TIN TỨC PHIM ẢNH CA NHẠC

Phim ảnh, âm nhạc đưa người ta vào thế giới ảo mộng quên đi bao nỗi muộn phiền của đời thường... Nơi đây chỉ ghi lại một phần nào đó của cái thế giới muôn mầu sắc và âm thanh đó mà thôi.

Moderator: Nguyễn_Sydney

User avatar
tiendung
Posts: 329
Joined: Wed Dec 01, 2010 10:09 pm

Re: TIN TỨC PHIM ẢNH CA NHẠC

Post by tiendung »

Harrison Ford, một tượng đài đáng nể
P. Nguyễn Dũng

Từ 1962 đến 2021, gã điệp viên James Bond 007 đã lên màn ảnh lớn trong 25 phim của nhà Eon Productions và đạt doanh thu phòng vé toàn cầu trên $19.2 tỷ (theo Box Office Mojo, đã điều chỉnh thời giá 2022). Ai cũng thích gã điệp viên của tình báo Anh này.

Thế nhưng còn có một người hùng phiêu lưu mạo hiểm được ưa thích hơn là giáo sư khảo cổ học Indiana Jones. Chỉ với bốn phim trình chiếu từ 1981 đến 2008, Indiana Jones đã thu về gần $2 tỉ. Và trong khi có bảy tài tử thay nhau vào vai Bond 007 thì vai Indiana Jones chỉ có mình Harrison Ford. Nay Indiana Jones trở lại với cuộc phiêu lưu thứ 5: The Dial of Destiny.
Image
Harrison Ford và Phoebe Waller-Bridge trong buổi ra mắt “Indiana Jones And The Dial Of Destiny” tại Cineworld Leicester Square, London, Anh, ngày 26 Tháng Sáu 2023
(ảnh: Karwai Tang/WireImage)

AI KHAI SINH INDIANA JONES?


Tháng Năm 1977, đạo diễn kiêm nhà sản xuất tài danh George Lucas đang ở trên đảo Maui tìm chút bình yên sau thành công vang dội toàn thế giới của phim Star Wars. Người bạn thân và đồng nghiệp của ông, đạo diễn tài danh Steven Spielberg, cũng đang nghỉ dưỡng tại đó sau khi đóng máy phim Close Encounters of the Third Kind. Spielberg nói với Lucas rằng ông muốn làm phim về James Bond, nhưng Lucas nói ông có ý dựng lên một “người hùng hay hơn hẳn James Bond”. Hôm ấy Lucas kể với Spielberg về dự án Raiders of the Lost Ark với người hùng là Tiến sĩ khảo cổ học Henry Walton “Indiana” Jones, Jr. mà ông dựng lên để tưởng nhớ những người hùng hành động của các bộ phim nhiều tập thời những năm 1930.

Spielberg tỏ ra hứng thú, gọi nó là “một phim James Bond mà không cần đến hàng cứng” (ám chỉ những thứ vũ khí, đồ chơi sát thủ của 007) và đề nghị đổi tên nhân vật chính từ Indiana Smith thành Indiana Jones. Rồi hai người bạn đi đến ký kết hợp đồng sẽ cùng Paramount Pictures thực hiện năm phim Indiana Jones. Giao vai cho ai đảm nhận: Harrison Ford, người đang rất nổi với vai nhân vật Han Solo trong Star Wars!
Image
Harrison Ford và Phoebe Waller-Bridge trên phim trường “Indiana Jones – The Dial of Destiny”, tại Castellammare del Golfo, Ý, Tháng Mười 2021 (ảnh: Robino Salvatore/GC Images)

HỌC SINH TỒI, DIỄN VIÊN DỞ!

“Tôi đã đóng rất nhiều phim, hay có, dở cũng có, phim đáng quên không thiếu nhưng Indy là vai ưng ý nhất của tôi. Bất cứ khi nào, đi bất cứ nơi đâu, tôi cũng đi cùng Indy, tôi đã trưởng thành và cũng đã già đi cùng với Indy”, Harrison Ford tâm sự với tờ Empire. “Và thật là vui khi biết Indiana Jones and the Dial of Destiny sắp ra mắt khán giả khắp nơi. Phim này hoàn tất thời gian dài 42 năm của Indy. Nó cũng là dấu chấm hết cho sự nghiệp diễn viên của tôi”.

Là con của một quản trị viên ngành quảng cáo, mẹ làm nội trợ trong căn nhà ở khu ngoại ô Des Plaines, Chicago, Harrison Ford chào đời ngày 13 Tháng Bảy 1942. Sau khi học xong lớp 12 năm 1960, Ford theo học triết và Anh văn tại Đại học Ripon College, bang Wisconsin. Tại đây, hy vọng dễ dàng có điểm tốt, anh đăng ký học khóa kịch nghệ và bất ngờ khám phá mình thích diễn xuất. “Tôi nhút nhát sợ hãi khi phải đứng trước đám đông nhưng lại rất thích phần được là người kể chuyện,” Harrison Ford sau này kể lại cho tuần báo People. Tuy nhiên anh không phải là một học sinh xuất sắc nên sớm rời bỏ nhà trường trước khi lấy được mảnh bằng.

Cùng với cô gái sau này là vợ Mary Marquardt (từ 1964 đến 1979), anh ta về miền Tây, chọn Hollywood là nơi hành nghề, làm diễn viên hợp đồng cho hãng Columbia Pictures, thù lao $150/tuần, sau đó chuyển sang làm với hãng Universal. Năm 1966, anh diễn vai đầu tiên trong Dead Heat on a Merry-Go-Round nhưng chẳng có được lời ca khen nào. “Ông sẽ chẳng làm nên cơm cháo gì với nghề diễn đâu, một giám đốc hãng phim bảo tôi thế,” Harrison kể với tờ The Hollywood Reporter.

Quá thất vọng, Ford làm thêm nghề thợ mộc đóng bàn tủ ghế để có tiền sinh sống. May sao vào năm 1973, đạo diễn George Lucas thấy anh làm việc chăm chỉ nên giao cho vai chính trong phim bi American Graffiti. Nhưng một lần nữa chẳng ăn thua gì. Anh lại tiếp tục vừa diễn khi có vai nhỏ vừa làm đồ mộc cho đạo diễn Francis Ford Coppola. Đó là các phim The Conversation (1974) và Apocalypse Now (1979).


NHỜ “CHIẾN TRANH CÁC VÌ SAO”

Năm định mệnh 1977 đến khi Harrison Ford tỏa sáng với vai Han Solo trong phim Star Wars cũng của Coppola. Nhân vật lì mà dễ mến trong phim khoa học giả tưởng hoàn toàn mới lạ đã giúp họ tên của anh được đám đông khán giả biết đến và sau đó là giới làm phim kinh phí lớn tại Hollywood. Hai phim tiếp theo The Empire Strikes Back (1980) và Return of the Jedi (1983) biến anh thành một vì sao sáng chói.
Image
Trong ‘Patriot Games’, 1992 (Paramount/Getty Images)

Image
Trong ‘Indiana Jones And The Temple Of Doom’, 1984 (Paramount/Getty Images)

Image
Trong ‘Indiana Jones and the Last Crusade’, 1989 (ảnh: Murray Close/Getty Images)

Image
Trong ‘Indiana Jones and the Last Crusade’, 1989 (ảnh: Murray Close/Getty Images)

Trước đó, vào năm 1981, Harrison Ford đã xuất hiện trong Indiana Jones – Raiders of the Lost Ark với đạo diễn tài ba Steven Spielberg, theo kịch bản soạn bởi George Lucas. Phim ăn khách nên phát sinh thêm Indiana Jones and the Temple of Doom (1984) và Indiana Jones and the Last Crusade (1989). Giữa hai phim này, Harrison Ford còn củng cố ngôi vị ngôi sao điện ảnh của mình với phim khoa học giả tưởng kỳ bí Blade Runner (1982) của đạo diễn người Anh Ridley Scott.

Suốt một thời gian dài sau đó, khán giả được xem Harrison Ford trổ tài diễn trong rất nhiều phim thuộc đủ mọi thể loại, từ hình sự (Witness, năm 1985, đóng với Kelly McGillis) qua tình cảm hài (Working girl, năm 1988 với Sigourney Weaver và Melanie Griffith) đến điệp báo hành động Patriot Games năm 1992; Clear and Present Danger năm 1994 và Air Force One năm 1997.

Vào giữa thập niên 1990, Harrison Ford là một trong số ít nam diễn viên được trả thù lao $20 triệu/phim cộng thêm 15% của doanh thu phòng vé! Tuy nhiên anh cũng đã nếm mùi thất bại trong vài phim, chẳng hạn như phim tình cảm bi-hài Sabrina (đóng với Julia Ormand); Presumed Innocent (1990), Regarding Henry (1991, với Annette Bening) và phim kinh dị What Lies Beneath (2000, với Michelle Pfeiffer).

Qua thế kỷ 21, hào quang giảm dần, Harrison Ford không gây chú ý nhiều với phim hình sự Hollywood Homicide (năm 2002, với Josh Hartnett); phim tàu ngầm Liên Xô K-19: The Widowmaker (năm 2002, với Liam Neeson) và phim trinh thám Firewall (năm 2006). Và anh chỉ sáng danh trở lại năm 2008 khi tái nhập Indy trong phim thứ tư về người hùng khảo cổ học Indiana Jones and the Kingdom of Crystal Skull (doanh thu toàn cầu trên $786 triệu).

Tuổi già đã đến nhưng anh chưa muốn hưu nên có thêm phim hành động Cowboys & Aliens (năm 2010, với Daniel Craig) rồi phim hài Morning Glory (cũng 2010, với Rachel McAdams và Diane Keaton). Năm 2013, Ford có ba phim nhưng ít người xem là 42; Ender’s Game và Paranoia. Phải đợi đến cuối năm 2015 thì anh mới lại tỏa sáng, nhờ tái hợp với các bạn diễn cũ Carrie Fisher và Mark Hamill khi trở lại trong Star Wars: The Force Awakens của đạo diễn J.J. Abrams. Phim đạt doanh thu trên $247 triệu trong ba ngày cuối tuần khởi chiếu ở Mỹ!
Image
Với loạt phim Star Wars, tên tuổi Harrison Ford bắt đầu vang danh toàn cầu từ thập niên 1980 (ảnh: Rodin Eckenroth/WireImage)

Image
Harrison Ford tại LHP Cannes lần thứ 76 (Tháng Năm 2023) với Cành cọ vàng Danh dự (ảnh: Kristy Sparow/Getty Images)

Hai năm trôi qua, Ford lại làm nức lòng người hâm mộ chờ đợi suốt hơn ba thập niên khi diễn trong Blade Runner 2049, với Ryan Gosling. Gần đây hơn thì đảm nhận vai người hùng đơn độc trong The Call of the Wild (năm 2020), chuyển thể từ tác phẩm nổi tiếng của Jack London. Và cuối cùng là Indiana Jones and the Dial of Destiny, thu hình ở nhiều nước châu Âu và đóng máy vào Tháng Hai 2022.

Liệu Indy còn lực hấp dẫn mạnh nữa không? Có điều chắc chắn là trong tự điển cá nhân của Harrison Ford không có từ nghỉ hưu dù cho vào ngày 13 Tháng Bảy 2023 tới đây ông sẽ bước qua tuổi 81. Vì khi triệu triệu khán giả kéo nhau đến rạp xem Indiana Jones and the Dial of Destiny thì ông đang bận rộn thu hình cho phim Captain America – Brave New World, thủ vai Tổng thống Mỹ Thaddeus E. “Thunderbolt” Ross. Ông chưa muốn ngồi ghế rung đùi mỗi chiều tà ở hàng hiên nhà. Hồi năm 2019, khi mừng sinh nhật thứ 76, ông còn thử chơi môn thể thao thót tim “nhẩy dù nhào lộn” với đứa con trai Liam 18 tuổi!

User avatar
bichphuong
Posts: 574
Joined: Mon Apr 25, 2016 12:10 am
Been thanked: 1 time

Re: TIN TỨC PHIM ẢNH CA NHẠC

Post by bichphuong »

Trần Quốc Bảo – Để tin nhau giữa cuộc đời
Tuấn Khanh
26 tháng 10, 2023

Image
Trần Quốc Bảo trong chuyến lưu diễn Úc


Tháng Tám 2023, bà Minh, vợ của nhạc sĩ Nguyễn Trung Vinh nhắn với tôi rằng tình hình tài chính gia đình bà ngày càng khó khăn và thu nhập từ việc bán vé số gần như không thể lo nổi thuốc men cho ông chồng đau yếu – nhạc sĩ Nguyễn Trung Vinh, tay trống của ban nhạc Phượng Hoàng ngày nào.

Nổi trôi dòng đời

“Con coi có ai giúp được chút nào để cô góp mua cái xe lăn, chứ chân cẳng giờ đau nhức khó đi quá”, bà Minh nhắn với sự ngại ngùng. Tình hình kinh tế ở Việt Nam đang trở nên khó khăn, trong khi vợ chồng bà cũng được giúp vài lần từ đầu năm đến nay rồi nên giờ bà rất ngại. Các nhóm yểm trợ nghệ sĩ trước năm 1975 thay nhau quyên góp, gửi đi lời kêu gọi, nhưng cũng lo vì lúc này không chỉ có vợ chồng ông Nguyễn Trung Vinh mà nhiều nhạc sĩ khác đang đau yếu cũng kêu gọi giúp đỡ.


Vậy mà cuối Tháng Mười, bà Minh gửi một bức ảnh chụp hai vợ chồng đứng cạnh chiếc xe lăn điện, vui mừng cho biết một người từ hải ngoại gửi tiền về giúp bà mua chiếc xe lăn điện để có thể di chuyển mưu sinh. Người đó chưa bao giờ gặp vợ chồng bà và cũng chưa bao giờ trò chuyện trên điện thoại với bà. Đó là nghệ sĩ, MC, nhà báo Trần Quốc Bảo.

Ở Mỹ, cộng đồng người Việt đều nghe quen cái tên Trần Quốc Bảo, nhưng thật khó nhớ công việc chính của anh. Kể từ năm 1980 khi đặt chân đến Mỹ, trải qua một chuyến chìm tàu, Trần Quốc Bảo làm đủ mọi nghề trong khả năng của mình, từ sáng tác, ca sĩ, tổ chức biểu diễn, làm báo, đến tổ chức kết nối cộng đồng văn nghệ người Việt. Chuyện duy nhất anh không làm, mặc dù có nhiều người hỏi, là nối nghiệp người cha – chiêm tinh gia Huỳnh Liên lừng danh trước năm 1975.

Cuộc đời đi tìm tự do của anh Trần Quốc Bảo trải qua 12 lần ra biển. Anh kể, đến chuyến đi thứ 13, chiếc ghe chở trên 60 người bị sóng đánh tan từng mảnh, nhưng may mắn là anh sống sót. Ký ức thanh xuân của Trần Quốc Bảo đầy ám ảnh với những hồi ức thảm khốc, với cảnh phụ nữ trẻ con chìm trong biển cả trước mắt mình. Có lẽ vì vậy, Trần Quốc Bảo cố gắng làm mọi thứ để yêu thương, chia sẻ với mọi người, đặc biệt với giới nghệ sĩ.

Trần Quốc Bảo kể rằng thời gian đó, các nước Đông Nam Á đã bắt đầu mệt mỏi với làn sóng người tỵ nạn. Trong lần vượt biên cuối của anh, thuyền của anh gặp nhiều thương thuyền của các quốc gia khác nhau nhưng không tàu nào dám ngừng lại tiếp nhận thuyền nhân tị nạn, vì sợ phải mang trách nhiệm. Cuối cùng, một chiếc tàu buôn Thái Lan dừng lại, tiếp tế thực phẩm, nước uống cho chiếc thuyền của Trần Quốc Bảo đang rệu rã chìm. Trần Quốc Bảo liều nhảy sang tàu Thái và may mắn được giữ lại. Trong khi đó, những người trên thuyền chìm dần giữa đại dương.
Image
Nhạc sĩ Trần Quốc Bảo với cuộc đời làm báo và MC

Góp mặt trong thế giới văn nghệ hải ngoại

“Sau khi đến Mỹ, tôi cho là mình đã tái sinh với một cuộc đời mới. Tôi tự viết lại ngày sinh, và ghi nhớ một linh hồn của mình đã chết trên biển. Tôi gọi đó là Trầm Từ Đông – tức là một người đã chết trên biển Đông – khi viết những bài hát về người vượt biển”, anh Trần Quốc Bảo kể. Tập Hát Trên Đường Lưu Vong của anh với 15 ca khúc ra mắt năm 1981 được ký với cái tên này.

Bước chân đầu tiên vào thế giới văn nghệ của người Việt hải ngoại, Trần Quốc Bảo đã xuất hiện như một nhạc sĩ kiêm ca sĩ. Viết về buổi ra mắt chương trình âm nhạc đầu tiên của Trần Quốc Bảo, nhà thơ Du Tử Lê trân trọng ghi lại cảm nhận của ông về một người nghệ sĩ trẻ, và rất mới này, như sau:


“Người trẻ tuổi sống sót, lại hát cùng tiếng đàn guitar bập bùng qua mấy ngón tay anh khô ải: ‘Còn mảnh đất nào cho ta dung thân? Còn hạnh phúc nào cho đời tỵ nạn? Còn biển xanh nào chôn thân lưu đầy. Còn Mặt trời nào soi sáng thế gian đây…/ Thân chim trời còn cành còn tổ. Nhưng ta là người sao không chỗ dung thân…

Càng hát, giọng người trẻ tuổi càng trở nên phẫn nộ. Càng hát, giọng người trẻ tuổi càng trở nên xa vắng. Như những con sóng cấp năm, cấp sáu đập tan những mảnh thuyền, chẻ vỡ những khoang tàu, rút đi những thân người, dập tắt những tiếng kêu giữa Biển Đông – giữa đời sống – thực sự – là Việt Nam hôm nay”.

Trong giai đoạn sinh hoạt tuổi trẻ của người Việt tỵ nạn ở Mỹ vào thập niên 1980, không chỉ làm báo với tờ Tuổi Ngọc, Trần Quốc Bảo còn thực hiện những cuộc lưu diễn với Việt Dzũng, Khúc Lan, Khúc Minh, bác sĩ Đinh Xuân Anh Tuấn… Anh cũng xuất hiện vai trò dẫn chương trình và tổ chức các sự kiện âm nhạc hết sức độc đáo. Thúy Nga Paris từng mời anh làm người dẫn chương trình, trước khi làm việc độc quyền với nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn.

Nhà văn Hồ Văn Xuân Nhi kể lại rằng, vào giai đoạn thuyền nhân vượt biển chông chênh chờ đợi những quyết định ân huệ của Hoa Kỳ và các quốc gia thứ ba, cộng đồng người Việt ở Mỹ đã tổ chức nhiều chương trình vận động cho chính sách định cư, đón người Việt đang kẹt ở các trại tỵ nạn.

Trần Quốc Bảo là người đầu tiên tổ chức một đại nhạc hội quy mô cả chục nghệ sĩ tên tuổi, quy tụ đến hàng ngàn khán giả, trong chương trình có tên Giọt Nước Mắt Cho Tuổi Thơ Việt Nam tại Anaheim để gây quỹ giúp trẻ mồ côi ở các trại tỵ nạn khu vực Đông Nam Á. Nhà văn Hồ Văn Xuân Nhi nói lúc đó ông mới thật sự hiểu hết con người Trần Quốc Bảo, thấy được trái tim của một Trần Quốc Bảo luôn khắc khoải cho thuyền nhân, cho tuổi thơ Việt Nam, và cho cả một Việt Nam bên ngoài Việt Nam.

Một trái tim nhân ái

Ngồi với Trần Quốc Bảo, khi nhắc lại chuyện vô số lần anh chạy xin mỗi người một ít, dốc túi bù cho đủ số để gửi về cho các nhạc sĩ, nghệ sĩ nghèo và đau yếu ở Việt Nam, anh chỉ cười. “Tại mình thấy phải làm vậy, không làm thì cứ nhớ về nó hoài, vậy thôi”, Trần Quốc Bảo nói. Thời gian phủ bóng lên đời người với những mệt mỏi, những đường chân chim rõ hơn trên gương mặt, nhưng trái tim Trần Quốc Bảo lúc nào cũng là một Trầm Từ Đông ngày mới đến, nguyện trong kiếp sống của mình đem niềm vui và sự chia sẻ đến mọi nơi, đến tận cuối đường.

Mới đây, lần thăm nhạc sĩ Hà Phương ở Mỹ Tho đang bệnh nặng, ông nhắc về Trần Quốc Bảo. “Thiệt tình, nghệ sĩ, nhạc sĩ cũ ở Việt Nam biết ơn Bảo lắm”. Những lần đi viện gần đây, ông nhận được tiền gửi về giúp thuốc men. Có cả những ca sĩ khác cũng gửi về, nói là “nghe anh Bảo kể”. Lê Hựu Hà lúc sinh thời cũng nhắc về Trần Quốc Bảo với sự thích thú và trân trọng. “Bảo hay lắm em, nó thương tất cả mọi người” – nhạc sĩ Lê Hựu Hà nói với tôi.

Trong một chương trình văn nghệ nối kết mang tính lịch sử của văn nghệ sĩ hải ngoại với trong nước năm 1996, sau khi Việt Nam thông thương với Mỹ, Trần Quốc Bảo là người được chọn cầm $20,000 thu được từ chương trình Chút Tình Trao Nhau do ca sĩ Thanh Thúy tổ chức (Tháng Hai 1996) để đem về Việt Nam, chia sớt tấm lòng của những nghệ sĩ hải ngoại với 75 nghệ sĩ thuộc thế hệ trước 1975. Đó là chuyến đi đại diện cho tình đồng bào, tình nghệ sĩ, tình thương với một thế hệ tài danh còn kẹt lại, đang sống lặng lẽ ở Việt Nam, đau yếu và khó khăn.

Vì yêu thương, Trần Quốc Bảo không biết giận ai, không nói điều buồn lòng với ai. Vì nguyện nối kết mọi văn nghệ sĩ ở cuộc sống này, nên với mọi người, anh là bạn, là người để mọi người tìm đến. Trần Quốc Bảo chân thành với mọi người, làm mọi chuyện để an ủi những nghệ sĩ không còn đất đứng trong nghề, chìa bàn tay với những người nghĩ rằng mình đã bị quên lãng.
Image
Cùng các nghệ sĩ trong một chương trình Thúy Nga Paris với vai trò MC

Để tin nhau giữa cuộc đời

Hỏi về mục đích chuyện làm báo Thế Giới Nghệ Sỹ, giữa thời đại báo giấy khó khăn, anh nói, “để nối kết mọi người, để giữ tin nhau giữa cuộc đời”. Nếu biết có những lúc anh dốc hết túi để lo cho ai đó, hay để in tròn số báo, mới biết đời của Trần Quốc Bảo như sống tạm để làm điều thích, làm không toan tính, làm với nụ cười nhẹ nhàng.

Gần như mọi tin tức, chi tiết, lịch sử ngọn nguồn của sinh hoạt âm nhạc người Việt hải ngoại, Trần Quốc Bảo giữ trọn trong văn khố nhà mình, giữ trong trí nhớ và tình thương. Anh lưu giữ nhiều chi tiết và nhiều điều đến nỗi khi nghe anh kể, phải ngẩn người. Nhưng Trần Quốc Bảo nhớ, biết, ghi lại và chia sẻ với mọi người không bằng câu chữ đơn thuần của nhà báo, mà bằng sự yêu thương và ân cần đặc biệt. Những điều đó đã tạo nên một nhà báo – nghệ sĩ Trần Quốc Bảo có một không hai trong lịch sử của văn nghệ Người Việt tự do tại Little Saigon.

Nhà văn Hồ Văn Xuân Nhi, người bạn thân của Trần Quốc Bảo, nhận xét rằng “có thể Bảo không để lại điều gì lớn lao, nhưng mà tình nghĩa sống với nhau cùng những bạn bè nghệ sĩ, thì quả là điểm son còn lưu mãi trong sự nghiệp và cuộc đời Trần Quốc Bảo”. Quả thật, đời văn nghệ, và tình văn nghệ của người Việt – không chỉ ở Little Saigon – nếu không có một Trần Quốc Bảo, thì thật thiếu vắng tình anh em, tình đồng bào, và thiếu cả một trái tim ân cần kết nối lại tất cả với nhau trong cuộc đời mà sự xa nhau bao giờ cũng dễ hơn sự gần gũi bên nhau và chia sẻ lúc cần nhau.

nhuvan
Posts: 342
Joined: Sun Mar 27, 2016 8:29 pm

Re: TIN TỨC PHIM ẢNH CA NHẠC

Post by nhuvan »

Mưa Hà Nội...

Lê Chiều Giang
Tùy bút

Image
Nhà văn Nguyễn Đình Toàn [1936-2023].
...Mổ trái tim.
Xem:
Không gì trong đó
Mở đôi bàn tay
Những thứ chẳng còn…

[LCG]


Mưa rơi trong màn hình laptop, tôi thèm nghe tiếng mưa. Đêm nay. Mưa Cali hiếm hoi, cứ như chẳng bao giờ muốn có.

Nhưng dù đã cố gắng cách mấy, tôi vẫn không thể nhận ra cái rì rào ướt át, chút rét mướt của gió đêm qua những giọt “mưa giả”, “mưa máy móc”, “mưa trong computer”. Tôi mong, tôi ước ao tìm cho ra cái sướt mướt của anh Nguyễn Đình Toàn, nỗi nhung nhớ về những đêm mưa Hà Nội, dù là đêm mưa nho nhỏ, mưa bão bùng, hay mưa dầm suốt hết cả đêm thâu…
Có ai tìm ra “mưa” của những năm xưa Hà Nội trong một Saigon vừa bước đến, một Saigon còn lạ xa? Saigon không ấp ủ những cơn mưa mơ màng tuổi mới lớn, khi Anh Toàn bỏ Hà Nội ra đi. Mưa Saigon sầm sập, chấp chới trong ánh sáng kinh đô. Mưa ào ào, mưa bạt mạng như tiếng reo vui giữa lòng thành phố với trăm ngàn ánh đèn rực rỡ, yêu kiều.
Mưa Saigon chỉ đủ cho Nguyễn Đình Toàn, Thanh Tâm Tuyền, Cung Tiến, Mai Thảo xót xa, tiếc nhớ thêm về những dấu yêu xưa, những kỷ niệm cũ thời sống với Hà Nội…
Nhưng Saigon là của tôi, nơi sanh ra, ngày mới lớn.
Saigon những chiều thứ năm. Thoáng trong gió xa xăm có tiếng nói của Nguyễn Đình Toàn dặt dìu, ấm áp như thơ. Âm vang nhẹ rơi trong chút mơ màng của nắng chiều sắp tắt. Saigon thứ năm, bàng bạc văn chương Nguyễn Đình Toàn với “Nhạc Chủ Đề”. Nhạc như hương thơm rải trong lòng thanh thoát. Chúng tôi, những cô học trò nhỏ, đã thả hồn mơ theo mưa chiều, nắng sớm. Mắt nồng nàn đếm những chiếc lá vàng lao xao rơi rụng trước sân trường. Saigon mưa vui, nắng hắt. Saigon líu lo.
Saigon. Chết.
Năm 1978, Khánh Vân, cô bạn rất đẹp của tôi ra Thanh Đa ngồi than thở. Chúng tôi nói về những lửa than của đời sống khó khăn, bên những bàng hoàng không tưởng, những biến động bất ngờ nhất của quê hương… Có thêm chị Nguyễn Thị Thụy Vũ và anh Nguyễn Đình Toàn. Bữa cơm chiều với tô canh đổ thêm nhiều nước lã, đã vui hơn. Khánh Vân như góp thêm chút cười nói, chút rộn rã, xôn xao…
Cafe Thanh Đa, chúng tôi không thể bỏ sót dù trời đang mưa. Chị Vũ, Khánh Vân và tôi đội nón lá. Anh Toàn và Nghiêu Đề đi với đầu tóc ướt và luôn cả áo ướt. Những ánh chớp sáng, với ầm ì sấm vang vọng, cũng không làm chúng tôi sợ hãi. Chị Thuỵ Vũ luôn bước những bước dài vội vã, làm anh Toàn phải réo theo: “Có phải Thuỵ Vũ sợ Tô Thùy Yên đang rượt sau lưng, đuổi bắt lại!” Chúng tôi cười đùa cùng với tiếng mưa rơi và sấm trời vang động.
Khánh Vân có chút ước ao lạ lùng, xin được ngồi giữa trời với Cafe ướt át. Khánh Vân muốn hai đứa tôi tìm lại chút… tuổi thơ. Thuở bé bỏng có những nỗi buồn mông lung, khờ dại. Chúng tôi cứ buồn ngang xương, buồn một cách khơi khơi tưởng như sắp chết... Những mơ màng vẩn vơ, cũng có khi chỉ vì đã có một chiều thứ năm nào đó, lỡ nghe qua Đài phát thanh, có lời “xúi dại" của Nguyễn Đình Toàn. Lời thiết tha bay theo mưa gió và nắng ấm của Sàigòn “Hỡi em yêu dấu!"
Mọi người xếp bàn ghế ngồi hết ngoài trời, dù mưa làm run lạnh. Chị Vũ mượn guitar, nhưng chủ quán không bằng lòng vì sợ mưa làm hỏng đàn. Tôi hát với mưa, tiếng mất tiếng còn bên gió lộng. Vân còn bầy đặt đốt điếu thuốc xin từ anh Nghiêu Đề. Thuốc không cháy, tôi hít hà mùi khét khét, nồng nồng khói của diêm.

Nếu một mai
Không còn ai đứng bên kia đời
Trông voi vói…
[Phạm Duy]

Nỗi buồn suýt chút nữa đã rớt xuống trầm sâu, uẩn ức, nếu không có tiếng thở dài vội vã của anh Toàn: “Trời ơi, thôi đi chứ, mưa ướt và lạnh đến điên người. Hai bạn mà cứ đi tìm ‘tuổi thơ’ cái kiểu này, thì đúng là hai bạn đã giết chết, đã làm mất cha nó cái ‘tuổi già’”.
Nhưng tiếng hát vẫn nỉ non, vẫn ngậm ngùi cùng đêm tối.

Có hay chăng là
Mưa rơi vì chúng ta
Mưa rơi. Và còn rơi
Mưa rơi bạc đầu ai…

Mưa Hà Nội âm u, mưa Saigon bạc bẽo không màu, trắng xoá. Cuối cùng tôi đành thoát khỏi quê hương, tìm tới San Diego, nơi có chút màu lam chiều thanh tịnh. Nhưng chỉ sau 14 năm, Anh Nghiêu Đề bỏ hết mọi vui buồn, bỏ luôn cả đời, ra đi. Và rồi tôi cũng rời San Diego theo một nhân duyên mới. Tôi bỏ đi rất xa, tôi đi xa lắm.
Anh Nguyễn Đình Toàn nhắn tôi về CA trước khi quá muộn. Từ nơi xa xôi, biết về thăm rất khó, tôi hứa đại 6 tháng nữa. Anh rên rỉ: “Cái hẹn 6 tháng mới về lại CA, đã là cái hẹn lãng mạn nhất, với đầy đủ sự trễ tràng còn cộng thêm luôn cả lời thất hứa”.
Nhưng có gì đâu, 5 năm rồi. Và tôi đã nhiều lần ghé thăm Anh.
California khi trở lại, tôi đã chẳng “Lạc lối tìm”. Vẫn những bảng đường quen xưa, ngõ cũ, nơi có Chị Thu Hồng và Anh ấm áp đợi chờ mỗi lần tôi hẹn ghé thăm. Vẫn căn nhà xưa, với những hoa cúc rực rỡ vàng trong sân nắng. Anh và tôi vẫn cười vang sau những lần Anh buông lời đanh đá, có khi còn nhuốm thêm chút khắc nghiệt với đời. Anh nói xéo, nói thẳng, ghét khơi khơi… Anh bất mãn kinh niên với hết cả loài người và tất cả mọi điều trên thế giới. Mắng mỏ đời mà vô cùng sâu sắc, mỉa mai hết cả và thiên hạ nhưng lại vô cùng dí dỏm, có duyên. Những câu chuyện chỉ có Nghiêu Đề, Duy Trác, Nguyễn Đình Toàn, Thuỵ Vũ mới thấm thía, mới cay đắng đủ để cùng nhau cười tung cười toé, cười thú vị trong suốt hết cả những năm dài.
Tôi viết như phục sinh lại chút hình bóng của người đã ra đi, những Nghiêu Đề, Trần Quang Lộc, Nguyễn Đức Sơn, Trần Tuấn Kiệt, Bùi Giáng, Văn Cao, Trương Đình Quế, Ngọc Dũng, Đinh Cường. Viết cả cho những người còn đang thở. Dù thở dốc, thở hơi dài, có khi chỉ còn thở vài hơi rất ngắn: Ngô Thế Vinh, Nguyễn Thị Thuỵ Vũ, Khánh Trường, Duy Trác, Phạm Thiên Thư. Saigon của tôi, mờ mờ những kỷ niệm đang dần xa, đang vật vờ chìm khuất. Nhưng Saigon vẫn giữ lại hết những chập chờn, những lung linh sáng của rất nhiều gương mặt bàng bạc như cổ tích, những năm xưa.
Duy nhất Anh Nguyễn Đình Toàn, tôi viết gửi Anh trong phút cuối của đời. Khi mà không ai còn đoán ra, không ai còn kịp thấy, đâu là ranh giới của một chấm hết nghiệt ngã và tối tăm: Phút Lâm Chung. Phút lãng đãng, phút mập mờ giữa ra đi và ở lại.
Cali không mưa nhiều như tôi hằng mong đợi. Nhưng đêm nay San Diego mưa, mưa nỉ non, mưa thầm thì, mưa to nhỏ. Mưa mang theo những não nùng, những giá lạnh của khói hương xưa.
Tôi đang tìm lại giùm Anh những ướt át hắt hiu, chút âm u buồn, lặng câm và ảm đạm. Giữ lại hết cả những lo âu, những sợ hãi đầy hoài nghi về nỗi chết. Tôi buông lời réo gọi những cơn mưa trút nước, mưa như điên, mưa bạt mạng của Saigon.
Nhưng tôi giữ lại giùm Anh chút mưa gió lê thê, mang mang cái giá rét âm u đầy thơ mộng của những đêm mưa phùn ngày xa xưa. Hà Nội.

Mong cho người tìm về nơi sẽ đến
Ta chia tay ta chia lời vĩnh biệt…
[Nhạc NĐT]


Lê Chiều Giang

User avatar
khieulong
Posts: 6756
Joined: Wed Dec 01, 2004 9:09 pm
Been thanked: 1 time

Re: TIN TỨC PHIM ẢNH CA NHẠC

Post by khieulong »

Tưởng nhớ nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn
December 3, 2023

Nửa đêm về sáng Thứ Tư, 29 Tháng Mười Một, tin từ chị Nguyễn Đình Phượng Uyển, con gái của nhà văn, nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn, cho hay: “Ông đã đi rất thanh thản.” Vậy là, sau 87 năm “bước lạc sa xuống trần,” ông đã trở về với “Quê Hương Thu Nhỏ” của ông lúc 7 giờ 15 phút tối Thứ Ba, 28 Tháng Mười Một, tại bệnh viện Fountain Valley, California, hưởng thọ 87 tuổi.
Image
Cố nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn. (Hình: Facebook Dân Huỳnh)
Nhà văn, nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn là tác giả của nhiều bản tình ca về quê hương, thân phận đã đi vào lòng người gần nửa thế kỷ. Một trong những ca khúc nổi tiếng của ông là “Sài Gòn Niềm Nhớ Không Tên” – một bài hát kinh điển về tình yêu của người nghệ sĩ dành cho một Sài Gòn đã mất.

Nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn từng một thời phụ trách chương trình Nhạc Chủ Đề trên đài phát thanh Sài Gòn trước năm 1975. Chính giọng nói trầm ấm, lịch lãm Hà Nội của ông, mà cố nhà thơ Du Tử Lê thưở sinh thời từng gọi ông là “người tình không chân dung” của hàng triệu thính giả miền Nam Việt Nam.
Image
Nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn và bạn hữu. Từ trái: Nguyễn Đình Toàn, Nguyễn Trọng Khôi, Nguyễn Đình Thuần (đứng), Trần Quang Lộc, Lê Quang Hào.(Hình: Facebook hoạ sĩ Nguyễn Trọng Khôi)

Ngay khi có tin ông ra người thiên cổ, nhiều bằng hữu của ông, khán giả mộ điệu trong và ngoài nước bày tỏ lòng thương tiếc dành cho nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn. Mọi người chia sẻ bằng những đoản văn tự sự, những hình ảnh kỷ niệm, và nhiều nhất là cùng nhau nhắc lại những ca khúc của ông đã đi thật sâu vào trái tim của khán giả.

Nhạc sĩ Vũ Thành An viết trên trang Facebook cá nhân:

“Vô cùng thương tiếc nhà thơ, nhà văn, nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn.

Em mãi mãi biết ơn anh Toàn đã dắt em vào sinh hoạt văn học nghệ thuật khi em còn quá trẻ 21 tuổi. Nếu không có anh em không biết đã ra sao.

Khi soạn xong bản đầu tiên chính anh đã đặt tên là “Tình Khúc Thứ Nhất,” và cũng chính anh khuyên không nên lấy tên hiệu, hãy lấy tên thực: Vũ Thành An.

Em biết ơn anh vì đã cho em một cậu học sinh mới học xong trung học được đứng chung tên với anh một danh tiếng đã lẫy lừng trong sinh hoạt văn học nghệ thuật dạo đó sau 1963.

Chính anh là linh hồn của Nhạc Chủ Đề khi chương trình bắt đầu năm 1965 nhưng anh lại cho em được đứng tên Trưởng Ban và mọi người đã tưởng em đứng tuổi lắm.

Chúc anh về miền mien viễn với tất cả tấm lòng thương yêu kính trọng anh.”
Image
Hình trong buổi ra mắt sách “Nguyễn Đình Toàn – Thơ và Ca Từ” (Hình: Facebook Nguyễn Đình Phượng Uyển)

Nhà văn Lê Chiều Giang tạm biệt ông đã “về với nơi đã đến.” Bà nhắc lại kỷ niệm cũ trên trang cá nhân bằng những lời da diết:

“…California khi trở lại, tôi đã chẳng “Lạc lối tìm.” Vẫn những bảng đường quen xưa, ngõ cũ, nơi có chị Thu Hồng và anh ấm áp đợi chờ mỗi lần tôi hẹn ghé thăm.

Vẫn căn nhà xưa, với những hoa cúc rực rỡ vàng trong sân nắng.

Anh và tôi luôn cười vang sau những lần anh buông lời đanh đá, có khi còn nhuốm thêm chút khắc nghiệt, chút chì chiết với đời. Anh nói xéo, nói thẳng, ghét khơi khơi… Anh bất mãn kinh niên với hết cả loài người và tất cả mọi điều trên thế giới. Mắng mỏ đời mà vô cùng sâu sắc, mỉa mai hết cả và thiên hạ nhưng lại vô cùng dí dỏm, có duyên…

Những câu chuyện chỉ có Nghiêu Đề, Duy Trác, Nguyễn Đình Toàn, Thuỵ Vũ mới thấm thía, mới cay đắng đủ để cùng nhau cười tung cười toé, cười thú vị trong suốt hết cả những năm dài.

———————–

Tôi viết như phục sinh lại chút hình bóng của người đã ra đi, những Nghiêu Đề, Trần Quang Lộc, Nguyễn Đức Sơn, Trần Tuấn Kiệt, Bùi Giáng, Văn Cao, Trương Đình Quế, Ngọc Dũng, Đinh Cường.

Viết cả cho những người còn đang thở. Dù thở dốc, thở hơi dài, hay hơi ngắn: Ngô Thế Vinh, Nguyễn Thị Thuỵ Vũ, Khánh Trường, Duy Trác, Phạm Thiên Thư.

Sài Gòn của tôi, mờ mờ những kỷ niệm đang dần xa, đang vật vờ chìm khuất. Nhưng Sài Gòn vẫn giữ lại hết những chập chờn, những lung linh sáng của rất nhiều gương mặt bàng bạc như chuyện cổ tích, những năm xưa…

Duy nhất anh Nguyễn Đình Toàn. Tôi viết gửi anh trong phút cuối của đời, khi mà không ai còn đoán ra, không ai còn kịp thấy, đâu là ranh giới của một chấm hết nghiệt ngã. Rất lạnh lùng, lẫn cả tối tăm:Phút lãng đãng phút mập mờ giữa ra đi, và ở lại.

Buổi ra mắt sách “Nguyễn Đình Toàn – Thơ và Ca Từ” ở California năm 2022 (Hình: Facebook Nguyễn Đình Phượng Uyển)
Cali không mưa nhiều như tôi hằng mong đợi. Nhưng đêm nay San Diego mưa, mưa nỉ non, mưa thầm thì, mưa to nhỏ.

Mưa mang theo những não nùng, những giá lạnh của khói hương xưa.

Tôi đang tìm lại giùm anh những ướt át hắt hiu, chút âm u buồn, lặng câm và ảm đạm. Giữ lại hết cả những lo âu, những sợ hãi đầy hoài nghi về nỗi chết.

Tôi buông lời réo gọi những cơn mưa trút nước, mưa như điên, mưa bạt mạng của Sài Gòn.

Nhưng tôi giữ lại giùm anh chút mưa gió lê thê, mang mang cái giá rét âm u đầy thơ mộng của những đêm mưa phùn ngày xa xưa Hà Nội.

“…Mong cho người về được nơi sẽ đến
Ta chia tay ta chia lời vĩnh biệt…”
Lê Chiều Giang

[Trích đoạn “Mưa Hà Nội”/Tạp Chí Ngôn Ngữ 5/22]
Image
Cố nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn thời trẻ (Hình: Facebook Vũ Thành An)

Từ Sài Gòn, nhà thơ Phạm Hiền Mây bùi ngùi:

Hôm nay, tác giả của Tình Khúc Thứ Nhất, của Em Đến Thăm Anh Đêm Ba Mươi, của Sài Gòn Niềm Nhớ Không Tên, của Căn Nhà Xưa… , đã ra người thiên cổ. Ông thuộc về trăm năm ấy, trăm năm của thế kỷ hai mươi, nên ông phải tìm về nó thôi, và đã đến.

Thương quý và mong ông, điềm nhiên một giấc ngủ thiên thu trong căn nhà xưa, căn nhà của một thời tuy nghèo mà bình yên, êm ấm:

“em có nhớ căn nhà xưa bên khu vườn cà
nơi những sớm mai nằm nghe
nắng ròn trên mái”

Nguyễn Đình Toàn, ông không chỉ là “người tình không chân dung” như Du Tử Lê từng gọi, mà ông là người tình, mãi mãi, của tất cả chúng ta, của những người từng hơn một lần phải lòng giọng đọc ông, phải lòng ca khúc, bài thơ, tác phẩm ông, những tác phẩm như là:

“bóng bỏ theo người
đổ một lần cho hết cuộc rủi may.”
Image
Huy chương Giải Văn Học Nghệ Thuật Việt Nam Cộng Hòa mà nhà văn Nguyễn Đình Toàn nhận được cho tác phẩm “Áo Mơ Phai.” (Hình: Kalynh Ngô)

Đối với nhà văn Nguyễn Đông Thức, nhắc đến nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn là nhắc đến những tác phẩm văn học nghệ thuật dưới nhiều dạng: tiểu thuyết, truyện ngắn, kịch nói, bút ký…Trong lời tưởng nhớ đến người nghệ sĩ vừa trở về nơi đã đến, nhà văn viết:

“Áo Mơ Phai – tác phẩm từng đoạt đoạt Giải Văn học Nghệ thuật của Việt Nam Cộng Hoà năm 1973 (cùng năm với ông Đoàn Thạch Biền đoạt giải về kịch bản sân khấu). Ông Toàn còn có nhiều sáng tác văn học nghệ thuật dưới nhiều dạng. Tuy nhiên tôi chỉ nhớ và thích ông nhứt qua bốn ca khúc, hai là thơ của ông với Vũ Thành An viết nhạc (“Tình Khúc Thứ Nhất” và “Em Đến Thăm Anh Đêm 30”) và hai là sáng tác của ông: “Căn Nhà Xưa” và “Mai Tôi Đi.”

“Phải nói ca khúc nào có tên Nguyễn Đình Toàn cũng có ca từ đầy chất thơ, hay đến nao lòng. Cảm ơn ông đã để lại cho đời những tác phẩm hay như thế này!”
Image
Nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn và phu nhân (hàng đầu, từ phải sang trái) trong Đêm Nhạc Nguyễn Đình Toàn “Môt ngày sau chiến tranh” tổ chức tại phòng sinh hoạt báo Người Việt, Tháng Tư, 2019. (Hình: Tài liệu Người Việt)

Rất dễ hiểu, khi một nhà thơ tiễn một nhà thơ, thì tiếng lòng đó sẽ được bày tỏ bằng những câu thơ. Nhà thơ Bùi Chí Vinh viết rằng:

“Lời thơ cuối cho Nguyễn Đình Toàn
Giờ thì chàng thơ lãng mạn nhất Sài Gòn đã ra đi
Anh bốc hơi như một làn khói trắng
CĂN NHÀ XƯA không rơi vào quên lãng
Nơi bàn tay anh đã vun xới dịu dàng.
Anh đã cày trên những sợi dây đàn
Đầu ngón bật máu để đơm hoa kết trái
Những bài thơ tình đứng im không động đậy
Dù anh qua tận California hòng chạy trốn chính mình
Tôi vẫn thấy “môi em mềm cho giấc ngủ anh thơm.
Và “trời sắp Tết hay lòng mình đang Tết”
Và tôi biết không có gì là chấm hết
Khi trên thế gian còn văn thơ nhạc Nguyễn Đình Toàn… “

Image
Những tờ nhạc, bút tích sáng tác của cố nhạc sĩ Nguyễn Đình Đoàn. (Hình: Facebook Nguyễn Đình Phượng Uyển)

Và nhà thơ Bùi Chí Vinh kể lại thêm qua lời tự sự trên trang Facebook của ông:

“Tôi gặp anh vài lần lúc đi với Huỳnh Phan Anh, Joseph Huỳnh Văn, Nguyễn Đạt và ngồi ở quán cà phê của Vũ Trọng Quang trong con hẻm đường Cao Thắng, quận 3. Lần đầu gặp, anh dòm tôi như dòm một con khủng long từ thời tiền sử còn sót lại. Bởi đơn giản là anh quá kín đáo, quá chuẩn mực, quá ấm áp từ dáng vóc đến cách ăn nói. Anh sinh ra là để cầm bút, ôm guitar trong thư phòng, thính phòng sang trọng chứ không phải để đối đầu với cuộc sống man rợ như tôi.

Con người nho nhã ấy làm sao chịu nổi sự đau đớn của bài Sinh Nghi Hành khi Nguyễn Đạt kêu tôi đọc cho anh nghe. Tôi đọc như tra tấn tác giả những ca từ mật ngọt trong bài nhạc “Em Đến Thăm Anh Đêm 30.”

“Tay em lạnh để cho tình mình ấm
Môi em mềm cho giấc ngủ anh thơm
Sao giao thừa xanh trong đôi mắt ngoan
Trời sắp Tết hay lòng mình đang Tết.”

Vậy đó. Giờ thì nhà văn lừng lẫy của tác phẩm Áo Mơ Phai, của Tro Than đã biến mất. Giờ thì muốn đọc lại Sinh Nghi Hành hay “hành” anh đến trố mắt kinh dị cũng không được…
Image
Nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn và phu nhân, bà Nguyễn Thị Thu Hồng. (Hình: Nhiếp ảnh gia Mai Dung)

Và từ nước Úc xa xôi, một người bạn của chị Nguyễn Đình Phượng Uyển, con gái của cố nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn bày tỏ:

“Chiều nay, có cơn ‘gió lũ đưa đường mây’, thổi qua Sydney nơi đây, nặng hạt mưa trời. Có những cánh “lá thốt lên lời cây”, vần vũ, gào thét khi phải mất mát, chia lìa vì bão giông.

Lại một người Hà Nội Xưa vừa ra đi. Cái xưa của thâm trầm tri thức; của lịch lãm thơ văn; của tự do nghệ thuật; của những phẩm chất mà giờ đây ta khó tìm gặp lại.” (Tất cả những cụm từ để trong ngoặc kép, là ngôn ngữ của Nguyễn Đình Toàn, được trích từ nhạc phẩm Tình Khúc Thứ Nhất.”

User avatar
ngayngo
Posts: 1208
Joined: Sat Nov 01, 2008 8:34 pm

Re: TIN TỨC PHIM ẢNH CA NHẠC

Post by ngayngo »

Gia đình Coppola – Đế chế quyền lực ở Hollywood

Image
Đạo diễn Francis Ford Coppola đứng cùng gia đình, cầm ba giải Oscar cho bộ phim ‘Bố già, Phần II’, trong Lễ trao giải Oscar thường niên lần thứ 47 tại Dorothy Chandler Pavilion của Trung tâm âm nhạc Los Angeles. (ảnh: Frank Edwards/Fotos International/Getty Images)
Trung Kiên



Gia đình Coppola là một “cường quốc” ở Hollywood, thanh danh của họ được gầy dựng từ lúc Hollywood manh nha đổi mới trước khi bước vào thời hoàng kim. Mới đây, cô cháu gái thuộc thế hệ thứ ba của dòng họ Coppola tiếp tục làm dậy sóng điện ảnh khi “chủ xị” Priscilla – bộ phim tràn ngập dư luận trái chiều về người vợ duy nhất của danh ca Elvis Presley.

Từ thị trấn nhỏ Bernalda, thuộc vùng Basilicata nước Ý, hai vợ chồng Agostino Coppola và Marie Coppola di cư đến Mỹ vào đầu thế kỷ 20. Con cháu thế hệ sau của họ chính thức trở thành người Mỹ gốc Ý và nhanh chóng nổi tiếng nhờ hoạt động nghệ thuật, đặc biệt trong ngành công nghiệp điện ảnh.

Agostino và Marie có hai người con trai và muốn họ theo hướng âm nhạc. Người em tên Anton chọn nhạc cổ điển và trở thành nhà soạn nhạc kiêm nhạc trưởng. Anh của Anton tên Carmine lấy âm nhạc điện ảnh làm chủ đạo. Đến thế hệ thứ hai, xuất hiện Francis Ford Coppola trứ danh – một nhà biên kịch kiêm đạo diễn kỳ tài hiếm gặp. Nữ đạo diễn Sofia Coppola và Nicolas Kim Coppola (nghệ danh Nicolas Cage) thuộc thế hệ thứ ba với bảng thành tích ấn tượng không hề thua kém cha ông.

Nhìn vào gia phả ba thế hệ, gia đình Coppola tự hào có nhiều thành viên đoạt giải Oscar. Từ người đi tiên phong Carmine cho đến Francis lẫy lừng, và hiện tại là thời của thế hệ con cháu, tất cả đều tung hoành ngang dọc ở Hollywood.
Image
Đạo diễn Francis Ford Coppola và gia đình tại Lễ trao giải Quả Cầu Vàng, Los Angeles, ngày 25 Tháng Giêng năm 1975. (ảnh: Frank Edwards/Fotos International/Archive Photos/Getty Images)

Đế chế điện ảnh Coppola

Nhắc đến điện ảnh, không giải thưởng nào danh giá hơn Oscar. Nếu lấy Oscar làm tiêu chuẩn, khó có câu chuyện nào đáng yêu hơn việc những gia đình tạo ra những tuyệt phẩm trên màn ảnh rộng, bởi nó đi kèm mối quan hệ dưỡng dục ràng buộc mà họ từng cùng nhau “rèn luyện” qua vô số bàn ăn tối. Nổi bật và uy quyền nhất trong số những gia đình có truyền thống ở Hollywood, không đâu khác ngoài dòng họ Coppola.

Carmine Coppola bắt đầu sáng tác âm nhạc điện ảnh từ năm 1959. Ông giữ vai trò Giám đốc Âm nhạc khi cộng tác với các bộ phim Battle beyond the Sun, Tonight for Sure, The rain People,… nhưng không mấy thành công. Sau 16 năm hoạt động điện ảnh, cái tên Carmine mới được đọc trên sân khấu trao giải Oscar ở hạng mục Nhạc phim xuất sắc nhất cùng với nhà soạn nhạc huyền thoại người Ý Nino Rota qua bộ phim The Godfather II.
Image
Dàn diễn viên của bộ phim ‘Bố già’ do Francis Ford Coppola đạo diễn và dựa trên tiểu thuyết của Mario Puzo. Từ trái sang phải: Robert Duvall, Tere Livrano, John Cazale (1935 -1978), Gianni Russo, Talia Shire, Morgana King, Marlon Brando và James Caan. (ảnh: Paramount Pictures/Getty Images)

Lễ trao giải Oscar năm 1975 như một phép màu đối với gia đình Coppola trên thảm đỏ. Bộ phim The Godfather II đã đem đến vinh quang cho các thành viên Copplola. Không chỉ người cha Carmine, con trai Francis của ông còn rực rỡ hơn khi nhận giải ở ba hạng mục: Kịch bản chuyển thể, Phim hay nhất, và Đạo diễn xuất sắc nhất.

Trước đó, Francis từng hai lần đoạt giải Kịch bản gốc qua bộ phim chủ đề chiến tranh Patton (1970) và The Godfather (1972). Sở hữu năm tượng vàng Oscar, nhưng nếu chỉ có vậy thì cái tên Francis vẫn chưa đủ để trở thành vĩ đại. Trong những bộ phim của mình, ông luôn kết hợp khéo léo, đưa những thành viên Coppola đóng nhiều vai trò cho đúng với định nghĩa “gia đình làm điện ảnh”, và ông thật sự trở thành “Bố già” điện ảnh thực thụ. Hạnh phúc của Francis là được chứng kiến lớp con cháu tiếp bước, vun đắp con đường điện ảnh của đại gia đình Coppola đang rộng mở.

Francis có một anh trai (tác giả August Coppola) và một em gái (diễn viên Talia Shire.) Em gái Talia của Francis bắt đầu đóng phim từ năm 1968, cô được đề cử giải Nữ phụ qua vai diễn Connie Corleone trong The Godfather II (1974), và Nữ chính khi nhập vai Adrian trong phim Rocky (1976).

Hiện tại, “Bố già” Francis đang thực hiện bộ phim điện ảnh Megalopolis, với sự tham gia của Adam Driver, Aubrey Plaza, Shia LaBeouf, cháu trai Jason Schwartzman và em gái Talia Shire.

Đời sống cá nhân, Francis kết hôn với nhà văn Eleanor Neil vào năm 1963. Họ có ba người con: Gian-Carlo, Roman, và Sofia. Sau khi Sofia Coppola được trao giải Kịch bản gốc nhờ phim Lost in Translation vào năm 2004, cô và người cha Francis trở thành hai cha con duy nhất từng nhận giải Oscar trong vai trò Biên kịch.
Image
Đạo diễn phim Francis Ford Coppola chào đón báo chí đến dự lễ ra mắt Xưởng phim Zoetrope của ông năm 1981 trong quá trình quay phim “One From The Heart” ở Hollywood, California. (ảnh: George Rose/Getty Images)

Nicolas Cage – xứng danh dòng tộc Coppola

Cháu trai nổi tiếng nhất của Francis, không ai khác ngoài nam diễn viên Nicolas Cage. Là con trai của August Coppola (anh trai Francis), dẫu không sở hữu vẻ đẹp “macho” như Brad Pitt, hay gương mặt đào hoa của tài tử Tom Cruise, Nicolas trở thành một trong những biểu tượng Hollywood đơn thuần qua tài năng diễn xuất.

Nicolas bắt đầu xuất hiện trên màn ảnh rộng lúc vừa tròn 18 tuổi với một vai nhỏ trong Fast Times at Ridgemont High. Anh lên đỉnh vinh quang khi được trao giải Oscar hạng mục Nam chính, qua vai kẻ nghiện rượu trong phim Leaving Las Vegas vào năm 1996. Sau đó, anh tiếp tục tham gia các bộ phim ăn khách, như: The Rock, Con Air, National Treasure, Face/Off, Moonstruck, Ghost Rider,…

Dù đạt nhiều giải thưởng trong sự nghiệp, đường hôn nhân của Nicolas gặp nhiều trắc trở. Cháu trai nổi tiếng nhất của “Bố già” Francis đã kết hôn năm lần và có ba đứa con. Trường hợp người vợ thứ tư, Cage cưới chuyên gia trang điểm Erika Koike, cả hai ly hôn chỉ sau bốn ngày. Nicolas kết hôn với người vợ thứ năm là Riko Shibata ở Las Vegas năm 2021. Trả lời Los Angeles Times về cuộc hôn nhân mới nhất, Nicolas bày tỏ: “Tôi thực sự hạnh phúc khi kết hôn. Tôi biết “số năm” là nhiều, nhưng tôi nghĩ lần này tôi đã chọn đúng.”

Priscilla – Sofia Coppola dậy sóng Hollywood

Là con út của Francis Coppola, Sofia “ra mắt” Hollywood khi chỉ là đứa trẻ sơ sinh trong The Godfather (1972). Tiếp đến, Sofia nhập vai bé gái di cư trong The Godfather II (1974), và vai Mary Corleone trong The Godfather III (1990). Ngoài ra, Sofia thường đóng những vai diễn nhỏ trong các bộ phim do cha cô cầm trịch: The Outsiders, Peggy Sue Got Married, Rumble Fish,…
Image
Hai nhân vật phụ tạo dáng bên một chiếc xe cổ trên phim trường East Village của bộ phim ‘Bố già phần II’ (đạo diễn Francis Ford Coppola), New York, New York, ngày 10 Tháng Ba năm 1974. (ảnh: Allan Tannenbaum/Getty Images)

Sofia rất có duyên với màn bạc, tiếc là sự nghiệp diễn xuất của cô không được đánh giá cao, thậm chí đôi khi bị chỉ trích thậm tệ, nhiều lời bình cho rằng cô là “Nữ diễn viên phụ tệ nhất.” Trả lời New York Times vào năm 2020, Sofia thể hiện thái độ rất tích cực và khôn ngoan: “Thật đáng buồn khi nhận phải những nhận xét như vậy. Tuy nhiên, trở thành diễn viên không phải là ước mơ của đời tôi, nên tôi không bị nản lòng và khuất phục.”

Sau đó, Sofia chứng minh “cô đã đúng” khi chuyển sang vai trò mới trong ngành công nghiệp điện ảnh. Năm 28 tuổi, Sofia ra mắt The Virgin Suicides, tác phẩm điện ảnh đầu tiên cô giữ vai trò đạo diễn, tác giả kịch bản và đồng sản xuất. Chỉ bốn năm sau, bộ phim Lost in Translation của cô thành công vang dội. Phim được công chiếu vào năm 2003 và Sofia nhận giải Oscar hạng mục Kịch bản gốc.
Image
Sofia Coppola và Francis Ford Coppola trong Lễ trao giải thường niên của National Board of Review 2002 Annual Awards Gala tại Tavern on the Green ở Thành phố New York, New York. (ảnh: Theo Wargo/WireImage)

Tại Cannes 2017, The Beguiled – một bộ phim đặc tả tâm lý người phụ nữ giữa khát vọng của bản thân và nỗi đau từ số phận – đưa cái tên Sofia lên tầm cao mới. Cô trở thành nữ đạo diễn thứ hai trong lịch sử đoạt giải Đạo diễn xuất sắc (người đầu tiên đạt thành tích trên là đạo diễn người Nga Yuliya Solntseva qua bộ phim Chronicle of Flaming Years tại Cannes 1961).

Hiện đang trong độ tuổi 52, giai đoạn được xem là chín muồi trong sáng tạo nghệ thuật thứ bảy, Sofia Coppola được nhận định là một trong những đạo diễn nổi bật nhất thế hệ của cô. Trong bộ phim Priscilla vừa trình làng, nữ đạo diễn Sofia tiếp tục thể hiện sở trường ở những góc nhìn gai góc khi nói đến thân phận người phụ nữ. Nội dung phim kể về mối tình nồng thắm và cuộc hôn nhân của siêu sao quá cố Elvis Presley với Priscilla.

Dư luận rộ lên do trong phim Priscilla chứa đựng nhiều tình tiết quá nhạy cảm, xét về khía cạnh đạo đức lẫn lịch sử. Ngay cả Lisa Presley (con gái ruột duy nhất của Elvis và Priscilla, đã qua đời đầu năm nay,) cũng phản đối gay gắt khi Sofia lên kế hoạch thực hiện một bộ phim ảnh hưởng nghiêm trọng đến thanh danh Elvis –người cha đã khuất của cô.
Image
Đạo diễn Francis Ford Coppola, vợ Eleanor Coppola (trái) và con gái Sofia Coppola đến dự lễ trao giải Truyền hình Quốc tế XXI tại Mazda Palace ngày 5 Tháng Tư năm 2004 tại Milan, Ý. (ảnh: Giuseppe Cacace/Getty Images)

Với kinh phí đầu tư $20 triệu, Priscilla thành công đáng kể ở phòng vé khi thu được trên $132 triệu trong tuần đầu ra mắt, và sẽ còn tăng nhiều trong thời gian tới. Dẫu vậy, có lẽ nhiều khán giả sẽ không khỏi băn khoăn giữa những dư luận trái chiều khi nhắc tới nhân vật Priscilla trong phim lẫn ngoài đời. Bởi thực tế họ đang trông thấy nữ đạo diễn nổi tiếng (Sofia) đã đưa hai thành viên trong gia đình Presley (mẹ và con gái ruột) vào thế đối lập để cho ra một tác phẩm điện ảnh thoả ý.

___________________________________


Ở góc độ gia tộc, từ trước đến nay chỉ hai gia đình có ba thế hệ từng đoạt giải Oscar. Trước Coppola, Hustons là gia đình đầu tiên lập thành tích này. Bắt đầu với chiến thắng của John Huston năm 1949 ở hai hạng mục Đạo diễn và Kịch bản gốc qua phim The Treasure of the Sierra Madre, ba của John là Walter Huston đoạt giải Nam phụ trong phim. Thế hệ thứ ba, Anjelica Huston (con gái của John) cũng giành giải Oscar năm 1986 ở hạng mục Nữ phụ trong Prizzi’s Honor – bộ phim tội phạm hài do cha của cô làm đạo diễn.

Gia đình Coppola nổi tiếng hơn nhiều gia đình Hollywood khác nhờ sự đa dạng, họ nhận được 10 tượng Oscar (tính cả em rể cũ của Francis là David Shire) trong tổng số 24 đề cử ở nhiều hạng mục khác nhau. Còn xét về số lượng, kỷ lục được đề cử giải Oscar nhiều nhất thuộc về gia đình Newmans. Những thành viên Randy, Thomas, David, Emil, Lionel và Alfred trong đại gia đình này đã nhận được 12 tượng vàng Oscar trong tổng số 95 đề cử qua nhiều năm, tất cả đều là những giải thưởng âm nhạc.

User avatar
nangchieu
Posts: 2060
Joined: Sun Apr 19, 2009 6:38 pm

Re: TIN TỨC PHIM ẢNH CA NHẠC

Post by nangchieu »

6 bộ phim ‘bom tấn’ đang chiếu trên trang mạng trực tuyến
January 20, 2024

Nhất Anh/Người Việt

HOLLYWOOD, California (NV) – Nếu bạn đang muốn thưởng thức một bộ phim hay nào đó mà lại không muốn ra rạp thì xem phim trên các trang mạng trực tuyến là sự lựa chọn tuyệt vời.

Image
“A Haunting in Venice” nằm trong bộ ba phim nói về thám tử tư Hercule Poirot. (Hình: 20th Century Fox)

Trong khi các bộ phim như “Mean Girls,” “The Beekeeper” hay “Wonka” đang “làm mưa làm gió” ở ngoài rạp thì tại các trang mạng xem phim như Netflix, Apple TV+, Peacock hay Paramount+ cũng không hề kém cạnh khi đang trình chiếu những bộ phim “bom tấn” từng thu hút lượng người xem đông đảo ở ngoài rạp, điển hình là sáu tác phẩm dưới đây.


A Haunting in Venice

“A Haunting in Venice” là bộ phim thứ ba nằm trong series phim trinh thám nói về vị thám tử tư Hercule Poirot, phỏng theo tiểu thuyết “Hallowe’en Party” của nhà văn Agatha Christie, do đạo diễn kiêm diễn viên chính Kenneth Branagh thực hiện.

Vị thám tử Hercule quyết định về hưu sau sự kiện trong phim “Death of the Nile” diễn ra và dành thời gian để nghỉ ngơi. Ông được một người bạn có tên Ariadne Oliver (do Tina Fey đóng) mời đến dự một lễ hội đặc biệt tại Venice và bất ngờ bị lôi vào một cuộc giết người rùng rợn. Với vụ án mạng này, Hercule không chỉ phải tìm ra thủ phạm mà còn bị lôi cuốn vào một trò chơi tâm linh sợ hãi.


Điều khiến “A Haunting in Venice” khác so với hai phần trước chính là yếu tố kinh dị được đưa vào trong suốt cuộc điều tra, đem lại một không khí bao trùm bí ẩn trong phim khiến người xem không thể rời mắt cũng như không thể tài nào đoán ra được hung thủ.
Image
“Asteroid City” quy tụ một dàn diễn viên ngôi sao có tiếng ở Hollywood. (Hình: Universal Pictures)

Asteroid City

Năm 2023, đạo diễn Wes Anderson thực hiện bộ phim “Asteroid City,” quy tụ một dàn diễn viên hạng A có tiếng ở Hollywood, bao gồm Tom Hanks, Jason Schwartzman, Scarlett Johansson, Jeffrey Wright, Tilda Swinton, Margot Robbie, Jake Ryan và nữ diễn viên gốc Việt Hồng Châu.

“Asteroid City” lấy bối cảnh vào năm 1955 tại một thị trấn giả tưởng mang tên Asteroid, nơi diễn ra hội nghị Junior Stargazer với sự quy tụ của nhiều nhà thiên văn đủ mọi lứa tuổi khác nhau.


Mọi thứ trở nên thay đổi tại hội nghị Junior Stargazer khi có vật thể UFO (vật thể bay không xác định) xuất hiện, đem lại nhiều sự kiện bí ẩn, làm rối loạn đời sống thường ngày tại thị trấn. Đạo diễn Wes Anderson muốn tái hiện lại hình ảnh của nước Mỹ thời kỳ hậu chiến trong thế kỷ 20 qua lăng kính châm biếm, hài hước pha một chút viễn tưởng, đem lại thước phim đầy màu sắc và nhiều suy ngẫm đọng lại.

Hiện tại, “Asteroid City” đang chiếu trên trang mạng xem phim Peacock.
Image
Tài tử Joaquin Phoenix hóa thân thành Hoàng Đế Napoleon Bonaparte trong phim “Napoleon.” (Hình: Apple Original Films)

Napoleon

Ridley Scott là một tên tuổi làm phim được kính trọng tại Hollywood. Các tác phẩm của ông không chỉ mang tính chất là một bộ phim “bom tấn” giải trí đơn thuần mà còn mang đậm nhiều giá trị cho mặt điện ảnh mà điển hình mới nhất chính là “Napoleon.”

Đây là dự án mới nhất của Ridley Scott, ra rạp hồi 22 Tháng Mười Một, 2023, thu về hơn $216 triệu toàn cầu. Trong phim, tài tử Joaquin Phoenix vào vai vị Hoàng Đế Napoleon Bonaparte, từ lúc còn làm chỉ huy nhỏ trong quân đội cho đến khi trở thành một vị tướng quân sự lão làng, chinh chiến trong các trận đấu đẫm máu và cuối cùng thành hoàng đế, đứng đầu một nước Pháp hùng mạnh.


Không chỉ vậy, phim còn xoay quanh cuộc hôn nhân đầy thăng trầm và bí ẩn của Hoàng Đế Napoleon và Hoàng Hậu Joséphine, do minh tinh Vanessa Kirby đóng.

Phiên bản “Napoleon” dài bốn tiếng bắt đầu chiếu trên trang xem phim trực tuyến Apple TV+ vào ngày 19 Tháng Giêng.
Image
“Leo” là một trong những bộ phim hoạt họa nổi bật của Netflix trong năm qua. (Hình: Netflix)

Leo

“Leo” là một dự án của hãng hoạt họa Happy Madison Productions, được Netflix đầu tư sản xuất, có sự tham gia của tài tử Adam Sandler trong vai trò chuyển âm cho chú thằn lằn bò sát Leo, có một chuyến hành trình giúp đỡ các bạn nhỏ lớp Năm tại trường tiểu học Fort Myers Elementary School khi cậu chàng bí mật dạy cho các bạn những bài học hữu ích.

Leo là một loài bò sát khi có thể hiểu và nói được tiếng của con người. Với tính hoạt ngôn và sự thông thái của mình, Leo không chỉ đem lại nhiều khoảnh khắc vui nhộn cho các nhân vật trong phim mà còn cả niềm vui cho khán giả, khiến người xem ai cũng phải bật cười không ngớt.


Bên cạnh Adam Sandler, phim còn có sự góp giọng của các diễn viên khác như Jason Alexander, Rob Schneider, Jo Koy, Bill Burr…

“Leo” đang được chiếu trên Netflix, và là một trong những bộ phim hoạt họa có lượng xem nhiều nhất trên Netflix hiện nay.
Image
Phong cách sketchbook độc đáo đem đến một tác phẩm “Teenage Mutant Ninja Turtles: Mutant Mayhem” đầy màu sắc. (Hình: Paramount+)

Teenage Mutant Ninja Turtles: Mutant Mayhem

“Teenage Mutant Ninja Turtles: Mutant Mayhem” là một bộ phim hoạt họa mới mẻ và thú vị, không ngại mạo hiểm sáng tạo mà đạo diễn Jeff Rowe đặt tâm huyết vào, ra rạp hồi 2 Tháng Tám, 2023.

Đây cũng là dự án đóng vai trò trong việc khởi động lại thương hiệu “Ninja Rùa” truyện tranh từng rất nổi tiếng hồi thập niên 1980 và 1990, nói về biệt đội các thiếu niên rùa cùng tập luyện môn võ ninjutsu để chống lại các ác nhân ở thành phố New York.


Với phong cách vẽ “sketchbook” độc đáo như cách vẽ tay, “Teenage Mutant Ninja Turtles: Mutant Mayhem” có lẽ là tác phẩm đầy màu sắc nhất trong năm dành cho mọi lứa tuổi từ nhỏ đến lớn, quy tụ dàn diễn viên chuyển âm nổi tiếng như Thành Long, John Cena, Seth Rogen, Ice Cube, Paul Rudd…

Hiện tại, bộ phim đang được chiếu trên trang mạng xem phim Paramount+.
Image
“The Kitchen” là dự án đầu tiên mà tài tử Daniel Kaluuya làm đạo diễn. (Hình: Netflix)

The Kitchen

Tác phẩm “mở bát” của Netflix trong năm 2024 chính là bộ phim “The Kitchen,” hứa hẹn sẽ gây ra cơn chấn động trên nền tảng xem phim trực tuyến khi tập hợp dàn diễn viên tài năng và nhận được nhiều đánh giá tích cực khi có buổi công chiếu tại BFI London Film Festival, diễn ra hồi Tháng Mười, 2023.

Đây cũng là dự án đánh dấu cơ hội bén duyên với vai trò đạo diễn của tài tử Daniel Kaluuya khi anh đồng đạo diễn với nhà làm phim Kibwe Tavares. Không chỉ vậy, nam chủ nhân của tượng vàng Oscar năm 2021 còn đồng viết kịch bản với hai nhà biên kịch Rob Hayes và Joe Murtagh.

“The Kitchen” thuộc thể loại khoa học viễn tưởng đen tối, kể về Izi, một cựu tù nhân, do tài tử Kane Robinson (Kano) đóng, tìm cách bảo vệ một cậu thiếu niên mồ côi tên Benji, nhân vật do nam diễn viên trẻ Jedaiah Bannerman thủ vai, khỏi một thế lực độc tài bí mật.

Với phong cách pha trộn giữa “Runner” và “Black Mirror,” “The Kitchen” sẽ đem lại một bữa tiệc thị giác đầy sống động xoay quanh về những vấn đề giai cấp và giàu nghèo trong xã hội dưới lớp của một tác phẩm khoa học viễn tưởng.

Phim được chiếu trên Netflix vào ngày 19 Tháng Giêng. (Nhất Anh) [qd]

lequyen
Posts: 283
Joined: Sun May 22, 2011 6:22 am

Re: TIN TỨC PHIM ẢNH CA NHẠC

Post by lequyen »

Người đàn bà đang yêu
Tidoo Nguyễn
2 tháng 1, 2024

Image
Ảnh minh họa: Shelby-deeter/Unsplash

“Woman In Love” là nhạc phẩm cổ điển bất hủ, vượt qua giới hạn không gian và thời gian, kể từ thời điểm ra đời hồi năm 1980. Lời bài hát bày tỏ đề tài muôn thuở của nhân loại, đó là tình yêu, mà cụ thể hơn là một người đàn bà đang yêu.

“Woman In Love” được anh em Barry và Robin Gibb, cũng là hai thành viên của nhóm nhạc Bee Gees, sáng tác riêng theo yêu cầu của nữ ca sĩ Barbra Streisand để cô trình bày đơn ca đầu tiên. Nhạc phẩm thuộc thể loại nhạc Rock nhẹ với giai điệu mượt, được viết dựa trên âm Rê thăng thứ (D# minor chord), với những note cao trong những câu được in đậm, như trong toàn bài hát sau đây:

Life is a moment in space
When the dream is gone
It’s a lonelier place
I kiss the morning goodbye
But down inside you know
We never know why
The road is narrow and long
When eyes meet eyes
And the feeling is strong
I turn away from the wall
I stumble and fall
But I give you it all


I am a woman in love
And I do anything
To get you into my world
And hold you within
It’s a right I defend
Over and over again
What do I do?

With you eternally mine
In love there is
No measure of time
We planned it all at the start
That you and I
Live in each other’s hearts
We may be oceans away
You feel my love
I hear what you say
No truth is ever a lie
I stumble and fall
But I give you it all

(Chorus – Điệp khúc)

I am a woman in love
And I do anything
To get you into my world
And hold you within
It’s a right I defend
Over and over again
What do I do?

I am a woman in love
And I’m talking to you
You know, I know, how it feels?
What a woman can do
It’s a right
I defend over and over again

Image
Ảnh minh họa: Jonathan-borba/ Unsplash

Nếu thính giả để ý một chút thì sẽ nhận ra rằng chính những câu trong bản nhạc được hát ở note cao lại tạo ra một bài hát nhỏ, như thể là bài hát nhỏ được lồng trong bài hát lớn, với ý nghĩa: “Em dẹp bỏ rào cản. Em run rẩy và ngã lòng, nhưng đó là tất cả tình cảm mà em dành cho anh, và ôm anh trong vòng tay. Đó là quyền trong tình yêu mà em luôn luôn bảo vệ. Không che giấu sự thật rằng em run rẩy và ngã lòng nhưng đó là tất cả tình cảm mà em dành cho anh. Và em đang muốn nói với anh rằng em đang yêu. Cả hai ta đều biết cảm giác đang yêu là như thế nào, phải không anh?”.


Giọng ca hoàn hảo khỏe khoắn, âm vực rộng với cảm xúc nồng nàn cháy bỏng của Barbra Streisand đã đẩy cảm xúc của khán thính giả dâng trào qua từng câu ca. Nội dung bài hát bày tỏ nỗi niềm khát khao dâng hiến của một người đàn bà đang yêu:

Cuộc đời chỉ là giây phút thoáng qua, trong không gian trống rỗng,
Khi những giấc mơ tan biến,
Cuộc sống cô đơn hơn bao giờ hết.
Buổi sáng trôi qua,
Mà em thấy lòng mình chùng xuống,

Chúng ta không bao giờ hiểu được nguyên do.
Đường đời trải dài, mà lối đi thì hẹp,
Khi bắt gặp ánh mắt, cảm xúc trào dâng.

Em dẹp bỏ rào cản,
Em run rẩy và ngã lòng,
Nhưng đó là tất cả cảm xúc mà em dành cho anh.


Em đang yêu,
Và em có thể làm bất cứ điều gì để có anh trong đời em, ôm anh trong vòng tay
Đó là quyền trong tình yêu mà em luôn luôn bảo vệ.
Em biết làm gì khác được?


Nếu giả rằng em mãi có anh, thì thời gian dường như ngưng đọng,
Chúng ta đã quyết định ngay từ đầu,
Rằng anh và em giữ hình bóng nhau trong tim,
Dù hai ta như dòng chảy của đại dương mênh mông trôi đi.

Anh có thể cảm nhận được tình em dành cho anh,
Em có thể nghe giọng nói của anh,
Mà không che giấu sự thật nào.
Em run rẩy và ngã lòng,
Nhưng đó là tất cả cảm xúc mà em dành cho anh.


Em đang yêu,
Và em đang muốn nói với anh rằng,
Cả hai ta điều biết cảm giác đang yêu là như thế nào, phải không anh?
Những gì người phụ nữ có thể làm,
Là bảo vệ tình yêu mãi mãi.

Image
Ảnh minh họa: Joel-overbeck/Unsplash

Barbra Streisand là ca sĩ đầu tiên trình bày nhạc phẩm này và thâu âm trong album nhạc Guilty. Bản thâu âm đã đem đến cho Barbra Streisand sự thành công vang dội cho bản đơn ca đầu tiên vì bài hát đã giành được vị trí thứ #1 trong hai năm 1980 và 1981 tại Hoa Kỳ và các quốc gia khác như là Úc, Áo, Bỉ, Canada, Phần Lan, Pháp, Đức, Iceland, Ireland, Ý, Netherlands, Na Uy, Nam Phi, Tây Ban Nha, Thụy Điển, Thụy Sĩ, Zimbabwe.

Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi bản thâu âm của nữ ca sĩ này đã giành được danh hiệu đĩa Bạch Kim tại Pháp và Hoa Kỳ, với một triệu bản thâu âm được bán ra ở mỗi quốc gia.

Barbra Streisand hát bài này hay đến đỗi sau này dù có nhiều ca sĩ khác cover cũng không có ca sĩ nào vượt được cô. Một trong những bản cover được biết đến nhiều do nữ ca sĩ Liz McClarno trình bày, tuy nhiên, phiên bản cover này dường như không đánh thức nổi cảm xúc của khán thính giả vì thiếu cái hồn hay thiếu sự sâu lắng và đam mê. Nên cho dầu phiên bản cover này là bản video sống động, song lại “thua đứt” bản audio của Barbra Streisand.

Hơn nữa hòa âm của bản cover do nữ ca sĩ Liz McClarno trình bày nghe không “đã” bằng nguyên bản – với nhịp trống như nhịp tim đập mạnh liên tục của người đang yêu.

Vì vậy “Woman In Love” được xem như là bài hát mang tính biểu tượng cho Barbra Streisand, tức là khi nhắc đến cô, người ta nghĩ ngay đến bài hát “Woman In Love” mà cô trình bày.
Image
Ảnh minh họa: Everton-vila/Unsplash

“Woman In Love” bằng cách nào đó cũng đã len lỏi đến Sài Gòn trong thập niên 80s và nửa đầu thập niên 90s. Tôi còn nhớ thời đó cả nữ lẫn nam sinh viên đều thích nghe bản “Woman In Love” qua giọng ca của Barbra Streisand trong băng cassette. Không chỉ có sinh viên thế hệ 7x thích nghe mà các thế hệ trước, 6x, và thế hệ sau, 8x, cũng mê bài hát này.

Trong dịp cuối năm, một người anh đáng kính thuộc thế hệ 6x từ Hoa Kỳ đã nhắc lại kỷ niệm thời những năm 80 và 90 rằng đi đâu anh cũng được nghe bài hát “Woman In Love” do Barbra Streisand hoặc do nữ ca sĩ Ngọc Bích trình bày. Bài hát quá hay đến đỗi 40 năm trôi qua, anh vẫn còn nhớ cảm xúc của mình khi đó.

Như vậy mới thấy là “Woman In Love” không chỉ khơi dậy cảm xúc của những ai đang yêu mà còn đọng lại trong lòng người nghe để trở thành ký ức đẹp, có thể mang theo suốt cả cuộc đời.

Có lẽ, bất kỳ gã đàn ông nào cũng ước mong trong cuộc đời có một cô gái yêu mình mạnh mẽ, dám thể hiện tình cảm và dám làm tất cả mọi điều vì mình, giống như Barbra Streisand khẳng định trong đoạn điệp khúc:

“I am a woman in love,
And I do anything,
To get you into my world.

And hold you within,
It’s a right I defend
Over and over again
What do I do?”

User avatar
mexanh
Posts: 477
Joined: Tue Nov 04, 2008 4:18 am

Re: TIN TỨC PHIM ẢNH CA NHẠC

Post by mexanh »

Đường đến Oscar 2024: Hy vọng nào cho Killers of the Flower Moon?
Trung Kiên – 30 tháng 12, 2023


Image
Leonardo DiCaprio và Lily Gladstone trong ‘Killers of the Flower Moon’ (Paramount)

Hollywood lại trải qua thêm một năm đầy khó khăn ở cả hai khía cạnh doanh thu và sáng tạo. Tuy nhiên, với Killers of the Flower Moon, phim dù không thành công ở phòng vé nhưng lại là một trong những điểm sáng tích cực nhất…

Image
Màu của tội ác

Killers of the Flower Moon có thể gọi là kiệt tác (masterpiece) điện ảnh thuần túy, nổi bật nhờ cách miêu tả tự nhiên và tàn ác của bậc thầy điện ảnh Martin Scorsese về một trong những cuộc diệt chủng tồi tệ nhất từng xảy ra trong lịch sử Mỹ. Dựa theo tác phẩm văn học cùng tên của tác giả David Grann, đạo diễn Martin Scorsese kể lại vụ thảm sát cộng đồng da đỏ thuộc bộ tộc Osage ở Oklahoma vào những năm 1920. Tội lỗi từ lòng tham của con người trong Killers of the Flower Moon thật trần trụi, khiến người xem sợ hãi, ghê tởm khi nhìn thấy cái ác bên dưới những vẻ mặt đầy lương thiện và đạo đức.


Đa phần người da trắng thời đó không coi việc sát hại người da đỏ bản địa là giết người mà chỉ là hành vi tàn ác với “động vật”, không ngần ngại xuống tay giết chết những người mà họ cho là hạ đẳng hơn họ, vì lợi ích tài chính không hơn không kém.

Ernest Burkhart (siêu sao Leonardo DiCaprio nhập vai) và ông chú William Hale (nam diễn viên gạo cội Robert De Niro đóng) tiến hành âm mưu và trở thành thủ phạm như bộ khung được lắp đặt nhuần nhuyễn theo các quy ước cổ điển. Tiếp sức cho họ là những kẻ ngoài vòng pháp luật và những tên xã hội đen không thể chạm tới.

Nếu như ở các bộ phim trước như: Gangs of New York (2002), The Departed (2006), The Irishman (2019),… Scorsese vẽ nên “sắc máu” trong những cuộc thanh trừng đậm tính băng đảng, thì Killers of the Flower Moon là bức tranh được pha từ màu của vàng đen (dầu mỏ) và nước mắt.

Hình ảnh những đàn gia súc nâu và đen đang gặm cỏ, những trang trại xanh với những ngôi nhà lớn màu vàng nhạt,… vừa tuyệt đẹp vừa khiến khán giả hoang mang. Bởi ẩn đằng sau khung cảnh bình yên là sự phản bội, lòng tham và những linh hồn lạc lối. Yếu tố đặc sắc từ Killers of the Flower Moon nằm ở những góc nhìn khác nhau về bộ tộc Osage. Ngoài sự tàn bạo họ phải chịu đựng, bộ phim tóm lược văn hóa sắc tộc, từ những nghi lễ xung quanh chuyện sinh tử và hôn nhân, cho đến cách thức họ di chuyển ra khỏi vùng an toàn trong quá trình hoà nhập. Đó là hình ảnh “vòng tròn văn hoá bản địa,” ngày càng mở rộng trong không gian, đã được thể hiện vô cùng mãn nhãn ở cảnh cuối.
Image
Đạo diễn Martin Scorsese (ảnh: Michael Buckner/Variety via Getty Images)

Phim của sự kiên nhẫn

Bộ phim dài nhất sự nghiệp của đạo diễn lừng danh Martin Scorsese quả không dành cho những khán giả thiếu tính kiên nhẫn, chủ nhân 14 đề cử Oscar, thắng hạng mục Đạo diễn xuất sắc nhất năm 2007 qua phim The Departed luôn nghiêm khắc với những đặc tính tạo nên tên tuổi của ông.

Ở thời hiện đại, thời gian được xem như vàng, có lẽ ngoài Scorsese, không ai dám xây dựng một bộ phim với cấu trúc khác lạ và dài bất thường đến thế. Tuy có yếu tố tội phạm và giật gân, phim không thực sự hấp dẫn từ đầu đến cuối, hai phần ba thời lượng đầu của bộ phim có nhiều khoảnh khắc khá nhàm chán, không gì đặc biệt ngoài vài vụ giết người khá chóng vánh.


Thừa biết hung thủ từ trước trong một bộ phim sử thi-chính kịch-tội phạm “dài ngoằng”, vậy điều gì có thể thu hút sự chú ý của khán giả? Chỉ có sự góp mặt của toàn những siêu sao Leonardo DiCaprio, Robert De Niro, Brendan Fraser, Lily Gladstone,… bên cạnh Scorsese – những cái tên đảm bảo thương hiệu và chất lượng – mới có thể giữ chân khán giả qua hơn nửa thời lượng, đến giây phút đó, khoảnh khắc đó, mọi người mới dần nhận ra mình đang thưởng thức một kiệt tác.

Killers of the Flower Moon tiêu biểu cho một tác phẩm điện ảnh cần sự kiên nhẫn mới có thể nhận ra thông điệp đậm tính nhân sinh bên cạnh những vệt máu. Nếu như cần đánh đổi thứ gì đó để thưởng thức vẻ đẹp điện ảnh, thời gian chính là điều đơn giản nhất mà “ông đạo diễn 81 tuổi” Scorsese cần ở bạn, nó sẽ giúp bạn cảm thấy giá trị nghệ thuật đích thực đẹp như “một sự giải thoát” sau hàng loạt những nỗi đau.

Làm sao không đau cho được khi chứng kiến nhân vật Ernest tham gia vào âm mưu giết những thành viên trong gia đình vợ, rồi từ từ đầu độc vợ của mình – người mà anh ta khẳng khái yêu bằng cả con tim!? Trên thế gian liệu có một thứ tình yêu như thế? Làm sao không “giải thoát” cho được trước giây phút “tỉnh ngộ” của Ernest. Có hay chăng, dẫu mọi người trên thế gian đều tha thứ cho Ernest, nhưng anh ta hiểu rằng mình không thể nào tha thứ cho bản thân được nữa khi chọn “quay đầu” như một cách giải thoát.
Image
Lily Gladstone trên sân khấu nhận giải Gotham Awards 2023 tại New York City, cùng Leonardo DiCaprio và Robert De Niro (ảnh: Dimitrios Kambouris/Getty Images for The Gotham Film & Media Institute)

Hy vọng nào ở Oscar 2024?

Killers of the Flower Moon ra mắt lần đầu tại Liên hoan phim Cannes vào Tháng Năm 2023 và được tán thưởng nhiệt liệt. Phim được phát hành trên nền tảng trực tuyến Apple TV+ và chính thức ra rạp vào ngày 20 Tháng Mười.

Phim được Viện phim Mỹ (American Film Institute) liệt kê là một trong mười phim hay nhất năm 2023, đồng thời nhận giải Phim hay nhất của Hiệp hội Phê bình phim New York (New York Film Critics Circle). Bên cạnh đó, Killers of the Flower Moon được bảy đề cử Quả Cầu Vàng và được dự đoán sẽ chiếm nhiều vị trí quan trọng ở danh sách đề cử Oscar 2024 (Phim hay nhất, Đạo diễn, Nam chính, Nữ chính, Nữ phụ, Kịch bản chuyển thể,…)

Tuy nhiên, riêng với Oscar, Killers of the Flower Moon đụng với một đối thủ cực kỳ nặng ký: Oppenheimer của Christopher Nolan, một đạo diễn cũng thuộc hàng A+ với đẳng cấp không thua gì Martin Scorsese (và hạng mục nam chính, nếu được đề cử, Leonardo DiCaprio cũng đụng độ với đối thủ nặng ký Cillian Murphy trong vai khoa học gia nguyên tử năng J. Robert Oppenheimer).

Với Killers of the Flower Moon, một lần nữa, Leonardo DiCaprio có một vai diễn để đời. Phần nhập vai “xuất quỷ nhập thần” của gã “Sói già phố Wall” dạo nào giờ đây lại khiến người xem lạnh cả người. Hy vọng thực tế nhất của Killers of the Flower Moon ở hạng mục quan trọng có lẽ nằm ở giải Nữ chính. Đó là diễn viên Lily Gladstone, trong vai Mollie Burkhart – người vợ đáng thương của Ernest.

________________

Killers of the Flower Moon

Đạo diễn: Martin Scorsese

Kịch bản: Eric Roth, Martin Scorsese; Dựa trên tác phẩm cùng tên của David Grann

Sản xuất: Dan Friedkin; Bradley Thomas; Martin Scorsese; Daniel Lupi

Diễn viên: Leonardo DiCaprio; Robert De Niro; Lily Gladstone

Quay phim: Rodrigo Prieto

Âm nhạc: Robbie Robertson

Hãng sản xuất: Apple Studios; Imperative Entertainment; Sikelia Productions; Appian Way Productions

Phát hành: Paramount Pictures; Apple Original Films

Ngày trình chiếu: 20 Tháng Năm 2023 (Cannes)

Ngày phát hành thị trường Mỹ: 20 Tháng Mười 2023

Ngân sách: $200 triệu

Doanh thu: $156.3 triệu

User avatar
mexanh
Posts: 477
Joined: Tue Nov 04, 2008 4:18 am

Re: TIN TỨC PHIM ẢNH CA NHẠC

Post by mexanh »

Giới điện ảnh Việt Nam lặng lẽ tìm đường đến phương trời mới
Tuấn Khanh
– 27 tháng 12, 2023

Image
‘Sài Gòn trong cơn mưa’ của đạo diễn Lê Minh Hoàng trên Amazon Prime
(với tựa tiếng Anh ‘Saigon in the rain’)

Nếu quan sát những platform chuyên chiếu phim của Thái Lan, Singapore…, đặc biệt trên Netflix, người ta có thể nhận ra một nỗ lực không ngừng nghỉ của các lớp đạo diễn và diễn viên trẻ đang khao khát muốn bắt kịp chuyển động điện ảnh, ít nhất là ở trong khu vực.

Việt Nam, một quốc gia có khuynh hướng được coi là kiểm duyệt văn hoá khắt khe, và thậm chí là cảm tính, đã vô hình trung, tạo nên một mặt bằng điện ảnh trong nước nhiều kịch bản có khuynh hướng đơn giản, hài hước; và cao hơn, là một một số phim được chuyển thể từ truyện ngắn hay tác phẩm quen thuộc. Mọi thứ như để cố vượt qua lưỡi kéo kiểm duyệt một cách nhẹ nhàng nhất, và không bị bất kỳ khó khăn nào có thể làm tổn thương đến túi tiền sản xuất vốn rất eo hẹp.


Lâu nay, những câu chuyện về các diễn viên hay bộ phim Việt Nam đoạt giải ở nước ngoài vẫn là niềm mơ ước thầm lặng của những người làm điện ảnh trong nước, nhưng hầu hết đều gói gọn trong kiểu lý giải chấp nhận, bởi “bên ngoài cuộc sống rất khác”. Đã có những bộ phim Việt Nam bí mật sản xuất rồi không đưa qua kiểm duyệt, chuyển đi đến các liên hoan phim nước ngoài, thậm chí đoạt giải nhưng về nước thì bị phạt, bị cấm chiếu. Năm 2019, phim Ròm đoạt giải Liên hoan phim Busan 2019, nhưng về nước bị cấm chiếu, vì bị coi là đi thi điện ảnh “chui”. Phim Vị đoạt giải Liên hoan phim Berlin 2021, nhưng về nước thì được đón bằng trận mưa búa rìu dư luận được tổ chức trên các báo do nhà nước quản lý.

Image
Phim Việt trên Netflix thị trường Mỹ (phát hành khác với Netflix thị trường Việt Nam hoặc các nước khác)

Phim ở Việt Nam được ra mắt khán giả phải đi qua hội đồng kiểm duyệt và thường là phải đối diện với những quan điểm được coi là truyền thống và “văn hóa đứng đắn”, theo tư tưởng của Hội đồng kiểm duyệt. Bất cứ thứ nào vuột qua tay của những người có trách nhiệm dò xét từng khung ảnh, từng lời nói trên phim, cũng trở thành là một vấn nạn về sau.

Bất chấp quan điểm của Hội đồng kiểm duyệt có thể đi chậm hơn cả sự phát triển của điện ảnh thế giới nhưng quyết định của họ mang tính tiên quyết đến với số phận điện ảnh Việt Nam. Ít có người trong nghề dám lên tiếng phản ứng những chuyện như vậy. Thỉnh thoảng có một vài ý kiến phản ứng trước những lưỡi kéo kiểm duyệt, như của đạo diễn Phan Đăng Di: “Với tư duy của một số người trong hội đồng duyệt thì sẽ nói là đi ngược với thuần phong mỹ tục. Chúng ta nên hiểu, sự sáng tạo của người nghệ sĩ luôn có những huyễn tưởng, để biểu đạt đúng ý đồ họ muốn, đây là điều cả thế giới chấp nhận”.

Đã có nhiều phim bị cấm chiếu vĩnh viễn ở Việt Nam, như Bẫy Cấp 3, Vợ Ba, Vị… trong số đó, ngân sách lớn nhất là Bụi đời Chợ Lớn. Nếu hôm nay xem lại, người ta sẽ thấy rằng những nội dung tương tự như vậy – thậm chí còn hơn thế nữa – được thể hiện ở phim Thái, phim Trung Quốc, phim Hàn Quốc xuất hiện dẫy đầy ở Việt Nam. Có thể vì để bảo vệ đứa con của mình nguyên vẹn và được trình chiếu trên khắp thế giới với tính nguyên bản của nó, mà nhà sản xuất phim Vị đã quyết bán đứt cho Singapore, để không phải bàn cãi gì về pháp và lý nữa.

Thế nhưng, khoảng năm năm gần đây, người ta tìm thấy nhiều phim ngắn, và độc lập của điện ảnh Việt Nam bắt đầu được stream trên các nền platform bên ngoài Việt Nam như True ID, Pops… Điều đáng ngạc nhiên là những bộ phim này chạm vào những đề tài lâu nay rất khó duyệt, đó là các đề tài như kinh dị, ma quái, đối đầu băng đảng… Sự phát triển của các nền tảng trình chiếu trực tuyến đã mở ra một khung trời mới cho người làm điện ảnh thế hệ mới của Việt Nam, với sự khao khát lách qua cánh cửa hẹp kiểm duyệt, tìm thấy những ngõ ra mới.
Image
‘Mắt biếc’ của đạo diễn Victor Vũ trên Netflix
(với tựa tiếng Anh ‘Dreamy Eyes’)

Tháng Ba 2023, khi Netflix bắt đầu phát trực tuyến Furies (tựa tiếng Việt là “Thanh Sói”), bộ phim hành động của đạo diễn Ngô Thanh Vân bị xếp hạng bạo lực này đã vào danh sách Top 10 phim nước ngoài được xem nhiều nhất trên toàn thế giới trong hai tuần liên tiếp. Bộ phim gai góc này đứng trong Top 10 của người xem Việt Nam trong một tháng. Nói với phóng viên của tờ Nikkei Asia, một khán giả địa phương nói: “Tôi thậm chí còn không biết Việt Nam có thể loại phim này”. Điều này cho thấy hàng rào kiểm duyệt của Việt Nam đã khiến sức sống của giới làm điện ảnh trong nước chùn lại, hao mòn đến thế nào.

Bộ phim Lật Mặt 6: Tấm vé định mệnh của đạo diễn Lý Hải dù là một trong những bộ phim được coi ăn khách nhất phòng vé, ước tính đạt đến $4.26 triệu chỉ sau bốn ngày ra mắt ở trong nước, sau đó cũng chọn một ngõ ra mới là phát trực tuyến trên Netflix. Phát hành phim qua các rạp chiếu là cách làm truyền thống trước nay, nhưng với bối cảnh một quốc gia được kiểm soát chặt chẽ và việc được sắp xếp chiếu ở rạp vào những giờ đẹp, và thời gian chiếu cũng phải chạy chọt, thì trình chiếu trực tuyến trên Netflix trở thành một lựa chọn lý tưởng.
Image
Phim ‘Thanh Sói’ của đạo diễn Ngô Thanh Vân trên Netflix
(với tựa tiếng Anh ‘Furies’)
[/align]


Phim Việt thường làm theo một xu hướng chung, là minh họa kịch tính và phải “nhân văn”, nhưng lối mòn này bị coi là không bắt đúng mạch khán giả trẻ – vốn thích những đề tài mới lạ, thậm chí là kết thúc với nghịch cảnh. Sự thành công của một số phim Việt trên Netflix gợi ý nhiều điều mới cho các nhà sản xuất về những lối đi khác biệt đến những phương trời mới, tập trung vào việc phát triển trên các nền tảng trực tuyến hơn là vào hệ thống phát hành tập trung, vẫn do nhà nước kiểm soát.

Rõ là sau nửa thế kỷ loay hoay chống chọi với những ánh mắt kiểm duyệt và những ý tưởng không hợp thời thế, những nhà làm phim Việt Nam đã tạm tìm thấy một con đường của mình: Trước đây là phát triển thành những tập phim lấy quảng cáo trên YouTube, bây giờ họ đã có những nhà đồng sản xuất lớn và chiếu trực tuyến thu tiền trên platform Mỹ. Hiện thời, người hâm mộ có thể dễ dàng tìm kiếm những bộ phim Việt Nam được phát trên Netflix hoặc thậm chí Amazon Prime (một số phim hoàn toàn miễn phí nhưng một số phim phải mua, dù giá chỉ vài đôla).

Năm 2024 dự kiến sẽ là năm đầy hứa hẹn của những nhà sản xuất, đạo diễn trẻ, diễn viên trẻ… trên con đường lặng lẽ đi tìm sự thể hiện sức mình ở những nền tảng tự do hơn, thậm chí là sống tốt hơn, so với con đường trước nay.

User avatar
bichphuong
Posts: 574
Joined: Mon Apr 25, 2016 12:10 am
Been thanked: 1 time

Re: TIN TỨC PHIM ẢNH CA NHẠC

Post by bichphuong »

5 kiệt tác của Martin Scorsese
Đoan Thư
3 tháng 3, 2024

Image
Martin Scorsese trong buổi ra mắt “Killers of the Flower Moon” tại Dolby Theatre, Los Angeles, California ngày 16 Tháng Mười 2023 (ảnh: Michael Buckner/Variety via Getty Images)


Xếp hạng hoặc liệt kê đầy đủ những tác phẩm kinh điển của Martin Scorsese là điều không dễ dàng. Phim của Martin Scorsese hầu như chỉ có hay ít hơn hoặc hay nhiều hơn so với chính những tác phẩm của ông và gần như sự nghiệp điện ảnh khổng lồ của Martin Scorsese không có phim dở.

Ngày 20 Tháng Mười 2023, khi “Killers of the Flower Moon” ra rạp, một bộ phim khác lừng lẫy một thời của ông – “Mean Streets” – đã ra mắt cách đây đúng 50 năm, ở thời điểm ông nổi bật với hình ảnh đại diện thế hệ trẻ háo hức tạo ra cuộc cách mạng thay đổi Hollywood và kiến tạo nên một kỷ nguyên mới cho nghệ thuật thứ bảy.

Giờ đây, 50 năm sau, Martin Scorsese đã trở thành nhân vật khổng lồ, được xem là nhà làm phim vĩ đại nhất hiện nay, với vai trò người cầm ngọn đuốc thắp sáng cho quan niệm rằng điện ảnh nhất thiết phải là nghệ thuật chứ không chỉ thuần túy giải trí. Thử điểm lại một số tác phẩm kinh điển của bậc thầy Martin Scorsese…


‘Killers of the Flower Moon’ (2023)

Bất kỳ bản chuyển thể nào từ cuốn sách bán chạy nhất của David Grann về hàng loạt vụ giết người trong bộ tộc Osage vào những năm 1920 chắc chắn sẽ thu hút chú ý. Trong bản điện ảnh ‘Killers of the Flower Moon’, Martin Scorsese cho hai ngôi sao lớn Leonardo DiCaprio và Robert De Niro lần đầu tiên diễn cùng nhau.
Image
Leonardo DiCaprio và Lily Gladstone trong ‘Killers of the Flower Moon’ (Paramount)

Martin Scorsese không chỉ tập trung vào chuyện tình giữa Ernest Burkhart (Leonardo DiCaprio) và người vợ Mollie (Lily Gladstone); mà còn kết hợp những diễn biến lịch sử. Cốt truyện tập trung vào loạt giết người ở Oklahoma những năm 1920, sau khi người ta phát hiện dầu trên vùng đất này. Ngoài Leonardo DiCaprio, Robert De Niro và Lily Gladstone, dàn tài tử trong ‘Killers of the Flower Moon’ gồm toàn ngôi sao thượng thặng: Jesse Plemons, Tantoo Cardinal, John Lithgow và Brendan Fraser. Đây là lần hợp tác thứ sáu giữa Scorsese và DiCaprio và lần thứ mười giữa Scorsese và De Niro.

“Killers of the Flower Moon” được công chiếu lần đầu tại Liên hoan phim Cannes lần thứ 76 vào ngày 20 Tháng Năm 2023 và được phát hành ở thị trường Mỹ vào ngày 20 Tháng Mười 2023.

‘The Wolf of Wall Street’ (2013)

“The Wolf of Wall Street” là tác phẩm xuất sắc của Martin Scorsese, dựa trên cuốn hồi ký cùng tên năm 2007 của Jordan Belfort. Phim kể lại sự nghiệp của Jordan Belfort với tư cách là một nhà môi giới chứng khoán ở New York City và cách công ty của ông, Stratton Oakmont, tham gia vào làn sóng lừa đảo táo tợn và gần như công khai ở Wall Street.

Leonardo DiCaprio, cũng là nhà sản xuất bộ phim, đóng vai Belfort trong lần hợp tác thứ năm với Scorsese sau “Gangs of New York” (2002), “The Aviator” (2004), “The Departed” (2006) và “Shutter Island” (2010). Phim còn có sự tham gia của Jonah Hill và cô đào lẳng Margot Robbie – người làm nổ màn bạc mùa hè 2023 với phim Barbie.

Image
Leonardo DiCaprio trên phim trường ‘The Wolf of Wall Street’ (ảnh: Ignat/Bauer-Griffin/GC Images)

“The Wolf of Wall Street” được công chiếu lần đầu tại New York City vào ngày 17 Tháng Mười Hai 2013 và được phát hành rộng rãi tại thị trường Mỹ vào ngày 25 Tháng Mười Hai 2013 bởi Paramount Pictures. Đây là bộ phim lớn đầu tiên của Mỹ được phát hành độc quyền thông qua phân phối kỹ thuật số.

Bộ phim là một thành công lớn về mặt thương mại, thu về $406.9 triệu trên toàn thế giới, trở thành bộ phim có doanh thu cao nhất của Scorsese. Phim có rất nhiều cảnh sex táo bạo, sử dụng ma túy “từ đầu đến cuối” và chửi thề rất tục. Tuy nhiên, “The Wolf of Wall Street” rõ ràng cũng hiển hiện trên màn bạc bằng thứ ngôn ngữ điện ảnh đặc thù của Martin Scorsese. Đó phải nói là một thứ ngôn ngữ tinh xảo.


Phim được đề cử năm Oscar: Phim hay nhất, Đạo diễn xuất sắc nhất cho Martin Scorsese, Kịch bản chuyển thể hay nhất, Nam diễn viên chính xuất sắc nhất, Nam diễn viên phụ xuất sắc nhất.
Image
Martin Scorsese chỉ đạo diễn xuất trên phim trường ‘The Wolf of Wall Street’ (ảnh: Ignat/Bauer-Griffin/GC Images)

‘Hugo’ (2011)


Khi 13 tuổi, Martin Scorsese đi xem “Around the World in 80 Days”, bộ phim đoạt giải Oscar dựa trên tiểu thuyết của Jules Verne. Trước đó, tác phẩm điện ảnh “A Trip to the Moon” của Georges Méliès cũng được chiếu. Martin Scorsese nhớ lại mình đã ngạc nhiên và thích thú như thế nào trước những gì nhà tiên phong điện ảnh câm đã đạt được.
Image
Cảnh trong “Hugo” (Paramount)
Sẽ không là quá lời khi nói rằng câu chuyện tuyệt vời của Scorsese về một cậu bé tên Hugo (diễn viên Asa Butterfield), sống trong cái đồng hồ khổng lồ ở nhà ga Paris-Montparnasse và kết bạn với Méliès (tài tử Ben Kingsley), chính là một sự tri ân kỷ nguyên khai sáng điện ảnh. “Hugo” là bản chuyển thể từ quyển “The Invention of Hugo Cabret” của Brian Selznick. Là bộ phim đầu tiên của Martin Scorsese quay ở định dạng 3D, “Hugo” nhận được 11 đề cử Oscar (trong đó có giải Phim hay nhất).
Image
Martin Scorsese cùng hai diễn viên trong “Hugo”: Asa Butterfield (trái) và Chloe Moretz (ảnh: Francois Durand/Getty Images)
‘The Departed’ (2006)

Phải nói ‘The Departed’ là kiệt tác của kiệt tác và là một trong những bộ phim về thế giới xã hội đen hay nhất của Martin Scorsese, một đạo diễn có bề dày làm phim về thế giới giang hồ đâm chém và bắn giết nhau không run tay. “The Departed” vừa là phiên bản làm lại từ bộ phim “Vô gian đạo” của Hong Kong vừa dựa trên một phần về băng nhóm Boston Winter Hill ngoài đời thực. Nhân vật Colin Sullivan dựa trên (hình mẫu) tay đặc vụ FBI tham nhũng John Connolly; và nhân vật Frank Costello dựa trên trùm xã hội đen người Mỹ gốc Ireland Whitey Bulger.

Image
“The Departed” qui tụ toàn gương mặt sừng sỏ Hollywood: Leonardo DiCaprio, Matt Damon, Jack Nicholson, Mark Wahlberg; cùng với Martin Sheen, Ray Winstone, Vera Farmiga, Alec Baldwin, Anthony Anderson và James Badge Dale.
“The Departed” thắng lớn về mặt thương mại và nhận được đánh giá cao của giới phê bình. “The Departed” là một tác phẩm hoàn hảo kinh điển: xuất sắc từ đạo diễn, diễn xuất, kịch bản, lẫn biên tập. Chẳng phải tự nhiên mà “The Departed” giành một lô Oscar: Phim hay nhất, Đạo diễn xuất sắc nhất, Kịch bản chuyển thể hay nhất và Biên tập phim hay nhất. Bộ phim cũng nhận được sáu đề cử tại Giải Quả cầu vàng lần thứ 64, sáu đề cử tại Giải Điện ảnh Viện Hàn lâm Anh quốc (BAFTA) lần thứ 60 và hai đề cử của Hiệp hội Diễn viên Điện ảnh lần thứ 13…

‘The Aviator’ (2004)

“The Aviator” do Martin Scorsese đạo diễn và John Logan viết kịch bản. Phim có sự tham gia của Leonardo DiCaprio trong vai Howard Hughes, Cate Blanchett trong vai Katharine Hepburn và Kate Beckinsale trong vai Ava Gardner. Dàn diễn viên phụ có Ian Holm, John C. Reilly, Alec Baldwin, Jude Law, Gwen Stefani, Kelli Garner, Matt Ross, Willem Dafoe, Alan Alda và Edward Herrmann.
Image
Cảnh trong ‘The Aviator’ (Miramax)

Dựa trên quyển “Howard Hughes: The Secret Life” của Charles Higham năm 1993, bộ phim mô tả cuộc đời của Howard Hughes, một trong những nhà tiên phong trong lịch sử hàng không Mỹ. Bộ phim miêu tả cuộc đời Howard Hughes từ 1927 đến năm 1947, trong thời gian mà Hughes đã trở thành một nhà sản xuất phim thành công và là một ông trùm hàng không nổi tiếng nhưng đồng thời tâm tính ngày càng bất ổn do bị rối loạn thần kinh (obsessive–compulsive disorder – OCD).

“The Aviator” nhận được những đánh giá tích cực từ giới phê bình. Phim thu về $214 triệu với kinh phí $110 triệu và nhận được nhiều giải. Tại Oscar lần thứ 77, phim được đề cử 11 giải, trong đó có Phim hay nhất, Đạo diễn xuất sắc nhất, Kịch bản gốc xuất sắc nhất, Nam diễn viên chính xuất sắc nhất cho DiCaprio, Nam diễn viên phụ xuất sắc nhất cho Alan Alda, Nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất cho Cate Blanchett.

___________

Như nói ở trên, một người có sự nghiệp khổng lồ như Martin Scorsese thì khó có thể điểm lại đầy đủ những tác phẩm mà ông từng làm – nào là “Taxi Driver” (1976), “New York, New York” (1977), “Raging Bull” (1980), “Goodfellas” (1990), “Casino” (1995)…, rồi “Gangs of New York” (2002), “Shutter Island” (2010), “The Irishman” (2019)… Ngoài phim điện ảnh, Scorsese còn đạo diễn các tập phim cho một số phim truyền hình dài tập chẳng hạn “Boardwalk Empire” (2011-2015) của HBO và “Vinyl” (2016), cũng như phim tài liệu “Public Speech” của HBO (2010) và “Pretend It’s a City” của Netflix…

Post Reply