Đạo lý: Nền tảng phục hoạt và canh tân đất

Những đề tài nóng của Thời Sự. Các bài viết lượm nhặt trên Net ở nơi đây chỉ dùng để tham khảo không phải là chính kiến riêng của nhóm phụ trách.

Moderators: CayQueo, phu_de

Post Reply
dacung
Posts: 409
Joined: Tue Dec 13, 2005 6:26 am
Location: USA
Contact:

Đạo lý: Nền tảng phục hoạt và canh tân đất

Post by dacung »

Đạo lý: Nền tảng phục hoạt và canh tân đất nước

Nguyễn Văn Trần
Viết từ Paris
(BBC)

Image
Tình hình hiện tại đòi hỏi chúng ta xem lại đạo lý và chính trị

Vào cuối thiên niên kỷ, xã hội loài người đang cùng nhau tìm cách để định hình. Những nền móng quốc gia cho đến nay đều không tránh khỏi rung chuyển bởi một số giá trị cũ bị xét lại.

Trên bình diện toàn cầu, những nhà lãnh đạo các quốc gia tiên tiến đang gặp khủng hoảng bởi sự sụp đổ đột ngột của hệ thống chính trị được thiết lập từ sau đệ nhị thế chiến. Còn ở Tây Âu, cả một hệ thống giá trị ra đời từ thời đại Ánh Sáng cũng đang bị chao đảo bởi chiến tranh lạnh chấm dứt và chế độ Sô-Viết cáo chung.

Loài người đang sống trong một thế giới mà những tiến bộ khoa học kỹ thuật và những xáo trộn kinh tế đang ngự trị nên làm phát sinh khủng hoảng xã hội, quyền lực sa đọa, tăng trưởng những tranh chấp quyền lợi cá nhân, xuất hiện những chủ nghĩa quốc gia cực đoan và đồng thời, nảy nở những ưu tư mới về đạo lý như một khả năng lớn khả dĩ ổn định xã hội.

Trong tình hình đầy thất vọng đó, chúng ta đề cập đến đạo lý và chính trị tưởng không phải là không đúng lúc.

Khi đặt vấn đề đạo lý và chính trị, phải chăng chúng ta muốn đặt vấn đề lấy đạo lý làm gốc mà chính trị là cái dụng. Có nên xây dựng chính trị mà không cần dựa trên nền móng đạo lý hay không? Và nếu có thì hệ quả như thế nào?

A - Quan niệm về đạo lý và chính trị

Đạo lý, theo Hán Việt từ điển của Đào Duy Anh, là cái nghĩa lý đương nhiên, ai cũng công nhận.

Riêng tự điển Việt Pháp của Lê Khả Kế - Nguyên Lân, Hànội 1992, dịch ra tiếng Pháp, đạo lý là morale, tức là đạo đức hay luân lý.

Theo Đào Duy Anh cũng như từ điển Robert, chữ đạo-lý có nội dung dễ gợi ra nhiều suy diễn rất khác nhau, từ nguyên lý tự nhiên, quan niệm về vũ trụ đến vấn đề nhân sinh quan. Chỉ riêng trong vấn đề nhân sinh quan, có những người chủ trương lấy cá nhân con người làm cứu cánh. Lại có những người khác hô hào lấy tập thể làm cứu cánh mới đúng. Đối với những người này, bảo vệ quyền lợi cá nhân là quan trọng. Còn đối với những người kia thì quyền lợi của tập thể, của giai cấp mới là chủ yếu. Vậy đâu là cái nghĩa lý đương nhiên mà ai cũng chấp nhận ?

Nếu lấy nghĩa đạo-lý là đạo-đức,như Lê khả Kế - Nguyên Lân chuyển dịch ra tiếng Pháp bằng chữ Morale, thì đạo đức, vẫn theo Đào Duy Anh, có nghĩa là nguyên lý tự nhiên là đạo, được vào lòng người là đức, hay là cái lý pháp người ta nên noi theo. Ở đây, Ông Đào Duy Anh cũng chua thêm tiếng Pháp là Morale.

Hai chữ đạo-lý và đạo-đức, qua các định nghĩa trên đây, đều có chung nội dung không hoàn toàn mâu thuẫn với nhau.

Mặt khác, trong tư tưởng cổ đại Trung quốc và Việt Nam, đạo-lý được hiểu là luân lý, là đạo đức. Vậy chúng ta thử đi từ đạo lý là đạo đức hay luân lý để tìm thêm một số định nghĩa khác hơn, rộng hơn, cần thiết đặt mối tương quan giữa đạo lý và chính trị sau này.

Đạo lý, bao gồm những qui luật hướng dẫn hành động của con người hướng về những tôn chỉ được rộng rãi chấp nhận. Như vậy, những qui luật này có thể được công bố một cách chính thức do một quyền bính nào đó, như thế quyền hoặc thần quyền, hoặc chỉ tiềm tàng trong phong tục, tập quán, và được mặc nhiên chấp nhận. Dù trong trường hợp nào, đặc tính căn bản của đạo lý là sự bó buộc vô diều kiện: đó là cái khuôn khổ rào ép nếp sống con người theo một qui cũ nhất định, là con người vạch ra cho mỗi người, là cái mực thước dựa vào đó con người sẽ được đánh giá cao hay thấp, có thể phân biệt cái tốt, cái thiện với cái xấu, cái ác.

Cứ theo cách hiểu biết đó thì xã hội nào, dù còn sơ khai đến đâu cũng có thể có được một nền đạo lý cho mình. Đó là những qui luật cần thiết cho đời sống xã hội bởi những qui luật này ấn định những điều cấm kỵ. Trái lại, chúng không nêu rõ những điều nên làm. Chúng dùng áp lực và hình phạt để tạo cho con người cái thói quen tùng phục để xã hội được yên ổn mà thôi.

Trong khuôn khổ những nền đạo lý này, cái tốt là cái xã hội cho phép làm, cái xấu là cái xã hội cấm làm. Con người tốt, lương thiện, là con người không vi phạm những điều cấm kỵ, con người sống đúng theo nề nếp của kẻ trước người trên và giống như bao nhiêu người khác. Như vậy, đạo lý ở cấp bực này, có giá trị hoàn toàn xã hội và đồng hóa với phong tục, tập quán và pháp luật nhà nước.

Khi bước thêm một bước nữa, nhờ những điều kiện vật chất và tinh thần do chính xã hội tạo nên, đạo lý sẽ xuất hiện ở một qui mô phức tạp hơn. Đạo lý sẽ là một vấn đề đặt ra cho xã hội, cho con người. Cuộc tra vấn nhằm vào con người là nền tảng từ đó người ta sẽ xác định những qui luật hướng dẫn sự phán xét và hành động của con người. Nhờ đó, con người mới có thể xác định cho mình một định hướng , một ý nghĩa như cái tiêu chuẩn để dựa vào đó con người sẽ tự chủ phân biệt được cái tốt với cái xấu.

Giờ đây, con người mới hiểu thêm rằng cái tốt không chỉ là cái được phép làm mà còn là cái mà con người cảm thấy phải làm và nó phù hợp với bản tính con người. Làm điều tốt, do đó sẽ có nghĩa như là long trọng hóa giá trị con người, nâng cao giá trị, địa vị con người lên. Còn làm điều xấu không chỉ vi phạm vào điều cấm kỵ, bị hình phạt, mà chính là tự mình đánh mất bản tính con người của mình đi, làm hạ thấp giá trị và địa vị của mình xuống. Và con người vì thế sẽ trở thành kẻ “ bất nhân ”. Sự cưỡng chế không còn hoàn toàn dựa trên áp lực và hình phạt của xã hội, mà chủ yếu dựa trên ý thức tự giác của con người và làm hiển lộ cái sứ mệnh làm người của con người.

Do đó, trọng tâm của đạo lý không còn lệ thuộc vào trật tự xã hội mà đặt thẳng vào con người. Trật tự xã hội vẫn quan trọng nhưng trở thành thứ yếu bởi nó chỉ là hậu quả của sự thể hiện nhân tính. Mặt khác, vì trọng tâm của đạo lý con người, nên đạo lý có thể đặt lại vấn đề trật tự xã hội khi nhận thấy có những thứ trật tự phi lý, phi nhân, không cho phép con người sống đúng theo nhân tính của mình. Trong những trường hợp này, đạo lý sẽ không còn mang ý nghĩa là tuân phục qui luật cho xã hội ổn định mà trái lại, con người vươn tới một nền đạo lý mang tính chất nhân bản, nhằm phát triển con người toàn diện, chớ không nhằm bảo vệ một trật tự xã hội cố định gò bó.
Đạo lý sẽ được thể hiện trong đời sống xã hội như những lôi cuốn, hấp dẫn bởi những gương sáng đạo đức của các bậc thánh nhân, hiền triết, anh hùng, hào kiệt. Nhờ những hấp dẫn, lôi cuốn này mà đạo lý sẽ được lan rộng ra, biến cải xã hội, để xã hội sẽ bao gồm đông đảo những người có đạo đức.

Như vậy, đạo lý vẫn là vấn đề con người muôn đời đặt ra cho con người. Rồi từ đây, mỗi thế hệ sẽ đặt lại vấn đề đó, trong những điều kiện khác, qua những hình thức khác, nhưng vẫn không ngoài mục tiêu là làm thế nào cho con người thành người.

Đến đây, tưởng cũng nên tìm hiểu đạo lý hay đạo đức theo quan niệm của người Mác-Xít.

Đạo đức ( hay Đạo lý ), theo từ điển triết học, nhà xuất bản Sự Thật, Hànội, 1976, có nghĩa "những qui tắc của sinh hoạt chung trong xã hội và của hành vi của con người, qui định những nghĩa vụ của người này đối với người khác và đối với xã hội, đạo đức là một trong những hình thức của ý thức xã hội. Chủ nghĩa Mác-Lê xây dựng quan điểm về đạo đức và những yêu cầu của đạo đức không phải trên những định nghĩa chung và trừu tượng, mà trên những điều kiện lịch sử cụ thể. Trong một xã hội có giai cấp, đạo đức có tính chất giai cấp. Kết quả thắng lợi của cách mạng vô sản là thắng lợi của một nền đạo đức mới : Đạo đức của xã hội cộng sản chủ nghĩa. Đạo đức cộng sản chủ nghĩa phụ thuộc vào lợi ích đấu tranh của giai cấp vô sản. Chỉ hợp với đạo đức cộng sản những cái gì góp phần tiêu diệt bóc lột và nghèo khổ, những cái gì củng cố chế độ mới, và xã hội chủ nghĩa."

Những nguyên tắc căn bản của đạo đức cộng sản chủ nghĩa được nêu trong điều lệ của đảng, ở mục nói về nhiệm vụ của đảng viên. Đảng đòi hỏi đảng viên phải là "những người chiến đấu tích cực thực hiện những nghị quyết của đảng, phải gương mẫu trong lao động, phải bảo vệ tài sản công cộng xã hội chủ nghĩa…"

Theo quan niệm Mác-Lê, đạo lý hoàn toàn tách rời khỏi con người, không lấy con người làm cứu cánh. Trái lại, đạo lý cộng sản quan niệm con người chỉ là phương tiện nhằm phục vụ cho đảng. Ở đây, đạo lý không mang nội dung thể hiện nhân cách con người qua nếp sống trong xả hội để qua đó cho thấy con người là con người tự do bởi con người ý thức trọn vẹn về mình, về sứ mạng của mình. Đạo lý Mác-Lê mang nặng tính chất cưỡng chế đến mức độ nghiêm trọng là con người bị hút mất vào giai cấp, tan biến vào đảng.

Khi nhìn đạo lý từ góc độ chính trị, chúng ta sẽ thấy rõ hơn mối tương quan giữa đạo lý và chính trị.

Chính trị là một trong số lớn những từ ngữ có nhiều nghĩa khác nhau vì nó thay đổi theo không gian và thời gian

Chính trị, theo Đào Duy Anh, gọi chung những việc xếp đặt và thi hành để sửa trị một nước.

Ở phương Đông, vào thời xưa, chính trị là những việc được xếp đặt để sửa trị một nước. Vì chính trị là “ sửa trị ”, nên ở đây, chính trị được gắn liền với đạo lý làm một. Xếp đặt những công việc sửa trị nước không nhằm bảo vệ quyền lợi cá nhân mà nhằm bảo vệ nền đạo đức xã hội là cứu cánh. Nên theo đó, chính trị tốt nhứt là vương đạo. Khi thi hành vương đạo không được thì con đường khác hơn, dựa trên pháp, thế, thuật, sẽ là chính trị nhưng bá đạo bỡi nó tách rời khỏi đạo lý.

Ở phương Tây, thật ra, vào cổ thời, những nhà hiền triết cũng kết hợp đạo lý và chính trị làm một. Cũng như Khổng-Mạnh ở phương Đông, Socrate, Aristote, Platon, đều quan niệm chính trị là phải theo đuổi cứu cánh thực hiện những nền “thiện chính”, tức chính quyền và chính sách tốt, ( bons gouvernements ), bằng những con người cầm quyền có đạo đức. Duy cách thực hiện thì không giống phương Đông, vì ở đây thể chế dân chủ đã sớm xuất hiện trong nhiều thành quốc (cités) và xen lẫn với quân chủ.

Còn chính trị theo quan niệm của người cộng sản? Từ điển triết học, Hànội xuất bản, 1976, định nghĩa chính trị là « tham gia công việc Nhà nước, là chỉ đạo Nhà nước, là xác định những hình thức, những nhiệm vụ và nội dung hoạt động của Nhà nước. Chính trị là biểu hiện của những lợi ích căn bản của các giai cấp và của quan hệ giữa các dân tộc và giữa các nước”. Lê-nin quan niệm rõ hơn: “chính trị là biểu hiện tập trung của kinh tế ”.

Theo định nghĩa kinh điển trên đây, chính trị Mác-xít hoàn toàn phù hợp theo quan niệm đạo lý cộng sản chủ nghĩa, trong đó con người nhân bản hoàn toàn vắng bóng. Chính trị Mác-xít gắn chặt với hệ tư tưởng, vì trọng tâm của chính trị là sự đấu tranh một mất một còn với phía tư bản.
Theo người cộng sản, chính trị của họ có căn cứ khoa học, bởi nó được quan niệm từ những đòi hỏi của những qui luật khách quan của sự phát triển của xã hội, và trước hết, của những qui luật kinh tế. Nhưng vì thiếu căn cứ trên con người nhân bản mà đạo lý là yếu tố chủ đạo, nên chính trị cộng sản chủ nghĩa đã cáo chung theo sự sụp đổ của chế độ Sô-Viết.

B - Quan hệ giữa đạo lý và chính trị:

1.- Đối với tư tưởng cổ thời phương Đông, cũng như phương Tây, chính trị là đạo lớn của con người. Nhưng ngày nay, chính trị đã dứt khoát tách rời khỏi đạo lý để trở thành một bộ môn khoa học xã hội. Đạo lý còn lại là vấn đề lương tâm của mỗi người. Việc chế tài về vi phạm đạo lý là do lương tâm phán xét.

Chính trị không can thiệp vào vấn đề thuộc lương tâm của con người, nhất là chính trị lại được hành xử trong một xã hội thế tục ròng. Vì chủ trương này mà ngày nay ở khắp nơi, ngay cả ở phương Tây này, đời sống xã hội bị khủng hoảng trầm trọng, trong đó những giá trị về đạo lý cơ hồ như không có chỗ đứng.

Rồi, đạo lý xưa nay, từ đây, được chia ra làm nhiều mảnh vụn theo địa hạt, nghề nghiệp. Đến lúc, những người làm chính trị cho đất nước của mình ( Pháp ) phải giật mình, sợ hãi, vội lớn tiếng đặt lại vấn đề đạo lý. Chính phủ (Pháp) áp dụng một chính sách giáo dục trong đó thiết lập lại môn luân lý công dân, đã bị dẹp bỏ từ lâu, để đào tạo ý thức về đạo lý cho trẻ con từ học đường. Các đảng chính trị cầm vận mệnh quốc gia cũng thấy có chung những ưu tư về tình trạng đạo lý chính trị trên đà sa đọa, nên đua nhau hô hào phải luân lý hóa luật trợ cấp tài chính cho các đảng phái…

Trong tình hình này, chính trị ngày nay không khác gì chủ trương của các pháp gia ở Trung quốc cổ thời, xem chính trị chỉ là pháp, thế, thuật đơn thuần, với sự khác biệt là thay vì tôn quân thì dân chủ mà thôi.

2.- Ở phương Đông, đạo lý và chính trị theo chủ trương nhân trị phải hợp nhất, và chính trị là công cụ phục vụ đạo lý.

Tại Việt Nam ngày xưa, chính trị là để thi hành đạo lý dựa trên nền tảng tam cương, ngũ thường. Nền tảng này được quan niệm là đạo của trời đất, đồng thời cũng là đạo của con người. Vì trời đất và con người cộng thông, và mối tương quan này là điều tự nhiên, nên không ai có thể cưỡng lại được. Chính trị mà trái đạo tự nhiên này là gây loạn cho xã hội.

Trong mối tương quan giữa đạo lý và chính trị, nét đặc trưng nhứt, đậm đà Việt tính là nguyên tắc sống trọng tình cảm và nhu cầu về một cuộc sống hòa thuận. Đó là cơ sở trong quan hệ xã hội và quốc gia. Ngày xưa, trong các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, mỗi khi thế thắng đã thuộc về ta một cách rõ ràng, cha ông chúng ta đều luôn luôn biết dừng lại và chủ động cầu hòa, mở đường cho giặc rút lui trong danh dự. Đối xử nhân đạo với kẻ bại trận.

Chính trị Việt Nam tự thời xưa rập khuôn theo đạo lý trọng tình, hiếu hòa, khác với bạo động, vì bạo động là con người phủ nhận con người. Tàn sát một số người là bạo động, nhưng chưa ở một hình thức cao. Bởi khi đã tàn sát rồi thì đâu còn ai để mình phủ nhận. Cho nên trong đạo lý và chính trị cộng sản chủ nghĩa, khi người cộng sản làm chiến tranh xâm lược, họ không nhầm tiêu diệt sạch đối phương, mà nhầm chiếm của và chiếm người hơn .

3.- Theo quan niệm của người cộng sản, chính trị là biểu hiện của tập trung kinh tế, nên khi người cộng sản dành quyền thống trị kẻ khác là dành quyền ưu tiên trong việc xử dụng tài vật của họ. Một khi đã nắm trọn được quyền chính trị rồi thì chính trị và kinh tế sẽ không còn biên giới: đảng cộng sản vừa là chủ dân, vừa là chủ đất.

Với thời gian, quyền lực của kẻ cai trị được xem như một hiện tượng tự nhiên và do đó, trở thành hợp lý: nhà phải có chủ, nước phải có người cai trị. Đối với dân chúng, dù có bị kẻ cai trị phủ nhận, nhưng mạng sống của bản thân vẫn là quí báu. Vì thế mà người cai trị đòi hỏi kẻ bị trị không những phải ngoan ngoãn tùng phục mình mà còn phải biết ơn mình nữa.

4.- Những giá trị của tôn giáo là những lý tưởng định hướng cho sự tiến bộ của nhân loại. Hướng về lý tưởng đó, ta phải cải tạo hoàn cảnh xã hội, thiết lập một trật tự nhân bản. Trật tự nhân bản không thể dựa trên bạo lực, mà phải dựa trên đạo lý chính trị, cụ thể hơn, phải dựa trên khả năng và đạo đức của kẻ cầm quyền. Từ nay, quyền bính không còn là quyền bính của kẻ mạnh, mà là quyền bính của con người có đạo đức, nghĩa là quyền bính của toàn dân ủy nhiệm cho những người thay mặt họ để đứng ra lãnh sứ mạng cai trị họ. Quan hệ giữa người cai trị và người bị trị không còn là quan hệ giữa chủ / tớ như trước kia nữa, mà trở thành sự phân công hợp lý dựa trên khả năng và đạo đức. Chính trị vì thế quan niệm rõ chủ quyền của một nước là thuộc toàn dân. Theo quan niệm này thì đạo lý và chính trị là một bất khả phân. Trong trường hợp này, người dân mới có tự do và do đó, nhân quyền mới được tôn trọng và bảo đảm.

Đạo lý không chỉ dành cho đời sống cá nhân, mà phải ngự trị trên đời sống xã hội, trên những cơ cấu chính trị, pháp lý, kinh tế. Vì nền tảng của chế độ dân chủ là đạo đức, bởi chế độ dân chủ là chế độ của con người trưởng thành, vừa ý thức về chính mình, vừa ý thức sự liên đới giữa mình với người khác trong cộng đồng dân tộc và nhân loại. Chỉ có chính trị và đạo lý là một mới tạo dựng được chính quyền có khả năng đem lại tự do, hạnh phúc cho toàn dân.

C - Có cần duy trì tươg quan đạo lý và chính trị?

Ngày nay, trên đà tiến triển của khoa học kỹ thuật, chính trị đã dứt khoát ly khai khỏi đạo lý để trở thành một khoa học riêng biệt. Những đánh giá về đạo lý không còn liên hệ đến chính trị nữa.

Hướng về tương lai, câu hỏi lớn được đặt ra cho người Việt chúng ta ngày nay với một cuộc sống đã đạt được qui mô toàn cầu, đã tiếp thu trực tiếp các nguồn tư tưởng phương Tây, nay còn có muốn duy trì mối tương quan chặt chẽ giữa đạo lý và chníh trị hay không ?

Nếu theo hẳn Âu-Mỹ, chủ trương nên tách rời đạo lý và chính trị, thì có dám chấp nhận tất cả hậu quả đè nặng lên đời sống xã hội như ta nhìn thấy chăng ?

Đó là những mạch suy nghĩ có khả năng mở ra cho Việt Nam một viễn ảnh mới.

Ngày nay, phương Tây cũng đã có nhiều vận động hướng về phương Đông, để tìm kiếm những giá trị tinh thần còn mới đối với họ. Trong lúc đó, phương Đông lại đứng trên gia sản sẳn có của mình mà trố mắt say sưa nhìn về phương Tây, vì bị những tiến bộ thần kỳ của khoa học kỹ thuật quyến rủ và mê hoặc .

Dù Đông hay Tây, hai vấn đề lớn của con người có trực tiếp liên hệ mật thiết đến đạo lý và chính trị, mà con người từ hôm nay cần phải giải quyết, một mặt là nhân quyền và mặt khác là sự liên đới giữa con người trong xã hội và giữa các quốc gia, dân tộc trên địa cầu.

Không ai trong chúng ta có thể lẫn tránh hai vấn đề này. Vậy liệu đạo lý và chính trị hợp nhứt hay tách rời ra, cái nào sẽ có đủ khả năng để giúp chúng ta giải quyết hai vấn đề trọng đại kia ?

dacung
Posts: 409
Joined: Tue Dec 13, 2005 6:26 am
Location: USA
Contact:

Post by dacung »

Dân Chủ và Chống Tham Nhũng
Thursday, April 20, 2006

* NGUYỄN GIA KIỂNG
(Ngày Nay - Houston, TX)

Chỉ có chính quyền mới thực sự có khả năng chống tham nhũng, nhưng khi một nhóm người đã tự cho phép mình dùng bạo lực để khống chế cả một dân tộc, bất chấp mọi nguyện vọng và mọi lý luận, thì nhóm người đó trên thực tế đã hành xử như một bọn cướp võ trang uy hiếp con tin bằng họng súng. Một đảng cầm quyền như thế không có tư cách để nói đến chống tham nhũng. Kẻ đã cướp cả đất nước có tư cách gì để lên án những tên móc túi. Và khi đất nước đã bị chiếm đoạt làm của riêng cho một nhóm người thì làm sao còn có thể nói đến lòng yêu nước, nền tảng của đạo đức quốc gia?

Cũng phải nói đến một khía cạnh khác của sự ham mê tiền bạc bằng mọi giá và sùng bái tiền bạc trên hết, nguyên nhân chính của tham nhũng. Bản tính của con người, dù ý thức được hay không, là mưu tìm sự vinh quang và một tầm quan trọng nào đó, dù trong chính quyền hay trong khoa học, văn học, nghệ thuật hay trong kinh doanh, để được quí trọng. Nhưng trong một đất nước mà quyền lực chính trị chiếm ngự tất cả, và quyền lực chính trị nằm trong tay một đảng tuyên bố thẳng thừng rằng họ sẽ giữ độc quyền chính trị bằng bạo lực trong một thời gian vô hạn định thì người dân, kể cả cá nhân mỗi người trong bộ máy chính quyền, còn có cách nào để tìm kiếm được một chút vinh quang cho mình ? Họ chỉ còn lại một vũ khí là đồng tiền. Đồng tiền là vũ khí hiệu lực nhất để mua, và lấy lại, một phần quyền lực đã bị tịch thu. Như vậy tham nhũng cũng là hậu quả tự nhiên của chế độ độc tài toàn trị vì nó là phản ứng đề kháng trước bạo quyền chính trị. Muốn chống tham nhũng thì phải trả lại cho xã hội dân sự những quyền lực mà đáng lẽ nó phải có, nghĩa là phải quyền lực hóa (empower) người dân. Nghĩa là phải có dân chủ.

Trở lại với định nghĩa của tham nhũng như là một vi phạm đạo đức bằng cách sử dụng công quyền cho lợi ích cá nhân. Muốn lạm dụng công quyền cho lợi ích cá nhân một cách an toàn thì trước hết phải có thể lạm dụng công quyền, nghĩa là chính quyền phải kềnh càng, bao trùm và có khả năng giải thích và áp dụng luật pháp một cách tùy tiện để cấm cản và khống chế bất cứ ai. Chỉ có một chính quyền độc tài toàn trị mới có khả năng đó. Như vậy để giải quyết nạn tham nhũng thì trước hết phải giảm bớt quyền lực của nhà nước, phải có một chính quyền nhẹ mà trách nhiệm chính là trọng tài trong các tranh đua trong xã hội và chế tài những sai phạm, nhường không gian tối đa cho ý kiến và sáng kiến của xã hội dân sự và các cá nhân. Một chính quyền dân chủ.

Dân chủ là điều kiện cần để chống tham nhũng. Không phải chỉ vì nó cho phép tố giác những sai phạm như nhiều người đã nói rất đúng, mà chủ yếu là vì nó đem lại cho cuộc đấu tranh chống tham nhũng một ý nghĩa và một sự chính đáng. Ngoài ra nó còn có khả năng giải quyết vấn đề tham nhũng tận gốc rễ bằng cách thay thế một đảng cầm quyền tham nhũng bằng một đảng cầm quyền khác. Ở trên ta đã nói chỉ có thể thay thế chứ không thể thay đổi một chính quyền tham nhũng.

Nhưng dân chủ chỉ là điều kiện cần chứ không đủ để đẩy lùi tham nhũng. Không thiếu gì những quốc gia có dân chủ mà vẫn bị tham nhũng đục khoét một cách nghiêm trọng. Không thể chống tham nhũng một cách lãng mạn. Tham nhũng là một liên minh quyền lực và quyền lợi với rất nhiều phương tiện, với tất cả lòng tham và quyết tâm, và cả dã tâm nếu cần. Muốn chống tham nhũng phải có lực lượng và tổ chức, tổ chức của những người quyết tâm coi cuộc chiến đấu chống tham nhũng như cuộc chiến đấu của đời mình. Nếu không thì không những không chống được tham nhũng mà còn bị tham nhũng chống và hành hạ. Ai thắc mắc điều này xin hỏi hai ông Phạm Quế Dương và Trần Khuê, những phát ngôn viên của Hội Chống Tham Nhũng. Họ chưa kịp chống tham nhũng đã bị tham nhũng bỏ tù.

Vậy muốn chống tham nhũng thì phải có dân chủ và cũng phải có đội ngũ mạnh, nghĩa là phải có một tổ chức dân chủ thật gắn bó với đầy quyết tâm, của những người dân chủ thực sự và trong sạch thực sự, quyết tâm đánh bại độc tài, bạo lực và lòng tham dù phải chịu những hy sinh lớn. Thú thực tôi chưa có lý do để lạc quan. Khả năng sinh hoạt tổ chức của người Việt mình còn thiếu vắng quá, đại đa số vẫn không sẵn sàng gia nhập vào một tổ chức, thiểu số quí hiếm tham gia một tổ chức thì thường thấy nhiều lý do bất mãn hơn là hài lòng, thấy nhiều lý do để rời bỏ tổ chức hơn là lý do để tiếp tục xây dựng tổ chức. Đây là cả một cuộc chiến đấu, và là cuộc chiến đấu khó khăn nhất, vì là cuộc chiến đấu của mọi người, và mỗi người, với chính mình.

Sau cùng, cũng phải nêu một đặc tính của chế độ Việt Nam hiện nay. Chủ nghĩa Cộng Sản tự hào là một chủ nghĩa khoa học và thực tiễn, nghĩa là phủ nhận những giá trị đạo đức sẵn có của loài người như là những giá trị tư sản. Mác hãnh diện về điểm này, ông viết rất nhiều nhưng không bao giờ đề cập đến đạo đức. Lênin thì định nghĩa như sau: “đạo đức là những gì có lợi cho đảng cộng sản'. Ngày nay chủ nghĩa Cộng Sản đã sụp đổ, ngay cả trong thâm tâm của những người lãnh đạo đảng Cộng Sản, nhưng tinh thần vô đạo đức của nó vẫn còn tồn tại, và tác hại. Chưa kể một yếu tố quan trọng khác: một người biết rằng mình đã mất hết uy tín có thể làm bất cứ gì. Và hiện nay còn ai kính trọng các cấp lãnh đạo Cộng Sản?

(Paris ngày 10-4-2006)

Post Reply