TIN TỨC PHIM ẢNH CA NHẠC

Phim ảnh, âm nhạc đưa người ta vào thế giới ảo mộng quên đi bao nỗi muộn phiền của đời thường... Nơi đây chỉ ghi lại một phần nào đó của cái thế giới muôn mầu sắc và âm thanh đó mà thôi.

Moderator: Nguyễn_Sydney

nhuvan
Posts: 342
Joined: Sun Mar 27, 2016 8:29 pm

Re: TIN TỨC PHIM ẢNH CA NHẠC

Post by nhuvan »

Chiến tranh làm lu mờ Oscar, Oppenheimer nhận giải phim hay nhất
March 11, 2024

LOS ANGELES, California (NV) – “Oppenheimer,” tựa phim chính kịch dựa trên cuộc đời của một nhân vật có thật, dài ba giờ đồng hồ, trở thành cơn sốt phòng vé đem về hàng tỷ Mỹ kim, được trao giải tác phẩm điện ảnh hay nhất tại Lễ Trao Giải Oscar lần thứ 96, đồng thời là lễ đăng quang cho đạo diễn Christopher Nolan, theo KTLA 5 News.

Sau khi để đạo diễn được cho là hàng đầu Hollywood vuột mất danh hiệu trong nhiều năm, Oscar giờ đây bù đắp khoảng thời gian đó bằng cách trao bảy giải cho tựa phim tiểu sử xuất chúng của Nolan, trong đó có giải tài tử chính xuất sắc nhất trao cho Cillian Murphy, tài tử phụ xuất sắc nhất cho Robert Downey Jr. và đạo diễn xuất sắc nhất cho Nolan.

Khi trao giải cho “Oppenheimer,” Viện Hàn Lâm Khoa Học và Nghệ Thuật Điện Ảnh làm một điều chưa từng có trong hơn một thập niên: trao giải thưởng cao nhất cho tựa phim trường quay có kinh phí lớn, được đón xem rộng rãi. Trong ngành công nghiệp điện ảnh mà áo choàng, khủng long hay Tom Cruise thường là những mảnh ghép cần thiết để có doanh thu phòng vé to lớn, “Oppenheimer” thu hút hàng loạt khán giả tới rạp xem tựa phim gây cấn, nói về phân hạch nguyên tử của J. Robert Oppenheimer và quá trình tạo ra bom nguyên tử.
Image
Từ trái, Emma Thomas, Charles Roven, và Christopher Nolan nhận giải Oscar cho phim hay nhất với “Oppenheimer” tại lễ trao giải lần thứ 96 ở Dolby Theatre đêm 10 Tháng Ba, 2024 ở Hollywood, California (Hình: Kevin Winter/Getty Images)

“Dù tốt hay xấu, tất cả chúng ta đều đang sống trong thế giới của Oppenheimer,” tài tử Murphy phát biểu trong lúc nhận giải. “Tôi muốn dành tặng điều này cho những người kiến tạo hòa bình.”

Là tựa phim xoáy sâu vào khả năng hủy diệt hàng loạt của con người, “Oppenheimer” cũng đang nổi danh — thậm chí vượt qua tựa phim cùng thể loại nói về hiện tượng văn hóa, “Barbie” – như một tựa phim thích hợp cho việc dự báo một thời đại đầy rẫy thảm họa, dù có phải là do con người tạo ra hay không.


Lễ Trao Giải Oscar hôm Chủ Nhật, 10 Tháng Ba tại Đại Hý Viện Dolby ở Los Angeles diễn ra trong bối cảnh chiến tranh ở Gaza và Ukraine, cũng như cuộc bầu cử quan trọng sắp diễn ra ở Hoa Kỳ. Các giải thưởng dành cho phim tài liệu trao cho “20 Days in Mariupol” và phim quốc tế hay nhất “The Zone of Interest” đưa chính trị trở thành tâm điểm chú ý của giải Oscar.

Màn so tài được mong chờ nhất thuộc về Emma Stone, giành giải minh tinh chính xuất sắc nhất cho vai diễn Bella Baxter trong “Poor Things.” Ở giải thưởng được xem là hấp dẫn nhất đêm qua, Stone giành chiến thắng trước Lily Gladstone của “Killers of the Flower Moon.” Gladstone suýt chút nữa trở thành người Mỹ bản địa đầu tiên giành được Giải Oscar.

Thay vào đó, các nhà bình chọn giải Oscar không thể cưỡng lại sự ngưỡng mộ trong màn trình diễn “Poor Things” của Stone. Chiến thắng dành cho Stone, giải Oscar cho minh tinh chính xuất sắc thứ hai của cô sau chiến thắng năm 2017 cho “La La Land,” khẳng định người phụ nữ 35 tuổi này được cho là minh tinh màn ảnh rộng xuất sắc trong thế hệ của cô. Danh sách phụ nữ đoạt giải minh tinh xuất sắc nhất hai lần trở lên đều có những cái tên rất lừng lẫy, như Katharine Hepburn, Frances McDormand, Ingrid Bergman và Bette Davis.


Nhưng sự phản đối và chính trị lại len lỏi vào Giải Thưởng Viện Hàn Lâm trong năm bầu cử. Cuối chương trình, viên chủ sự chương trình Jimmy Kimmel đọc một bài viết chỉ trích trên mạng xã hội từ cựu Tổng Thống Donald Trump.

Nolan từng có nhiều phim đoạt giải Oscar, gồm có “Inception,” “Dunkirk” và “The Dark Knight.” Nhưng chiến thắng hôm Chủ Nhật với cương vị đạo diễn là giải Oscar đầu tiên dành cho nhà làm phim 53 tuổi này. Phát biểu trước giới mộ điệu, Nolan nhấn mạnh rằng điện ảnh đã hơn một trăm tuổi.

“Barbie,” tựa phim ăn khách nhất phòng vé năm ngoái bán được hơn $1.4 tỷ tiền vé, cuối cùng chỉ giành được một giải: ca khúc trong phim hay nhất cho “What Was I Made For?” của Billie Eilish và Finneas. Đây là giải Oscar thứ hai của họ, hai năm sau khi giành chiến thắng với nhạc phim James Bond, “No Time to Die.”

Các cuộc biểu tình phản đối cuộc chiến của Israel ở Gaza làm tắc nghẽn giao thông xung quanh Đại Hý Viện Dolby ở Los Angeles, làm gián đoạn sự xuất hiện của các ngôi sao trên thảm đỏ và chuyển sự chú ý của giải Oscar qua cuộc xung đột đang diễn ra. Vài người biểu tình còn hét lên “Thật đáng hổ thẹn!” vào những người đang nhận giải thưởng.


Jonathan Glazer, nhà làm phim Anh Quốc có bộ phim kinh dị về trại tập trung Auschwitz “The Zone of Interest” đoạt giải phim quốc tế hay nhất, rút ra mối liên hệ giữa sự mất nhân tính được mô tả trong phim của ông và hiện thực ngày nay.

Một năm sau khi “Navalny” giành được giải thưởng tương tự, “20 Days in Mariupol” của Mstyslav Chernov, biên niên sử đau khổ về những ngày đầu Nga xâm lược Ukraine, giành giải phim tài liệu hay nhất. Chiến thắng đầu tiên dành cho “Frontline” của hãng tin AP và PBS, có được khi cuộc chiến ở Ukraine vượt qua cột mốc hai năm mà không có dấu hiệu dừng lại.

Chernov, nhà làm phim người Ukraine và cũng là phóng viên hãng tin AP được đề cử Oscar vào ngày ông hay tin quê hương bị đánh bom, lên án kịch liệt về cuộc xâm lược của Nga.

Kịch bản gốc hay nhất thuộc về “Anatomy of a Fall,” tương tự Barbie, được chấp bút bởi hai người: đạo diễn Justine Triet và Arthur Harari. “Tôi nghĩ điều này sẽ giúp tôi vượt qua cơn khủng hoảng tuổi trung niên,” Justine Triet nói.

Jefferson, trước đây là một nhà văn truyền hình từng đoạt giải thưởng, cho biết: “Thay vì làm một bộ phim trị giá $200 triệu, hãy thử làm 20 bộ phim trị giá $10 triệu.”

Chiến thắng dành cho Oppenheimer đem tới cho Hollywood cơ hội vui mừng bất chấp những cơn bão đang hiện diện trong ngành điện ảnh. Phim của Nolan ra mắt vào năm ngoái đúng lúc các tài tử tham gia cùng các nhà biên kịch trong một cuộc bãi công kéo dài liên quan tới các nền tảng phát trực tuyến và trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence – AI). Cuộc bãi công của các tài tử chấm dứt vào Tháng Mười Một, nhưng Hollywood vẫn không mấy an tâm. Phát trực tuyến tỏ ra kém cạnh hơn về lợi tức cho phần lớn các hãng phim không có tên trên Netflix.

Nhưng “Barbenheimer” là loại hiện tượng nằm ngoài kế hoạch mà Hollywood cần có nhiều hơn. Hai tựa phim này cũng có thể nâng vị thế giải Oscar truyền hình, vốn được hưởng lợi từ lịch sử khi có những tựa phim lớn tranh giành nhau. Số lượng khán giả lớn nhất mà Giải Oscar từng ghi nhận là thời điểm tựa phim Titanic của James Cameron giành giải Oscar năm 1998. (TTHN)

User avatar
ngayngo
Posts: 1208
Joined: Sat Nov 01, 2008 8:34 pm

Re: TIN TỨC PHIM ẢNH CA NHẠC

Post by ngayngo »

Bom tấn “Oppenheimer” nổ vang với bảy giải Oscar
Minh An
11 tháng 3, 2024


Image
Christopher Nolan với hai chiến thắng vang dội tại Oscar 2024, khi giành được hai trong số giải lớn nhất Academy Awards: Phim xuất sắc nhất và Đạo diễn xuất sắc nhất (ảnh: Jeff Kravitz/FilmMagic)

“Oppenheimer” của Christopher Nolan đã chấm dứt “cơn hạn hán” kéo dài nhiều năm đối với các phim bom tấn kinh phí lớn (khi những phim thành công thương mại thường ít khi hoặc không thể được ban giám khảo AMPAS ghé mắt đến). Tại lễ công bố Oscar lần thứ 96 (ngày 10 Tháng Ba 2024), “Oppenheimer” đã chiến thắng vang dội với bảy giải, trong đó có giải Phim hay nhất.

Theo BoxOfficeMojo, doanh thu phòng vé toàn cầu của “Oppenheimer” đạt $957 triệu, trở thành bộ phim có doanh thu toàn cầu lớn nhất giành được giải cao nhất của Viện hàn lâm khoa học nghệ thuật điện ảnh Hoa Kỳ (AMPAS) sau 20 năm, kể từ The Lord of the Rings: The Return of the King tại Oscar 2004 (phần cuối cùng trong bộ ba phim The Lord of the Rings của Peter Jackson đã thu về $1.15 tỷ trên toàn thế giới).

Ngoài giải cao nhất (Phim xuất sắc nhất), “Oppenheimer” còn mang lại giải Đạo diễn xuất sắc nhất cho Christopher Nolan; giải Nam diễn viên chính xuất sắc nhất cho Cillian Murphy; Nam diễn viên phụ xuất sắc nhất cho Robert Downey Jr…


Oscar có xu hướng được lấn át bởi dòng phim nghệ thuật có kinh phí thấp, với chi phí sản xuất lẫn doanh thu phòng vé khiêm tốn, thấp hơn nhiều so với những phim bom tấn như “Oppenheimer”. Phim giành giải Phim hay nhất Oscar 2023, “Everything Everywhere All at Once”, chỉ mang về $143 triệu, tính toàn cầu. “CODA”, bộ phim giành chiến thắng vào năm trước đó, chỉ được phát hành rạp rất hạn chế trước khi được đưa lên ứng dụng streaming Apple TV+. Trong số những tác phẩm đoạt giải Phim hay nhất trong thập niên qua, chỉ có hai phim – “Parasite” của Hàn Quốc năm 2019 và “Green Book” năm 2018 – kiếm được hơn $200 triệu toàn cầu.

Với thành công “Oppenheimer”, Christopher Nolan 53 tuổi không chỉ là đạo diễn thành công về mặt nghệ thuật mà còn là đạo diễn kiếm được nhiều tiền nhất Hollywood. Tạp chí Forbes ước tính ông kiếm được 15% trong “tổng doanh thu đầu tiên” (“first-dollar gross”) của “Oppenheimer”, nghĩa là ông được trả một phần trên mỗi đồng mà bộ phim kiếm được, ngay cả trước khi hãng phim thu hồi chi phí. Từ doanh thu phòng vé, doanh số video gia đình và doanh thu từ việc cấp phép cho dịch vụ phát trực tuyến đầu tiên, Christopher Nolan có thể kiếm được khoảng $72 triệu trước thuế. Tổng doanh thu sẽ tiếp tục tăng khi bộ phim được bán lại cho các nhà phát trực tuyến và tiền bản quyền bán được trong nhiều năm tới.

Mỗi phim do Christopher Nolan sản xuất, kể từ lần đầu tiên hợp tác với Warner Bros. cho dự án “Insomnia” năm 2002, đều thu về ít nhất $100 triệu, và sáu trong bảy bộ phim gần đây nhất của ông – đáng chú ý nhất là hai phim “Dark Knight” cuối cùng – đã thu về hơn $500 triệu (bộ phim thứ bảy, “TeneT”, được phát hành trong thời điểm đại dịch vẫn thu về con số ấn tượng $350 triệu). Christopher Nolan trở thành một trong những đạo diễn quyền lực nhất Hollywood.

Khi chuẩn bị bán dự án tiếp theo (“Oppenheimer”) vào Tháng Chín 2021, các giám đốc điều hành của Paramount, Sony, Universal và Apple đã được mời đến văn phòng Christopher Nolan ở Hollywood Hills để đọc kịch bản. Lập tức các hãng phim tranh nhau giành dự án “Oppenheimer”; và Nolan có đủ lợi thế để yêu cầu một số điều kiện tiên quyết cho các đối tác tiềm năng, trong đó có ngân sách sản xuất $100 triệu, $100 triệu cho tiếp thị; ngoài ra, còn có điều kiện toàn quyền kiểm soát sáng tạo, yêu cầu thời hạn mở rộng cho việc chiếu rạp, khoảng thời gian tạm ngừng mà hãng phim tuyệt đối không được phát hành bất kỳ phim gì trong những tuần trước và sau bộ phim của Christopher Nolan; và cuối cùng là điều kiện được hưởng 20% tổng doanh thu đầu tiên (first-dollar gross).

Cần nhấn mạnh, không phải đạo diễn hoặc diễn viên nào cũng có thể được hãng phim đồng ý với thỏa thuận chia chác “first-dollar gross”. Việc được thỏa mãn yêu cầu này là bằng chứng của thế mạnh tuyệt đối nhất đối với giới làm phim Hollywood. Trong giới diễn viên, gần như không có bất kỳ người nào có thể đề cập “first-dollar gross” với hãng sản xuất, trừ một số ít ngôi sao thượng thặng như Tom Cruise (người kiếm được khoảng 12.5% tổng doanh thu cho bộ phim Mission: Impossible mới nhất). Ngay cả đối với các nhà làm phim có uy tín nhất nhì Hollywood, thỏa thuận chia chác “first-dollar gross” cũng chỉ dành cho những gương mặt sừng sỏ cỡ Steven Spielberg, James Cameron và Peter Jackson.

Trở lại với dự án “Oppenheimer”. Sau khi nghe Christopher Nolan trình bày, người đứng đầu xưởng phim của Universal, Donna Langley, đã đồng ý với các điều kiện của Nolan và duyệt việc sản xuất “Oppenheimer”. Các nguồn tin nói với tờ Forbes rằng thỏa thuận của Nolan với Universal bao gồm 15% tổng doanh thu, chứ không phải như 20% được đưa ra lúc ban đầu. “Oppenheimer” được sản xuất vào đầu năm 2022 và ngày phát hành được ấn định vào Tháng Bảy 2023. Đây là bộ phim đầu tiên của đạo diễn Christopher Nolan không phải do Warner Bros. Pictures phát hành kể từ phim “Memeto” năm 2000. Cũng có thể để phá đám Christopher Nolan lẫn hãng Universal, Warner Bros. Pictures đã chơi xỏ lá khi phát hành bộ phim bom tấn “Barbie” của họ vào cùng ngày với “Oppenheimer” (ngày 21 Tháng Bảy 2023).

Trong chương trình “Actors on Actors” trên Variety, Margot Robbie (nữ diễn viên chính trong “Barbie”) thuật rằng nhà sản xuất Chuck Roven của “Oppenheimer” đã gọi cho cô, yêu cầu Warner Bros. dời ngày phát hành “Barbie” để không trùng ngày với “Oppenheimer”. Tuy nhiên, búp bê “Barbie” không ngại đối đầu và dám chơi lớn với khoa học gia chế bom nguyên tử “Oppenheime”. Margot Robbie trả lời: “Chúng tôi sẽ không dời lịch phát hành (“Barbie”). Nếu sợ phải đối đầu với chúng tôi thì mấy người nên dời lịch (“Oppenheimer”) của mình đi.” Và thế là báo chí Mỹ đặt ra từ “Barbenheimer” để nói về cuộc đụng độ cùng ngày của “Barbie” và “Oppenheimer”. Cả hai đều thắng lớn về doanh thu. “Oppenheimer” đạt được hơn $950 triệu, trong khi “Barbie” thu được hơn $1.4 tỷ.

Với thành công vang dội của “Oppenheimer” về mặt thương mại lẫn phê bình, cuộc chiến giành dự án tiếp theo của Christopher Nolan hứa hẹn khốc liệt hơn. Năm 2023, tờ Variety đưa tin rằng Warner Bros. – không muốn để Universal phỗng tay trên như trong dự án “Oppenheimer” – đã gửi cho Christopher Nolan một tấm séc tiền bản quyền trị giá bảy con số, không kèm theo điều kiện nào, như một khoản ứng trước. “Chúng tôi hy vọng sẽ giành lại được Nolan,” đồng giám đốc điều hành của Warner Bros., Michael De Luca, nói với Variety. Nhiều người trong giới tin rằng, bây giờ, Christopher Nolan muốn bất kỳ điều kiện gì, hãng phim nào cũng phải chìu theo.

__________________

7 Oscar của “Oppenheimer”

Best Picture: Emma Thomas, Charles Roven và Christopher Nolan, Producers

Best Directing: Christopher Nolan

Best Actor in a Leading Role: Cillian Murphy

Best Actor in a Supporting Role: Robert Downey Jr.

Best Cinematography: Hoyte van Hoytema

Best Original Score: Ludwig Göransson

Best Film Editing: Jennifer Lame


______________________

User avatar
bichphuong
Posts: 574
Joined: Mon Apr 25, 2016 12:10 am
Been thanked: 1 time

Re: TIN TỨC PHIM ẢNH CA NHẠC

Post by bichphuong »

Oscar: Những người không có cơ hội “cám ơn”
Minh An

Image
Ảnh: Andrew H. Walker/Getty Images
Trong lịch sử giải điện ảnh danh giá nhất nước Mỹ, thậm chí có thể nói nhất thế giới – Oscar (Academy Awards) – có không ít diễn viên tài năng nhất nhì Hollywood không bao giờ được trải nghiệm hương vị chiến thắng…

Glenn Close

Glenn Close giữ kỷ lục là nữ diễn viên nhận được nhiều đề cử nhất nhưng không giành được chiến thắng nào. Bà đã được đề cử tám lần kể từ năm 1983 (The World According to Garp, The Big Chill, The Natural, Hillbilly Elegy, Fatal Attraction, Dangerous Liaisons, Albert Knobbs, và The Wife). Năm 2019, bà được coi là ứng cử viên sáng giá nhất cho giải Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất nhưng tượng Oscar cuối cùng thuộc về Olivia Colman (trong phim The Favourite).

Image
Glenn Close (ảnh: Frazer Harrison/Getty Images)

Peter O’Toole


Cố diễn viên Peter O’Toole giữ kỷ lục nam diễn viên được đề cử nhiều nhất nhưng luôn ra về tay không. Trong suốt sự nghiệp 44 năm, tương tự Glenn Close, Peter O’Toole đã được tám đề cử Oscar, tất cả đều ở hạng mục Nam diễn viên chính xuất sắc nhất. Năm 2003, một thập niên trước khi qua đời, O’Toole được trao giải Oscar danh dự.

Amy Adams

Amy Adams được giới bình luận đánh giá là nữ diễn viên đương đại tài năng nhất nhưng đến nay cô vẫn chưa giành được Oscar. Dĩ nhiên không phải vì Amy Adams thiếu những màn trình diễn ấn tượng trên màn bạc. Cô đã được đề cử sáu lần trong sự nghiệp kéo dài gần ba thập niên và năm đề cử trong số đó là Nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất: Junebug năm 2005, Doubt năm 2008, The Fighter năm 2010, The Master năm 2012 và Vice năm 2018. Đề cử Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất của Amy Adams là cho American Hustle năm 2013.
Image
Amy Adams (ảnh: Gregg DeGuire/Getty Images)

Alfred Hitchcock

Đạo diễn huyền thoại Alfred Hitchcock đã năm lần được đề cử Đạo diễn xuất sắc nhất nhưng chưa bao giờ được vinh dự cầm tượng Oscar hạng mục đạo diễn. Phim Rebecca đã đoạt giải Phim hay nhất năm 1940, nhưng chiến thắng ở hạng mục đó thuộc về nhà sản xuất chứ không phải đạo diễn. Viện hàn lâm khoa học-nghệ thuật-điện ảnh Hoa Kỳ (AMPAS) thật ra cũng “biết điều” và không hoàn toàn hắt hủi Alfred Hitchcock. Năm 1968, Hitchcock nhận được Giải Tưởng niệm Irving G. Thalberg, một vinh dự mà AMPAS chỉ ban cho 32 người trong gần một trăm năm lịch sử của họ.
Image
Alfred Hitchcock (ảnh: Hulton Archive/Getty Images)

Diane Warren

Kể từ năm 1988 đến mùa Oscar 2024, nhà soạn nhạc huyền thoại Diane Warren đã 15 lần được đề cử ở hạng mục Ca khúc xuất sắc nhất soạn riêng cho phim (Best Original Song), trong đó có bài “The Fire Inside” trong phim Flamin’ Hot trong mùa Oscar 2024 (không biết năm nay vận may có đến với Diane Warren không?!) Trong bài phát biểu khi nhận giải Oscar danh dự năm 2023, Diane Warren nói đùa: “Tôi đã đợi 34 năm để nói điều này: Tôi muốn cảm ơn Viện hàn lâm.”
Image
Diane Warren (ảnh: Emma McIntyre/WireImage)

Samuel L. Jackson

Samuel L. Jackson là một trong những diễn viên có khả năng diễn xuất ổn định nhất Hollywood. Tuy nhiên, bất chấp sự hiện diện đều đặn trên màn ảnh, Samuel L. Jackson chỉ mới có một đề cử Oscar. Năm 1995, ông nhận được đề cử Nam diễn viên phụ xuất sắc nhất cho Pulp Fiction (cuối cùng thua Martin Landau trong phim Ed Wood). Năm 2021, Samuel L. Jackson được AMPAS trao Oscar danh dự. Tuy nhiên, Samuel L. Jackson – một trong những diễn viên có thu nhập cao nhất Hollywood – vẫn chưa có cơ hội cám ơn AMPAS với sự nhìn nhận khả năng diễn xuất của ông trong một phim cụ thể nào đó.

Cary Grant

Cary Grant có thể được xem là tài tử vĩ đại nhất chưa từng đoạt Oscar. Suốt sự nghiệp, cho đến khi qua đời năm 1986 ở tuổi 82, Cary Grant vẫn bị AMPAS cho ra rìa. Ông chỉ được đề cử Nam diễn viên chính xuất sắc nhất hai lần (và chỉ “hai lần”!) trong sự nghiệp mình; đầu tiên là Penny Serenade năm 1941 và sau đó là None but the Lonely Heart năm 1944. Năm 1969, Cary Grant được trao Oscar danh dự (tượng Oscar được trao từ tay Frank Sinatra).


Annette Bening

Annette Bening, với năm đề cử, luôn ở rất gần nhưng vẫn chưa bao giờ cầm được tượng Oscar. Năm 1991, bà được đề cử Nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất cho The Grifters, nhưng cuối cùng thua Whoopi Goldberg (trong phim Ghost). Chín năm sau, lần đầu tiên Annette Bening được đề cử Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất, trong American Beauty (tác phẩm này đoạt giải Phim hay nhất năm đó). Lần này, Annette Bening thua Hilary Swank trong Boys Don’t Cry. Năm 2005, bà lại thua Hilary Swank, người giành giải Nữ diễn viên chính xuất sắc lần thứ hai cho Million Dollar Baby. Năm 2011, Bening được đề cử Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất cho The Kids Are All Right nhưng thua Natalie Portman trong Black Swan.
Image
Annette Bening (ảnh: Michael Blackshire / Los Angeles Times via Getty Images)

Trong bảng đề cử Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất mùa Oscar 2024, người ta lại thấy tên Annette Bening, với phim Nyad. Khả năng Annette Bening chiến thắng năm nay là rất thấp, khi bà nằm cùng bảng đề cử với những đối thủ dữ dằn: Lily Gladstone (trong “Killers of the Flower Moon”), Sandra Hüller (trong “Anatomy of a Fall”) và đặc biệt Emma Stone (trong “Poor Things”).

Bradley Cooper

Bradley Cooper có thể làm tất cả: Diễn xuất, đạo diễn, viết kịch bản… nhưng cầm tượng Oscar thì chưa. Bradley Cooper đã nhận được 12 đề cử kể từ năm 2013, trong đó có bốn đề cử cho Nam diễn viên chính xuất sắc nhất. Chỉ riêng năm nay, với phim Maestro, Bradley Cooper đã nhận được ba đề cử: Phim hay nhất, Nam diễn viên chính xuất sắc nhất, Kịch bản gốc xuất sắc nhất. Tuy nhiên, tương tự Annette Bening, cơ hội Bradley Cooper được mời lên sân khấu để “cám ơn” là rất thấp.
Image
Bradley Cooper (ảnh: Gareth Cattermole/Getty Images)

Richard Burton

Richard Burton được đề cử bảy lần trước khi qua đời vào năm 1984 nhưng chưa bao giờ được xướng tên “the winner is…”, dù ông là một trong những tượng đài khổng lồ của lịch sử điện ảnh Hoa Kỳ. Tất cả bảy thất bại của ông, trong đó có sáu đề cử ở hạng mục Nam diễn viên chính xuất sắc nhất, đều gặp phải sự đụng độ ác liệt với các huyền thoại màn bạc như Anthony Quinn, William Holden, Rex Harrison và John Wayne.

Greta Garbo

Greta Garbo được coi là một trong những nữ diễn viên vĩ đại nhất Hollywood nhưng bà chưa bao giờ giành được Oscar. Ba lần được đề cử Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất cho Anna Christie, Camille và NiNotka, Greta Garbo được trao Oscar danh dự vào năm 1955. Tuy nhiên, khi có cơ hội phát biểu nhận giải trong đêm trọng đại nhất của Hollywood, ngôi sao ẩn dật này đã quyết định ở nhà. Bức tượng Oscar của bà sau đó được gửi đến qua đường bưu điện.


Michelle Williams


Người hâm mộ có cảm giác như mọi màn trình diễn mà Michelle Williams thể hiện đều xứng đáng với giải Oscar. Cô đã có năm đề cử, trong đó có đề cử Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất cho The Fabelmans năm 2022. Từ Brokeback Mountain đến Manchester by the Sea, Michelle Williams đều diễn xuất xuất sắc nhưng cô vẫn chưa được khóc thật trên sân khấu trong một chương trình Oscar.
Image
Michelle Williams (ảnh: Arturo Holmes/Getty Images )
Tom Cruise

Trong sự nghiệp kéo dài bốn thập niên, Tom Cruise chỉ nhận được bốn đề cử. Tom Cruise nhận được đề cử Phim hay nhất vào năm 2023 với tư cách là nhà sản xuất cho Top Gun: Maverick. Và ba đề cử cho diễn xuất: Born on the Fourth of July năm 1989, Jerry Maguire năm 1996 và Magnolia năm 1999.

Angela Bassett

Angela Bassett là tài năng không thể phủ nhận. Tuy nhiên, bất chấp những màn thể hiện xuất sắc trong nhiều bộ phim suốt nhiều thập niên, Angela Bassett chỉ mới nhận được hai đề cử: Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất cho What’s Love Got to Do with It năm 1993 và Nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất cho Black Panther: Wakanda Forever năm 2022. Trong thực tế, AMPAS cũng chỉ trao tượng diễn xuất cho 10 diễn viên da đen trong lịch sử gần trăm năm của họ (Halle Berry là phụ nữ da đen duy nhất từng đoạt giải Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất).

User avatar
bichphuong
Posts: 574
Joined: Mon Apr 25, 2016 12:10 am
Been thanked: 1 time

Re: TIN TỨC PHIM ẢNH CA NHẠC

Post by bichphuong »

5 phim dựa trên tiểu thuyết của Stephen King có doanh thu cao nhất
April 13, 2024

Nhất Anh

HOLLYWOOD, California (NV) – Nói về văn học hiện đại ngày nay, không thể không nhắc đến nhà văn Stephen King, được mệnh danh là “Ông hoàng kinh dị” nổi đình nổi đám.
Image
Bí mật đen tối đằng sau nghĩa địa chó mèo trong “Pet Sematary” khiến người xem rợn người. (Hình: Paramount Pictures)

Bắt đầu việc viết lách chỉ từ khi mới 12 tuổi, sự nghiệp văn chương đồ sộ của Stephen King được xem là một kho tàng mang tính giá trị cao của nước Mỹ, không chỉ được đón nhận nồng nhiệt từ độc giả mà còn phản ảnh những sự kiện có thật ở ngoài đời, thông qua các con chữ và nội dung kinh dị ẩn dụ đặc sắc.


Các tác phẩm của ông cũng là nguồn cảm hứng sâu sắc cho các nhà làm phim Hollywood chuyển thể sang ngôn ngữ điện ảnh, đặc biệt là năm phim trong số hơn 60 phim được chuyển thể dưới đây, vừa được lòng người hâm mộ và giới phê bình, và vừa thu về doanh thu cao.

Pet Sematary (năm 1989 thu $90 triệu)

Năm 1989, đạo diễn Mary Lambert bắt tay với hãng Paramount Pictures thực hiện bộ phim “Pet Sematary,” dựa trên cuốn tiểu thuyết của Stephen King viết vào năm 1983.

Đặc biệt, dự án do chính Stephen King viết kịch bản, với sự tham gia của các diễn viên Dale Midkiff, Denise Crosby, Blaze Berdahl, Fred Gwynne và Miko Hughes.


Phim theo chân gia đình Bác Sĩ Louis Creed chuyển về một thị trấn nhỏ ở Maine. Khi con trai mình bị tai nạn xe vận tải tông chết, vì quá đau lòng, Louis vô tình biết được cách thức chôn xác ở nghĩa địa chó mèo để con mình có thể sống lại. Mặc cho nhiều lời cảnh báo từ người hàng xóm về hậu quả của việc vượt qua ranh giới sự sống và cái chết, Louis quyết tâm làm để có thể nhìn lại con trai của mình. Tuy nhiên, những gì vị bác sĩ làm đã khởi nguồn cho nhiều hệ lụy kinh hoàng xảy ra.

Năm 2019, phiên bản “Pet Sematary” được làm lại nhưng vẫn không thể vượt qua được bản chuyển thể gốc hồi năm 1989, không chỉ về nội dung phim mà còn cả doanh thu.

Phiên bản năm 1989 thu về $90 triệu, tương đương với $215 triệu ngày nay. Với dàn diễn viên dày dặn kinh nghiệm kết hợp với câu chuyện đẫm máu và đen tối về sự sống và cái chết, “Pet Sematary” đã thể hiện được những gì mà Stephen King tưởng tượng và vẽ nên trong cuốn tiểu thuyết nổi tiếng của mình.
Image
Căn phòng 1408 kinh hoàng trong phim “1408.” (Hình: Dimension Films)

1480 (năm 1999 thu $133 triệu)

Khung cảnh về khách sạn rùng rợn, thời gian trôi qua và những chấn thương tinh thần bị phơi bày được người hâm mộ thích thú ở Stephen King và “1408” có tất cả những điều đó.

Trong phim, tài tử John Cusack đóng vai Mike Elsin, một nhà văn bị tổn thương sau khi con gái qua đời, đi tìm kiếm niềm cảm hứng cho cuốn sách kinh dị và giật gân của mình bằng cách tìm kiếm trải nghiệm tại căn phòng bị ma ám nổi tiếng trong khách sạn mang tên The Dolphin ở New York. Mặc cho sự ngăn cản của nhiều người, Mike vẫn quyết định bước vào căn phòng và hàng loạt tình huống khủng khiếp đã xảy ra với anh.

Bộ phim của đạo diễn Mikael Hafstrom có một số cảnh thực sự đáng sợ khi cả nhân vật và thậm chí là người xem đều không biết đâu là thực và đâu là giả. Ngoài ra, điều khiến “1408” thú vị so với các phim kinh dị khác chính là khung cảnh chỉ gói gọn trong căn phòng khách sạn nhỏ và chỉ xoay quanh duy nhất nhân vật Mike Elsin, đem lại sự ngột ngạt, khó chịu khi những nỗi sợ của nhân vật dần dần được phơi bày qua những hình ảnh đáng sợ.

“1408” dựa trên câu chuyện ngắn cùng tên của Stephen King viết vào năm 1999, gây tiếng vang khi thu về $133 triệu trong khi kinh phí thực hiện chỉ $25 triệu.
Image
Tom Hanks (trái) và Michael Clarke Duncan trong phim “The Green Mile.” (Hình: Warner Bros. Pictures)

The Green Mile (năm 1999 thu $287 triệu)

“The Green Mile” là cuốn tiểu thuyết thể hiện một khía cạnh thực tế hơn nhiều của Stephen King, phát hành hồi năm 1996, lấy bối cảnh nơi ngục tù, nơi mà nhân vật chính, John Coffey, sống những ngày cuối cùng ở tù trước khi bị hành hình.

Năm 1999, đạo diễn Frank Darabont tiếp tục chuyển thể tác phẩm của Stephen King sang điện ảnh, và lần này ông chọn hai tài tử xuất sắc tham gia là Tom Hanks và Michael Clarke Duncan.

Không như những tác phẩm khác của Stephen King, “The Green Mile” không có bất kỳ nỗi kinh hoàng siêu nhiên nào, ngược lại, nó chỉ có con người thể hiện phần đen tối bản ngã của bạo lực và tàn bạo, xoáy sâu vào vấn đề phân biệt chủng tộc và sự bất công, vốn dĩ luôn “âm ỉ” ngầm trong xã hội Mỹ.

Bộ phim từng đoạt hai giải Critics Choice Awards, trong đó có giải “Kịch bản chuyển thể hay nhất” và nhận bốn đề cử giải Oscar.


Có thể nói, “The Green Mile” là một câu chuyện thực sự đầy ám ảnh và đánh động vào trái tim của người xem, đem lại thành công cho hãng Warner Bros. và đạo diễn Frank Darabont khi thu về $287 triệu, tương đương với con số $511 triệu ngày nay.
Image
Thằng hề với đôi mắt sắc lạnh (phải) tiếp tục gây ám ảnh cho khán giả trong “It: Chapter Two.”
(Hình: New Line Cinema)

It: Chapter Two (năm 2019 thu $473 triệu)

“It: Chapter Two” là phần phim thứ hai sau bộ phim “It” phát hành vào năm 2019, do đạo diễn Andy Muschietti thực hiện, dựa trên cuốn tiểu thuyết “It” dài 1,100 trang mà Stephen King viết vào năm 1986, lấy bối cảnh 27 năm sau những sự kiện của phần đầu xảy ra.

Những đứa trẻ trong “It” phần đầu nay đã trưởng thành và cuộc sống riêng. Những tưởng quá khứ đã qua đi nhưng thằng hề Pennywise trở lại, kẻ gây nỗi kinh hoàng trong phần một, truy lùng và đeo bám các nhân vật một lần nữa.

So với phần đầu tiên, “It: Chapter Two” có phần bạo lực hơn và mang tính sát thương cao hơn khi những chấn thương tinh thần từ quá khứ quay về, khiến cả nhân vật trong phim và khán giả xem phim đều sợ hãi.


Khi ra mắt, bộ phim thu về $473 triệu, trở thành tác phẩm đứng thứ hai được chuyển thể từ các tiểu thuyết của Stephen King có doanh thu cao nhất từ trước đến nay.
Image
Hình ảnh chú bé mặc áo mưa vàng cầm trên tay bong bóng bay màu đỏ không thể phai mờ trong tâm trí người xem khi xem “It: Chapter One.” (Hình: New Line Cinema)

It: Chapter One (năm 2017 thu $702 triệu)

Hình ảnh cậu bé mặc áo mưa màu vàng cầm trên tay chiếc bong bóng bay màu đỏ có thể được xem là biểu tượng nhân vật nổi tiếng của Stephen King trong tác phẩm “It: Chapter One” do đạo diễn Andy Muschietti thực hiện vào năm 2017, kể về một thế lực quỷ ám khủng khiếp chuyên gặm nhấm nỗi sợ của trẻ em để sinh tồn.

Bộ phim lấy bối cảnh ở thành phố Derry, Maine, nơi mà các trẻ em bị mất tích và bắt cóc một cách bí ẩn. Cậu bé Bill Denbrough, dũng cảm cùng với các người bạn của mình, tự tìm cách đi kiếm cậu em trai Georgie bị bắt cóc, và phát hiện ra sự thật kinh hoàng về chú hề Pennywise.

Đảm nhiệm vai Pennywise là tài tử Bill Skarsgard với tạo hình gây ớn lạnh và ám ảnh mỗi khi nhân vật xuất hiện. Chú hề Pennywise được tái hiện chân thật như trong chính mô tả dưới ngòi bút của Stephen King trong cuốn tiểu thuyết, chắc chắn không làm phụ lòng người hâm mộ văn chương của nhà văn sinh năm 1947.

“It: Chapter One” không chỉ là bộ phim có doanh thu cao nhất của Stephen King khi thu về $702 triệu mà còn là tác phẩm kinh dị xếp hạng Rated R có doanh thu cao nhất từng được thực hiện. (Nhất Anh) [qd]

User avatar
mexanh
Posts: 477
Joined: Tue Nov 04, 2008 4:18 am

Re: TIN TỨC PHIM ẢNH CA NHẠC

Post by mexanh »

'Tháng tư là lời nói dối của em' - bản hòa ca buồn của tình yêu

Bản tình ca của nhạc sĩ Phạm Toàn Thắng chất chứa những cảm xúc về mối tình đẹp đẽ nhưng ngắn ngủi.
"Lời nói dối của mình đã đưa cậu đến đấy. Khác hẳn với những gì mình nghĩ, cậu sống nội tâm và nhát hơn, cố chấp, phiền phức, lại còn thích quay lén. Giọng trầm, ra dáng đàn ông và là người dịu dàng... như mình nghĩ", cô nữ sinh 14 tuổi Miyazono Kaori viết trong lá thư gửi Arima Kōsei trước khi qua đời, trích đoạn phim Your Lie In April.

Arima Kōsei là thần đồng piano, nổi danh từ năm tám tuổi. Sau cái chết của mẹ, Arima Kōsei trải qua cú sốc lớn, mất đi khả năng nghe tiếng đàn của mình. Cậu gần như không chạm vào piano nữa. Trong một buổi chiều tháng tư, Arima Kōsei gặp Miyazono Kaori - một nghệ sĩ violin phóng khoáng, yêu tự do. Họ bị cuốn hút bởi đối phương và nhanh chóng trở thành tri kỷ. Kaori tìm mọi cách kéo Kōsei đến các cuộc trình diễn âm nhạc, nhờ cậu lên sân khấu đệm đàn cho phần thi của mình. Đến lúc này, Kōsei mới biết ngay từ đầu Kaori đã nói dối. Cô sắp xếp cuộc gặp gỡ "tình cờ" để tiếp cận Kōsei, giúp cậu lấy lại đam mê với piano. Kaori làm chuyện này vì cô biết mình sắp qua đời vì bệnh nan y. Cô muốn dùng thời gian ít ỏi còn lại giúp thần tượng hồi nhỏ..

Image
Arima Kōsei (trái) và Miyazono Kaori trong phim "Your Lie In April".
Tiếp nối cảm hứng từ bộ anime đình đám của Nhật, nhạc sĩ Phạm Toàn Thắng đã viết ca khúc Tháng tư là lời nói dối của em hồi tháng 4/2016. Ca khúc mang âm hưởng Pop nhẹ nhàng, với ca từ lãng mạn, đầy chất thơ, được thể hiện qua giọng ca mộc mạc, giàu chất tự sự của Hà Anh Tuấn.

Tháng tư là lời nói dối của em - Hà Anh Tuấn
"Mùa xuân có em như chưa bắt đầu
Và cơn gió đang khẽ đung đưa lay từng nhành hoa rơi
Em đã bước đến như em đã từng
Chạy trốn với nhau trên cánh đồng xanh"

Tháng tư - khoảnh khắc lưng chừng giữa cuối xuân và đầu hạ thường tạo ra cảm giác mơ hồ. Cái lạnh chưa đi, nắng hè chưa tới. Bầu trời tháng tư và tháng ba đều xanh trong, ấm áp. Sắc trắng hoa sưa được thay thế bởi những cánh loa kèn, tạo ra sự chuyển tiếp nhẹ nhàng, bình yên. Khi con người vẫn đang say đắm trong tình yêu, tháng tư tạo ra ảo giác rằng mùa xuân dường như mới bắt đầu. Đất trời vẫn đang hân hoan trong thời khắc đẹp nhất. Và "cô gái tháng tư" xuất hiện, như cơn gió mùa xuân mát lành, khiến chàng trai thẫn thờ, ngây ngất.

Image
Hà Anh Tuấn hát "Tháng tư là lời nói dối của em" trong Fragile Concert 2016
"Khúc nhạc thầm lặng giữa chiều muộn màng để mình gần lại mãi
Nói lời thì thầm những điều thật thà đã giữ trong tim mình
Những chặng đường dài ngỡ mình mệt nhoài đã nhiều lần gục ngã
Tháng tư ánh sao phía xa bỗng nhiên dần tàn..."

Tháng tư bắt đầu với ngày nói dối, với sự mơ hồ, mông lung như vậy. Trong khoảnh khắc chơi vơi giữa ranh giới thật - giả, con người vẫn nguyện đặt niềm tin vào tình yêu, vào những điều đẹp đẽ nhất. Lời thì thầm của tháng tư ngọt ngào như đôi môi người thiếu nữ, chẳng có ai kịp bối rối, nghi ngờ. Để rồi khi tháng tư qua đi, "cánh hoa phai tàn", ánh sao mờ dần, chàng trai đau đớn nhận ra sự thật sau những lời nói dối ngọt ngào ấy.

"Những cánh hoa phai tàn thật nhanh
Em có bay xa, em có đi xa mãi?

Tháng tư đôi khi thật mong manh để mình nói ra những câu chân thật
Giá như tôi một lần tin em, cô gái tôi thương, nay hóa theo mây gió
Để lại tháng tư ở đó"

Trong tình yêu, đôi khi người ta dùng những lời nói dối để che giấu sự mong manh, yếu mềm của bản thân. Có những lời nói dối xuất phát từ tình cảm chân thật. Nhưng dù thế nào đi nữa, chúng đều mang đến những nỗi đau. Tình yêu dù lụi tàn nhưng vết thương lòng vẫn còn mãi. Mỗi lần chạm vào, nó khiến trái tim mỗi người dâng lên cảm xúc buốt giá. Thế nhưng nó cũng là động lực để con người hướng đến những điều tốt đẹp hơn trong cuộc sống.
Image
Hà Anh Tuấn và Thanh Hằng trong MV "Tháng tư là lời nói dối của em".
MV Tháng tư là lời nói dối của em tập hợp nhiều cảnh quay lãng mạn, phù hợp với nội dung ca khúc. Trong đó, Thanh Hằng hóa thân thành "cô gái tháng tư" dịu dàng, mong manh. Ra mắt hồi tháng 9/2016, đến nay, Tháng tư là lời nói dối của em đạt hơn 36 triệu lượt xem trên Youtube.

Qua giọng hát của Hà Anh Tuấn, ca khúc gợi lên nhiều cảm xúc: đẹp đẽ, hân hoan ở lúc đầu, da diết, thê lương ở phần giữa và ngập tràn hy vọng ở đoạn kết. Tất cả khiến người nghe thanh thản, bình yên khi thưởng thức bài hát. Vì thế, đây cũng là ca khúc anh thường sử dụng để khép lại các liveshow của mình như một cách gửi gắm thông điệp về việc nuôi dưỡng tình yêu và những điều tốt đẹp trong cuộc sống.

"Và tôi sẽ sống như những gì em từng mong
Và tôi sẽ bước tiếp trên con đường mình đã chọn
Và khi tôi chết sẽ mỉm cười khi gặp em
Khẽ chào cô gái tháng tư của tôi".

Hà Thu

Post Reply