Bình Luận Thời Sự

Những đề tài nóng của Thời Sự. Các bài viết lượm nhặt trên Net ở nơi đây chỉ dùng để tham khảo không phải là chính kiến riêng của nhóm phụ trách.

Moderators: CayQueo, phu_de

Post Reply
User avatar
nangchieu
Posts: 2060
Joined: Sun Apr 19, 2009 6:38 pm

Post by nangchieu »

Image

TQ Thách Thức Vị Thế Siêu Cường Của Mỹ Ở Biển Đông

Huỳnh Quang

Ngày 12 tháng 3 năm 2018, Quốc Hội Trung Quốc đã xóa bỏ điều luật hạn chế 2 nhiệm kỳ của chức vụ chủ tịch nhà nước Trung Cộng để Tập Cận Bình có thể tiếp tục nắm quyền lãnh đạo tối cao vĩnh viễn nhà nước độc đảng toàn trị này. 5 ngày sau, vào ngày 17 tháng 3 năm 2018, Tập Cận Bình được suy tôn lên làm chủ tịch nhà nước Trung Cộng không hạn chế nhiệm kỳ, có nghĩa là có thể tại vị vĩnh viễn.

Sự kiện này tạo thêm điều kiện thuận lợi cho Tập Cận Bình tiếp tục thực hiện chính sách bá quyền dân tộc đại Hán và đẩy Trung Cộng vào cuộc phiêu lưu tham vọng xâm chiếm lãnh thổ vá lãnh hải của các lân bang và cạnh tranh quyền lực với siêu cường Mỹ không những tại Á Châu Thái Bình Dương mà còn trên toàn cầu.

Phó Giáo Sư Will Saetren tại Viện Nghiên Cứu Mỹ-Trung và nhà phân tích tình hình Á Châu Hunter Marston tại Thủ Đô Hoa Thịnh Đốn đã nhận định và phân tích về vị thế siêu cường của Mỹ đang bị Trung Cộng cạnh tranh nguy hiểm trong bài viết “Washington Must Own up to Superpower Competition With China” [Washington Phải Lấy Lại Sự Cạnh Tranh Siêu Cường Với Trung Quốc], được đăng trên trang mạng www.thediplomat.com hôm 8 tháng 3 năm 2018, cho thấy nhiều điểm đáng quan tâm như sau.

Với quyết định của Quốc Hội Trung Quốc bỡ bỏ giới hạn đối với chức vị chủ tịch, và việc suy tôn Tập Cận Bình lên làm chủ tịch vô thời hạn đã củng cố quyền lực tối thượng của ông Tập. Biến chuyển này bảo đảm chủ trương về Trung Quốc của họ Tập, càng quyết liệt và chắc chắn hơn trong khả năng đẩy lùi Hoa Kỳ ra khỏi Thái Bình Dương, đã chiến thắng. Sự kiện này khiến cho 2 siêu cường, Trung Cộng và Hoa Kỳ, đã bước vào cuộc cạnh tranh siêu cường. Nhưng Washington thất bại trong việc hành động đối với thực tế mới này phô bày các hiểm họa nghiêm trọng. Cho đến khi nào vấn đề này còn tồn tại, Hoa Kỳ sẽ phải tự chuốc lấy bất lợi nặng nề trong khả năng kiềm chế sự vươn lên của Trung Quốc.

Cùng lúc khi mà niềm tin toàn cầu vào Hoa Kỳ đang suy sụp, Trung Quốc đang thực hiện các nỗ lực để thu phục các quốc gia tại khắp Âu Á và Thái Bình Dương vào vòng ảnh hưởng của họ. Chiến lược này đang bắt đầu có lời, chậm nhưng chắc ăn trong việc xé nhỏ trật tự do Mỹ dẫn đầu kể từ năm 1945.

Sau hơn nửa thế kỷ phát triển, Trung Quốc đã trở thành nước cạnh tranh gần ngang sức với Hoa Kỳ. Dù tổng sản lượng nội địa toàn quốc (GDP) của Trung Quốc bằng 1/3 của Hoa Kỳ, sức mạnh mua sắm của họ đạt tới 25,000 tỉ đô la vượt hơn Mỹ 1/3. Trung Quốc sắp trở thành thị trường tiêu thụ lớn nhất thế giới, và nền kinh tế của họ đang phát triển ở tỉ lệ gia tăng gấp 2 của kinh tế toàn cầu. Theo Bloomberg, vào năm 2028 Trung Quốc sẽ soán đoạt ngôi vị nền kinh tế lớn nhất của Hoa Kỳ bằng thước đo GDP.

Theo Chỉ Số Stockholm International Peace Research Index, ngân sách quốc phòng của TQ trong năm 2016 bằng 1/3 của Hoa Kỳ, nhưng hệ thống đấu thầu của họ thì hiệu quả hơn nhiều. Hẳn nhiên, TQ có nhiều vấn đề với tham nhũng và không hiệu quả (các ảnh hưởng kết hợp làm trì kéo nền kinh tế TQ), nhưng không có vẻ gì điều đó lớn bằng gánh nặng phức tạp kỹ nghệ quân sự của Mỹ. Trong năm 2016, báo Washington Post công bố một nghiên cứu nội bộ cho thấy rằng Ngũ Giác Đài đã cố giấu nhẹm 24 tỉ đô la của ngân sách quốc phòng đã bị hoang phí. Chỉ một năm trước đó, Bộ Trưởng Hải Quân Hoa Kỳ Ray Mabus than thở rằng 20% ngân sách quốc phòng bị đổ sông bỏ biển.

TQ ngày càng gia tăng chi tiêu quân sự, trong khi Hoa Kỳ ngày càng cắt giảm ngân sách quốc phòng. Dù Hoa Kỳ vẫn giữ lợi thế về chất lượng so với quân đội TQ, Bắc Kinh không mang gánh nặng 2 cuộc chiến diễn ra tại Trung Đông và chiếc dù an ninh mà Washington cung cấp cho các đồng minh. Trong trường hợp lưỡng đầu thọ địch tại sân sau của Trung Quốc, Hoa Kỳ chắc chắn sẽ bị phân tán rất mỏng để có đủ lực lượng cần thiết để đối đầu.

Chẳng may là Washington dường như phủ nhận hiện thực mới này. Không nơi nào mà điều này thấy rõ hơn là tại Biển Đông, nơi mà Hải Quân Hoa Kỳ đã giáp mặt với thực tế là nó [Biển Đông] không còn là vùng biển của thế giới nữa.

Nhiều năm qua, Hải Quân Hoa Kỳ đã thực hiện các hoạt động tự do hàng hải (FONOPs) trong mỗ lực đẩy lùi sự bành trướng của Trung Quốc tại Biển Đông. Về mặt chiến lược, điều này đã thất bại trong việc mang lại các kết quả mong muốn: ngăn chận Bắc Kinh xây đảo và tuyên bố khẳng định “quyền lịch sử” đối với các vùng biển nằm xa về phiá nam của họ. Ngược lại, Trung Quộc đã khẳng định các tuyên bố chủ quyền lãnh thổ của họ trong khu vực bằng việc bố trí quân sự trên các bãi đá nhân tạo đủ lớn để làm hải cảng cho toàn bộ hải quân của họ. Cộng với sự trình làng các hệ thống phi đạn chống tàu chiến hiện đại như DF-21D, việc thống trị khu vực của Trung Quốc là chuyện đã rồi. Bất kể đến điều này, chính phủ Trump khẳng định rằng chính sách của Hoa Kỳ trong khu vực cần phải dựa vào hiện trạng, mà đã không nhận ra sự ngang bằng quyền lực mới.

Các quốc gia Đông Nam Á đã nhìn thấy sự thất bại của chính sách Hoa Kỳ để ngăn cản sự trỗi dậy của Trung Quốc và đã bắt đầu hồ nghi sự bảo đảm an ninh của Mỹ. Tại Phi Luật Tân, Tổng Thống Rodrigo Duterte đã bày tỏ suy nghĩ rằng liệu Mỹ có sẽ bảo vệ Phi Luật Tân hay không và đã cố gắng làm hòa với Trung Cộng. Các quốc gia khác trong vùng như Singapore và Việt Nam đã bày tỏ sự quan ngại sâu sắc qua việc chính phủ Trump có muốn duy trì sự hiện diện an ninh của Mỹ tại Thái Bình Dương không.

Chiến Lược Phòng Thủ Quốc Gia (NDS) được phổ biến gần đây nói rằng “Trung Quốc là đối thủ chiến lược.” Trong Chiến Lược An Ninh Quốc Gia (NSS) năm 2018 còn đi xa hơn và tuyên bố rằng Trung Quốc tìm cách “thách thức quyền lực, ảnh hưởng, và lợi ích của Mỹ, cố bào mòn an ninh và thịnh vượng của Mỹ.”

Chỉ nêu tên và phàn nàn Trung Quốc không thôi thì chưa đủ để giải quyết vấn đề nền tảng. Nếu Hoa Kỳ muốn duy trì sức mạnh cạnh tranh đứng đầu trong mối quan hệ này, thì phải nhận ra rằng sức mạnh cạnh tranh của Trung Quốc còn lớn hơn Washington nhận biết. Để chơi trò chơi khôn khéo, những người chơi game trước hết cần đồng ý một số luật lệ đặc biệt và phát triển các chiến lược của họ cùng lúc. Bằng vào việc bác bỏ sự thừa nhận rằng Trung Quốc đã trở thành siêu cường bùng nổ, Hoa Kỳ đang tự mình từ chối các dụng cụ cần thiết để kềm chế mối quan hệ một cách thành công và đảo ngược sự đối đầu mà có thể đưa đến kết cuộc tai hại.

Chuyến viếng thăm lịch sử trong vòng hơn 40 năm qua của Hàng Không Mẫu Hạm Hoa Kỳ USS Carl Vinson vào bến cảng Đà Nẵng của Việt Nam vào ngày 5 tháng 3 có thể được hiểu như là bước đi mạnh mẽ nhất của Mỹ trong chính sách thể hiện cam kết về sự hiện diện của Quận Đội Hoa Kỳ tại Biển Đông để chận đứng đà bành trướng tham vọng xâm chiếm biển đảo của Trung Cộng trong vùng biển chiến lược này.

User avatar
saohom
Posts: 2212
Joined: Wed Aug 26, 2009 11:30 pm

Post by saohom »

Toàn bộ lãnh thổ Việt Nam đã an bài trong tay Trung Quốc

Phan Châu Thành


Tôi có ông bạn học hiện làm cấp tướng trong hải quân VN, trong một buổi nhậu bạn bè với nhau cách đây gần năm ở HN, tôi hỏi hắn:
“Nếu bây giờ TQ tấn công trên biển, quân của cậu chống được bao lâu?” Hắn cười: “Chắc là chưa đến ba ngày?!”
Tôi ngạc nhiên: “Sao chết nhanh vậy?” Hắn lại cười: “Không phải chết, mà là chạy. Thời đại này ai dại gì chết cho ai?!”
“Đấy là cậu nói về lính hay sĩ quan các cậu?”
“Cả hai, nhưng sĩ quan chạy trước rồi lính mới chạy. Lính không dám chạy trước, chỉ trốn thôi. Sĩ quan mới chạy!”
Tôi thắc mắc: “Tại sao thế? Sĩ quan tinh thần cao hơn và phải làm gương cho lính cơ mà?”
“Ừ, nhưng sĩ quan lại biết mình toàn nói dối và thấy cấp trên cũng toàn nói dối, và ai cũng biết chết thì mình chịu, thắng thì là chiến công của sếp, tội gì chết thế!”
Chúng tôi cười xòa, coi đó là câu chuyện cười nói cho vui, vì ông bạn trong Bộ tổng tư lệnh ở HN, nó đâu có phải ra trận. Nhưng nó cũng không cần phải mua vui với tôi, nó nói có phần nhiều là thật. Thế nên tôi không quên được.
Một bữa khác cách nay khoảng nửa năm, trong chuyến xe đêm từ Sài gòn đi Nha Trang, tôi nằm cạnh anh lính trẻ trả phép ra Cam Ranh. Tôi hỏi chuyện ăn ở sinh hoạt của lính nghĩa vụ ngoài đó, cậu thật thà:
“Cháu mới đi mấy tháng, nhờ có người quen chạy cho nên không phải đi vùng xa hay đảo, chỉ ra Cam Ranh thôi, được về phép đều đặn, nếu biết quà cáp cho sĩ quan còn được kéo dài phép…”
“Thế sĩ quan có về phép thường xuyên không?”
“Sĩ quan của bọn cháu toàn sĩ quan chuyên nghiệp, gia đình họ ở Cam Ranh và Nha Trang luôn, họ đâu cần về phép, và họ có thể về nhà bất cứ lúc nào họ muốn, họ sướng lắm!”
Thế họ có ăn chung với các cháu không?”
“Không, họ có tiêu chuẩn riêng cao gấp mấy lần lính bọn cháu! Họ ăn ở riêng.”
“Thế tiêu chuẩn lính bọn cháu thế nào?”
“Chúng cháu được 35 ngàn đồng ngày. Thế là cao đấy chú ạ, vì chúng cháu gần Ban chỉ huy Vùng. Mấy thằng bạn cháu đóng quân ở xa kêu khổ lắm, chỉ có 28 ngàn đồng ngày thôi…”
“Sao lại 28 ngàn thôi?!” Tôi xót xa nhẩm tính: lính của mình (công nhân và kỹ sư của tôi) ở công trường cảng Vân Phong này được ăn 80 nghìn đồng/ngày mấy năm nay, vừa tăng lên 100 nghìn ngày do giá cả lên, mà tôi vẫn thương chúng khổ, gầy và đen, bắt chúng cố ăn, và lo chúng bỏ về Sài gòn, thế mà chiến sĩ của ta…
Tôi lại đi lạc đề muốn nói rồi. Ý của tôi là, chỉ chuyện ăn ở thôi thì lính của ta cũng thiếu sức chiến đấu rồi, chưa nói đến tinh thần chiến đấu và niềm tin vào cấp trên.

Giờ nói về chủ đề chính, đó là bảo vệ lãnh thổ. Xin kể câu chuyện thứ ba. Cách đây mấy tháng, chúng tôi tổ chức một đoàn “du lịch- thám hiểm” ra điểm Cực Đông trên đất liền của đất nước với mục đích: sống 1 ngày gần với Hoàng Sa Trường sa nhất (về kinh tuyến).

Trên đường ra đó rất khó khăn, chúng tôi không ngờ cả một khu bán đảo rộng lớn bờ biển dài mấy chục cây số không có dân cư (đã bị đuổi đi hết) và chỉ có một đồn biên phòng gần ra đến Cực Đông đã bị bỏ hoang do chuyển vào gần quốc lộ 1 hơn, trong khi đường lớn do các “dự án lớn” của Vinalines làm đến nới cũng bỏ hoang không bóng người. Hỏi ra mới biết đó là tình trạng của hàng loạt đồn biên phòng ven biển và trên các đảo khu vực bắc và nam Vân Phong (thuộc Khánh Hòa và Tuy hòa): họ đã rút hết vào sống trong dân và để quản dân, không quản bở biển nữa. Hàng trăm cây số ven biển không có ai canh giữ, nhưng đã có sẵn đường lớn nhập vào quốc lộ 1… Ngày xưa họ ở đó là để bắt người vượt biên thôi… Biên phòng VN không quay súng ra biển mà quay súng vào dân!

Câu chuyện thứ tư. Đơn vị chúng tôi tham gia rất nhiều công trình lớn dọc biển miền Trung, lắp ráp các thiết bị kỹ thuật hiện đại (rất ít khi là đồ TQ). Từ Dung Quất đến Vũng Áng, Vân Phong… Nhưng ở đâu chúng tôi cũng thấy các đơn vị TQ đấu thầu và thắng thầu thi công phần các cầu cảng. Họ chỉ quan tâm và bỏ mọi giá để nhận phần việc đó dù rất nhiều đơn vị VN làm được, nhưng các nhà thầu VN phải lè lưỡi bỏ ra cho họ vì giá của họ quá thấp… Sau đó họ luôn quây kín cả một vùng biển và bờ biển lớn người khác không được vào để họ thi công trong suốt nhiêu năm trời.

Và họ thường là đơn vị làm kéo dài các dự án lớn nhưng không ai làm gì được. Khui họ thi công xong chúng tôi mới lên lắp thiết bị và không ai biết bên dưới và bên trong những khối bê tông cầu cảng lớn đó có những gì. Chúng tôi thường đùa nhau: ngày đầu tiên TQ đánh VN họ sẽ cho nổ tung tất cả những cầu cảng trị giá vài chục đến vài trăm triệu đôla này (có thể cặp mạn những con tàu lớn đến 150.000-300.000dwt)… hoặc họ sẽ khống chế chúng để làm điểm đổ quân tuyệt vời cho họ, ở Dung Quất, Vân Phong, Vũng Áng và nhiều nơi nữa phía Bắc và Nam, nhất là Kiên Giang cũng sắn sàng…
Câu chuyên thứ năm. Tôi về quê ngoại Quảng Ninh, ra Hạ Long gặp mấy thằng bạn cũ, trong đó có thằng đại gia chuyên san đất lấp biển bán nền, giầu không để đâu hết tiền, luôn khoe có đội xe máy húc ủi đào đông như quân nguyên, đã phá không biết bao đồi núi, lấp biết bao bờ vịnh san hô và sú vẹt để bán trên giấy, từ Quảng yên đến Hải Hà… Gặp nó tôi bảo:
– “Tội phá hoại môi trường Vịnh Hạ Long và Bái Tử Long của mày phải đem ra bắn!”
– Nó cười khẩy: “Bắn tao hơi khó! Mày phải bắn hết các bí thư và chủ tịch, phó chủ tịch tỉnh và các huyện thị Quảng Ninh này đi đã!” Rồi nó quàng vai người ngồi cạnh: “A, cả thằng này nữa, giám đốc Sở tài nguyên Môi trường mà…” Tôi nhăn mặt nghĩ: Đúng thật, nếu muốn bảo vệ môi trường Vịnh Hạ Long và Bái Tử long mà tôi yêu quí, tôi sẽ phải bắn gần hết các bạn học cũ của mình, vì chúng nó làm quan chức kín cả cái tỉnh quê ngoại của tôi rồi…
Tôi phán tiếp:
“Mày còn một tội lớn nữa! Mày đem xe máy lên Tiên Yên, Ba Chẽ (hai huyện núi biên giới) làm đường từ biên giới xuống cho bọn Ba Tàu sau này tấn công mình lần nữa. Lần trước nó tấn công không có đường xuống, tự vệ dân quân còn cản được. Lần này chỉ mấy giờ là xe nó chạy đến Hạ Long này, lại có cầu bãi chấy rồi, Công chúng mày to quá!”
Thằng đại gia xẹp hẳn xuống lẩm bẩm: “Đéo mẹ bọn Tàu! Chúng nó còn không chịu trả tiền công cho tao nữa! Đau quá!” (Đó là nó chửi mấy công ty Đài loan thuê rừng 50 năm rồi thuế nó làm đương lên “trồng rừng”. Đường làm xong lên các đỉnh núi biên giới, không trả tiền và rừng tất nhiên cũng không…).

Và câu chuyện cuối cùng. Tôi đưa con trai lên Tây Nguyên chơi, mới đây thôi, để nó biết Tây Nguyên là thế nào. Một số đoạn đi qua đường Hồ Chí Minh mới làm lớn mà vô cùng hoang vắng, thằng bé rất ngạc nhiên hỏi: “Bố, sao mình làm đường lớn đẹp dài mà không có người đi thì làm gì vậy?” Tôi thở dài chua chát “Bố chịu!” Chả lẽ nói ra ý nghĩ thật của mình: “Bố sợ rằng người ta làm đường để sau này TQ đánh VN sẽ dễ chiếm và không chế Tây Nguyên và rồi cả đất nước này?”
Sau chuyến đi Tây Nguyên về, tôi đùa với con trai: “Con ơi, hãy học tiếng Anh giỏi để du học rồi ở lại đó luôn, như chị con vậy đó. Bằng không, hãy học tiếng Tàu! Nước mình sắp thay quốc ngữ rồi!”

Vâng, ý của tôi là thế đó. Người Việt nam, chính quyền Việt Nam hiện nay đã chuẩn bị sẵn sàng địa thế và mọi cửa ngõ Lãnh thổ quốc gia để TQ tràn vào dễ dàng nhất. Tinh thần quân đội và sức chiến đấu thì rất bạc nhược rồi, cảnh giác thì… chĩa súng vào dân rồi. Các chiến sĩ Trung Hoa cứ yên tâm mà đến !…..
Đất nước này dường như đã có chỉ đạo bàn giao nhẹ nhàng để sát nhập vào TQ?
Chỉ còn một điều: Liệu dân Việt ta có chịu thế hay không?


Phan Châu Thành
Nguồn: Dân Làm Báo

User avatar
saohom
Posts: 2212
Joined: Wed Aug 26, 2009 11:30 pm

Post by saohom »

Image

Vòng xoáy suy vong của CSVN

Lê Minh Nguyên
(Danlambao) - Vấn đề của Việt Nam hiện nay là vấn đề thay đổi hệ thống chính trị, nó không phải là vấn đề hoài cổ hay nhằm vào việc trả thù. Dân tộc Việt Nam cần đoàn kết để giữ gìn độc lập và bảo vệ chủ quyền đất nước.

Để làm được điều này thì cái môi trường xúc tác cho sự đoàn kết để tạo nội lực cần phải sẵn sàng, tức là một hệ thống chính trị đương đại thích hợp, dung thứ được những bất đồng để cùng nhau bảo vệ sự sinh tồn của quốc gia dân tộc.

Trong tất cả các hệ thống chính trị đã lưu hành thì hệ thống dân chủ pháp trị đã chứng tỏ được khả năng đoàn kết dân tộc, xây dựng nội lực và tạo ổn định chính trị thực sự.

Một chính quyền sợ dân thì không phải là một chính quyền ổn định, chính quyền là bạn dân mới mà chính quyền ổn định. Chính quyền do dân chọn ra và nếu người dân không thích thì người dân có khả năng thay đổi được mới là chính quyền ổn định.

Dân chủ như người biết bơi, độc tài như người đứng trên bờ và sợ nước. Nếu đứng mãi trên bờ thì không bao giờ bơi được và cứ cho rằng xuống nước sẽ bị sặc nước, bị chết chìm, dân chủ chỉ gây hổn loạn và sụp đổ chính trị thì chỉ có được độc tài.

Thực tế là khi tập bơi, ban đầu người ta có thể bị sặc nước, tức có vài bất ổn nhỏ vì thiếu kinh nghiệm và chưa quen, nhưng đó chỉ là chướng ngại giai đoạn và dễ vượt qua được, như Đài Loan, Nam Hàn, Nam Dương... đã kinh qua. Nhưng khi đã biết bơi rồi thì như kình ngư trên biển cả, vừa ổn định chính trị với chính quyền là bạn dân, vừa mạnh mẽ phát triển được đất nước.

CSVN biết rõ đại vấn nạn của họ là hệ thống chính trị lỗi thời, đầy lỗi hệ thống, do kiến trúc ban đầu chủ ý sao cho thật là cứng ngắc, không cho phép sửa đổi để nhằm bảo vệ cái gene độc tài độc đảng, cho nên họ thật sự lúng túng khi môi trường sống của nhân loại đã đổi thay, hệ thống lỗi thời này chỉ có thể tiếp tục ù lì để chờ ngày sụp đổ, không thể biến cải qua dân chủ được.

Hệ thống sai, tức vấn đề của mọi vấn đề, nguyên nhân của mọi nguyên nhân thì lãnh đạo CSVN không dám đụng đến, coi đó là taboo/cấm kỵ. Để tránh né việc đương đầu với lỗi hệ thống, họ phùng xoè bằng việc chống tham nhũng mà thực chất là thanh toán phe phái và ngăn chận hiện tượng tự diễn biến tự chuyển hoá từ bên trong và từ bên trên của các đảng viên.

Vấn đề hệ thống là vấn đề nền tảng của độc tài hay dân chủ, nhưng lại là vấn đề ít được quan tâm. Do bản năng xã hội của luật sinh tồn dẫn dắt, nguời ta thường quan tâm đến quan hệ con người và sự giao thiệp người-người bên trong hệ thống mà ít khi để ý đến cái tai hại của một hệ thống sai lầm đang nhốt họ bên trong. Người ta dễ nhìn ra ông Nguyễn Tấn Dũng tham nhũng nhưng khó nhìn ra hệ thống độc tài độc đảng là sai. Khi hệ thống đã sai thì người tốt muốn tồn tại phải hành xử như người xấu để thích ứng với hệ thống (ở bầu thì tròn, ở ống thì dài), cho nên nếu không ông Dũng thì ông Phúc, ông Bình, ông Quang... cũng tham nhũng thế thôi!

Ca dao Việt Nam có câu:

Tiếc công vun quén cây tùng
Săm soi trên ngọn, gốc sùng không hay

Câu ca dao này phản ảnh nổ lực “đốt lò” của ông TBT Nguyễn Phú Trọng, dù cái lò “đã nóng lên rồi” củi tươi cũng phải cháy như ông đã nói, nhưng khi ông càng đốt thì đảng CSVN càng rã rời, ai cũng lo là không biết khi nào đến phiên mình, vì mối dây đoàn kết bây giờ thuần tuý là quyền lợi và quyền lực, chứ không phải hệ thống giá trị, lý tuởng hay chất keo Mác-Lê gì sấc, cho nên nó tạm thời và hay thay đổi, mai mốt nếu phe mình yếu thì tới phiên mình bị làm củi đốt ra tro. Tham nhũng thì uỷ viên nào cũng đều tham nhũng, nên thực chất thì ai cũng đều là củi, hệ thống có đầu vào là người và đầu ra là củi. Hệ thống vận hành theo luật rừng xanh, củi mạnh đẩy củi yếu vào lò. Cái gốc của hệ thống đã bị sùng ăn nhưng ông Trọng thì lo săm soi trên ngọn.

Ngày 10/4/18, ông Trọng chủ trì cuộc họp của Ban Bí Thư Trung Ương Đảng. Ông nói dư luận trong Đảng đang dấy lên mối lo ngại rằng chống tham nhũng nếu “không cẩn thận sẽ làm nhụt chí (đảng viên), không ai muốn làm nữa”, và ông nói rằng “tư tưởng đó sai... nếu ai thấy cản trở, nhụt chí thì dẹp sang một bên cho người khác làm”, có nghĩa là ông tiếp tục đốt lò để loại các đối thủ của ông trong Đảng. Nhưng ngay sau đó ông bày tỏ sự bất lực, than thở về tình trạng “trên nóng dưới lạnh” trên bảo dưới không nghe. Rõ ràng là trong Đảng đang có sự âm thầm liên minh và ngầm chống đối.

Rồi ông Trọng tự thú nhận rằng chống tham nhũng chỉ là cái cớ để nguỵ trang cho cái mối lo sợ thực sự của ông là hiện tượng tự diễn biến trên thượng tầng kiến trúc của Đảng. Ông nói rằng nội hàm tự diễn biến, tự chuyển hóa về tư tưởng chính trị CHƯA ĐƯỢC CHÚ Ý, mà mới nặng về đạo đức lối sống, xử lý các sai phạm kinh tế (tức chống tham nhũng); cái SÂU XA là trung thành tuyệt đối với Đảng, kiên định với chế độ (http://bit.ly/2veMZvp). Điều này có nghĩa là ông Trọng thú nhận đảng viên không còn trung thành với Đảng, không còn kiên định với chế độ, tất cả chỉ là vì nồi cơm, nếu thay đổi hệ thống mà nồi cơm vẫn giữ được thì họ sẵn sàng bỏ chiếc thuyền chìm để nhảy qua thuyền nổi.

Mối ưu tư thực sự của ông Trọng là sự sụp đổ của Đảng, nó xảy ra khi đầu não lãnh đạo rã rời, như con trai ông Lê Duẫn là TS Lê Kiến Thành đã báo động cách nay hơn hai tháng (http://bit.ly/2nkhvgZ). Ông Trọng biết rõ thượng tầng lãnh đạo đang bị chia rẽ trầm trọng và bị cuốn vào vòng xoáy suy vong. Theo một nguồn tin khả tín từ Hà Nội, chị cho biết ông Trọng lo lắng hiện tượng tự diễn biến đe doạ sụp đổ chế độ hơn cả hiện tượng diễn biến hoà bình của các thế lực thù địch, vì ông dễ bắt dễ nhốt họ hơn các đồng chí tự diễn biến của ông. Những Trần Huỳnh Duy Thức, Hội Anh Em Dân Chủ, Mẹ Nấm, Trần Thị Nga... ông bắt và kết án trên 10 năm dễ hơn là bắt và kết án tương tự với các uỷ viên Bộ Chính Trị, Trung Ương Đảng, hay các cựu quan chức cao cấp, vì bứt dây động rừng dẫn đến sụp đổ.

Việc “đốt lò” của ông đang nhắm vào hai thành phố lớn là Đà Nẵng và Saigon. Ở Đà Nẵng ông dùng đầu dây Vũ Nhôm (Phan Văn Anh Vũ) để triệt hạ Trần Đại Quang, Tô Lâm và khoảng 12 tướng trong Bộ Công An. Quang bị ung thư máu, đầu Tháng 4/2018 lại đi Nhật trị bệnh, đó là một hình thức rút lui vì lý do sức khoẻ.

Tô Lâm sẽ bị thay thế bởi Bùi Văn Nam, một tướng thứ trưởng công an bảo thủ đáng gờm, trung thành với ông Trọng và có thể trở thành uỷ viên Bộ Chính Trị trong năm nay.

Ngày 18/4, nhà riêng hai cựu Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, ông Trần Văn Minh và ông Văn Hữu Chiến bị khám xét, hai ông này đã bị khởi tố hôm 17/4. Cùng ngày, nguyên Phó Tổng cục trưởng TC5 Bộ Công an đã nghỉ hưu, trung tuớng Phan Hữu Tuấn và cán bộ công an Nguyễn Hữu Bách bị bắt tạm giam. Các ông Nguyễn Điểu, Trần Văn Toán, nguyên Giám đốc và Phó giám đốc Sở Tài nguyên môi trường TP Đà Nẵng, và ông Lê Cảnh Dương, Giám đốc Ban xúc tiến và hỗ trợ đầu tư TP Đà Nẵng đã bị truy tố (http://bit.ly/2Jd6uXw).

Ngoài ra trung tướng công an Phan Văn Vĩnh, nguyên Tổng Cục trưởng Tổng Cục Cảnh sát, và thiếu tuớng công an Nguyễn Thanh Hoá, nguyên cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao C50 bị bắt vào tháng 3 vì liên quan đến một đường giây đánh bạc.

Ở Saigon, ông Trọng đang triệt hạ phe cánh của cựu bí thư Lê Thanh Hải, phe cánh này trong khoảng 15 năm qua đã cấu kết với bà Trương Mỹ Lan (Vạn Thịnh Phát, liên hệ kinh tài với tình báo Hoa Nam) thao túng bất động sản vùng Saigon. Ông Hải đã từng đẩy hàng trăm gia đình ở Quận 2 thành dân oan, thực hiện qua bàn tay của ông Tất Thành Cang. Em ông Hải là Lê Tấn Hùng, Tổng giám đốc Tổng Công ty Nông nghiệp Saigon đã bị kỹ luật. Con ông là Lê Trương Hải Hiếu, Chủ Tịch UBND Quận 12 cũng vừa bị kỹ luật hôm 17/4 với lý do lãng xẹt là đã có quan hệ tình cảm với một phụ nữ và có con chung, nhưng chậm báo cáo (http://bit.ly/2vzRUHg).

Trong hai ngày 11-12/4, Bộ Chính Trị CSVN có cuộc họp lấy ý kiến về những đề án sẽ trình lên Hội Nghị Trung Ương 7 (HNTƯ7) diễn ra trong tháng 5 (thay vì tháng 4 như dự trù vì ông Trọng chưa sắp xếp được nhân sự), ba nội dung chính là tập trung xây dựng lực lượng cán bộ các cấp, cải cách chính sách bảo hiểm xã hội, và cải cách chính sách tiền lương (http://bit.ly/2Jbgu38). Trong hội nghị này, chỉ dấu là ông Đinh Thế Huynh sẽ chính thức bị loại khỏi BCT, ông Trần Đại Quang không tham dự. Theo tin Hà Nội, ông Huynh bị ông Trọng bí mật thu băng cuộc nói chuyện với Đinh La Thăng mà nội dung là ông Thăng hối lộ ông Huynh 500 ngàn đôla để giúp Trịnh Xuân Thanh bỏ trốn, ông Thăng nói với ông Huynh rằng: chuyện này anh Quang (Trần Đại Quang) đã đồng ý rồi và chỉ còn có anh nữa thôi!

Sau HNTƯ7 đa phần ông Nguyễn Thiện Nhân sẽ thay ông Quang nắm chức Chủ Tịch Nước. Ông Nhân ba phải, không có xương sống để thách thức uy quyền ông Trọng cho nên ông Trọng an toàn trong việc ‘de facto’ nhất thể hoá quyền lực Đảng và quyền lực Nhà Nước vào tay ông. Bí Thư Saigon sẽ là một trong hai người: Võ Văn Thưởng và Trương Hoà Bình. Ông Bình không mặn mà trong vị trí này vì nó làm ông thấp hơn vị trí hiện tại là Phó Thủ Tướng Thường Trực và dễ bị tai tiếng hơn, trong khi ông ăn đã no, trừ khi ông bị ông Trọng ép phải nhận. Cho nên đa phần là ông Võ Văn Thưởng sẽ là bí thư Saigon.

Vụ ông Út Trọc (Thuợng Tá Đinh Ngọc Hệ) Chủ tịch HĐQT Công ty Thái Sơn, Phó tổng giám đốc đối ngoại của tổng công ty Thái Sơn thuộc Bộ Quốc phòng bị khởi tố là do ông Trọng muốn triệt Thứ Trưởng Bộ Quốc Phòng, Thượng Tướng, “Anh Năm” Nguyễn Chí Vịnh, một đồng minh của ông Nguyễn Tấn Dũng. Ông Trọng ưu ái Bộ Quốc Phòng vì đa số trong bộ này đang là đồng minh của ông ta, nên bộ QP không bị xáo trộn như Bộ Công An. Đánh Út Trọc để lể cái gai “Anh Năm” Nguyễn Chí Vịnh, chứ Vincom của đại tá Tổng Cục 2 Bộ QP Phạm Nhật Vượng vẫn mua đất với giá ưu đãi do được ông Trọng chống lưng. Bộ QP không thể vô can trong vụ đất quân đội ở Căn Cứ 26 Phan Văn Trị, Gò Vấp mà bộ ưu ái chuyển cho các đại gia. Ông Trọng muốn ôm súng lớn để khống chế súng nhỏ của công an (http://bit.ly/2Jal9SZ).

Bên trong cái hệ thống đầy lỗi của độc tài độc đảng là một sự chằng chịt các gọng kềm kiểm soát chống lật đổ, ví dụ như các tư lệnh quân khu muốn điều binh phải có từ 5 đến 7 chữ ký, tuỳ theo bên trong hay bên ngoài quân khu. Bộ Công An bị nghi ngờ, ông Trọng ngồi vào đảng uỷ để vô hiệu hoá quyền lực của bộ trưởng Tô Lâm, dùng vụ án Vũ Nhôm để loại đối thủ, cải tổ tuớc bớt quyền hành và đưa người của ông ta lên để nắm bộ này. Dù vậy, khi lòng trung thành của đảng viên không còn nữa thì những sự kiểm soát chống lật đổ sẽ chẳng có giá trị gì.

Trong tiến trình đàn áp hiện tuợng tự diễn biến trong đảng CSVNqua chiêu bài chống tham nhũng, ông Trọng đã tạo ra quá nhiều kẻ thù. Những kẻ thù này đang âm thầm liên kết lại và sẵn sàng nổ tung cho vỡ đảng để thoát cảnh củi lửa đốt lò. Ông càng đốt lò thì vòng xoáy suy vong càng tăng tốc.

Sự sụp đổ của một chế độ đã già cỗi và đang suy tàn đến từ hai yếu tố: lòng dân muốn thoát ra khỏi hệ thống kềm kẹp sưu cao thuế nặng như hiện nay, và thượng tầng lãnh đạo bị chia rẽ không thể nào hàn gắn được như các phe phái trong Đảng đang đốt lò làm thịt lẫn nhau.

Những người đang tranh đấu cho dân chủ tự do, dù bị CSVN dã man đàn áp, nhưng niềm tin và hy vọng cho một tương lai sáng lạng cho dân tộc đang dang tay chào đón họ trong khúc hát khải hoàn.

21.04.2018
Lê Minh Nguyên

kalua
Posts: 836
Joined: Sun Apr 22, 2012 5:26 pm

Post by kalua »

Những chuyện sau 30-4-1975 không thế nào quên được.

BẮT ÐẦU CUỘC ÐỔI ÐỜI

Nguyễn-Huy Hùng
Sau khi chiếm được Saigon, Chính phủ Cách mạng Lâm thời miền Nam Việt Nam (hậu thân của Mặt trận Giải phóng miền Nam) ban hành lệnh đổi tên Thành phố Saigon, nguyên Thủ đô của Việt Nam Cộng hoà tại miền Nam Việt Nam, ra Thành phố Hồ Chí Minh.

Họ cũng buộc tất cả mọi nhà phải treo cờ Mặt trận Giải phóng miền Nam (nửa xanh nửa đỏ có sao vàng 5 cạnh ở giữa), cờ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà của miền Bắc Xã hội Chủ nghiã (nền đỏ, sao vàng) nơi trước cửa, và trong nhà treo ảnh Hồ Chí Minh. Những nhà thuộc loại Ðảng viên Cộng sản, còn hãnh diện treo thêm cờ Búa Liềm của Ðảng Cộng sản Quốc tế. Những nhà người Việt gốc Hoa, ngoài 2 lá cờ của Cộng sản Việt Nam (CSVN), phải treo thêm cờ Trung Cộng. Thật là đầy đủ mầu sắc của Quốc tế Cộng sản, tràn ngập khắp nẻo ngõ ngách đường phố trên đất nước Việt Nam.

Ðến khoảng cuối tháng 5-1975, Chính phủ Cách mạng Lâm thời miền Nam Việt Nam, ra thông cáo buộc tất cả Quân nhân, Công chức, thành viên Ðảng phái Chính trị không Cộng sản phải đi trình diện một lần nữa. Các Sĩ quan QLVNCH thì trình diện tại đường Trần Hoàng Quân bên Chợ Lớn, nơi gần nhà máy sản xuất Bia và nước ngọt. Họ thu thẻ căn cước và cấp giấy chứng nhận tạm, để dùng cho đến ngày đi học tập cải tạo.

Một hôm, nhân đi ngang đường Lê Lai gần chợ Bến Thành, Tôi gặp Hạ sĩ T. nguyên là thư ký trong Ban Trị sự của Nhật báo Tiền Tuyến, đang đứng lớ ngớ trước cửa nhà. Thấy Tôi, anh ấy vồn vã mời vào nhà chơi, để trao đổi tin tức thời sự nóng bỏng về tình hình hiện tại, đang xẩy ra trong vùng Saigon, Chợ Lớn, Gia Ðịnh.

Vào đến trong nhà, Tôi giật mình định lui ra. Nhưng anh T. đã nhanh nhẹn ôm ngang lưng Tôi kéo đại vào, và giới thiệu với 3 người Bộ đội Cộng sản, bằng một giọng rất thản nhiên : “-Thưa các anh, đây là chồng Chị Hai của em ở Ngã Tư Bẩy Hiền, nhân hôm nay có dịp đi chợ Bến Thành ghé thăm vợ chồng chúng em. Anh ấy là giáo viên Trung học.” Tôi nhoẻn miệng cười xã giao, gật gật đầu chào mấy người kia xong, thì anh T. kéo vội Tôi lên lầu tâm sự.

Anh T. cho biết, 1 trong 3 người Bộ đội này là người đi tập kết ra Bắc hồi 1954, nay theo đoàn quân CSBV giải phóng trở về Nam. Người đó tên Thọ (không phải Lê đức Thọ), là anh họ bên vợ của anh T.

Khu phố gia đình anh T. đang ở, nhà nào cũng phải tiếp nhận 3 Bộ đội Giải phóng cư trú trong nhà mình như vậy, theo chính sách “BA CÙNG” của Chính quyền Phường (cùng ăn, cùng ở, cùng sinh hoạt). Anh T. hỏi thăm khu Tôi ở có vậy không, Tôi lắc đầu.

Tiếp theo, anh T. thì thầm kể câu chuyện tâm sự của ông anh họ Vợ, đi tập kết trở về rất lý thú như sau :

“Trong khi học tập chuẩn bị trở về Nam, anh Bộ đội tập kết được Ðảng và Nhà nước Cộng sản Bắc Việt rỉ rả tuyên truyền ngày đêm rằng :

-Ðồng bào miền Nam Việt Nam bị Mỹ Ngụy cấu kết nhau bóc lột rất tàn bạo.

-Dân lao động phải ở chui rúc trong những nhà ổ chuột, dựng bằng loại giấy cứng dùng làm thùng chứa hàng hoá do Mỹ thải ra, bên những bãi đổ rác cao như núi hôi thối.

-Ðàn ông, đám trẻ bị bắt đi lính, còn đám già ở nhà thất nghiệp. Ðàn bà con gái phải đi làm đĩ điếm kiếm tiền giúp gia đình, vô cùng nhục nhã …

Vì thế chúng ta phải nhanh chóng tiến hành công cuộc Giải phóng, để cứu Ðồng bào ruột thịt Nam Bộ đang sống quằn quại đau khổ. Các đồng chí cần dành dụm tiền, để mang về cứu giúp họ hàng thân quyến khỏi cảnh khổ cực hiện nay.”

Anh Bộ đội đã chắt bóp, để dành suốt mấy chục năm trời được 2 ngàn Ðồng bạc Cụ Hồ, chắc mẩm rằng khi thân quyến tại miền Nam nhận được món tiền của anh cho, sẽ mừng rỡ tới mức nào. Chắc chắn mọi người cũng sẽ thấy được, công lao bao năm theo Cách mạng của anh thật xứng đáng, và anh sẽ “vô cùng hồ hởi” hãnh diện với bà con làng nước.

Nhưng không ngờ, khi trở về gặp gia đình thì Cha Mẹ đã qua đời. Người anh duy nhất cũng đã già, có vợ và 3 con đã lớn, đứa nào cũng đi làm, có xe máy dầu Honda, Suzuki riêng. Gia đình người anh đang ở trong căn nhà riêng 3 tầng lầu với 4 phòng ngủ, có xe hơi nhỏ như các Ðồng chí Bộ trưởng ở Hànội vậy. Nhà ở ngay mặt đường lớn Khu Bàn cờ, Saigon. Hai tầng lầu để ở, còn tầng dưới cùng thì phiá trong làm phòng khách, phòng ăn, nhà bếp, phiá trước mở tiệm bách hoá, bán đủ thứ đồ dùng và gia dụng hàng ngày cho đồng bào hàng phố, mua sắm tự do. Không như ngoài miền Bắc Xã hội chủ nghiã, không ai được mở cửa hàng buôn bán riêng. Mọi người tùy theo chức vị công tác, được Nhà Nước cấp “tem phiếu” theo “hộ khẩu”, riêng cho từng “cấp mặt hàng”, đem đến “nhà hàng quốc doanh” mới có mà mua. Nhiều khi chậm chân, không còn hàng để mua.

Món tiền 2 ngàn Cụ Hồ mà anh ta đem về cứu giúp, không đủ để trang bị một căn phòng tắm bên mỗi phòng ngủ. Chung quanh tường cẩn toàn gạch men trắng toát. Bồn tắm, bồn rửa mặt, bồn ngồi đại tiện, toàn bằng sứ tráng men nhập cảng từ nước Ý (Italia).

Trước thực tế hiển nhiên, Anh bộ đội đi tập kết về vỡ mộng, tức giận vì không ngờ bao năm qua đã bị Cộng sản tuyên truyền lừa bịp xảo trá. Bây giờ, tuổi Ðảng cũng được cả chục năm rồi, ân hận vô cùng, nhưng phải cam lòng ngậm đắng nuốt cay một mình, chẳng dám hé môi.

Khoảng đầu tháng 6-1975, Chính phủ Cách mạng Lâm thời miền Nam ra lệnh, và các phường khóm thúc đẩy, mọi Quân Cán Chính chế độ cũ phải chuẩn bị đi trình diện tập trung học tập cải tạo một tháng, hạn trình diện quy định trong 3 ngày 13, 14 và 15-6-1975.

Nơi trình diện tập trung các Sĩ quan cấp Tướng và Ðại tá, không phân biệt Nam Nữ, là khu Ðại học xá Minh Mạng ở đường Minh Mạng Chợ Lớn. Còn các Nam Nữ sĩ quan cấp Trung tá, Thiếu tá, Úy, và nhân viên Hành chánh thì tập trung tại các nơi khác. Tôi không quan tâm nên không nhớ rõ những nơi nào.

Tôi đợi tới ngày sau cùng, tức là 15-6-1975 mới đi trình diện. Suốt đêm hôm trước trằn trọc không ngủ được. Vợ Chồng Con cái dặn dò nhau đủ thứ chuyện. Tôi dặn Vợ, nếu có thể tìm được đường dây vượt biên thì Mẹ Con cứ việc giắt nhau đi, phần Tôi sẽ tự tính lấy sau. Tôi dặn như vậy, vì Tôi có người con trai lớn du học bên Hoa Kỳ từ năm 1971, vào năm 1975 cậu ấy đã tốt nghiệp Kỹ sư điện tử, đủ khả năng lo cho Mẹ và các Em trên đất Hoa Kỳ.

Tôi chia trách nhiệm cho các con lớn nào, phải lo săn sóc em nhỏ nào. Rồi dặn tất cả mọi người hãy nhớ lấy ngày Ðoan Ngọ (5 tháng 5 Âm lịch) hàng năm, để làm giỗ cho Tôi nếu sau này Tôi không trở về, hoặc không biết được Tôi đã chết ở đâu vào ngày nào.

Sáng sớm 15-6-1975 (ngày Ðoan Ngọ), chuẩn bị túi đeo lưng đựng quần áo, chăn mùng, và các vật dụng để ăn uống hàng ngày xong, cả nhà đang ăn sáng, thì có đoàn cán bộ Phường tới nhà “kiểm tra nhân số Hộ khẩu”. Họ hỏi Tôi đi đâu, Tôi trả lời đi trình diện học tập cải tạo, hôm nay là ngày hạn chót. Lúc đó họ mới biết Tôi là Ðại tá Quân lực Việt Nam Cộng hoà (QLVNCH), và ghi hàng chữ Ðại tá thật lớn trên tờ Hộ khẩu.

Từ ngày quân Cộng sản vào Saigon, gia đình tôi không được trở lại cư trú trong căn cư xá Sĩ quan trong Trại Trần Hưng Ðạo. Ðồ đạc, áo quần, giấy tờ hộ tịch khai sanh, hôn thú, bằng cấp, hình ảnh kỷ niệm của gia đình… đều bị mất hết. Chúng tôi mua vội được căn nhà 3 tầng bán rẻ, của một ông chủ tiệm bán đồ gỗ, tại mặt đường Trương Minh Ký gần ngã tư Huỳnh Quang Tiên. Ông bà già này cần về sống tại vùng xóm đạo Gia Kiệm, vì có 2 người con gốc Cảnh sát quốc gia và Hải quân, đã di tản trước ngày 30-4-1975. Tôi khai mất sổ gia đình để xin tờ Hộ khẩu mới, và ghi nghề nghiệp là Giáo viên Trung học.

Lúc 10 giờ, năm người Con lớn, dùng 3 chiếc xe đạp đưa Tôi lên đường tới Ðại học xá Minh Mạng để trình diện. Khi tới Bình Bông ngã 6 đầu đường Minh Mạng, nơi dựng tượng An Dương Vương đài thánh Tổ Binh chủng Công Binh trong QLVNCH, thấy có toán bộ đội kiểm soát lưu thông, cản không cho người và xe cộ đi vào đường Minh Mạng. Những người trình diện phải đi bộ, vác hành trang vào một mình, trên khoảng đường dài cả mấy trăm mét. Cha Con chúng tôi ôm nhau hôn chia tay, trước sự nhòm ngó thản nhiên của Dân chúng hiếu kỳ, đang đứng xem tại các góc đường quanh Bình Bông, và những đôi mắt tròn xoe ngạc nhiên, của mấy người Bộ đội Cộng sản đang làm nhiệm vụ kiểm soát.

Ðeo túi hành trang lên vai, Tôi thong thả một mình đi giữa lòng con lộ, có những cây cao đổ bóng mát xuống 2 bên đường. Con đường mà trước đây, Tôi đã từng lái xe đưa 2 người con trai, đến học tại trường Trung học Chu văn An, gần bên Ðại học xá.

Ðường vắng tanh, không một tiếng động cơ xe hơi, xe Lambretta, xe máy dầu làm náo động. Cũng chẳng một bóng người qua lại, chỉ có một mình Tôi cô đơn thầm lặng, vừa đi vừa nghe tiếng gót chân của chính mình, ình ịch nặng nề nện trên đường phố.

Tôi chợt lo, không biết có ai đi trình diện không hay chỉ có một mình mình thôi. Rồi lại tự nhủ thầm để tự chấn tĩnh mình. Chắc người ta muốn cho Cách mạng thấy thiện chí muốn cải tạo để sớm trở thành Công dân Xã hội chủ nghiã, nên đã sốt sắng đi trình diện sớm hết cả rồi, chỉ còn mình là chót thôi. Nếu đúng vậy thì cũng phiền, mình sẽ bị quan tâm theo dõi, thật nguy hại cho tương lai suốt thời gian học tập.

Trong khi đi, thỉnh thoảng Tôi ngừng lại quay mặt về phiá sau, nhìn xem các Con còn đứng ở đầu đường dõi theo mình không? Chúng vẫn còn đó, Tôi xúc động bật lên khóc một mình không sao cầm nổi. Từ ngày đón chúng vào đời đến nay, có bao giờ nghĩ rằng có thể xẩy ra cảnh ngộ chia ly đau đớn như thế này đâu. Thật tội nghiệp cho mấy đứa trẻ thơ, chúng đâu có tội tình gì.

Tôi tới nơi trình diện lúc 12 giờ trưa. Sau khi làm các thủ tục giấy tờ khai báo lý lịch cá nhân, đóng tiền ăn 1 tháng xong, người ta chỉ Tôi lên lầu kiếm chỗ nào trống thì nằm vào đó. Lâu quá rồi, Tôi không nhớ số tiền ăn đã phải đóng là bao nhiêu. Trong khi đưa tờ biên nhận tiền cho Tôi, nhân viên nhận tiền thông báo : “-Vì mới đến đóng tiền trễ vào giữa ngày, không có phần ăn buổi tối, phải tự túc.” Tôi gật đầu không nói gì và cũng chẳng lo. Vợ tôi cẩn thận biết lo xa, đã chuẩn bị cho nắm cơm, mấy trái trứng luộc với ít muối tiêu, khúc bánh mì cặp thịt, và bi đông nước chín, để trong túi đựng quần áo từ trước khi rời nhà ra đi rồi.

Lên hết cầu thang, trong lúc đi rảo qua các phòng tìm chỗ, bất chợt Tôi thấy Tướng Nguyễn Hữu Có, bạn tốt nghiệp cùng Khoá 1 Sĩ quan Trường Võ bị với Tôi hồi tháng 6 năm 1949, dơ tay vẫy chào. Tôi tiến tới bắt tay chào, và hỏi : -Sao anh không đi, Chị và các cháu có đi được không? Ông ấy lắc đầu, hỏi lại : “-Mới tới à?” Tôi gật đầu rồi quay đi tìm chỗ nằm.

Mọi phòng đều chặt cứng. Cuối cùng Tôi tìm được một chỗ trống, ở căn phòng gần bên phòng vệ sinh chung của tầng lầu. Bước chân vào phòng, Tôi vui mừng yên bụng vì gặp được vài người quen, còn toàn người chưa có dịp gặp bao giờ.

Vừa ổn định xong chỗ nằm trên sàn nhà, thì Thiếu tướng Văn Thành Cao, gốc Lực lượng võ trang Cao Ðài, trước 30-4-1975 làm Tổng cục phó Tổng cục Chiến tranh Chính trị QLVNCH, đến gặp Tôi bắt tay và ghé tai thì thầm nói nhỏ : “-Chốc nữa nếu có Cán bộ gọi anh “làm việc”, nếu họ hỏi về tôi thì anh vui lòng nói rằng, tôi là người rất tốt, mọi người phục vụ tại Tổng cục rất qúy mến tôi. Dân Tổng cục ở đây chỉ có mấy người, chúng mình phải bảo vệ nhau, mấy bạn khác tôi cũng đã dặn như vậy.” Tôi ngạc nhiên không hiểu vì sao, nhưng cũng gật đầu đồng ý. Tướng Cao cám ơn, rồi lanh lẹ quay trở về phòng của các ông Tướng, cũng đến trình diện tập trung đi cải tạo.

Tôi bước vào phòng vệ sinh chung để giải quyết tiểu tiện, gặp thêm vài bạn quen khác làm việc tại Saigon lâu năm, trong đó có anh Bùi Dzinh đã giải ngũ. Thời Ðệ nhất Cộng hòa, anh Dzinh đã được Tổng thống Ngô Ðình Diệm cử làm Tư lệnh Sư đoàn một thời gian. Anh Dzinh đang mặc quần cụt áo thun, ngồi lom khom lau sàn nhà, thấy Tôi anh nhoẻn miệng cười nói : “-Ðây là việc của chung, bây giờ mình phải tự giác xung phong làm lấy chớ đợi ai làm thay cho.” Tôi gật đầu cười tỏ dấu hiệu đồng ý, để phụ họa cho anh ấy đỡ ngượng trước mặt anh em khác, cũng đang đứng xếp hàng chờ đến lượt giải quyết nhu cầu cho nhẹ bầu tâm sự.

Khoảng 5 giờ chiều, Tôi bị gọi vào 1 căn phòng nhỏ để “làm việc”, với 1 cán bộ mặc đồ tác chiến, không biết cấp bậc gì, chắc là sĩ quan cao cấp vì thấy mang bên mình túi da đựng tài liệu. Ông ta hỏi Tôi 3 câu : 1- Có biết hiện giờ Trung tướng Trần văn Trung ở đâu không? (vì Tôi là Phụ tá Tổng cục trưởng Chiến tranh chính trị QLVNCH). 2- Nhà văn Xuân Vũ (hồi chánh viên) viết truyện dài “Ðường đi không đến” trên Nhật báo Tiền Tuyến bây giờ ở đâu? 3- Số tiền 20 triệu ký qũy của Nhật báo Tiền Tuyến bây giờ để đâu? (vì Tôi là Chủ nhiệm Nhật báo Tiền Tuyến).

Câu 1, Tôi trả lời, sáng sớm 30-4-1975 Tôi còn gọi điện thoại cho Trung tướng Trung tại văn phòng, bây giờ thì Tôi không biết.

Câu 2, Tôi cho biết, ông Xuân Vũ hàng tuần đến nộp bản thảo cho Ban Biên tập, để họ trình bầy đưa lên báo in lần, do đó ông ấy và Tôi ít có dịp thấy mặt nhau, nên chẳng biết ông ta ở đâu.

Còn câu thứ 3, là Chủ nhiệm Tôi phải đứng tên vay 20 triệu đồng của ngân hàng Việt Nam thương tín (VNTT), để chuyển vào chương mục của Nhật báo Tiền Tuyến trong Ngân hàng Trung ương, đóng ký qũy phát hành báo theo luật báo chí quy định. Hàng tháng, với tư cách Chủ nhiệm báo đứng tên vay tiền, Tôi phải ký chi phiếu của toà báo trả tiền lời cho ngân hàng VNTT. Trường hợp báo bị đóng cửa, Ngân hàng Trung ương tự động chuyển hoàn số tiền đó cho Ngân hàng VNTT, chớ Tôi không dính líu gì cả. Hợp đồng vay tiền của Ngân hàng VNTT quy định như vậy. Ông đi mà hỏi Ngân hàng Trung ương, hoặc Ngân hàng VNTT thì rõ. Ông ta hỏi thêm câu thứ 4 : “-Còn tiền mặt lưu giữ điều hành cho tờ báo hàng ngày, lên đến cả trăm ngàn đồng thì để đâu?” Tôi trả lời, để trong tủ sắt tại văn phòng Quản lý, và chính Quản lý giữ chià khoá, Tôi không giữ. Ông muốn biết còn có bao nhiêu thì đi tìm Quản lý mà hỏi, Tôi không biết bây giờ ông ta ở đâu.

Cuộc hạch hỏi này, cho phép Tôi nhận định rằng họ chỉ cần tìm tiền, chớ thực ra họ chẳng cần tìm Trung tướng Trung, hay nhà văn hồi chánh Xuân Vũ. Vì ngày 30-4-1975, khi họ vào chiếm doanh trại Nha Tâm Lý Chiến và toà báo Tiền Tuyến, chắc chắn họ biết rõ là Tôi đã không tuân lệnh Dương văn Minh buông súng đầu hàng, bỏ toà báo về nhà chớ không đợi bàn giao cho ai cả. Như vậy, họ nghĩ là Tôi đã cướp số tiền của toà báo, tìm đường thoát xuống miền Tây, ra Vũng tầu, hoặc tìm ghe thuyền vượt biển khơi trốn ra khỏi nước. Không ngờ hôm nay lại thấy có tên Tôi trong danh sách những người đến trình diện tập trung, vì trốn đi không thoát, nên họ đến hạch hỏi để tìm cho ra, cái món tiền chiến lợi phẩm quá lớn đó mà thôi.

Khoảng nửa đêm, có lệnh báo động, mọi người phải thu xếp hết hành trang gói ghém gọn gàng lại, rồi xuống sân tập họp nghe lệnh.

Người ta đọc tên xếp thành từng Ðội đứng riêng ra, rồi lần lượt dẫn ra đường, lùa lên những chiếc xe Molotova có mui vải bạt, bịt kín mít cả chung quanh như để chở hàng hoá.

Hơn một tiếng đồng hồ sau, mọi người lên hết các xe mới có lệnh di chuyển. Mỗi xe có 2 Bộ đội Cộng sản cằm súng AK đi theo canh chừng, ngồi ở cuối mỗi xe.

Nửa đêm lệnh gọi “hành quân”
Gập chăn, cuốn chiếu, xuống sân xếp hàng.
Nối đuôi nhau đứng hoang mang,
Va-li lếch thếch, túi quàng bên vai.

Nghe tên gọi bước ra ngoài,
Tập trung thành Ðội ba mươi mốt người.
Dồn lên từng chiếc xe hơi,
Bít bùng, ngột ngạt, đứng ngồi chen nhau

Lao nhao, bàn tán xì xào,
Ðoán xem chuyển đến nơi nào, gần xa?
Người sành tin tức ba hoa,
Chắc là Phú Quốc, phải ra bến tầu.

Xe lăn mỗi lúc một mau,
Bò lên, lao xuống, thấy đâu mà mò.
Lắc qua, lắc lại vòng vo,
Lanh quanh đến sáng tờ mờ mới ngưng.

Sương mai phủ kín cây rừng,
Rào gai xiêu vẹo, tầng tầng bìm leo.
Xuống xe, gối mỏi lăn quèo,
Lồm ngồm bò dậy, tiếp nhau xuống hàng.

Quơ quờ tìm kiếm hành trang,
Leo qua rào kẽm vào làng tập trung.

NGUYỄN-HUY HÙNG

Cựu Đại Tá Quân lực Việt Nam Cộng Hoà, Phụ tá Tổng cục trường Chiến tranh Chính trị kiêm Chủ nhiệm Nhật báo Tiền Tuyến trước 30-4-1975,

Cựu tù nhân chính trị 13 năm lao động khổ sai trong các trại tù cải tạo của Đảng Việt Cộng và bạo quyền Cộng hoà xã hội chủ nghiã Việt Nam trên cả 3 miền đất nước sau 30-4-1975.

User avatar
VuPhong
Posts: 2910
Joined: Wed Dec 01, 2004 4:28 pm

Post by VuPhong »

Image

Những bước đi hòa giải trên bán đảo Triều Tiên.
Tiếp nối thành công của cuộc gặp thượng đỉnh ở Bàn Môn Điếm, hôm qua cả Nam Hàn và Triều Tiên (Bắc Hàn) đều có những hành động hướng tới việc thống nhất và hòa giải giữa hai miền.

Hình ảnh Nam Hàn xúc tiến việc tháo dỡ loa phóng thanh tuyên truyền chống Triều Tiên từ 1.5. REUTERS

Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (Bắc Hàn) đưa tin nước này sẽ đẩy giờ lên sớm 30 phút nhằm hợp nhất múi giờ với Hàn Quốc từ ngày 5/5. Quyết định này đã được quốc hội Triều Tiên thông qua. Nhà lãnh đạo Kim Jong-un cũng nhấn mạnh đây là bước thực tế đầu tiên cho sự hòa giải và thống nhất quốc gia. Trước đó, trong lần đầu gặp Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in hôm 27/4, ông Kim nói cảm thấy đau lòng khi nhìn hai chiếc đồng hồ chỉ giờ khác nhau trên bán đảo. Phía Seoul đánh giá quyết định lịch sử của Bình Nhưỡng thể hiện mối quan hệ tốt đẹp hơn giữa hai nước.

Cũng trong hôm qua, Bộ Quốc phòng Nam Hàn thông báo sẽ bắt đầu dỡ bỏ loa phóng thanh tuyên truyền dọc vùng phân giới tạm hai miền trong ngày 1/5.
“Chúng tôi nhận thấy đây là bước đi đầu tiên dễ dàng nhất để xây dựng niềm tin quân sự. Chúng tôi đang mong chờ hành động tương tự của Triều Tiên”, theo Yonhap dẫn lời phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Hàn Quốc Choi Hyun-soo. Quyết định của Seoul phù hợp với tuyên bố Bàn Môn Điếm được hai nhà lãnh đạo ký kết sau cuộc hội đàm, trong đó nêu rõ hai bên sẽ chấm dứt mọi hoạt động tuyên truyền chống phá lẫn nhau kể từ hôm nay.

Hôm qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump gợi ý khả năng tổ chức cuộc gặp với lãnh đạo Kim Jong-un tại làng Bàn Môn Điếm. Ông Trump viết trên Twitter: “Nhiều quốc gia đang được cân nhắc cho cuộc gặp, nhưng Nhà Hòa Bình/Nhà Tự do ở biên giới Triều Tiên và Nam Hàn sẽ có tính đại diện, quan trọng và trường tồn hơn lựa chọn một nước thứ ba? Chỉ gợi ý vậy thôi”.
Những tín hiệu tích cực trên góp phần tạo hy vọng về một tương lai hòa bình ổn định lâu dài giữa hai miền Triều Tiên. Tuy vậy, các nhà quan sát nhận định “quả bóng” giờ đã chuyền tới chân Tổng thống Mỹ Donald Trump, khi cuộc gặp lịch sử Mỹ - Triều chỉ còn vài tuần nữa sẽ diễn ra.

Hiện một trong những vấn đề được quan tâm nhất là cách thức phi hạt nhân hóa. Tuyên bố Bàn Môn Điếm không đề cập biện pháp chi tiết hay thời gian cho tiến trình này. Mới đây, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton cho biết Mỹ có thể cân nhắc áp dụng mô hình Libya để giải quyết vấn đề ở Triều Tiên. Chỉ trong vòng chưa đầy 2 năm (từ 2003 - 2004), quá trình giải giới hạt nhân ở Libya hoàn tất, từ công tác thanh sát cho đến việc chuyển các thiết bị hạt nhân sang Mỹ.

Mặc dù vậy, việc áp dụng mô hình Libya đối với Triều Tiên được cho là khó khả thi. Thứ nhất, chương trình hạt nhân của Libya khi đó chỉ mới ở giai đoạn sơ khai, trong khi Triều Tiên hiện đã đạt năng lực đáng tin cậy.

Thêm vào đó, khó có khả năng Bình Nhưỡng chấp nhận từ bỏ hoàn toàn mà không nhận được sự bảo đảm nào từ Washington như trường hợp của Tripoli trước đây.
Ngoài ra, các chuyên gia cho rằng tiến trình này càng không thể bỏ qua vai trò của Trung Quốc. Theo Reuters, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị sẽ sớm tới Triều Tiên trong ngày 2/5.

Nhiệm vụ quan trọng mà Thượng đỉnh liên Triều tạo ‘phần dành lại’ cho Tổng thống Trump tại Hội nghị thượng đỉnh liên Triều, phi hạt nhân hoá giống như một cam kết bằng lời-với-lời. Còn chờ xem việc hành (động) – với – hành ...

(Ngọc Mai.)

User avatar
TheLang
Posts: 1960
Joined: Thu Oct 30, 2008 5:43 am

Post by TheLang »

Image

Hòa Bình, Thống Nhất
Trần Khải
Vậy là Đại Hàn hy vọng hòa bình, thống nhất. Không phải trả giá quá đắt như Việt Nam. Có phaỉ vì Kim Jong Un nhờ du học Thụy sĩ từ thơ ấu, nên cái nhìn rộng rãi hơn? Có phải vì sụp đổ ngọn núi nơi dưới hầm đang làm vũ khí nguyên tử, nên thôi hòa là tốt? Có phải học theo gương Trung Quốc và Việt Nam cần chuyển hóa kinh tế trước để cứu đói toàn dân? Có phải vì TT Trump áp lực bao vây? Có phải vì TQ từ chối bán dầu và từ chối mua than, nên Bắc Hàn phải chịu hòa? Hay tất cả đều đúng?

Bản tin thông tấn Nga Sputnik ghi rằng phần lớn người dân Nam Hàn tin vào lời hứa của CHDCND Triều Tiên về thực hiện biện pháp giải phóng bán đảo khỏi vũ khí hạt nhân và thiết lập hòa bình. Đó là thông báo dựa theo kết quả cuộc thăm dò ý kiến xã hội do hãng RealMeter công bố hôm thứ Hai.

Theo dữ liệu của hãng này, 64,7% số người được hỏi tuyên bố họ tin tưởng, chỉ có 28,3% không tin Bình Nhưỡng. Số lượng cư dân Nam Hàn thay đổi quan điểm về nội dung này là 52,1%, — hãng điều tra xã hội học xác nhận. Những người trước đây không tin vào CHDCND Triều Tiên và bây giờ vẫn không tin chiếm 26,2% tổng số người được hỏi, còn những người đã tin nhưng bây giờ không tin nữa — là 2,1%.

Cuộc hội kiến giữa Tổng thống Nam Hàn Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un diễn ra tại khu vực biên giới Panmunjom ngày 27 tháng Tư. Kết quả cuộc gặp thượng đỉnh là thông qua Tuyên bố chung, trong đó nêu ý định của hai bên về tiến hành tổ hợp biện pháp để thiết lập lòng tin và giảm căng thẳng trong quan hệ liên Triều.

Trong khi đó, bản tin NHK của Nhật Bản ghi lời Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết không nên gạt bỏ Nga khỏi những nỗ lực đem lại hòa bình cho Bán đảo Triều Tiên.

Hôm Chủ Nhật, Tổng thống Nam Hàn Moon Jae-in thông báo cho ông Putin qua điện thoại về cuộc họp thượng đỉnh của ông với nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên.

Văn phòng Tổng thống của Nga và Nam Hàn cho biết ông Putin và ông Moon đều ca ngợi Tuyên bố Bàn Môn Điếm. Tin tức cho biết ông Moon đã đề nghị Nga tiếp tục hợp tác.

Ông Putin nói rằng Nga dự kiến sẽ tham gia các dự án nhằm thúc đẩy hợp tác giữa hai miền Triều Tiên.

Ông Putin nhấn mạnh rằng sự tham gia của tất cả các nước có liên quan là điều thiết yếu để có được giải pháp chính trị cho các vấn đề trên Bán đảo Triều Tiên.

Bản tin KBS từ Seoul cho biết rằng trên trang nhất báo Lao động, cơ quan ngôn luận của đảng Lao động Bắc Triều Tiên, đưa tin chính quyền miền Bắc đã mở cuộc họp của Ủy ban thường vụ Hội đồng nhân dân tối cao và chính thức công bố quyết định thay đổi múi giờ Bình Nhưỡng (từ UTC +8:30 sang UTC +9).

Theo nội dung đưa tin, miền Bắc quyết định sẽ đẩy múi giờ hiện nay sớm lên 30 phút từ ngày 5/5 tới, nhằm thống nhất múi giờ hai miền Nam-Bắc.

Ngoài ra, Chính phủ và các cơ quan chức năng Bắc Triều Tiên sẽ thiết lập đối sách liên quan để thực thi quyết định này.

Trước đó, vào ngày Quốc khánh 15/8/2015, Bắc Triều Tiên đã bắt đầu áp dụng múi giờ mới, chậm hơn 30 phút so với múi giờ cũ.

Trong khi đó, bản tin NHK của Nhật ghi rằng Tổng thống Nam Hàn Moon Jae-in ra chỉ thị cho các quan chức chính phủ bắt đầu thực hiện thỏa thuận đã ký kết với nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un trong hội nghị thượng đỉnh vừa qua giữa 2 bên.

Hôm thứ Hai, ông Moon nói với các phụ tá của mình rằng Tuyên bố Bàn Môn Điếm là khởi đầu lịch sử hướng tới kỷ nguyên mới trên Bán đảo Triều Tiên, và cộng đồng quốc tế đã bày tỏ sự ủng hộ với kết quả của hội nghị thượng đỉnh này.

Tuy nhiên, ông Moon nói rằng tuyên bố này mới chỉ là bước đầu và nhấn mạnh cần có những biện pháp tiếp theo. Ông đề nghị các quan chức chính phủ chuyển ủy ban trù bị cho hội nghị thượng đỉnh thành một ủy ban thúc đẩy việc thực thi Tuyên bố Bàn Môn Điếm.

Ông Moon cũng nói với các quan chức hãy hợp tác chặt chẽ với Mỹ trước khi diễn ra hội nghị thượng đỉnh dự kiến giữa nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un và Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Trong khi đó, bản tin RFI ghi nhận Trung Quốc lo ngại bị gạt ra ngoài đàm phán hạt nhân Bắc Triều Tiên.

Quan hệ giữa Seoul và Bình Nhưỡng càng nồng ấm, thượng đỉnh Donald Trump- Kim Jong Un càng cận kề, Trung Quốc càng tăng tốc các hoạt động ngoại giao để giữ vai trò trung tâm trên hồ sơ phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.

Giới quan sát tại Bắc Kinh lo ngại trước khả năngTrung Quốc "bị loại" khỏi tiến trình hòa đàm trên bán đảo Triều Tiên.

Trong suốt thời gian từ 2003 đến 2009 Bắc Kinh đóng vai trò trọng yếu trong các vòng hòa đàm sáu bên về hạt nhân Bắc Triều Tiên, Trung Quốc không ngừng kêu gọi Hoa Kỳ đối thoại trực tiếp với chế độ Bình Nhưỡng. Nhưng khi tổng thống Donald Trump thông báo sẽ họp thượng đỉnh với lãnh đạo Bắc Triều Tiên, Kim Jong Un trong những tuần lễ sắp tới, và khi mà hai nguyên thủ Nam Hàn và Bắc Triều Tiên ra tuyên bố chung cam kết "sẽ kết thúc chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên", dường như bài toán của Bắc Kinh trở nên phức tạp hơn. Dấu hiệu rõ rệt nhất cho thấy là Trung Quốc đang tăng tốc các hoạt động ngoại giao để duy trì ảnh hưởng với Bình Nhưỡng.

Lo ngại đầu tiên của Bắc Kinh liên quan đến mối quan hệ trong tương lai giữa Seoul và Bình Nhưỡng. Nhật báo Hồng Kông South China Morning Post trong ấn bản ngày 29/04/2018 trích dẫn một nguồn tin ngoại giao từ Seoul nêu lên khả năng Nam Hàn và Bắc Triều Tiên đang có kế hoạch từng bước "pha loãng" ảnh hưởng của Trung Quốc.

Theo một nhà phân tích khác của Trung Quốc được báo chí Paris trích dẫn hồi tháng 3 năm nay, Bắc Kinh vẫn biết rằng chế độ Kim Jong Un không thể tồn tại nếu không có được một điểm tựa vững chắc là Trung Quốc. Bằng chứng rõ rệt nhất là trước khi dự thượng đỉnh Liên Triều ở Bàn Môn Điếm, lãnh tụ Bắc Triều Tiên đã sang tận Bắc Kinh hội kiến với ông Tập Cận Bình. Có điều, Trung Quốc dường như không còn tự tin về ảnh hưởng của mình với ê kíp lãnh đạo hiện thời ở Bình Nhưỡng.

Một tiếng nói khác là nhà nghiên cứu Trương Liên Quý (Zhang Liangui), thuộc Trường Đảng Bắc Kinh cũng e rằng Trung Quốc sẽ bị gạt ra ngoài tiến trình hòa bình trên bán đảo Triều Tiên, bởi vì theo nhà quan sát này, bộ Ngoại Giao Trung Quốc từng quan niệm rằng trên hồ sơ nóng bỏng này, Bình Nhưỡng và Washington cần mở kênh đối thoại trực tiếp. Giờ đây, khi kịch bản đó xảy ra Trung Quốc lại bị hụt hẫng.

Một nhà sử học nổi tiếng của Trung Quốc, giáo sư Thẩm Chí Hoa (Shen Zhihua) trong một cuộc trả lời phỏng vấn gần đây trên đài phát thanh Hoa Kỳ, đã trực tiếp nêu lên kịch bản ảnh hưởng của Bắc Kinh bị thu hẹp nhất là một khi mà tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un đã trực tiếp đối thoại với nhau.

RFI ghi nhận:

“Đôi bên có thể đạt tới một thỏa thuận theo kiểu như là Washington công nhận Bắc Triều Tiên là một quốc gia có vũ khí nguyên tử nhưng đổi lại thì Bình Nhưỡng tử bỏ các chương trình tên lửa tầm trung và tầm xa, có thể đe dọa tới an ninh của bản thân Hoa Kỳ.

Trong khi đó, điều mà Trung Quốc muốn đạt được là bán đảo Triều Tiên không còn vũ khí hạt nhân, tức là Mỹ cũng sẽ rút ô dù hạt nhân đang được dùng để bảo vệ các đồng minh của Washington trong khu vực đông bắc Á. Trước mắt, cố vấn an ninh quốc gia của tổng thống Trump là ông John Bolton đã bác bỏ kịch bản này.

Do vậy, chuyên gia thuộc Viện Nghiên Cứu Khoa Học Xã Hội ở Liêu Ninh, ông Lục Siêu (Lu Chao) cho rằng, trong mọi trường hợp, Trung Quốc phải là một trong những tác nhân chính trong tiến trình đàm phán về Bắc Triều Tiên.”

Diễn tiến sẽ ra sao? TT Trump sẽ được Giải Nobel Hòa Bình? Hay với cả Kim và Moon? Hay Giải Nobel Hòa Bình sẽ trao cho cả 5 người, có cả Putin và Tập Cận Bình?

User avatar
bichphuong
Posts: 574
Joined: Mon Apr 25, 2016 12:10 am
Been thanked: 1 time

Post by bichphuong »

Trung Đông vẫn nóng bỏng
May 16 at 7:13 AM
Tổng Thống Donald Trump rút khỏi thỏa hiệp nguyên tử với Iran và đưa tòa Đại Sứ Mỹ tới Jerusalem. Nếu các hành động trên nằm trong một chiến lược mới, ông Trump đang thay đổi vai trò của nước Mỹ trong vùng Trung Đông.

Với quyết định thứ nhất, nước Mỹ đứng hẳn về phía Israel và các nước theo phái Sun Ni Hồi Giáo như Á Rập Saudi; họ đều muốn ngăn chặn không cho Iran gây ảnh hưởng trong vùng. Mỹ cấm vận trở lại, kinh tế Iran sẽ phát triển chậm hơn vì các nước Âu Châu sẽ giảm bớt mua bán và đầu tư, vì áp lực của Mỹ.

Quyết định đem sứ quán Mỹ vào Jerusalem đi ngược với chính sách của các chính phủ Mỹ trước đây, Dân Chủ cũng như Cộng Hòa. Nước Mỹ vẫn muốn đóng vai trò trung gian trong cuộc xung đột giữa Israel với người Palestine và những nước Hồi Giáo ủng hộ họ. Bây giờ, Tổng Thống Trump đứng hẳn về phía Thủ Tướng Netanyahu.

Ông Netanyahu đóng một vai chính trong cả hai quyết định trên. Ông chống thỏa hiệp với Iran ngay từ đầu. Năm 2015, ông đã qua đọc một bài diễn văn trước hai viện Quốc Hội đả kích việc Mỹ và các nước Châu Âu, Nga, Trung Quốc thỏa hiệp với Iran, ngưng thí nghiệm năng lượng nguyên tử, và được ngưng cấm vận. Việc đưa tòa Đại Sứ Mỹ tới Jerusalem càng tăng uy tín của ông Netanyahu, vì đây là điều các chính phủ Israel vẫn đòi hỏi từ hơn nửa thế kỷ mà không được thỏa mãn.

Cả hai quyết định kể trên của Tổng Thống Trump cho thấy ông muốn đứng hoàn toàn về phía Israel trong bàn cờ Trung Đông. Đây là một thay đổi chiến lược. Mặc dù các chính phủ Mỹ trước đây vẫn hết sức ủng hộ Israel, với viện trợ quân sự bốn, năm tỷ đô la mỗi năm và lá phiếu phủ quyết ở Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc mỗi khi Israel bị lên án, nhưng họ vẫn muốn thế giới Á Rập và Hồi Giáo nhìn nước Mỹ như có thể đứng trung gian hòa giải các nước đó với Israel. Ông Trump tỏ ra không cần vai trò đó.

Trung Đông vẫn là đấu trường giữa Israel và các nước Hồi Giáo, kể cả Iran từ 70 năm nay; và cũng là nơi hai phái Shia và Sun Ni trong Hồi Giáo xung đột từ hơn mười thế kỷ. Nhưng bàn cờ Trung Đông đã thay đổi từ hơn mười năm qua, kể từ khi quân Mỹ tấn công Iraq lật đổ chế độ Saddam Hussein năm 2003. Nguyên nhân là Iran bành trướng thế lực trong khối dân Á Rập theo phái Shi A.

Một hậu quả của việc hạ bệ Saddam Hussein là Iran tiến vào Iraq, vì đa số dân xứ này theo phái Shi A. Hussein thuộc thiểu số Sun Ni, và đã hai lần gây chiến với Iran. Tiếp theo, cuộc nội chiến ở Syria, từ năm 2011, tạo cơ hội cho Iran đưa người và vũ khí vào xứ này giúp Assad, một chính quyền phái Shi A. Hỏa tiễn của Iran bây giờ ở cách các căn cứ quân sự của Israel đến 100 cây số và đã bắn sang vùng cao nguyên của Syria do Israel chiếm đóng từ năm 1967. Tuần trước, Israel đã bắn hỏa tiễn trả đũa, tiêu diệt hầu hết các vũ khí của Iran ở Syria. Nhưng chưa bao giờ Israel bị đe dọa trực tiếp bởi quân đội và hỏa tiễn của Iran gần biên giới mình như bây giờ.

Lợi dụng nội chiến Syria, Iran đã đưa quân của nhóm Hezbollah từ Lebanon qua giúp chính quyền Assad, nhân đó tăng cường thế lực. Những người trong nhóm Hezbollah cũng theo giáo phái Shi A, một thiểu số ở Lebanon. Họ đã nổi lên, vũ trang trong một cuộc nội chiến ở nước này, rồi biến thành một đảng chính trị, được chính thức chia quyền hành với những đảng theo phái Sun Ni hoặc Thiên Chúa Giáo. Quân Hezbollah luôn luôn đe dọa Israel với những vụ pháo kích và xâm nhập, phá hoại. Họ đã giúp Assad đắc lực, và được Iran tiếp tế thêm nhiều vũ khí mới. Hiện nay nhóm Hezbollah có hàng trăm ngàn hỏa tiễn, sẽ chỉ quay về hướng Israel khi nội chiến Syria chấm dứt.

Ngoài ra, Iran cũng hỗ trợ tích cực nhóm Houthis, cũng theo phái Shi A, ở Yemen, đánh nhau với quân chính phủ theo phái Sun Ni do Á Rập Saudi giúp đỡ.

Saudi Arabia đứng đầu các nước nhỏ theo phái Sun Ni trong vùng, đã đổ nhiều tỉ Mỹ kim vào giúp đồng đạo ở các nước Lebanon, Syria và Iraq. Nhưng những đồng tiền đó không tạo được kết quả như các ông hoàng dầu lửa mong muốn. Ngược lại, Iran sử dụng niềm tin tôn giáo, và đã có kết quả. Chính quyền Iran không giầu tiền như Saudi, nhưng họ lại sẵn sàng đưa quân, với nhiều tướng lãnh, qua chiến đấu ở Syria và Iraq.

Vì Iran bành trướng thế lực, Á Rập Saudi trở thành một đồng minh khách quan của Israel. Tổng Thống Donald Trump đang lợi dụng tình trạng mới này. Quyết định xé thỏa hiệp nguyên tử với Iran của ông Trump được cả Israel và Saudi hoan nghênh.

Nhưng việc đưa tòa Đại Sứ Mỹ tới Jerusalem có thể khiến Á Rập Saudi phải tách xa nước Mỹ, ít nhất trên hình thức, vì áp lực của người đồng đạo, và của dân chúng Saudi. Những người Á Rập Hồi Giáo coi dân Palestine là những người anh em cần được giúp đỡ, từ khi họ đã bị đánh bật ra khỏi nhà cửa, ruộng vườn lúc nước Israel thành lập.

Ngày lập quốc của Israel, Thứ Hai vừa qua, cũng là một ngày đau đớn trong lịch sử dân Palestine, mỗi năm họ vẫn kỷ niệm. Dân Palestine đã phải dùng khủng bố, bạo lực hơn hai chục năm mới được Israel cho lập một chính quyền tạm thời, tự cai quản, được thế giới công nhận, nhưng hoàn toàn tùy thuộc vào chính sách cứng hay mềm của chính phủ Israel.

Jerusalem là thánh địa của người Do Thái Giáo, Thiên Chúa Giáo, Hồi Giáo. Thành phố này do người Hồi Giáo cai quản từ thế kỷ thứ 13, cho tới khi quân Israel chiếm đóng năm 1967. Jerusalem có hai khu, nơi người Do Thái hoặc người Á Rập chiếm đa số. Cả thế giới vẫn ủng hộ một giải pháp có “hai quốc gia,” Israel và Palestine sống bên cạnh nhau. Người Á Rập và Hồi Giáo vẫn tin tưởng rằng khi quốc gia Palestine thành hình thì sẽ chọn một nửa Jerusalem làm thủ đô, chia nhau với Israel.

Việc đưa sứ quán Mỹ về Jerusalem làm người Á Rập và Hồi Giáo thất vọng. Hơn 50 người Palestine đã bị quân Israel bắn chết khi đi biểu tình tiến về hàng rào kẽm gai ngăn cách Israel và dải Gaza. Chính phủ các nước Châu Âu đã đặt câu hỏi tại sao quân Israel không tự kiềm chế, chỉ dùng đạn mã tử và lựu đạn cay, mà phải bắn đạn thật vào những thanh niên không vũ trang thứ gì khác hơn là những chiếc kéo cắt dây kẽm gai? Chính quyền Netanyahu có thể ra lệnh bắn vì họ tin rằng mình đang được cường quốc lớn nhất thế giới là nước Mỹ ủng hộ với bất cứ giá nào.

Kể từ năm 2000, đã có hơn 9,600 người Palestine bị giết vì những cuộc xung đột như xảy ra ở Gaza hôm vừa qua, trong thời gian đó cũng có 1,251 người Israel chết. Con số hơn 50 người Á Rập mới bị bắn khó thay đổi hình ảnh của cuộc tranh chấp trong vùng. Nhưng những đám tang đang diễn ra ở Gaza sẽ gây xúc động trong lòng người Á Rập khắp nơi, có thể ảnh hưởng tới chính phủ của họ.

Nhân biến cố ở Gaza, chắc chắn Iran sẽ lợi dụng thổi bùng ngọn lửa chống Israel và chống Mỹ. Nga và Trung Cộng càng thêm cơ hội nướcc đục thả câu, chống cả hai quyết định chiến lược của Tổng Thống Trump và đã hứa sẽ phối hợp với nhau chặt chẽ hơn. Các nước đồng minh của Mỹ ở Châu Âu công khai phản đối cả hai quyết định của ông Trump.

Sau cùng, liệu chiến tranh có thể bùng lên trong vùng Trung Đông hay không? Nơi lửa dễ bốc cháy nhất là biên giới Syria trong cuộc chạy đua giữa Iran và Israel. Nếu chỉ giới hạn trong vùng nằm giữa Israel với Syria và Lebanon thì tình hình chung sẽ không thay đổi nhiều. Vì cả hai nước đều tự kiềm chế. Hỏa tiễn của Iran chỉ bắn vào các căn cứ quân sự của Israel trên đất Syria, không đánh tới các đô thị. Khi trả đũa, Israel cũng chỉ nhắm các kho vũ khí của Iran mà tránh không tấn công các trại tập trung quân lính.

Nhưng nếu tình hình này cứ kéo dài thì vẫn tạo cơ hội cho Iran bành trướng thế lực ở cả ba nước Syria, Lebanon và Yemen, chưa kể tại các nước khác nơi có những nhóm thiểu số người Shi A sinh sống.

Israel có thể sống với thực tế đó, vì không có cách khác, khi 9 triệu dân nước này đã sống giữa mấy triệu người thù địch từ 70 năm qua. Nhưng bản đồ cả vùng này sẽ thay đổi, vì mối xung đột giữa dân theo hai phái Sun Ni và Shi A càng ngày càng căng thẳng hơn. Chưa biết nước Mỹ còn muốn đóng vai trò trung gian nào trong các cuộc cờ đó hay không.

Tình trạng Trung Đông cũng tùy thuộc chính phủ Iran. Liệu họ có làm sống lại việc nghiên cứu năng lượng nguyên tử, để có khả năng làm bom hay không? Nếu các nguồn lợi giao thương và đầu tư từ các nước Âu Châu cũng ngưng lại vì Mỹ cấm vận, thì Nga và Trung Cộng có đủ trám vào chỗ trống đó hay không? Chiến lược mới của Tổng Thống Trump tùy thuộc cả hai câu hỏi này.

Ngô Nhân Dụng

User avatar
VuPhong
Posts: 2910
Joined: Wed Dec 01, 2004 4:28 pm

Post by VuPhong »

Image

Vãn tuồng Hội Nghị Trung Ương Đảng Ta
Hồ Chí Phèo
(Danlambao) - Hội Nghị TW đảng Cộng Sản Việt Nam vừa kết thúc. Kết thúc một cách tẻ nhạt vì như các hội nghị trước, cũng là vở tuồng với một kịch bản có từ lâu mà người có bị thiểu năng trí tuệ cũng đoán trước Đảng Ta sẽ bàn đến điều gì, cải tổ cái gì?

Đúng là Đảng Ta bàn các chuyện xưa như từ khi có Đảng: đạo đức cán bộ CS như xe tuột dốc không phanh. Cán bộ vẫn chạy chức chạy quyền, vẫn tham lam quyền lực, vào đảng để leo lên không bao giờ chịu tụt xuống, vẫn tham nhũng tràn lan, vẫn dùng thủ thuật trốn trách nhiệm, không hiểu “từ chức” là gì?… Sau đó Đảng Ta lại bàn về củng cố đội ngũ cán bộ, lại bàn về tiếp tục kiên định chủ nghĩa “Mác Lê”, lại bàn tiêu chuẩn đạo đức trung thực, trong sáng, giản dị…, lại bàn về bằng cấp, năng lực, kinh nghiệm, sức khoẻ... thuộc hàng “đỉnh cao thế giới”. Nói chung hội nghị gọi là “bàn”, nhưng thực chất để các lãnh đạo Đảng Ta khua môi múa mỏ, tiếp tục nói láo, nói những lời hoa hoè, rỗng tuếch. Vì là tuồng hát nên mặt mũi các lãnh đạo phải giữ vẻ nghiêm nghị, chững chạc, các đảng viên TW muốn êm ấm vị trí nên cũng nghệt mặt ngồi nghe, nửa như buồn ngủ, nửa như học trò “đang cố dốt” nghe thầy “đã dốt rồi” giảng về đạo đức học. Có lẽ khi “lên lớp” về đạo đức, tiêu chuẩn cán bộ đảng viên, và nhìn các khuôn mặt ngây ngô của các đảng viên đang ngồi phía dưới, lãnh đạo Đảng Ta cũng muốn phì cười. Ai không hiểu từ các lời nói này đến hành động thực tế, khoảng cách xa vời vợi, và Đảng Ta bao nhiêu năm cứ đi thụt lùi về mặt đạo đức.

Người dân Việt Nam không quan tâm đến hội nghị Đảng. Điều dễ hiểu, họ đang bận tâm đến bao nhiêu người dân Thủ Thiêm đang bị cướp đất, tiếng kêu oan của những người dân thấp cổ bé miệng, bận tâm đến thành phố bị lụt khi mưa lớn, bận tâm đến bệnh viện nhà nước tuồn thuốc ra ngoài thị trường tự do bán... Với lớp người ham vui cùng chủ trương của Đảng Ta "vui sướng đi đừng đụng đến chính trị" thì họ rất bận quan tâm đến các nữ hoàng nội y, bầu bán người mẫu chân dài, đừng đi đến Dmax nơi ăn chơi nhưng không có quan hệ tốt với cán bộ... Với người dân, những điều quan tâm là những điều gần cuộc sống, cảm thấy ngay bên cạnh. Còn tất cả nhưng gì hội nghị Đảng nó xa lắm. Xa tít như cái thiên đường Cộng sản nơi không còn giai cấp của Marx.

Nhưng nói người dân hoàn toàn không quan tâm đến hội nghị Đảng Ta cũng không chính xác. Có! Họ có quan tâm! Nhưng không phải chuyện các ông trong Đảng bàn, họ quan tâm tin đồn, tin ngoài lề hội nghị.

Trước hội nghị, có nhiều tin đồn, Trần Đại Q bị bệnh “bí mật” nên chức chủ tịch Nước Tổng Lò Đảng Ta sẽ nắm giữ. Nhưng đến giờ khai mạc hội nghị Đảng Ta, Đại Q bất ngờ xuất hiện. Đúng là một bất ngờ:

Hội nghị Trung Ương Đảng Ta
Tin đồn Chủ tịch phen này đi đong.
May thay có "Vái gà ra".
Dật dờ sống chết bổng thành cường dương.
Vén màn che của Trung Ương,
Chủ Tịch khoan khoái dựng cờ tiến vô.

Khi Chủ tịch Đại Q “dựng cờ tiến vô”, chắc chắn trong hội nghị có tiếng cười hoan hỉ, cũng như tiếng thở dài. Tiếng thở dài não ruột nhất có lẽ của Tổng Lò. Một dịp để "Nhất thể hóa", đưa Tổng Lò chính danh là người lãnh đạo đất nước. Một điều mong ước rất hợp tình hợp lý vì trên thế giới hiện nay không còn một nước nào chỉ có chức danh “TBT một đảng” lại đi công du nước ngoài với tư cách người đứng đầu một quốc gia. Ngay cả nước Tàu anh em. Thế mà ôi thôi, thế cờ đang thế thắng như bị lật ngược! Một kết luận đúng đắn cho tin đồn trên "Đảng Ta lúc nào cũng bí mật, hư hư ảo ảo, nội bộ xào nấu lẫn nhau ngày đêm, ngay Đảng trưởng chưa chắc hoàn toàn nắm vững tình hình".

Trên là tin đồn, nhưng bên lề hội nghị có một "tin thiệt". Hàng chục người gồm các đảng viên và học giả, công bố một bức thư ngỏ, yêu cầu Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng "công khai tài sản" để "làm gương". Việc "công khai tài sản" của cán bộ cấp cao để chứng tỏ mình liêm khiết lâu nay vẫn dậm chân tại chổ nên cần thiết phải có người cao cấp nhất trong Đảng đứng "làm gương". Cấp dưới được trên “soi sáng” sẽ thấy đường mà lò dò đi theo "Thằng nào đã được soi sáng rồi mà vẫn không chịu" công khai trong sáng "thì đáng quăng vào lò củi, nhân dân hoan hô". Lại một mong ước hợp tình hợp lý và có người nghĩ nếu Tổng Lò vặn mình vặn mẩy không chịu đứng ra "làm gương", Tổng Lò sẽ "mất mặt".

Thực ra Tổng Lò có mặt đâu mà mất. Như riêng đối với Âu châu, chiến dịch "bắt cóc, đầu thú" của ông làm nước Đức rùng mình nổi da gà của một “thời kỳ chiến tranh lạnh”. Đối với thế giới, thành tích bắt bớ tù đày các người yêu nước lên tiếng phản đối Tàu xâm lược biển đảo, phá hoại môi trường sống, cũng như sự đàn áp tôn giáo... của Tổng Lò, mặt của ông ta nó chai lì như mặt "tượng đá ngây ngô" chứ còn gì là mặt người bình thường?

Tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, một người ký tên vào thư ngõ, tuyên bố thẳng thừng "Tôi không tin ông Trọng liêm khiết". Tổng Lò sẽ không cần chứng minh ông ta liêm khiết. Tổng Lò hoàn toàn im lặng. Một chiến thuật lãnh đạo đảng Cộng sản vẫn thường áp dụng là "giả mù, giả điếc", yêu cầu, phê bình, chế nhạo ư? "Mù điếc rồi nên không thấy hay nghe gì cả !Im lặng là vàng". Chỉ mở mắt nhìn khi nào có vàng, có tiền hay khi đại đế Tàu mời "nhậm trà".

Yêu cầu của thư ngõ cũng gây bức xúc cho Tổng Lò. Đương nhiên ông ta khó chịu. Một phần ông ta không thể nào khoác áo "phản động" cho các người này để đưa ra toà, phết án thật nặng. Tổng Lò chỉ làm thế được với dân đen, những người không đảng viên, không có thành tích cách mạng. Ai không hiểu trong đất nước cộng sản tự vỗ ngực mình đang đấu tranh xoá bỏ giai cấp, nhưng… Nhưng nếu anh là một người nghèo vô sản thực sự, khi vợ hay con chết, anh vừa nhỏ lệ gói xác người thân trong chiếu hay bỏ vào túi đưa về nhà làm đáng tang, và anh buồn tủi ca lên: "Vùng lên hởi các nô lệ ở thế gian...". Chắc chắn anh sẽ bị Đảng Ta đem ra xử về tội "phản động". Còn trong dịp lễ hội tưng bừng, tiệc tùng thừa mứa chân dài chân ngắn, anh gân cổ ca lên "Vùng lên..." thì Đảng Ta xem anh là người có công với cách mạng.

Tuồng hội nghị TW Đảng Ta, hay Đại hội Đảng Ta tương lai vẫn tiếp tục diễn ra, kich bản như cũ, và Tổng Lò với khuôn mặt "tượng đá ngây ngô" sẽ tiếp tục "hy sinh" trong nhiều nhiệm kỳ kế tiếp. Đấy là dự đoán của nhiều người theo dõi thời sự. Tuồng Đảng Ta chẳng có gì thay đổi, không giá trị gì cả, nhưng dù sao cũng có những tin đồn, tin thiệt hành lang… để người dân "Mua vui cũng được một vài trống canh".

Hồ Chí Phèo

User avatar
macco
Posts: 3543
Joined: Mon Jan 17, 2005 8:04 am

Post by macco »

Image

Đã ra "vấn đề" Trọng không lú!
Nguyễn Ngọc Trác
(Danlambao) - Đọc bài "Đàn linh cẩu thời @ đang cấu xé lẫn nhau" của tác giả Cánh Dù Lộng Gió trên Dân Làm Báo, chợt thấy phản hồi dưới đây:

"Thật là nực cười. Khi mà trong đội ngũ cán bộ Đảng viên hay là công chứ còn có tham nhũng thì lại kêu ca này nọ. Đến khi Đảng, toàn thể cấp lãnh đạo nghe được lời dân rồi giao cho bác Trọng chủ trì. Bác xử lí được những sai phạm lớn thì lại lồi lên một cái nhóm rận chủ đổ cho bác là thanh trừng nội bộ để đưa đàn em vào. Thế như thế nào thì mới vừa cái đám rận chủ đây?"

Xem ra cũng khá thú vị khi "mổ" (nhưng không "xẻ") ý tứ câu chữ trên để hầu quý độc giả. Mọi người đều biết chữ "rận" - vốn dĩ là một cách nói "trại" giữa chữ "dê" và chữ "rờ" mà Cộng Sản Bắc Kỳ luôn đọc như một, nhằm châm chọc những người đấu tranh cho dân chủ.

Còn bây giờ... độc giả Dân Làm Báo cùng tôi "mổ" nhé!

Dù là DLV hay LL47, sau đây xin phép (độc giả DLB, chứ không phải xin phép bọn CSVN) gọi tắt là "DLV&47".

1. Tên DLV&47 nói: "Khi mà trong đội ngũ cán bộ Đảng viên hay là công chứ còn có tham nhũng thì lại kêu ca này nọ", điều này có nghĩa, dân đen VN bao nhiêu năm nay chỉ biết than vãn, càm ràm, chửi bới v.v... và luôn "cầu khẩn" để mong "đèn đảng soi xét". Cũng chính từ đó, nên bọn CSVN thấy tội nghiệp quá, khi tháng này qua năm nọ cứ phải nhìn "hàng đàn" con-vật-người lôi thôi lếch thếch, vạ vật khắp nẻo và sống lây lất đầu đường xó chợ, nên những tên bán nước hại dân (cũng) thấy đôi chút mủi lòng, vì thế...

2. ... mỗi đêm, sau những bữa ăn toàn "đạm" và tốn rất nhiều "bạc"; sau những trận thác loạn với rượu mạnh và gái; sau những cơn ngả ngớn với ma túy và hồng phiến; sau những giờ đồng hồ "foot masage" và "body masage" , dù chăn ấm nệm êm, chúng vẫn không tài nào chợp mắt, bởi tiếng oan hồn rên rỉ vọng về, xói vào tai bọn chúng, từ những con phố vắng lặng trong bóng đêm với ánh đèn vàng mờ ảo hắt hiu. Dù sau những tấm rèm Thượng Hải mềm mượt và mát lạnh, những chiếc gối bằng lông ngỗng và cả những "tấm nệm làm bằng thịt gái trẻ", tất cả những thứ đó vẫn không thể nào che khuất bóng quế chập chờn thoắt ẩn thoắt hiện, với đầu tóc bù xù và đôi mắt trừng trừng cùng hai hàng huyết lệ, đang hiện về đòi nợ. Bởi vì quá hãi hùng, lại vẫn buộc phải giữ hình ảnh "đảng ta là đạo đức là văn minh" nên tên DLV&47 mới vô tình tiếp tục cung khai: "Đến khi Đảng, toàn thể cấp lãnh đạo nghe được lời dân rồi giao cho bác Trọng chủ trì". Đúng vậy, ...

3.... chỉ đến khi "nghe được lời dân" như nghe lời rên rỉ trong tắt nghẹn của những dòng máu trong cổ họng sủi đầy bọt phẫn hận, cùng những tiếng thét gào rền vang như sấm động từ những ngôi mộ tan hoang với xương tàn cốt lạnh bị ném vung vãi, sau những "chiến cuộc" cướp đất thành công vang dội, nên bọn đâu sỏ hãi hùng, vội vàng nhau "giao cho bác Trọng chủ trì". Thật quá quý hóa...

4.... bởi "Bác xử lí được những sai phạm lớn...". Không hiểu tên "bác Trọng" xử lý như thế nào mà "lại lồi lên một cái nhóm..." ở ngay thành Hồ, dân chúng đang tố cáo trong trào dâng uất hận, tựa những trận sóng dữ của ngày biển động cấp 12, đập vào "ghềnh đá Thủ Thiêm" đang vỡ nát ra từng mảnh. Vâng! Chính những "mảnh đá hờn căm" tung tóe khắp Thủ Thiêm làm cho "rận chủ" không còn cách nào khác phải "...đổ cho bác là thanh trừng nội bộ để đưa đàn em vào". Vì vậy, cả bộ chính trị đang quá hốt hoảng, ra lệnh mồm cho đám "báo chí nhà nước" ngưng đưa tin. Vì vậy, tên DLV&47 mới hỏi...

5.... "Thế như thế nào thì mới vừa cái đám rận chủ đây?". Trác tôi nhắm mình kham hổng có nổi, sau khi hết sức "mổ phần đầu", nên nhờ độc giả DLB ..."mổ" tiếp. Quý độc giả giúp Trác cho đến khi nào "mổ" nó "từa lưa", rồi đem qua Trung Cộng "bán nội tạng bác Trọng của nó" thì... xin dừng tay...

Với năm đoản văn sắp xếp theo phản hồi của tên DLV&47, quý độc giả thấy rất rõ, ngoài việc tự bộc lộ tư tưởng khinh dân như cỏ rác của "cha con" nhà bọn CSVN vong bản, tên DLV&47 đã vô tình làm lộ "bí mật quốc gia", đó là chúng được huấn luyện kỹ thuật "chiến tranh tâm lý" từ bọn đầu sỏ, nhưng rất thô vì chỉ có một... kiểu, mà Trác xin phép "diễn nôm" là: "bác Trọng" biết rồi, từ từ rồi "bác" giải quyết hết, "bác" thương dân lắm vì bác là "người bắc có ní nuận" chứ không phải tụi cộng sản nam kỳ như bọn 3X hay con heo Lê Thanh Hải đâu. Yên chí! Chờ!

Nguyễn Phú Trọng đang tung ra chiến dịch rất lớn trên mọi lĩnh vực để tự biến mình thành một "vị cứu tinh" không khác Hồ Chí Minh năm xưa. Lộ mẹ nó rồi!

"Thế như thế nào thì mới vừa cái đám cộng sản bán nước đây?". - Người dân chúng tao hỏi! Có giả nhời không thì bảo?!

Nguyễn Ngọc Trác

User avatar
saohom
Posts: 2212
Joined: Wed Aug 26, 2009 11:30 pm

Post by saohom »

Image

Hội nghị nói dai, nói dài rồi để đó
Phạm Trần
(Danlambao) - Hội nghị Trung ương 7, khóa đảng XII kết thúc ngày 12/05/2018, sau 6 ngày họp tại Hà Nội đã để lại 2 điểm mới:

(1) Lần đầu tiên báo chí được tham dự tường thuật, nhưng không phổ biến ý kiến trái chiều. Tất cả chỉ nói theo và ca tụng ý kiến thống nhất với Trung ương. Tuyệt đối không có bình luận và phản biện của báo chí về diễn văn khai mạc và bế mạc của Tổng Bí thư.

Một số báo có bài phỏng vấn các cựu viên chức lãnh đạo hay cựu Đại biểu Quốc hội, nhưng tất cả đều đồng tình và hoan nghênh. Đáng chú ý là hầu hết ý kiến đều nhìn ra khuyết điểm và khó khăn trong công tác cán bộ, hay nhìn nhận có nạn chạy chức, chạy quyền, tham nhũng, lãng phí, lợi ích nhóm trong đảng, hay bao che cho nhau từ trên xuống dưới, nhưng ai cũng thắc mắc tại sao chưa diệt được những tệ nạn này.

Cuối cùng họ đều đồng ý chung: đảng chưa quyêt liệt và những người đứng đầu còn nể nang, phe cánh, hoặc thiếu cương quyết để xử lý sai phạm của cấp thừa hành.

(2) Về đề tài then chốt của Trung ương 7, kế hoạch “xây dựng đội ngũ 600 cán bộ cấp chiến lược” (lãnh đạo) cho đảng khóa XIII (2022-2027) và kế tiếp đã được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các viên chức lãnh đạo nói dai và nói dài từ trước ngày khai mạc (07/05/018).

Nhưng tất cả cũng chỉ nhằm “mặc áo thụng vái nhau” để quảng cáo tên tuổi hơn đề ra các giải pháp để giải quyết những khuyết diểm đã đồng ý phải đẩy lùi.

Tỷ dụ như khi ông Trọng nói rằng: “Trên cơ sở thảo luận kỹ lưỡng và sâu sắc Đề án và Tờ trình của Bộ Chính trị, Hội nghị đã nhất trí cao ban hành Nghị quyết của Trung ương về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, bảo đảm sự chuyển tiếp liên tục, vững vàng giữa các thế hệ, đủ sức lãnh đạo đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2030 và tầm nhìn trở thành nước công nghiệp hiện đại, theo định hướng xã hội chủ nghĩa vào năm 2045”.

Nhưng muốn được như thế thì điều kiện cần và phải có của cán bộ là phải được rèn luyện như thế nào và do ai dạy bảo, và với phương pháp nào?

Nếu đội ngũ mới chỉ được học từ lớp cán bộ lãnh đạo đã xuống cấp, lạc hậu và suy thoái từ trước, hay là thành phần kế thừa, hoặc “hạt giống đỏ” của con ông cháu cha thì liệu có làm được cơm cháo gì không, hay chỉ đẻ ra lớp cán bộ thiếu tài mất đức mới?

Hơn nữa, khi đảng đặt tiêu chuẩn chọn cán bộ cần “hồng” hơn “chuyên” và phải có gốc đảng là chính thì người ngoài đảng có tài sẽ bị loại và đất nước sẽ muôn đời lạc hậu.

Vì thế, khi ông Trọng đặt tiêu chí cho đội ngũ cán bộ mới phải có “đủ sức lãnh đạo đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2030” là chính ông đã lùi mất 10 năm, vì trước đây đảng từng đặt ra mốc đến năm 2020 thì Việt Nam sẽ là nước có nền công nghiệp hiện đại. Nay thời gian còn lại chỉ 2 năm là bằng chứng đảng đã thất bại. Ông Nguyễn Phú Trọng và hai khóa đảng XI và XII (2011-2021) cũng phải gánh trách nhiệm với thất bại này.

Như vậy, sau bước tụt hậu này, liệu có gì bảo đảm cho dự kiến Việt Nam sẽ “trở thành nước công nghiệp hiện đại, theo định hướng xã hội chủ nghĩa vào năm 2045” trong khi ở Việt Nam bây giờ ai cũng thấy chủ trương làm “kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa” của đảng là mơ hồ, thiếu cơ cở và loạn thị. Bởi vì trên thế giới chỉ có kinh tế Tư bản Chủ nghĩa và Kinh tế Cộng sản chủ nghĩa. Không làm gì có thứ kinh tế loăng quăng, nửa giăng nửa đèn như Việt Nam tuyên truyền.

Bằng chứng sau hơn 30 năm Đổi mới (từ 1986), Việt Nam đã làm theo kinh tế Tư bản Chủ nghĩa dưới cái vỏ bọc gọi là “theo định hướng xã hội chủ nghĩa” chỉ để cho khỏi bẽ mặt. Dù có mạo danh cách nào chăng nữa, Hà Nội cũng không thể lấy vải thưa che mắt thánh để nói khác. Thực tế tình hình đã rõ ràng như thế, không ngụy biện được.

Vì vậy, khi đảng và nhà nước nắm toàn quyền kiểm soát và điều chế toàn nền kinh tế thì Việt Nam chậm phát triển so với các nước trong khu vực Đông Nam Á, thua cả Lào và chỉ đứng trên Cao Miên và Miến Điện.

Lý do Việt Nam không ngóc đầu lên được vì Cương lĩnh “Xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên Xã hội Chủ nghĩa” (Bổ sung, Phát triển năm 2011), đã cho phép “Kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo”. Đây là chủ trương chống lại tự do kinh doanh của người dân, vì các Doanh nghiệp nhà nước thua lỗ nhiều hơn đem lợi nhuận về cho ngân sách nhà nước, trong khi nhà nước phải gánh các khoản thua lỗ hàng trăm ngàn tỷ đồng cho các Doanh nghiệp này.

Cương lĩnh loăng quăng năm 2011, khi ông Trọng lên cầm quyền khóa đảng XI đã viết như thế này: “Phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, hình thức tổ chức kinh doanh và hình thức phân phối. Các thành phần kinh tế hoạt động theo pháp luật đều là bộ phận hợp thành quan trọng của nền kinh tế, bình đẳng trước pháp luật, cùng phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh. Kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo. Kinh tế tập thể không ngừng được củng cố và phát triển. Kinh tế nhà nước cùng với kinh tế tập thể ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân. Kinh tế tư nhân là một trong những động lực của nền kinh tế. Kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được khuyến khích phát triển. Các hình thức sở hữu hỗn hợp và đan kết với nhau hình thành các tổ chức kinh tế đa dạng ngày càng phát triển. Các yếu tố thị trường được tạo lập đồng bộ, các loại thị trường từng bước được xây dựng, phát triển, vừa tuân theo quy luật của kinh tế thị trường, vừa bảo đảm tính định hướng xã hội chủ nghĩa.”

Càng tối càng đen

Vì vậy, càng đọc những gì ông Trọng nói trong Diễn văn bế mạc Trung ương 7, càng thấy ngôn ngữ của những thợ viết trong Hội đồng Lý luận Trung ương, tác giả của các văn kiện Đại hội và Hội nghị Trung ương, lòi ra.

Sở dĩ dễ nhận ra vì văn kiện nào cũng chứa đấy văn từ đao to búa lớn, “nghĩa đen” trộn với “nghĩa mờ mờ” gây loạn trí người đọc và rất khó tìm thấy giải pháp.

Hãy nghe ông Trọng đọc tiếp: “Đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược mà chúng ta tập trung xây dựng trong thời gian tới phải có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của thời kỳ mới - thời kỳ xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, nền kinh tế số, kinh tế tri thức và biến đổi khí hậu, nước biển dâng; giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ trong bối cảnh tình hình trong nước, khu vực và thế giới diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường.”

Như vậy có gì mới không, hay toàn lập lại là các thứ tiêu chuẩn đã lỗi thời, đã và đang thất bại từ mấy chục năm qua? Những câu chữ buộc cán bộ thời kỳ mới phải làm theo “xã hội chủ nghĩa” hay “định hướng xã hội chủ nghĩa” là sản phẩm của những con người óc loãng trong Tổ viết diễn văn cho ông Trọng, trong khi Việt Nam đang cần có những cái đầu trong sáng và trái tim minh bạch để xây dựng đất nước.

Đảng nói - ai làm?

Nhìn sâu hơn vào diễn văn bế mạc của ông Trọng, ta sẽ thấy nhiều điều “ra lệnh, chỉ tay 5 ngón”, hay nói cho sướng miệng nhiều hơn đề ra các giải pháp giải quyết.

Tỷ dụ như ông Trọng bảo phải:

- Thực hiện nghiêm, nhất quán nguyên tắc Đảng lãnh đạo trực tiếp, toàn diện công tác cán bộ và quản lý thống nhất đội ngũ cán bộ theo nguyên tắc tập trung dân chủ.

- Chuẩn hoá, siết chặt kỷ luật, kỷ cương đi đôi với tạo môi trường, cơ chế và điều kiện để thúc đẩy đổi mới, sáng tạo và bảo vệ cán bộ; phân công, phân cấp gắn với giao quyền, ràng buộc trách nhiệm, đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực và xử lý nghiêm minh sai phạm.

- Yêu cầu phải có phương pháp đánh giá cán bộ một cách khách quan, chính xác; có cơ chế tạo động lực, đổi mới sáng tạo, rèn luyện qua thực tiễn có nhiều khó khăn, thách thức lớn của đội ngũ cán bộ và đề cao giải pháp kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền, chủ nghĩa cá nhân, cục bộ địa phương, họ hàng trong công tác cán bộ; coi đây là một trong những nhiệm vụ, giải pháp quan trọng để đấu tranh ngăn chặn sự tha hoá quyền lực trong bộ máy công quyền, sự suy thoái, biến chất của một bộ phận cán bộ, đảng viên để củng cố và nâng cao niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ ta.

- Ban Chấp hành Trung ương yêu cầu xây dựng và hoàn thiện thể chế kiểm soát quyền lực và chống tệ chạy chức, chạy quyền, thân quen, cánh hẩu, lợi ích nhóm trong công tác cán bộ theo nguyên tắc mọi quyền lực đều phải được kiểm soát chặt chẽ bằng cơ chế và quyền hạn phải được ràng buộc với trách nhiệm.

- Phát hiện và xử lý kịp thời, nghiêm minh các tổ chức, cá nhân vi phạm kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước, lạm dụng, lợi dụng quyền lực để thực hiện những hành vi sai trái trong công tác cán bộ hoặc tiếp tay cho tệ chạy chức, chạy quyền.

- Kiên quyết huỷ bỏ, thu hồi các quyết định không đúng về công tác cán bộ, đồng thời xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân sai phạm, có hành vi tham nhũng trong công tác cán bộ. Cụ thể hoá để thực hiện có hiệu quả cơ chế dân biết, dân bàn, dân giám sát công tác cán bộ; mở rộng các hình thức lấy ý kiến đánh giá sự hài lòng của người dân đối với từng đối tượng cán bộ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị một cách phù hợp.

Nghe ông Trọng phán bấy nhiêu cũng đủ ù tai, hoa con mắt. Nhưng ai làm và làm bằng cách nào thì hãy học kinh nghiệm 20 năm thất bại về Công tác cán bộ, từ khóa đảng VIII thời Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu qua Nghị quyết về “Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” ngày 18-6-1997.

Điển hình, nổi bật và đứng đầu trong “8 nhóm nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu mà Hội nghị lần này đã đề ra” vẫn là “công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên và thế hệ trẻ gắn với việc học tập và làm việc theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh”.

Những “Biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị” của đảng viên đã nêu ra trong Nghị quyết 4/XII, ban hành ngày 30/10/2016, có 3 điểm quan trọng:

1) Phai nhạt lý tưởng cách mạng; dao động, giảm sút niềm tin vào mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; hoài nghi, thiếu tin tưởng vào chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.

2) Xa rời tôn chỉ, mục đích của Đảng; không kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội; phụ hoạ theo những nhận thức lệch lạc, quan điểm sai trái.

3) Nhận thức sai lệch về ý nghĩa, tầm quan trọng của lý luận và học tập lý luận chính trị; lười học tập chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Trong suy thoái đạo đức, lối sống Nghị quyết 4/XII vạch ra:

1) Cá nhân chủ nghĩa, sống ích kỷ, thực dụng, cơ hội, vụ lợi; chỉ lo thu vén cá nhân, không quan tâm đến lợi ích tập thể; ganh ghét, đố kỵ, so bì, tị nạnh, không muốn người khác hơn mình.

2) Vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, gây mất đoàn kết nội bộ; đoàn kết xuôi chiều, dân chủ hình thức; cục bộ, bè phái, kèn cựa địa vị, tranh chức, tranh quyền; độc đoán, gia trưởng, thiếu dân chủ trong chỉ đạo, điều hành.

3) Kê khai tài sản, thu nhập không trung thực.

4) Mắc bệnh "thành tích", háo danh, phô trương, che dấu khuyết điểm, thổi phồng thành tích, "đánh bóng" tên tuổi; thích được đề cao, ca ngợi; "chạy thành tích", "chạy khen thưởng", "chạy danh hiệu".

5) Quan liêu, xa rời quần chúng, không sâu sát cơ sở, thiếu kiểm tra, đôn đốc, không nắm chắc tình hình địa phương, cơ quan, đơn vị mình; thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm trước những khó khăn, bức xúc và đòi hỏi chính đáng của nhân dân.

6) Quyết định hoặc tổ chức thực hiện gây lãng phí, thất thoát tài chính, tài sản, ngân sách nhà nước, đất đai, tài nguyên...; đầu tư công tràn lan, hiệu quả thấp hoặc không hiệu quả; mua sắm, sử dụng tài sản công vượt quy định; chi tiêu công quỹ tuỳ tiện, vô nguyên tắc. Sử dụng lãng phí nguồn nhân lực, phí phạm thời gian lao động.

7) Tham ô, tham nhũng, lợi dụng chức vụ, quyền hạn cấu kết với doanh nghiệp, với đối tượng khác để trục lợi. Lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn được giao để dung túng, bao che, tiếp tay cho tham nhũng, tiêu cực.

8 ) Thao túng trong công tác cán bộ; chạy chức, chạy quyền, chạy chỗ, chạy luân chuyển, chạy bằng cấp, chạy tội... Sử dụng quyền lực được giao để phục vụ lợi ích cá nhân hoặc để người thân, người quen lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để trục lợi.

9) Đánh bạc, rượu chè bê tha, mê tín dị đoan, ủng hộ hoặc tham gia các tổ chức tôn giáo bất hợp pháp. Sa vào các tệ nạn xã hội, vi phạm thuần phong, mỹ tục, truyền thống văn hoá tốt đẹp của dân tộc, chuẩn mực đạo đức gia đình và xã hội.

Chả muốn học "bác"

Về “học tập và làm việc theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh” thì cũng vẫn ì ra đấy sau 2 năm thực hiện chỉ thị 05 của Bộ Chính trị năm 2016.

Tại hội nghị toàn quốc sơ kết được trực tuyến đi khắp nước diễn ra tại Hà Nội ngày 16/05/2018, những căn bệnh học “hình thức, chiếu lệ” và “thiếu tự giác” vẫn tồn tại trong cán bộ cấp lãnh đạo.

Theo nhân xét của Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng thì trong đảng: "Vẫn còn tình trạng thiếu tự giác, tổ chức thực hiện Chỉ thị hình thức, chiếu lệ, thiếu kiểm tra, giám sát trong quá trình thực hiện. Một bộ phận cán bộ, đảng viên, trong đó có người đứng đầu chưa tự giác, chưa thường xuyên rèn luyện, học tập, chưa thực sự là tấm gương cho nhân dân noi theo. Một số nội dung, yêu cầu nêu trong Chỉ thị 05 như: Tổ chức sinh hoạt chuyên đề tại chi bộ, đăng ký nội dung học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, lựa chọn khâu đột phá và tập trung giải quyết những vấn đề bức xúc, nổi cộm… chưa thực sự đi vào nền nếp. Nhiều nơi tinh thần tự phê bình, phê bình vẫn còn yếu, chưa chủ động phát hiện, đấu tranh với những những biểu hiện suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, chưa chủ động đấu tranh có hiệu quả với các biểu hiện tự diễn biến, tự chuyển hóa trong nội bộ..."

Về phần Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng, ông nói trước mặt Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các Viên chức lãnh đạo cơ quan, ngành Trung ương và truyền đi khắp nơi rằng: “Vẫn còn tình trạng làm qua loa, đối phó, chưa thực sự cầu thị, bệnh “thành tích”, bệnh “hình thức” ở nhiều nơi; Một bộ phận cán bộ, đảng viên, trong đó có người đứng đầu, thậm chí có cả cán bộ, đảng viên nắm giữ chức vụ cao trong cơ quan Đảng, Nhà nước còn thiếu tự giác, chưa thường xuyên học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, thiếu tu dưỡng, rèn luyện, không gương mẫu trong công tác và trong sinh hoạt, vi phạm các quy định của Đảng và pháp luật...”

Tường thuật của báo VietNamNet viết: “Một trong những nguyên nhân của những hạn chế trên được Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cho hay là do tính quyết liệt, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, đặc biệt là người đứng đầu chưa có nhiều chuyển biến. Một số vấn đề yếu kém, thiếu sót trong công tác lãnh đạo, quản lý, trong công tác cán bộ, trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tuy có chuyển biến nhưng chưa đạt yêu cầu đề ra.”

Đáng chú ý là chuyện “học bác” vẫn dai dẳng chẳng ra trò trống gì đã được công khai chỉ sau 4 ngày kết thúc Hội nghị Trung ương 7, trong đó có 2 vấn đê nan giải về “suy thoái tư tưởng” và “đạo đức xuống cấp” của cán bộ đảng viên đã được đặt lên hàng đầu phải giải quyết.

Như vậy thì có nước đổ đầu vịt không, hay ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cần có bài diễn văn khác chính xác hơn về tình trạng cán bộ “cấp chiến lược” để khỏi mất mặt trước khi nghỉ hưu?

17.05.2018
Phạm Trần

Post Reply