Dầu Thô và Tình Hình Trung Đông

Những đề tài nóng của Thời Sự. Các bài viết lượm nhặt trên Net ở nơi đây chỉ dùng để tham khảo không phải là chính kiến riêng của nhóm phụ trách.

Moderators: CayQueo, phu_de

Post Reply
User avatar
phu_de
Posts: 2917
Joined: Sun Nov 28, 2004 10:57 pm
Has thanked: 7 times

Dầu Thô và Tình Hình Trung Đông

Post by phu_de »

Dầu Thô và Tình Hình Trung Đông
Nguyễn Ngọc Danh



Từ khi có cuộc tranh chấp về vấn đề Iraq, nghĩa là trước khi Hoa Kỳ và một số đồng minh đánh dẹp chế độ Saddam Hussein thì giá dầu thô không ngớt lên xuống theo diễn biến thời sự và tăng vọt hơn giá bình thường. Sau khi Saddam Hussein bị đánh bại, giá dầu thô có sụt xuống đôi chút nhưng khi tình hình bất ổn tại Trung Đông vẫn tiếp tục, giá dầu thô lại tiếp tục tăng. Việc khủng bố tại Al Khobar vào cuối tháng 5, ngay trên lãnh thổ vương quốc Saudi Arabia, tuy không làm giá dầu tăng vọt như một số người e ngại lúc ban đầu nhưng không giúp cho giá dầu xuống như một số kỹ nghệ gia ước mong ước. Vào giữa tháng năm, giá dầu thô đã đến mức kỷ lục, với 41,5 Mỹ kim cho một thùng dầu thô American Light, và đã nhảy vọt lên 42,4 Mỹ kim sau vụ khủng bố và ở lại mức 39 Mỹ kim.



Thị trường dầu thô.



Đơn vị của dầu thô là một thùng chứa cở 159 lít, hay 42 gallons, và tùy chất lượng có giá khác nhau, xê xích nhau từ 5 đến 7 Mỹ kim một thùng. Các loại dầu được sắp vào ba hạng : nhẹ (light), trung (Intermediate) và nặng (heavy) và theo phẩm chất ngọt (sweet) hay chua (sour) tùy theo độ diêm trong dầu. Dầu nhẹ thường được chuộng hơn dầu nặng, dầu ít diêm thì đắt giá hơn dầu nhiều diêm. Dầu nhẹ vừa dễ lọc hơn và lại cho nhiều các loại xăng được sử dụng trong ngành công nghiệp hoặc chuyên chở như kerosene thường dùng cho máy bay, diesel thường dùng cho nhà máy, v.v... Dầu thô có nhiều cặn bả cần nhiều máy móc hơn để biến chế sau khi được lọc (để rút phần diêm, hay chất paraffine ...). Thông thường, khi thiết kế một nhà máy lọc dầu, thì các kỹ sư định trước những loại dầu thô sẽ được lọc, thông thường là những loại dầu thô sản xuất trong những vùng lân cận để giảm bớt chi phí chuyên chở và trang bị một số máy chung quanh bộ máy lọc để đáp ứng được nhu cầu của thị trường quanh vùng nhà máy.

Khi giới truyền thông cho một giá dầu, thông thường là dầu thường ở thị trưòng địa phương, nghĩa là giới truyền thông Mỹ thường cho giá của loại dầu West Texas Intermediate, trong khi giới truyền thông Tây Âu thì cho giá của loại dầu Brent là loại dầu hút lên từ biển Bắc Hải và được nêu giá trên thị trường Rotterdam là một trong 7 trung tâm điều đình giá dầu trên thế giới.

Image

Dĩ nhiên trung tâm buôn bán dầu tại Trung Đông cũng là một trung tâm quan trọng vì số lượng sản xuất của vùng này, mặc dù đa số lượng sản xuất các dầu này đã có những giao kèo hàng năm giữa các hãng khoan và lọc dầu như Shell, Exxon hay British Petroleum. Khi OPEC, (Organisation of Petroleum Exporting Countries, Tổ chức các quốc gia xuất cảng dầu), cho biết giá dầu lại là giá trung bình của 7 loại do các quốc gia này sản xuất, là Sahara Blend của Algeria, Minas của Nam Dương, Arabian Light của vương quốc Á Rạp Saudi, Dubai của vương quốc Dubai, Bonny Light của Nigeria, Tia Juana của Venezuela và Isthmus của Mễ Tây Cơ. Tuy Mễ tây Cơ không thua nhóm OPEC, nhưng dầu Mễ Tây Cơ đưọc ghi vì tương đương với loại dầu của Hoa Kỳ sản xuất trong vịnh Texas. Tổ chức APEC đã được thành lập vào năm 1960 nhưng thật sự đóng một vai trò quan trọng từ năm 1975, sau cuộc khủng hoảng đầu tiên. Tổ chức, đặt trụ sở ở Wien (Áo) và quy tụ 11 quốc gia (Liên Bang các vương quốc Á Rạp, Á Rạp Saoudi, Nam Dương, Venezuela, Algérie, Nigeria, Ba Tư, Koweit, Irak, Lybia, Qatar)xuất cảng lối 40% dầu thô thế giới, và có những dự trữ rất quan trọng. Những quyết định mở hay đóng các nguồn dầu ảnh hưởng đến sự sống còn của nhiều quốc gia hoàn toàn thiếu năng lượng như Nhật Bản, hay Đại Hàn.



Giá dầu thô có cao quá không ?



So với giá trung bình của năm 2003 là 30 Mỹ kim sau cuộc chiến tại Iraq, thì quả giá dầu thô có cao độ 25%. Vấn đề đưọc đặt ra là vì lý do nào mà giá dầu vẫn ở mức cao. Câu hỏi kế tiếp là giá dầu này có thể tăng thêm hay không và sẽ tăng đến mức nào. Và cuối cùng là giá dầu cao như thế sẽ ảnh hưởng như thế nào đến việc phát triển của các quốc gia, đặc biệt là các quốc gia tại Đông Nam Á.

Trong nền kinh tế thị trường, giá mọi vật được định bởi luật cung và cầu. Nếu có nhiều người muốn mua một món hàng hiếm hoi thì giá món hàng đó sẽ tăng. Thông thường, vào mùa đông, các quốc gia ở vùng Bắc bán cầu có nhu cầu sưởi nên giá dầu vào mùa đông cao hơn vào mùa hè. Nhưng đôi khi một số yếu tố chính trị thế giới quyết định làm cho giá món hàng ở mức cao dù thị trường được cung cấp theo mức cầu. Đó là trường hợp của dầu thô hiện nay. Tổ chức OPEC vẫn giữ mức sản xuất hằng ngày là 24,4 triệu thùng dầu, nghĩa là trên mức sản xuất hằng ngày là 23,5 triệu thùng mà các quốc gia này đã quyết định cách đây hơn hai năm. Đầu tháng 6 vừa qua, nhóm họp tại Beyrouth, OPEC này đã lấy quyết định là sẽ nâng cao mức sản xuất lên 26,2 triệu thùng mỗi ngày trong những tháng tới. Như thế giá dầu không cao vì thiếu dầu trên thị trường. Mặc dù với mùa đông vừa qua không mấy ấm áp, các quốc gia cần phải mua dầu để dự trữ. Số lượng dầu dự trữ của các quốc gia tiền tiến là từ 6 đến 9 tháng số tiêu thụ vừa cho tư nhân vừa cho các ngành kỹ nghệ.

Nhưng có hai yếu tố làm cho giá dầu ở mức cao. Trước tiên là tình hình bất ổn tại Trung Đông, là nơi sản xuất hầu như 3 phần tư dầu trên thế giới. Không hẳn vì tình hình hiện tại, tuy có rối ren nhưng không đến mức làm cho thị trường lo ngại, nhưng tương lai mù mờ với cuộc tranh chấp không ngả ngũ giữa Do Thái và Palestine, phương cách giải quyết và ổn định Irak còn mập mờ cũng như sự bất mãn càng tăng tại các vương quốc Á Rập làm cho mọi người mua dầu để tích trữ nhiều hơn thông thường. Yếu tố thứ nhì mà mọi người thường hay quên là tuy giá dầu hiện nay tuy cao so với thập niên 90 hay những năm đầu của thế kỷ thứ 21, nhưng vẫn còn rất thấp so với giá dầu vào những năm đầu thập niên 80. Nếu tính giá dầu vào thời đó với sự mất giá của đồng tiền thì giá một thùng dầu thô hiện nay phải nằm ở mức 70 hay 80 Mỹ kim. Với đồng Mỹ kim hiện nay yếu kém so với các đồng tiền khác cũng làm cho giá dầu ở mức độ cao khi ước tính bằng Mỹ kim. Nếu tính bằng đồng Euro thì giá dầu thô cũng chỉ hơn độ vài phần trăm so với mức thông thường của giá một món hàng tăng theo lạm phát.

Giá dầu cao chưa hẳn đã lợi cho các quốc gia sản xuất.


Tại Beyrouth, OPEC đã quyết tăng mức sản xuất dầu hằng ngày là cốt ý để cho giá dầu không quá cao. Vì giá dầu quá cao, tuy họ hưởng được những lợi trước mắt nhưng sẽ có những hậu quả tai hại hơn. Khi giá dầu tăng, thì tất cả các vật giá đều tăng theo vì tiền chuyên chở tăng, chi phí sản xuất hàng hóa sản xuất cũng tăng vì đa số năng lượng được dùng trên thế giới vẫn còn dựa trên dầu thô và khí hơi. Giá nông phẩm cũng tăng vì giá phân bón tăng. Lúc đó các quốc gia sản xuất dầu phải nhập cảng hàng hóa với giá cao hơn.

Một ảnh hưởng khác của việc giá dầu thô cao, là khi hàng hóa tăng giá, thì sự tăng triển kinh tế sẽ chậm đi vì sự tiêu thụ bớt đi. Khi nền kinh tế của các quốc gia tiền tiến giảm đi sẽ lôi kéo sự trì trệ của nền kinh tế của cả thế giới, có thể đưa đến một cuộc khủng hoảng kinh tế mà ai cũng lo ngại.

Đối với các quốc gia sản xuất dầu thô, khi nền kinh tế thế giới bị trì trệ, nhu cầu về năng lưọng và dầu thô sẽ giảm đi, giá dầu thô sẽ tự nhiên giảm, ảnh hưởng đến lợi tức của họ. Một biện pháp để chống đỡ là các quốc gia sản xuất dầu thô có thể bớt mức sản xuất để giữ giá ở mức cao, nhưng thực tế cho thấy là các quốc gia này đều cần xuất cảng dầu ở một mức độ nào đó để có đủ ngoại tệ và lợi tức để trang trải những chi tiêu quốc gia cũng như để nhập cảng các nhu yếu phẩm. Mỗi lần hạ mức sản xuất hàng ngày là mỗi lần có tranh chấp gay gắt trong nội bộ OPEC và trong quá khứ đã có nhiều quốc gia xé bỏ các quy ước để sản xuất hơn số quy định để có đủ lợi tức. Khi có cuộc tranh đua về sản xuất, giá dầu thô lại xuống thấp hơn gây thêm nhiều khó khăn.

Đó là những bài học rút tỉa từ những năm đầu thập niên 80, khi các quốc gia Trung Đông muốn dùng dầu làm khí giới để áp lực chánh sách ngoại giao của Hoa Kỳ và Âu châu. Lúc đó vì giá dầu quá cao, nên nền kinh tế thế giới đã bị trì trệ trong mấy năm liền ảnh hưởng đến việc phát triển các quốc gia sản xuất dầu. Cho nên giá dầu có thể chỉ ở mức 40 Mỹ kim một thùng, và sẽ không tăng thêm, có thể sẽ có chiều hướng giảm xuống nếu sự tiêu thụ và tăng triển tại Âu Châu vẫn ở mức độ thấp kém như những năm qua. Nhu cầu thêm năng lượng của Hoa Kỳ và Trung Quốc sẽ không đòi hỏi hơn những 2 triệu thùng dầu hằng ngày, nghĩa là số lượng mà OPEC đã quyết định tăng từ đầu tháng 7 sắp tới.



Vai trò then chốt của Trung Đông.



Thái độ nhân nhượng của các quốc gia trong OPEC và đặc biệt của các quốc gia Á Rập có thật sự thỏa mãn dân chúng tại Trung Đông hay không ? Chính điều này đã làm cho các kinh tế gia lo ngại và với cách nhìn cẩn trọng của họ đã làm cho giá dầu lên cao. Ai cũng lo ngại một sự bùng nổ tại Trung Đông, và vào đầu tháng 7 nếu tình hình Iraq còn tiếp tục rắc rối, nhất là khi chánh phủ lâm thời tỏ ra bất lực thì giá dầu có thể tăng vọt lên.

Chính vì tầm quan trọng của các kho dự trữ dầu thô ở Trung Đông mà Hoa Kỳ đã thông qua một cách tương đối dễ dàng các quyết nghị của họ trước Hội Đồng Bảo An của Liên Hiệp Quốc. Mọi người phải tìm cách giúp đỡ Hoa Kỳ trong việc giải quyết vấn đề Iraq, dù không đồng ý với chánh sách ngoại giao của Hoa Kỳ trong vùng này.

Trung Đông rất quan trọng đối với Hoa Kỳ vì nếu kiểm soát được Trung Đông thì Hoa Kỳ kiểm soát được nguồn năng lượng của rất nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là hai quốc gia đang cần dầu để phát triển và không thật sự là đồng minh của Hoa Kỳ : đó là Trung Quốc và Ấn Độ. Thiếu dầu thô, Trung Quốc và Ấn Độ có thể rơi vào một cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng. Hai quốc gia này có nhu cầu nhiều hơn các quốc gia khác, vì với giá dầu cao, Hoa Kỳ có thể khai thác một số hầm dầu mà đến nay họ chưa khai thác. Đối với các quốc gia Âu châu, dầu thô là một sản phẩm tối cần nhưng từ đầu thập niên 1980 họ đã trang bị để đối phó tình trạng này bằng cách phát huy những năng lượng mới (dầu làm ra từ các loại cây cỏ hiện còn đắt so với giá dầu thị trường, nhưng nếu dầu tăng lên nữa thì có thể khai thác phương cách này) và họ cũng đã có giao kèo với nhiều quốc gia khác sản xuất dầu như Nga hay Gabon để trám chổ thiếu.

Giá dầu cao sẽ làm hại nhiều hơn cho các quốc gia nghèo.

Giá dầu cao thì tất cả các nền kinh tế đều gặp vấn đề. Nhưng các quốc gia tiền tiến nhờ những xuất cảng các hàng hóa có nhiều giá trị nên ít bị ảnh hưởng như các quốc gia đang trên đường phát triển, chỉ sản xuất những món hàng thô, ít qua các giai đoạn chế biến. Do đó, giá dầu cao thì ảnh hưởng sẽ nặng hơn cho các quốc gia ở vùng Đông Nam Á, vằ đặc biệt là các quốc gia Phi Châu. Ảnh hưởng dưới hai dạng. Dạng thứ nhất rất dễ hiểu vì phải nhập cảng dầu cao hơn, giá cả các món hàng của họ sẽ tăng thêm, họ mất đi phần lợi trên một số thị trường, dạng thứ nhì là vấn đề chuyên chở các hàng hóa thì một số quốc gia ở cạnh các thị trường lớn sẽ ít bị ảnh hưởng hơn là các quốc gia ở xa. Thí dụ như hàng của Đông Nam Á sẽ khó cạnh tranh với hàng của các quốc gia Đông Âu tại thị trường Âu Châu, mà lương công nhân còn thấp lại vừa gia nhập vào Hiệp Hội Âu Châu nên hưởng được nhiều quy chế ưu đãi về quan thuế. Khi tiền chuyên chở cao, các quốc gia tiền tiến cũng lo ngại không dám đầu tư ở những nơi xa các thị trường lớn thì Đông Nam Á có thể bị ảnh hưởng trong năm nay trong sự đầu tư trực tiếp từ các doanh nghiệp (Foreign Direct Investment). Có vài kinh tế gia cho rằng việc giá dầu cao hơn mức bình thường lối 20% sẽ ảnh hưởng đến việc phát triển từ 1 đến 1,5% tại các quốc gia Đông Nam Á trong năm 2004. Một ảnh hưởng gián tiếp nữa là khi dầu thô cao, giá chuyên chở sẽ cao hơn, các du khách sẽ không chịu bỏ tiền ra để viếng thăm ở các quốc gia xa xăm, ngành kỹ nghệ du lịch cũng bị ảnh hưỏng nặng.



Ảnh hưởng nào cho VN ?



Riêng về Việt Nam, việc giá dầu thô có tăng cũng là một điều tốt trong việc có thêm ngoại tệ. Nhưng đáng tiếc là Việt Nam phải nhập cảng rất nhiều dầu đã lọc để cũng cấp cho ngành công ngiệp đang phôi thai, và nhất là cho quân đội (mà số lượng được giữ bí mật) chúng ta cũng cần biết rằng khi giá dầu thô tăng lên 20% thi giá dầu lọc lại tăng thêm 30 hay 40% vì tiền chuyên chở, v.v... Trong trường hợp này, giá dầu thô có tăng chưa hẳn là một điều tốt cho Viêt Nam chưa kể đến những bất lợi đã nêu trên.

Người ta chỉ có thể tiếc rằng nhà máy lọc dầu mà quyết định đầu tiên để xây lên vào những năm cuối của thế kỷ 20 cho đến nay vẫn chưa bắt đầu khởi sự công trình. Việc chậm trễ chỉ vì một quyết định sai lầm của Bộ Chính trị đảng Cộng Sản Việt Nam muốn xây cất nhà máy lọc dầu tại Dung Quất, một nơi hẻo lánh ở miền Trung để làm vừa lòng và đầy túi một vài vị lãnh đạo. Quyết định sai lầm này ước tính sẽ tốn cho Việt Nam không biết bao nhiêu tỷ Mỹ kim từ trước cho đến nay và sẽ còn tốn thêm vài tỷ nữa cho đến khi nhà máy thành hình. Tội này sẽ do ai gánh chịu ngoài người dân thấp bé đang bị ảnh hưởng trực tiếp ? Đây là một câu hỏi cần có câu trả lời từ mọi người Việt Nam, còn chấp nhận trong bao lâu nữa những người cai trị bất tài ?

Nguyễn Ngọc Danh

Post Reply