Một Vài Sinh Hoạt VănHoá Nghệ Thuật Hải Ngoại

Phim ảnh, âm nhạc đưa người ta vào thế giới ảo mộng quên đi bao nỗi muộn phiền của đời thường... Nơi đây chỉ ghi lại một phần nào đó của cái thế giới muôn mầu sắc và âm thanh đó mà thôi.

Moderator: Nguyễn_Sydney

Post Reply
User avatar
khieulong
Posts: 6756
Joined: Wed Dec 01, 2004 9:09 pm
Been thanked: 1 time

Một Vài Sinh Hoạt VănHoá Nghệ Thuật Hải Ngoại

Post by khieulong »

Ngày Vu Lan 2013 và Câu Lạc Bộ Tình Nghệ Sĩ
Tác giả Việt Hải Los Angeles

Ngày Chủ Nhật 08/25/2013, nhằm ngày 19, tháng 7, Quý Tỵ là lễ Đại Vu Lan, vợ chồng chúng tôi cũng nhà văn Dương Việt Điền cũng nhiều anh chị em Câu Lạc Bộ Tình Nghệ Sĩ đến Chùa Điều Ngự, trên không trung bầu trời quang đãng, nắng đẹp. Trời Cali như vầy thật thích hợp cho ngày nắng lễ hội quan trọng như hôm nay.

Chúng tôi vội bước, trên đường vào đoàn người lũ lượt kéo vô như nêm, dòng người tiếp tục đông đúc. Hiện tại tôi thầm nghĩ Chùa nên bành trướng thêm diện tích mới đủ phát triển trong tương lai. Tiếng máy vi âm vang dội ra ngoài những giọng nói quen thuộc, như giọng nói của người nữ emcee Minh Phượng đang uyên thuyên thông báo những diễn tiến chương trình, giọng emcee nói nhanh như xe chạy trên freeways vượt tốc độ cho phép, rồi chúng tôi nghe một giọng của một nữ emcee khác lá nhà thơ Ái Cầm, có lẽ chị phát thanh với vận tốc freeway cho phép, 65 MPH. Vào bên trong lại bắt gặp những thân hữu quen thuộc như nhà báo Nguyễn Thanh Huy, thi sĩ Thài Tú Hạp, bắt tay anh Huy và anh Hạp, tôi được biết hôm nay anh Hạp là một emcee, dù tốc độ âm thanh của anh thi sĩ này nhuốm nét thiền tịnh như thơ của anh, thi sĩ nói chỉ với 35 hay 40MPH như cho xe chạy đúng luật trong phố mà thôi.

Ngày Vu Lan dĩ nhiên các Chùa ở đâu thì ý nghĩa Vu Lan được nhắc nhở hay diễn giải sự cần thiết của nó. Ngày Vu Lan mang ý nghĩa của dịp lễ hội của lòng hiếu thảo. Ngày mà ngài Mục Kiền Liên báo hiếu cho mẹ, bà Thanh Đề lúc sinh tiền đã gây nhiều tội ác nên khi chết Bà bị đọa vào địa ngục, làm ngạ quỉ đói khổ. Ngài Mục Kiền Liên sau khi đắc dạo, chứng quả A La Hán, đã vận dụng thiên nhãn để tìm xem mẹ tái sinh ở đau. Ngài thấy mẹ bị đọa vào ngạ quỉ, gầy ốm, đói khát rất khốn khổ. Ngài thương xót mẹ, lấy cơm trong bình bát đem dâng mẹ nhưng khi cơm đến miệng mẹ, thì biến thành lửa, không ăn được. Ngài Mục Kiền Liên thấy mẹ như vậy vô cùng đau xót, trở về bạch Phật và xin Phật chỉ dạy cách cứu mẹ. Phật dạy, ngày rằm tháng bảy là ngày Tự Tứ của các Chư Tăng, sau ba tháng hạ an cư kiết hạ, thân tâm rất thanh tịnh, vì vậy lời chú nguyện của các Chư Tăng có nhiều năng lực giải trừ tội ác. Đức Phật khuyên Ngài Mục Kiền Liên mua sắm lễ vật dâng cúng lên Chư Tăng và các Hiền Thánh ngày rằm tháng bảy và xin các ngài chú nguyện cho, thì cha mẹ bảy đời quá vãng cũng như hiện tiền đều được nhiều ơn phước cứu độ.

Ngài Mục Kiền Liên vâng lời Phật dạy, đến ngày rằm tháng bảy mua sắm lễ vật dâng cúng các Chư Phật, các Hiền thánh và xin các Ngài chú nguyện cho mẹ. Ngay trong ngày đó Mẹ Ngài Mục Kiền Liên được giải thoát kiếp ngạ quỷ và sinh lên cõi Trời.

Từ đó Phật tử theo gương ngài, hằng năm tổ chức ngày Đại Lể Vu Lan Báo Hiếu vào rằm tháng Bảy. Đó là ngày Phật tử nhớ ơn và đền ơn sanh thành dưỡng dục của mẹ cha.


Ngày Vu Lan các bạn trong Ban Hợp Ca Câu Lạc Bộ Tình Nghệ Sĩ vang ca những lời lẽ xiễn dương công lao của những "Mẹ Hiền Việt Nam", thật vậy khi chúng tôi kết hợp tạo ra nhạc phẩm “Mẹ Hiền Việt Nam” mà phần nhạc của nhạc sĩ Cao Minh Hưng, cũng chỉ vì ý nghĩa của lễ Vu Lan, để các anh chị em thành viên Câu Lạc Bộ Tình Nghệ Sĩ cùng nhau hát mừng Vu Lan tri ân công đức những Mẹ Hiền Việt Nam ở khắp nơi trên thế giới. Đặc tính tri ân công đức, cần duy trì và phát triển trong tinh thần hiếu đạo làm người bằng cách hướng dẫn cho con em chúng ta hiểu biết và thực hành để giữ mãi truyền thống hiếu đạo mãi mãi tồn tại theo thời gian, bởi vì Vu Lan sẽ đến mỗi năm vào ngày rằm tháng 7, Vu Lan Bồn (Phạn ngữ Ullambana).


Có lẽ trên khắp thế gian không ai tốt bằng người mẹ. Mẹ với công mang nặng đẻ đau, gồng gánh cuộc đời rồi cùng cha nuôi con khôn lớn. Nước biển dù bao la, mênh mông nhưng không đong đầy tình mẹ. Mây trời thênh thang lồng lộng không phủ kín được công cha. Ngồi bên dưới tôi muốn cám ơn các bạn thành viên Câu Lạc Bộ Tình Nghệ Sĩ đem tiếng hát nói thay cho nhiều người nét đẹp về Mẹ Hiền Việt Nam. Hằng năm đón Vu lan như là tập tục văn hóa hiếu đạo của con người trong cộng đồng xã hội, ngày này gắn liền với hình ảnh của người mẹ hiền cần tôn vinh. Hình ảnh mẹ là biểu tượng hay hiện thân của tình thương bao la của mẹ. Mẹ cũng gắn liền với người con bằng tiếng nói yêu thương, cuộc sống này cần tình thương. Con báo hiếu cho mẹ cũng bằng tình thương và lòng hiếu thảo.

Trong ý nghĩa văn hóa giáo dục, ngày lễ Vu Lan là dịp nhắc nhở các thế hệ con cháu chúng ta nhớ tới công ơn dưỡng dục sinh thành của cha mẹ, ông bà, tổ tiên cũng như những đóng góp to lớn của tổ tiên dân tộc, những người có công với đất nước. Ðồng thời giúp chúng ta không quên những ý nghĩa giáo dục cao đẹp đầy nhân bản của văn hoá tôn giáo đó là những ý niệm "Từ, bi, hỷ, xả", “vô ngã", "vị tha”, “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ người trồng cây”,... Sự báo hiếu là sự biểu hiện phẩm hạnh đạo đức cần thiết của mỗi con người chúng ta cần bày tỏ. Trong nếp sống của xã hội nhiêu khê, phức tạp, con người chạy đua theo kim đồng hồ, hòa nhập vào guồng máy bận rộn của xã hôi, lắm khi xã hội biến ta rời xa ý nghĩa chân thiện mỹ...

Trong cuộc sống, có hai yếu tố lá làm ơn và trả ơn hay báo ơn. Trong Phật giáo có quan điểm bốn ơn chúng ta cần nên nhớ hay là “Tứ ân” như:

1/ Ơn cha mẹ: là ơn đấng sinh thành dưỡng dục. 2/ Ơn thầy cô: là ơn dạy dỗ những kiến thức, những điều hay, lẽ phải. 3/ Ơn đất nước hay quốc gia xã hội: là ơn duy trì biên cương bờ cõi, giữ gìn môi trường sống hoà bình, thịnh vượng và ổn định. 4/ Ơn chúng sinh, đồng bào: là ơn những người đã sản xuất ra của cải vật chất để cho chúng ta ăn uống sinh sống tồn tại, và phát triển.

Vu Lan là mùa đạo hiếu hạnh, nhắc về quan điểm Tứ Ân, mỗi cá nhân lưu giữ điểm gốc lấy tình thương yêu con người tha nhân, quốc gia, xã hội, cô thầy và mẹ cha.


Trong buổi lễ tại chùa Điều Ngự, Hòa Thượng Thích Viên Thành, trong bài thuyết giảng về Vu Lan, đã nhắc lại quan điểm Tứ Ân của Phật giáo, còn Hòa Thượng Thích Viên Lý đã đọc Thông Bạch Vu Lan từ Viện Hóa Ðạo trong nước gửi ra. Thông Bạch cho biết ngày Vu Lan về là gợi nhắc chúng ta nhớ đến ân đức sâu dầy của các đấng sinh thành dưỡng dục. Hình ảnh cứu mẹ của Tôn Giả Mục Kiền Liên vừa biểu trưng cho lòng báo ân nhưng đồng lúc cũng biểu tượng cho lòng từ bi tế độ. Và vai trò của người Phật tử cần phải cảm thông, quán niệm sự khổ đau thống thiết của muôn loài sinh linh, của dân tộc giống nòi mà phát nguyện theo bản thệ độ sinh của Bồ Tát Ðịa Tạng. Người Phật Tử chân chính, vẹn toàn hiếu đạo, không thể làm ngơ, thờ ơ, làm ngơ trước hiện tình quốc gia nguy biến, dân tộc khốn cùng. Hiện tại, dân tộc Việt Nam của chúng ta không chỉ thống khổ về mặt vật chất đói nghèo, bệnh tật mà còn vô cùng khổ đau trên bình diện tinh thần vì nhân phẩm bị tước đoạt, nhân quyền bị khinh rẻ, đất nước bị ngoại xâm.


Thông Bạch nhắn gởi Phật tử quan điểm Tứ Ân đấy. Về quan điểm báo hiếu mẹ cha, ơn người đi trước được ông Thị Trưởng Tạ Đức Trí của thành phố Westminster đề cập trong phần phát biểu của ông như là nhân mùa Vu Lan, tuổi trẻ Việt Nam xin được ghi nhận sự hy sinh và công đức vô bờ bến của các bậc sinh thành. Tuổi trẻ cũng xin được cảm ơn chùa Ðiều Ngự đã tạo dịp cho tuổi trẻ Việt Nam có dịp được thể hiện lòng hiếu thảo với cha mẹ. Ông Nghị viên Christ Phan của thành phố Garden Grove cho biết buổi sáng trước khi ông đi dự lễ ở chùa ông đã không quên gọi điện thoại thăm mẹ ông, vì ông ở xa mẹ. Tất cả những ý niệm như vậy dù nhỏ bé, nhưng nó nằm trong phạm vi ý nghĩa của ngày Vu Lan, thể hiện lòng yêu thương cội nguồn gia tộc, và rằng phong hóa Việt Nam vốn cao đẹp.


Lòng Mẹ, Y Vân, Như Quỳnh:
http://www.nhaccuatui.com/bai-hat/long-me-nhu-quynh. eirwahVCYG.html

Image
Vu Lan nói về Phật giáo, Phật giáo có liên quan đến triết học và khoa học, tôi tin như vậy, xin dẫn chứng nhé. Nhìn vào kho tàng sách vở, nhà văn kiêm triết gia Arthur Schopenhauer (1778-1860) là người vốn rất sùng bái và yêu chuộng Phật giáo, ông đã thố lộ rắng sự ảnh hưởng Phật giáo rất mạnh mẽ trong thuyết siêu hình học của ông và sự hội tụ những tư tưởng Phật giáo. Rồi các triết gia Friedrich Nietzsche (1844-1900) hay Sigmund Freud (1856-1939) và Hermann Hesse (1877-1962) là những người không nhiều thì ít đã ảnh hưởng tinh thần khai phóng tâm linh của Phật giáo qua tác phẩm “Ánh Sáng Á Châu” (The Light of Asia) của Edwin Arnold (1832-1904). Để từ đó họ có những danh tác độc đáo như “Đường về nội tâm” (Der Weg nach Innen) của Herman Hesse. Chính những tư tưởng của những triết gia này đã ảnh hưởng không ít đối với những độc giả hay người hâm mộ đương thời và sự ghi nhận bởi tác phẩm của họ về sự ảnh hưởng Phật giáo là sự kiện nổi bật trong trong sách vở văn học. Đó là bên phạm trù triết học. Còn bên phạm vi khoa học, xin nêu một ví dụ điển hình là có nhà bác học Albert Einstein (1879-1955). Ông đưa ra lý thuyết tương đối (Reality Theory, Albert Einstein (1952). Relativity: The Special and the General Theory); được thế giới ngưỡng mộ. Về khía cạnh Phật giáo, nhà thông thái này bày tỏ ý nghĩ: “Điều thứ nhất, người Phật tử không cần đi tìm đạo Phật ở nơi khoa học, vì trong đạo Phật giáo đã đầy đủ tính chất khoa học của nó rồi. Điều thứ hai, tôi không phải là một Phật tử. Nhưng nếu tôi có theo một tôn giáo, tôi sẽ chọn Phật giáo. Điều thứ ba, kể từ thế kỷ thứ 21 trở đi không có tôn giáo nào có thể phát triển mạnh mẽ trên thế giới bằng Đạo Phật”.

Ngày nay nhiều người Mỹ và người Âu Úc châu hâm mộ Dức Lạc Lai Lạt Ma qua tư tưởng đầy tính chất Phật giáo của ngài. Đề cập về lý luận luật nhân quả trong khoa học, con người nói chung bị ảnh hưởng sâu rộng của luật nhân quả (cause-and-effect). Trong khi luật nhân quả của khoa học nói về quan hệ mật thiết giữa nguyên nhân và hậu quả trong vũ trụ vật lý vi mô (microphysics), ý tưởng GIGO như trong y khoa hay khoa học, "garbage in garbage out", luật nhân quả của nhà Phật nói về việc "gieo nhân nào gặt quả đó". Ý nghĩa của diễn tiến hay hiện tượng nhân quả ở đây cho thấy sự tương đồng giữa luật nhân quả trong khoa học hay triết thuyết nhân quả của nhà Phật.
Image

Trong tác phẩm "Le Dalaï-Lama parle de Jésus" của tác giả Dominique Lablanche do NXB Aventure Secrète, Paris, ấn hành năm 1996. Sách kể lại câu chuyện do Đức cha Dom Laurence Freeman, trong tư cách là linh mục linh hướng tại vùng Middlesex, phía bắc Luân Đôn và cha cũng là giáo sư của World Community for Christian Meditation. Chính Đức cha Laurence đã ngỏ lời mời đến Đức Đạt Lai Lạt Ma từ Dharamshala, Ấn Độ đến với thành phố của mình. Trong phần cuối của buổi đàm đạo giữa hai vị tu sĩ cao cấp của tôn giáo lớn, câu chuyện nghe như có hỏa ngục A tỳ của bà Thanh Đề của ngày Vu Lan, và luật nhân quả trong cuộc sống...

Cha Laurence: Không, Hỏa ngục chính là sống trong sự chia lìa với Thiên Chúa mà tự nó là điều không chân thật. Đó là một trạng thái hư huyễn bởi lẽ không có gì có thể chia lìa khỏi Thiên Chúa. Tuy nhiên, nếu chúng ta nghĩ rằng mình đang tách lìa Thiên Chúa, lúc đó mình đang ở trong Hỏa ngục.

Đức Đạt Lai Lạt Ma: Trong Phúc Âm, Đức Giêsu nói : “Ta không đến để kết tội thế gian… Lời Ta nói ra, chính lời ấy sẽ xét xử.” Tôi nghĩ rằng lời này phản ánh rất rõ ý tưởng karma (nghiệp) của Phật giáo. Không hiện hữu một hữu thể độc lập ở “cõi cao xanh” làm trọng tài về những điều chúng ta phải sống và phải biết ; trái lại, có một chân lý chứa đựng trong chính nguyên lý nhân quả. Nếu các bạn hành động cách đạo đức hay mẫu mực, các bạn sẽ lãnh nhận hậu quả tốt đẹp. Nếu các bạn hành động cách tiêu cực hay ác độc, các bạn cũng phải chịu đựng những hậu quả của chúng. Chân lý của luật nhân quả là vị quan tòa chứ không phải một vật hữu thể hoặc một con người đưa ra lời phán xét.

Kết thúc phần Vu Lan, chuyện về chú bé đánh giầy Lula của xứ Ba Tây, cuộc đời như Luật Nhân Quả khi gieo nhân tốt sẽ được quả tốt. Xin mời đọc...
Image

Gương Sáng Ba Tây: Chú bé đánh giầy trở thành vị Tổng Thống đưa nền kinh tế Ba Tây vươn lên vượt bực.

Cách chia hai đồng bạc...

Chú bé Lula, sinh ra vào tháng 10 năm 1945, thuộc một gia đình nông dân nghèo ở Ba-Tây (Brazil). Vì nhà nghèo, nên từ lúc mới 4 tuổi, thằng nhỏ đã phải đi bán đâu phụng ngoài đường, nhưng vẫn quần áo rách rưới, tả tơi, và thiếu ăn. Sau khi được lên tiểu học, lúc đó gia đình bé Lula đã dọn lên thủ đô Rio de Janeiro, sau buổi học chú bé thường hay cùng với 2 người bạn cùng lứa đi đánh giầy ở đâu trên đường phố, hôm nào không có khách, thì coi như là b ữa đó nhịn đói.

Năm 12 tuổi, vào 1 buổi xế chiều, có 1 người khách, là chủ 1 tiệm giặt ủi và nhuộm áo quần đến chiếu cố, 3 đứa trẻ chạy lại xin chào hàng. Ông chủ tiệm nhin vào 3 cặp mắt van xin khẩn khoản đó, không biết quyết định chọn đứa nào. Cuối cùng ông ta nói: Đứa nào cần tiền nhất, thì tôi cho nó đánh giầy, và sẽ trả công 2 đồng.

Tưởn g cũn g nên biết công đánh một đôi giầy chỉ có 20 xu, 2 đồng đúng là một món tiền rất lớn. Ba cặp mắt đều sáng lên. Một đứa nhỏ nói: từ sáng đến giờ cháu chưa được ăn gì cả, nếu không kiếm được tiền hôm nay, cháu sẽ chết đói ! Đứa khác nói: "Nhà cháu đã hết thức ăn từ 3 ngày nay, mẹ cháu lại đang bệnh, cháu phải mua thức ăn cho cả nhà tối nay, nếu không thì lại bị ăn đòn...“ .

Cậu Lula nhìn vào 2 đồng bạc trong tay ông chủ tiệm, nghĩ ngợi một lúc, rồi nói: “Nếu cháu được ông cho kiếm 2 đồng này, thì cháu sẽ chia cho 2 đưá đó mỗi đứa 1 đồng !! ”Câu nói của Lula làm Ông chủ tiệm giặt ủi và 2 đứa nhỏ kia rất là ngạc nhiên. Cậu giải thích thêm: “Tụi nó là bạn thân nhất của cháu, đã nhịn đói hết một ngày rồi, còn cháu thì hồi trưa còn ăn được ít đậu phụng, nên có sức đánh giầy hơn chúng nó, Ông cứ để cháu đánh đi, chắc chắn Ông sẽ hài lòng”. Cảm động trước câu nói tìn h nghĩa của thằng nhỏ, Ông chủ tiệm đã trả cho Lula 2 đồng bạc, sau khi được Lula đánh bóng đôi giầy. Và thằng nhỏ Lula giữ đúng lời, đã đưa ngay cho 2 đứa bạn mỗi đứa 1 đồng.

Vài ngày sau, Ông chủ tiệm giặt ủi đã tìm đến thằng nhỏ Lula, nhận chú bé cứ sau mỗi buổi tan học là đến học nghề ở tiệm giặt nhuộm của ông ta, và bao cả bữa cơm tối. Tiền lương lúc học nghề tuy là rất thấp, nhưng so với nghề đánh giầy thì khá hơn rất nhiều. Thằng bé hiểu rằng: Chính vì mình đã đưa tay giúp đỡ những người bạn khốn khổ kia, nên mới đem đến cho mình cơ hội làm thay đổi cuộc đời.

Từ đó, miễn là có khả năng, chú bé Lula không ngần ngại giúp đỡ những người sống khốn khổ hơn mình. Sau, Lula nghỉ học đi làm thợ trong 1 nhà máy, để bênh vực cho quyền lợi của những người thợ, cậu ta tham gia vào công-đoàn, năm 45 tuổi, Lula lập ra đảng Lao-Công. Rồi tiến xa hơn năm 2002, trong cuộc ứng cử tổng-thống, khẩu hiệu của Lula là: Ba bữa cơm no cho tất cả những người trong quốc gia này. Và đắc cử làm Tổng Thống xứ Brazil. Năm 2006 đắc cử nhiệm kỳ 2, cho 4 năm tới.

Trong 8 năm tại chức, Tổng thống Lula đã thực hiện đúng lời mình đã hứa : -93% trẻ em và 83% người lớn ở nước này được no ấm. Thực hành đúng tâm niệm: giúp đời !! Và nước Ba-tây dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Ông đã không còn là "con khủng long nhai cỏ khô" nữa mà đã trở nên "Con mãnh sư của Nam Mỹ Châu". Và xây dựng cho Ba Tây trở nên một quốc gia có nền kinh tế đứng thứ 10 trên thế giới. Luiz Inácio Lula da Silva: đó là tên của vị tổng thống Brazil (2002 - 2010).
Image
NV Nguyễn Thị Mắt Nâu
Buổi trưa các anh chị em Câu Lạc Bộ Tình Nghệ Sĩ kéo sang địa điểm Thư Viện Việt Nam tham dự buổi ra mắt sách của nhà văn Nguyễn Thị Mắt Nâu, Chương trình CLB Tình Nghệ Sĩ Talk Show giới thiệu buổi RMS:

http://www.caulacbotinhnghesi. net/index.php?option=com_ content&view=article&id=1605

Nhà văn Nguyễn Thị Mắt Nâu Ra Mắt: 2 Tác Phẩm, 1 CD Đọc Truyện 1. THỊ PHI, truyện ngắn 2. NỤ HỒI SINH, truyện dài và Audio CD đọc truyện

Chương trình ra mắt sách do hai emcees Cao Minh Hưng và Thúy Quỳnh linh động nhịp nhàng đảm trách.

Phần mở đầu do sư cô Thanh Tịnh Liên Thích nữ Chân Thiền giới thiệu đôi nét về nhà văn nhà thơ nhà văn Nguyễn Thị Mắt Nâu.

Diễn giả kế là ông Vũ văn Tùng, chủ tịch Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại cho nhận định tác phẩm Nụ Hồi Sinh.

Về tác phẩm Thị Phi do nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ Huy Trâm trình bày tóm tắt nội dung.

Diễn giả thứ tư là nhà văn Trần Đức Hân (Phó Chủ Tịch Văn Bút Trung Tâm Tây Nam Hoa Kỳ), nói về Audio CD “Thị Phi” qua những cảm nhận của ông.
Image
BHC CLB Tình Nghệ Sĩ trong ngày RMS của NV Nguyễn Thị Mắt Nâu
(photo by NS Billy Hùng)
Là một thân hữu của nhóm Câu Lạc Bộ Tình Nghệ Sĩ, người viết bài được sắp xếp trong phần đóng góp ý kiến tổng quát sau cùng.

Tôi biết nhà văn Nguyễn Thị Mắt Nâu vào tháng 9 năm 2002 khi chị cho ra mắt tác phẩm đầu tiên là Màu Chiều Đã Tắt, một tác phẩm mà nội dung là chuyện tình cảm với những tình tiết thương tâm.Tôi đã đọc Màu Chiều Đã Tắt và thích cốt truyện này.

Tôi đọc tác phẩm Thị Phi, tôi nghĩ đây là lối văn mới hayu khuynh hướng mới đối với tác giả Mắt Nâu, nó như loại tạp bút, tạp ghi những mẫu chuyện xảy ra trong đời sống thường nhật. Nhưng nhà văn ghi tựa sách là Thị Phi. Theo nghĩa hán tự, "thị" có nghĩa là đúng, còn "phi" là sai, do vậy những sự kiện sai trái hay sai quấy có tình tiêu cực, được trình bày trong ý muốn hướng về quan điểm tích cực, xây dựng. Trong đời sống thường nhật, trong những khung cảnh chung quanh ta, rất nhiều sự việc như vậy để viết ra, hay nói lên, rồi ghi nhận in vào tác phẩm.

Đối với tác phẩm Nụ Hồi Sinh, tức mang ý nghĩa của "Hy vọng được sống lại" mà nội dung là 24 là thư trần tình của một bệnh nhân của một căn bệnh hiểm nghèo, được điều trị trong nhà thương gửi cho người tình ảo tưởng khi nói lên những muộn phiền, những chán nản, nuối tiếc khi sức khỏe đã mất. Trong cuộc sống này có lẽ con người thương quên đi sức khỏe vô cùng quý già, mãi đến khi sức khỏe mất đi, sự nuối tiếc có thể đã dĩ lỡ, muộn màng rồi. Tôi đồng cảm với nhà văn Nguyễn Thị Mắt Nâu qua nội dung của tác phẩm Nụ Hồi Sinh, vì toi cũng đã trả cái giá khá đắt cho việc đánh mất sức khỏe.
Image
Nhà văn Mắt Nâu và Việt Hải

Những tác phẩm mà nhà văn đã phát hành:

1/ MẦU CHIỀU ĐÃ TẮT, truyện dài & ngắn (Đất Việt xuất bản) 2/ LOàI NGƯỜI CÔ ĐƠN, truyện dài & ngắn - tái bản lần II (TT Văn Bút Hải ngoại xuất bản) 3/ NGƯỜI CUỐI CHÂN MÂY, tập truyện (Hương Văn xuất bản) 4/ THƠ VIẾT CHƯA XONG GIỮA CUỘC ĐỜI, tập thÖ, in chung với Huy Trâm (Hương Văn xuất bản) 5/ GIỌT LỆ CHO TỪ BI, tập truyện & thơ (Đất Việt xuất bản) 6/ THỊ PHI, tập truyện (Đất Việt xuất bản) 7/ NỤ HỒI SINH, truyện dài (Đất Việt xuất bản).

Xen kẽ giữa những diễn giả là những bài ca văn nghệ giúp vui do anh chị em trong Ban Văn Nghệ Câu Lạc Bộ Tình Nghệ Sĩ vá các thân hữu của nhà văn Nguyễn Thị Mắt Nâu đảm trách, một ghi nhận đặc biệt là hai bài thơ Mắt Nâu và Chim Hót Trong Lồng của nhà thơ Mắt Nâu được nhạc sĩ Hạnh Cư phổ nhạc, các nghệ sĩ Ngọc Nôi, Phi Loan, Thanh Thanh, và Hạnh Cư xuất sắc trình bày thơ nhạc giao duyên, ngâm và hát cùng tiếng sáo của nghệ sĩ Ngọc Nôi.

Buổi lễ ra mắt sách Mắt Nâu thành công do nhiều bạn bè thân hữu của riêng chị cùng thân hữu của hai hội đoàn Văn Bút và Câu Lạc Bộ Tình Nghệ Sĩ tham dự để hỗ trợ và góp vui cùng chúc mừng cho nhà văn khả ái Nguyễn Thị Mắt Nâu ra mắt ba đứa con tinh thần của chị.

Đến 5 giờ chiều bái ca Ô Mê Ly vang dội lầu hai của Thư Viện Việt Nam báo hiệu giờ lưu luyến chia tay đã đến. Các anh chị em Câu Lạc Bộ Tình Nghệ Sĩ chạy sang giúp vui Vu Lan tại chùa Phổ Đà đến 8:30 tối, một ngày dài nhiều kỷ niêm và nhiều ý nghĩa của lễ Vu Lan và văn học ra mắt sách.

Người viết bài xin cám ơn từng anh chị em của Câu Lạc Bộ Tình Nghệ Sĩ luôn luôn đoàn kết gắn bó nhau chỉ vì lý tưởng phục vụ tha nhân và cộng đồng.

Một lời tận đáy lòng, xin trân trọng cám ơn.

Viet Hai Los Angeles
Last edited by khieulong on Wed Aug 12, 2015 3:00 am, edited 4 times in total.

User avatar
VuPhong
Posts: 2910
Joined: Wed Dec 01, 2004 4:28 pm

Post by VuPhong »

Image

CD: Lầu Thơ Vút Cánh Hạc Vàng

Việt Hải

Phần Giới Thiệu Dẫn Nhập:
Tôi gặp nhạc sĩ Mai Đức Vinh (MDV) trong chuyến anh đưa gia đình về thăm mẹ tại Nam Cali, anh cho tôi biết anh vừa thực hiên xong diã CD mới nhất, CD mang tên "Lầu Thơ Vút Cánh Hạc Vàng", được anh phổ theo thơ của thi sĩ Hải Đà Vương Ngọc Long (VNL). Tôi cũng quen biết anh VNL qua vài tác phẩm thi tập và vài CD do nhiều nhạc sĩ phổ thơ anh. Anh VNL ngoài việc làm thơ Việt Ngữ, anh còn phóng tác thơ Hán, thơ Pháp, thơ Anh sang Việt ngữ. Giờ đây tôi xin hân hạnh giới thiệu tác phẩm văn hóa nghệ thuật chung của hai anh VNL và MDV. Đây có thể là CD đầu tiên, từ xưa đến nay tạo nét hỗn hợp độc đáo vô tiền khoáng hậu một tác phẩm thi ca đông phương giữa cái cổ điển và cái tân thời, giữa thi ca và âm nhạc giao duyên, giữa cái thanh tao và cái chân chất mà hai tác giả cố đóng góp vào kho tàng nghệ thuật âm nhạc văn hóa Việt Nam.
CD gồm 16 ca khúc từ bài đầu "Hoàng Hạc Lâu" đến bài cuối "Xuân Tiêu Vọng Hàn Giang". Tôi nghe miên man, nghe mê mãi sự thâm thúy truyền cảm của thi ca, nét mới lạ của những dòng nhạc độc đáo, phong phú và trữ tình của nhạc sĩ MDV. Sau đây là bài chi tiết về nội dung các bài thơ được phỏng tác hay sáng tác bởi thi nhân VNL.

Phần chi Tiết của "LẦU THƠ VÚT CÁNH HẠC VÀNG":

Thế giới của Đường Thi là một thế-giới siêu thoát, không bến bờ, bát ngát, triền miên và vô tận. Thời Đường đã đưa Đường-Thi lên đến tuyệt đỉnh, cực thịnh của nền thi-ca nhân loại, diệu vợi, có một không hai. Đó là tinh-hoa của nền văn hóa Trung Quốc... Với một di-sản đồ sộ, thơ Đường rất phong phú và đa dạng, tả tình, tả cảnh, nói lên cái khí hạo nhiên của con người, cái đạo Trung-Hiếu-Nhân-Nghĩa làm đầu.Thơ Đường chia ra nhiều thể loại, nội dung khác nhau: những bài thơ thời chinh-chiến tả cảnh biên thùy, nỗi lòng người lính thú xa nhà, những bài thơ tả cảnh đồng quê dân dã, bốn mùa xuân hạ thu đông, những thú tiêu khiển thiên nhiên, hưởng nhàn, đọc sách, ngâm vịnh, câu cá, du thuyền, những bài thơ phơi bày thảm trạng chua xót của xã hội, những bài siêu trần thoát tục, hệ lụy nhân sinh v.v... không sao kể xiết. Đọc thơ Đường để cảm nhận tiếng lòng xao xuyến của người xưa vọng lại, của hồn xưa trăn trở còn phảng phất đâu đây... Những bài thơ với những từ diệu điêu luyện, ý tưởng phong phú, cảnh tình thắm thiết… đậm đà tình cảm sâu sắc, nồng nàn, với những ngôn ngữ thâm thúy, tự nhiên hàm súc, ý tưởng chân thật thanh đạm, luật thi rất tinh mật, hoặc có những bài thơ giàu chất trí tuệ hơn cảm xúc… có đặc trưng, phong cách và vẻ đẹp riêng biêt.

Mỗi một bài thơ Đường là một bức tranh sống động với các màu sắc hài hòa, có âm vang kỳ diệu và sức truyền cảm tuyệt vời, gợi mở, quyến rũ và đi thẳng vào lòng người đọc, để lại những suy tư trầm lắng và rung động không nguôi… Đường Thi là sự kết tụ mỹ thuật, tinh hoa văn học nghệ thuật... Mỗi một bài thơ Đường nổi tiếng xứng đáng là viên ngọc quí vô giá lung linh sáng chói, chẳng bao giờ phai nhạt qua cơn bụi lốc mịt mù và gió bão của thời gian và không gian vô tận… Bộ Toàn Đường Thi ấn hành vào năm 1707 chia làm 30 tập, gồm 900 quyển, với hơn 49.000 bài của ngót hơn 2200 thi sĩ. Thơ Đường có thể nói đã trải qua gần 300 năm (618-907). Dựa vào sự biến chuyển của các triều đại nhà Đường, có thể chia ra làm 3 thời kỳ tóm tắt như sau với những sắc thái riêng biệt, đặc trưng của thi ca, và phong cách, trường phái của các nhà thơ: thời Sơ Đường, thời Thịnh Đường và thời Vãn Đường, trong đó phải đáng kể Thời Thịnh Đường là thời kỳ vàng son rực rỡ của Đường Thi.

Thời Thịnh Đường (713-846):

Với sự lên ngôi của Lý Long Cơ (tức Đường Minh Hoàng) đã đề ra sự "phục bích" (dựng lại bức tường cũ), nhắc lại sự việc lật đổ Võ Tắc Thiên (705) và Lý Long Cơ diệt Vi Hậu (713) để khôi phục nhà Đường. Đường Minh Hoàng là nhà vua có nhiều tài năng, là một nghệ sĩ (tự nhuận sắc khúc Nghê Thường), say mê ca múa thi văn, quí trọng văn nhân thi sĩ, đã lập ra Văn Học quán, nơi chốn để đàm đạo thảo luận thơ văn...Văn họcTrung Quốc vào thời kỳ nầy đã có cơ hội phát triễn rực rỡ muôn màu, muôn sắc... Đây là thời kỳ đã đưa thơ Đường lên đỉnh cao chói lọi… Đại diện cho thời Thịnh Đạt nầy có thể nói có bà nhà thơ rất nổi tiếng, đó là Lý Bạch, Vương Duy và Đỗ Phủ. Lý Bạch với phong cách hào phóng đại diện cho dòng thơ lãng mạn bay bổng tự nhiên, đôi khi siêu thoát ra ngoài thựïc tế. Thơ Vương Duy (thi sĩ còn là một họa sĩ có tài) man mác hương vị thiền, thanh đạm hồn nhiên, chịu ảnh hưởng của Phật Giáo Thiền Tông... Đỗ Phủ đại diện cho dòng thơ hiện thực trữ tình, mang những tư tưởng Khổng Mạnh của một kẻ sĩ đứng đắn nhận thức được trách nhiệm đối với vua, nước và dân. Hơn nữa bản thân của Đỗ Phủ cũng sống trong cảnh cơ hàn nghèo khó. Thời kỳ thi ca của Đỗ Phủ cũng là giai đoạn cảnh thái bình thịnh trị trôi qua, khi Đường Minh Hoàng say mê nhan sắc Dương Quý Phi, bỏ bê công việc triều chính và chiến tranh nhiễu nhương xẫy ra, và chính Đỗ Phủ đã dùng ngọn bút tài ba của mình để miêu tả những hoàn cảnh xã hội tang thương trong giai đoạn nầy… Trong khi Vương Duy có những dòng thơ chịu ảnh hưởng Phật Giáo, thơ Lý Bạch man mác màu sắc Đạo Tiên, thì thơ Đỗ Phủ tiêu biểu tinh thần Nho Giáo, mang tính chất hiện thực của thời đại... Cho nên người ta thường gọi Vương Duy là Thi Phật, Lý Bạch là Thi Tiên và Đỗ Phủ là Thi Thánh... Thơ Đường rất phong phú vừa nội dung lẫn hình thức, kỹ thuật và nghệ thuật, phản ảnh rộng rãi cái hiện thực thời đại, các sinh hoạt xã hội, quan niệm nhân sinh, thiên nhiên, lịch sử cá nhân, cung đình…

Quan niệm "Thi Ngôn Chí" (Thơ nói lên cái Chí) rất thịnh hành trong thi ca Trung Quốc, thơ phản ảnh chí hướng, tình cảnh , cảm xúc, cuộc đời của con người. Các thi sĩ Đường Thi đã ôm hoài bảo "kinh bang tế thế", "trí quân trạch dân", quan niệm thơ là một phương tiện để bảo tồn phong hóa, là công cụ để giáo hóa nhân tâm, là hình thức để di dưỡng tinh thần con người… Thơ chính là những tâm tình bộc bạch, là tiếng lòng thổn thức, là tâm hồn của người thơ đã dàn trải … là thế giới tiềm thức của con người, là những phẩm chất tinh hoa xuất phát từ trái tim nhân ái, từ trí tuệ tinh khôi, giàu yêu thương và tình cảm. Thơ gắn liền với cuộc đời, là những sợi dây tình cảm dạt dào lãng mạn và tư duy ràng buộc con người với ngoại cảnh và tha nhân.

Thơ là những cảm xúc nội tâm và nét thẩm mỹ tiềm ẩn kết hợp bởi những yếu tố: Ý Tứ, Hình Tượng, Nhạc Điệu, Tình Cảm, Từ Ngữ, ngẫu nhiên đem lại những hấp lực vô hình làm rung động lòng người... nhờ những âm thanh và ngữ điệu... mời gọi những thưởng thức đam mê và cảm thụ say đắm… Nhạc và Thơ đã phối hợp hài hòa, để từ đó không phải chỉ là những dòng chữ nghĩa đơn thuần, mà đã tạo nên những dòng âm thanh hài hòa gây ra ấn tượng thích thú, rung động cho người đọc và người nghe… sẽ không còn hàm ẩn nữa, mà lôi cuốn, gây sự gợi mở rất phong phú , ấn tượng cụ thể cho sự cảm thụ đồng tình giữa tác giả và thính giả...
Những bài thơ dịch phóng tác đã tạo nên những sự liên kết đặc biệt của những ý từ, biến hóa linh hoạt của câu thơ, tạo ra những âm thanh từ điệu, những hình ảnh biểu tượng cái cảm xúc của thơ, những sắc thái tình cảm tinh tế… tỏa bùng ra những sắc màu, âm vang, và nhịp điệu… Ở đó ta đã tìm thấy cái rung động xao xuyến của âm điệu réo rắt trong thơ, tìm thấy những hình ảnh sinh động qua những ý từ tha thiết mà thi nhân muốn trút hết nỗi niềm tâm tư thầm kín của mình vào đó.

Những bài thơ Đường có một cấu trúc cô đọng, ngôn ngữ đặc trưng, đầy những ẩn dụ, nhân hóa… ngắn gọn, nhưng qua sự phóng tác tài tình, đã đem thêm nhiều hình tượng và hình ảnh để tạo nên những dòng nhạc trữ tình… mà vẫn không đi xa ý chính của bài thơ nguyên tác… để giải bày những tâm trạng tha thiết, những cảm xúc dạt dào, những quằn quại của nội tâm, tạo nên những tính nhạc âm vang . Nhà thơ Paul Verlaine (1844-1896) đã đề cao vai trò âm nhạc trong thơ " Nhạc phải là đầu tiên, cần phải có nhạc, có hoài và có mãi "
Thơ đã được cải biến qua nhạc, đã được đem vào nhạc thì người đọc không cần phải sử dụng siêu giác quan để cảm thơ và hiểu thơ, mà họ chỉ cần nghe những lời ca, tiếng hát, tiếng đàn, âm điệu nhạc, nghĩa là dễ cảm thông với xuất xứ tác phẩm, cuộc đời tác giả, và đi xa hơn là cái hồn của bài thơ, đã đem những cái hình tượng sinh động đập vào mắt và rung động trái tim con người…
Cũng vào thời Thịnh Đường, từ khúc là một thể điệu mà nhiều nhà thơ rất ưa thích, vì dạt dào thanh điệu của nhạc và ý tứ của lời , với tiết điệu du dương, ngôn từ tươi sáng. Nhiều nhà thơ đã đựa theo giai điệu có sẵn mà đặt ra lời ca. Từ khúc chan chứa nhạc điệu sinh động và ý thơ trong sáng đẹp đẻ.
Cảm xúc bất chợt bắt nguồn từ thiên nhiên ngoại cảnh, và từ đó làm rung động và chi phối lòng người, những cảm xúc đó qua dòng thơ trữ tình và điệu nhạc trầm bổng đã trở nên dạt dào, lai láng biến thành những con suối chuyên chở những đồng cảm, tâm tư đến các người đọc và người nghe, tạo ra những khung trời tri âm, tri kỷ... Thật ra âm nhạc và thơ phú đã đi đôi với nhau từ đầu đời Đường qua các thể điệu gọi là nhạc phủ, thi nhân đã dựa vào nhạc phủ để làm thơ, hoặc những bài thơ nổi tiếng đã được phổ nhạc để trở thành ca khúc phổ thông lưu truyền trong nhân gian. Có những thể loại nhạc phủ chỉ có giá trị âm nhạc mà không có giá trị văn chương như Nghê Thường Vũ Y của Đường Minh Hoàng hoặc ngược lại những bài như Trương Tiến Tửu, Thái Liên Khúc, Vọng Xuân Từ, Du Tử Ngâm v.v... là những bài nhạc phủ có giá trị văn chương hơn là âm nhạc.

Theo Tạp Chí Giao Lưu Văn Hóa (số 6):

Thơ Đường đã được dịch sang Châu Âu khá sớm, bài Tống Xuân Từ là bài Đường Thi đầu tiên đã được giáo sĩ người Pháp Saint Demain phiên dịch vào khoảng năm 1750. Sang thế kỷ 20, các nước Âu Mỹ giới thiệu thơ Đường càng ngày càng nhiều, trong đó nhiều bài thơ Đường được soạn thành ca khúc và phổ nhạc . Năm 1905 nhà văn Đức Bêcher xuất bản tập thơ cổ Trung Quốc với tên "Tiếng Sáo Trung Quốc" (Trung Quốc Chi Địch), mà nhà soạn nhạc Thụy Điển Sweikensel và nhà soạn nhạc Australia Wylphe Sthehow đã lấy những bài thơ trong "Tiếng Sáo Trung Quốc" ra phổ nhạc. Các bài thơ của Lý Bạch như "Xuân Nhật Túy Khởi Ngôn Chí " (Ngày Xuân Uống Rượu say, ngủ dậy, nói chí mình) và bài " Tĩnh Dạ Tứ " (Xúc cảm đêm trăng) đã được nhiều nhạc sĩ Âu Châu soạn thành nhạc . Bài Tống Biệt, Tạp Thi của Vương Duy, bài Hướng Lưu thập cửu của Bạch Cư Dị đã được nhà soạn nhạc Tiệp Khắc phổ nhạc. Nhạc sĩ Pháp Lasailler cũng đã phổ bài thơ Tiết Phụ Ngâm, trong đó có 2 câu "Trả ngọc sáng, lệ như mưa . Tiếc không gặp gỡ khi chưa lấy chồng" thành một ca khúc nổi tiếng.

Trải qua gần hai nghìn năm, qua bao nhiêu thế cuộc thăng trầm, biến thiên theo cát bụi mờ của thời gian, mỗi một bài thơ Đường được gọi là xuất sắc, nổi tiếng là một đóa hoa phong nhụy kiều diễm tràn đầy hương sắc vẫn tỏa hương thơm ngào ngạt trong khung trời nghệ thuật, mà mỗi người yêu thích thơ Đường khi đọc lại vẫn tưởng chừng như một cái gì thật mới mẻ, sống mãi trong lòng người…
Do sự gắn bó hài hòa giữa Thi, Họa và Nhạc, mỗi bài thơ Đuờng hay đều tạo nên những âm vang sâu lắng rung động lòng người… Những bài thơ Đường được VNL lựa chọn, tuyển dịch trong CD "Lầu Thơ Vút Cánh Hạc vàng " là những bài thơ nổi tiếng trên thi văn đàn Trung Quốc.
Học giả Trần Trọng San, trong bài bạt "Tôi bước vào cảnh giới Đường Thi từ bến Phong Kiều qua lầu Hoàng Hạc" đã tâm sự rằng "Phong Kiều Dạ Bạc và Hoàng Hạc Lâu là hai bài đã in trong tôi ấn tượng sâu đậm nhất trong số những bài thơ Đường mà gia-nghiêm dùng dạy tôi học chữ Hán trong lúc ấu thời ..." (TTS)

Như đã biết, Phong Kiều Dạ Bạc là một trong những bài thơ Đường nổi tiếng của Trung-Quốc và chính vì nhờ bài thơ nầy đã được dịch ra nhiều thứ tiếng mà chùa Hàn Sơn đã trở nên một danh lam thắng cảnh thu hút rất nhiều du-khách ngoại quốc đến viếng thăm hằng năm.
Một câu hỏi được đặt ra là, tại sao một bài thơ "tả cảnh thiên nhiên" với những cảnh sắc bình thường như cây cầu , bến nước, hàng phong, trăng tà, sương đầy trời, tiếng quạ kêu, khách thuyền thơ v.v... mà lại nổi tiếng và được lưu-truyền vượt thời gian và không gian? Cái khung-cảnh "thiên nhiên" trong bài thơ này không lãnh đạm, vô tình , mà là một cảnh sắc trữ tình sống động, trầm lặng tịch liêu, bàng bạc cái tâm bao la của thiên nhiên vạn vật, làm người nhìn phải xao xuyến, đăm chiêu, rồi đắm chìm trong nỗi sầu nhớ triền miên, trong cái buồn bát ngát hư không, quay cuồng với muôn vàn nỗi nhớ thương: nhớ quê, nhớ nhà, nhớ gia-đình. Con người với một tâm thức lãng mạn, chỉ còn là một sinh-vật bé nhỏ , hữu hạn, cảm thấy cô đơn và lạc lõng, và bị bao trùm phong tỏa trong cái vũ trụ vô chung vô thủy, chìm ngập trong cái vô tận của màn đêm, cái bát ngát mênh mang của sương khói vô hình, không bến bờ. Chúng ta có thể tưởng tượng rằng thi-sĩ Trương Kế, trong một đêm trăng mùa thu, neo thuyền tại bến nước Phong Kiều, lặng thầm nhìn trời đất chung quanh... Một đêm cô liêu quạnh quẽ chỉ người và cảnh vật gợi cảm, gợi tình ... nhìn lên màn trời đen là hình ảnh của một một mảnh trăng vàng vọt đang từ từ lặn vào cõi vô cùng, và mờ mờ gần xa là một màn sương khói dầy dặt quanh thuyền mà ông tưởng chừng hàng hàng lớp lớp sương mờ ảo hư vô đó đang tỏa dâng đầy ắp khung trời. Những làn sương khói hư ảo đó đã đem lại cảm giác liêu trai lành lạnh thấm dần vào cơ thể, cảm xúc và tâm hồn của nhà thơ. Khung cảnh đêm huyền ảo, mông lung, tịch mịch, và tiếng quạ kêu lanh lảnh như chọc thủng màn đêm cô quạnh... Ở gần đó là cây cầu cong bắc ngang sông, chia cách kẻ bên này, người bên kia, và những lá phong đỏ ối, phơ phất trong gió, và chiếc thuyền nan neo trên sóng nước bập bềnh đã gợi lại nỗi nhớ nhà da diết, đem lại niềm sầu cảm vô biên... Lá phong chuyển màu đỏ ối, như trong một câu thơ Kiều". Rừng phong thu đã nhuộm màu quan san", và cũng như một chiếc lá ngô đồng rơi xuống, cơn gió heo may tha thướt... là những báo hiệu cho một mùa thu đã trở về trên bến sông đất khách quê người... "Ngô đồng nhất diệp lạc, Thiên hạ cộng tri thu " (Một chiếc lá ngô đồng rơi xuống, cả thiên hạ biết mùa thu đã trở về...).

Hãy tưởng tượng khi nhà thơ một mình nằm trên thuyền trong một đêm thu, nhìn những hàng cây lá phong đỏ ối, lả tả rơi rụng trên giòng sông cuốn trôi, đóm lửa chài bập bùng, tiếng quạ kêu, và văng vẳng trong đêm thanh vắng là tiếng chuông chùa ngân vang, ai mà chẳng chùng lòng não nuột...

Tiếng quạ kêu sương bóng nguyệt mờ
Cầu phong đốm lửa giấc sầu mơ
Hàn Sơn khuất bãi Cô Tô vắng
Đêm điểm hồi chuông khách sững sờ... (VNL)
(Phong Kiều Dạ Bạc – Trương Kế)


Hoàng Hạc Lâu cũng là một bài thơ tả cảnh, bàng bạc tình yêu quê hương da diết và man mác hương vị Thiền, ẩn hiện cái lý chân không, vô thường và vô ngã, mạch thơ tự nhiên uyển chuyển và biến hóa, không gò bó câu nệ trong khuôn khổ đối ngẫu niêm luật của thể thơ Đường, lời thơ siêu thoát rung động tâm hồn người đọc. Mặc dầu biết rằng một bài thơ là do ngôn ngữ tạo thành, "dùng từ để biểu đạt cái nội dung là điều ắt có và phải cần… nhưng còn có điều quan trọng hơn nữa đó là phương thức và phong cách để hình tạo nội dung đó…" Cái phương thức mà thi-sĩ Thôi Hiệu dùng trong bài Hoàng Hạc Lâu là tất cả một kỹ thuật hàm xúc, tinh vi, độc đáo, một thế giới đặc thù riêng biệt và mới lạ của thứ ngôn ngữ hiền triết, đã kết nối được tất cả hình ảnh, ý niệm, tâm thức, cảm nhận, và giác quan một cách tài tình và hài hòa trong vũ trụ, con người, thời gian và không gian. Ngôn ngữ thi ca đã bay bổng tự nhiên một cách phóng khoáng, không dụng công đẽo gọt. Thôi Hiệu đã thành công chuyển đạt được nghệ thuật tinh vi, thâm thúy, đầy hình tượng sáng sủa và âm thanh đãi lọc, có sức thuyết phục lôi cuốn được sự chú ý và tạo được cảm xúc mạnh mẽ nơi người đọc. Hoàng Hạc Lâu đúng là một bông hoa diễm tuyệt, một viên ngọc vô giá trong rừng thơ Đường, là bài thơ tuyệt tác bất hủ, sống mãi mãi muôn đời…

Có thể nói những bài thơ Thiên Nhiên Sơn Thủy, miêu tả cảnh núi sông cây cỏ cũng đã là những đề tài phong phú vô tận cho các thi nhân cầm bút bằng những nét chấm phá cô đọng, những đã gợi rất nhiều liên tưởng sâu sắc, qua những vần thơ đó tác giả đã muốn gửi gấm tất cả những tâm tình u uẩn, cũng như cảm xúc dạt dào của mình vào trong đó. Ngôn ngữ thơ Đường rất giàu hình ảnh và cảm xúc. Người ta thường nói "ý tại ngôn ngoại" (ý tại ngoài lời), những bài thơ Đường ngắn gọn như bát cú, tứ tuyệt, chỉ giới hạn trong một số từ ngữ nhất định, mà đã diễn đạt tất cả những suy tư cảm xúc của tác giả , mặc dầu cô động hạn chế, nhưng rất hàm súc, toàn bài thơ như đôi mắt… cửa sổ của linh hồn đã giải bày được đời sống nội tâm, trạng thái tư duy, dung hòa giữa mẫn cảm của con tim và nhận thức của khối óc.

Nhạc điệu câu thơ hài hòa, tiết tấu nhịp nhàng ngân nga, âm hưởng sâu sắc nồng nàn, tạo nên những cảm giác nhẹ nhàng êm ái dễ đi vào tâm hồn người đọc. Cái phong cách của Đường Thi là một tổng hợp tinh vi của một nghệ thuật xử dụng ngôn ngữ phong phú điêu luyện qua thi pháp, thể loại, từ điệu, âm nhạc … đồng thời đã phản ảnh những quan điểm tích cực và tiêu cực, những tư tưởng triết lý của nhà thơ, được ăn sâu như gốc rễ qua các triều đại lịch sử… Khi nhà thơ đã đắm chìm phong tỏa trước một thế giới vật chất chung quanh, của một khung cảnh thiên nhiên bao la vô hạn, con người thơ chỉ cảm thấy mình là một sinh vật nhỏ nhoi bất lực, đành mang một tư tưởng yếm thế thụ động "Thuận thiên giả tồn, nghịch thiên giả vong"… Có những nhà thơ suốt đời mang hoài bão "trí quân trạch dân", "kinh bang tế thế " đến khi gặp cảnh không may, gian khổ, cảnh ngộ éo le, thì chán nản buông xuôi thích tìm đến thiên nhiên với cuộc đời "bán quan bán ẩn"… Họ đã tìm thú tiêu khiển bằng cách điền viên ẩn dật, phỏng đạo cầu tiện... Nội dung thơ miêu tả thú điền viên, sơn thủy, lối sống ẩn dật thanh nhàn chịu ảnh hưởng đạo lý vô-vi đã chiếm một vị trí quan trọng trong thơ Đường.

Tĩnh Dạ Tứ: là một kiệt tác của Lý Bạch. Lý bạch thuở nhỏ thường lên đỉnh núi Nga Mi ở quê nhà ngắm trăng, lớn lên ông ngao du sơn thủy, nơi đất khách quê người. Trong một đêm thanh tĩnh, ánh trăng sáng vời vợi trên đầu giường của nhà thơ cũng chính là trăng sáng trên núi Nga Mi của quê hương ông. Chỉ còn trăng sáng và thi nhân, và nỗi nhớ quê hương biền biệt đã xao động lòng người thi sĩ để viết nên bài thơ Tĩnh Dạ Tứ. Trong một đêm trăng vắng vẻ nhà thơ Lý Bạch nằm trong thư phòng, bóng trăng khe khẽ len qua khung cửa sổ rọi sáng đầu giường, giữa một không gian tịch mịch nửa đêm, hồn thơ đã nhập vào hồn trăng bay lâng lâng vào một cõi mộng ảo vô cùng… đã đi từ trạng thái mơ hồ đến tỉnh thức. Ánh trăng sáng vời vợi trên bầu trời cao kia, tỏa những tia sáng lặng lẽ, êm ái huyền diệu trên chiếc giường ngủ, rất gần gũi và thân thiết với là thơ làm sao, và đó cũng chính là vầng trăng mà Lý Bạch đã mải mê ngắm trên núi Nga My trong những ngày niên thiếu ở quê nhà. Bức tranh thu đã được tô đẹp bằng một vầng trăng thu huyền ảo… Trăng soi lồng lộng trên sóng nước bập bềnh biến dòng sông thành một giải lụa vàng óng ả… Những tia sáng của trăng chập chờn mờ ảo đã làm nhà thơ ngỡ ngàng như sương khói bao phủ đầu giường, nhìn trăng mà lòng buồn vời vợi, ngỗn ngang trăm mối tơ lòng… Có nỗi buồn nào ray rức, da diết ngấm tận tâm hồn bằng nỗi sầu nhớ cố hương, quê cha đất tổ:

Giường khuya trăng chiếu bời bời
Sương rơi phủ đất ngỡ đời chiêm bao
Ngẩng đầu trăng sáng trên cao
Cúi đầu ngấn lệ nghẹn ngào... cố hương (VNL)
(Tĩnh Dạ Tứ – Lý Bạch)


Thiên nhiên của thơ Đường bàng bạc tình Xuân, Hạ, Thu, Đông… Bốn mùa hoa lá thay màu, đâm chồi nẩy lộc sẽ tuần tự biến thiên theo định luật vô thường của vũ trụ… nhưng Tiết Thu, Tình Thu, Ý Thu mãi mãi là sức hút lôi cuốn mãnh liệt muôn chiều của thi ca nghệ thuật trong nền văn hóa Đông Tây kim cổ… Những đại thụ sừng sững trên thi đàn Trung Quốc như Đỗ Phủ, Lý Bạch, Bạch Cư Dị, Trương Kế, Vương Duy, Giả Đảo, Lưu Vũ Tích… là những ngôi sao lấp lánh trên thi đàn đời Đường Tống đã xử dụng bút pháp tinh vi và mẫn tuệ tuyệt vời để ca ngợi một mùa Thu mênh mang, một tình Thu dịu vợi, một ý Thu bàng bạc, một hồn Thu lâng lâng, trầm lặng đến nao lòng của trăng sương, gió núi, với những phút giây thanh thản hồn nhiên, trong nỗi bâng khuâng cánh nhạn bay về, hòa lòng xao xuyến theo nhịp chày đập vải may áo, nỗi niềm ray rứt đón gió heo may the thắt lạnh lùng, nỗi lòng ảm đạm nhìn ánh lửa bập bùng đom đóm trong đêm, những tiếng tơ lòng khao khát ngân vang trầm mình trên những phím đàn thánh thót dưới ánh trăng ngà, với lá ngô đồng rơi lả tả đầy ắp thềm trăng…

Những khung cảnh thiên nhiên chan chứa khí vị Đạo học, phù hợp với tâm trạng nhàn dật, tư tưởng Nho gia, cái triết lý về cuộc đời, nhân sinh quan của tác giả, đôi khi mang những tư tưởng bi quan yếm thế, quan điểm cuộc đời chỉ là một giấc hoàng lương mộng, kiếp sống tạm bợ, phù du. Và trong cái nỗi khắc khoải suy tư đó, nhà thơ chỉ ước ao thầm mong có một kẻ tri âm, một tâm hồn đồng điệu, và có những đêm dài nhà thơ đã trăn trở, trằn trọc, dằn vặt, đay nghiến, cấu xé với hồn thơ và từng con chữ như Giả Đảo, một nhà sư nổi tiếng “thôi xao”, “ba năm làm được hai câu” , sự lựa chọn từ ngữ rất kỹ càng công phu, có chiều sâu của cảm nghĩ thâm thúy... Bài thơ Dạ Bạc Ngưu Chử Hoài Cổ man mác tình hoài cổ, trong một đêm thu giữa cảnh trời đất mênh mông bát ngát, người thơ bỗng cảm thấy lòng trống trải cô đơn, nghĩ đến chuyện xưa tích cũ mà ngao ngán ngậm ngùi nghĩ chuyện đời nay, tìm đâu ra người tri âm tri kỷ… Nhà thơ đã dùng quá khứ để làm lăng kính chiếu vào hiện tại bằng những tia sáng triết lý muôn màu nói lên sự biến đổi của nhân thường thế thái khi thời gian như một con nước chảy qua cầu và vũ trụ biến đổi không ngừng…

Thu Phố Ca được tác giả phóng tác từ 4 bài thơ theo ý thơ của Lý Bạch (Thu Phố Ca, Dạ Bạc Ngưu Chử Hoài Cổ), của Giả Đảo (Tuyệt Cú) và Tiền Khởi (Giang Hành)

Thuyền trôi ru nhẹ giấc nồng
Gió hây hây thổi, sóng bồng bềnh chao
Đôi bờ lau sậy lao xao
Tiếng thu trầm bổng xạc xào giữa đêm

Bến Ngưu thuyền đậu sông Tây
Trời im trong vắt chẳng mây nhuốm màu
Thuyền thu ngắm cảnh trăng thâu
Muốn quên chuyện cũ lại sầu nhớ ai
Cất cao vút… giọng ngâm dài
Người xưa nào biết lòng này hay chăng?
Mai thuyền bỏ bến buồm căng
Lá phong rơi rụng bẽ bàng người đi ……

Buồn ơi tóc trắng phau phau
Dài ba nghìn trượng sầu đau nghẹn ngào
Hỏi rằng gương sáng nơi nao
Sương thu có biết lối vào hay không?

Hai câu ròng rã ba năm
Rưng rưng ngấn lệ... sầu ngâm, tủi thầm
Ngậm ngùi vắng bóng tri âm
Thu về góc núi đêm nằm suy tư…(VNL)


Nhạc phẩm Xuân Vọng, phóng tác theo ý thơ Đỗ Phủ gồm 3 bài Xuân Vọng, Giang Mai, Tuyệt Cú 12. Nói đến tình yêu quê hương thiết tha mỗi độ xuân về phải nhắc đến nhà thơ Đỗ Phủ, một ngôi sao sáng chói trên Thi đàn Trung Quốc vào thời Thịnh Đường . Ông là nhà nho tiến bộ, hấp thu được những tư tưởng Khổng Mạnh thâm thúy sâu sắc, có một nhận thức rất đứng đắn về nhiệm vụ, bổn phận, và vai trò của kẻ sĩ thanh liêm, nghiêm túc đối với vua, với nước và với dân... Thơ ông rất thành thực, phát xuất tự đáy lòng, tự nhiên, đượm đà tình yêu nước thương dân nồng nàn thắm thiết, tình nhân-đạo vị tha bao dung… Thơ ông đã phản ảnh trung thựïc đời sống của những người dân bị áp bức bóc lột dưới chế độ phong kiến tàn bạo của giai cấp quan liêu thống trị … Thơ Đỗ Phủ là tiếng nói nhân nghĩa đậm đà của chính lòng ông, gây lại một ấn tượng mãnh liệt làm xúc động người đọc... Nỗi nhớ quê nhà của ông thấm thiết vô cùng khi mỗi độ xuân về khi thấy những cây mai vàng đã bắt đầu hé nụ:

Tháng chạp mai hé nụ
Sang năm nở đầy hoa
Biết rằng ý xuân đẹp
Sao khách vẫn sầu a
Cây chung màu tuyết trắng
Gió vờn sóng sông xa
Vườn cũ tìm đâu thấy
Núi Vu cây rườm rà (VNL)
(Giang Mai- Đỗ Phủ)


Cố quận quê hương ruột thịt thì mịt mùng xa cách, nỗi nhớ nhung nơi chôn rau cắt rún khi phải sống cuộc đời lữ thứ tha phương... một nỗi buồn mênh mông sâu lắng và dằng dặc vô cùng để nhà thơ phải khắc khoải tựï hỏi "hôm nao mới được về nhà thăm quê?"… Bài thơ u hoài vương vấn một nỗi buồn riêng mang khắc khoải và kín đáo:

Sông xanh càng trắng chim trời
Núi cao biếc thắm rạng ngời đỏ hoa
Thấy rằng năm hết xuân qua
Hôm nao mới được về nhà thăm quê? (VNL)
(Tuyệt Cú 12 – Đỗ Phủ)


Thơ Đỗ Phủ đã biểu lộ tính cách hiện thực vì ông là nhân chứng của thời đại đã tai nghe mắt thấy được những thảm họa chiến tranh, những nỗi bi thương trầm thống của xã hội phong kiến bất công suy đồi, sựï xa hoa trụy lạc của giai cấp thống trị quan liêu, và chính bản thân ông, đời sống ông cũng đã trải qua những thăng trầm tang thương qua cuộc sống cơ hàn, vất vả, và khốn khổ... Cuộc đời ông hầu như bôn ba tứ xứ nơi đất khách quê người, nên ông đã chứng kiến thường xuyên những cảnh chiến tranh chết chóc, những nhiễu nhương của xã hội và cuộc sống bần cùng, không những của chính bản thân ông mà còn của những kẻ tha nhân không quen biết …Ông đã không được may mắn, thành công trên con đường thăng quan tiến chức như bao kẻ quyền sang biết luồn cúi và nịnh bợ triều đình … Tính tình ông quá ngay thẳng. Ngay khi ông mất nơi đất khách quê người, gia đình ông cũng không đủ tiền đem được linh cửu của ông về quê vì quá nghèo... Có những bài thơ được sáng tác để ghi nhớ, hồi tưởng lại một giai đoạn lịch sử nào đó, nhớ lại một thời vàng son nhung gấm, khi nhà thơ đã nhập thế, làm quan, lo việc triều cung, nhưng đôi khi gặp hoàn cảnh không may, không được thăng quan tiến chức, mà thất vọng chán nản, đành thúc thủ an phận, chấp nhận số mệnh một cách tiêu cực theo đạo lý Trung Dung: "Thượng oán bất thiên, hạ bất vưu nhân, cư dị dĩ sĩ mệnh" (Trên không oán trời, dưới không trách người, sống bình dị đợi mệnh)

Thơ của ông tràn đầy tình nhân đạo sâu sắc, yêu nước thương dân… Chính thơ đã phản ảnh được cái chức năng "Thi ngôn chí", tức thơ đã nói lên cái chí khí kẽ sĩ trong một giai đoạn lịch sử nào đó... qua bài thơ Xuân Vọng

Mất nước, còn sông núi
Cây cỏ mọc thành xuân
Thương tình hoa tủi lệ
Biệt ly chim bần thần
Ba tháng tràn khói lửa
Thư nhà giá vô vàn
Tóc bạc ngày thêm ngắn
Cài trâm ắt phân vân (VNL)
(Xuân Vọng – Đỗ Phủ)


Có những nhà thơ còn chút may mắn hơn Đỗ Phủ là đến cuối cuộc đời già, đã đạt được cái hoài bão về thăm quê hương … HạTri Chương đi làm quan xa nhà mãi đến năm 86 tuổi vì già ốm xin từ quan về quê. Sau hơn năm mươi năm xa cách, ông mới về quê vào dịp xuân về, và ông đã cảm khái viết nên bài Hồi Hương Ngẫu Thư (2 bài). Khi ra đi chỉ mang theo kỷ niệm dạt dào và tình cảm gắn bó với quê nhà, mà sau bao nhiêu năm mải mê đeo đuổi sự nghiệp công danh, vẫn cảm thấy tình quê hương là tình cảm thiêng liêng cao quí chẳng hề đổi thay trong lòng dạ người thơ. Nhưng lúc về đến nhà thì bao nhiêu cảnh vật, sự kiện đã đổi thay, đám trẻ quê nhao nhao vì nghĩ rằng nhà thơ cũng chỉ là kẻ lạ lẫm từ phương trời nào xa lạ tạm ghé qua đây. Cha mẹ thì đã qua đời từ lâu, còn bạn bè thì kẻ mất người còn, tạo nên nỗi chán chường ảo não tuyệt vọng của nhà thơ trước cảnh biến thiên của muôn sự, cuộc đời dâu bể tang điền thương hải mong manh vô cùng, nên nhà thơ chỉ còn biết bám víu vào một hình ảnh bất biến đó là sóng nước mặt hồ Gương vẫn còn nguyên vẹn với gió xuân phe phẩy, làm dịu mát lòng người…

Trẻ ra đi, lão mới về
Tóc bông thưa thớt, tiếng quê dạt dào
Trẻ con lạ lẫm nhao nhao
Hỏi cười "Khách ở phương nào đến đây?”
Quê nhà xa cách tháng năm
Bạn bè thưa thớt biệt tăm phương trời
Mặt Hồ Gương trước ngõ soi
Gió xuân chắc chẳng đổi dời sóng xưa (VNL)
(Hồi Hương Ngẫu Thư – Hạ Tri Chương)


Bài Tống Xuân Từ, phóng tác theo ý thơ Vương Duy gồm 4 bài : Tống Xuân Từ, Điểu Minh Giản, Chung Nam Biệt Nghiệp, Võng Xuyên Nhàn Cư. Mùa xuân trong Đường Thi là bức tranh thủy mạc màu sắc hài hòa, có những nhà thơ tả cảnh thiên nhiên núi sông cây cỏ hoa bướm bằng những nét chấm phá đơn sơ, mộc mạc, nhưng đó là những gam màu pha trộn của một nghệ thuật hội họa tinh vi và sâu sắc... Bằng những tầm mắt xa rộng, họ đã cho chúng ta thấy cái huyền diệu của thiên nhiên vũ trụ bao la, của hương vị Thiền và Đạo man mác, của sựï thư thái và an nhàn để mà suy tư về sự vô thường và hữu hạn của cuộc đời . Những hình ảnh linh động và âm thanh dạt dào trong ngôn từ tinh vi cô động đã biểu hiệu cảm xúc chân thành, và gợi lên những liên tưởng thâm thúy và tư duy mẫn cảm... Hãy lắng nghe tiếng chim kêu lanh lảnh bên khe suối mùa xuân của thi sĩ Vương Du:

Người nhàn hoa quế rụng
Đêm xuân núi đìu hiu
Trăng lên chim thảng thốt
Khe xuân vọng tiếng kêu (VNL)
(Điểu Minh Giản – Vương Duy)


Thi sĩ Vương Duy được gọi là Thi Phật và Họa sư, Tô Đông Pha đã nói về thơ Vương Duy: "Trong thơ có họa, và trong họa có thơ " (Thi trung hữu họa, họa trung hữu thi). Thơ của Vương Duy phản ảnh cái quan niệm của Ông đã chịu ảnh hưởng Đạo Học và Phật Học, xem cuộc đời là ngắn ngủi phù du vô thường như bóng câu bên cửa sổ, thoáng mây bay cuối trời, xem sự nghiệp công danh như một tuồng vân cẩu, đã lấy tư tưởng vô vi xuất thế để làm phương châm cho thực tại nhân sinh, khinh ghét thói đời đua chen danh lợi, chối bỏ nếp sống quan liêu phong kiến áo mũ xêng xang… Vương Duy đã chịu ảnh hưởng bởi cái quan niệm của Lão tử, đã dùng hình tượng Đạo Lý để chi phối cái qui luật tự nhiên: “Người noi theo Đất, Đất noi theo Trời. Trời noi theo Đạo. Đạo noi theo tự nhiên". Cái chế độ phong-kiến của Trung Quốc đôi khi chỉ là một lớp son phô trương lòe loẹt, một phồn vinh giả tạo, một tập đoàn bè phái vương tộc, những nhà nho nhập cuộc với quan điểm "nhập thế hành đạo", nhưng đôi khi họ cảm thấy chán nản vì không thực hiện được cái hoài bão to lớn của họ mà họ ngán ngẩm thời thế, đành phải từ bỏ quyền cao chức trọng, để lui về ẩn dật, vui thú điền viên, bỏ hết tục lụy trần ai, dùng ngòi bút ca ngợi sự thanh nhàn theo quan điểm đạo Phật "xuất thế vô vi", hoặc cầu cứu đến phép vô sinh, thuốc tiên huyễn hoặc phù phiếm… Thiên nhiên qua bốn mùa hoa lá đổi thay là đề tài bất tận cho thi nhân.

Xuân đến và xuân đi như gió thoảng mây trôi… Xuân đến cho muôn hoa đua nở, mạch sống tuôn tràn… Xuân đi cho hoa lá héo tàn, lòng người cô quạnh, cảnh trời hiu hắt...Tuổi xuân cũng chỉ ngắn ngủi tấc gang, chẳng sống được dài lâu... Xuân đã đi rồi đi đem lại nỗi sầu tàn phai, thương tiếc, nhớ nhung như nhà thơ Vương Duy đã bộc bạch trong bài thơ Tống Xuân Từ:

Già theo ngày tháng trôi nhanh
Năm quanh quẩn hết, xuân xanh đến hoài
Vui cùng cốc rượu mà say
Cần chi thương tiếc hoa bay ngoài trời (VNL)


Tuy thế-giới Đường-Thi lớn lao và đồ sộ như vậy nhưng chỉ có một số ít ỏi những bài thơ Đường ca tụng nghĩa Mẹ ơn Cha. Với một ý-thức-hệ nho-gia phong-kiến, lấy "trung-hiếu" làm đầu, dựa trên nền tảng triết-lý nhân sinh đại chúng và đạo-lý cương thường xã hội, trong một chế-độ quân-chủ về chính trị và phụ quyền về xã-hội, mà chúng ta rất ngạc nhiên khi thấy hiếm hoi những bài thơ ca tụng Tình Mẹ.

Bài thơ Du Tử Ngâm là một bông hoa hiếm hoi đã vươn mình khoe sắc rực rỡ trong khu rừng Đường-Thi trùng trùng điệp điệp... Bài thơ có tính cách nội dung giáo dục đề cao về chữ Trung Hiếu nầy, đầy trắc ẩn lòng nhân là do sự ảnh hưởng của Đạo Nho , lấy Nho Học làm kim chỉ nam cho đời sống tâm linh, đề cao cái tính Thiện: “Cái trời sinh ra cái Tính, noi theo Tính gọi là Đạo, sửa mình theo Đạo gọi là Giác" hay theo quan niệm Khổng Mạnh: "Nhân chi sơ tính bản thiện". Bài thơ Du Tử Ngâm (Khúc Ngâm Cho Người Con Đi Xa) kết hợp bằng những giai-điệu rất hài hòa, âm thanh tình mật thiết quyện vào nhau, đã diễn tả được những gì khăng khít nhất, những khắc khoải lo lắng bồi hồi của người mẹ, sợ con đi xa lâu trở về, trên bước đường viễn du không một bàn tay săn sóc, Mẹ chỉ mong sao cho manh áo được dầy kín, để đủ sưởi ấm thân con trẻ trên bước đường tha phương lưu lạc. Bài thơ với từ ngữ mộc mạc, giản dị, nhưng đã diễn đạt được cái tận cùng của một bản sắc dân-tộc, một cội nguồn của nhân-bản: Tình Mẹ, của một đời dầm mưa dãi nắng, của những chuỗi ngày triền miên, cay đắng, chịu đựng, và đợi chờ…

Mẹ ngồi xe chỉ trên tay
Chắt chiu áo mỏng, đợi ngày con đi
Đường khâu mũi vá chi li
Băn khoăn lo lắng con đi lâu về
Hỏi rằng tấc cỏ lòng quê
Ba Xuân nắng ấm đền bù được chăng? (VNL)


Phải chăng những nhà thơ Đường, trong cái sĩ-khí của nhà Nho, ngày đêm dùi mài kinh sử để mong đến ngày thi đỗ ra làm quan, thực hiện cái hoài bão "kinh bang tế thế, trị quốc an-dân...", hoặc nếu không thành đạt như ý, họ bất lực chán nản buông xuôi và tự ẩn dật chìm mình trong tư tưởng vô vi, hướng về những đề tài thiên nhiên, sơn thủy điền viên, với tư tưởng "lạc thiên tri mệnh" (vui trời biết mệnh). Phải chăng họ đã mang mặc cảm ngại phơi bầy những tình cảm gia đình mật thiết riêng tư, những xúc động chân thành như tình Mẹ, vì bị ràng buộc bởi quan niệm nghiệt ngã "trọng nam khinh nữ", "tam tòng tứ đức" đè nặng trong xã hội hủ tục phong kiến, sợ người đời gán cho là kẻ yếu đuối, hèn nhác không phải là bậc đại-trượng-phu trong thiên hạ ? Hình ảnh người phụ nữ trong xã hội đó phải chăng chỉ là những chiếc bóng âm thầm, tủi nhục, mang cái thân phận bèo bọt "chồng chúa vợ tôi", có nhiệm vụ tôi mọi nô bộc, chỉ biết đầu tắt mặt tối làm việc và không được chia sẻ cái chân-lý căn bản của lẽ sống gia-đình: hạnh phúc và tình yêu. Thật là thảm thương khi ta mường tượng đến hình ảnh của người phụ nữ, một người Mẹ, một người vợ trong cái xã hội quan-liêu bất công đó.

Vương Kiến với bài Vọng Phu Thạch, Lưu Vũ Tích với bài Vọng Phu Sơn, Trương Tịch với bài Tiết Phụ Ngâm đã đề cao cái công dung ngôn hạnh của người phụ nữ, ca ngợi cái phẩm chất tốt đẹp , đáng kính của người phụ nữ như như đoan trinh, thủy chung, cần cù, nhẫn nại, và hy sinh của người phụ nữ… Vọng Phu Thạch tức là Đá Trông Chồng. Chuyện xưa kể rằng ở thành phố Vũ Xương, tỉnh Hồ bắc Trung Quốc, có một người vợ có chồng đi xa lâu ngày không về. Hàng ngày nàng vẫn ra bến sông ngong ngóng đợi chồng về. Người vợ kiên trinh vẫn giữ vững lòng chung thủy, vẫn chờ đợi, chờ hoài nhưng người chồng vẫn không bao giờ trở về, và nàng đã hóa thành đá, vẫn muôn đời chờ đợi chồng mặc cho gió mưa vần vũ. Hòn đá đó được đặt tên là Vọng Phu Thạch, vẫn đứng sừng sững bên bờ sông Trường Giang, gần thành phố Vũ Xương . Bài thơ nói lên cái nỗi sầu bi thảm của người thiếu phụ trông chồng mòn mỏi, bấp chấp cả không gian và thời gian của vũ trụ mênh mông nghìn trùng... Mặc cho gió táp mưa sa, mặc cho nắng quái mưa dầm, khói sương mù mịt, mây phủ trên đỉnh non cao vời vợi... nhưng tình chung thủy và lòng tiết trinh của người đàn bà vẫn muôn đời bất biến…

Bên sông ngồi ngóng trông chồng
Trăm năm khắc khoải một lòng sắt son
Hóa thân thành đá mỏi mòn
Gió mưa vần vũ... đầu không ngoảnh về
Phải chăng nàng giữ lời thề
Đến khi đá nói... lúc nghe chàng về! (VNL)


Bài thơ Tiết Phụ Ngâm của Trương Tịch có màu sắc lãng mạn, nhưng đó là một câu chuyện tình nhẹ nhàng và trong trắng, ca ngợi cái phẩm chất quí giá đáng kính trọng của người phụ nữ, đó là tâm hồn đoan chính và tấm lòng thủy chung, đậm đà màu sắc nghĩa tình, đạo lý... Trương Tịch là người có nhận xét sâu sắc, ông đã dùng ngôn từ chân thật để diễn tả nỗi khổ sở bất công của nhân dân, sự bóc lột tàn bạo của giai cấp thống trị, ông đã dùng thơ văn để bênh vực phụ nữ, vạch trần những bất công của xã hội đối với người phụ nữ, và luôn đề cao phẩm giá và tư cách của người phụ nữ vốn đã chịu rất thiệt thòi...

Biết rằng em có chồng
Sao chàng vẫn chờ mong
Thương em chàng trao tặng
Đôi ngọc màu biếc trong
Em đeo giữa yếm hồng
Tình chàng ôi mênh mông
Cuồng si và tha thiết
Chất ngất tận cõi lòng
Nhà em ở lầu cao
Đêm vàng tuôn ánh sao
Hương hoa vườn ngự uyển
Thơm ngát tình chiêm bao
Chồng em giờ xa vắng
Canh gác đền Minh Quang
Tình chàng luôn quân tử
Trong sáng tựa trời trăng
Từ khi em lấy chồng
Luôn nhớ chữ tâm đồng
Nguyện thề cùng sống chết
Trọn kiếp đời thủy chung
Trả ai đôi ngọc sáng
Mắt em lệ chảy ròng
Xót xa mà tiếc nuối
Chẳng quen lúc chưa chồng (VNL)
(Trương Tịch)


Một số ít bài thơ ca tụng tình yêu, mang tích chất lãng mạn, lẳng lơ, mặc dầu rất ít oi, đã đem lại những luồng gió tươi mát, ngan ngát mùi hương phấn dịu dang... Tình yêu trai gái cũng đã được đề cập trong nội dung một số bài thơ Đường, nhưng đó là thứ tình cảm thanh tao tế nhị, không vượt qua vòng lễ giáo, nhưng cũng không kém rạo rực, xao xuyến… Qua ngòi bút của thi nhân họ đã khắc họa hình ảnh của những thiếu nữ hồn nhiên, với những cảnh ngộ trong cuộc sống của họ, thành những áng thơ đẹp ca tụng tình yêu đẹp, nhẹ nhàng và hồn nhiên, sâu sắc và thiết tha, trong trắng, hồn nhiên, tế nhị chan chứa những cảm xúc chân thật lành mạnh, biểu tượng cho một niềm hạnh phúc cao cả và thanh khiết . Lý Bạch với bài thơ Trường Can Hành, Bạch Cư Dị với bài Tỳ Bà Hành , Lương Ý Nương với bài Trường Tương Tư, Thôi Hộ với bài thơ Đề Đô Thành Nam Trang là những đóa hoa kiều diễm trong vườn thơ tỏa đầy hương sắc ca tụng tình yêu muôn thuở.

Lý Bạch đã dùng ngòi bút tuyệt vời để miêu tả về tình yêu, là một đề tài mà ít người muốn viết dưới chế độ phong kiến Trung Quốc, vì những quan niệm nghiệt ngã "văn dĩ tải đạo”, “trọng nam khinh nữ , “ tam tòng tứ đức", “ tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử"… hoặc những hủ tục bất nhân vì cái nhìn lệch lạc của giai cấp thống trị, tầng lớp quí tộc đầy quyền uy tối thượng. Thân phận của người phụ nữ bấp bênh "mười hai bến nước, trong nhờ đục chịu". Bài thơ "Trường Can Hành" của Lý Bạch đề cao tình yêu lãng mạn đối với người con gái đẹp, là một trong những bông hoa quí hiếm có trong khu vườn Đường Thi trùng trùng điệp điệp…

Gió thu rụng lá đầy
Bướm bay vàng tháng tám
Dập dìu cỏ phía tây
Cảnh buồn thiếp xót xa
Hồng nhan thương phận già
Khi nào đến Tam Ba
Chàng ơi gửi thư nhé
Em chẳng ngại đường xa
Hẹn đón Trường Phong Sa (VNL)
(Trường Can Hành - Lý bạch)


Đời hậu Chu, thời Ngũ-Quí ở tỉnh Hồ Nam vùng sông Tiêu Tương có nàng Ý Nương vừa đẹp lại hay chữ. Ở trọ nhà nàng có chàng Lý Sinh hàn sĩ phong lưu tuấn tú. Một đêm Trung thu hai người thưởng trăng gặp nhau trai tài gái sắc tâm đầu ý hợp nên sau đó thường hay lui trao đổi tâm tình. Cha của Ý Nương là Lương Công hay biết tức giận đuổi Lý sinh đi. Ý Nương lấy làm đau đớn sinh bịnh mới làm khúc Trường Tương Tư mong gởi nguồn tâm sự cho người yêu. Lý Sinh nhận được bài thơ cảm xót vô cùng đầm đìa nước mắt nhờ người mai mối đến năn nỉ với Lương Công xin hỏi cưới Ý Nương. Ban đầu Lương Công còn dùng dằng sau đọc được bài thơ của con gái mình, cảm động chấp nhận cho hai người thành duyên...

Tương Tư là như thế đó, là nhớ nhau da diết, bâng khuâng xao xuyến, là khát khao giao cảm, là bước chân hụt hẫng giữa mộng và thực trong cái xúc động vô bờ của tình yêu tha thiết, là những đau khổ dằn vặt vì nhớ nhung, lo lắng, giận hờn, ghen tuông, hoài nghi, là những sầu hận luyến tiếc vì lỡ làng, trăn trở, hoài niệm... Chính những cái đau khổ đó là chất men để làm những áng thơ tình mỹ lệ, ngây ngất, dậy sóng, thành những âm thanh huyền diệu vang mãi trong lòng, dào dạt và nồng nàn… Đau khổ vì tương tư là cái cảm xúc huyền hoặc không thể thiếu được để làm xao động tâm tư, tạo sự xung đột nội tâm của người nghệ sĩ.

Sông Tương thăm thẳm đáy sâu
Tương tư da diết nỗi sầu hơn sông
Sông có đáy dễ dò sông
Sầu tương tư chỉ mênh mông vô bờ
Đầu sông chàng đứng thẫn thờ
Bẽ bàng mình thiếp đợi chờ cuối sông
Nhớ thương xa cách mịt mùng
Nước sông thắm thiết ta cùng uống chung (VNL)
(Trường Tương Tư - Lương Ý Nương)


Tỳ Bà Hành là một bài thơ cổ kính, súc tích, lồng vào một câu chuyện thi vị, tạo ra một âm hưởng nhạc thơ nhẹ nhàng, tha thiết làm xao động lòng người. Cái thân phận bèo bọt của người đàn bà đã dùng tiếng đàn để bộc lộ nỗi than oán và uất hận của mình… Bạch Cư Dị là nhà thơ đã mạnh dạn đề cập đến giá trị của người phụ nữ , cái bất công của xã hội phong kiến đối với vai trò của người phụ nữ... Bạch Cư Dị đại diện cho dòng hiện thựïc phê phán vì ông đã trải qua một giai đoạn lịch sử đen tối với chế độ quan liêu phong kiến đồi trụy và Bạch Cư Dị đã dùng thi ca với những lời lẽ giản dị thành thựïc để mạnh dạn đấu tranh và tố cáo những hành vi áp bức, sự bất công trong xã hội, vạch trần sựï bóc lột của bọn quan lại quý tộc. Thơ của ông phản ảnh được nỗi lòng và cảnh trầm luân thống khổ của dân chúng trước thế sựï thời cuộc ba chìm bảy nổi...

Bạch Cư Dị chủ trương đổi mới thi ca, ông muốn thi ca phải gắn bó với đời sống, phản ảnh hiện thực xã hội, tràn đầy tư tưởng nhân đạo, nhân văn . Bạch Cư Dị đã nói Làm văn phải vì thời thế mà làm, làm thơ phải vì thực tại mà viết" (Văn chương hợp vi thời nhi trước, thi ca hợp vi sự nhi tác). Thơ Bạch Cư Dị mang tính hiện thực . Bài Trường Hận Ca của ông diễn tả mối tình đẹp của Đường Minh Hoàng và Dương Quí Phi, nhưng cũng có những ý tưởng sâu sắc thầm kín mỉa mai …

Bài Tỳ Bà Hành của ông theo lối " thuật hoài" (miêu tả), cảm ngộ, để gửi gắm tâm sự, nỗi buồn riêng tư thầm kín của tác giả như một người mang số phận hẩm hiu để mà thông cảm xót thương như người ca nữ trong câu truyện, gặp nhiều cảnh éo le, không may mắn trên đường đời Bài thơ ngân vang một cảm xúc ngậm ngùi, một nỗi buồn thắm thía... Đó là những lời bộc bạch chân tình, nói lên cái tâm huyết của một người trí thức muốn bày tỏ tấm lòng ưu thời mẫn thế, cũng như nỗi bi phẫn của tác giả bị chèn ép , bạc đãi trong một xã hội phong kiến đầy dẫy bất công... Nhà thơ đã tìm thấy một tâm hồn đồng điệu, một nghĩa tương thức tri âm qua người kỹ nữ gặp trên sông Tầm Dương.

Bến Tầm Dương lạnh lá phong rơi
Tiễn khách sang sông luống ngậm ngùi
Sóng nước mênh mông làn khói bạc
Đàn ai dìu dặt điệu chơi vơi
Mỗi tiếng đàn rung thấm thía sầu
Dạt dào âm điệu khóc mưa ngâu
Tỉ tê như trút niềm tâm sự
Sướt mướt tình riêng hạt lệ châu
Ngập ngừng khoan nhặt tiếng tơ vàng
Líu lót oanh ca suối ngỡ ngàng
Tung tóe muôn vàn tia nước vỡ
Ngỡ ngàng tiếng lụa xé kêu vang
Tỳ bà em dạo tuổi mười ba
Một thuở vàng son đã khuất xa
Nhan sắc tàn phai mình với bóng
Thuyền trôi sông tẻ lạnh trăng tà
Có một đêm nằm tỉnh giấc mơ
Lệ hồng má phấn nhạt phai mờ
Tuổi xuân nay đã thành mây khói
Thổn thức đàn khuya khóc ngẩn ngơ
Thuyền trăng lơ lửng nước xuôi giòng
Nhịp gõ đàn ngân tiếng não nùng
Dạ khúc tỳ bà chan chứa lệ
Ngậm ngùi ly khách khóc rưng rưng…
(VNL phóng tác theo ý thơ Tỳ Bà Hanh- Bạch Cư Dị)


Bài thơ Đề Đô Thành Nam Trang của Thôi Hộ là một giai thoại văn học nói lên một mối tình xuân muôn thuở... Hình ảnh của người đẹp với má hồng ưng ửng đứng tựa cây đào rực rỡ thắm tươi dưới muôn vàn tia nắng như vui đùa nhảy múa trong trí tưởng của người thơ, tạo nên một hấp lực vô hình thôi miên quyến rũ và mê hoặc người thơ, càng nhìn càng đắm đuối say mê… Rồi cũng đến giờ phút từ giã chia tay … Nỗi nhớ tha thiết dâng trào khôn nguôi đã thôi thúc người thơ về lại chốn cũ để tìm lại người xưa… Cũng vẫn là cảnh đó … gợi sầu da diết, cảnh còn đây, mà người ở đâu? Hoa vẫn nở vẫn thắm tươi khoe sắc như muốn bỡn cợt với gió đông, và dửng dưng với nỗi bồi hồi nhung nhớ của người thơ...

Năm ngoái hôm nay cũng cửa nầy
Hoa đào má phấn đỏ hây hây
Người đi đâu mất, còn hoa đó
Ghẹo gió đông cười hoa ngất ngây (VNL)
(Đề Đô Thành Nam Trang – Thôi Hộ)


Một bài thơ tình mang gốc huyền thoại thần tiên mà người đời vẫn còn ưa thích, đã trở thành điệu hát ca trù rất phổ biến đó là Lưu Nguyễn Du Thiên Thai. Chùm thơ "Thiên Thai" của Tào Đường gồm có 5 bài. Câu truyện kể rằng : vào thời Vĩnh Bình (58-76) vào đời Hán Minh Đế, nhân Tiết Đoan Ngọ, hai chàng trai Lưu thần và Nguyễn Triệu lên núi Thiên Thai (tỉnh Chiết Giang) để hái cây thuốc, và hai chàng đã gặp được hai tiên nữ, mời Lưu Nguyễn về nhà tiếp đãi ân cần và họ đã kết duyên vợ chồng. Ở đây được chừng nửa năm, Lưu Nguyễn nhớ gia đình và quê làng nên muốn xuống núi về nhà. Hai Tiên nữ lưu lại không được, rồi cũng phải tiễn biệt hai chàng đi . Hai chàng về đến quê làng, mới biết trần gian đã trải qua bảy đời người, và không ai nhận ra mặt được, chỉ có người cháu bảy đời kể lại là có Cụ Tổ đã vào núi hái thuốc và không bao giờ thấy trở về nữa. Hai chàng không còn gia đình và nơi chốn để nương tựa, muốn trở về núi, nhưng tìm đường không ra. Cuối cùng người ta không biết hai chàng lưu lạc về đâu...

Gãy khúc nghê thường chẳng có ai
Mộng trần đâu biết mộng tiên dài
Trời riêng góc động xuân thanh vắng
Nẽo khuất dương trần nguyệt úa phai
Khe thắm cỏ tiên vờn cát ngọc
Suối thơm đào ngát nước xanh trôi
Mỏng manh sương sớm đèn trong gió
Muốn gặp chàng Lưu biết hỏi ai?
Lại tìm Tiên Nữ động Thiên Thai
Đá trắng rêu xanh bụi phủ đầy
Lặng lẽ hang sâu im tiếng nhạc
Đìu hiu xóm quạnh vắng chim bay
Tàn phai sắc cũ hờn cây cỏ
Hờ hững xuân xưa chạnh khói mây
Nước chảy hoa đào phơ phất đó
Cố nhân hầu rượu chẳng còn đây! (VNL)
(Tào Đường)


Nhà thơ chẳng khác gì một viễn khách đi truy tầm cái diễm lệ của thơ ở nơi chốn bồng lai tiên cảnh, đi tìm cái cung đàn muôn điệu qua tiếng sáo Thiên Thai, tiếng hót của chim oanh trên cành liễu… có năng lực cảm thụ tinh tế, hữu hình hóa những cái trừu tượng mơ hồ, tạo ra vô số cảm giác, muôn vàn hình ảnh… Những hình tượng và liên tưởng nối liền nhau, tạo sự hài hòa giữa ý từ, màu sắc, âm thanh, gây những âm vang chấn động lòng người đọc. Hồn thơ Đường đã mở ra những cánh cửa của tâm hồn để bay bổng hòa mình với không gian bát ngát của vũ trụ muôn trùng.

Xuân Tiêu Vọng Hàn Giang:

Trong cuộc lữ hành đi tìm cái thâm thúy của khung trời Đường Thi, dạt dào những hình ảnh sinh động phong phú, đầy những cảm xúc, âm điệu, rung động, sâu sắc, chân thật và nồng nàn... Tác giả Hải Đà VNL có lẽ đã cảm thụ được cái hay cái đẹp, những nét thanh tao tinh tế của Thơ Đường, và muốn tự gửi gắm cái tình ý sâu thẳm xôn xao khó tả của mình qua bài thơ Đường "Xuân Tiêu Vọng Hàn Giang" (Đêm Xuân Nhớ Sông Hàn). Phải chăng đó là nỗi niềm của người thơ trên bước đường phiêu bạt, đến một lúc nào đó cảm thấy đơn lẻ, để muốn tâm hồn của mình chấp cánh bay bổng về nơi chôn nhau cắt rún… nơi đó có dòng sông của muôn vàn nỗi nhớ xôn xao, mênh mông sóng nước chập chùng. Con sông đó có tên là Sông Hàn (Hàn Giang) ở Đà Nẵng mà tác giả đã trải qua thời thơ ấu mến yêu với muôn vàn kỷ niệm luyến lưu, cồn cào xao động lòng kẻ xa nhà đã lâu. Tác giả đã mạo muội sáng tác bài thơ Đường "Xuân Tiêu Vọng Hàn Giang". Rồi VNL đã tâm sự với một số vốn nhỏ bé về Hán Học, học ở truờng, học từ thân phụ vốn là nhà nho, và tự tìm tòi học hỏi thêm, nên cảm thấy có nhiều thiếu sót và mong các cụ túc nho trưởng thượng, tiền bối cao kiến và bạn đọc yêu thơ nhạc muôn phương lượng thứ và thông cảm nếu có sự thiếu xót và bất cẩn trong việc thực hiện cái đam mê thi ca của anh VNL. Tác giả xin chân thành gửi lời cảm tạ.

Xuân Tiêu Vọng Hàn Giang

Phong xuy lạc diệp động sầu âm
Nguyệt chiếu hà lương khách tứ thâm
Hỷ vũ hỷ hoa vô hỷ sắc
Hàn Giang hàn thủy bất hàn tâm
Tha phương uẩn nộ phi nan giảm
Cố quận nhân yên bất khả tầm
Tịch mịch xuân tiêu cô đối ảnh
Hương quan bán dạ Việt thi ngâm
Hải Đà

Dịch nghĩa:

Gió thổi lá rơi vọng tiếng sầu
Trăng chiếu cầu bên sông làm khách nhớ nhà da diết
Mưa vui, hoa vui, nhưng mặt chẳng vui
Sông lạnh, nước lạnh, nhưng lòng không lạnh
Ở phương xa, nỗi sầu giận khó giảm đi
Quê cũ khói lam dễ đâu mà tìm thấy
Qụanh quẽ đêm xuân một mình thân với bóng
Nhớ nhà nửa đêm ngâm nga bài thơ Việt

Thơ dịch Hải Đà

Đêm Xuân nhớ Sông Hàn
1-
Lá rơi gió thổi tiếng sầu vang
Trăng chiếu cầu sông khách bẽ bàng
Mưa thuận, hoa cười, đâu sắc thắm
Lạnh sông, buốt nước, chẳng khô lòng
Tha phương uất hận nào thuyên giảm
Cố quận khói mờ há dễ trông
Quạnh quẽ đêm xuân thân với ảnh
Khuya ngâm thơ Việt nhớ quê làng
2-
Lá rơi gió thổi sầu ngân
Cầu sông trăng chiếu bần thần khách xa
Mặt buồn dẫu có mưa hoa
Lạnh sông lạnh nước… khó mà lạnh tâm
Hận sầu viễn xứ trầm ngâm
Mịt mùng cố quận khói lam khó tìm
Một mình với bóng lặng im
Nửa đêm thơ Việt vịnh ngâm nhớ nhà…
Hải Đà - VNL
Last edited by VuPhong on Wed Sep 04, 2013 11:17 pm, edited 2 times in total.

User avatar
VuPhong
Posts: 2910
Joined: Wed Dec 01, 2004 4:28 pm

Post by VuPhong »

Bàn về việc dịch Thơ, một học giả Trung-Hoa cho rằng việc dịch thơ cần phải dựa trên ba yếu tố căn bản và thiết yếu là " Tín, Đạt, Nhã":

"Tín" là đòi hỏi phải trung-thành với nguyên-bản của bài thơ, cần nghiền ngẫm chu-đáo kỹ lưởng, tìm hiểu lai lịch gốc tích, ý nghĩa của từng từ ngữ, cũng như điển tích của từ ngữ thơ , để cảm nhận nét hay vẻ đẹp của bài thơ gốc.
"Đạt" là đòi hỏi chính xác và thành đạt như bài thơ gốc, đúng như tư duy và cảm nghĩ, ý tưởng của tác giả bài thơ.
"Nhã" nghĩa là trang-nhã, đẹp và hay, đọc bài thơ dịch cần có âm điệu, đọc lên gây sự rung cảm sâu xa cho người đọc.
Nhưng nếu theo đúng khuôn mẫu, phép tắc của ba yếu tố "Tín, Đạt, Nhã" thì e rằng việc dịch thơ sẽ khó khăn vô cùng... Cho nên dịch thơ đôi khi cũng cần sự phóng khoáng, cởi mở và không phải gò bó theo đúng khuôn phép, tuy nhiên tránh việc làm lệch lạc "ý" của bài thơ gốc , nghĩa là phải lựa chọn chữ để đem được cái "ý tưởng", "tâm hồn" và "thần sắc'' vào bài thơ dịch, để độc giả khi đọc bài thơ đó tự-nhiên có cảm tưởng biết ngay cái nguồn gốc của bài thơ dịch là từ đâu... Chứ không thể thêm thắt bừa bãi để biến thành "dịch" là "phản" thì thật là bất công và vô tâm đối với tác-giả bài thơ gốc. Thơ không phải là ngôn ngữ của "khoa học" (một cộng với một là hai) mà thơ là nguồn tinh-khôi của cảm nhận và ý tưởng hòa đồng, và từ sự vật cụ thể để dẫn dắt đến cái trừu tượng bao la khó diễn tả, không thể sờ, mó, ngửi... mà chỉ cảm nhận bằng tâm hồn và cảm xúc. Thơ là một ngôn ngữ của trực quan, có sức truyền cảm mãnh liệt. Sở dĩ chúng tôi xin nêu ra vài quan-điểm về sự dịch thơ để tìm một giải đáp có thể chấp nhận trong việc tìm hiểu và giải thích ý nghĩa những từ ngữ. Từ những sự thể nhỏ bé ở trong cái không gian bao la của vũ trụ, nhờ có một tâm hồn thơ, một tinh thần ung dung tự tại, thi-nhân mới có thể cảm nhận và chiêm nghiệm và từ đó đưa đến sự hình thành những câu thơ vi diệu và độc đáo, chi phối mãnh liệt tâm hồn người đọc, và dẫn dắt người đọc thơ đi "dạo" chơi giữa cái lâng lâng vô cùng ... mà không hề hay biết... "Đất trời vô cùng tận, kiếp người tựa sương mai" - "Thiên địa vô cùng cực, nhân mệnh nhược triêu sương (Tống ƯngThị của Tào Thực )

Một đặc trưng khác của thơ Đường là "thiên, địa, nhân" nối kết và liên hợp và con người chỉ muốn hòa nhập, gắn bó mật thiết vào không gian và thời gian diễn tả trong bài thơ . Đi vào cõi thơ là những bước chân hụt hẫng chênh vênh giữa tịnh và động, giữa cụ thể và trừu tượng, giữa xác thực và mơ hồ...

Một bài thơ Đường khi đã đạt đến mức độ toàn mỹ và trác tuyệt, mỗi một chữ, một lời, một ý như những viên ngọc quí đã được kết hợp hài hòa, chi ly, để hình tạo một chuỗi kim cương lấp lánh, một dải giai-chương tuyệt vời... Vì lòng đam mê văn chương và thi ca, tác giả mạo muội chỉ xin mượn ý và phỏng dịch từ Thơ ra Thơ. Vì phải giữ cấu tứ, âm điệu, thể cách, luật bằng trắc nên chắc chắc có rất nhiều thiếu sót vì nhiều chữ không được sát nghĩa, khó lột đúng tinh thần nguyên tác, cái khó khăn là phải giữ cái hồn thơ và ý thơ của nguyên bản, và đồng thời thi điệu của bài thơ dịch. Hơn nữa có một số chữ và câu trong bài thơ Đường sau nhiều lần trước tác, biên soạn, đã tam sao thất bản, gây sự sôi động bàn cãi nhiều lần.

Những bài thơ Đường nguyên tác trong CD "Lầu Thơ Vút Cánh Hạc Vàng" này đã được rất nhiều nhà chuyên khảo Hán Học uyên bác, các học giả tiền bối Việt Nam, và các thi sĩ say mê Đường Thi đã dịch với những bản dịch nguyên tác trác tuyệt, phong phú và tài hoa. Mỗi dịch giả có một cách nhìn riêng về bài thơ nguyên tác, có một phong cách sáng tạo và cách dịch thâm thúy khác nhau dưới các khía cạnh thưởng ngoạn đa dạng với những nhận thức tinh tế, những cảm xúc nghệ thuật và rung động thẩm mỹ muôn chiều khi đọc, ngâm, vịnh một bài thơ Đường, và đã làm thêm phong phú và tăng gía trị của một bài thơ Đường. Người đi sau bao giờ cũng có cái may mắn là học hỏi được nhiều kinh nghiệm các vị tiền bối trưởng thượng.

Những bài thơ phóng tác trong CD nay sở dĩ được hình thành là do lòng đam mê, đắm say vì văn chương nghệ thuật, đó là kết quả của tấm lòng thích thú yêu thơ nhiệt thành, của sự tìm tòi học hỏi vì đam mê… vì tôi nghỉ rằng tác giả vốn biết rằng dịch Thơ Đường là một công việc rất công phu, tỉ mỉ đòi hỏi sự uyên bác về chữ Hán, kiến thức thâm sâu về văn hóa cổ xưa, cái mà Việt Hải không dám mơ ước tới và chính tác giả chỉ cũng nhìn nhận là "hậu sinh" với cái vốn tự học chắc hẳn còn thiếu sót rất nhiều để làm công việc nghiên cứu, dịch thuật này. Cũng may thay có rất nhiều học giả uyên bác, những thi sĩ tiền bối thâm nho, đã dịch trước rất nhiều bài thơ Đường ra chữ quốc ngữ như nguồn tài liệu tha kkhảo thật là giá trị… cũng như tác giả đã được gặp gỡ vài bậc thâm nho xem như những bậc Thầy để được học hỏi thêm, cũng như giải thích những ý nghĩa của những bài thơ hoặc điển tích mà tác giả tự nhận chưa có đủ khả năng, cũng như một số bạn bè thân đã trao đổi thảo luận về thú vui này, cũng như đã cung cấp cho tác giả một số tài liệu văn học quí báu rất cần thiết cho việc tham khảo. Tác giả VNL nói là anh rất tri ân những sự hiểu biết và phổ biến của các bậc thầy nho học tiền bối, cũng như những bạn bè thân thiết đã giúp đỡ, khuyến khích cho CD này được hình thành… và chắc hẳn không tránh khỏi nhiều khiếm khuyết, sai sót về ngôn ngữ và ý từ...

Việc phóng tác thơ Đường là điều cần thiết để Nhạc sĩ Mai Đức Vinh phổ thành nhạc, những bài thơ ngắn gọn, súc tích chỉ có 4 câu như Phong Kiều Dạ Bạc, Đề Đô Thành Nam Trang, Tĩnh Dạ Tứ , Du Tử Ngâm, Vọng Phu Thạch… tác giả cần tìm hiểu bối cảnh, thời gian, không gian của bài thơ, mà dưạ theo đó phóng tác thêm lời, vì lời rất cần thiết cho một bản nhạc thành hình. Cũng có những bài thơ đã đủ lời cho bản nhạc như Tiết Phụ Ngâm, Trường Can Hành. Hoặc những bài thơ dài quá như Tỳ Bà Hành, mà bài thơ nguyên Tác gồm 88 câu 7 chữ, nên tác giả chỉ đưa những ý chính để cô đọng thành bài thơ phổ nhạc chỉ gồm 24 câu , hoặc 1 chùm thơ của Lưu Nguyễn Du Thiên Thai (5 bài), nhưng tác giả chỉ dùng 24 câu , lấy từ mỗi bài thơ nguyên tác 4 câu… Có những bản nhạc tác giả đã tổng hợp lời của những bài thơ ngắn khác nhau nhưng có chung một ý từ để làm lời cho toàn bản nhạc như bài Vọng Xuân Từ, Thu Phố Ca…

Kết Luận:

Thế giới Đường Thi là một bức tranh thủy mạc hài hòa với những con chữ lẫn hồn thơ, ý nhạc là một sự phối hợp tuyệt tác giữa các màu sắc tuyệt mỹ và âm thanh trầm bổng làm quyến rũ người thưởng ngoạn vô cùng… Trên thi văn đàn Trung Quốc, mỗi một thi-sĩ có một cá tính sắc thái riêng biệt, một phong cách và khuynh hướng khác nhau... Kho tàng của Đường Thi chất ngất vô vàn, như khu rừng trùng trùng điệp điệp đầy hoa thơm cỏ lạ… Những người yêu thơ nhạc dầu ở cách xa nhau ngàn dặm, không nói, mà vẫn có những điểm tương đầu ý hợp khi cảm xúc được một bài thơ hay, một câu thơ đẹp, một ý thơ thâm thúy, một âm điệu nhạc trầm bổng xao xuyến nào đó trong tôi. Nếu cho tôi chọn một thi sĩ làm thơ Đường, VH xin đề nghị thi sĩ Hải Đà Vương Ngọc Long và tương tư nếu cho tôi chọn một nhạc sĩ phổ thơ Đường, VH xin đề nghị tiếp là nhạc sĩ Mai Đức Vinh. Một nhà thơ Pháp nào đó đã nói: "La poésie, art suprême, c’est la musique qui pense et la peinture qui se meut" (Thơ là một nghệ thuật cao cả, là âm nhạc biết suy tư và bức họa có sinh động).

Nhạc sĩ Mai Đức Vinh và thi sĩ Vương Ngọc Long nhắn nhủ là hai anh mong mỏi đóng góp một chút tình đam mê thơ nhạc vào vườn hoa văn nghệ thi ca và văn hóa nghệ thuật Việt Nam. Mong quý vị và các bạn thích bộ môn thi ca và âm nhạc giao duyên nên có một dĩa CD để tìm hiểu công trình sáng tạo bằng tim óc của hai nghệ sĩ này.

Việt Hải, Los Angeles.

User avatar
khieulong
Posts: 6756
Joined: Wed Dec 01, 2004 9:09 pm
Been thanked: 1 time

Post by khieulong »

Image

Ân Tình Cho Thơ Lãng Mạn
Việt Hải Los Angeles
Tôi xin ghi nhận những ân tình cho các nhà thơ đã đóng góp những áng thơ yêu đương và lãng mạn qua bài viết cục bộ này. Mang nghiệp dĩ thi ca chất chứa khuynh hướng lãng mạn hay một tâm hồn văn thơ lai láng đắm say, bất cứ thi nhân nào cũng trải qua các giai đoạn tâm tư bị dằn vật vì yêu đương, vì tương tư hay vì nhớ nhung, vì vậy thế gian mới có những Chopin, Beethoven, Paul Verlaine, Jacques Prévert, Félix Avers, hay Việt Nam ta có những Đỗ Lễ, Hàn Mặc Tử, TTKH, Nguyên Sa, Nguyễn Bính hay Xuân Diệu,... Tất cả những nghệ sĩ này sống với hồn nhạc hay hồn thơ như cái nghiệp chướng mà họ mang. Tôi thích họ bởi cái đặc tính là họ đã nói lên những yêu đương đắm đuối, biết than vãn và họ nếm thú yêu thương hành hạ cho đêm dài thêm trăn trở, cho thổn thức chín đỏ tim yêu và đó là yếu tố làm cho những tác phẩm mà họ gây dựng thêm thăng hoa khi người đời còn nghĩ về họ và văn học sử hay âm nhạc sử liệt kê họ vào khuynh hướng lãng mạn, và âu đó là chủ đề của tôi muốn ghi nhận ra đây. Tôi thích thơ của những thi sĩ thuộc nhóm thi ca lãng mạn này, trong đó có Jacques Prévert với bài "Tình Yêu Này" khi ông tỏ tình với người yêu:

"Tình yêu này
Rất mãnh liệt
Rất mong manh
Rất dịu dàng
Rất tuyệt vọng

Tình yêu này
Đẹp như ánh ban mai

Và tệ như khoảng thời gian khắc nghiệt
Tình yêu này rất chân thật
Tình yêu này rất hoa mỹ
Rất hạnh phúc
Rất vui tươi
Và cũng quá ít ỏi

Nó run sợ như trẻ thơ trong bóng tối
Và chắc chắn như người bình thản đi trong màn đêm
Tình yêu này làm cho người khác lo âu
Làm cho người khác xôn xao
Làm cho người khác héo tàn

...

Tình yêu này vốn trọn vẹn

Còn sống mãi
Và vốn chan hòa dưới ánh bình minh
Nó là của em
Nó là của anh
Mà hai ta đã trải qua
Nó sẽ mãi mãi mới
Và nó sẽ chẳng hề thay đổi

Nó cũng thật như tàng cây xanh
Nó cũng như con chim run sợ
Nó cũng sẽ rực nắng như mùa hè sống động
Dành cho hai chúng ta."

(Phỏng dịch, VHLA)

Trong các thi sĩ mà tôi xin trích thơ sẽ là bốn nhà thơ Nguyên Sa, Nguyễn Bính, Xuân Diệu và Hồng Vũ Lan Nhi (HVLN), cộng thêm chút gió ru từ thơ VHla được bàn luận về chủ đề thi ca lãng man. Bạn tôi, anh Đỗ Văn Cường biếu tôi một quyển tuyển tập nhiều tác giả hay thân hữu cùng nhau viết về nhà thơ Nguyên Sa, để tri ân và tưởng nhớ đến ông khi ông qua đời. Tôi mải mê đọc bài của anh Vũ Hạ viết về Nguyên Sa với nhiều thơ Nguyên Sa được trích gọn lại. Nguyên Sa ra đi để lại một khoảng trống vắng nắng Sài Gòn mà người đi trong nhớ nhung, rồi kỷ niệm của Nguyên Sa về người em gái tuổi 13 chìa tay đón mưa rơi như bong bóng vỡ đầy tay, Nguyên Sa trong khung nhạc bất hủ của Ngô Thụy Miên, Nguyên Sa của màu vàng hoa cúc như màu áo em, Nguyên Sa của mực tím đề tình thơ, Nguyên Sa của tháng 6 trời mưa, mưa rơi mãi không dứt, Nguyên Sa của mùa thu Paris và Nguyên Sa của sự lãng mạn khi nhìn tóc em mà lòng ngỡ như từng áng mây bay trong tâm thức. Đó là thi nhân làm tôi nhớ mãi từng câu ví von, từng lời thơ tâm sự dâng nỗi lòng mà ông bộc lộ thật hồn nhiên, thật thiết tha. Vì yêu là phải nói, mà nói là lời tâm sự khi yêu. Yêu là tâm trạng tự nhiên mà thượng đế ban cho con người. Một khi nhịp đập con tim dâng lên nỗi rung cảm, cái tần số rung động đó đã khiến các thi nhân biến nguồn cảm hứng đó thành những áng thơ bất tử cho vườn thi ca âm nhạc thêm phong phú hơn.

Hãy nghe Nguyên Sa tâm sự trong bài "Tương Tư" như sau:

"Có phải em mang trên áo bay
Hai phần gió thổi, một phần bay
Hay là em gói mây trong áo
Rồi thở cho làn áo trắng bay ?"


Khi ta yêu, con tim ngân dài theo phím đàn, tâm tưởng kéo dài theo yếu tố thời gian qua đi. Từng nhịp tim, từng hơi thở, từng cung đàn, từng phút giây đều cho em, nét dịu dàng hiện trên ánh mắt đầy nhớ nhung:

"Có phải rằng tôi chưa được quen
Làm sao buổi sáng chờ đợi em
Hay từng hơi thở ra âm nhạc
Đàn xuống cung trầm, mắt nhớ thương"


(Thơ Nguyên Sa, 1958)

Trong cung đàn nhớ nhung đó, sáng nay tôi tình cờ đọc bài thơ của chị Hồng Vũ Lan Nhi (HVLN), một nhà thơ nữ, vốn là nhà giáo trung học cùng thời với nhà giáo Trần Bích Lan, Nguyên Sa. Chị vốn theo khuynh hướng thi ca lãng mạn. Đọc thơ chị, đọc thơ của nhà giáo Phạm Mạnh Cương, rồi thơ của nhà giáo Trần Bích Lan cho ta thấy nhà giáo không bị những nguyên tắc mô phạm cứng rắn giết chết nguồn rung cảm của họ về thi ca yêu đương. Nền giáo dục hay thi ca nhân bản và khai phóng cứ cho con người phát huy nguồn rung cảm văn học của họ, miễn sao tác phẩm văn học được công chúng đón nhận hài hòa, nồng nhiệt. Đây là một đoạn trích dẫn trong bài thơ dài "Tiếng Dương Cầm" của nhà thơ HVLN:

“Làm rộn rã trái tim buồn cô tịch,
Cho đam mê đẫn lối mộng mơ về.
Cho tương tư đầy ắp ánh sao khuya,
Ôi nhớ quá tiếng dương cầm trầm lắng.“


Nhà thơ nghe tiếng đàn mà tương tư phím nhạc. Một cõi mộng mơ đi về cô đơn sao khuya lấp lánh, và khúc nhạc dạo buồn thổn thức gót chân em. Trong nỗi niềm nhung nhớ cô liêu dâng tràn hồn thơ, Nguyên Sa sáng tác bài tình thơ "Ngừơi Em Sáng Trong Cô Độc" với lời thơ chờ đợi người em gái để rồi hao mòn tâm tư:

“Có thơ sáng thắp trong từng ánh nguyệt
Những lời êm bày biện với linh hồn
Có mùa thu thay áo ở đầu non
Cho dịu lối em về mai lá rụng”


Nhớ em như nỗi hôn mê phủ lấp chân trời tương lai trước mặt. Cả cuộc đời vắng em như ngàn sao đêm vắng lặng trên nền trời tâm tối. Tình yêu ôi, tình yêu !

“Em đã đến chưa ? Sao đêm chợt vắng
Cả cuộc đời xáo động chợt hao đi
Những ngón tay dần chuyển xuống hôn mê
Và tà áo phủ chân trời trước mặt”


(Thơ Nguyên Sa, 1958)

Nguyên Sa có những xao xuyến về mùa thu. Mùa thu trong thơ nguyên Sa chứa đựng hồn thơ vui tươi như trong bài "Áo Lụa Hà Đông", anh quen em vào mùa thu tóc ngắn, em duyên dáng trong tà áo lụa Hà Đông để nhà thơ mãi dâng hồn thơ ấp ủ:

“Em ở đâu, hỡi mùa thu tóc ngắn
Giữ hộ anh màu áo lụa Hà Đông
Anh vẫn yêu màu áo ấy vô cùng,
Giữ hộ anh bài thơ tình lụa trắng.”


Mùa thu của Nguyên Sa có nét chờ mong tích cực thì mùa thu nhớ cố nhân của nhà thơ HVLN nghe như hồn đau buốt, chỉ là mùa thu tưởng nhớ cô liêu, tâm tư khắc sâu hình bóng cũ cố nhân:

“Giờ đây, tưởng nhớ người xưa,
Hồn đau, lòng lạnh, tâm tư lắng chìm.
Trong tim còn một chút tình,
Bởi chưng còn dấu vết hình cố nhân.”


(Nhớ Mùa Thu Xưa, HVLN)

Trong bài “Gửi Cố Nhân” nhà thơ Nguyễn Bính chia xẻ tâm tư thao thức tựa như HVLN. Ý thơ Nguyễn Bính ray rứt trong cơn mưa dầm gió bấc rét lạnh khi mơ tưởng bóng cũ của cố nhân:

“Mưa dầm gió bấc cố nhân ơi !
Áo rét nàng đan lỡ hẹn rồi
Sông lạnh khi nàng ra giũ lụa
Vớt giùm trong nước lấy hồn tôi.”


Trong một bài thơ khác, bóng cố nhân lại hiện về khi mà Nguyễn Bính mơ trong nỗi nhớ dịu dàng của bướm say hương sắc, hoa cười hé môi về người mà ông yêu:

“Tôi chỉ thèm yêu lấy một lần
Có người di giữa xứ mùa xuân
Thấy con bướm bay thơ thẩn
Ý hẳn đi tìm Hương cố nhân”


(Bài "Hương Cố Nhân", NB)

Một bài thơ bướm hoa khác, ông thố lộ tâm tình khi dòng đời đen bạc vì bị phụ tình như:

“Ai đem rắc bướm lên hoa
Rắc bèo xuống giếng, rắc ta vào nàng ?
Ai đem nhuộm lá cho vàng ?
Nhuộm đời cho bạc, cho nàng phụ ta.”


Có lẽ không còn gì đau đớn hơn khi được tin mùa thu em đi lấy chồng, gặp nhau lần cuối lòng tê tái khi chia ly trong đớn đau, trong buồn bã, Nguyễn Bính tâm sự trong bài “Đêm Cuối Cùng”:

“Hội làng mở giữa mùa thu
Giời cao gió cả giăng như ban ngày
Hội làng còn một đêm nay
Gặp em còn một lần này nữa thôi.”


Em đi lấy chồng coi như chấm dứt từ đây, em về làm vợ nguời ta, mùa thu đóng kín như buồng tằm dâu:

“Tình tôi mở giữa mùa thu
Tình em lẳng lặng kín như buồng tằm.”


Trong ngày vui xác pháo tơ duyên của người yêu, Nguyễn Bính lại thổn thức tiếp qua bài “Lỡ Duyên”:

“Pháo ơi đừng nổ rộn ràng
Đừng phô sắc thắm, đừng làm ta say
Biết đâu chịu khổ thế này
Thà rằng đừng sống những ngày yêu đương”


Em bỏ đi lấy chồng, hồn anh xót xa, con tim sẽ lặng thinh, nhưng yêu em anh vẫn cứ một lòng mãi yêu:

“Dù rằng một chữ cũng thơ
Dù rằng một thoáng cũng thừa xót xa
Dù rằng một cánh cũng hoa
Dù rằng một nửa cũng là trái tim

Dù không nói, dù lặng im
Dù sao anh cũng thương đêm nhớ ngàỵ”


(Dù Rằng..., 1961)

Nguyễn Bính vốn là thi sĩ của sự lãng mạn, tôi thích bài thơ “Tương Tư” của ông khi tôi học đệ tam, cái thời gian cho tôi chớm yêu và say thơ lãng mạn của Xuân Diệu và Nguyễn Bính. Và câu thơ dưới đây đã dính chặc hồn tôi từ dạo ấy:

“Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông
Một người chín nhớ mười mong một người
Gió mưa là bệnh của trời
Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng.”


Đọc thơ Nguyễn Bính cho tôi nghĩ về tâm trạng tương tư của chính mình:

“Đêm về hồn mãi miên man
Nhớ em cái nhớ nồng nàn con tim
Xa em bướm mãi đi tìm
Nụ hoa ngày cũ sao im lặng lòng ?”


(Nhớ Em, VHLA)

Trong khi đó Nguyễn Bính còn bài tương lòng khác mà tôi thích là “Người Hàng Xóm”. Hai người ở cạnh nhà, nhưng oái oăm thay cái giậu mồng tơi lại chia cắt, cách trở hai tâm hồn yêu trong cô đơn:

“Nhà nàng ở cạnh nhà tôi
Cách nhau cái giậu mồng tơi xanh rờn
Hai người sống giữa cô đơn
Nàng như cũng có nỗi buồn giống tôi.”


Trong bài “Lòng Yêu Thương”, Nguyễn Bính tỏa tâm sự lòng như sau:

“Yêu yêu yêu mãi thế này !
Tôi như một kẻ sa lầy trong yêu”


Rồi nhà thơ lại tôn vinh, thờ phượng người mình yêu chính là vị nữ thần linh thiêng trong tâm hồn. Ngược về quá khứ 1940 khi Nguyễn Bính làm bài thơ này, khuynh hướng xã hội tại Việt Nam thời ấy vẫn còn khép kín chuyện tình yêu lứa đôi ngoài công cộng thì dư luận phải đồng ý là Nguyễn Bính thuộc lớp nhà thơ mới, vô cùng táo bạo và sự phóng khoáng của ông đã đi ra ngoài khuôn khổ thuận lợi của xóm làng hay xã hội cũ:

“Ai yêu như tôi yêu nàng
Họp nhau lại, họp thành làng cho xinh
Chung nhau dựng một trường đình
Thờ riêng một vị thần linh là Nàng.”


Năm 1941, ông sáng tác bài “Vì em”, nhà thơ bảo rằng vì em mà ông làm thơ, để rồi nhớ mong, để rồi mơ được ôm em vào lòng, và để rồi hôn em bằng sự thơ ngây trong tâm hồn:

“Tôi xin ôm lấy vào lòng
Tôi xin giữ lấy trọn vòng thời gian
Tôi xin sung sướng vô vàn
Để ca ngợi, để mơ màng em luôn

Tôi xin dành một chiếc hôn
Đặt lên tất cả tâm hồn thơ ngây”


Cũng “Vì Em” mà nhà thơ muốn kính cẩn tôn thờ em sống mãi bên bờ sông yêu đương. Và bù lại chàng chỉ cần nàng ban cho nụ cười hay những lời ngọt ngào ái ân:

“Tôi xin kính cẩn vọng thờ
Thắp hương cầu nguyện bên bờ sông yêu
Nhưng đau lòng biết bao nhiêu !
Người tôi yêu chỉ biết yêu như người

Chỉ cho tôi những nụ cười
Chỉ cho được những lời ái ân...”


Đó là bài “Vì Em” của Nguyễn Bính. Còn sự lãng mạn của Xuân Diệu trong thi ca như thế nào ? Ngày cũ của lớp đệ tam tôi thích bài “Vì Sao” của Xuân Diệu, chỉ mấy dòng thơ cho tôi say sưa ngâm nga, đã ru kỷ niệm cũ vào thuở biết mộng mơ vì khi đã yêu thì mơ mộng nhiều:

“Làm sao cắt nghiã được tình yêu
Có nghiã gì đâu một buổi chiều
Nó đến hồn ta bằng nắng nhạt
Bằng mây nhè nhè, gió hiu hiu...”


Đọc bài thơ "Vì Sao" của Xuân Diệu tôi thấy lòng bâng khuâng, xao xuyến để rồi tự hỏi chính mình biết "yêu" là gì không và rồi tôi làm thơ yêu, bạn nghe nhé:

“Yêu ai, ai nhớ mộng nhiều
Yêu ai, ai biết mình yêu cái gì ?
Yêu ai, ai hỏi làm chi ?
Yêu ai, ai biết chỉ vì đôi môi

Yêu ai, lòng lắm bồi hồi
Yêu ai, chết lịm bờ môi người về
Yêu ai, ai lỡ đam mê
Yêu ai, ai lỡ nhiêu khê đời mình...”


(“Yêu Ai", VHLA)

Nói về thơ tiền chiến về yêu, người ta không thể không nghĩ đến bài thơ "Yêu" của Xuân Diệu, nó vốn đã thịnh hành, phổ quát trong dân gian, ít ra là câu đầu:

“Yêu là chết trong lòng một ít
Vì mấy khi yêu mà chắc được yêu
Cho rất nhiều song nhận chẳng bao nhiêu
Người ta phụ, hoặc thờ ơ, chẳng biết.”


Riêng tôi đã chẳng thuộc lời nhà thơ Xuân Diệu khi vướng vòng khổ lụy yêu đương, mà lại tự trấn an, tự nhủ khi cả quyết mình biết đắm say thú yêu đương, rồi tôi làm bài "Tôi yêu" nhắn gửi người em gái tôi mộng mơ về nàng:

“Tôi yêu vì bởi tôi yêu
Này, cô em nhỏ hỏi nhiều vì sao...
Tôi yêu đừng hỏi tại sao ?
Tôi yêu một mối tình cao ngút trời”


(“Tôi yêu”, VHLA)

Nói về thơ hôn, Xuân Diệu là một trong các nhà thơ khá táo bạo đề cao nụ hôn trong thi ca. Ông sáng tác bài "Hôn" như sau:

“Trời ơi ôm lấy say sưa
Mặt khao khát mặt, lòng mơ ước lòng
Hôn em nước mắt chảy ròng
Em ơi ! Như ngọc đèn chong vẫn chờ.”


Trong niềm khát khao, sung sướng khi yêu nhau và rồi hôn nhau đến lệ tuôn trào. Đó là biểu hiện cho tình yêu đích thật khi con tim rung động dâng cao quá bờ xúc cảm. Nói đến đây tôi bổng nhớ đến bài "Nụ Hôn Đầu" của nhà thơ nữ Hồng Vũ Lan Nhi, chị sáng tác bài này năm 1960 trong cùng nhịp điệu thổn thức tràn dâng, khi con tim xao xuyến đến rơi lệ vì được hôn như sau:

"Nụ hôn đầu, ôi, sao đắm say
Em úp mặt vào đôi bàn tay
Chẳng biết vì sao Em lại khóc
Cho môi hồng thấm lệ tràn đầy"


Xuân Diệu lại tiếp bài thơ “Hôn” khi diễn tả về người yêu của mình:

“Em hôn anh suốt một giờ
Anh hôn em mấy cho vừa lòng đau
Sao mà xa cách giữa nhau
Để cho tháng thảm ngày sầu thế em ?”


Nhà thơ HVLN là một trong những nhà thơ nữ có thơ hôn thặng dư phong phú, tôi đọc nhiều áng thơ của chị, thơ chị làm mượt mà, trau chuốt chan chứa nỗi lòng, nhất là những xúc cảm từ con tim. Bài thơ hôn khác mà tôi ghi nhận là "Nụ Hôn Trinh Nguyên", nó cũng tượng trưng cho kỷ niệm dấu yêu đầu đời khi con tim chớm yêu của thuở thiếu thời:

“Nụ hôn theo gió bay đi
Còn trên môi ấm chút gì nồng say
Hương trinh nguyên vẫn ngất ngây
Trọn đời vẫn nhớ phút giây bão tình”


Khi cơn bão tình đến cho nụ hôn thêm say đắm, cuồng nhiệt, hãy tận hưởng giấc nồng cuồng si vì yêu đương ngất ngây, khi tâm hồn tràn dâng ngàn sao lấp lánh của mùa ái ân đến trong bờ mắt em:

“Mắt em lấp lánh sao rơi
Môi em như đoá mộng đời ngất ngây
Hằn trên môi vị cay cay
Hồn anh ngơ ngẩn, đắm say một đời.”


(“Nụ Hôn Trinh Nguyên“, HVLN)

Đó là sự gợi nhớ ánh mắt đắm đuối khi người nữ được hôn. Xuân Diệu mô tả trong thơ ông về nụ hôn mà ông trao cho người yêu trong bài “Hôn Cái Nhìn” như sau:

“Không phải anh hôn nơi mắt
Anh hôn cái nhìn của em
Mắt em một vùng yêu mến
Thắt anh trong lưới êm đềm”


Xuân Diệu đắm say trong cái nhìn của người yêu đượm không gian chứa chan sự dịu vợi vì ánh mắt biểu lộ sự đồng loã khi được hôn:

“Xin em cho phép anh hôn
Cái nhìn em, gương tâm hồn
Cái nhìn em trong không gian
Trong hồn anh giữ chứa chan.”


Trong niềm tin yêu dâng tràn tâm tư, VHla sáng tác bài “Gởi người tôi yêu” ấp ủ một thoáng nhẹ nhàng khi hôn em như thơ Xuân Diệu:

“Gởi em một đóa hoa hồng
Để anh vương vấn hương nồng ngây thơ
Đôi môi chạm phải tình cờ
Anh yêu ngày cũ mộng mơ phím đàn”


Trong cái nhớ nhung, mãi vương vấn hình bóng người yêu, Xuân Diệu sáng tác bài “Vấn Vương”:

“Anh chả hiểu vì sao vấn vương
Năm năm, như mấy chục năm trường
Vẫn làn mắt ấy, làn môi ấy
Anh hãy còn thương, chẳng hết thương”


Khi người mình yêu thương nhiều mà tình không đến như ý muốn thì màn đêm trăn trở chỉ là nỗi niềm của nước mắt nhớ nhung:

“Nằm đêm anh cứ thương em
Rơi nghiêng nước mắt một bên gối nằm
Thế này cho hết trăm năm
Đến muôn năm vẫn âm thầm thương em.”


(Nằm Đêm Anh Cứ Thương Em, XD)

Nhà thơ Xuân Diệu có nhiều áng thơ tự tình tiêu biểu cho mối tương lòng, những mối tình không trọn vẹn để cái hương thơ của ông trở nên lãng mạn vô cùng và nó như loài hoa bất tử trong vườn thơ Việt Nam:

“Bữa nay lạnh, mặt trời đi ngủ sớm
Anh nhớ em, em hỡi ! Anh nhớ em
...
Anh nhớ tiếng. Anh nhớ hình. Anh nhớ ảnh
Anh nhớ em, anh nhớ lắm ! Em ơi !...”


Trong thi ca lãng mạn của những tác giả và tác phẩm trên khi mà chiều dài của nỗi nhớ nhung chạy vào màn đêm vô tận, thì nhịp tim dâng tiếng lòng mãnh liệt và giấc ngủ bị chôn vùi trong lãng quên để thay thế bằng những áng thi ca bất hủ. Cuộc đời theo luật tương đối, nên không có nguyên tắc lý tưởng trong tình yêu, vì bản sắc tình yêu vốn trắc trở và nhiêu khê mới nẩy sinh ra những tác giả hay tác phẩm bất hủ cho đời vây. Vâng, chính những cái nhiêu khê trắc trở hay những cái dở dang không trọn ven đó trong tình trường mới là nguồn cảm tác được quần chúng ái mộ, tán thưởng trong các lãnh vực thuộc bộ môn nghệ thuật như thơ, văn, nhạc, kịch, phim ảnh và hội họa.

Trong sự ái mộ văn chương và cho tôi nỗi niềm ân tình gợi nhớ thi ca lãng mạn của những Nguyên Sa, Nguyễn Bính, Xuân Diệu, Jacques Prévert và Hồng Vũ Lan Nhi, VH muốn trình bày cái thầm kín riêng tư mà các tác giả đã bày biện nỗi lòng mình lên trên nhiều trang giấy. Và chiều dài cho những tình yêu mà họ đã trải qua, những nhớ mong của nhịp đập con tim dù xao xuyến dấu yêu hay dù thất vọng dở dang vẫn là những chuỗi suy tư dài như thời gian và định mệnh đưa đẩy họ vào cái không gian bất tận của nghiệp thi ca hay những mối tình đã vào dĩ vãng yêu thương chỉ còn lắng đọng lại trong văn chương sau này.

Việt Hải, Los Angeles

User avatar
khieulong
Posts: 6756
Joined: Wed Dec 01, 2004 9:09 pm
Been thanked: 1 time

Post by khieulong »

Image

Tối Chủ Nhật lan man âm nhạc

Câu Lạc Bộ Tình Nghệ Sĩ nếu đã thành công tại tại San Jose, Bắc Cali, phải nói là quý anh chị Bắc Cali đã giúp đỡ bạn bè phương xa về, yếu tố địa phương San Jose là những thành tố rất quan trọng, xin một lần nữa tri ân tình bằng hữu Văn Nghệ Sĩ nói chung. Tôi có dịp nghe bác sĩ nhạc sĩ Lê Khắc Bình ca hôm ra mắt sách và bây giờ lại được biết thêm về tài nghệ hòa âm của anh. Tôi thích nghe nhạc hòa tấu vào đêm khuya, vắng lặng, khi mợi vạn vật khung cảnh chung quanh chìm lắng trong giấc ngủ, chỉ mình ta thả hồn theo âm nhạc không lời, như vậy mới đích thực nghe nhạc khi bám theo từng tiết tấu, tiếng nhạc cụ hòa quyện vào nhau. Con người khi lắng nghe tiếng mưa rơi hồn xao xuyến, thì tiềng nhạc hòa tấu hay, do được hòa âm hay sẽ xao xuyến hơn gấp bội lần.


Riêng với anh toubib nhạc sĩ Phạm Anh Dũng là chỗ thân tình quen biết, tôi được nghe nhiều tác phẩm của anh, những CD tiêu biểu như CD Đưa Người Về Phương Đông,... Phạm Anh Dũng là một trong những nhạc sĩ của giai đoạn cuối thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21 có những dòng nhạc theo khuynh hướng nhạc tiền chiến, ví dụ những bài ca trong CD Đưa Người Về Phương Đông là điển hình. Mà nhạc tiền chiến được nhiều người trước 75 quyến luyến, thích thú, nó là dòng nhạc đầu tiên của giai đoạn tân nhạc Việt Nam mang âm hưởng trữ tình lãng mạn ra đời, thời Việt Nam chịu ảnh hưởng Pháp thuộc, vào cuối thập niên 1930; ít nhiều văn hóa Pháp, nhạc cụ tây phương, nhạc lý và ký âm nhạc học về thanh nhạc và sáng tác nhạc mà người của ta học từ người phương tây. Nét air nhạc tình cảm lãng mạn từ phương trời âu tây truyền sang bên ta của những làn air như các bài
"Tout le jour, toute la nuit", năm 1932 do Fred Astaire trình bày, hay "J'ai deux amours, mon pays et Paris" sáng tác năm 1931 bởi nhạc sĩ Vincent Scotto, lời do 2 nghệ sĩ Geo Koger và Henri Varna hợp soạn, do ca sĩ Joséphine Baker trình bày, rồi "Quand on est matelot", ra đời năm 1936 nhạc có nhịp điệu vui, cũng như "Quand l'amour sourit", năm 1930,...

J'ai deux amours, mon pays et Paris,
Ruth Jacott trình bày:
http://www.nhaccuatui.com/bai-hat/jai-d ... AlkgS.html


Và những ca sĩ được ái mộ như Tino Rossi, Rina Ketty, Albert Préjean, Georges Milton... Giữa thập niên 30 và về sau những bài hát của Pháp như Marinella, C'est à capri, Tant qu'il y aura des étoiles, Un jour loin de toi, Celle que j'aime éperdument, Les gars de la marine, L'oncle de Pékin, Guitare d'amour, Créola, Signorina, Sous les ponts de Paris, Le plus beau tango du monde, Colombella...

Le Plus Beau Tango Du Monde -
Marcel Amont trình bày:
http://www.nhaccuatui.com/bai-hat/le-pl ... C5Kvl.html

Trong những thập niên 30-40 và về sau đó, những nhạc sĩ của loại nhạc mới lãng mạn như Lê Thương, Thẩm Oánh, Hoàng Quý, Văn Cao, Đặng Thế Phong, Tô Hải, Đoàn Chuẩn, Dương Thiệu Tước, Hoàng Trọng, Vũ Thành, Anh Bằng,.... những bài ca như Nụ Cười Sơn Cước, Cô Láng Giềng, Tà Áo Xanh, Hòn Vọng Phu, Con Thuyền Không Bến, Giọt Mưa Thu, Buồn Tàn Thu, Cung Đàn Xưa, Nỗi Lòng Người Đi, Giấc Mơ Hồi Hương,... những bài nhạc được xem như loại tiền chiến.


Giấc Mơ Hồi Hương -
Nhạc Vũ Thành, Mai Hương trình bày:
http://www.nhaccuatui.com/bai-hat/giac- ... CJITR.html

Hận Ly Hương,
Ngọc Quỳnh, Việt Hải:
http://www.saigonocean.com/gocchung/htm ... 7-2012.pdf


Nếu Vũ Thành có Giấc Mơ Hồi Hương, tôi nghĩ Phạm Anh Dũng có Tình Khúc Hồi Hương, rất "tiền chiến" theo khuynh hướng phân loại âm nhạc. Ngày trước 75 những người xa đất Bắc trong nỗi lưu luyến, buồn bã ôm giấc mơ sẽ trở về cố hương không còn giặc thù CS. Nỗi niềm như vậy giờ đây cũng là giấc mơ cho nhiều người hải ngoại sẽ chỉ trở lại Việt Nam một khi chính thể không thích hợp hiện hữu vốn bạo ngược, tàn ác cần được cáo chung.


Tình Khúc Hồi Hương,
Phạm Anh Dũng, Việt Hải:
http://www.saigonline.com/phamanhdung/P ... ietHai.php


Trong các bài tình ca của Phạm Anh Dũng, khi nghe nhạc phẩm "Mùa Xuân Anh Yêu Em" tôi thích lắm, nghe xong ôm keyboard viết ngay một truyện vui thời còn đi học. Một bài tình ca khác khá lãng mạn, âm điệu nhẹ nhàng, thấm đượm nét diu dàng không kém bài trên là bài "Yêu em và yêu em". Tôi nghe riết hình như trong tôi thì nếu "Mùa Xuân Anh Yêu Em" do ca sĩ Hoàng Quân hát thì "Yêu em và yêu em" phải do đôi nghệ sĩ Vương Đức Hậu và Minh Ngọc song ca thì mới đúng goût âm nhĩ.

Yêu em và yêu em,
Phạm Anh Dũng, Vương Đức Hậu và Minh Ngọc:
http://www.nhaccuatui.com/video/yeu-em- ... EhnD4.html

Image

Nhạc tình ca Phạm Anh Dũng...
Mùa Xuân Anh Yêu Em,
Phạm Anh Dũng, Hoàng Quân trình bày:
https://soundcloud.com/phamanhdung/m-a- ... ph-m-anh-d


"Với các cặp tình nhân thì khoảng thời gian dư dã khi xếp hàng dài như thế này sẽ tha hồ cho họ trao đổi, thủ thỉ những tâm sự, những điều không đâu vào đâu với người khác, nhưng lại quan trọng đối với họ. Ịiều mà người Anh hay Mỹ gọi là những "sweet nothing", tôi hỏi nàng câu chân thật nhất là vì sao nàng lại quay về Los Angeles. Nàng thố lộ là gia đình nàng có ý định gả nàng cho một vị bác sĩ mà nàng không thương và không quen. Cha nàng nghĩ là hôn nhân cần sự vững vàng về cuộc sống xung quanh mà anh chàng này có thể mang đến cho nàng. Nhưng Mai lại dứt khoát thoái thác và xin cha cho dọn về nam Cali. Tôi nói với Mai quan niệm thân phụ của nàng rất hợp lý, nó như cái thực tế tại xứ này mà thôi. Nàng hỏi tôi:
- "Anh có nhớ là Pascal nói: "Con tim có những lý lẽ mà lý trí không biết" không?". "
Ref. Link:
http://music.vietfun.com/trview.php?cat=13&ID=7635

"Tôi mỉm cười đồng ý và cuối hôn trên mái tóc của nàng như cám ơn cái ân tình mà nàng dành cho Los Angeles hay cho tôi.

Ra khỏi rạp hát, tôi ghé vào bưu điện lấy thơ, trong xấp thơ tôi nhận có CD nhạc có bài hát của người nhạc sĩ bạn quen sáng tác gởi tặng. Tôi mở máy nghe thử, mà tự hỏi bài nhạc sao lại đến đúng lúc mà tôi rất cần nó nhất như lời cầu hôn khi mùa xuân về cho hai chúng tôi trao lời tình tự yêu thương vô tận:

"Này em hỡi, xuân về rộn ràng. Bầy chim hót líu lo chào mừng. Nụ xuân ngát hương dịu ngọt ngào. Làn gió mát đưa tình yêu lên cao. Này em tôi, anh yêu em màu xanh, yêu trời xanh. Anh yêu mùa xuân, yêu nắng xuân. Và anh... anh yêu em... anh yêu em. Này em hỡi, xuân về bàng hoàng. Mầu môi thắm sao mà nồng nàn. Dòng tóc vắng bay trong chiều vàng. Em có biết xuân về hay không?", ("Mùa Xuân, Anh Yêu Em", Phạm Anh Dũng)

Viết cho những mùa xuân về trong dĩ vãng của một thuở hẹn hò, một thuở thần tiên trong đời."

Mùa Xuân Anh Yêu Em
Việt Hải
http://www.truyenviet.com/truyen-ngan/6 ... anh-yeu-em

Cám ơn anh Phạm Anh Dũng, anh Lê Khắc Bình và cô em LVD Nguyễn Túy Vân rất mê âm nhạc. Thật vậy, triết gia Friedrich Nietzsche phát biểu cảm nghĩ về âm nhạc như sau:

- "Without music, life would be a mistake.”
(Friedrich Nietzsche)

- Thi hào William Shakespeare ngôn là: "If music be the food of love, play on."

- Nhà hiền triết Hy Lạp Plato cho chúng ta ý niệm ông nghĩ gì về âm nhạc: "Music is the movement of sound to reach the soul for the education of its virtue."

- Còn văn hào Nga Leo Tolstoy cho ý nghĩ: "Music is the shorthand of emotion."

Sau cùng, xin mời nghe....
Image

Dạ Quỳnh Hương,
Tình ca Phạm Anh Dũng:
http://www.nhaccuatui.com/playlist/da-q ... ySZwG.html

Image
Và nhạc hòa tấu
do NS. Lê Khắc Bình hòa âm:

Việt Hải Los Angles

User avatar
VuPhong
Posts: 2910
Joined: Wed Dec 01, 2004 4:28 pm

Post by VuPhong »

Image

Thu Đến Bao Giờ ?

Việt Hải


Sáng nay thức giấc, những tia nhạt của đầu thu len qua cửa sổ, tiếng nhạc của Lam Phương vang lên từ phòng ngoài, bài ca quen thuộc "Thu Đến Bao Giờ" qua tiếng hát Ý Lan:

http://www.nhaccuatui.com/nghe?M=NMvxkoDzhJ

"Mùa thu hỡi,
Đời đã đón thu về đây bao giờ
Người đã đón thu bằng câu
Mong chờ với mộng mơ.

Mình em đếm lá úa
Từng chiếc lá kỷ niệm xưa.
Vai sát vai trong chiều mưa
Nói sao tình cũng chưa vừa... "


Lam Phương có những bài thu, Thu Buồn buồn lắm, một tác phẩm đệm cho một vở kịch của Túy Hồng ngày xưa. Thông thường người đời thường ví von về ý nghĩa của mùa thu như sự tiễn đưa, sự chia ly, sự buồn bã, không gian buồn tênh,... từ nhạc Pháp, Mỹ hay Việt, những Autumn Leaves (hay Les Feuilles Mortes), Chanson d'Automne (Autumn Song hay Thu Ca, nguyên thủy từ thơ của thi sĩ Paul Verlaine), Mùa Thu Chết (L'Adieu, những ý tưởng như Les feuilles rousses, Automne malade, Farewell, Autumn's death, ý thơ của thi sĩ Apollinaire),... Mùa Thu của những Đoàn Chuẩn Từ Linh, Hoàng Trọng, Dương Thiệu Tước, Ngô Thụy Miên, Đức Huy, Cung Tiến... Tôi thích mùa “Thu Quyến Rũ” của Đoàn Chuẩn, hay Mùa Thu Cho Em của Ngô Thụy Miên cho những tiếng thu yêu đương, tâm hồn lạc quan. Nếu Lam Phương có những Thu Sầu, Thu Đến Bao Giờ, Chiều Thu Ấy, Tàn Thu cho không gian buồn, nhưng Mùa Thu Yêu Đương là mùa thu vui tươi, thu hẹn hò. Không gian dìu hồn tôi theo tiếng nhạc miên man...

http://www.nhaccuatui.com/nghe?M=JxPZCk2bzr

"Đường vào Paris
Có lắm nụ hồng
Có tiếng thì thầm,
Nhưng anh chẳng cần
Mình sống cho nhau

Vượt lòng đại dương
Mình gặp lại đây
Sau cơn khát dài

thương nhớ bao ngày
Tình yêu trong tay

Mùa thu ơi!
Paris dệt mộng tình si
Khi nghe người đi vào đời,
Thấy lòng như bớt đơn côi

Bờ môi em là nguồn tin yêu đắm đuối
Ngày thuyền tình vào bến mới
Ta sẽ cho nhau tình yêu tuyệt vời..."


Nói đến bài Thu Đến Bao Giờ của Lam Phương tôi nghe, nhưng chưa có dịp viết cảm nhận, bài trùng tên của nhạc sĩ Phạm Anh Dũng phổ thơ Phạm Ngọc do ca sĩ Mỹ Khanh ca, tôi đã nghe và ghi nhận những ý tưởng về lời thơ:

Thu Đến Bao Giờ?

Tiết trời mấy hôm nay đã dịu hẳn để như tiễn chân mùa hè và đón thu sang. Mùa thu với tôi nó có ý nghiã đậm đà trong văn chương khi nắng thu lung linh nhạt bóng đường, gió thu man mác nhẹ lay bờ tóc em, khi mà khung trời thu giăng mây ngàn lãng đãng như tơ trời vờn áo em. Tôi nghe tiếng ca mang bao quyến rũ và chan chứa bao dịu dàng qua bài “Thu Đến Bao Giờ”, chút gì Paris qua nỗi nhớ:

“Đây khúc hát mùa thu
Vang trong lòng phố
Rót sâu vào nỗi nhớ
Từng giọt mưa quen
Em về bến sông Seine
Anh qua lối cũ
Thoảng thơm mùi hoa sứ “


Ánh nắng chiều soi vàng hoa cúc để lay mùa thu xưa, để nhớ nhung vỡ tan bờ ký ức, từng lời thơ, từng lời ca rung động tim tôi, hoa sứ nhà nàng khi xưa đấy chứ?
Áo vàng hoa cúc vỡ òa ký ức, lao xao nỗi lòng.

“Chiều lên chiều lên
Theo gót chân em
Cúc vàng gót nhỏ
Đường xôn xao gió
Lay động mùa xưa
Như ngọn sóng đưa
Vỡ òa ký ức”


Nhạc phẩm này do Mỹ Khanh hát, giọng ca của cô như nam châm thu hút vì những âm vang nghe như ký ức thoảng bên tai tôi. Mùa Thu về trong thơ Phạm Ngọc hay nhạc Phạm Anh Dũng lâng lâng niềm xao xuyến như “Thu Quyến Rũ” của Đoàn Chuẩn hay bâng khuâng nỗi lòng khi thu về như “Mùa Thu Cho Em” của Ngô Thụy Miên. Nhạc mùa thu của Phạm Anh Dũng mang hơi ấm vấn vương nỗi lòng:

“Lửa tàn khói thuốc
Ấm bờ môi khô
Chút tình đã bâng quơ
Hồn đau ngọn cỏ
Chia tay nhau ngày nọ
Thu đến bao giờ “


Tôi có chút nhà quê là không biết rít thuốc lá thật "pro", khi hít vào sâu tận buồng phổi thênh thang chiều thu không gian vô tận, xong ém khói cho phê cả trung khu thần kinh trí não, và cho khói huyền nhẹ bay ra từ mũi như các ông anh Mai Thanh Truyết, Nguyễn Xuân Nghĩa, Phạm Gia Cổn hay Phạm Quốc Bảo, nhưng cảm nhận từ nội tâm thiếu thiếu điều gì đó, phải chăng gió thoảng nhẹ, chất nhựa cho hồn ta bay cao, thơ lâng lâng cho chút lãng mạn, chút mây nicotine phù vân lãng đãng cần thiết.

Khi tôi nghe bài Chiều, tôi vô cùng thích thú vì gió say sưa vang tiếng buồn, cho ngập hồn nicotinetheo hương gió Marlboro hay ba con 5, những ai rít một phùa ba con 5 như goût cua Mai Thanh Truyết hay hương Marlboro của Phạm Gia Cổn hay Phạm Quốc Bảo mới có cảm nhận thực thụ, Chiều là bài thơ vô cùng hay hay của thi sĩ Hồ Dzếnh, được Dương Thiệu Tước phổ nhạc như trích đoạn:

"Trên đường về nhớ đầy,
Chiều chậm đưa chân ngàỵ
Tiếng buồn vang trong mâỵ
Tiếng buồn vang trong mâ...

Tôi là người lữ khách
Màu chiều khó làm khuây,
Ngỡ lòng mình là rừng,
Ngỡ hồn mình là mây,
Nhớ nhà châm điếu thuốc,
Khói huyền bay lên cây..."


Muốn là người lữ khách, hay người tỏa thơ cho tâm hồn lâng lâng bay bỗng để cho khói huyền bay lên cây, tôi nghĩ thiết thực hãy cho lời nhạc hay thơ được đệm hương sắc nicotine vào. Trong sự đồng cảm cho người lữ khách, tôi tìm ra sự tương đồng giữa cụ Hồ Dzếnh và thi sĩ Phạm Ngọc. không thể không chú ý các câu thơ:

"Lửa tàn khói thuốc
Ấm bờ môi khô
Chút tình đã bâng quơ
Hồn đau ngọn cỏ"


Thực vậy, khi thu buồn chợt về, người đã bỏ ta ra đi, ngọn cỏ lao xao đau đớn như hồn ta, hãy rít ba con 5 cho gió huyền bay nhẹ lên cao để tiễn đưa cuộc tình buồn vậy.

Tôi nghe CD liền tù tì của Mỹ Khanh hát trong cả hai CD là “Nắng Mùa” và “Ngàn Thu Áo Tím”.
Trong CD “Nắng Mùa” có 10 bài hát do thơ Phạm Ngọc và nhạc Phạm Anh Dũng. Bài “Trẩy Nhánh Mù Sương”, nhịp điệu valse thánh thót đưa gót chân, dù nay bước chân đi sao hơi khó, nhưng giọng ca Mỹ Khanh, chút gì thoảng air Vân Khanh, dịu và ngọt, sweet and tender lắm, cho ta linh cảm xôn xao hồn mở toạc lối đi:

“Hạ về thay áo
Xôn xao bờ cỏ
Em về bỗng nhiên
Hồn anh mở ngỏ

Hanh vàng giọt nắng
xanh màu áo lụa
Trên những ngổn ngang
Tim anh giao mùa”


Trời thu trong thơ Phạm Ngọc giăng tím không gian biên biếc cho trẩy nhánh sương mù, khi mà tình như cánh gió bay cao và chuyển hướng để rồi đôi ta mất nhau như hôm nào:

“Tình như cánh gió
Chuyển hướng ai ngờ
Xô con nước vỡ
Tan hoang bến bờ

Em đi mùa lá
Tím biếc trời thu
Mất nhau từ đó
Trẩy nhánh sương mù”


Một bài ca tiêu biểu cho tiếng hát Mỹ Khanh trong air nhạc của Phạm Anh Dũng là bài “Gọi Nắng”, tôi phê bốn câu sau: Em như một giòng sông, vào tôi ngàn con sóng, trong tôi mùa gió lộng, một lần em thoáng qua:

“Em đến thật hồn nhiên
hiền vô tư cỏ lá
nụ cười em nắng hạ
thắp lửa phía tôi - chiều

Em như một giòng sông
vào tôi ngàn con sóng
trong tôi mùa gió lộng
một lần em thoáng qua”



Hương mùi tóc em phảng phất theo gió cho ai đấy xao xuyến, vui chín mộng lòng yêu đương. Nhẹ bước chân em vui chân guốc mộc, bài hát mang cả bầu trời quê hương ngày nào hiện về:

“Mai em về phố xa
giữ dùm tôi mắt biếc
trái tim tôi từng nhịp
vui theo bước chân người

Em về đâu nắng ơi
còn đây mùi hương tóc
bàn chân em guốc mộc
gõ hồn tôi bên này”


Mùa thu đến chỉ có ý nghĩa khi tôi có em, và em trong ký ức cũ có những con phố Paris, có dòng sông Seine lững lờ, có mùa thu yêu đương khi ta đi bên nhau trong vườn Luxembourg hoa mộng. Nào, chúng ta nghe bài “Em - Mùa Thu Của Tôi”:

“vẫn còn mùa thu của mưa
và em bên kia nỗi nhớ
vẫn còn mùa thu của gió
ai về đứng giữa mùa xưa

Paris buồn giữa trời thu
cơn mưa ùa theo hối hả
tiếng đàn pha cùng tiếng gió
thở dài thành những cơn mưa”


Mưa rơi giăng giăng phất phơ, cho không gian u buồn, tôi cầm tay em lặng nhìn dòng nước sông Seine, chiều mưa sao lỗi hẹn, để mùa thu của em như xa lạ, như mắt lệ nhạt nhòa cả đời sau. Tiếng nhạc vừa chấm dứt trong nhịp điệu buồn vơi:

“em mùa thu của tôi
chẳng đợi chờ sao lại đến
đành một lần lỗi hẹn
sông Seine buồn - quá xa xôi

em mùa thu của tôi
một chiều về trong vội vã
trong nhau như rất lạ
mưa còn suốt cả đời sau...”


Trong CD “Ngàn Thu Áo Tím” Mỹ Khanh trình bày 10 bài ca về mùa thu, những mùa thu như muôn thuở chất chứa đầy nét không gian mùa thu. Bài “Ngàn Thu Áo Tím” của nhạc sĩ Hoàng Trọng, phổ thơ Vĩnh Phúc. Đây là bài ca được đặt tên cho CD này. Tôi vốn thích bài này trong nhiều bài hát của nhạc sĩ Hoàng Trọng, nhạc hay mà người trình bày lại đưa hồn người thưởng ngoạn theo hương thu bay lâng lâng.

“Ngày xưa xa xôi em rất yêu màu tím
Ngày xưa vô tư em sống trong trìu mến
Chiều xuống áo tím thường thướt tha
Bước trên đường gấm hoa
Ngắm mây chiều lướt xa

Từ khi yêu anh anh bắt xa màu tím
Sầu thương cho em mơ ước chưa kịp đến
Trời đã rét mướt cùng gió mưa
Khóc anh chiều tiễn đưa
Thế thôi tàn giấc mơ”


Những chiều thu cho mưa rơi để không gian cho em mặc áo tím khi bóng hình anh xa xôi. Hồn em thêm lạc lõng, mắt nhòa lệ rơi. Em ơi, biết đến bao giờ ta gặp lại nhau:

“Từ khi xa anh em vẫn yêu và nhớ
Mà sao anh đi đi mãi không về nữa
Một bóng áo tím buồn ngẩn ngơ
Khóc trong chiều gió mưa,
Khóc thương hình bóng xưa
Ngàn thu mưa rơi trên áo em màu tím
Ngàn thu đau thương vương áo em màu tím
Nhuộm tím những chuỗi ngày vắng nhau
Tháng năm càng lướt mau
Biết bao giờ thấy nhau.”


Cuối cùng của CD “Ngàn Thu Áo Tím” là bài tình ca của nhạc sĩ Phạm Anh Dũng, bài hát như là một top hit của anh, Mỹ Khanh với air dịu dàng qua nhạc phẩm “Tình Là Hư Không”:

“Chiều thu mưa vẫn rơi
Chiều thu mưa vẫn rơi
Nhạc thu ru nắng phai nhạt nhòa cuối trời
Rồi em theo gió bay
Tình em như bóng mây
Tình anh như núi sông, biển rộng mênh mông"


Lời nhạc cho ta cái cảm nghĩ tình yêu như phù vân, như mây bay lãng đãng bay, và như gió lay lay cuộc sống. Ta có nhau để rồi ta mất nhau như khi tình bay xa:

"Tóc mây dài gọi hồn sương khói
Ngón tay ngà gợi buồn xa vắng
Rồi một ngày, lệ thu hoen mầu nắng
Lá thư vàng dần theo năm tháng
Nhớ nhung hoài cuộc tình không lối
Thương người, lặng lẽ nghe mùa thu rơi"


Mùa thu nào dâng sầu biệt ly, mùa thu về tiễn bước người đi. Tình cuối cùng chỉ là sắc sắc, không không. Tính chất không bền vững của cuộc sống theo Phật giáo vốn là sự phù du vô thường của kiếp nhân sinh, tình đến rồi tình đi. Cái triết lý đó hình như tôi đã cảm nhận trong dòng nhạc thiền của nhạc sĩ Phạm Anh Dũng:

“Chiều thu mây trắng bay
Chiều thu mây trắng bay
Ngàn thu mây vẫn bay

dù mộng không đầy
Mùa thu cơn gió lay
Hồn thu đưa lá bay
Tình ta như sắc không...
Tình là hư không”


Cuộc sống cần âm nhạc, vâng thực vậy, tôi đến trường UCR đón con về hôm qua, những cô cậu sinh viên ca hát, vang tiếng ca, có guitar, violin và piano. Âm nhạc nhẹ như loại thính phòng cho ta cảm giác an bình, êm ái. Âm nhạc làm thăng hoa cuộc sống, cuộc sống này cần có những loài sơn ca, vành khuyên, hoàng oanh, họa mi,... những yếu tố đóng góp cho âm vui, cho yêu đời. Thử hỏi trong cuộc sống này không có thi ca, văn chương, âm nhạc,... không có giới văn nghệ sĩ, không có nhạc sĩ, không có ca sĩ và không có người biết rung động trước âm nhạc, không có người biết thưởng ngoạn âm nhạc; Trời ơi, chán chết!chán bỏ sừ!

Các vĩ nhân nhận xét âm nhạc như thế nào:

* Music gives a soul to the universe, wings to the mind, flight to the imagination and life to everything. Plato

* Without music, life would be a mistake. Friedrich Nietzsche

* Music expresses that which cannot be put into words and that which cannot remain silent. Victor Hugo

*If I were not a physicist, I would probably be a musician. I often think in music. I live my daydreams in music. I see my life in terms of music. Albert Einstein

Bây giờ là mùa thu, nghe vang âm nhạc thu, cám ơn những văn nghệ sĩ của mùa thu,... và xin đừng quên mỗi khi chiều về khói huyền bay bay lên cao, bạn nhé...

http://www.nhaccuatui.com/nghe?M=MjYiD7YaGc
http://www.nhaccuatui.com/nghe?M=qY4LW66Bfm

Chúc vui cuối tuần.

Việt Hải Los Angeles

User avatar
khieulong
Posts: 6756
Joined: Wed Dec 01, 2004 9:09 pm
Been thanked: 1 time

Post by khieulong »

Image

Diệu Hương

Vài Dòng... về Nữ nhạc sĩ Diệu Hương

Từ khoảng hơn 2 năm nay, những người yêu nhạc bắt đầu nhắc nhở đến tên Diệu Hương, nhất là sau khi nhạc phẩm "Mình Ơi" của chị do Ý Lan trình bầy trên CD" Đừng Hỏi Tại Sao" ( cũng lấy từ tên một nhạc phẩm khác của Diệu Hương ) được tung ra trên thị trường. Tuy nhiên những chi tiết về người viết nhạc thuộc phái nữ này chưa được mấy người biết tới vì Diệu Hương trước đó chỉ âm thầm sống với niềm đam mê của mình là âm nhạc mà chị coi là một phương tiện để diễn đạt những xúc cảm và suy tư của chính mình.

Thật ra Diệu Hương đã viết nhạc từ khi mới 22 tuổi. Cô sinh viên trường Đại Học Chính Trị Kinh Doanh Đà Lạt năm nào đã mang rất nhiều tham vọng và rất hăng say trong các công tác văn nghệ như đàn hát hoặc viết văn. Nhưng trong sự đổi thay của thời cuộc sau biến cố tháng Tư năm 75, Diệu Hương đã dồn tất cả lẽ sống của mình vào âm nhạc. Nhờ có một số vốn liếng về văn chương đến từ sự thích thú đọc sách nên Diệu Hương đã đưa những suy tư của mình qua lời ca vào trong âm nhạc một cách rất hài hòa" Hương mê viết văn lắm. Từ nhỏ Hương mê lắm, tại Hương đọc sách nhiều, Hương đọc sách không ngừng, nhất là anh tưởng tượng khoảng 8, 9, 10 tuổi mà Hương để cả một chồng sách ở trong giường để đọc. Hương nằm Hương đọc hết cuốn này Hương thả xuống, lại đọc hết cuốn kia. Đọc sách không ngừng nhưng phải công nhận cũng nhờ qua đọc sách thì Hương cũng có một cái vốn liếng về văn chương". Cũng do sự say mê với chữ nghĩa, nên qua những lời ca của chị, người nghe rất dễ dàng nhận ra sự rất đắn đo và thận trọng trong cách dùng chữ của Diệu Hương, một người luôn tìm cách thoát ra những sáo ngữ.

Trong sự buồn bã triền miên có thể coi như tuyệt vọng như lời Diệu Hương nói về thời kỳ nhiều xáo trộn trong cuộc sống sau tháng 4 năm 75, chị đã đi tìm một giòng nhạc để quên đi những phiền muộn nhờ có sự đam mê lôi cuốn " Cũng chính vì vậy, trong những lúc Hương suy nghĩ mà bị chìm đắm như thế thì Hương lại đi tìm cái dòng nhạc để cho Hương giải thoát qua khỏi cái đó. Thoát khoœi cái buồn để Hương quên, cho nên Hương tự động Hương kiếm ở trong đầu, tìm ra cái giòng nhạc,"...

Và vào năm 1977 giòng nhạc mang tên Diệu Hương ra đời với nhạc phẩm đầu tay mang tên " Tôi Muốn Hỏi Tại Sao " . Qua nhạc phẩm này, Diệu Hương cho biết muốn nói lên tâm trạng của mình sau khi lâm vào tình trạng thất vọng chán chường vì thấy những ước mơ của chị khó lòng thành tựu trong một sự xáo trộn không lối thoát, do đó đã đi tìm những niềm hạnh phúc thật nhỏ nhoi :" Đối với Hương, đời sống lúc đó không có chi nữa hết. Tại Hương ước mơ nhiều quá mà bây giờ Hương bị thất vọng quá nhiều cho nên Hương mới đi tìm một cái hạnh phúc rất là nhỏ bé, Do đó Hương mới viết là "tôi muốn hỏi tại sao có những chiều, những chiều mưa xuống nhiều mà sao em không đứng nhìn mưa để nghe trong mạch tim em xao xuyến bất ngờ’. Cho dù một cơn mưa bất chợt cũng đủ cho mình tìm thấy một niềm hạnh phúc rất nhỏ, như khi nhìn những hạt mưa, những cái bong bóng rớt xuống đường thì đó cũng có thể là niềm vui cũng được". Diệu Hương cho biết đã viết nhạc phẩm đầu tay này trong đêm tối dưới ánh sáng mù mờ của một ngọn đèn nhỏ tại căn nhà trên đường Huỳnh Tịnh Của, Sài Gòn vì không muốn làm phiền giấc ngủ của gia đình. Sau khi hoàn tất sườn bài được viết nguêch ngoạc, chị để đến ngày hôm sau mới chỉnh lại và đã rất mừng khi nhận thấy mình có được khả năng viết nhạc. Sau đó mấy ngày, Diệu Hương đã hát cho một số bạn bè nghe trong một buổi sinh hoạt văn nghệ và rất được tán thưởng vì âm điệu dễ thương cùng lời ca thích hợp với tâm trạng của tuổi trẻ. Thời gian sau đó, Diệu Hương đã tận dụng khả năng viết nhạc của mình để tạo thành môt số ca khúc khác.
Diệu Hương sinh ngày 26 tháng 10 năm 1955 tại Huế trong một gia đình có 13 người con mà chị là con gái duy nhất. Đến năm 5 tuổi, Diệu Hương theo bố là một sĩ quan trong quân đội, cùng với gia đình vào Đà Nẵng. Tại đây chị theo học trường Sacré Coeur ( tức Thánh Tâm ) và hoàn tất bậc trung học để sau đó lên Đà Lạt theo học trường đại học Chính Trị Kinh Doanh và từng được bầu là trưởng ban văn nghệ trong những năm đại học. Trước đó Diệu Hương đã từng theo học piano với các dì phước cũng như từng hát và đóng kịch trên sân khấu nhà trường và tham gia những hoạt động hướng đạo. Tại Đà Lạt, Diệu Hương cũng ở nội trú với các dì phước và cho biết tuy thích sự khắt khe của các dì, nhưng trong lòng lại có những ước mơ rất sôi nổi, cái gì cũng muốn làm, nhưng bị đè nặng bởi những sự khắt khe đó thành ra có những điều không thực hiện được. Cũng trong thời gian này, Diệu Hương tập guitar rồi sau đó về Sài Gòn học tiếp tục với một người bạn.

Với Diệu Hương, đến khi lớn lên chỉ nghĩ là sẽ viết văn để thực hiện cho mình một quyển sách, mà cho đến nay chị vẫn muốn thực hiện điều đó. Nhưng giòng nhạc tiềm tàng từ lâu bùng dậy, để sau khi nhạc phẩm đầu tiên ra đời, Diệu Hương đã liên tiếp sáng tác thêm 5,6 nhạc phẩm khác vì chị quan niệm trong cái buồn " phải đi tìm một lẽ sống rất nhỏ để có thể cứu vớt mình một tí ". . Nhất là sau khi biết là viết nhạc được nên Diệu Hương đã tận dụng khả năng sáng tạo của mình để " Có những giòng nhạc nào bất chợt đến là chụp lấy ngay ", như lời chị nói, và sáng tác tùy theo tâm trạng hoặc chủ đề thích hợp với giòng nhạc .

Sau nhiều lần vượt biên bất thành, cuối cùng Diệu Hương và gia đình sang Mỹ vào năm 90 bằng diện HO. Đời sống nơi đất lạ đã khiến cho Diệu Hương chán nản không còn thiết tha gì đến việc sáng tác vì phải bận bịu với việc mưu sinh qua nhiều lần thay đổi việc làm. Từ thư ký cho các trường dành cho người tỵ nạn, cho văn phòng luật sư và nhân viên viên bưu điện. Hiện nay Diệu Hương đang theo học ngành graphic design. Và cuối cùng, thêm một lần nữa, chị đã " phải đi tìm một lẽ sống rất nhỏ để có thể cứu vớt mình ". Và lẽ sống đó không khác gì hơn là âm nhạc. Nhạc phẩm Diệu Hương sáng tác đầu tiên ở hải ngoại là Mùa Thu Nơi Đây vào năm 90, ngay sau khi đặt chân đến Hoa Kỳ, diễn tả tâm trạng của một người xa quê hương, nhớ về thành phố cũ trong khung cảnh một mùa thu :" Mùa Thu nơi đây tôi nhớ thương thành phố xa mờ mà bao năm qua tôi đã đi về trên những đường xưa. Mùa thu nơi đây lạnh lùng, từ nơi phương xa trời rộng lòng ai có nhớ ai không? Có tôi nỗi nhớ vô cùng...Mùa Thu nơi xưa dịu dàng, giờ trong tôi nghe muộn màng. Tình yêu cho anh một ngày, rồi một ngày nào đã phai. Về đây khi tôi ngồi lại, niềm cô đơn ôi còn dài...". Nhưng phải chờ đến một thời gian Diệu Hương mới tìm được niềm vui trong sự sáng tạo một giòng nhạc mới, điển hình như nhạc phẩm Mưa Còn Rơi Mãi Vì Ai. Chị đã sáng tác nhạc phẩm này trong một ngày mưa rất hiếm hoi ở miền nam California, được coi như một phối hợp tâm trạng mình với cảnh mưa rơi :" Đối với Hương, nếu mà nói chung thì đời sống buồn nhiều hơn vui. Có lẽ vì con người Hương có quá nhiều ưu tư. Thì có một bữa...ở Cali thì trời đâu có mưa đâu, trời không có mưa cái chi hết đó. Nhưng bữa đó không biết sao mà trời mưa dầm dề ... Mưa thì tự nhiênHương cũng nhớ Sài Gòn nữa, nên đã viết nhạc phẩm này".




Được sinh ra với một bản chất rất nhậy cảm, diệu Hương không biết sao lúc nào cũng buồn để rồi suy nghĩ. Ngay từ khi 9, 10 tuổi đã như vậy để ngay trong đôi mắt của chị người ta cũng có thể nhìn thấy sự ưu tư, qua nhiều năm tích lũy những trầm mặc. Nơi Diệu Hương, tuy bên ngoài rất năng động nhưng lại là một con người rất dễ xúc cảm: có thể vì một chuyện nhỏ buồn nào đó cũng khiến chị mất ngủ cả tháng với những trằn trọc và suy nghĩ liên miên.

Tuy nhiên đời sống trên một góc nhìn nào đó đối với Diệu Hương rất vui, do chưa gặp phải những khó khăn, trắc trở nào vì được sinh ra và hài lòng với gia thế của mình, được thoải mái với những gì nhận được từ bố mẹ do đời sống sung túc của gia đình, cùng với những chiều chuộâng thương yêu. Nhưng đó đã chắc hẳn là một niềm hạnh phúc? Diệu Hương đã trả lời câu hỏi này qua một nhạc phẩm mang tên Nơi Đâu Hạnh Phúc, phảng phất triết lý sắc sắc, không không của nhà Phật…:" Đối với Hương cái gì rồi cũng sẽ tan biến. Niềm vui đối với Hương cũng thế, nó vui rồi Hương lại thấy nó tan biến. Như hạnh phúc đối với Hương cũng vậy. Hương thấy nó hạnh phúc, xong rồi tại sao Hương suy nghĩ để rồi Hương lại thấy nó không có hạnh phúc"

Vào năm 97, Diệu Hương hoàn tất một nhạc phẩm mang tựa đề " Lặng Nhìn Ta Thôi ", để diễn tả kiếp sống của người nghệ sĩ, được ấp ủ từ lâu " Hương muốn viết một bài về một người nghệ sĩ, mà Hương muốn viết cách đó mấy năm rồi! Bài đó nó được hình thành trong một thời gian rất lâu. Vì Hương viết nửa chừng lại không viết được ! Mấy năm rối, bốn năm năm trước đang lái xe hơi giữa đường đó, Cái giòng nhạc chỉ đến với Hương có nửa chừng nên viết không được. Hương lại bỏ qua một bên, nhưng vẫn ấp ủ cái điều đó hoài"

Và cuối cùng " Lặng Nhìn Ta Thôi " được hoàn tất vào năm 97. Diệu Hương cho biết rất hài lòng với nhạc phẩm này và đặc biệt là nhận thấy rất thích hợp với tiếng hát của Lệ Thu. Và cũng do đó Lặng Nhìn Ta Thôi đã được đưa vào CD do Lệ Thu trình bầy với một số ca khúc khác của Diệu Hương. Và Lặng Nhìn Ta Thôi cũng đã được dùng làm đề tựa cho CD này của Lệ Thu, được ra mắt rất thành công tại vũ trường Ritz vào năm 98
Trước khi dòng nhạc của Diệu Hương được biết đến qua CD " Lặng nhìn Ta Thôi " với tiếng hát Lệ Thu thì nhạc phẩm mang tựa đề " Mình Ơi " do Ý Lan trình bầy đã một thời được coi là nhạc phẩm đưa tên tuổi của Diệu Hương đến với thính giả nhất. Đó là một nhạc phẩm mang âm điệu dân ca, một loại nhạc Diệu Hương không bao giờ nghĩ là sẽ sáng tác, trong khi chỉ chủ trương sáng tác tình ca. Từ năm 97 qua đến năm 99, Mình Ơi đã là một trong những nhạc phẩm được ưa thích nhất, được yêu cầu phát thanh rất nhiều lần trong những chương trình nhạc tại Nam California, mặc dù Diệu Hương không hề mong mỏi một sự thành công như vậy. Trước đó Diệu Hương dã soạn lời Việt cho một số nhạc phẩm Pháp và Mỹ để Ý Lan trình bầy rất thành công trong CD " Ghét Quá Trời Mưa " như " Xin Biết Cho Em Tình Này" ( Compare Me With The Rest ), " Dòng Nhạc Từ Đâu Đến" ( Et J’Ecoute La Musique ), " Chỉ Một Người" ( Nothing Compare To You ), " Niềm Tin Đã Mất " ( Losing My Religion ), " Khi Đôi Ta Biệt Ly" ( Everytime We Say Goodbye). Khi Ý Lan ngỏ ý muốn Diệu Hương sáng tác một nhạc phẩm dân ca, Diệu Hương nhận lời dù trước đó chưa hề sáng tác thể loại này. Cũng trong thời gian đó thân phụ Diệu Hương - một người chị rất khâm phục về khả năng mỹ thuật - qua đời và đã thôi thúc chị sáng tác một nhạc phẩm dành riêng cho ông, mà chị coi như những lời tạ lỗi về những gì đã làm cho thân phụ chị không được vui. Nhưng chính yếu là Diệu Hương muốn viết nhạc phẩm này thay cho lời thân mẫu chị dành cho người bạn đời đã khuất bóng, để lại nơi bà một sự hụt hẫng trong cuộc sống, luôn lệ thuộc vào thân phụ chị lúc còn sanh tiền.

Lời ca mộc mạc của " Mình Ơi" đã khiến nhiều người lầm tưởng Diệu Hương đã gặp phải một sự đổ vỡ trong tình yêu để thốt ra những lời than thân trách phận:’" đôi chim là chim ríu rít trên cành, em yêu tiếng gọi là mình, mình ơi . Đêm qua thức giấc bùi ngùi, nhìn quanh là em không thấy mặt người, là người mình thương. Từ khi mình bỏ em buồn, đôi chim lơ láo quay cuồng biếng ăn. Co ro tìm một chỗ em nằm, phòng không chiếu lạnh nhện sầu giăng ngang ". Nhạc phẩm này trích từ CD " Tôi Muốn Hỏi Tại Sao " của Ý Lan gồm một số ca khúc của Diệu Hương, phát hành trong năm 97. Cũng trong CD này, còn có nhạc phẩm Vẫn Còn Mùa Xuân Cho Em là một nhạc phẩm Diệu Hương rất hài lòng và đã được Ý Lan diễn tả một cách rất đạt.

Là một người luôn sống với những suy tư và hướng về những kỷ niệm một cách trân trọng, Diệu Hương đã phối hợp tất cả với tâm hồn nhậy cảm của mình để viết nên " Vẫn Còn Mùa Xuân Cho Em", là một trong những ca khúc thành công nhất trong dòng nhạc tình của mình :" Khi Hương viết bài đó, Hương hay suy nghĩ lắm. Hương hay suy nghĩ về cái đời sống lắm. Hương suy nghĩ về những câu chuyện tình, Hương suy nghĩ về đời sống, Hương phối hợp vô trong đó là Hương viết. Tại vì con mắt Hương hay có những nét ưu tư, thì đầu tiên hết Hương viết là " vẫn còn mùa Xuân cho em thôi, sao trong mắt em đong đầy nét muộn phiền, tiếp thành mùa đông đem vây quanh, cho đời em rã rời từng ngày tháng"

Hiện nay Diệu Hương đang nuôi ý định thực hiện một CD gồm những nhạc phẩm ưng ý nhất của mình, dự định sẽ được phát hành trong năm 2001. Tuy nhiên Diệu Hương chỉ đi theo con đường âm nhạc bằng sự đam mê và những cảm xúc của riêng mình, nên chỉ muốn được gọi là một người viết nhạc mà không muốn dùng danh từ nhạc sĩ với nghĩa nhà nghề cho những hoạt động âm nhạc của mình:" Hương không thích theo con đường nhà nghề, Hương chỉ làm theo cảm xúc thôi. Ví dụ như có cái cảm hứng lúc nào thì Hương viết, và Hương để dành, nếu như được dịp mà phổ biến thì Hương cũng thích. Những ngày đầu tiên nghe trên đài hay nghe trên CD mà giọng hát của ca sĩ hát nhạc mình, Hương thấy vui vui. Bởi vì anh biết là Hương cũng không nghĩ là mình trở thành nhạc sĩ. Hương không nghĩ là Hương đi theo con đường nhà nghề, vì vậy ai dùng chữ nhạc sĩ để gọi Hương thì Hương rất mắc cỡ! "

( TRƯỜNG KỲ )
( Theo ĐacTrung.net))

User avatar
khieulong
Posts: 6756
Joined: Wed Dec 01, 2004 9:09 pm
Been thanked: 1 time

Post by khieulong »

Image


Chiều Nhạc Tình Ca Nhớ Người, Diệu Hương.
Tôi nhớ hôm Chủ Nhật, ngày 15-07-2012, tham dự cùng bạn bè chiều nhạc thính phòng "Bài Tình Ca Của Em - Tình ca Diệu Hương", tại vùng Little Saigon, Nam California, show nhạc có nhiều tiết mục được nhạc sĩ Diệu Hương dàn dựng công phu, có giá trị về mặt nghệ thuật. Đơn cử thêm nữa là biệt tài soạn những vở kịch ngắn. Diệu Hương đã dàn dựng nhung vở kịch xưa của Tây phương, mà kịch bản lại do chính cô viết, tôi thích những vở kịch ngoại quốc nổi tiếng dựa theo những danh tác cổ điển, ví dụ như Những Kẻ Khốn Cùng (Les Misérables của Victor Hugo), Kiều Giang (Jane Eyre của Charlotte Brontë), Hoàng Tử Đan Mạch (Hamlet của Shakespeare), La Dame aux Camélias (Trà Hoa Nữ của Alexandre Dumas), bi kịch Romeo & Juliet (Shakespeare),... Điểm cần ghi nhận vở kịch Romeo & Juliet này Diệu Hương đã đạo diễn mà nhiều người chúng ta đã xem phim hay đã đọc truyện, Diệu Hương cho biết cô đọc các bi kịch La Dame aux Camélias, Les Misérables, hay Romeo & Juliet, và rất thích những danh tác này. Thật vậy nghệ thuật cần kỹ năng (skills) và sự đam mê.


Thiên đường tình yêu - Hoài Trân, Sỹ Đan, Angela Trâm Anh:
http://www.nhaccuatui.com/bai-hat/thien ... Wu1Vc.html

Số lượng nhạc Việt của Diệu Hương có khoảng trên 100 bài ca, 70 bài đã được phát hành album chung hay riêng. Thêm kỹ năng khác là nhạc chuyển ngữ từ nhạc xứ người. Những bài tình ca như Hello, Top of the world, Crazy, Comme toi, Sometimes when we touch, Je t'aime, Revoir, I will always love you, Love story, A time for us, La vie en rose, Paroles, Les feuilles morte, Besame mucho, Je suis malade, Le passager de la pluie,... đều đã được Diệu Hương chuyển sang lời Việt, lời nhạc chuyển dịch của Diệu Hương không gò bó, cứng ngắc, mà bài ca chuyển ngữ phải có ý nghĩa, dễ hiểu, dễ nhập tâm người nghe,... Ví dụ như bài ... le passager de la pluie : Pluie je me souviens sous la pluie Diệu Hương dịch là: Mưa ! cho tôi ngồi nhớ dưới cơn mưa, vừa đủ ấm và vừa đúng nghĩa,... hoặc là trong bài Paroles ở điệp khúc: Caramel, bonbon et chocolat merci pas pour moi mais tu peux bien les offrir a une autre qui aime le vent et le parfum des roses... Ôi bờ môi, đượm ngát thiên đường yêu thương, những dòng sông tình yêu còn mãi trôi hoài đến chốn ngất ngây nào xa, cô đơn em ngồi với ký ức bao ngày qua... Tôi nhớ cuốn film "Le Passager de la Pluie", gồm những diễn viên như Marlène Jobert, Charles Bronson, Jill Ireland, Annie Cordy, Corinne Marchand, Jean Piat, Marcel Pérès,... và nhạc chủ đề do nhạc sĩ Francis Lai sáng tác, lời Pháp của Sébastien Japrisot, lời Anh ngữ "Passenger of the Rain", của Peggy Lee. Fracis Lai sáng tác nhiều theme nổi danh như "Where Do I Begin ?" (film Love Story), hay "Aujourd'hui C'est Toi" (Today it's You, film "Un homme et une femme", A Man and a Woman), Emmanuelle II, Les Misérables (1995),...



Hương cho biết ngày còn nhỏ cô học trường của Soeurs, Hương thích cả hai là nhạc Việt và nhạc Pháp, khi lớn hơn thì Hương càng say mê văn chương. Chính khả năng văn chương tô luyện trong tâm hồn khiến cô trở nên đa dạng khi viết nhạc, làm thơ, đặt lời, soạn kịch,... Cô cảm nhận cái hay của nhạc Pháp cũng như nhạc Anh ngữ, khi nghe nhạc hồn âm nhạc dâng cao dào dạt sinh ra ý cảm tác, cô cho ra lời Việt, dĩ nhiên làm công tác này, người chuyển lời nhạc cần có kiến thức về âm nhạc, biết sinh ngữ, có tâm hồn văn chương khá và có nguồn cảm tác (inspiration), Diệu Hương lãng mạn trong tâm hồn nhưng thông minh và lý luận bén nhậy (sharp logic), anh em chúng tôi trao đổi về văn chương và ngôn ngữ khi phải chuyển ngữ một bài ca, tôi nhận chân ra đặc điểm này của Diệu Hương. Tôi hỏi cô về bài À Toi, cô bảo sẽ chuyển lời. Về thi ca Pháp, chúng tôi đồng sở thích về các bài Il pleure dans mon coeur (Paul Verlaine), và Pour toi mon amour (Jacques Prévert).


Tôi hỏi trong show Chiều Nhạc Tình Ca Nhớ Người, tại San Jose lần này có gì khác lạ hay đặc biệt, Diệu Hương xin khoan tiết lộ những tiết mục lạ và đặc biệt. Buổi Chiều Nhạc Tình Ca này được thực hiện cũng là do những đồng hương địa phương ái mộ dòng nhạc Diệu Hương yêu cầu cô đến với vùng Thung Lũng Hoa Vàng.


Diệu Hương hy vọng Chiều Nhạc Tình Ca Nhớ Người là những nỗ lực, những cố gắng về âm nhạc và nghệ thuật để đáp lễ sự tin yêu của đồng hương dành cho âm nhạc của cô.

(Hoàng Nam)

User avatar
khieulong
Posts: 6756
Joined: Wed Dec 01, 2004 9:09 pm
Been thanked: 1 time

Post by khieulong »

Image

Hành Trình Vào Thế Giới Thơ Cung Trầm Tưởng
Phan Ni Tấn

Cung Trầm Tưởng là một trong những tên tuổi lớn trên văn đàn thi ca Việt Nam. Hành trình vào thế giới thơ Cung Trầm Tưởng, người đọc không thể không đi sâu vào thế giới những hình tượng và tâm hồn nội dung thơ để tìm hiểu về cung cách và sự quan hệ của thi sĩ với con người và cuộc đời.

Thơ Cung Trầm Tưởng có một phong thái rất riêng. Ngay những sáng tác đầu tay, ông đã đến với người yêu thơ bằng vóc dáng của một nhà thơ mà trong con người ông hiển lộ những tài hoa, sâu sắc, buồn vui, ơn nghĩa và quan trọng hơn cả là sự chân thật với chính mình, với con người.

Thi sĩ luôn phóng khoáng, nghĩa là họ vẫn duy trì cái bản ngã uyên nguyên của mình, luôn luôn rưng rưng một cảm hứng trước những vẻ đẹp trần thế. Trong tình yêu, hầu như con người ai cũng hăm hở, đam mê và cường tráng. Đọc thơ, đặc biệt về thơ tình của Cung Trầm Tưởng chẳng hạn, ta thấy xuyên suốt một niềm vui, niềm hạnh phúc dạt dào và niềm đam mê vô lượng. Tất cả những cảm tính này đều được thi sĩ biểu hiện trên trang giấy một thứ tình yêu da diết trước những vẻ đẹp thăng hoa của dòng đời sinh hóa.

Người ta nói đời ngắn ngủi, xốc vác, hỗn độn mà thành sinh động. Khí thơ của Cung Trầm Tưởng nhờ thế đã phát tiết nhiều tinh túy về màu sắc, hình tượng, nhạc điệu, rung cảm, tình, ý... ánh lên những vẻ đẹp ngọc bích, kể cả những vẻ đẹp của dòng sống phức tạp xuyên qua những khía cạnh ngọt ngào và khổ đau.

Làm thơ là một nghề. Cung Trầm Tưởng làm thơ từ cuối thập niên 1940 dai dẳng cho đến ngày nay, ông quả là một "thi sĩ nhà nghề". Nhưng cũng chính vì nghề như thế mà tôi cho rằng khi làm thơ, những cái gọi là kinh nghiệm sống ở đời, những loại cá tính, những thứ tạp niệm, những trực giác tâm linh giữa sinh, ký, tử, quy v.v... đều được thi sĩ xóa bỏ khỏi tâm não thể lý để hình thành một cõi thơ vô lượng những tri thức, những kiến trúc mới, những âm tiết lạ, qua đó, thơ thực sự hữu ích cho đời sống cộng đồng.

Sinh ra dưới một ngôi sao sáng, từ nhỏ Cung Trầm Tưởng đã được nuôi dưỡng bằng những nụ cười may mắn. Nhà thơ đã từng sống trong vùng hào quang diễm lệ và thở bằng một thế giới hạnh phúc của tuổi trẻ mộng mơ. Để tạo những cảm quan mới lạ qua tư tưởng nghệ thuật, Cung Trầm Tưởng từng hứng khởi quơ tay nắm bắt những cái đẹp từ thướt tha yểu điệu, dịu dàng e ấp tới những cái đẹp phương phi, dạn dĩ, phong trần, qua đó thi sĩ làm thơ để tung hê ý tình. Đặc biệt tình yêu mà Cung Trầm Tưởng thăng hoa không phải là thứ tình yêu như gió thổi, như bọt nước, như mây bay. Chính vì thế, qua cảm hứng nghệ thuật thẩm mỹ của thi ca, Cung Trầm Tưởng đã vẽ rộng ra cái đẹp thuần túy của tình yêu và cõi nhớ, rất riêng, rất gợi cảm, rất Tây, rất Cung Trầm Tưởng.

Lên xe tiễn em đi
Chưa bao giờ buồn thế
Trời mùa đông Paris
Suốt đời làm chia ly
Tiễn em về xứ Mẹ
Anh nói bằng tiếng hôn...

(Tiễn Em)

Thập niên 50, thơ Cung Trầm Tưởng đã có sắc thái rất mới và lạ, từ hình ảnh, ngôn từ và nhạc điệu luôn luôn được tác giả diễn tả bằng một tâm trạng kỳ thú với tất cả sự rung cảm chân thành. Bài thơ nói trên là bài ngũ ngôn Chưa Bao Giờ Buồn Thế, Phạm Duy phổ nhạc đổi thành Tiễn Em. Thông thường lúc tiễn nhau người ta thường nói những lời tiễn biệt, thì thầm những câu hứa hẹn, người ta bịn rịn nắm tay nhau mà dặn dò, an ủi, khích lệ, khuyên răn... Riêng Cung Trầm Tưởng, ngôn ngữ từ biệt người tình của ông rất "tịch lặng, vô ngôn", nghĩa là ông không thèm nói một lời nào hết, ngoài cử chỉ và hành động rất Tây, rất Cung Trầm Tưởng:

hôn.

Năm 1954, Cung Trầm Tưởng mới ngoài 20 đi Tây du học. Đối với giới trẻ Việt Nam, nước Pháp lúc đó là thiên đàng mộng mơ, là ước vọng của một thời. Khi đặt chân tới Kinh Đô Ánh Sáng Paris, thi sĩ đã phơi phới một mối tình với cô gái mắt nâu, tóc vàng sợi nhỏ. Từ đó bài thơ Mùa Thu Paris ra đời trong bối cảnh lãng mạn, trữ tình, giàu chất thơ, thấm đẫm một vẻ đẹp của tình người dị chủng:

Mùa thu âm thầm
Bên vườn Lục-Xâm
Ngồi quen ghế đá
Không em buốt giá từ tâm
Mùa thu nơi đâu
Người em mắt nâu
Tóc vàng sợi nhỏ
Mong em chín đỏ trái sầu...


Thời học trung học ở bên nhà có dạn dĩ lắm chúng tôi cũng chỉ dám liếc ngang mái tóc huyền tha thướt xõa bờ vai chớ làm gì may mắn như thi sĩ mà biết "tóc vàng sợi nhỏ" ở tận trời Âu. Thành ra nếu đem so sánh giữa hai loại tóc Đông phương và Tây phương chắc chắn có nhiều điều thú vị. Thí dụ nếu áp dụng theo phương pháp khoa học chặt sợi tóc ra làm đôi (tùy theo góc độ) rồi đem soi dưới lớp kính hiển vi thì các nhà khoa học đo được đường kính của mỗi sợi tóc có khoảng 58-100 micrometre, mà 1 micrometre bằng 0.001milimetre , tức bằng 1/1000mm, vị chi 100 micrometre thì bằng 1/100,000 milimetre.

Hai bài thơ ngũ ngôn trên nằm trong thi tập Tình Ca của Cung Trầm Tưởng xuất bản từ năm 1959, trong đó chỉ có 13 bài thơ, Phạm Duy phổ nhạc 6 bài, ngoài ra còn có tranh phụ bản của Ngy Cao Uyên. Đây là một công trình bắc cầu giữa ba bộ môn nghệ thuật thi ca, âm nhạc và hội họa đẩy thơ Cung Trầm Tưởng bay cao hơn, đi xa hơn.

Tôi còn nhớ hồi ở bên nhà lần đầu tiên nghe ca sĩ Thái Thanh hát những ca khúc Phạm Duy phổ thơ Cung Trầm Tưởng, từ những bài lục bát, ngũ ngôn với phong cách độc đáo về tình yêu trong thơ ca đã gợi lên trong tôi hình ảnh một con tàu: "Người về trong lúc tàu đi. Rớt nhanh một nét tường vi hoang đường". Người đã về, con tàu vẫn lạnh lùng băng nguồn xuyên sơn, không có dấu hiệu hứa hẹn dừng chân ở một bến đỗ nào.

Chiều đông tuyết lũng âm u
Bâng khuâng chiều tới tiếp thu chiều buồn
Ngày đi tàu cũng đi luôn
Ga thôn trơ nỗi băng nguồn héo hon
Đường xa nhịp sắt bon bon
Tàu như dưới tỉnh núi non vọng ầm
Nhà ga dột mái lâm râm
Máu đi có nhớ hồi tâm chiều nào...


(Chiều Đông)

Sau này ra hải ngoại, trong những buổi sinh hoạt văn nghệ, gặp nhạc sĩ Phạm Duy, tôi có nói với ông về cảm tưởng của tôi khi nghe nhạc ông phổ thơ Cung Trầm Tưởng, cũng như đọc những bài thơ mới của thi sĩ, dù có đổi khác theo dòng đời dâu bể nhưng hình ảnh con tàu với tiếng còi thét lên ngất ngư trong đêm sương lạnh vẫn cứ băng băng trên đường thiên lý không có trạm dừng chân. Bây giờ Phạm Duy đã ra đi, Thái Thanh đã rơi vào trạng thái lãng quên, nhưng sự kết hợp toàn bích giữa thi ca và âm nhạc một thời vẫn còn đó, vẫn âm vang qua giọng hát từng được mệnh danh là vượt thời gian của Thái Thanh. Và con tàu đó, con tàu thi ca và âm nhạc của hai cây đại thụ cho đến tận bây giờ vẫn miệt mài kéo theo những toa tàu vạch ra một cuộc hành trình xuyên qua không gian và thời gian. Có những con tàu từ sân ga quạnh quẽ và có những con tàu không sân ga luôn luôn đuổi nhau lao vào màn sương đêm, xoáy vào những góc cạnh cuộc đời trên những nẻo đường âm u, khuất nẻo rồi biến mất giữa lưng chừng mệt mỏi. Sân ga tượng hình biệt ly. Nhưng sân ga cũng tượng hình cho tình yêu, là nơi hẹn hò của đôi lứa. Cả hai vẫn chở theo một nỗi niềm.

Ga Lyon đèn vàng
Tuyết rơi buồn mênh mang
Cầm tay em muốn khóc
Nói chi cũng muộn màng...


(Chưa Bao Giờ Buồn Thế)

Thời gian không chờ ai, vẫn lặng lẽ trôi về phía trước. Ngày nay mỗi khi nghe lại những bài nhạc Phạm Duy/Cung Trầm Tưởng, tôi vẫn nghĩ rằng thi sĩ Cung Trầm Tưởng luôn luôn lắng nghe hồn mình trải rộng trên những toa tàu và thầm ước tìm lại chút hơi thở của một thời vọng lại. Ở đó, trên nền tảng của không gian và thời gian đã dựng nên một thời Paris, có phố cổ Mouffetard với quán xá vỉa hè và những cửa hàng truyền thống, có dòng sông Sein mặc áo sương mù, có tranh trường phái Ấn tượng Monet, Renoir và tranh chủ nghĩa Lập thể Braque, Picasso chưng trong những viện bảo tàng, có huyền thoại và văn hoá Honoré de Balzac, Victor Hugo, Alexandra Dumas, Marcel Proust, André Gide, Albert Camus, J.P.Sartre, Saint Exupéry..., có một chút âm nhạc mang hơi hướm thu về từ vườn Luxembourg v.v... Cho tới bây giờ, Cung Trầm Tưởng vẫn coi Paris như là người tình muôn thuở trong tâm hồn nghệ sĩ của ông.



Nói đến thi ca, tôi nghĩ rằng Cung Trầm Tưởng không làm thơ mà làm thi sĩ,vì ông là nhà thơ của trí tuệ, của cái đẹp giữa nhân tình gần gũi, bình dị, thuần lương. Ông chỉ sử dụng văn chương để gởi gắm tự sự tâm tình của mình, nhờ thế sáng tác của ông chia sẻ cùng người đọc vui với niềm vui của ông, cười chung với ông một nụ cười hạnh phúc, nhưng ông cũng không quên gợi lên những tình cảm xót xa, khơi dậy ở người đọc thấm thía một nỗi buồn xoáy vào giải đất tan tác đau thương và thân phận bi thảm của con người. Sau cơn bão thời thế, đất nước bị thống trị bởi tập đoàn, phe cánh, mọi vẻ đẹp trên đời đều bị chà đạp, bắt bớ, đày ải và giam tù. Trong thời kỳ này, Cung Trầm Tưởng, bằng phương thức đột khởi trong ý thức đấu tranh đã khẳng khái chống lại chế độ cường quyền ác bá, một thứ kẻ thù đã dồn, đã đẩy cả dân tộc đứng lên đòi quyền làm người. Trước cuộc sống phẫn nộ, Cung Trầm Tưởng đã dùng tứ thơ cũ để nói lên nỗi nhức nhối rã rời chứa đựng trọn vẹn nỗi bất bình chế độ trong đó chính ông đã bị bắt bớ, đày ải, giam tù. Và sau mười năm lao lý, Cung Trầm Tưởng đã hoàn toàn thay đổi chiều hướng sáng tác từ trữ tình sang dấn thân, thơ tù của ông kết hợp từ thực chất cuộc sống trở nên đanh hơn, hiện thực hơn. Chính sự đối nghịch làm cho thơ phản kháng của ông có một phong cách đứng thẳng. Đứng thẳng như vầu, cây cùng họ với tre, là biểu tượng bất khuất của người quân tử.

Lòng ta đứng vững như vầu
Thân cao lòng thẳng giữa bầu trời xanh
...

Vầu đanh như thép sáng ngời
Nắng mưa thì cũng trọn đời đứng ngay


(Biểu Tượng)

Trong thời chiến, thơ văn viết về chiến tranh là văn học của những bậc anh hùng, ngàn đời được con người kính phục. Bài Vạn Vạn Lý trầm buồn mà hào sảng sau đây nói lên lòng tưởng nhớ những tù hùng đã tuẫn tứ:

Xa xưa... trống lên đường
Tiếng quân hô hào sảng
Nẻo cồn vàng bãi trắng
Sa trường hề sa trường!
Tiếc tháo quắc đau thương
Chinh nhân ngàn dặm ruổi
Gió lên như địch thổi
Đưa ai qua trường giang
Nay cô liêu bạt ngàn
Tiễn ta vào bất tử
Đau thương là vinh dự
Chân đi hất hồng trần
Anh hùng phải quên thân
Hy sinh là tất yếu...


(Vạn Vạn Lý)

Thi sĩ cũng lên án chế độ sa đích tạo nên một thời kỳ đen tối của lich sử, trong đó cái tang chung mà cả một dân tộc bất hạnh phải gánh chịu:

Tội chúng kéo dài hận cách ly
Chia sông rẽ núi với phân kỳ
Chồng xa cách vợ, con lìa mẹ
Chẳng một người về trăm chuyến đi


( Lũng Kín)

Mười năm lao lý với biết bao khổ nạn chung với những đời tù, dù ngút ngát thù hận, xanh xao huyền sử vẫn không đánh mất cái bản ngã thuần lương của một người tù thi sĩ; tấm lòng ông vẫn còn đó cái bồng bềnh, lãng mạng và thủy chung với thi giới

Chữ yêu thương thắm vô vàn
Non đau nước quặn nồng nàn lời ru
Lời thầm tách đá âm u
Ùa reo ánh sáng vi vu gió nguồn...


(Bài Ca Níu Quan Tài, khúc 14)

Về cái đẹp lóng lánh, cô động của ngũ ngôn:

Cả trời rót nắng ngọt
Sương nhỏ giọt tròn xinh
Hân hoan đến tài tình
Những giọt hồn vô tội...


(Tiếng Chim)

Và cái tình muôn thuở của lục bát, cái khí thơ bàng bạc một màu ca dao:

Tôi đi mua nắng huy hoàng
Về nung thành ngọc, thành vàng cho tim
Lửa đời luyện thép rèn kim
Thép già biết chảy khi chìm mến thương...


(Chuyến Chót)

Đọc thơ Cung Trầm Tưởng ta thấy nghệ thuật dùng chữ của ông thường toát ra những hình ảnh sinh động, giàu chất thơ và nhạc điệu tạo nên mặt tươi sáng nhất, đáng yêu nhất trong đời sống con người. Từ đó cho đến nay, Cung Trầm Tưởng vẫn có một vị trí sáng chói trên nền trời thi ca Việt Nam, luôn luôn tạo ấn tượng tốt đẹp về phẩm cách, chiếm được cảm tình và sự tin yêu của người đọc.



Cung Trầm Tưởng tên thật là Cung Thúc Cần. Ông sinh ngày 28 tháng 2 năm 1932 tại Hà Nội. Du học tại Pháp và Hoa Kỳ. Tốt nghiệp kỹ sư Trường Võ Bị Không Quân Pháp, Cao Học Khí Tượng tại Saint Louis, Hoa Kỳ và Quản Trị An Ninh Quốc Gia Và Tài Nguyên Quốc Phòng Hoa Kỳ (hậu đại học). Về nước phục vụ ngành Quân Chủng Không Quân Việt Nam Cộng Hòa. Sau 1975, đi tù Cộng sản đến năm 1985 đươc thả về và bị quản chế ba năm tại địa phương. Từ năm 1993 cùng gia đình định cư tại Hoa Kỳ đến nay.

Về hoạt động văn hóa, trước và sau 1975, ông từng cộng tác với nhiều tạp chí Việt - Mỹ trong và ngoài nước. Hội viên liên kết của Văn Bút Pháp và Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại. Từng phát biểu về văn hoá, văn học và đọc thơ tại nhiều nơi trên thế giới.

Tác phẩm đã xuất bản gồm:

- Tình Ca (thơ 1959)

- Lục Bát Cung Trầm Tưởng (Con Đuông 1973)

- Thám Hiểm Không Gian (dịch, Dziên Hồng)

- Lời Viết Hai Tay (thơ 1993, tái bản 1999)

- Bài Ca Níu Quan Tài (thơ 2001)

- Những Dấu Chân Ngang Trên Một Triền Phiếm Định (thơ 2002)

Năm 2012 vừa qua, ngoài tác phẩm dịch thuật kể trên, năm tập thơ còn lại cộng với ba tập thơ mới :Thi Bá - Con Tắc Kè và Bà Góa Phụ, Mỗi Dặm Đường Một Nghìn Bài Thơ và Sáng Ký Về Người Tình Đầu đã được tác giả Cung Trầm Tưởng gom lại thành một tuyển tập mang tên Cung Trầm Tưởng, Một Hành Trình Thơ do nhà xuất bản Tiếng Quê Hương tại Virginia, Hoa Kỳ ấn hành. Nhìn chung trong tuyển tập này tác giả chia ra nhiều đề tài chính mà mỗi đề tài đều dựa vào sự cảm hứng trước cái đẹp, sư hạnh phúc và nỗi đau khổ về tình yêu, thân phận, cuộc đời, phong cách sáng tạo và nghệ thuật văn chương của tác giả. Thi ca nói chung và kích thước của tập thơ nói riêng như gói trọn trong tâm hồn nhà thơ để nó trở thành dòng huyết quản, trở thành xương máu, da thịt. Tập thơ như đứa con tinh thần khôi ngô, tuấn tú, sẽ còn đó và mãi mãi còn đó.

Sau sáu mươi năm, thi sĩ Cung Trầm Tưởng góp mặt vào làng thơ đến nay ông vẫn không ngừng canh tác trên cánh đồng thi ca trù phú những hình tượng nghệ thuật sống động về tình yêu, về thân phận và những mảnh đời hiện thực, chứa đựng những nét đặc sắc của nền văn học Việt Nam.

Phan Ni Tấn

User avatar
macco
Posts: 3543
Joined: Mon Jan 17, 2005 8:04 am

Post by macco »

Chủ Nhật và Giovanni Marradi

Image


Sáng Chủ Nhật ông bà Hồ Việt Loan bỗng dưng mở hàng ban sáng trên net bởi link nhạc nhạc nonstop playlist từ "bờ-lốc" Saigonocean
của âm thanh thanh thòat, trong vắt, nhạc dương cầm của Giovanni Marradi. Vậy Giovanni là ai? Âm nhạc của chàng ni ra sao?

Image
Giovanni là một nhạc sì sáng tác, nhưng lại thường trình diễn âm nhạc luôn. Giovani là người Mỹ gốc Ý. Thông thường trong phạm vi kêu gọi hay khía cạnh chữ nghĩa, người ta nhắc đến tên thì sẽ gọi họ như Marradi mới đúng phong tục người phương Tây, nhưng với người nhạc sĩ này không hiểu sao bà con thiên ha lại theo tập tục phương Đông chỉ gọi chàng thân mật bằng tên, Giovanni. Do vậy tên tuổi của người nghệ sĩ lại gắn liền với tên gọi mà không phải là tên họ.

Theo "bờ-lốc" Wikipedia và Giovanni, Giovanni Marradi sinh năm 1952 là con trai của nhạc sĩ và đồng thời cũng là nhạc trưởng Alfredo Marradi. Chàng học nhạc từ năm 5 tuổi, theo trường phái cổ điển. Thế nhưng cuộc đời của chàng ni thay đổi sau khi cha mất. Chàng buồn tìn h rong rủi bôn ba đi từ nước này sang nước kia để tìm tương lai cho mình, du hành dọc ngang Âu Châu, như kiếp bohème trôi nổi, cuộc sống cứ như dân nghệ sĩ gypsie, nên do đó là lý do là tại vì sao nhạc của Giovanni mang âm hưởng như những bài hát của dân du ca zhigan, và phảng phất một chút nào đó phong cách air nhạc cổ Nga, chính sự kêt hợp tuyệt vời đó đã đưa chàng đến đỉnh cao của danh vọng, dù rằng sự thành công của chàng qua năm tháng bôn ba rất chông gai, trước khi thành danh rạng rỡ.

http://www.ask.com/wiki/Giovanni_Marradi_(musician)

Quay về dĩ vãng, chàng đã theo học sáng tác với nhạc sĩ Michael Cheskinov, một danh cầm tài hoa piano cổ điển tại trường dạy nhạc của Nga ở Beirut, xứ Li Băng. Cheskinov có nguyên tắc gắt gao, ông chỉ nhận rất ít học trò, huấn luyện họ rất công phu và nhất là không bao giờ thu nhận học trò dưới 30 tuổi. Dù khi ấy tuổi nhỏ, nhưng nhờ uy tín của người cha và khả năng nhạc bén nhậy của Giovanni, chàng được nhận vào học như một đặc ân biệt lệ. Giovanni phải luyện tập liên tục 8 giờ mỗi ngày. Về sau chỉ còn ông là học trò duy nhất học theo đuổi nguyên tắc của thầy, người độc nhất mà thầy mãn nguyện, chỉ một mình kiên nhẫn cho trọn kiếp trò, mình ên chuyên cần học hỏi cho đến ngày ân nghĩa tôn sư khi đưa vị thầy đàn Cheskinov về nơi chín suối.

Là một nhạc sĩ tài năng, nổi tiếng giàu nét sáng tạo âm nhạc, Giovanni trung bình đều đặn cho ra khoảng 10 bản nhạc phẩm mới giá trị mỗi tuần, Giovanni có những sáng tạo sung mãn và cho thu thanh rất nhiều tác phẩm, đã đi đó đây trình diễn ở rất nhiều buổi hòa nhạc lớn trên thế giới, và bán được hàng triệu album nhạc hòa tấu của mình. Đầu tư công sức, tài nghệ, lòng đam mê nghệ thuật với những chương trình Giovanni Live Show trực tiếp từ Las Vegas trên làn sóng điện PBS (Public Broadcasting Service, công ty truyền thông đại chúng có 349 đài truyền hình chi nhánh khắp nước Mỹ và cũng như các đài khác ở Canada, rồi chương trình truyền hình riêng hàng tuần rất thịnh hành và phổ biến âm nhạc mình rất thành công mang tên “Roll Out Piano”, giới thiệu các sáng tác Piano, cùng với tài sản âm nhạc trên 140 đĩa CD của mình đã thu âm và phát hành, chương trình của Giovanni vẫn tiếp tục giữ vững tên tuổi, "PBS TV special“:

(Preview)

http://answers.yahoo.com/question/index ... 049AAM8TKJ

Khi Giovanni mới đến Mỹ kỳ vọng đạt được thành quả âm nhạc như mơ ước vì người ta thường nói nước Mỹ là nơi cho cơ hội để "những ngôi sao tỏa sáng" trên nền trời Mỹ quốc. Sự thực thì Giovanni cũng hiểu là nếu không nhờ sự tỏa sáng được khi không có sự giúp đỡ tận tình của một người bạn tốt, đó chính là ca sĩ tài danh Frank Sinatra. Giovanni đã trải qua một thập niên ở Mỹ cho đến ngày nổi tiếng. Giới nghệ thuật âm nhạc, nhất là giới Broadway New York, trung tâm của nghệ thuật nhạc cổ điển, âm nhạc và nghệ thuật ca diễn opera, thanh nhạc, vocal‎ cord nodules - polyps, và rằng tử vi vận hên của chàng trai trẻ tại xứ sở cơ hội này gọi nhạc của chàng là "The great white way", đọc báo Mỹ bảo thế, Văn Tui bấn xúc xích giở hai, ba quyển tự điển tra cứu mê mệt, tham khảo tùm lum, chữ nghĩa xứ người thì cho là: "It's the name for a part of Broadway, the famous metropolitan area of New York City where most of the theaters are, also aims at the street in Manhattan that passes through Times Square; famous for its theaters of music and performing arts,..."
Image
Kịch tác gia Lê Tuấn


Image
Giovanni's Broadway Romance

Riêng Văn Tui thì chả biết dịch thế nào cho bay bướm, diễn nôm ra sao cho suôn sẻ nhỉ, thôi thì dịch bừa hiểu thoát ý nhe bà con như là "dòng nhạc Giovanni mang nét đặc thù đứng trội hẳn giữa con phố Broadway hỗn tạp này", diễn nôm xa hơn Broadway themes cho tên lóng "the great white way” ám chỉ những giai điệu mượt mà nhạc của Giovanni Marradi hầu như là trong suốt (crystal clear), biệt lập và không pha lẫn một phong cách nào của ai khác. Phải chi có mấy ông giáo, hay quý nhà văn Lê Văn Khoa, Bùi Bảo Trúc, Lưu Nguyễn Đạt hay ông anh của bộ môn arts du samedi,, kiêm kịch tác gia beau trai Lê Tuấn, aka Luân Tế Anh ngữ văn chương một bồ xin cứu bồ dùm nhỉ... Sự thực khi nhạc do chàng dương cầm thủ này gõ phím, trỗi lên bên ngoài đã 1, 2 giờ khuya khoắt giữa không gian vắng lặng, tâm hồn Văn Tui thực sự bay cao trong đê mê, tâm tư như lưu lạc vào chốn thiên thai, bồng lai tiên cảnh;, Ôi sao những bình yên, những nhẹ nhàng, những tịch liêu và những ấm cúng dù mùa Đông New York tuyết phủ ngập boot; Đấy, đấy là sự mầu nhiệm của dòng nhạc của Giovanni Marradi, mà người giới thiệu tôi dòng nhạc này không ai khác hơn là vị chủ nhân site hay "bờ-lốc" Saigonocean.com trên miệt Thung Lũng Hoa Vàng, me-sừ yêu thơ nhạc của chuyên viên ngành physique nucléaire là thi sĩ Lê Hân, khi hai anh em chúng tôi nhâm nhi cà phê chiều mưa Cali trong quán nhạc ấm cúng Coffee Lovers, tức "tụ điểm" văn nghệ "Vie de France" trên con lộ quen thuộc Aborn,

http://shelf3d.com/kWO5b4peEHs#

Hãy thử suy ngẫm tí ti về sự thành công tột bực của chàng tuổi trẻ bỏ quê hương di cư sang Mỹ châu tìm cơ hội thăng hoa, cơ hội sao quá linh thiêng, mầu mỡ dữ vậy hỡ trời? Giovanni đặt chận đến đất mới chả bao lâu, nhạc của Giovanni bắt đầu thu hút bà con thiên hạ như nam châm ở đất lành chim bu. Con số 120 ngàn CDs của chàng bay cái vèo bán trong vòng 2 giờ đồng hồ, một CD giá bán vị chi trung bình 20 đô Obama, xong ta đem nhân với 120,000 đĩa, sồ thu xấp xỉ 2 triệu 4 tiền tươi trong một thời lượng 120 phút, chuyện lạ bốn phương được trầm trồ vì chưa có ai đạt được một kỷ lục đáng kể như vầy cả, thành tích siêu đẳng. Tôi chạnh lòng hỏi hai cô em gái trong gia đình nhạc CLB của bộ môn gõ phím piano Christina Lâm Dung và Ngọc Quỳnh West Covina vốn bỏ cơm hà rầm, thà không bỏ nhạc, 2 cô thử ra CD piano "The Greatest Hits" thử thời vận ra mắt 2 giờ xem sao vậy <?>.

http://www.giovanni.com/

Hòa tấu Giovani Marradi Playlist Links:

http://saigonocean1.com/nghenhacGiovanniMarradi/GM.htm

http://www.trunghocnguyenbatong.com/tra ... i_marradi/

Âm nhạc của Giovanni được ghi nhận vừa sang cả, vừa mang âm hưởng những bài hát của dân gian du ca zhigan của thời trung cổ bên xứ Tàu, vừa mang phong cách nhạc "très russe" của người cổ Nga. Người đời thường thích chất nhạc trong vắt - trong veo, dạt dào nốt đuổi nốt, cảm xúc sâu lắng và chút riêng tư với tâm cảm của Văn Tui thì nhạc Giovanni đầy đam mê, của trường phái lãng mạn mà sự thanh tao, thanh thoát vơi đầy. Nhạc của Giovanni được xếp vào dòng nhạc cho tâm tĩnh lặng (tranquility), âm nhạc đem an lạc cho tâm hồn. Thực vậy không ngoa, mỗi bản nhạc của Giovanni với những giai điệu dịu dàng, du dương gợi cảm để tạo nên một không gian mang phong thài ấn tượng (impressionistic) như bên phong cảnh hội họa, bằng những nốt nhạc với những cảm xúc nghệ sĩ tính, nhạc dâng cao lên để rồi trải dài ra cho tâm hồn thật bình yên và nhẹ nhàng khi những nốt cuối từ từ tắt lịm để kết thúc
Image
Gia đình CLBTNS- Từ trái Christina Lâm Dung, Lan Hương, Ngọc Bích,
Thuý Quỳnh, Thanh Thanh, Hoàng Nga, Phi Loan, Mắt Nâu, Ngọc Quỳnh.
Cả một góc nhớ của tâm não và trong lòng ta được an lạc và trong bình yên,khi thả bút cho những dòng cảm nhận toạc móng heo đáp lễ ông bà Hồ Việt Loan của xứ Bushland, Houston, và rằng có thể lắng hồn mình một lúc nào đó trong buổi ban mai bình minh trong ngày hay ban đêm khuya dạ khúc trở về để thấy rằng hồn thư thái, tâm thanh thản hơn khi được vỗ về bằng âm nhạc của Giovanni Marradi, phải không chứ lị ?.

http://nhacso.net/nghe-playlist/hoa-tau ... UUUU=.html

http://www.nhaccuatui.com/playlist/cine ... ucwWV.html



Merci bien, Giovanni, pour l'air de la musique fabuleuse. Cela m'aide au quotidien pour vivre, d'aimer et de dormir joyeusement, magnifiquement et paisiblement.

À bien sûr.

Việt Hải Los Angeles

Post Reply