Lý Tống và Đỗ Thành Công

Những đề tài nóng của Thời Sự. Các bài viết lượm nhặt trên Net ở nơi đây chỉ dùng để tham khảo không phải là chính kiến riêng của nhóm phụ trách.

Moderators: CayQueo, phu_de

Post Reply
User avatar
phu_de
Posts: 2917
Joined: Sun Nov 28, 2004 10:57 pm
Has thanked: 7 times

Lý Tống và Đỗ Thành Công

Post by phu_de »

Lý Tống và Đỗ Thành Công
Ngô Nhân Dụng




Nhiều người Việt Nam ở hải ngoại không đồng ý với phương pháp hành động của ông Lý Tống. Nhưng khi tòa án ở Thái Lan quyết định sẽ gửi ông về cho chính phủ Cộng Sản ở Việt Nam xử ông thì ngay cả những người không đồng ý với ông cũng phản đối bản án đó. Có hàng chục triệu người Việt Nam hiện nay đang muốn tích cực vận động để thay đổi chế độ chính trị trong nước, bãi bỏ độc quyền cai trị của đảng Cộng Sản. Mỗi người có phương cách hành động riêng, nhưng nhắm vào cùng một mục tiêu. Nhưng phán quyết đưa ông Lý Tống về Việt Nam cho đảng Cộng Sản xét xử có thể bị bãi bỏ nếu các thẩm phán tòa phúc thẩm ở Thái Lan hiểu rõ hậu quả của việc dẫn độ. Vì nền tư pháp, hệ thống luật pháp ở Việt Nam trái ngược với các quy tắc pháp lý mà hiến pháp Thái Lan công nhận.




Năm 2000, vào lúc Tổng Thống Mỹ Bill Clinton sang thăm Việt Nam, ông Lý Tống, cựu phi công Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa đã thuê một chiếc máy bay ở Thái Lan rồi bay về giải truyền đơn trên không phận Sài Gòn kêu gọi đồng bào chống lại chế độ cộng sản. Chính quyền Việt Nam đã yêu cầu Thái Lan dẫn độ ông, nêu lên những tội như mạ lị chế độ, và đe dọa an ninh lãnh thổ Việt Nam. Các thẩm phán Thái Lan đã bác bỏ tội danh mạ lị, vì cho rằng việc hô hào chống chính quyền là một hành động chính trị, mà tòa án không sử dụng thẩm quyền đối với các hành vi chính trị. Theo luật lệ ở Thái Lan từ năm 1929, mà luật sư của ông Lý Tống đã nêu ra, nước Thái Lan không dẫn độ người nước khác vì hành động chính trị của họ. Nhưng các quan tòa đã chấp nhận lời cáo buộc về “đe dọa an ninh,” cho nên tòa vẫn cho phép dẫn độ ông Lý Tống.



Chắc chắn ông Lý Tống kháng cáo, và các vị thẩm phán cấp trên có thể sẽ thay đổi phán quyết vừa rồi. Ông Lý Tống đã vi phạm hợp đồng thuê máy bay, dùng vào một việc khác với mục đích khi thuê máy bay như ghi trong hợp đồng, điều này có thể hiểu được. Ông đã bị tù và bị cấm không được lái máy bay ở Thái Lan hoặc có thể ở nước khác nữa. Nhưng việc ông bay qua Việt Nam để rải truyền đơn ở Sài Gòn là nơi không thuộc lãnh thổ Thái Lan, tòa án Thái có thể từ chối không xét xử. Hơn nữa, hành động duy nhất của ông Lý Tống chỉ là rải truyền đơn, ông không dùng thứ chất nổ hoặc vũ khí nào trong chuyến bay đó; ông không gây thiệt hại vật chất và nhân mạng nào; cho nên lời cáo buộc “đe dọa an ninh” không đứng vững.



Vụ lái máy bay thả truyền đơn xuống Sài Gòn của ông Lý Tống làm nhiều người nhớ đến vụ Mathias Rust, chàng thanh niên người Ðức 19 tuổi năm 1987 đã chiếc lái máy bay Cessna đáp xuống Mát Cơ Va. Anh ta đã bay ba vòng quanh quảng trường này nhưng sợ làm những người qua lại đó bị thương nên không đáp xuống, nhìn xuống Ðiện Kremlin thì thấy chật chội quá không có chỗ đáp. Sau cùng anh nhìn thấy cây cầu Vasilevski Spusk gần Quảng Trường Ðỏ rộng đủ chỗ đáp máy bay, từ đó anh lái chiếc Cessna trên đường tới Quảng Trường Ðỏ. Khi Mathias bị xử, tòa án Xô Viết cũng chỉ kết án anh vào tội “du đãng phá phách (hooliganism), vi phạm luật hàng không, xâm phạm biên giới,” và bị kết án 4 năm tù; nhưng anh chỉ ngồi tù tổng cộng 432 ngày thì được trả về Ðức! Tòa án Xô viết không hề gán cho anh tội đe dọa hoặc phá hoại an ninh Liên Xô hoặc làm gián điệp cho Tây Ðức hoặc Mỹ, những tội mà chính quyền Cộng Sản Việt Nam có thể sẽ gán cho Lý Tống.



Tòa án Thái Lan đã công nhận những truyền đơn do ông Lý Tống thả xuống Sài Gòn có tính cách hoàn toàn chính trị, tức là đã bác bỏ một lời cáo buộc của chính quyền Việt Nam. Như vậy họ có thể thấy việc anh lái máy bay vào nước Việt Nam mà không xin phép trước (biết rằng không thể nào có giấy phép) cũng chỉ là một phương tiện nhằm thực hiện hành động chính trị trên, do đó cũng việc “xâm nhập không phận” cũng là chỉ một hành vi chính trị khác. Hơn nữa, các thẩm phán Thái Lan cần phải xét đến những hậu quả của phán quyết dẫn độ. Nếu ông Lý Tống bị dẫn độ rồi bị xét xử ở Sài Gòn thì với tội danh “xâm phạm an ninh,” hoặc “khủng bố, gián điệp,” chính quyền Cộng Sản Việt Nam có thể xử ông với tội tử hình. Các luật sư của ông Lý Tống cần dẫn chứng các đạo luật phi nhân của chế độ độc tài ở Việt Nam và vai trò các quan tòa trong chế độ cộng sản. Khi nhìn vào hậu quả của việc dẫn độ có thể nghiêm trọng như vậy, các thẩm phán Thái Lan sẽ phải xét lại phán quyết vừa qua. Tòa án Thái Lan đã công nhận việc làm của ông Lý Tống nhắm mục đích chính trị thì không thể để cho ông sẽ bị xét xử theo lối cộng sản ở Việt Nam, vì đó thể sẽ đưa tới các hậu quả nghiêm trọng đó. Tại Thái Lan luật lệ không cho phép tòa xử tử hình một người nào vì hành vi chính trị của họ cả, nước Thái Lan cũng không thể dẫn độ một người sang nước khác để có thể bị tử hình vì một hành động có mục đích chính trị. Ðiều này cũng giống như nhiều nước Âu Châu có luật bãi bỏ án tử hình, do đó họ không dẫn độ các người bị truy tố trả về nước Mỹ nếu lo sợ rằng khi đem xử ở Mỹ người đó có thể bị tử hình.




Ðó là chưa kể ngoài tội đe dọa an ninh Cộng Sản Việt Nam còn có thể dựng đứng lên nhiều thứ tội khác để gán cho ông Lý Tống; như họ vẫn làm đối với các người có ý kiến khác với đảng Cộng Sản. Trước đây, những nhà trí thức dân chủ như Hà Sĩ Phu, Phạm Quế Dương, đã từng bị vu cho những tội âm mưu lật đổ chính quyền hoặc làm gián điệp, chỉ vì họ phân phối các tài liệu chính trị. Ðể thuận theo chiều gió chính sách của chính phủ Mỹ hiện nay, Cộng Sản Việt Nam có thể còn gán cho Lý Tống tội “khủng bố” nữa, như họ đang tạo dựng hồ sơ đối với Kỹ Sư Ðỗ Thành Công, tự Trần Nam ở Santa Clara, California.



Ông Ðỗ Thành Công bị bắt ngày 14 Tháng Tám vừa qua ở Phan Thiết trong khi về Việt Nam du lịch cùng bà vợ và các con. Cộng Sản Việt Nam đã gửi thư cho Tòa Tổng Lãnh Sự Mỹ ở Sài Gòn bịa đặt ra là ông Ðỗ Thành Công nằm trong một tổ chức khủng bố nhắm vào Tòa Tổng Lãnh Sự Mỹ để yêu cầu chính phủ Mỹ cung cấp hồ sơ về các quan hệ giữa ông Ðỗ Thành Công với các nhóm khủng bố quốc tế!



Tổ Chức Phóng Viên Không Biên Giới đã yêu cầu các chính phủ ba nước ở Âu Châu can thiệp đòi trả tự do cho ông Ðỗ Thành Công và các đồng chí Nguyễn Hoàng Long và Huỳnh Việt Lang cùng bị bắt ở Việt Nam. Ba người đều viết trên tờ báo mạng lưới của đảng Dân Chủ Nhân Dân, một tổ chức chính trị ra đời từ năm 2003, theo lời ông Nguyễn Sơn, bí thư trung ương đảng đã nói với đài Á Châu Tự Do (RFA). Khi đọc các tin tức và bình luận trên mạng lưới Tin Nhanh Ðời Lao Ðộng
(www.freewebs.com/dangdanchunhandan) thì người đọc phải thấy đây chỉ là một tổ chức vận động chống tham nhũng, cường hào, tranh đấu cho những người thấp cổ bé miệng ở Việt Nam, đặc biệt là giới lao động. Họ không hề kêu gọi bạo động và khủng bố như đảng Cộng Sản Việt Nam đang vu cáo.



Nhiều bản tin của mạng lưới đảng Dân Chủ Nhân Dân cũng là những tin đã đăng trên nhật báo Người Việt và các tờ báo khác ở trong và ngoài nước. Thí dụ, những vụ dân chúng Bình Thạnh đi biểu tình ở Sài Gòn; hay vụ tố cáo tham nhũng ở Hải Phòng và Ðồ Sơn, liên hệ đến Bí Thư Thành Ủy Nguyễn Văn Thuận và Tướng Công An Cao Ngọc Oánh, mà bây giờ ông Nguyễn Tấn Dũng đang ra lệnh điều tra cho ra lẽ. Ông Nguyễn Hoàng Long, bí thư của đảng này phụ trách vùng Sài Gòn, cũng trưng bày trên mạng lưới các tờ truyền đơn đã rải ở Sài Gòn và Hà Nội kêu gọi dân chúng hãy đòi đảng Cộng Sản Việt Nam phải từ bỏ độc quyền lãnh đạo. Trong thời gian trước Ðại Hội Mười, công nhân các nơi đình công đòi tăng lương và cải thiện điều kiện làm việc, bản tin Tin Nhanh Ðời Lao Ðộng trên mạng đã đưa ra các tin tức chi tiết đầy đủ hơn các tờ báo chính thức.



Những hoạt động như vậy thuần túy có tính cách chính trị, không thể nói đó là phá hoại, khủng bố. Nhưng Cộng Sản Việt Nam vẫn gán cho ông Ðỗ Thành Công là liên hệ với “các tổ chức khủng bố quốc tế” để tìm cách kết tội ông và các đồng chí của ông đang bị giam giữ. Người ta có thể tin rằng nếu ông Lý Tống bị đưa về Việt Nam cho cộng sản xử, ông cũng sẽ bị gán cho những tội hình sự tương tự, có thể đưa tới những bản án nặng nề không đoán trước được. Trước đây đảng Cộng Sản Việt Nam đã từng kết án tử hình đối với hai thượng tọa Tuệ Sĩ và Trí Siêu (tức Giáo Sư Lê Mạnh Thát bây giờ) dựa vào những bằng cớ vu vơ, họ chỉ đổi án sau khi bị dư luận quốc tế phản đối. Ông Lý Tống có thể sẽ bị đem ra xét xử kiểu đó và dẫn tới các bản án nghiêm trọng.




Các thẩm phán Thái Lan phải biết rằng tòa án ở Việt Nam không giống bên nước Thái. Ông Lý Tống chưa bị dẫn về nước mà phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao đã tuyên bố ông sẽ bị nghiêm trị! Vừa rồi trong văn thư yêu cầu điều tra kỹ những vụ tham nhũng, hối mại quyền thế mới bị tố cáo, ông Nguyễn Tấn Dũng, thủ tướng chính phủ, đã gửi cho cả chủ tịch Tòa Án Tối Cao, chủ tịch Viện Kiểm Sát Trung Ương cùng một lá thư viết cho các thuộc cấp trong ngành công an thuộc chính phủ ông. Ông viết cho chủ tịch Tòa Án Tối Cao với lối văn như ra lệnh cho thuộc cấp. Tức là trong đầu óc ông thủ tướng này không có một khái niệm nào về tính chất độc lập của ngành tư pháp. Ðó là một tập quán khó bỏ của các người lãnh đạo cộng sản ở Việt Nam. Mà trong thực tế thì các vị thẩm phán ở Việt Nam vẫn phải nghe lệnh của các cán bộ Cộng Sản. Tòa án ở Việt Nam không giống tòa án ở các nước dân chủ như Thái Lan. Ðưa ông Lý Tống về Việt Nam không khác nào đẩy ông vào một cái chuồng đầy beo, cọp. Ðó là một lý luận mà luật sư của ông Lý Tống có thể đưa ra để yêu cầu hủy bỏ quyết định dẫn độ ông về Việt Nam.

Ngô Nhân Dụng

dacung
Posts: 409
Joined: Tue Dec 13, 2005 6:26 am
Location: USA
Contact:

Post by dacung »

Thái Lan không dẫn độ Lý Tống về VN

BBC- 03 Tháng 4 2007 - Cập nhật 04h52 GMT

Ông Lý Tống nói ông sẽ về nước (Hoa Kỳ) để "tiếp tục phụng sự tổ quốc"
Tòa phúc thẩm tại Bangkok, Thái Lan đã đảo ngược lại phán quyết của tòa sơ thẩm hồi năm ngoái từng quyết định cho nhà trức trách dẫn độ ông Lý Tống về Việt Nam để xét xử các tội trạng xâm phạm lãnh thổ và tuyên truyền chống nhà nước.

Phán quyết vào hôm 03/04/2007 có nghĩa là ông Lý Tống sẽ được tự do và được đưa về Hoa Kỳ trong vài ngày tới.

Tòa sơ thẩm hồi tháng Chín 2006 tại Bangkok xem hành động xâm phạm không phận Việt Nam và thả hàng chục ngàn truyền đơn xuống TP. HCM tháng 11 năm 2001 của ông Lý Tống là có cơ sở để dẫn độ ông về Việt Nam xét xử.

Chính phủ Việt Nam vào lúc đó đã hoan nghênh quyết định này của tòa Thái Lan và nói "hành động của Lý Tống cần phải bị nghiêm trị".

Thông cáo trên trang web Bộ Ngoại Giao Việt Nam cuối tháng 12 (trong dịp Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm Thái Lan) nói rằng "Phía Việt Nam hoan nghênh phán quyết của tòa án hình sự Băng Cốc quyết định trao Lý Tống cho Việt Nam xét xử".

Tuy nhiên trong phiên phúc thẩm sáng ngày 03/04/2007, tòa án nói hành động của ông Lý Tống mang tính chất chính trị, chứ không phải là đe dọa an ninh, và rằng Thái Lan không cho dẫn độ những người đối diện cáo buộc chính trị.

Chánh án Wisarut Sirisingh được trích lời nói rằng "Việt Nam muốn đưa bị cáo về Việt Nam để xét xử”.

"Những gì ông Tống làm không gây ảnh hưởng về an ninh lãnh thổ Việt Nam và Thái Lan không dẫn độ những người đối diện các cáo buộc về chính trị và ông Tống được tự do".

Trả lời câu hỏi các phóng viên về cảm giác sau khi nghe phán quyết, ông Lý Tống nói "nói chung tôi thấy cũng bình thường thôi bởi tôi đã ngồi tù 21 năm rồi".

Ông Lý Tống nói thêm rằng "quí vị có thể tin tưởng được vào chính phủ hiện thời và công lý của chính phủ này".

Ông tỏ ra phẫn nộ với phán quyết từ tòa sơ thẩm và gọi chính phủ của ông Thaksin là "hệ thống quỷ quyệt", thậm chí sau khi rời tòa phúc thẩm.

Luật sư Worasit Piriyawiboon nói ông Lý Tống sẽ không được ở lại Thái Lan quá 10 ngày và phải rời Thái Lan về Hoa Kỳ và việc về sớm hay muộn phụ thuộc vào thủ tục của Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ tại Bangkok.

Ông Worasit cũng đã từng bào chữa cho ông Lý Tống trong phiên sơ thẩm và ông từng nộp cho tòa tất cả chứng cứ cốt để chứng minh rằng hành động của ông Lý Tống mang tính chính trị chứ không phải hình sự.

Sau phán quyết của tòa hôm 03/04/2007, luật sư Worasit nói rằng "Một đạo luật của Thái ra năm 1929 có điều khoản nói là nếu hành vi của bị cáo là có tính chính trị thì người đó sẽ không bị dẫn độ".

Ông Lý Tống đã cướp một máy bay từ Thái Lan tháng 11 năm 2000 và thả truyền đơn xuống TP. HCM kêu gọi người dân nổi dậy chống chính phủ cộng sản ở Việt Nam.

Việc thả truyền đơn diễn ra nhằm đúng thời điểm Tổng thống Mỹ Bill Clinton thăm Việt Nam.

Sau khi hạ cánh ở Thái Lan, ông Lý Tống bị bắt và bị tống giam. Trong bảy năm qua, ông đã ở trong một trại tù của Thái.

Tháng 12/2004, chính phủ Việt Nam yêu cầu Thái Lan cho dẫn độ Lý Tống về Việt Nam và Tòa sơ thẩm ra phán quyết cho dẫn độ Lý Tống.

Cần nói thêm rằng vào năm 1992 ông Lý Tống uy hiếp phi công một chiếc máy bay của Vietnam Airlines buộc phải lượn trên bầu trời TP. HCM để rải truyền đơn chống cộng.

Sau đó ông nhảy dù xuống, bị bắt và bỏ tù. Ông được thả và trở về Mỹ năm 1998 và lại thuê một máy bay để rải truyền đơn xuống Havana, Cuba.

Post Reply