Chế độ Cộng Sản từng sụp đổ nhờ ...

Những đề tài nóng của Thời Sự. Các bài viết lượm nhặt trên Net ở nơi đây chỉ dùng để tham khảo không phải là chính kiến riêng của nhóm phụ trách.

Moderators: CayQueo, phu_de

Post Reply
dacung
Posts: 409
Joined: Tue Dec 13, 2005 6:26 am
Location: USA
Contact:

Chế độ Cộng Sản từng sụp đổ nhờ ...

Post by dacung »

Một bài học của qúa khứ: Cộng sản từng sụp đổ nhờ các người cộng sản có viễn kiến dân chủ

Sunday, February 19, 2006
Việt Nguyên (Từ Bàn Viết Houston)

Đi tìm một Alexander Yakovlev cho Việt Nam

LTS – Từ Bàn Viết Houston là cột mục bàn về các vấn đề thời sự từ chính trị tới kinh tế, văn hóa... do nhà báo Việt Nguyên trong ban biên tập Ngày Nay phụ trách. Ông cũng là một bác sĩ làm việc tại Houston.

HOUSTON (NN) – Đại hội đảng CSVN lần thứ 10 có lẽ sẽ không đem đến một sự thay đổi lớn nào ngoài những tranh giành quyền hành giữa các lãnh tụ Đảng luôn đặt quyền lợi Đảng trên quyền lợi đất nước. Trong khi đó, thành phần đấu tranh dân chủ như ông Lê Hồng Hà, cựu chánh văn phòng Bộ Công An và trưởng ban nghiên cứu khoa học Bộ Công An tự tin vào tình hình: “Dân đang thắng nhiều hơn, Đảng lại thua nhiều hơn” và sự sụp đổ của chánh quyền CSVN là điều tất yếu vì “quá trình sụp đổ của các quốc gia xã hội chủ nghĩa đã diễn ra, nó là quá trình tự vỡ”.

Ông Lê Hồng Hà có lẽ có cùng quan điểm với ông Tony Judt tác giả cuốn “Hậu chiến: lịch sử Âu Châu từ 1945” cho rằng “Đế quốc Quỷ” Sô Viết đã sụp đổ không vì TT Ronald Reagan mà đế quốc ấy với một nền kinh tế suy sụp, sau sự thất bại ở A Phú Hãn cùng những đổ vỡ ở Đông Âu, đã phải tự vỡ cho dù bất cứ ai là Tổng thống Hoa Kỳ vào thời đó.

Nhưng, từ năm 1991, sau ngày đế quốc Sô Viết sụp đổ, CSVN với những ung thối của XHCN từ năm 1954 đã không “tự vỡ”, hiển nhiên là căn nhà lung lay ấy đã đứng vững được vì thiếu những bàn tay xô đẩy như thời Sô viết của Tổng bí thư Mikhail Gorbachev.

Nhìn lại chiến tranh lạnh

Chiến tranh lạnh, một cuộc chiến nguy hiểm kéo dài 45 năm, qua chín đời Tổng thống Hoa Kỳ, kết thúc với sự sụp đổ thảm hại của đế quốc Sô Viết, bắt đầu từ thời TT F.D.Roosevelt.

Ngay sau thế chiến thứ hai, Hoa Kỳ và Sô Viết trở thành hai cường quốc với hai con đường đi khác nhau đưa đến sự kình địch và chiến tranh lạnh vì vậy không thể tránh. Nhà độc tài Stalin không tin Hoa Kỳ và Anh trong thế chiến thứ hai vì ông nghĩ Tổng thống Roosevelt và Thủ tướng Churchill cố tình kéo dài mặt trận Âu Châu khiến Sô Viết thiệt hại nặng với hơn 20 triệu quân Sô Viết tử trận so với con số 400,000 quân Hoa Kỳ. Ngược lại Hoa Kỳ và Anh cũng không tin Sô Viết như khi TT Roosevelt nói: “Stalin đã không giữ được một lời hứa nào với Đồng Minh ngay cả trước khi Thế chiến thứ hai chấm dứt”.

Với chủ thuyết CS, Stalin xây dựng chế độ độc tài chuyên chính, thù hận tư bản, thống trị các nước Đông Âu qua cuộc cách mạng vô sản, từ chối chương trình Marshall dành cho các nước Đông Âu, phong tỏa Bá Linh, từ chối cuộc tuyển cử tự do ở Ba Lan như qui định của Hiệp dịnh Yalta. Trong khi đó Hoa Kỳ theo đuổi chánh sách phát triển dân chủ đến các nước Âu Châu với quyền làm người và quyền mưu cầu hạnh phúc cá nhân. Các sử gia khi nhìn lại chiến tranh lạnh như giáo sư sử học John Lewis Gaddis đã kết luận: “Chính sự tàn ác của chánh quyền Stalin và chủ trương xâm lăng các nước Âu Châu của Sô Viết là nguyên nhân của chiến tranh lạnh.”

Tổng thống Dwight Eisenhower đã tránh thảm họa cho thế giới khi quyết định không sử dụng vũ khí nguyên tử “trong các trận chiến có giới hạn” dù bị áp lực của phe cực hữu đòi thả bom nguyên tử xuống Sô Viết. Ông tạo tiền lệ cho các tổng thống Hoa Kỳ, chủ trương tránh các cuộc chiến tranh nóng vì vậy đã đứng nhìn không can thiệp khi Sô Viết đàn áp tàn bạo cuộc khởi nghĩa ở Ba Lan và Hung Gia Lợi năm 1956 với hàng chục ngàn người bị giết. Vào thời TT John F Kennedy, Tổng bí thư Nikita Krutchev bí mật chuyển hỏa tiễn vào Cuba để phát động cuộc cách mạng vô sản sang các nước Châu Mỹ Latin, Hoa Kỳ vẫn giữ chiến lược của TT Eisenhower ký kết hiệp ước giới hạn vũ khí hỏa tiễn nguyên tử vào thập niên 1970.

Chánh sách hòa hõan của Nixon-Kissinger sau đó đem đến ổn định và hy vọng tự do cho hàng trăm triệu người ở khối CS và hiệp định Helsinski ký bởi TT Gerald Ford năm 1975 đã tạo ra các diễn đàn dân chủ mạnh mẽ cho các thành phần chống đối trong và ngoài Sô Viết.

Cuối thế kỷ 20, con số các quốc gia dân chủ tăng gấp bốn lần, nhanh chóng nhờ cuộc cách mạng truyền thông và sự ưu việt hiển nhiên của các quốc gia tự do về mặt kinh tế. Lãnh tụ khối Tây phương như TT Hoa Kỳ Ronald Reagan và Thủ tướng Anh Margaret Thatcher đã cảm thấy họ đã phải trả một giá quá đắt cả về chánh trị lẫn tinh thần cho chánh sách hòa hoãn. Các lãnh tụ với viễn kiến mới như TT Reagan, bà Thủ tướng Thatcher, Giáo hoàng Paul II và ông Lech Walesa chủ tịch Công đoàn Ba Lan cảm thấy đã đến lúc cần phá vỡ Đế quốc Sô Viết. Với gương mặt lớn trên chánh trường, TT Reagan luôn luôn nhấn mạnh đến sức mạnh của phương Tây và những yếu điểm của Sô Viết. Với tinh thần dám làm “Cao bồi miền Viễn Tây” và với niềm tin thật sự cho rằng vũ khí nguyên tử có tánh cách “Vô luân”, TT Reagan đề nghị hủy bỏ vũ khí hạt nhân, chiến lược phòng thủ SDI, chương trình “Star war” đã đưa Sô Viết vào con đường phá sản. Chiến lược của TT Reagan đã thành công nhờ sự cộng tác nhiệt tình của người bạn đường chính trị, bà Margaret Thatcher “họ có cùng chung một định mệnh, một mục tiêu và bản đồ hành động trong óc họ.”

Giáo hoàng John Paul II đã gián tiếp mạnh mẽ trả lời câu hỏi ngạo mạn nổi tiếng của nhà độc tài Stalin hơn 60 năm trước: “Giáo hoàng có bao nhiêu sư đoàn”. Giáo hoàng John Paul II không cần một sư đoàn nào nhưng đã sử dụng tất cả “lực lượng tinh thần” chống lại chủ thuyết Cộng Sản khi ngài trở về quê Ba Lan năm 1979 và ủng hộ phong trào Đoàn kết của ông Lech Walesa. Trong xu hướng dân chủ đó, Tổng bí thư Gorbachev người sau này được nhận lãnh Nobel Hoà Bình, không còn con đường nào khác hơn là từ chối bạo lực; cộng tác với các nhà lãnh đạo Tây phương, đáp lại lời thách đố của TT Reagan đập vỡ bức tường Bá Linh, từ bỏ chủ nghĩa Cộng Sản đem đến sự sụp đổ của “Đế Quốc Qủy” Sô Viết.

Người anh hùng Alexander Yakovlev

Quyết định can đảm của Tổng bí thư Gorbachev đã giúp những người anh hùng vô danh trong cuộc cách mạng ở Đông Âu, như dân Hung Gia Lợi năm 1989 xem thường hàng rào kẽm gai thách đố điện Cẩm Linh dùng võ lực chống lại họ, trở nên bất tử.

Thế giới dạo ấy biết những nhà tranh đấu cho dân chủ như bác học Andrei Sakharov, nhà văn Alexander Solzhenitsyn, kịch tác gia Tiệp Vaclav Havel, lãnh tụ Công đoàn Ba Lan Lech Walesa nhưng hoàn toàn quên bẵng một ngươì anh hùng không tên tuổi đóng vai trò quan trọng trong sự sụp đổ của đảng Cộng sản Sô Viết: Ông Alexander Yakovlev.

Sanh năm 1924, con nhà quê vùng Yarolavl, anh hùng trong thế chiến hai, vào đảng CS năm 1943, trung thành với chủ thuyết CS, ông trở thành trưởng lý thuyết gia của đảng CS Sô Viết dưới thời Tổng bí thư Leonid Brezhnev. Sau khi viết bài chỉ trích chánh sách của đảng năm 1972 ông bị thất sủng, bị đầy đi làm đại sứ ở Gia Nã Đại. Về lại Mạc Tư Khoa năm 1983, khi ông Gorbachev lên chức Tổng bí thư năm 1985, ông được tin dùng, cầm đầu cơ quan tuyên truyền của đảng. Năm 1986, ông là Bí thư Trung ương Đảng chuyên về lý thuyết và năm 1987 trở thành một trong những ủy viên trung ương. Mặc dù giữ những chức vụ quan trọng trong đảng, ông luôn luôn nói lên những tiếng nói can đảm đến từ lương tri. Được xem là kiến trúc sư của chương trình đổi mới “Perestroika” và cha đẻ của chánh sách cởi mở “Glasnost”, ông thay đổi chánh sách ngoại giao và văn hóa của Sô Viết. Ngồi cạnh Tổng bí thư Gorbachev trong năm kỳ hội nghị với TT Reagan, ông còn được gọi là “cha đẻ của nền dân chủ Nga.”

Mặc dù con gia đình nhà quê, sống suốt cuộc đời trong xã hội Cộng sản với chủ thuyết Marx-Lenin, ông lại có những tư tưởng dân chủ tự do. Ông luôn luôn nghĩ rằng có những “giá trị nhân bản vĩnh cửu” cao hơn quan điểm đấu tranh giai cấp của cộng sản. Ông cho rằng sự thiếu sót của một chế độ dân chủ ở Nga là nguồn gốc của tất cả những khó khăn và tệ đoan của xã hôi, không có dân chủ con người không có tự do và “khi con người được tự do, mọi việc sẽ đâu vào đó.” Đảng CS phải từ bỏ “quyền lực độc đoán và chấp nhận thử thách của nền dân chủ đa nguyên, chủ nghĩa Bolshevism phải bị từ khước, vì chủ nghĩa ấy “chủ trương dùng bạo lực bằng bất cứ giá nào ngay cả bằng phương pháp bất hợp hiến nếu cảm thấy cần thiết.”

Ong Yakovlev đã làm các Ủy viên Trung ương Đảng giận dữ với một viễn kiến mới cho nước Nga. Một nước Nga tự do, thẳng thắn nhìn lại quá khứ, can đảm nhìn nhận những lỗi lầm, đối diện với những thập niên đầy tội ác, máu và nước mắt, một xấu hổ của nước Nga với quá khứ văn minh.

Ông cầm đầu ủy ban đi tìm danh tánh các nạn nhân của thời kỳ Stalin, phục hồi quyền công dân cho hơn năm triệu người đã bị Stalin xử bắn hay xử tội trong các trại học tập, đưa ra ánh sáng bí mật hiệp ước năm 1939 ký với Đức Quốc Xã dọn đường cho Nga sát nhập các quốc gia Baltic vào Sô Viết, xuất bản 30 đến 40 cuốn sách hồ sơ ghi lại lịch sử tội ác của Mật vụ Nga trong thế kỷ 20, vai trò của Mật vụ trong chế độ cộng sản, những tội ác không thể xóa mờ trong trí óc người dân Nga và đông Âu. Khi khối Sô Viết sụp đổ, ông Yakovlev thở phào “đây chính là lúc chấm dứt các tội ác không thể tưởng tượng được của đảng CS”.

Với ý niệm dân chủ, ông đóng vai trò quan trọng trong chánh sách ngoại giao của ông Gorbachev, không can thiệp vào nội bộ các nước Đông Âu. Trong cuộc đảo chánh chống ông Gorbachev, ông đã đứng cạnh ủng hộ tổng bí thư cũng như trong cuộc đảo chánh lật đổ ông Boris Yeltsin, ông đã vượt hàng rào để sát cánh với tổng thống Yeltsin. Ông đã được tọai nguyện nhìn thấy một nước Nga mới dân chủ hơn trước khi ông mất vào tháng 10 năm 2005.

Từ năm 1991, sau sự sụp đổ của đế quốc Sô Viết, đảng CSVN đã đứng bên lề lịch sử nhìn các cuộc cách mạng khác xảy ra trên nhiều phần đất trên thế giới. Chánh sách ổn định ở Á Châu của Hoa Kỳ và một Trung Cộng khổng lồ ở phương Bắc đã là những cái cớ. Nhưng khi nhìn lại lịch sử, Việt Nam đã có những thời kỳ vinh quang nhất khi độc lập với Trung Quốc. Năm 1421, Vua Lê Lợi gọi hoàng đế nhà Minh là “thằng nhãi ranh”, với cuộc kháng chiến chống quân Minh trên đường thành công đã khiến các nước “Rợ” phương Bắc theo gương vua Lê đem quân đánh lại nhà Minh, vì kinh tế Trung Quốc suy sụp, triều đình Minh cuối cùng phải theo chánh sách bế môn tỏa cảng dẫn đến sự chia cắt Trung Hoa bởi các liệt cường Âu Châu về sau.

Nguyễn Trãi viết: “Anh hùng hào kiệt thời nào cũng có”, hy vọng rồi đây sẽ có một Alexander Yakovlev Việt Nam đang cầm quyền giải tán đảng CSVN và đưa Việt Nam về theo trào lưu dân chủ thế giới.

Việt Nguyên (5 tháng 2-2006)

Post Reply