Bình Luận Thời Sự

Những đề tài nóng của Thời Sự. Các bài viết lượm nhặt trên Net ở nơi đây chỉ dùng để tham khảo không phải là chính kiến riêng của nhóm phụ trách.

Moderators: CayQueo, phu_de

Post Reply
nhuvan
Posts: 342
Joined: Sun Mar 27, 2016 8:29 pm

Re: Bình Luận Thời Sự

Post by nhuvan »

Ứng viên số 1 chức Tổng bí thư, Vương Đình Huệ sẽ dừng cuộc chơi?
Lê Văn Đoành

19-4-2024
Mặc dù Võ Văn Thưởng đã bị loại khỏi vị trí A2, nhưng chính trường Việt Nam xem ra vẫn chưa hạ nhiệt. Những cuộc so găng tranh giành vị trí chóp bu trong đảng Cộng sản Việt Nam từ bây giờ cho tới Đại hội 14, dự kiến sẽ diễn ra đầu năm 2026, vẫn tiếp tục gay cấn, đầy kịch tính và hấp dẫn cho đến phút cuối.

Cho đến sáng ngày 7-4-2024, là ngày đầu tiên trong chuyến đi năm ngày của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thăm Trung Quốc, nhiều người chắc chắn rằng Vương Đình Huệ sẽ thay Nguyễn Phú Trọng ngồi vào ghế A1, làm lãnh tụ tối cao, Tổng bí thư khoá 14. Thế nhưng, đời luôn có chữ “nhưng” cay nghiệt…
Image
Vương Đình Huệ bắt tay Tập Cận Bình tại Lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh hôm 8-4-2024.
Nguồn: Vietnam News Agency

Chiều 12-4, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam đã về đến sân bay quốc tế Nội Bài, kết thúc chuyến thăm Trung Quốc. Ngay khi vừa bước ra khỏi máy bay, ông Phạm Thái Hà, thành viên trong phái đoàn đã bị Cơ quan điều tra Bộ Công an mời về trụ sở làm việc.

Xem như Phạm Thái Hà đã bị bắt, nhưng Bộ Công an chưa công bố trên cổng thông tin Bộ Công an.

Phạm Thái Hà phạm tội gì?

Phạm Thái Hà sinh năm 1976, quê Tiền Hải, tỉnh Thái Bình. Hà có học vị tiến sĩ kinh tế; là kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA) chuyên về lĩnh vực tài chính, ngân hàng. Hà hiện nắm giữ chức Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, kiêm trợ lý của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.

Theo thông tin chúng tôi có được, Phạm Thái Hà bị khởi tố bắt giam với hai tội danh: Tội “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” quy định tại khoản 3, Điều 356 Bộ luật Hình sự; và tội “nhận hối lộ”, quy định tại khoản 4, Điều 354 Bộ luật Hình sự.


Được biết, số tiền mà Phạm Thái Hà nhận hối lộ và thu nhập bất chính, có thể lên đến con số hơn một ngàn tỷ đồng.
Image
Chân dung Phó chủ nhiệm VP quốc hội Phạm Thái Hà. Nguồn: QHVN

Để hiểu thêm nội tình, cần trở lại các diễn biến của những ngày trước đó.

Sáng 7-4-2024, phái đoàn Vương Đình Huệ ra sân bay đi Trung Quốc, thì chiều tối cùng ngày, Bộ Công an đã “tóm” Nguyễn Duy Hưng và một số thuộc cấp của Hưng. Dù bị bắt từ hôm 7-4, nhưng tám ngày sau, chiều 15-4-2024, Bộ Công an mới công bố thông tin bắt giữ Nguyễn Duy Hưng.

***

Nguyễn Duy Hưng, sinh năm 1974, quê Nghệ An. Hưng hiện là Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Thuận An. Hưng bị khởi tố bắt giam về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” và tội “nhận hối lộ”, quy định tại khoản 3, Điều 222 và khoản 4, Điều 354 Bộ luật Hình sự.

Nhiều năm qua, Nguyễn Duy Hưng chỉ đạo cho hai thuộc hạ là Trần Anh Quang, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Thuận An và Nguyễn Khắc Mẫn, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Thuận An, đứng ra bảo kê, giúp các công ty, doanh nghiệp khác thắng các gói thầu khủng lên đến hàng chục ngàn tỷ đồng.

Các doanh nghiệp nhận thầu dự án đã đưa cho “nhóm Thuận An” số tiền hối lộ hàng chục đến trăm tỷ đồng, tuỳ theo tổng vốn dự án đầu tư. Tiền nhận được, “nhóm Thuận An” chuyển cho ông chủ Nguyễn Duy Hưng.

Về phần Nguyễn Duy Hưng, Hưng bỏ túi một phần trong số tiền khủng kia, phần còn lại Hưng chỉ đạo “nhóm Thuận An” hối lộ cho Phạm Thái Hà. Đổi lại, Phạm Thái Hà dùng quyền lực, cùng với các mối quan hệ cấp cao, tác động các chủ dự án, các ban quản lý đầu tư hàng ngàn tỷ đồng vốn từ nhà nước, để cho “nhóm Thuận An” trúng thầu.
Image
Ảnh: Nguyễn Duy Hưng, chủ tịch Thuận An Group. Nguồn: Báo Tuổi Trẻ

Tập đoàn Thuận An, trước đây là Công ty Cổ phần Phát triển Xây dựng và Thương mại Thuận An, được thành lập từ năm 2004, dưới sự lãnh đạo của ông Nguyễn Duy Hưng, có địa chỉ tại số 141 đường Trường Chinh, tổ 20, phường Trung Liệt, quận Thanh Xuân, TP. Hà Nội. Vốn điều lệ của Thuận An tính đến tháng 8-2020 là 300 tỷ đồng.

Dù là công ty có quy mô nhỏ, với số vốn khiêm tốn, nhưng Thuận An trong vai trò trực tiếp hoặc liên danh với các nhà thầu khác để trúng các gói thầu hoặc được chỉ định thầu các dự án có vốn trăm tỷ, ngàn tỷ, thậm chí lên đến vài chục ngàn tỷ.

Các dự án cầu, đường vành đai, đường cao tốc Bắc – Nam, từ Lào Cai, Bắc Giang, Tuyên Quang, Quảng Ninh, Hải Phòng, Phú Thọ, Hà Nội… vào đến Đà Nẵng, Bình Định, Phú Yên, Đăk Lăk, Nha Trang, TP HCM, Cần Thơ, đều có sự tham gia của Thuận An Group. Các cây cầu nổi tiếng như Rạch Miễu 2, Vĩnh Tuy 2… đều ghi tên Thuận An.

So sánh Thuận An Group với Tập đoàn Phúc Sơn của Nguyễn Văn Hậu, thì Phúc Sơn chỉ là “muỗi”. Dư luận trong và ngoài ngành công an đang bàn tán, cho rằng số tiền 64 tỷ đồng mà Đặng Trung Hoành, em họ của Võ Văn Thưởng, nhận của Phúc Sơn 12 năm trước, cũng chỉ là “tiền lẻ” so với con số ngàn tỷ mà Phạm Thái Hà nhận từ Thuận An.


Câu hỏi đặt ra là, ông trợ lý Phạm Thái Hà đã sử dụng số tiền khổng lồ đó vào đâu?

Chủ tịch quốc hội Vương Đình Huệ bị gọi tên

Phạm Thái Hà là đệ tử ruột của Vương Đình Huệ. Hà theo Huệ suốt gần 20 năm qua như hình với bóng, từ khi Huệ mới chỉ là Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước.

Phạm Thái Hà từng kinh qua các chức vụ: Thư ký Tổng Kiểm toán Nhà nước; thư ký Bộ trưởng Bộ Tài chính; hàm Vụ trưởng, thư ký của Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; trợ lý Phó thủ tướng Chính phủ; trợ lý Bí thư Thành ủy Hà Nội; trợ lý Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.


Quá trình công tác và thăng tiến của Phạm Thái Hà luôn song hành với các nấc thang quyền lực của họ Vương. Với chuỗi sai phạm, nhúng chàm của Phạm Thái Hà, ông Huệ khó chối bỏ được trách nhiệm. Vương Đình Huệ đang rơi vào tình cảnh của Phạm Bình Minh, Vũ Đức Đam lúc trước, và của Võ Văn Thưởng gần đây.

Phạm Thái Hà là “tay hòm chìa khoá” của Vương Đình Huệ. Dù cho Hà có kiên quyết không khai ra những ai đã được chia dòng tiền do Hà nhận hối lộ, thì vị Chủ tịch Quốc hội cũng không thể vô can.

Trung ương, Bộ Chính trị cũng đã quy định rõ trách nhiệm người đứng đầu, trách nhiệm nêu gương của cán bộ là Uỷ viên Trung ương, ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Với trách nhiệm nêu gương, nếu có vấn đề sức khỏe không bảo đảm, hay uy tín giảm sút thì xin thôi và cấp có thẩm quyền khi đó sẽ xem xét miễn nhiệm nhiệm vụ được giao của cán bộ cấp cao.

Dự đoán Vương Đình Huệ sẽ viết đơn xin nghỉ. Nếu không làm như vậy, Huệ chắc chắn sẽ hứng tiếp “seri đòn” từ phía Bộ Công an để biến thành “củi”. Đến lúc đó, e rằng mọi thoả hiệp sẽ không còn giá trị. Khi vòng tố tụng mở rộng, nhắm đến cái tên Vương Đình Huệ, xem ra cái kết sẽ cay đắng hơn nhiều.


Không phải bây giờ Vương Đình Huệ mới bị tấn công. Nhiều năm trước cho đến hôm nay, nghi án Huệ có con với nữ ca sĩ Hương Tràm, khiến cô ta trốn biệt ở Mỹ, không dám về Việt Nam, vẫn còn mang tính thời sự. Ngoài ra, tên của các “bóng hồng” khác có quan hệ đáng ngờ với Vương Đình Huệ như: Giáng Hương – em gái hoa hậu Giáng My; Tống Diệu Hằng – một fashionista nổi tiếng; Phạm Phương Thảo – ca sĩ dân ca; Phan Thị Thùy Linh – Uỷ viên Thường trực Ban Thư ký Quốc hội, Vụ trưởng Vụ Thư ký…

Có lẽ do không đủ hồ sơ, chứng cứ vụ “gái gú” để buộc tội Vương Đình Huệ về vi phạm “đạo đức và lối sống”, nên đối thủ chính trị đã nhắm đến Phạm Thái Hà và Nguyễn Duy Hưng, “đánh bao vây” nhằm buộc Huệ phải giương cờ trắng.

Cuối ngày hôm nay, thông tin nội bộ mà chúng tôi có được, Vương Đình Huệ viết đơn xin thôi tất cả các chức vụ trong đảng và chức Chủ tịch Quốc hội.

Như vậy Vương Đình Huệ có thể là nhân vật thứ ba trong “tứ trụ” khoá 13, sau Nguyễn Xuân Phúc và Võ Văn Thưởng, bị hạ bệ, truất phế. Huệ sẽ trở thành người thứ 5 trong Bộ Chính trị khoá 13 bị bức ép phải làm đơn xin “về vườn” khi còn hai năm nữa mới kết thúc nhiệm kỳ.
Image
Vương Đình Huệ bên Nguyễn Phú Trọng tại một sự kiện. Nguồn: TTXVN

Nguyễn Phú Trọng hiện đang ôm đầu. Chiến dịch “đốt lò”, “không có bất kỳ vùng cấm” của ông Trọng đã cho “hổ” Tô Lâm quyền năng vô đối. Giờ ông Trọng bó tay, chịu trận. Các đồ đệ do ông dìu dắt, giới thiệu, bồi dưỡng, lần lượt biến thành “củi tươi”, bê bối và rơi rụng.

Ông Trọng học tập Trung Quốc để duy trì sự cai trị của đảng cộng sản, nhưng ông quên rằng Tập Cận Bình không bao giờ chia ghế Ủy viên Bộ Chính trị cho bộ trưởng Bộ Quốc phòng và bộ trưởng Bộ Công an, chứ đừng nói gì đến các vị trí chóp bu trong Thường vụ Bộ Chính trị.

Chiếc ghế A1, vị trí tối cao trong đảng luôn là mơ ước, tham vọng quyền lực của bất kỳ nhân vật nào trong đảng. Nhiều nhân vật đã phải chết hoặc “dở sống dở chết” khi tranh giành ngôi vị cao nhất này. Vương Đình Huệ sẽ bị phế truất bởi Huệ quá cao ngạo, xem thường tất cả, kể từ khi được ông Trọng đích thân quy hoạch ghế A1, nhiệm kỳ 2026-2031.

Ủy viên Bộ Chính trị “kinh qua một nhiệm kỳ” hiện tại chỉ còn bốn nhân vật: Nguyễn Phú Trọng, Phạm Minh Chính, Trương Thị Mai và Tô Lâm. “Minh chủ võ lâm” của đại hội khoá 14 đã bắt đầu lộ diện!

User avatar
mexanh
Posts: 477
Joined: Tue Nov 04, 2008 4:18 am

Re: Bình Luận Thời Sự

Post by mexanh »

Cái chết từ từ của Vương Đình Huệ
April 25, 2024

Nam Việt/SGN

Cuộc chiến của Tô Lâm và Vương Đình Huệ diễn ra thật nhanh, chỉ trong có mấy ngày, nhưng người tung đòn quyết liệt vẫn là ông bộ trưởng Công An – lãnh đạo tối cao của nhà nước Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam tương lai.

Đòn quyết định, như đã biết, Tô Lâm tung con bài tập đoàn Thuận An bị phát hiện sai phạm vào cuộc, đi bắt thủ hạ thân tín của Huệ là Phạm Thái Hà công khai trước bàn dân thiên hạ.

Image
Ông Tô Lâm (trái) và ông Vương Đình Huệ. (Hình: Doãn Tấn/Thanh Niên)

Nhưng những ngày khảo tra kín, là những ngày Huệ lên ruột vì biết các ngón đòn tàn ác của Lâm lâu nay, chưa có ai thể đi qua mà không ói ra nhiều điều mà Lâm cần biết.

Tin từ trong nội bộ nói, suốt ngày 17 và 18 Tháng Tư, Huệ chạy nhờ những mối quen biết, xem Phạm Thái Hà thế nào, nhưng thực chất là dò la xem Hà khai ra những gì, rồi chạy đôn chạy đáo tìm những thế lực phe phái khác để đỡ cho mình đòn cuối.



Nhưng muộn, ngày 19 Tháng Tư, Tô Lâm tung hồ sơ ra, và ép phải thành lập đoàn kiểm tra, đúng theo quy trình của ông Nguyễn Phú Trọng đặt ra từ hồi chọn cắt đứt quan lộ của Nguyễn Tấn Dũng. Cuối cùng ban chấp hành Trung Ương Đảng phải ra công văn tuyệt mật, số 163, có tiêu đề “Quyết định kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm của đồng chí Vương Đình Huệ.”

Đoàn kiểm tra có 9 người, đứng đầu danh sách là ông Trần Văn Rón, Ủy viên Trung Ương Đảng, phó chủ nhiệm thường trực Ủy Ban Kiểm Tra Trung Ương làm trưởng đoàn. Kèm theo quyết định kiểm tra này có cả một kế hoạch tuần tự để cô lập và điều tra Vương Đình Huệ, nhằm tìm ra kết quả cuối cùng, báo lên Bộ Chính Trị và Ban Bí Thư. Quyết định được chủ nhiệm Uỷ Ban Kiểm Tra Trung Ương Đảng Trần Cẩm Tú đóng dấu, ký tên.


Nhìn cái tên Trần Văn Rón đứng đầu đoàn kiểm tra, ai nấy đều mỉm cười và biết rằng số của Vương Đình Huệ đã đến lúc tận. Rón sinh năm 1961, người tỉnh Vĩnh Long, có một đặc tính mà những ai quen biết điều rõ, đó là Rón ghét cay ghét đắng thành phần cộng sản Bắc Kỳ. Suốt 10 năm nay, cảnh các quan chức cấp cao Bắc kỳ chia nhau món lợi, và làm giàu một cách công khai, nhiều lúc Rón chửi toáng trên bàn nhậu.

Cũng có thể Rón không phải là người thanh liêm gì, nhưng đối với cánh cộng sản miền Nam, có được lợi thế chia chác như vậy, hoàn toàn không dễ.

Đòn chí mạng, là vào đêm 20 Tháng Tư, một nguồn tin nặc danh được bắn đi qua tin nhắn điện thoại số rác đến một số nhà báo ở Việt Nam có liên quan với truyền thông quốc tế, tiết lộ thêm một chi tiết mà mới chỉ có Ủy Ban Kiểm Tra Trung Ương Đảng biết, rằng Nguyễn Duy Hưng, chủ tịch tập đoàn Thuận An đang bị điều tra là cháu của Vương Đình Huệ. Chi tiết động trời này được các hãng tin, báo chí quốc tế thận trọng kiểm tra.

Cuối cùng, tờ Asia Sentinel tung ra bài viết đầu tiên với người viết cũng được giấu tên, xác nhận chi tiết này, cũng là tiếng kéo màn của sân khấu kịch tính mà Vương Đình Huệ đang trải qua.



Trang web Quốc Hội, sân nhà của Huệ hoàn toàn tê liệt và đóng cửa việc đưa tin hàng ngày, với lý do bảo trì.

Đúng là Tô Lâm, người có cặp mắt của rắn và nụ cười của đười ươi, là hai loài dã thú luôn chọn quan sát thận trọng đối phương, thị uy, rồi sau đó mới tấn công đòn quyết định.

Tô Lâm chọn phương án tấn công địch thủ Huệ vào lúc cuối cùng, vì đây là đối thủ giảo hoạt và kết nối với nhiều băng nhóm, phải cần tổ chức tấn công cả hai mặt: Chứng cứ sai phạm đối với nội bộ Đảng, và đưa ra những tin tức chợ trời, để hủy diệt danh dự của Huệ với công chúng.

Tin tức chợ trời, tức trang web vuonghamy.com, mượn tên con gái của Huệ vừa tốt nghiệp ở Mỹ, hớn hở đeo cà-vạt đỏ có ngôi sao vàng, nhưng đưa hết chuyện ăn chơi, gái gú và nội bộ gia đình Huệ tan nát thế nào. Thậm chí trang này còn lôi tên Nguyễn Đắc Vinh, ủy viên Ban Chấp Hành Trung Ương Đảng, chủ nhiệm ủy ban Văn Hóa, Giáo Dục của Quốc Hội, kẻ chuyên dắt gái cho Huệ.

Công an Việt Nam giỏi bắt người như vậy, nhưng trang vuonghamy.com lại sừng sững không ai chạm vào được, cứ vài ngày lại rót một tin như điện giật.

Cả hai đường tấn công, Huệ đều chết nhanh và cả chết từ từ ở nội bộ Đảng, lẫn cả chợ trời, chết trong từng giờ.

Nói đến đây thì hết thảy quan chức cộng sản đều rùng mình nghĩ đến phận mình.

Tin nội bộ giờ cuối, nghe rằng Ba Đình đang họp kín chuẩn bị một hai gương mặt nhân sự mới ngồi vào ghế của Huệ. Nụ cười trên môi Huệ đã tắt!

User avatar
saohom
Posts: 2214
Joined: Wed Aug 26, 2009 11:30 pm

Re: Bình Luận Thời Sự

Post by saohom »

Nhìn lại ngày Quốc Hận 30-4, để hy vọng ở tương lai
Phan Đức Minh
26 tháng 4, 2024

Image
Đoạn đường trước khách sạn Continental ở Sài Gòn năm 1975 (trái) và năm 2015.
(Hình: Taylor Weidman/Getty Images)


Ngày Quốc Hận 30 Tháng Tư lại đến. Chúng ta hãy cùng nhau nhìn lại, dù biến cố lịch sử đau thương, mất mát lớn lao ở mức độ kinh hoàng cho Nam Việt Nam, không thể nào nói lên hết bằng vài ba trang giấy.

-Ngày 6 Tháng Giêng: Tỉnh Phước Long và Thị Xã Phước Bình, cách Sài Gòn 60 dặm về phía Bắc, rơi vào tay quân cộng sản Bắc Việt. Sau “Mùa Hè đỏ lửa” từ vùng địa đầu giới tuyến Quảng Trị năm 1972, Phước Bình là thị trấn đầu tiên của Nam Việt Nam bị quân cộng sản đánh chiếm.

Không Quân VNCH thiệt hại 20 máy bay trong công cuộc bảo vệ Tỉnh Phước Long. Nhiều máy bay bị bắn hạ bằng hoả tiễn SA-7 của Liên Xô. Sự thiếu vắng phản ứng quân sự của Hoa Kỳ càng xúi giục cộng sản làm tới vì các chiến lược gia của cộng sản biết rằng đã đến lúc Hoa Kỳ phải rời bỏ Việt Nam.


Tổng Bí Thư Đảng Cộng Sản Việt Nam Lê Duẩn và Bộ Chính Trị của Đảng CSVN quyết định tăng cường các cuộc tấn công trên toàn lãnh thổ Nam Việt Nam để phát động một cuộc tổng nổi dậy vào năm 1976. Cộng sản chỉ dám mong điều đó xảy ra vào năm 1976 mà thôi.

-Ngày 28 Tháng Giêng: Tổng Thống Hoa Kỳ, Gerald Ford , yêu cầu Quốc Hội tăng thêm quân viện cho Nam Việt Nam và Campuchia với ngân khoản $522 triệu. Lúc này, quân cộng sản Bắc Việt có mặt tại Nam Việt Nam tới mức 289,000 người. Xe tăng, trọng pháo, hoả lực phòng không, do Liên Xô và Trung Quốc chi viện rất hùng hậu. Để giữ vững “một tiền đồn chống cộng” ở Đông Nam Á Châu, ngân khoản $522 triệu có là bao so với những năm trước đó là mỗi năm vài tỉ đôla. Thế nhưng cũng không xong. Người ta đã phải bỏ cuộc mà ra đi cho rồi.

-Ngày 5 Tháng Hai: Đại Tướng Bắc Việt Văn Tiến Dũng vào Nam để chỉ huy quân đội cộng sản.

-Ngày 10 Tháng Ba: Quân Bắc Việt, với những Sư Đoàn thiện chiến , với phương tiện chiến tranh hiện đại của Liên Xô và Trung Quốc, tấn công Ban Mê Thuột. Ba ngày sau, quân cộng sản tràn ngập thị trấn này, trong khi những trận đánh lớn khác bùng nổ trên mặt trận Cao Nguyên Trung Phần.

-Ngày 14 Tháng Ba: Sau khi họp bàn với một số tướng lãnh và nhân vật thân cận, Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu ra lệnh rút quân, bỏ vùng cao nguyên Trung Phần và các tỉnh phía Bắc của Nam Việt Nam. Các Tướng Tư Lệnh Quân Đoàn 2, Phạm Văn Phú, và Quân Đoàn I, Ngô Quang Trưởng, ngỡ ngàng, sửng sốt, không biết tại sao lại bỏ những vùng đất quan trọng, cửa ngõ, quyết định sự sống chết của Nam Việt Nam vào lúc này, chưa đánh nhau chi cả, trong khi các lực lượng chiến đấu của 2 Quân Đoàn (Army Corps) CNCH Việt Nam rất hùng mạnh, sẵn sàng đọ sức với quân đội cộng sản.


-Ngày 24 Tháng Ba: Thấy tình thế thuận lợi, cộng sản Hà Nội quyết định chính thức mở màn “Chiến dịch Hồ Chí Minh.” Hà Nội giao cho tướng Văn Tiến Dũng một “thời khoá biểu” phải kịp thời đánh chiếm hoàn toàn Nam Việt Nam trước khi mùa mưa bắt đầu vào Tháng Năm. Muốn vậy, quân Bắc Việt phải vào chiếm Sài Gòn chậm nhất là tuần lễ cuối cùng của Tháng Tư, trước khi quân đội miền Nam có thể tái phối trí lực lượng hầu bảo vệ Sài Gòn và Quân Khu 4 ở miền Tây.

-Ngày 25 Tháng Ba: Vào lúc này, dân chúng đông tới hàng triệu người. Họ không quên cảnh cộng sản tàn sát tập thể dân chúng cũng như viên chức chính quyền, nhân vật đảng phái vào dịp Tết Mậu Thân 1968, nên kéo nhau tràn xuống thành phố Đà Nẵng, lúc đó đang bị quân cộng sản tấn công từ xa bằng hoả tiễn 122 ly của Trung Cộng và đại bác 130 ly của Liên Xô.

Ông Thiệu ra lệnh: Không giữ được Huế thì cũng phải cố mà giữ lấy vùng duyên hải Đà Nẵng, coi như vị trí chiến lược làm đầu cầu cho quân đội Mỹ đổ bộ lên, một khi chính quyền Mỹ quyết định trở lại cứu vớt VNCH, đương đầu với cuộc xâm lăng đại quy mô của cộng sản.

Tới lúc này mà còn hy vọng Mỹ trở lại cứu VNCH, thì làm sao cho tướng Ngô Quang Trưởng tuân lệnh được đây!

Hạ Viện Hoa Kỳ biểu quyết dự luật cấm các hoạt động quân sự của Hoa kỳ trên toàn lãnh thổ Đông Nam Á Châu. Dự luật này được lưỡng viện Quốc Hội Hoa Kỳ thông qua ngày 21 –Tháng Chín 1973. Kế theo đó, ngày 12 Tháng Mười 1973, lưỡng Viện lại thông qua dự luật hạn chế quyền của Tổng Thống Mỹ trong việc đưa quân đội Hoa Kỳ ra ngoại quốc (sau bài học cay đắng tại Việt Nam).
Image
Dân thường và quân đội lên thuyền Hải Quân trong cuộc sơ tán thành phố Huế ở miền Nam Việt Nam vào ngày 26 Tháng Ba năm 1975. (Hình: UPI/Bettmann Archive/Getty Images)

Ngày 29 Tháng Ba: Cộng sản chiếm thành phố Đà Nẵng, đang rối loạn, mà chẳng tốn một viên đạn nào. Dân chúng tìm mọi cách thoát khỏi vùng này bằng mọi giá, chấp nhận chết chóc, đau đớn chia lìa trong máu và nước mắt…

Tôi, lúc đó kẹt lại Đà Nẵng, nên cùng bạn bè đi tù cải tạo. Trước đó phi đạo Đà Nẵng bị hoả tiễn Trung Cộng cầy nát, không sử dụng được nữa, trực thăng không có, tầu Hải Quân VNCH từ trong Nam kéo ra bãi Mỹ Khê, Quận 3 Đà Nẵng cứu nạn, nhưng người trốn chạy cộng sản giành nhau leo lên tàu bằng đủ mọi cách, gây nên cảnh kinh hoàng, người già, trẻ con rơi xuống biển như những chiếc lá mùa thu.

Tôi nói với Đại Úy Từ Khánh Sinh, Quản Đốc Quân Lao Đà Nẵng, cựu Đại Đội Trưởng nhảy dù: “ Không đi bằng cách này được! Mấy đứa trẻ sẽ chết hết! “ Đại Úy Sinh kiếm được tay Nghĩa Quân đàn em, lôi cái thuyền nhỏ xíu dìm dưới nước lên và tính chuyện ra khơi, lên tàu Mỹ.


Ngay tức khắc, hàng chục mũi súng AK của du kích địa phương chĩa vào thuyền: thuyền ra là bắn hết ! Cả hai chúng tôi cùng đi tù cải tạo với nhau nơi rừng sâu, núi thẳm ghê người!

Trong khi bạn bè cùng cảnh ngộ chỉ bị giam giữ năm, bảy năm là được thả, riêng tôi đi tù cải tạo 12 năm, 16 ngày. Thật là kinh khủng!

Tôi đã từng sống trong nhà tù của Pháp, từng đi thanh tra trại tù của VNCH, coi trại tù của Mỹ qua truyền hình, báo in, báo điện tử, nhưng chưa thấy có thứ trại tù nào ghê gớm, kinh khủng, ác ôn, tàn bạo như nhà tù của cộng sản.

Điều an ủi cho tôi, là trước đó chỉ non một ngày, nhân danh Sĩ Quan cấp chức cao nhất của hai Tòa Án Quân Sự Mặt Trận Quân Khu I và Toà án Quân Sự Thường Trực Đà Nẵng còn có mặt, tôi ra lệnh mở cửa nhà tù, phóng thích vô điều kiện tất cả hơn 700 quân phạm, bất kể sĩ quan hay binh sĩ, tiểu hay đại hình, xếp hàng, cứ 10 người một chạy ra khỏi Quân Lao, về lo chuyện gia đình trước họa cộng sản đang tràn đến. Ai cũng có thân nhân, gia đình, ai cũng là người cả!

-Từ ngày 6 Tháng Tư: Hai Trung Đoàn thuộc Sư Đoàn 2 Bộ Binh VNCH, cùng với một Lữ Đoàn nhảy dù được đổ xuống phi trường Phan Rang để hy vọng đánh trận phản công.

Cộng sản thấy hơi khó ăn vì ngán quân nhảy dù nên để cho tình hình yên tĩnh ba ngày. Thế là Lữ Đoàn nhảy dù được bốc đi Xuân Lộc là nơi đang có trận đánh lớn giữa Sư Đoàn 18 Bộ Binh VNCH dưới quyền chỉ huy của Tướng Lê Minh Đảo với hai Sư Đoàn quân Bắc Việt.

Thay thế cho Lữ Đoàn nhảy dù thiện chiến, người ta đưa tới đó một đơn vị Biệt Động Quân. Lập tức quân cộng sản cho xe tăng T-54 của Liên Xô ào ạt tiến vào, chọc thủng phòng tuyến Phan Rang và chiếm đóng vùng này không khó khăn.

-Ngày 7 Tháng Tư: Lê Đức Thọ, Ủy viên Bộ Chính Trị cộng sản Hà Nội, tới Tổng Hành Dinh quân cộng sản ở Miền Nam, đóng tại Lộc Ninh để xem xét tình hình và quyết định kế hoạch cho giai đoạn chót của cuộc đánh chiếm miền Nam. Lúc này, cộng sản đã kiểm soát được 2/3 lãnh thổ Nam Việt Nam.


-Ngày 8 đến 21 Tháng Tư: Sư Đoàn 18 Bộ Binh VNCH do Tướng Lê Minh Đảo chỉ huy, chống giữ oanh liệt trước sức tấn công vũ bão của hai Sư Đoàn cộng sản nhằm tiến chiếm Sài Gòn bằng cách phá vỡ phòng tuyến cuối cùng này. Một Trung Đoàn thuộc Sư Đoàn 5 Bộ Binh và Lữ Đoàn nhảy dù từ Phan Rang được đưa vào tăng viện.
Image
Chỉ mang theo vài thứ trên lưng, một gia đình khóc trên đường chạy loạn khi đi bộ dọc theo Quốc Lộ 1, cách Nha Trang 27 dặm về phía bắc hướng tới Qui Nhơn. Ước tính có khoảng 1.5 triệu người bị mắc kẹt ở Đà Nẵng, nơi nằm dưới sự kiểm soát của Cộng sản năm 1975. (Hình: Getty Images)

Tướng cộng sản Văn Tiến Dũng phải tung vào mặt trận này hai sư đoàn nữa là bốn sư đoàn tất cả để hòng dứt điểm càng sớm càng tốt. Đánh chiếm miền Nam mùa Xuân năm 1975, đây là mặt trận duy nhất quân cộng sản gặp sức chiến đấu dũng mãnh, oanh liệt của quân đội VNCH.

Cộng sản phải dùng số quân 4 đánh 1 trong lúc thế mạnh mọi mặt đang ở phía chính họ. Ngày 21 Tháng Tư, Tướng Tư Lệnh Quân Khu 3 VNCH không muốn hy sinh trong thế tuyệt vọng, cả Sư Đoàn 18 Bộ Binh anh dũng, thiện chiến trong hoàn cảnh bất lợi về tất cả mọi mặt nên đã ra lệnh cho Sư Đoàn này rút khỏi phòng tuyến đang trấn giữ.

Bị áp lực từ nhiều phía, Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu phải tuyên bố từ chức, chuyển giao quyền hành cho Phó Tổng Thống Nguyễn Văn Hương để ra ngoại quốc, bỏ lại đằng sau: Quê Hương, Chiến Hữu và Đồng Bào của Ông, là những gì thiêng liêng mà ông từng long trọng tuyên đọc lời thề khi nhậm chức, cũng như trong các dịp Quốc Lễ là sẽ sống chết bảo vệ đến hơi thở cuối cùng.

-Ngày 23 Tháng Tư: Tại Hoa kỳ, Tổng Thống Gerald Rudolph Ford tuyên bố chiến tranh Việt Nam kể như chấm dứt. Dư luận hiểu rằng chính quyền Mỹ lúc đó đã buông tay và tháo chạy bằng mọi giá, trong khi Liên Xô và Trung Cộng hồ hởi, phấn khởi là đã hoàn thành nhiệm vụ “Dứt điểm tiền đồn chống cộng của Mỹ tại Á Châu.”

-Ngày 28 Tháng Tư: Tổng Thống Trần Văn Hương trao quyền hành cho Tướng 4 sao Dương Văn Minh, người đóng vai chính trong vụ đảo chính lật đổ Tổng Thống Ngô Đình Diệm Tháng Mười Một năm 1963.

Cộng sản không mạnh bằng Mỹ về vũ khí chiến tranh nhưng với tinh thần cuồng tín, liều mạng và hầu như luôn giữ thế tấn công trên các mặt trận, trong khi Mỹ quá mạnh nhưng luôn ở trong thế thụ động với các mục tiêu, đồn bót rõ ràng nên thế thuận lợi lại luôn nghiêng về phía cộng sản.
Image
Người dân trèo lên xe buýt chở người di tản vào Đại Sứ Quán Hoa Kỳ, trong khi hàng trăm người chen chúc quanh cổng, cố gắng chen vào để tham gia cuộc di tản của người Mỹ khỏi Sài Gòn ngày 29 Tháng Tư. (Hình: Getty Images)

-Rạng sáng ngày 30 Tháng Tư, quân cộng sản tiến vào Sài Gòn, vẫn còn gặp vài ổ kháng cự lẻ tẻ. Dương Văn Minh cứ yên trí theo bài bản đã nhận được từ “cấp trên” qua điện thoại, ra đón tiếp quân “giải phóng” và sau đó “xin bàn giao chính quyền.”


Buổi sáng hôm đó, cộng sản bắt Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng. Chiến tranh chấm dứt, đất nước thống nhất, nhưng dân chúng miền Nam không vui mừng, sung sướng, hạnh phúc mà lại xô nhau chạy đi mọi ngả, tìm cách thoát chạy khỏi chính quê hương, đất nước của mình để tránh họa cộng sản, bất kể mọi gian nguy, bị giết chóc, cướp bóc, hải tặc hãm hiếp, quăng xác xuống biển…

Chính quyền mới truy lùng, tiêu diệt, bắt bớ những kẻ phục vụ cho chế độ cũ, nhân vật đảng phái chính trị, tống họ vào những trại tập trung cải tạo ở các vùng rừng núi âm u, hiểm hóc, cách biệt hẳn với xã hội loài người.

Nam Bộ là cái túi đựng người quá đông đảo mà lại không có rừng núi thích hợp cho việc thiết lập các trại cải tạo, vừa an toàn lại tiện cho việc khai thác có lợi nhiều, cho nên cộng sản mới phải đưa số đông “kẻ thù” của họ ra Bắc, tống lên các trại cải tạo vùng Thượng Du Bắc Việt.

Cán bộ cộng sản từ lớn đến nhỏ, ngơ ngác nhìn Sài Gòn và Nam Việt Nam trong cảnh xác xơ, buồn thảm nhưng vẫn không làm mất, không che dấu được sự phồn thịnh, phát triển quá cao so với “thiên đàng hay địa ngục Bắc Bộ. Cộng sản lớn nhỏ thi nhau vơ vét tài sản vét của kẻ bỏ chạy, của nhân dân Miền Nam “tay sai Mỹ Ngụy” đem về Bắc như những chiến lợi phẩm.

Sau này, có cơ hội tiếp xúc với người thân ở Bắc Việt Nam, từng giữ chức vụ quan trọng trong bộ máy chính quyền cộng sản thời gian này, tôi được biết mật lệnh của cộng sản Hà Nội lúc đó có những điểm rất kinh khủng: bắt nhốt hết mọi kẻ có khả năng chống cự, nổi dậy sau này, tịch thâu mọi loại vũ khí có tầm sát hại tập thể hay cá nhân, khi có dấu hiệu hay mầm mống biến động thì tất cả những kẻ ít nguy hiểm nhất cũng phải tập trung cải tạo.

Ở đây, tôi chỉ muốn nói lên một điều: Quân Đội VNCH nói chung, đã chiến đấu rất anh dũng, kiên cường, bất chấp mọi trở ngại, khó khăn, thiếu thốn. Miền Nam sụp đổ, nhiều Tướng Lãnh: Nguyễn Khoa Nam, Phạm Văn Phú, Lê Nguyên Vỹ, Trần Văn Hai, Lê Văn Hưng… và nhiều sĩ quan cao cấp khác đã tự sát trong khung cảnh vô cùng oanh liệt, chưa từng có trong một quân đội, một quốc gia nào trên thế giới.
Image
Hình ảnh những anh hùng vị quốc vong thân, đặt tại đài tưởng niệm trong khu Tượng đài Chiến sĩ Việt-Mỹ ở Little Saigon, thành phố Westminster, CA.
(Hình: Paul Bersebach/MediaNews Group/Orange County Register via Getty Images)

Họ không chịu đầu hàng hay để bị bắt làm tù binh. Hàng triệu quân nhân, viên chức chính phủ, nhân vật đảng phái chính trị bị nhốt vào các trại tù cải tạo khổng lồ nơi rừng thiêng, nước độc. Dân chúng ồ ạt bỏ nước ra đi, bỏ hết tài sản, không kể sống chết, thảm họa kinh hoàng trên biển cả… Tất cả là những vấn đề vượt quá khả năng và tầm tay của người Việt Miền Nam chúng ta. Chỉ có các đấng thiêng liêng, chỉ có lịch sử mới hiểu được mà thôi!

Điều đáng mừng cho chúng ta là càng ngày, dân chúng Hoa Kỳ cũng như thế giới loài người càng hiểu ra sự thật của cuộc chiến tranh Việt Nam (mà có những nhà chính trị, giáo sư đại học lẩm cẩm kêu là cuộc nội chiến, tức là người Việt Nam đánh lộn với nhau), một bài học đắt giá, quý báu cho người Việt, cho siêu cường quốc Hoa Kỳ và tất cả các quốc gia nhược tiểu khác trên thế giới.

Nước nhỏ yếu mà chỉ biết trông cậy, giao tất cả vận mệnh dân tộc mình vào tay một nước lớn mạnh khác lo hộ hoàn toàn thì nhiều chuyện nguy hiểm bắt buộc sẽ phải đến. Nước lớn, dù là Đệ Nhất Siêu Cường Quốc mà thiếu chung thủy, coi thường đồng minh, bạn bè, phản bội dễ dàng những người đã từng sống chết với mình trên cùng một chiến tuyến, coi thường Liên Hiệp Quốc là cơ quan quốc tế có thẩm quyền cao nhất để giải quyết những khó khăn, tháo gỡ những rắc rối, tranh chấp điên khùng của loài người ngày nay có nhiều tham lam, ích kỷ, ưa dùng bạo lực, ít biết đến giá trị của hòa bình… thì không được đồng minh, bạn bè chân thành kính nể. Không lúc này thì cũng lúc khác, họ sẽ bị những thế lực thù địch khác, mà tất nhiên có nhiều kẻ thù lớn nhỏ, tìm cơ hội đánh cho những đòn chí mạng, thảm khốc, kinh hoàng.

Gần nửa thế kỷ trôi qua, chúng ta có quyền hy vọng ở tương lai. Thế hệ trẻ Việt Nam, những người yêu nước trong cũng như ngoại quốc, với trình độ kiến thức, hiểu biết rộng rãi về “tiến trình của nhân loại,” hiểu biết về khoa học, kỹ thuật, nhất là với niềm tự hào của một dân tộc tuy nhỏ bé, luôn luôn bị xâm lăng, thống trị dã man, tàn bạo, nhưng không bao giờ đánh mất Niềm Tin vào Tổ Quốc.

Việt Nam từng có những trang sử oanh liệt của Ngô Quyền, Lê Lợi, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Quang Trung Nguyễn Huệ… sẽ mãi mãi muôn đời có mặt trong cộng đồng thế giới tự do, tiến bộ và thật sự văn minh.

(Tháng Tư, 2024 – San Diego)

User avatar
saohom
Posts: 2214
Joined: Wed Aug 26, 2009 11:30 pm

Re: Bình Luận Thời Sự

Post by saohom »

30 THÁNG TƯ: THỬ NHÌN LẠI

TRẦN GIA PHỤNG

Thông thường, ngày 30-4-1975 được giải thích là ngày sụp đổ của Việt Nam Cộng Hòa, và là ngày “đại thắng mùa xuân” của cộng sản Bắc Việt.

Ngoài hai cách nhìn nầy, còn có một cách nhìn thứ ba mà ít người chú ý đến.

Trong thập niên 60, khi viếng thăm Việt Nam Cộng Hòa, được hỏi làm thế nào để chiến thắng cộng sản, Moshe Dayan, danh tướng độc nhãn Do Thái, đã trả lời như sau:
“Bắc Việt sẽ thất trận khi họ chiếm được Sài Gòn.”
Lúc đó, giới báo chí và chính trị Sài Gòn đã bàn tán về câu nói của Moshe Dayan(1915-1981), nhưng không ai dại gì giao trứng cho ác (quạ), mà nghĩ đến một giải pháp quá rủi ro là để cho cộng sản chiếm được Sài Gòn.
Cuối cùng, khi cộng sản thật sự chiếm được Sài Gòn năm 1975, một bên buồn quá, cũng như một bên vui quá, nên cả hai phía đều quên luôn ý kiến của Moshe Dayan.

1.- AI THẮNG AI?

Trong cuộc chiến tranh vừa qua, người cộng sản thường tự hào rằng chính họ đã “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”.
Theo biểu kiến bên ngoài, “Mỹ cút, ngụy nhào” thật đó, nhưng thực sự Mỹ không cút, mà phải nói cho thật đúng ý nghĩa bối cảnh lịch sử là Mỹ ngưng không tiếp tục hiện diện ở Việt Nam vì lý do thay đổi chiến lược toàn cầu của họ, và lực lượng Việt Nam Cộng Hòa KHÔNG THẤT TRẬN, chỉ ở thế BẮT BUỘC phải ngưng súng, ngưng chiến đấu.

Việt Nam Cộng Hòa dư biết rằng trong thế tranh chấp giữa các cường quốc, với sự thay đổi chiến lược của Hoa Kỳ, nếu lực lượng Việt Nam Cộng Hòa tiếp tục chiến đấu, chỉ làm tổn hại thêm xương máu của binh sĩ và dân chúng, mà không tránh được sự áp đặt từ bên ngoài, trong khi Liên Xô và Trung cộng tung hết vũ khí cho Bắc Việt và Hoa Kỳ ngưng tiếp liệu quân nhu và vũ khí cho Việt Nam Cộng Hòa.

Sau khi thế chiến thứ nhì (1939-1945) kết thúc, thế giới bước vào chiến tranh lạnh giữa hai khối tự do (tư bản) và cộng sản.
Khi đắc cử tổng thống Hoa Kỳ ngày 5-11-1952 thay ông H. Truman, đại tướng D. Eisenhower tuyên bố rằng chiến tranh Ðông Dương không còn là chiến tranh thuộc địa mà là “cuộc chiến giữa cộng sản và thế giới Tự do.” Từ đó, Hoa Kỳ viện trợ Ðông Dương nói chung và Việt Nam nói riêng càng ngày càng nhiều để chống lại Việt Minh cộng sản.

Lúc đó, Hoa Kỳ và các nước Tây phương nghĩ rằng các nước trong thế giới cộng sản như Liên Xô, Trung cộng là một khối chính trị chặt chẻ, nên tìm tất cả các cách để ngăn chận sự bành trướng của cộng sản.
Vì vậy, sau hiệp định Genève ngày 20-7-1954, Hoa Kỳ quyết định giúp miền nam Việt Nam để chận đứng làn sóng cộng sản mà cụ thể hơn là sự bành trướng của Trung cộng.

Những diễn tiến chính trị trong khối cộng sản sau khi Stalin từ trần ngày 5-3-1953, và nhất là khi Khrushchew lên cầm quyền, rồi đưa ra chủ trương sống chung hòa bình giữa các nước không cùng một thể chế chính trị, hòa dịu với các nước Tây phương năm 1956, thì bắt đầu sự rạn nứt giữa Liên Xô và Trung cộng.
Lúc đầu mới chỉ lời qua tiếng lại giữa hai đảng cộng sản anh em, sau đó giữa hai nhà nước cộng sản, và cuối cùng thực sự đánh nhau dọc biên giới đông bắc Trung cộng trên sông Ussuri (Ô Tô Lý giang) năm 1969.

Dựa trên những dữ kiện thực tế đó, các chính trị gia Hoa Kỳ nhận thấy rằng các nước cộng sản không phải là một khối chặt chẽ, mà họ là những thực thể riêng biệt, với những quyền lợi mâu thuẫn nhau khá trầm trọng. Hoa Kỳ không bỏ lỡ cơ hội kiếm cách khai thác mâu thuẫn giữa các nước cộng sản, đúng ra là giữa Liên Xô và Trung cộng để làm thế nào ly gián họ, và tránh cho họ xích lại gần nhau như trước. Vì vậy, người Hoa Kỳ bắt đầu xét duyệt lại chính sách toàn cầu của Hoa Kỳ.

Trong khi đó, nếu Hoa Kỳ càng giúp Việt Nam Cộng Hòa chống lại Bắc Việt cộng sản, thì Liên Xô và Trung cộng ở thế cùng liên kết để giúp Bắc Việt chống lại Hoa Kỳ, tức Hoa Kỳ tạo nên một hoàn cảnh thuận lợi cho Liên Xô và Trung cộng tạm gác những mâu thuẫn song phương, để cùng nhau cứu giúp một nước cộng sản khác nhắm tạo uy tín và hấp lực với các nước khác, nhất là các nước trong khối không liên kết.
Nói cách khác, làm như thế, chẳng khác gì Hoa Kỳ tạo cơ hội cho hai nước Liên Xô và Trung cộng xích lại với nhau.
Trên quan niệm địa lý chính trị học (geopolitics), vào cuối thập niên 60 và đầu thập niên 70, người Hoa Kỳ còn ngộ ra rằng:

“Bắc Việt không thể tàn phá Hoa Kỳ trong vòng nửa giờ, hoặc tiêu hủy các thành phố, giết một nửa dân số, nhưng với hỏa tiển nguyên tử, Liên Xô có thể làm được việc đó.
Trung cộng tuy chưa ngang tầm của Liên Xô vì ít vũ khí nguyên tử, nhưng lại đe dọa phần còn lại của Á châu vì ý hệ chính trị cứng rắn và vì dân số đông đảo của họ”.

Chẳng những thế, các chính trị gia Hoa Kỳ lúc đó còn đi xa hơn, cho rằng “hy sinh Việt Nam mới thật là đáng giá.
Còn hơn là hao phí thêm nhiều sinh mạng người Mỹ và hàng tỷ mỹ kim để chống đỡ Việt Nam với chẳng có hy vọng thắng lợi, tại sao không thỏa thuận thua cuộc để đổi lấy sự mở cửa của Trung Hoa nhằm làm yếu đi kẻ thù thực sự là Liên Xô.”

Chúng ta hãy nghe một nhà ngoại giao kỳ cựu Hoa Kỳ, ông Bill Sullivan, nguyên là đại sứ Hoa Kỳ tại Lào, lúc đó là thứ trưởng ngoại giao Hoa Kỳ đặc trách Ðông Á và Thái Bình Dương, sau đó phụ tá và sát cánh với Henri Kissinger trong các cuộc thương thuyết tại hội nghị Paris chấm dứt chiến tranh Việt Nam, trả lời trong một cuộc phỏng vấn rằng:

“Như thế, tôi đi đến kết luận, và điều nầy ông nghe có vẻ tráo trở, rằng không thắng cuộc chiến nầy thì chúng ta sẽ khá hơn. Ðặc biệt nữa là người Trung Hoa đã khai thông với chúng ta, và làm cho người Trung Hoa tách rời khỏi Liên Xô và nghiêng về phía chúng ta, đối với chúng ta còn quan trọng hơn nhiều việc chiến thắng ở Việt Nam”.

Ngày 14-4-1971, tại Ðại sảnh đường Nhân dân Bắc Kinh, thủ tướng Trung cộng là Chu Ân Lai tiếp đãi và nói chuyện thân mật với đoàn bóng bàn Hoa Kỳ sang đấu giao hữu với đoàn bóng bàn Trung cộng theo lời mời của Tổng cục Bóng bàn nước nầy.
Ngày 9-7-1971, cố vấn an ninh quốc gia Hoa Kỳ là Henri Kissinger có mặt ở Bắc Kinh và được Chu Ân Lai tiếp kiến.

Ngày 25-10-1971, Ðại hội đồng thứ 26 của Liên Hiệp Quốc biểu quyết chấp nhận Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa được giữ ghế đại biểu Trung cộng thay cho Trung Hoa Dân Quốc (Ðài Loan) mà không bị Hoa Kỳ phủ quyết, nghĩa là Hoa Kỳ cũng bỏ rơi Ðài Loan, đồng minh lâu năm của Hoa Kỳ, để bắt tay với Trung cộng.

Sau đó, tổng thống Hoa kỳ Richard Nixon viếng thăm Trung cộng một tuần bắt đầu từ ngày 21-2-1972 mà ông Nixon cho rằng đây là “một tuần lẽ sẽ làm thay đổi thế giới.”
Cuộc viếng thăm nầy đưa đến “Thông cáo chung Thượng Hải” ngày 28-2 theo đó hai bên đưa ra những quan điểm hoàn toàn khác nhau, chỉ trừ một điều là cùng nhau tôn trọng sự khác biệt giữa hai bên và hứa sẽ kiếm cách cải thiện bang giao song phương.

Ðúng như ông Nixon loan báo, cuộc viếng thăm đã đưa đến việc thay đổi thế giới, bắt đầu từ việc Hoa Kỳ sắp đặt lại chiến lược toàn cầu và Á Châu, từ đó rút quân dần dần ra khỏi Việt Nam.
Mỹ rút quân ra khỏi Việt Nam theo đúng chiến lược của họ, bởi vì người Mỹ tin rằng:
“thua trận ở Việt Nam lành mạnh cho Hoa Kỳ hơn là thắng trận. Rằng thua trận nằm trong quyền lợi quốc gia. Rằng đó là lợi thế… Ðó là quan niệm cấp tiến triệt để vào thời đó, rằng thua trận và phó mặc các đồng minh Ðông nam Á của chúng ta cho số phận của họ, như thế mới đúng là cách làm của chúng ta”.

Như thế, xét cho cùng, Hoa Kỳ chẳng thua trận, mà Hoa Kỳ chỉ bỏ cuộc ở Việt Nam để thực hiện việc thay đổi chiến lược toàn cầu quan trọng hơn đối với họ trong cuộc tranh chấp với Liên Xô.

Trong khi tự cho rằng “ta đánh Mỹ là đánh cho Liên Xô, đánh cho Trung Quốc”, (thì chính Bắc Việt đã tiếp tay với người Mỹ để thực hiện kế sách của Hoa Kỳ. Từ đó, Hoa Kỳ đã thành công trong việc làm sụp đổ khối Liên Xô và Ðông Âu.

Như thế, có thể nói người Hoa Kỳ đã chịu thua mặt trận (battle) Việt Nam, để đại thắng cuộc chiến tranh (war) toàn cầu, và hiện nay trở thành cường quốc số 1 trên thế giới.

Ði vào thế chiến lược mới của Hoa Kỳ, về phía Việt Nam Cộng Hòa, dầu bị Hoa Kỳ bỏ rơi, ngưng viện trợ, và trước sức mạnh của Bắc Việt được Liên Xô và Trung cộng giúp đỡ tận “cây kim sợi chỉ”, các chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa vẫn tiếp tục chiến đấu anh dũng trong 2 năm sau hiệp định Paris, chứ không để cho đất nước sụp đổ ngay.

Các chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa không thua bộ đội cộng sản Bắc Việt, mà chỉ buông vũ khí, ngưng chiến đấu vì nhận thấy rằng trong thế chiến lược mới, các cường quốc trên thế giới quyết tâm áp đặt một giải pháp chính trị, mà mình cô thế khó cưỡng chống lại được, tiếp tục chiến đấu chỉ làm tổn hại thêm nhiều nhân mạng vô tội, nên cuối cùng lực lượng Việt Nam Cộng Hòa CHẤP NHẬN NGƯNG CHIẾN ĐẤU CHỨ KHÔNG PHẢI HOJ THUA CUỘC.

Trước khi ký hiệp định Paris năm 1973, các nhà ngoại giao Hoa Kỳ đã hứa hẹn, mà không ghi thành văn bản, là sẽ viện trợ Việt Nam 4 tỹ Mỹ kim để Việt Nam tái thiết đất nước sau chiến tranh.

Tuy nhiên, Bắc Việt cưỡng chiếm Nam Việt bằng võ lực, đi ngược lại với tinh thần hiệp định Paris ký kết giữa các bên lâm chiến, và đã được nhiều nước công nhận. Dựa vào việc Bắc Việt không tôn trọng hiệp định Paris, Hoa Kỳ bác khước lời hứa trước kia.

Hơn nữa, khi CUỞNG CHIẾM Việt Nam Cộng Hòa sau hiệp định Paris, Bắc Việt cưỡng chiếm luôn số tài sản khổng lồ ước tính khoảng 6 tỷ Mỹ kim mà Hoa Kỳ đã để lại Việt Nam.

Số tài sản nầy còn cao hơn lời hứa hẹn của Hoa Kỳ sẽ viện trợ cho Việt Nam 4 tỷ Mỹ kim trước đây.
Vì cả hai lý do nầy, cho đến nay, cộng sản Việt Nam không thể mở miệng nhắc lại chuyện Hoa Kỳ hứa hẹn viện trợ để tái thiết Việt Nam sau 30 chiến tranh mà Hoa Kỳ đã can dự vào.
Thua cuộc cờ toàn cầu, Bắc Việt lại thất bại luôn trong cuộc đấu trí để đòi viện trợ của Hoa Kỳ sau chiến tranh.

2.- THỰC TẾ SAU 30 THÁNG TƯ

Quan sát kỹ sinh hoạt xã hội Việt Nam sau khi cộng sản Bắc Việt chiếm được miền Nam năm 1975, mọi người đều nhận thấy rõ ràng ngay từ đầu, đại đa số những người Bắc, từ cán bộ, bộ đội đến thường dân, khi vào Nam đều học theo cách sống của người Nam, chứ hầu như người Nam không học theo người Bắc, trừ một thiểu số xu phụ theo chế độ mới, kè kè chiếc nón cối để tỏ ra là người “cách mạng”.

Người Bắc thích ăn bận theo người Nam, đua đòi thời trang miền Nam, nghe nhạc Nam mà cộng sản gọi là “nhạc vàng”, đọc sách Nam, từ tiểu thuyết trữ tình, tiểu thuyết kiếm hiệp đến văn chương, triết học, và làm tất cả các cách để thành người Nam.

Ngay cả những cán bộ cao cấp trong Bộ chính trị đảng Lao Ðộng (năm 1976 cải danh thành đảng cộng sản) cũng từ bỏ bộ áo quần đại cán cao cổ để ăn bận Âu phục theo kiểu người Nam.
Chẳng những thế, hầu như miền Bắc cũng được Nam hóa bằng sản phẩm của miền Nam.

Lúc đó, đại đa số người nào ở miền Bắc vào cũng “tranh thủ” cho được tối thiểu ba thứ “đạp đồng đài”(xe đạp, đồng hồ, radio) để đem về Bắc sử dụng hoặc trang bị cho gia đình.
(Rất ít người như bà Dương Thu Hương chỉ lo đi mua sách miền Nam. Theo lời Dương Thu Hương, khi bà vào Sài Gòn thì bà tìm đến các chợ sách để mua sách cũ và bà ta bị choáng ngợp vì sách vở văn chương triết học ở miền Nam quá phong phú chứ không nghèo nàn và bị kềm kẹp như cộng sản tuyên truyền.)

Trong lịch sử thế giới, ai cũng biết người Mông Cổ nổi tiếng thiện chiến và chiếm được một đế quốc rộng lớn từ thời Thành Cát Tư Hãn (Genghis Khan, trị vì 1206-1227).
Cháu nội của Thành Cát Tư Hãn là Hốt Tất Liệt (Qubilai) tức Nguyên Thế Tổ (trị vì 1260-1294) đem quân Mông Cổ vào chiếm Bắc Kinh năm 1264, rồi từ đó chiếm luôn toàn bộ nước Trung Hoa.
Khi người Mông Cổ tiếp xúc và tiêm nhiễm nền văn minh và văn hóa Trung Hoa, thì dường như họ không còn là người Mông Cổ nữa.
Có thể nói vó ngựa chiến chinh Mông Cổ oai hùng khắp Âu Á một thời đã hoàn toàn bặt tăm khi họ đặt chân vào đất trung nguyên Trung Hoa.

cộng sản Bắc Việt, dầu chẳng oai hùng như người Mông Cổ, tiến quân vào miền Nam, chiếm đóng bằng bạo lực, nhưng cuối cùng bị choáng ngợp vì sự phồn thịnh của miền Nam (mà họ gọi là phồn vinh giả tạo) và nền văn hóa đa dạng của miền Nam, một nền văn hóa vừa giữ bản sắc dân tộc, vừa hòa hợp với tinh hoa của văn hóa Tây phương.
Từ đó, người cộng sản Bắc Việt không còn là họ nữa, chỉ trừ có vỏ bọc là đảng cộng sản để nắm độc quyền lãnh đạo đất nước.

Chẳng những chỉ có Bắc Việt được Nam hóa mà cả khối Quốc tế cộng sản cũng biến chuyển theo.
Ngay sau khi cộng sản chiếm Ðà Nẵng, trước khi Sài Gòn sụp đổ, tại bán đảo Sơn Trà diễn ra một cuộc gặp gỡ vào đầu tháng 4-1975 giữa đại biểu của một số nước cộng sản, để quan sát đài truyền tin phát sóng của quân đội Hoa Kỳ đặt tại núi nầy.
Sau khi nghe thuyết trình viên cộng sản Việt Nam trình bày về công suất lớn lao của đài phát sóng Hoa Kỳ đặt tại đây, đại diện Liên Xô làm thinh, đại diện Trung cộng cười mỉa và chúc mừng Việt Nam, đại diện của Ba Lan rất thích thú.

Trở về lại Ðà Nẵng, đại diện Ba Lan xin Uỷ ban Quân quản, do Hồ Nghinh làm chủ tịch, được dùng điện đài Ðà Nẵng để liên lạc với Tòa Ðại sứ Ba Lan ở Hà Nội.
Ðại khái nội dung liên lạc là yêu cầu Tòa Ðại sứ Ba Lan điện về nước xin chính phủ Ba Lan tạm ngưng các chương trình đặt mua máy truyền tin của Liên Xô, đợi phái đoàn quan sát về nước.

Lý do chính của thái độ các đại diện các nước cộng sản, kể cả việc đại diện Trung cộng cười mỉa, là vì trước đó không lâu, vào cuối 1974, đầu 1975, tại Hà Nội, vừa mới khánh thành một trạm thông tin liên lạc do Liên Xô viện trợ cho Hà Nội mà Liên Xô khoe rằng đó là máy tối tân nhất thế giới lúc bấy giờ, với công suất chỉ bằng một phần hai mươi (1/ 20) công suất của trạm truyền tin của quân đội Hoa Kỳ đặt tại Sơn Trà, Ðà Nẵng.

Câu chuyện trên giải thích thắc mắc của nhiều người lý do vì sao khi rút lui khỏi miền Nam Việt Nam ngày 30-4-1975, nhân viên Hoa Kỳ được lệnh để lại toàn bộ kho lẫm, máy móc, dụng cụ, vật liệu, trang thiết bị của tất cả các cơ sở Hoa Kỳ tại Việt Nam mà không phá hủy gì cả, từ đài phát thanh địa phương, đến tòa đại sứ Hoa Kỳ ở Sài Gòn, và cả Trung tâm Nguyên tử lực tại Ðà Lạt.
Lúc đó, người ta cho rằng người Hoa Kỳ lo bỏ chạy nên không kịp phá hủy, nhưng ngay lúc đó cũng có dư luận cho biết rằng một nhân viên Hoa Kỳ tại Huế, trước khi rút lui, đã tháo một chốt chính làm tê liệt đài phát thanh Huế đặt tại Phú Bài (Thừa Thiên) khi chạy vào Ðà Nẵng, liền bị tòa lãnh sự Hoa Kỳ tại đây khiển trách.

Cũng có dư luận cho rằng Hoa Kỳ cố tình để lại vật liệu và trang thiết bị cho cộng sản Việt Nam sử dụng, tạo thành nhu cầu mới cho cộng sản, đến khi hư hao hay cạn hết, thì phải tìm mua lại nơi các nước tư bản. (Ví dụ người ta nói rằng ở miền Tây có một kho phân bón khổng lồ. Bắc Việt lấy được, chở ra Bắc sử dụng. Ðến khi phân bón hết, ruộng đã lỡ dùng phân bón, nay không dùng không được, đành phải đi kiếm mua ở các nước tự do khác.)

Sau năm 1975, nhiều phái đoàn của các nước Liên Xô và Ðông Âu đến thăm Việt Nam đều được xem cuộc “triển lãm nguội” của hàng hóa Hoa Kỳ và các nước phương Tây, cũng như tham khảo báo chí, sách vở khoa học kỹ thuật Âu Mỹ tại miền Nam.

Như thế có thể người Hoa Kỳ đã nghĩ đến kế hoạch Moshe Dayan, và không phải chỉ nhắm vào cộng sản Bắc Việt, mà còn nhìn xa hơn, muốn “bày hàng triển lãm” kỹ thuật tối tân với các nước trong khối Quốc tế cộng sản, mà từ lâu nay bị Liên Xô bưng bít che đậy.
Phải chăng cuộc “triển lãm nguội” nầy của Hoa Kỳ đã lôi cuốn được các nước cộng sản, góp phần làm cho tình hình ở đây biến động mau lẹ, đưa đến sự sụp đổ của các nước cộng sản Ðông Âu và Liên Xô vào các năm từ 1989 đến 1991?

3.- CỘNG SẢN BẮT ÐẦU THUA CUỘC

Trong cuộc chiến năm 1975, phải bình tâm mà nhận xét rằng một trong những lý do cộng sản Bắc Việt thành công là bộ máy tuyên truyền của cộng sản hoạt động có kế hoạch và mạnh mẽ hữu hiệu hơn phía Việt Nam Cộng Hòa.
Bộ máy tuyên truyền nầy đã làm việc có tính toán liên tục từ năm 1945, khá thành công ở trong nước cũng như trên thế giới.

Năm 1956, ở ngoài Bắc xảy ra vụ Nhân Văn – Giai Phẩm. Cuộc đàn áp trí thức và văn nghệ sĩ của nhà cầm quyền Hà Nội diễn ra rõ ràng như thế, mà cộng sản bưng bít và tuyên truyền ngược lại, khiến ở trong Nam, nhiều người không tin là những chuyện đó có thật.
“Chế độ miền Nam, tất nhiên là làm rầm rộ lên nhân vụ án nầy để tuyên truyền mặt trái của chế độ miền Bắc. Nhưng sau nầy, khi hỏi chuyện anh em miền Nam thì được biết là họ không tin, họ tưởng là sự việc bị bịa đặt ra, chứ làm gì đảng có thể đối xử với trí thức miền Bắc tàn tệ đến mức như thế.”

So với trình độ văn hóa của toàn dân, học giả Nguyễn Hiến Lê, tác giả của khoảng trên 20 bộ sách nghiên cứu lớn nhỏ, phải được kể là một nhà thông thái. Ông Nguyễn Hiến Lê đã can đảm thú nhận những suy nghĩ và tình cảm của ông trước năm 1975:
“Tôi vốn có cảm tình với Việt minh, với cộng sản; ghét thực dân Pháp, Mĩ, nhất là từ 1965 khi Mĩ đổ quân ào ạt vào miền Nam; tôi khinh những chính phủ bù nhìn của Pháp, Mĩ.
Tôi phục tinh thần hi sinh, có kỉ luật của anh em kháng chiến và mỗi lần có thể giúp họ được gì thì tôi sẵn lòng giúp.”

Một người thông thái như ông Nguyễn Hiến Lê mà còn bị lầm lẫn về cộng sản, huống gì là đại đa số dân chúng Việt Nam.

Sau năm 1975, chạm mặt với đời sống thực tế dưới chế độ cộng sản, ông Nguyễn Hiến Lê mới thấy rõ mình đã lầm lẫn bấy lâu nay. Ông viết tiếp:
“… muốn thấy chế độ đó ra sao thì phải sống dưới chế độ dăm năm. Ðó là bài học đầu tiên và vô cùng quan trọng mà tôi [Nguyễn Hiến Lê] và có lẽ 90% người miền Nam rút được từ 1975 tới nay [1981]“.

Bên cạnh đó, phải kể thêm một hiện tượng tâm lý khá lạ lùng:
trước năm 1975, không kể dân chúng ở ngoài chính quyền, ngay cả nhiều công chức hoặc sĩ quan binh sĩ Việt Nam Cộng Hòa, tuy làm việc và lãnh lương chính phủ quốc gia, đôi khi cũng chao đảo và không mấy tin tưởng ở chính nghĩa Quốc gia của chế độ mình đang phục vụ.
Tuy nhiên, sau khi cộng sản vào chiếm miền Nam, thì tất cả mọi người miền Nam đều tiếc nhớ một thời đã qua, hướng trở về chế độ Việt Nam Cộng Hòa và từ đó ý thức Quốc gia dân tộc trong họ trổi dậy mạnh mẽ hơn cả thời trước nữa.

Như vậy, chính từ sau đỉnh cao chiến thắng quân sự ngày 30-4-1975, thiết lập được chế độ độc tài dựa vào bạo lực công an trị, cộng sản Hà Nội lại bắt đầu thua cuộc, mất hết nhân tâm, mất hết quần chúng.
Chẳng những cộng sản Hà Nội đã thua cuộc ở trong nước, càng ngày cộng sản Hà Nội càng thua cuộc trên thế giới.
Các nước trên thế giới trước đây vốn có cảm tình với cộng sản Việt Nam, nay hoảng hốt trước cảnh vượt biên ồ ạt của dân chúng Việt Nam.
Ðiều nầy khiến cho cả thế giới sực tỉnh.
Không cần ai tuyên truyền, cả thế giới đều thấy rõ nhà cầm quyền Hà Nội đã mất lòng dân đến độ nào, dân chúng mới bất chấp gian nguy, dùng tính mạng đánh cuộc với số phận, để tìm đường sống.

Những tác giả Tây phương trước đây viết bài ủng hộ cộng sản, nay lại quay qua đả kích cộng sản.
Tiêu biểu cho những người nầy là sử gia Jean Louis Margolin, giáo sư tại Université de Provence (Pháp), một trong các tác giả viết bài trong sách Le livre noir du communisme [Sách đen về chủ nghĩa cộng sản], đã nói trong một cuộc phỏng vấn vào cuối năm 1999:

“Thành thật mà nói, vào những năm 60, tôi đã từng xuống đường biểu tình ủng hộ Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam, tôi đã từng reo mừng với những cuộc chiến thắng tại Cam-bốt cũng như tại Việt Nam.
Tôi từng nghe nói đến những vụ tàn sát Tết Mậu Thân 68, nhưng tôi tin và nghĩ rằng đó chỉ là sự tuyên truyền của Mỹ.
Không phải chỉ một mình tôi, mà tôi tin rằng rất nhiều người cùng thời với tôi đã bị SAI LẦM vì những TUYÊN TRUYỀN SAI LẠC của cộng sản.”

Có lẽ cũng nên thêm ở đây lời sám hối của nữ tài tử Jane Fonda.
Năm 1972, Jane Fonda đến Bắc Việt chụp những tấm hình đăng khắp các báo trên thế giới quảng cáo cho cộng sản Bắc Việt.
Về Hoa Kỳ, bà ta tham gia phong trào phản chiến để yêu cầu Hoa Kỳ rút quân.

Năm 1988, chính Jane Fonda đã hối hận khi trả lời phỏng vấn của ký giả Barbara Walters:
“Tôi sẽ còn hối tiếc đến lúc xuống mồ về những bức hình chụp tôi đứng cạnh mấy khẩu súng bắn máy bay, trông như tôi đang nhắm bắn các máy bay Mỹ… Hành động đó làm hại bao nhiêu chiến sĩ… Ðó là hành động kinh khủng nhất mà tôi có thể phạm. Ðúng là không biết suy nghĩ.”

Dù luôn luôn tự hào là kẻ chiến thắng, nhưng cuối cùng cộng sản lại chạy theo học hỏi tất cả những gì do “Mỹ ngụy” để lại, kể cả việc bắt buộc phải tự từ bỏ chính sách kinh tế chỉ huy, chấp nhận nền kinh tế tự do vốn thịnh hành ở miền Nam và tại các nước tự do trên thế giới, mà họ gọi là kinh tế thị trường.

Nay nền kinh tế thị trường không phải chỉ được áp dụng ở miền Nam như trước năm 1975, mà cả trên miền Bắc, nơi cộng sản đã bỏ công sức hơn 20 năm (1954-1975) để xây dựng và củng cố xã hội chủ nghĩa. Cộng sản mà không còn chính sách kinh tế chỉ huy thì chắc chắn không còn là cộng sản nữa.

Trong khi đó, nước Mỹ không bị hư hao một tấc đất; lại càng ngày càng mạnh; và cộng sản Việt Nam phải trải thảm đỏ để đón lãnh tụ của Hoa Kỳ vào tháng 11-2000.
Trong cuộc đón tiếp nầy, dầu nhà cầm quyền Hà Nội không thông báo, dân chúng đã đứng ngoài trời nhiều giờ trong thời tiết lạnh lẽo của mùa đông để chào mừng người khách quý Hoa Kỳ đầu tiên đến Việt Nam sau 1975.

Còn về phía “NGUỴ”, người dân Việt Nam ngày nay, kể cả những người ở ngoài Bắc đều HÃNH DIỆN nếu được gọi là “NGUỴ”.

“NGUỴ” KHÔNG NHÀO mà “NGUỴ” ĐI VÀO LÒNG NGƯỜI, người Nam cũng như người Bắc, và đang càng ngày càng hiển hiện khắp nơi trong đời sống hằng ngày, to lớn và mạnh mẽ đến nổi nhà cầm quyền Hà Nội nay lại sợ “diễn biến hòa bình”, còn hơn là thời chiến tranh súng đạn.

4.- NHÌN VỀ TƯƠNG LAI

Lúc mới cưỡng chiếm được miền Nam, cộng sản Hà Nội rất lo sợ phản ứng của dân chúng, nên việc đầu tiên là bắt ngay sĩ quan, công chức, cán bộ của chế độ Cộng Hòa còn lại trong nước đi “học tập cải tạo”, thực chất là tập trung, cô lập, bắt giam dài hạn không tuyên án trên các vùng rừng thiêng nước độc, vì cộng sản lo sợ họ là những người có khả năng tập họp, tổ chức, và lãnh đạo dân chúng chống cộng sản.

Số lượng sĩ quan và công chức bị bỏ tù tối thiểu là 1.000.000 người.
Những người nầy bị tù tối thiểu là một năm (rất ít), có người hai năm (nhiều), ba năm, có người lên đến 15 năm hoặc 20 năm.
Nếu tính trung bình một người bị tù 2 năm, và tối thiểu 1.000.000 người bị tù, thì số thời gian mà người Việt nói chung bị cộng sản giam tù là 2.000.000 năm. Những người nầy lại ở trong độ tuổi trung niên sung mãn để hoạt động, sản xuất, và có trình độ văn hóa khá cao nếu so chung với trình độ của toàn thể dân chúng Việt Nam.

Việc bắt giam sĩ quan, công chức, cán bộ Việt Nam Cộng Hòa của cộng sản còn có mục đích đe dọa gia đình những người có thân nhân bị tù, vì nếu họ vọng động thì thân nhân của họ khó có cơ hội trở về đoàn tụ gia đình.

Dầu chính sách nầy rất thâm độc, nhưng lúc đầu, ngay sau năm 1975, vẫn xảy ra những tổ chức bạo động chống nhà cầm quyền cộng sản, ví dụ vụ các ông Nguyễn Nhuận, Ðặng Ngọc Quờn, nguyên là giáo sư Viện Ðại Học Huế, vụ Ông Nguyễn Văn Bảy, nguyên giáo sư trường Kỹ Thuật Ðà Nẵng, vụ nhà thờ Thánh Vinh Sơn ở Sài Gòn…
Dĩ nhiên những cuộc bạo động nầy không thể thành công, nhưng đã nhen nhóm ngọn lửa đấu tranh trong lòng dân chúng.
Dần dần, người ta ý thức rằng phương thức bạo động khó thành công, nên quay qua phản ứng bất bạo động nhưng không kém phần cương quyết.

Từ đây, bắt đầu sự lên tiếng của những nhà trí thức như Ðoàn Viết Hoạt, Nguyễn Ðan Quế, Nguyễn Ðình Huy, Hoàng Minh Chính, Phan Ðình Diệu, Hà Sĩ Phu, Tiêu Dao Bảo Cự, Mai Thái Lĩnh.
Sự lên tiếng nầy liền được đáp ứng ở trong cũng như ngoài nước.
Tiếp đó, là những cuộc biểu tình bất bạo động của dân chúng ở Thái Bình, Xuân Lộc (Ðồng Nai), Huế…

Một sự thật lý thú là hiện nay ở trong nước, dân chúng không còn phân chia Quốc gia hay cộng sản, mà tất cả đoàn kết thành một khối tranh đấu đòi hỏi tự do dân chủ, đối kháng với nhà cầm quyền độc tài cộng sản.

Khi được nhà cầm quyền Hà Nội gởi đi lưu diễn ở Hoa Kỳ vào đầu tháng 3-2001, nữ ca sĩ Phương Thanh đã tuyên bố:
“Nói rằng Phương Thanh hát dở, hay không thích tiếng hát của Phương Thanh thì Phương Thanh xin tạ lỗi, nhưng nói rằng Phương Thanh là Việt cộng thì tội nghiệp cho Phương Thanh lắm!

Ngay cả những thành phần trước đây đã từng trung kiên với đảng cộng sản, nay cũng đứng về phía dân chúng, đòi hỏi dẹp bỏ đảng cộng sản.
Tiêu biểu nhất là ý kiến của ông Vũ Ðình Huỳnh, một thời làm bí thư cho hồ chí minh gần cuối đời đã tỉnh ngộ và đề nghị:
”Muốn cho dân tộc ta không thua kém các dân tộc khác, muốn cho đất nước được thịnh vượng, dân ta không nghèo khổ mãi thì không thể thiếu một điều kiện tiên quyết: ấy là phải gạt bỏ sự lãnh đạo của đảng cộng sản.”

Sau đó, ông Nguyễn Văn Trấn (1914-1998), gia nhập đảng cộng sản miền Nam ngay từ những ngày đầu mới thành lập, đã từng làm Phó bí thư Xứ uỷ Nam Kỳ năm 30 tuổi (1944), tập kết ra Bắc năm 1954, dân biểu Quốc hội Hà Nội trước năm 1975, cũng viết:
“Tội ác của chế độ này [chế độ cộng sản Việt Nam], từ 40 năm nay, thật nói không hết.”

Trong khi đó, ở ngoài nước, nhờ sống rải rác khắp nơi trên thế giới, cộng đồng người Việt hải ngoại tạo nên một địa bàn ngoại cứ rộng rãi bất khả xâm phạm.
Từ đó, cộng đồng người Việt hải ngoại là chỗ dựa tinh thần vững chắc cho những thành phần yêu nước và ly khai với đảng cộng sản ở trong nước; đồng thời là một ngoại lực hỗ trở người Việt ở trong nước về mọi mặt, tạo niềm tin để họ tiếp tục cùng với cộng đồng ở hải ngoại tranh đấu, đưa đất nước ra khỏi chế độ cộng sản phi nhân vong bản hiện nay.

Trước tình hình đó, để lấy lòng dân chúng lần nữa, ở trong nước, cộng sản Việt Nam mở phong trào đổi mới từ năm 1985.
Nói là đổi mới nhưng vẫn duy trì độc quyền chính trị, lo sợ “diễn biến hòa bình”, định hướng kinh tế xã hội chủ nghĩa, không cho tự do báo chí, bóp nghẹt tự do ngôn luận.
Cho đến nay, ở trong nước chưa có một tờ báo tư nhân, chưa có một tổ chức hay đoàn thể chính trị nào đứng ngoài quốc doanh. cộng sản kiếm cách đổi mới để tự cứu họ chứ không phải để cứu dân tộc Việt Nam.

Ra bên ngoài, nhà cầm quyền cộng sản kiếm cách ve vuốt Việt kiều.
Chính sách của cộng sản đối với Việt kiều có một điểm cần chú ý:
khi dân chúng không chịu nổi cuộc sống dưới chế độ cộng sản, phải bỏ nước ra đi, thì nhà cầm quyền Hà Nội gọi họ là phản động, phản quốc.
Sau một thời gian ổn cư tại nước ngoài, người Việt hải ngoại chắt chiu tiết kiệm, gởi tiền về nuôi thân nhân càng ngày càng nhiều.
Vào đầu thập niên 90, cộng sản liền đổi cách xưng hô, gọi những người vượt biên là “núm ruột ngàn dặm” của tổ quốc.

Những người Việt Nam ra đi định cư tản mác khắp thế giới, đông nhất là tại Hoa Kỳ.
Dần dần, cộng đồng Việt Nam lớn mạnh và thành công trên đất khách, nay là quê hương thứ hai của mình. Nhờ có điều kiện học hành, nhiều tinh hoa Việt Nam đã đóng góp vào sự phát triển và thịnh vượng chung của quê hương mới.

Chế độ cộng sản liền kiếm cách lợi dụng, kêu gọi “núm ruột ở xa” hãy bỏ qua quá khứ, nhìn về tương lai, đóng góp xây dựng đất nước.
Chính sách của cộng sản đối với người Việt ở hải ngoại có thể tóm tắt trong các điểm sau đây:

· Bòn rút tiền bạc càng nhiều càng tốt.
· Chỉ sử dụng tay sai để kinh doanh, hoặc tuyên truyền đường lối chính sách nhà nước cộng sản.
· Lợi dụng trí thức thuộc ngành khoa học kỹ thuật, mời về nước để giảng dạy hoặc làm việc trong các ngành hoàn toàn chuyên môn về khoa học kỹ thuật, như bác sĩ, kỹ sư…
· Hoàn toàn không chấp nhận các phê bình hay góp ý thẳng thắn về chính trị để xây dựng quê hương, những đòi hỏi về nhân quyền, dân quyền, và không chấp nhận những thành phần trí thức về khoa học nhân văn như triết học, tư tưởng, văn chương, sử học, xã hội học, trừ những thành phần tình nguyện làm tay sai tuyên truyền cho cộng sản để đổi lấy một số quyền lợi và hư danh nhất thời.

Dầu rất yêu nước, và rất khắc khoải về tiền đồ dân tộc, đại đa số người Việt ở nước ngoài, nhất là những thành phần tinh hoa trong các ngành thương mãi, khoa học kỹ thuật, văn chương giáo dục, chẳng ai chấp nhận hợp tác với chế độ cộng sản Hà Nội.
Hợp tác với nhà cầm quyền Hà Nội chỉ giúp kéo dài một chế độ vong bản, phi nhân, từ đó gián tiếp kéo dài thêm niềm thống khổ triền miền của dân tộc Việt.

Kinh nghiệm Ðông Âu cho thấy khi dân chúng nhìn ra chân tướng phản dân hại nước của chế độ cộng sản, đồng thời ý thức được tự do dân chủ, dân quyền và nhân quyền, tự họ đứng lên lật đổ chế độ cộng sản để cứu nguy dân tộc.
Tuy đảng cộng sản Việt Nam hiện đang lợi thế nhờ cầm quyền bằng bạo lực công an trị, nhưng thời điểm giải trừ chế độ nầy đang khởi động, và chắc chắn sẽ lớn mạnh, nhất là một khi cộng đồng người Việt ở hải ngoại càng ngày càng đông đảo, và khoa học kỹ thuật càng ngày càng phát triển, nhà cầm quyền cộng sản không thể che đậy độc tài, nói láo một chiều để đánh lừa như trước đây.

Tiến trình dân chủ và dân quyền trên thế giới hiện nay là không thể đảo ngược được; những nhà nước độc tài càng ngày càng bị lên án và cô lập.
Bằng chứng là khi Lê Khả Phiêu, tổng bí thư đảng cộng sản Việt Nam viếng thăm nước Pháp từ 21 đến 25-5-2000, chẳng có đài truyền hình nào ở Paris đưa tin.
Rải rác vài báo viết ít dòng ngắn ở trang trong và nhân đó chỉ trích chế độ cộng sản Việt Nam, kể cả các báo trước đây ủng hộ cộng sản Việt Nam như tờ Libération [Giải Phóng].

Ðặc biệt báo Nouvel Observateur [Người Quan Sát Mới] số ngày 31-5 chạy bài của nhà báo nổi tiếng Delfeil de Ton, với tựa đề “Một Pinochet này nữa”.
Trong bài báo nầy có đoạn viết:
“Pinochet vừa thăm nước Pháp; không có ai đòi bắt giữ hắn. Hắn mang tên Lê Khả Phiêu, cái tên rất khó đọc. Khác với Pinochet ở Chili, tội ác thuộc về quá khứ, đã về hưu, Lê Khả Phiêu đang tại chức, đang gây tội ác, tổ chức của ông ta từng gây nhiều vụ ám sát, giết người, nhiều người chết trong biển cả khi trốn chạy chế độ độc ác của ông ta. Ông ta không cho phép một chút quyền tự do tư tưởng và tự do báo chí nào…”

Do tất cả những lẽ trên, câu nói của Moshe Dayan đúng là một lời tiên tri về tương lai cuộc chiến vừa qua:
“Bắc Việt sẽ thất trận khi họ chiếm được Sài Gòn.”

Chính vì chiếm được Sài Gòn năm 1975, nên ngay sau đó chẳng những cộng sản Việt Nam, mà cả cộng sản thế giới cũng bắt đầu thất trận.
Cho nên có thể xem ngày 30-4 chỉ là ngày sụp đổ tạm thời của Việt Nam Cộng Hòa, nhưng lại chính là khởi điểm đánh dấu sự sụp đổ vĩnh viễn của huyền thoại cộng sản Việt Nam trong lòng dân tộc Việt Nam.

Sự sụp đổ của huyền thoại cộng sản càng làm cho chính nghĩa Quốc gia dân tộc xuyên suốt từ thời tổ tiên chúng ta lập quốc, bị chao đảo một thời gian vì hỏa mù của lý thuyết Mác xít ngoại lai, nay lại sáng tỏ hơn bao giờ cả.

TINH THẦN QUỐC GIA DÂN TỘC BẤT DI DỊCH LÀ CHÂN LÝ NGÀN ĐỜI CỦA DÂN CHÚNG VIỆT KHÔNG THỂ NÀO BỊ ĐÁNH BẠI.
Chắc chắn trước tình hình quốc nội cũng như quốc tế thuận lợi như trên, một ngày không xa, chính thể Quốc gia sẽ phục sinh, nhân dân Việt Nam sẽ được tự do, hạnh phúc và phú cường.

TRẦN GIA PHỤNG (Toronto)

Post Reply