SƯU TẬP TRUYỆN NGẮN

Phim ảnh, âm nhạc đưa người ta vào thế giới ảo mộng quên đi bao nỗi muộn phiền của đời thường... Nơi đây chỉ ghi lại một phần nào đó của cái thế giới muôn mầu sắc và âm thanh đó mà thôi.

Moderator: Nguyễn_Sydney

Post Reply
CNN
Posts: 1017
Joined: Wed Dec 01, 2004 8:18 am

SƯU TẬP TRUYỆN NGẮN

Post by CNN »

Câu chuyện bát mì

Trong cuộc sống ngày nay, xin đừng quên rằng còn tồn tại lòng nhân ái. Đây là một câu chuyện có thật, chúng tôi gọi là "Câu chuyện bát mì". Chuyện xảy ra cách đây năm mươi năm vào ngày 31/12, một ngày cuối năm tại quán mì Bắc Hải Đình, đường Trát Hoảng, Nhật Bản.
o O o

Đêm giao thừa, ăn mì sợi đón năm mới là phong tục tập quán của người Nhật, cho đến ngày đó công việc làm ăn của quán mì rất phát đạt. Ngày thường, đến chạng vạng tối trên đường phố hãy còn tấp nập ồn ào nhưng vào ngày này mọi người đều lo về nhà sớm hơn một chút để kịp đón năm mới. Vì vậy đường phố trong phút chốc đã trở nên vắng vẻ.

Ông chủ Bắc Hải Đình là một người thật thà chất phát, còn bà chủ là một người nhiệt tình, tiếp đãi khách như người thân. Đêm giao thừa, khi bà chủ định đóng cửa thì cánh cửa bị mở ra nhè nhẹ, một người phụ nữ trung niên dẫn theo hai bé trai bước vào. Đứa nhỏ khoảng sáu tuổi, đứa lớn khoảng 10 tuổi. Hai đứa mặc đồ thể thao giống nhau, còn người phụ nữ mặc cái áo khoác ngoài lỗi thời.

- Xin mời ngồi!

Nghe bà chủ mời, người phụ nữ rụt rè nói:

- Có thể... cho tôi một... bát mì được không?

Phía sau người phụ nữ, hai đứa bé đang nhìn chăm chú.

- Đương nhiên... đương nhiên là được, mời ngồi vào đây.

Bà chủ dắt họ vào bàn số hai, sau đó quay vào bếp gọi to:

- Cho một bát mì.

Ba mẹ con ngồi ăn chung một bát mì trông rất ngon lành, họ vừa ăn vừa trò chuyện khe khẽ với nhau. "Ngon quá" - thằng anh nói.

- Mẹ, mẹ ăn thử đi - thằng em vừa nói vừa gắp mì đưa vào miệng mẹ.

Sau khi ăn xong, người phụ nữ trả một trăm năm mươi đồng. Ba mẹ con cùng khen: "Thật là ngon! Cám ơn!" rồi cúi chào và bước ra khỏi quán.

- Cám ơn các vị! Chúc năm mới vui vẻ - ông bà chủ cùng nói.

Công việc hàng ngày bận rộn, thế mà đã trôi qua một năm. Lại đến ngày 31/12, ngày chuẩn bị đón năm mới. Công việc của Bắc Hải Đình vẫn phát đạt. So với năm ngoái, năm nay có vẻ bận rộn hơn. Hơn mười giờ, bà chủ toan đóng cửa thì cánh cửa lại bị mở ra nhè nhẹ. Bước vào tiệm là một người phụ nữ dẫn theo hai đứa trẻ. Bà chủ nhìn thấy cái áo khoác lỗi thời liền nhớ lại vị khách hàng cuối cùng năm ngoái.

- Có thể... cho tôi một... bát mì được không?

- Đương nhiên... đương nhiên, mời ngồi!

Bà chủ lại đưa họ đến bàn số hai như năm ngoái, vừa nói vọng vào bếp:

- Cho một bát mì.

Ông chủ nghe xong liền nhanh tay cho thêm củi vào bếp trả lời:

- Vâng, một bát mì!

Bà chủ vào trong nói nhỏ với chồng:

- Này ông, mình nấu cho họ ba bát mì được không?

- Không được đâu, nếu mình làm thế chắc họ sẽ không vừa ý.

Ông chủ trả lời thế nhưng lại bỏ nhiều mì vào nồi nước lèo, ông ta cười cười nhìn vợ và thầm nghĩ: "Trông bà bề ngoài khô khan nhưng lòng dạ cũng không đến nỗi nào!"

Ông làm một tô mì to thơm phức đưa cho bà vợ bưng ra. Ba mẹ con ngồi quanh bát mì vừa ăn vừa thảo luận. Những lời nói của họ đều lọt vào tai hai vợ chồng ông chủ quán.

- Thơm quá!

- Năm nay vẫn được đến Bắc Hải Đình ăn mì thật là may mắn quá!

- Sang năm nếu được đến đây nữa thì tốt biết mấy!

Ăn xong, trả một trăm năm mươi đồng, ba mẹ con ra khỏi tiệm Bắc Hải Đình.

- Cám ơn các vị! Chúc năm mới vui vẻ!

Nhìn theo bóng dáng ba mẹ con, hai vợ chồng chủ quán thảo luận với nhau một lúc lâu.

Đến ngày 31/12 lần thứ ba, công việc làm ăn của Bắc Hải Đình vẫn rất tốt, vợ chồng ông chủ quán bận rộn đến nỗi không có thời gian nói chuyện. Đến 9g30 tối, cả hai người đều cảm thấy trong lòng có một cảm giác gì đó khó tả. Đến 10 giờ, nhân viên trong tiệm đều đã nhận bao lì xì và ra về. Ông chủ vội vã tháo các tấm bảng trên tường ghi giá tiền của năm nay là “200đ/bát mì” và thay vào đó giá của năm ngoái “150đ/bát mì”. Trên bàn số hai, ba mươi phút trước bà chủ đã đặt một tờ giấy "Đã đặt chỗ". Đúng 10g30, ba mẹ con xuất hiện, hình như họ cố chờ khách ra về hết rồi mới đến. Đứa con trai lớn mặc bộ quần áo đồng phục cấp hai, đứa em mặc bộ quần áo của anh, nó hơi rộng một chút, cả hai đứa đều đã lớn rất nhiều.

- Mời vào! Mời vào! - bà chủ nhiệt tình chào đón.

Nhìn thấy khuôn mặt tươi cười của bà chủ, người mẹ chậm rãi nói:

- Làm ơn nấu cho chúng tôi... hai bát mì được không?

- Được chứ, mời ngồi bên này!

Bà chủ lại đưa họ đến bàn số hai, nhanh tay cất tờ giấy "Đã đặt chỗ" đi, sau đó quay vào trong la to: "Hai bát mì".

- Vâng, hai bát mì. Có ngay.

Ông chủ vừa nói vừa bỏ ba phần mì vào nồi.

Ba mẹ con vừa ăn vừa trò chuyện, dáng vẻ rất phấn khởi. Đứng sau bếp, vợ chồng ông chủ cũng cảm nhận được sự vui mừng của ba mẹ con, trong lòng họ cũng cảm thấy vui lây.

- Tiểu Thuần và anh lớn này, hôm nay mẹ muốn cảm ơn các con!

- Cảm ơn chúng con? Tại sao ạ?

- Chuyện là thế này: vụ tai nạn xe hơi của bố các con đã làm cho tám người bị thương, công ty bảo hiểm chỉ bồi thường một phần, phần còn lại chúng ta phải chịu, vì vậy mấy năm nay mỗi tháng chúng ta đều phải nộp năm mươi ngàn đồng.

- Chuyện đó thì chúng con biết rồi - đứa con lớn trả lời.

Bà chủ đứng bên trong không dám động đậy để lắng nghe.

- Lẽ ra phải đến tháng ba năm sau chúng ta mới nộp hết nhưng năm nay mẹ đã nộp xong cả rồi!

- Hả, mẹ nói thật đấy chứ?

- Ừ, mẹ nói thật. Bởi vì anh lớn nhận trách nhiệm đi đưa báo, còn Tiểu Thuần giúp mẹ đi chợ nấu cơm làm mẹ có thể yên tâm làm việc, công ty đã phát cho mẹ một tháng lương đặc biệt, vì vậy số tiền chúng ta còn thiếu mẹ đã nộp hết rồi.

- Mẹ ơi! Anh ơi! Thật là tốt quá, nhưng sau này mẹ cứ để con tiếp tục nấu cơm nhé.

- Con cũng tiếp tục đi đưa báo. Tiểu Thuần chúng ta phải cố gắng lên!

- Mẹ cám ơn hai anh em con nhiều!

- Tiểu Thuần và con có một bí mật chưa nói cho mẹ biết. Đó là vào một ngày chủ nhật của tháng mười một, trường của Tiểu Thuần gửi thư mời phụ huynh đến dự một tiết học. Thầy giáo của Tiểu Thuần còn gửi một bức thư đặc biệt cho biết bài văn của Tiểu Thuần đã được chọn làm đại diện cho Bắc Hải đảo đi dự thi văn toàn quốc. Con nghe bạn của Tiểu Thuần nói mới biết nên hôm đó con đã thay mẹ đến dự.

- Có thật thế không? Sau đó ra sao?

- Thầy giáo ra đề bài: “Chí hướng và nguyện vọng của em là gì?” Tiểu Thuần đã lấy đề tài bát mì để viết và được đọc trước tập thể nữa chứ. Bài văn được viết như sau: "Ba bị tai nạn xe mất đi để lại nhiều gánh nặng. Để gánh vác trách nhiệm này, mẹ phải thức khuya dậy sớm để làm việc". Đến cả việc hàng ngày con phải đi đưa báo, em cũng viết vào bài nữa. Lại còn: "Vào tối 31/12, ba mẹ con cùng ăn một bát mì rất ngon. Ba người chỉ gọi một tô mì, nhưng hai vợ chồng bác chủ tiệm vẫn cám ơn và còn chúc chúng tôi năm mới vui vẻ nữa. Lời chúc đó đã giúp chúng tôi có dũng khí để sống, khiến cho gánh nặng của ba để lại nhẹ nhàng hơn". Vì vậy Tiểu Thuần viết rằng nguyện vọng của nó là sau này mở một tiệm mì, trở thành ông chủ tiệm mì lớn nhất ở Nhật Bản, cũng sẽ nói với khách hàng của mình những câu như: "Cố gắng lên! Chúc hạnh phúc! Cám ơn!"

Đứng sau bếp, hai vợ chồng chủ quán lặng người lắng nghe ba mẹ con nói chuyện mà nước mắt lăn dài.

- Bài văn đọc xong, thầy giáo nói: anh của Tiểu Thuần hôm nay thay mẹ đến dự, mời em lên phát biểu vài lời.

- Thật thế à? Thế lúc đó con nói sao?

- Bởi vì quá bất ngờ nên lúc đầu con không biết phải nói gì cả, con nói: "Cám ơn sự quan tâm và thương yêu của thầy cô đối với Tiểu Thuần. Hàng ngày em con phải đi chợ nấu cơm nên mỗi khi tham gian hoạt động đoàn thể gì đó nó đều phải vội vả về nhà, điều này gây không ít phiền toái cho mọi người. Vừa rồi khi em con đọc bài văn thì trong lòng con cảm thấy sự xấu hổ nhưng đó là sự xấu hổ chân chính. Mấy năm nay mẹ chỉ gọi một bát mì, đó là cả một sự dũng cảm. Anh em chúng con không bao giờ quên được... Anh em con tự hứa sẽ cố gắng hơn nữa, quan tâm chăm sóc mẹ nhiều hơn. Cuối cùng con nhờ các thầy cô quan tâm giúp đỡ cho em con."

Ba mẹ con nắm tay nhau, vỗ vai động viên nhau, vui vẻ cùng nhau ăn hết tô mì đón năm mới rồi trả 300 đồng, nói câu cám ơn vợ chồng chủ quán, cúi chào và ra về. Nhìn theo ba mẹ con, vợ chồng ông chủ quán nói với theo:

- Cám ơn! Chúc mừng năm mới!

Lại một năm nữa trôi qua.

Bắc Hải Đình vào lúc 9g tối, bàn số hai được đặt một tấm giấy "Đã đặt chỗ" nhưng ba mẹ con vẫn không thấy xuất hiện.

Năm thứ hai rồi thứ ba, bàn số hai vẫn không có người ngồi. Ba mẹ con vẫn không thấy trở lại. Việc làm ăn của Bắc Hải Đình vẫn như mọi năm, toàn bộ đồ đạc trong tiệm được thay đổi, bàn ghế được thay mới nhưng bàn số hai thì được giữ lại y như cũ.

"Việc này có ý nghĩa như thế nào?" Nhiều người khách cảm thấy ngạc nhiên khi nhìn thấy cảnh này nên đã hỏi. Ông bà chủ liền kể lại câu chuyện bát mì cho mọi người nghe. Cái bàn cũ kia được đặt ngay chính giữa, đó cũng là một sự hy vọng một ngày nào đó ba vị khách kia sẽ quay trở lại, cái bàn này sẽ dùng để tiếp đón họ. Bàn số hai "cũ" trở thành "cái bàn hạnh phúc", mọi người đều muốn thử ngồi vào cái bàn này.

Rồi rất nhiều lần 31/12 đã đi qua.

Lại một ngày 31/12 đến. Các chủ tiệm lân cận Bắc Hải Đình sau khi đóng cửa đều dắt người nhà đến Bắc Hải Đình ăn mì. Họ vừa ăn vừa chờ tiếng chuông giao thừa vang lên. Sau đó, mọi người đi bái thần, đây là thói quen năm, sáu năm nay. Hơn 9g30 tối, trước tiên vợ chồng ông chủ tiệm cá đem đến một chậu cá còn sống. Tiếp đó, những người khác đem đến nào là rượu, thức ăn, chẳng mấy chốc đã có khoảng ba, bốn chục người. Mọi người rất vui vẻ. Ai cũng biết lai lịch của bàn số hai. Không ai nói ra nhưng thâm tâm họ đang mong chờ giây phút đón mừng năm mới. Người thì ăn mì, người thì uống rượu, người bận rộn chuẩn bị thức ăn… Mọi người vừa ăn, vừa trò chuyện, từ chuyện trên trời dưới đất đến chuyện nhà bên có thêm một chú nhóc nữa. Chuyện gì cũng tạo thành một chuỗi câu chuyện vui vẻ. Ở đây ai cũng coi nhau như người nhà.

Đến 10g30, cửa tiệm bỗng nhiên mở ra nhè nhẹ, mọi người trong tiệm liền im bặt và nhìn ra cửa. Hai thanh niên mặc veston, tay cầm áo khoác bước vào, mọi người trong quán thở phào và không khí ồn ào náo nhiệt trở lại. Bà chủ định ra nói lời xin lỗi khách vì quán đã hết chỗ thì đúng lúc đó một người phụ nữ ăn mặc hợp thời trang bước vào, đứng giữa hai thanh niên.

Mọi người trong tiệm dường như nín thở khi nghe người phụ nữ ấy nói chầm chậm:

- Làm ơn... làm ơn cho chúng tôi ba bát mì được không?

Gương mặt bà chủ chợt biến sắc. Đã mười mấy năm rồi, hình ảnh bà mẹ trẻ cùng hai đứa con trai chợt hiện về và bây giờ họ đang đứng trước mặt bà đây. Đứng sau bếp, ông chủ như mụ người đi, giơ tay chỉ vào ba người khách, lắp lắp nói:

- Các vị... các vị là...

Một trong hai thanh niên tiếp lời:

- Vâng! Vào ngày cuối năm của mười bốn năm trước đây, ba mẹ con cháu đã gọi một bát mì, nhận được sự khích lệ của bát mì đó, ba mẹ con cháu như có thêm nghị lực để sống. Sau đó, ba mẹ con cháu đã chuyển đến sống ở nhà ông bà ngoại ở Tư Hạ. Năm nay cháu thi đỗ vào trường y, hiện đang thực tập tại khoa nhi của bệnh viện Kinh Đô. Tháng tư năm sau cháu sẽ đến phục vụ tại bệnh viện tổng hợp của Trát Hoảng. Hôm nay, chúng cháu trước là đến chào hỏi bệnh viện, thuận đường ghé thăm mộ của ba chúng cháu. Còn em cháu mơ ước trở thành ông chủ tiệm mì lớn nhất Nhật Bản không thành, hiện đang là nhân viên của Ngân hàng Kinh Đô. Cuối cùng, ý định nung nấy từ bao lâu nay của chúng cháu là hôm nay, ba mẹ con cháu muốn đến chào hỏi hai bác và ăn mì ở Bắc Hải Đình này.

Ông bà chủ quán vừa nghe vừa gật đầu mà nước mắt ướt đẫm mặt. Ông chủ tiệm rau ngồi gần cửa ra vào đang ăn đầy miệng mì, vội vả nhả ra, đứng dậy nói:

- Này, ông bà chủ, sao lại thế này? Không phải là ông bà đã chuẩn bị cả mười năm nay để có ngày gặp mặt này đó sao? Mau tiếp khách đi chứ. Mau lên!

Bà chủ như bừng tỉnh giấc, đập vào vai ông hàng rau, cười nói:

- Ồ phải... Xin mời! Xin mời! Nào bàn số hai cho ba bát mì.

Ông chủ vội vàng lau nước mắt trả lời:

- Có ngay. Ba bát mì.

Không thấy ghi tên Tác giả

DaHuong
Posts: 124
Joined: Sat Dec 11, 2004 6:04 am

Post by DaHuong »

:cry: :cry: Cám ơn anh CNN , "Câu chuyện bát mì " thật cảm động ! :cry: :cry:



:cry:

CNN
Posts: 1017
Joined: Wed Dec 01, 2004 8:18 am

Post by CNN »

ĐỒNG XU

Rời bãi đá bóng, Phiên lang thang trên đê, hai tay thọc túi chiếc áo dạ tím bạc màu và rách sờn cổ, mặc trùm ra ngoài một bộ quần áo vải xanh, dính đầy dầu máy.

Từ sông thổi vào mũi chàng, vào miệng chàng, vào cái dạ dày trống rỗng của chàng từng cơn gió lạnh phảng phất lẫn với mùi phở thơm tho, ấp áp. Phiên mắt nhắm lim dim đứng rướn thẳng lên hít một hơi mạnh và dài.

Một người to lớn vội vàng hấp tấp chạy vọt lên đê, xô vào Phiên, làm chàng ngã, văng đôi guốc ra xa. Người ấy làu nhàu mấy tiếng trong mồm, rồi nhún vai đi thẳng. Phiên cũng nhún vai đáp lại để tỏ khinh bỉ.

Tiếng hò reo, tiếng vỗ tay hoan hô rầm rộ ở phía sau lưng. Phiên nghĩ thầm: "Trời rét, đá bóng thế có đói chết không?" Nhưng chàng mỉm cười nghĩ tiếp luôn "Hừ! mình cứ tưởng ai cũng như mình, cũng nhịn đói như mình!" Phiên xuống đường, rẽ qua phố Hàng Đậu.

Một người đi xe đạp, để tránh Phiên phải lái vội xe đâm vào rìa hè.

- Mù à!

Phiên đáp lại câu mắng bằng cái nhún vai lặng lẽ thứ hai, rồi cắm đầu đi thẳng.

Lanh lảnh có tiếng rao: "Hàng xôi phán xa!" Bất giác Phiên thọc sâu tay xuống đáy túi, vân vê đồng xu, đồng xu cuối cùng của chàng:

- Phán xa! Phán xa!

Người bán lạc chừng không nghe rõ tiếng chàng gọi, tiếng gọi nhỏ nhẻ, yếu đuối. Lần thứ ba chàng nhún vai, tự nhủ thầm: "Chậc! thôi, chẳng ăn nữa. Thà đói hẳn. Chứ ăn một xu lạc rang mặn chẳng bõ chua mồm!"

Vẫn nắm đồng xu lạnh trong lay, chàng mỉm một nụ cười sung sướng:

"Ừ, phải đấy! Ta tìm ăn cái gì chắc dạ. Ăn lạc rang chỉ tổ đói thêm!"

Mùi chả nướng tạt mạnh vào mũi. Phiên dừng lại quay nhìn vào trong hàng cơm: Những gói giò xanh, những chiếc chả tròn và vàng, những đoạn lòng lợn treo lủng lẳng ở cái lao màn ngắn. Trên ghế dài, hai người phu xe ngồi ăn cơm chan, và xì xụp, coi bộ ngon lành quá.

Phiên toan hỏi họ xem với một xu có thể ăn được mấy bát cơm, thì một người quay ra nhớn nhác nhìn chàng:

- Thưa thầy đi xe? Tôi ăn xong đây ạ!

Rồi đứng dậy, và lùa và lụa. Phiên vội đáp;

- Không.

Và hổ thẹn rảo bước. Đi một quãng xa chàng mới kịp nghĩ: "Hừ, thầy với bà! Chỉ tối nay không có gì ăn là thầy lả, bỏ xác thầy!. Bữa sáng hôm nay là bữa nhịn đói thứ ba của thầy rồi. ấy là chưa kể hai bữa điểm tâm buổi sáng và một bữa năm giờ của dân Hồng Mao". Phiên bật lên tiếng cười to.

Vì chàng nhớ lại những bữa trà đầy đủ của một cặp vợ chồng giáo sĩ Hoa Kỳ. Ngày ấy, Phiên còn theo học trường Bảo hộ. Chàng ở trọ nhà một ông ký ga, phố Nguyễn Trãi. Chiều thứ năm, chủ nhật đứng cửa sổ trên gác, chàng tò mò nhìn xuống cái vườn bên giáo đường. Nắng vàng thêu bóng lá cây trên tấm thảm cỏ xanh mới xén, trên cái khăn trắng muốt phủ kín chân chiếc bàn vuông con, trên bộ y phục màu hồng và cái mũ rơm vành rộng của người thiếu phụ. Thấy hơi nước ở chén bốc lên, chàng tưởng ngửi thấy hương trà thơm ngát, và ngày nay nhớ tới những đĩa bánh ngọt, chàng còn chảy nước miếng.

"Người ta giàu có, sung sướng thật!".

Tới vườn hoa Hàng Đậu, thấy cái ghế dài bỏ không, Phiên ngồi xuống, nghiêng thân thể mỏi mệt trên lưng tựa, dang hai cánh tay ra thở một hơi thực dài, rồi lim dim mắt như thiu thiu ngủ. Cái đời ký vãng lần lượt hiện ra, một quãng đời buồn lẫn vui.

Phiên lại trông thấy cảnh sa sút thiếu thốn của cha mẹ, cảnh bơ vơ của mình. Không trả được tiền học, Phiên phải bỏ trường, lang thang đi xin việc ở khắp các nơi. Một nhà ấn loát thuê chàng sửa chữa bài in, lương mười đồng một tháng. Phiên ăn cơm trọ hết bốn đồng, để ra hai đồng tiêu vặt vãnh, và góp tiền may quần áo, còn bốn đồng chàng gửi về giúp cha mẹ.

Phiên làm mới được hơn một năm thì cha chết. Phiên xin phép chủ về tống táng cha, nhưng bị ốm nặng, chàng nghỉ quá phép mất một tuần lễ. Hôm chàng ra Hà Nội thì ông chủ nhà in đã tìm người khác kế chân, và dặn chàng hãy đợi khi nào có việc sẽ lại mướn.

Trong túi còn hơn đồng bạc, Phiên ở lại chờ, nhưng nhà trọ bắt mỗi tuần phải trả trước một đồng, thành thử sau bảy ngày, hết tiền ăn, chàng bị bà chủ trọ mời ra ngoài đường một cách quả quyết và tàn nhẫn, vì bà ta biết rằng chàng đã mất việc.

Thế là từ sáng hôm qua, với một xu còn dính túi, Phiên đi lang thang trên dìa hè các phố.

"Một đồng xu! Hừ ta có một cái tài sản nhỏ nhất thế giới! Kỷ lục ấy khó lòng ai phá nổi. Đến những người ăn mày cũng còn giầu hơn ta!"

Vừa nghĩ Phiên vừa cầm đồng xu tung trên bàn tay. Bỗng đồng xu rơi lăn vào gầm ghế. Phiên cúi tìm mãi mới thấy:

"Trời ơi! tý nữa mất!" Chàng vừa lóp ngóp ngồi xuống thì một người què chống nạng nhảy đến chìa tay xin. Phiên mỉm cười chua chát, nói:

- Tôi không có đâu, bác ạ.

Rồi ngượng với người tàn tật, - vì biết người ấy đã nhìn thấy mình nhặt đồng xu, - Phiên đứng dậy đi thẳng, vừa rảo bước vừa quài cổ lại nhìn người hành khất đứng nói làu nhàu. Phiên phì cười nghĩ thầm:

"Chắc bác ta đương nguyền rủa mình, vì bác ta cho mình là một thằng keo bẩn!"

ý nghĩ ấy tự nhiên làm Phiên vui sướng, cất tiếng hát bài ca mà chàng thường nghe trẻ con và cả các anh kéo xe nhà huýt còi theo điệu:

La Chine est bien monotone, dit-on frequemment...

- Anh Phiên thích chí điều gì mà hát nghêu ngao thế?

Phiên quay lại. Một người đi xe đạp vụt qua, Phiên chỉ kịp nhận ra đó là người chạy giấy ở nhà in mình làm việc trước. Chàng toan gọi lại để dựt dăm xu ăn bữa chiều, nhưng chiếc xe đạp đã bon bon chạy một quãng xa. Chàng đành nhún vai tiến bước. Nhún vai hình như là cử chỉ cố định của Phiên để đáp lại hết mọi điều không thể trả lời được bằng tiếng nói, bằng ý nghĩ.

Nhưng người chạy giấy làm Phiên chợt nhớ đến ông chủ nhà in. Chàng đi thẳng tới xưởng, tuy biết chắc rằng thế nào ông chủ cũng trả lời như mọi lần trước, nghĩa là "Chưa có việc, hãy chờ, mà nếu không chờ được thì đi tìm việc ở nơi khác."

Câu trả lời ấy quả thực Phiên được nghe lần chẳng biết thứ mấy, khiến chàng không giữ được cái cười nửa miệng, vì vừa nhách môi ra, Phiên sợ hãi cố nghiêm ngay nét mặt lại.

Thấy Phiên vơ vẩn đứng ngó vào trong xưởng, người chủ chau mày gắt:

- Đi chứ còn đứng đấy làm gì?

Phiên toan liều xin vài hào, nhưng ngượng quá không nói ra câu. Người chủ quát luôn:

- Đi ngay! Hay anh định rủ thợ đình công thì anh bảo?

Phiên nuốt một tiếng thở dài, cúi chào quay ra.

Đến một tòa nhà nguy nga, Phiên dừng gót ngoài hàng rào sắt đứng tò mò nhìn vào trong vườn. Những chậu sứ, đôn sứ, thống sứ men xanh, men ngũ sắc bày la liệt kín cả một khoảng sân, dưới cái giàn gỗ có hoa hồng leo. Phiên tự nhủ thầm: "Một cái thống kia cũng đủ nuôi sống mình được một năm", tuy chàng chẳng rõ giá tiền một cái thống giang tây là bao nhiêu tiền.

Một cái lều vây lưới thép, chứa rất nhiều các giống chim bay lượn. Trên lối đi lát gạch khía, hai con công xòe đuôi múa.

Trong bếp, lửa cháy hồng tươi. Bên chái bếp, một cái chuồng chim bồ câu. Hai con chim non thò đầu ra cửa chiêm chiếp kêu đòi ăn. Con mẹ từ mái nhà bay vụt xuống. Hai con kia chui ra ngoài, đôi cánh yếu rung rung đập, tức thì con mẹ lần lượt mớm cho.

Ngắm hai con chim non béo mũm mĩm, ninh ních những thịt, Phiên tưởng ngay đến những nồi cháo thơm thường được ăn khi nhà còn sung túc.

Giữa lúc ấy, tiếng bà chủ thét đầy tớ từ trên gác ném xuống. Phiên nhận thấy giọng cay nghiệt, tàn ác: "Hừ! giàu thế này mà vị tất đã... đáng sống!" Vừa nghĩ đoạn Phiên cho câu tư tưởng của mình hoàn toàn vô nghĩa, và chàng bật lên tiếng cười to: "Chả biết mình có đáng sống không, nhưng sự thực thì hiện giờ mình chẳng sống một tị nào!"

Phiên cười mãi rồi bỗng cảm thấy mình sung sướng, chàng để luồng tư tưởng vẩn vơ của chàng cứ theo đà tuôn ra: "ừ! sao mình lại không sống? Mình sống lắm chứ! Không những mình sống, mà mình còn sống sung sướng bằng mấy cái bà có giọng the thé ở trên gác kia... Đây này, bằng cớ đây này!"

Phiên móc túi lấy đồng xu cầm ở tay nghĩ tiếp: "Đây này, cái bằng cớ rằng mình sung sướng hơn, giàu có hơn bà ta nữa, là mình có thể cho bà ta đồng xu cuối cùng của mình. Này cho!"

Qua đôi cánh cổng hé mở, Phiên thia lia đồng xu vào trong sân và lên tiếng:

- Cho đấy! Chốc nữa xuống thăm vườn cảnh tìm thấy lại không sướng mê tơi! Hừ! có biết đâu rằng đồng xu ấy là cả một tài sản của một... một thư sinh giàu tư tưởng, giàu lòng từ thiện.

Khoái trá về cái cử chỉ anh hùng và phi thường của mình, Phiên thọc tay vào túi đi nghênh ngang, miệng se sẽ huýt còi. Nhưng vừa đi được mươi bước, chàng nghĩ ngay đến cái cử chỉ điên rồ: "Ô hay! sao mình lại ngông cuồng thế nhỉ? Một đồng xu! sao mình lại phí của thế?" Rồi Phiên quay lại để nhặt.

Vịn cổng, Phiên rụt rè đứng nhìn. Không một ai qua lại, Phiên chặc lưỡi, liền bước vào, lom khom cúi tìm...

Phiên đương bê cái chậu sứ lên để xem đồng xu có văng vào gầm không, thì một người ở trong bếp đi ra rón rén đến gần, túm chặt lấy cổ áo:

- Mày vào ăn cắp phải không?

Phiên đứng thẳng người lên ấp úng:

- Không mà, tôi tìm đồng xu.

- Đồng xu nào lại rơi ở đây?

- Đồng xu của tôi.

- Đồng xu của mày?

- Phải, đồng xu tôi ném vào.

Người kia phì cười:

- Đồng xu mày ném vào?

Lúc ấy, cả bọn người nhà kéo ùa ra xúm xít quanh mình Phiên. Bà chủ đứng trên bao lơn thét hỏi:

- Cái gì thế, chúng mày?

- Bẩm bà, một thằng ăn trộm, con vừa bắt được một thằng toan bê cái chậu sứ.

- Thế à? Điệu cổ nó lên bóp cho tao! Đánh chết đi!...

Phiên có phân trần, nhưng mỗi lời chàng nói, người ta chỉ đáp lại bằng một cái tát, hay một quả đấm. Về sau chàng đành đứng im để mặc cho người ta trói và điệu lên sở cảnh sát.

o0o

Tối hôm ấy, Phiên được ăn bữa cơm đầu tiên, sau hai ngày nhịn đói, bữa cơm tù. Chàng vui vẻ nghĩ thầm:

"Thế mới biết công dụng của đồng xu to thực!"

Khái Hưng
Trích từ tập truyện ngắn Đợi chờ.
Hà Nội, 1940.

CNN
Posts: 1017
Joined: Wed Dec 01, 2004 8:18 am

Post by CNN »

Biển Vắng
Nguyễn Thị Tê Hát

- Cô không sao chứ?

- Không, tôi không sao cả

- Tôi rất mừng gặp lại cô

- Thật sao?

- Thật, vi tự dưng cô biến mất làm tôi lo, tôi không biết cách nào để có thể liên lạc xem cô thế nào?... Hắn không làm gì cô chứ?

- Tại sao ông lại hỏi vậy?

- Tôi sợ hắn đã làm gì cô, tôi sợ điều không may nào đó xảy ra cho cô... tôi lo... nhưng sau đó biết là cô không sao nên tôi cũng yên tâm.

- Sao ông biết là tôi không sao?

- Vì tôi có đến ty cảnh sát để hỏi về cô... họ nói là cô không sao vì không thấy có một báo cáo nào cả.

- Ông làm vậy thật à? nhưng ông nghĩ thế nào mà lại đến Ty Cảnh Sát hỏi về tôi?

- Không hiểu tại sao tôi lại làm như vậy? có lẽ sự vắng mặt của cô làm tôi rối loạn, làm tôi lo sợ những điều không may mà cô gặp phải... chuyện gì đã xảy ra?

- Không có chuyện gì cả, tất cả đã thuộc về hôm qua rồi

- Cô nói cho tôi biết được không? vì dạo này tôi thấy cô buồn nhiều, cô trầm ngâm nhiều hơn, lúc trước tôi thấy cô đâu có như vậy, chuyện gì?

- Không có gì cả

- Sao lại không?

- Ông hỏi nhiều quá.

- Tại tôi quan tâm đến cô, nếu không quan tâm thì tôi đâu có phải cuống cuồng lo sợ khi không thấy cô?

- Ông quan tâm để làm gì? Sao lại quan tâm? Giữa ông và tôi đâu có sự liên hệ nào?

- Tôi biết, và tôi cũng không hiểu tại sao nữa. Nói đi, biết đâu tôi có thể giúp cô?

- Ông không giúp được đâu... vả lại tôi không quen kể lể, tôi không quen nói về mình. À, bịnh tim của ông thế nào rồi?

- Ngày mai tôi phải trở lại bịnh viện để giải phẫu.

- Có sao không?

- Không sao cả, yên tâm!

- Tại sao tôi lại không yên tâm? ông đâu có là gì của tôi?

- Ừ, có lẽ chỉ là thói quen của tôi thích trấn an người khác

- Vậy à?

- Này, tại sao cô lại thích ra đây ngồi?

- Thế còn ông? tại sao ông cũng hay ra đây ngồi một mình?

- Tại vì biển là một phần đời của tôi, tại vì biển đã mang đi hạnh phúc của tôi, tôi muốn ra để đòi lại những gì tôi đã mất, nhưng tôi không biết đòi thế nào? cô biết không?

- Không ! vậy chắc ông đau lắm hả?

- Ừ, đau lắm, đau đến có thể muốn đứng trên mỏm đá thật cao trên kia để lao xuống... nhưng mà bây giờ thì không còn đau nữa, chỉ còn tiếc nuối thôi, tất cả như đã xa xôi lắm rồi... bây giờ thì lại thấy buồn nếu ra đây không thấy cô, khi chỗ cô hay ngồi chỉ là một hòn đá trơ lạnh.

- Ông đang tán tôi phải không?

- Cô nghĩ tôi đang tán cô hả? vậy mà tôi cứ tưởng tôi không còn ở cái tuổi tán tỉnh, chạy theo ai nữa... Còn cô? sao cô lại hay ra đây ngồi? bất kể thời tiết thế nào đi chăng nữa?

- Tại vì ở đây tôi mới tìm thấy tôi , tôi được quyền suy nghĩ, được quyền khóc mà không cần phải che dấu, không cần phải kéo mặt nạ lên... nhưng ông, ông đã đến làm tôi lại đánh mất tôi, sự hiện diện của ông đã xáo trộn sự yên tĩnh của tôi.

- Vậy tôi có cần phải xin lỗi cô không?

- Cần

- Thế tôi xin lỗi cô nhé

- Muộn rồi

- Thế thì tôi phải làm sao? à này!... chiếc nhẫn trên tay cô đâu rồi?

- Mất rồi, tôi vừa đánh rơi

- Chỗ nào? tôi xuống kiếm cho cô

- Không cần, tôi đã kiếm nhưng không thấy, có lẽ sóng đã cuốn ra xa, hay có lẽ đã nằm dưới lòng biển...ông xuống được không?

- Khuya quá, gió lạnh, cô có thấy lạnh không? về nhé!

- Không, tôi chưa muốn về. Biển về đêm đẹp quá, ông không thấy sao? Ông ngồi đây với tôi thêm một tý được không?

- Được, nhưng chiều mai cô đừng ra đây ngồi một mình nhé?

- Sao vậy?

- Vì ngày mai không có tôi

- Không có ông thì đã sao? tôi vẫn ra đây ngồi một mình kia mà !

- Nhưng... ngày mai tôi vào bịnh viện, tôi không muốn nghĩ và liên tưởng đến hình ảnh cô ngồi một mình, cô đơn một mình, tôi thấy cô tội nghiệp quá.

- Ông có vẻ thích lo và thích tội nghiệp người khác quá nhỉ?

- Cô nhạo tôi đó à? cô cứ cười đi, nhưng hãy hứa với tôi là ngày mai cô sẽ không ra đây ngồi, đừng nhé, cô hứa đi.

-.....

- Hứa nhé !

- Vâng, tôi hứa

Người thiếu phụ đi lên đi xuống trước cửa phòng cấp cứu đứng ngồi không yên, thỉnh thoảng lại đưa mắt nhìn lên cái đèn hiệu vẫn sáng gắn trên 2 cánh cửa đóng kín... 3 giờ, 4 , rồi... 5 giờ... sự chờ đợi như dài vô tận, thời gian như không nhúc nhích... đèn hiệu chợt tắt, một sự im lặng nặng nề bao phủ, cánh cửa bật mở... một người, hai rồi ba, bốn người mặc áo xanh đi ra, tháo mũ, lắc đầu mệt mỏi nhìn những người đang đứng chờ đợi trước cửa phòng giải phẫu... tay quét mô hôi trán, đi nhanh về cuối hành lang... người thiếu phụ quỵ xuống... mơ hồ thấy biển không một bóng người, gió dzữ dội, sóng to như gào thét ngoài khơi, tiếng những con chim biển kêu nhau như khàn đục, chợt thấy người đàn ông quay lưng đang lững thững đi về phía xa... người thiếu phụ bỗng thấy mình, vẫn chỗ cũ... một mình ngồi lẻ loi trên biển vắng...

Source: TrinhnuNet

User avatar
phu_de
Posts: 2917
Joined: Sun Nov 28, 2004 10:57 pm
Has thanked: 7 times

Post by phu_de »

Image

Cuộc vui ít có
Vũ Trọng Phụng


LTS. Truyện ngắn Cuộc vui ít có viết theo lối trào phúng, được Vũ Trọng Phụng sáng tác vào tháng 11-1933 với bút danh Thiên Hư, nhưng chưa được in trong các tuyển tập Vũ Trọng Phụng từ năm 1987 đến nay. Truyện do Peter Zinoman - nhà Việt Nam học người Mỹ - tìm thấy vào tháng 5-2002, đã được đăng lại trên báo Nhân Dân điện tử.
---------------



Tôi ở chơi nhà một người bạn ở làng này đã trọn năm hôm, sợ phiền nhiễu mãi người anh em không tiện nên buổi trưa hôm ấy đã định tâm xin phép " xách khăn gói " lên đường.
Giữa lúc khách xin ra đi, chủ nhất định giữ lại, chưa ngã ngũ ra sao, chợt thấy chó sủa vang lên với tiếng người nhà quát chó ầm ĩ. Rồi một người đã đứng tuổi, mặt đỏ bừng nhiệt khí của thần rượu bước vào. Bạn tôi quay ra tiếp khách, tôi cũng phải giữ lễ, lại ngồi xuống ghế, lặng im.
Đây câu chuyện của hai bên :
- Gớm, ông anh bận gì mà cho nó sang mời năm bảy lượt cũng chửa chịu sang cho.
- Tôi đã xin đến chiều sang mà lại...
Ông khách đó tức khắc hiểu ý, quay lại phía tôi mà rằng :
- Hay là nhân tiện chẳng mấy khi ngài về, mời ngài dời gót ngọc lại tệ xá xơi chén rượu nhạt mừng cho ông tôi thì chúng tôi lấy làm hân hạnh quá. Thế nào ? Ông anh bảo thế có tiện không ?
Tôi chưa biết đáp ra sao, cũng chưa hiểu đầu đuôi thế nào, bạn tôi đã đỡ lời hộ :
- Vâng, để tôi xin nói với anh tôi. Nhưng dù sao cũng xin cho đến bữa chiều...
Ông kia ra ý rất hài lòng :
- Vâng, thì đến chiều. Miễn các ông anh nhận lời cho là đủ. Thật là may quá ! Thôi, thế tôi xin phép...
- Kìa, hãy ngồi chơi uống chén nước đã...
- Thôi tôi phải về thu xếp cho bọn khách ấy trổ tài cống hiến chư vị trong làng đây !
- Cái gì ? Bọn khách nào trổ tài ?
- Kìa, thế ông anh chưa biết à ? Bọn khách làm trò quỷ thuật mà lại...
- Thế à ? Lôi ở đâu về thế ? Sao bảo hát chèo ?
- Không, hát chèo sợ tẻ và thường quá. Nhân tiện có bọn khách đang kiếm ăn ở phủ nên tôi thuê về nhà làm trò cho thêm vui. Này, ôi chà ! Họ lắm cái giỏi lắm !
- Thích nhỉ ! Thế thì nhất ! Nhưng bao giờ ? Họ đã về chưa ?
- Rồi ! Đang sắp sửa đấy... Hay là mời hai ông anh cùng sang một thể ?
- Thôi được, bác cứ về. Dăm phút nữa chúng tôi đi.


Khi ông ta đi rồi, bạn tôi mới "giới thiệu vắng mặt" đó là ông thủ quỹ, nhà đang có việc mừng vì ông bố ăn khao bảy mươi.
Tôi chưa kịp trách bạn tôi sao đã vội nhận trước khi biết ý tôi thế nào, bạn tôi đã nói chặn :
- Nhận cũng phải. Người ta là người trung hậu tử tế, mình phải nể lời. Vả lại... có ngại gì ? Trước lạ thì sau quen !...
Rồi bạn tôi ra với lấy cái khăn trên mắc áo.


Gần khắp mặt già trẻ lớn bé trong làng tề tựu cả ở sân nhà ông thủ quỹ để chờ sẵn cuộc cầu vui cho mắt.
Các cụ ngồi đạo mạo trên những bộ ghế trải chiếu cạp điều người lớn với trẻ con đứng thành một ô vuông, mấy chú khách thì đang soạn mọi thứ đồ đùng, thỉnh thoảng lại khoan tay lục hòm để vỗ về vuốt ve một con bú rù (1) và một con chó.
Đến lúc đồ lề đã bày ra la liệt đâu đấy rồi, ông thủ quỹ ra giữa sân, đứng cạnh một chú khách cởi trần trùng trục đầu trọc lốc, hai mắt nhỏ tí như mắt lươn nhưng bắp thịt ở ngực với ở tay nổi như những khúc rắn quấn khắp người, rồi ông lên tiếng :
- Thưa các cụ, các ông, các bà đã có lòng yêu đến mừng cho cụ tôi, tôi thật cảm tạ lắm. Đáng lẽ chúng tôi xin hiến các cụ với các quan viên hàng xã một buổi tối xem hát chèo, nhưng vì nghĩ rằng chèo là sự thường và sợ tẻ nên tôi phải mời mấy chú này về trổ tài ở đây. Những chú này có võ nghệ, có nhiều thuật rất tài tình, lại có nội công nữa. Một chú sẽ cầm thiết côn đập vào ngực mình cho mà xem. Rồi chú ta lại lấy dao nhọn đâm vào cánh tay nữa. Xong chú ấy sẽ hiến các cụ các quan một thứ thuốc cao để rịt đòn... Các chú sẽ trổ tài về võ nghệ và nội công (ông quay hỏi chú khách), có phải nội công không ?
Chú kia gật đầu :
- Nội koòng, nội koòng, pải !
Một cụ râu ba chòm phán :
- Nếu đích là nội công thì mới thật là giỏi chứ nếu quỷ thuật là có khóe riêng rồi, là không giỏi...
Một cụ khác, có ria mép, thêm :
- Nội công hay không nhưng nếu sau phải lấy thuốc cao rịt thì cũng chẳng có gì là phi thường.
Ông thủ quỹ hơi có ý bất mãn :
- Nếu các cụ không tin những nhời tôi tiến dẫn thì cứ việc xem xét cho kỹ lưỡng mọi vật dụng đi. Đây, thiết côn, đây dao, với thuốc cao nữa đây này... Tôi xin cam đoan cuộc này là một cuộc vui ít có.
Một cụ cao niên hơn cả đỡ lời :
- Đây chỉ có cụ Tỳ, cụ Phế là hai vị danh sư thì mới đủ tư cách...
Bọn người làng cũng vội :
- Chính thế, nhân tiện hai cụ xem hộ cả thuốc cao cho chúng con.
Cụ lang Phế, cụ lang Tỳ - hai cụ hoài nghi lúc nãy - cùng vội vàng xuống ghế ton ton ra khám xét ngay.
Cụ lang Phế cầm cái thiết côn :
- Cái này không rỗng ruột đấy chứ ? à, không.
Cụ lang Tỳ bĩu môi :
- Không ! Đã chắc là không à ?
- Con dao này có lò xo ở chuôi không ? à, không thật.
- Phải khám kỹ vào chứ !
- Thuốc cao đây à ? Dễ thường không phải...
- Đưa tôi xem nào ! Chả thuốc cao thì còn là...
Cụ Phế thấy ông đồng nghiệp khó chịu, phát gắt :
- Cụ làm lối gì thế ? Cụ coi tôi là thằng ngu ư ? Dễ thường chỉ một mình cụ biết nghề thuốc !
- Thế này mà bảo không phải thuốc cao !
- Thôi, tôi chịu ông rồi mà !... ở vùng này chỉ có một ông biết nghề thuốc !
- Biết hay không mặc xác tôi !... Anh không phải cà...
- Thì việc gì anh phải khoe giỏi ? Đám ma nhà chị Hai Vòm lăn đường mẹ mới ngày hôm kia... Anh bốc thuốc tài hơn tôi thật chứ lại !...
- A a ! ... Nhưng bà cụ mẹ chị ta thọ đã ngoài sáu mươi rồi. Anh muốn đổ tại tôi ư ? Thôi sao anh không nhắc đến chuyện con đĩ Chắt anh bốc có hai thang mà lăn ra chết ?
- Hai thang ? Hai thang ? Đứa nào ngoa ngôn thì giời đánh nhé ? Ai bảo nó sốt lại đi ăn chuối tiêu vào !... Hai thang à ? Thế anh chỉ bán có một gói thuốc đau bụng mà thằng nhiêu Toét suýt bỏ mạng thì sao ? Thế mà cũng đòi là lang ! Lang thế mấy lúc mà tù mọt gông ! Lang băm ấy à !
- Lang băm ? Có lẽ !... Nhưng không làm đọa thai người nào thì thôi !
- À ! Anh này to gan nhỉ ? Nói nốt đi, nói nốt đi xem nào ?
- Chứ lại sợ à ? Sẽ nói tại tòa sứ cho mà xem...
- Này không phải dọa... Quan tỉnh sẽ trói anh lại có ngày. Dễ không có người đau mắt nhờ anh đánh mộng rồi nổ con ngươi ra đấy ư ?
- Số nó mù thì ai biết làm thế nào ? Anh có muốn tôi nói rõ tên thằng bé sài suyễn mà anh cứ bốc mãi thuốc chữa dạ dày không ?
- Anh là thằng khốn nạn nhé. Cả nhà chánh hội Bầu mắc ghẻ ruồi mà anh dám nấu cho nó thuốc tim la anh quên rồi à ?
(Cả nhà chánh hội Bầu kéo nhau ra về)
- Thế còn nhà trưởng Toe thì sao ? Nó hôi nách mà chữa mãi bằng lá ô nhĩ trong sáu tháng giời à ?
(Trưởng Toe đẩy ba người ngã, đỏ mặt chạy)
- Sáu tháng ? Thế trong hai năm sao anh không chữa cho tan cái hạch ở háng cô Thoa đi ?
(Cô Thoa trước khi chạy, kêu to : Đồ khốn nạn !)
- Anh có muốn tôi kể đến cái mụ góa chồng mà ngày nào anh cũng lại đốt ngải cứu ở mông đít không ?
- Anh không sợ tôi réo tên con bé mới mười lăm tuổi mắc bệnh đau tức mà anh cứ lấy rượu thuốc để anh xoa vú nó à ? Lang gì ? Dê già thì có ! ...
Người xem bỏ chạy gần hết. Chỉ còn hai anh giai làng tuổi còn lấc cấc, bò lăn ra giữa sân không dậy được, vì cười...
Chú khách giơ hai tay lên giời :
- Tiu nà ma cái lổ phồ ! Ngổ ti về cái nội koòng !...
Trong mấy chục năm giời, thật chỉ có độc một lần này tôi xem được một " cuộc vui ít có ".

Vũ Trọng Phụng
(1) Con bú rù (dù) : con khỉ.

User avatar
phu_de
Posts: 2917
Joined: Sun Nov 28, 2004 10:57 pm
Has thanked: 7 times

Post by phu_de »

Mời quý anh chị đọc 1 cuốn sách hay của Kiều Phong.bảo đãm không cười té ghế không ăn tiền, hehehe

----------------------------------


ImageImageImage

Post Reply