Quán Vắng không Người ...3

Buồn vài phút xin ghé thăm đây; muốn tán gẫu ghé đây... Chia sẻ tâm tư vô đây.... Không biết nói gì làm gì vô đây!!! Bài viết sẽ giữ lại trong 7 ngày và quá hạn sẽ đi vào thiên cổ của không gian Cyber!!!

Moderator: khieulong

hoangphong
Posts: 391
Joined: Tue Feb 12, 2019 7:20 am

Re: Quán Vắng không Người ...3

Post by hoangphong »

Vì sao Trump không được miễn truy tố?
“Miễn truy tố ông Trump sẽ làm sụp đổ hệ thống tam quyền phân lập của nền dân chủ Hoa Kỳ"
Huỳnh Hoa
7 tháng 2, 2024



Image
Ứng cử viên tổng thống của Đảng Cộng Hòa và là cựu Tổng Thống Hoa Kỳ Donald Trump giơ tay sau khi được các phóng viên hỏi tại trụ sở của International Brotherhood of Teamsters hôm 31 Tháng Giêng năm 2024 tại Washington, DC. (ảnh: Chip Somodevilla/Getty Images)

“Miễn truy tố ông Trump sẽ làm sụp đổ hệ thống tam quyền phân lập của nền dân chủ Hoa Kỳ”

Cựu tổng thống Donald Trump không được hưởng quyền miễn truy tố về âm mưu lật đổ kết quả bầu cử năm 2020 và phải ra toà xét xử cáo buộc tội hình sự, tòa kháng án liên bang Hoa Kỳ khu vực District of Columbia ra phán quyết hôm thứ Ba 6 tháng Hai 2024.

Tuy nhiên, ông Trump – người đang dẫn đầu cuộc đua vào vị trí đại diện đảng Cộng Hòa ra tranh cử tổng thống vào Tháng Mười Một, chắc chắn sẽ tiếp tục kháng cáo lên Tối cao Pháp Viện.


***

Phán quyết dài 57 trang, được đồng thuận của cả ba chánh án tòa phúc thẩm liên bang, được ban hành một tháng sau phiên toà phúc thẩm xem xét liệu hành động của ông ta lật ngược kết quả bầu cử tổng thống năm 2020 có được “miễn truy tố” (immunity) hình sự hay không. Phiên toà phúc thẩm hôm 9 Tháng Gie6ng 2024, do ba chánh án J. Michelle Childs, Florence Y. Pan và Karen L. Henderson chủ trì, đã nghe lập luận và tranh luận của cả hai bên, đại diện ông Trump và đại diện chính phủ Mỹ, trước khi đưa ra phán quyết.

Lần đầu tiên trong lịch sử tư pháp Mỹ, tòa kháng án phải trả lời câu hỏi: Liệu một cựu tổng thống có thể được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự cho những hành động của ông ta khi còn tại nhiệm hay không?

Các luật sư đại diện ông Trump cho rằng ông Trump không thể bị xử tội hình sự bởi vì ông ta là tổng thống, hành động của ông ta là thực thi nhiệm vụ hiến định của người đứng đầu nhánh hành pháp. Luật sư D. John Sauer, đại diện ông Trump, lập luận rằng một tổng thống chỉ có thể bị truy tố và kết tội sau khi bị Thượng viện kết án và phế truất.

Ông Trump đã hai lần bị Hạ viện luận tội nhưng cả hai lần đều được Thượng viện tha vì không đủ số phiếu kết tội, tối thiểu 67 phiếu. Trong cuộc luận tội ông Trump lần thứ hai Tháng Hai 2021 về hành vi xúi giục bạo loạn tấn công Quốc hội, có 57 thượng nghị sĩ – gồm 50 TNS Dân Chủ và 7 TNS Cộng Hoà – bỏ phiếu kết tội (convict); 43 TNS Cộng Hoà bỏ phiếu tha bổng. Khi ấy nhiều thượng nghị sĩ Cộng Hoà tán thành lập luận của các luật sư biện hộ cho Trump rằng, hành vi xúi giục bạo loạn là tội hình sự, phải được xét xử tại toà án thuộc nhánh tư pháp chứ không thể xem xét tại cơ quan lập pháp, theo nguyên tắc tam quyền phân lập.

Bộ Tư pháp Hoa Kỳ sau đó đã bổ nhiệm công tố viên đặc biệt Jack Smith điều tra vụ bạo loạn ngày 6 Tháng Gie6ng 2021 và đã kiện ông Trump về tội âm mưu lật ngược kết quả bầu cử. Chánh án Tanya S. Chutkan, người phụ trách vụ án ở tòa sơ thẩm liên bang, tuyên bố không một cựu tổng thống nào được miễn truy tố tội hình sự do các hành vi công hoặc tư; tổng thống không phải là vua và Hoa Kỳ không phải là nước quân chủ chuyên chế. Không đồng ý với nhận định của bà Chutkan, ông Trump phản đối lên tòa phúc thẩm liên bang dù vụ án chưa xét xử và chưa có bản án, dẫn tới phiên xử tháng trước và phán quyết hôm nay.


***

Các luật sư biện hộ cho ông Trump cũng cho rằng, chưa một tổng thống Mỹ nào bị kết tội hình sự trước đây; nếu ông Trump bị kết tội thì điều đó sẽ làm cho các tổng thống tương lai hoặc bị đảng đối lập kết án với đủ loại tội danh hoặc sẽ làm việc với sự dè dặt vì lo sợ bị truy tố sau khi rời Tòa Bạch Ốc.

Phát biểu sau phiên toà tháng trước, ông Trump cũng nói [nếu ông bị kết tội hình sự] thì “đất nước sẽ hỗn loạn”, dù ông nhiều lần tuyên bố nếu đắc cử ông ta sẽ bổ nhiệm một công tố viên đặc biệt “truy đuổi” Tổng thống Biden và gia đình, sẽ luận tội ông Biden, thậm chí sẽ “tử hình” những người ông ghét như Đại tướng Mark Milley, cựu Tham mưu trưởng Liên quân Hoa Kỳ mới nghỉ hưu.

Luật sư James J. Pearce, đại diện chính phủ Mỹ, cho rằng quan điểm “tổng thống chỉ có thể bị kết tội sau khi bị Thượng viện phế truất” là một lập luận “cực kỳ đáng sợ”. Nó sẽ cho phép tổng thống coi mình là vua, là hoàng đế, đứng trên pháp luật và làm mọi việc theo ý muốn cá nhân mà không sợ trách nhiệm hay sự trừng phạt.

Luật sư Pearce cũng cho rằng không có cơ sở để suy luận việc kết tội hình sự ông Trump lần này sẽ tạo tiền lệ nguy hiểm cho các tổng thống tương lai bởi vì “chưa bao giờ một tổng thống đương nhiệm bị cáo buộc cấu kết cùng các cá nhân sử dụng quyền lực để lật đổ nền cộng hòa dân chủ và hệ thống bầu cử” và trường hợp ông Trump không phải là căn cứ báo trước những vụ truy tố lẫn nhau trong tương lai.



Ứng cử viên tổng thống của Đảng Cộng Hòa và là cựu Tổng Thống Hoa Kỳ Donald Trump tại trụ sở của International Brotherhood of Teamsters hôm 31 Tháng Giêng năm 2024 tại Washington, DC. (ảnh: Chip Somodevilla/Getty Images)
Trong thực tế chính trị thế giới, một số quốc gia dân chủ đã truy tố, xét xử và bỏ tù một số cựu tổng thống mà không gây ra những xáo trộn lớn trong đời sống chính trị của nước họ.

Nước Pháp năm 2011 đã xử cựu Tổng thống Jacques Chirac (nhiệm kỳ 1995-2007) hai năm tù treo về tội lạm dụng công quỹ, gây mất lòng tin và xung đột lợi ích trong thời gian làm thị trưởng Paris. Mười năm sau, năm 2021, Pháp lại xử cựu Tổng thống Nicolas Sarkozy (nhiệm kỳ 2007-2012) một năm tù treo cho tội gây quỹ tranh cử bất hợp pháp, một năm tù giam và hai năm tù treo cho tội tham nhũng.

Đài Loan năm 2009 xử cựu Tổng thống Trần Thuỷ Biển (nhiệm kỳ 2000-2008) 19 năm tù giam về tội nhận hối lộ và rửa tiền. Ông Trần được bà Tổng thống Thái Anh Văn ân xá năm 2016 sau bảy năm ngồi tù.

Năm 2018 Hàn Quốc kết án cựu Tổng thống Park Geun-hye (nhiệm kỳ 2013-2017) 24 năm tù giam vì tội nhận hối lộ và lạm dụng quyền lực. Bà Park được người kế nhiệm ân xá năm 2021 sau ba năm ngồi tù.


Không thể nói Pháp, Đài Loan hoặc Nam Hàn có kỷ cương và văn hoá dân chủ vững mạnh hơn Hoa Kỳ và các nước này cũng không rơi vào loạn lạc sau khi các cựu tổng thống của họ bị kết tội và phải ngồi tù.

***

Trở lại với phán quyết hôm nay của toà phúc thẩm liên bang Hoa Kỳ, các chánh án nhận định: “Cựu tổng thống Trump đã trở thành công dân Trump với đầy đủ quyền biện hộ như mọi bị cáo hình sự khác. Đặc quyền miễn truy tố hình sự từng bảo vệ ông ta trong thời gian ông ta làm tổng thống nay đã không còn bảo vệ ông ta chống lại vụ truy tố này”.

Đi xa hơn, các chánh án cho rằng tuyên bố của ông Trump về quyền miễn truy tố là một mối nguy hiểm cho hệ thống hiến pháp của quốc gia. Phán quyết viết rằng: “Về căn bản, lập trường của ông Trump sẽ làm sụp đổ hệ thống tam quyền phân lập của chúng ta bằng cách đặt tổng thống ra ngoài tầm của cả ba nhánh quyền lực… Chúng ta không thể chấp nhận văn phòng tổng thống đặt những người từng nắm giữ nó lên trên luật pháp kể cả sau thời gian họ tại vị”.

Các chánh án dành cho ông Trump từ đây đến Thứ Hai tuần tới để yêu cầu Tối cao Pháp Viện giải quyết nếu ông không chấp nhận phán quyết.

Theo thông lệ, khi ông Trump khiếu nại lên Tối cao Pháp Viện thì các thẩm phán ở đó sẽ phải quyết định chấp nhận lời khiếu nại của ông hay bác bỏ nó và cho phép phán quyết của tòa phúc thẩm có hiệu lực thi hành. Trong trường hợp Tối cao Pháp Viện từ chối nghe tranh luận về vụ án thì vụ án được trả lại tòa cấp dưới để chánh án Tanya Chutkan ấn định ngày xét xử. Tuần trước bà Chutkan đã huỷ bỏ lịch xét xử ông Trump vào ngày 4 Tháng Ba sắp tới, nhưng vẫn tỏ dấu hiệu cho thấy và sẽ mở toà trong thời gian sớm nhất có thể.

Còn nếu Tối cao Pháp Viện chấp nhận vụ án, thì câu hỏi cấp thiết là phải mất bao lâu các thẩm phán mới ra phán quyết. Nếu họ hành động nhanh, ra quyết định nhanh thì phiên toà xử ông Trump vẫn có thể diễn ra trước ngày bầu cử 5 Tháng Mười Một 2024. Còn nếu các thẩm phán chần chừ thì vụ xử có thể bị đình hoãn đến sau ngày bầu cử, mang lại lợi thế lớn cho ông Trump: ông ta sẽ không bị xoá tên trên phiếu bầu, và nếu may mắn đắc cử, ông ta có thể yêu cầu Bộ Tư pháp Mỹ rút lại đơn kiện hoặc thậm chí tự ân xá cho mình bằng quyền lực tổng thống.

Nếu ông Trump đưa vụ này lên Tối cao Pháp Viện thì cơ quan tư pháp cao nhất nước này phải cùng lúc xem xét hai khiếu nại liên quan tới ông: Một là khiếu nại liên quan tới quyền miễn truy tố hình sự nói trên và hai là khiếu nại phán quyết của tòa án tối cao tiểu bang Colorado xoá tên ông Trump khỏi danh sách ứng cử viên cuộc bầu cử sắp tới do ông ta kích động bạo loạn tấn công Quốc Hội Hoa Kỳ ngày 6 Tháng Gie6ng 2021, vi phạm khoản 3 Tu Chính Án số 14 của Hiến Pháp.

Tối cao Pháp viện dự kiến sẽ có ý kiến về phán quyết của tòa tối cao Colorado vào ngày Thứ Năm 8 Tháng Hai 2024 sắp tới. Nếu TCPV đồng thuận với phán quyết của Colorado, nhiều tiểu bang khác sẽ nghe theo và gạch tên ông Trump khỏi phiếu bầu tổng thống cho dù ông được đảng Cộng Hòa đề cử làm ứng cử viên đại diện cho đảng. Bà Nikki Haley – đối thủ của ông Trump trong đảng Cộng Hoà, đang mong chờ một phán quyết như vậy từ Tối cao Pháp Viện.

Ông Trump có thể biết ông không được quyền miễn truy tố hình sự, biết khó mà lật ngược phán quyết của tòa tối cao Colorado, nhưng vẫn cứ tiếp tục kháng cáo từ cấp này lên cấp khác, chủ yếu sử dụng những cuộc tranh tụng pháp lý dằng dai để đình hoãn vụ án và các hành vi pháp lý chống lại ông ta.

Ông Trump cũng hy vọng, Tối cao Pháp Viện với sáu thẩm phán có quan điểm bảo thủ, trong đó có ba thẩm phán do chính ông đề cử, sẽ ủng hộ ông và phán quyết có lợi cho ông. Nhưng theo nhiều nhà phân tích, các thẩm phán Tối cao Pháp Viện không phải lúc nào cũng nghe theo ý kiến người đề cử mình mà làm việc theo tinh thần thượng tôn pháp luật; gần đây các thẩm phán bảo thủ trong Tối cao Pháp viện tỏ ra không hứng thú với những nỗ lực của ông Trump nhằm xói mòn các cơ cấu và định chế của nền dân chủ Hoa Kỳ.

Tối cao Pháp viện đang đứng trước một lựa chọn khó khăn chưa từng thấy; họ sẽ sử dụng quyền lực như thế nào, sẽ quyết định ra sao, hãy chờ xem!

langbat
Posts: 256
Joined: Sat Sep 22, 2012 3:50 am

Re: Quán Vắng không Người ...3

Post by langbat »

Tuổi Rồng
Tưởng Năng Tiến
12 tháng 2, 2024


Image
(minh họa; Laith Abushaar/Unsplash)

Cận Tết năm Thìn, Marianne Brown (Guardian Weekly) có bài “Vietnam’s parents want a dragon son.” Trời! Tưởng gì? Chớ cả Tầu lẫn Ta ai mà không muốn có con trai tuổi Rồng.

Nhâm Thìn, tất nhiên, lại càng bảnh dữ nữa. Nam nhâm nữ quí thì sang mà lị. Theo tuviso.com: “Tuổi Nhâm Thìn có nhiều hy vọng tốt đẹp về vấn đề tình duyên và tương lai về cuộc sống, có phần tốt đẹp về tình cảm và tài lộc, vào trung vận và hậu vận thì được nhiều tốt đẹp về hạnh phúc, công danh có phần lên cao.”

Hổng dám “cao” đâu! Phạm Viết Đào, Trần Đức Thạch, Nguyễn Tường Thụy, Phạm Thành đều nhâm thìn hết trơn đó chớ nhưng hậu vận – rõ ràng – lận đận (thấy bà luôn) chớ có “tốt đẹp’ hay “hạnh phúc” khỉ mốc gì đâu. Cả bốn ông đều đã (hoặc đang) trong hộp cả.


Trên trang cá nhân của mình, Lê Văn Sơn viết: “Vào buổi sáng ngày 23 Tháng Năm 2020, nhà báo tự do Nguyễn Tường Thụy bị nhà cầm quyền cộng sản Hà Nội đang khám nhà và đọc lệnh bắt giam. Ông Thụy là Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Độc lập.

Nhà văn Phạm Chí Thành, có bút danh là Phạm Thành, người gốc Thanh Hóa, sống tại Hà Nội. Thường biết đến như là chủ trang blog Bà Đầm Xòe đã bị cộng sản Hà Nội bắt giam ngày 21 Tháng Năm 2020 với cái gọi là ‘Tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam’ theo điều 117 BLHS 2015.

Trước đó, vào ngày 23 Tháng Tư 2020, nhà thơ Trần Đức Thạch, người Nghệ An bị bắt với cái gọi là ‘hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân’ theo điều 109 Bộ luật hình sự.

Có một vài điểm chung của 3 nhà yêu nước, các ông đều sinh năm 1952. Ông Thụy, ông Thạch là cựu chiến binh. Ông Phạm Thành từng giữ chức vụ thư ký tòa soạn của Đài phát thanh Việt Nam.”

Thực ra thì chả riêng gì ông Thụy, với ông Thạch, mà cả bốn ông đều đã từng là cựu chiến binh. Sau một cuộc chiến tương tàn, họ mới… chưng hửng, nhận ra rằng chống Mỹ chả cứu được ai mà chỉ để dọn đường cho Tầu xâm lược Việt. Tệ hơn nữa là sau Tháng Tư năm 1975 thì cả hai miền – Nam/Bắc – đều bị đặt dưới sự thống trị của một tập đoàn lãnh đạo bất xứng, bất tài, ngu dốt, tham lam, và lệ thuộc ngoại bang.


Bởi thế nên sau khi buông súng thì Phạm Viết Đào, Trần Đức Thạch, Nguyễn Tường Thụy, Phạm Thành cầm bút. Chính ngòi viết, và những vấn đề thường được xuyên được họ đặt ra , nào là chủ quyền đất nước và hàng loạt những bất cập của chế độ hiện hành, đã khiến cả bốn đều bị bắt giam, chứ chả phải vì tuổi rồng hay tuổi rắn gì đâu.
Image Mà rồng rắn, nói nào ngay, cũng có này có nọ. Hanh thông hay lận đận còn tùy vào thái độ sống của từng người. Xin đan cử một thí dụ, một con rồng khác (Nguyễn Thế Thảo) để rộng đường dư luận.

Ông Nguyễn Thế Thảo sinh ngày 21 Tháng Ba năm 1952, nguyên quán tại xã Nhân Hòa, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh, là Kiến trúc sư tốt nghiệp tại Ba Lan, Tiến sĩ Kinh tế và Lý luận Chính trị cao cấp… là một cựu chính khách Việt Nam. Ông nguyên là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khoá IX, X và XI, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội nhiệm kỳ (2007 – 2015), Ủy viên Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, Đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa XI và XII, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh… Sau Đại hội XII năm 2016 ông nghỉ hưu.” (Theo Wikipedia)

Tuy sinh cùng thời và cùng nơi nhưng Phạm Viết Đào, Trần Đức Thạch, Nguyễn Tường Thụy, Phạm Thành đều đi vào nơi lửa đạn còn Nguyễn Thế Thảo thì đi du học. Thảo có đủ thứ bằng cấp, kể cả bằng Tiến Sỹ Lý Luận Chính Trị (và đại biểu quốc hội nhiều khóa) nhưng không bao giờ mở miệng trước mọi vấn đề cấp thiết của đất nước: Bauxit, Vinashin, Formosa, Giàn Khoan …

Lần duy nhất ông đã lên tiếng, vào hôm 13 Tháng Bảy 2012 là để phê phán những cuộc biểu tình chống Trung Quốc tại Hà Nội, và cáo buộc những người người tham gia khiếu kiện về đất đai là gây phức tạp an ninh – trật tự.” Tuy “kín tiếng” nhưng Nguyễn Thế Thảo lại có nhiều sáng kiến và hành động thì vô cùng quyết liệt.

Ông là tác nhân chính trong vụ đốn hạ 6700 cây xanh (trên 190 tuyến phố ở Hà Nội) và chính là tác giả của những vở kịch “cắt đá” hay “múa đôi” vẫn được trình diễn hằng năm, cho mãi đến hôm nay. Cứ đến ngày 17 Tháng Mười Hai, khi người dân Hà Nội đến trước tượng đài Lý Thái Tổ để tưởng niệm những chiến sỹ đã hy sinh để bảo vệ biển đảo và biên giới (Việt /Trung) thì thế nào cũng có những màn ca vũ “tự phát” để giúp vui cho thêm phần … rôm rả!

T.S Nguyễn Xuân Diện có nhận xét rằng Nguyễn Thế Thảo “đã để lại một nhiệm kỳ tồi tệ và không có một di sản gì đáng kể.” Nhà báo Trương Duy Nhất lại có cái nhìn hơi khác. Theo ông dấu ấn đậm nét nhất mà Nguyễn Thế Thảo lưu lại trong lòng người Hà Nội là hình ảnh “một con rắn khổng lồ, án ngữ trên tầng trung tâm của Thủ đô: tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông.”

Chắc hẳn là ông Nguyễn Thế Thảo không bận tâm chi nhiều về dăm ba điều tiếng eo sèo thượng dẫn. Điểm chính là ông đã hạ cánh an toàn và sẽ có một cuộc sống phú túc, an nhàn, và dật lạc. Thế thôi! Thế mới biết hậu vận của chúng ta không tùy vào tuổi tác mà tùy vào cách ứng xử của từng người. Kẻ đốn cây, người đốn chữ. Kẻ ngồi mát ăn bát vàng và kẻ ngồi tù bóc lịch.

Và hậu vận đất nước cũng tùy thuộc không ít nhiều vào hậu vận của con dân. Xứ sở càng nhiều những con rồng vinh thân phì gia nhờ cõng rắn thì tương lai đất nước càng khốn nạn.

hoangphong
Posts: 391
Joined: Tue Feb 12, 2019 7:20 am

Re: Quán Vắng không Người ...3

Post by hoangphong »

Tại sao bằng mọi giá Putin trừ khử Alexei Navalny?
Thảo Chi

Image
Tưởng nhớ Alexei Navalny tại Ba Lan (ảnh: Beata Zawrzel/NurPhoto via Getty Images)


Cái chết đầy mờ ám của nhân vật chính trị đối lập Nga Alexei Navalny tiếp tục gây sốc thế giới. Trong nhiều năm, Alexei Navalny đã dũng cảm đương đầu trực tiếp với Vladimir Putin, chấp nhận hậu quả là bản án 19 năm tù. Rất khó có khả năng Alexei Navalny được thả chừng nào Putin còn nắm quyền nhưng điều đó vẫn chưa đủ. Theo cơ quan quản lý nhà tù Nga, Navalny đã “bất ngờ ngã gục” khi đi dạo một quãng ngắn trong sân nhà tù, bất tỉnh và chết ngay sau đó. Trong thực tế, chẳng ai biết Alexei Navalny chết như thế nào.

Alexei Navalny đã mang lại điều gì cho nước Nga?

Quyết định giết Navalny của Putin không có gì đáng ngạc nhiên. Đối với Tổng thống Nga, việc khiến Alexei Navalny im lặng một lần và mãi mãi là điều cần phải làm. Putin không thể chịu nổi sự nổi tiếng của Alexei Navalny – người cực kỳ thành công về mặt truyền thông xã hội, đánh bại Kremlin trong trò chơi thông tin, vạch trần hàng loạt hành vi sai trái khủng khiếp của chế độ ở Moscow và “bạch hóa” thông tin cho hàng triệu người trên YouTube và các nền tảng xã hội khác, ngay cả khi Moscow liên tục làm mọi thứ để bịt miệng ông.


Không như bất kỳ nhân vật đối lập nào ở Nga kể từ khi Putin lên nắm quyền gần một phần tư thế kỷ trước, Navalny đã xây dựng được một lượng người ủng hộ vượt xa giới tinh hoa thành thị của Nga. Ông tiếp cận mọi người dân Nga từ mọi nơi trên đất nước, từ công nhân đến kỹ sư công nghệ thông tin, từ dân thường đến giới chuyên gia. Alexei Navalny đặc biệt giỏi trong việc khích lệ giới trẻ Nga, hầu hết vốn dĩ quay lưng lại với chính trị.

Trong xã hội Nga hiện tại, với hầu hết sống trong tâm trạng bối rối, chán nản và thường xuyên bị hù dọa bởi một chế độ đàn áp khốc liệt, Navalny là nhân vật duy nhất có khả năng đoàn kết. Dù chính quyền Nga giam giữ kể từ lúc ông bị bắt khi trở về Nga vào năm 2021, Alexei Navalny vẫn tiếp tục giữ được tầm vóc ảnh hưởng cho đến thời điểm qua đời. Cái chết của Navalny đánh dấu một bước đen tối mới trong quá trình theo đuổi quyền lực một cách tàn nhẫn của Putin.

Trong một thập niên, Alexei Navalny và một nhóm người ủng hộ ngày càng đông đã tìm ra cách để bước qua những trở ngại chính trị mà phe đối lập theo chủ nghĩa tự do ở Nga từ lâu cho rằng không thể vượt nổi. Từ những năm 1990, những người theo chủ nghĩa tự do ở Nga dường như luôn tin rằng chỉ ở những thành phố lớn nhất của Nga – chẳng hạn Moscow và St. Petersburg – nỗ lực thúc đẩy cải cách dân chủ mới thực sự được lắng nghe. Chỉ môi trường đô thị mới có những cộng đồng có tư tưởng tự do quan tâm đến việc xây dựng các thể chế tự do cũng như tạo ra cơ chế kiểm soát và cân bằng dân chủ. Phần còn lại của đất nước chẳng hiểu dân chủ là gì.

Putin, như hầu hết nhà lãnh đạo chuyên quyền ở Moscow trước ông, từ các Sa hoàng đến Stalin, từ lâu luôn công khai tạo ra sự chia rẽ như vậy. Đối với một số người Nga bình thường, chủ nghĩa tự do đồng nghĩa với vô chính phủ. Hậu quả, những người đấu tranh dân chủ dần mất kết nối với chính người dân của họ. Với thực tế rằng tiếng nói của các nhà cải cách dân chủ ít được ủng hộ, nhiều người tin rằng dân Nga chưa sẵn sàng cho dân chủ. Từ đó bắt đầu chiến lược “dân chủ được quản lý” của Putin; rằng chỉ có kẻ mạnh đứng đầu hiểu đất nước mới có khả năng cải cách.

Ở một mức độ nào đó, kinh nghiệm thực tế của nước Nga từ cuối những năm cộng sản đến những năm 2010 đã cho thấy chính sách của Kremlin là “đúng” với thực tế xã hội Nga. Trong giai đoạn perestroika vào những năm 1980, phong trào dân chủ chủ yếu tập trung ở các thành phố lớn. Khi Liên Xô sụp đổ, chỉ có đảng dân chủ Yabloko thành công trong việc xây dựng một mạng lưới rộng lớn trên đất nước Nga. Tuy nhiên, dù mạnh, Yabloko cũng không thể thu hút được hơn 20% số phiếu bầu vào thời kỳ đỉnh cao những năm 1990. Sau khi Putin lên nắm quyền, hoạt động dân chủ nhanh chóng suy giảm, giúp tái xác nhận rằng những người theo đuổi dân chủ ở Nga, bị cô lập ở các thành phố lớn, đã bị tách rời khỏi nhu cầu và lợi ích của phần còn lại đất nước.

Navalny là nhân vật đối lập đầu tiên phá vỡ lối suy nghĩ như vậy. Kết hợp kỹ năng sử dụng mạng xã hội và sở trường của một luật sư trong việc tìm ra bằng chứng truy tố, cùng với năng khiếu giao tiếp và cảm nhận nhạy bén về những vấn đề mà người Nga bình thường quan tâm, Navalny bắt đầu tấn công chế độ Putin theo những cách mà nhiều người lảng tránh. Bộ phim tài liệu phát trên YouTube năm 2017 của Navalny, “Đừng gọi ông ấy là Dimon”, phơi bày chi tiết tình trạng tham nhũng nghiêm trọng của Thủ tướng Dmitry Medvedev, vốn là cộng sự thân cận của Putin. Sự lan tỏa của bộ phim đã giúp Navalny tổ chức các cuộc biểu tình ở khoảng 100 thành phố và thị trấn trên khắp nước Nga vào năm đó. Tính đến năm 2023, bộ phim đã thu hút hơn 45 triệu lượt xem trên YouTube.


Di sản Alexei Navalny

Năm 2015, sau khi Nga sáp nhập Crimea, ngày càng có nhiều ý kiến đồng thuận rằng bộ máy tuyên truyền Putin đã thành công trong việc gây ảnh hưởng đối với phần lớn giới trẻ, những người còn quá trẻ để nhớ những cải cách dân chủ hỗn loạn và thoáng qua vào những năm 1990 và chưa bao giờ thực sự nếm trải mùi vị không khí dân chủ. Qua nhiều năm truyền bá và cai trị chuyên quyền của Putin, người ta tin rằng Kremlin đã loại bỏ hoàn toàn thế hệ trẻ ra khỏi chính trị. Kremlin muốn nói và luôn nhắc: Các bạn trẻ, hãy tận hưởng lợi ích của nền kinh tế ổn định nhờ giá dầu cao, hãy sống xa hoa khi có thể, hãy chơi bời xả láng, chuyện chính trị để chúng tôi lo.

Tuy nhiên, Tổ chức Chống Tham nhũng của Navalny (FBK – Фонд борьбы с коррупцией) đã chứng minh điều đó không đúng. Giới trẻ Nga rất thèm khát dân chủ. Đám đông thanh thiếu niên tham gia những cuộc biểu tình của Navalny đã trở thành một trong những lực lượng chính của phong trào. Năm 2017, bức ảnh một cảnh sát Nga lôi hai cậu bé xuống từ cột đèn ở Quảng trường Pushkin tại trung tâm Moscow đã trở thành biểu tượng cho những người ủng hộ Navalny trên khắp đất nước. Không chỉ xây dựng thành công một tổ chức chính trị đối lập đầu tiên trong lịch sử hậu Xô Viết, với sự hiện diện rộng rãi nhiều thành phần và thu hút nhiều tầng lớp trong xã hội, Alexei Navalny cũng thu hút giới trẻ Nga theo những cách mà Kremlin không thể làm được.

Yếu tố quan trọng nhất trong sự hiện diện của Navalny là mạng xã hội, thứ mà tổ chức của ông liên tục khai thác, ngay cả sau khi ông bị bắt vào năm 2021. Nhóm của Navalny liên tục vượt qua những thách thức công nghệ đối với hoạt động chính trị ở “nước Nga của Putin”. Sự hiện diện không thể ngăn cản trên mạng xã hội của Navalny trở nên đặc biệt quan trọng sau cuộc xâm lược Ukraine năm 2022, khi Kremlin thực hiện chiến dịch bịt miệng và trục xuất tất cả lực lượng đối lập. Khi chiến tranh bắt đầu, các nhà hoạt động đối lập lưu vong đã phát hiện và áp dụng nhiều chiến lược của tổ chức Navalny.

Ngay cả sau khi bị bắt, tên tuổi Navalny tiếp tục là tâm điểm trong chương trình nghị sự của phe đối lập, không chỉ bởi ông là nhân vật đối lập dễ nhận biết nhất mà còn vì ông là biểu tượng đứng đầu trong việc xây dựng được sự ủng hộ thống nhất, trong lẫn ngoài nước. Cái chết của Navalny một lần nữa đánh dấu chính sách đàn áp tàn bạo của nhà nước Nga trong việc loại bỏ mọi nguồn phản đối. Trong hơn hai thập niên, Putin đã biến ám sát chính trị trở thành một phần chủ lực trong “bộ công cụ” tiêu diệt những kẻ “gây rối” – như nhà báo Anna Politkovskaya hoặc người tố giác Alexander Litvinenko. Putin luôn sử dụng biện pháp này để bịt miệng các đối thủ chính trị như Boris Nemtsov (bị bắn gục năm 2015), và Vladimir Kara-Murza (bị đầu độc hai lần và hiện ở trong tù).

Cái chết của Alexei Navalny là một đòn khủng khiếp đối với những người Nga chống Putin. Sẽ khó tìm được người thay thế có thể thống nhất phe đối lập theo cách tương tự, không chỉ bây giờ mà cả ở giai đoạn tương lai hậu Putin. Dù vậy, Navalny đã để lại một di sản chính trị đáng kể. Tổ chức và những người ủng hộ ông vẫn còn. Đó mới là điều quan trọng. Người ta tin rằng số người chống đối Putin sẽ nhiều hơn và giới trẻ sẽ không ngừng nung nấu một tương lai dân chủ cho đất nước họ.

User avatar
TheLang
Posts: 1960
Joined: Thu Oct 30, 2008 5:43 am

Re: Quán Vắng không Người ...3

Post by TheLang »

Hai năm chiến cuộc: Mặt trận Ukraine vẫn bế tắc
Nguyên Cao

Image
Sau hai năm chiến tranh, ít nhất 75,000 binh sĩ Ukraine đã thiệt mạng (ảnh: Gian Marco Benedetto/Anadolu via Getty Images)


Sự lạc quan dành cho Ukraine ngày càng giảm. Quân đội Ukraine vẫn chiến đấu dũng mãnh và ngoan cường nhưng cục diện tiếp tục bế tắc. Chiến dịch quân sự được thiết kế chỉ vài tuần của Nga bắt đầu bước sang năm thứ ba. Moscow vẫn trông đợi một điều bất khả: Chiến thắng và thôn tín hoàn toàn Ukraine.

Thành tích quân sự của Ukraine không phải không đáng kể. Phó Thủ tướng Mykhailo Fedorov nói, “Chúng tôi không có lựa chọn nào khác ngoài việc thể hiện sức mạnh… Chúng tôi có lợi thế rõ ràng về tính hiệu quả và tốc độ” (dẫn lại từ The Economist). Năm 2023, Ukraine đã đánh chìm 1/5 hạm đội Hắc Hải của Nga và thiết lập hành lang vận chuyển dù họ bị quân Nga bắn phá liên tục.

Cách tiếp cận tương tự đã chứng kiến sự gia tăng đáng kể trong việc sản xuất máy bay không người lái chiến đấu giá rẻ. Ukraine tự hào có gần chục mẫu tên lửa tầm xa có thể tấn công các mục tiêu cách xa hơn 600km. Một nhà sản xuất máy bay không người lái tầm xa tự tin dự đoán năm 2024 sẽ chứng kiến cuộc chiến lan sâu vào các khu vực miền Trung nước Nga.


TIME cho biết thêm, Ukraine đã tái chiếm khoảng một nửa lãnh thổ bị quân Nga chiếm, với tổn thất dĩ nhiên không nhỏ. Tháng Tám 2023, các chuyên gia Mỹ ước tính, trong lực lượng chiến đấu ban đầu gồm 200,000 người, khoảng 75,000 binh sĩ Ukraine đã thiệt mạng. Thất bại của cuộc phản công năm 2023 khiến nhiều người khó duy trì sự lạc quan. Cuộc thăm dò gần đây cho thấy cam kết tuyệt đối của người dân Ukraine đối với cuộc chiến đang giảm. Tháng Giêng 2023, chỉ 29% người Ukraine muốn hoặc sẵn lòng để Ukraine đàm phán chấm dứt chiến tranh. Đến Tháng Mười Một 2023, con số này là 42%.

Sự bất mãn và tâm lý mệt mỏi có thể thấy rõ ở việc ngày càng có nhiều nam giới trong độ tuổi nhập ngũ bị bắt khi trốn khỏi Ukraine. Có người đã trả hàng ngàn đôla cho đường dây buôn người để được đưa qua biên giới phía Tây. Tháng Tám 2023, Zelensky sa thải tất cả các nhà tuyển dụng quân sự vì tội nhận hối lộ. Con số thanh niên trốn quân dịch lên đến hàng chục ngàn người.
Image
Tổng thống Joe Biden vẫn ủng hộ Kyiv trong khi nhiều chính trị gia Mỹ lẫn châu Âu đang ngày càng mất kiên nhẫn với cục diện Ukraine (ảnh: Bill O’Leary/The Washington Post via Getty Images)

Trong khi đó, quân đội Ukraine ngổn ngang tham nhũng, trong đó có vụ tham nhũng từ thương vụ mua sắm vũ khí trị giá $40 triệu. Một vụ khác, liên quan năm quan chức của công ty hạt nhân nhà nước Energoatom, cũng gây ồn ào, khi họ bị cáo buộc biển thủ $2.65 triệu từ một dự án do Mỹ hỗ trợ. Đáng nói hơn, một thành viên Quốc hội thuộc đảng chính trị của Zelensky bị buộc tội giả mạo giấy tờ y tế để rời khỏi đất nước nhưng sau đó đương sự được phát hiện đi nghỉ cùng gia đình ở Maldives. Một nghị sĩ khác, thành viên trong đảng của Zelensky cho đến năm 2021, cũng bị phát hiện đi du hí ở Barcelona cùng bạn gái. Những vụ việc như vậy đã làm xói mòn cam kết của Mỹ nói riêng và châu Âu nói chung dành cho Ukraine, đặc biệt khi người ta nghĩ đến bối cảnh một Ukraine thời hậu chiến.

Bức tranh kinh tế ở Ukraine tất nhiên không sáng sủa. Thiệt hại nhà ở do bị bom đạn tàn phá đã lên đến hơn $54 tỷ. Nền kinh tế dù vượt qua những trận giông bão chiến tranh kinh hoàng nhưng lạm phát trung bình vẫn ở mức trên 21%; tỷ lệ thất nghiệp trên 15% và kiều hối đang giảm nhanh.

Ngày càng có nhiều lo ngại về tình trạng dân chủ và pháp quyền ở Ukraine. Rõ ràng nhất là việc hoãn bầu cử vô thời hạn. Các cuộc bầu cử Quốc hội lẽ ra được tổ chức trước ngày 29 Tháng Mười nhưng đã không được thực hiện; trong khi đó, nhiệm kỳ tổng thống của Volodymyr Zelensky sẽ hết hạn vào Tháng Tư 2024. Thiết quân luật đang hạn chế các quyền tự do trong khi lại dẫn đến tình trạng quan liêu.

Image
Volodymyr Zelensky không ngừng nghỉ trong việc thuyết phục thế giới viện trợ Ukraine (ảnh: Viktor Kovalchuk/Global Images Ukraine via Getty Images)

Trên bình diện quốc tế, sự ủng hộ dành cho Ukraine đang cạn. Một cuộc thăm dò CNN vào Tháng Tám 2023 cho thấy đa số người Mỹ tin rằng Hoa Kỳ đã làm những gì cần làm để giúp Ukraine và bây giờ không nên tiếp tục dính vào Kyiv. Cuộc thăm dò Gallup vào Tháng Mười Một cũng cho kết quả tương tự. Về mặt chính thức, các chính phủ phương Tây vẫn cam kết đi đến cùng với sứ mạng bảo vệ quốc gia của Ukraine nhưng cùng lúc người ta cũng thấy rõ áp lực trong nước họ, đặc biệt khi thế giới lại chứng kiến sự hỗn mang ở Trung Đông.

Vấn đề nội chính bất an của Ukraine, chứ không phải của Nga, mới thật sự quan trọng. Hai năm thống nhất chính trị đã nhường chỗ cho đấu đá nội bộ công khai. Tổng thống Volodymyr Zelensky đối mặt nhiều chỉ trích. Đầu Tháng Hai 2024, Volodymyr Zelensky đã cách chức chỉ huy lực lượng vũ trang Valery Zaluzhny. Trước ngày Valery Zaluzhny bị sa thải, 94% người Ukraine nói rằng họ tin tưởng vào vị tướng thời chiến của họ, so với 40% dành người thay thế, Oleksandr Syrsky.

Tháng Năm 2024, nhiệm kỳ tổng thống năm năm của Zelensky chính thức kết thúc. Thiết quân luật cho phép tổng thống tiếp tục tại vị cho đến khi người khác được bầu, nhưng bầu cử không thể thực hiện trong bối cảnh thời chiến. Dù thế nào, cuộc thăm dò từ Trung tâm Razumkov, một công ty xã hội học địa phương, cho thấy niềm tin dành cho Zelensky vẫn ở mức 70%.

Vấn đề quan trọng đặc biệt nữa với Volodymyr Zelensky là làm sao duy trì được sự ủng hộ phương Tây. Các nghị sĩ Đảng Cộng hòa trong Quốc hội Hoa Kỳ đang mất kiên nhẫn. TIME ngày 21 Tháng Hai 2024 cho biết, trung tuần Tháng Giêng 2024, Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson (Cộng hòa), còn nói cứng: “Tất cả chúng tôi đều lên án Vladimir Putin, cùng với sự man rợ và thái độ gây hấn mà ông ấy thể hiện. Ông ấy phải được ngăn lại”.

Tuy nhiên, một tháng sau, ngày 13 Tháng Hai 2024, chính Mike Johnson lại chặn một cuộc bỏ phiếu chuẩn y khoản viện trợ $60 tỷ mà Thượng viện đã phê duyệt cho Ukraine vào đầu ngày hôm đó. Châu Âu cũng mệt mỏi. Tháng Chín 2023, Thủ tướng Ý Giorgia Meloni nói, “Tôi thấy có quá nhiều điều khiến mệt mỏi, tôi phải nói sự thật… Chúng ta [đang] gần thời điểm mà mọi người đều hiểu rằng chúng ta cần một lối thoát.”

__________

Hai năm đầu sóng ngọn gió của Volodymyr Zelensky

Kể từ khi Nga xâm chiếm Ukraine ngày 24 Tháng Hai 2022, Tổng thống Volodymyr Zelensky đã trở thành một trong những nhà lãnh đạo được yêu mến nhất thế giới.
Image
Tổng thống Volodymyr Zelensky (ảnh: Stanislav Ivanov/Global Images Ukraine via Getty Images)

Khi Nga bắt đầu tấn công Ukraine, người ta lo rằng Nga sẽ ám sát Zelensky để nhanh chóng kết thúc cuộc chiến. Mỹ cho biết họ sẵn sàng giúp đưa Volodymyr Zelensky ra nước ngoài. Tuy nhiên, Zelensky ở lại. Trong đoạn video quay trên đường phố Kyiv ngày 25 Tháng Hai, Volodymyr Zelensky, cùng một số thành viên chính phủ, nói: “Tất cả chúng tôi đều ở đây, bảo vệ nền độc lập của chúng tôi, nhà nước của chúng tôi”.

Tiếp đó, Zelensky kêu gọi hỗ trợ quốc tế. Nhiều nước láng giềng của Ukraine thoạt đầu lo ngại bị lôi kéo vào một cuộc xung đột với Moscow. Tuy nhiên, Zelensky đã thành công trong việc xây dựng sự ủng hộ, với bài phát biểu đầy cảm xúc trong cuộc họp khẩn cấp của Hội đồng Châu Âu ngày 24 Tháng Hai.


Sau khi quân đội Nga rút khỏi Bucha vào Tháng Ba 2022, thế giới đã chứng kiến những cảnh tượng kinh hoàng với các bằng chứng cho thấy quân Nga đã giết hại và tra tấn thường dân. Ngày 4 Tháng Tư, Zelensky tới Bucha và cáo buộc Nga phạm tội ác chiến tranh và diệt chủng. Ông nói với các nhà báo: “Chúng tôi muốn các bạn cho thế giới thấy những gì đang diễn ra ở đây”.

Sau khi Ukraine giải phóng thành phố Izyum ở vùng Kharkiv phía Đông Ukraine, Zelensky đã tới thành phố này để gặp quân đội, giương cao lá cờ Ukraine và hát quốc ca Ukraine. Sự kiện đánh dấu một thời điểm quan trọng khi cuộc phản công năm 2022 của Ukraine ở phía Đông được khích lệ tinh thần không chỉ với người Ukraine mà cả với các đồng minh. Trong bài phát biểu nảy lửa, Volodymyr Zelensky nói rằng Nga có thể tạm chiếm một số vùng Ukraine nhưng không bao giờ “chiếm giữ được người dân của chúng tôi, người dân Ukraine”.

Ngày 21 Tháng Mười Hai năm 2022, Zelensky đến Washington DC trong chuyến kinh lý quốc tế đầu tiên kể từ khi bắt đầu chiến tranh. Sự kiện với ý nghĩa biểu tượng cho thấy mối quan hệ chặt chẽ giữa Kyiv với Washington. Trong bài phát biểu trước Quốc hội Hoa Kỳ của Volodymyr Zelensky, các nhà lập pháp Mỹ đã đứng lên vỗ tay 18 lần. Ngay sau đó, Quốc hội Hoa Kỳ thông qua khoản hỗ trợ mới trị giá $45 tỷ (sau đó vài tháng, ngày 20 Tháng Hai 2023, Tổng thống Joe Biden bất ngờ tới Kyiv).

Tháng Mười Hai 2023, một năm sau chuyến thăm Hoa Kỳ đầu tiên, Zelensky trở lại Washington để gặp Biden và các nhà lãnh đạo Quốc hội, với chiến dịch kêu gọi tiếp tục hỗ trợ Ukraine. Lần này, Zelensky trở về tay không. Quốc hội Hoa Kỳ bế tắc trước yêu cầu của Biden về khoảng ngân sách hơn $60 tỷ cho Kyiv.

Tại Hội nghị An ninh Munich vào ngày 17 Tháng Hai 2024, Volodymyr Zelensky khẩn nài quốc tế không bỏ rơi Ukraine. Nhấn mạnh việc Ukraine cần thêm vũ khí, ông cảnh báo rằng Ukraine không thể chiến thắng nếu không được viện trợ. Ông nói, nếu Ukraine bị bỏ rơi, “Nga sẽ tiêu diệt chúng tôi” cũng như các quốc gia lân cận. Volodymyr Zelensky nói, “năm 2024 phải trở thành thời điểm để khôi phục hoàn toàn trật tự thế giới dựa trên luật pháp quốc tế”.

hoangphong
Posts: 391
Joined: Tue Feb 12, 2019 7:20 am

Re: Quán Vắng không Người ...3

Post by hoangphong »

Ông Biden đả kích ông Trump, phe Cộng hòa trong diễn văn Thông điệp Liên bang nảy lửa
08/03/2024

Image
Tổng thống Mỹ Joe Biden đọc Thông điệp Liên bang trước phiên họp chung của Quốc hội tại Phòng họp Hạ viện của Điện Capitol Hoa Kỳ ở Washington, Mỹ, ngày 7 tháng 3 năm 2024.

Tổng thống Joe Biden chĩa mũi dùi vào cựu Tổng thống Donald Trump trong một bài diễn văn nảy lửa trước Quốc hội hôm thứ Năm, cáo buộc đối thủ bầu cử của ông đe dọa nền dân chủ Mỹ và phục tùng Nga, khi ông trình bày viễn kiến của mình cho bốn năm nữa tại vị trong Nhà Trắng.

Trong bài diễn văn Thông điệp Liên bang cuối cùng trước cuộc bầu cử, ông Biden, thuộc Đảng Dân chủ, cáo buộc ông Trump, đối thủ thuộc Đảng Cộng hòa của ông trong cuộc bầu cử ngày 5 tháng 11, chôn vùi sự thật về vụ tấn công Điện Capitol ngày 6 tháng 1 năm 2021, cúi đầu trước Tổng thống Nga Vladimir Putin và khiến dự luật thắt chặt các hạn chế ở biên giới Mỹ với Mexico thất bại.

Bài diễn văn dài 68 phút đem lại cho ông Biden, hiện đang đối mặt với tỉ lệ ủng hộ thấp, cơ hội nói chuyện trực tiếp với hàng triệu người Mỹ về viễn kiến của ông cho một nhiệm kỳ bốn năm nữa và thể hiện sự tương phản với ông Trump, người mà ông không nêu đích danh nhưng hiện diện suốt bài diễn văn.

Phát biểu trước phiên họp chung của Hạ viện và Thượng viện, ông Biden mở đầu bài phát biểu bằng việc chỉ trích trực tiếp ông Trump vì phát biểu mời Tổng thống Vladimir Putin của Nga xâm chiếm các quốc gia NATO khác nếu họ không chi nhiều hơn cho quốc phòng.

“Bây giờ, người tiền nhiệm của tôi, cựu tổng thống Đảng Cộng hòa, nói với Putin rằng, ‘Hãy làm bất cứ điều gì ông muốn,’” ông Biden nói. “Tôi nghĩ điều đó thật quá đáng, nguy hiểm và không thể chấp nhận được.”

Ông Biden, đang thúc đẩy Quốc hội cung cấp thêm ngân quỹ cho Ukraine để phục vụ cuộc chiến với Nga, cũng gửi thông điệp tới ông Putin: “Chúng tôi sẽ không quay bước đi,” ông nói.

Tổng thống thể hiện sự tương phản với ông Trump về quyền phá thai và nền kinh tế, đồng thời ông chỉ trích một số nhà lập pháp Đảng Cộng hòa trong phòng họp bằng những câu bật lại ngẫu hứng nhằm xoa dịu những lo ngại về tuổi tác và sự minh mẫn của ông.

Ông Biden ngay từ đầu bài phát biểu tung ra những chỉ trích nảy lửa. Ông cáo buộc ông Trump và phe Cộng hòa tìm cách viết lại lịch sử về cuộc bạo loạn ở Điện Capitol ngày 6 tháng 1 năm 2021 do những người ủng hộ cựu tổng thống tìm cách lật ngược chiến thắng vào năm 2020 của ông Biden.

“Người tiền nhiệm của tôi và một số quý vị ở đây đang tìm cách chôn vùi sự thật về ngày 6 tháng 1. Tôi sẽ không làm điều đó,” ông Biden nói, một tín hiệu cho thấy ông sẽ nhấn mạnh vấn đề này trong chiến dịch vận động tái tranh cử của mình. "Bạn không thể yêu đất nước của mình chỉ khi bạn giành chiến thắng."

Ông cũng chỉ trích các nghị sĩ Cộng hòa vì đã tìm cách hủy bỏ các điều khoản chăm sóc y tế theo Đạo luật Chăm sóc Giá cả phải chăng, còn được gọi là Obamacare, làm tăng thâm hụt ngân sách, và chế nhạo họ vì nhận ngân quỹ từ đạo luật mà chính họ phản đối.

Ông Biden đang đối mặt với sự bất mãn của những nghị sĩ có chủ trương cấp tiến trong đảng của ông về việc ông ủng hộ Israel trong cuộc chiến chống lại Hamas và từ các nghị sĩ Cộng hòa về lập trường của ông về vấn đề nhập cư, nhưng các nghị sĩ Dân chủ trong phòng họp reo hò vỗ tay cuồng nhiệt, khiến tổng thống nói đùa rằng ông nên rời đi trước khi bắt đầu diễn văn.

Ông Trump, trong khi đó, đăng một loạt tin nhắn đều đặn chỉ trích ông Biden trên nền tảng mạng xã hội Truth Social của mình. “Ông ấy trông rất tức giận khi nói chuyện, một đặc điểm của những người biết rằng họ đang ‘mất trí,” ông Trump viết. “Giận dữ và la hét không giúp đoàn kết đất nước của chúng ta!"

Các cuộc thăm dò ý kiến cho thấy ông Biden, 81 tuổi và ông Trump, 77 tuổi, có tỉ lệ ủng hộ ngang ngửa trong cuộc đua. Hầu hết cử tri Mỹ đều không hào hứng với trận tái đấu sau khi ông Biden đánh bại ông Trump bốn năm trước.

Ông Trump, đối mặt với nhiều cáo buộc hình sự trong khi ông vận động tranh cử, nói ông định sẽ trừng phạt kẻ thù chính trị và trục xuất hàng triệu di dân nếu ông giành được nhiệm kì thứ hai ở Nhà Trắng.

Bài diễn văn có thể là sân khấu lớn nhất của vị tổng thống Đảng Dân chủ nhằm tiếp cận các cử tri đang cân nhắc nên bỏ phiếu cho ông, ông Trump, hay không tham gia bầu cử. Nikki Haley, đối thủ cuối cùng còn lại của ông Trump trong cuộc đua tranh đề cử tổng thống của đảng ông, đã bỏ cuộc hôm thứ Tư.

User avatar
dodom
Posts: 2723
Joined: Fri Nov 28, 2008 8:38 pm

Re: Quán Vắng không Người ...3

Post by dodom »

Vì sao Võ Văn Thưởng sẽ phải rút lui khỏi chính trường?
Lê Văn Đoành
15-3-2024
Triều đình cộng sản hiện đang rúng động! Thật khó tin khi mà trong một nhiệm kỳ, lại có hai Uỷ viên Bộ Chính trị ngồi ghế Chủ tịch nước, nhưng phải xin từ chức. Lại càng khó tin hơn khi mà trong vòng 13 tháng, tại khoá 13, lại có đến hai ông chủ tịch nước bị “ngã ngựa”. Nhưng chuyện khó tin này nay mai sẽ trở thành sự thật.

Ngày 13-3-2024, Bộ Chính trị đảng Cộng sản Việt Nam nhóm họp. Tại đây, sau báo cáo của Ban Nội chính Trung ương, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương và Bộ Công an, các ủy viên Bộ Chính trị dự họp, đã thảo luận “sâu sắc” và nhất trí “khuyên”, nhưng nói đúng ra là “buộc” Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng phải làm đơn xin thôi tất cả các chức vụ như: Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng An ninh, Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam, Uỷ viên Trung ương đảng, Uỷ viên Bộ Chính trị khoá 13…
Image
Ảnh: Võ Văn Thưởng trong ngày tuyên thệ nhậm chức chủ tịch nước. Nguồn: VTV

Vì sao nên nỗi?

Năm 2011, khi đang là Uỷ viên Trung ương khoá 11, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Võ Văn Thưởng được điều động về làm Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Ngãi, thay cho Nguyễn Hoà Bình về nắm Viện trưởng Viện Kiểm sát Tối cao.

Năm 2012, Tập đoàn Phúc Sơn của Nguyễn Văn Hậu (con nuôi Trịnh Đình Dũng, Uỷ viên Trung ương khoá 11, bộ trưởng Bộ Xây dựng), trúng thầu dự án Tuyến đường bờ nam sông Trà Khúc, có vốn đầu tư lên đến 1000 tỷ đồng.


Các lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi sau đây đã đưa ra chủ trương, nghị quyết, liên quan đến quyết định đầu tư dự án trọng điểm này, gồm:

– Võ Văn Thưởng, sinh năm 1970, quê Măng Thít, Vĩnh Long, Uỷ viên Trung ương, bí thư Tỉnh uỷ Quảng Ngãi 2011-2014

– Cao Khoa, sinh năm 1954 quê Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi, là Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2011-2014.

– Đặng Văn Minh, sinh năm 1966, quê Đức Phổ, Quảng Ngãi, Giám đốc Sở Giao thông – Vận tải, giai đoạn 2010-2015.

Ngày 8-3-2024, Bộ Công an đồng loạt khởi tố, bắt giam các quan chức lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi và Vĩnh Phúc, liên quan đến Tập đoàn Phúc Sơn.

Cũng hôm đó, ở tỉnh Quảng Ngãi, hai ông Cao Khoa, cựu chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi (nghỉ hưu năm 2014) và Đặng Văn Minh, Phó bí thư thành uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, đã bị C03 Bộ Công an bắt giam, với tội danh “nhận hối lộ” theo điều 354 Bộ luật Hình sự. Ngay trong chiều ngày 8-3, hai ông Khoa và Minh bị di lý về Hà Nội để giam giữ, phục vụ điều tra.


Cùng lúc, tại tỉnh Vĩnh Long, Cơ quan điều tra Bộ Công an cũng bắt giam Đặng Trung Hoành, huyện uỷ viên, Chánh văn phòng Huyện uỷ Măng Thít, tỉnh Vĩnh Long. Có thông tin cho hay, Hoành là anh họ của ông Võ Văn Thưởng, đương kim chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam.
Image
Đặng Trung Hoành, người nhà của Võ Văn Thưởng. Nguồn ảnh: Bộ Công an

Thông tin nội bộ mà chúng tôi có được, theo lời khai của Nguyễn Văn Hậu, chủ tịch Tập đoàn Phúc Sơn, năm 2012, Đặng Trung Hoành là người đã đứng ra môi giới cho Phúc Sơn nhận được dự án ngàn tỷ tại Quảng Ngãi. Hoành đã cầm của Hậu số tiền 60 tỷ đồng (thời điểm năm 2012).

Được biết, tại cơ quan điều tra, Đặng Trung Hoành nhận tội, nhưng chỉ nhận tội một mình, tuyệt nhiên ông ta không hề khai với cơ quan điều tra việc ông ta chia chác cho bất kỳ ai số tiền “lót tay” mà ông ta nhận được từ Tập đoàn Phúc Sơn.

Cái chết được báo trước

Như vậy, chỉ sau hơn một năm nhậm chức, thay thế ông Nguyễn Xuân Phúc ngồi vào ghế chủ tich nước, ông Võ Văn Thưởng sắp bị truất phế nửa chừng. Dư luận cho rằng, ghế chủ tịch nước có “dớp”, nên có quá nhiều chuyện không hay xảy ra khi ai đó ngồi vào.

Năm 2016, sau khi tái trúng cử Uỷ viên Bộ Chính trị khoá 12, từ bộ trưởng Bộ Công an, Trần Đại Quang nhảy lên ngồi ghế chủ tịch nước, nhiệm kỳ 2016-2021. Ngồi chưa được một năm, Trần Đại Quang phát bệnh, phải đi Nhật Bản chữa trị, nhưng y tế Nhật cũng đành “bó tay”. Nội bộ rò rỉ thông tin, chủ tịch Quang bị đầu độc phóng xạ. Trần Đại Quang đi theo Mác – Lê hồi tháng 8-2018. Ân huệ mà đảng dành cho Quang, cũng là cách mà đảng trang điểm bộ mặt, là em trai và con trai ông Quang được tiến thân trong guồng máy chính trị.


Tháng 10-2018, tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng thay Quang, “ôm” luôn chức chủ tịch nước. Sáu tháng sau, vào tháng 4-2019, Nguyễn Phú Trọng bị đột quỵ, suýt bỏ mạng trong chuyến kinh lý ở Kiên Giang.

Tháng 4-2021, sau đại hội 13, được làm “nhân sự đặc biệt” ngồi lại ghế tổng bí thư nhiệm kỳ thứ ba, Nguyễn Phú Trọng đã bàn giao chức chủ tịch nước cho Nguyễn Xuân Phúc.

Tháng 1-2023, trong cuộc tranh giành quyền lực triền miên, gia đình ông Nguyễn Xuân Phúc bị vướng vào đại án test kit Việt Á. Phe tấn công buộc ông Phúc phải viết đơn xin từ bỏ chức chủ tịch nước, cùng tất cả các chức vụ trong đảng, rời khỏi chính trường. Đổi lại, ông Phúc được bảo đảm tuyệt đối không hồi tố, cùng sự an toàn của vợ, con ông.

Tháng 2-2023, từ vị trí A5 – theo thứ tự quyền lực trong đảng – Võ Văn Thưởng được đưa lên A2, thay Nguyễn Xuân Phúc, tuyên thệ nắm chức chủ tịch nước. Có hai nhân sự được giới thiệu lấy phiếu thăm dò tại Bộ Chính trị là Tô Lâm và Võ Văn Thưởng. Tuy nhiên, đa số phiếu đã dành cho ông Thưởng. Kể từ ngày đó, nhiều thế hệ đảng viên cộng sản đánh giá ông Thưởng là “ngôi sao sáng giá”, xứng đáng tham gia cuộc đua, tranh vị trí A1 – Tổng bí thư – tại đại hội 14.

Thế nhưng…
Image
Lúc mới nhậm chức Chủ tịch nước, Võ Văn Thưởng mời Tổng thống Nam Hàn Yoon Suk Yeol ngồi vào ghế sắp gãy, bây giờ chắc gãy thật rồi. Nguồn ảnh: VNE
***

Chuyện kể rằng, đầu năm 2016 tại một bàn trà, khi nhận tin đại hội 13 đã bầu xong, xướng tên “19 vì tinh tú” tham gia Bộ Chính trị, mọi người ồ lên khi Võ Văn Thưởng, 46 tuổi, có tên trong danh sách. Đại tá Nguyễn Văn Yên, Vụ trưởng vụ 1, Ban Nội chính Trung ương, ngồi cùng bàn, đã buột miệng “Mịa nó, tao suýt bắt nó năm 2013 rồi”! Nguyễn Văn Yên hiện nay là Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương.

Trong một diễn biến gây chú ý, trong hai ngày 28 và 29-1-2024, Tô Lâm, bộ trưởng Bộ Công an, đi thăm các cựu lãnh đạo phía Nam là các ông Trương Tấn Sang, Nguyễn Tấn Dũng, Nguyễn Minh Triết, cùng các tướng lĩnh công an đã nghỉ hưu tại TPHCM. Tô Lâm đi vấn an hay báo cáo việc hệ trọng, không ai biết được. Những người am hiểu chính trường, lúc đó chỉ cảm nhận rằng có điều gì đó bất bình thường sắp xảy ra.
Image
Tô đại tướng thăm cựu Chủ tịch nước Trương Tấn Sang. Nguồn: Báo Thanh Niên

Image
Đại tướng Tô Lâm thăm cựu Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết. Nguồn: Báo Thanh Niên

Image
Tô đại tướng thăm các cựu lãnh đạo Bộ Công an đã nghỉ hưu. Nguồn: Báo Thanh Niên

Trong số hai trăm Uỷ viên Trung ương đảng, hầu như người nào cũng có “tì vết” với vô vàn tội danh, sai phạm như: Bảo kê, tham nhũng, nhận hối lộ, vi phạm điều lệ đảng, có vấn đề lý lịch, lập trường quan điểm không rõ ràng, tự diễn biến… Chỉ có điều, khi cần thêm “củi” để ném vô lò, hoặc cần hạ bệ ai đó trong cuộc tranh giành quyền lực, các “tì vết” của họ đã có trong quá khứ, sẽ bị những kẻ gọi nhau là “đồng chí” lôi ra để “thịt” lẫn nhau.

Dư luận xôn xao, bình luận sôi nổi về những biến động từ chính trường Việt Nam. Tuy nhiên, đây chỉ màn mở đầu cho cuộc quyết đấu tranh giành quyền lực trong đảng trước thềm đại hội 14. Ai sẽ ngồi vào cái ghế tổng bí thư để thay thế ông Nguyễn Phú Trọng, nắm chức vụ lãnh tụ tối cao của đảng, đó mới là đích ngắm cuối cùng của các phe phái. Từ bây giờ cho tới ngày đại hội chính thức diễn ra, sẽ còn nhiều màn trình diễn với đầy đủ các thể loại, dở khóc dở cười…

User avatar
MatVit
Posts: 832
Joined: Fri Sep 02, 2011 9:18 pm

Re: Quán Vắng không Người ...3

Post by MatVit »

Trump ‘bán’ Thánh Kinh, tín đồ Cơ Đốc Giáo phản ứng ra sao?
March 29, 2024


WASHINGTON, DC (NV) – Cựu Tổng Thống Donald Trump đang chính thức bán một quyển Kinh Thánh Cơ Đốc có chủ đề ái quốc dựa trên ca khúc trứ danh của Lee Greenwood, “God Bless the USA” (Chúa Ban Phước cho Mỹ Quốc).

“Tuần Thánh An Lành!” Trump nhắn nhủ trên mạng xã hội hôm Thứ Ba, 26 Tháng Ba, trong thời điểm long trọng nhất của lịch Công Giáo, tuần cuối cùng của Mùa Chay đánh dấu cuộc khổ nạn và cái chết của Chúa Jesus. “Khi chúng ta bước vào Thứ Sáu Tuần Thánh và Lễ Phục Sinh, tôi khuyến khích quý vị mua một bản Kinh Thánh God Bless The USA.”

Ý tưởng phác thảo nên cuốn Kinh Thánh gắn liền với quốc kỳ Mỹ, cũng như chiến dịch rao bán mà cựu tổng thống dành cho một bản văn được các tín đồ Cơ Đốc Giáo coi là thiêng liêng, làm dấy lên mối lo ngại trong cộng đồng tôn giáo. Điều này cũng đặt ra câu hỏi về những gì mà Trump đang âm thầm suy tính, khi cựu tổng thống đang bị các cuộc chiến pháp lý hao tiền tốn của bủa vây.

Image
Tổng Thống Donald Trump cầm quyển Thánh Kinh bên ngoài nhà thờ St John’s Episcopal ở Washington, DC ngày 1 Tháng Sáu, 2020 (Hình: BRENDAN SMIALOWSKI/AFP/Getty Images)

Cuốn Kinh Thánh có giá $59.99, được xuất bản lần đầu tiên năm 2021, có hình quốc kỳ Mỹ và dòng chữ “God Bless the USA” in trên bìa. Bên trong có dòng chữ “Chúa Phù Hộ Cho Nước Mỹ” và dòng chữ Tuyên Ngôn Độc Lập, Lời Cam Kết Trung Thành và các tài liệu lịch sử khác của Hoa Kỳ. Tài liệu quảng cáo cho quyển Kinh Thánh có hình ảnh cựu tổng thống cùng với ca sĩ nhạc đồng quê Lee Greenwood.

Những lời bình luận trên mạng xã hội đáp lại màn buôn thần bán thánh của Trump là “báng bổ,” “dị giáo” và “tấn công giới răn” đồng thời trích dẫn các bài học từ Kinh Thánh cho thấy việc lợi dụng đức tin của người khác để kiếm tiền đáng bị lên án.


“Quả là thời kỳ lụn bại của Cơ Đốc Giáo khi phải nhìn thấy một kẻ mị dân lợi dụng đức tin của tín đồ và thậm chí cả kinh thánh để theo đuổi quyền lực của chính hắn và làm cho người ta suy tôn hắn, thay vì nhất quyết không cho phép đức tin thiêng liêng và kinh thánh của chúng ta trở thành một công cụ ngôn luận của một đế chế,” Mục Sư Benjamin Cremer cho biết trên X, từng là Twitter.

Jason Cornwall, mục sư đến từ South Carolina, nói trên X rằng việc Trump buôn bán Kinh Thánh là vi phạm một trong Mười Điều Răn của Kinh Thánh Do Thái cấm lấy danh Chúa làm chuyện vô nghĩa.


Tuy nhiên, làn sóng lên án không dừng lại ở việc liệu việc Trump bán Kinh Thánh có phải là phi Cơ Đốc Giáo hay không. Trên thực tế, đó chỉ là màn khởi đầu.

Sử gia kiêm tác giả Jemar Tisby cho biết tổng thể đề án phản ảnh các giá trị của chủ nghĩa dân tộc Cơ Đốc Giáo – với ý tưởng rằng nước Mỹ được thành lập như một quốc gia Cơ Đốc Giáo và chính phủ nên nỗ lực để phê chuẩn Cơ Đốc Giáo theo quy mô quốc gia, nghĩa là lấy đạo này làm gốc. Các nguyên lý của chủ nghĩa dân tộc Cơ Đốc Giáo có lịch sử gắn liền với thành kiến, chủ nghĩa bản địa và quyền lực tối thượng của dân da trắng.

“Điều làm người ta phẫn nộ đó là cuốn Kinh Thánh có Tuyên Ngôn Độc Lập, Hiến Pháp Hoa Kỳ và thậm chí cả lời bài hát của Lee Greenwood. Cho nên, mục đích của việc chèn các bản văn chính trị vào Kinh Thánh là nhằm xóa bỏ hoàn toàn cách biệt giữa Giáo Hội và chính phủ.”

Tisby, có văn bằng Cao Học Thần Học tại Chủng Viện Thần Học Cải Cách tại Jackson, Mississippi, từng viết về sự nguy hiểm mà chủ nghĩa dân tộc Cơ Đốc – gây nên cho cả Hoa Kỳ lẫn đức tin Cơ Đốc.


“Điều nguy hiểm ở đây là nó lợi dụng sự tận tâm người ta dành cho Chúa và lòng ái quốc, bản thân một trong hai điều đó có thể vô hại hoặc thậm chí là tốt,” ông nói.

“Nhưng trong nỗ lực này, cả hai khía cạnh đang hòa quyện lại với nhau. Và với việc Trump là người lên tiếng, ông đang truyền tải một thông điệp rất rõ ràng về hình thức Cơ Đốc Giáo nào và hình thức ái quốc nào (mà ông đang) theo đuổi.”

Khi Guthrie Graves-Fitzsimmons, giám đốc truyền thông của Ủy Ban Hỗn Hợp Tự Do Tôn Giáo Baptist, biết được chiến dịch buôn bán Kinh Thánh của Trump, ông nói rằng hóa ra là có một chính trị gia lợi dụng nỗi sợ hãi bắt nguồn từ kỳ thị chủng tộc và thành kiến để thúc đẩy hệ tư tưởng Cơ Đốc Giáo cụ thể.

Kinh Thánh “God Bless the USA” gây tranh cãi từ các tín đồ và nhà xuất bản vào thời điểm phát hành năm 2021. Ban đầu cuốn Kinh Thánh được cho là sẽ được Nhà Xuất Bản Cơ Đốc Giáo HarperCollins ấn hành, nhưng công ty lại bỏ qua cơ hội.


Tisby xuất bản ba cuốn sách dưới tên Zondervan, nhà xuất bản thuộc HarperCollins chuyên về các ấn phẩm tôn giáo. Ông là một trong những tác giả của nhà xuất bản cố gắng ngăn cản họ xuất bản cuốn Kinh Thánh “God Bless the USA” khi ý tưởng này được trình bày lần đầu tiên.

Mặc dù có vô số phiên bản của cuốn Kinh Thánh – với giá cả đa dạng, cùng chủ đề và các phần bổ túc như mục lục, tài liệu tham khảo, bản đồ và đồ thị – sự kết hợp đặc biệt giữa Kinh Thánh và ca khúc ái quốc được mến mộ có sức thuyết phục đặc biệt.

Ý tưởng này không làm David W. Peters ngạc nhiên, một cha sở Anh Giáo phụng vụ tại Pflugerville, Texas. Peters làm việc trên cương vị là Tuyên Úy Thủy Quân Lục Chiến và Lục Quân và được điều động tới Iraq vào năm 2005.

“Tôi nhớ lại cách chúng tôi hoàn tất các buổi lễ cầu nguyện trong trại huấn luyện của Thủy Quân Lục Chiến với ca khúc ‘God Bless the USA’ của Lee Greenwood,” ông nói với CNN. “Tất cả chúng tôi vừa hát vừa khóc. Đó là cảm xúc tuôn trào duy nhất trong một tuần.”

Ngoài vô số câu hỏi thần học được đặt ra, việc Trump hậu thuẫn cuốn Kinh Thánh “God Bless the USA” còn trùng hợp với một số cuộc chiến pháp lý có thể làm cho ứng cử viên gần như được cho là của Đảng Cộng Hòa tranh cử tổng thống phải hao tốn hàng trăm triệu Mỹ kim.

Trump từng bị chỉ trích vì sử dụng Kinh Thánh ở nơi công cộng. Năm 2020, các nhà lãnh đạo tôn giáo từ một số giáo phái Cơ Đốc Giáo lên án việc ông cầm Kinh Thánh trong một “tấm hình” trước một nhà thờ Tân Giáo gần Tòa Bạch Ốc khi các cuộc biểu tình đòi công lý chủng tộc nổ ra trên khắp Hoa Kỳ.

Năm 2015, Trump cũng gọi Kinh Thánh là cuốn sách ưa thích của ông, nhưng lại từ chối kể ra ông thích câu nào. (TTHN)

User avatar
MatVit
Posts: 832
Joined: Fri Sep 02, 2011 9:18 pm

Re: Quán Vắng không Người ...3

Post by MatVit »

Võ sĩ nào sẽ nhận đai Chủ tịch nước?
rfa.org

Bài bình luận của blogger Viết Từ Sài Gòn
Hiện tại, đây là câu hỏi hết sức hóc búa nếu như xét theo đúng các tiêu chuẩn của đảng Cộng sản Việt Nam đặt ra khi chọn một lãnh đạo đất nước. Mặc dù chức vụ Chủ tịch nước là một chức vụ có tính hình thức hơn so với Thủ tướng hoặc Tổng Bí thư, nhưng dù sao, đây cũng là chức vị mang tính đại diện, gương mặt quốc gia và là “nguyên thủ” xét theo lý tình hiện nay. Chính vì vậy, yêu cầu về đạo đức, phẩm chất của chức vụ này hết sức nghiêm ngặt (một phần vì cơ hội bước lên ghế Tổng Bí thư, phần khác vì tính bảo toàn uy tín của đảng Cộng sản). Nghiệt nỗi, tình hình càng lúc càng gay cấn, bởi cho đến thời điểm hiện nay, bài toán phản đòn dành cho Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã lộ diện.

Bài toán phản đòn ấy là gì? Đó là nếu xét về tính liêm khiết của đảng viên theo tiêu chuẩn của ông Trọng cũng như theo điều lệ đảng, thì sẽ chẳng có bất kì một đảng viên nào liêm khiết, thậm chí họ còn đầy tội lỗi và đủ tư cách, đủ phẩm chất để được khai trừ đảng trong bất kì giờ nào.

Bởi trong suốt tiến trình xã hội hóa và mở cửa kinh tế thị trường nhưng lựa chọn theo định hướng xã hội chủ nghĩa, đảng Cộng sản đã trao cho các đảng viên của mình cái quyền ghê gớm nhất trong làm kinh tế: Quyền Nhận Hối Lộ. Bởi có một thứ qui tắc bất di bất dịch trong kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, đó là bất kì lĩnh vực kinh doanh nào đều có sự giám sát và quản lý của đảng, nhà nước.

Trong tình trạng đất đai thuộc sở hữu toàn dân, mọi tài sản giá trị khác như kho bạc nhà nước, điện lực, giao thông, y tế, giáo dục đều thuộc sở hữu toàn dân trên tinh thần nhà nước quản lý, đảng Cộng sản giám sát tối cao... Thì chắc chắn một điều, bất kì nhà doanh nghiệp nào khi đụng chạm đến kinh doanh đều nghĩ đến nhà quản lý, nhà định hướng và tìm cách tiếp cận, tạo ra “môi trường thuận lợi nhất có thể” cho sự nghiệp kinh doanh của họ.
Image
Phiên xử vụ Việt Á hôm 3/1/2024 tại Hà Nội. Ảnh AFP

Hối lộ, tham nhũng, tham ô, cửa quyền, hách dịch và lũng đoạn, nhũng nhiễu ở các quan chức Cộng sản xuất hiện từ chỗ này, đây cũng là hạt giống cho cái cây lợi ích nhóm mọc lên, các đảng viên tuy không được làm kinh tế, không được kinh doanh theo điều lệ Đảng nhưng họ có quyền tăng gia sản xuất, nuôi heo, bán chổi đót, trồng sau, bắt còng, bắt cá, đào ao nuôi cá... Các bình phong tăng gia sản xuất mọc lên để che cho nhóm lợi ích được cấu kết chặt chẽ sau lưng nó gồm: Chức sắc đảng viên - doanh nghiệp - giới xã hội đen bảo kê.

Đảng viên lãnh đạo, chỉ đường cho doanh nghiệp xâu xé tài sản quốc dân gồm tài nguyên đất, khoáng sản, doanh nghiệp chịu trách nhiệm khai thác, phân chia và tìm thị trường, xã hội đen chịu trách nhiệm trấn áp, răn đe, hành hung những người dân thấp cổ bé miệng để họ im lặng, không dám lên tiếng, tạo không gian hoạt động tốt nhất cho nhóm lợi ích.

Chính cái liên minh ma quỉ có chất “tam hoàng” này nhanh chóng tạo ra thế lực ngầm và tội ác. Cũng chính cái liên minh ma quỉ này tạo ra diện mạo đầy thực dụng và máu lạnh trong mọi lĩnh vực, đồng tiền nhảy lên vũ đài chính trị, đồng tiền che mờ lương tri, đồng tiền phủ kín công lý... Mọi thứ trở nên náo loạn, nháo nhào và bất trị, không thể vãn hồi.

Và một khi các liên minh này đi vào hoạt động nhịp nhàng, thậm chí có cạnh tranh phe nhóm, thì sân khấu chính trị nhanh chóng biến thành một võ đài, ở đó các phe phái, các nhóm lợi ích không ngần ngại thách đấu với nhau đến đổ máu, hạ knock-out nhau và thậm chí đoạt mạng nhau bằng những đòn chí tử.

Khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đốt lò chống tham nhũng, đó cũng là lúc mà cơ hội đoạt mạng nhau của các nhóm lợi ích trở nên gay gắt nhất trên võ đài chính trị Việt Nam. Ở đây, phải hiểu rằng các chức vụ cao nhất, được xem là tứ trụ triều đình chính là cup vô địch của sàn đấu sinh tử chính trị Việt Nam.

Ở các trận vòng loại, mọi thứ đều diễn ra có vẻ nhẹ nhàng, tàn tàn, cưỡi ngựa xem hoa và các võ sĩ chính trị không ngần ngại múa may các quyền thế thị uy đối thủ, thậm chí hò hét, múa may theo kiểu vỗ ngực, trên đời này tao là độc cô cầu bại. Thế nhưng khi vào các vòng trong, đặc biệt là vòng chung kết thì tính máu me, sự đoạt mạng mới chính thức bắt đầu.

Và, võ sĩ nào, nhóm nào càng khéo léo, biết che đậy quyền thế, chiến thuật, chiến lược thì vào vòng trong càng có lợi thế. Ngược lại, võ sĩ nào càng tỏ ra tự mãn ở các vòng ngoài, không khéo che đậy cá tính cũng như sở trường thì chắc chắn, vòng trong sẽ là cửa tử.

Trường hợp Nguyễn Tấn Dũng, Nguyễn Xuân Phúc, Võ Văn Thưởng và hàng loạt quan chức cấp Bộ, cấp Tỉnh bị Knock-out trong thời gian vừa qua trên giải đấu Lò Chống Tham Nhũng cho thấy tình hình càng lúc càng gay cấn và người tổ chức giải như Nguyễn Phú Trọng không còn khả năng điều tiết, khống chế nhịp điệu trận đấu, giải đấu được nữa rồi.

Bây giờ, nếu thử chọn các võ sĩ trong vòng chung kết đoạt cúp vô địch Chủ tịch nước sắp tới, thì sao?

Võ sĩ Vương Đình Huệ, một võ sĩ nặng ký, có lối đánh nhịp nhàng, điềm đạm, nội lực tốt, bề dày thượng đài tương đối tốt, thế nhưng toàn bộ trung tâm, điểm hở, thậm chí yếu điểm của võ sĩ Huệ đã lộ ra rồi, vụ lùm xùm về hai đứa con của ca sĩ Hương Tràm thực hư như thế nào chưa rõ nhưng chắc chắn Ban Bí thư sẽ để ý, tìm hiểu, điều tra và Bộ Công an buộc phải vào cuộc, tìm hiểu toàn bộ quá trình thi đấu của võ sĩ này. Khó đấy, cup Chủ tịch nước có vẻ còn lâu mới chạm tay được võ sĩ Huệ.

Võ sĩ Tô Lâm, đây là võ sĩ nặng ký nhất hiện nay, sau khi võ sĩ này hạ Knock-out hàng loạt các võ sĩ, hạ một cách ngoạn mục và đẹp mắt thì người ta cũng buộc phải xét lại, bởi lẽ ra, cúp Chủ tịch nước đã trao cho võ sĩ Lâm sau khi đá rớt đài võ sĩ Nguyễn Xuân Phúc, nhưng nghiệt nỗi, võ sĩ Lâm lại phạm một lỗi không nhỏ trong qui định võ đài.

Cú há mồm đớp miếng bò dát vàng trị giá ngàn đô la chẳng khác nào một cú đá hạ bộ và bị trọng tài rút thẻ vàng, trừ toàn bộ điểm thi đấu, thậm chí cấm đấu trận sau, coi như công cốc, cơ hội tranh đai/cúp vô địch Chủ tịch nước mất trắng. Lúc này, một võ sĩ ở hạng gà, chưa bao giờ được xem là đối thủ nặng ký trên sàn đài bỗng dưng ngư ông đắc lợi. Võ sĩ Võ Văn Thưởng là một võ sĩ “chính thống”, tức được đào tạo bài bản, đai đẳng hẳn hoi nhưng kinh nghiệm sàn đấu và khả năng thực chiến thì không cao, thiên về lý thuyết, thiên về đi giao lưu, thỉnh giảng nhưng khả năng chiến đấu không phải đối thủ của võ sĩ Lâm, Huệ.
Image
Nguyên Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng. Ảnh AFP

Thế nhưng cúp vô địch lại rơi vào tay Thưởng, như vậy cũng có nghĩa rằng Thưởng phải đối mặt với những trận tái đấu đẫm máu. Và, mới đấu chưa được nửa hiệp đầu của trận tái đấu, Thưởng bị knock-out ngay tức thời, nhường sàn đấu tranh đai vô địch cho Lâm và Huệ.

Bây giờ, người ta sẽ quan sát trận đấu giữa Lâm và Huệ, Lâm bị lỗi thẻ vàng “miếng bò dát vàng”, còn những lỗi khác chưa thấy. Huệ bị lỗi kĩ thuật và lý lịch võ sĩ, dính tới tai tiếng “doping gái” và khi vụ này xì ra, đưa ra ánh sáng thì coi như ngửa bụng, Knock-out. Bây giờ nếu không chọn Lâm, thì hoặc là Nguyễn Phú Trọng, người tổ chức võ đài lại lên nhận đại vô địch Chủ tịch nước lâm thời một lần nữa, hoặc là đưa một võ sĩ hạng lông (hạng gà cũng đã hết) lên nhận đai/cúp vô địch Chủ tịch nước.

Vụ này nghe có vẻ khó, vì đưa võ sĩ hạng lông lên nhận đai thì cả võ sĩ Lâm và Huệ sẽ coi cái sàn đấu kia chả ra gì, thậm chí đồng môn, môn đệ và bằng hữu của hai võ sĩ này sẽ tìm cách lật bỏ võ đài, vì nó bắt đầu nhảm nhí.

Có thể nói lần này, cơ hội cầm cup vô địch, nhận đai vô địch của võ sĩ Tô Lâm quá cao, người ta hoặc là chấp nhận bỏ qua cái thẻ vàng của võ sĩ này để trao đai và chấp nhận lỗi thẻ vàng như một tiền lệ trong thi đấu. Và đương nhiên, việc chấp nhận tiền lệ này sẽ thay đổi rất nhiều trong tương lai về các qui chế thi đấu của sàn đấu Chống Tham Nhũng và sàn đấu Chính Trị Việt Nam.

Chưa bao giờ luật lệ cũng như qui chế thi đấu võ đài trong sàn đài chính trị Việt Nam lại rơi vào thế cù cum như lúc này!

*Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á châu Tự do

User avatar
saohom
Posts: 2212
Joined: Wed Aug 26, 2009 11:30 pm

Re: Quán Vắng không Người ...3

Post by saohom »

Võ Văn Thưởng đã bị hạ, sao Tô Lâm vẫn tiếp tục săn đuổi?
Trà My
3 tháng 4, 2024

Image
(Ảnh: HĐN)


Giới phân tích cho rằng, người đứng đầu Đảng Cộng Sản Việt Nam – Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng, đang ở tình thế “thập diện mai phục,” mà Bộ trưởng Công an Tô Lâm là tổng chỉ huy cuộc chiến.

Giám đốc Viện Nghiên Cứu Chiến Lược của trường Quân sự Pháp (IRSEM), ông Benoît de Tréglodé, nhận định:

“Điều chắc chắn, ông Tô Lâm hiện là nhân vật trung tâm của công tác bổ nhiệm các lãnh đạo lớn sắp tới của bộ máy nhà nước Việt Nam, nên ông ấy sẽ cân nhắc và tính toán. Và có thể nói chắc chắn, chính ông [Tô Lâm] đã khéo léo can thiệp đến chuyện xảy ra hôm 21/3, với sự từ chức bất ngờ của cựu chủ tịch nước Võ Văn Thưởng.”


Báo Công An Nhân Dân ngày 28 Tháng Ba đưa tin, “Bắt thêm lãnh đạo, nguyên lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc, Quảng Ngãi, liên quan tập đoàn Phúc Sơn.” Điều này càng chứng minh cho nhận định vừa kể.

Bản tin cho hay, ngày 28 Tháng Ba, cơ quan cảnh Sát điều tra Bộ Công An khởi tố bị can, bắt tạm giam thêm hai lãnh đạo, một Vĩnh Phúc và một Quảng Ngãi. Đó là các ông: Lê Viết Chữ – nguyên bí thư tỉnh Quảng Ngãi; và ông Phạm Hoàng Anh – phó bí thư thường trực tỉnh Vĩnh Phúc.

Cụ thể, mở rộng điều tra vụ án tập đoàn Phúc Sơn, cơ quan điều tra Bộ Công An xác định, ông Lê Viết Chữ trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, đã nhận tiền của Nguyễn Văn Hậu. Đổi lại, ông Chữ tạo điều kiện để giúp tập đoàn Phúc Sơn trúng gói thầu: Thi công tuyến chính dự án đường bờ Nam sông Trà Khúc, tỉnh Quảng Ngãi.

Tương tự, ông Phạm Hoàng Anh trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, cũng đã nhận tiền của Nguyễn Văn Hậu. Đổi lại, ông Hoàng Anh tạo điều kiện cho doanh nghiệp của Hậu thực hiện dự án “Chợ Đầu mối Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc.”

Căn cứ kết quả điều tra, cơ quan điều tra của Bộ Công An quyết định: Khởi tố bị can, bắt tạm giam, lệnh khám xét nhà riêng đối với hai ông Lê Viết Chữ, Phạm Hoàng Anh, về tội “Nhận hối lộ,” quy định tại Khoản 4, Điều 354, Bộ Luật Hình sự.

Điều này đã cho thấy, cựu bí thư Quảng Ngãi Lê Viết Chữ trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, nhận tiền hối lộ của Nguyễn Văn Hậu, đối với gói thầu thi công dự án đường bờ Nam sông Trà Khúc, tỉnh Quảng Ngãi.


Vụ án này có liên quan đến cựu chủ tịch nước Võ Văn Thưởng. Bộ Công An gián tiếp cáo buộc, trong thời gian giữ chức bí thư tỉnh ủy Quảng Ngãi (2011 – 2014) thông qua người thân, ông Võ Văn Thưởng nhận 64 tỷ đồng từ tập đoàn Phúc Sơn, để xây nhà thờ tổ.

Bộ Công An cũng tiếp tục điều tra làm rõ với ban lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc, thông qua việc khởi tố bắt giam ông Phạm Hoàng Anh – phó bí thư thường trực tỉnh Vĩnh Phúc. Đáng chú ý, lâu nay dư luận vẫn đánh giá, Vĩnh Phúc và Quảng Ngãi được Tổng Trọng bảo kê.

Đó là lý do vì sao, những sai phạm nghiêm trọng mang tính hệ thống của ban lãnh đạo Quảng Ngãi và Vĩnh Phúc không bị phát hiện trong một thời gian rất dài. Ngược lại, có sự thăng tiến thần tốc, đáng ngờ, của các nhân vật: Bí Thư Tỉnh Ủy Vĩnh Phúc Hoàng Thị Thúy Lan; ủy viên Bộ Chính Trị Võ Văn Thưởng; kể cả cựu bí thư Quảng Ngãi – nay là Chánh Án Tòa Án Nhân Dân Tối Cao Nguyễn Hòa Bình, đều đặt ra rất nhiều nghi vấn.

Theo giới thạo tin, trong thời gian gần đây, bộ trưởng Bộ Công An Tô Lâm có nhiều quyết định, được đánh giá là rất “táo bạo” như việc, ông vượt qua “lằn ranh đỏ” khi cho bắt giữ hàng loạt bí thư, chủ tịch các tỉnh – vốn là địa bàn chiến lược của các lãnh đạo cấp cao, như Lâm Đồng, Quảng Ngãi, Vĩnh Phúc…

Không chỉ vậy, ông Lâm còn vượt qua quyền hạn của tổng bí thư, ban chấp hành trung ương và bộ chính trị, tự cho mình quyền vi phạm nguyên tắc bất di bất dịch trong việc khởi tố, bắt giam, đối với lãnh đạo trong danh sách nhân sự do ban bí thư và bộ chính trị quản lý.

Điều lệ Đảng quy định, quy trình bắt một nhân sự cấp cao, trước tiên phải được ban chấp hành trung ương chuẩn y nghị quyết cho thôi chức, trước khi bộ công an ra quyết định khởi tố và bắt giam. Trường hợp bí thư tỉnh Vĩnh Phúc Hoàng Thị Thúy Lan là một ví dụ. Công luận nhận xét, điều này càng chứng minh cho thấy, quyền uy và thế lực chính trị của Tô Lâm đang ở thế thượng phong.

Vào thời điểm hiện nay, ông Tô Lâm bất chấp tất cả, kể cả điều lệ Đảng, để chứng tỏ rằng, quyền lực lớn nhất trong Đảng thuộc về ông.

Tổng Trọng chỉ còn là một ngọn đèn leo lét trước phong ba bão tố, với một tương lai bất định.

User avatar
TheLang
Posts: 1960
Joined: Thu Oct 30, 2008 5:43 am

Re: Quán Vắng không Người ...3

Post by TheLang »

Chính trường tanh tưởi
Đặng Thánh Thán
4 tháng 4, 2024

Image
(Ảnh: AI)

Chính trường cộng sản đang đặc tanh mùi máu. Chưa lúc nào bằng lúc này, tình “đồng chí” hay “đồng bọn” giữa các đảng viên cao cấp đang bộc lộ cho bằng hết bản chất.

Số đảng viên có đủ tiêu chuẩn ngồi vào ghế tổng bí thư đầy quyền lực trong nhiệm kỳ tới lần lượt dính vào các đòn thù dưới thắt lưng, gồm: Vương Đình Huệ, Phạm Minh Chính, Trương Thị Mai và Võ Văn Thưởng.

Võ Văn Thưởng, chủ tịch nước. Thưởng là kẻ đầu tiên bị loại khỏi đường đua với lý do nhận hối lộ 60 tỷ đồng của một doanh nghiệp từ hơn 10 năm trước. Đây là đòn thậm đau đối với Thưởng, vì lẽ, số tiền 60 tỷ đối với một ủy viên bộ chính trị chỉ nhỏ như cái móng tay mà thôi.


Cứ xem bí thư của một huyện đã ung dung có đến 100 tỷ đồng trong tài khoản, hoặc một giám đốc công an tỉnh có đến hơn 40 sổ đỏ, nhà ở vài cái nguy nga như cung điện, sở hữu khối tiền bạc của chìm, của nổi đồ sộ, thì có thể suy ra ủy viên bộ chính trị sẽ sở hữu bao nhiêu tài sản… Thế nhưng, thật sự thì Thưởng đã “chết” chỉ vì cái móng tay cỏn con ấy.

Kẻ dính đòn kế tiếp là Vương Đình Huệ, chủ tịch quốc hội. Chẳng phải tự nhiên mà công chúng được bơm thổi tràn ngập tin tức và cả hình ảnh minh họa về cô ca sỹ H.T. xứ Nghệ xinh đẹp bồng hai con thơ với tên gọi xách mé “Hai con đom đóm con.”

Không cần quá uyên bác, công chúng vẫn dễ dàng nhận ra cái tên “đom đóm” nói về ông chủ tịch quốc hội. Người được chính thân mẫu quảng cáo trên báo về sự hiếu học như thần đồng Mạc Đĩnh Chi, người đã chong chiếc đèn đom đóm để học trong đêm khuya, bất chấp tính phi khoa học về những chiếc đèn đom đóm ấy.

Nhưng chỉ cần câu chuyện hủ hóa như thế, bất chấp thật giả, thì chủ tịch họ Vương cũng đã đủ mất sạch uy tín trước công chúng nếu có ý định tham gia cuộc đua tử thần vào chiếc ghế tổng bí thư. Dĩ nhiên qua đó, họ Vương cũng nhận được thông điệp không gì có thể rõ ràng hơn: Ông ấy không được chào đón vào cuộc đua như là một ứng viên.

Phạm Minh Chính, thủ tướng. Vẫn là mô típ cũ về câu chuyện hủ hóa được đồn thổi khá lâu về mối quan hệ tình ái ngoài luồng giữa ông thủ tướng đã lập gia đình với người phụ nữ đầy quyền lực trước đây: Nguyễn Thị Thanh Nhàn.


Bà Thanh Nhàn đang bị truy nã đỏ về nhiều vụ án tham ô, tham nhũng trong nước. Để nhắc nhở ông thủ tướng về tội hủ hóa và cả khả năng là đồng bọn giúp sức cho bà Thanh Nhàn trong các phi vụ đắt tiền, thỉnh thoảng, đối thủ của ông vẫn nhờ các klos lên tiếng về nghi án ấy để nhắc nhở thân phận ông thủ tướng và nhân tiện, cũng làm mất uy tín thủ tướng. Như họ Vương, ông thủ tướng họ Phạm cũng nhận được thông điệp không gì có thể rõ ràng hơn: Ông ấy không được chào đón vào cuộc đua như là một ứng viên.

Trương Thị Mai, thường trực ban bí thư, ủy viên bộ chính trị. Bà được công chúng đánh giá là có nhiều nét tương đồng với Võ Văn Thưởng, ít nhất về hai phương diện: Bất tài nhưng sạch sẽ. “Sạch sẽ,” đó là nói về thời điểm trước khi Thưởng bị lộ mặt. Thật vậy, kinh qua nhiều chức vụ, bà hầu như chưa từng để lại dấu ấn gì đặc biệt để khẳng định tài năng cả. Sống lâu lên lão làng, cứ thế bà được đẩy dần lên các ghế lãnh đạo cao cấp.

Thế nhưng, ngay sau thời điểm họp tiểu ban nhân sự trung ương để chuẩn bị cho đại hội XIV, bắt đầu có tin đồn râm ran về tư cách đạo đức của bà khi dính đến nghi án bí thư tỉnh ủy tỉnh Lâm Đồng, người vừa bị bắt giữ, khởi tố hình sự có thể đã cung phụng việc xây dựng biệt thự nghỉ dưỡng cho bà tại Đà Lạt bằng ngân sách nhà nước.

Dĩ nhiên, hư thực chưa từng được chứng minh. Nhưng như trường hợp ông chủ tịch quốc hội họ Vương, đối thủ của bà chỉ cần những tin đồn thổi để dọn đường dư luận và cũng để nắn gân bà.

Ngay cùng thời điểm có tin đồn ông Võ Văn Thưởng nộp đơn xin từ chức chủ tịch nước, thì cũng kèm theo tin đồn bà Trương Thị Mai cũng xin nghỉ hưu sớm. Không rõ, bà đã sớm ngửi thấy mùi tanh máu của đồng bọn nên đành áp dụng kế “tẩu vi thượng sách” trong tam thập lục kế để sớm thoái lui khỏi đấu trường đẫm máu, hoặc chỉ là hư chiêu trước khi tung thực chiêu dành suất trên đường đua?

Còn những Phan Đình Trạc. Nhưng có lẽ, Trạc chưa từng sẵn sàng cho bất kỳ trò chơi quyền lực nào cả, ít nhất trong thời điểm này.

Vậy, cuối cùng thì ai sẽ là ứng viên tại vạch xuất phát cuộc đua tử thần? Dĩ nhiên, người trong sạch nhất.

Vậy, ai là người trong sạch nhất? Dĩ nhiên, là người không bị vướng vào các lời đồn thổi về bê bối tình, tiền.

Vậy, ai là người không bị vướng vào các lời đồn thổi về bê bối tình, tiền? Dĩ nhiên, là người tung lời đồn thổi cho các đối thủ.

Đến đây, các bạn biết ai là ứng viên nhỉ?

Kể từ khi quyền lực quốc gia bị thoán đạt bằng một cuộc “cướp chính quyền” vào năm 1945, thay thế cho bầu cử tự do, văn minh, thì chính trường xứ này bắt đầu sa vào cái “dớp” truyền kiếp không thể thoát ra được.

Lúc này, thời điểm chuẩn bị cho một cuộc thay đổi quyền lực quốc gia cũng vậy, công chúng, người chủ đất nước đã hoàn toàn bị đẩy ra rìa cuộc chơi. Thay vì là nhân vật chính trong một cuộc bầu cử tự do, văn minh, họ chỉ còn là những khán giả thụ động chứng kiến cuộc chơi tanh tưởi đang diễn ra trên sân khấu.

Cho dù kẻ thắng trong cuộc chơi quyền lực có là ai chăng nữa, thì vai trò khán giả của công chúng vẫn không có gì thay đổi, họ vẫn phải cày bừa để cung phụng cho các cuộc chơi mới của kẻ thắng cuộc.

Post Reply