TIN TỨC PHIM ẢNH CA NHẠC

Phim ảnh, âm nhạc đưa người ta vào thế giới ảo mộng quên đi bao nỗi muộn phiền của đời thường... Nơi đây chỉ ghi lại một phần nào đó của cái thế giới muôn mầu sắc và âm thanh đó mà thôi.

Moderator: Nguyễn_Sydney

User avatar
bichphuong
Posts: 574
Joined: Mon Apr 25, 2016 12:10 am
Been thanked: 1 time

Post by bichphuong »

Timothée Chalamet - 'DiCaprio' thế hệ mới của Hollywood
Nếu giành chiến thắng ở tuổi 22, Chalamet sẽ là người trẻ nhất trong lịch sử từng được Viện Hàn lâm trao Oscar “Nam diễn viên chính xuất sắc”.

Nếu Oscar có một hạng mục dành cho “Diễn viên trẻ đột phá”, giải thưởng ấy sẽ khó thoát khỏi tay Timothée Chalamet. Từ một nam diễn viên ít người nhớ mặt thuộc tên, Chalamet vụt sáng khi xuất hiện trong Lady Bird và Call Me by Your Name - hai phim được đề cử Oscar “Phim hay nhất”. Nhiều nhà phê bình đánh giá vai chàng thiếu niên Elio bỡ ngỡ trước những rung động đầu đời của anh trong Call Me By Your Name là một trong những màn trình diễn xuất sắc nhất trên màn ảnh rộng năm qua.

Không chỉ báo giới hay khán giả, ngay cả những ngôi sao Hollywood cũng phải thán phục trước tài năng của Chalamet. Đạo diễn Christopher Nolan nhận định: "Tài năng của cậu ấy rõ như ban ngày”, còn tài tử Matthew McConaughey khẳng định với tờ GQ: “Cậu ấy sẽ thành công trong bất kỳ lĩnh vực nào cậu ấy muốn”. Nữ đạo diễn được đề cử Oscar năm nay là Greta Gerwig thậm chí còn tuyên bố trên GQ: “Timothée là sự kết hợp giữa Daniel Day-Lewis, Christian Bale và Leonardo DiCaprio thời trẻ, được học tiếng Pháp từ nhỏ, có một IQ đủ kết nạp vào hội Mensa và yêu hip-hop”. Mensa là tổ chức dành cho những người thông minh trên thế giới.

Timothée Chalamet chào đời ngày 27/12/1995 tại Manhattan, New York (Mỹ). Ngay từ nhỏ, cậu đã sớm thể hiện tố chất nghệ thuật khi tham gia đóng các đoạn phim quảng cáo. Những mùa hè gia đình dành nghỉ ngơi tại Lyon (Pháp) giúp Timothée học và nói tiếng Pháp trôi chảy. Ông Marc Chalamet - cha cậu - từng hối hận vì không học chơi đàn piano lúc nhỏ và quyết tâm không lặp lại sai lầm với con trai. Ông bắt Timothée phải tập piano từ tám tới 12 tuổi, dẫu cậu con thích ra ngoài chơi hơn. Về sau, Timothée phải thừa nhận cha mình đã đúng, khi cậu có dịp thể hiện cả khả năng ngoại ngữ lẫn chơi piano trong Call Me by Your Name.


Dù có năng khiếu thiên phú về nghệ thuật, Chalamet chưa bao giờ nghĩ tới việc theo đuổi nghiệp diễn xuất một cách nghiêm túc. Cậu thay đổi quan điểm khi được nhận vào trường Phổ thông Âm nhạc & Nghệ thuật LaGuardia. Đây là ngôi trường mà nhiều ngôi sao như Robert De Niro, Jennifer Aniston hay Nicki Minaj từng theo học. Tại LaGuardia, Chalamet thử sức với đủ thể loại nghệ thuật, từ đóng kịch (Cabaret, Sweet Charity), phim truyền hình (Homeland, Law and Order) cho tới cả làm rapper với nghệ danh Lil Timmy Tim. Chalamet chia sẻ với MTV News: “Khi học tại LaGuardia, tôi nhận ra làm nghệ thuật có thể nghiêm túc đến mức nào khi nhìn vào những tác phẩm và những bậc tiền bối. Tôi sẽ không bao giờ trở thành diễn viên nếu không theo học ngôi trường đó”.

Sau mùa hè dành để đóng vai con trai của Matthew McConaughey trong bom tấn Interstellar, Chalamet vào Đại học Columbia danh giá. Anh cố cân bằng việc học văn hóa với đam mê diễn xuất, để rồi dần nhận ra điều này là không thể, kể cả khi đã chuyển sang trường tư Gallatin. Kết quả là Chalamet quyết định rời đại học để dành toàn tâm toàn ý cho nghề diễn.
Image
Vẻ điển trai của Timothée Chalamet.
Vai đột phá của chàng trai sinh năm 1995 là nhân vật Jim Quinn trong vở Prodigal Son. Sau khi xem vở diễn trên sân khấu Broadway, cây viết Ben Brantley của tờ New York Times nhận định: “Chalamet đã khẳng định vị thế của một ngôi sao đang lên”. Cũng trong năm 2016, vai của Chalamet trong phim độc lập Miss Stevens khiến cây bút Stephen Holden phải ngợi ca: “Cậu ấy thể hiện sự nổi loạn như James Dean thời trẻ vậy”.

Những màn trình diễn ấn tượng của Chalamet không thoát khỏi những cặp mắt xanh của hai đạo diễn Luca Guadagnino và Greta Gerwig. Họ lần lượt mời anh tham gia vào các dự án Call Me by Your Name và Lady Bird, để rồi Timothée Chalamet trở thành tâm điểm chú ý của dư luận kể từ nửa cuối năm 2017.

Tương lai rộng mở

Trong Lady Bird, Chalamet thủ vai bạn trai của cô gái Christine (Saoirse Ronan) và nhận được nhiều lời khen ngợi. Nhưng bước đột phá thực sự phải là vai chàng trai 17 tuổi Elio trong bộ phim Call Me by Your Name đặt bối cảnh tại Italy vào đầu thập niên 1980. Elio tận hưởng mùa hè bên cha mẹ và cô bạn gái Marzia. Sự yên bình ấy bị xáo trộn với sự xuất hiện của học giả trẻ Oliver (Armie Hammer). Anh chàng người Mỹ này tới sống cùng gia đình Elio trong sáu tuần để phụ giúp cha Elio trong công việc. Dưới ánh nắng rực rỡ của miền Địa Trung Hải, Elio dần cảm thấy sự cuốn hút từ người đàn ông khác giới, dẫu cả hai đều đã có bạn gái...

Đạo diễn Guadagnino chọn cách kể câu chuyện Call Me by Your Name theo góc nhìn từ Elio, để khán giả theo sát những chuyển biến cảm xúc của nhân vật này. Vẻ ngoài điển trai thư sinh, có đôi chút gì đó mong manh của Chalamet giúp cậu dễ thuyết phục người xem đây chính là nhân vật Elio mà tác giả James Ivory đã tạo ra. Sự mong manh, mơ màng của Elio tương phản với vẻ cao ráo, vạm vỡ đậm chất đàn ông của “người trong mộng” Oliver do Hammer thủ vai.
Image
Timothée Chalamet và Armie Hammer trong "Call Me by Your Name".
Tờ Empire nhận định: "Chalamet đủ sức gánh vác cả bộ phim. Cậu ấy xuất chúng tới mức nhìn những người còn lại là biết họ đang diễn”. Chalamet thực sự hóa thân vào nhân vật với những biểu cảm tinh tế, thể hiện đúng cảm xúc của một cậu thiếu niên trong mối tình đầu với đủ cung bậc cảm xúc: từ tò mò, quan tâm, để ý, rồi phớt lờ, ghen tuông, hồi hộp, yêu nồng cháy với nửa kia cho tới rạn vỡ... Ngay cả tình tiết Elio tò mò mơn trớn một trái đào khi tưởng tượng tới Oliver cũng được Chalamet lột tả khéo léo, để khán giả thấy đó là hệ quả của khao khát tình yêu tự nhiên chứ không hề dung tục.

Khi Call Me by Your Name được trình chiếu tại Liên hoan phim New York, bộ phim này được khán giả đứng dậy vỗ tay tới tận 10 phút sau khi phim kết thúc. Tâm điểm của những lời khen là Chalamet, khi các tờ báo như Variety, New York Times hay Hollywood Reporter đồng loạt ngợi ca anh là “điểm sáng đột phá” của bộ phim. Chalamet được tôn vinh tại giải Gotham với giải “Nam diễn viên đột phá” cùng đề cử “Nam diễn viên chính xuất sắc” tại những giải thưởng uy tín như Quả Cầu Vàng, SAG hay BAFTA.
Image
Nam diễn viên cũng gây ấn tượng trong "Lady Bird".
Tại Oscar 2018, Chalamet được đề cử tại hạng mục “Nam diễn viên chính xuất sắc”, bên cạnh huyền thoại diễn xuất Daniel Day-Lewis, Gary Oldman, Denzel Washington cùng ngôi sao mới nổi Daniel Kaluuya. Anh là 9x đầu tiên trong lịch sử được đề cử Oscar tại hạng mục này, và là nam diễn viên chính trẻ nhất được đề cử trong vòng 80 năm trở lại đây. Nếu giành chiến thắng ở tuổi 22, Chalamet sẽ là người trẻ nhất trong lịch sử từng được Viện Hàn lâm trao Oscar “Nam diễn viên chính xuất sắc”. Đây là những thành quả ngọt ngào cho Chalamet sau khi anh từng hụt mất vai Patrick trong phim được đề cử Oscar năm ngoái là Manchester by the Sea.

Trước "cơn mưa" lời khen, Chalamet vẫn biết cách giữ chân mình trên mặt đất. Cậu vẫn chưa quen với sự nổi tiếng và thậm chí còn rướn người lên để nhìn Meryl Streep rõ hơn khi dùng bữa với bà trong bữa tiệc dành cho các nhân vật được đề cử Oscar. Khi được hỏi rằng điều anh e sợ nhất trong tương lai là gì trong chương trình Jimmy Kimmel Live!, Chalamet bật cười lém lỉnh: “Tôi sợ rằng 50 năm nữa, tôi vẫn phải ký lên những quả đào”.

Đối với dư luận, Timothée Chalamet có thể là một ngôi sao sáng đang lên, một “DiCaprio mới”. Nhưng như Chalamet bộc bạch với MTV News, anh vẫn xem mình là một cậu nhóc đam mê phim ảnh, thích nhạc rap và sống thoải mái đúng với tuổi của mình.

Thịnh Joey

User avatar
bichphuong
Posts: 574
Joined: Mon Apr 25, 2016 12:10 am
Been thanked: 1 time

Post by bichphuong »

Francis Lai từ nay vĩnh biệt Chuyện Tình
Tuấn Thảo

Image
Nhạc sĩ Francis Lai (trái) và đạo diễn Claude Lelouch tại Cannes 1981.RALPH GATTI / AFP

"Từ những năm tháng đầu đời bên cạnh thần tượng Édith Piaf, cho tới khi nổi danh trên khắp thế giới nhờ soạn nhạc phim Hollywood, Francis Lai vẫn y như cũ : ông luôn giữ niềm đam mê của cái thuở ban đầu, ông sống cho sáng tác âm nhạc chứ ít chạy theo danh vọng hão huyền".

Nhà soạn nhạc Claude Lemesle, chủ tịch danh dự của hiệp hội các tác giả Pháp Sacem đã dùng những lời lẽ như trên khi nhắc tới người bạn đồng nghiệp quá cố. Nhạc sĩ Francis Lai qua đời hôm 07/11/2018, hưởng thọ 86 tuổi. Đối với người Pháp, tên tuổi của ông gắn liền với các bộ phim của đạo diễn Claude Lelouch. Còn đối với nhiều thế hệ người Việt, ông là người đã viết lên ca khúc bất tử Love StoryChuyện Tình, bản nhạc chủ đề của bộ phim cùng tên cực kỳ nổi tiếng.

Sinh trưởng ở thành phố Nice, miền nam nước Pháp trong một gia đình nghèo gốc Ý, Francis Lai (1932-2018) tự học nhạc từ thuở nhỏ. Nhạc khí sở trường của ông là đàn phong cầm (accordéon), nhờ vậy mà ông dễ kiếm sống từ thời còn trẻ khi chơi nhạc những ngày cuối tuần trong các đêm khiêu vũ bình dân ở ngoài trời. Đến khi trưởng thành bắt đầu cuộc sống tự lập tại Paris, ông khám phá nhạc jazz, say mê sáng tác không ngừng, biến tấu tùy theo ngẫu hứng.

Đến Paris lập nghiệp, tài nghệ của Francis Lai lọt vào mắt các nhà sản xuất. Cùng với Bernard Dimey, ông tham gia nhóm nghệ sĩ chuyên sáng tác nhạc cho Édith Piaf. Nhưng Francis Lai thật sự nổi tiếng sau khi gặp nhà làm phim trẻ tuổi Claude Lelouch, vào năm 1965 (qua lời giới thiệu của ca sĩ Pierre Barouh, vào thời ấy ông vừa từ Brazil trở về Pháp). Kết hợp nhạc jazz với các giai điệu bossa nova đang trở nên thịnh hành thời bấy giờ, Francis Lai sáng tác cùng lúc nhiều giai điệu cực kỳ dễ nhớ cho bộ phim ‘‘Un Homme et Une Femme’’. Ông là một trong những người đầu tiên đưa phong cầm điện tử vào trong nhạc phim.

Nhờ vào tài hòa âm của nhạc sĩ Ivan Jullien và sau đó nữa là của Christian Gaubert, bằng cách đan xen khéo léo giọng nữ (Nicole Croisille) với giọng nam (Pierre Barouh), bản nhạc chủ đề lại càng đậm chất bossa nova. Sau khi bộ phim của Claude Lelouch đoạt Cành cọ vàng tại liên hoan Cannes năm 1966, bản nhạc chủ đề của bộ phim trở nên thịnh hành. Bài hát lại càng nổi tiếng khi có thêm phiên bản tiếng Anh ‘‘A Man & A Woman’’ ăn khách qua nhiều giọng ca hàng đầu như Ella Fitzgerald, Andy Williams hay Tom Jones …..

Cặp bài trùng Francis Lai - Claude Lelouch tiếp tục hợp tác với nhau trong vòng nhiều thập niên liền, thông qua trên dưới 35 bộ phim khác nhau. Lần hợp tác cuối cùng giữa hai nghệ sĩ này là trong năm nay cho bộ phim ‘‘Les plus belles années’’ (Những năm tháng đẹp nhất), được xem như là phần thứ ba và phần cuối cùng, kết thúc câu chuyện sau hai tập phim ‘‘Un Homme et Une Femme’’ và kế đến nữa là ‘‘Vingt ans après’’. Trong dự án này, Francis Lai hoàn tất phần sáng tác nhạc phim, nhưng ông qua đời trước khi đạo diễn Claude Lelouch kết thúc phần hậu kỳ cho bộ phim mới của ông, dự trù phát hành vào năm 2019.

Ngoài việc là tác giả chuyên viết nhạc phim cho Claude Lelouch, Francis Lai còn hợp tác với nhiều tên tuổi khác trong làng điện ảnh Pháp như René Clément, Henri Verneuil, Yves Boisset, Claude Zidi hay các đạo diễn nổi tiếng nước ngoài như Terence Young, Dino Risi hay Nikita Mikhalkov. Tổng cộng ông đã soạn nhạc cho gần 100 bộ phim, cũng như sáng tác hàng trăm ca khúc nhạc nhẹ chẳng hạn như Lữ khách dưới đêm mưa cho Nicole Croisille, La Bicyclette (Chiếc xe đạp) cho danh ca Yves Montand hay là Bonsoir Tristesse, giải nhất liên hoan ca khúc thế giới tại Tokyo năm 1977 qua tiếng hát của Nicole Martin …

Tình khúc để đời của Francis Lai, giúp cho tên tuổi này mãi mãi ngời sáng trong lòng người mến mộ vẫn là nhạc phẩm Love Story (phát hành vào năm 1971) viết cho bộ phim cùng tên của đạo diễn Arthur Hiller, lời tiếng Anh của nhạc sĩ Carl Sigman, lời tiếng Pháp của tác giả Catherine Desage. Tính tổng cộng, bản nhạc đã bán hơn 7 triệu bản, được ghi âm trong 9 thứ tiếng khác nhau, kể cả nhiều lời trong tiếng Việt.

Lời đầu tiên là của nhạc sĩ quá cố Phạm Duy, chuyển ý rất gần với lời bài hát tiếng Anh (Where Do I Begin) : ‘‘Biết dùng lời rất khó, để mà nói rõ ôi biết nói gì, cuộc tình lớn quá. Chuyện tình đáng nhớ, tuy cũ nhưng là biển già trắng xoá. Cuộc tình quí giá như những ngọc ngà, người dành cho ta, ôi biết nói gì ’’. Lời Việt thứ nhì không rõ tên tác giả có những câu như sau : ‘‘Có chuyện tình muốn nói, chuyện tình với những mộng thắm trong đời dù tình mới đến. Tình đầy chất ngất tình rất đậm đà, tình rộng bao la. Tình nồng ấm đó là chỉ chuyện tình nàng dành cho ta, cho hết đời này’’.

Nhờ nhạc phẩm "Love Story" (Chuyện Tình), Francis Lai đoạt cùng lúc giải thưởng điện ảnh Oscar và Quả cầu vàng dành cho nhạc phim xuất sắc nhất năm 1972. Thế nhưng trái với các đồng nghiệp cùng thời như Maurice Jarre (chuyên viết nhạc phim cho đạo diễn David Lean) hay Michel Legrand (tên tuổi gắn liền với dòng phim của Jacques Demy), Francis Lai ở lại Pháp chứ không sang Mỹ làm việc, bất kể các hợp đồng và những khoản thù lao kếch sù với các hãng phim Hollywood.

Theo nhạc trưởng Jean-Claude Petit, lúc sinh tiền Francis Lai thức rất khuya và chủ yếu sáng tác vào ban đêm, ông không bao giờ gặp ai hay tiếp khách vào buổi sáng như thể ông né tránh ánh sáng ban ngày... Đối với một người ‘‘sợ nắng’’, Francis Lai lại thổi vào trong những tình khúc của ông một làn hơi ấm nồng, nơi giai điệu ngàn khơi gió lộng, giữa mùa hè ngập tràn sức sống.

User avatar
VuPhong
Posts: 2910
Joined: Wed Dec 01, 2004 4:28 pm

Post by VuPhong »

Trầm Tử Thiêng, một đời ‘Tưởng Niệm’
Cát Linh/Người Việt
January 25, 2019

Image
Trầm Tử Thiêng năm 1986. (Hình: Tài liệu)
LITTLE SAIGON, California (NV) – Có một người nhạc sĩ mà gia tài âm nhạc ông để lại rất đa dạng và phong phú. Những sáng tác của ông là một mảng ghép giữa cuộc đời, tình yêu, và thân phận.

Chúng ta sẽ thấy một “Kinh Khổ” hoàn toàn không có tương quan với “Mười Năm Yêu Em.” Hay một “Mộng Sầu” sẽ hoàn toàn khác hẳn với “Một Đời Áo Mẹ Áo Em.” Đó là cố nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng, tác giả của những ca khúc bất hủ về tình yêu và chiến tranh. Cuối đời mình, ông đã cùng với nhạc sĩ Trúc Hồ viết lên những bản hợp ca oai hùng nói về tình yêu quê hương, nhân loại.


“Em đi chiều nay, đường nắng duỗi thân dài.
Chân chưa vội lay, lại đau từng bước mọn.
Em ca bài ca, chiều nay buồn hơn khóc.
Nghe từng ngày mai thẫn thờ, một mình đây…” (Mây Hạ)

“Hôm nay, anh trình bày cùng với Khánh Ly bài ‘Mây Hạ.’ Xin anh cho biết bài hát này anh viết từ năm nào?”

“Bài hát này anh viết năm 1967, lúc đó anh vào quân đội được một năm rồi.”

Cố nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng từng nói rằng: “Khi một ca khúc, khi một tình khúc được ra đời thì nó mang nhiều ý nghĩa, và trong đó cũng có phảng phất một tình yêu của mình.”

Tiếng nói, tiếng hát trầm, ấm, chân tình như chính bút hiệu của ông, Trầm Tử Thiêng. Một bút hiệu mà khi gọi lên, gợi cho người nghe những suy tưởng về một cuộc đời cô độc và có chút gì… ai oán.

Thế nhưng, không.

Người bạn vong niên từ thưở còn ở Sài Gòn cho đến suốt những năm sống ở quê người của Trầm Tử Thiêng, là nhà thơ Du Tử Lê nói rằng, bạn của ông là một người có “cuộc sống khép kín” chứ không cô độc, không lẻ loi.

“Ông ấy ít tâm sự với bằng hữu về đời sống tình cảm, chỉ một vài người biết thôi. Ông ấy là người đối xử với bằng hữu rất tử tế, như bát nước đầy. Đó là một người đối với bằng hữu hay lắm, nhưng lại là một người rất kín đáo về đời sống riêng,” nhà thơ Du Tử Lê nói.

Cố nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng để lại cho đời khoảng 200 ca khúc về tình yêu, thân phận, quê hương và chiến tranh. Hành trình sáng tác cũng như tác phẩm của ông gắn liền với thời cuộc của đất nước và của chính cuộc đời ông. Từng giai đoạn, từng biến cố trên quê hương đều ảnh hưởng rất lớn đến ca khúc của nhạc sĩ họ Trầm.

Cuộc đời sáng tác của ông có thể nhìn ở ba giai đoạn quan trọng, trước ngày 30 Tháng Tư, 1975, sau năm 1975 và thời gian ông lưu lạc ở quê người. Cả ba giai đoạn đều tồn tại một Trầm Tử Thiêng đau nỗi đau quê hương và một Trầm Tử Thiêng tôn thờ tình yêu thủy chung.

Trong một lần trả lời cố nhà báo Trường Kỳ, cố nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng có nói rằng “mỗi giai đoạn trong tác phẩm của ông đều có sự hiện diện của tình yêu, hoặc thân phận của con người qua mọi biến chuyển của cuộc sống. Dĩ nhiên, nó xen lẫn nỗi đau thương và niềm hạnh phúc” (trích tuyển tập Nghệ Sĩ 3 xuất bản năm 1998).
Image
Cố nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng và ca sĩ Khánh Ly. (Hình: Tài liệu)
Trầm Tử Thiêng, người đau nỗi đau quê hương

Khi nói về những sáng tác của nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng lúc còn trong nước, tính đến Tháng Tư, 1975, nhà thơ Du Tử Lê nhắc đến ca khúc “Hương Ca Vô Tận.”

“Trong thời gian này, ông có hai loại nhạc. Loại nhạc thứ nhất là nhạc tình cảm. Một bài nổi tiếng của ông ấy mà tôi tin nhiều người biết đó là ‘Hương Ca Vô Tận.’”

Cuối thập niên 1950, rất khó, hay nói đúng hơn là không có một nhạc sĩ nào dùng tên riêng của một người con gái để gửi vào nhạc phẩm của mình. “Hương Ca Vô Tận” đã đánh dấu một cái nhìn mới, rất phóng khoáng của chàng thanh niên trẻ Trầm Tử Thiêng với việc ông đặt tên cho sáng tác của mình.

Nhà thơ Du Tử Lê nhớ lại: “Thời đó, tính đến cuối năm 1975, thì các nhạc sĩ không muốn đem tên người vào trong nhan đề, cũng như ca khúc, vì họ cho như vậy là cá nhân quá, tư riêng quá. Khi mà bà Thái Thanh chọn hát thì mình cũng hiểu là nó có một giá trị nghệ thuật nào đó, và bà đã rất thành công với bài ‘Hương Ca Vô Tận.’”

Năm 1968, Trầm Tử Thiêng kể lại câu chuyện cây cầu Trường Tiền bị giật sập trên sông Hương như thể ông đang chia sẽ nỗi đau với người dân xứ Huế, một nơi rất gần với Quảng Nam, miền đất quê ông. Đây cũng là ca khúc đầu tiên của Trầm Tử Thiêng đánh dấu việc ông chính thức dùng âm nhạc để phản ảnh biến cố lịch sử.

“Nói về đặc thù của nhạc Trầm Tử Thiêng tôi nghĩ chúng ta nên đề cập đến bài ‘Kinh Khổ,’ là bài ông ấy rất tự hào, chỉ xây dựng trên ba nốt nhạc mà thôi. Tôi cho rằng trong dòng tân nhạc Viêt Nam chưa có người nhạc sĩ nào sáng tác một ca khúc mà chỉ với ba nốt nhạc mà thôi.”

Từng đoàn người lũ lượt kéo nhau đi, rồi lũ lượt kéo nhau trở về trong tiếng cầu kinh. Đi đâu? Ai đi? Ai trở về? Trầm Tử Thiêng không hề nhắc đến. Chỉ thấy rằng trùm phủ trong ba nốt nhạc ấy là thân phận của dân tộc Việt Nam, qua hình ảnh của người mẹ đêm đêm vọng cầu lời kinh khổ.

Ba nốt nhạc vang lên đều đặn như tiếng gõ mõ cầu kinh, hiền lành nơi cửa từ bi nhưng tiếng vọng thì ai oán xé nát màn đêm.

Trầm Tử Thiêng yêu quê hương như chính thân phận mình. Ông ngồi đấy, nghiêng tai, soi lại đời mình, cũng chính là lúc ông nhìn lại hoàn cảnh thân phận của người Việt Nam, tuổi trẻ Việt Nam, ngậm nhắm những kỷ niệm dù là không đầm ấm.
Image
Cố nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng. (Hình: Tài liệu)
Trầm Tử Thiêng, người tình thủy chung

Kỷ niệm là những gì đã trôi qua tầm tay, thuộc về một sân ga có tên là quá khứ. Mỗi một ngày là sân ga ấy lại xa hơn so với con đường phía trước. Thế nhưng, như định luật không thành văn, mỗi khi tình cờ nhìn lại một kỷ vật, hay đôi khi chỉ cần nghe một tiếng cười, đi qua một mùi hương thoảng quen nào đó, thì tất cả ký ức như ngọn lửa cuồn cuộn tràn về. Có ai đã từng một lần nhìn vào tấm ảnh úa vàng có in dấu những mảng vụn vỡ của Sài Gòn ngày cũ, rồi thẫn thờ nhớ về tháng ngày đã qua, thấy mình như đứa trẻ mồ côi lạc loài? Trầm Tử Thiêng đã từng như thế.

“Khi ông ấy nhớ lại một cuộc tình, hơi bi thảm, và tôi cho rằng vì cuộc tình ấy mà gần như cả cuộc đời ông ấy không có gia đình. Cái bài tiêu biểu cho cuộc tình bi thảm và thủy chung của nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng, đó là ‘Đêm Nhớ Về Sài Gòn,’” nhà thơ Du Tử Lê chia sẻ về cuộc đời người bạn của mình.

Với đất nước, ông chọn cho mình là một người viết sử bằng âm nhạc. Với tình yêu, ông chọn làm người tình thuỷ chung, dù là mười năm, hay mười lăm năm, hay nhiều hơn nữa.

“Linh hồn của hai bản nhạc ấy là một người thôi. Ông ấy viết ‘Mười Năm Yêu Em’ là vì khi ông ấy qua đây là mười năm, cũng là thời điểm ông ấy viết ‘Đêm Nhớ Về Sài Gòn.’ Như tôi hiểu, như tôi biết, sở dĩ ông ấy trân trọng như vậy là bởi vì người phụ nữ đó cho đến ngày ông ấy mất thì vẫn không có lập gia đình. Vì vậy ông ấy rất trân trọng mối tình ấy.”

Cho đến những ngày cuối đời, có thể gọi là giai đoạn thứ ba trong cuộc đời sáng tác của Trầm Tử Thiêng, là giai đoạn ông cùng với nhạc sĩ Trúc Hồ ghi dấu ấn với những bản hợp ca hùng tráng như “Bước Chân Việt Nam,” “Bên Em Đang Có Ta”…

Trái tim của Trầm Tử Thiêng suốt một đời đập cùng nhịp đập của đất nước. Hơi thở của ông đầy, vơi theo dòng thủy triều của vận mệnh nước Việt. Bao nhiêu năm sống lưu lạc xứ người, cho đến cuối đời mình, ông vẫn đau đáu nghĩ về “Một Đời Áo Mẹ Áo Em.” (Cát Linh)

hoangphong
Posts: 391
Joined: Tue Feb 12, 2019 7:20 am

Post by hoangphong »

Mùa Xuân trong nhạc Việt
Du Tử Lê

Image
Thiếu nữ và hoa. (Hình: Dân Huỳnh)
GIAI PHẨM NGƯỜI VIỆT XUÂN KỶ HỢI 2019 – Không ít người đã tự hỏi, ngoài Việt Nam, ở Châu Á còn có nhiều quốc gia, khác, cũng chọn ngày đầu năm Âm Lịch làm ngày đánh dấu năm mới bắt đầu. Nhưng ở lãnh vực âm nhạc, có dễ không một nền văn hóa nào có nhiều ca khúc viết về mùa Xuân đa dạng, sâu sắc như những ca khúc viết về mùa Xuân của dòng tân nhạc Việt Nam (?).

Sự kiện này, hiện ra, rõ nhất là trong những năm đầu của nền Đệ Nhất Cộng Hòa, miền Nam Việt Nam, trong khoảng thời gian từ 1955 tới 1965.


Tôi nghĩ, có thể có nhiều nguyên cớ để giải thích cho hiện tượng đặc biệt ấy. Tuy nhiên, theo tôi, có hai nguyên cớ chính, giải thích cho trường hợp vừa kể.

Thứ nhất, sau một thời gian dài chiến tranh tàn khốc, hiệp định Genèva được ký kết ngày 20 Tháng Bảy, 1954, chia cắt Việt Nam thành hai phần! Riêng miền Nam đã lập tức có được tự do và, sự an lạc mà người dân khao khát (dù không bền lâu).

Nó giống như sau quá nhiều tháng, năm đen tối, u ám, bỗng trời quang mây tạnh. Ánh sáng hân hoan, lung linh, chan hòa khắp nơi. Lòng người hớn hở, tâm hồn phơi phới… Chính tính cách đáng kể của thổ-ngơi kia, đã mang lại những dưỡng chất cần thiết cho sự nảy nở, và hưng thịnh ở miền Nam, từ kinh tế tới văn học, nghệ thuật…

Sinh hoạt âm nhạc, nằm trong lãnh vực nghệ thuật, nên cũng đã có những thành tựu kỳ diệu, mà riêng Xuân-khúc cũng đã có hàng trăm ca khúc giá trị, ra đời.

Thứ đến, nhiều quốc gia ở vùng Đông Nam Á, tuy cũng chọn ngày đầu năm Âm Lịch, làm ngày khởi đầu cho một năm mới. Nhưng có dễ chỉ phong tục, tập quán ngàn đời của dân tộc Việt mới cho thấy tính trân trọng, thiêng liêng những ngày đầu Xuân ấy. Nó trở thành truyền thống di truyền trong vô thức của người Việt – ngay cả với những người phải sống bên ngoài đất nước.

Vì thế, mỗi năm, trước khi chào đón ba ngày đầu năm mới, người Việt đã có những chuẩn bị mang tính thiêng liêng như: Những người phải làm ăn xa thì sẵn sàng bỏ việc, trở về nguyên quán để cùng gia đình, ruột thịt dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa… Trên các bàn thờ, chân đèn, lư hương được lau chùi, đánh bóng; trưng những loại hoa quả có màu sắc rực rỡ, ý nghĩa. Những chợ hoa nhóm họp. Quần áo mới được may sắm từ trẻ em tới người lớn…

Phong tục đón rước ông Táo hay Ông Đầu Bếp vào ngày 23 Tháng Chạp, cũng được các gia đình chuẩn bị kỹ lưỡng. Mục đích xin ông Táo khi về trời, sẽ tấu trình Thượng Đế cho toàn gia đình một năm mới an lành, hạnh phúc.
Image
Vui Xuân. (Hình: Dân Huỳnh)
Đêm 30, một ngày trước Mồng Một Tết, cũng là ngày quan trọng, ý nghĩa không kém. Đêm này được ghi nhận qua ca khúc “Anh Đến Thăm Em Đêm 30,” thơ Nguyễn Đình Toàn, nhạc Vũ Thành An. Ca từ của ca khúc này dù ảnh hưởng ngữ-cảnh Tây phương, nhưng vẫn cho thấy niềm hân hoan, ân cần, tình nghĩa theo truyền thống dân tộc:

“Em đến thăm anh đêm 30
Còn đêm nào vui bằng đêm 30
Anh nói với người phu quét đường
Xin chiếc lá vàng làm bằng chứng yêu em.
.
Tay em lạnh để cho tình mình ấm
Môi em mềm cho giấc ngủ anh thơm
Sao Giao Thừa xanh trong đôi mắt ngoan
Trời sắp Tết hay lòng mình đang Tết
.
Tháng ngày đã trôi qua. Tình đã phôi pha
Người khuất xa. Chỉ còn chút hương xưa
Rồi cũng phong ba. Rụng cùng mùa…”

Và, cũng là đón Giao Thừa, nhưng đó là Giao Thừa của một người lính gác giặc thời thanh bình, không vương chút hận thù, bất hạnh trong ca khúc “Phiên Gác Đêm Xuân” của cố nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông (1932-2018). Ca khúc mang tính lãng mạn của mùa Xuân, với người lính phải “trấn thủ lưu đồn”:

“Đón Giao Thừa một phiên gác đêm
Chào Xuân đến súng xa vang rền
Xác hoa tàn rơi trên báng súng
Ngỡ rằng pháo tung bay, ngờ đâu hoa lá rơi…”

Khi chiến tranh, tang tóc bắt đầu chít những chiếc khăn tang lên phần đất thanh bình miền Nam thì, những Xuân-khúc vui tươi, trong sáng, hạnh phúc không còn nữa. Ở giai đoạn này, tuy cũng có một vài Xuân- khúc, được ghi nhớ, như ca khúc “Xuân Này Con Không Về” của cố nhạc sĩ Nhật Ngân (1942-2012). Nhưng đó chỉ là những ca khúc phản ảnh tâm trạng chiến tranh, bất an mà thôi.

Rồi Mồng Một Tết đến với cỗ bàn, cúng tế tổ tiên, những người khuất mày, khuất mặt; đi kèm với tục lệ chúc Tết người trên, “mừng tuổi” người dưới. Sự kiện này, có thể tóm tắt như sau: “…Chúc Tết hay mừng tuổi là nói những lời cầu mong tốt lành cho người khác trong những ngày đầu năm. Trong gia đình, sáng Mồng Một thì con cái chúc Tết cho cha mẹ và ông bà (nếu cùng sống chung). Con cháu mà chưa có gia đình thì cũng được ông bà, cha mẹ chúc lại và cho một món tiền đựng trong một phong bì đỏ gọi là lì xì. Tiền lì xì thường là những tờ giấy bạc còn mới. Trong ba ngày đầu năm, hay còn gọi là ba ngày Tết, người ta đi đến nhà bà con, bạn bè, để chúc những điều tốt lành cho năm mới. Ngay cả với những người mới gặp cũng vẫn vui vẻ và chân thành chúc nhau…”
Image
Chở Xuân về nhà. (Hình: Dân Huỳnh)
Ở góc độ gia đình, truyền thống keo sơn của dân tộc, cũng được cố nhạc sĩ Phạm Duy (1921-2013), ghi lại trong bài “Xuân Ca,” với diễn tiến: Khởi đầu là tình yêu của cha và mẹ; rồi tới con, cháu… Như một thứ dây chuyền hạnh phúc tiếp nối không dứt:

“Xuân trong tôi đã khơi trong một đêm vui
Một đêm, một đêm gối chăn phòng the đón cha mẹ về
Xuân âm u, lắt leo trong nguồn suối mơ
Bừng reo rồi theo nắng lên từ cha chói chan lòng mẹ.
Xuân ơi Xuân! Xuân ới Xuân ơi!
.
Xuân tôi ra, góp chung câu gào thiết tha
Là xinh, là tươi có Xuân thuở xưa ước mơ hiền hòa.
Xuân xanh lơ, hắt hiu trong trời nắng mưa
Vườn Xuân là Xuân có hoa ngày mai hát Xuân thật dài
Xuân ơi Xuân! Xuân ới Xuân ơi!…”



Từ hình ảnh gia đình tới mùa Xuân giao hòa ngoài thiên nhiên, chúng ta có “Anh Cho Em Mùa Xuân,” thơ Kim Tuấn (1938-2013), nhạc Nguyễn Hiền (1927-2005):

“Anh cho em mùa Xuân
nụ hoa vàng mới nở
chiều Đông nào thương nhớ
Đường lao xao lá đầy
chân bước mòn hè phố
mắt buồn vin ngọn cây
Anh cho em mùa Xuân
mùa Xuân này tất cả
lộc non vừa trẩy lá
Lời thơ thương cõi đời
bầy chim lùa vạt nắng
trong khói chiều chơi vơi…”

Nói tới mùa Xuân của nền tân nhạc Việt, tôi nghĩ, nhiều người có thể không quên ca khúc cũng nói về mùa Xuân, nhưng vốn là một uẩn tình hay tàng ẩn một mối tình tuyệt vọng, thủy chung hiếm có. Đó là Xuân-khúc “Mộng Chiều Xuân” của cố nhạc sĩ Ngọc Bích (1924-2001):

“Gió chiều thầm vương bao nhớ nhung
Người yêu thoáng qua trong giấc mộng
Vui nguồn sống mơ
Những ngày mong chờ
Trách ai đành tâm hững hờ
.
Mối tình đầu Xuân ai thấu chăng?
Lòng tha thiết vương theo tiếng đàn
Mơ đời ái ân những ngày phong trần
Sống trong mộng đẹp ngày Xuân…”

Theo tiết lộ của người em ruột cố nhạc sĩ Ngọc Bích, trong buổi giỗ 49 ngày của tác giả Xuân-khúc ở miền Nam Cali thì: Chữ “Xuân” trong ca khúc “Mộng Chiều Xuân” còn là tên người yêu của nhạc sĩ Ngọc Bích. Đó chính là người đã viết thư tay, trước ngày 30 Tháng Tư, gửi từ miền Bắc vào Nam, nhắn nhạc sĩ Ngọc Bích đừng vội di tản, đợi bà vào… Nhưng khi thư tới Sài Gòn thì tác giả “Mộng Chiều Xuân” đã theo đài phát thanh Mẹ Việt Nam ra Phú Quốc! Họ mất liên lạc với nhau, cho tới ngày nhạc sĩ Ngọc Bích từ trần. Phải chăng vì mối tình này mà tới cuối đời, nhạc sĩ Ngọc Bích, vẫn không lập gia đình?
Image
Tết đang về. (Hình: Dân Huỳnh)
Để kết thúc bài viết này, tôi xin mượn ca từ “Ly Rượu Mừng” của cố nhạc sĩ Phạm Đình Chương (1929-1991, toàn bài, theo tuyển tập “Phạm Đình Chương Màu Kỷ Niệm,” Hội Ung Thư Việt Mỹ ấn hành, Hoa Kỳ, 2003), thay lời chúc của chúng tôi, trân trọng gửi tới quý độc giả báo Người Việt nhân mùa Xuân Kỷ Hợi 2019:

“Ngày Xuân nâng chén ta chúc nơi nơi
Mừng anh nông phu vui lúa thơm hơi
Người thương gia lợi tức
Người công nhân ấm no
Thoát ly đời gian lao nghèo khó
á a a a
Nhấp chén đầy vơi
Chúc người người vui
á a a a
Muôn lòng xao xuyến duyên đời
.
Rót thêm tràn đầy chén quan san
Chúc người binh sĩ lên đàng
Chiến đấu công thành
Sáng cuộc đời lành
Mừng người vì nước quên thân mình
.
Kìa nơi xa xa có bà mẹ già
Từ lâu mong con mắt vương lệ nhòa
Chúc bà một sớm quê hương
Bước con về hòa nỗi yêu thương
á a a a
Hát khúc hoàn ca thắm tươi đời lính
á a a a
Chúc mẹ hiền dứt u tình
.
Rượu hân hoan mừng đôi uyên ương
Xây tổ ấm trên cành yêu đương
Nào cạn ly, mừng người nghệ sĩ
Tiếng thi ca nét chấm phá tô lên đời mới…
Bạn hỡi, vang lên lời ước thiêng liêng
Chúc non sông hòa bình – hòa bình
Ngày máu xương thôi tuôn rơi
Ngày ấy quê hương yên vui
Đợi anh về trong chén tình đầy vơi
Nhắc cao ly này
Hãy chúc ngày mai sáng trời tự do
Nước non thanh bình
Muôn lòng hạnh phúc chan hòa
Ước mơ hạnh phúc nơi nơi.
Hương thanh bình dâng phơi phới.”

Với người viết bài này thì ca khúc “Ly Rượu Mừng” của họ Phạm, sẽ còn, mãi như một phẩm-vật-tinh-thần không thể thiếu của tập thể ta, mỗi độ Xuân về. (*) (Du Tử Lê)

Chú thích:

(*)Xem thêm: Du Tử Lê: “Ngọc Bích, tác giả bài hát ‘Suy Tôn Ngô Tổng Thống,’” trong “Phác họa toàn cảnh sinh hoạt 20 năm văn học nghệ thuật miền Nam 1954-1975,” cuốn 2, do HT Productions phối hợp với công ty Amazon, tái bản lần thứ nhất, Hoa Kỳ, 2016.

Xem thêm Du Tử Lê: “Nhạc Phạm Đình Chương, hạnh phúc và nỗi buồn của tân nhạc Việt” trong “Phác họa toàn cảnh sinh hoạt 20 năm văn học nghệ thuật miền Nam 1954-1975,” cuốn 1, do HT Productions phối hợp với công ty Amazon, in lần thứ hai, Hoa Kỳ, 2016.

(*) Bài đăng trên Giai Phẩm Người Việt Xuân Kỷ Hợi 2019

hoangphong
Posts: 391
Joined: Tue Feb 12, 2019 7:20 am

Post by hoangphong »

“Vice” - Chân dung của vị phó tổng thống quyền lực nhất lịch sử Hoa Kỳ
NGỌC KING, THEO HELINO 15:32 18/02/2019
Bộ phim tiểu sử "Vice" của đạo diễn Adam McKay đã lật lại cuộc đời của vị phó tổng thống khét tiếng nhưng lại ít người biết đến như Dick Cheney.
Số nhọ như Diệu Nhi: Ngoài đời có người yêu mà hễ cứ đóng phim là... ế!
Tin được không, "Trúng Số" là phim Việt Nam đầu tiên trong năm 2019 được trình chiếu trên Netflix

Vén màn câu chuyện đằng sau những lùm xùm mệt mỏi của Oscar 2019
Năm 2015, đạo diễn Adam McKay từng gây ấn tượng tại Oscar với bộ phim The Big Short lấy đề tài khủng hoảng kinh tế và một nhóm nhà đầu cơ đã tranh thủ trục lợi giữa cơn bão tài chính. Ba năm sau, cũng chính vị đạo diễn này đã đem tới Vice (Phó Tổng Thống) lấy đề tài khủng hoảng chính trị tại Mỹ sau sự kiện khủng bố 11/09 và một nhân vật đã tranh thủ chớp lấy quyền lực giữa sự hoang mang của quần chúng. Cũng chất trào lộng không giấu diếm, Vice đã lật tẩy chân dung của người đứng sau thao túng Nhà Trắng trong những năm đầu thiên niên kỷ và trở thành "ông phó" quyền lực nhất lịch sử Mỹ: Dick Cheney.

Bộ phim có kết cấu hai phần. Phần đầu kể lại hành trình của Cheney (Christian Bale) từ một cậu thanh niên nhân học bổng Yale nhưng lại vứt bỏ tương lai để trở thành một gã quèn ở quê nhà Wyoming. Sau rất nhiều cố gắng và thậm chí đe dọa từ cô hôn thê Lynne Vincent (Amy Adams), Dick dần leo lên các vị trí cao hơn trong bộ máy chính quyền trước khi được nhận vào làm tại Nhà Trắng. Nửa bộ phim kết thúc bằng việc Dick Cheney – một nhân viên mẫn cán và tham vọng – quyết định nhường lại sân khấu chính trường để lui về sau, an hưởng tuổi già cùng gia đình.

Bùm, cuộc gọi từ Nhà Trắng một ngày kia đã thay đổi tất cả, bao gồm cả lịch sử nước Mỹ về sau. Cheney được tổng thống George W. Bush (Sam Rockwell) đề đạt làm phó tổng thống, mong muốn được cố vấn bởi kinh nghiệm của cựu Bộ trưởng quốc phòng này. Chức vụ "bù nhìn" hữu danh vô thực Phó tổng thống tưởng như tầm phào, thế nhưng Dick đã nhìn ra cơ hội trong đó.
Image
"Một vài ông phó thì nguy hiểm hơn các ông khác".
Cheney nhìn Bush con đang ba hoa. Một gã ngốc, Cheney nghĩ vậy. Một gã ngốc, Adam McKay cũng nghĩ vậy. Thế là Cheney trở thành phó tổng thống, từ đó giật dây và thao túng hàng loạt chiến dịch quân sự, xã hội qua mắt Bush con, sở hữu quyền lực mà không một vị phó nào trước ông hằng mơ tới.

Kẻ "đi săn" thiếu tính người
Image Không thể phủ nhận việc Adam McKay xây dựng Dick Cheney với một sự bất bình sâu sắc. Trong nhiệm kỳ của mình, Cheney đã thực hiện các chính sách gây tranh cãi từ vi phạm nhân quyền cho đến tự do thông tin cá nhân. Dưới lá cờ "tiêu diệt khủng bố", nước Mỹ dưới thời Cheney (và Bush) đã tiến hành các hoạt động xâm lược Iraq, kiểm soát mọi thông tin của công dân Mỹ và hàng loạt chiến dịch gây tranh cãi khác.

Sự bất bình được thể hiện trong cách McKay mô tả chính khách này như một con thú săn mồi với bản năng chinh phạt và khát khao quyền lực nhiều hơn là một vị phó tổng thống chính trực. Con đường quyền lực của Dick Cheney được gắn với hình ảnh ẩn dụ về việc đi câu, mà con mồi thì sõng soài từ đám chính khách đối thủ cho tới thậm chí dắt mũi cả tổng thống. Có mấy ai đi câu mà còn xót thương lũ cá câu được. Chân dung của Cheney trong mắt của McKay vừa trào phúng, vừa đáng sợ nhất là một nửa về sau khi con người này đã có trong tay thứ mà ông ta hằng mơ ước: quyền lực tuyệt đối.


Điều duy nhất ngăn Vice trở thành một bộ phim về kẻ phản diện hoàn toàn, là sự tận tâm của Cheney với gia đình. Ông ta trân trọng vợ mình, luôn bảo vệ cô con gái đồng tính, luôn dành thời gian quanh vợ con. Nếu như không có cú điện thoại lịch sử kia, có lẽ mãi mãi Cheney sẽ được biết tới như một CEO thành đạt, một mẫu người đàn ông cho gia đình và nhân viên cần kiệm tại nội các chính phủ.

Diễn xuất "tốt như mọi ngày" của dàn sao

Vice không phải là một phim mới lạ của Christian Bale khi chiêu "tăng cân, giả giọng" đã được ngôi sao này dùng không biết bao nhiêu lần. Từ một soái ca Anh quốc, Bale hô biến trở thành một ông già người Mỹ béo tròn với cái đầu hói. Thành thực mà nói, vai Dick Cheney của Bale quá tròn trịa, quá "Oscar" tới mức người ta quên luôn là anh đã từng đóng Người Dơi sáu múi.
Image Tuy vậy kịch bản không quá sâu sắc của Vice đã hạn chế rất nhiều khả năng của diễn viên chính, khiến nhân vật của anh không có chiều sâu ấn tượng như Michael Burry trong The Big Short của Adam McKay. Đề cử Oscar của anh cho hạng mục Nam chính xuất sắc không có gì ngạc nhiên, tuy nhiên so với màn trình diễn bùng nổ của Rami Malek trong Bohemian Rhapsody năm nay thì Bale khá "lép kèo".
Image
Sam Rockwell (phải) với vai tổng thống George W. Bush.
Trong dàn diễn viên còn lại gồm những cái tên đình đám như Amy Adams, Steve Carell,… nổi bật nhất phải kể tới Sam Rockwell khi xuất sắc hóa thân thành tổng thống George W. Bush. Không chỉ bắt chước hoàn hảo về ngoại hình, phong thái cho tới cách ăn nói, nam diễn viên này còn thổi vào đó cái hài hước khiến chân dung Bush "con" trở nên sống động hơn bao giờ hết. Một lần nữa ngôi sao này lại chứng tỏ tài năng của mình ở vị trí nam phụ sau Three Billboards Outside Ebbing, Missouri năm 2017.

Vice không phải là một bộ phim dễ xem, nếu muốn nói là khô khan với nhiều người bởi lượng kiến thức về chính trị và lịch sử trong thời lượng 2 tiếng đồng hồ. Tuy nhiên nếu là một người quan tâm tới Oscar năm nay và yêu mến đạo diễn Adam McKay thì xin đừng bỏ qua bức chân dung vừa trào phúng, vừa ghê sợ về vị Phó tổng thống quyền lực khét tiếng của nước Mỹ Dick Cheney.

Bộ phim hiện nằm trong top đề cử Oscar 2019 với 8 hạng mục gồm Phim xuất sắc, Đạo diễn Xuất sắc (Adam McKay), Nam chính xuất sắc (Christian Bale), Nam phụ xuất sắc (Sam Rockwell), Nữ phụ xuất sắc (Amy Adams), Kịch bản gốc xuất sắc, Trang điểm và Làm tóc xuất sắc và Dựng phim xuất sắc.

User avatar
bichphuong
Posts: 574
Joined: Mon Apr 25, 2016 12:10 am
Been thanked: 1 time

Post by bichphuong »

Image

Chôn mà không chết
Mấy năm trước, một nhóm nhạc sĩ Hà Nội dự định làm một cuộc cách mệnh lật đổ một thể loại âm nhạc đại chúng của Sài Gòn: BOLERO. Khởi đầu bằng những phát biểu có tính mỉa mai và không xem đó là âm nhạc, hầu hết những nhạc sĩ ấy đều là người tôi có quen biết, từng cụng ly uống rượu và thậm chí tôi từng tham gia xuyên việt với tư cách Mc. Tôi biết rõ “đại ca lãnh đạo“ là ai. Thế nên, trong bài viết này sẽ trên tinh thần đối thoại thẳng thắn nhưng không khiêu kích, bôi bác cá nhân ai, nó sẽ hiếu hòa nhưng không nhượng bộ điều gì không thể nhượng bộ.

Chôn không chết.

Sau 1975 ,toàn bộ nền âm nhạc miền nam nói chung Sài Gòn nói riêng được liệt kê vào loại phản động cấm phổ biến, trong đó bolero cách gọi chung một thể loại nhạc đại chúng uỷ mị không có giá trị, nấm mồ được đào và bolero cũng được chôn xuống chờ xanh cỏ…

Nhưng người miền nam trong thời chiến, trước 1975 không có thông tin để biết rằng tại Hà Nội miền bắc thập niên 1970 có một vụ án bi thương: vụ án “Toán xồm – Lộc vàng“ (xin tra google), hai chàng trai trẻ tuổi mê nhạc tiền chiến, nước ngoài, ”nhạc vàng“ của Sài Gòn dù đi hát chui cũng bị dong ra vành móng ngựa tội tuyên truyền phổ biến nhạc đồi truỵ - phản động. Toán xồm 15 năm tù. Lộc vàng 10 năm tù. Nhờ án tù cao nên hai người tù không phải đi lính, bộ đội, không phải đi qua chiến tranh. Năm 1982, mãn án tù trở về khi tới ga Hàng Cỏ, từ những chiếc cassette chiến lợi phẩm mang từ miền nam về ầm ĩ toàn những thứ “nhạc vàng uỷ mị“ thứ âm nhạc lấy đi mỗi người trên dưới 10 năm trong lao tù. Toán xồm vài năm sau đó chết trước cửa ngôi nhà cũ bị chiếm dụng của mình đúng ngày 30 tháng tư, Lộc vàng còn sống đến hôm nay, mở một quán cà phê ven Hồ Tây đêm đêm vẫn hát…nhạc vàng.

Thứ âm nhạc đã bị chôn mà không chết, mãi mồ không xanh cỏ.

Thêm 40 năm nữa , một ngày kia bỗng thấy trên truyền hình quốc gia VTV tràn ngập loại âm nhạc “uỷ mị bolero“.những cuộc thi đủ màu sắc tưng bừng diễn ra.những gương mặt ca sĩ trước đây chỉ thấy ở những chương trình hải ngoại nay nghiễm nhiên xuất hiện trên hàng ghế quyền lực lệch trời với thí sinh: BAN GIÁM KHẢO! Thứ âm nhạc “uỷ mị - bình dân –sến súa !“ ấy chiếm lĩnh sóng truyền hình hơn mọi game chơi nào khác.
Một cách tự nhiên cuộc “phục thù ngọt ngào“ không đổ máu, không có tiếng súng đạn – chỉ thí sinh – ban giám khảo và bolero: sứ mệnh hoàn tất.

những ca khúc đỏ một thời bỗng lui vào viện bảo tàng, chỉ đưa ra trong vài ngày “ giỗ chạp“.
Đấy! chết mà chưa chôn, chưa kể âm nhạc “ hường hường “ của các anh.


Hôm nay, dù yêu hay ghét Trịnh thì một sự thật không thể phủ nhận đây là nhạc sĩ có khối lượng người hâm mộ trong và ngoài nước khổng lồ. Người được công chúng quan tâm hàng đầu trong nền âm nhạc đương đại việt nam.
Con người có vẻ ngoài gầy gò , gương mặt phảng phất vẻ trầm mặc của một “thiền sư“, có một cuộc đời tưởng như êm ả với quá nhiều thành công lại không phải vậy, trong niềm tin ngây thơ của một người thiên tả, ông phạm một vết hằn khó phai trong lời kêu gọi trên đài phát thanh trưa ngày 30 tháng 4 – 1975. Nhưng buồn thay cũng chính ông sau đó chịu nhiều đối xử, phân biệt hệt như những văn nghệ sĩ khác của Sài Gòn thời đó cho đến khi được một “nhà bảo trợ lớn“ Võ Văn Kiệt đỡ đầu. Trịnh Công Sơn qua một trang sử khác bắt đầu dễ thở hơn dù nhiều ca khúc danh tiếng của ông trước 1975 vẫn bị cấm phổ biến. Loạt “ ca khúc da vàng” là một ví dụ, thập niên 80 - 90 mỗi khi viết một ca khúc mới Trịnh Công Sơn vẫn phải đến hát trước cho một vài anh chị em báo Tuổi Trẻ nghe, trong ấy có tôi để tìm sự khen ngợi, ủng hộ cho ca khúc mới của mình. Báo Tuổi Trẻ luôn đăng những ca khúc ấy của ông “Chiều trên quê hương tôi – Bốn mùa thay lá …” trừ “Em còn nhớ hay em đã quên“ vẫn bị kiểm duyệt buộc gỡ xuống trong đêm chuẩn bị in báo từ một nhận định kiểu tuyên giáo “em ra đi nơi này phải đổi mới, phải khác chớ sao vẫn thế? cách mạng đã về rồi Sài Gòn phải khác…”

Cuối đời, khi mọi khó khăn đã qua, nhìn lại mình trong nỗi cô đơn Trịnh Công Sơn viết ca khúc u uẩn như dành riêng cho mình “ Tiến thoái lưỡng nan - tiến thoái lưỡng nan đi về lận đận…ngày xưa lận đận không biết về đâu…về đâu cuối phố về đâu góc trời…xa xăm tôi ngồi tôi tìm lại tôi …”
2001 Trịnh Công Sơn mất, một đám tang vô tiền khoáng hậu với số lượng người Sài Gòn đưa tiễn! hơn 15 năm sau, ông được đặt tên đường.
Trịnh Công Sơn, kẻ bị nghi kỵ, phân biệt đối xử bỗng một hôm có không chỉ một mà đến hai con đường mang tên mình.một ở Hà Nội, một ở Huế. Cái mà bao nhiêu nhạc sĩ cách mạng cả đời thèm muốn, đến chết vẫn thèm thì Trịnh thong dong từ cõi vĩnh hằng hoàn tất cuộc “phục thù ngọt ngào“: Trịnh Công Sơn có tên đường như Văn Cao, Đỗ Nhuận, Nguyễn Đình Thi...

Cũng thập niên 90, một nhạc sĩ xuất thân phong trào sinh viên đô thị kênh kiệu tuyên bố “Nhóm những người bạn [Trịnh Công Sơn, Tôn Thất Lập, Trần Long Ẩn, Thanh Tùng , Nguyễn Ngọc Thiện, Vũ Hoàng, Nguyễn Văn Hiên, Từ Huy] đã đẩy lùi “âm nhạc hải ngoại“.
Tuyên giáo nghe sướng nhưng người nghe nhạc thì cười mỉm . “ thật không? “
....

Khoảng sân nhỏ nhà tôi một buổi tối cúp điện, những năm ấy, điện cúp một tuần 2 ngày 3 đêm. Tôi tiếp anh trong khoảng sân nửa sáng nửa tối của ngọn đèn dầu hắt ra, anh đến chào tạm biệt về lại Bắc Ninh. Giọng anh buồn rầu “tôi phải về chốn cũ thôi, ở đây họ không chấp nhận nhạc của tôi …” tôi nói “anh cứ về đi tôi tin rằng chỉ 5 năm sau khi anh quay lại Sài Gòn, sẽ là câu chuyện khác, họ sẽ phải nghe ca khúc của anh …”
Anh là người có kiến thức rộng nhiều lãnh vực, có tài năng tôi tin như thế.
Tôi không rõ khi anh quay lại Sài Gòn có đúng 5 năm không, nhưng ca khúc của anh đang rất nổi tiếng “ cho em một ngày , hoạ mi hót trong mưa , nghe mưa..vv ” tên anh đã được nhắc tới.

...Giờ thì anh đã có tên tuổi dù âm nhạc của anh ít dần trong công chúng. Anh bắt đầu có những nhận định khác. Khi anh và nhóm của mình coi thường một thể loại âm nhạc được các anh xem là “sến “ của công chúng Sài Gòn nghĩa là cùng lúc các anh giới thiệu một lỗ hổng lớn, một cái nhìn cục bộ hẹp hòi mà âm nhạc, nghệ thuật không nên có. Các anh có người sang tận Hoa Kỳ học hành trở về với nhiều tự hào vẫn quên một điều căn bản, nền giáo dục nghệ thuật nước Mỹ cho mọi người ngay từ lớp học phổ thông hiểu biết về mọi thể loại, hình thái âm nhạc : rock , funk , jazz, country vv… và ai chọn lựa hình thái âm nhạc nào là quyền yêu thích riêng của họ, không có chuyện Mozart , Beethoven …sang hơn anh mù Ray Charles hay John Denver của country music là sến.
Các anh phạm vào điều cao ngạo, trịch thượng trong nghệ thuật .

Những cuộc “ phục thù ngọt ngào “ đang và đã diễn ra. Khán giả chọn lựa nó, thứ âm nhạc chôn mà không chết.
Muốn nó chết, dễ thôi! Các anh hãy làm nhạc hay hơn nó, có tài năng hơn nó để vĩnh cửu như nó …
Dèm pha, mai mỉa, xúc phạm nó vô nghĩa ! Nó càng bất tử !
Chỉ vậy thôi !

Đỗ Trung Quân

User avatar
bichphuong
Posts: 574
Joined: Mon Apr 25, 2016 12:10 am
Been thanked: 1 time

Post by bichphuong »

Image

THÁNG BA NĂM ẤY, DANH CA NGỌC LAN RA ĐI MÃI…
Thoáng chốc, mọi thứ đã thành kỷ niệm. Và giọng ca của danh ca Ngọc Lan hôm nào, giờ đây cũng đã là hoài niệm.
Tháng 3 năm 2001, căn bệnh quái ác đã cướp đi giọng hát mà hàng triệu người Việt yêu mến, bất chấp những cách trở về địa lý và chính trị sau năm1975.

Nhân tháng 3 về, mời quý anh chị dành chút ít thời gian để cùng tưởng nhớ về một giọng ca độc đáo của nền tân nhạc Việt Nam: ca sĩ Ngọc Lan.
-----------------

Ngọc Lan (28 tháng 12 năm 1956 – 6 tháng 3 2001) là một ca sĩ hải ngoại nổi tiếng. Không chỉ với giọng hát, cô còn được khán giả đặc biệt yêu mến vì khuôn mặt khả ái và tính cách nhút nhát, khiêm tốn của mình. Ngọc Lan được cho là một trong những ca sĩ thành công và nổi tiếng nhất của nền âm nhạc Việt Nam sau năm 1975 mà cho tới nay vẫn chưa có một nghệ sĩ nào lặp lại được trường hợp tương tự. Phong cách và lối trình diễn của cô không chỉ để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng giới thưởng ngoạn mà còn góp phần ảnh hưởng đến các tiếng hát thuộc thế hệ trẻ sau này như Minh Tuyết, Y Phương, Lâm Thúy Vân… như Nhạc sĩ Trần Thiện Thanh đã có lần nhận xét: “Ngọc Lan đã tạo ra một trường phái mang tên Ngọc Lan!”.

1/ Tuổi thơ của ca sĩ Ngọc Lan

Ngọc Lan tên thật là Lê Thanh Lan, sinh ngày 28 tháng 12 năm 1956 tại Nha Trang (cô còn được gọi chung với tên Thánh là Maria Lê Thanh Lan).
Ngọc Lan là người con thứ năm trong số 8 người con trong một gia đình khá giả, cha của cô, ông Lê Đức Mậu, từng phục vụ trong Binh Chủng Truyền Tin của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Khi còn ở Việt Nam, cô đã đến với âm nhạc qua nhạc sĩ Lê Hoàng Long, từng học nhạc và biểu diễn trong một số dịp tại Nha Trang. Cô đã từng theo học ở trường Lý Thường Kiệt, ngoại ô Sài Gòn.

2/Sự nghiệp của ca sĩ hải ngoại Ngọc Lan

Năm 1980, Ngọc Lan đến Hoa Kỳ và định cư tại Minnesota. Hai năm sau, Ngọc Lan thực sự bắt đầu sự nghiệp ca hát ở California. Cô lấy nghệ danh Ngọc Lan vì tên thật Thanh Lan trùng với ca sĩ Thanh Lan đã nổi tiếng. Với sự giới thiệu của ca sĩ Duy Quang, cô đã hát tại một số quán cà phê nhạc và các buổi biểu diễn. Trong những buổi đầu đi hát với mục đích kiếm tiền phụ giúp gia đình và trang trải việc học hành, cô đã từng có ý định bỏ nghề để về phụ gia đình bán hamburger vì cô cảm thấy thanh quản của cô không cho phép cô hát quá nhiều. Nhưng được sự khích lệ của người thân và bạn bè, cô tiếp tục con đường ca hát và gặt được nhiều thành công ngoài mong đợi.

Với chất giọng ngọt ngào, trữ tình, man mác nỗi buồn, Ngọc Lan nhanh chóng được khán giả biết đến và đã được các trung tâm nổi tiếng mời thu âm như trung tâm băng nhạc Dạ Lan, trung tâm Giáng Ngọc, và xuất hiện thường xuyên tại các vũ trường, phòng trà… Đặc biệt sau khi cộng tác với trung tâm nhạc Mây Productions và được trung tâm này thực hiện riêng hai chương trình video đặc biệt Ngọc Lan 1: Như em đã yêu anh (1989) và Ngọc Lan 2: Mặt trời bên kia mùa hạ (1991) bởi đạo diễn Đặng Trần Thức thì Ngọc Lan đã đạt được đỉnh cao trong sự nghiệp âm nhạc. Hai cuốn video trên cho đến nay vẫn được đánh giá là hai cuốn video rất có giá trị về mặt nghệ thuật được dành riêng cho một nghệ sĩ.

Sự thành công ngoài sức tưởng tượng của Ngọc Lan được giới chuyên môn nhận định là do tên tuổi của cô xuất hiện vào những năm tháng mà nền âm nhạc hải ngoại đang “khát” ca sĩ và những tiếng hát mới, sự xuất hiện của cô với việc lựa chon đúng dòng nhạc Tình ca – dòng nhạc mà trong thời kỳ này rất được ưa chuộng bên cạnh những tiếng hát đã thành công với những loại nhạc này từ trước năm 1975 như Khánh Hà, Tuấn Ngọc, Duy Quang…. cũng góp phần dẫn tới sự thành công của cô. Tuy nhiên, cũng không thể phủ nhận được tài năng và chất giọng thiên phú của cô mới chính là yếu tố đưa tên tuổi của cô bay xa hơn trên bầu trời âm nhạc.

Thành công nối tiếp thành công, sau đó cuối thập niên 80 đầu 90, cô nhận lời mời của trung tâm Asia tham gia trong CD 15 Liên Khúc Tình Yêu cùng với 2 tiếng hát khác cũng đang được mến mộ lúc bấy giờ là Trung Hành và Kiều Nga, CD này đã mở ra thời kỳ của phong trào liên khúc và được ưa chuộng không riêng gì tại hải ngoại mà còn lan về tận ở Việt Nam, được ghi nhận là một trong những CD Liên Khúc có số bán cao nhất trong lịch sử của trung tâm này. Qua CD này, tên tuổi Ngọc Lan ngày càng nổi tiếng

Năm 1992, là năm đánh dấu sự thu hình trực tiếp đầu tiên của Ngọc Lan trên sân khấu ca nhạc trong chương trình Hollywood Night 1 với ca khúc [[Mưa Trên Biển Vắng vào ngày 10 tháng 3 năm 1992, cũng trong dịp này, cô đã dành cho MC Nam Lộc buổi phỏng vấn chính thức đầu tiên. Ngọc Lan có sự cộng tác gắn bó với những chương trình của Hollywood Night, điều này làm nhiều người lầm tưởng cô có hùn vốn với trung tâm này. Sự cộng tác vẫn diễn ra liên tục và đều đặn cho tới khi cô giã từ sự nghiệp để lùi về bóng tối, nên có thể nói tên tuổi của Ngọc Lan đã gắn liền với những chương trình Hollywood Night.
Ngọc Lan được yêu thích qua nhiều nhạc phẩm nước ngoài lời Việt, như Mưa trên biển vắng (cô cho đây là ca khúc đã đưa cô đến gần với khán giả), Dòng sông tuổi nhỏ (La Maritza)… Cô cũng trình bày nhiều ca khúc tiếng Pháp như Viens m’embrasser, Poupée de cire, poupée de son, Les valses de vienne, những nhạc phẩm của Phạm Duy, Trịnh Công Sơn, Ngô Thụy Miên, Đức Huy… Cô hát ở rất nhiều thể loại nhạc và dòng nhạc. Theo một số người sưu tầm nhạc, cô đã trình bày trên 800 ca khúc và trên 40 video clip . Sự hạn chế quay video thu hình được chính cô giải thích là do bản tính nhút nhát của mình trước ống kính.

3/ Ca sĩ Ngọc Lan bị bệnh gì

Sau đó Ngọc Lan đột ngột không xuất hiện nữa vào năm 1993 và tạo nên nhiều tin đồn. Năm 1994 cô xuất hiện trở lại trong một số chương trình, cùng năm đó, trong chương trình đánh dấu sự trở lại của cô mang tên “Ngọc Lan và Thính Giả thương yêu” tại Anaheim với kết quả thành công mỹ mãn, tuy nhiên sau buổi ca nhạc đó, khán giả cũng nhận ra rằng cô có phần nào suy sụp tinh thần và tiếng hát của cô không còn linh động như xưa. Nguyên nhân có lẽ là do bệnh tình và sự qua đời đột ngột của người chị gái trước đó không lâu. Năm 1994 cũng là một năm cô kết hôn với nhạc sĩ Kevin Khoa. Và từ đó trở đi, cô vẫn tiếp tục sinh hoạt văn nghệ nhưng không còn mạnh mẽ như những năm đầu thập niên 90 khi mà tên tuổi cô được rất nhiều người biết đến vì sức khỏe không cho phép.

Trong năm 1996, trong lần thu hình trong cuốn video 12: Việt Nam Niềm Nhớ cho trung tâm Asia tại Toronto để trình bày nhạc phẩm “Con Đường Tôi Về” của nhạc sĩ Lê Tín Hương, trước hàng ngàn khán giả, Ngọc Lan phải có người nắm tay đưa lên sân khấu, dù bị hạn chế tầm nhìn nhưng cô vẫn cố gắng lột tả trọn vẹn ca khúc này với hình ảnh khó quên khi cô quỳ giữa sân khấu vào lúc cuối phần trình diễn. Và trong thời gian đó, Ngọc Lan thỉnh thoảng vẫn còn xuất hiện trong các băng video cho các trung tâm ca nhạc như Hollywood Nights, Asia nhưng hầu hết là các clip quay ngoại cảnh thay vì trên sân khấu.
Năm 1998, Ngọc Lan xuất hiện lần cuối cùng trong dịp thu hình quay ngoại cảnh cho Asia cuốn Video 18: Nhớ Sài Gòn, trong cuốn video này, Ngọc Lan đã cắt đi kiểu tóc uốn xoăn đặc trưng mà thay vào đó là kiểu tóc tém cùng gương mặt mệt mỏi, đượm buồn của mình trong ca khúc Khóc một dòng sông của Đức Huy. Đây là video ca nhạc cuối cùng của cô với trung tâm Asia.
Sau đó không lâu, trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình tại Nam California phát hình vào ngày 14 tháng 3 năm 1998, Ngọc Lan và phu quân Kevin Khoa đã dành cho MC Nam Lộc và Thụy Trinh một cuộc nói chuyện thân tình để giải tỏa những thắc mắc và lời đồn đại về tình trạng bệnh tình của cô từ giới thưởng ngoạn, tai hại nhất là vụ trung tâm băng nhạc Diễm Xưa đưa tin về việc ca sĩ hải ngoại Ngọc Lan đã qua đời trước đó. Và đây cũng là lần cuối cùng cô xuất hiện trước khán giả, sau đó cô giã từ sân khấu, lùi hẳn vào trong bóng tối vì bệnh tình cô ngày càng trầm trọng.

Sau một thời gian dài bị chứng bệnh xơ cứng bì (Tiếng Pháp: sclérose en plaque, tiếng Anh: multiple sclerosis) hành hạ và bị hạn chế tầm nhìn, Ngọc Lan trút hơi thở cuối cùng vào hồi 8 giờ 25 sáng ngày 06 tháng 3 năm 2001 tại bệnh viện Vencor, Huntington Beach, Nam California.

Ca sĩ Ngọc Lan mất và các ca khúc về cô

Đám tang của cô được rất đông đảo người ái mộ tham dự và được cho là đám tang dành cho một nghệ sĩ có nhiều người tham dự nhất từ trước đến nay. Và ít lâu sau đó, ít nhất đã có 6 ca khúc đã được viết lên để tưởng niệm người nữ ca sĩ tài sắc này như Nhật Ngân với Tiếng hát mong manh, Trần Trịnh với Gãy cánh thiên hương, Trần Thiện Thanh với Huyền thoại Ngọc Lan, Ngọc Trọng với Bài cho tình ta, Hùng Quân với Còn đâu tiếng hát ru đời nhưng được biết đến nhiều hơn cả là ca khúc Vĩnh biệt một loài hoa của nhạc sĩ Anh Bằng. Trong bài hát đó có những câu sau:

Người con gái ấy mang tên loài hoa.
Mắt biếc suối trong, mi cong ngọc ngà
Loài hoa yêu ấy, bây giờ đã xa, bây giờ đã xa…
…Ngọc Lan! Ngọc Lan! Sao nỡ ra đi vội vàng.
Ôi! Tiếng kinh đêm cầu hồn, như tiếng ai ca thật buồn.
Ngọc Lan! Ngọc Lan! Vĩnh viễn buông tay phận người.
Thôi hết trăm năm đọa đầy.
Một nấm mồ yên đời đời…
Tưởng nhớ

• Trong Video Paris By Night 60: Thất Tình (2001), MC Nguyễn Cao Kỳ Duyên đã chia buồn về sự ra di của Ngọc Lan và MC Nguyễn Ngọc Ngạn đã đọc bốn câu thơ của nhà văn Nguyên Nghĩa trong tuần báo Tự Do của Canada để chia buồn với khán thính giả.
• Trong Video ASIA 34: 20th Anniversary ASIA (2001), có sử dụng lại tiếng hát và hình ảnh Ngọc Lan trong phần trình diễn Liên khúc Tình Yêu cùng với Trung Hành, Kiều Nga.
• Trong Video ASIA 46: Hành trình 30 năm (2005), ca sĩ Y Phương và Thanh Trúc đã hóa trang thành Ngọc Lan để trình bày hai ca khúc trước đây được cô trình bày rất thành công là “Lại gần hôn em” và “Johnny, Johnny”.
• Trong Video ASIA 51: Tình khúc sau cuộc chiến / Nhạc vàng 30 năm (2006), có mời Trần Thăng, giám đốc trung tâm Mây Productions chia sẻ cảm nghĩ và duyên cơ khi được gặp và cộng tác với Ngọc Lan. Sau đó, nữ ca sĩ Lâm Thúy Vân đã trình bày lại ca khúc “Mưa trên biển vắng” cùng với tiếng hát và hình ảnh của Ngọc Lan hiện ra phía sau trên màn ảnh.
• Ngày 26 tháng 3 năm 2010, để kỷ niệm 9 năm Ngọc Lan ra đi, trung tâm Asia đã cho phát hành bộ DVD Tiếng hát Ngọc Lan như là kỷ niệm: Con đường tôi về.
• Trong cuốn Paris By Night 100: 27 năm một chặng đường (2010) của Trung tâm Thúy Nga, trong phần “Tưởng niệm những nghệ sĩ đã từng cộng tác với trung tâm” cũng có hình ảnh của Ngọc Lan, sau đó MC Nguyễn Ngọc Ngạn đã sử dụng hai câu thơ thất ngôn Mỹ nhân tự cổ như danh tướng / Bất hứa nhân gian kiến bạch đầu (dịch nghĩa: Người đẹp từ xưa như các bậc danh tướng / Không muốn thiên hạ thấy mình lúc về già) để ngụ ý nói về Ngọc Lan.
• Vào ngày 6 tháng 3 năm 2015, để kỷ niệm 14 năm ngày Ngọc Lan ra đi, tờ báo Nghệ Sĩ của MC Trần Quốc Bảo có dành số đặc biệt để đăng tải những cảm nghĩ, kỷ niệm của các nghệ sĩ từng cộng tác với Ngọc Lan.
• Nam ca sĩ Don Hồ từng dành nhiều bài viết của mình trên blog cá nhân cũng như facebook của mình để chia sẻ những kỷ niệm về Ngọc Lan – người mà anh luôn kính trọng và xem là thần tượng, từ những ngày cô đã giúp đỡ anh khi bước chân vào nghề ca hát, cũng như một vài chi tiết về cuộc sống đời thường của cô trong những năm tháng cô bị bệnh tật hành hạ và rút lui vào bóng tối.

kalua
Posts: 836
Joined: Sun Apr 22, 2012 5:26 pm

Post by kalua »

Sao Hollywood bị chế nhạo vì chạy trường cho con
Diễn viên Felicity Huffman, Lori Loughlin bị một số đồng nghiệp lên án trên mạng xã hội khi tham gia đường dây gian lận vào đại học ở Mỹ.

Ngày 15/3, một số người nổi tiếng đăng Twitter phản đối các gian lận để mua suất cho con vào đại học danh giá. Hai trong số những phụ huynh đó là nữ diễn viên Felicity Huffman trong phim truyền hình giành giải Emmy Những bà nội trợ kiểu Mỹ và Lori Loughlin – vai dì Becky trong series Full House.

Image
Diễn viên Lori (phải) và con gái Olivia Jade. Ảnh: AP.
Diễn viên Lena Dunham mỉa mai: "Những người liên quan trong vụ gian lận thi cử đại học này nên dành tiền cùng mở một đại học mà Lori Loughlin dạy cách mỉm cười giả dối". Người mẫu kiêm diễn viên Olivia Munn cười nhạo, ám chỉ con gái của Lori - Olivia Jade - đang sở hữu một kênh Youtube về làm đẹp và thời trang thu hút hơn một triệu người theo dõi: "Thật mỉa mai khi những phụ huynh dành tiền để chạy cho con vào trường danh giá, còn những đứa con của họ lại có ước mơ trở thành một người có sức ảnh hưởng".

Minh tinh phim Newsroom cũng nhận xét thêm: "Việc những phụ huynh đó làm không phải vì tình yêu, mà vì tấm bằng đại học hư danh. Nếu vì tình yêu, họ sẽ dành số tiền đó đầu tư vào giáo dục để khiến con cái họ thông minh hơn". Diễn viên hài Travon Free chia sẻ một hình ảnh châm biếm "dì Becky" và viết: "Khi dì Becky ra khỏi trạm giam". Tweet này có hơn 11.000 lượt chia sẻ.

Nhiều ngôi sao cho rằng chạy trường không phải là việc đúng đắn trong định hướng giáo dục con cái. Diễn viên Julia Roberts chia sẻ với Metro UK: "Tôi rất buồn khi thấy có việc gian lận để vào các đại học. Là người ngoài cuộc, tôi thấy những phụ huynh đó không có đủ niềm tin vào con mình. Tôi cũng nuôi dạy con, tôi không muốn chúng phải trải qua những khó khăn như tôi trước đây. Nhưng chúng cần biết làm thế nào để dọn giường, giặt đồ và nấu một bữa ăn. Đó là những kỹ năng sống cần thiết".

Ngoài ra, vẫn có đồng nghiệp đứng về phía những phụ huynh bị buộc tội. Joely Fisher - bạn diễn của Felicity trong Những bà nội trợ kiểu Mỹ - thông cảm với hành động của cô. Joely viết trên Instagram: "Việc những phụ huynh đó làm là để đảm bảo cho tương lai của con cái. Tôi hiểu và mong những điều tốt nhất cho các con của cô. Tôi yêu quý Felicity Huffman. Xin gửi những lời cầu nguyện của tôi đến cô tối nay".
Image
Gia đình Felicity. Ảnh: FilmMagic.
Cục cảnh sát liên bang Mỹ đã bắt giữ 33 phụ huynh và 13 huấn luyện viên thể thao tham gia đường dây gian lận này ngày 12/3. Lori Loughlin và chồng - nhà thiết kế designer Mossimo Giannulli - bị kết tội dùng 500.000 USD để mua suất vào Đại học Nam Califonia cho hai con gái. Kênh Hallmark quyết định huỷ hợp đồng, ngừng chiếu các bộ phim cô tham gia. Trong khi đó, Felicity Huffman sử dụng 15.000 USD quyên góp từ thiện để ngụy trang cho hành vi gian lận thay đổi kết quả trong kỳ thi SAT tháng 12/2017. Những phụ huynh bị buộc tội khác đều là những người giàu có và nổi tiếng: Gregory Abbott - người sáng lập công ty thực phẩm và đồ uống, Gordon Caplan - đồng chủ tịch công ty luật Willkie Farr & Gallagher, Manuel Henriquez - chủ tịch công ty chứng khoán Hercules Capital Inc.

Thu Thảo

hoangphong
Posts: 391
Joined: Tue Feb 12, 2019 7:20 am

Post by hoangphong »

Nhớ ‘vua nhạc trẻ’ Trường Kỳ
Đằng-Giao/Người Việt

March 19, 2019

Image
Ban tổ chức buổi tưởng niệm. Từ trái, ca sĩ Cao Giảng, Bác Sĩ Bùi Thế Trung, nghệ sĩ Trung Nghĩa, ca sĩ Jo Marcel, chủ nhiệm báo Trẻ Kỳ Phát và nhạc sĩ Nam Lộc. (Hình: Đằng-Giao/Người Việt)
WESTMINSTER, California (NV) – Buổi tưởng niệm 10 năm ngày nhà báo Trường Kỳ qua đời vào tối Chủ Nhật, 17 Tháng Ba, tại vũ trường Bleu, Westminster, được quá nhiều người tham dự. Nhiều đến nỗi không còn ghế ngồi, không còn chỗ đứng nên những người đến trễ đành phải ra về.

“Cho buổi tưởng niệm này, chúng tôi hoàn toàn không bán vé. Đã vậy chúng tôi còn mua vé mời vợ và con gái anh Trường Kỳ là chị Thu Huyền và cháu Tú Uyên từ Montreal, Canada sang,” nhạc sĩ Nam Lộc, thành viên ban tổ chức, nói. “Chúng tôi tổ chức chương trình này hoan toàn vì tình bạn chứ không vì lợi nhuận.”

Đúng vậy, buổi tưởng niệm Trường Kỳ là một chương trình được thực hiện bằng tấm chân tình của những người bạn dành cho một người bạn đã qua đời.

Ca sĩ Jo Marcel là người khởi xướng việc tổ chức buổi tưởng niệm này. “Ai cũng yêu quý anh Trường Kỳ nên chúng tôi đồng ý ngay,” ông Nam Lộc kể. “Ban tổ chức gồm các anh Jo Marcel, Kỳ Phát, Trung Nghĩa, Cao Giảng, Bác Sĩ Bùi Thế Trung, Kiến Trúc Sư Trần Đình Thục và tôi,” ông Nam Lộc cho biết.

Bà Đinh Thị Thu Huyền, phu nhân ông Trường Kỳ, chia sẻ: “Tôi và cháu Tú Uyên hết sức cảm động khi thấy bạn bè còn nhớ tới và quý mến anh Trường Kỳ như vậy. Phần tôi, tôi không thể nào quên anh được, vì ngày nào cũng có người nhắc tên anh ấy, làm tôi nghĩ tới anh từng phút.”
Image
Bà Thu Huyền (cầm hình) cùng con gái Uyên (phải) và gia đình từ Canada sang. (Hình: Đằng-Giao/Người Việt)
Nhìn quanh căn phòng rộng đông kín người, bà tiếp: “Anh sống hiền hòa nên ai cũng thương tiếc. Tôi xin cám ơn tất cả những ai còn giữ những gì tốt đẹp về anh.”

Bà Thu Huyền, tuy vui vẻ nói cười, nhưng ánh mắt trũng buồn đầy tâm tư của người cô phụ âm thầm bộc lộ được nỗi lòng bà cô quạnh suốt 10 năm qua.

Trong phần phát biểu, ông Jo Marcel cho biết ông rất thương nhớ Trường Kỳ, người bạn thời niên thiếu của mình. Trước khi nhạc trẻ được phổ biến rộng rãi ở Việt Nam, Trường Kỳ đã thực hiện chương trình “Hippy A Go-Go” mỗi chiều Chủ Nhật tại các phòng trà ở Sài Gòn của ông là Chez Jo Marcel, Ritz và Queen Bee.

“Tôi vui vì có thể cung cấp ‘sân chơi’ cho bè bạn,” Jo Marcel nói.

Nhạc sĩ Nam Lộc nhắc lại công lao vận động cho nhạc trẻ của Trường Kỳ năm 1964, khi ông tổ chức đại hội nhạc trẻ lần đầu tại Trung Học La San Taberd, Sài Gòn. Sức chứa của phòng khánh tiết chỉ khoảng 1,000 người.
Image
Trường Kỳ và Kiều Chinh thời 1960-70. (Hình: Kiều Chinh cung cấp)

Nhưng năm sau, ông Trường Kỳ tổ chức ở sân vận động Hoa Lư với sự trợ lực của Tổng Cục Chiến Tranh Chính Trị. Lần này, số người tham dự lên đến 20,000. Tất cả lợi nhuận của đại nhạc hội đều được gởi tặng Hội Thương Binh và Hội Cô Nhi Quả Phụ.

Uy tín tăng dần, ông làm đại nhạc hội hằng năm ở Sở Thú. Chương trình ông làm, lúc nào cũng đông nghẹt. Bạn bè thân cận như Nam Lộc, Kỳ Phát, Trần Đình Thục, Bùi Thế Trung, ai cũng giúp ông một tay.

Những bạn hữu có mặt, ai cũng nhắc đến một biệt danh rất dễ thương của Trường Kỳ nhưng ông không chịu nhận là “Thủ Lãnh Hippy.” Ông muốn làm bạn với mọi người chứ không thích làm thủ lãnh của ai cả.

Thời phong trào hippy mới được du nhập vào Việt Nam, Trường Kỳ để râu um tùm, tóc bù xù “như Mỹ đen,” cũng quần ống loe, cũng áo bó sát. Ông Kỳ Phát, chủ nhiệm báo Trẻ Magazine, hồi tưởng: “Trường Kỳ là một trong những người có công đầu trong việc thúc đẩy và phổ biến nhạc trẻ tại miền Nam Việt Nam.”
Image
Từ trái, Kỳ Phát, Jo Marcel, Trường Kỳ, Tùng Giang, và Nam Lộc năm 1994. (Hình: Trần Đình Thục cung cấp)
Nói về ảnh hưởng lớn lao của Trường Kỳ trọn đời bè bạn, ông Kỳ Phát kể: “Đám cưới Trường Kỳ, anh dúi cái ‘microphone’ vô tay anh Nam Lộc, ép anh ấy làm MC. Anh Nam Lộc trở thành MC từ lúc đó.”

Ông tiếp: “Phần tôi, Trường Kỳ khuyến khích tôi viết báo về nhạc trẻ và tôi trở thành người làm báo về văn nghệ cho tới bây giờ.”

Báo Trẻ Magazine của ông Kỳ Phát có được ngày hôm nay cũng nhờ sự đóng góp không ít của Trường Kỳ.

“Hồi mới bắt đầu làm báo, tôi nhờ anh giúp tôi một tay. Anh ấy sẵn sàng phụ trách nhiều chuyên mục. Tôi không bao giờ quên công lao này của anh,” ông Kỳ Phát tâm sự.

Ông cho rằng mình là người may mắn được có mặt bên Trường Kỳ trong những giờ phút quan trọng của bạn mình. Ông kể: “Lần đó, Trường Kỳ rủ tôi vô đài truyền hình số 9 để xuất hiện trong một ‘show’ của nhạc sĩ Tùng Giang. Anh Nam Lộc cũng đến và giới thiệu hai cô bạn thuộc loại ‘hippy choai choai’ cho chúng tôi, không dè năm sau, một cô trở thành vợ anh Trường Kỳ cho tới bây giờ.”

Vũ trường chật kín người tham dự. (Hình: Đằng-Giao/Người Việt)
Nữ tài tử Kiều Chinh cũng có mặt. Bà nói: “Tôi đến đây để ôn lại một thời trẻ trung của mình với Trường Kỳ, cũng như để sống lại với âm nhạc của Sài Gòn thời 60, 70. Nhớ lắm, đó là một thời không ai quên được.”

“Trường Kỳ là người chan hòa và rất dễ thương. Bạn bè tôi ‘rơi rụng’ ngày một nhiều. Nhưng ký ức của thời ấy, tôi không bao giờ quên được,” bà tiếp.

Những người hâm mộ Trường Kỳ cũng một lòng tưởng nhớ ông.

Ông Phan Đức Lưu, cư dân San Diego, cười nói: “Trường Kỳ là một hiện tượng lạ. Anh không là ca sĩ, cũng không là nhạc sĩ, nhưng tên tuổi anh gắn liền với nền nhạc trẻ Việt Nam. Đối với những người ở tuổi tui, đó là âm nhạc của một thời vàng son.”

Bà Tracy Trang Nguyễn, ở Huntington Beach, chia sẻ: “Ngộ lắm, nhắc tới cái tên Trường Kỳ, tui không nhớ mình là bà, nội, bà ngoại rồi. Tui không nhớ mình có bốn đứa cháu mà tưởng mình như mới 17 tuổi thôi.” (Đằng-Giao)

hoangphong
Posts: 391
Joined: Tue Feb 12, 2019 7:20 am

Post by hoangphong »

Vợ chồng Justin Bieber mua biệt thự giá 8,5 triệu USD


Sau nhiều năm tìm kiếm, vợ chồng ca sĩ vừa tìm được căn nhà ưng ý tại Beverly Hills, California.

Ngày 22/3, nguồn tin trong giới bất động sản Hollywood tiết lộ với Los Angeles Times biệt thự của Justin Bieber rộng trên 6.000 mét vuông,
có tên The Tropics và được xây dựng từ năm 1932. Năm 2017, khu nhà được sửa lại theo thiết kế hiện đại.

Image
Phòng ngủ có tông trắng chủ đạo. Ảnh: Los Angeles Times.
Nhà của đôi vợ chồng trẻ có năm phòng ngủ, bảy phòng tắm, phòng chiếu phim, quầy bar, phòng bếp.
Phần lớn đồ nội thất bằng gỗ tạo nên tông màu vàng nâu chủ đạo. Đồ trang trí có cùng màu tối, họa tiết đơn giản.
Phòng chiếu phim lấy cảm hứng từ khách sạn Beverly Hills gần đó.
Image
Phòng khách có hướng nhìn ra không gian xanh mát quanh nhà. Ảnh: Los Angeles Times.
Tháng 10/2018, Justin và vợ sắp cưới – người mẫu Hailey Baldwin – thuê căn nhà ở khu vực Toluca Lake (một khu phố giàu có ở Los Angeles) với giá 100.000 USD mỗi tháng để tiện cho việc mua nhà, theo People. Căn hộ được mời bán cho nam ca sĩ lúc đó với giá 8,5 triệu độ nhưng anh từ chối. Cùng tháng 10, cả hai ghé xem nhà của ca sĩ Demi Lovato ở Hollywood Hills nhưng cũng không ưng ý.

Justin đã đăng ký kết hôn với người mẫu Hailey Baldwin vào tháng 9/2018. Anh chia tay ca sĩ Selena Gomez sau bảy năm hẹn hò với nhiều lần tan hợp. Từ khi gắn bó với Hailey, cuộc đời của Justin Bieber được sang trang. Sức khỏe của anh ổn định hơn nhờ có người yêu túc trực chăm sóc. Trước đó, anh phải điều trị trầm cảm thời gian dài do nổi tiếng quá sớm khiến đời tư gặp nhiều rắc rối. Anh vướng vào nhiều scandal: sử dụng chất kích thích, ẩu đả trong khách sạn, xô xát với paparazzi...

Thu Thảo

Post Reply