Ca sĩ Thanh Tuyền và Chế Linh

Phim ảnh, âm nhạc đưa người ta vào thế giới ảo mộng quên đi bao nỗi muộn phiền của đời thường... Nơi đây chỉ ghi lại một phần nào đó của cái thế giới muôn mầu sắc và âm thanh đó mà thôi.

Moderator: Nguyễn_Sydney

Post Reply
dacung
Posts: 409
Joined: Tue Dec 13, 2005 6:26 am
Location: USA
Contact:

Ca sĩ Thanh Tuyền và Chế Linh

Post by dacung »

Chuyện đời ca sỹ

Hoàng Dương
BBC Việt ngữ

Image
Cặp song ca Chế Linh Thanh Tuyền

“Hai đứa bây giờ cuối đời tâm sự chỉ mong ước làm sao được về hát một lần nơi quê hương cho các khán thính giả của mình rồi có nhắm mắt cũng vui lòng” - cặp song ca lừng danh tại Sài Gòn trước năm 75 cũng như về sau này tại hải ngoại là Thanh Tuyền và Chế Linh tâm sự với đài BBC.
Hai ca sỹ Chế Linh và Thanh Tuyền bắt đầu sự nghiệp ca hát từ đầu thập niên 60, khi Việt Nam còn đang trong cuộc chiến.

Nghe phần 1 chương trình

Nghe phần 2 chương trình

“Tôi lớn lên và du nhập vào làng âm nhạc lại rơi vào thời chiến tranh, nên rất nhiều bài tôi hát là cho lính nghe”, ca sỹ Chế Linh nhớ lại. “Lúc đó ở các nơi tiếng súng nổ cũng nhiều, nhưng tôi cũng quen rồi, không biết sợ gì hết, chỉ biết làm sao đem giọng hát của mình tới gần mọi người thôi”.

Từ Đà Lạt về Sài Gòn khi đó, ca sỹ Thanh Tuyền nhớ: “Cái thời đầu đi hát mới có mười mấy tuổi đầu, trong đầu đâu có nghĩ tới chiến tranh, không biết sợ bom đạn gì hết, chỉ biết yên vui trong sự nghiệp ca hát của mình thôi. Chỉ đến sau Tết Mậu Thân, có trận đánh Mậu Thân, Thanh Tuyền mới bắt đầu có những suy nghĩ về chiến tranh”.

Sinh thời, cố Tổng thống Việt Nam Cộng hoà Nguyễn Văn Thiệu rất ái mộ giọng ca của cặp song ca này, đặc biệt là Thanh Tuyền. Được biết trên bàn ông Thiệu thường có băng nhạc với tấm hình của ca sỹ Thanh Tuyền.

Tiếp tục biểu diễn tại Sài Gòn cũng như khắp các nơi tại miền nam Việt Nam trong thời chiến, đến khi sự kiện 30/4/75 xảy ra, hai ca sỹ này vẫn còn ở trong nước và đến năm 79 thì Thanh Tuyền mới vượt biên qua Mỹ; Chế Linh cũng ra đi một năm sau đó, qua Canada.

Từ đầu thập niên 80, họ bắt đầu tham gia vào các hoạt động ca nhạc biểu diễn cho cộng đồng người Việt ở hải ngoại, cả ở Hoa Kỳ cũng như tại nhiều nơi trên thế giới.

Ca sỹ Thanh Tuyền nhận xét rằng khác với đầu thập niên 80, khi đời sống văn hoá còn nhiều thiếu thốn, bây giờ các hoạt động âm nhạc tại hải ngoại rất phong phú.

Tuy nhiên, theo chị, do tình trạng thương mại và nhiều khi còn dễ dãi nên có nhiều ca sỹ trẻ giờ đây có khi còn chưa nắm vững nhạc lý đã được coi là ca sỹ nổi tiếng.

Cả Thanh Tuyền và Chế Linh đều quan niệm dòng nhạc mà họ theo đuổi là "nhạc quê hương"; và điều quan trọng là nó gần gũi với mọi người - chứ họ không quan tâm đến chuyện bị xếp vào hàng "nhạc sến" hay "nhạc sang".

Đánh giá về chuyện các ca sỹ trong nước bây giờ qua biểu diễn nhiều tại hải ngoại, ca sỹ Chế Linh nhận xét "nó cũng giống như một vườn hoa, có nhiều loại hoa thì mới thành một vườn hoa đẹp".

Ca sỹ Thanh Tuyền nói rằng trước khi ngừng hát, chị chỉ mong được về hát cho khán thính giả Việt Nam một lần.

Chế Linh thì tin tưởng rằng khi thông thương được mở ra hơn nữa giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, anh sẽ có ngày được về "đứng trên sân khấu chung với các anh chị em nghệ sĩ Việt Nam".

Nếu quí vị muốn xin đĩa CD ghi lại chương trình phỏng vấn trên, xin gửi địa chỉ và yêu cầu của quí vị về cho chúng tôi theo điện thư vietnamese@bbc.co.uk, hoặc dùng hộp tiện ích bên tay phải. Cám ơn.

==================================
Nguyễn Thị Thu, Sài Gòn
Anh Chế Linh kính mến, tôi xin được nói với anh điều này. Có người cả đời ca hát nhưng chỉ có 1 hoặc vài ba bài gọi là thành công, đằng này anh lại có quá nhiều, chắc chắn là thế, không thể không công nhận, tuyệt vời quá anh ạ ! Có những bài như chỉ để viết riêng cho anh, hay như thế nhưng tôi chỉ có thể nghe qua băng cassette, làm gì biết được tên bài. Nhất định anh Chế Linh phải có 1 website phục vụ rộng khắp đông đảo thính giả. Ở đấy tìm bài hát nào của anh cũng phải có và tôi biết rằng mong ước này không chỉ của riêng tôi. Những bài hát có giá trị để đời như thế lẽ nào lại không có địa chỉ ?!

Trí Hùng, Hà Nội
Tôi sống ngay giữa lòng Hà Nội, nhưng thật sự yêu "nhạc vàng", dù đã bị "cách mạng hoá âm nhạc" từ lâu. Càng yêu, càng nghe "nhạc vàng", tôi càng thấy ẩn chứa trong đó là những cảm xúc thật và trên hết là nó cho thấy những tư tưởng tự do được thoả sức trình bày, không "kìm kẹp" như những gì chúng tôi đang "bị" chứng kiến. CL-TT hãy cứ hát trong sự thật và trong cảm hứng như các bạn đã từng hát nhé! Chúng tôi yêu các bạn, yêu tự do...

Tra Quang, SG, VN
Nghe cuộc phỏng vấn giữa BBC và 2 ca si TT & CL tôi rất ngưỡng mộ tận mắt thấy 2 ca sĩ nay biểu diễn tại việt Nam. Nhạc vàng (nhạc sến) đã đi vào lòng người Việt Nam chúng ta đã từ lâu lắm rồi cho dù miền nào đi chăng nữa, có ai đó bây giờ còn nói dân SG thích nhạc vàng nhiều hơn dân Hà Nội thì người đó chỉ nghĩ về 1 phía rồi.

Nhạc vàng có lời ca, ngôn từ nó đi sâu vòng lòng người, còn nhạc cách mạng thì mang tính căm thù hơn, vả lại do thời cuộc mà chế độ CS đã cấm không cho người dân miền bắc nghe nhạc vàng, chứ bây giờ thời kỳ công nghệ thông tin mà, băng đĩa "lậu" bán trên thị trường đầy rẫy. Tại sao anh Chế Linh và chị Thanh tuyền không về Việt Nam đi chứ?! Mấy ông lãnh đạo đảng CS bây giờ vào quán Karaoke còn hát nhạc vàng như "Điên" làm sao lại cấm không cho Anh - chị về nước chứ! Thiết Nghĩ chính quyền Việt Nam nên để cho những người như casy TT-CL được về phục vụ cho quê hương mình! Cuối cùng tôi mong rằng Chị Thanh Tuyền và Anh Chế Linh Sớm về Biểu diễn tại việt Nam!

TN
Tôi thấy vài bạn trên diễn đàn có nhã ý muốn "mời" CL, TT về nước hát, đó là một ý kiến rất hay nhưng đáng tiếc các bạn ấy không là những quan chức nhà nước. Đồng ý CL, TT có thể về VN bất cứ lúc nào mà không gặp trở ngại như ông Phạm Duy, ông Kỳ đã từng về nhưng họ có được trình diễn thoải mái tất cả những bài hát họ thích hoặc thính giả hâm mộ hay không đó mới là điều đáng nói. Ông Phạm Duy về nước đâu phải bài nào cũng được tự do hát đâu. Sống dưới chế Độ CS mà muốn bỏ qua quan điểm chính trị là một điều thiếu sót lớn.

Trần, Sài Gòn, VN
Tôi không ngờ diễn đàn văn nghệ của BBC cũng sôi nổi, hào hứng, vui vẻ quá, cám ơn BBC nhiều lắm. Tôi cũng ham vui xin góp chút ý kiến với các bác. Cám ơn nhiều ý kiến từ các bác sống ở miền Bắc, HN, nhất là bác Nguyễn Dung Ha, Ha Noi, đã giúp tôi hiểu rỏ hơn về nội tâm của những anh Bộ Đội trong cuộc chiến vừa qua.

Thì ra dù cho bên phe này hay phe kia, CS hay quốc gia, những người trai thời loạn phải ra đi chiến đấu vì nhiệm vụ đều mang theo mình hình bóng gia đình, người thân, ai cũng là con người cũng đều có tình cảm. Vì vậy nhạc viết cho lính không chỉ được người lính yêu thích mà cũng được nhiều anh Bộ Đội thích nghe vì cùng chung một tâm sự.

Khi trình diễn trên sân khấu, không chỉ âm thanh mà phải có sự kết hợp với nhiều yếu tố khác như ánh sáng, y phục, cảnh trí ...., vì vậy y trang cho ca sĩ phải thích hợp với nội dung của bản nhạc, vì vậy tôi thấy Chế Linh phải mặc quân phục khi ca nhạc lính cũng như ca sĩ Minh Vương phải đội nón tai bèo và mặc quần áo của MTGPMN khi ca bản " Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây" là chuyện đúng thôi.

Trịnh Minh Hải, Hà Nội, VN
Tôi nghĩ, thế kỷ 21 rồi, thời kỳ mở cửa dành cho tất cả mọi người. Chúng ta hãy sống với tinh thần hội nhập, giao lưu. Việc 2 ca sĩ về VN muốn chia sẻ bằng giọng ca của mình là 1 việc đáng được khích lệ. Chúng ta đừng vì chuyện ngày xưa mà phân biệt như vậy, càng làm cho người nước ngoài hiểu lầm về bản chất con người VN mà thôi. Theo nhận xét con người VN là THÂN THIỆN, vậy THÂN THIỆN ở đâu khi chúng ta làm như vậy??? Nếu bạn ở trong hoàn cảnh như thời đó thì sẽ như thế nào??? Chắc cũng vậy mà thôi. Kỳ thị để làm gì kia chứ, 1 đất nước luôn có sự kỳ thị, phân biệt thử hỏi khi nào chúng ta, đất nước ta mới GIÀU được!???THẾ KỶ 21 rồi đó....!

Nguyen Doan, Bến Tre
Âm nhạc là một sản phẩm của tác giả và đã được đúc kết qua hoàn cảnh xã hội thực tế tác giả đã nhìn thấy và cảm nhận được, qua đó cũng có mặt đúng và mặt không đúng. Tôi thiết nghĩ những gì anh chị mong muốn nó sẽ khômg vượt quá tầm tay.

Lê Ngọc Hương, Sài Gòn
Chị Thanh Tuyền yêu quý, giọng hát của chị rất mượt mà, cao vút, chan chứa tình cảm. Nói chung quá điêu luyện. Giọng anh Chế Linh thì khỏi chê, đúng là có một không hai, phái nữ nghe đã rất mê mà phái nam cũng say không kém. Hai giọng ca tốt như thế không thể bắt người nghe phải chờ đợi lâu hơn nữa. Mong các nhà tổ chức sớm quan tâm.

Nguyễn Nam, Sài Gòn, VN
Gửi ông Nguyen Toan, tôi hiện nay sống ở SàiGòn và sinh sau năm 1975, nhưng đối với tôi, tôi vẫn thích Thanh Tuyền hay Chế Linh hát, còn đối với ca sĩ mà ông nêu, tôi nghĩ chỉ có những một số thích, còn đại đa số người dân Sài Gòn thì vẫn thích Khánh Ly hát. Ông nói trong thời kì chiến tranh, chỉ có dân Hà Nội mới nghe nhạc cách mạng, còn đối với dân Sài Gòn, không bao giờ nghe loại đó. Tôi nghĩ rằng, đối với những ca sĩ như Chê Linh hay Thanh Tuyền, thì dù 100 năm sau, vẫn còn nhiều người thích nghe, đặc biệt là dân Sàigòn, bởi nó là một phần của lịch sử Sàigòn.

Luu Cong Nhan, Hà Nội
Tôi thấy Chế Linh và Thanh Tuyền hát rất hay. Khác với nhạc trẻ bây giờ, vì những ca khúc họ hát là xuất phát từ thực tiễn cuộc sống, mặc dù hơi buồn. Nhưng khác hẳn hiện nay, các ca khúc luôn phải phải uốn mình theo mục tiêu Chính trị đã định sẵn, nó không còn yếu tố nghệ thuật nữa. Vì thế, nó quá khô khan, phi nghệ thuật. Đã là nghệ thuật thì phải xuất phát từ cuộc sống, từ sâu thẳm trong lòng mỗi con người. Không nên gò ép ta phải nói dối, vì đây là điều cấm kỵ của mọi thời đại.

Lê Tự Nhiên
"Phạm Duy đã bỏ cách mạng và sáng tác những bản nhạc mà thời đó goị là nhạc phản cách mạng", nói như bạn Nguyen Toan, Brezno, Slovakia thì có khác nào bảo cách mạng đã phản bội những "Bà mẹ chiến sĩ", "Mẹ Gio Linh", "Mẹ phù xa", và "Những chiến sĩ vô danh", vì sau khi Phạm Duy bỏ về thành, thì không cứ gì các đoàn văn công, mà bộ đội với du kích cũng chẳng ai dám công khai dạo đàn hay hát những bài hát ấy của một tên Việt gian.

Trong khi từ dạo ấy đến giờ, Phạm Duy không những vẫn tiếp tục ca vang những bài hát trên mà còn tiếp tục sáng tác những "Tình ca", "Việt Nam, Việt Nam", những "Bài ca dân chủ", và hàng trăm ca khúc thể hiện tình người, tình dân tộc. Vậy thời nay chúng ta hãy nhìn những đường hướng "đổi mới" của Việt Nam, và ngày trở về nước của Phạm Duy với tình cảm của những người yêu nhạc, để trả lời câu hỏi qua tựa đề một ca khúc của ông "Có phải tôi là người quê hương ruồng bỏ giống nòi khinh?"

Ho Minh, Sài Gòn, VN
Nói thiệt thì mất lòng.... Xanh Đỏ Tím Trắng Đen màu gì vào VN cũng OK hết, chỉ trừ VÀNG VIỆT KIỀU là sẽ bị khó dễ ngay từ khâu nhập cảnh... Tất cả ca sỹ ở hải ngoại về VN trình diễn đều phải cúi đầu chờ lệnh của Bộ Công An, Văn hoá và Thông tin chỉ đạo. Đây là một niềm hãnh diện hay nỗi nhục bởi vì thèm hát???????

Quang, Sài Gòn, VN
Nghe tin 2 người về hát là tôi đã thấy lòng mừng khấp khởi rồi. Có một niềm hy vọng để nuôi thêm 1 niềm vui sống. Từ năm 10 tuổi (1982) tôi được nghe Con đường xưa em đi, đêm buồn tỉnh lẻ, ... Trời ơi, ai có thể giải nghĩa dùm, một đứa trẻ chưa hiểu biết là mấy, vậy mà cũng biết nghe, thậm chí đã hằn sâu trong trí não giai điệu mượt mà đó. Tôi chắc rằng có rất nhiều nghe nhạc vàng từ ngày còn bé như tôi.

Tôi không hiểu vì sao không thể tìm mua CD Chế Linh với những bài mình yêu thích, chỉ được một số bài như "Đưa em vào hạ" của nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng trên www.vnthuquan.net, ... Anh và Chị mong được về hát, còn chúng tôi cũng đang mong mỏi không kém là được thưởng thức chương trình của Anh và Chị. Cảm ơn quý Đài BBC đã tạo dựng diễn đàn đặc biệt này. Sức hút của ca sỹ Chế Linh tôi linh cảm là rất lớn, cả vì lòng yêu mến giọng hát, vừa được bồi hồi xem ca sỹ bằng da bằng thịt, một kỷ niệm mặn mà khó quên, tình cảm dạt dào chứa chan tìm về ... Kính chào Anh Chế Linh và Chị Thanh Tuyền.

Hoàng Minh, tp Hồ Chí Minh
Hai bạn Đinh Xuan Thu và Anh Nguyen mến! Hai bạn có lẽ đã hiểu sai ý của tôi. Bản thân tôi cũng không hài lòng với những kẻ "bì đặt chảnh" chê bai "nhạc sến", "nhạc bình dân". Thực ra, nếu am hiểu một chút về âm nhạc, thì các bạn sẽ biết rằng, không có thể loại nhạc nào chính danh mang tên là "dòng nhạc sến" hay "dòng nhạc bình dân". Xin lỗi, tôi nghĩ hai bạn chắc cũng chưa hiểu nhiều về vấn đề này, nên các bạn có thể mở lại báo THANH NIÊN (hai trang chính giữa của báo) ra ngày 19/08/2005 để thấy các bậc có uy tín bàn luận về nó,cũng như thấy sự "nhố nhăng" của những người hay chê "nhạc sến", "nhạc bình dân".

Còn chuyện ca sĩ Tuấn Vũ, có lẽ bạn Anh Nguyên quên rằng, ca sĩ này đã xin phép và được bộ VH-TT duyệt cho phép hát trên phạm vi toàn quốc (bạn cũng nên xem lại các bài báo trên tờ THANH NIÊN, rất tiếc là tôi không nhớ rõ ngày báo đăng) thế mà ca sĩ ấy lại không được hát tại TP.HCM??? "Phép vua thua lệ làng"? Hay đây là cái kiểu hành xử "rất lộn xộn cố hữu" của xã hội VN này?

Trở lại vấn đề CL-TT, thật sự tôi cũng không thích tiếng hát của CL cho lắm, nhưng xét về những tranh luận hiện tại, tôi nghĩ CL-TT không nên về hát tại VN, vì tôi biết chắc rằng: Đảng sẽ "không ưa" các bạn, họ sẽ tìm đủ mọi cách (cả những cách mang tính tiểu nhân) nhằm hạ uy tín các bạn. Do đó, cớ gì các bạn lại đem tiếng hát của mình để phục vụ cho những đối tượng như vậy? Còn những người đã và đang yêu mến tiếng hát các bạn, chắc hẳn cũng sẽ thông cảm và hiểu ý tôi muốn nói điều gì sâu xa hơn? Xin cảm ơn tất cả quý vị!

Nguyen Toan, Brezno, Slovakia
Trở lại chuyện Chế Linh, Thanh Tuyền, họ là hai giọng ca nổi tiếng cách đây 30 năm, thế mà cứ thay nhau khen. Trong khi đó ông vua và cả nữ hoàng nhạc pop trên thế giới cũng đã ít được nhắc đến. Hai ca sĩ nên về thăm quê và hát cho vui thôi, chứ các bạn trẻ họ không đi xem các ca sĩ đã bằng tuổi ông bà của họ hát đâu, có chăng cũng chỉ là tò mò. Còn thế hệ 40 - 50 tuổi như chúng tôi lại ko di xem live show.

Thật ra hiện tượng Chế Linh Thanh Tuyền là hiện tượng "một miếng khi đói" ngày xưa trong thời kỳ chiến tranh không có sự lựa chọn, một là nghe nhạc cách mạng hào hùng, còn ai muốn nge những bài hát về tình yêu lãng mạn một tí, thì chỉ có Chế Linh Thanh Tuyền, nên nhớ mãi.

Bản thân tôi vẫn nge nhạc Trịnh xong được phổ nhạc khác đi và với nhữnh giọng ca trong nước như Thanh Lam, Hồng Nhung, Quang Dũng ...vv họ ko rên rỉ nữa mà hát với chất giọng tạm gọi là "tình ca" nge rất hay mà vẫn thể hiện được những gì Trịnh Công Sơn muốn nói trong tác phẩm của mình.

Chuyện anh chị muốn về nước thì cứ về và sẽ được tiếp đón như những Việt Kiều khác , miễn là đừng có hát "Sài Gòn ơi tôi xin hứa là tôi trở lại". Đến nhạc sĩ Phạm Duy còn về được cơ mà (theo tôi biết nhạc sĩ Phạm Duy đã bỏ cách mạng và sáng tác những bản nhạc mà thời đó goị là nhạc phản cách mạng).

Xuan, Cali
Tại vì có khá nhiều ngưòi vào diễn đàn này, tôi xin được thắc mắc ngược lại là tại sao quý đài lại chọn phỏng vấn hai ca sĩ này? ..Tình cờ?

Lê Hùng, HN, VN
Tôi còn nhớ cái thời 76 - 77, mới nghe cuốn băng Thanh Tuyền của nhà bên cạnh mà đã thấy thuộc luôn à. Bây giờ vẫn thuộc mấy bài như kiếp nghèo, đồi hoa sim tím (TT 2 thì phải). Kể cũng buồn cười, hồi đó Bố tôi CS đặc, cấm chị em tôi không được nghe nhạc "vàng" (nên nghe lén hoặc nghe của hàng xóm). Bây giờ ông ấy vẫn CS đặc nhưng lại sưu tầm và nghe các nhac của TT nữa.

Ước mơ của anh chị nhỏ nhoi quá, cứ về đi. Thời nay khác rồi, mấy ông cựu chiến binh Mỹ bắn giết người VN cũng về lại đâu có sao. Có ai đã từng nói, chừng nào còn có người muốn nghe hát thì chứng đó vẫn có ca sĩ muốn hát. Nếu anh chị còn tâm huyết với nghề hát của mình khi chăng còn gì mà nấn ná. Về mặt kinh doanh tôi đảm bảo show của anh chị sẽ không còn chỗ trống.

Lê Nam, Đồng Nai
Nói chung con người là sản phẩm của xã hội, ca nhạc cũng là sản phẩm của xã hội. Không thể có nhạc đỏ, nhạc vàng, nhạc xanh hay nhạc sến. Ca nhạc nào đi vào lòng người thì sẽ sống mãi với thời gian. Tôi nghe người ta kể hồi còn chiến tranh VN trước 75, nhiều cán binh miền Bắc đêm đêm cũng nghe lén các bài ca về lính trên đài phát thanh Sài Gòn. Điều này giải thích ra sao, nói cho tôi nghe với?

Cao Thắng, Sài Gòn, VN
Tôi rất yêu quý giọng ca anh chị Chế Linh và Thanh Tuyền. Từ sau 1975 đến nay, người ta thường nói nhạc của Thanh Tuyền và Chế Linh là nhạc phản động phản quốc, nhưng riêng tôi không nghĩ thế. Họ sống trong chế độ nào họ làm theo chế độ đó. Nếu như họ sống trong chế độ Cộng sản thì họ cũng phải làm theo chế độ Cộng sản, nếu như Cộng sản cho họ con đường sống.

Nguyễn Dung Hà, Hà Nội, VN
Tôi sinh ra và lớn lên trong một gia đình "đỏ" từ gốc đến ngọn ở đất Bắc, nhưng việc thưởng thức nhạc miền Nam trước năm 1975 và những năm sau đó thì thật là thú vị (đặc biệt là giọng hát Chế Linh và Thanh Tuyền). Ai bảo nhạc "Vàng" là nỉ non, sến ?...! Nhưng riêng tôi thấy rằng loaị nhạc đó được nhiều người ái mộ vì chúng dễ nghe, dễ hát và đặc biệt nhất là dễ đi vào lòng người.

Những ai đang có tâm trạng, dù ở mức độ nào đó cũng đều thấy một góc tâm hồn mình ở đó. Ngày trước tôi đi bộ đội thật khó có thể diễn tả được tâm trạng của mình khi tết đến xuân về được nghe Chế Linh hát "tình lẻ đêm buồn" hay "Xuân này con không về"...Quan điểm của tôi là: Nghệ sỹ thả hồn vào các tác phẩm nghệ thuật để mang lại cho nguời nghe những xúc cảm chân thật của cuộc sống. Họ và tác phẩm họ thể hiện đâu có tội tình gì, có chăng là ở những cái đầu của một số người cố tình không muốn thưởng thức những tác phẩm nghệ thuật đó?

Việc các giọng ca người Việt ở nước ngoài có mong muốn trở về cố hương hát cho dân ta nghe (có thể là lần cuối và duy nhất) như ngọn nến cố gắng cháy hết mình trước khi chìm vào hư vô là điều rất trân trọng. Các anh các chị cứ trở về đi. Có rất nhiều khán thính giả thuộc mọi thành phần và lứa tuổi vẫn mong muốn được nghe các anh chị hát. Và điều quan trọng nhất là khép lại quá khứ bi thương mở ra chân trời mới. Đó mới chính là chất của người Việt.

Quảng Nam, Alberta, Canada
Cách đây mấy năm, trong dịp Tết tôi có dịp trở về thăm lại quê hương. Trong dịp đó, tôi đi cùng người nhà và bạn bè vào phòng trà Phương Đông ở Đà Nẵng xem chương trình ca nhạc của ca sĩ Elvis Phương. Trong lúc hát có rất nhiều bài nổi tiếng trước năm 1975 của Elvis Phương nhưng Phương không dám hát vì chưa được phép của Bộ Văn hoá Thông tin. Anh Chế Linh và chị Thanh Tuyền nên suy nghĩ thật kỹ trước khi về lại VN trình diễn.

Jimmy Phạm, HN, VN
Chẳng có ai ngăn cản anh chị về nước hát cả! Đừng hát "miền Bắc điêu tàn" là ổn thôi mà, hihih... Tôi chỉ thích Tuấn Vũ thôi, ước gì Tuấn Vũ về VN hát nữa nhỉ?

Bống
Tôi muốn mượn nhận xét của ông Clinton khi tọa đàm về vấn đề HIV/AIDS tại Việt Nam,để nói rằng thiếu hiểu biết là nguyên nhân dẫn tới kỳ thị, đả phá nhau trong sở thích văn nghệ. Chẳng hạn trước 1975 dân miền Bắc đã có ai được nghe những ca khúc gọi là "phản chiến" của Trịnh Công Sơn, nhưng bây giờ được cho nghe hầu hết các ca khúc của ông, rồi lại thấy văn nghệ sĩ quốc tế trao giải, thì ai cũng ca ngợi nhạc Trịnh là tuyệt tác, và cứ tưởng mình không thích nhạc "rên rỉ".

Đồng Nai, Orange County
Khoảng năm 1979-1980 gì đó tôi có dịp về miền Tây và sang Campuchea. Thật bất ngờ là dân ở đây đều nghe "nhạc sến" Hùng Cường, Chế Linh, Thanh Tuyền trong các máy radio cassette nhập từ Thailand. Các bạn đã là nghệ sĩ quốc tế mà tôi nghĩ là ít người biết đến.

Meomeo, Pleiku
Sao thấy fê fê khi nghe 2 bác về nước quá đi, em là sinh viên mà em thấy tụi sinh viên không chỉ nghe nhạc trẻ nhố nhăng bây giờ đâu, nói chung là rất mong 2 bác về nước hát cho tụi cháu nghe vời ...

Không tên
Tôi là một người rất thích giọng hát của 2 ca sĩ Chế Linh và Thanh Tuyền, ước mong một ngày nào đó được nghe 2 ca sĩ hát tại Việt Nam với những bản nhạc do nhac sĩ Lam Phương sáng tác và muốn tận mắt được nhìn thấy 2 ca sĩ đời thật trên sân khấu. Với sự hội nhập của Việt Nam hiện nay thì việc 2 ca sĩ có thể trở về Việt Nam là có thể dù sao trong đời cũng cần phải 1 lần về cội nguồn nơi mình đã sinh ra như vậy mới toại nguyện.

Tuoitre VN
Thực sự theo thiển nghĩ, giọng ca của 2 người đã hết thời, nỉ non, rên rỉ .. không còn phù hợp lắm đâu.

HHTrung, Hạ Long, Quảng Ninh
Truyền thống dân tộc VN ta là giàu lòng nhân ái và vị tha. Đến như Tổng thống Bush sang VN vẫn được đón tiếp niềm nở, huống hồ các anh chị là người mang dòng máu Lạc Hồng. Tôi thiết nghĩ rằng Chính phủ VN sẽ đồng ý, những người hâm mộ giọng ca của Chế Linh và Thanh Tuyền sẽ giang rộng vòng tay để chào đón anh chị thực hiện ước nguyện của mình. Hy vọng một ngày gần đây sẽ được nghe giọng ca của 2 người với những bản tình ca ngọt ngào của quê hương Việt Nam.

Hoang Dan, HCM, VN
Tôi là người sống ở TP HCM trước 30/4/75, nghe hai ca sỹ nầy hát rất nhiều, nhưng sau nầy nghe lại những bài hát cũ của hai người nầy hát vẫn thích. Con gái tôi thường nhờ tôi đi mua dùm nó những đĩa hát mà người ta cho là sến, vì nó thích, còn nhạc bây giờ con tôi cho là "không đi vào hồn" của nó.

Việc về VN của 2 anh chị thì với VN riêng tôi nghĩ là không sao, nhưng khi về Mỹ coi chừng có những người quá khích cho là anh chị "thân Cộng " sẽ có trở ngại gì không cho sự nghiệp ca hát của anh chị thôi. Lần nầy nếu về VN Chế Linh có hát bài hát nào nói về lính thì cũng gây cảm hứng cho Bộ Đội VN tăng thêm nét lãng mạn cho lính CHXHCNVN, thí dụ bài "Tình thư của lính" mấy cháu Bộ Đội cũng có tâm trạng như vậy chứ làm sao "XHCN hoá" được âm nhạc.

Phúc, Sài Gòn
Em rất thích nghe 2 anh chị hát. Hi vọng một ngày nào đó được chính mắt thấy và nghe anh chị đứng trên sân khấu tai Việt Nam. Em thích anh chị từ hồi còn nhỏ, và chỉ nghe kể lại từ ba mẹ thôi. Bây giờ lớn lên bạn bè em đều không thích nhạc mà họ gọi là "sến", riêng em thì ai nói gì thì nói em vẫn thích dòng nhạc trữ tình hơn, em chúc cho anh chị sớm được về Việt Nam hát.

Em cũng cám ơn BBC và sẵn đây em muốn hỏi các cô bác anh chị trên diễn đàn này 1 câu: em sinh sau năm 1975 nên hình dung của em về cuộc chiến không nhiều, em muốn có 1 tài liệu nào có tính xác thực hơn để diễn tả lại toàn cảnh cuộc chiến tranh tại Việt Nam. Ở tại Việt Nam em không tìm đuợc tài liệu nào có tính chính xác cần thiết để em tin cậy. Chắc có lẽ em hơi bị ngu hic, ai có trang web nào chỉ cho em với nha. Em có thể vượt tường lửa để đọc, không thành vấn đề. Cám ơn!

Tùng, Cần Thơ
Gửi anh Dũng, Vũng Tàu: Anh là người cực đoan quá. Nếu không lầm, anh thích nhạc cách mạng (cho dù anh chẳng biết gì về nhạc). Anh nhớ rằng, những người thích nghe/bị ép nghe nhạc cách mạng ít hơn nhiều so với dân khoái nhạc Chế Linh - Thanh Tuyền. Ngay cả bản thân tôi, gu là nghe Thính phòng-giao hưởng, classic nhưng nếu được nghe Lê Dung, Lê Hiếu, Khánh Ly, Lệ Thu, E.Phương, Thanh Tuyền, Chế Linh...cũng thích lắm chứ. Đối với những ca sĩ đã có hàng triệu khán giả, hàng 50 năm ca hát thì phải ngả mũ kính chào, anh ạ! Họ phải nghe anh thay đổi ư?

Tigon, tpHCM
Tôi nghĩ là người Việt ai cũng có quyền trở về quê hương của mình, tại sao ca sĩ Chế Linh và Thanh Tuyền lại ao ước? Tôi nghĩ cuộc chiến đã khép lại, người Việt đang sống trong thanh bình, nhưng gần đây, ca sĩ Chế Linh vẫn còn mặc đồ lính để hát. Tôi nghĩ với một người thích chiến tranh như vậy nên qua Iraq hay Afghanistan hơn là trở về Việt Nam.

Hung, HN, Việt Nam
Trên thực tế Chế Linh và Thanh Tuyền vẫn có thể về nước mà không phải ngại ngần vì sự khác biệt về quan điểm chính trị, tuy nhiên nếu các anh chị về và xin hát những bài có yếu tố nhạy cảm thì rõ ràng là không thể có được giấy phép. Khổ nỗi Chế Linh và Thanh Tuyền lại đã gắn liền với dòng nhạc đó!

Nguyen Phu, Nha Trang, VN
Gửi chương trình: sau khi đọc bài viết của chương trình, tôi không muốn bàn luận vấn đề gì. Đối với tôi, những gì tôi thích thì đó là những điều hay. Xin chương trình load những phần tiếp theo để tôi đọc và được biết nhiều hơn về những ca sĩ trước 75. Cám ơn.

Quang Thọ, Hà Nội
Không phải chờ nữa đâu, Chế Linh Thanh Tuyền lúc nào cũng có thể về VN, thăm đất nước, hát cho người VN nghe ngay trên quê hương mình. Anh chị còn đắn đo gì mà không về với dân tộc, với đất nước? Có ai, cái gì còn ngăn cản anh chị về?

Giấu tên
Kính thưa BBC, tôi là một người lớn tuổi (giữa 60 và 70), sống ở miền Nam trước đây! Bây giờ tôi đang sống ở Việt Nam ngày nay! Trước 1975 tôi nghe Chế Linh và Thanh Tuyền hát rất nhiều! Tôi thích Chế Linh hơn là Thanh Tuyền! Chế Linh thì giọng ca đặc biệt có một không hai! Tôi mong một ngày nào đó, cũng như Hương Lan, Elvis Phương, Tuấn Ngọc, Duy Quang, Thái Hiền, Thái Châu, Hoài Linh,v.v...và v.v anh chị sẽ về nước cùng hát với nghệ sĩ trong nước

Phan Quang, Củ Chi, tpHCM
Tôi đuợc biết "Thanh Tuyền" chỉ là tên nghệ sĩ, còn thật ra Thanh Tuyền chính là nơi cô sinh ra, lớn lên và đi học. Khi cuộc chiến diễn ra ác liệt thì cô ấy rời bỏ nơi này. Hiện nay nếu Thanh Tuyền về Việt Nam để thăm lại chốn cũ và tham gia biểu diễn là việc đáng hoan nghênh. Có lẽ lớp người sau 75 không thể cảm nhận hết ca từ của cô nhưng vẫn trân trọng cô là một nghệ sĩ có cống hiến cho nền âm nhạc trước 75.

Nguyen Van, Hà Nội, VN
Cháu xin gửi lời chào đến chú Chế Linh và cô Thanh Tuyền và xin cảm ơn đài BBC vì cho chúng cháu có cơ hội biết được thông tin của hai ca sĩ được rất nhiều người yêu thích. Cháu đã nghe nhạc của cô chú cũng như của các ca sĩ khác như cs Duy Khánh hay cs Tuấn Vũ từ đầu những năm 90 của thế kỉ trước - khi mà cháu chỉ là 1 cậu bé 6 tuổi, tình hình xã hội VN rất khác so với bây giờ.

Và bây giờ khi sự đánh giá và nhìn nhận của mọi người đã thay đổi về dòng nhạc mà cô chú hát, thì cháu vẫn nghe hàng ngày - cháu xin khẳng định đây là 1 phần của âm nhạc VN, nó có những giá trị không ai có thể phủ nhận được, những câu thơ hay kết hợp với nhiều mỹ từ trong một bản nhạc tuyệt vời, không ai còn mong đợi gì hơn.

Cháu mong hai cô chú sẽ tiếp tục sư nghiệp ca hát của mình và mong rằng một ngày gần đây sẽ được nghe giọng hát quê hương này trên mảnh đất quê hương - đây sẽ là niềm hạnh phúc của rất nhiều người trong đó có cháu! Thân chào cô chú!

Hoang Lam, Hà Nội, VN
Tôi sinh ra đúng dịp Mỹ đánh bom Hà Nội. Khi nghe những ca khúc do hai nghệ sỹ Chế Linh và Thanh Tuyền trình bày với những ca từ của âm nhạc Việt những năm 60 của thế kỷ trước làm tôi thực sự xao xuyến. Bởi đó là âm nhạc thời chiến tranh. Tôi rất mong có một ngày nào đó, hai nghệ sỹ về Hà Nội để biểu diễn, giao lưu với khán, thính giả quê hương, hát những bài hát về quê hương. Xin chân thành cảm ơn BBC đã cho phép tôi tâm sự đôi điều với hai nghệ sỹ.

Ngọc, Hà Nội
Việc ca sĩ hải ngoại về hát ở VN đâu còn là chuyện hiếm, chẳng phải Hương Lan, Giao Linh... đã về hát rồi sao? Hãy trở về đi khi không là quá muộn, ở VN hiện vẫn có rất nhiều người yêu mến giọng hát của anh chị và vẫn nghe qua băng đĩa. Anh chị hãy về mau nhé!

Áo Trắng, Santa Ana, CA
Tôi học cùng một lớp với ca sĩ Trung Chỉnh, ĐH Y khoa Sài Gòn cho tới khi ra trường. Nói ra để cho thấy là tôi đã thưởng thức tiếng ca của 2 ca sĩ Thanh Tuyền và Chế Linh từ năm 1964 ,1965 cho tới ngày hôm nay.

Riêng ca sĩ Thanh Tuyền tuy cô không nói ra trong lúc phỏng vấn và tuy tôi đi từ VN sang Mỹ bằng máy bay nhưng trong giọng nói của cô và trong tận đáy lòng, tôi hoàn toàn thông cảm hoàn cảnh cực kỳ gian khổ của người vượt biển như cô vì tôi cũng đã công tác trong đoàn cứu người vượt biển. Tôi còn nhớ có một lần cô Thanh Tuyền kể trong một chương trình nào đó là khi qua đảo, cô thấy có người ăn một trái táo mà cô thèm có được để chia sẻ cho các con cô. Một người mẹ cao cả.

Cám ơn đài BBC đã chọn dùng đề tài văn hoá nghệ thuật - cho thêm phần màu sắc trong diễn đàn thường là đề tài chính trị - chọn dùng người để phỏng vấn, lại còn cho nghe bản nhạc hay..

Nguyen Toan, Bezno, Slovakia
Về góc độ cá nhân , tôi có mấy ý kiến như sau : 1, Nếu một người thực sự muốn nge và thưởng thức âm nhạc Vn nhất là nhạc dân tộc, thì không ai người ta tìm nhạc VN tại hải ngoại để thưởng thức cả. 2, Chỉ có những tác phẩm nghệ thuật thì tồn tại lâu, chứ nghệ sĩ thì khó mà tồn tại theo tác phẩm mãi được . Thực tế cho thấy các tác phẩm tại hải ngoại chỉ nổi trội về phần kỹ thuật , như âm thanh , ánh sáng, dàn dựng ...vv , chứ ko có hồn.

Còn hai nghệ sĩ Chế Linh và Thanh Tuyền muốn về VN , theo tôi rất đơn giản: anh chị hãy liên hệ với Elvis Phương , Linda Trang Đài, nhạc sĩ Phạm Duy và hỏi họ kinh nghiệm, họ vẫn thường đi lại biểu diễn ở VN , thậm chí họ đang sống tại VN. Chỉ có điều, những nhạc phẩm của Trịnh Công Sơn nay đã được một số ca sĩ trong nước thể hiện cũng rất thành công.

Không tên
Hồi tôi ở trong nước thường nghe băng nhạc của Chế Linh Thanh Tuyền cùng nhiều ca sĩ hải ngoại khác nhưng không biết mặt mũi của họ thế nào. Sau này ra nước ngoài du học mua được băng đĩa của Thuý Nga nên mới biết. Mấy năm nay tôi không nghe nhạc trong nước, vì tôi thấy toàn là nhạc nhẽo nhố nhăng. Bây giờ tôi thích nghe nhạc hải ngoại như ở Thuý Nga, Asia ...

Tôi ở miền Trung, ngày trước nhạc hải ngoại bị coi là phản động, nhưng chẳng ai bắt bớ vì thấy nó cũng hay, cũng tình người và hầu như chẳng thấy có nội dung tuyên truyền gì cả. Nghe các anh các chị hải ngoại hát mê lắm đó.

Nguyễn Bình, Sài Gòn, VN
Tôi tâm đắc với ý kiến của tất cả quý vị và các bạn. Tổ quốc, quê hương ai cũng có. Nghệ thuật là gì? Tôi sinh ra và lớn lên tại Việt Nam, tại cái mốc 30/04/75. Tôi chỉ biết về chiến tranh qua những lời kể của ông bà cha mẹ. Âm nhạc thì tôi được nghe rất nhiều những bài hát trước 1975 bởi vì ba tôi rất thích và nghe loại nhạc này vào mỗi buổi tối mà phải mở thật nhỏ hoặc nghe bằng tai nghe.

Có một điều cho đến bây giờ tôi cũng không hiểu được như thế nào là nghệ thụât chân chính còn thế nào là không chân chính như những gì tôi được nghe thấy. Nói nhiều về vấn đề nay tôi thấy mệt quá. Phải chăng điều gì đi ngược lại hoặc không cùng đường với một nhóm người (Đảng cộng sản) là sến là phi nghệ thuật. Cho dù đó là chân lý ?????

Đinh Xuân Thu, tpHCM, Việt Nam
Tôi rất thích 2 giọng ca Chế Linh và Thanh Tuyền, dù tôi là cộng sản thứ thiệt. Nhưng cái cách góp ý cực đoan như bác Ẩn Danh thật không nên. Mỗi loại nhạc đều có công chúng riêng của nó, không nên vì yêu thích loại nhạc này mà miệt thị loại nhạc khác. Âm nhạc không có biên giới. Tùy tâm trạng, trình độ thưởng thức mà yêu thích hoặc không yêu thích đối với dòng nhạc này hoặc khác. Bác Ẩn Danh góp ý như thế thật không công bằng và thiếu thông tin. Qua BBC, chúc bác luôn khỏe và chín chắn thêm.

Trần Nguyễn, Hà Nội
Tôi là một trí thức trẻ rất mến mộ giọng ca của hai anh chị. Có thể có nhiều ý kiến về chuyện về Việt Nam hay không về, dù sao anh chị đã tạo nên một dấu ấn sâu đậm, sức sống cho dòng nhạc Hải ngoại. Lời hát có sức mạnh như nước chảy, như lửa cháy... da diết đi vào tâm tư con người. Có thể biết nhiều hơn về cuộc sống hiện nay của anh chị được không?

Anh Nguyen, Thái Nguyên
Tôi khá ngạc nhiên về những nhận xét của bạn Ẩn danh. Thế theo bạn thế nào mới là nhạc "sến", nhạc "bình dân" nhỉ? Tuấn Vũ đã từng lên thành phố Thái Nguyên diễn tại Trung tâm thi đấu thể thao TP, tôi chưa nói đến những nơi khác mà tôi không rõ. Bạn cứ hỏi trực tiếp ca sĩ TV xem có phải vậy không. Sao bạn lại bảo là "CS Việt Nam không dám cho hát"?

Dương Cầm
Ông bạn Nguyễn Hồng Hà, Hà Nội, trong những ngày phát động chiến tranh giải phóng cho miền Nam chúng tôi mà cũng thường được nghe Thanh Tuyền và Chế Linh hát, thế mà bảo "các bạn khi đó có biết gì về Việt Cộng ngoài những lời tuyên truyền tâm lý chiến của chính quyền Sài Gòn". Bạn đoán sai rồi, tuy là hát nhạc lính nhưng là nỗi lòng người lính, thân phận trai gái trong chiến tranh ngăn cách, để chia đau sẻ buồn với người nghe, chứ có ai bắt họ phải tuyên truyền "diệt Cộng" đâu, cho nên mới bị chê là "rên rỉ đầy đau thuơng".

Vả lại thời ấy miền Nam là "kinh tế thị trường", ca nhạc sĩ sống tự túc bằng tiền tham gia đại nhạc hội, thu băng, thu đĩa, đôi lúc tình nguyện ca giúp vui tiền tuyến, đâu có ai bắt văn nghệ sĩ phải "là 1 người làm công ăn lương" như văn công Giải Phóng. Nhờ thế ngày nay chúng tôi hãnh diện có di sản âm nhạc "đa nguyên", nối tiếp các văn nghệ sĩ thời tiền chiến, tôi xin kể đại khái nhạc tủi phận có Trịnh Công Sơn, nhạc đấu tranh có Nguyễn Đức Quang, nhạc đời lính có Trần Thiện Thanh, tình cảm quê hương có Phạm Duy, tình cảm nam nữ có Nguyễn Ánh 9, lưu vong có Việt Dũng và hàng trăm các danh tài cho đủ thể loại khó mà kể ra hết.

Dù Chế Linh, Thanh Tuyền vẫn chưa về nhưng những ca khúc họ hát đã vang trở lại trên quê hương từ lâu rồi, bởi vì lời ca của họ không mang mục đích tuyên truyền cho tập đoàn thống trị nào.

Mộc Nhĩ
Đọc một vài ý kiến, mới nhận ra là "Hát hay không bằng hay hát", nhưng hay hát cũng không bằng biết nghe, biết thưởng thức. Đã ngồi xuống nghe "chuyện đời ca sĩ", không biết lắng tâm tư mà lại ồn ào, kiểu tranh chấp văn nghệ như Thiên Nguyễn (HCM) thì tệ quá.

Tran Hai, Toronto, Canada
Kính chào anh Chế Linh và chị Thanh Tuyền, và cám ơn BBC đã dành cho khán giả và ca sĩ có được dịp tâm sự với nhau. Tôi đã từng yêu thích tiếng hát của Anh và Chị từ khi còn là một thiếu niên trước 1975, bây giờ dù sống ở hải ngoại 27 năm tôi vẫn yêu thích tiếng hát và loại nhạc quê hương, trữ tình, êm dịu mà Anh Chị trình diễn.

Mặc cho ai xuyên tạc rằng loại nhạc của Anh Chị là nhạc sến chỉ dành cho những người ít học bình dân trình độ dân trí thấp thưởng thức, tôi xin được làm một người bình dân ít học đó, mặc dầu tôi đã tốt nghiệp Cao Học của đại học Mỹ, để xin được thưởng thức loại nhạc sến này. Tôi không cần tự dối lòng hay làm bộ trưởng giả học đòi nghe theo loại nhạc tây phương, nhạc thính phòng, nhạc mới mà thật ra chẳng hiểu ý nghĩa của bài nhạc là gì. Anh và Chị hãy tiếp tục con đường mà Anh và Chị đã và đang đi, hãy về VN hát khi tình thế thay đổi, không cần quỳ lụy để được hát. Không ai thay thế Anh Chế Linh được với bàn "Thành Phố Buồn", và không ai hát hay hơn chị Thanh Tuyền qua bàn nhạc " Hà Tiên ". Thân chào Anh Chị.

Phan Tien Dung, Vũng Tàu
Sau 1975 tôi có được nghe lại băng nhạc của 2 anh chị CL & TT. Tôi thấy rằng dòng nhạc này chỉ phù hợp với thời chiến "rên rỉ, nỉ non". Bây giờ sao còn phù hợp nữa? Anh chị nên đổi dòng & đổi giọng đi thì sẽ hợp thời hơn. Cám ơn BBC.

Viet Anh, Manhattan, Hoa Kỳ
Tôi nghe Chế Linh hát "Đêm buồn tỉnh lẻ" từ hồi những năm trước 1975 ... tuy lúc đó còn rất nhỏ nhưng đã thấy hiểu và thích. Thời đó là thời chiến tranh và những bài Chế Linh hát thật sự đi vào lòng người ... Nghe lại Chế Linh khi về Bạc Liêu, Cà mau cách đây mấy năm mới biết người dân ở đây còn rất mến mộ và say mê Chế Linh. Sang đây làm việc, có điều kiện xem cac DVD Asia, nhất là ASIA 50, mới thấy Chế Linh và Thanh Tuyền hát vẫn còn rất hay ...

Tôi hy vọng một ngày không xa, khi mà những người làm việc 'quản lý văn hóa' ở VN có cái nhìn tiến bộ hơn,và một bộ phận người Việt cực đoan ở hải ngoại có cái nhìn thông hiểu hơn với các ca sỹ về VN biểu diễn, lúc đó sẽ không còn một rào cản phi lý nào cho các ca nhạc sỹ hải ngoại. Lúc đó anh Chế Linh và chị Thanh Tuyền có thể về VN bất cứ lúc nào không phụ thuộc vào quan điểm chính trị của các anh chị. Sẽ có một ngày nhiều người dân Việt Nam, nhất là lứa tuổi trên 40, sẽ được niềm hạnh phúc nghe lại hai giọng ca vàng này. Ngày nào mà các ca sỹ tài danh như Chế Linh và Thanh Tuyền vẫn chưa được dễ dàng về VN biểu diễn thoải mái (chỉ vì quan điểm chính trị của hai ca sỹ này), ngày đó Việt Nam vẫn chưa hội đủ điều kiện để cất cánh và hội nhập.

Tran Anh Tuan, Hà Nội
Tôi hiện đã 40 tuổi. Nghe nói là 2 nghệ sĩ Chế Linh và Thanh TUyền muốn về quê hương hát- mong ước đó thật giản dị. Bởi tôi là người Việt đã từng xa quê hương, tôi hiểu nỗi nhớ đau đau khi xa... Vậy thì còn gì ý nghĩa hơn nếu hai nghệ sĩ dành chọn tình cảm của mình cho quê hương đất nước qua nhưng ca khúc mà chính nó đã đem lại thành công và tiếng vang từ bấy lâu. Mọi chuyên quá khứ đã cất đi từ lâu rồi... thay vào đó là cả một thế hệ mới đang sống và thay đổi từng ngày... không có gì phải băn khoăn về suy nghĩ đáng kể trên hỡi hai nghệ sĩ đáng mến ạ.

Trung, Toronto
Tôi thấy có chuyện này cũng liên quan đến sinh hoạt Văn hóa văn nghệ ở hải ngoại và trong nước. Tết năm rồi tôi trở lại quê nhà ở Bình Thuỷ(Cần Thơ) để thăm người thân và đón Tết ở quê hương. Sau đó lên SG thăm lại những người bạn nối khố khi còn ở mái trường XHCN. Một người bạn ngoài việc cùng vợ điều hành trạm mua bán bơm đổi Gas nấu bếp, có thêm nghề tay trái là viết cho một tờ báo lớn ở SG do bản thân thuộc Gia đình có công mà lại tốt nghiệp môn Văn ở ĐH.

Anh cho tôi biết với lương tâm của một người trí thức muốn viết khen và cổ động cho mọi người nên xem, những chương trình Video ca hát ở Hải ngoại mà lại không dám. Ý anh nói về Kỹ thuật và chất lượng thì không cần đề cập, nhưng nội dung nhiều chương trình có tính Văn Hóa, Nhân bản và Dân tộc tính cao so với trong nước.Thực tình tôi cũng không dám thêm ý, vì mình đã bao năm không gần kề với Đất Nước và gần gũi với tình cảm của Đồng bào mình nên việc phán đoán sẽ thiếu chính xác. Các bạn trong nước có ý kiến gì thêm xin chỉ giáo. Cám ơn

Nghệ Sĩ, Jacksonville, FL, USA
Tôi không phải là Nhạc sĩ, cũng không phải là Ca sĩ, tôi chỉ là... Nghệ sĩ, thưởng thức tác phẩm nghệ thuật.

1/ Trước hết tôi xin nói hai chữ "cám ơn" đài BBC đã khách quan, trung thực phỏng vấn 2 ca sĩ trên, nhất là đặc phái viên BBC tuy thuộc tầng lớp trẻ sau này nhưng có sự hiểu biết những gì xảy ra trước năm 1975 rất là phong phú.

2/Bạn Thien Tam Hà Nội: qua dòng chữ của bạn, được biết bạn còn trẻ, người Hà Nội, mà bạn rất có trình độ, cả trình độ về học vấn và trình độ thưởng thức âm nhạc.

3/ Ca sĩ Chế Linh: mong bạn mạnh dạn lên, làm những gì mình nghĩ, những gì bạn đã từng làm.

4/ Ca sĩ Thanh Tuyền: không những giọng hát của cô mà cả lời nói của cô đã đi sâu vào lòng con người...; một giọng nói vừa chân thật vừa đầy tình cảm chứa chan. Có lẽ vì vậy mà ngày xưa và ngày nay, TT NVT và mọi người đều ái mộ cô.

Ẩn Danh
Chế Linh và Thanh Tuyền là hai ca sĩ được nhiều người ái mộ. Nghĩ về ước muốn nhỏ nhoi được hát trên quê hương của họ mà thấy thật xót xa. Như ca sĩ Tuấn Vũ cũng vậy, về đến VN rồi mà Cộng Sản VN không dám cho hát. Họ sợ tiếng hát của các ca sĩ này "không đi đúng ý" của Đảng, họ sợ các ca sĩ này hát hay quá thì bẻ mặt các ca sĩ trong nước.

Tôi là một người trẻ, tôi nghe tất cả các thể loại nhạc và hầu như tất cả các ca sĩ VN nào (trong nước cũng như hải ngoại) tôi cũng biết. Nhưng những bài hát trước 1975 đa số là những tác phẩm "có hồn" và dễ đi vào lòng người hơn. Có nhiều người cho rằng đó là nhạc "sến", nhạc "bình dân" (dù họ chẳng biết định nghĩa thế nào là nhạc "sến", nhạc "bình dân").

Tôi là một trí thức trẻ đây, sao tôi vẫn yêu loại nhạc này hơn những loại nhạc "gân cổ như bò rống" (Nhạc Cách Mạng). Tôi cũng rất mong đợi BBC mời ca sĩ Tuấn Vũ tâm sự trên trang này. Tôi nghĩ đó là một ca sĩ có rất rất nhiều người mến mộ thật sự, và quá trình, sự nghiệp của anh ấy cũng có nhiều điều để chúng ta thông hiểu nhiều hơn. Cảm ơn BBC và tất cả quý vị.

Thien Tam, Hà Nội
Qua BBC cháu xin gửi lời chào thăm hỏi đến Chú Chế Linh và Cô Thanh Tuyền, những người mà cháu rất mến mộ. Cháu là một người dân sống ở miền bắc, vào cuối những năm 1980, khi nền âm nhạc của nước nhà còn đơn điệu, được nghe những băng nhạc do các Chú, Cô, sau này là Chú Tuấn Vũ, cô Hương Lan, Cô Thiên Trang, sau này là chị Như Quỳnh, Anh Ngọc Sơn,.. thể hiện, giống như những lời tâm tình rất đi vào lòng người, rất xúc động.

Cho đến bây giờ, âm nhạc trong nước cũng đã phát triển, phong phú về thể loại, hiện đại về phong cách, và rất nhiều ca sỹ tài năng trẻ. Nhưng dấu ấn về những bài hát do các cô, chú thể hiện vẫn còn đó, đôi khi cháu vẫn nhờ bạn bè tìm băng đĩa của cô chú hoặc tìm trên mạng để nghe, mặc dù bây giờ tìm rất khó.

Cháu nghĩ rằng, thế giới âm nhạc nó gắn liền với tâm lý của con người ta, mỗi thể loại âm nhạc gắn liền với từng trạng thái tâm lý khác nhau. Sau nhịp sống ồn ào của đời thường, một khoảng lặng với những bài hát trữ tình thì thật là tuyệt vời. Mong rằng một ngày nào đó Chú và cô sẽ biểu diễn trên quê hương Việt Nam yêu dấu.

Nguyễn, Salzburg, Austria
Kính chào các anh chị đài BBC, mãi đến tận hôm nay qua đài tôi mới được biết thông tin về ca sỹ Chế Linh. Xin cảm ơn rất nhiều!

Tran Hoan, Hà Nội, VN
Chế Linh là ca sĩ mà tôi yêu quý. Tiếng hát và tâm trạng của anh đã một thời là người bạn đồng hành cùng tôi trong những đêm đi bụi thủa nhỏ, và bây giờ tôi vẫn yêu tiếng hát của anh.

Dung, Cần Thơ, Việt Nam
Tôi chỉ là thế hệ sau này nhưng đặc biệt thích Chế Linh và nhạc về lính của anh. Tôi yêu với tất cả niềm đam mê.

Tran Con San, Sài Gòn, VN
Mời hai bác về Việt Nam hát lại những bài tiền chiến cho lớp trẻ chúng cháu thưởng thức.

Thiên Nguyễn, HCM, VN
Thật nực cười khi nói về già sẽ về VN hát rồi nghỉ, thật ra bên đó họ đã ngao ngán những ca khúc rên rỉ đầy đau thuơng quá khứ của 2 ca sĩ này. Họ về đây để kiếm tiền thì đúng hơn. Ở Việt Nam trừ những ông bà già 50-60 tuổi còn nghe mấy cái nhạc tiền chiến đó. Nếu Chế Linh mà về đây hát cho giới trẻ nghe thì không biết có ma nào đến xem không?

Nguyễn Hồng Hà, Hà Nội, VN
Gửi hai ca sỹ Thanh Tuyền và Chế Linh: Tôi đã từng là bộ đội miền Bắc đi chiến đấu tại chiến trường miền Nam. Cả trong những ngày chiến tranh đó, tôi vẫn thường nghe các bạn hát. Song tôi hiểu đó là do hoàn cảnh của các bạn, chứ thực ra các bạn khi đó có biết gì về Việt Cộng ngoài những lời tuyên truyền tâm lý chiến của chính quyền Sài Gòn?

Âu đó cũng là nỗi đau của toàn dân tộc Việt Nam chúng ta trong một giai đoạn bi thương ấy. Giờ đây đất nước đã hoà bình thống nhất hơn 30 năm rồi. Quá khứ đã đi vào dĩ vãng. Các bạn chỉ là ca sỹ, xét về mặt cuộc sống thì cũng chỉ là 1 người làm công ăn lương, sao các bạn phải băn khoăn về việc xin trở lại quê hương hát?

Những người về mặt nào đó còn quan trọng hơn các bạn nhiều, như ông Nguyễn Cao Kỳ... và nhiều người khác nữa mà quê hương còn dang rộng cánh tay chào đón thì sao quê hương không sẵn sàng đón các bạn trở về ???

Nguyễn Quyết, Hải Dương
Cám ơn đài BBC đã cho khán thính giả nghe đoạn phỏng vấn Chế Linh và Thanh Tuyền. Và tôi có một yêu cầu, BBC có thể mời nam ca sĩ Tuấn Vũ phỏng vấn có được không ạ?

Vanhsay Noraseng, Vientian, Lào
Rất hay, tôi rất thích nghe các bài hát của hai ca sỹ Chế Linh và Thanh Tuyền.

Minh Ho, Sài Gòn, VN
Rất đồng ý với chị Thanh Tuyền. Tôi là người cũng biết ít nhiều về âm nhạc, phải nói cũng khá nhiều cô ca sỹ nhờ sắc đẹp mà thành danh chứ còn thực tế chả biết gì về âm nhạc, chỉ cần ông bầu lăng-xê là thành SAO. Không biết họ có biết xấu hổ không nhỉ. Riêng tôi thì trông họ giống như những con múa rối

Trần Mỹ Uyên, Vongagrat, Nga
Hai ca sỹ Chế Linh và Thanh Tuyền tốt nhất không nên về Việt Nam. Hãy suy nghĩ thật kỹ!

Không tên, Sài Gòn
Tôi cũng mong muốn nhà nước Việt Nam nên cho ca sĩ hải ngoại về quê hương hát. Nếu như cho Nguyễn Cao Kỳ về thì còn gì mà nên cấm nữa? Tôi không hiểu người ngoại quốc lại được ra vào hoạt động ở VN dễ hơn người ở hải ngoại? Có ai làm cho nhà nước VN giải thích được lý do tại sao ca sĩ hải ngoại lại khó được về VN hát vậy? Mà trong khi đó nhà nước lại có câu nói là "người VN ở hải ngoại là một phần không thể tách rời".

Hung Van, Đà Nẵng, Việt Nam
Họ là những ca sĩ lừng danh. Nhưng họ quá bàng quan, thờ ơ về cuộc sống của quê hương. Nếu như tiếng hát của Thanh Tuyền & Chế Linh cất lên tiếng hát cho tự do, cho dân chủ thì sẽ là động lực rất lớn để khơi dậy tinh thần yêu nước của đồng bào hải ngoại. Xin có lời nhắn gửi tới hai anh chị: ước mong của hai người có giá trị gì đâu, khi quê hương vẫn còn đắm chìm trong nghèo đói.

Trương Tử Kỳ, Toronto, Canada
Kính thưa anh Chế Linh (hiệu là Lính Chê): trong cuộn băng vừa mới phát hành, anh có kể câu chuyện vui là khi anh sang Nga Sô biểu diễn, khi anh hát bản "Nó", có câu thay vì anh hát "miền Bắc điêu tàn nên đời nó khổ", nhưng anh đã sửa lại là "Cuộc sống điêu tàn nên đời nó khổ" thì khán giả đa số là người Việt hải ngoại đi từ miền Bắc đã nhao nhao lên: "anh Chế Linh ơi, anh đã hát lộn rồi!!!".

Tôi gởi đến anh lòng mến mộ và kính phục. Anh chẳng những có giọng hát hay mà còn có một tấm lòng bao dung rộng lượng, không phân biệt ra đi từ Nam hay Bắc, mà trong anh, khán giả chỉ có một là khán giả Việt Nam. Tiếng hát của anh sẽ làm ấm mãi trái tim của những người từng sống trong cuộc chiến tranh lạnh. Viết từ Thành Phố Buồn.

Post Reply