Nghe Strauss trên giòng Danube

Phim ảnh, âm nhạc đưa người ta vào thế giới ảo mộng quên đi bao nỗi muộn phiền của đời thường... Nơi đây chỉ ghi lại một phần nào đó của cái thế giới muôn mầu sắc và âm thanh đó mà thôi.

Moderator: Nguyễn_Sydney

Post Reply
User avatar
phu_de
Posts: 2917
Joined: Sun Nov 28, 2004 10:57 pm
Has thanked: 7 times

Nghe Strauss trên giòng Danube

Post by phu_de »

Chuyện âm nhạc với Quỳnh Giao:
Nghe Strauss trên giòng Danube
Quỳnh Giao


Image




Nhiều người yêu nhạc vẫn coi Johannes Brahms là “truyền nhân” của Beethoven. Brahms thì lại ưa nhạc valse của Johann Strauss. Có lần, vì ngưỡng mộ, bà Strauss xin chữ ký của ông làm kỷ niệm, Brahms bèn viết lên giấy mấy cung dẫn vào bài Blue Danube của Strauss. Bên dưới, ông ghi thêm: “Ðáng tiếc vì không là của Johannes Brahms”.

Quỳnh Giao nghĩ đến giai thoại ấy khi thăm viếng Vienna.


Image

Trên đại lộ chính của thành phố, vườn hoa có bức tượng của Strauss. Nhưng, nơi tòa nhà ngày xưa có căn gác của Strauss thì ngày nay ở bên dưới có nhà hàng McDonald's. Cây cầu vồng màu vàng của nhà hàng thịt bằm này có thể làm nhiều người yêu nhạc thấy bầm tím ruột gan.



Cũng may là tối đó, tấm lòng yêu nhạc có được chút an ủi khi dự buổi hòa nhạc trong một sảnh đường nhỏ của vườn hoa. Ban nhạc loại “thính phòng”, không lớn mà cũng chẳng là một dàn nhạc siêu hạng của Vienna. Họ cũng chỉ chơi nhạc loại nhẹ, easy listening, cho du khách mà thôi. Nhưng dĩ nhiên là có bài Blue Danube và Emperor's Waltz của Johann Strauss và cả nhạc Mozart, có một màn song ca trong vở Don Giovanni. Khi dàn nhạc tấu lên khúc Giòng Sông Xanh (The Blue Danube - Le Beau Danube Bleu như chúng ta hay gọi ngày xưa ở nhà) trên sân khấu các nghệ sĩ trình bày vũ khúc ballet theo tiếng nhạc.
Vienna xứng đáng là thủ đô thanh lịch và nghệ thuật của nước Áo - Austria. Dân Vienna vẫn chưa quên Strauss và bài “An der schonen blauen Donau” - Bên giòng sông Danube xanh đẹp.


Trong chuyến thăm viếng Âu Châu vừa qua, Quỳnh Giao được đi du thuyền - nói cho bảnh, thực ra là một khách sạn nổi - chạy dọc sông Danube. Thuyền khởi hành từ Passau của Ðức, một thành phố cổ kính soi mình bên giòng nước. Ðây là đoạn ba con sông Danube, Inn va Ils nhập lại thành một giòng. Khúc sông quanh co rất đẹp, nhìn lên những nhà thờ cổ kính. Nhưng nhìn xuống, giòng sông không có màu xanh lam như nhạc và lời đã viết! Không trong bằng sông Hương đã đành, Danube còn nhờ nhờ màu nâu lục. Vì môi sinh, vì kỹ nghệ hay vì giấc mơ màu xanh của người nghệ sĩ từ hơn một thế kỷ trước?


Image


Về chiều dài, sông Danube chỉ thua giòng Volga của Nga nhưng vẫn là giòng sông nối liền cả chục quốc gia Âu Châu, khởi nguồn từ Ðức, chảy qua Austria, Hungary, Romania, v.v.. (làm sao nhớ hết khi không là nhà địa dư học!) trước khi đổ vào Hắc Hải, giữa Romania và Ukraine.
Từ Passau, thuyền đi một đêm đến thành phố Linz của Vienna, nơi gợi hứng cho Mozart trong bài Symphony số 36, về Linz. Thành phố xanh tươi màu cây cỏ và được giữ rất sạch và thơm. Từ đấy, du khách đi xe bus đến Salzburg, nơi sinh của Mozart cách nay đúng 250 năm. So với lần trước khi được đến thăm, cách nay đã 18 năm, Salzburg ngày nay đã đổi khác, hiện đại hơn mà cũng ồn ào bụi bặm hơn. Năm nay, nhịp tim Salzburg đập theo tiếng nhạc Mozart. Không thể khác được! Một ngày chỉ có nhạc và nhạc, Mozart và Mozart. Cũng là một cách tưởng nhớ một thiên tài.


Image


Khúc sông Danube đẹp nhất được đi qua là giữa Melk và Durnstein, lòng sông mở ra rất rộng, ánh sáng lấp lánh, hai bờ là những ruộng nho xanh ngát thoai thoải chạy theo sườn núi. Chót vót trên đỉnh là những ngôi nhà thờ với gác chuông cổ kính rêu phong. Sống giữa khung cảnh ấy, làm sao có thể nghĩ đến chiến tranh và bom đạn? Vienna là thủ đô của một quốc gia trung lập của Âu Châu, nhờ vậy mà ít bị tàn phá? Nhưng, tiệm McDonald's dưới căn gác của Strauss là một nhắc nhở về sự tiến hóa nhiều khi tàn bạo của thời bình!


Strauss thực ra có tên là Johann Strauss Jr. (theo kiểu Mỹ) hay Johann Strauss II theo kiểu Âu Châu. Ông sinh năm 1825 trong một gia đình nhạc sĩ. Thân phụ tên Johann Strauss I là tay soạn nhạc nổi tiếng, cho tới khi Strauss II xuất hiện. Ngoài ra, ông còn hai người em là Josef và Edward cũng viết nhạc và cháu ông, con trai của Edward, cũng là một nhạc sĩ. Trong năm nhạc sĩ đó, Strauss II là người nổi danh nhất, và nổi danh ở nhạc luân vũ, được gọi là Vua Nhạc Valse. Nói ra thì kỳ, nghĩ đến “The Waltz King” Johann Strauss II, mình lại nhớ đến Hoàng Trọng, được nhiều người ngày xưa gọi là “Vua Tango” - không phải vì ông nhảy giỏi mà vì tài viết nhạc làm mọi người không biết tango cũng muốn nhảy.


Strauss cũng vậy. Ông làm cả thành phố Vienna quay cuồng trong nhịp luân vũ. Từ một vũ điệu thực ra của thôn quê, Johann Strauss đã nâng điệu valse thành nhạc quý tộc, cho giòng Habsburg của nước Áo. Bài valse nổi tiếng nhất của ông chính là Le Beau Danube Bleu. Ban đầu, đó là ca khúc với lời từ của Josef Weyl. Về sau, Strauss viết lại thành nhạc khúc cho ban nhạc và nhạc khúc ấy tồn tại cho đến ngày nay. Tính ra thì có khoảng hai chục phim ảnh hay cả các computer game ngày nay đã lấy nhạc của Giòng Sông Xanh này. Nổi tiếng nhất là phim “2001: A Space Odyssey” của đạo diễn Stanley Kubrick.
Ở tại Vienna, nghe ban nhạc Áo trình bày Giòng Sông Xanh một cách rộn ràng, sắc xảo, có tiếng sóng vỗ và nắng vàng lóng lánh trên mặt sông bao la bát ngát trước mặt, người thưởng ngoạn có thể thấy ra màu xanh huy hoàng của giòng sông. Và còn thấy nhạc khúc đã có lời hát trong âm thanh. Chúng ta không nên hát Blue Danube nữa!


Nơi dừng chân cuối cùng và rời giòng sông, là Budapest, thủ đô của Hungary.


Image


Không biết xứ Hung Gia Lợi này có bị rợ hung nô trùm cho cái tên chăng, nhưng Budapest là thành phố Ðông-Tây hai mặt. Ở giữa là giòng Danube. Giòng sông chảy xuống theo hướng Bắc Nam, bên hữu ngạn là nửa Tây phương và tả ngạn là nửa Ðông phương. Ðây là thành phố đẹp nhất vì còn giữ nguyên sự cổ kính với kiến trúc loại Baroque dị kỳ, với rất nhiều màu sắc Ðông phương.


Sóng Danube vẫn tung tăng ở giữa hai cõi Ðông Tây ấy. Nhưng, người yêu nhạc đã thấy rộn ràng nhạc của Franz Liszt và Bela Bartok, những nhạc sĩ nổi tiếng nhất của đất Hung.
Rời Budapest về Frankfurt để lấy máy bay vượt đại dương, hình ảnh cuối cùng vẫn là giòng Danube lấp lánh ở dưới, rộn ràng như nhạc Bến Xuân Xanh của Dương Thiệu Tước. Những ai yêu nhạc valse hay Blue Danube của Strauss, hãy nghe hoặc hát Bến Xuân Xanh thì mới thấy sức tưởng tượng phong phú của những nghệ sĩ có chân tài.

Xin mời nghe Mai Hương trình bày :
Bến Xuân Xanh



Nữ ca sĩ Quỳnh Giao còn là giáo sư dương cầm về nhạc cổ điển Tây phương. Liên lạc về lớp dạy dương cầm và luyện giọng: (714) 653-8693 hoặc quynhgiaomusic@aol.com

Post Reply