PHẢI CHĂNG MỸ DỌN ĐƯỜNG RÚT KHỎI IRAQ...

Những đề tài nóng của Thời Sự. Các bài viết lượm nhặt trên Net ở nơi đây chỉ dùng để tham khảo không phải là chính kiến riêng của nhóm phụ trách.

Moderators: CayQueo, phu_de

Post Reply
User avatar
phu_de
Posts: 2917
Joined: Sun Nov 28, 2004 10:57 pm
Has thanked: 7 times

PHẢI CHĂNG MỸ DỌN ĐƯỜNG RÚT KHỎI IRAQ...

Post by phu_de »

PHẢI CHĂNG MỸ DỌN ĐƯỜNG RÚT KHỎI IRAQ VỚI CHƯƠNG TRÌNH “IRAQ HÓA”?

* MỘNG DÂN CHỦ HÓA IRAQ VÀ TRUNG ĐÔNG CỦA TT BUSH
TRỞ THÀNH ẢO ẢNH TRONG SA MẠC


* HOÀNG ĐỨC NHÃ
(Đặc biệt của báo Ngày Nay)



Công cuộc tái thiết và diệt trừ những toán quân phiến loạn và khủng bố tại Iraq trải qua một giai đoạn khốc liệt trong những tuần qua. Riêng trong ba tuần lễ tháng 10 có trên 80 binh lính Mỹ tử nạn tại Iraq và trên 400 thường dân Iraq chết tại thủ đô Baghdad và vùng lân cận.
Cường độ bạo lực giữa những vệ binh của các giáo phái với nhau ngày càng gia tăng với nhiều vụ diệt chủng tộc giữa hai hệ phái Shiite và Sunnis và ngay cả giữa những bộ tộc và thị tộc Sunni, Shiites với nhau.




Trong lúc đó công trình tái thiết do Hoa Kỳ lãnh đạo với những công tác xây lại các trường học và nhà thương vẫn bị đình trệ vì nạn tham nhũng, mất an ninh và ngay cả sự bất tài của giới điều hành. Một thăm dò dư luận gần đây của một tổ chức tư vấn cho thấy một số dân Iraq ngày càng lớn nghĩ rằng quốc gia họ đang đi lạc hướng và Hoa Kỳ không thể tận diệt phiến loạn.

Trong khi đó thái độ của quần chúng Hoa Kỳ ngày càng bi quan về tương lai của Iraq. Tờ báo New York Times trong số ra ngày 24.10.2006 dành nguyên một trang xã luận để biện luận rằng công trình xây dựng dân chủ tại Iraq không thành công được, chánh quyền Bush cần sửa đổi chánh sách về vấn đề Iraq và tìm cách ngăn chặn tình trạng hổn độn trở thành trầm trọng hơn. Thêm vào đó, trong thời gian vận động tranh cử cho cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ trong đầu tháng 11 này, rất nhiều ứng cử viên Cộng Hòa tìm cách xa lánh lập trường của TT Bush và đảng Cộng Hòa liên quan đến Iraq. Các ứng cử viên Dân Chủ lợi dụng sự bối rối trong hàng ngũ Cộng Hòa để tấn công đường lối của chánh quyền Bush về Iraq nhưng vẫn không đưa ra được đề nghị cụ thể và hợp lý nào.

Trong những ngày qua Tòa Bạch Ốc đã bắt đầu chuẩn bị dư luận cho một sự chuyển hướng chánh sách Iraq. Trước đây TT Bush thường nói rằng chánh sách Iraq của ông ta là “giữ vững tay lái”. Những danh từ đó nay không còn nữa và được thế bằng danh từ “thái độ uyển chuyển”. Trong buổi họp báo sáng ngày 25 tháng 10 vừa qua TT Bush công nhận rằng giải pháp quân sự sẽ không đủ và HK cần sửa đổi chiến thuật để đối đầu với thực trạng, đặc biệt là phong trào phiến loạn tại Iraq. Nhưng, liệu sự uyển chuyển này có giải quyết được vấn đề căn bản tại Iraq hay chỉ là sự câu giờ để đẩy hậu quả xấu này cho chánh quyền mới sau cuộc bầu cử tổng thống tháng 11 năm 2008 chăng?


Trong thế gọng kìm

Một số chiến lược gia Hoa Kỳ bắt đầu nghĩ rằng thực tế mà chánh quyền Bush phải công nhận là không phải liệu HK có thể thắng tại Iraq hay không, mà trái lại, liệu HK có thể rút khỏi Iraq mà tránh để lại một nội chiến không ngừng có triển vọng gây thêm hỗn loạn và chết chóc và khiến phong trào khủng bố lan tràn thêm hay không.

Sau ba năm rưởi chiến tranh quân đội HK vẫn còn đóng tại Iraq và ba phe nhóm chánh trị và tôn giáo Iraq vẫn chưa hòa thuận lại với nhau để cai trị và tái thiết quốc gia họ. Giáo phái Shiite – chiếm đa số trong chánh phủ Iraq hiện nay – vẫn không tin tưởng nơi giáo phái Sunni và không chịu chánh thức thỏa mãn nhu cầu của giáo phái Sunni có thêm quyền hạn trong chánh phủ. Giáo phái Sunni – trong thời đại Saddam Hussein nắm đa số quyền hành mặc dù là thiểu số - trong thâm tâm vẫn chưa chịu chấp nhận rằng giáo phái Shiite mà họ xem là hạ cấp bây giờ giữ đa số quyền hành. Nhóm sắc tộc Kurd vẫn mong muốn được độc lập và được thế giới bảo vệ để đối phó với đe dọa của Thổ Nhĩ Kỳ.

Chánh quyền của Thủ tướng Nouri al-Maliki – mà HK đã áp lực để thay thế ông Ibrahim al-Jafaari sáu tháng trước đây – hoàn toàn bất lực trong việc đối phó với tình trạng ngày càng hỗn loạn tại Iraq. Hầu như chánh phủ al-Maliki không hề ra khỏi vùng được gọi là “Vùng Xanh” (Green Zone), một khu vực cỡ năm cây số vuông tại thủ đô Baghdad, trong đó có sứ quán HK và bộ tư lệnh của lực lượng HK tại Iraq. Ngoài Vùng Xanh là vùng có thể gọi là vành đai trắng (no man’s land) trong đó các nhóm phiến loạn thuộc giáo phái Sunni, những vệ binh thuộc giáo phái Shiite và những băng đảng tự do lộng hành. Đó là chưa kể sự kiện là trong tỉnh al Andar về phía Tây của Iraq, phong trào khủng bố al-Qaeda đã xâm nhập các bộ tộc và thị tộc Sunni và trang bị các toán quân phiến loạn thuộc giáo phái này tiệp tục tấn công các vệ binh Shiite.

Chánh quyền Bush không còn nói nhiều về ý đồ chiến lược biến Iraq thành một “đèn hiệu sáng ngời của tự do” nhằm khuyến khích các chế độ độc tài trong vùng xây dựng dân chủ. Gần đây TT Bush cố giải thích tình trạng hỗn loạn và giết chóc tại Iraq như cuộc tấn công Tết Mậu Thân 1968 tại Việt Nam – một sự so sánh khá phóng đại khi ta thấy khác biệt lớn giữa sự bạo lực của các giáo phái hiện nay tại Iraq với vụ tổng tấn công của quân Cộng Sản xâm lăng miền Nam Việt Nam.

Chánh quyền Bush đang kẹt trong thế gọng kìm: cuốn gói ra đi bây giờ hay ở lại và thất bại và rốt cuộc cũng bị đuổi ra khỏi Iraq. Một mặt, HK cam kết sẽ không rút lui bỏ chạy khỏi Iraq vì không muốn cho thế giới, dân Iraq và dân trong vùng Trung Đông thấy rẳng một số phiến loạn, với sự giúp đở của phong trào khủng bố al-Qaeda hoặc do chính al Qaeda lãnh đạo, đã đánh bại siêu cường quốc Hoa Kỳ, không khác gì trường hợp tổ chức Hizbollah đã đánh bại quân dội Do Thái tại Lebanon gần đây. Mặt khác, chánh quyền Bush, vì mâu thuẫn nội bộ và vì tính toán cho cuộc bầu cử năm 2008, chưa dứt khoát một đường lối thỏa đáng để bắt đầu đem binh lính trở về và ngăn chặn phần nào hỗn loạn và bất an có thể dọn đường cho phiến loạn và khủng bố lật đổ chánh phủ Iraq.




Giải pháp Baker


Trong những tuần qua Hoa Thịnh Đốn bắt đầu chú ý đến cái gọi là giải pháp Baker. Cựu Tổng trưởng Ngọai giao HK James Baker là đồng Chủ tịch của Nhóm Nghiên cứu Iraq (Iraq Study Group) – do Quốc hội thiết lập - với trách nhiệm ước lượng tình hình tại Iraq và đề nghị một đường lối thỏa đáng cho TT Bush. Mặc dù phúc trình của nhóm này chỉ dự trù đệ nạp sau kỳ bầu cử bán nhiệm kỳ sắp tới, nhưng các ủy viên cũng như một số báo chí đã “xì” ra một vài điểm chánh.
Theo những tin được tiết lộ ra thì ông Baker sẽ khuyến cáo TT Bush lựa một trong hai giải pháp. Một là tập trung nỗ lực ổn định tình hình an ninh tại Iraq, tìm cách đạt một thỏa hiệp chánh trị với những nhóm phiến loạn và giúp chánh phủ Iraq gánh trách nhiệm cai trị quốc gia họ. Hai là thực hiện một triệt thoái từng giai đoạn của quân lực HK khỏi Iraq với một thời biểu và số đơn vị được trở về sẽ ấn định sau. TT Bush đã bắt đầu nói về giải pháp đầu tiên trong buổi họp báo sáng ngày 25 tháng 10 vừa qua.
Nhóm Nghiên cứu Iraq cũng đã trước đây cũng đã loại hai đường lối khác là một mặt, điều chỉnh chút ít chiến thuật thanh toán các thành phần phiến loạn và khủng bố và duy trì sứ mạng thiết lập dân chủ qua những cuộc bầu cử, và mặt khác, chỉ tập trung nỗ lực vào việc tiêu diệt phong trào khủng bố al Qaeda mà không quan tâm đến những nhóm phiến loạn.
Điểm đáng chú ý trong hai giải pháp Baker là Nhóm Nghiên cứu Iraq công nhận rằng HK sẽ không đạt được chiến thắng quân sự tại Iraq và ý đồ thiệt lập dân chủ tại Iraq và tại Trung Đông là một điều không thể thực hiện được. Đây là một viên thuốc đắng đối với TT Bush. Vấn đề đặt ra nơi đây là liệu ông ta sẽ phải sửa đổi lập trường để tránh gây thêm thiệt hại cho chính ông ta và đảng Cộng Hòa hay không? Các quan sát viên chánh trị tại HK và tại một số quốc gia khác cho đây không còn là một giả thuyết mà chỉ là một vấn đề thời gian.

“Iraq hóa”

Những diễn biến gần đây về vấn đề Iraq, từ việc phúc trình của ông Baker được “xì” ra, đến việc Tòa Bạch Ốc bắt đầu dùng những danh từ mới để mô tả lập trường của TT Bush, tuyên bố của Đại sứ Mỹ và Tư lệnh quân lực HK tại Iraq cho rằng quân đội và các lực lượng an ninh Iraq sẽ đảm nhiệm việc bảo vệ lãnh thổ của họ trong thời gian từ 12 đến 18 tháng sắp tới, và mới đây nhất tuyên bố của TT Bush trong buổi họp báo ngày 25 tháng 10 vừa qua cho thấy chánh quyền Bush đang dọn đường cho giải pháp Iraq hóa.

Chánh quyền Bush sẽ lập luận rằng HK có thể đạt được thắng lợi tại Iraq theo một thời biểu thực tiễn. Một ngày nào đó, trước cuộc bầu cử tháng 11 năm 2008, chánh quyền Bush sẽ đơn phương tuyên bố dã đạt được mục tiêu tại Iraq và sẽ bắt đầu rút quân về. Iraq lúc đó sẽ có một chánh quyền gọi là có tánh cách đại diện – không còn đề cập đến chế độ dân chủ nữa – và có đủ khả năng để đảm trách nhiệm vụ bảo vệ an ninh lãnh thổ và sẽ được sự giúp đở của HK và thế giới trong việc tái thiết quốc gia.
Sự thật bi đát là HK sẽ cố buộc chánh quyền Iraq trở thành một chánh quyền có tánh cách đại diện, có nghĩa là công nhận quyền lợi của tất cả giáo phái, hệ phái và phong trào chánh trị. Điều này trái với mục tiêu dân chủ thật sự mà TT Bush đã cam kết trước đây và sẽ là nguồn gốc của tranh chấp và nội chiến dữ dội tại quốc gia này sau khi Hoa Kỳ ra đi.
Điều bi thảm là một lần nữa Hoa kỳ, vì đường lối chánh trị nhất thời, vì áp lực bầu cử, sẽ định nghĩa trở lại căn bảng của thắng lợi tại Iraq để giải thích sự rút lui của họ và để một đồng minh yếu đuối tự lực cánh sinh.
Dù HK có áp dụng giải pháp nào đi nữa thì triễn vọng một Iraq và một Trung Đông dân chủ thật sự là một ảo tưởng và là một ảo ảnh trong sa mạc. Ta chỉ mong rằng Iraq ít nhất sẽ biến thành một quốc gia có những sắc thái sau đây: một chánh quyền trung ương với quyền hành rất giới hạng, các chánh quyền địa phương có khá nhiều quyền tự trị, các giáo phái chia sẻ lợi tức dầu hỏa với nhau, và ở cấp địa phương, một thể chế chánh trị tương đối có tánh cách đại diện và khoan dung đối với các nhóm thiểu số.

Chicago ngày 25.10.2006

Post Reply