GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Phim ảnh, âm nhạc đưa người ta vào thế giới ảo mộng quên đi bao nỗi muộn phiền của đời thường... Nơi đây chỉ ghi lại một phần nào đó của cái thế giới muôn mầu sắc và âm thanh đó mà thôi.

Moderator: Nguyễn_Sydney

Post Reply
KhanhVan
Posts: 800
Joined: Sat Dec 11, 2004 6:11 am

GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Post by KhanhVan »

Buổi ra mắt tác phẩm:

“Tiếng Hát của Người Dân Chài”
Tác giả: Trần Hồng Văn


*Đỗ Lễ ghi

Thời tiết Houston thay đổi hẳn trong vài ngày vừa qua. Mùa thu đã lấp ló trở về trong thành phố, những ngọn gió mang hơi lạnh thổi về khiến người dân tươi vui hẳn lên sau mấy tháng trời nóng bức. Trong vài ngày cuối tuần vừa qua, đài phát thanh Little Saigon có phát một buổi hội thoại và cũng như giới thiệu một chương trình ra mắt một tuyển tập truyện ngắn với tựa đề “Tiếng Hát của Người Dân Chài” tác giả là nhà văn Trần Hồng Văn cùng một chương trình văn nghệ phụ diễn với chủ đề: “Những Tình Khúc Mùa Thu”. Tác giả Trần Hồng Văn thì không xa lạ gì với cộng đồng mình tại thành phố này, còn tựa đề cuốn sách lại mang một hình ảnh quá quen thuộc, làm tôi liên tưởng ngay tới bản nhac “Tiếng Dân Chài” của Phạm Đình Chương và ban hợp ca Thăng Long thủa năm 1950, 1960 với Hoài Trung, Hoài Bắc, Thái Thanh, Thái Hằng “Ơ … này anh em ơi, hương khói gia đình, tiếng hát trong câu mong chờ …”. Lòng nhủ thầm … phải tham dự mới được … xem “ Tiếng Hát của Người Dân Chài” của Trần Hồng Văn ra sao, có giống “Tiếng Dân Chài” của Phạm Đình Chương không, cũng như sẽ được nghe những bản tình khúc mùa thu thương mến.

Tới địa điểm tổ chức là Canvas Café Bistro lúc đúng 2 giờ chiều Chủ Nhật 18 tháng 10. Trời thật đẹp nhưng phải kiếm mãi và ở thật xa mới có một chỗ đậu xe. Không sao, trời mát dịu đi bộ một chút cũng được. Vào tới nơi, khách tham dự đã ngồi chật cứng, ghế phải kê ra suốt tận lối đi phía ngoài. Được anh bạn ngoắc tay ở một góc, tôi chen vào. Anh nói với tôi “Ngồi đây đi, bà xã moi chỉ ở lại một chút rồi phải về coi cháu nội.” Tôi nhìn theo tay chỉ của anh bạn, chị Hằng, vợ anh bạn đang sôi nổi nói chuyện với vài bà khác ở một góc phía kia.

Ban tổ chức thật chu đáo và tỏ lòng trân qúi khán giả bằng cách cung cấp những món ăn nhẹ thật ngon miệng, những món trái cây thật tươi và bắt mắt, ngoài nước lạnh trong chai ra còn có cả rượu vang nữa. Xin cám ơn ban tổ chức.

Vào đúng 2 giờ rưỡi thì chương trình bắt đầu, người điều hợp chương trình hôm nay làm tôi bất ngờ và thích thú, đó là ông Lê Phú Nhuận, xếp cũ của tôi. Trước kia ông là Trưởng Phòng Phóng Viên Đài Phát Thanh Saigon rồi Quản Đốc Đài Phát Thanh Quảng Ngãi và sau cùng là Chánh Sở Biên Tập của Việt Nam Thông Tấn Xã nơi tôi làm việc. Bao nhiêu năm nay mới gặp lại nhưng nhìn ông, phong độ cũng chẳng kém thuở 40 năm về trước tuy tóc đã đổi sang màu muối, tiếng nói quen thuộc của ông làm lòng tôi dâng lên bao nỗi xúc cảm, tiếc nuối quãng đời dĩ vãng, uất hận vì phải mang kiếp sống lưu vong.

Sau phần chào cờ và mặc niệm, mở đầu chương trình là một bản nhạc thật xưa, thật hay của nhạc sĩ Đặng Thế Phong, đó là bản “Con Thuyền Không Bến” với giọng ca điêu luyện của Đào Kim Khánh. Không hiểu vô tình hay cố ý, ban tổ chức đã chọn bản nhạc này vì nó gói trọn chương trình buổi ra mắt sách ngày hôm nay, mênh mang một chút sông nước và mênh mang một chút mùa thu lành lạnh của miền Bắc xa xưa “Đêm nay thu sang cùng heo may, đêm nay sương lam mờ chân mây …”

Nhà văn Nguyễn Mạnh An Dân với tài hùng biện, ông đã giới thiệu cùng khán giả về nhà văn Trần Hồng Văn. Tác giả viết văn từ thời học trung học rồi sau đó là giáo sư một số trường Đại Học tại Việt Nam. Sang tới Mỹ, từ năm 1987 tới năm 1995, ông viết 3 cuốn sách Khoa Học, từ năm 1998 tới nay, ông viết 4 tuyển tập phóng tác truyện ngắn quốc tế. Ông đã giữ chức Chủ Tịch Hội Văn Bút Đông Nam Hoa Kỳ từ năm 1994 đến năm 1997. Điều nhà văn Nguyễn Mạnh An Dân muốn nhấn mạnh ở đây là tính cao cả, bao dung của Trần Hồng Văn. Dù cho không còn nằm trong Văn Bút nữa do những xáo trộn xẩy ra trong Hội Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại sau những năm 1996 nhưng lúc nào ông cũng hỗ trợ, đóng góp và khuyến khích việc làm của các anh em trong Hội.

Nhà văn Trần Bang Thạch đã phân tích thật tỉ mỉ những truyện ngắn trong tuyển tập này. Ông đã khéo léo đưa ra những nhận xét về thuật phóng tác của Trần Hồng Văn để độc giả không hiểu lầm với dịch thuật, ông đã đưa ra những thí dụ rải rác trong tập truyện, chỗ nào phải cắt bỏ, chỗ nào phải thêm vào làm sao cho thích hợp với đạo đức của người Việt mình. Nhà văn Trần Bang Thạch cũng cho là Trần Hồng Văn đã Việt hoá những truyện của các tác giả ngoại quốc, đọc truyện của Trần Hồng Văn, người ta không còn nghĩ là mình đang đọc truyện ngoại quốc nữa. Cái tài tình là ở chỗ đó.

Với một bài nói chuyện có sửa soạn thật công phu với tựa là: “Thuật Trước Tác và Ngôn Ngữ qua tác phẩm Tiếng Hát của Người Dân Chài”, nhà nghiên cứu Bùi Huy đã đưa ra những ví dụ về nghệ thuật dịch hay phóng tác, như đọc Đoạn Trường Tân Thanh của cụ Nguyễn Du, người ta quên hẳn nguyên tác Trung Hoa và ông cũng nói nếu so sánh Truyện Kiều với nguyên tác là Vương Thúy Kiều của Thanh Tâm Tài Nhân thì Truyện Kiều ăn đứt nguyên tác. Ông cũng đưa ra một ví dụ về nghệ thuật phóng tác của Trần Hồng Văn: khi nói chuyện với nhà văn Nguyễn Văn Sâm, giáo sư Đại Học Văn Khoa trước kia. GS Nguyễn Văn Sâm có kể là ông định dịch một truyện ngắn của một nhà văn Úc, loay hoay mãi với chữ nghĩa thì đã thấy Trần Hồng Văn phóng tác truyện này với tựa đề “Tên Phản Bội” và in trong tuyển tập “Chuyện Kể Đêm Đông” rồi. GS Sâm nói ông rất ngưỡng mộ Trần Hồng Văn về cách dùng chữ, văn phong thật nhẹ nhàng và luôn luôn tôn trọng ý của tác giả muốn gửi gấm những gì đến người đọc.

Nhạc Sĩ Song Ngọc là diễn giả kế tiếp. Ông nói là Trần Hồng Văn là một người bạn lâu năm với ông, ông ca tụng tác giả, một người hiền hoà, nhã nhặn và không bao giờ xưng mình là một nhà văn dù là đã cống hiến rất nhiều cho nền văn học Việt Nam Hải Ngoại. Ông nhấn mạnh đến việc các nghệ sĩ thường không bao giờ tự xưng là nhạc sĩ, nhà văn, nhà thơ, mà những từ đó là do quần chúng đánh giá và ban tặng.

Phần phát biểu cuối cùng là nhà văn Trần Hồng Văn. Thật ngắn và gọn, ông cám ơn khách đến tham dự buổi ra mắt sách ngày hôm nay và mong là độc giả khắp nơi dang tay đón nhận tuyển tập truyện ngắn này với lòng thương yêu như đã thương mến 6 cuốn trước của ông. Ông tiết lộ là do sự khuyến khích của nhà văn Nguyên Vũ, từ năm 1987 tới năm 1995, ông xuất bản 3 cuốn sách với các đề tài khoa học. Từ năm 1997 tới năm 2004, do gợi ý của nữ sĩ Thanh Vân, ông cho ra đời 3 tuyền tập truyện ngắn quốc tế phóng tác. Định nghỉ viết để lo việc riêng tư, nhưng nhiều độc giả, nhiều thính giả yêu cầu cũng như giáo sư, nhà văn Doãn Quốc Sỹ đã nghiêm nghị nói với ông: “Phải viết tiếp, viết cho tới khi không còn viết được nữa mới nghỉ”. Vâng lời Giáo Sư Doãn Quốc Sỹ, ông lại hì hục sưu tầm những truyện ngắn quốc tế từ năm 2005 và hôm nay cống hiến công trình này cho độc giả qua tuyển tập này.

Xen kẽ những bài nói của các diễn giả là những tình khúc ca ngợi mùa thu như “Nhớ Mùa Thu Hà Nội” của Trịnh Công Sơn do Hoàng Kim Khánh trình bày. Điểm thích thú là qua lời giới thiệu của MC Lê Phú Nhuận, Hoàng Kim Khánh là một Bác Sĩ Y Khoa. Giọng hát của cô Bác Sĩ này cao vút, thật truyền cảm và chẳng thua gì một ca sĩ chuyên nghiệp. Rồi tới Huy Thắng qua bản nhạc “Mùa Thu Mây Ngàn” của Từ Công Phụng. Tôi đã được nghe Huy Thắng hát một vài lần qua những buổi văn nghệ bỏ túi. Phải công nhận đây là một giọng hát hiếm và quí, anh đã hát những bản nhạc thật chọn lọc và đã đưa người thưởng ngoạn phải hoà mình vào với lời ca, tiếng nhạc, quên hẳn thời gian và không gian. Khi bản nhạc chấm dứt, người nghe mới chợt bừng tỉnh lại. Bản nhạc “Như Ngọn Buồn Rơi” của Từ Công Phụng do cô ca sĩ Mimi Nguyễn trình bầy. Thật điêu luyện và khi hát, Mimi đã diễn tả với tất cả tấm lòng của mình nên cô luôn luôn được đồng hương tại Houston mến mộ.

Những bản nhạc kế là “Đâu Phải Bởi Mùa Thu” của Phú Quang, “Trong Nỗi Nhớ Muộn Màng” của Ngô Thụy Miên, “Lá Đổ Muôn Chiều” của Đoàn Chuẩn-Từ Linh và “Les Feuilles Mortes” được Huy Thắng, Mimi Nguyễn, Đào Kim Khánh và Hoàng Kim Khánh lần lượt trình bày. Khán giả muốn nghe thật nhiều nữa, nhưng thời gian của buổi ra mắt sách có giới hạn nên mỗi người chỉ trình bày được có 2 bản thôi. Xin cho chúng tôi được nghe thêm những tình khúc muôn thủa này trong một chương trình đặc biệt nào đó nhé.

Tưởng cũng phải ghi nhận là những bản nhạc trên dễ đi vào lòng người nghe như vậy cũng do ngón đàn dương cầm điêu luyện của nhạc sĩ Nguyễn Trọng Hiệp. Lâu lắm tôi mới được thưởng thức một buổi nhạc đầy công phu như thế này. Trộm thay mặt cho khán giả, tôi xin cám ơn nhạc sĩ Nguyễn Trọng Hiệp đã cho chúng tôi một buổi chiều đầy thú vị.

Ban tổ chức cũng không quên đây là một buổi sinh hoạt văn học nghệ thuật nên đã mời hai giọng ngâm hàng đầu của thành phố Houston, đó là hai nghệ sĩ Vĩnh Tuấn và Bạch Hạc. Tôi nhận thấy Hội Trường thật im lặng, nét mặt mọi người thật thư dãn và chăm chú thưởng thức, các nhà thơ như Lan Cao, Lưu Thái Dzo, Nguyễn Thế Giác, Mây Ngàn Đặng Xuân Ngô,Túy Hà, Mùi Qúi Bồng … không ngớt gật đầu tán thưởng.

Có lẽ MC Lê Phú Nhuận muốn dành một ngạc nhiên lớn và thật thích thú cho khán giả hay sao mà tiết mục sau cùng của chương trình, ông trân trọng giới thiệu một cựu giáo sư trường Đại Học Phú Thọ, một người đã đậu thủ khoa tại một trường Đại Học Hoa Kỳ và hiện nay là Quản Đốc của Sở Công Chánh thành phố Houston. Đó là nghệ sĩ Bùi Hồng lên trình bầy một bản cổ nhạc với tựa đề “Tình Anh Bán Chiếu”. Thật không ngờ, nghệ sĩ Hùng Cường cũng chỉ ca hay đến như thế là cùng.

Sau 2 tiếng rưỡi, chương trình chấm dứt đúng vào lúc 5 giờ chiều. Trên 200 ngưòi tham dự ngẩn ngơ như không muốn rời khỏi hội trường. Trời còn sáng, ánh nắng dìu dịu của mùa thu cùng những cơn gió nhẹ thổi về làm lòng người ấm hẳn. Cầm cuốn sách trong tay, tôi nghĩ đêm nay chắc lại ít ngủ vì sẽ ngấu nghiến những truyện ngắn thật đặc biệt này. Cám ơn ban tổ chức, cám ơn các nghệ sĩ trình diễn, cám ơn tác giả Trần Hồng Văn và nhất là cám ơn ông xếp cũ của tôi: Ông Lê Phú Nhuận. Ước mong Houston chúng ta có nhiều buổi sinh hoạt văn học và văn nghệ như buổi ra mắt sách ngày hôm nay.


*Đỗ Lễ ghi.
Houston ngày 21. 10.2009

KhanhVan
Posts: 800
Joined: Sat Dec 11, 2004 6:11 am

Post by KhanhVan »

Việc Trước Tác và Ngôn Ngữ

qua tác phẩm Tiếng Hát Của Người Dân Chài của Trần Hồng Văn


Bùi Huy, Houston Tháng 10, 2009

Kính thưa quý vị, và thưa các bạn:

Trước hết tôi xin gửi lời cảm ơn đến tác giả Trần Hồng Văn đã vì chút cảm tình riêng mà dành cho tôi cái vinh hạnh đứng ở đây để được nói đôi điều, thưa dăm chuyện cùng quý vị trong buổi ra mắt sách ngày hôm nay. Tôi không có cái may mắn quen biết thân thiết với tác giả Tiếng Hát Của Người Dân Chài lâu năm như các vị diễn giả vứa đứng ở đây trước tôi. Hầu hết những gì tôi biết về tác giả THV người ta đều có thể tìm thấy qua những tác phẩm của anh. Chứ giữa anh và tôi, gặp gỡ nhau thì duyên đã dăm lần bẩy lượt, nhưng chưa bao giờ chúng tôi có dịp ngồi nói chuyện với nhau về văn chương chữ nghĩa, hay thi ca nghệ thuật. Vì thế, những điều mà tôi, trong tư cách của một người đọc sách, sắp trình bầy cùng quý vị ở đây, những điều ấy là do tôi đoán mò, nó có thể đúng mà cũng có thể không đúng với quan niệm của tác giả. Mà có lẽ, trong những điều tôi sắp thưa cùng quý vị, những gì hàm hồ thô lỗ, trái tai gai mắt thì là ý kiến của riêng tôi, còn những gì đẹp đẽ, hay ho thì là quan điểm của anh Trần Hồng Văn.
Thưa quý vị, tôi tin là giữa tác giả THV và tôi, cả hai chúng tôi đã cùng mê chung một nhan sắc, tuy là mỗi người mê một cách. Cái cảm giác đê mê khi được đọc một câu văn hay, khi được nghe một lời nói đẹp, đối với chúng tôi đôi khi còn day dứt hơn là cái xao xuyến đến từ một đôi môi thơm. Trong một e-mail gửi cho tôi, anh THV có nói công việc anh làm là phóng tác, chứ không phải là đơn thuần “dịch”, và sự khác biệt giữa 2 việc ấy, theo anh, có lẽ ít người hiểu rõ. Tôi rất lấy làm thú vị câu nói ấy của anh, và xin dành một nửa phần nói chuyện của tôi ngày hôm nay để thưa với quý vị về sự tình “dịch” và “phóng tác”. Vì chỉ như thế, chỉ khi hiểu được điều ấy, chúng ta mới hiểu được vai trò của sự chuyển ngữ và sự đóng góp của người dịch, mới biết được sự trầy da sứt vẩy mà người vận công dồn sức là anh THV đã phải đoạn trường kinh qua. Thế nào là sự khác biệt giữa dịch và phóng tác? Cái ranh giới ấy nó nằm ở đâu? Hay là thử đẩy nó lên một nấc cao hơn, thử hỏi là không chỉ giữa dịch với phóng tác, mà cả giữa dịch với sáng tác, cái biên giới ấy nó nằm ở chỗ nào? Xin mời quý vị nghe Bùi Giáng luận về chữ dịch.
“Từ trong tinh thể của nó, dịch là tái tạo. Sự ấy dường như quá hiển nhiên. Ông Nguyễn Du, ông Nguyễn Khắc Hiếu đều tái tạo triệt để trong các bản dịch … của các ông… Tôi có cảm tưởng rằng lúc thật sự “sáng tạo” tôi lại cũng đang dịch. Tôi viết vần thơ “độc đáo” nào cũng là đang dịch. Tôi dịch lại ông Nguyễn Du, ông Hồ Dzếnh. Cũng như ông Nguyễn Du ông Hồ Dzếnh đã từng dịch người đi trước, và người trước đã từng dịch người xưa, hoặc dịch một cái gì đó đang hiển hiện liên tồn trong âm thanh ngôn ngữ. Và những người cho rằng kẻ dịch không có tinh thần sáng tạo, những người ấy cũng đang dịch. “Trời có nói gì đâu…bốn mùa vẫn vận chuyển…Trời có nói gì đâu.”
Thưa quý vị trời vốn chẳng nói gì, nhưng qua mấy giòng ấy, Bùi Giáng nói nhiều lắm, mà thật ra cũng chẳng nói gì cả. Nhưng ông đã soi sáng cái tinh thể của dịch.
Rằng dịch là sáng tạo. Ở trong nghệ thuật, trong phạm trù của cái đẹp, ranh giới giữa “sáng tác” và “dịch” thật khó nói. Lấy thử ngay vở kịch được xem là tuyệt tác, là đã ảnh hưởng sâu đậm đến văn chương Tây Phương từ lúc nó xuất hiện cách nay trên dưới 400 năm là vở kịch Hamlet của cụ Shakespear ra mà xét, thì 30 năm trước khi Shakepear viết Hamlet bằng tiếng Anh thì ở bên trời Tây đã có một người tên là Francois de Belleforest viết câu chuyện ấy bằng tiếng Pháp, mà vở kịch bằng tiếng Pháp ấy lại dựa trên một tác phẩm của soạn giả người Đan Mạch là Saxo Grammaticus viết bằng tiếng La Tinh trước De Belleforest những mấy trăm năm. Ấy thế mà đâu có ai bảo là Shakespear dịch Hamlet từ vở kịch Pháp Histoire Tragiques. Vả lại, dù là lúc Shakespear viết Hamlet, cả hai tác phẩm của Saxo và De Belleforest đều thịnh hành ở Âu Châu, nhưng ngày nay, những người đang sống trên trái tinh cầu này, dù là nói tiếng Anh, tiếng Pháp hay tiếng nào chăng nữa, thì hoặc là chẳng để ý gì đến chuyện anh chàng hoàng tử vốn âu sầu lãng đãng mà sao lại biết giả điên giả khùng để giết chú ruột, trả thù kẻ đã đổ thuốc độc vào tai vua cha mà soán ngôi cướp vợ, mà nếu có biết đến anh chàng hoàng tử ấy thì chỉ biết qua vở kịch của Shakespear, chứ còn cái gọi là nguyên tác tiếng Latin hay tiếng Pháp ấy thì mấy ai còn tán dương thưởng thức nữa. Tại sao vậy? Xin thưa là bởi vì trong thế giới của cái đẹp, của nghệ thuật, ý hay nghĩa, dù là nghĩa đen hay nghĩa bóng, đều đóng một vai trò rất phụ thuộc. Cách nói mới là cái tài tình cốt tuỷ của nghệ thuật. Và mỗi một ngôn ngữ có một cách nói, một cách chơi tài tình riêng biệt. Việc chuyển ngữ một tác phẩm văn chương đòi hỏi sự tái tạo cái tài tình, cái tinh hoa ấy. Và cũng không chỉ bên trời Tây mới có chuyện như vậy. Quay lại nước Nam ta, từ lúc nó xuất hiện hai trăm năm nay, có ai lại bảo là cái tác phẩm nọ là do Nguyễn Du dịch từ truyện của Thanh Tâm Tài Nhân bên Tầu, mặc dù là không những chỉ tình tiết, nhân vật nhiều khi theo nhau san sát, mà cả chữ dùng đôi khi cũng như hình với bóng. Thế nhưng không phải là cái cốt truyện, không phải là những cái như “Nhân sự bách niên kham thế lệ, Toán lai tăng mệnh vị tài đa, Kỷ kinh thương hải tang điền biến, Thức mục linh nhân bất tận sầu’ vv và vv…mà lại là những câu như “Trăm năm trong cõi người ta, Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau, Trải qua một cuộc bể dâu, Những điều trông thấy mà đau đớn lòng”, chính những câu ấy đọc lên mới nghe xót xa tê tái cả cõi lòng. Chính những câu như thế, chính cái cách nói ấy, mới là cái làm nên cái đẹp, cái giá trị muôn đời của truyện Kiều. Chứ còn cái tuồng Kim Vân Kiều của ông TTTN ấy còn ai biết đến nó. Truyện Kiều vì thế là một áng văn chương Việt Nam, viết bằng tiếng Việt, bằng tâm tư, máu và nước mắt của người dân nước Việt vốn đã chịu nhiều khổ luỵ đắng cay. Thành thử ra khi đọc “Tiếng Hát Của Người Dân Chài” xin quý vị đừng đọc nó bằng con mắt dùng để xem một tài liệu dịch thuật. Mà nên đọc nó bằng con mắt thưởng thức nghệ thuật, văn chương. Văn chương của Trần Hồng Văn. Nghệ thuật ấy, qua cái cách nói ấy, hay dở thế nào, đáng khen chê thế nào là do tự nó. Gần đây tôi có 2 cuộc gặp gỡ thú vị liên quan đến anh THV, xin kể hầu quý vị. Một là cách đây hơn một tháng, GS Nguyễn V Sâm từ Port Arthur ghé chơi Houston và tặng tôi cuốn tự điển chữ Nôm do anh và một số người trong Viện Việt Học biên soạn, sắp ra mắt ở Houston. Trong câu chuyện chúng tôi có nhắc đến anh THV. Anh Nguyễn Văn Sâm kể tôi nghe là đã có lần anh ấy thích một truyện ngắn ngoại quốc, đã đọc rất kỹ và định dịch sang tiếng Việt. Nhưng chưa làm thì đã thấy bản dịch của anh THV. Và vì đã đọc kỹ nguyên tác nên anh NVS thấy rõ cái chế biến, cái sáng tạo, cái cách mà anh THV uyển chuyển tình tiết, chứ không phải cứ mot-a-mot, thấy chữ nào thì dịch chữ ấy. Tôi không được đọc nguyên tác nên không biết trong THCNDC anh THV đã múa phép ra sao. Nhưng ít ra cũng có một chữ mà tôi có thể chia sẻ kinh nghiệm bản thân với quý vị. Số là sau khi đọc hết truyện ngắn đầu tiên, có tựa là “THCNDC”, mà cũng là tựa của toàn tập, tôi tự hỏi: nào có ai hát đâu? Cái anh chàng dân chài nhân vật chính, anh ta chỉ cầu nguyện, hay nói rõ hơn chỉ xin ơn Chúa một điều và nguyện nếu được ơn thì anh sẽ đưa thân mình ra trong khoảng thời gian một ngày, từ lúc mặt trời mọc đến lúc mặt trời lặn, để hiểu và cảm nhận sự đau đớn mà Chúa đã chịu khi bị đóng đinh trên Thập Tự Giá. Chứ từ đầu đến cuối anh ta đâu có hát hò gì. Và tôi tự hỏi chữ “Tiếng Hát” ấy trong nguyên tác tiếng Anh là chữ gì. Tuần trước, không hẹn mà tình cờ gặp anh THV ở nhà một người bạn, tôi hỏi ngay anh về cái chữ “tiếng hát” ấy. Tôi hỏi anh là tôi đoán chữ ấy nguyên tác của nó là danh từ hay động từ “chant” vừa có nghĩa là cầu kinh, là xướng to lên, vừa có nghĩa là hát, là tiếng chim hót. Anh cười bảo với tôi là không, tựa trong nguyên tác không có ca hát mà cũng không có “chant.” Cái tựa “Tiếng Hát Của Người Dân Chài” là do anh đặt ra. Tôi tò mò hỏi thế tựa trong nguyên tác là gì? Anh THV trả lời là anh cũng chẳng nhớ nữa. Tôi lại hỏi thế hà cớ gì mà anh lại đặt cho nó cái tựa như vậy, tại sao anh lại bảo là “Hát”. Anh trả lời tôi là anh cảm thấy như thế, cảm thấy nó là cái tiếng hát vang lên tự đáy lòng. Vừa nói anh vừa khoa tay, từ bụng đưa lên trời. Tôi hiểu ngay, và hoàn toàn đồng ý với anh. Dịch là sáng tạo là thế ấy, thưa quý vị. Và quý vị cũng thấy đấy, chúng tôi đôi khi mê chữ hơn mê một đôi môi cũng là vì thế. Và cũng vì thế, thương hay ghét “Tiếng Hát Của Người Dân Chài” thì thật tôi không dám nói ra nói vào, không dám mạo muội mà khuyên ai nên thương ai ghét ai, chỉ xin quý vị thương hay ghét thì thương hay ghét cả anh THV.
Nhà văn Lý Trác Ngô trong phần lời tựa tập Mái Tây của Vương Thục Phủ đã bảo: ”Việc viết văn, để tấc lòng lại nghìn đời sau, đáng thương biết mấy”. Những tác giả được tuyển chọn trong THCNDC chẳng có ai là người xưa cả, họ là những người đang sống cùng thời đại chúng ta. Không biết là nghìn sau những tấc lòng ấy có được ai thương cảm, nhưng hẵng biết là nhờ những cặm cụi của anh THV mà những tấc lòng đang sống cùng chúng ta trên trái tinh cầu thơ mộng này, nơi những miền láng giềng lân cận hay những bến bờ muôn dặm xa xôi mà có lẽ chúng ta không bao giờ có dịp đặt chân đến, những tấc lòng ấy trở nên thân thiết với chúng ta, bằng cái ngôn ngữ quen thuộc với chúng ta. Tôi yên tâm hơn khi thấy ở Trung Hoa vẫn còn những người yêu mến lẽ phải, yêu mến những con chim bồ câu, thương những kẻ cô thân, yếu thế. Tôi cảm thấy an ủi hơn khi thấy ở bên trời Hồi Quốc, những sự gian trá, tham nhũng, những sự bịp bợm vẫn được những tiếng nói dân chủ như ở Việt Nam lên tiếng đòi hỏi công bằng. Thì ra con người ta, dù là ở đâu trên thế giới, vẫn còn những kẻ âm thầm tranh đấu cho lẽ phải.
Công việc viết và đọc tiếng Việt, trau chuốt nó là một điều cần thiết. Tôi có nghe một người Việt nói là mình cứ thành thật, nghĩ sao thì nói vậy, là đủ rồi, đâu cần gì phải đắn đo câu cú. Theo tôi thật không có gì tai hại bằng câu nói ấy. Nói dại, nếu tiền nhân chúng ta mà cũng suy nghĩ như thế thì bây giờ có lẽ chúng ta nếu không thắt bím thì cũng mặc áo xường xám hết cả. Tôi yêu mến tiếng Việt của dân tộc chúng ta. Và tôi mong là quý vị khi đọc THCNDC sẽ không chỉ háo hức xem tình tiết câu chuyện diễn tiến đến đâu mà cũng nên ghé mắt, để tâm đến câu cú, chữ nghĩa Việt Nam. Chúng ta có cái trách nhiệm ấy không những với tiền nhân mà với cả con cháu chúng ta. Mong sao là tiếng Việt, ở hải ngoại cũng như ở trong nước, sẽ không mất đi cái đẹp mà bằng một phép lạ đã hiển hiện trong Cung Oán, trong Chinh Phụ, và trong Đoạn Trường Tân Thanh. Và việc làm của những người như anh Trần Hồng Văn, anh Nguyễn Văn Sâm và những người tuy là có thể viết văn bằng tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Đức vv…vẫn chọn viết bằng tiếng Việt, may ra những việc làm ấy có thể làm nên mùa xuân. Xin cảm ơn sự theo dõi của quý vị.

KhanhVan
Posts: 800
Joined: Sat Dec 11, 2004 6:11 am

Post by KhanhVan »

Khánh Vân xin hân hạnh giới thiệu đến các anh Cựu Học Sinh HỒ NGỌC CẨN, bạn bè cùng gia đình và thân hữu với các chị các em cựu Nữ Sinh LÊ VĂN DUYỆT cùng tất cả các bạn trên khắp năm châu....
Tác Giả : TRẦN HỒNG VĂN
Cựu Học Sinh HỒ NGỌC CẨN (54-61)

Địa chỉ email : thv87@hotmail.com



Image

Image
Nhà Văn viếng thăm Vancouver năm 2007


Image
Nhà Văn Trần Hồng Văn và Bà Xã cùng KV

Image
Ông Bà Trần Hồng Văn đi thử xe điện trên trời (sky train) "không người lái"!

KhanhVan
Posts: 800
Joined: Sat Dec 11, 2004 6:11 am

Post by KhanhVan »

Giới Thiệu Nhà Văn Trần Hồng Văn qua tác phẩm“Tiếng Hát Của Người Dân Chài”



*Nguyễn Mạnh An Dân

Kính thưa quí quan khách
Kính thưa quí văn thi hữu
Kính thưa quí thân bằng hữu.
Thưa quí vi.

Chiều nay là một buổi chiều đẹp, rất đẹp và có lẽ rất ý nghĩa trong lòng mỗi chúng ta. Đẹp và ý nghĩa không chỉ vì chúng ta đang hưởng cái gây gây lanh đầu thu gợi lại những xao xuyến không tên; đẹp và ý nghĩa không chỉ vì lát nữa đây chúng ta sẽ được thưởng thức một chương trình văn nghệ MùaThu với các nhạc phẩm và nghệ sĩ trình diễn tuyệt vời; đẹp và ý nghĩa cũng không vì chúng ta sắp được đón nhận một tác phẩm nghệ thuật độc đáo, qua đó, chúng ta như được lạc vào một thế giới mới la, ký thú và khai mở của một tập hợp hơn hai mươi tác giả danh tiếng, tiêu biểu cho những nền văn chương khác nhau trên nhiều miền của thế giới mà đẹp và ý nghĩa vì chúng ta sắp được gặp lại, được gần thêm với một tên tuổi, một con người mà nhiều người trong chúng ta thân thiết hay ít ra cũng quen mặt hay biết tên với tất cả lòng quí mến: Nhà văn Trần Hồng Văn.


Thưa quí vị, chúng tôi biết buổi sinh hoạt văn nghệ hôm nay được vinh hạnh đón tiếp những quí khách chọn lọc, rất chọn lọc và với riêng nhà văn Trần Hồng Văn được gặp gỡ những thân hữu thân thiết. Nói thế vì tôi biết, có thể một số trong quí vị là những người đã từng thích thú chia xẻ những dòng chữ tim gan đầu đời của chàng học sinh trung học Đặng Thiệu trên các trang văn nghệ của nhật báo Chính Luận vào cuối thập niên 60 ở Sài Gòn ngày cũ; có thể một số khác trong quí đã biết đến và luôn nhớ về những hình ảnh đẹp, những cung cách đẹp của một giáo sự đại học trẻ trở về từ Hoa Kỳ trên các bục giảng ở các trường Đại Học Minh Đức, Nông Nghiệp. Chưa hết, có thể có nhiều người trong quí vị là những độc giả từng say mê với những tác phẩm về khoa học, hay nhưng phóng tác văn chương rất giá trị và rất hữu dụng của Trần Hồng Văn và cũng có thể nhiều người trong quí vị đã từng cộng tác, từng sinh hoạt chung với nhà văn Trần Hồng Văn trong văn bút, trong những sinh hoạt văn hóa, giáo dục hay xã hội và nhiều sinh hoạt đa dạng khác của cộng đồng. Nói chung, chúng tôi biết nhà văn Trần Hồng Văn không phải là người xa lạ với nhiếu người trong chúng ta nếu không muốn nói là với tất cả chúng ta. Quí vị đã biết nhiều về ông và chính những hiểu biết này của quí vị đã buộc tôi phải biết một điều không đáng biết, đó là cái cảm giác mà người ta gọi là “chết đứng như Từ Hải”.

Thưa quí vị, nhiệm vụ của tôi hôm nay là giới thiệu nhà văn Trần Hồng Văn nhưng tôi biết nói gì về Trần Hồng Văn khi ông là một khuôn mặt cộng đồng gần gũi và khả tín và cũng là một người bạn thân thiết riêng tự của của mỗi người trong chúng ta, một người mà hiểu theo một cách nào đó “nói ngàn lời cũng không đủ, mà đôi ba chữ cũng có thể thừa”. Tôi đang bối rối lắm, tuy nhiên tôi là một người lính và trường bộ binh Thủ Đức có dạy cho tôi một bài học chiến thuật có tên là “mưu sinh thoát hiểm” xin phép quí vị cho tôi được “thoát hiểm” bằng cách kể với quí vị về một kỷ niệm nhỏ, rất riêng tư giữa chúng tôi và nhà văn Trần Hồng Văn. Dĩ nhiên, tôi không vô lễ đến mức bắt quí vị phải nghe vềø những điều hoàn toàn riêng tư ở đây, nếu điều riêng tư ấy không dẫn đến một kết luận chung, giúp chúng ta hiểu thêm, gần thêm và quí mến thêm về người bạn chung: Trần Hồng Văn.
Thưa quí vị, khoảng mười lăm, mười sáu năm trước đây, lần đầu tiên tôi đến sinh hoạt với Trung Tâm Văn Bút Nam Hoa Kỳ. Ngày đó, nhà văn Trần Hồng Văn đang ở vào những tháng cuối của nhiệm kỳ chủ tịch Trung Tâm của ông. Đối với tất cả hội viên chúng tôi ngày đó, chủ tịch Trần Hồng Văn là một mẫu mực tiêu biểu để chúng tôi hảnh diện và trân trọng cả về khả năng và tư cách cá nhân cũng như cung cách điều hành và xây dựng tổ chức. Trong thâm tâm, tất cả chúng tôi đều ao ước được mãi cộng tác sinh hoạt dưới sự dẫn giắc của nhà văn Trần Hồng Văn, thậm chí đôi lúc chúng tôi còn thầm mong ông dấn thân thêm một chút, hy sinh thêm một chút để thay mặt chúng tôi lèo lái và xây dựng Văn Bút Viết Nam Hải Ngoại. Thật đáng tiếc, vào thời điểm này, do nhiều nguyên nhân tế nhị khác nhau, đã có nhiều sóng gió không vui xảy ra cho VBVNHN. Trước một tình trạng như vậy, bằng tình cảm riêng muốn tránh cho một nhà giáo, một nhà văn hóa chân chính và khả ái khỏi phải đối đầu với một tình huống có thể khiến ông bị thương tổn và cũng bằng mối ưu tư chung, muốn bảo vệ tổ chức hữu hiệu hơn, chúng tôi quyết định chọn lựa một nhân tuyển thích hợp hơn để thay thế vai trò của nhà văn Trần Hồng Văn. Chúng tôi dùng chữ “thích hợp hơn” vì chúng tôi rất hiểu con người của người bạn Trần Hồng Văn, ông có một ưu điểm tuyệt vời nhưng dường như chính cái ưu điểm này, trong một vài hoàn cảnh cá biệt nào đó lại trở thành cái tạm gọi là “yếu điểm” của ông. Thưa quí vị, nhà giáo, nhà văn hóa Trần Hồng Văn của chúng ta là một người dường như suốt đời chỉ biết “mặc áo cà sa” trong khi thực tế của đời sống, đôi khi, dù muốn hay không chúng ta cũng buộc lòng của phải tạm khoát lên một lớp áo giấy.


Thưa quí vị. chúng tôi trân trọng và quí mến nhà văn Trần Hồng Văn, chúng tôi muốn bảo vệ ông nhưng sâu thẳm trong tâm hồn, đôi lúc chúng tôi cũng không khỏi có những lúc bồn chồn, áy náy, chúng tôi sợ sẽ tạo ra những ngỡ ngàng, nhưng gượng gạo trong sinh hoạt chung giữa anh chị em với nhau. Ai cũng có thể nói “tôi đặt quyền lợi của tổ chức lên trên hết”, “tôi sẵn sàng chấp hành quyết định của tập thể”, chuyện có vẻ như bình thường, như không lớn nhưng thực tế không phải lúc nào cũng êm ả, những khát biệt giữa lời nói và hành động không phải là điều không thường xảy ra và nỗi lo âu của chúng tôi không phải là không có cơ sở. Tuy nhiên, mọi âu lo của chúng tôi đã thừa, nhà giáo, nhà văn hóa Trần Hồng Văn luôn có cái phong thái của một kẻ sĩ đúng nghĩa, ông có đủ bản lãnh để vượt lên trên và đủ rộng lòng để chấp nhận những bất toại ý. Với văn bút, ông luôn gắng bó, luôn chung đường, luôn mãi là một người bạn của tất cả anh em trong trong mọi thăng trầm, sóng gió; với cá nhân chúng tôi, một người được hiểu như là một trong những “chính phạm” đưa đến sự thay đổi ngày nào, ông không cần biết đến và vẫn luôn dành cho nhau một sự quí mến và tương kính đặc biệt. Vài năm trước đây, khi ra mắt hai tác phẩm phóng tác cùng lúc, ông đã dành cho tôi vinh dự giới thiệu các tác phẩm này với độc giả; khi ông tổ chức ra mắt tác phầm cho nhà văn đối kháng Trần Khải Thanh Thủy, ông gọi tôi và tâm sự “ anh em chúng ta nên chung sức làm công việc cần nên làm này” và tôi đã đến với ông để giới thiệu tác phẩm Viết Từ Hang Đá của chị Thanh Thủy và hôm nay, một lần nữa tôi lại có may mắn được ông dành cho vinh hạnh giới thiệu tác giả Trần Hồng Văn trong buổi sinh hoạt ra mắt tác phẩm mới của ông.

Thưa quí vị,
Tôi đã xin phép kể một câu chuyện riêng và tôi có hứa sẽ có một kết luận chung nhưng tôi nghĩ tôi không cần phải nói ra cái kết luận này bỡi tôi nghĩ trong lòng mỗi quí vị đã tự có cái kết luận đó: Tấm lòng của một người cầm bút nơi nhà văn Trần Hồng Văn.
Để làm một nhà văn, nếu có học vị cao, thật tốt, nhưng nếu không có cũng không sao, có biết bao nhà văn lừng lẫy không xuất thân từ giai cấp trí thức khoa bảng nào; để làm một nhà văn, nếu có một năng khiếu bẩm sinh, thật tốt, nhưng nếu không có cũng không sao, nghiên cứu đã chứng minh mỗi sự thành công trong bất kỳ lãnh vực nào, vai trò của thiên khiếu bao giờ cũng chiếm một tỷ lệ thấp hơn nhiều những nổ lực cá nhân, nhưng có một thứ, nếu không có thì không bao giờ trở thành một người cầm bút đúng nghĩa: Đó là tấm lòng. Nhà văn Trần Hồng Văn của chúng ta, phải chăng đã là người có tất cả mọi điều kiện mà người ta mong đợi nơi một nhà văn, một nhà văn hóa?
Thưa quí vị,
Tôi vừa trình bày đôi điều về nhà văn Trần Hông Văn, tôi biết do lòng tự trong và tính khiêm tốn cố hữu có lẽ ông không vui khi nghe những lời có vẻ như là một cách “áo thụng vái nhau” nhưng tôi tin ông không trách vì ông hiểu tôi chỉ nói những điều thật lòng chứ không quen nói những điều để ngưới khác vui lòng. Xin cảm ơn và xin trân trọng giới thiệu với quí vị nhà văn Trần Hồng Văn một người mà bằng vào tấm lòng, bằng vào tư cách cá nhân và bằng vào những đóng góp to lớn của ông cho giáo dục, cho văn hóa có lẽ sẽ không cần đến bất cứ một lời giới thiệu nào.
Xin kính chào quí vị.



Nguyễn Mạnh An Dân - Tháng 10. 2009

Post Reply