Bình Luận Thời Sự

Những đề tài nóng của Thời Sự. Các bài viết lượm nhặt trên Net ở nơi đây chỉ dùng để tham khảo không phải là chính kiến riêng của nhóm phụ trách.

Moderators: CayQueo, phu_de

Post Reply
User avatar
tiendung
Posts: 329
Joined: Wed Dec 01, 2010 10:09 pm

Re: Bình Luận Thời Sự

Post by tiendung »

Yevgeny Prigozhin, từ kẻ bán hotdog trở thành nhân vật quyền lực khuynh đảo Kremlin
Mỹ Anh
28 tháng 1, 2023

Image
Yevgeny Prigozhin (ảnh: Mikhail Svetlov/Getty Images)

Viết trên The New York Times ngày 26 Tháng Một 2023, nhà báo Nga Mikhail Zygar, tác giả quyển All the Kremlin’s Men: Inside the Court of Vladimir Putin, nhận định rằng trên chính trường Nga hiện tại, không nhân vật nào quyền lực hơn Yevgeny Prigozhin – nếu không kể Tổng thống Vladimir Putin.

Nhân vật quyền lực số một nước Nga, sau Vladimir Putin

Là người sáng lập công ty quân sự tư nhân Wagner với đám lính đánh thuê thiện chiến (Wagner vừa bị Mỹ đưa vào danh sách trừng phạt vào ngày 26 Tháng Một 2023), Prigozhin là kẻ giờ đây “hét ra lửa, xịt ra khói”, không coi đám tướng bốn sao Nga ra gì, và có thể “muốn gì được nấy”…

Ngay từ đầu cuộc chiến Ukraine, Putin luôn chủ động giành vị thế quyền lực số một, bảo đảm rằng các đối thủ cạnh tranh không thể xuất hiện với hình ảnh lấn át mình và rằng tình thế đưa đất nước vào chiến tranh không tạo ra một nhà lãnh đạo quân sự nào có thể gây ra mối đe dọa cho ngai vàng Sa hoàng thời hiện đại của mình. Hè 2022, khi vị tướng đầy tham vọng Alexander Lapin bắt đầu nhận được ủng hộ của công chúng, Putin lập tức cho đương sự về vườn.


Tuy nhiên, Putin không thể ngăn chặn sự nổi trội của Prigozhin. Uy thế nhân vật này hiện lấn lướt cả những kẻ đeo lon bốn sao trong quân đội Nga và những kẻ vốn lâu nay là tay chân thân cận nhất của Putin, từ Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu; Thư ký Hội đồng An ninh Nikolai Patrushev; Giám đốc điều hành tập đoàn quốc phòng khổng lồ thuộc sở hữu nhà nước Nga, Rostec, Sergei Chemezov; đến người bạn thân nhất của Putin, Yury Kovalchuk. Prigozhin qua mặt tất cả và ngày càng cho thấy mình là tay chơi quan trọng nhất ở Nga.

Sự trỗi dậy cực nhanh của Prigozhin bắt đầu vào Hè 2022 khi ông đích thân đến các nhà tù Nga và tuyển lính cho đội quân Wagner riêng của mình. Để làm được điều này, Prigozhin phải cùng lúc tiếp quản một số cơ quan an ninh chủ chốt: Cơ quan Tòa án Liên bang, một nhà nước trong một nhà nước; Cơ quan tình báo FSB; Bộ Nội vụ; Văn phòng Tổng Công tố; và Ủy ban Điều tra Trung ương. Tất cả cơ quan đó vốn luôn được hưởng qui chế đặc biệt. Họ chỉ báo cáo với Putin và không ai dám hó hé với họ.

Dấu hiệu tiếp theo về địa vị mới của Prigozhin là cuộc đối đầu công khai của đương sự với Bộ Quốc phòng và Bộ Tổng tham mưu. Cuộc xung đột này là một hiện tượng mới đối với hệ thống chính trị Nga. Prigozhin cuối cùng xây dựng được hình ảnh như một chiến binh hiệu quả. Ông ta không trực thuộc Bộ Quốc phòng, không nằm trong hệ thống quan liêu của quân đội và ông ta tự xác định nhiệm vụ, mục tiêu lẫn khung thời gian thực hiện. Putin hoàn toàn hài lòng. Bằng chứng là Putin đã cho phép Prigozhin chỉ trích một cách thô lỗ và mắng xối xả vào mặt các tướng lĩnh khác.
Image
Logo lực lượng Wagner

“Búa tạ Wagner”

Mùa thu năm ngoái, Yevgeny Nuzhin, một cựu tù nhân Nga trốn sang Ukraine sau khi được Wagner tuyển dụng và sau đó trở lại Nga sau một cuộc trao đổi tù nhân, đã bị giết bằng búa tạ. Video về vụ thảm sát xuất hiện vào Tháng Mười Một 2022 rõ ràng nhằm mục đích cảnh báo cho tất cả kẻ đào ngũ trong tương lai. Đáng ngạc nhiên, sự man rợ này được nhiều người hâm mộ. Nhiều cửa hàng ở Nga bắt đầu bán “Búa tạ Wagner” cũng như quà lưu niệm và nhãn dán xe hơi có biểu tượng Wagner.

Prigozhin, người tuyên bố ủng hộ việc giết Nuzhin, trở thành một “anh hùng dân gian”. Không chỉ dân lao động, giới chính trị gia và doanh nhân cấp tiến cũng bị thu hút bởi Prigozhin. Nhà lãnh đạo Chechnya, Ramzan Kadyrov, người trước đây có quan hệ trực tiếp với ông Putin, bây giờ cũng phải báo cáo với Prigozhin. Konstantin Malofeev, chủ sở hữu kênh cực kỳ bảo thủ Tsargrad TV, người ủng hộ cuộc tấn công của Nga vào Donbas năm 2014, đồng thời là nhà tư tưởng của chủ nghĩa phát xít Nga hiện đại; cùng triết gia Aleksandr Dugin, cũng ca ngợi Prigozhin. Nhân vật này còn là người hùng đối với các phóng viên quân đội “yêu nước”.


Prigozhin đúng là đang ở vị thế “dưới một người, trên vạn người”. Ông bắt đầu chống lại Thống đốc St. Petersburg, Alexander Beglov, một cộng sự lâu năm của Putin. “Những kẻ như Beglov sớm muộn gì cũng sẽ bị xã hội chúng ta nghiền nát như sâu bọ,” Prigozhin viết gần đây. Xét về mặt nào đó, thành tích chiến trường của đạo quân Wagner đã giúp Prigozhin củng cố quyền lực.

Ngày 10 Tháng Một 2023, Prigozhin viết trên Telegram rằng các chiến binh Wagner đã chiếm thành phố Soledar của Ukraine. Đây là chiến thắng tuyên truyền mạnh mẽ và là bằng chứng thuyết phục rằng Wagner là một trong những đơn vị sẵn sàng chiến đấu nhất của Nga. Prigozhin thậm chí phủ nhận việc chiếm Soledar là thành tích của quân đội chính quy Nga.

Từ một kẻ bán hotdog

Yevgeny Prigozhin là kẻ xuất thân như thế nào? Trong bài báo ngày 24 Tháng Một 2023, The Guardian cho biết:

Yevgeny Prigozhin sinh ra ở Leningrad, nay là St Petersburg, vào năm 1961, chín năm sau Putin. Cha mất khi đương sự còn nhỏ. Prigozhin kể rằng mẹ mình làm việc trong một bệnh viện. Prigozhin được gửi đến một học viện thể thao nhưng không thành công với tư cách là một vận động viên chuyên nghiệp. Sau khi học xong, Prigozhin giao du với đám giang hồ vặt. Tài liệu tòa án năm 1981, được The Guardian xem và lần đầu tiên được cơ quan điều tra Nga Meduza công bố, có kể một chuyện.

Một buổi tối Tháng Ba 1980, giai đoạn cuối cùng của thời kỳ Leonid Brezhnev cai trị Liên Xô, Prigozhin – lúc đó 18 tuổi – và ba người bạn rời một quán cà phê ở St Petersburg lúc gần nửa đêm. Chúng thấy một phụ nữ đi một mình dọc con phố tối. Một trong những người bạn của Prigozhin đánh lạc hướng người phụ nữ bằng cách xin điếu thuốc. Khi cô chuẩn bị mở ví, Prigozhin lẻn ra sau lưng và bóp cổ nạn nhân, siết chặt cho đến khi nạn nhân bất tỉnh. Sau đó, một đồng bọn Prigozhin tuột giày nạn nhân trong khi Prigozhin tháo đôi bông tai vàng. Cả bốn phóng đi bỏ mặc người phụ nữ nằm dưới lòng đường…

Hồ sơ tòa cho biết đó là một trong nhiều vụ cướp mà Prigozhin và đám giang hồ của hắn thực hiện ở St Petersburg trong vài tháng. Prigozhin bị kết án 13 năm tù, ngồi trong khám gỡ lịch cho đến hết phần còn lại của thập niên, bỏ lỡ những sự kiện chính trị đình đám của lịch sử Liên Xô, trong đó có cái chết của Tổng bí thư Leonid Brezhnev cũng như phong trào perestroika (đổi mới) của Mikhail Gorbachev. Prigozhin được trả tự do vào năm 1990, khi Liên Xô đang trong cơn hấp hối. Trở lại St Petersburg, Prigozhin nhận thấy thành phố đang trên bối cảnh của sự biến đổi lớn.

Prigozhin “khởi nghiệp” một cách khiêm tốn bằng nghề bán hotdog. “Chúng tôi kiếm được 1,000 đôla một tháng, số tiền tính bằng đồng rúp là cả núi; mẹ tôi khó có thể đếm hết,” Prigozhin nói với cổng thông tin St Petersburg Gorod 812 vào năm 2011, một trong những cuộc phỏng vấn hiếm hoi của đương sự. Chẳng lâu sau, Prigozhin sở hữu cổ phần trong một chuỗi siêu thị. Năm 1995, Prigozhin quyết định đến lúc mở một nhà hàng cùng với các đối tác kinh doanh. Hắn tìm được Tony Gear, một quản trị viên khách sạn người Anh trước đây làm tại khách sạn Savoy ở London và giờ làm tại một trong số ít khách sạn sang trọng ở St Petersburg.

Thâm nhập sâu vào Kremlin

Prigozhin thuê Gear quản lý một cửa hàng rượu đầu tiên, sau đó là nhà hàng mới mở, đặt tên là Old Customs House, nằm trên Đảo Vasilievsky của St Petersburg. Ban đầu, Old Customs House thuê vũ nữ thoát y như một cách để thu hút khách hàng, nhưng sau đó nhà hàng nổi tiếng nhờ thức ăn ngon nên vũ nữ được cho nghỉ. Các ngôi sao nhạc pop và doanh nhân thích đến Old Customs House, tương tự Thị trưởng St Petersburg, Anatoly Sobchak, người thỉnh thoảng đến cùng Phó Thị trưởng Vladimir Putin.


Thời gian này, Prigozhin kết thân với nghệ sĩ cello nổi tiếng Mstislav Rostropovich. Khi Rostropovich tiếp Nữ hoàng Tây Ban Nha tại nhà riêng ở St Petersburg vào năm 2001, Prigozhin đã đứng ra thầu cung cấp dịch vụ ăn uống. Rostropovich thậm chí mời Prigozhin và vợ đến dự buổi dạ tiệc tại Barbican, một phần của lễ kỷ niệm sinh nhật lần thứ 75 của ông ở London vào năm 2002.

Thời điểm đó, Putin đã trở thành Tổng thống Nga. Trong những năm đầu cầm quyền, Putin thường tiếp khách nước ngoài ở thị trấn quê nhà, và thỉnh thoảng đưa họ đến nhà hàng Old Customs House hoặc đến New Island, một chiếc thuyền mà Prigozhin biến thành nhà hàng nổi. Lật lại những bức ảnh về các cuộc tiếp xúc của Putin, người ta có thể thấy Prigozhin. Trong một bức, Prigozhin “nấp” sau bàn khi Putin ăn tối với Tổng thống George Bush; trong một bức, Prigozhin lượn lờ phía sau Hoàng tử Charles tại buổi tiếp tân năm 2003 ở Viện bảo tàng Hermitage của St Petersburg.

Trước đó, Prigozhin bắt đầu giành được các hợp đồng phục vụ cho những sự kiện lớn của chính phủ thông qua Concord, một công ty cổ phần mà hắn thành lập vào những năm 1990. Năm 2012, Prigozhin giành được hợp đồng trị giá hơn 10.5 tỷ rúp (khoảng $248 triệu) để cung cấp thực phẩm cho các trường học ở Moscow.

Cơ hội mới nảy sinh khi Nga sáp nhập Crimea vào Tháng Ba 2014 và can thiệp quân sự vào miền Đông Ukraine ngay sau đó. Putin phủ nhận rằng quân đội chính quy Nga đã tham gia cả hai vụ xâm lược, dù có rất nhiều bằng chứng ngược lại. Kremlin bắt đầu nghĩ cách làm sao trò ném đá giấu tay trở nên hợp lý. Thế là tập đoàn quân sự tư nhân Wagner ra đời.

Prigozhin có đất ở Molkino, miền Nam nước Nga, nơi các công ty có liên hệ với Prigozhin bắt đầu xây dựng căn cứ cho các tay súng đánh thuê dưới vỏ bọc trại thiếu nhi. Không chỉ cung cấp lính đánh thuê, Wagner của Prigozhin còn định cung cấp cả thực phẩm và các nhu yếu phẩm khác cho quân đội Nga. Thoạt đầu, kế hoạch không thành hiện thực, nhưng đến năm 2015, các công ty của Prigozhin đã giành được những hợp đồng lớn trị giá hơn 92 tỷ rúp (khoảng $1.24 tỷ) để nuôi quân đội Nga, theo cuộc điều tra của tạp chí Forbes Russia.
Image
Một tranh tường tôn vinh lính Wagner tại Belgrade, Serbia (ảnh: Pierre Crom/Getty Images)

Prigozhin và chính trường Mỹ

Thời điểm quan trọng đối với Prigozhin đến vào cuối năm 2015 khi Putin can thiệp quân sự vào Syria để hỗ trợ chế độ Bashar al-Assad. Prigozhin lập tức giành được các hợp đồng cung cấp thực phẩm và vật tư, dĩ nhiên cả lính đánh thuê Wagner. Ở Syria, Wagner cho thấy chúng là một lực lượng chiến đấu đáng gờm và hung ác, sẵn sàng chặt đầu người Syria. Không chỉ xây dựng đội quân tác chiến ngoài mặt trận, Prigozhin còn thành lập một “đội quân bàn phím” để tuyên truyền ủng hộ Nga đồng thời gây nhiễu loạn thế giới.

Một cáo trạng bắt nguồn từ cuộc điều tra của công tố viên đặc biệt Hoa Kỳ Robert Mueller liên quan sự can thiệp Nga vào cuộc bầu cử Hoa Kỳ năm 2016 đã cáo buộc Prigozhin và các công ty có liên hệ với hắn đứng đằng sau một mạng lưới “chiến binh bàn phím” trên Facebook và Twitter ủng hộ Donald Trump. Các tài khoản giả mạo liên tục chia sẻ nội dung ủng hộ Trump và thậm chí trả tiền cho một số người Mỹ mua thiết bị dùng cho các cuộc biểu tình.

Vài ngày trước khi Prigozhin bước sang tuổi 55 vào Tháng Năm 2016, bản cáo trạng cho biết, một trong những nhân vật Facebook giả mạo người Mỹ đã trả tiền cho một người Mỹ thật để đương sự đứng bên ngoài Tòa Bạch Ốc giơ tấm biển ghi “Chúc mừng sinh nhật lần thứ 55, ông chủ thân yêu” (“Happy 55th birthday, dear boss”).

Những nhà báo Nga điều tra hoạt động của Prigozhin đều đối mặt các mối đe dọa tính mạng. Sau khi tờ Novaya Gazeta tiến hành cuộc điều tra nhằm vào Prigozhin vào năm 2018, một chiếc đầu cừu đực bị chặt rời đã được gửi đến tòa soạn và nhà báo viết bài điều tra nhận một vòng hoa tang tại địa chỉ nhà riêng. Ba nhà báo Nga đến Cộng hòa Trung Phi vào năm 2018 để điều tra các hoạt động của Wagner ở đó đã bị giết thảm!

Thời điểm này, các hoạt động của Prigozhin đã lan rộng ở ít nhất 10 quốc gia châu Phi, nơi Wagner cung cấp các dịch vụ huấn luyện vũ khí và an ninh. Prigozhin điều hành mạng lưới toàn cầu từ một văn phòng trên đảo Vasilievsky của St Petersburg, không xa Old Customs House, nơi ông và Tony Gear bắt đầu kinh doanh nhà hàng hai thập niên trước. Dù không có chức vụ chính thức nhưng Prigozhin thường xuyên dự các cuộc họp cấp cao liên quan những hợp đồng quốc phòng. Đương sự thậm chí tham gia cuộc gặp song phương giữa Putin và Tổng thống Madagasca, Hery Rajaonarimampianina, tại Kremlin vào Tháng Tư 2018…

Sau nhiều năm phủ nhận mọi mối liên hệ với Wagner, Prigozhin tự tin tuyên bố vào Tháng Chín rằng hắn đã thành lập nhóm này vào năm 2014. Việc thừa nhận được đưa ra sau khi một video lan truyền, do nhóm của Prigozhin rò rỉ, cho thấy Prigozhin đang ở trong một nhà tù kêu gọi tù nhân nhập ngũ. Prigozhin nói, họ có thể chết ở mặt trận nhưng nếu sống sót sáu tháng, họ sẽ được trả tự do, được ân xá hoàn toàn và được trả công hậu hĩnh. Mykhailo Podolyak, cố vấn của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, mới đây cho biết Wagner đã tuyển hơn 38,000 tù nhân những tháng gần đây và 30,000 lính đánh thuê Wagner đã bị giết, bị thương, bị bắt hoặc mất tích…

Thật ra Wagner là một đội quân hổ lốn. Sự tàn ác có thừa của chúng vẫn không thể che giấu được sự thiếu thốn kỹ năng chiến đấu. Một phóng sự đặc biệt của Reuters ngày 26 Tháng Một 2023 cho thấy một nghĩa trang khổng lồ tại làng Bakinskaya ở vùng Krasnodar đang chứa đầy mồ của lính đánh thuê Wagner. Trong khi đó, Kremlin mới đây phao tin Ukraine đang phối hợp CIA để lập kế hoạch ám sát Yevgeny Prigozhin – như bản tin The Daily Beast ngày 24 Tháng Một 2023 cho biết.

User avatar
macco
Posts: 3543
Joined: Mon Jan 17, 2005 8:04 am

Re: Bình Luận Thời Sự

Post by macco »

Tình nghĩa cộng sản và “cao quý” có… “thời”
Đồng Phụng Việt
9-2-2023

Image
Chủ tịch Nguyễn Xuân Phúc đến phát biểu tại Đại hội đồng LHQ ở New York hôm 22/9/2021. Nguồn: AFP

Giờ, chỉ còn có thể tìm thấy tuyên bố của ông Nguyễn Xuân Phúc: “Gia đình tôi, vợ, các con tôi không tư lợi, tham nhũng liên quan đến Việt Á, chưa bao giờ gặp giám đốc Việt Á. Điều này đã được Ủy ban Kiểm tra trung ương kết luận rõ ràng”… trên website của các cơ quan truyền thông quốc tế (1).

Những RFA, VOA, BBC,… đã dựa vào thông tin từ các cơ quan truyền thông chính thức tại Việt Nam để tường thuật về “Lễ bàn giao công tác Chủ tịch Nhà nước” giữa ông Phúc và bà Võ Thị Ánh Xuân hôm 4/2/2023. Tuy nhiên… tất cả cơ quan truyền thông chính thức ở Việt Nam đã đồng loạt đục bỏ tuyên bố vừa kể (2)!

***

Tin ông Phúc từ nhiệm – rút lui khỏi Ban Chấp hành Trung ương (BCH TƯ) Đảng CSVN, Bộ Chính trị Đảng CSVN và thôi làm Chủ tịch Nhà nước – được loan báo hôm 17/1/2023, sau cuộc họp… bất thường của BCH TƯ đảng khóa này (2). Trong thông cáo chính thức thì ông Phúc từ nhiệm vì tự thấy phải… chịu trách nhiệm chính trị của người đứng đầu khi có nhiều cán bộ, bao gồm hai Phó Thủ tướng, ba Bộ trưởng có vi phạm, khuyết điểm, gây hậu quả rất nghiêm trọng… song chẳng ai tin đó là lý do thực.

Từ trung tuần tháng 12 năm ngoái thiên hạ đã kháo nhau về chuyện vợ con ông Phúc chính là những nhân vật ẩn danh, giấu mặt sau lưng Công ty Việt Á. Do vậy, ông Phúc sẽ bị xử lý. Sau đó, tin đồn được xác thực bằng việc BCH TƯ Đảng đồng ý cho ông Phúc thôi hết mọi thứ trong Đảng và Quốc hội Cộng hòa XHCN Việt Nam… nhất trí cao về việc cho ông thôi luôn chuyện làm Chủ tịch Nhà nước lẫn đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân tại Quốc hội.

Có một điểm đáng chú ý là cách nay chưa tới nửa năm – hồi hạ tuần tháng 8 năm ngoái, hệ thống công quyền Việt Nam từng nhảy dựng lên như bị tưới nước sôi khi có một streamer dám nói xa, nói gần về chuyện… “hói là do xem nhiều phim khiêu dâm” khiến công chúng liên tưởng đến ông Phúc. Ngoài Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao của Bộ Công an, còn có Thanh tra của ngành Thông tin – Truyền thông hối hả… nhập cuộc, phối hợp truy lùng để xử lý streamer “phát ngôn thiếu chuẩn mực, xúc phạm lãnh đạo cấp cao” (3)…
Image
Tứ trụ của Đảng Cộng sản Việt Nam tại Quốc hội khóa 15 ở Hà Nội hôm 20/7/2021: (từ trái qua) Chủ tịch Nguyễn Xuân Phúc, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Thủ tướng Phạm Minh Chính. Nguồn: AFP

Ở Việt Nam, “lãnh đạo cấp cao” đồng nghĩa với… “cao quý” mà phàm đã… “cao quý” thì không được “xúc phạm” dưới bất kỳ hình thức nào, kể cả góp ý. Đã “xúc phạm” đến “lãnh đạo cấp cao” thì không bị truy cứu trách nhiệm hình sự cũng bị xử lý hành chính. Tuy nhiên, ông Phúc là ví dụ mới nhất cho thấy, “cao quý” của “lãnh đạo cấp cao” không phải là bản chất hay thuộc tính! “Cao quý” có… thời. Khi “lãnh đạo cấp cao” không may “sa cơ, thất thế”, nói theo kiểu bình dân là… “hết thời” thì “cao quý” cũng… hết luôn!

Cứ đối chiếu phản ứng của hệ thống công quyền trong chuyện streamer đem “phim khiêu dâm” so với… “hói” và chuyện các “đồng chí” của ông Phúc để thiên hạ tự do công kích từ ông đến vợ con ông trong hai tháng vừa qua ắt sẽ thấy ý nghĩa của “cao quý” nơi các “lãnh đạo cấp cao”. Thậm chí, nếu theo dõi các diễn tiến liên quan đến việc điều tra Công ty Việt Á, điều tra việc tổ chức các chuyến bay giải cứu và xử lý cán bộ, có thể thấy rõ hơn thế nào là “tình nghĩa cộng sản”.

Không có các “đồng chí” bơm thông tin ra ngoài và bật đèn xanh… làm gì ông Phúc cũng như vợ con có thể bị búa rìu dư luận nện cho tan nát và khủng hoảng tới mức phải mượn dịp “bàn giao” để… “thành kính phân… bua”! Bởi “cao quý” đã bốc hơi nên các “đồng chí” vừa sánh vai với Cựu Ủy viên Bộ Chính trị – cựu Chủ tịch Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc vào… lăng viếng bác hồi Tết âm lịch (5) cùng ngoảnh đầu, không ai thèm xác nhận vợ con ông Phúc vô can với Việt Á.

Ngay cả khi ông Phúc đơn độc biện bạch “Ủy ban Kiểm tra của BCH TƯ đảng đã có kết luận rõ ràng” và dù ông Võ Văn Thưởng – Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư vừa thay mặt giới lãnh đạo đảng long trọng khẳng định: “Trong mọi hoàn cảnh, cương vị công tác, ông luôn đề cao tinh thần trách nhiệm và lòng nhiệt thành cách mạng. Trong nhiều nhiệm kỳ, ông đã cùng Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị lãnh đạo toàn đảng, toàn dân, toàn quân vượt qua khó khăn, đạt được những thành tựu quan trọng. Ở mỗi cấp, mỗi cơ quan đã từng công tác, ông luôn được anh em, đồng chí, đồng nghiệp yêu quý, tôn trọng bởi sự chân thành, dễ gần, tấm lòng nhiệt huyết và sự quan tâm tới mọi người, bạn bè quốc tế yêu mến, bày tỏ tình cảm thân thiết. Theo nguyện vọng cá nhân và trên cơ sở xem xét khách quan, cẩn trọng, kỹ lưỡng nhiều mặt, Ban Chấp hành Trung ương đồng ý để ông Nguyễn Xuân Phúc thôi giữ các chức vụ, nghỉ công tác và nghỉ hưu theo quy định. Chúng ta mong muốn, với bề dày thực tiễn và kinh nghiệm phong phú, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc tiếp tục có những đóng góp tích cực cho đảng, đất nước, góp ý cho cán bộ đương chức những ý kiến thẳng thắn, chân tình để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao” (6) thì liền sau đó, hệ thống truyền thông chính thức vẫn đồng loạt đục bỏ… “lời kêu oan” của ông Phúc. Đảng hành xử với một người “cao quý” như ông Phúc còn nghiệt ngã hơn tòa án xử những cá nhân phạm các tội “đại gian, đại ác” – bất kể tội đã phạm thế nào thì bị cáo vẫn được nói lời cuối cùng!

Đã đồng ý đổi chác với một cá nhân – đứng ra lãnh “trách nhiệm chính trị” cho cả hệ thống để nhận về “kết luận rõ ràng” từ “Ủy ban Kiểm tra trung ương” là “gia đình tôi, vợ, các con tôi không tư lợi, tham nhũng liên quan đến Việt Á, chưa bao giờ gặp giám đốc Việt Á” – thì còn đề nghị ông Phúc… “tiếp tục có những đóng góp tích cực cho Đảng, đất nước, góp ý cho cán bộ đương chức những ý kiến thẳng thắn, chân tình để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao” để làm gì? Chẳng lẽ dân xứ này chưa hiểu thế nào là sự “chân thành” và thế nào là “tình nghĩa” kiểu cộng sản cho nên cần dùng thêm thủ pháp nhấn nhá cho… chúng… kinh?

__________

Tham khảo:

(1) https://www.rfa.org/vietnamese/news/vie ... 92135.html

(2) https://dangcongsan.vn/thoi-su/ban-chap ... 30214.html

(3) https://nld.com.vn/thoi-su/cuc-an-ninh- ... 442479.htm

(4) https://thanhnien.vn/xem-nhanh-20h-ngay ... 202855.htm

(5) https://www.vietnamplus.vn/lanh-dao-dan ... 842109.vnp

(6) https://vtc.vn/nguyen-chu-tich-nuoc-ngu ... 39913.html

hoangphong
Posts: 391
Joined: Tue Feb 12, 2019 7:20 am

Re: Bình Luận Thời Sự

Post by hoangphong »

Việt Nam lại một lần nữa bỏ phiếu trắng đối với Nghị quyết của Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc yêu cầu Nga rút quân khỏi Ukraine

Lê Nguyễn Duy Hậu
24-12-2023
Tròn một năm trước, Putin xua quân đội và người dân Nga vào một cuộc chiến tranh xâm lược Ukraine. Cho đến nay, dù có nói gì đi nữa, thì ai cũng hiểu cái gọi là “chiến dịch quân sự đặc biệt” chỉ là lời nói dối nhằm che đậy cho cuộc chiến tranh ở Ukraine. Và cho dù biện minh bằng cách nào thì bản chất cuộc chiến tranh của Putin phát động tại Ukraine vẫn rất rõ ràng: một cuộc chiến tranh xâm lược theo đúng luật pháp quốc tế.


Tất nhiên, chuyện chính trị quốc tế vốn phức tạp và không phải lúc nào cũng có một phe chính nghĩa, một phe phi nghĩa. Việt Nam trong một năm qua đã bị đặt vào một thế khó, và ứng xử của Việt Nam đối với năm bản nghị quyết của Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc liên quan đến cuộc chiến tranh của Putin chống lại Ukraine có thể giúp Việt Nam “tai qua nạn khỏi” lúc này, nhưng những hệ lụy của nó về sau thì có thể rất lớn. Rõ ràng, bằng cách bỏ 4 phiếu trắng và 1 phiếu chống, Việt Nam đã luôn chọn đứng về phe thiểu số trong cộng đồng quốc tế khi nói về cuộc chiến ở Ukraine. Lập luận cho rằng tuy số phiếu trắng và chống có phần ít hơn nhưng nó đến từ các quốc gia đông dân, chiếm hơn 1/2 dân số thế giới (như Ấn Độ, Trung Quốc, Nga) nên đó mới là đại diện cho quan điểm đa số thì lại là một lập luận tự bắn vào chân mình.

Trật tự thế giới mà Việt Nam đang tham gia vào được lấy cảm hứng từ trật tự Westphalia và Hiến chương Liên Hiệp Quốc: theo đó, bất kể giàu, sang, nghèo, hèn, đông dân, ít dân… các quốc gia đều có quyền bình đẳng ngang nhau. Nếu chỉ vì cuộc chiến này, hay vì tình yêu mù quáng nào đó với quá khứ của Liên Xô, hay sự sùng bái với Putin, mà ta chấp nhận rằng nước nào càng đông dân thì càng có chính nghĩa, thì cần nhớ rằng Việt Nam không phải là quốc gia đông dân nhất, và càng đang sống kế bên một quốc gia đông dân nhất thế giới, ngày đêm tranh cãi với chúng ta. Không chấp nhận một trật tự thế giới hiện đang có, mà cũng không mạnh dạn đạp đổ nó, thì rất có thể trong tương lai, những gì chúng ta đang làm sẽ chống lại chúng ta.

Đã không đứng về phe đa số, vậy Việt Nam có thực sự chọn chính nghĩa không? Điều quan trọng cần phải định nghĩa “chính nghĩa” ở đây là gì. Nếu chính nghĩa là các bên kiềm chế, hạn chế xung đột, hòa bình, tuân thủ pháp luật quốc tế như đại sứ Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc từng tuyên bố, vậy chúng ta giải thích thế nào với các phiếu trắng (tôi không ý kiến gì, không có quan điểm gì?) với các nghị quyết của Đại Hội Đồng? Tất nhiên, sẽ có người nói rằng các nghị quyết kia thường bị thiên lệch sang phe phương Tây, chẳng hạn như nghị quyết ngày 2/3/2022 lên án gay gắt Nga và cho rằng hai xứ tự trị mà Nga công nhận là bất hợp pháp là hơi gây tranh cãi, hay nghị quyết ngày 7/4/2022 (nghị quyết duy nhất Việt Nam bỏ phiếu chống) đòi loại bỏ Nga ra khỏi HĐ Nhân quyền là quá đáng, hay thậm chí nghị quyết ngày 12/10/2022 lên án các cuộc bỏ phiếu ở bốn vùng thuộc Ukraine bị Nga sát nhập là chưa thỏa đáng. Nhưng Việt Nam giải thích thế nào với việc tiếp tục bỏ phiếu trắng với nghị quyết ngày hôm nay mà Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc đã thông qua?

Nếu bạn vẫn nghĩ rằng chắc có lý do gì đó quá đáng, thì hãy cùng xem một số điểm có thể gây tranh cãi của nghị quyết mà Việt Nam cho rằng quá tranh cãi và không có ý kiến:

– Lên án các hậu nhân quyền và nhân đạo của cuộc chiến của Nga tại Ukraine, bao gồm các cuộc tấn công vào các hạ tầng dân sự trên khắp cõi Ukraine (không nói rõ ai tấn công các hạ tầng này) >>> Điều này có phải lẽ phải không?

– Nhắc lại yêu cầu rằng Nga phải rút quân ngay lập tức, toàn bộ, và vô điều kiện khỏi lãnh thổ được quốc tế công nhận của Ukraine, và kêu gọi chấm dứt xung đột >>> Điều này có gì trái với các nguyên tắc mà Việt Nam vẫn theo đuổi? Có phải là lẽ phải không?

– Yêu cầu các bên tuân thủ luật nhân đạo quốc tế bao gồm việc đối xử tốt với tù bình chiến tranh và chấm dứt tấn công vào các cơ sở dân sự của Ukraine >>> có gì gây tranh cãi? Có khó để có ý kiến không?


– Nhấn mạnh yêu cầu phải quy trách nhiệm cho các tội ác nghiêm trọng đã xảy ra trong lãnh thổ Ukraine và đảm bảo việc xét xử công bằng (mà không nói là do Nga hay Ukraine gây ra, tức là ai gây ra tội ác đều phải bị xử lý) >>> đây nếu không phải lẽ phải thì là gì?

Không chống, không ủng hộ, thậm chí không đề xuất sửa đổi nếu thấy có gì lăn tăn, Việt Nam đơn giản bỏ phiếu trắng và nói rằng tôi không can dự. Rốt cuộc thì làm sao mà sự đi dây này lại là “đứng về chính nghĩa”? Mình trộm nghĩ, nếu có ai đó yêu cầu chúng ta vẽ lại bản đồ thế giới một cách chính thức, thì chúng ta sẽ vẽ Ukraine như thế nào? Đó là những câu hỏi mà mình hy vọng Việt Nam đã có câu trả lời, chứ không phải để lơ cho nó qua.

Nhớ lại sự gay gắt của Việt Nam khi lên án cuộc chiến tranh của Mỹ tại Iraq (và mình ủng hộ sự gay gắt đó) ngay cả khi Bush nói rằng ai không theo họ là chống lại họ, mình hiểu rằng Việt Nam thực sự đã không chọn chính nghĩa như đang nói, mà đơn giản là đang chọn đi với Bụt mặc áo cà sa, đi với ma mặc áo giấy. Chúng ta đang chọn nói thật lòng mình với những quốc gia quá quen với sự chỉ trích vì biết rằng sự trả đũa có thể không có, và chọn ve vuốt tránh né khi phải đối xử với những tên côn đồ và tiểu nhân như Putin. Vậy thì lựa chọn đã rõ. Chúng ta không chọn chính nghĩa, chúng ta cũng chẳng chọn theo số đông. Chúng ta đang chọn yên thân.

Hy vọng rằng chúng ta không phải rơi vào tình huống mà đến lượt chúng ta lên án sự yên thân của kẻ khác. Và hy vọng rằng khi nhìn thấy sự phản ứng khác nhau của Việt Nam với những đối tượng khác nhau trong cùng một hành vi, mọi người hiểu ai mới thật sự là côn đồ.

User avatar
muanuadem
Posts: 461
Joined: Sun Apr 19, 2009 6:47 pm

Re: Bình Luận Thời Sự

Post by muanuadem »

Năm thứ hai chiến tranh Ukraine: Mỹ tăng viện trợ và trừng phạt
Bình Phương
26 tháng 2, 2023

Image
Bước sang năm thứ hai của cuộc chiến Ukraine, chính phủ Mỹ công bố gia tăng viện trợ quân sự cho Kyiv với những loại vũ khí tân tiến, trong đó có xe tăng Abrams, được đánh giá là số 1 thế giới hiện nay. Ảnh xe tăng Abrams của Mỹ tập trận với xe tăng Leopard do Đức chế tạo tại Ba Lan cuối tháng 12 vừa qua, Ảnh Artur Widak/NurPhoto via Getty Images

Đánh dấu sự khởi đầu năm thứ hai của cuộc chiến tranh Nga – Ukraine, chính phủ Mỹ hôm thứ Sáu 24 Tháng Hai đã công bố viện trợ quân sự bổ sung cho Kyiv hàng tỷ đô la đồng thời áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt lên những công ty Nga và nước ngoài đã hỗ trợ cuộc xâm lược.

$2 tỷ viện trợ quân sự mới

Ngũ Giác Đài công bố hôm thứ Sáu sẽ chi thêm $2 tỷ để cung cấp cho quân đội Ukraine các sản phẩm vũ khí mới nhất bao gồm các hệ thống máy bay không người lái (UAV) hiệu Cyberlux K8, Switchblade 600, Altius-600 và Jump 20. Mỹ cũng cung cấp đạn dược bổ sung cho Hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao, hay HIMARS; đạn pháo 155 ly; đạn cho hệ thống tên lửa dẫn đường bằng laser; thiết bị rà phá bom mìn; và thiết bị thông tin liên lạc.

Không giống như phần lớn những gì Mỹ đã chuyển giao trước đây, số vũ khí mới này sẽ không được lấy từ kho dự trữ của Bộ Quốc phòng Mỹ mà thay vào đó, Bộ sẽ mua từ các nhà sản xuất và gửi chúng đến Ukraine – việc giao hàng có thể bị chậm hàng tháng hoặc thậm chí hàng năm dù vẫn cố gắng đáp ứng nhu cầu quân sự lâu dài của Ukraine.


Trong một cuộc phỏng vấn với đài ABC News vào tối thứ Sáu, Tổng thống Joe Biden cho biết “vào lúc này” ông chưa tính tới việc gửi máy bay chiến đấu F-16 cho Ukraine như yêu cầu của Kyiv và sự thúc giục của một số quốc gia đồng minh.

Trong một năm chiến tranh vừa qua, Hoa Kỳ đã cung cấp khoảng $54 tỷ viện trợ cho Ukraine, phần lớn là viện trợ quân sự, trở thành nước viện trợ lớn nhất cho cuộc kháng chiến của nhân dân Ukraine. Vào cuối Tháng Mười Hai năm ngoái, Quốc hội Mỹ đã thông qua khoản viện trợ bổ sung trị giá $50 tỷ cho Ukraine, được chi tiêu trong suốt cả năm. Thông báo viện trợ hôm thứ Sáu 24 Tháng Hai 2023 là một phần của khoản viện trợ này.

Ngoài vũ khí, Bộ Ngoại giao Mỹ đã công bố hơn $10 tỷ viện trợ phi quân sự mới cho Ukraine, gần như tất cả đều hỗ trợ ngân sách trực tiếp cho chính phủ nước này để giúp duy trì các dịch vụ cơ bản như chăm sóc sức khỏe và giáo dục.

Mở rộng trừng phạt kinh tế

Ngoài viện trợ quân sự và tài chính, chính phủ Mỹ đã gia tăng nỗ lực làm suy yếu tiềm lực chiến tranh của Nga bằng cách ngăn chặn các công ty Nga và nước ngoài trốn tránh các biện pháp hạn chế xuất cảng của Mỹ và mua sắm các sản phẩm công nghệ, kể cả những hàng hóa tiêu dùng có công nghệ không cao.

Bộ Thương mại Mỹ hôm thứ Sáu đã thêm vào “sổ đen” 86 công ty và tổ chức mà họ cho là đã hỗ trợ cuộc chiến của Nga hoặc tham gia vào các hoạt động khác trái với lợi ích an ninh quốc gia của Hoa Kỳ. Các công ty và tổ chức này bị cấm mua một số sản phẩm và công nghệ của Hoa Kỳ. Trong danh sách các thực thể bị trừng phạt có 79 công ty ở Nga, năm công ty Trung Quốc; hai công ty Canada; Pháp, Luxembourg và Hà Lan mỗi nước có một công ty.


Trong số các công ty Nga có tập đoàn viễn thông Megafon – nhà cung cấp dịch vụ di động lớn thứ hai của nước này, bị Mỹ cáo buộc “thâu tóm và cố thâu tóm” công nghệ Mỹ để phục vụ quân đội Nga. Năm công ty Nga khác bị trừng phạt vì hỗ trợ cho điều mà Mỹ gọi là “các chiến dịch xâm nhập” vào các vùng lãnh thổ của Ukraine bị Nga chiếm đóng, “sử dụng công nghệ sinh trắc học (biometrics) để đàn áp sự phản kháng của người dân và cưỡng bức người Ukraine phải thể hiện sự trung thành với Nga”.
Image
Ngay cả thủ đô Kyiv của Ukraine cũng không tránh được sự tàn phá của cuộc xâm lược mà Nga thực hiện đúng một năm trước. Ảnh một đứa trẻ chơi xích đu trước một tòa nhà bị phi pháo Nga làm hư hại ở Kyiv hôm 25 Tháng Hai 2023. Ảnh Pierre Crom/Getty Images

Trong số các công ty Trung Quốc bị trừng phạt có hai tập đoàn công nghệ hàng không và vệ tinh nhân tạo là công ty Spacety Co Ltd và công ty China HEAD Aerospace Technology Co; trong đó Spacety Co. đã bị trừng phạt từ Tháng Một 2023.

Bộ cũng đặt ra các hạn chế trong việc bán công nghệ cho Iran, sau khi phát hiện ra máy bay không người lái của Iran trên chiến trường Ukraine. Hôm thứ Sáu, chính quyền Biden cho biết càng ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy Nga đang lên kế hoạch cung cấp máy bay chiến đấu cho Iran như một phần của mối quan hệ quân sự ngày càng sâu sắc, đổi lại việc Iran cung cấp cho Nga các loại UAV và đạn đại bác để sử dụng tại Ukraine.

“Hồi Tháng Mười Một năm ngoái, Iran đã vận chuyển pháo và đạn xe tăng tới Nga để sử dụng ở Ukraine và Nga đang có kế hoạch hợp tác với Iran để có được nhiều thiết bị quân sự hơn nữa. Đổi lại, Nga đã cung cấp cho Iran sự hợp tác quốc phòng chưa từng có, bao gồm cả tên lửa, thiết bị điện tử và phòng không”, ông John Kirby, Phát ngôn viên Hội đồng An ninh quốc gia cho biết và nói thêm rằng mối quan hệ hợp tác quân sự Nga – Iran không chỉ liên quan đến cuộc chiến ở Ukraine mà cả môi trường an ninh ở Trung Đông.

Cấm vận có hiệu quả không?

Quyết định trừng phat kinh tế các thực thể của Nga và một số nước nói trên được phối hợp với các đồng minh trong nhóm các nước công nghiệp phát triển G7. “Các lệnh trừng phạt của chúng tôi vừa có tác động trước mắt vừa lâu dài, ngăn chặn năng lực của Nga bổ sung kho vũ khí và vực dậy nền kinh tế bị cô lập của họ”, Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen tuyên bố. “Hành động của chúng tôi hôm nay cùng với các đồng minh G7 cho thấy chúng tội sẽ sát cánh cùng Ukraine chừng nào điều đó là cần thiết”.

Bà Yellen đang tham dự hội nghị các bộ trưởng tài chính nhóm G20 tại Bengaluru, Ấn Độ. Vào sáng thứ Sáu 24 Tháng Hai, bà Yellen nói với phái đoàn Nga tại hội nghị rằng “chuyện họ làm việc cho Điện Kremlin đã khiến họ trở thành tòng phạm trong những hành vi tàn độc của Putin”. “Họ phải chịu trách nhiệm về cuộc sống và sinh mạng bị cướp mất ở Ukraine và những tai họa gây ra trên toàn cầu”.

Cùng quan điểm với bà Yellen, Bộ trưởng Tài chính Anh Jeremy Hunt cho rằng biện pháp cấm vận kinh tế “vẫn chưa xong”; đồng thời công bố những biện pháp trừng phạt mới lên những công ty cung cấp thiết bị chiến tranh cho Nga, cấm xuất cảng sang Nga những mặt hàng dùng trong chiến tranh như phụ tùng phi cơ, thiết bị radio, linh kiện điện tử dùng trong vũ khí… Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Marie thì nhận định “các biện pháp cấm vận của chúng ta là mạnh mẽ và có hiệu quả và sẽ có hiệu quả hơn nữa trong tương lai”.

Chỉ có Trung Quốc – một nước không thuộc nhóm G7 – trong bản minh định “lập trường về cuộc khủng hoảng chính trị ở Ukraine” công bố hôm thứ Sáu 24 Tháng Hai thì cho rằng cần phải chấm dứt ngay các biện pháp trừng phạt “đơn phương” không được Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc phê chuẩn. Hội đồng Bảo an là tổ chức quốc tế quan trọng nhất nhưng đang bị tê liệt vì lá phiếu phủ quyết của Nga và Trung Quốc, cho nên đề nghị của Bắc Kinh chỉ nhằm mang lại lợi ích cho Nga, và cả cho Trung Quốc sau này.

muoiot
Posts: 100
Joined: Sat Sep 19, 2009 6:52 pm

Re: Bình Luận Thời Sự

Post by muoiot »

Tân Chủ tịch nước – Nhân vật của ‘giai đoạn chuyển tiếp’
Trần Đông A

3-3-2023

Image
Không thể đón đợi bất cứ sự “đảo chiều” nào khi Võ Văn Thưởng đã chốt hạ ngay tại lễ tuyên thệ ở Quốc hội sáng 2/3: “Nguyên tắc sống còn là kiên định chủ nghĩa Marx-Lenin!” Nguồn: AP
“Giai đoạn chuyển tiếp” là khái quát tương đối chính xác của Hãng AFP (Pháp). Việc ông Võ Văn Thưởng được cử làm Chủ tịch nước không phải là tín hiệu cho ‘‘bước ngoặt thay đổi’’, bởi nhân vật này vẫn được coi là một thành phần cốt cán của chế độ.

Sự chuyển tiếp quyền lực tới đây sẽ êm đềm hay đầy dông bão thì chưa thể tiên lượng một cách chắc chắn…

Quá trình chuyển giao có tối ưu?

Không thể đón đợi bất cứ sự “đảo chiều” nào khi Võ Văn Thưởng đã chốt hạ ngay tại lễ tuyên thệ ở Quốc hội sáng 2/3: “Nguyên tắc sống còn là kiên định chủ nghĩa Marx-Lenin!” Trong các bài phát biểu nhậm chức của hai người tiền nhiệm trước đây (Nguyễn Xuân Phúc và Nguyễn Phú Trọng) không hề có một dòng nào đề cập đến “chủ nghĩa Marx-Lenin” hay “tư tưởng Hồ Chí Minh” cả. Ông Thưởng ngược lại, vội vã tuyên bố phủ đầu và coi đấy là nguyên tắc sống còn của cả Đảng lẫn cá nhân ông.

Vậy là tân Chủ tịch nước đã xuất hiện trước công chúng với hình ảnh một “đệ tử” ngoan – hiền của Tổng bí thư, chứ không phải là chủ nhân của các phương án tìm lối thoát cho khủng hoảng kinh tế – xã hội. Ba Đình thống nhất cao trong việc chọn Thưởng là giải pháp tối ưu để bảo đảm các yếu tố đồng thuận trong tầm kiểm soát với tính toán kế vị Tổng bí thư Đảng nhiệm kỳ tới.

Nói như các nhà bình luận am hiểu, còn hơn hai năm của nhiệm kỳ 13, ông Thưởng, cùng những ứng viên tiềm năng khác, còn có thời gian để thử thách! Thành công lần này của ông Trọng là đã “cài cắm” được cả hai candidate do ông “dấm” lâu nay – tân Chủ tịch nước và đương kim Chủ tịch Quốc hội – an vị trong “Bộ tứ” để chuẩn bị thay thế ông khi cần.

Bài diễn văn của tân Chủ tịch nước đọc ngay sau nghi thức tuyên thệ là một kịch bản rập khuôn mang tính an toàn. Gọi là rập khuôn, vì bài diễn văn được viết trau chuốt, thậm chí còn trích thơ từ bài thơ được cho là nổi tiếng. Chẳng cần đến sự tinh ý, người nghe dễ dàng nhận ra đây là bài chuẩn bị sẵn để tân Chủ tịch nước trình làng như một phần của nghi lễ trước các đại biểu Quốc hội và ống kính truyền hình. Trong lời tuyên thệ, ông Thưởng đã lặp lại quan điểm không mới là “lấy dân làm gốc”. Tuy nhiên, nếu thiếu cơ chế kiểm soát quyền lực hiệu quả và thiếu cơ chế đảm bảo các quyền cơ bản của công dân được hiến định trong hành động, thì những lời phát biểu này, suy cho cùng, cũng chỉ là thủ tục phải có.

Việc Thưởng “trúng” Chủ tịch nước là sự kiện không gây bất ngờ, tuy nhiên quá trình kế vị Tổng bí thư quyền lực “vô đối” vẫn còn bỏ ngỏ. Tức là dư luận rồi đây sẽ tập trung vào quá trình chuyển giao quyền lực sau khi “Bộ tứ” được đắp đủ, đặc biệt là khả năng thực sự của tân Chủ tịch nước có thể lèo lái được đến đâu các mối liên hệ phức tạp trong nội bộ Đảng ở một tương lai cận kề. Đây chính là đáp án để trả lời cho câu hỏi, quá trình chuyển giao quyền lực tới đây có suôn sẻ hay sẽ đầy kịch tính?

Như một sự tình cờ, vào ngày nhậm chức của ông Võ Văn Thưởng, truyền thông quốc tế cũng đưa nổi bật các tin tức khác như: Tổng Giám đốc Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) Samantha Power vào tuần tới sẽ đến thăm Việt Nam. Rồi đài RFA tường trình, Viện Brookings đã thực hiện một cuộc phỏng vấn trực tuyến vào sáng ngày 2/3 (giờ miền Đông Hoa Kỳ) với Đại sứ Hoa kỳ tại Việt Nam, ông Marc E. Knapper về chính sách của Hoa Kỳ đối với Việt Nam, các ưu tiên hàng đầu trong mối quan hệ cùng với các cơ hội và thách thức trong thời gian tới.

Cũng vào ngày 2/3, VOA đưa tin, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Công ty TNHH Điện gió Monsoon vừa ký gói tài trợ dự án không truy đòi trị giá 682,55 triệu USD để xây dựng một nhà máy điện gió 600 MW ở khu vực phía nam Lào và xuất khẩu bán điện cho nước láng giềng Việt Nam. Đây là nhà máy điện gió lớn nhất Đông Nam Á và đầu tiên ở Lào, cũng là nhà máy điện gió xuyên biên giới đầu tiên ở châu Á. Theo thông báo của ADB, nhà máy điện gió cùng với đường dây truyền tải 500 kV chuyên dụng sẽ được xây dựng tại tỉnh Sê Kông và tỉnh Attapeu và sẽ bán điện cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) theo hợp đồng mua bán điện 25 năm.

Tất cả điều này cho thấy, dù Thưởng có thề thốt, quyết “bới mây” để đi tìm CNXH, thì người đứng đầu Nhà nước Việt Nam vẫn không thể từ bỏ Hoa Kỳ và thế giới tự do, vì chính sự tồn vong của đất nước.

Tổng bí thư từ nay mạnh hay yếu?

Nguyễn Phú Trọng và Võ văn Thưởng sắp tới đây có phải là một “bộ đôi hoàn hảo”? Nếu đúng thì rõ ràng, quyền năng của Tổng bí thư từ nay sẽ mạnh lên. Tuy nhiên, nếu quan sát kỹ, sự mạnh – yếu của Tổng bí thư có nhiều hàm ý sâu rộng hơn nhiều. Mạnh vì vị thế bao trùm của Đảng Cộng sản và cá nhân ông Trọng trong hệ thống chính trị. Cán cân quyền lực giữa Đảng và Nhà nước hiện đang được cho là nghiêng nhiều hơn về phía Đảng. Cơ chế tập thể lãnh đạo tồn tại trước nhiệm kỳ của ông Trọng nay đã suy yếu trong những năm của chiến dịch chống tham nhũng. Vị thế của Tổng bí thư hiện tại thậm chí còn lớn hơn so với tại Đại hội 13 vào năm 2021, khi Điều lệ Đảng – vốn chỉ cho phép một cá nhân giữ hai nhiệm kỳ Tổng bí thư – bị bỏ qua để cho phép ông Trọng giữ nhiệm kỳ thứ ba.

Vào thời điểm đó, các nhà quan sát tin rằng, vì ông Trọng không có đủ quyền năng chính trị để đưa ứng viên của mình, ông Trần Quốc Vượng, lên vị trí số một. Và do đó, việc ông Trọng ở lại là lựa chọn thỏa hiệp. Vì thế, dù Đại hội 13 được một số nhà phân tích coi là “chiến thắng cuối cùng” của Tổng bí thư. Nhưng thực ra, việc ông phá bỏ Điều lệ Đảng lộ rõ điểm yếu, thay vì biểu dương thế mạnh của ông. Và cũng từ đó, đặc biệt là gần đây, trong BCHTƯ, mọi chuyện đều diễn ra không hoàn toàn theo tính toán của Tổng bí thư.

Sự thoái lui “cưỡng bức” đối với Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc – từng được coi là một trong những người kế nhiệm tiềm năng của Tổng bí thư Trọng tại Đại hội Đảng lần thứ 14 vào năm 2026 – đã loại trừ một trong những cơ sở quyền lực mạnh nhất và tiếp tục củng cố vị trí trung tâm của ông Trọng trong hệ thống “Tứ trụ” của Việt Nam. Nhưng sự phản đối ở cả Trung ương lẫn trong Quốc hội đối với “màn kịch” khá vụng về đã khiến ông Trọng phải chững lại trong việc thực hiện một số ý đồ tiếp tục thâu tóm quyền lực cho cá nhân ông và phe nhóm.

Về cả quyền uy lẫn quyền lực, cả hai “trụ” còn lại ít có khả năng đối trọng với Tổng Trọng. Thủ tướng Phạm Minh Chính được cho là đang phải đối mặt với áp lực lớn do mối liên hệ với một “đại án” tham nhũng, trong khi Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ được cho là gần gũi với ông Trọng. Dù những phỏng đoán này vào thời điểm đó có đúng hay không, nhận định ấy giờ đây có vẻ đã lỗi thời. Lỗi thời là vì, dư luận trong Trung ương cho thấy cả phe cánh Phạm Minh Chính lẫn phe miền Nam, do Trương Tấn Sang và Nguyễn Tấn Dũng đang câu kết với nhau, khiến chiếc ghế của Tổng bí thư nhiều khi cũng bị “rung lắc”.

Trước khi ông Võ Văn Thưởng được Đảng quyết định chọn, đã có những nguồn tin đồn cho rằng Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cũng là người được khuyến khích vào cái ghế này nhất. Nhưng ông Tô Lâm có quá nhiều “phốt”, trong đó có những vụ nước ngoài đều biết như vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh ở Berlin hay vụ ăn “bò dát vàng” ở London. Ông Tô Lâm cũng lại dính tới mấy vụ khác, chưa kể trong “Tứ trụ” mà đến “hai trụ” đều là mật vụ và an ninh thì cái bản chất “công an trị” của chế độ hơi bị bộc lộ.

Mặt khác, chính ông Tô Lâm cũng chẳng dại gì ngồi vào ghế Chủ tịch nước, tiếng là “lên” mà thật ra là không còn quyền lực nhiều như bên Công an, hơn nữa giống như hổ bị đưa ra khỏi rừng. Làm ngành công an, vừa bị chuốc lấy sự căm hờn vì đã thẳng tay đàn áp xã hội dân sự, vừa tích cực hỗ trợ ông Trọng “khui” ra bao nhiêu vụ án tham nhũng của các “đồng chí”. Ân oán từ mọi giới quá nhiều, ngồi ở ghế Chủ tịch nước sẽ khó mà an toàn. Vả chăng, cái ghế Chủ tịch nước dường như đang bị cái “dớp” xui xẻo, hết Trần Đại Quang chết vì “bệnh lạ”, đến Nguyễn Xuân Phúc phải rời ghế, nên an toàn hơn cả, Tô Lâm cám ơn Tổng bí thư “đã có nhời” nhưng ông quyết định ngồi lại ghế cũ cho nó lành.

Nếu được phép diễn giải mà không ngại bị quy chụp bởi các điều luật hình sự 117 hay 331, thì có lẽ người chấp bút soạn diễn văn mà tân Chủ tịch nước đã đọc liền mạch ngay sau nghi thức tuyên thệ, đang muốn “vuốt ve” ngài tân Chủ tịch nước bằng một ngôn ngữ thơ ca của “ý tại ngôn ngoại” mang tính dân túy. Vì sao lại chọn bốn câu thơ: “Tôi cùng xương thịt với nhân dân tôi/ Cùng đổ mồi hôi cùng sôi giọt máu/ Cùng sống với cuộc đời chiến đấu/ Của triệu người yêu dấu gian lao?” (Xuân Diệu).

Một nhà báo nữ đã bình phẩm thế này: Với bốn câu thơ ấy, có nghĩa là sắp tới đây ngài Chủ tịch sẽ cùng nếm cái hoang mang của hàng vạn công nhân trong làn sóng thất nghiệp. Ngài cũng sẽ toát mồ hôi giữa cái nắng chói chang của đội quân xe công nghệ. Và dĩ nhiên lúc đó ngài sẽ thấu cái đói rã ruột của bao kẻ cơ nhỡ ở chốn hè phố…

Về phương diện quốc tế, các nhà phân tích coi việc “đắc cử” của ông Thưởng là dấu hiệu của sự liền mạch trong chính sách kinh tế và đối ngoại của Việt Nam. “Sẽ không có thay đổi lớn nào đối với chính sách đối ngoại của Việt Nam sau khi ông Thưởng đắc cử”, ông Lê Hồng Hiệp, thành viên cao cấp và chuyên gia về Việt Nam tại ISEAS cho biết. Một nhà đầu tư nước ngoài có trụ sở tại Việt Nam phát biểu, việc đắc cử của ông Thưởng đã chấm dứt tình trạng không chắc chắn sau khi Chủ tịch nước Phúc bất ngờ bị cách chức. Ông nói: “Điều đó có nghĩa là sự ổn định và khả năng dự đoán được của nền chính trị Việt Nam đã được phục hồi”.

muoiot
Posts: 100
Joined: Sat Sep 19, 2009 6:52 pm

Re: Bình Luận Thời Sự

Post by muoiot »

Có phải Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Minh chết vì đột quỵ?

Phạm Vũ Hiệp
5-3-2023
Trưa ngày 4-3-2023, đồng loạt các báo quốc doanh đưa tin, ông Trần Văn Minh, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ, bị đột quỵ và tử vong.

Theo báo cáo của bác sĩ Lê Cao Phương Duy, Phó giám đốc Bệnh viện Nguyễn Tri Phương ở thành Hồ, cho biết, lúc 6h30 sáng 4-3-2023, nhận được tin báo từ gia đình, đơn vị cho xe đến nhà đưa ông Trần Văn Minh trong tình trạng “ngưng tim, ngưng thở” vào viện. Các bác sĩ nỗ lực cứu chữa ông Minh trong 3 giờ nhưng không thành công. Hồ sơ bệnh án tại bệnh viện ghi rõ “ngưng tim, ngưng thở” trước khi vào viện.
Image
Chân dung Trần Văn Minh, Phó tổng Thanh tra Chính phủ. Nguồn: Báo Thanh tra

Thăng tiến và bê bối

Trần Văn Minh sinh năm 1967, quê xã Tịnh An, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi. Ông thi rớt đại học, sau đó học chuyên tu, lên tới học vị Tiến sĩ Kinh tế.

Năm 2007, Trần Văn Minh là Thanh tra viên của Thanh tra Chính phủ (TTCP) được Tổng TTCP Trần Văn Truyền bổ nhiệm chức Trưởng phòng Theo dõi chống tham nhũng. Đây là “phòng ma” vì không có trong biên chế, không có nhân viên.


Năm 2008, Trần Văn Minh được bổ nhiệm chức Phó Cục trưởng Cục Giải quyết khiếu nại tố cáo và thanh tra khu vực 3 – thuộc Thanh tra Chính phủ. Cũng thời gian này, Trần Văn Truyền cho “xoá sổ” Phòng Theo dõi Chống tham nhũng.

Ngày 14-7-2010, Trần Văn Minh được Trần Văn Truyền bổ nhiệm giữ chức “Hàm” Cục trưởng Cục 3. Điều lạ lùng là, thời điểm này Cục 3 đang có ông Võ Văn Đồng làm Cục trưởng. Ông Minh tráng men chức “Hàm” Cục trưởng được đúng 7 ngày thì vọt lên chức khác.

Ngày 21-7-2010, Tổng TTCP Trần Văn Truyền ký quyết định điều động Trần Văn Minh sang công tác tại Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Tại đây, ông Minh giữ chức Vụ trưởng Vụ Đơn thư – Tiếp đảng viên và công dân.


Trong “phi vụ”này, nội bộ đồn đoán rằng ông Truyền “ăn rất dày” để bán chức cho ông Minh. Bất bình trước vấn nạn chạy chức chạy quyền công khai của cặp Trần Văn Truyền – Trần Văn Minh, ông Lê Văn Tỵ, (tên thường gọi Năm Tỵ), hàm Phó Cục trưởng Cục Giải quyết khiếu nại, tố cáo và Thanh tra khu vực 3, đã gởi rất nhiều đơn Tố cáo đến Uỷ ban Kiểm tra Trung ươmg và Ban Tổ chức Trung ương, nhưng sự việc chìm xuồng.

Ngày 14-1-2019, chán nản và mất niềm tin, ông Lê Văn Tỵ làm đơn gởi cho Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, xin ra khỏi đảng. Năm Tỵ là sĩ quan công an cấp tá, từng được Mai Chí Thọ, cựu Bộ Trưởng Bộ Công an, tin tưởng giao cho nhiều nhiệm vụ đặc biệt. Sau vụ án Năm Cam, ông Tỵ được biệt phái sang Thanh tra Chính phủ.

Tháng 3-2014, Trần Văn Minh nằm trong danh sách 44 cán bộ được Bộ Chính trị luân chuyển, điều động về công tác tại các địa phương. Ông Minh được bổ nhiệm giữ chức Phó Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi.
Image
Từ trái qua: Võ Văn Thưởng (lúc đó giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi), Trần Văn Minh (tân Phó bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi năm 2014) và Trần Văn Minh, Phó Ban Tổ chức Trung ương (cựu Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng). Ảnh: Báo TN

Tháng 1-2019, ông Trần Văn Minh được Thủ tướng bổ nhiệm làm Phó tổng thanh tra Chính phủ. Ông Minh được giao nhiệm vụ giúp Tổng Thanh tra Chính phủ chỉ đạo thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo khối văn hóa, xã hội; công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo khu vực 2 (gồm 18 tỉnh miền Trung – Tây Nguyên). Ông Minh cũng trực tiếp phụ trách Vụ III, Cục II, Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra, Trường cán bộ Thanh tra. Xem ra, quyền lực và bỗng lộc đến với ông Minh ngút trời.
Image
Ảnh: Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình trao QĐ bổ nhiệm Phó Tổng TTCP cho Trần Văn Minh ngày 23-1-2019. Nguồn: VPG
Treo cổ tự tử

Thông tin nội bộ cho hay, ông Trần Văn Minh đã treo cổ tự tử tại nhà riêng vào rạng sáng ngày 4-3-2023. Gia đình phát hiện nên cắt dây, hô hấp nhân tạo và gọi điện thoại cho bệnh viện Nguyễn Tri Phương. Khi xe cấp cứu đến nơi, bác sĩ xác định ông Minh đã chết, trạng thái “ngưng tim, ngưng thở”, nhưng chìu theo ý gia đình, vẫn đưa vào bệnh viện để “còn nước, còn tát”.

Hiện nay cơ quan điều tra công an đang vào cuộc, theo hướng bịt miệng và dẫn dắt dư luận đi theo thông tin chính thống của đảng, là ông Trần Văn Minh tử vong do đột quỵ vì bệnh lý.

Tuy nhiên, thông tin rò rỉ cho hay, ông Minh đã nhận hàng chục tỷ đồng từ Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và các quan chức tại các tỉnh thành. Vụ việc đang bị các cơ quan nội chính của đảng soi kỹ, nên ông Minh bị dồn đến đường cùng. Ông Trần Văn Minh cùng với ông Nguyễn Văn Hùng, đều là nhóm theo phe cựu chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc.

Trước đó, chiều ngày 21-11-2022, tại trụ sở Uỷ ban Kiểm tra Trung ương, ông Nguyễn Văn Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng khoá XIII, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, cũng đã nhảy lầu và tử vong tại chỗ. Cái chết của ông Hùng cũng được cho là bị các đồng chí của ông ta bức tử, vì liên đới đến tập đoàn Vạn Thịnh Phát.

Những năm gần đây, quan chức cấp cao của đảng và nhà nước đã thể hiện sự “dũng cảm và kiên trung” của họ. Khi bị thanh trừng vì bê bối tham nhũng, nguy cơ dẫn đến mất chức, mất quyền hoặc bị truy tố, các đảng viên cộng sản chọn cách đi về địa phủ theo Mác – Lê Nin, để không phải bị điều tra, truy tố, đối diện với án tù nhiều năm, lại còn mất sạch của cải. Họ chọn cái chết, vừa giữ được “thanh danh”, vừa giữ được của cải, để lại cho vợ, con.

muoiot
Posts: 100
Joined: Sat Sep 19, 2009 6:52 pm

Re: Bình Luận Thời Sự

Post by muoiot »

Mỹ sẽ tấn công trước nếu Iran sớm có vũ khí hạt nhân?
Lê Tây Sơn
26 tháng 3, 2023

Image
Ali Akbar Salehi, Giám đốc Cơ quan nguyên tử năng Iran trong lễ động thổ nhà máy hạt nhân Bushehr ngày 10 Tháng Mười Một 2019 (ảnh: Fatemeh Bahrami/Anadolu Agency via Getty Images) (Photo by Fatemeh Bahrami/Anadolu Agency via Getty Images)
Iran chỉ cần vài tháng để sản xuất vũ khí hạt nhân. Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ Mark Milley vừa lên tiếng cảnh báo. “Cửa sổ thời gian” để Mỹ phản ứng ngắn hơn nhiều so với các ước tính trước đó.

Tuyên bố mang tính cảnh báo cao

“Iran chỉ cần vài tháng để chế tạo vũ khí hạt nhân nếu Tehran chọn sản xuất một quả bom hạt nhân” – Tướng Mark Milley nhận định trước Quốc hội vào thứ Năm, 23 Tháng Ba. Đánh giá của tướng Milley đã cung cấp một ước tính mới và ngắn hơn đáng kể so với các ước tính của tình báo phương Tây về việc Tehran trở thành một quốc gia có vũ khí hạt nhân nhanh như thế nào.

Cảnh báo cũng làm tăng thêm sự lo ngại về những tiến bộ trong chương trình hạt nhân Iran. “Tính từ thời điểm một quyết định sản xuất được đưa ra, Iran có thể sản xuất vật liệu phân hạch cho vũ khí hạt nhân trong chưa đầy hai tuần và sẽ chỉ mất thêm vài tháng để sản xuất một vũ khí hạt nhân hoàn chỉnh” – Tướng Mark Milley lưu ý trước Tiểu ban Chuẩn chi Quốc phòng Hạ viện (House Appropriations Subcommittee on Defense).

Tuyên bố đó đã vang vọng những đánh giá gần đây của một số quan chức Mỹ rằng Tehran chỉ cần vài ngày tái khởi động chương trình hạt nhân là có đủ vật liệu uranium “cấp độ vũ khí” (uranium cấp độ vũ khí được coi là có độ tinh khiết 90%) để chế tạo một quả bom hạt nhân.

Xong phần vật liệu là câu hỏi quan trọng: Cần bao lâu để quốc gia Hồi giáo này sản xuất xong một vũ khí hạt nhân? Có nghĩa là Mỹ (và Israel) có bao nhiêu thời gian để ra tay trước? Tuyên bố của tướng Milley đi kèm với cảnh báo: “Theo hiểu biết tốt nhất, chúng tôi không tin nhà lãnh đạo tối cao ở Iran vẫn chưa đưa ra quyết định tiếp tục chương trình vũ khí họ đã đình chỉ hoặc dừng vào cuối năm 2003. Nhưng Mỹ không bao giờ cho phép Iran có được vũ khí hạt nhân tác chiến. Quân đội Mỹ đã đưa ra nhiều lựa chọn để lãnh đạo xem xét nếu Iran quyết định phát triển một vũ khí hạt nhân như thế”.

Ngày thứ Hai, 20 Tháng Ba, các cơ quan tình báo Mỹ thừa nhận Tehran đang thực hiện các bước cần thiết để biến vật liệu phân hạch thành một quả bom hạt nhân. Các cuộc đàm phán tái lập Thỏa thuận hạt nhân Iran 2015 mà Mỹ đã rút ra vào thời chính quyền Trump năm 2018 đã bị đình trệ vào năm ngoái. Iran luôn nói chương trình hạt nhân của họ là hoàn toàn nhằm mục đích hòa bình.

Sẽ tấn công trước!

Tuy nhiên, khó có ai tin tuyên bố này vì Iran là quốc gia phi hạt nhân duy nhất có trong tay uranium được làm giàu hơn 60%. Năm 2015, cơ quan nguyên tử của Mỹ ra kết luận “Tehran theo đuổi chương trình vũ khí hạt nhân ít nhất cho đến năm 2003”.

Trong quá khứ, các quan chức Mỹ thường tránh xa những nhận xét của dư luận về việc Iran sẽ mất bao lâu để chế tạo xong vũ khí hạt nhân đầu tiên nếu quyết định sản xuất. Tuy nhiên, họ tin Tehran có thể chế tạo vũ khí hạt nhân trong khoảng một năm. Các quan chức phương Tây khác cũng có suy nghĩ tương tự.

Vào Tháng Một, 2020, cựu Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Jean-Yves Le Drian dự báo “Iran có thể mất từ một đến hai năm để chế tạo vũ khí hạt nhân”. Một số quan chức Israel cũng đưa ra khung thời gian tương tự. Vào Tháng Mười Hai, David Albright, cựu thanh tra viên vũ khí và là Chủ tịch của Viện Khoa học và An ninh Quốc tế (Institute for Science and International Security) tuyên bố: “Iran có thể sản xuất vũ khí hạt nhân thô đầu tiên trong vòng sáu tháng!”.

Tuy nhiên, những người khác vẫn giữ quan điểm rằng, phải mất từ một đến ba năm để Iran hoàn thiện một vũ khí hạt nhân đúng nghĩa. “Không còn nghi ngờ gì về việc Iran có thể sản xuất vũ khí hạt nhân dễ dàng khi đã có vật liệu phân hạch đạt yêu cầu, nhưng tôi không chắc họ có thể làm nhanh thế nào – Gary Samore, Giám đốc trung tâm Crown Center for Middle East Studies thuộc Brandeis University và là cựu quan chức Toà Bạch Ốc trong chính quyền Obama nhận định – Chúng ta cũng không biết Iran đã khởi động lại và nghiên cứu phát triển xong những gì họ đang làm trước năm 2003”.

Henry Rome, thành viên cao cấp tại viện Washington Institute for Near East Policy nhận định: “Một đột phá về thời gian sản xuất vũ khí hạt nhân của Iran sẽ tác động mạnh lên các nhà hoạch định chính sách. Nếu thời gian ‘cửa sổ’ tính theo tháng, sự việc sẽ gây thêm áp lực lên quyết định ngăn chặn trước”. Phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia của Toà Bạch Ốc cũng không đưa ra ý kiến về nhận định của tướng Milley mà chỉ nói: “Trong quá khứ và hiện tại, Mỹ luôn khẳng định không bao giờ cho phép Iran có được vũ khí hạt nhân. Chúng tôi tin rằng ngoại giao là cách tốt nhất để đạt mục tiêu đó, nhưng Tổng thống Biden cũng nói rất rõ, tất cả các lựa chọn đều được tính đến”.

cuoigia
Posts: 255
Joined: Thu Aug 06, 2009 6:57 pm

Re: Bình Luận Thời Sự

Post by cuoigia »

Công lý đã thua và không thể phục hồi lại được

Lê Nguyễn Duy Hậu

Trong khi cả thế giới chú ý đến vụ việc Trump xuất hiện tại phiên tòa ở New York để nghe cáo trạng chống lại mình, thì tại Việt Nam, bản cáo trạng liên quan đến vụ án chuyến bay giải cứu có lẽ là đáng quan tâm hơn rất nhiều. Năm mươi bốn bị cáo đại diện cho một vòng tròn khép kín “làm ăn” trong suốt hai năm chống dịch, từ người phê duyệt chuyến bay, tổ chức chuyến bay, giám sát chuyến bay, đến cả người sau này nhận trách nhiệm điều tra, xử lý sai phạm liên quan đến chuyến bay – tất cả đều cảm thấy, theo cáo trạng, bản thân có quyền làm giàu từ chức phận của mình.


Tần suất các bị cáo liên hệ, gặp gỡ nhau cũng làm mọi người đáng kinh ngạc và nếu có ai đó vẽ một bản đồ những địa điểm và số lần các bị cáo gặp nhau trong mùa dịch để giao dịch, thì kết quả chắc cũng không kém phần sửng sốt như cách mà chúng ta từng contact tracing và lên án những F0 có lịch trình di chuyển nhiều ngày xưa. Điểm khác nhau đó là các F0 là người vô tội, nhưng thời điểm đó có lẽ họ cũng bị chính những bị cáo ngày hôm nay lên án. May mắn là pháp luật cuối cùng cũng được đem ra để phân xử tội trạng của những bị cáo này, và hy vọng đó là một phiên tòa công tâm.


Nhưng trong chính cái “may mắn” đó, mình vẫn có một chút gợn trong lòng khi đọc những comment của người dân trên các bản tin về vụ án. Ngoài những tiếng hô vang ủng hộ Đảng và chính phủ làm quyết liệt, mình để ý đến những người đã từng bất đắc dĩ tham gia vào guồng quay đó. Có người chia sẻ họ mất trắng công sức làm việc mấy năm trời ở xứ người chỉ để mua một vé máy bay combo trị giá vài ngàn đô-la để về nước. Có người bồi hồi nhớ lại người thân mình đã mất mà họ không về kịp để nhìn lần cuối. Đó là những nạn nhân thật sự. Họ có câu chuyện, và mất mát của họ là thực tế. Nhưng chắc là họ sẽ không có một tư cách nào trong phiên tòa sẽ diễn ra. Điều trớ trêu rằng tội phạm nhận hối lộ đang được truy tố có khách thể được bảo vệ không phải là những nạn nhân là con người, mà là những thứ trừu tượng hơn: uy tín của nhà nước với nhân dân, hoạt động bình thường của cơ quan Nhà nước v.v…


Trong một vụ án hối lộ, “người bị hại” nếu có chính là Nhà nước, chứ không phải hành khách trên các chuyến bay. Nói cách khác, vụ án sắp tới diễn ra sẽ là một vụ án mà những nạn nhân thực sự của nó không xuất hiện. Một vụ án với những người bị hại vô danh. Hành vi của các bị cáo nếu đúng với những gì cáo trạng kết tội thì là hành vi tham nhũng, theo luật định. Nhưng với những người dân bình thường, những nạn nhân thực sự của vụ án, thì hành vi đó đơn giản chỉ một từ: Cướp. Và đó là một vụ cướp tinh vi, được thực hiện bởi những người lẽ ra phải bảo vệ họ. Tham nhũng suy cho cùng chỉ là một uyển ngữ cho hành vi Cướp mà thôi.

Trong lịch sử, sau mỗi một cuộc bể dâu, người ta thường sử dụng các phiên tòa tư pháp để khép lại thời kỳ biến động. Trong những phiên tòa như vậy, diễn ngôn chính thức về thời kỳ biến động sẽ được xây dựng nên. Vì các hành vi của bị cáo mà khiến bao nhiêu người lầm than. Vì những gì các bị cáo làm mà việc chống dịch thêm phần thất bại. Nhưng quả thật không ai dám chắc rằng nếu vụ án không xảy ra, thì lịch sử có khác đi không. Không ai quan tâm, vì mục đích của phiên tòa là để khép lại, không phải để mở ra thêm các câu hỏi.

Vụ án này có lẽ cũng là một phiên tòa như vậy. Những tội vạ của hai năm chống dịch Covid đang một phần được đổ lên đầu của 54 bị cáo, và sẽ đổ lên đầu một số bị cáo khác trong vụ Việt Á. Nhưng cho dù làm cách nào, rất khó để những phiên tòa sắp diễn ra tránh khỏi vết xe đổ của những phiên tòa kể trên. Những câu hỏi sẽ vẫn còn, và khó có lời giải đáp. Liệu đây có phải là cách tốt nhất để khép lại cuộc bể dâu? Ai là nạn nhân, ai là thủ phạm trong những vụ án này? Và nạn nhân có được điều gì từ bản án? Ai trả công bằng cho những “thủ phạm” bất đắc dĩ khác trong mùa dịch?

Công lý đã thua và không thể phục hồi lại được.

nguyenthanh
Posts: 859
Joined: Fri Jan 06, 2012 5:40 pm

Re: Bình Luận Thời Sự

Post by nguyenthanh »

Bao giờ chiến tranh Trung-Đài bắt đầu?
Tùng Phong


Image
Tập Cận Bình bắt đầu công du Moscow gặp Vladimir Putin ngày 20 Tháng Ba 2023 – trong ảnh là cuộc gặp ngày 4 Tháng Hai 2022 tại Bắc Kinh (ảnh: Kremlin Press Office/Handout/Anadolu Agency via Getty Images)

Chiến Tranh là Hòa Bình
Tự Do là Nô Lệ
Ngu Dốt là Sức Mạnh


War is Peace, Freedom is Slavery, Ignorance is Strength
(1984, George Orwell)

Không còn những lời lẽ ngoại giao bặt thiệp hay né tránh, thông điệp của các nhà lãnh đạo Trung Quốc ngày 10 Tháng Ba 2023 rõ ràng là một lời đe dọa và tuyên bố tình trạng chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh. Tần Cương, tân Ngoại trưởng Trung Quốc, đã cao giọng:

Nếu Hoa Kỳ không đạp phanh mà tiếp tục đi sai đường thì không có hàng rào bảo vệ nào có thể ngăn cản việc trật bánh và chắc chắn sẽ xảy ra xung đột và đối đầu… Các nước phương Tây do Hoa Kỳ lãnh đạo đã thực hiện việc ngăn chặn, bao vây và đàn áp toàn diện Trung Quốc, điều này đã mang lại những thách thức nghiêm trọng chưa từng có đối với sự phát triển của quốc gia chúng ta.

Tập Cận Bình, người đã bước ra khỏi cái bóng Mao Trạch Đông, trở thành Tổng bí thư Đảng cộng sản kiêm Chủ tịch nước lần thứ ba, sau cuộc họp mang tính nghi thức của Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc vừa qua, đã hối thúc:


Lực lượng Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc phải nhanh chóng nâng cấp lực lượng vũ trang lên các tiêu chuẩn đẳng cấp thế giới. Trung Quốc phải tối đa hóa khả năng chiến lược quốc gia của mình trong nỗ lực nâng cấp một cách có hệ thống sức mạnh tổng thể của đất nước để đối phó với rủi ro chiến lược, bảo vệ lợi ích chiến lược và thực hiện các mục tiêu chiến lược.

Thế đối đầu Trung Quốc và Hoa Kỳ đã không ngừng gia tăng căng thẳng nhiều năm qua. Các nhà nghiên cứu chính trị, quân sự quốc tế nói về “bẫy Thucydides” và một cuộc chiến tranh ủy nhiệm hoặc thậm chí là đụng độ trực tiếp giữa hai đại cường ở eo biển Đài Loan hay Biển Đông dường như đã rất gần. Cuộc chiến tranh Nga-Ukraine dường như càng thúc đẩy nhanh hơn cỗ xe của thần Ares lao đến Đông Á. Trong hơn một năm quan sát cuộc chiến Nga-Ukraine, hẳn Tập Cận Bình và nội các chiến tranh của ông ta đã rút ra nhiều bài học về chiến thuật lẫn chiến lược trong các thế cờ của Tây Phương.
Image
Tại các diễn đàn quốc tế, Trung Quốc luôn “bảo kê” cho các chính sách của Nga (ảnh: Michael M. Santiago/Getty Images)

Trung Quốc là quốc gia được hưởng lợi nhiều nhất từ cuộc chiến tranh Nga-Ukraine về nhiều phương diện. Chỉ một năm sau khi bắt đầu cuộc chiến, Trung Quốc đã thâu tóm những phần bánh béo bở nhất thị trường nội địa Nga. Theo dữ liệu từ Counterpoint, các công ty Trung Quốc đã gần như chiếm lĩnh hoàn toàn thị trường điện thoại thông minh tại Nga, với 95% thị phần.

Đối với thị trường xe hơi, theo RIA Novosti, năm 2022, lượng xe hơi lớn nhất được nhập khẩu từ Trung Quốc, với hơn 117,000 xe, tăng gần 40% so với năm trước đó. Tổng doanh số xe hơi Trung Quốc ở Nga lên đến 19.2%, qua mặt những hãng xe Tây Phương đã cắm rễ nhiều thập niên ở thị trường này. Việc các thương hiệu lớn Tây Phương rút đi đã tặng cho những doanh nghiệp Trung Quốc cơ hội ngàn năm có một.

Không chỉ hàng dân dụng. Khi các lệnh trừng phạt của phương Tây nhằm vào Nga phát huy tác dụng, nguồn linh kiện cho công nghiệp quốc phòng như mainboard, chip, màn hình LCD, kính viễn vọng hồng ngoại, thiết bị GPS, máy laser, camera phân giải cao… nhanh chóng cạn kiệt. Mức độ tiêu hao khủng khiếp trên chiến trường Ukraine khiến nhu cầu về mọi thứ từ vòng bi xe lửa, lốp xe tải, đạn pháo và súng bộ binh… cũng thiếu hụt nghiêm trọng.


Nga không còn lựa chọn nào khác ngoài việc tìm đến Iran, Trung Quốc, thậm chí cả Triều Tiên – những quốc gia luôn bị cho là ở “chiếu dưới”, để tìm nguồn cung thay thế. Nga bắt đầu phụ thuộc vào Trung Quốc hơn bao giờ hết về mọi mặt. Hẳn Putin phải nhượng bộ và đánh đổi nhiều bí mật quân sự, tài nguyên và thị trường, bán rẻ khí đốt, dầu thô cho Trung Quốc để đổi lại nguồn cung cấp quân nhu, vũ khí, đạn dược.

Trung Quốc cùng với Nga luôn song hành ở thế đối lập với phương Tây sau Chiến tranh Lạnh. Cặp tình nhân dị hợm này vừa là “đồng chí”, khi từng chia xẻ chung ý thức hệ Marxism và giờ đây gắn bó nhau bởi các lợi ích thực dụng của hai đế quốc; nhưng cũng vừa là cựu thù dai dẳng trong suốt tiến trình lịch sử từ Trung cổ tới cận đại. Cả hai đều hiểu rõ nhau, đều nghi ngờ và căm ghét nhau, nhưng đều cần nhau cho các mục đích riêng. Không ít lần họ cùng song ca khi biến diễn đàn lớn nhất thế giới LHQ thành sân khấu của những diễn viên độc tài, biến các tổ chức như Hội đồng Nhân Quyền, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO)… trở thành những chi bộ của Trung Quốc cộng sản đảng.
Image
Một nhân vật tự mãn như Putin dễ bị đánh lừa bằng những trò vuốt ve – ảnh: sách ca tụng Putin tại Trung Quốc (Sheldon Cooper/SOPA Images/LightRocket via Getty Images)

Trước khi tiến hành cuộc xâm lược toàn diện Ukraine, Putin và Tập đã qua lại với nhau với tần suất nhiều hơn cả một cặp tình nhân và trao cho nhau những lời chúc phúc thắm thiết cho sự nghiệp “vinh quang bốn lần”. Cả hai đều tuyên bố quan hệ Trung-Nga là “không có giới hạn” và ủng hộ nhiệt thành các “lợi ích cốt lõi” của mỗi bên. Nói cách khác, Nga ủng hộ Trung Quốc trong các vấn đề đàn áp nhân quyền nhắm vào người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, về “chủ quyền” “đường lưỡi bò” ở Biển Đông, đàn áp phong trào dân chủ ở Hong Kong và cả chủ trương thống nhất Đài Loan. Đổi lại, Trung Quốc ủng hộ Nga trong các cuộc chiến ở Crimea, Syria, xâm lược toàn diện Ukraine…

Trong quá khứ, cuộc đối đầu giữa hai đế quốc lục địa này từng là tâm điểm của Chiến Tranh Lạnh. Trung Quốc chưa bao giờ thôi nuối tiếc những vùng đất rộng lớn, giàu có tài nguyên ở Viễn Đông và một phần diện tích từng thuộc về Mãn Châu đã mất vào tay Nga dưới triều đại nhà Thanh. Giới lãnh đạo Trung Quốc cũng khó có thể quên “mối nhục 100 năm” và những gì người Nga đã làm với mình.

Năm 1935, đế quốc Đỏ Soviet đã gần như biến tỉnh Tân Cương phía Tây của Trung Quốc thành vệ tinh của họ. Cả hai từng nhiều lần triển khai hàng triệu quân dọc theo đường biên giới chung và đe dọa nhau bằng cả vũ khí hạt nhân. Vậy cớ làm sao Putin có thể tin rằng Tập Cận Bình sẽ che lưng cho ông ta và là một đồng minh đáng tin cậy? Hay nói như kiểu Việt Nam là làm thế nào mà Tập có thể xúi Putin “ăn cứt gà” khi mà mối quan hệ Trung- Nga có cả một lịch sử lâu dài là đại địch của nhau?
Image
Dù rất thông minh và lọc lõi, Putin dường như vẫn luôn đi sau Tập Cận Bình nham hiểm bội lần (ảnh: Mikhail Svetlov/Getty Images)

So sánh về phong cách lãnh đạo, Putin và Tập là hai hình ảnh trái ngược. Trong khi giới tinh hoa thế giới đánh giá Tập là một chính trị gia cáo già đầy mưu mô thì Putin là tay võ biền, dù nham hiểm và thông minh, nhưng thích thể hiện bằng lời nói và hấp tấp trong hành động. Putin thích trích dẫn, cố diễn giải các quyết định chính trị dưới “góc nhìn văn hóa” của một sử gia.

Các bài diễn thuyết dài lê thê của ông ta thường xuyên phủ kín sóng truyền hình, nơi ông ta phô diễn khả năng hùng biện với lối lập ngôn dữ dội mang màu sắc mị dân. Trong hành động, Putin thích sử dụng nắm đấm, thích đe dọa “tắm máu”, và thường xuyên dùng chiến thuật “tống tiền”. Và cũng chính bởi yếu tố đó, Tập đã quỷ quyệt vuốt ve Putin để mượn tay Putin làm cho nước Nga suy yếu.

Trung Quốc có chiến thuật cổ xưa áp dụng cho các chính sách ngoại giao: Lấy “phiên” đánh “phiên” và “Ngũ bả”. Tự nhận là “trung tâm thế giới” và Hoàng đế là đấng Thiên Tử, Trung Quốc tự hào với nền văn minh ngàn năm và coi các quốc gia khác là “phiên”.


Các hoàng đế Trung Hoa khuất phục các “phiên” bằng “dây cương buông lỏng” và “dùng phiên trị phiên”, mua chuộc sự thần phục của các thủ lãnh “phiên” bằng sự giàu có, tráng lệ, hùng mạnh của “vương quốc trung tâm”. Ngày nay, lý thuyết và những thủ đoạn này vẫn hữu dụng và được các lãnh đạo Trung Quốc triệt để thi hành. “Cái gì không thể mua được bằng tiền thì có thể mua được bằng rất nhiều tiền”. Trung Quốc đã mua chuộc, thao túng các chính trị gia, các đảng phái, tổ chức chính trị lẫn phi chính phủ, giới truyền thông, giải trí trên thế giới để chiếm ưu thế trong mọi lĩnh vực.

Ban cho họ quần áo sặc sỡ và xe ngựa để làm mắt họ mù. Ban cho họ đồ ăn ngon để miệng họ câm. Ban cho họ âm nhạc và phụ nữ đẹp để làm tai họ điếc. Cung cấp các tòa nhà uy nghi, tráng lệ, các kho thóc và nô lệ để làm dạ dày họ no nê. Đối với những ai đến xin hàng, Hoàng đế ban ơn cho họ và mời họ dự tiệc tiếp đãi của triều đình. Tại đó, Hoàng đế phải đích thân mời họ rượu ngon, đồ ăn hấp dẫn để làm tâm trí họ lú lẫn. Đây gọi là “ngũ bả” (năm mồi nhử).

Cùng chiến thuật “phiên” đánh “phiên”, Trung Quốc còn áp dụng nghệ thuật cờ vây trong đối ngoại. Đó là một chiến lược bao vây toàn diện, dồn ép để triệt hạ đối thủ. Trên bàn cờ, mỗi bên sở hữu 180 quân cờ có giá trị tương đương nhau và có thể bắt đầu trên bất cứ điểm nào trên bàn cờ lưới 19×19. Trên bàn cờ, có thể cùng lúc có nhiều trận chiến, cán cân thay đổi liên tục với từng bước đi; và khi kết thúc, điểm biên lợi thế có thể rất nhỏ mà người chơi nghiệp dư khó lòng nhìn ra.

Kịch bản hoàn hảo nhất đối với Trung Quốc là một nước Nga suy yếu đủ để Bắc Kinh dễ dàng thao túng, nhưng không đến mức sụp đổ và rơi vào hỗn loạn. Với Bắc Kinh, giờ đây Putin vẫn còn giá trị sử dụng lớn, đặc biệt trong chiến thuật dùng phiên đánh phiên. Nga ngày càng kiệt quệ trong khi Tập thong thả nhấm trà và cân nhắc thế đánh kế tiếp trên bàn cờ vây.

Với sự vượt trội về kinh tế, dân số, được hậu thuẫn sức mạnh quân sự, Trung Quốc sẽ làm chủ từ Trung Á cho đến Viễn Đông, từ Biển Đông cho đến Thái Bình Dương. Trung Quốc còn nắm một thứ vũ khí vô hình đáng sợ: Một cộng đồng Hoa kiều đông đảo trải khắp các lục địa, với sức mạnh kinh tài cũng như sự đoàn kết đặc sệt văn hóa Trung Hoa.

Cuối cùng, với sự suy yếu của Nga, Trung Quốc sẽ lấn sâu vào vùng trung tâm theo sơ đồ của lý thuyết gia Halford Mackinder (1861-1947; người được xem là cha đẻ của học thuyết địa chính trị), lấy lại vùng Viễn Đông mà Nga đã gần như bỏ rơi nhiều thập niên sau sự sụp đổ của liên bang Soviet.

Qua thời gian, Trung Quốc sẽ thực sự là chủ nhân của đại lục địa Á – Âu với những vùng ngoại vi mở rộng bao trùm Trung Á, tiểu lục địa Ấn Độ, cùng với bán đảo Đông Dương. Với một cái đầu tham vọng như Tập Cận Bình, kẻ đã từ bỏ di sản chiến lược “thao quang dưỡng hối” của Đặng Tiểu Bình, ông muốn thấy “giấc mộng Trung Hoa” trở thành hiện thực ngay trong thời gian ông ta còn tại vị.
Image
Hải quân Đài Loan luôn trong tình trạng cảnh giác cao độ (ảnh: Annabelle Chih/Getty Images)

Với Tập, “không có gì là không thể”. Chính sách Zero Covid của ông ta rõ ràng mang tính tập quyền và bất chấp hậu quả. Nội các mới trong nhiệm kỳ thứ ba của Tập là một cỗ máy chiến tranh trong đó mọi người, từ “tể tướng” đến các quan lớn nhỏ trong triều đình, đều tôn kính uy quyền “Thiên tử” của Tập một cách tuyệt đối. Chính bởi vậy, dù là một chính trị gia đầy mưu mô, Tập rồi cuối cùng có thể sẽ mắc kẹt trong “echo chamber” với những cuồng vọng hoang tưởng thống trị thế giới. Vào một ngày đẹp trời nào đó, khi thời tiết eo biển Đài Loan thuận lợi cho một cuộc đổ bộ, tiếng gầm của đại pháo sẽ vang lên rung chuyển thế giới?

“Tôi hy vọng là tôi sai, nhưng cảm nghĩ của tôi mách bảo rằng chúng ta sẽ tham chiến vào năm 2025”, tướng Mike Minihan, một trong những lãnh đạo của Lực lượng Không quân Hoa Kỳ đã viết như vậy trong bản ghi nhớ ngày 1 Tháng Hai 2023.

Với Sa hoàng Putin và Hoàng đế Tập, đường vinh quang dường như nhất thiết phải luôn được “xây xác quân thù”! Với những kẻ như Tập và Putin, trong dòng chảy văn minh nhân loại, cỗ xe của thần Chiến tranh Ares phải lăn bánh, nghiền nát thế giới cũ và để hình thành nên “trật tự thế giới mới”, vì – như George Orwell đã mỉa mai bằng khẩu hiệu của đế chế hư cấu trong tác phẩm “1984” của ông – rằng: “Chiến Tranh là Hòa Bình. Tự Do là Nô Lệ. Ngu Dốt là Sức Mạnh”.

Tuy nhiên, biết đâu chừng, chiến tranh cũng lại là con đường ngắn nhất dẫn đến Hòa Bình cho Đông Á và là cơ hội cho những quốc gia dũng cảm được thoát thai, tái sinh và rũ bỏ những ràng buộc lịch sử? Chẳng phải chúng ta đang thấy điều đó ở Ukraine đó sao?

hoangphong
Posts: 391
Joined: Tue Feb 12, 2019 7:20 am

Re: Bình Luận Thời Sự

Post by hoangphong »

“Những kẻ này không phải con người”
Lý Trần
24-4-2023
Đó là nhận xét của anh Pavlov, công dân Nga về chính quyền Việt Nam làm cánh tay nối dài theo lệnh của Putin trục xuất những kiều dân Nga phản đối cuộc chiến tranh xâm lược tàn bạo của Nga ở Ukraine.

Việc Việt Nam trục xuất những người này về Nga là sự vi phạm luật pháp quốc tế . Điều này chỉ càng khẳng định thói đạo đức giả của chế độ CSVN, nó sẵn sàng ký vào bất cứ công ước nào rồi ngồi xổm lên công ước đó và làm ngược lại. Một sự mỉa mai cay đắng cho Hội đồng nhân quyền LHQ và những ai đấu tranh cho nhân quyền, CSVN đàn áp nhân quyền khốc liệt, nhưng có chân trong hội đồng đó!

Khi cuộc chiến tranh xâm lược toàn diện của Nga chống lại một nước có chủ quyền Ukraine, ngay lập tức Nga bị hầu hết (141/193) các quốc gia thành viên LHQ lên án. Cuộc chiến tranh gieo rắc biết bao đau khổ, tàn phá, chết chóc cho người dân Ukraine, như cả thế giới chứng kiến hàng ngày trên mọi phương tiện truyền thông quốc tế.

Sự thật đó chỉ những kẻ vô đạo đức, đồng lõa với tội ác mới nhắm mắt làm ngơ hoặc thậm chí hoan hỉ, như trên các phương tiện truyền thông quốc doanh Việt Nam, từ báo QĐND, CAND, đến VietnamPlus, VTC … bằng những tiêu đề như “Nga tiêu diệt …”, “Vũ khí uy lực của Nga đang nã vào …” …

CSVN hiện nguyên hình là một lũ “cười thuê, khóc mướn” thảm hại!


Nhiều người dân Việt đã liên tưởng cuộc xâm lược này của Putin với “Chiến dịch quân sự đặc biệt” kéo dài 10 năm, từ 1979 đến 1989 của Đặng Tiểu Bình “dạy cho Việt Nam một bài học” với bao tội ác man rợ.

Chế độ CSVN có một logic là, một khi đã là đồng chí với nó, thì kẻ đó có thể cướp, giết, hiếp … nhưng vẫn là đồng chí tốt. Cuộc cướp, giết, hiếp… thường được gán cho cụm từ “nhiệm vụ quốc tế”. Với CSVN, sự xâm lược nước khác của các nước “anh em” đều có tên như vậy: Liên Xô đưa xe tăng và quân đội vào đàn áp Hungary (1956), Tiệp Khắc (1968), Afganistan (1979) … và nay là Ukraine.

Vì sao chế độ CSVN ủng hộ cuộc chiến xâm lược của Nga?


Đã có rất nhiều phân tích và bình luận về hiện tượng CSVN ủng hộ cuộc chiến xâm lược của Putin. Các nhận xét hầu hết giải thích vì Việt Nam mua vũ khí của Nga, cùng khai thác dầu khí với Nga … Những sự biện hộ này đều đúng nhưng chưa đủ. Có một lý do sâu xa hơn thế. Rồi đây, sau thất bại của Putin ở Ukraine với màn phô diễn thảm hại của vũ khí “vô địch”, đảng CSVN vẫn tiếp tục mua vũ khí của Nga. Chủ yếu vì khoản 25% “lại quả” trên mọi hợp đồng!

Ý thức hệ Cộng sản mới chính là ly do sâu xa, thúc đẩy hành vi ủng hộ lũ cướp, đặc biệt trong hoàn cảnh những kẻ đứng đầu đảng CSVN chỉ biết cắm đầu vào Mác-Lê và đơn giản vì không có kiến thức khoa học hay kinh tế nào khác.

Trong lịch sử của mình, Việt Nam từng là nạn nhân của nhiều cuộc xâm lược. Nhưng nay chính quyền CS, chỉ vì ý thức hệ Mác-Lê mà loài người tiến bộ đã bỏ vào thùng rác, sẵn sàng vục mặt ủng hộ cuộc chiến của Putin xâm lược nước láng giềng.

Đảng CSVN thấy rằng, Ukraine đang có xu hướng trơ thành một nước có chế độ dân chủ, thứ mà các chế độ độc tài ghét cay ghét đắng. Tuy chê độ Putin về mặt hình thức không phải là chế độ CS, nhưng nó vẫn mang trong máu chất độc tài khát máu CS, coi thường tính mạng người dân. Giới chóp bu CSVN luôn tin rằng, “đồng chí tổng thống” (lời của ông Trọng) vẫn là CS và đang muốn khôi phục đế chế Soviet, chỗ dựa cho các chế độ độc tài.


Nước Nga dưới chế độ Putin rất sợ nếu Ukraine, nước có tiềm lực nhất trong khối Soviet cũ, trở thành nước dân chủ, con virus dân chủ ấy sẽ lây sang Nga làm lung lay chế độ độc tài của Putin.

Đừng quên rằng Ukraine, khi còn trong Liên Xô, là cộng hòa chủ chốt sản xuất từ động cơ máy bay, xe tăng, tên lửa … Chỉ sau khi tay tổng thống tham nhũng thân Nga lên nắm quyền, ông ta vô hiệu hóa, gần như tước vũ khí của quân đội Ukraine, phó mặc cho Nga thao túng quân đội và tình báo… Việc đó dẫn đến Nga thôn tính Crimea không tốn một viên đạn nào. Ukraine đã và đang thanh lọc bọn gián điệp Nga trong hàng ngũ của mình.

Khá nhiều người Việt, do bị nhồi sọ quá lâu đến u mê, nhai lại luận điệu của Nga, rằng Nga tấn công Ukraine để ngăn chặn sự mở rộng của NATO. Lẽ ra, họ nên tự hỏi tại sao trước đây “cùng trong một gia đình” vậy mà bây giờ người ta quyết rời bỏ mình để kết thân với người nơi xa?

“Mình phải có thế nào thì người ta mới thế chứ!” (Lời của ông Trọng). Vả lại, ‘chơi’ với ai là quyền của mỗi quốc gia có chủ quyền. Anh là hàng xóm sát nách mà tôi không muốn chơi với anh thì anh phải tự xem lại mình! Đạo đức đơn giản là như thế.


Với guồng máy Tuyên giáo khổng lồ, với hàng trăm tờ báo, hàng trăm đài truyền hình, hàng vạn dư luận viên … CSVN hàng ngày, hàng giờ, bơm vào đầu người dân Việt những thông tin độc hại, rằng Putin và nước Nga đang khôi phục chế độ Cộng sản. Xe tăng Nga treo cờ búa-liềm đang giết bọn Ukraine. Trong khi đó, Putin tự khoe khoang chiếm được những vùng đất, “mở mang bờ cõi”, mà các Nga hoàng “ước mơ nhưng không làm được”. Thật là nực cười!

Sự tự trói buộc mình vào ý thức hệ hoang tưởng và khát máu đó giải thích tại sao những kẻ trên tuyến đầu ủng hộ cuộc chiến xâm lược của Putin là Bắc Triều Tiên, Eritrea, TQ, Cuba, … và Việt Nam.

Một câu hỏi: Đến bao giờ Việt Nam sẽ thoát khỏi sự kìm kẹp của ý thức hệ CS Soviet? Nhiều người hy vọng rằng đó là khi thế hệ kiên định Mác-Lê, cầm đầu là ông Nguyễn Phú Trọng, đi gặp Karl Marx- Lenin hết, và thế hệ CS trẻ với những nhà kỹ trị có học thức sẽ nhạt dần Mác-Lê.

Tôi không lạc quan đến thế vì gương các nước CS đông Âu cũ cho thấy, tàn dư của con quái vật CS vẫn tại đây, mặc dù họ đều có sẵn nền tảng văn minh châu Âu. Ở Việt Nam, ông Trọng từng tuyên bố rằng, phát triển kinh tế không quan trọng bằng sự tồn vong của chế độ CS. Vẫn tư duy làm kiệt quệ đất nước từ thời Soviet “chính trị trên hết, quân sự là hàng đầu”. Và, những gì kẻ thù chống thì ta ủng hộ, những gì kẻ thù ủng hộ thì ta chống, vẫn theo triết lý của Mao. Cho nên Việt Nam vẫn đi ngược chiều với loài người văn minh.

Đảng CSVN ủng hộ Putin vì sức ép của đảng CSTQ?

Trung Quốc chẳng cần gây sức ép, mà đảng CSVN tự nguyện làm tay sai, thực hiện những gì đảng CSTQ muốn. Sức ép đó xuất phát từ chính nhu cầu tồn tại của chế độ CSVN, vì chỗ dựa chính của nó là đảng CSTQ.

Những ai tham dự các cuộc họp từ cấp chi bộ đảng CSVN đều được biết như vậy. Mọi đảng viên đều được đảng bóng gió dọa rằng, “chơi với Mỹ là mất chế độ, chơi với TQ thì mất ít đất, nhưng được TQ bảo vệ, còn mất chế độ là mất sổ hưu”. Bảo vệ chế độ là bảo vệ cái sổ hưu!

Quay lại chuyện CSVN trục xuất những người Nga lên tiếng chống lại cuộc chiến tranh xâm lược của Putin. Khi Putin tấn công Ukraine, ông Tô Lâm thăm Nga và Belarus. Chắc để nhận nhiệm vụ?

Cái gì phải đến ắt sẽ đến, Putin, kẻ cầm đầu, đã bị Tòa Hình sự Quốc tế ICC chỉ mặt là tội phạm chiến tranh cần bắt giữ.

Một bài viết không thể thảo luận được nhiều vấn đề. Chỉ xin nhắc lại câu nói của anh Pavlov về chế độ CSVN: “Những kẻ này không phải là con người”.

Post Reply