CS lúng túng trước phong trào lao động độc lập

Những đề tài nóng của Thời Sự. Các bài viết lượm nhặt trên Net ở nơi đây chỉ dùng để tham khảo không phải là chính kiến riêng của nhóm phụ trách.

Moderators: CayQueo, phu_de

Post Reply
User avatar
phu_de
Posts: 2917
Joined: Sun Nov 28, 2004 10:57 pm
Has thanked: 7 times

CS lúng túng trước phong trào lao động độc lập

Post by phu_de »

Ðảng Cộng Sản lúng túng trước phong trào lao động độc lập
Ngô Nhân Dụng



Việc công an cộng sản bắt giữ Luật Sư Lê Thị Công Nhân tại phi trường Nội Bài ngày hôm qua cho thấy họ đã lúng túng và thất bại trong việc đàn áp phong trào lao động đang nổi lên ở Việt Nam. Bà Lê Thị Công Nhân đang trên đường đi dự một hội nghị quốc tế về quyền của người lao động, tổ chức tại Warszawa, thủ đô Ba Lan trong dịp cuối tuần này. Hội nghị được Công Ðoàn Ðoàn Kết (Solidarnosc) của Ba Lan và quốc hội nước này bảo trợ. Bộ Ngoại Giao và Tòa Ðại Sứ Ba Lan ở Hà Nội đã can thiệp trong việc đạt giấy mời tới bà Lê Thị Công Nhân để bà được phép xuất cảnh sang nước họ. Cho nên việc bắt giữ bà sẽ khiến cho dư luận ở Ba Lan và các nước khác phải chú ý và đặt câu hỏi về quyền tự do di chuyển của các công dân Việt Nam đã bị hạn chế và xâm phạm như thế nào.




Hội nghị về quyền của người lao động được tổ chức ở thủ đô Ba Lan, một tuần sau khi Công Ðoàn Ðộc Lập Việt Nam ra đời ở Hà Nội và một tháng sau khi đảng Thăng Tiến Việt Nam công khai trình diện. Các sự kiện này diễn ra cùng một nhịp chứng tỏ những người tranh đấu cho dân chủ, tự do ở trong và ngoài nước đang tiến song song trong cùng một phong trào nhân dân đang sôi nổi đòi tự do dân chủ. Chúng ta không biết chắc chắn những người tổ chức Hội Nghị Về Quyền Lao Ðộng diễn ra ở Ba Lan, với Công Ðoàn Ðộc Lập Việt Nam, và Luật Sư Lê Thị Công Nhân, thuộc đảng Thăng Tiến Việt Nam, có liên lạc với nhau hay không, và liên hệ như thế nào. Nhưng các sự kiện trên cho thấy tất cả nhắm về cùng một hướng.



Như đã trình bày trong bài trước, bản tuyên bố thành lập của công đoàn đã giải thích nhu cầu cần phải có một tổ chức của công nhân Việt Nam độc lập với guồng máy cai trị của nhà nước và đảng Cộng Sản. Công Ðoàn Ðộc Lập Việt Nam ra đời để đứng ra tranh đấu cho các quyền lợi của người lao động Việt Nam, vì đảng Cộng Sản Việt Nam bây giờ lo phục vụ giới tư bản ngoại quốc và tư bản trong nước. Giới chủ nhân tư doanh được đảng và nhà nước cộng sản mời mọc, ưu đãi vì chính các đảng viên cộng sản tham gia việc khai thác sức lao động rẻ tiền của người công nhân Việt Nam. Ðảng mang danh “vô sản” này đã hoàn toàn bỏ rơi giới công nhân cho các vị chủ nhân thao túng. Trong một hệ thống kinh tế tư bản hóa ở thời kỳ hoang dã chưa có luật lệ rõ ràng, giới công nhân Việt Nam trong lãnh vực tư đang tạo ra hơn nửa Tổng Sản Lượng Nội Ðịa và hầu hết các thứ hàng xuất cảng để thâu ngoại tệ, nhưng họ không có quyền tranh đấu đòi hỏi các quyền lợi của mình, trong đó có quyền đình công.



Tổng Liên Ðoàn Lao Ðộng của đảng và nhà nước thì hoàn toàn do các đảng viên cộng sản chi phối, đảng Cộng Sản không thể cùng một lúc vừa đóng vai chủ nhân ông, vừa đóng vai đại diện cho người lao động. Năm ngoái, trong khi các cuộc đình công trong lãnh vực tư nổ lên ở trong nước, chính bà Cù Thị Hậu, người đứng đầu Tổng Liên Ðoàn Lao Ðộng Việt Nam đã thú nhận rằng các đơn vị của tổng liên đoàn trong các xí nghiệp tư hoàn toàn bất lực vì quá yếu ớt và không thể tổ chức các cuộc đình công đòi quyền lợi cho giới công nhân, vì luật lệ rắc rối phức tạp, tốn thời giờ; và tất cả các quyết định của công đoàn đều phải chờ lệnh của chi bộ đảng. Trong các xí nghiệp quốc doanh tình trạng càng tồi tệ vì những người cầm đầu tổ chức lao động có khi cũng chính là những người đứng đầu xí nghiệp, hoặc cả hai đều do một chi bộ đảng chỉ huy!



Công Ðoàn Ðộc Lập Việt Nam đã vạch rõ sự bất lực của tổ chức lao động do nhà nước và đảng Cộng Sản chi phối. Giới công nhân Việt Nam không thể trông cậy gì vào đảng Cộng Sản vì họ đang tìm cách mua chuộc giới tư bản quốc tế đầu tư vào Việt Nam, và về lâu dài thì chính những người đang lãnh đạo đảng Cộng Sản, từ trung ương tới địa phương, từ tỉnh xuống huyện, xuống xã, họ sẽ được tư bản hóa trước tất cả mọi người. Hồ Chí Minh đã viết rằng “Mỗi người trong Ðảng phải hiểu rằng: Lợi ích của cá nhân nhất định phải phục tùng lợi ích của Ðảng. Lợi ích của bộ phận nhất định phải phục tùng lợi ích của toàn thể. Lợi ích tạm thời nhất định phải phục tùng lợi ích lâu dài” (trích trong Sửa Ðổi Lối Làm Việc, Nhà Xuất Bản Sự Thật in năm 1959 ở Hà Nội).



Như vậy thì những người tự nhận là “đại diện công nhân” thuộc Tổng Liên Ðoàn Lao Ðộng Việt Nam, đồng thời cũng là những cán bộ cộng sản, sẽ phải phục tùng đường lối chung và lâu dài của đảng. Họ không thể cùng một lúc là đại biểu cho người lao động Việt Nam nhất là trong lãnh vực tư doanh.



Ðảng Cộng Sản Trung Quốc có vẻ đã đi trước Cộng Sản Việt Nam nhiều bước, vừa ra tay đàn áp những người độc lập tranh đấu cho quyền lợi lao động bên ngoài đảng, vừa tìm cách sử dụng công cụ của họ, một thứ Tổng Liên Ðoàn Lao Ðộng Toàn Quốc, để thiết lập các cơ sở nghiệp đoàn trong các xí nghiệp ngoại quốc. Trong thời gian Trung Quốc đổi mới kinh tế, số đoàn viên của tổng liên đoàn này đã giảm từ 104 triệu vào năm 1995 xuống chỉ còn 87 triệu. Nhưng ngay trong công ty Wal-Mart đã có một nghiệp đoàn thành lập trong số hơn 60 siêu thị của họ ở Trung Quốc. Ðây là nghiệp đoàn đầu tiên của 31,000 người Trung Quốc làm việc cho Wal-Mart. Một phần ba các xí nghiệp ngoại quốc ở Trung Quốc đã có nghiệp đoàn, ở các thành phố lớn như Thượng Hải thì tỷ số lên tới 60 phần trăm, ở tỉnh Triết Giang có tới 70%. Nhưng các công nhân thuộc lãnh vực tư ở Trung Quốc cũng không trông cậy gì được vào tổ chức công đoàn của đảng. Hiện nay số đoàn viên trong các xí nghiệp tư đã lên tới 55 triệu, nhưng người công nhân Trung Quốc cũng không tỏ vẻ hăng hái vì họ biết gia nhập công đoàn chỉ có nghĩa là phải đóng tiền nguyệt liễm trừ biến 2% trong lương bổng của họ. Số tiền đóng góp này sẽ được nộp gần một nửa lên cho chi bộ công đoàn của đảng ở trung ương! Tình trạng công đoàn lao động của đảng Cộng Sản Việt Nam cũng không thể đi xa hơn ở Trung Quốc vì bao giờ Cộng Sản Việt Nam cũng đi sau Trung Quốc hàng chục năm.



Vì vậy Công Ðoàn Ðộc Lập Việt Nam đã tự gánh lấy “trách nhiệm sử dụng các công cụ pháp lý, quan hệ trong và ngoài nước để bảo vệ quyền lợi về vật chất và tinh thần của thành viên,” như lời kêu gọi của công đoàn đã nêu rõ. Ðiều đáng chú ý trong lời xác minh trên là Công Ðoàn Ðộc Lập Việt Nam chỉ sử dụng các lợi khí đấu tranh trong vòng luật pháp, dù đó là những luật pháp do đảng và nhà nước cộng sản đặt ra. Việc thành lập một công đoàn độc lập sẽ thách thức đảng Cộng Sản Việt Nam vì hiến pháp của họ cũng ghi đủ các điều bảo đảm các quyền tự do, trong đó có quyền tự do lập hội. Bản hiến pháp đó cũng đề cao việc bảo vệ quyền lợi của giới công nhân. Ðảng Cộng Sản không thể viện lý do nào để cấm đoán những người công nhân họp nhau cùng tranh đấu cho các quyền lợi chính đáng.


Một điều đáng chú ý trong phong trào tranh đấu đòi tự do dân chủ diễn ra trong nước ta là sự có mặt của nhiều người trong giới luật sư. Những nhà trí thức trẻ này, phần lớn ở Hà Nội, đang sử dụng các phương pháp đấu tranh bất bạo động và hợp pháp để đòi đảng Cộng Sản phải trả lại cho người dân các quyền tự do căn bản ngõ hầu có thể cải thiện đời sống của tất cả mọi người. Công Ðoàn Ðộc Lập Việt Nam cũng minh thị nói rằng họ không hoạt động chính trị mà chỉ tranh đấu thuần túy cho các quyền lợi kinh tế của người công nhân. Ðó là một thách thức lớn mà chế độ cộng sản ở nước ta chưa bao giờ phải đối phó. Ðó có thể là một lý do khiến họ lúng túng phải vội vã bắt giữ Luật Sư Lê Thị Công Nhân trong vòng 15 phút trước khi bà lên máy bay đi dự một hội nghị quốc tế ở Ba Lan.



Một điều khác cũng được ghi trong lời kêu gọi của Công Ðoàn Ðộc Lập Việt Nam là những người lãnh đạo công đoàn sẽ sử dụng các “quan hệ trong và ngoài nước” trong việc đấu tranh. Một trong các quan hệ nước ngoài có thể giúp cho Công Ðoàn Ðộc Lập là những kinh nghiệm tranh đấu của giới công nhân Ba Lan, với phong trào Công Ðoàn Ðoàn Kết Solidarnosc, từ năm 1980. Chính phong trào này đã giúp đưa nước Ba Lan thoát ra khỏi chế độ cộng sản vào 10 năm sau. Sự kết hợp giữa phong trào tranh đấu cho các quyền tự do dân chủ và quyền lợi người lao động, cùng với sự hỗ trợ từ các tổ chức lao động quốc tế sẽ là một tia sáng hy vọng cho người công nhân Việt Nam trong những năm tới, và cho toàn thể dân tộc. Việc công an cộng sản bắt giữ Luật Sư Lê Thị Công Nhân cho thấy họ đang lúng túng đối phó với những áp lực của người dân. Bổn phận những người Việt Nam ở nước ngoài là giúp phổ biến các tin tức đó cho giới truyền thông quốc tế và các nhà lãnh đạo thế giới biết. Nhất là trong lúc Việt Nam đang chuẩn bị tổ chức hội nghị APEC của các nước Á Châu và Thái Bình Dương.

Ngô Nhân Dụng

dacung
Posts: 409
Joined: Tue Dec 13, 2005 6:26 am
Location: USA
Contact:

Post by dacung »

Hội nghị Quốc tế yểm trợ Nghiệp đoàn Độc lập tại Việt Nam
2006.10.29
Việt Hùng, phóng viên đài RFA

Sáng thứ Bảy 28-10-2006, Hội nghị Quốc tế yểm trợ Nghiệp đoàn Độc lập tại Việt Nam đã chính thức khai mạc tại thủ đô Varsava của Ba Lan. Có mặt tại chỗ phái viên Việt Hùng của Đài chúng tôi gửi về bài tường sau đây.

Image
Hội nghị Quốc tế yểm trợ Nghiệp đoàn Độc lập tại Việt Nam tại thủ đô Varsava của Ba Lan hôm thứ Bảy 28-10-2006. RFA PHOTO

Hội nghị Quốc tế yểm trợ Nghiệp đoàn Độc lập tại Việt Nam dưới sự bảo trợ của Công Đoàn Đoàn Kết Ba Lan cùng những tổ chức đấu tranh cho dân chủ và nhân quyền, đại diện cho nhiều đảng phái chính trị trong cộng đồng người Việt hải ngoại đã tề tựu về thủ đô Varsava để bày tỏ sự ủng hộ những người lao công tại Việt Nam thông qua Hội Nghị Varsava 2006 về Quyền Lao Động tại Việt Nam với chỉ hướng là Cơm ăn, Áo mặc và Tự Do

Với sự tham dự của hơn 60 quan khách, tham dự viên đến từ 13 quốc gia trên thế giới cùng sự hiện diện của các cơ quan thông tấn báo chí Quốc tế, truyền thông Ba Lan cũng như giới truyền thông Việt Ngữ trong Cộng đồng người Việt Hải Ngoại.

Các đại biểu trong nước bị ngăn cản

Về những tham dự viên đến từ Việt Nam, nữ luật sư Lê Thị Công Nhân trong cuộc trao đổi với Ban Việt Ngữ - Đài Á Châu Tự Do vào đêm ngày thứ Năm 26-10 vừa qua cho biết cô đã bị cơ quan an ninh Việt Nam chặn giữ trước lúc lên máy bay đi Ba Lan tham dự Hội nghị.

Từ Hà Nội, ông Nguyễn Khắc Toàn, Chủ tịch Nghiệp đoàn Độc lập Việt Nam cùng luật sư Nguyễn Văn Đài và một số nhà dân chủ cũng gặp trở ngại trên đường di chuyển đến văn phòng của luật sư Nguyễn Văn Đài để tham dự Hội nghị qua mạng Internet.

Với những trở ngại mà Bác sĩ Bùi Trọng Cường người điều hợp chương trình đến từ Úc châu thông báo tại Hội nghị, Ban tổ chức đã liên lạc được với Giáo sư Trần Khuê từ Sài Gòn, nhưng cuộc điện đàm cũng gặp trở ngại ngay trong lúc Giáo sư Trần Khuê đang gửi lời chúc tới Hội nghị.

Ðời sống công nhân Việt Nam

Trong lời mở đầu, ông Trần Ngọc Thành, Trưởng Ban tổ chức đã trình bày về thực trạng mà những người lao công tại Việt Nam phải gánh chịu trên con đường hội nhập, ông Thành đưa ra cái nhìn: Chính quyền cộng sản Việt Nam đã kêu gọi các nhà tư bản đầu tư ồ ạt vào Việt Nam để khai thác nguồn lao động rẻ mạt của 83 triệu người dân Việt Nam, cũng từ đó cuộc sống của người dân nói chung và của người lao động nói riêng rất tồi tệ.

Với đồng lương 40 đô-la/một tháng họ phải làm việc từ 10 - 12 giờ mỗi ngày mà hầu hết không có bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội. Nhiều trường hợp công nhân bị chủ ức hiếp, đánh đập là nhục mà chính quyền cộng sản Việt Nam đã làm ngơ vì sợ làm phật ý các ông chủ tư bản nước ngoài.

Ở Việt Nam cũng có Tổng Liên đoàn Lao động nhưng do đảng cộng sản lập ra nhằm kiểm soát họ thay vì giúp đỡ họ. Đặc biệt hiện nay, đại diện cho Liên đoàn lao động của nhà nước Việt Nam tại các nhà máy đều do các ông chủ trả lương nên họ không thể đứng ra bênh vực quyền lợi của người công nhân.

Ðược sự ủng hộ của quốc tế

Cùng đứng ra tổ chức Hội Nghị, Ủy ban Bảo vệ quyền Tự do Ngôn luận Ba Lan mà đại diện là Chủ tịch Miroslaw Chojeski, từng là sáng lập viên Ủy ban bảo vệ công nhân cho rằng:

“Trước khi cuộc cách mạng tại Ba Lan và Đông Âu thành công vào năm 89, các nhà dân chủ Ba Lan mà đại diện là Công Đoàn Đoàn Kết Ba Lan đã nhận được sự yểm trợ đáng kể từ các quốc gia Âu - Mỹ và từ nhiều các tổ chức phi chính phủ trên thế giới và vì vậy cá nhân ông và nhiều bạn đồng chí hướng cảm thấy đè nặng trên vai món nợ, đó là nợ dân chủ vì vậy những đóng góp đứng ra đồng tổ chức Hội nghị yểm trợ Nghiệp đoàn Độc lập tại Việt Nam chỉ là một trong những việc làm mà các nhà dân chủ Ba Lan phải trả món nợ dân chủ đó.

Đến từ Úc châu, ông Nguyễn Đình Hùng đã thay mặt ông Tony Sheldon, Tổng thư ký Liên bang Nghiệp đoàn Vận tải Úc châu bày tỏ sự ủng hộ với Hội nghị lần này và qua Hội nghị bày tỏ sự đoàn kết với Nghiệp đoàn Độc lập tại Việt Nam.

Kinh nghiệm từ Công đoàn Ðoàn kết Ba Lan

Hội nghị Quốc tế yểm trợ Nghiệp đoàn Độc lập tại Việt Nam tại thủ đô Varsava của Ba Lan hôm thứ Bảy 28-10-2006. RFA PHOTO
Trong cuộc họp báo diễn ra vào lúc 11 giờ trưa giờ địa phương, Tiến sĩ Tomasz Wojcik, Phó Chủ tịch Công Đoàn Đoàn Kết Ba Lan trả câu hỏi của giới truyền thông về những kinh nghiệm nào có thể rút tỉa từ bài học của Công Đoàn Đoàn Kết trước đây, Tiến sĩ Wojcik nói:

Không có một chế độ độc tài nào muốn rời bỏ khỏi quyền lực, nên phải đấu tranh, vì vậy bằng kinh nghiệm của Công đoàn Đoàn kết Ba Lan ông khuyến cáo các nhà dân chủ Việt Nam cả Trong - Ngoài nước nên phối hợp chặt chẽ với nhau cũng như thông tin đầy đủ tói các tổ chức nhân quyền trên thế giới. Cuối cùng ông khẳng định, không có quyền tự do cho mỗi công dân thì đời sống sẽ không có ý nghĩa.

Liên quan đến Hội nghị, trong một buổi phát thanh tới, chúng tôi sẽ gửi tới quí vị thính giả cuộc phỏng vấn với người đại diện Công đoàn Đoàn kết Ba Lan dành cho Ban Việt Ngữ - Đài Á Châu Tự Do.

Việt Hùng tường trình từ Hội nghị Quốc tế yểm trợ Nghiệp đoàn Độc lập Việt Nam.

Tiếng Việt

--------------------------------------------------------------------------------

© 2006 Radio Free Asia

dacung
Posts: 409
Joined: Tue Dec 13, 2005 6:26 am
Location: USA
Contact:

Post by dacung »

Bà Cù Thị Hậu lo ngại Công đoàn Độc lập

Image
Đảng Cộng sản Việt Nam lo ngại về sự cạnh tranh của công đoàn độc lập

Chủ tịch Tổng liên đoàn lao động Việt Nam bày tỏ lo ngại về sự ra đời của một Công đoàn Độc lập và muốn nhà nước có phản ứng.
Phát biểu trong phiên thảo luận của Quốc hội về Luật Lao động, bà Cù Thị Hậu thừa nhận bà đã nghe về tuyên bố thành lập một công đoàn không trực thuộc nhà nước Việt Nam.

"Ngày 20/10 vừa qua, công đoàn Độc lập đã chính thức ra mắt và đưa lên mạng, ngày 29-30/10 này ở Ba Lan cũng sẽ có tổ chức công đoàn ra đời, đối lập với chúng ta."

Nhà nước e ngại

Hội nghị Quyền Lao động tại Việt Nam đã diễn ra cuối tuần qua, do một tập hợp các nhóm chính trị đối lập người Việt tại Ba Lan, Hoa Kỳ, Việt Nam và nhiều nước khác tổ chức.

Trước đó, trong tháng Mười, nhóm nhân vật đối kháng ở Việt Nam vừa công bố thành lập tổ chức công đoàn độc lập để 'bảo vệ cho quyền lợi của công nhân'.

Nhóm này đưa ra tuyên bố với chín chữ ký cùng lời kêu gọi gia nhập Công đoàn Độc lập Việt Nam.

Bản Tuyên bố viết:" Trong 20 năm qua giai cấp công nhân Viêt Nam đã lớn mạnh không ngừng về số lượng, trình độ tay nghề cũng ngày càng được nâng cao không thua kém công nhân các nước trong khu vực".

Ông Nguyễn Khắc Toàn, một trong các sáng lập viên, nói với BBC việc thành lập công đoàn độc lập là thể hiện quyền tự do lập hội đã được ghi trong Hiến pháp Việt Nam.

Bà Cù Thị Hậu được báo chí trong nước dẫn lời: "Nếu không giao cho công đoàn cấp trên cơ sở để hướng dẫn, giúp đỡ cho tập thể đại diện của người lao động ở bên dưới mà đình công thì các tổ chức công đoàn này sẽ vào và họ sẽ nắm, lúc bấy giờ chúng ta sẽ tuột tay".

Bà nói một biện pháp cần làm ngay là không nên để tập thể người lao động tự quyết định đình công và chỉ thông báo cho công đoàn cấp trên, mà phải báo lên công đoàn cấp trên để từ đó, thành lập công đoàn lâm thời tại doanh nghiệp trước khi công nhân đình công.

Liên quan đến hội nghị vừa diễn ra ở Ba Lan, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gửi lời phản đối đến chính quyền Ba Lan.

Nhưng có vẻ như chính lời phản đối đã khiến cho Quốc hội Ba Lan cho tổ chức hội nghị lại trong trụ sở của họ dù trước đó, theo Ban tổ chức, địa điểm họp đã bị chuyển sang trụ sở Bộ Kinh tế.

Trả lời BBC Tiếng Việt, ông Tomasz Wojcik, Phó Chủ tịch Công đoàn Đoàn Kết, người từng bị tù đày thời cộng sản, và đã tham gia tất cả các đại hội của CĐĐK từ đầu tới nay, nói: “Chính quyền cộng sản ở Việt Nam cần đối thoại với nghiệp đoàn độc lập, và đối lập”.

Đến dự và phát biểu tại Hội nghị Quyền Lao động tại Việt Nam ở thủ đô Balan, ông khuyên những người bất đồng chính kiến Việt Nam đi theo con đường đấu tranh bất bạo động và sẵn sàng đối thoại.

Post Reply