Đại hội X và cảm nghĩ của một thanh niên

Những đề tài nóng của Thời Sự. Các bài viết lượm nhặt trên Net ở nơi đây chỉ dùng để tham khảo không phải là chính kiến riêng của nhóm phụ trách.

Moderators: CayQueo, phu_de

Post Reply
User avatar
phu_de
Posts: 2917
Joined: Sun Nov 28, 2004 10:57 pm
Has thanked: 7 times

Đại hội X và cảm nghĩ của một thanh niên

Post by phu_de »

Đại hội X và cảm nghĩ của một thanh niên


Chỉ còn vài ngày nữa, sự kiện chính trị quan trọng nhất của đất nước là Đại hội X của Đảng cộng sản Việt Nam sẽ diễn ra.
Từ nước Pháp xa xôi tôi lại ngắm nhìn bản đồ Việt Nam, tổ quốc thân thương của ta đó, cái mảnh đất hình chữ S đã hứng chịu bao nhiêu khổ đau vì bom đạn, bạo quyền.

Chợt nhớ lại chuyến về thăm nhà năm ngoái, khi máy bay nghiêng cánh trước khi đáp xuống sân bay Tân Sơn Nhất, tôi mới thực sự thấm thía câu hát của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn...

…Chân đi xa, trái tim bên nhà
Thềm đá nằm, thềm đá nghe mưa
Tạ ơn hoa sáng thơm cho mẹ
Tạ ơn chim chiều hót cho cha…
(Có nghe đời nghiêng)

Có bước chân đi xa mới cảm nhận rõ ràng hơn tình yêu đất nước, mới hiểu và thương dân mình hơn, và cũng thấm thía được nỗi đau, nỗi nhục của một nước nghèo và lạc hậu.

Ngày ra đi, tôi mang trong mình một giấc mơ: trở thành một kỹ sư tin học, vì đây là ngành mà Việt Nam có thể nhanh chóng bắt kịp trình độ thế giới, để trở về góp phần phát triển ngành công nghệ thông tin nước nhà.

Tôi cũng mang trong mình niềm tự hào vô biên vì mình là người Việt Nam, người con của một dân tộc anh hùng đã thắng trong mọi cuộc chiến tranh. Đó là niềm tự hào mà mọi thanh niên Việt Nam đều có.

Nhưng với thời gian, sự xót xa cũng lớn dần lên. Đã ba mươi năm sau chiến tranh, đất nước ta vẫn còn nghèo, nhân dân ta vẫn chưa thực sự có quyền làm chủ đất nước do thiếu quyền tự do chính trị.

Một điều cực kì mâu thuẫn là Đảng luôn nói “nhân dân làm chủ”, “cán bộ là đầy tớ của nhân dân”, nhưng trên thực tế, Đảng lại tự coi mình như người bề trên ban phát “ơn huệ” cho dân. Dân ta lao động đóng thuế để nuôi một hệ thống song trùng Đảng và Nhà nước để Đảng và Nhà nước phục vụ dân.

Đảng và Nhà nước không biết ơn dân thì thôi, tại sao lại bắt dân phải biết ơn Đảng, ơn Nhà nước? Đảng từ nhân dân mà ra, nhờ nhân dân mà tồn tại, Đảng đã không quản lý được đất nước thì hãy để dân có quyền lựa chọn những người khác xứng đáng hơn.

Đó là quyền hiển nhiên, chính đáng và thiêng liêng của bất kì dân tộc nào.

Tôi cũng nhận ra rằng tôi đã được giáo dục một cách sai lầm ở Việt Nam. Tôi đã không được học cách lắng nghe người khác với tinh thần cầu thị và chấp nhận những ý kiến khác biệt.

Tôi đã không được học về mặt tốt của các nước phương Tây là tôn trọng con người, đầy tính nhân bản và thượng tôn pháp luật, mà chỉ được học về một thế giới tư bản “bóc lột, hiếu chiến, bá quyền”.

Những quan sát, tìm hiểu càng làm tôi thêm bối rối và đặt ra cho mình vô số những câu hỏi về sự thật lịch sử, về thực trạng đất nước nói chung và giáo dục nói riêng. Và tôi tin tôi đã tìm ra câu trả lời của riêng mình.

Chúng ta bị ngăn cách với thế giới bên ngoài qua một hàng rào ý thức hệ do Đảng cộng sản dựng nên. Và chừng nào còn cái hàng rào này, chúng ta sẽ không bao giờ có thể hòa nhập và bắt kịp các nước phát triển.

Đó cũng là một trong những lý do tại sao đến giờ này nước ta vẫn đi sau các nước khác rất xa. Nếu giữ nguyên tốc độ tăng trưởng kinh tế hiện tại, nói như một chuyên gia nước ngoài, thì Việt Nam cần 197 năm để bắt kịp Singapore (1), một nước láng giềng tí hon, mới chỉ lập quốc vào năm 1967.

Không, tuổi trẻ chúng ta không chấp nhận một nước Việt Nam nghèo nàn, lạc hậu. Thanh niên phải có cái nhìn vượt xa hơn, trội hơn thế hệ trước.

Chúng ta không bị ám ảnh bởi chiến tranh, giết chóc và hận thù. Chúng ta biết nhiều thông tin hơn, ngoại ngữ giỏi hơn, đi xa hơn, và chắc chắn rằng chúng ta phải làm được nhiều hơn thế hệ đi trước.

Tương lai đất nước Việt Nam tùy thuộc nhiều vào chúng ta, và chính chúng ta phải chịu trách nhiệm về tương lai đất nước.

Đảng cộng sản kêu gọi “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Thế nhưng sau rất nhiều lời kêu gọi công khai chi tiêu ngân sách quốc gia cũng như tổng số nợ, Đảng vẫn chưa, hay nói đúng hơn là không thể trả lời.

Bộ tài chính chỉ có thể trả lời tổng nợ “khoảng” 20 tỷ USD. Còn số tiền nợ thật sự là bao nhiêu thì không ai biết (2). Người vay nợ là Đảng cộng sản, nhưng người trả nợ là chúng ta, chính chúng ta và các thế hệ sau chứ không ai khác.

Vụ PMU18 đổ bể vì Bùi Tiến Dũng mê đánh bạc, còn bao nhiêu Bùi Tiến Dũng khác không thích đánh bạc mà “âm thầm” tham nhũng thì có bắt được họ không? Liệu chúng ta có thể tìm ra những kẻ tham nhũng bằng phương pháp “phê bình và tự phê bình” của Đảng không?

Các bạn có bao giờ tự hỏi cách thức tổ chức Nhà nước và hệ thống pháp luật của chúng ta sai lầm ở chỗ nào mà để tham nhũng và tiêu cực tràn lan đến vậy, hay đơn giản chỉ vì đây là “thời kì quá độ lên chủ nghĩa xã hội”?

Chính cơ chế độc đảng đã nuôi dưỡng tham nhũng, tiêu cực và lạm quyền. Các bạn thử tính xem mỗi người chúng ta phải đóng thuế trong bao nhiêu năm để có thể trả dứt điểm nợ quốc gia, và để khắc phục hậu quả của những công trình xây dựng kém chất lượng bây giờ?

Những ngày vừa qua, khi các cuộc bãi khóa, bãi công của sinh viên và nghiệp đoàn Pháp đang diễn ra sôi nổi, khoan nói về tính đúng sai của “Luật tuyển dụng lần đầu” do chính phủ Pháp đề ra, tôi thấy rằng những người thanh niên Pháp được quyền nói, được quyền bảo vệ chính kiến và quyền lợi của mình. Họ đấu tranh vì tương lai của chính họ, và kết quả là chính phủ Pháp phải nhượng bộ.

Tôi chợt chạnh lòng nghĩ đến tuổi trẻ Việt Nam, trong đó có tôi và các bạn, đang ở độ tuổi nhiều ước mơ, đam mê sáng tạo và tràn đầy sức sống, nhưng đến bao giờ chúng ta mới có quyền tự do phát biểu suy nghĩ của mình, để đấu tranh cho một tương lai tốt đẹp hơn, cho chính chúng ta và cho đất nước?

Đọc lại lịch sử cận đại, nhất là ở Đông Âu, không biết sau đại hội X này, nước ta có sản sinh ra được những nhân vật nồng nàn yêu nước như Imre Nagy và Miklos Nemeth của Hungary, hay Alexander Dubcek và Vaclav Havel của Slovakia hay không?

Họ đã mạnh dạn đặt quyền lợi dân tộc lên trên quyền lợi đảng phái, bước ra làm những cuộc thay đổi phi thường nhưng không đổ máu, để bây giờ thanh niên nước họ ngẩng cao đầu hãnh diện vì những trang sử oai hùng đó. Tôi ước gì Việt Nam cũng có những nhà lãnh đạo như họ.

Dù đó là những ước mơ rất đẹp nhưng tôi đã không còn hi vọng nhận được thư trả lời của những người lãnh đạo Đảng cộng sản và thầy bộ trưởng bộ giáo dục Nguyễn Minh Hiển. Những ý kiến đóng góp tâm huyết của các vị lão thành cách mạng, các nhà trí thức và giới trẻ là thừa.

Một hệ thống không còn khả năng trả lời là một hệ thống chết. Sau bao nhiêu tiêu cực, thoái hóa trong hàng ngũ Đảng viên, nếu không có gì thay đổi sau Đại hội X thì Đảng quả là quá khinh thường nhân dân.

Việc cho rằng những ý kiến khác biệt là “phản động” là một cái cớ quá dễ dàng để không lắng nghe và không trả lời, đó là thái độ không văn minh, thiếu thiện chí.

Ngày dân ta lại được cầm lá phiếu đi bầu ra người tài đức đứng đầu đất nước như ở các nước tự do, dân chủ sẽ vẫn nằm lại trong giấc mơ của những người Việt Nam.

Dù vậy, tôi vẫn muốn viết ra những dòng này cho bạn bè tôi, những người thanh niên Việt Nam thế hệ @. Đã đến lúc chúng ta nhận lấy trách nhiệm về mình.

Nếu chúng ta không nói thì ai sẽ nói thay cho chúng ta?
Nếu chúng ta không làm thì ai sẽ làm thay cho chúng ta?
Và nếu chúng ta không làm ngay bây giờ thì đợi đến khi nào?

Tiếng nói của một mình tôi không là gì cả, nhưng nếu chúng ta cùng lên tiếng và hành động, đất nước sẽ sang trang.

Nguyễn Tiến Trung
Sinh viên du học tại Pháp (email: tgnn169@hotmail.fr)

Nguyễn_Sydney
Posts: 2581
Joined: Mon Dec 06, 2004 5:03 am
Been thanked: 1 time

Post by Nguyễn_Sydney »

Cám ơn bạn Trẻ Nguyễn tiến Trung đã nói lên tiếng nói của người Trẻ đối với đất nước. Nơi mà bọn Tư bản Đỏ đang tàn phá Quê Hương ta . Không biết đến bao giờ đất nước Việt Nam mới được hưởng Tự Do đích thực.

Post Reply