."

Và lời nhận xét cuả BS Robert N. Buttler, chuyên viên danh tiếng Hoa Kỳ về khoa Người Già. Khi nói đến Tình Yêu và Tình Dục sau tuổi 60, bác sĩ Buttler góp ý: "Tuổi trẻ là thời gian để hồ hởi thám hiểm, thăm dò và phát hiện khả năng của mình; trung niên để thu lượm tuyệt chiêu kỹ thuật; tuổi già để mang kinh nghiệm cả đời và triển vọng những năm còn lại vào nghệ thuật yêu đương "

Bác sĩ Nguyễn Ý Đức
band4 3G McKeno

User avatar
linhgia
Posts: 1308
Joined: Fri Dec 03, 2004 9:30 am

Re: Chuyện Tào Lao

Post by linhgia »

Tình bằng hữu - bạn già

Nguyễn Ý ĐỨC



Tục ngữ Mỹ có câu nói: "Tiếp tục kiếm thêm bạn mới nhưng hãy duy trì bằng hữu cũ, vì bạn mới là bạc mà bạn cũ lại là vàng".

Cụ Nguyễn đình Chiểu của chúng ta trang trọng bạn xưa với: " Trong đời mấy bậc cố tri, Mấy trang đồng đạo, mấy nghì đồng tâm"

Nhiều người tuổi cao cũng có chung ý nghĩ là, khi về già, ngoài việc có một sức khỏe tốt, một gia đình êm ấm, thì tình bạn lâu năm là một hành trang quý giá mà họ đã mang theo được cho tới giai đoạn cuối của cuộc đời.

Bạn hữu là gì?

Hiểu theo nghĩa thông thường, bạn là một nhóm người không có liên hệ ruột thịt, gắn bó với nhau qua những tương đồng về hoàn cảnh sinh sống. Họ đến với nhau trong tâm đầu ý hợp, bằng kết nối những tâm tư, những nguồn giao cảm gần giống nhau. Họ thân với nhau để chia xẻ vui buồn, để cùng thực hiện những hoài bão chung, để nương tựa lẫn nhau. Họ hiểu nhau, tin tưởng nơi nhau, thích nhau. Đây là một gắn bó của sự thủy chung và thương yêu vị tha và lâu dài. Với nhau, họ là người đồng hành, là người tin cậy.

Bạn hữu khác với người quen biết, gặp nhau trong sinh hoạt hàng ngày như ở sở làm, trong cộng đồng, ngoài lối xóm. Đó chỉ là những tiếp xúc trong một thời gian giới hạn và cần thêm nhiều lôi cuốn khác nữa để chuyển sang bằng hữu.

Trong đời sống hàng ngày, nhiều khi người ta đã lạm dung chữ bạn. Mới gặp nhau vài lần mà đã nói đó là bạn tôi, cứ như là thật. Ong chủ lấy lòng nhân viên, sai bạn ơi làm hộ tôi cái này, sao mà ngọt như mía lùi.

Bạn hữu thường tập trung vào mấy nhóm.

Một số người có tinh thần độc lập, tự cho là không cần ai. Không phải họ sống cô độc. Nhưng, với họ, những giao tế qua lại thường nhẹ nhàng, có cũng được mà không cũng chẳng sao. Rồi tùy theo hoàn cảnh, tùy theo nhu cầu, nếu cần thì giao tiếp , sau đó có thể quên đi cũng được. Họ sống với hiện tại và thỏa mãn với những người mà họ mới gặp hay đã có sẵn Cho nên khi mất một giao hữu, họ cũng chẳng tiếc thương gì nhiều.

Những người kỹ tính, lựa bạn mà chơi thì có gắn bó sâu đậm đặc biệt với một số người mà họ coi là rất thân, nên họ buồn tiếc khi mất. Còn những liên hệ khác thì chỉ là những thiển giao, quen biết nhiều hơn là kết bạn. Họ sống nhiều với bạn xưa và không muốn tìm bạn mới khi tới tuổi cao.

Người hiếu bạn có nhiều bằng hữu hơn: bạn quen từ những năm trước, bạn mới tạo ra sau này. Họ là những người sống với cả quá khứ, hiện tại trong tình bạn và sửa soạn cho tương lai với nhiều bạn bè. Họ luôn luôn dùng giao tế nhân sự để kiếm thêm bạn mới.

Nhiều nhà xã hội học phân biệt bằng hữu tương nhượng, bằng hữu tiếp thu và bằng hữu trong hợp tác. Khi đôi bên cho nhau lòng trung thành và tình thương yêu thì có sự cân bằng của tình bạn, đôi bên nương tựa lẫn nhau. Khi chỉ có một bên cống hiến tất cả và bên kia không đáp lễ thì chỉ có tình bạn một chiều. Khi chỉ hợp tác vì một quyền lợi, một mục đích mà không có thương yêu, chung thủy thì giao tế không kéo dài và rất giới hạn.

Đặc điểm của bằng hữu:

Khác với tình anh em, vợ chồng, tình bạn hữu có những sắc thái riêng biệt. Đây là một giao hảo có tính cách tự nguyện, một ràng buộc riêng tư do đôi bên thương lượng, một liên hệ qua lại trong tinh thần bình đẳng và mang nhiều thiện ý, cảm tình tốt.

Vì tự nguyện với có quyền lựa chọn và được chọn lựa nên không ai bắt buộc ai phải là bạn. Nó cũng không có ràng buộc pháp lý như tình nghĩa vợ chồng, hoặc lễ nghĩa huyết tộc như tình anh chị em ruột thịt. Cho nên dù có liên hệ huyết mạch, người cùng lối xóm, cùng sở làm mà không có tương khí tương đồng thì cũng không trở nên bằng hữu được. Ta có thể tỏ ra hết sức lịch sự với người cùng phòng, cùng sở nhưng không có điều gì bắt buộc ta phải thích và là bạn người đó. Ta không thể tự coi là bạn của một người khi ta không biết người đó có sẵn sàng nhận ta là bạn không. Một nhà văn Pháp đã nói: " cha mẹ là do số phận, bạn bè do lựa chọn ".

Bình đẳng vì tình bạn xây dựng trên cá nhân mỗi con người. Nó không đòi hỏi sự bằng nhau tuyệt đối về học vấn, về địa vị trong xã hội, về sự giàu tiền, lắm bạc như nhau, thành công như nhau. Đã có nhiều tình bạn nẩy nở giữa chủ và thợ, giữa thầy và trò, giữa người giàu và người nghèo.

Tình bạn cũng tôn trọng tính cách độc lập của nhau: mỗi bên có nếp sống riêng tư , tự do quyết định cho đời sống của mình mà không bị bên kia can thiệp. Không có sự áp đặt như chủ với nô lệ hay khuất phục như lãnh chúa độc tài với thần dân.

Trong tình bạn, đôi bên dành cho nhau những cảm tình tốt, những chăm sóc, quan tâm tận tình, những giúp đỡ khi cần và sự rộng lượng, sẵn sàng với nhau. Thiện ý này không đưa đến sự lợi dụng nhau hoặc phụ thuộc nhau. Người giúp thấy thoải mái làm mà không cho là có bổn phận hoặc bị bắt ép phải làm, mà người nhận không bị ám ảnh là đã đòi hỏi quá nhiều ở bạn. Khi đã phụ thuộc vào nhau thì sự tự do, bình đẳng không còn nữa. Một tình bạn đích thực không những chỉ cởi mở để cho mà còn vui vẻ để nhận.

Tình trạng sẵn sàng với nhau cũng là căn bản của bằng hữu và trong tình bằng hữu, không có sự ghen tị mà còn cần chung thủy, thành thật với nhau, không mầu mè , che đậy.

Để có bằng hữu

Tình bạn có thể được xây dựng trong bất cứ điều kiện, hoàn cảnh nào của con người.

Căn bản là ít nhất họ có cùng một thôi thúc tình cảm, có sự chia sẻ trao đổi những ý nghĩ giống nhau, có cùng sở thích, cùng quyền lợi. Trong tình bạn tuy cũng có những khác biệt nhưng khác biệt này bổ túc cho nhau vì nếu hoàn toàn giống nhau thì đâu còn đối thoại, đồng cảm.

Bạn thường tìm thấy trong các nhóm có chung sinh hoạt: học cùng trường, ở cùng khu phố, làm cùng nghề, cùng thú vui giải trí, cùng lui tới cơ sở tôn giaó. Nó nẩy sinh ở những lứa tuổi khác nhau. Nhóm trung niên có lợi điểm là có bạn ở mọi lứa già trẻ trong khi người già có bạn ở cùng lứa tuổi hoặc trẻ hơn. Về giống tính thì thường thường đàn ông đàn bà đều có nhiều bạn như nhau, nhưng chồng thì không hay tâm sự nơi bạn mà tin cẩn vợ hơn, còn vợ thì có nhiều bạn gái để tâm sự ngoài chồng mình.

Bằng hữu nẩy sinh trong những thôi thúc tình cảm giữa hai người. Thôi thúc càng cao thì bằng hữu càng sâu đậm. Một câu hỏi thường được nêu ra là tại sao ta có ước muốn gắn bó với đối tượng này mà lại hững hờ với đối tượng khác. Có những tình bạn xuất hiện như tia chớp trên nền trời xanh: mới chỉ gặp một vài lần, chưa biết quá trình, hiện tại của nhau nhưng đã có cảm tình cho nhau, đã muốn được có bạn và được nhận là bạn. Ý thức chưa thấy gì, nhưng tiềm thức đã nhận ra và tiên đoán là nhiều triển vọng tình bạn sẽ nẩy nở sau này.

Sự chèo kéo, nài nỉ không đưa tới tình bạn, như các cụ ta nói: "thấy sang bắt quàng làm họ ." và đồng nghiệp, đồng sở không đương nhiên thành bằng hữu vì đây chỉ là giao tế khách quan, không vượt qua lãnh vực nghề nghiệp.

Một vấn đề tế nhị là sự xét đoán và chấp nhận trong tình bạn: nhận xét một cách khách quan về việc làm của bạn hoặc chấp nhận và hỗ trợ vô điều kiện. Đa số đều kỳ vọng có sự chấp nhận không phê phán từ bạn mình. Một số khác lại tin cậy ở nhận xét của bạn để quyết định và để học cách hành xử trong hoàn cảnh mới. Như vậy mặc dù con người không thích bị đánh giá, nhưng một nhận xét chân thành của bạn có thể có ích cho họ.

Bạn Già

Giống như lúc mới sinh và trong thời còn thơ ấu, tuổi già chịu một số phận không mấy vui là phải phụ thuộc vào người khác sau khi đã có nhiều mất mát. Nhưng, đáng lẽ vươn ra khỏi sự phụ thuộc như lớp tuổi thơ thì người già lại đi sâu vào vòng phụ thuộc. Họ không còn làm việc, bị giảm lợi tức, con cái đi ở riêng, mất dần bạn bè, người thân yêu, kém sức khỏe, bệnh hoạn. Cho nên về già mà có được những bạn cố tri thân thiết hoặc tạo thêm ra những bạn mới để nương tựa lẫn nhau là một điều rất an ủi.

Nhiều người cho rằng dù họ hàng thân thuộc có giúp đỡ nhưng bằng hữu thường gần gũi nhau hơn và có những điều mà chính người phối ngẫu không cung ứng được bằng những bạn cố tri. Họ đã cùng vui buồn có nhau khi xưa mà bây giờ già rồi vẫn còn có nhau. Họ nương tựa lẫn nhau để có bàu bạn, hiểu nhau để giúp đỡ lẫn nhau. Họ lắng nghe nhau tâm sự, kể lại cho nhau những kỷ niệm , những việc đã cùng làm. Họ đối xử, xưng hô thân mật như mấy chục năm về trước

Thường thường người già muốn có những người bạn cùng lứa tuổi, có hoàn cảnh như nhau, sở thích kinh nghiệm như nhau, sống gần nhau để thuận tiện qua lại. Nhưng họ cũng có khuynh hướng là tạo thêm bạn mới ở lứa tuổi trẻ hơn để thay thế vào chỗ của những người bạn cùng tuổi sẽ lần lượt ra đi. Cũng có người già tập trung nuôi dưỡng bạn cố tri, giới hạn trong việc tìm thêm bạn mới để tiết kiệm sinh lực và để tránh gặp những trái ý không cần thiết

Về già cũng có một số hoàn cảnh khiến tình bạn gặp trở ngại. Kém sức khỏe khiến không cùng nhau sinh hoạt; phụ thuộc vào bạn trong các sinh hoạt hàng ngày. Nếu sự phụ thuộc quá nhiều khiến đôi khi bạn cũng thấy khó chịu, xa dần. Rồi người già rơi vào cảnh cô lập, nhất là khi giảm khả năng đối thoại với tai nghễnh ngãng, mắt kèm nhèm. Cũng nhiều người già không có thì giờ nhiều cho bạn bè vì phải dành thì giờ chăm sóc cho sức khỏe của mình, dành thì giờ để nghỉ ngơi. Ngoài ra, có trường hợp trong đó ngươì dư giả thì bạn bè năng tới lui, mà người đã nghèo thì lại vắng kẻ tới lui.

Tình nghĩa vợ chồng già dù như đũa có đôi, nhưng cũng nên có những bạn riêng để phòng hờ thời gian cô góa. Khi mất người phối ngẫu, lão nam cảm thấy cô đơn nhiều hơn vì đã mất người bạn tâm tình quan trọng nhất. Bình thường các cụ bà có nhiều bạn tâm tình trong suốt cuộc đời. Nhưng khi chồng chết, thì cụ bà thấy quan hệ với bạn cũ của vợ chồng giảm dần. May mắn là họ dễ dàng tạo thêm bạn mới, giao hảo mới bằng cánh tham dự vào nhiều sinh hoạt công đồng, tôn giáo. Đa số bạn của các cụ bà khi đó là cô quả vì đồng cảnh tương lân, chỉ có một số nhỏ có gia đình. Cho nên khi còn sống với nhau mà bà vợ không chịu giao tế tạo bạn cho mình thì khi góa sẽ có nguy cơ cô đơn nhất là chẳng may khả năng tài chánh lại không được dồi dào.

Mặc dù có thể có những căng thẳng, những thay đổi ngoài tầm kiểm soát, tình bạn vẫn giúp người già cảm thấy vui lên rất nhiều. Cho nên mất một bạn cố tri là một tai biến vì nhiều người già cảm thấy không còn đủ thời gian để thay thế khoảng trống đó.

Hơn nữa, như Simone de Beauvoir đã viết:" Cái chết của bạn thân thiết là sự đoạn tuyệt đột ngột với một phần quá khứ của mình. Chúng ta không những mất một hiện diện mà còn mất vài khía cạnh của cuộc sống mà chúng ta đã gửi gắm nơi họ. "

Nguyễn Ý ĐỨC
band4 3G McKeno

User avatar
linhgia
Posts: 1308
Joined: Fri Dec 03, 2004 9:30 am

Re: Chuyện Tào Lao

Post by linhgia »

TUỔI GIÀ HƯ CẤU VÀ SỰ THỰC


Đã có một thời kỳ, và ngay cả bây giờ, người ta đã gán ghép cho người già một số những điều hoang tưởng, những một nửa sự thật có dụng ý kỳ thị, phân chia.

Họ xếp người già vào một nhóm: "nhóm người đầu bạc, răng long, suy yếu; nom ai cũng giống ai, cũng vô dụng, hết sài, không tự lo thân được. Rồi lại sức khoẻ kém, nay nằm nhà thương, mai đi bác sĩ, kém trí nhớ, lú lẫn. Họ sống cô đơn xa lánh mọi người; luôn luôn than buồn chán. Họ không còn hấp dẫn cả về hình dáng lẫn tình dục. Đừng đả động tới họ nữa. Hãy cứ đưa họ vào viện dưỡng lão hay tập trung vào các nông trại cho tiện việc".

Trên truyền thông báo chí, chỉ thấy hình ảnh những người thuộc lớp trẻ đầy sinh lực hấp dẫn, khoẻ mạnh. Nhóm người già được mời vào mép chiếu của các sinh hoạt xã hội, gia đình.



Tuổi già có đáng để mang nhiều hư cấu như vậy không?

Tuổi già có đành an phân: già là vô dụng, là không hoạt động, không thích nghi, kém khả năng tình dục, là gánh nặng cho gia đình, cộng đồng!


Đã có nhiều dẫn chứng khoa học, nhiều thống kê cụ thể phủ nhận những huyền thoại, những vô nghiã đó.

1- Đâu có phải những người trên 60 tuổi đều già cả rồi.-

Ở nhiều quốc gia, để cân bằng sự cung cầu nhân lực và do hoàn cảnh kinh tế, tới một tuổi nào đó người đi làm được cho về hưu, nhường công việc cho lớp người sanh sau. Họ được khuyến dụ là về để vui thú điền viên, là đã đóng góp, trả nợ đầy đủ cho xã hội.

Việt nam hiện nay đàn bà 55 tuổi nghỉ việc, đàn ông làm thêm tới 60. Bên Hoa Kỳ, trước đây khi đáo hạn tuổi 65 thì bắt buộc nghỉ việc. Nhưng từ năm 1986, sự bắt buộc về hưu này được hủy bỏ vì có tính cách kỳ thị tuổi tác, chẳng khác gì kỳ thị chủng tộc, nam nữ.

Từ cái tiêu chuẩn hành chánh đó nhiều người đã suy luận ra một khi về hưu là họ đều già rồi. Và hãy gom họ vào một nhóm những người có nhiều khó khăn về mọi phương diện từ sức khỏe, tài chánh, đến sinh hoạt trong những năm cuối cuộc đời. Ngay cả người về hưu cũng nghĩ là: thôi đã đến lúc ta nghỉ cho khỏe thân già. Rồi còn dành thì giờ dối già, đi chơi đây đó chứ..

Về phương diện y khoa, không có một chứng cớ sinh lý học nào hỗ trợ cho ý kiến coi về hưu là lúc cơ thể bắt đầu già. Có người bẩy tám mươi tuổi mà nom còn dắn dỏi, nhanh nhẹn; trái lại có người mới gần năm chục mà nom đã hom hem, móm mém, tóc bạc khô, đi đứng không vững.

Hóa già là do thể chất, gen di truyền, cách thức sống, ảnh hưởng của môi trường quyết định. Thực ra rất khó mà xác định là ở khoảng thời gian nào của đời người ta sẽ bắt đầu già. Có người nói là ta già từ khi còn ở trong lòng mẹ.

Người ta đã cố gắng đo một số mốc sinh lý để coi xem già bắt đầu từ tuổi nào, như là đo sức mạnh của bắp thịt, chỉ số huyết áp, giảm thính, thị giác, dung tích của phổi... nhưng kết quả chưa rõ ràng. Thôi thì cứ đành nhận là khi nào ta cảm thấy già thì ta già vậy.


2- Mấy người già, người nào cũng như nhau.


Có ý kiến cho rằng mọi người đều già đi theo cùng một phương thức, do đó họ đều giống nhau. Tất cả đều có bề ngoài già nua như nhau, suy nghĩ, hành động già như nhau và chỉ cần thấy một người già thì coi như ta đã hình dung ra cả nhóm.

Thực ra, có rất nhiều khác biệt trong sự hóa già. Và ở mỗi cá nhân, sự hoá già đều rất cá biệt. Diễn tiến này chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố: gen di truyền, chủng tộc, giống tính, địa phương, khí hậu, nếp sống, hoàn cảnh gia đình, xã hội.

Cho nên có người già suy yếu, bệnh tật chỉ chờ chết. Có người già khoẻ mạnh, còn hoạt động đều đặn. Có người sống rất phóng khoáng, lại có người mang nhiều định kiến, bảo thủ. Có người sống lẻ loi, tự cô lập thì có nhiều người giữ giao tiếp với bạn bè cũ mới, đi đó đi đây.

Sự già giữa người nam, người nữ cũng không giống nhau. Người nữ có tuổi thọ cao hơn, nhân số nhiều gấp rưỡi người nam già. Họ hay bị bệnh trầm kha hơn như các bệnh tiểu đường, cao huyết áp, phong thấp, loãng xương. Đáp lại thì người nam già thường hay bị tai biến động mạch não, bệnh tim.

Vì sống lâu hơn lão nam nên nhiều lão nữ lâm vào cảnh góa bụa, ít có cơ hội tái giá. Người nam ít tuổi kiếm đối tượng trẻ hơn, mà người nam nhiều tuổi hơn mình thì mình chẳng chịu. Lãnh về để thay tã cho ổng suốt ngày hay sao!. Nên các lão bà nhiều sầu muộn đơn côi,ï tương đối kém lợi tức nên cảnh già thường đạm bạc, thiếu thốn.

Thành ra cho rằng người già đều như nhau thì có vẻ nông nổi, cả tin.



3- Không phải hễ già thì yếu đuối, kém sức khoẻ.


Thường thường khi nói tới giaø là ta cứ gắn vào chữ yếu.

Họ đều già yếu rồi. Người thì đi xe lăn, người chống gậy, lủng lẳng mang thêm bình dưỡng khí để thở, một tháng đi bác sĩ vài ba lần, nhập bệnh viện thường xuyên, đâu còn sức lực gì.

Nhiều khi cả thầy thuốc cũng giải thích cho bệnh nhân là các vấn đề của sức khoẻ đều do sự chồng chất của những ngày sinh nhật gây ra.

Câu chuyện nghe được trong một phòng mạch: Một ông già than phiền sao cái cánh tay bên trái cứ nhức mỏi hoài. Bác sĩ bảo: cụ đã 80 tuổi rồi thì nó vậy đó, bệnh già mà. Cụ chỉ đau như vậy thôi là may lắm rồi, còn muốn gì hơn. Bệnh nhân lại hỏi thế tại sao tay phải tôi cũng 80 tuổi lại không nhức?

Thực tế ra, đa số người cao tuổi đều có một sức khoẻ tốt, đều duy trì tình trạng tự cáng đáng các nhu cầu hàng ngày, duy trì khả năng làm việc. Đối với người cao tuổi, duy trì bình thường các chức năng cũng quan trọng như làm sao để không bị bệnh hoạn.

Tám mươi phần trăm các vấn đề sức khỏe của người già có thể tránh hoặc trì hoãn được khi cơ thể được chú ý chăm sóc, đồng thời sự hoá già cũng đến từ từ, nhẹ nhàng hơn.

Xin nhớ sự hóa già và bệnh hoạn đôi khi trùng hợp nhưng không có liên hệ nhân, quả.



4- Tránh thành kiến hễ già thì nói trước quên sau.-


Có nhiều thành kiến gán cho sự hóa già là nguồn gốc của sự nói trước quên sau, trí tuệ trì trệ. Có thời kỳ, ngay cả các nhà khảo cứu cũng cho là về già trí tuệ suy yếu.

Nhưng mới đây nhiều bằng chứng kết luận là trí tuệ không giảm với tuổi cao, ngoaị trừ khi người già đồng thời mắc một số bệnh thần kinh đặc biệt và ngoại trừ ta chẳng may bị chứng bệnh sa sút trí tuệ. Nói chung thì sự sáng suốt của con người còn duy trì được tới tuổi ngoài 70.

Bác sĩ Robert Butler, nhà lão khoa có uy tín đã từng xác định: "Cứ tin tưởng rằng khi sống lâu trí tuệ ta trở thành suy thoái là điều không đúng. Hãy thử để con người sống trong cô lập, không giao tiếp với ngoài đời, thụ động, thì chỉ một thời gian ngắn họ sẽ trở thành bất thường, không có lý trí, lệ thuộc, buông suôi. Trái lại, nếu sống năng động với nhiều thử thách thì không những tinh anh hơn mà còn thọ lâu, khoẻ mạnh hơn".

Có thể là cũng như ở lứa tuổi khác, người cao tuổi có giảm đi phần nào trí nhớ ngắn hạn, như đột nhiên quên tên người quen, quên một sự kiện vừa xẩy ra hay không nhớ để chiếc chìa khóa xe ở đâu, hoặc không làm hai việc một lúc. Nhưng với sự tập luyện lập đi lập lại, sửa soạn và dành thì giờ rộng rãi cho công việc, làm việc theo thứ tự ưu tiên, thì khả năng trí óc của họ sẽ khá hơn.


5- Già không có nghĩa là cô lập

Xưa kia, có một thời gian ngắn ngủi, người cao tuổi được mời lên chiếu trên của các sinh hoạt cộng đồng xã hội trong vai trò hướng dẫn, cố vấn, nhờ ở những kinh nghiệm khôn ngoan từng trải của họ.

Rồi với sự thay đổi quan niệm sống cộng thêm sự lên xuống của cung cầu kinh tế, người già xuống cấp, đôi khi bị coi là gánh nặng. Họ được đẩy vào bóng tối của xã hội.

Ngay cả trong giới thần tiên, sự già cũng có số phận hẩm hiu. Câu chuyện nữ thần sắc đẹp Aurora yêu say mê Thimonus, xin Thượng Đế được kết hôn cùng chàng, xin cho chàng được sống mãi mãi. Nhưng quên không xin cho chàng được khỏe mạnh, sung sức. Nên khi chàng vừa già vừa yếu đuối, hết hấp dẫn, không thỏa mãn được nhu cầu của nàng thì nàng bèn cô lập, ruồng bỏ người yêu xưa.

Nhiều người cứ nghĩ là khi về già, họ sẽ sống thu mình, xa cõi nhộn nhịp, tranh đua, giảm bớt liên lạc với bạn bè. Để có thì giờ vật lộn với lãng tai, mắt kém, với táo bón, kém tiêu hóa, với đau nhức mình mẩy, với huyết áp cao... Thêm vào đó, cố tri lần lượt ra đi, rồi cuối cùng người bạn đường cũng giã từ, vĩnh biệt càng khiến họ có nhiều nguy cơ rơi vào cảnh cô lập, lẻ loi, buồn thảm.

Sự thực thì sau những mất mát, chia tay, con người nói chung, người cao tuổi nói riêng, cũng đều rơi vào thời gian tiếc nhớ. Thời gian này dài ngắn tùy hoàn cảnh, tùy khả năng ứng phó của mỗi cá nhân. Nhưng bình thường thì chỉ vài năm là ta đã có thể thích nghi được.

Bạn bè không bỗng chốc tan hàng hết. Người muốn an hưởng tuổi vàng không thiếu gì cách để thực hiện ý muốn của mình. Tìm bạn mới ở các nhóm họp người già. Tham gia những sinh hoạt chung của cộng đồng, lối xóm. Trao đổi thư tín, tin tức về vấn nạn, giải đáp khó khăn của đồng tuế. Thăm nom vui chơi cùng cháu chắt. Tránh những ưu tư không cần thiết.

Có rất nhiều cơ hội để người cao tuổi làm cuộc sống cuối đời vui nhẹ nhàng, thoải mái. Chỉ cần một chút tích cực, một vươn tay ra tiếp nhận. Cũng cần cảnh giác với những gán ép lệ thuộc.



6- Người già không phải là vô dụng.


Mới đây, phóng sự của hai ký giả Đức Hà, Lý Hoàng Thu, nói về một người Việt Nam 66 tuổi khai trương vào ngày 15-4-2000 một tiệm hớt tóc ở thị trấn San José, khiến độc giả đi từ ngạc nhiên đến cảm phục người phụ nữ đó.

Bà ta một tay phụ vói chồng mang mười đứa con còn thơ ấu từ miền quê hương nhỏ bé, thiếu thốn mọi thứ, sang miền đất phì nhiêu vật chất, tinh thần. Gây dựng cho các con đầy đủ, dư hoàn cảnh để nghỉ ngơi vui hưởng cảnh già nhưng bà ta nói: "Tôi sẽ làm việc cho đến khi nào không còn đủ sức nữa mới thôi ". Bà còn nói rằng bà có mấy đứa cháu thành ra bà muốn làm gương cho các cháu thấy rằng phải luôn luôn cố gắng học hành và làm việc để trở thành những con người tốt cho xã hội cho dù bao nhiêu tuổi đi nữa. Bà là một trong nhiều người già không vô dụng.

Cái quan niệm già vô dụng, không sản xuất có lẽ chỉ đúng phần nào vào thuở nhân loại phải lấy sức người kéo cầy thay trâu, khuân mang những tảng đá khổng lồ lên xây Kim Tự Tháp, kéo thuyền rồng cho vua chúa ngự cảnh dọc sông.

Có lẽ người già không còn dẻo dai để làm những việc tay chân như vậy nhưng ngay khi đó cũng có những người tuổi cao ngồi tham mưu, đóng góp tâm sức, thực hiện kế hoạch chung cho quốc gia. Giảm đi một vài chức năng của cơ thể không đồng nghĩa với mất khả năng lao động.

Ngày nay với sự tiến bộ kỹ thuật, khoa học, nhu cầu sức lao động chân tay đã bớt và người khiếm khuyết một vài chức năng của cơ thể vẫn còn hữu dụng trong nhiều lãnh vực. Ấy là chưa kể nhiều người già phục vụ những công việc không chính thức, không sổ sách lương bổng như thiện nguyện, giữ trẻ, săn sóc thân nhân, phối ngẫu đau ốm.

Đồng thời cũng có nhiều dẫn chứng rằng người cao tuổi làm việc chuyên cần, đáng tin cậy, ít gây ra tai nạn, ít bị ảnh hưởng của những căng thẳng vu vơ. Một vài phản ứng chậm chạp, đắn đo, một số chậm hiểu tính toán đôi khi lại giúp hoàn tất công việc an toàn hơn



Rồi còn những hoang tưởng như già hết duyên, khô cạn tình dục, chấm dứt cuộc đời trong nhà dưỡng lão, cả ngày chỉ ngồi nuối tiếc quá khứ, ám ảnh với kinh kệ, sẽ là nạn nhân của lạm dụng người già, của tội phạm.

Ôi, sao mà nhiều gán ghép độc địa!
band4 3G McKeno

User avatar
linhgia
Posts: 1308
Joined: Fri Dec 03, 2004 9:30 am

Re: Chuyện Tào Lao

Post by linhgia »

Thịt dê cứu tinh của phe đàn ông
Nguyễn Thượng Chánh


Thịt dê còn rất xa lạ đối với đa số người VN chúng ta. Thông thường, chỉ có dân nhậu mới thật sự chiếu cố đến món nầy mà thôi. Có lẽ vì thịt dê khó tìm, giá lại đắt, mùi vị lại không mấy hấp dẫn đối với một số người.

Tại Montréal, một vài nhà hàng Tàu hoặc Việt Nam thỉnh thoảng có bán món lẩu dê. Thịt dê được thấy bán đầy rẫy trong các tiệm thịt của người Á Rạp.

Cá nhân người viết cũng thường đến kiểm soát và khám thú y việc hạ thịt dê cừu tại nhà máy Viandes Forget ở Terrebonne, ngoại ô phía Bắc Montréal. Tại đây, mỗi ngày giết trung bình 400-500 vừa cừu vừa dê, và phần lớn giết theo nghi thức halal của Hồi giáo.

Tại quê nhà, thịt dê rất được giới mày râu chiếu cố hết mình có lẽ là nhờ vào lời quảng cáo và đồn đại là nó có tính trợ dương (aphrodisiac) .

Bạn thử mở xem các trang quảng cáo các nhà hàng bên nhà thì rõ. Thịt dê được bơm lên tận mây xanh như là cứu tinh của phe cánh đàn ông còn ham vui hoặc để lấy thêm...điểm.

Phải chăng sự kiện ẩm thực bổ dương là một nét đặc biệt của nền văn hóa Việt Nam?

Món ăn đồng thời cũng là một vị thuốc. Ăn gì bổ nấy!

Đúng hay không thì chỉ có Trời và người nào có ăn rồi mới biết được mà thôi. Nhưng cũng chưa chắc là có ai có đủ can đảm nói thật lòng mình.

Các quán chuyên trị thịt dê ở Việt Nam thì nhiều vô số kể. Bên đó, thịt dê thường được dùng để chế biến thành những món rất đặc biệt với những danh xưng lạ kỳ, hấp dẫn và đôi khi còn có vẻ huyền bí nữa.

Phổ thông là cari dê, lẩu dê, chả dê ba lớp, dê nướng ngũ vị hương, dê xào lăn, dê xào sa tế, vú dê nướng, dê hấp cách thủy, gan dê hầm, tiết canh dê, dê con quay, rượu huyết dê, dê nướng riềng, dê nấu rựa mận, xáo măng, sườn dê nướng, dê xốt tiêu xanh, dê nấu kiểu Bali, lòng dê cháy tỏi, dê đút lò, dê hầm rượu vang, v.v... Chắc làm sao mà khỏi thiếu món...dê ôm được.

Cầu kỳ hơn thì có ngọc dương hay dái dê hầm thuốc Bắc; chân móng dê hầm thuốc; dê tiềm thuốc Bắc gồm có những vị thuốc như kỳ tử, hoàn sơn, sanh địa, thục địa, nhãn nhục, đảng sâm, v.v…Không cần phải nói, chỉ nhìn vào toa thuốc cũng biết là quá bổ rồi chắc hổng thua gì Viagra.

Nghe thiên hạ nói bạn trẻ không nên ăn vì quá bổ dám nổ bình điện bất tử lắm, chỉ nên dành cho mấy ông tuổi xồn xồn 50-60 trở lên mà thôi.

Ôi, thời oanh liệt nay còn đâu!

Ở miền Bắc VN, nghe nói có món tái dê rất độc dáo. Món nầy mà chấm với tương bần thì chắc là hết xảy phải biết, bởi vậy dân gian mới có câu:

Tái dê chấm với tương bần,
Ăn vào một miếng bần bần như dê.
Đêm về vợ lạy tỉ tê,
Tối mai ta lại Tái dê tương bần.

Còn món dê Hà nàm nghe đâu cũng thuộc loại ngoại hạng và huyền bí lắm vì được chế biến từ phôi dê con còn trong bụng mẹ. Theo lời đồn của mấy tay nhậu, thì đây là món thần sầu quỷ khóc chỉ cần ăn thử một lần là trong người sẽ nóng lên rạo rực bừng bừng y như hồi mình hồi còn trai tráng, dám làm sập giường sập chiếu hết. Sao cái món nầy giống cái món dã man ăn thai nhi của một số người Trung Quốc quá vậy!... Quý bạn nào yếu bóng vía xin đừng xem những hình nầy trong Internet. Tác giả cũng hơi nghi ngờ về sự xác thực và tự hỏi có phải đây là những hình của phe đối lập Pháp Luân Công tung ra chăng?

Nghề ăn cũng lắm công phu

Qua thăm dò, các quán nhậu bên nhà cho biết đại khái là sau khi cắt cổ, dê phải được thui bằng lửa than, sau đó thì dùng nước sôi cạo sạch trước khi nấu thành món ăn…

Riêng người Hoa, họ thích bỏ chung với các phụ liệu khác để thịt thêm phần thanh ngọt và để khử bớt mùi dê. Theo thông lệ bên nhà, cái gì được thiên hạ chiếu cố nhiều, cung không đủ cầu, thì sẽ có người tung ra hàng dỏm. Thịt dê dỏm chen chân với thịt dê thiệt không biết đâu mà rờ.

Tại Bắc Mỹ, thịt dê thường được dùng để nướng barbecue, làm saucisse, hoặc để chiên, v.v…

Dân Bắc Phi và Á Rạp rất thích món méchoui tức là dê hoặc cừu nguyên con được lụi qua thanh sắt và đem quay nướng trên lửa.

Thịt dê và đệ tam khoái: một huyền thoại của Việt Nam

Có một điểm đặc biệt ở đa số đàn ông Việt Nam, hễ nói đến món thịt dê là họ liên tưởng ngay đến ba cái vụ kia. Có lẽ đây là tâm lý chung của bọn mày râu qua sự thán phục thành tích super của «sư phụ» hay «ông thầy» chăng?

Mỗi sáng, «ông thầy» đứng điểm danh ngay phía ngoài cửa chuồng. Hễ nường nào có dấu hiệu hot thì «ông thầy» phóng lên liền, khỏi cần phải mời mọc lâu lắc lôi thôi.



Nghe bạn bè ai nấy đều ca tụng món thịt dê quá cỡ thợ mộc nên người viết vì tánh tò mò cũng đã dùng thử đôi ba lần, nhưng sau mỗi lần ăn thì thấy nó cũng vậy mà thôi! Chắc có thể tại mình ăn không đủ liều chăng?

Thịt dê được sử dụng ở khắp mọi nơi trên thế giới. Mạnh nhất là khối Hồi giáo, Trung đông, dân Á rạp, Phi châu, Nam Mỹ, dân vùng biển Caribbean, Ấn độ, kế đến là Hy lạp, Ý, Thổ nhỉ kỳ và Trung quốc.

Riêng tại VN, mấy năm trước đây phong trào nuôi dê nuôi cừu đã nở rộ lên rất mạnh mẽ trên khắp cả xứ. Nhưng phải biết, cái gì cũng vậy, cần phải tuân theo luật cung cầu, bởi vậy cho nên đến năm 2007, thì nói chung tình hình nuôi dê bên nhà đang trên đà xuống dốc thảm thương và đã có nhiều nhà chăn nuôi đã bị phá sản rồi (Ảm đạm thủ phủ dê cừu.ViệtBáo.net 13/5/2007)

Thịt dê tại Canada

Tại Canada, thịt dê chủ yếu nhắm vào khách hàng Hồi giáo và dân Á rạp.

Thị trường dê sống, được phân làm bốn hạng: 30lbs, 60lbs, 90lbs và 150lbs cân sống.

Đa số dê hạ thịt đều phải theo nghi thức Hồi giáo và thịt này được gọi là thịt halal.

Con vật bị chính tay người Hồi giáo cắt cổ thay vì bị bắn vào đầu như cách hạ thịt thường lệ ở tại các lò sát sinh Canada.

Thống kê năm 2001 cho biết, Canada có một đàn dê vào khoảng 182.151 con. Nhu cầu thịt dê tăng rất mạnh nhân những ngày lễ hội tôn giáo như lễ Ramadan của Hồi giáo hay lễ Navadurgara của Ấn độ giáo.

Số lượng thịt dê không đủ cung ứng cho thị trường nên Canada phải cho nhập thêm thịt dê đông lạnh từ Úc châu và từ Tân Tây Lan.

Thịt dê tại Hoa Kỳ

Bộ Canh nông Hoa kỳ USDA cho biết, năm 2007 Hoa kỳ có một đàn dê trên 3 triệu con, trong số nầy 2,2 triệu con là dê dùng để sinh sản (breeding) và số còn lại là dê nuôi để lấy thịt. Texas đứng đầu về số dê nuôi (51%), kế đến là Tennessee.

Năm 1993, giống dê South African Boer goat được nhập thẳng từ Nam Phi để gầy giống. Boer goat được cho phối giống với dê địa phương Spanish goat của Hoa Kỳ để tạo ra những dòng dê có năng suất thịt rất cao.

Tuy với một đàn dê trên 3 triệu con, nhưng Hoa kỳ hằng năm cũng cần phải nhập thêm thịt dê. Năm 2006, 11.070 tấn thịt dê được nhập cảng từ Úc châu và Tân Tây Lan.

Cùng với số di dân vào Hoa kỳ không ngừng gia tăng nhu cầu về thịt dê cũng theo đó mà tăng theo. Các lễ hội tôn giáo của các sắc dân là dịp thị trường thịt dê rất bận rộn.

Nói chung các dịp lễ như Phục sinh (Eastern), Giáng sinh và Tết Tây, các loại dê từ 10kg đến 60kg bị hạ thịt rất nhiều.

Lễ Phục Sinh: chủ yếu là dê tơ lối 15kg.

Lễ Ramadan của Hồi Giáo kéo dài một tháng, họ chỉ được ăn trước khi mặt trời mọc và sau khi mặt trời lặng mà thôi. Dê sử dụng dưới 30kg.

Lễ Id al Adha: dùng dê từ 30 đến 50kg.

Lễ các sắc dân Caribbean: dê 30 - 40kg

Tết Tàu: chuộng dê nặng từ 30 - 40kg

Các sắc dân Latino Nam Mỹ thích dê tơ (cabrito). Nếu dê to hơn thì được quay nướng kiểu mechoui. Seco de Chivo là món thịt dê rất thường thấy trong những dịp lễ hội của người Latino sống tại Hoa Kỳ.

Một số Mexican American chuộng thịt dê để kỷ niệm lễ Cinco de Mayo (May 5)

Ấn độ kỷ niệm lễ Dassai: sử dụng dê dực còn tơ.

Người Do Thái cũng ăn thịt dê nhưng con vật phải được chính tay ông cố đạo của họ (gọi là Rabin) cắt cổ và giết thịt theo nghi thức Do Thái Giáo. Thịt nầy được gọi là thịt Kosher tương tợ như thịt Halal của bên phía Hồi Giáo.

Tính chất của thịt dê

Thịt dê, tiếng Anh gọi là chevon, đây là thịt dê tơ rất ngon ngọt. Thịt nhiều nạc, ít mỡ, ít cholesterol. Dê dưới một tuổi cho thịt ngon nhất. Nói chung, thịt dê sau khi nướng, chứa ít chất béo bão hòa hơn thịt gà (đã được lột da) và cũng còn ít hơn cả thịt bò và thịt heo nữa.

Trở ngại duy nhất là thịt dê có mùi khen khét, mùi dê nên nhiều người không thích cho lắm. Đây là một điểm hơi lạ vì dê mà không ưa mùi dê.

Các người bán thịt tại Canada có mách cách khử bớt mùi dê như sau: lấy một tí giấm, hoặc vắt hai trái chanh vào tô thịt dê, chế vô một ít dầu ăn, trộn đều và đem cất trong tủ lạnh trong vài giờ đồng hồ, mùi dê sẽ bớt đi.

Cách khác là chúng ta có thể dùng quế để khử bớt mùi dê, hoặc lúc nấu thịt cho sôi thì vớt bỏ bớt mỡ.

Ở Việt Nam, người ta thường khử mùi dê bằng cách bóp thịt với một tí rượu trắng có trộn gừng bằm nhuyễn. Sau đó xả lại bằng nước lạnh.

Có người dùng beer để khử mùi.

Một cách khác là có thể trụn sơ thịt trong nồi nước sôi có thêm vài tép sả hoặc một hai khúc mía.

Tác giả cũng có nghe nói, bên nhà có người rất tàn nhẫn. Họ đổ ba xị đế vào họng cho dê uống cho say, sau đó họ đánh con vật hay dần nó, bắt nó chạy toé khói cho thật mệt lả, để nó xuất mồ hôi mồ hám ướt hết cả lông cốt để đem bớt chất hôi ra ngoài rồi sau đó mới cắt cổ. Họ nói làm như vậy thịt sẽ hết hôi và trở nên mềm và ngon hơn (?). Thấy sao mà dã man quá xá cỡ, tội mạt kiếp nghe hôn mấy cha! Nếu làm theo kiểu nầy mà ở Tây ở Mỹ thì đi ủ tờ gỡ lịch là cái chắc về cái tội dám hành hạ «ông thầy».

Thịt dê qua cái nhìn của Đông y

Theo Gs Đỗ tất Lợi, thịt dê có tính nhiệt và có tác dụng trợ dương, bổ huyết, rất tốt cho phụ nữ mới sinh nở.

Hầu như tất cả bộ phận của dê đều có thể sử dụng để làm thuốc. Dái dê và thận dê có tính bổ dương. Xương thịt có thể sử dụng để nấu cao. Thịt dê có tác dụng giải độc, bổ huyết, chữa choáng váng, đau lưng, chóng mặt, nhức đầu, v.v…

ThS Hoàng khánh Hiển, Khoa học&Đời sống thì thịt dê là một loại thịt có thể trị được nhiều thứ bệnh lắm, trong đó phải kể đến bệnh thằng nhỏ khó dạy làm thằng lớn buồn rầu quá cỡ.

Người viết đã sưu tra rất nhiều tài liệu của các nhà chuyên môn về Đông y bên Việt Nam, thì tất cả đều nói thịt dê rất bổ và có tính trợ dương ngoại hạng.

Tuy vậy, tác giả cũng chưa từng tìm thấy được một tài liệu khoa học nào đáng tin cậy trong Medlines và MedPubs nói đến tính chất trợ dương của thịt dê. Phải chăng ý niệm trợ dương trong Đông Y nên được chúng ta hiểu theo một nghĩa rộng rãi hơn?.

Thịt dê nhiều chất dinh dưỡng như Protein, nhiều bần tố, chất khoáng, nhiều vitamins, nhiều chất sắt thì đương nhiên là bổ cho cơ thể rồi. Và việc bổ chung nầy sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho những chuyện khác không mấy hồi...

Tình hình thịt dê tại Montréal

Tại Montréal, thịt dê chỉ được thấy bán trong một số tiệm thịt của người Hồi giáo mà thôi. Thịt dê, ngọc hành hay trái dứng ‘sư phụ’, dế bò và ngầu pín cũng có thể mua không mấy khó khăn. Muốn mua dái dê phải nói là mình muốn mua amourettes! Đó các bạn thấy không? Đâu phải chỉ có đám đực rựa Việt Nam mình mới chuộng mấy món ác liệt nầy đâu? Thịt dê là nỗi ám ảnh chung của bọn đực rựa Á châu và Phi châu.

Thịt ngon nhất là phần đùi sau, gọi là gigot giá 12$/kg, các phần khác rẻ hơn chút đỉnh. Trái dứng 9$/kg. Bảo đảm thịt đã được thú y sĩ nhà nước kiểm soát vệ sinh và áp pru tại lò sát sinh rồi.

Không có thịt dê dỏm tại Canada đâu.

Ngược lại, bên nhà thì coi chừng, dê thiệt dê giả dê dỏm đều có cả!.

Tại Việt Nam, nghe đâu giá 1kg thịt dê vào khoảng 50.000-60.000 đồng gì đó, tính ra cũng còn quá rẻ so với giá thịt dê mua tại Canada.

Lai rai ba sợi với bạn bè

Mùa hè đẹp trời, tác giả đề nghị các bạn nào chịu chơi, mua đại nguyên một con dê (lối 12kg) đã được làm sẵn rồi. Đem về ướp theo kiểu VN, sau đó đem ra sân nổi lửa lên quay theo lối méchoui. Làm sao có dụng cụ? Khỏi phải lo, bạn hãy đến các tiệm cho mướn dụng cụ, chẳng hạn như tiệm Lou Tec ở Montréal. Tại đây, bạn có thể mướn dụng cụ gồm có một cái moteur và phụ tùng lỉnh kỉnh để quay méchoui. Tiền mướn dụng cụ lối 72$ cho một weekend. Nhớ rủ bạn bè và cũng đừng quên phone người viết đến tham dự cho vui và nhắn mỗi người phải nhớ xách theo rượu chẳng hạn như Porto loại trên 10 tuổi thì càng tốt. Bảo đảm sẽ vui lắm, một dịp để gặp gỡ bạn hiền và tha hồ vừa đớp hít vừa đấu láo chuyện trên trời dưới đất, chuyện mấy em chân ngắn chân dài. Sau buổi nhậu mình dám quên luôn cả đường đi lối về lắm!

Nói giỡn cho vui vậy thôi chớ cũng đừng quên rằng “Please don’t drink and drive”, «L’alcool au volant, c’est criminel» đó nghe hông các bạn già. Láng cháng dám bị phú lích giam mất bằng lái đau lắm chớ chẳng phải chơi đâu!

Kết luận

Thật ra, tác giả cũng không biết được thịt dê thật sự có effet hay có bổ cho ba cái vụ kia hay không? Đây chẳng qua là kinh nghiệm riêng rẽ của mỗi cá nhân mà thôi. Một số bạn bè của người viết là dân ăn nhậu chuyên nghiệp, họ có tật hay nổ dữ lắm và cả quyết, thề thốt rằng thịt dê rất trợ dương. Effet ít hay nhiều tùy cũng tùy thuộc vào tuổi tác của con dê hai cẳng, dê đực hay dê cái, dê non còn sung sức hay dê cụ đã cúp bình thiếc rồi, và cũng tùy vào cách biến chế thành món ăn nữa. Đây là chua kể đến vấn đề « sung với bồ, bất lực với vợ »

Có một điều chắc chắn là phần đông các đấng mày râu trên thế giới như Việt Nam, Trung Hoa, Thái Lan, Lào, Phi Luật Tân, Á Rạp, Phi Châu, v.v…đều tin tưởng là vụ đó là chuyện có thiệt.

Đối với đa số đàn ông phe ta, thịt dê đã gắn liền với đệ tam khoái trong nhóm ANDI. Sự kiện hễ mỗi khi nói đến chữ dê là tạo trong đầu một hình ảnh liên hệ xa gần đến trò múa lân dù rằng chưa phải là mùa Tết nhứt. Các nhà khoa học gọi đây là tự kỷ ám thị. Phải chăng hiện tượng nầy đã giúp phần nào cho tác dụng trợ dương.

Theo ý kiến của cơ quan Quản trị Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ FDA, thì không có thức ăn nào có tính trợ dương (aphrodisiac) cả. Món trợ dương thật sự chỉ có giữa hai cái lỗ tai của chúng ta và đây chỉ là yếu tố tâm lý mà thôi.

Khoa học gọi đây là hiệu quả vờ effet placebo!

Còn một cách trị liệu khác đôi khi cũng có kết quả lắm mà chả cần phải ăn thịt dê hoặc uống thuốc men gì cả, đó là áp dụng cách cấm trại chay tịnh trong đôi ba tuần, cho tinh thần thật sảng khoái và thân xác khỏe khoắn hẳn rồi mới xả trại. Thời gian tịnh dưỡng càng lâu thì càng tốt, nhưng không được quá lâu sẽ quên bài hết. Đúng với câu use it or loose it! Đây là một trong nhiều cách trị liệu theo lối thiên nhiên nếu chẳng may bị mất điện.

Còn các bà, các chị tuy ngoài mặt, ngoài miệng thì nói ăn làm chi ba cái thứ đồ quỷ đó, nhưng mà trong bụng lại mở cờ, hăng hái móc hầu bao đưa anh hai cho các ông đi mua thịt dê về nhậu cho đã đời, rồi sau đó tối thành quỷ sống để được các bà…khen!

Sướng chưa! Chuyện khó hiểu thiệt.

Nguyễn Thượng Chánh


3G McKeno luom-lat tren Internet
band4 3G McKeno

User avatar
linhgia
Posts: 1308
Joined: Fri Dec 03, 2004 9:30 am

Re: Chuyện Tào Lao

Post by linhgia »

Phúc, Lộc, Thọ - Các cụ là ai ?

Tác Giả : Dương Duy Ngữ

Cụ bà và cụ ông bằng tuổi nhau. Người Việt ta có câu: "Cùng tuổi nằm duỗi mà ăn"


Theo truyền thuyết của người Hoa Hạ, ông Lộc là một quan tham chuyên ăn của đút lót. Ông Thọ lại là vị quan thực dụng, ưa xu nịnh vua để được ban thưởng, trong dinh của ông cung nữ nhiều chẳng kém ở cung vua. Chỉ có ông Phúc là quan thanh liêm, ngay thẳng, con cháu đề huề.

Hiện nay, từ thành thị đến nông thôn, ở đâu ta cũng gặp các cụ Phúc, Lộc, Thọ. Các cụ thường được đặt ở nơi trang trọng nhất trong phòng khách, trên nóc tủ chè, có nhà còn làm cả bàn thờ rõ đẹp để thờ ba cụ cầu mong được phúc, được lộc, được thọ. Người sang thì có cả ba cụ bằng gốm Tàu rõ to, rõ đẹp. Người tầm tầm thì bằng gỗ pơ-mu hoặc sứ Bát Tràng…

Xin thưa, theo truyền thuyết, cả ba cụ đều là người Hán và dĩ nhiên đều sinh ra ở Trung Nguyên. Và ba cụ đều làm quan to ở ba triều đại.


Hãy kể theo thứ tự, bắt đầu từ cụ Phúc. Cụ Phúc tên thật là Quách Tử Nghi, Thừa tướng đời Đường. Cụ xuất thân vốn là quý tộc, đồng ruộng bát ngát hàng trăm mẫu, nhưng suốt cuộc đời tham gia triều chính, cụ sống rất liêm khiết, thẳng ngay. Không vì vinh hoa, phú quý mà làm mất nhân cách con người.

Cụ bà và cụ ông bằng tuổi nhau. Người Việt ta có câu: "Cùng tuổi nằm duỗi mà ăn". Còn theo người Hoa Hạ ở Trung Nguyên thì vợ chồng cùng tuổi là rất tốt. Họ có thể điều hòa sinh khí âm, khí dương cho nhau. Vì vậy, có thể bớt đi những bệnh tật hiểm nguy. Lại cùng tuổi nên dễ hiểu nhau, dễ thông cảm cho nhau, nên hai cụ rất tâm đầu, ý hợp. Hai cụ 83 tuổi đã có cháu ngũ đại. Lẽ dĩ diện phải là nam tử rồi. Cụ Phúc thường bế đứa trẻ trên tay là như vậy. Theo phong tục của người Hoa cổ đại, sống đến lúc có cháu ngũ đại giữ ấm chân nhang của tổ tiên là sung sướng lắm lắm! Phúc to, phúc dày lắm lắm! Bởi thế cụ mới bế thằng bé, cháu ngũ đại, đứng giữa đời, giữa trời, nói:

- Nhờ giời, nhờ phúc ấm tổ tiên, ta được thế này, còn mong gì hơn nữa. Rồi cụ cười một hơi mà thác. Được thác như cụ mới thực sự được về cõi tiên cảnh nhàn du. Cụ bà ra ôm lấy thi thể cụ ông và chít nội than rằng:

- Tôi cùng tuổi với chồng tôi. Phúc cũng đủ đầy, dày sâu, sao giời chẳng cho đi cùng…

Ai có thể ngờ, nói dứt lời cụ bà cũng đi luôn về nơi chín suối. Hai cụ được con cháu hợp táng. Vậy là sống bên nhau, có nhau, chết cũng ở bên nhau, có nhau. Hỏi còn phúc nào bằng. Và cụ được người đời đặt tên là Phúc.

Cụ thứ hai là cụ Lộc. Cụ Lộc tên thật là Đậu Từ Quân, làm quan đến chức Thừa tướng nhà Tấn. Nhưng cụ Đậu Từ Quân là một quan tham. Tham lắm. Cụ hưởng không biết bao nhiêu vàng bạc, châu báu, là của đút lót của những kẻ nịnh thần, mua quan, bán tước, chạy tội cho chính mình, cho con, cho cháu, cho thân tộc.

Trong nhà cụ, của chất cao như núi. Tưởng cụ Đậu Từ Quân được như thế đã là giàu sang, vinh quang đến tột đỉnh. Cụ chỉ hiềm một nỗi, năm cụ tám mươi tuổi vẫn chưa có đích tôn. Do vậy cụ lo nghĩ buồn rầu sinh bệnh mà chết. Cụ ốm lâu lắm. Lâu như kiểu bị tai biến mạch máu não bây giờ. Cụ nằm đến nát thịt, nát da, mùi hôi thối đến mức con cái cũng không dám đến gần. Đến khi chết, cụ cũng không nhắm được mắt. Cụ than rằng:

- Lộc ta để cho ai đây? Ai giữ ấm chân nhang cho tổ tiên, cho bản thân ta?

Còn cụ thứ ba, cụ Thọ. Cụ Thọ tên là Đông Phương Sóc, làm Thừa tướng đời Hán. Triết lý làm quan của cụ Đông Phương Sóc là quan thì phải lấy lộc. Không lấy lộc thì làm quan để làm gì. Cụ coi buôn chính trị là buôn khó nhất, lãi to nhất. Nhưng cụ Đông Phương Sóc vẫn là quan liêm. Bởi cụ nhất định không nhận đút lót. Cụ chỉ thích lộc của vua ban thưởng. Được bao nhiêu tiền thưởng, cụ lại đem mua gái đẹp, gái trinh về làm thê thiếp.

Người đương thời đồn rằng, trong dinh cụ, gái đẹp nhiều đến mức chẳng kém gì cung nữ ở cung vua.

Cụ thọ đến 125 tuổi. Nên người đời mới gọi cụ là ông Thọ. Trước khi về chốn vĩnh hằng, cụ Thọ còn cưới một cô thôn nữ xinh đẹp mới mười bảy tuổi. Cụ Đông Phương Sóc bảo, cụ được thọ như vậy là nhờ cụ biết lấy âm để dưỡng dương.

Do cụ Đông Phương Sóc muốn có nhiều tiền để mua gái trẻ làm liều thuốc dưỡng dương, cho nên suốt cuộc đời của cụ, cụ chỉ tìm lời nói thật đẹp, thật hay để lấy lòng vua. Có người bạn thân khuyên cụ:

- Ông làm quan đầu triều mà không biết tìm lời phải, ý hay can gián nhà vua. Ông chỉ biết nịnh vua để lấy thưởng thì làm quan để làm gì.

Cụ Đông Phương Sóc vuốt chòm râu bạc, cười khà khà bảo:

- Làm quan không lấy thưởng thì tội gì mà làm quan. Can gián vua, nhỡ ra vua phật ý, tức giận, chém đầu cả ba họ thì sao?

Cụ Đông Phương Sóc 125 tuổi mới chịu từ giã cõi đời. Khi cụ chết thì con không còn, cháu cũng đã hết cơm hết gạo mà chắt đích phải làm ma, phải thay cha, thay ông, chở cụ nội.

Vậy làm quan như cụ, thọ như cụ phỏng có ích gì?

Qua ba bức tượng Phúc, Lộc, Thọ người đời thấy, người Hoa Hạ thật là tài giỏi. Họ đã khéo xếp ba vị thừa tướng, ba tính cách khác nhau ở ba triều đại khác nhau để răn đời.

Trong ba điều ước Phúc, Lộc, Thọ ấy chỉ có thể được một mà thôi.





--
band4 3G McKeno

User avatar
linhgia
Posts: 1308
Joined: Fri Dec 03, 2004 9:30 am

Re: Chuyện Tào Lao

Post by linhgia »

ÂM MƯU BIẾN NGÀY QUỐC HẬN THÀNH NGÀY THUYỀN NHÂN?12/03/2012





TRẦN GIA PHỤNG - Sau bài “Ngày Quốc hận là ngày Quốc hận”, có nhiều e-mail hỏi người viết rằng tại sao lại có âm mưu biến ngày Quốc hận thành ngày Thuyền nhân? Câu hỏi nầy đáng lẽ phải hỏi thẳng những người âm mưu. Ở đây chúng tôi chỉ phỏng đoán lý do mà thôi. Sự phỏng đoán có thể thiếu sót, xin các bậc cao minh bổ túc thêm.



1. LÀM PHAI LẠT Ý NGHĨA NGÀY QUỐC HẬN

Ngày 30-4-1975 là ngày Cộng sản Bắc Việt cưỡng chiếm miền Nam Việt Nam, áp đặt chế độ độc tài đảng trị trên toàn thể lãnh thổ Việt Nam. Chế độ cộng sản chà đạp tự do dân chủ, giết hại dân lành, gây nhiều tội ác, trong đó quan trọng nhất là tội phản quốc, nhượng đất, nhượng biển cho Trung Cộng để duy trì quyền lực. Vì vậy dân chúng tự động đặt tên ngày 30-4 là NGÀY QUỐC HẬN.


Sau ngày Quốc hận 30-4-1975, hàng triệu người Việt Nam đã bỏ nước ra đi tìm tự do. Khoảng nửa triệu người bỏ mình trên biển cả. Cộng sản chận bắt, bắn giết những người tìm cách vượt biên. Lúc đầu, cộng sản gọi người Việt vượt biên là“tay sai Mỹ ngụy, chạy theo bơ sữa tư bản”.


Dần dần, người Việt hải ngoại tập họp thành những cộng đồng lớn mạnh ở khắp nơi trên thế giới, nhất là ở Bắc Mỹ, Âu Châu và Úc Châu. Hàng năm cộng đồng người Việt hải ngoại gởi về hàng tỷ Mỹ kim để giúp đỡ thân nhân ở trong nước. Cộng sản liền uốn lưỡi, đổi giọng, gọi người Việt hải ngoại thành “khúc ruột ngàn dặm”. Tuy nhiên CSVN rất e ngại “khúc ruột ngàn dặm”, vì nhờ khoa học kỹ thuật tiến bộ, phương tiện truyền thông nhanh chóng, tất cả những tin tức ở trong nước được đưa ra nước ngoài dễ dàng.


“Khúc ruột ngàn dặm” sẵn sàn tranh đấu, bảo vệ người Việt trong nước, gây trở ngại không ít cho cuộc đàn áp của độc tài cộng sản.


Đối phó với “khúc ruột ngàn dăm”, Bộ chính trị đảng CSVN đưa ra nghị quyết số 36/NQ-TW ngày 26-3-2004 về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài, để bằng tất cả các cách thu hút và nếu thu hút không được thì đánh phá các tổ chức, hội đoàn, cộng đồng người Việt hải ngoại, nhằm hóa giải, chận đứng tất cả các cuộc chống đối của người Việt hải ngoại.
Để thực hiện nghị quyết 36, CSVN đưa ra nhiều thủ đoạn thâm độc mà chúng ta không lường trước được. Có khi có người vô tình lạc vào những thủ đoạn của CSVN mà không biết. Âm mưu biến ngày Quốc hận làm ngày Thuyền nhân là một trong những âm mưu thâm độc của CSVN. Âm mưu nhằm hai mục đích :


1) Làm phai lạt dần dần ý nghĩa Ngày Quốc hận trong lòng người Việt hải ngoại, giảm nhẹ tội ác cho CSVN.


2) Tạo một đề tài gây tranh cãi và làm chia rẽ cộng đồng người Việt hải ngoại.


2. VÔ HIỆU HÓA HỘI CỰU QUÂN NHÂN

Ở hải ngoại có nhiều hội đoàn. Hội đoàn có tinh thần quốc gia, dân tộc, chống cộng mạnh mẽ, lại có quy củ, có tổ chức, hoạt động mạnh nhất ở bất cứ nước nào, địa phương nào, là hội Cựu Quân Nhân (CQN). Hằng năm, nếu nơi nào không có ban chấp hành cộng đồng, như ở Toronto (Canada) chẳng hạn, thì hầu như hội CQN được giao tổ chức ngày Quốc hận 30-4. Hoặc hội CQN phối hợp với các hội đoàn khác để cùng tổ chức. Luôn luôn hội CQN làm nòng cốt, thường có lễ chào cờ, rước quốc quân kỳ… Hội CQN là hội giữ lửa cho Cộng đồng, hội mũi nhọn trong các cuộc biểu tình chống cộng. Mỗi năm hội CQN có hai hoạt động chính là tổ chức “Ngày Quốc hận” (30-4) và “Ngày Quân lực” (19-6). Nếu vận động được các địa phương biến ngày 30-4 thành ngày Thuyền nhân, thì lúc đó hội CQN không còn cần thiết, vì đối tượng chính trong buổi lẽ sẽ là thuyền nhân, thì thuyền nhân sẽ đứng ra phụ trách. Một Uỷ ban của các thuyền nhân sẽ đứng ra tổ chức Ngày Thuyền nhân 30-4 hằng năm, thay cho hội CQN.


Khi đó, hội CQN chỉ còn buổi lễ chính là mừng Ngày Quân lực. Là ngày vui thì chỉ có ăn uống, vui chơi, nhảy đầm. Từ vai trò giữ lửa chống cộng, hội CQN trở thành một món trang sức cho cộng đồng. Như thế là một cách vô hiệu hóa hội CQN, làm giảm bớt hoạt động của hội CQN, giảm bớt ngọn lửa đấu tranh chống cộng. Cái thâm độc của cuộc vận động biến ngày Quốc hận 30-4 thành ngày Thuyền nhân nằm ở chỗ đó. Tuy nhiên vẫn chưa hết…


3. TIÊU DIỆT TIỀM LỰC CHỐNG CỘNG


Ngày Quốc hận 30-4 là ngày của toàn dân Việt, ở trong cũng như ngoài nước, trừ một thiểu số đảng viên. Vì vậy, hằng năm, vào ngày 30-4 ở hải ngoại, khắp nơi trên thế giới đều tổ chức lễ kỷ niệm Ngày Quốc Hận. Rất đông người đến tham dự, có thể nói là đông đảo nhất trong năm. Kỷ niệm Quốc hận hằng năm nhằm nhắc nhở ngày tang thương của dân tộc, tưởng niệm những anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì chính nghĩa quốc gia, những đồng bào đã bỏ mình trên đường tìm tự do, và những tù nhân chính trị đã và đang bị đày đọa đến chết trong các trại tù cộng sản. Kỷ niệm Quốc hận 30-4 cũng là dịp cho Cộng đồng Người Việt hải ngoại lên tiếng đòi hỏi dân chủ tự do cho đồng bào ở trong nước. Nói cách khác, ngày 30-4 là ngày tưởng niệm và cũng là ngày tranh đấu.


Trong khi đó, số người thực sự là thuyền nhân hiện nay, một mặt so với dân số toàn quốc thì quá ít vì ở trong nước không có thuyền nhân, và một mặt khác so với tổng số người Việt ở hải ngoại, số thuyền nhân hiện nay chỉ bằng khoảng một phần tư (1/4) hay một phần năm (1/5) mà thôi.


Nếu ngày 30-4 hằng năm là Ngày Thuyền nhân, thì những người không phải là thuyền nhân có thể không đến dự các buổi lễ ngày 30-4, vì không liên quan đến họ. Số người tham dự các buổi lễ kỷ niệm sẽ giảm đi và có thể giảm đi rất nhiều. Như thế, dần dần ngày 30-4 sẽ phai lạt dần. Từ đó, tinh thần đấu tranh chống cộng sản bạo tàn, đòi hỏi tự do dân chủ cho Việt Nam của cộng đồng người Việt hải ngoại sẽ càng ngày càng xuống giốc.


Hơn nữa, một ngày kia, những thuyền nhân sẽ lần lượt qua đời, sẽ không còn thuyền nhân trên thế giới, thì Ngày Thuyền nhân cũng tàn lụi theo. Lúc đó chắc chắn Ngày Thuyền nhân sẽ chẳng còn ai chú ý, chẳng còn ai cử hành, nghĩa là ngày 30-4 cũng sẽ mất tích luôn.
Tóm lại, âm mưu biến đổi Ngày Quốc hận 30-4 thành Ngày Thuyền nhân phát xuất từ ý đồ của CSVN, nhằm làm giảm nhẹ tội ác của cộng sản, triệt tiêu hoạt động của Hội CQN và dần dần làm biến mất ngày Quốc hận, tiêu diệt tiềm lực chống cộng của cộng đồng người Việt hải ngoại. Âm mưu nầy được tay chân của cộng sản, cùng một số tên thân cộng ở hải ngoại tìm cách thực hiện để mưu lợi, trao đổi buôn bán với cộng sản. Tuy nhiên, dầu cố gắng cách nào đi nữa, âm mưu nầy cũng không thể thành công được, vì lịch sử là những sự kiện đã xảy ra trong quá khứ, không ai có thể sửa đổi được lịch sử, nhất là một khi đã được khắc ghi vào bia miệng thế gian.


“Trăm năm bia đá thì mòn
Ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ.”


Ở trong nước, CSVN tham nhũng, bóc lột, cướp đất dân lành, nhượng đất nhượng biển cho Trung cộng, đàn áp dân quyền và nhân quyền, bắt bớ, giam cầm những nhà tranh đấu dân chủ bất bạo động, những người yêu nước biểu tình chống Trung cộng xâm lược. Ở hải ngoại, đời sống đầy đủ, tự do dân chủ, lại có những kẻ không nghĩ đến tương lai dân tộc, không nghĩ đến đồng bào đang đau khổ vì CS ở trong nước mà chỉ vì một chút danh lợi nhỏ nhoi, tiếp tay tuyên truyền cho CSVN, tiếp tục duy trì nạn độc tài toàn trị trên quê hương Việt Nam, thì tội lỗi nầy cũng không kém gì tội lỗi của CSVN.




TRẦN GIA PHỤNG
(Toronto, 9-3-2912)
band4 3G McKeno

User avatar
linhgia
Posts: 1308
Joined: Fri Dec 03, 2004 9:30 am

Re: Chuyện Tào Lao

Post by linhgia »

Thiên tài thông minh nhất thế giới là.......Ts Nguyễn Đình Thắng.




Nên đọc trước bài viết của Khương Tử Dân , sau mới đến bài viết của đại cao thủ trên Internet về Trường Tây và chức vụ Kỷ sư Chế ( Design Engineer ) , hiện nay tay nầy đang ăn lương hưu chức vụ kỷ sư Chế…nên xem cho biết học trường Tây và nghề ngổng Kỷ sư Chế ra sao .

………..


Nói cách khác, qua tiểu sử của ông Nguỹên Đình Thắng ngay trên mạng www.BPSOS.org hoàn toàn mập mờ, thiếu minh bạch, thiếu quang minh chính đại. Tại sao lại phải che giấu nhiều giai đoạn trong cuộc đời, thì tiểu sử sẽ vô nghĩa, chỉ có ý đồ lừa dối, che giấu những lắc léo trong cuộc đời. Tiểu sử của Nguyễn Đình thắng lại không có ngày sinh, nơi sinh.


Ông Nguỹên Đình Thắng đến Mỹ năm 1979, theo tiểu sử của ông ta trên mạng, đổ tiến sĩ, Ph.D năm 1986 tại trường Virginia Tech, và lấy Master về Electronic của trường Johns Hopkins. Lại thêm một chi tiết mù mờ khác là đã không khai báo rõ ràng năm nào, ông có Master. Trước đó dĩ nhiên ông Nguỹên Đình Thắng phải vượt qua được chương trình B.S. Như vậy ông Nguỹên Đình Thắng đã học trường đại học nào trước khi được vào Johns Hopkins, và tốt nghiệp B.S năm nào? Ông NĐ.Thắng đã làm việc cho một cái Lab Research nào đó ở Bethesda, Maryland, cũng không có tên bản hiệu rõ ràng. Tiểu sử, bio, của ông Nguỹên Đình Thắng là cả một quá trình đứt đoạn có quá nhiều nghi vấn. Câu hỏi được đặt ra là tại sao đương sự lại mập mờ, thiếu thành thật trong tờ khai lý lịch, tiểu sử do chính đương sự viết ra?


Nếu đi ngược dòng tiểu sử của ông Nguỹên Đình Thắng, do chính đương sự viết, có hình ảnh, và những gì ký giả Kiếng Vàng khẳng định thì hoàn toàn không ăn khớp với nhau. Ông viết gà, bà viết vịt.


Nếu ông Nguỹên Đình Thắng vượt biên lúc 17 tuổi vào năm 1975, và đến Mỹ năm 1979 là đương sự đã 21 tuổi, như vậy ông Thắng sinh năm 1958?


Như đa số những ai đã học qua chương trình tiến sĩ ở Mỹ về Engineering đều biết rõ là hệ thống giáo dục ở đại học của Mỹ, vấn đề quan trọng nhất vẫn là trường học, và theo hệ thống 4-2-3 năm sau khi đã qua hết 12 năm ở cấp tiểu và trung học. Điều phải khẳng định trước tiên là khi ông NĐ.Thắng tới Mỹ, đương sự chưa học hết chương trình trung học, chỉ mới 17 tuổi, khi vượt biên. Nếu Nguỹên Đình Thắng đến Mỹ năm 17 tuổi là cả một sự gian dối lố bịch khác nữa. Ở Việt nam, và nhất là trình độ Anh ngữ chắc cũng không hiểu được nhiều lắm.


Như đa số thanh thiếu niên mới tới Mỹ đều phải qua chương trình học Anh ngữ free, dù có vào học ở Trung học hay không. Chương trình giáo dục tài trợ này hiện tại vẫn tiếp tục tài trợ cho những gia đình có con em mới nhập cư vào nước Mỹ ở mỗi tiểu bang, trong đó có gần 100 ngàn người Việt nhập cư theo diện ODP mỗi năm. Nếu ông NĐ. Thắng giỏi Anh ngữ, và có đủ khả năng để vào học đại học chăng nữa ngay trong năm 1979 vào mùa thu, đầu niên học, mà đến năm 1986 ông Nguỹên Đình Thắng, làm xong luận án tiến sĩ để có học vị tiến sĩ, Ph.D về Mechanical Eng. là một chuyện lạ, khác thường, không giống ai cả, một ngoại lệ bất tường. Ông Thắng chắc phải theo chương trình G/T vì thông thường, ít nhất phải mất 9 năm, ông NĐ.Thắng chỉ cần hơn 6 năm thôi và nhất là không có trung học ở Việt nam, tức là thiếu căn bản về sở học.


Chỉ tiếc là ông Nguỹên Đình Thắng đã không khai rõ là đã tốt nghiệp B.S, tại trường đại học nào, vào năm nào, kể cả bằng M.S. ở đại học Johns Hopkins.


Nói tóm lại, tiểu sử, bio, của ông Nguỹên Đình Thắng là cả một khung trời mùa đông đầy mây xám và sương mù. Như trên đã dự tính qua ngày ông Thắng đến Mỹ, vào năm1979, thì đương sự có thể sinh vào năm 1958, nhưng nhìn thực thể bên ngoài, qua hình ảnh, video, ông Nguỹên Đình Thắng trông già hơn tuổi nhiều lắm.


Người viết bài này cũng đã vượt biên, lúc ở trại tỵ nạn ở Malaysia có làm việc trong phái đoàn tỵ nạn Liên Hiệp Quốc của Mỹ, đã biết rõ rất nhiều người đã giấu tuổi, từ từ 3-10 tuổi hay nhiều hơn. Họ khai tuổi nhỏ trong mục đich để sang Mỹ tiếp tục học. Ở trại tỵ nạn, nếu những ai không nghĩ đến hậu quả của việc khai man, thì liều mạng khai là mất hết giấy tờ tùy thân, rồi các phái đoàn cũng chấp nhận, nhưng phải ở lại trại tỵ nạn lâu hơn. Trong khi đó nhiều nguồn tin khác cho biết là Ông Thắng đã di cư vào Nam, sau khi có hiệp định chia đôi đất nước. Điều chắc chắn là ông Nguỹên Đình Thắng không phải là dân Miền Nam, qua giọng nói của đương sự.


Cũng có nguồn tin trên mạng cho biết là ông Nguyễn Đình Thắng đã tốt nghiệp đại học ở thiên đàng mù trước khi vượt biên. Như vậy ngay trong vấn đề lý lịch, tiểu sử, bio, của ông Nguỹên Đình Thắng đã có quá nhiều nghi vấn, nhiều vấn đề không bình thường.


Ký giả Kiến Vàng bảo ông Thắng học trường tây là trường nào? Ở Saigon hay ở Đà lạt? Trường cờ tây thì vào thời đó chỉ có mấy trường đáng ghi chú như sau: Trường chó săn Lão bá- Chasseloup Laubat, trường chuồng ngựa- Marie Curie, Taberd, trường Lồng chim, Couvent des Oiseaux, hay trường Yersin, Saint Éxupery, Les Lauriers, Lucien Mossard.... Trường cờ tây, sau đó còn gọi là trường cờ ba màu, được đổi lại thành trường cờ vàng quốc gia. Nếu người viết nhớ không lầm, thì trước DTK một năm là chương trình tíếng Việt bắt đầu, và sau DTK một năm là chương trình “cờ tây” cáo chung.


Trên một gốc cạnh khác, ngoài vấn đề an ninh, người viết còn muốn nêu lên vấn đề thuế vụ, ngân sách quốc gia, mà người công dân Mỹ đã đóng thuế, trong đó có cộng đồng người Mỹ gốc Việt. Trên Báo Túm, Ký Giả Kiếng Vàng cũng đã xác nhận là văn phòng BPSOS của ông Nguỹên Đình Thắng đã bị kiểm tra, đã bị cáo buộc là “Fraud” như DTK đã viết.


Như vậy những gì DTK viết ra là sự thật, có chứng cớ như Bộ Tư Pháp đã ghi cáo buộc. Từ cáo buộc nhỏ sẽ đễ cáo buộc lớn, và càng gần với sự việc phạm pháp hơn. Đó là sự thật không thể tránh né, và sự thật đã được vạch mặt trần truồng. Những gì DTK viết ra đều đúng sự thật, đã có trên mạn, trên bộ tư pháp, không thể xuyên tạc, không thể lấp liếm, che đậy. Khi đã vi phạm, đã bị kiểm tra, bị cáo buộc là đã có vấn đề gian dối, mới bị cáo buộc là “Fraud”. Kịch bản TNT đã biến hình thành con cắc kè, nhiều màu sắc, như con rắn lục dưới mỗi ngòi bút, diễn đàn tự do như một bánh thuốc nổ NTN được nhiều diễn đàn, ký giả không người lái khai thác quanh co để bao che cho Nguỹên Đình Thắng.


Nhưng dưới hình thức nào, sự thật vẫn là sự thật, nhất là có nhiều bài viết của Nguỹên đình Thắng đã được giải độc, nhiều bài phỏng vấn đã được diễn ra, cũng không ngoài ý đồ làm cho những mưu đồ gian dối, lừa bịp biến mất. Nhưng họ càng che đậy, càng hóa khuẩn bốc mùi xú uế hơn.. Nói cách khác, sự kiện tranh giành chữ ký của gần 150K chữ ký của cộng đồng người Mỹ gốc Việt, qua sự đấu đá, trâu bò húc nhau giữa nhóm BPSOS, và SBTN của Trúc Hồ vẫn là những chứng cớ có thật qua hình ảnh, văn thư, bài viết của nhiều người lồ lộ trên các mạng, báo chí lề phải, lề trái. Trúc Hồ, và Nguỹên Đình Thắng không thể phủ nhận điều đó. Phàm chỉ có tranh giành món ăn béo bở, quyền lợi, ảnh hưởng, bổng lộc mới có đấm đá, cấu xé, húc nhau chí tử thôi. Tất cả cũng chỉ vì vì quyền lợi, bổng lộc, ảnh hưởng phe nhóm thôi. Trâu bò húc nhau, hay bọn xã hội đen đâm chém nhau, nói chung cũng chỉ vì quyền lợi, ảnh hưởng, miếng ăn. Chính trị, với du đảng, côn đồ có cùng chung một hành động là đấu đám cấu xé, húc nhau, đâm chém, thanh toán nhau dưới nhiều hình thức. Điều này đã là một sự thật đau lòng cho cộng đồng.


Sự thật dơ bẩn, tồi tệ đó đã làm chán nản cho những ai đã ký vào TNT, và nhất là cho cả cộng đồng người Việt tỵ nạn VGCS Hà nội ở ngoại quốc. Chỉ ngay trong bước đầu tiên, ban tổ chức, đề xướng ra chiến dịch TNT đã đấu đá, cấu xé, húc nhau như trâu bò, chó mèo giưã công chúng, là một điều ô nhục, dơ bẩn chẳng những cho cả hai phe nhóm.


Khương Tử Dân…



Sau đây là bài viết của Kỷ sư Chế , hiện ăn lương hưu kỳ sư Chế gần 3 năm nay.

Bài viết góp thêm ý của Kỷ sư Chế ( Design Engineer ) về TS Nguyễn Đình Thắng :

Những trường Tây hiện hữu được biết từ năm TT Ngô Đình Diệm lên nắm quyền tại miền Nam đến hết năm 1975 , tại Saigon như sau :

1.- Trường Chasseloup Laubat là trường Tây , nhưng phải là con dân Tây , hay dân gốc bự làm trong hảng xưởng của Tây ( như Bastos – Khánh Hội , Shell …Đồn điền cà phê hay cao su./.Nghĩa là công chức hay công bộc cho Tây , lảnh lương từ ông chủ người Tây, nhưng không phải làm cu ly xe kéo cho hảng xưởng Tây mà con được vào trường nầy , phải là làm cấp lớn như Giám Đốc hay Tổng Giám đốc thì hy vọng…Nhưng vào trường nầy phải thi nhập trường hết ) Trường nầy ngày xưa ( trước năm 1930-1950 ) thì học trò nồi danh nhất là Thái tử Norodom Shinanouk . Ông học trường nầy , ông biết rành chữ Việt và tiếng Việt . Vợ ông là bà Monique , làm việc tại Tòa Sứ , Biết rành tiếng Việt luôn.

Trong khi Thái từ Miên Norodom Shihanouk học tại Saigon , thì thái từ Bảo Đại học tại Paris . Lý do Pháp xem trọng VN hơn Cao Miên và Laos .

Trường nầy dành cho con ông cháu cha , giàu có vào học. Giáo sư đa số là người Pháp.

2.- Trường Marie Curie là dành cho con gái mà thôi ( sau 75 thì có con trai ) ( Thi cữ trường nầy vô cùng khó cho dù có giấy giói thiệu của xếp Tây, khi có nữ sinh trường Marie Curie nầy ra khỏi lớp thì dư 1 chổ và người ta mới tuyển thi vào. Có năm thiếu 5 chổ cho trường Marie Curie thì trường tổ chức thi nhận học trò , 5 ghế mà có đến trên 300 nữ sinh nộp đơn thì thấy khó chừng nào. Đặc biệt là thi tính điểm chớ không thi tính con cái quan lớn, khá công bình)

3.- Trường Taberd ở dường Nguyễn Du , thi vào trường rất khó . Phải có sự giới thiệu người Công giáo . Trường nầy của Công giáo Catholic . Trước đó thì dành cho học trò đa số là tín hữu công giáo , nhưng cũng con ông cháu cha hay gia đình thuộc diên đại gia vào học. Kỷ luật rất nghiêm minh, Hiệu trưởng là thầy dòng La Salle người Pháp , khi TT Diệm chấp chánh , thì giáo sư Pháp lần lượt rời VN mà về nước .

Trường Taberd có 2 nhánh .

Nhánh Pháp ngữ và nhánh Việt ngữ .Sau khi TT Diệm lên ngôi , thì trường Taberd đổi tên thành Lasan Taberd ( có Lasan Đức Minh ). Học phi đắt nhất trong những tư thục Saigon .Thành tai xong Terminal hay xong Tú Tài 2 thì đa số họ giõi , làm quan chức khá cao trong chánh phủ VNCH I.

Nhánh Pháp ngữ , chúng tôi còn nhớ thì có con Cố vấn Ngô Đình Nhu học là Ngô Đình Trác (tôi trong nhánh nầy). Tên nầy rất lớn lối, dỉ nhiên ( nhưng học lực khá giõi ), hắn chỉ chơi có 1 thằng bạn mà thôi, hàng ngày có 2 tên mật vụ, 1 tên lái xe đạp, 1 tên đi xe jeep mà canh chứng cậu nầy.

Tên Ngô Đình Trác khi nói chuyện với bạn thì luôn luôn nói tiếng Pháp.

Tụi tôi chữi bóng gió chữ Việt cho tụi nó nghe nhại ra tiếng Tây là Con Cạc Cạc Cạc (y như con vịt gọi vậy đó). Tên Trác nó tức lắm, nhiều thằng bị phạt cấm túc vì chọc tiếng Tây với học trò Taberd thích nói tiếng Tây ta đây hơn tiếng Việt. Đức Huy nhạc sĩ nổi danh với “ Và Tôi cũng yêu Em “…học trường Taberd nầy.

Ca sĩ Elvis Phương học 3 năm thì sortie . Không qua được lớp Terminal ( Đệ Nhất = lớp 12 bây giờ )


Tên Ngô Đình Trác có mét má là bà Trần lệ Xuân (vợ Ngô Đình Nhu ) về Thầy dòng frere của mình . Thầy dóng frere nói bóng gió sự lạm quyền của bà Nhu. Thế là 24 giờ sau thầy dòng nầy bị tống lên dạy trường đạo tại Ban Mê Thuột (tôi quên mất tên thầy frere nầy)


Hiện nay trường Taberd có web site check ra là biết tên Nguyễn Đình Thắng “đéo“ học ở những trường Tây nầy .


Nhánh Việt thì cấp thấp tôi được biết có 2 con của Tướng Nguyễn Cao Kỳ ( học xong 1 năm thì bị trường cho sortie = đuổi ra . Con của Tướng Huỳnh văn Cao cũng bị sortie cho dù Tướng Cao mang lon oai vệ váo trường xin cho con học lại lớp cũ , cũng không được )


4.- Trường Couvent des Oiseaux là trường Tư , dành cho nữ sinh mà thôi. Hình như ca sĩ Thanh Lan học trường nầy , nên tiếng Pháp tuy nói khá giõi nhưng còn kém , thua trường Marie Curie . Chỉ đóng tiền nhập học chớ không thi cữ trầy da tróc vẩy như trường Marie Curie .


5.- Trường Yersin , Saint Éxupery, Les Lauriers, Lucien Mossard. không có tại Saigon hay là chúng tôi không rỏ lắm.


Nói tóm lại thời TT Ngô Đình Diệm lên ngôi 1954 đến 1963 thì hệ thống giáo dục mang tên Tây bị thay đỗi theo Nghị Định của TT Diệm .


Chúng tôi học trường Taberd thì bảng trường đổi thành Lasan Taberd .


Thật sự mấy thầy dòng frere của chúng tôi thuộc dòng Thánh John Baptist de la Salle ( được Giáo Hoàng Leo XIII phong thánh năm 1900 )


Cho nên khi Diển dàn đụng chạm đến sự cuồng tín tôn giáo ( thật sự chỉ đạo Catholic và đạo Phật mà thôi ) thì tôi tuy theo phe Phật giáo , nhưng rất ái ngại khi đụng chạm đến trường thầy dòng của tôi.


Trường dòng Taberd de La Salle mấy sư huynh ( thầy frere , chúng tôi xưng con mà không thấy ngượng miệng, nhưng khi gặp linh mục Cha sở thì chúng tôi xưng Cha và Con thì thấy trong trái tim có sự kỳ kỳ , xấu hổ + mặc cãm . Vì cha mẹ mình còn sống mà gọi Cha nội nầy là Con Con Cha Cha thì dị hợm trăm bề )


Khi trường Teberd thêm tên là LaSan Taberd thì thấy kém uy rồi , vì nhập cục chung với cụm từ LaSan Đức Minh ( trường nầy học không giõi bằng trường Taberd Lasan của chúng tôi ). Ban Việt ngữ khi thi Tú Tài 2 thì những kẻ được đậu Ưu hay Bình thì Lasan Taberd có được nhiều phần trăm nhất , còn lại là trường Petrus Ký ( Trương Vĩnh Ký ) + Chu Văn An ..etc…


Lý do Trường Taberd học giõi là cứ 3 tháng trường cho Thi ( Tam cá nguyệt ) , cuối năm Thi lớn. Đề thi hay tồ chức thi cử thì ngồi y như thi thật vậy . Cũng xé đề thi trong bao thơ , cũng reng chuông hết giờ , gom hết bài không cho học trò nấn ná giây phút nào…


Học hàng ngày cứ như ôm trái bom nổ chậm vậy , ngày nghĩ lễ thì được mấy Frere dộng cho cả đống bài làm . Cho nên không còn biết mình là học trò tung tăng đuỗi bướm hái hoa nơi suối rừng bao giờ.


Thấy tụi học trường tư như Cộng Hòa, Nguyễn thượng Hiền , Hưng Đạo , Văn Học , Bồ Đề …vv..thì thấy thèm. Sao tụi nó quờn quá vậy ta.


Bởi vậy thi ngoài đời là ít rớt .


Tỉ lệ đậu Bac I , Bac II hay Tú I , Tú II là gần đến 90 % cho trường LaSalle Taberd .
Nay nhắc đến là lòng dâng cãm thương nhớ đến mấy frere su huynh trọn dời dạy học cho học trò.


Chúng tôi khi đậu tại Anh và tại Hoa ky , khi về lại Saigon , thăm viếng trường Taberd thì trường nầy đổi thành trường Sư Phạm rồi.


Còn trường John Hopkins tôi bảo đãm là tên TS Nguyễn Đình Thắng không bao giờ học trường nầy , cho dù học 1 giờ đồng hồ.


Tôi bảo đãm cái đầu của tôi.


Lý do con trai người bạn thân của tôi đang học nơi nầy.


Học phí vô cùng đắt nhất trong 10 trường đắt tiền nhất Hoa ky.


Trường chỉ nổi danh về Y Khoa mà thôi. Ra trường John Hopkins thì hầu hết những hospital lừng danh nước Hoa ky đều rộng cửa mở đón chào.


Trường nầy học phí đắt nhất trong 5 trường đại học Hoa ky . Đa số dân đây là dân Do Thái . Tụi nầy học là phải chạy thôi.


Ông Khương Tử Dân tại sao không làm một request cho những Trường mà tên cà chớn mạo danh học đi ?


Nếu tên Thắng mà nói nó học trường Tây taberd thì chúng tôi hỏi nó là Thầy dòng bán sách tại tiệm sách của trường Taberd tên gì ?


Học trò gọi ông nick name là Ông Nội hay Ông Ngoại ?


Trường Lasan Taberd có 2 sư huynh đầu bạc . Hiền từ , cười hoài . Nhưng frere su huynh Ông Nội thì khó hơn Ông Ngoại.


Còn tên Thắng nói hắn làm việc tại Bethesda, Maryland ( Đây là cơ quan nghiên cứu tuyệt mật của Hải quân Hoa ky . Nơi nầy mà có bà Dương Nguyệt Ánh làm việc tại đây . Cứ hỏi nhạc sĩ Trúc Hồ địa chỉ hay telephone của Bà Ánh thì sẽ biết ,, rồi có thề nhớ Bà check dùm những tên từng làm việc tại đây . Chỉ có tay trong , cấp cap hỏi thì cơ quan nghiên cứu này hy vọng xì ra , vì họ sợ xì tên thì tụi khủng bố chơi liền. ).


Chúng tôi có apply được nhận vào đây , nhưng vì lưng bổng bằng và quá xa , nên tôi không chọn làm tại cơ quan nghiên cứu Hải quân Bethesda, Maryland.


Trong cơ quan nầy có nhiều người Việt làm trong đó . Kỷ sư , Janitor…khá nhiều .


Phải có quốc tịch Hoa ky , và lý lịch thì họ check rất kỷ , không dấu được đâu.


Nếu tên Nguyễn Đình Thắng mà lý lịch mơ hồ là 17 vượt biên , mờ mờ ảo ảo thì họ bác lập tức. Phải kể thật ngày xưa mình học Trung Học ở đâu ? Ai làm chứng ? Địa chỉ trường…


Tụi FBI trong cơ quan điều tra lý lịch , họ sẽ request tên đương sự đến tận trường..


Nên nhớ lúc Saigon đổi chủ mới …thì hầu hết hồ sơ Tư Sở , Công Sở , Trường học , Tòa Án hay các tỉnh đều y nguyên , không ai dám đốt hết. Nên khi FBI request đến VN thì lòi ra lập tức.


Giá tiền mỗi lần Request vậy tốn trên 10 nghìn USD ( thời giá 1986 ) , khoảng 3 tháng là xong Service Clearance I , còn đợt II thì tốn nhiều hơn, lâu hơn ( đó là những nơi dành cho cơ quan quân sự Hoa ky nghiên cứu về Nguyên tử hay vũ khí bí mật như tại Bethseda. Maryland vậy )


Bởi vậy nhiều quân nhân cao cấp QL/VNCH khó lòng khai man lý lịch khi nhập trại Học tập.
Vì hồ sơ lý lịch của mình ( hồ sơ quân bạ ) còn lưu giữ tại Trung Tâm Kiểm Toán IBM ở gần Tân Sơn Nhứt ( trước 75 thì gọi là Tân Sơn Nhứt , sau 75 thì gọi Tân Sơn Nhất ) hay Trung Tâm Hành Chánh Tài Chánh ( nơi làm hay giữ sổ lương quân nhân VNCH từ lính đến Tướng )


Tên Thắng nầy nổ quá , nên không thật bao giờ.



Bạn từng thấy những người lính can đãm chưa ?


Họ không bao giờ la lối là đánh giặc giõi hay anh hùng bao giờ.


Họ rất hiền và kỷ luật lắm.


Nhưng khi súng nổ , bom nổ thì gương mặt họ đanh lại , lầm lầm lì lì…họ thi hành đúng nhiệm vụ của họ , cho dù sĩ quan chỉ huy của họ bắt xung phong vào lưới đạn địch thủ chết trăm phần trăm .


Tên Thắng nầy nổ quá , nên không thật bao giờ.


Như vừa rồi chúng tôi đập tên đại khoa học gia nổ hơn bom Hydrogen là bác học gạch Nguyễn Xuân Vinh vừa qua trên Net nầy.


Dể hiêu thôi , nếu tên Thắng ra những trường kinh khủng thì tất hắn phải có nhẩn ra trường đeo ngón tay áp út phải rồi.


Chúng tôi có đeo nhẩn ra trường , nhưng thấy tên nào đeo nhẩn ra trường Havard hay Yale, Cornell hay Caltech hay M.I.T (Massachusetts Institute of Technology ) và nhất là John Hopkins là nhợn liền .


Chúng ta thừ làm con tính toán xem Ngài TS Nguyễn Đình Thắng bóp còi qua mặt cho những người trí thức xem sao.


1.- Mr. Thắng đặt chân tại Hoa ky năm 17 tuổi ( năm 1979 ) , vào thẳng đại học , ra Tiến sĩ vào năm 1986 .


Có nghĩa là TS Thắng tốt nghiệp Trung Học lớp 12 năm 16 tuổi . Mang theo giấy tờ học bạ từ trường Trung học mà do Cộng Sản VN chì huy,.


Trọn đời học hành của tôi chưa thấy ai xong Trung học Tú Tài 2 vào tuồi 16 bao giờ .


Nhập đại học một cái rẹt , có nghĩa là trường đại học khá nổi danh lừng danh nhất nhì thế giới là Virginia Tech.


Nghĩa là Mr. Thắng học thi đâu đậu đó , tiếng Anh như gió. Toán , Vật Lý , Hóa Học , English Litterature Advanced đều vượt nhanh như gió cuốn.


Như vậy là hơn Albert Einstein rồi. Bravo !


Muốn vào trường nầy thì phải tốn tiền rất nhiều , ít khi trường cho học bổng lắm. Nghĩa là Mr Thắng chạy cái ào vào trường , mọi người quan chức trong trường đều dành phòng , lo tiền bạc lo thi cử tôt cho Mr. Thắng tuồi vừa tròn 17-18 .
Hoa ky rất hên có một nhân tài gốc An nam mít cho tương lai . Khoa học + Kỷ thuật đang chờ một kẻ học giõi mà ngày kia Albert Eisntein phải nể phục , Mr. Steve Jobs Apple cũng ớn luôn chăng …


Học tại Virginia Tech lấy Ph.D thì chắc về ngành kỷ sư Design như chúng tôi rồi . Chúng tôi phài làm dưới quyền Mr Thắng vì ông ta có bằng Ph.D.


Lương căn bản ( họ gọi là Salary ) cho kỷ sư quèn là 35- 40 nghìn USD một năm . Còn xếp xòng kỳ sư Ph.D ( gọi là Lead Engineer ) thì lương 45-65 nghìn một năm. Coi một nhóm team kỷ sư chừng 6 người và dạy việc , bắt kỷ sư làm theo lệnh cấp trên.


Mr. Thắng bỏ job lương 50 nghìn 1 năm để làm lớn trong Hội vô danh với người Mỹ là SOS thì chắc lương năm phải 60- 100 nghìn đô năm mới được .


Trong khi đó Hội Boat People SOS là Hội Non-Profit Organization , chỉ cần đóng 250 USD và 3 người đồng tên là có Hội ngay ( President , Secretary , Treasury ) là đủ + 1 Chapter ( nghĩa là Hiến chương nói rỏ Hội co mục đích gì ).
Hàng ngày tại Federal Building nơi xin hồ sơ lập Hội , có hàng trăm tụi Chệt China nộp đơn . Họ lập Hội Non-Profit Organization xong là đem về Hongkong khoe mẽ với dân Hongkong là có tập đoàn cơ sở vững chắc , mong hội viên đóng tiền mà mần ăn thu lợi. Trong khi đó cơ sở chỉ là một cái bàn chia tiền với chủ tiệm lo vê dịch vụ . ( Vì dụ tiệm lo làm thuế hay dịch vụ , bạn có thể mướn 1 cái bàn , chia tiền nhà với chủ tiệm…ồi in business card có nơi cơ sở đầy đủ nhân viên . Điển hình là tên Bruce Trần ( tại Westminster ) , trước đó là một cái bàn nhỏ lo dịch vụ. Rồi hùn hạp với Quốc Thái mở một đài truyền hình TV. Tên Bruce Trần nầy lường gạt và đá Quóc Thái sang một bên. Quốc Thái đua ra Tòa, tên nầy bị Tòa Chung thẩm phạt trên 1 triệu USD ( Hiện nay Quốc Thái mở một đài TiVi Truyền hình tại Little Saigon ( băng tần 56.5 Southern California )


Tại Hoabky không có vấn đề nộp đơn xin lập Đảng, ví dụ Đảng Việt Tân , đàng Đại Việt , đảng Cứu quốc Vn bao giờ ,. Mà chỉ có Hội Organization mà thôi , Hội thì Non-Profit ( Vô vị lợi , miển thuế ) Hội Profit ( có thu lợi ) thì phải đóng thuế , khai thuế như một cơ sở vậy. Chánh phù Hoa ky rất ngại người ta lập Hội để rửa tiền cho nhóm Mafia xả hội đen. Vừa rồi FBI truy bắt một Giám đốc người Pakistan , Hội Non-Profit Organization quyên tiền cứu nạn nhân chiến tranh tại Pakistan ( mà thật sự dùng tiền cho tụi Al Qeda tại Pakistan )


2.- Nếu Mr Thắng làm tại Lab Research tại Bethseda / Maryland …nghĩa là Mr. Thắng phải có cấp bậc là Kỷ sư Engineer Design hay Chief Engineer ( cao hơn chúng tôi , nên lương phải lớn hơn chúng tôi , khoảng 50 nghìn USD 1 năm ).
Nhưng tại Lab Research tại Bethseda / Maryland thì bắt buộc kỷ sư hóa học là Cô Dương Nguyệt Ánh phải biết rồi , hay nghe tiếng rồi.


Cơ quan Hải quân tại Lab Research Bethseda/ Maryland là một trong 4 cơ quan tối mật của Ngũ Giác Đài . Nơi nầy chuyên về bom hay súng đan…Như vừa rồi Hải quân Hoa ky đang thử nghiệm một súng điện từ hoặc súng Laser có thể bắn tia Laser cách muc tiêu 100 km dể dàng. Cô kỷ sư Dương Nguyệt Ánh trong team Egineer Designer làm về bom hạch nhiệt ( nghĩa là độ nóng gần ngang bom nguyên tử )


Thường thường 1 team kỷ sư Design chứng 6 người là cùng. Nhưng có nhiều team họp lại là xong dự án.


Được nhận vào cơ quan tối mật Hoa ky không phải cần thiên tài như Albert Einstein , nhưng cần lý lịch vô cùng sạch hơn ai hết.


Diện một anh chàng trốn bỏ khỏi nước Cộng Sản 1979 ( CSVN thống nhất VN vào năm 1975 , đặt dân chúng VN dưới lá cờ Cộng Sản ) ( Có nghĩa Mr. Thắng là công dân VN trên danh nghĩa giầy tờ )…mà anh chàng lơ cơ bất mục được vào nơi nghiên cứu tuyệt mật của Hoa ky quả là điều lạ có thể gọi là phép lạ .


3.- Không hẳn ra vào Tòa Bạch Ốc hay Quốc Hội là hồ sơ an ninh được 100 % very good.


Không hẳn trên Internet dân làng Lưới la làng là Mr. Thắng xài bằng cấp vẽ thì FBI lật đật điều tra lập tức.


Muốn lật tẩy Mr. Thắng thì phải co một trát tòa . Muốn có trát tòa thì phải ghi rỏ tên đó có làm gì hại cho đương đơn hay làm hại cho xã hội.


Chớ không phải la làng trên Internet là Tòa cho trát để FBI truy tầm sự hại của tên xấu tạo ra.


Muốn như vậy phải lập một Hội có thể gọi là Hội Bảo Vệ Người Tiêu Thụ hay bảo Vệ Danh Dự Người Việt ( tốn khoảng 250 USD là xong Hội )


Khi có Hội xong thì có thể mướn luật sư đưa sự gian trá ra Tòa án. Tòa xét hợp lý thì ra Trát. Có Trát trong tay , Hội có thể mướn Thám tử Tư mà truy ra từng điềm tên xạo ấy.
Khi khui hụi tên xạo ấy thì đòi thiệt hại bao nhiêu ? Có đúng sự xạo ấy gây mình thiệt hai hay không ?


4.- Dĩ nhiên Mr. Nguyễn Đình Thắng biết giang hồ dư luận Việt kiều là Tiến sĩ dõm từ lâu.


Nếu Mr.Thắng là Tiến Sĩ thiệt thì Mr. Thắng sẽ không xấu hổ trưng bằng cớ cùng bằng cấp học vị của mình cho dân chúng biết.


Trưng bằng cấp khi có dư luận đòi hõi hay đặt nghi vấn , không có nghĩa là đội quần hay xấu hổ cho mình.


Nhiều người muốn khoe bằng cấp như chúng tôi , nhưng chúng tôi đâu có la làng là kẻ có bằng cấp , đang làm chủ Hội Thiện Nguyện Không lo Tiền bạc …nghĩa là Hội làm Chùa , ăn cơm nhà vác ngà voi cho thiên hạ. vậy tự dưng khoe bằng cấp làm gì cho quê.?


Có bằng cấp khoe cũng không có tội , chỉ có tội là khoe mẽ , lớn lối là mình là kẻ học giõi nhất người Việt thế thôi. Dân Việt gọi là nó chảnh thấy mẹ…thế thôi.


Còn không bằng cấp mà khoe mẽ là có thì tội gấp đôi là xạo mưu đồ lợi lộc cho mình.


Lương kỷ sư Cơ khí với bằng Tiến sĩ mà làm tại Lab Research trong cơ quan tối mật của Hải quân Hoa ky tại Bethseda/ Maryland thì tối thiểu lương năm trên dưới 100 nghìn USD.
Nếu Mr. Thắng bỏ lương trên dưới 100 nghìn USD đề lo Hội SOS hay Hội gì đó…thì lợi lộc Mr. Thắng đem về cho gia đình phải trên 100 nghìn USD.


Không thể nào lương trên dưới 100 nghìn USD mà đem về tiền gạo cơm vài nghìn USD tháng…Nói chưa chắc thằng khùng tin được bao giờ .


Kết Luận 100 % :


Mr. Nguyễn Đình Thắng không thể nào có bằng Tiến sĩ Cơ Học tại trường danh tiếng nhất nhì hoàn vũ.


Học xong trường tốt , danh giá mà biết bao nhiêu thanh niên da trắng + da đen + da mầu + da vàng tại đất Hoa ky từng mơ ước vào học…rồi ngày kia bỏ hết để lo chuyện khổ sở dân Việt tị nạn…thí quã thật Mr. Nguyễn Đình Thắng có trái tim Bồ tát , nếu không nói là công quả như Đức Phật Cồ Đàm , bỏ ngai vàng giàu sang mà lập đạo cứu khổ , ngày ngày đi xin ăn 1 bửa cơm , ngũ dưới cội cây.


Bravo Đức Bồ Tát Nguyễn Đình Thắng Tiến sĩ Cơ khí trường đại học lừng danh Hoaky, từng làm nơi tôi mật đứng hàng thứ 4 trên thế giới kể Hoa ky luôn…


Ngài Bồ tát Thắng bỏ hết , để lo chuyện dân Việt bị nạn tai bởi Cộng Sản VN.


Trái tim Bồ tát quá tuyệt.
band4 3G McKeno

User avatar
linhgia
Posts: 1308
Joined: Fri Dec 03, 2004 9:30 am

Re: Chuyện Tào Lao

Post by linhgia »

XÌ HƠI



Một chiếc xe tải chở hàng, tài xế không để ý nên bị kẹt dưới gầm cầu. Xe chạy tới không được mà lùi cũng không xong. Rất nhiều người đứng chung quanh nhìn, bàn tán, còn phía sau thì các xe phải dừng lại vì kẹt.

Kỹ sư, cảnh sát và chủ hãng xe đều đến. Người thì bàn rằng hãy đào đường cho thấp xuống, người khác lại tính cắt bớt mui xe… nhưng cách nào cũng không ổn, đang khi tình trạng kẹt xe càng lúc một căng thẳng, xe nối đuôi nhau như rồng rắn vậy.

Lúc ấy có một cậu bé chen vào hiện trường, lớn tiếng nói với tài xế: “Bác tài, cháu chỉ cho bác một cách, bác xì bớt hơi mấy bánh xe đi, xe sẽ thấp xuống và có thể qua được”. Ðám đông cười ồ lên. Còn những chuyên viên thì khó chịu vì con trẻ con mà dám dạy khôn người lớn. Bác tài cũng thế nhưng đành thử vậy, và kết quả tốt đẹp.

Xì hơi để xe thấp xuống là cách đơn giản, nhưng trong lúc bối rối không ai nghĩ ra, còn em bé nghĩ đến. Em bé nghĩ được cách này vì tâm hồn của em đơn sơ, trong trắng, không băn khoăn về chuyện hư xe, không lo lắng về chuyện bị cảnh sát phạt, không bồn chồn vì làm ăn lỗ lã, không hiếu kỳ chỉ trỏ bình luận...

Câu truyện trên có lẽ không thật hoàn toàn, nhưng ít ra cũng giúp cho ta suy nghĩ về cuộc đời, về đời mình.

Một khi đời sống của ta bị chi phối và ảnh hưởng quá nhiều về bên ngoài thì cuộc sống sẽ dễ lo sợ, bất ổn, vì ở đời có gì là tuyệt đối đâu. Và cuộc sống sẽ mất quân bình này cũng làm cho tâm hồn bị ảnh hưởng, bị trì trệ và xáo trộn theo.

Muốn đời ta đơn sơ, dù cuộc đời phức tạp.
Muốn đời ta nhẹ nhàng, dù cuộc đời nặng trĩu đôi vai.
Muốn đời ta thanh thản, dù cuộc đời rối ren.
Muốn đời ta hạnh phúc, dù cuộc đời bất hạnh…
Muốn có được sự thư thái cho đời mình.

Ta hãy xì, hãy xả bớt hơi đang căng như quả bóng có thể nổ tung bất cứ lúc nào, dù chỉ gặp một va chạm nhỏ.

- Xì bớt hơi đang no căng vì bon chen sự đời, để thấy đời nhẹ nhàng, dịu ngọt.

- Xì bớt hơi đang no căng vì kiêu ngạo, để gặp gỡ lòng khiêm nhường.

- Xì bớt hơi đang no căng vì tham lam, để cuộc đời được thanh thoát.-

- Xì bớt hơi đang no căng vì tích trữ, để cuộc đời bớt hành trang thế tục.

- Xì bớt hơi đang no căng vì ghen ghét, để thấy được mọi người thật dễ thương.

- Xì bớt hơi đang no căng vì tư lợi, để thấy được nhu cầu của tha nhân.

- Xì bớt hơi đang no căng vì phe cánh, để thấy được mình chẳng là gì.

- Xì bớt hơi đang no căng vì chống đối, để mọi người được vui hưởng hoà bình.

- Xì bớt hơi đang no căng vì hưởng thụ, để thấy mình còn ý nghĩa cho đời.

- Xì bớt hơi đang no căng vì bất mãn, để thấy được cuộc đời thật đáng yêu.

- Xì bớt hơi đang no căng vì hận thù, để thấy được thứ tha thật ngọt ngào.

- Xì bớt hơi đang no căng vì thắng thua, để thấy được tinh thần cộng tác của anh em.

- Xì bớt hơi đang no căng của oán hờn, để thấy được sức mạnh của nhân từ.

- Xì bớt hơi đang no căng vì nóng giận, để thấy được sự khôn ngoan sáng suốt trong bình tâm.


Nhìn vào các gia đình, sao trước khi đi hôn nhân, họ thật lý tưởng. Họ yêu thương nhau nhiều lắm : sẵn sàng dâng hiến, tha thứ, quên mình, từ bỏ vì người mình yêu. Nhưng khi đã lập gia đình thì cái thứ hơi của cá nhân lại phồng to lên khiến cho gia đình thêm căng thẳng, mất hết ý nghĩa ….


Giận nhiều sẽ khổ nhiều. Khổ vì mình không đạt được như ý. Người khác lại phải chịu đau khổ do nóng giận của mình gây ra. Vậy giận làm chi cho mệt. Buồn làm chi cho đời u ám. Và những thứ khác cũng vậy. Cứ vui lên cho đời thêm vui.


Ta hãy xì hết mọi thứ hơi của “ thế gian” đã căng lại căng thêm, để thấy mặt trời luôn tươi sáng, hơi ấm được toả ra, tương lai đầy hy vọng, cuộc sống đầy tin tưởng, và luôn thẳng tiến về phía trước trong can đảm. Sẵn sàng bước qua đời này để gặp gỡ, bắt tay với đời sau trong tình yêu và vinh quang của Thiên Chúa Ba Ngôi Tình yêu qua những biểu lộ hoàn hảo của Ngài là : trung thành, công minh, chính trực, bao dung, tha thứ, nhẫn nại chờ đợi…


Khi chiếc xe tải chở thân xác mà bị kẹt, thì tâm hồn của ta cũng bị kẹt luôn. Kẹt giữa đường giữa phố, kẹt vì một vài trục trặc do thất bại, nghèo đói, bệnh tật, thử thách…. ta đừng sợ, hãy can đảm vươn lên.
band4 3G McKeno

KhanhVan
Posts: 800
Joined: Sat Dec 11, 2004 6:11 am

Post by KhanhVan »

VIỆT CỘNG CON” Nguyễn Khắp Nơi
(05/26/2012 06:25 AM) “VIỆT CỘNG CON”

Nguyễn Khắp Nơi
Viết theo lời kể của một cô gái người Bắc.
Đương nhiên, tên của tôi không phải là “Việt Cộng Con” rồi.
Và tôi cũng không phải là Việt Cộng, xin bảo đảm một trăm phần trăm.
Tên tôi là Trinh, Trần Thị Ngọc Trinh. Tôi lấy chồng là một người Lính Việt Nam Cộng Hòa. Con trai tôi tên là Nam, cháu nay đã được năm tuổi rồi. Mỗi lần về thăm nhà, cháu luôn luôn hãnh diện khoe với ông bà ngoại:
“Ông ơi, bà ơi, cháu là con của Lính Cộng Hòa đấy.”
Tức là, tôi không có dính dáng gì đến Việt Cộng cả. Vậy thì tại sao tôi lại có cái tên... “Việt Cộng Con”?
Theo lời bố tôi kể lại, bố mẹ tôi quê quán ở Phú Thọ, sau chuyển về Hà Giang. Đến năm 1979 thì mới về Hà Nội ở. Lúc đầu, gia đình tôi không có "hộ khẩu", phải sống tạm bợ ở gầm cầu. Hàng ngày, ba mẹ tôi đi ra chợ, bến xe hàng hay là bến xe lửa xuyên Việt đứng chờ công việc làm, ai nhờ việc gì thì làm việc nấy, thông thường là khuân vác, đẩy xe, cưa cây... Kiếm được việc làm không phải dễ, vì ba mẹ tôi là dân mới tới, thường bị đám người sống lâu năm ở chợ tranh dành đuổi đi đừng ở nơi xa chứ không cho đứng ở gần chợ.
Một hôm, có một đoàn người gồm đa số là đàn bà từ miền Nam vào, nhờ đẩy hàng đi Hà Giang. Hà Giang cách Hà Nội cả trăm cây số, đám đầu nậu không biết địa thế, hơn nữa, vì Hà Giang gần núi, có nhiều sơn lam chướng khí, nên không ai dám nhận đi hàng, bọn chúng mới gọi bố mẹ tôi đến mà bố thí cho việc làm. Tưởng đi đâu chứ Hà Giang thì bố mẹ tôi sống ở đó từ nhỏ, biết từng góc rừng, từng con đường mòn xuyên qua núi. Thì ra đó là những người vợ, con của Lính Cộng Hòa bị đi tù cải tạo. Từ Hà Nội đến Hà Giang thì có xe hàng, nhưng từ Hà Giang tới các trại tù thì phải gánh hàng đi bộ nhiều ngày mới tới.
Bố mẹ tôi chịu cực khổ đưa những người khách hàng đến tận nơi, chờ họ gặp người thân xong xuôi rồi lại đưa họ trở về ga Hàng Cỏ Hà Nội. Những người này cám ơn bố mẹ tôi và tặng tiền nhiều lắm. Sau chuyến đi đó, bọn đầu nậu đứng bến có vẻ nể nang bố mẹ tôi, không dám dành mối như trước nữa. Thực ra, cũng vì không có đứa nào biết đường đi nước bước ở Hà Giang và những vùng xa xôi có trại tù cải tạo, nên bố mẹ tôi hầu như được độc quyền đưa đón thân nhân những người tù cải tạo. Những người này vừa tử tế lịch sự, vừa cho tiền thưởng khá, vì thế, cuộc sống của gia đình tôi mới đỡ vất vả. Nhờ có ít tiền, bố mẹ tôi mới... mua được hộ khẩu ở Hà Nội và cho anh em chúng tôi đi học. Trong thời gian đưa đón những người Miền Nam này, bố mẹ tôi đã được họ tin tưởng, vui vẻ nói chuyện và còn chỉ dẫn cách nấu những món ăn ở Miền Nam, như là bánh xèo, bánh phồng tôm, chả giò... Đã có một lần, một nhóm người vì phải mang theo nhiều hàng, lại già yếu bệnh tật, nên đã nhờ bố mẹ tôi vào Nam để mang hàng từ đó ra ngoài Bắc cho họ. Nhân dịp này, họ đã đưa bố mẹ tôi đi chợ mua những món hàng cần thiết và đãi bố mẹ tôi ăn một bữa no say.
Đến khi những người đi thăm thân nhân tù cải tạo vơi đi dần, bố mẹ tôi liền giải nghệ mà mở một quán ăn nhỏ, chuyên bán những “Món Ngon Miền Nam”. Thời gian đó, bất cứ món hàng nào có xuất xứ "Miền Nam" đều được dân miền Bắc thèm muốn, mua bằng hết, từ cây kim sợi chỉ, nói chi tới những Món Ngon Miền Nam. Cửa hàng của bố mẹ tôi vì thế mà lúc nào cũng đông khách.
Học xong đại học, tôi xin đi làm cho chính phủ, thời gian rảnh thì phụ bố mẹ tôi trông coi công việc. Cửa hàng bán những món ăn Miền Nam của bố mẹ tôi càng ngày càng phát triển, không những chỉ bán hàng ăn, bố mẹ tôi còn mở công ty, mua nhiều loại hàng ở Miền Nam đem ra Bắc bán nữa.
Trong thời gian làm việc, tôi đã được tiếp xúc với một số bạn bè đi du học trở về, đa số đều nói ngoại ngữ rất khá, và đều vào Sàigòn làm việc, chứ không chịu ở lại ngoài Bắc, dù rằng Hà Nội mới là thủ đô. Tôi bắt chước bạn bè, xin bố mẹ tôi cho vào Nam làm việc, nhân tiện làm đầu cầu mua hàng trong Nam đem ra Bắc.
Vào tới Sàigòn rồi, đi làm một thời gian rồi, tôi mới thấy là giữa những người giữ chức vụ cao, được gọi là "lãnh đạo cơ quan" mặc dù là học thức kém, tầm mức hiểu biết về việc làm rất là hạn chế, nhưng lại là những người ngồi mát ăn bát vàng, hống hách với dân chúng nhiều nhất. Càng tỏ ra khó khăn, họ càng được hối lộ và lấy đuợc nhiều tiền trong công quỹ. Những người có bằng cấp, biết làm việc và phải tiếp xúc với dân chúng nhiều như chúng tôi thì lại bị đẩy cho làm việc thật là nhiều. Và cũng vì sự hống hách quan liêu của cấp trên, mà chúng tôi bị vạ lây, bị dân chúng miền Nam ghét bỏ. Thậm chí, chỉ nhìn thấy chúng tôi, hoặc chỉ cần nghe giọng nói của chúng tôi thôi, họ đã bỏ đi, không quên nói nhỏ với nhau: "Cái đồ Bắc Kỳ... thấy ghét"
Mặc dù những điều kiện mà chúng tôi giải thích, là do cấp trên đòi hỏi, chứ chúng tôi không hề muốn làm như vậy.
Một vài lần, tôi được dịp may tiếp xúc với những người ngoại quốc tới làm việc chung với chúng tôi, họ có kiến thức rất cao nhưng lại nói chuyện rất lịch sự. Cũng có những lần tôi được tiếp xúc với vài du khách đến nhờ làm thủ tục, tôi thấy họ nói chuyện cũng thật là hòa nhã và rất hiểu biết. Tầm mắt và kiến thức của tôi được mở rộng ra, tôi muốn được đi du học để mở mang trí tuệ, và cũng để có thể giúp cho công việc làm ăn của gia đình tôi được phát triển hơn. Tôi đem việc này ra bàn với bố mẹ tôi, cả hai đều đồng ý, nhất là ông bà nội của tôi. Chọn nơi học mới là điều khó khăn hơn cả. Đa số các bạn bè của tôi chọn đi học ở Mỹ (nhất là những đứa có cha mẹ có quốc tịch đảng), tôi lại thấy Úc là xứ sở hiền hòa có nhiền nét về văn hóa nghệ thuật, nên tôi đã chọn môn học về Tài chánh ở trường Đại Học RMIT (Royal Melbourne Institute of Technology), Melbourne, nước Úc.
Dù là đã có một ít vốn liếng tiếng Anh đã học ở trường học cũng như trường đời, nhưng ngày đầu tiên đến giảng đưởng nghe giảng bài, thú thực là tôi như con vịt nghe sấm, chẳng hiểu ông Giảng viên tóc vàng nói cái gì cả, vì giọng của ông hoàn toàn là giọng Úc, khác xa với những phát âm theo tiếng Mỹ mà tôi đã từng nghe ở Việt Nam. Môn học kế tiếp thì tôi lại còn thua nặng hơn nữa, vì Giảng viên này gốc ngưởi Ấn Độ, tiếng Anh của ông còn pha nhiều âm thanh R R R thật là khó nghe.
Hai năm trời trôi đi thật nhanh, ngoài giờ học, tôi xin đi làm thêm ở những nhà hàng ăn ở đường Victoria, khu vực Richmond. Những nhà hàng này tuy bán món ăn Việt Nam nhưng đa số khách hàng lại là người da trắng, nên nhờ đó mà tiếng Anh của tôi đã khá hơn trước và cách phát âm cũng vì thế mà đổi hoàn toàn theo giọng Úc.
Cuối cùng, tôi đã học xong cái bằng Master và sửa soạn khăn gói về nước. Bạn bè của tôi đa số xin ở lại Úc làm việc và sinh sống, tôi không có ý định ở lại, chỉ muốn về phụ giúp gia đình mà thôi.
Tôi mua vé máy bay về Sàigòn trước, nghỉ ở đó một ngày gặp bạn bè rồi mới về Hà Nội ở luôn. Ngồi bên cạnh tôi là một người đàn ông trung niên, ông không bắt chuyện với tôi mà chỉ ngồi im lặng, lâu lâu lại nhìn vào cái hộp sắt gắn kín đang cầm trên tay. Mãi khi xuống phi trường Changi để nghỉ hai tiếng, ông mới mở miệng nhờ tôi cầm dùm cái hộp sắt để đứng lên lấy hành lý để trên khoang xuống. Cái hộp tưởng là bằng sắt nhưng lại là hộp bằng nhôm rất nhẹ.
Ngồi trên ghế chờ đợi, ông mới cho tôi biết đó là cái hộp đựng tro của vợ ông. Vợ ông mới qua đời tuần trước, đã được hỏa táng và ông đem về Việt Nam để ở nhà mẹ vợ, theo lời trăn trối của vợ ông trước khi chết.
Tới phi trường Tân Sơn Nhất, ông chào và cám ơn tôi một lần nữa rồi ai về nhà nấy. Tôi không biết tên ông là gì và ông cũng chẳng bĩết tôi là ai?
Một năm sau, tôi quay trở lại Úc để dự lễ phát bằng cấp cho đứa em tôi. Đang đi trên đường Victoria, thật là ngạc nhiên, tôi đã gặp lại ông khách đi chung máy bay hồi nào. Ông cho tôi biết đã đem tro tàn của người vợ về xong xuôi rồi, đã đi làm trở lại. Tôi cũng cho ông hay là tôi đã xin được việc làm và đang làm việc ở Sàigòn, nhân dịp dự lễ phát bằng cấp cho đứa em, tôi xin nghỉ một tháng để đi thăm những thắng cảnh Úc mà trong suốt hai năm đi học tôi không có thì giờ đi đâu cả. Lần này ông cho tôi số điện thoại và nói nếu tôi muốn đi chơi thăm phong cảnh, ông sẽ xin nghỉ đưa tôi đi cho vui.
Thế là chúng tôi quen nhau. Ông tên Thanh, là Lính Cộng Hòa, ngày cuối cùng của cuộc chiến, ông là một Chuẩn Úy 18 tuổi mới ra trường, đánh trận đầu tiên và cũng là trận cuối cùng của đời lính. Ông có hai đứa con nhưng chúng nó đi làm ở Tiểu bang khác, lâu lâu mới về thăm nhà, còn tôi, tôi ba mươi lăm tuổi rồi, và chưa có ý định gì về tương lai cả.
Về lại Sàigòn, chúng tôi vẫn tiếp tục emails qua lại với nhau. Có một lần ông về Việt Nam thăm tro tàn của vợ và nhân dịp đó đi chơi uống cà phê với tôi. Qua năm sau, tôi muốn trở lại Úc một lần nữa để đi thăm Đảo San Hô ở Queensland, Thanh cũng xin nghỉ để đi chơi cùng với tôi.
Thanh đã ngỏ lời muốn cưới tôi làm vợ. Suy đi nghĩ lại, tôi tuy còn độc thân nhưng đã lớn tuổi rồi (so với Thanh thì tôi còn nhỏ lắm), nên đồng ý làm vợ Thanh.
Thanh làm bữa tiệc gia đình để ra mắt tôi với hai đứa con và bạn bè. Hai đứa con của Thanh nói toàn tiếng Anh, tụi nó không có ý kiến gì, miễn thấy ba nó vui là được rồi. Lần đầu tiên gặp những người bạn của Thanh, tôi vui miệng kể lại cuộc đi chơi ở Đảo San Hô:
“Thật là... Hoành Tráng chưa từng thấy. Đi xem đảo xong, chúng em đi phố mua hàng, chỗ nào cũng bán Khuyến mãi, thích ghê..”
Cả nhà đang ồn ào, tôi chợt thấy không khí có vẻ im lặng sau khi tôi nói chuyện, những người bạn của Thanh nhìn tôi có vẻ e dè lắm, họ vẫn nói chuyện, nhưng hình như không có nói chuyện với tôi. Một bà vợ của người bạnthân của Thanh đã hỏi thẳng tôi:
“Cô là... du học sinh hả? Lấy chồng già để... được ở lại Úc hả?”
Khi vào trong bếp lấy thêm đồ ăn, tôi thoáng nghe một người nào đó nói nhỏ với Thanh:
“Mày lấy... Việt Cộng Con đấy à?”
Tôi nghe Thanh trả lời:
“Đâu phải ai nói giọng Bắc cũng đều là Việt Cộng hết đâu!”
Tiệc cưới của chúng tôi mới là phiền phức, mặc dù chúng tôi chỉ tổ chức đơn giản thôi, nhưng bạn bè của Thanh nhận thiệp mời, họ đều có vẻ ngại ngùng, không muốn tham dự. Thanh nói với tôi:
“Ông Hội trưởng của anh họp cả hội lại để lấy quyết định... có dự tiệc cưới của anh hay không? Họ quyết định... đi với tư cách cá nhân mà thôi, vì dù sao cũng là bạn bè.”
Tôi ngần ngừ nói với Thanh:
“Anh ơi... nếu thấy khó khăn quá, hay là... mình đừng có lấy nhau nữa... Sao họ lại... kỳ thị với em như vậy? Em nói tiếng Bắc, vì em sinh đẻ ở ngoài Bắc, chứ em đâu có tội tình gì đâu?”
Thanh an ủi tôi:
“Em cũng phải hiểu cho họ, họ cũng như anh, đều là những người bị bọn Cộng sản Bắc Việt xâm chiếm đất nước, bắt tù bắt tội sống chết đủ điều. Suốt ngày họ nghe cái giọng Bắc kỳ mạt sát họ, nó thấm vào đầu, nên không thể có cảm tình với cái giọng Bắc được. Anh hiểu em, nhưng họ chưa hiểu và chưa thông cảm cho em. Cứ để một thời gian, họ sẽ hiểu em đó mà.”
Tôi sinh đứa con trai đầu lòng, đặt tên cháu là Nam. Ngày thôi nôi, anh chị nó đến dự, vui vẻ thay phiên ẵm em, đứa con gái út của Thanh ẵm em vừa cười vừa nói:
“My... baby brother”
Những người bạn chúc mừng Thanh... “Đáo Mã Thành Công”.
Khi tôi tháo chiếc dây chuyền hộ mạng của tôi đeo vào cổ cho Nam, một bà ngạc nhiên nhìn sợi giây mà hỏi tôi:
“Cái gì vậy?”
“Dây chuyền hộ mạng của em đấy.”
“Đẹp quá nhỉ! Ai khắc mà đẹp quá, hình như là hai cái mặt chữ khắc trên gỗ đen thì phải.”
Chồng tôi biết tôi có sợi dây chuyền này, nhưng coi đó là đồ nữ trang của tôi thôi, nên chẳng để ý đến. Khi thấy ai cũng nhìn vào nó, tôi vui miệng kể lại lai lịch của sợi giây chuyền cho tất cả cùng nghe:
Tôi sinh ra ở Hà Giang. Nói là Hà Giang chỉ để cho có nơi có chốn trên bản đồ mà thôi, chứ thực ra, nơi tôi sinh ra không có tên trên bản đồ miền Bắc. Đó là một nơi ở giữa rừng núi âm u không có vết chân người.
Theo bố tôi kể lại, vào thời năm 1954, khi mọi người dân đều muốn di cư vào Nam, gia đình tôi gồm có ông bà nội, ba mẹ tôi và gia đình của các bác các chú đã gồng gánh từ quê lên Hải Phòng, để xuống tầu di cư vào Nam. Khi đang ở trên đường thì gặp một đám người khác cũng nhận là đi di cư và biết có một con đường tắt đi Hải Phòng rất gần, thế là cả bọn theo chân đám người này. Đến chiều tối thì có xe hàng tới chở tất cả, nói rằng đi xe cho chóng đến nơi. Xe chở đi tới một vùng rất xa, tài xế cho mọi người xuống mà nói rằng, nghỉ đỡ đêm nay, sáng mai sẽ có xe khác tới chở thẳng đến Hải Phòng. Ai cũng vui mừng trải chiếu ra ngủ qua đêm. Sáng hôm sau, có xe tới đón thật, nhiều xe lắm, xe nào cũng chở đầy người. Mọi người vui mừng kéo nhau lên xe đi Hải Phòng. Xe đi cả ngày trời vẫn không tới vùng biển như mọi người mong đợi, trái lại, xe chở mọi người tới một nơi đầy lính canh có súng. Những người lính này chĩa súng bắt tất cả ngồi im không dược hỏi han gì cả, họ khiêng từng miếng vải nhà binh tới phủ kín xe rồi bắt đầu chạy suốt đêm. Đến sáng mới tói nơi, cả bọn được đẩy xuống xe để bị chỉa súng bắt đi bộ vào trong rừng. Tới nơi, cán bộ tập họp mọi người lại, kết tội cả nhóm là đã phạm tội phản lại nhân dân, bỏ trốn vào miền Nam, bị đầy vào đây đến bao giờ được cách mạng và nhân dân khoan hồng, sẽ được về với nhân dân.
Đến lúc đó, mọi người mới biết rằng đã bị bọn Cộng sản đưa người ra dụ dỗ đi theo chúng để rồi bị đi đầy vào vùng rừng núi âm u không biết ngày về. Lâu lâu lại có từng đoàn người khác hoặc được xe chở, hoặc bị xiềng xích đi bộ ngang qua để tới những nơi xa xôi hoang vắng khác được gọi là “Cổng Trời”.
Vào khoảng năm 1960, có thêm một nhóm tù nữa được đưa tới Cổng Trời, đám người này thỉnh thoảng được ra ngoài làm rừng, họ tự xưng là “Biệt Kích Miền Nam” được thả ra Bắc để hoạt động, chẳng may bị bắt.
Tôi sinh ra vào năm 1973 ở cái vùng rừng núi âm u, trại tù của những người muốn di cư vào Nam năm 1954 và trải qua thời thơ ấu ở giữa nơi núi rừng trùng điệp không bóng người này. Khi tôi được năm tuổi, một hôm đi theo cha chặt mây, đã bị ngã xuống hố sâu. Bố tôi bất lực nhìn thân xác của tôi mà không có cách nào để cứu. May thay, một nhóm Biệt kích đi ngang, thấy vậy đã thòng dây đu xuống tận vực xâu mà cứu tôi lên và đưa cả hai bố con tôi về tận nhà. Từ đó, lâu lâu những người Biệt Kích này lại đi ngang vào thăm gia đình tôi. Người Biệt kích cứu tôi nhận tôi làm con nuôi và đã gỡ sợi dây chuyền ông đang đeo để đeo vào cổ tôi mà nói:
“Tặng cho cháu cái bùa hộ mạng đó.”
Ông giải thích cho bố tôi biết, sợi dây chuyền này do ông đẽo gỗ trong rừng mà khắc thành hai chữ BK tức là Biệt Kích. Các chú này đã khuyên bố mẹ tôi nên tìm cách về thành phố mà sống, chứ đừng ở mãi nơi rừng hoang cô quạnh này mà bỏ phí cuộc đời của những dám con cháu.
Năm 1979, khi Trung cộng bắt đầu đánh Miền Bắc, những Biệt Kích đã bị đem đi nơi khác, bố mẹ tôi nhớ lời các Biệt Kích mà tìm đường trốn về Hà Nội, vì thế, tôi mới được đi học và sống cho đến ngày hôm nay.
Khi tôi kể xong câu chuyện, mọi người đều thay nhau cầm lấy sợi dây chuyền của con tôi một cách trân trọng và quý mến. Người bạn mà trước đây gọi tôi là “Việt Cộng Con” là người đầu tiên hỏi tôi:
“Gia đình của chị bị đưa đi... vùng kinh tế mới Cổng Trời đấy à?Chỉ vì muốn di cư mà bị đầy ải suốt hơn hai mươi năm trời đấy sao? Bọn Việt cộng chúng mày sao mà tàn ác thế! Cám ơn Trời Phật đã phù hộ cho gia đình chị, những người Việt Nam yêu Tự Do, còn sống được cho đến ngày hôm nay.”
Tôi mỉm cười nói thêm vào:
“Tôi cảm ơn Trời Phật và cảm ơn Chúa nữa. Ông bà chúng tôi không đi tìm Tự Do vào năm 1954 được, thì đến đời cháu tức là đời của chúng tôi, chúng tôi đã tìm được Tự Do rồi đấy. Nhờ các anh Biệt Kích Miền Nam mà tôi được cứu sống, nhờ lời khuyên của các anh mà bố mẹ tôi mới dám trốn vùng cải tạo để về được tới Hà Nội. Cũng nhờ những bà mẹ, bà vợ của những người Lính Miền Nam bị tù cải tạo mà bố mẹ tôi mói có cuộc sống đáng sống. Các anh chị thấy không, nhờ tình người, nhờ những người Miền Nam mà chúng tôi mới sống đến ngày hôm nay, chứ đâu có bác nào đảng nào cứu giúp chúng tôi đâu? Cũng vì thế mà dù có ai nói gì thì nói, tôi cũng cứ lấy người Lính Cộng Hòa mà tôi quý mến.”
Từ hôm đó, tôi thấy tất cả bạn bè của Thanh đã thay đổi thái độ với tôi. Các anh đã gọi tôi là “Chị Thanh” và các bà đã gọi tôi bằng “Trinh” hoặc là “Cô Em Gái Bắc Kỳ”.
Con tôi đã được năm tuổi rồi, cháu đã đi học mẫu giáo, tôi có thì giờ đi tìm một công việc tạm thời. Tôi tìm đến một văn phòng Luật Sư của người Việt để xin làm Điện Thoại Viên. Ông Luật Sư phỏng vấn tôi xong, nói với tôi:
“Để chú sắp xếp cho cháu làm hồ sơ nhé, còn công việc nghe điện thoại, chú sẽ tìm người khác”
Tôi thông cảm với ông Luật sư, mọi người vẫn còn... ác cảm, còn... kỳ thị với giọng nói Bắc Kỳ của tôi.
Tôi xin lỗi đã nói như vậy, nhưng thật sự tôi không biết dùng chữ gì để nói về hoàn cảnh của tôi.
Chồng tôi đã thông cảm với tôi, anh Thanh đã nói với tôi:
“Người ta nói “Cái áo không làm nên ông thầy tu” Nhưng thực sự cái áo đã làm cho người ta nhìn lầm nguời mặc nó là thầy tu. Em không những nói giọng Bắc, em còn dùng những từ ngữ mà cái đám Việt cộng thường dùng, ngay cả những người Miền Nam hay những người Lính Cộng Hòa mà nói cái giọng đó, cũng bị ghét, nói chi là Bắc Kỳ rặt như em.
Em cứ giữ cái giọng Bắc Kỳ của em, nhưng em đừng... Hoành Tráng, đừng... Bức Xúc nữa, có được không?”
Tôi suy nghĩ... Đúng! Chồng tôi nói đúng.
Nhập Gia Tùy Tục – Nhập Giang Tùy Khúc.
Tôi đã lấy chồng Lính Cộng Hòa rồi, mà tôi lúc nào cũng có cái giọng Bắc Kỳ Hai Nút (75, Bắc kỳ chín nút tức là Bắc kỳ 54) thì ai mà chịu nổi.
Bây giờ, tôi không còn... “Xử Lý” nữa, mà tôi phân tích, tôi tìm hiểu từng trường hợp mà giải quyết cho thỏa đáng. Mỗi khi đi ra ngoài đường, nghe tôi nói chuyện, không còn ai quay lại nhìn tôi rồi bỏ đi chỗ khác nữa.
Đôi khi, những ông bà bạn của anh Thanh vẫn gọi tôi là “Việt Cộng Con”
Nhưng họ nói chỉ để mà đùa dỡn mà thôi, chứ không còn châm chọc như trước nữa.
Riêng phần con tôi, cháu Nam, lúc nào cháu cũng khoe:
“Con là con của “Lính Cộng Hòa” mà!”

NGƯỜI VIỆT CỦA TÔI, LÀ THẾ ĐẤY.

NGUYỄN KHẮP NƠI.






KhanhVan
Posts: 800
Joined: Sat Dec 11, 2004 6:11 am

Post by KhanhVan »

CHUYỆN KHÔNG BIẾT CÓ THẬT HAY KHÔNG??

NGHĨA TRANG BIÊN HOÀ

Huyền Thoại Về Tượng Thương Tiếc



Trần Công Nhung
Chuyện hiển linh xưa nay không hiếm, nhưng những huyền thoại về Tượng Thương Tiếc, sống động như chuyện đời thường, chuyện hàng ngày trước mắt, khiến cho ai nghe cũng cảm động nghiêng mình kính cẩn và hết lòng thán phục.


Huyền thoại về Tượng Thương Tiếc được lan toả khắp nơi và khá nhiều chuyện tình tiết khó hiểu:





- Các xe chở rau từ Đà Lạt về khuya thường gặp một người lính ra chặn xe xin mua rau, khi tới bến kiểm lại tiền chỉ thấy toàn là tiền vàng mã.


- Một chuyện khác xảy ra ở Biên Hoà, vào một buổi sáng, có một quân nhân đặt mua bánh mì khá nhiều, khi giao hàng cho người quân nhân ra về, người chủ cất tiền vô tủ, đến lúc cần tiền lấy hàng, mở tủ ra chỉ thấy toàn tiền vàng mã, trong khi đó mỗi mộ ở nghĩa trang đều được cúng một khúc bánh mì…



- Có một cụ già ở chân núi Châu Thới, đêm nọ trời đã khuya, cụ nghe tiếng gọi ở ngoài xin nước uống. Khi đem nước và đèn ra cho người xin nước, thoạt đầu cụ tưởng như những lần quân đội hành quân vào xin nước. Nhưng khi người lính uống xong, ngẩng mặt lên cám ơn ra đi thì cụ chợt sửng sốt, tự nghĩ “sao lại có người lính giống Tượng Thương Tiếc đến như thế?”. Sáng hôm sau cụ già ra nghĩa trang để kiểm lại, cụ nhận thấy mặt mũi vóc dáng anh lính xin nước tối qua y hệt pho tượng Thương Tiếc, vết sình non hãy còn dính đầy đôi giầy trận, cụ cho rằng đêm qua bức tượng đã hiện thành người. Cụ về thuật lại với bà con ở Suối Lồ Ô, một người đi xem rồi về đồn mười, đồn trăm… lan khắp cả Thủ Đức, Tân Vạn, Biên Hoà, đổ nhau đi coi tượng đài Thương Tiếc làm xe cộ kẹt cứng cả một quãng đường trước cổng nghĩa trang.



- Một chuyện khác, những đêm trăng, những đêm mưa gió trở trời hiu hắt, dân chúng xung quanh vùng nghĩa trang có người nhất quyết chính mắt họ trông thấy người lính giống hệt Tượng Thương Tiếc đi lại trên xa lộ!

Chuyện huyền bí lan truyền rất nhiều trong dân chúng và trong Quân Đội. Một số sĩ quan yêu cầu Chuẩn Úy Thường Vụ Chung Sự Nghĩa Trang cho biết những gì thật sự mắt thấy tai nghe, Chuẩn Úy Thường Vụ Kể:

“Nhân một hôm đi Chợ Tam Hiệp sắm đồ giỗ ông già, khi mua xong, tôi cho tài xế đem về nhà trước. Tôi ghé thăm các bạn ở Tam Hiệp và mời họ đến nhà ăn giỗ ngày hôm sau. Khi về, trời sẩm tối, đến cổng nghĩa trang, tôi nghỉ chân dưới bức tượng. Không biết cao hứng thế nào, trước khi lội bộ về nhà, tôi nhìn lên tượng, và nói với giọng điệu cố hữu của một Thượng Sĩ đại đội:

- Ê mày, mai giỗ ông già tao, mày có rảnh ghé nhà tao 2 giờ chiều nhậu chơi.

Nói xong tôi bước về nghĩa trang vì tôi ở phía sau khu nhà phục dịch chung sự. Tám giờ sáng hôm sau, việc cúng giỗ bắt đầu và tiệc nhậu kéo dài đến một giờ chiều. Tiễn khách ra về xong, tôi đi ngủ, phần vừa say, phần vì đêm qua thức khuya. Trong giấc ngủ chập chờn, tôi nghe tiếng gõ cửa ầm ầm. Nhà cửa rung rinh, tôi giật mình la to:

- Ai phá nhà tao đó?

Tiếng gõ cửa vẫn không dứt, tôi bực bội đứng dậy mở cửa, tôi sửng sốt, thấy Tượng Thương Tiếc đứng chình ình trước cửa và nói:

- Chuẩn Úy Thường Vụ Bê bối quá, kêu hai giờ chiều đến nhậu, nhưng ông nằm say sưa ngủ tôi nhậu với ai?…

Tôi hoảng, đóng sập cửa lại, không dám ngó ra ngoài. Tôi nghe tiếng cười khằng khặc và bước đi rung rinh nhà, tiếng chân xa dần rồi im bặt”.


Thiếu Tá Chỉ Huy Trưởng Đại Đội Chung Sự Nghĩa Trang Biên Hoà kể trường hợp ông gặp Tượng Thương Tiếc ngồi sau xe Jeep của ông:


“Khi chạy xe vào Nghĩa Trang, tôi hay dừng lại, đón những binh sĩ đi bộ từ cổng vào, cho họ đỡ mỏi chân. Một buổi trưa, ăn cơm xong, trở lại làm việc, lúc tới cổng nghĩa trang, tôi dừng xe đón một Hạ Sĩ xin quá giang. Lúc anh ta ngồi vào phía sau, tôi bắt đầu rồ ga, sang tay số tiếp tục chạy vào trong. Rồ ga hoài mà xe không tiến thêm môt tí nào… Tôi quay ra, định nhờ anh lính xuống đẩy giùm… thì thấy bức Tượng Thương Tiếc đang ngồi phía sau. Tôi chưa kịp phản ứng gì thì có tiếng nói cất lên:

- Xe jeep Thiếu Tá sao chở nổi tôi…

Tiếp đó là một tràng cười khằng khặc, đồng thời bức tượng cũng biến mất”.


Vị Thiếu Tá còn kể tiếp:



“Nghĩa trang ở trên đồi vào tháng mưa cỏ mọc um tùm nên phải thuê người vô cắt cỏ. Trong lúc một cô đang cắt cỏ, có một anh binh sĩ đến tán tỉnh, vì quen với lối trêu chọc của lính nên cô chẳng thèm quay lại xem hình dáng người tán tỉnh mình là ai. Cô nghe tiếng người lính hỏi:

- Cô có biết tôi là ai không?

Cô gái vẫn cắm cúi làm việc và trả lời:

- Ông là ai, kệ ông chứ mắc mớ gì tôi…

Bỗng cô gái nghe một tràng cười ngạo nghễ từ phía sau và những bước chân thật nặng nề rung chuyển cả đất. Bấy giờ cô mới quay lại, thấy bức tượng đài kỷ niệm đang đứng trước mặt. Cô la hoảng, chạy vào khu làm việc, kể lại sự tình vừa xảy ra cho tôi nghe, đồng thời cô cũng xin nghỉ việc ngay ngày hôm đó…”



- Một chuyện khác: “Vào giữa một đêm trăng mờ năm 1968, một chiếc xe đò chở đầy hành khách từ miền Trung về, khi tới xa lộ còn cách nghĩa trang quân đội 500 thước, viên tài xế bị ngủ gật nên thắng gấp, khiến bánh xe trợt một đoạn dài, rồi lật nghiêng. Trong lúc mọi người đang khóc than, đang tìm cách đập vỡ cửa kiếng chui ra, thì chợt có tiếng nói vang lên:
- Xin đồng bào bình tĩnh... xin đồng bào bình tĩnh... ai đâu ở đó... đã có lính nhảy dù đến cứu bồ.

Tiếng nói vừa dứt thì xe được đẩy lại dựng đứng như cũ, anh tài xế cùng lơ xe và khách vừa mở cửa ra ngoài, vừa hết lời khen sức mạnh ghê gớm của đại ân nhân. Thế nhưng mọi người chỉ thấy ân nhân dáng người cao lớn đứng sừng sững bên kia đường, rồi ông ta bước từng bước rất dài về phía trước. Tới trước cửa nghĩa trang quân đội thì biến mất. Anh tài xế bỗng la thất thanh, chỉ vào Tượng Thương Tiếc:

- Bà con ơi... ổng đó... ổng đó... Trời ơi... trời ơi... ổng hiển linh cứu bà con mình.

Thế là mọi người vội leo ngay vào trong xe, rồi ai nấy đều chắp tay lạy... đều đọc kinh râm ran... cả kinh Phật lẫn kinh Chúa”.



- Chuyện Tượng Thương Tiếc cứu người bị cướp: “Vào lúc 10 giờ tối tháng 3 năm 1969, có hai cặp tình nhân đi trên hai chiếc Honda ra xa lộ hóng gió, gần tới nghĩa trang thì bị ba chiếc khác chở 6 thanh niên tóc dài ép té bên đường. Liền sau đó 3 tên ngồi phía sau nhảy xuống dùng dao uy hiếp khổ chủ để cướp xe và lấy tiền. Trong lúc bọn cướp cạn đang trói các nạn nhân, thì bỗng có tiếng hét lớn trên đầu dốc:

- Chớ làm càn... chớ làm càn.

Rồi liền đó xuất hiện ở giữa đường xa lộ một bóng đen... Bóng đen khệnh khạng đi tới, một tên cướp hoảng hốt gào lên:

- Ối giời ơi... ma ma, chạy... chạy...

Thế nhưng không làm sao chúng chạy được, cứ thế đứng sững như trời trồng, bóng đen hai tay xách bổng hai chiếc Honda bỏ bên vệ đường, vừa lúc đó có bốn chiếc xe chạy đến, một xe Cảnh Sát đi tuần, một xe Jeep của bốn quân nhân nhảy dù, trên có một Trung Tá, còn hai xe kia là du lịch. Thấy chuyện lạ, các xe ngừng hết lại. Dưới bóng tối mờ mờ mọi người thấy trên đỉnh dốc có một bóng đen đứng hiên ngang lừng lững. Khi rõ chuyện, Cảnh Sát đến chỗ bọn cướp, đứa nào đứa nấy cứ như bị điểm huyệt. Một người lớn tiếng hỏi:

- Còn ai đứng ở trên kia đó...

Một tràng cười vang lên, rồi một giọng như sấm động...

- Cố gắng, Nhảy Dù... cố gắng.

Như hiểu ra chuyện, vị Trung Tá Nhảy Dù trấn an mọi người:

- Không sao đâu, pho tượng Thương Tiếc đi tuần thôi.

Sau đó ông vẫy tay la to:

- Về nghỉ đi em, khuya rồi... Nhảy Dù...

Bóng đen bỗng đứng nghiêm giơ tay chào:

- Cố gắng... Tuân lệnh Trung Tá”.


Tôi chợt nhớ một đoạn trong bài học thuộc lòng thời xa xưa:

Họ là những anh hùng không tên tuổi
Sống âm thầm trong bóng tối mênh mông
Không bao giờ được hưởng ánh quang vinh
Nhưng can đảm và tận tình giúp nước.
Họ là kẻ tự nghìn muôn thuở trước
Đã phá rừng, xẻ núi, lấp đồng sâu
Và làm cho những đất cát hoang vu
Biến thành một dãy sơn hà gấm vóc
Chuyện hiển linh xưa nay không hiếm, nhưng những huyền thoại về Tượng Thương Tiếc, sống động như chuyện đời thường, chuyện hàng ngày trước mắt, khiến cho ai nghe cũng cảm động nghiêng mình kính cẩn và hết lòng thán phục. Sống nằm gai nếm mật bảo vệ quê hương, chết hồn thiêng còn hiện về giúp người hoạn nạn…Dù có bị làm nhục phỉ báng cũng không quên vai trò của người lính chiến.


Post Reply