Lộ Trình Dân Chủ Hoá Bắt Đầu Ở Việt Nam

Những đề tài nóng của Thời Sự. Các bài viết lượm nhặt trên Net ở nơi đây chỉ dùng để tham khảo không phải là chính kiến riêng của nhóm phụ trách.

Moderators: CayQueo, phu_de

Post Reply
User avatar
phu_de
Posts: 2917
Joined: Sun Nov 28, 2004 10:57 pm
Has thanked: 7 times

Lộ Trình Dân Chủ Hoá Bắt Đầu Ở Việt Nam

Post by phu_de »

Lộ Trình Dân Chủ Hoá Bắt Đầu Ở Việt Nam


Tin phân tích của Việt Báo




- Lần đầu tiên, nhóm chử “Lộ trình dân chủ” đang được công khai cổ võ ở Việt Nam. Đồng thời, một trận đánh toàn diện, đánh đến cùng –“đánh cho tới chấu”- đang được phát động từ Nam ra Bắc, đòi thay đổi cơ chế và nhân sự lãnh đạo Đảng. Các thông tin mới nhất từ Việt Nam vừa cho thấy như trên.

Theo những thông tin này, đại hội 10 của Đảng CSVN –ngày 18-4 sắp tới- đang hứa hẹn sóng gió. Trận đấu đá quyền lực trong nội bộ Đảng đang công khai nổ lớn: Ban Bí Thư , Ban Tổ Chức Đảng bị kết án là “lộng hành tới mức khó hiểu”, và bị một nguyên phó chủ tịch quốc hội tố là nhận “1 triệu USD để vào Trung Ương Đảng trong Đại Hội 9.” Sau đây là một số chi tiết về những thông tin kể trên:

* Dân Chúng Biểu Tình Tại Hàng Chục Tỉnh Thành

Như tin Việt Báo đã loan, trong một văn bản mệnh danh “Thư Đại tá CCB Tạ Văn Hùng gửi Đại Hội Đảng X”, vừa được phổ biến từ Hà Nội ngày 2-4, nhiều bí ẩn hậu trường Hội Nghị Trung Ương 14 đã được phanh phui: Nông Đức Mạnh đã làm đơn xin rút lui, giờ chót, lại cố bám ghế Tổng Bí Thư. Hơn 60 triệu đô la, phần lớn là vốn vay nước ngoài, đã bị thất thoát. Hàng loạt ngân hàng bị tố lập “chứng từ ma” tham ô tiền ngân hàng. Dân chúng hàng chục tỉnh, thành phố đã biểu tình vì “đến độ không chịu được nữa”...

Theo thư của cựu đại tá Hùng cũng, danh sách uỷ viên tương lai được Nông Đức Mạnh và phe cánh đề nghị vào Bộ Chính trị “ngoài 6 đồng chí cũ (Nông Đức Mạnh, Nguyễn Minh Triết, Nguyễn Phú Trọng, Nguyễn Tấn Dũng, Trương Tấn Sang, Người thứ sáu có thể là trùm công an Lê Hồng Anh), hội nghị đề cử thêm 7 đồng chí: Phạm Gia Khiêm, Mai ái Trực, Đỗ Quang Trung, Nguyễn Sinh Hùng, Nguyễn Văn Chi, Nguyễn Hoàng Quân, Nguyễn Bá Thanh, Bộ Quốc phòng chưa có vì chưa chọn được ai trong 3 gương mặt Lê Huy Hiệu, Lê Văn Dũng và Phùng Quanh Thanh.

Việc Hội nghị 14 phải kết thúc sớm một ngàyso với thời hạn – khi chưa chọn xong tướng quốc phòng- cho thấy đây chỉ là biện pháp chữa cháy, bằng cách tạm gác mọi tranh cãi.

* Đánh Cho Tới Chấu: Tổ Chức Đảng “Tương Tự Mafia”

Cũng từ ngày 2-4, Trần Bạch Đằng –cánh miền Nam, cựu bí thư thành uỷ Saigon thời Mậu Thân- có bài quan điểm trên báo Thanh Niên, nhan đề "Đánh cho tới chấu." Đề cập tới vụ “một nhóm quan chức lũng đoạn một ngành chiến lược, gồm đến gần 20 bộ phận mang tên PMU, mà cái "túi" khổng lồ chính là PMU 18” ông Trần Bạch Đằng đặt câu hỏi “Tại sao PMU 18 nhận "ân sủng" gần như vô hạn độ như thế?”

Bài viết dẫn giải như sau: “Có lẽ đây không giản đơn là chuyện kiếm chác mà ta thường gặp, nó có chiều sâu liên quan đến cấu trúc cùng sự lỏng lẻo của tổ chức Nhà nước ta. Nói như thế cũng chưa đủ. Tổ chức Đảng, không nói tổ chức cơ sở, mà nói ở tầm ban cán sự trực thuộc Ban Bí thư lộng hành đến mức khó hiểu… Cứ nhìn công việc thất bát của Bộ GTVT trong vài năm nay, chúng ta hiểu liền cái gì thúc đẩy một nhóm liên kết với nhau, na ná như những tập đoàn mafia.” Và Trần Bạch Đằng hô hào

“Nói theo dân gian, tôi hy vọng Đảng và Nhà nước ta "đánh tới chấu" cái khối ung thư cực kỳ tai quái này. "Đánh tới chấu" chắc chắn là yêu cầu bức xúc, nóng bỏng của xã hội. Không "hình sự hóa" khiên cưỡng bằng suy luận, bản thân nội vụ đích thị là hình sự đủ nghĩa...”

Phải Dứt Điểm Trước Đại Hội X, 18-4

Sang ngày 3-4, báo Tuổi Trẻ phổ biến bài phỏng vấn phó chủ nhiệm văn phòng quốc hội có chi tiết sau đây: “Trước đây, anh Mai Thúc Lân (nguyên Phó chủ tịch Quốc hội) họp Trung ương Đảng chuẩn bị Đại hội IX, nghe người ta đồn có người "chạy chức" 1 triệu USD để vào Trung ương Đảng thì anh ấy bảo chuyện đó không bao giờ có. Nhưng khi đọc hồ sơ của Thứ trưởng Nguyễn Việt Tiến (hồ sơ ứng cử vào trung ương khóa IX) thấy ghi những chuyện xô xát trong tiệm rượu, quán ăn... thì anh ấy nói "hồ sơ như vậy mà vẫn đưa lên trung ương thì tôi nghĩ rằng những chuyện đó là có". (Trích phỏng vấn ông Trần Quốc Thuận, Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội - Báo Tuổi trẻ)

Trong bài viết “Hoạ phúc có mầm, đâu một lúc” ông Trần Chí Hiển (một cán bộ có hạng, từng mang tên khác là Trần Đăng Tuấn) đặt câu hỏi “Bùi Tiến Dũng máu mê thắng tiền. Nguyễn Việt Tiến máu mê vị trí. Những lập luận của ông Thứ trưởng Nguyễn Việt Tiến không phải không có những điều ít ra về khía cạnh hành chính là đúng. Ông này không có quyền bổ nhiệm Bùi Tiến Dũng. Cũng như vậy, ông Đào Đình Bình không có quyền bổ nhiệm Nguyễn Việt Tiến. Tiếp nữa, bản thân ông Bình không thể tự bổ nhiệm mình.”

Sau khi công khai qui trách cho Nông Đức Mạnh và phe cánh, đồng thời hô hào phải dứt điểm trước đại hội 10: “Trong luật có tội danh Thiếu trách nhiệm gây hiệu quả nghiêm trọng. Và có tội danh Lãng phí tài sản công. Đối mặt với các tội danh đó, phải chịu các hình phạt nghiêm khắc. Tham mưu chọn sai người, thiếu trách nhiệm trong việc theo dõi người đã được chọn, có thể đem lại những điều khốc hại. Luật Nhà nước không có tội danh Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng và Lãng phí tài sản công đối với những cái sai trong công tác nhân sự. Nhưng Luật Đảng thì cần phải có. Mà phải có ở dạng thật rõ ràng. Phải làm sao sau mỗi đề xuất về nhân sự có người chịu trách nhiệm, mà là trách nhiệm nặng nề. Những điều trên cần làm riết róng ngay bây giờ, không đợi đến lúc Báo cáo Chính trị được Đại hội thông qua.”

* Lộ Trình Dân Chủ Hoá Bắt Đầu Ở Việt Nam

Từ ngữ “Lộ Trình Dân Chủ” vốn bị kiêng kỵ tại VN, nay đã công khai xuất hiện trên web site báo Tuổi Trẻ ngày 4-4: “Hơn cả tháng nay, đâu đâu người ta cũng bàn tán quanh chuyện "Pờ-Mu 18", điều đó chứng tỏ người dân càng trở nên quan tâm hơn đến thời cuộc, tới vận mệnh của cả một dân tộc. Những người hiểu biết càng có cái nhìn sâu sắc hơn, thông qua nhiều kênh thông tin khác nhau. Lộ trình dân chủ có thể bắt đầu từ những câu chuyện bàn tán.”

“Một lộ trình dân chủ hoá” cũng là tựa đề bài phát biểu của Gs Phan Đình Diệu, trong Hôi nghị góp ý kiến vào Dự thảo Báo cáo chính trị của Đại hội X Đảng CSVN do UBTƯ Mặt trận Tổ quốc Việt nam tổ chức tại Hà nội, 14-2-2006. Tiến sĩ Diệu tuyên bố dứt khoát “mô hình "chủ nghĩa xã hội với một nhà nước chuyên chính vô sản là không còn thích hợp với yêu cầu phát triển dân chủ của thời đại nữa..." Và ông đề nghị một lộ trình dân chủ hoá 5 bước:

1. Một đợt sinh hoạt chính trị trong Đảng, giữa Đảng và các thành phần xã hội khác, về vấn đề dân chủ hóa trong nước ta ở giai đoạn phát triển hiện nay. Nội dung là thảo luận để đi đến lẽ đồng thuận chung là: Xây dựng một xã hội dân giàu nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh; do nhân dân làm chủ, có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất phù hợp, có nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, con người được giải phóng khỏi áp bức bất công, có cuộc sống ấm no tự do hạnh phúc, phát triển toàn diện; các dân tộc trong cộng đồng Việt nam bình đẳng, đoàn kết tương trợ giúp đỡ nhau cùng tiến bộ; có Nhà nước pháp quyền dân chủ của dân, do dân, vì dân; có quan hệ hữu nghị và hợp tác với nhân dân các nước trên thế giới.(đoạn này trích gần như nguyên văn định nghĩa về xã hội xã hôi chủ nghĩa trong Dự thảo báo cáo chính trị tại Đại hội X của Đảng).

2. Thực hiện thực sự các quyền tự do dân chủ trong xã hội, như các quyền tự do tư tưởng, tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do hội họp và lập hội, tự do ứng cử và bầu cử,...(theo Hiến pháp mà không có hạn chế nào "theo qui định của pháp luật").

3. Cải cách tổ chức Mặt trận Tổ quốc Việt nam, từ một tổ chức tập hợp và vận động quần chúng của Đảng như hiện nay, thật sự trở thành Liên minh chính trị của các tổ chức chính trị, các đảng phái, các tổ chức và cá nhân tiêu biểu với chính kiến có thể khác nhau,... . Khác với MTTQ hiện nay, MTTQ mới sẽ là một tổ chức hiệp thương chính trị của mọi lực lượng chính trị trong xã hội ta, chỉ với điều kiện là tán thành lẽ đồng thuận chung nói trong điều 1. Mặt trận sẽ là nơi thảo luận và dàn xếp mọi mâu thuẫn chính trị có thể nẩy sinh giữa các tổ chức khác nhau thông qua hiệp thương trên tinh thần bình đẳng và đoàn kết. Trong thời gian thực hiện Lộ trình dân chủ hoá, Mặt trận có thể là diễn đàn của các cuộc thảo luận, hiệp thương chính trị để dàn xếp các bất đồng, tìm kiếm các đồng thuận mới, chuẩn bị cho cuộc bầu cử nói trong điều 5.

4. Trong phạm vi quyền hạn của Quốc hội hiện nay, với tư duy đổi mới của các đại biểu, tiến hành một số cải cách cần thiết trong Hiến pháp và các luật liên quan đến quyền dân chủ của nhân dân, đặc biệt là về quyền ứng cử và bầu cử, và qui định các cơ cấu quyền lực mới lãnh đạo đất nước.

5. Thực hiện cuộc bầu cử thật sự tự do và dân chủ để bầu ra Quốc hội mới và các cơ cấu quyền lực mới. Quốc hội mới sẽ soạn thảo Hiến pháp mới cho một chế độ dân chủ mới.


(Diễn Đàn Tự Do Ngôn Luận)

dacung
Posts: 409
Joined: Tue Dec 13, 2005 6:26 am
Location: USA
Contact:

Post by dacung »

Giải Rafto cho Hòa thượng Quảng Độ và hy vọng Dân chủ Nhân quyền cho Việt Nam
2006.11.09
Ỷ Lan, phóng viên đài RFA

Nhân dịp đến Na Uy tham dự lễ trao giái thưởng nhân quyền Rafto 2006 cho Hỏa thượng Thích Quảng Độ cuối tuần qua, đặc phái viên Ỷ Lan của đài Á Châu Tự Do đã có các cuộc tiếp xúc và hỏi chuyện các nhân vật đã từng đoạt giải Rafto các năm trứơc là bà Rebiya Kadeer, người Uighur và bà Shirin Ebadi, người Iran; cùng cuộc trò chuyện với Chủ tịch sáng hội Rafto, ông Arne Linngard. Dưới đây là nội dung các cuộc phỏng vấn này:

Image
Hoà thượng Thích Quảng Độ, Viện trưởng Viện Hóa Đạo Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất. file photo.

Nhân quyền dưới các chế độ cộng sản

Ỷ Lan: Thưa bà Rebiya Kadeer, là người đoạt Giải Rafto năm 2004, bà nổi tiếng đấu tranh bảo vệ nhân quyền cho dân tộc Uighur ở Trung quốc. Bà nghĩ gì về Giải Rafto năm nay trao cho Nhà bảo vệ Nhân quyền Việt Nam, Hòa thượng Thích Quảng Độ, hiện đang sống dưới chế độ Cộng sản. Phản ứng bà ra sao?

Bà Rebiya Kadeer: Giải Nhân quyền Rafto giúp thế giới thấy rõ cuộc đời tăm tối mà chính quyền Cộng sản mang lại cho nhân dân Uighur ở Trung quốc. Nỗi khổ đau của nhân dân chúng tôi không hề được thế giới biết tới. Nhưng nhờ Sáng hội Rafto mà tôi có mặt tại đây hôm nay tham dự lễ trao Giải Rafto 2006 cho Nhà bảo vệ Nhân quyền Việt Nam.

Cũng là cách để chúng ta vai kề vai trong cuộc chiến đấu chung. Tôi rất buồn nghe tin Hòa thượng Thích Quảng Độ bị quản chế, chẳng khác chi hoàn cảnh mà bốn đứa con tôi đang chịu đựng. Cả bốn cháu đều bị quản chế.

Nghe ông Võ Văn Ái nhắc tới hoàn cảnh nhân quyền tồi tệ tại Việt Nam, những cô gái trẻ bị bán thân cho kỹ nghệ bán dâm, làm cho tôi thấy rõ rằng nhân dân Việt Nam dưới chế độ Cộng sản Việt Nam chẳng khác gì nhân dân Trung quốc bị đọa đày dưới chính thể Cộng sản Trung quốc. Tại Trung quốc, nếu có ai tìm cách biểu tình phản đối, tức khắc họ sẽ bị bắt và có thể bị kết án tử hình.

Tôi hy vọng ngày gần đây Hòa thượng Thích Quảng Độ sẽ được trả tự do, để cùng với chung tôi đến thăm Sáng hội Rafto.

Giải thưởng Rafto và nhân quyền tại VN

Ỷ Lan: Kính chào bà Shirin Ebadi. Đoạt Giải Rafto năm 2001 và hai năm sau đó bà đoạt Giải Nobel Hòa bình. Xin được biết phản ứng bà khi nghe Nhà Bảo vệ Nhân quyền Việt Nam đoạt Giải Rafto năm nay, 2006?

Shirin Ebadi: Tôi vô cùng sung sướng Giải trao tặng cho người Việt Nam năm nay, bởi vì tình trạng nhân quyền tại Việt Nam rất đáng chỉ trích. Tại Việt Nam ngày nay không có tự do ngôn luận, không có cả những tự do cơ bản.

Tôi thực tình hy vọng rằng Giải được trao cho Hòa thượng Thích Quảng Độ năm nay giúp cải tiến tình trạng nhân quyền tại Việt Nam và đem lại cho nhân dân Việt Nam tự do và dân chủ.

Ỷ Lan: Bà là chiến sĩ bênh vực cho nhân quyền tại Iran, đặc biệt cho Quyền người Phụ nữ. Bà có sẵn lòng hậu thuẫn cuộc đấu tranh đem lại tự do cho người Phụ nữ tại Việt Nam không?

Shirin Ebadi: Tôi sẽ vô cùng hân hạnh tham gia cuộc đấu tranh này với người phụ nữ Việt Nam. Nhưng những gì tôi nghe ông Võ Văn Ái trình bày qua cuộc Hội luận, thì vấn đề là tại Việt Nam tuyệt đối không có tự do và dân chủ. Tại Iran, chính quyền kỳ thị khủng khiếp với giới phụ nữ. Còn tại Việt Nam thì toàn dân đau khổ dưới ách kỳ thị. Chúng ta chỉ có thể phá bỏ sự kỳ thị cho toàn dân, khi mang lại dân chủ và tự do cho họ.

Image
Ông Arne Lynngard, Chủ tịch Sáng hội Rafto. file photo

Ỷ Lan: Xin bà một câu hỏi chót. Năm vừa qua, Hòa thượng Thích Quảng Độ được đề cử Giải Nobel Hòa bình. Nghe nói Ủy ban Bảo vệ Quyền làm Người Việt Nam tiếp tục vận động cho Hòa thượng đoạt giải Nobel Hòa bình năm 2007. Xin bà cho biết bà có tán đồng hậu thuẫn việc này chăng?

Sherin Ebadi: Hiển nhiên! Tôi sẽ rất hân hạnh tham gia việc này.

Hy vọng đối thoại

Ỷ Lan: Thưa ông Chủ tịch, cảm tưởng ông như thế nào vể Lễ Trao giải Rafto?

Arne Lynngard: Tôi cực kỳ xúc động về buổi Lễ Trao giải. Người tham dự ngồi chật Hí viện Quốc gia, có nhiều nhân vật trọng yếu ở cấp cao trong chính trường Na Uy. Những người đại diện ấy đại biểu cho nhân dân Na Uy mang lại sự hậu thuẫn cho phong trào dân chủ Việt Nam.

Đặc biệt hôm nay, chúng tôi cùng hướng vọng về Hòa thượng Thích Quảng Độ, hoan nghênh sự dũng cảm của ngài cho nhân quyền và dân chủ tại Việt Nam. Điều làm buồn lòng chúng tôi, là Hòa thượng không được đến đây. Chúng tôi rất thất vọng về điều này.

Nhưng may mắn thay, ông Võ Văn Ái đến thay ngài lãnh giải, và Võ Văn Ái đã thực sự chiếm lĩnh trái tim người Na Uy nơi hội trường. Bài đáp từ cảm tạ của ông đã mở mắt mọi người về hiện trạng Việt Nam. Toàn thể hội trường đã đồng loạt đứng lên ba lần vỗ tay hoan nghênh ông. Chắc chị cũng chứng kiến sự xúc động ấy. Riêng tôi, tôi cực kỳ xúc động.

Ỷ Lan: Còn chính quyền Việt Nam phản ứng như thế nào?

Arne Lynngard: Bộ Ngoại giao Việt Nam đã ra lời công bố. Tôi không nghĩ rằng chúng tôi, người Na Uy, xem bản công bố ấy nghiêm túc. Chính quyền Việt Nam rất sai lầm qua các lời tố cáo.

Chúng tôi đoan chắc rằng Hòa thượng Thích Quảng Độ là người của lòng từ bi, một con người chấp nhận đối thoại. Hòa thượng kêu gọi toàn dân Việt Nam tham gia tiến trình cải cách chính trị, và tôi mong mỏi chính quyền Cộng sản Việt Nam nghiêm chỉnh đáp lời Hòa thượng để mở cuộc đối thoại với ngài.

Ỷ Lan: Đây là lần đầu tiên Sáng hội Rafto trao giải và vinh danh cho một Nhà bảo vệ Nhân quyền Việt Nam. Tổ chức của ông có dự tính tiếp tục hậu thuẫn phong trào dân chủ tại Việt Nam không?

Arne Lynngard: Hiển nhiên. Giải Rafto chỉ là bước khởi đầu. Trong quá khứ, chúng tôi luôn luôn tiếp tục ủng hộ công trình của những người đoạt giải. Bước sắp tới của chúng tôi là đến Việt Nam viếng thăm Hòa thượng Thích Quảng Độ để tỏ lòng tôn kính ngài.

Ỷ Lan: Xin cám ơn ông Arne Linngard.

(Ỷ Lan, Đặc phái viên Đài Á châu Tự do tại Bergen, Na Uy)

Tiếng Việt

--------------------------------------------------------------------------------

© 2006 Radio Free Asia

Post Reply