Số phận những lãnh đạo hết thời

Những đề tài nóng của Thời Sự. Các bài viết lượm nhặt trên Net ở nơi đây chỉ dùng để tham khảo không phải là chính kiến riêng của nhóm phụ trách.

Moderators: CayQueo, phu_de

Post Reply
dacung
Posts: 409
Joined: Tue Dec 13, 2005 6:26 am
Location: USA
Contact:

Số phận những lãnh đạo hết thời

Post by dacung »

Số phận những lãnh đạo hết thời
BBC

Image
Tướng Augusto Pinochet bên cạnh tổng thống cánh tả Salvador Allende, người bị ông ta lật đổ năm 1973

Cái chết của cựu tổng thống Nam Tư Slobodan Milosevic nhắc đến số phận của những nhà lãnh đạo bị sụp đổ trên khắp thế giới.

Cựu tổng thống Iraq Saddam Hussein, tướng Franco của Tây Ban Nha đã được nói đến nhiều, nhưng có những người không ‘nổi tiếng’ bằng ông Saddam Hussein tuy số phận của họ cũng cho thấy chính trị thế giới quả là bất trắc, nhất là cho các nhà lãnh đạo kiểu chuyên chế.

Lịch sử như không phân biệt các nhà độc tài cánh tả hay cánh hữu, mặc đồ dân sự hay quân phục.

Yêu nước vẫn lấy tiền

Tại Chile, cựu tổng thống Augusto Pinochet đã mất 16 năm qua để chống đỡ lại các nỗ lực quốc tế và quốc nội nhằm kết án ông ta.

Phe đối lập Chile cho rằng nhà độc tài phe hữu này trong thời gian cầm quyền đã đàn áp dã man phe đối lập cánh tả và cộng sản.

Ước tính có ít nhất ba nghìn người Chile bị giết, 28 nghìn bị tra tấn bởi công an và quân đội dưới thời tướng Pinochet, cho tới khi ông ta rời bỏ quyền lực năm 1990.

Trong thập niên 1990, nhiều người Chile ủng hộ vì tin rằng ông Pinochet có tinh thần dân tộc và biết thức thời rời bỏ quyền bính.

Họ cũng tin rằng tướng Pinochet đã bảo vệ đất nước khỏi họa cộng sản và sống một cuộc đời ‘danh dự’ của người mang quân phục.

Nhưng nay thì uy tín cuối cùng của Pinochet tan vỡ sau khi người ta phát hiện ra ông ta cũng chỉ là ‘đại bợm’ như mọi nhà độc tài khác. Trong thời gian cầm quyền, ông ta đã lấy của Chile chừng 27 triệu đôla, đem ra gửi trong các ngân hàng nước ngoài.

Hiện vũ khí cuối cùng để tự bào chữa của tướng Pinochet là tuổi cao (90) và tình trạng sức khỏe yếu, vì quyền miễn tố ông được hưởng sau khi xuống chức cũng đã bị chính quyền Chile tước mất.

Đi trước mùa hoa cẩm chướng

Tại Bồ Đào Nha, nhà độc tài Antonio de Oliviera Salazar cầm quyền từ thập niên 1930 đến tận thập niên 1970.

Image
Một đoạn tường Berlin bị kéo sập, báo hiệu châu Âu thống nhất

Mỗi nhà độc tài đều có một lý do để biện minh cho chế độ phản dân chủ. Với Pinochet đó là ‘nguy cơ cộng sản’, Milosevic là ‘các thế lực hại dân tộc Serbia’.

Còn với Salazar, tinh thần dân tộc đại đế và ước muốn duy trì một nước Bồ Đào Nha ‘trong sạch’, không bị các tệ nạn của thế giới bên ngoài tràn vào, là khẩu hiệu bảo vệ chính danh quyền lực.

Đó cũng là lý do khiến Salazar đưa Bồ Đào Nha vào các cuộc chiến giữ lại các thuộc địa tại châu Phi.

Các cuộc chiến này đi ngược lại trào lưu giải thực dân và nuối đi 50% ngân sách Bồ Đào Nha trong nhiều thập niên.

So với Pinochet thì Salazar quả là may mắn, nhà độc tài mang quân phục này đã chết năm 79 tuổi trước khi xảy ra cuộc Cách mạng Hoa Cẩm Chướng năm 1974 lật đổ chế độ độc tài Bồ Đào Nha.

Biết ra đi đúng lúc

Dường như tất cả các chế độ độc đoán đều đi đến một nghịch lý. Đó là chính sách cầm quyền dựa vào một ý thức hệ, một tổ chức đảng phái hay một con người đều bị sai lệch sau một thời gian áp dụng.

Các đối sách của chế độ đến một lúc nào đó không còn đủ tính mới mẻ để giải quyết các vấn đề nội bộ và đối ngoại.

Khi đó, nếu biết ra đi, nhà độc tài có thể còn chỗ đứng trong lịch sử hoặc ít ra là được yên thân.

Image
Tướng Wojciech Jaruzelski đã đóng một vai trò trong giai đoạn chuyển đổi quyền lực tại Balan đầu thập niên 90

Tại Balan và Đông Đức, các nhà lãnh đạo như Wojciech Jaruzelski và Erich Honecker cùng cộng sự phần nào biết rằng đến một lúc họ sẽ phải thôi cầm quyền.

Bản thân tướng Jaruzelski tham gia vào quá trình chuyển giao quyền lực sang cho một thế hệ lãnh đạo cộng sản trẻ, cởi mở và phe Công đoàn Đoàn kết.

Tổng bí thư Honecker thì trao quyền lại cho Egon Krenz, người kế nhiệm của ông ở Đông Đức để ra nước ngoài chữa bệnh.

Ông Jaruzelski hiện về hưu, sống bình thường trong một biệt thự tại thủ đô Balan, còn ông Honecker thì mất vì bệnh năm 1994, tránh được các vụ xét xử.

Ông Milosevic của nước Nam Tư đã không muốn như vậy, ông lại tìm cách khơi dậy tinh thần dân tộc Đại Serbia để cứu vãn Nam Tư.

Các cuộc chiến tại Nam Tư cũ đã giết chết hàng vạn người và làm xảy ra những vụ thảm sát khủng khiếp giữa lòng châu Âu vào cuối thế kỷ 20.

Dù ông có thể vẫn là anh hùng với một số người Serbia còn lưu luyến tinh thần dân tộc ngày càng trở nên cũ kỹ giữa một châu Âu đang thống nhất, cuộc đời của ông Milosevic chỉ góp thêm một bài học vào ‘bảo tàng’ các nhà lãnh đạo độc tài hoặc độc đoán và sai lầm.

Bài học đó, như lời báo Mlada Fronta Dnes của Cộng hòa Czech là "khi một kẻ mỵ dân có được thời khắc lịch sử thuận lợi, y có thể biến cả một xã hội thành đám người cuồng tín".

Post Reply