Phiếm luận

Những đề tài nóng của Thời Sự. Các bài viết lượm nhặt trên Net ở nơi đây chỉ dùng để tham khảo không phải là chính kiến riêng của nhóm phụ trách.

Moderators: CayQueo, phu_de

dacung
Posts: 409
Joined: Tue Dec 13, 2005 6:26 am
Location: USA
Contact:

Post by dacung »

Con Ơ Miền Nam Ra Thăm Lăng Bác

TƯỞNG NĂNG TIẾN . Việt Báo Chủ Nhật, 5/18/2008, 12:02:00 AM


Trong quyển “Lịch Sử Tây Nam Bộ 30 Năm Kháng Chiến”, có đoạn ghi rằng: “Mùng 2 Tết Nguyên Đán năm Ất Mùi (1955), trong buổi chúc tết Bác Hồ tại Phủ Chủ Tịch, đồng chí Nguyễn Văn Kỉnh thay mặt đồng bào Nam Bộ dâng tặng Bác cây vú sữa.”“Bác đã xúc động đến ngấn lệ khi biết đây là cây vú sữa của đồng bào vùng tận cùng của Tổ quốc. Cũng từ đó, cây vú sữa đã trở thành biểu tượng tấm lòng Bác Hồ đối với miền Nam và của miền Nam đối với Bác Hồ. Nhưng ai là người trực tiếp gửi tặng Bác cây vú sữa, nguồn gốc cây vú sữa là ở đâu?”

Ý chà, hỏi khó dữ à nha! Hồi đó, miền Nam có cả đống người ái mộ Bác Hồ chớ đâu phải một hay hai. Làm sao mà biết chính xác “ai là người trực tiếp gửi tặng Bác cây vú sữa” cho được, mấy cha?

Vậy mà hai phóng viên Hồ Văn và Phương Nguyên, nhân dịp kỷ niệm năm mươi năm những chuyến tầu tập kết, đã thực hiện được kỳ tích đó. Hai người lặn lội tuốt xuống xã Trí Phải, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau để làm một thiên phóng sự về vụ này. Bài viết của họ, có tựa là Ai Gửi Tặng Bác Hồ Cây Vú Sữa Miền Nam - tuy có vẻ hoang đường nhưng hấp dẫn - được đăng trên tuần báo Tuổi Trẻ, số ra ngày 3 tháng 2 năm 2005: “Chúng tôi thuê tắc ráng xuôi kinh 10 tới thẳng nhà ông Nguyễn Văn Phận - một nhân chứng của những ngày tập kết lịch sử. Ngày trước ông là tổ trưởng tổ Đảng ấp 10, xã Trí Phải. Trong những ngày tháng tập kết đầy xúc động ấy, ông là người đón, đưa bộ đội về xã, về Vàm Chắc Băng chuẩn bị lên đường ra Bắc.”

Ông kể: “Khi lễ tiễn đưa sắp kết thúc, mẹ Tư hai tay ôm cây vú sữa nhỏ bước tới đưa cho anh Ba Kiên (khi đó là đại đội trưởng đại đội pháo của tiểu đoàn 307), nhắn gửi tặng Cụ Hồ. Ai nói gì thì nói, riêng tôi và nhiều người nữa ở xã này biết rõ cây vú sữa ấy là do mẹ Tư gửi tặng Bác Hồ. Nó được cô Bảy (con gái mẹ Tư, hiện còn sống ở kinh 9) bứng từ nhà ông Năm Đươn, cha nuôi của mẹ Tư hồi xưa”
Hồi đó, cô Bảy chỉ mới 14 tuổi. Cô kể: “Khi các chú với tía mang balô lên Vàm Chắc Băng tập kết, mẹ gọi tôi vào nói: Tụi nó đi mà không có gì gửi cho Cụ Hồ. Mày chạy xuống nhà ngoại bứng về cho má cây vú sữa gửi cho Cụ nhanh lên!”
“Chẳng ai trả lời được câu hỏi tại sao mẹ Tư lại tặng cây vú sữa mà không là cây khác.”

Cô Bảy kể lại: “khi đã ở cái tuổi “gần đất xa trời”, mẹ cô nói với con cháu rằng muốn được một lần ra thăm lăng Bác để coi lại cây vú sữa bà tặng Cụ Hồ bây giờ ra sao. Nhưng mong ước chưa thực hiện vì không có điều kiện thì mẹ đã ra đi mãi mãi. Bây giờ mộ mẹ nằm đó, bên cạnh mộ chồng. Còn cô Bảy, khi kể chuyện thỉnh thoảng lại hỏi chúng tôi: ‘Đã ra thăm lăng Bác lần nào chưa? Kể cho cô nghe với. Lăng có đẹp không? Vô đó có nhìn thấy Bác không? Cây vú sữa có sai quả không?’ Cô hỏi mà chúng tôi không kịp trả lời, mà cũng chẳng trả lời nổi. Họ là vậy đó, vẫn một lòng hướng về với Bác, với đồng bào miền Bắc như cái thời đất nước còn chia cách!” Ông Nguyễn Hữu Thành - phó Ban tuyên giáo tỉnh Cà Mau - cho biết do có quá nhiều ý kiến xung quanh sự kiện “Cây vú sữa miền Nam” nên Tỉnh ủy và UBND tỉnh Cà Mau đã tổ chức cho thẩm tra, và kết luận: “Cây vú sữa miền Nam gửi tặng Bác Hồ năm 1954 là do gia đình bà Lê Thị Sảnh (thường gọi là mẹ Tư) đại diện nhân dân miền Nam gửi tặng Bác Hồ’. UBND tỉnh cũng đã chấp thuận cho xây dựng bia kỷ niệm ‘Cây vú sữa miền Nam với Bác Hồ’ tại nhà bà Sảnh để kỷ niệm 50 năm những chuyến tàu tập kết”

Thiệt đọc mà muốn ứa nước mắt. Câu chuyện dù khó tin nhưng vẫn (cứ) vô cùng cảm động. Trên suốt đoạn đường, đi ròng rã cả năm, từ Cà Mau ra Hà Nội, chắc anh Ba Kiên ăn không ngon ngủ không yên vì phải lo chăm sóc cây vú sữa. Không chừng, dám có lúc, anh bỏ uống luôn để lấy nước nuôi cây. Chớ không lẽ cây vú sữa mà mẹ Tư đại diện nhân dân miền Nam dâng Bác mà lại tưới bằng nước đái.
Chỉ có cái quyết định của Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Cà Mau, về chuyện “cho xây bia tưởng niệm cây vú sữa miền Nam với bác Hồ”, là có vẻ hơi nặng phần trình diễn. Tưởng gì chớ mộ bia, và bằng khen thì “những gia đình có công với cách mạng” - Bắc cũng như Nam - đâu có thiếu. Nhà nào mà sau vườn không ngổn ngang bia mộ liệt sĩ, và trên tường không treo (tá lả) cả đống bằng khen thưởng.

Thay vì xây bia, để tiền cho cô Bẩy ra ngoài Bắc chơi một chuyến có phải đã hơn không? Hồi 1954, cô Bẩy 14 tuổi. Bây giờ, cổ sắp bước vào tuổi thất tuần. Sợ rồi cô Bẩy (cũng như mẹ Tư) sẽ qua đời với ít nhiều ân hận là chưa được dịp đi tham quan lăng Bác, và coi lại cây vú sữa.

Đất nước đã thống nhất hơn ba chục năm, và đã hơn hai muơi năm kể từ khi Đảng cương quyết (và dũng cảm) có quyết định đổi mới để đưa đất nước đi lên, không lẽ Nhà Nước ta không chi nổi một cái vé tầu Thống Nhất để đền ơn đáp nghĩa sao? Thôi bỏ đi Tiến à! Đừng có tưởng vậy. Tưởng vậy là tưởng năng thối. Người ta không tạo cơ hội cho cô Bẩy ra Hà Nội đâu phải vì thiếu tiền mà chỉ vì sợ rằng - sau khi tham quan lăng Bác - con mẹ không chịu đi về thôi.

Chớ ở lại ngoài đó làm gì?Tham gia biểu tình, đòi lại đất đã bị cướp chớ làm gì!Ý Trời, có vụ đó nữa sao? Chớ sao không, ngay bây giờ đây nè - giữa vườn hoa Chí Linh - có người đang đi vòng vòng, tay cầm một tấm bảng nhỏ, ghi dòng chữ như sau: “KHA VĂN CHẦU, CÁN BỘ LÃO THÀNH, MỘT THƯƠNG BỆNH BINH, GIA ĐÌNH LIỆT SĨ CÓ CÔNG VỚI CÁCH MẠNG, KIỆN NHÀ NƯỚC CỘNG SẢN BA LẦN CƯỚP ĐẤT.”
Ủa, cha nội này là ai vậy cà?Ổng là người cùng quê, và cũng cùng thế hệ (chống Mỹ cứu nước) với cô Bẩy đó, chớ ai. Hồi đó, ông Kha Văn Chầu gia nhập Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam, được kết nạp vô Đảng vào đúng ngày sinh nhật của Bác (19 tháng 5 năm 63) tại chiến trường Cà Mau, thuộc quân khu IX. Còn ổng bỏ Đảng hồi nào thì chỉ có Trời mới biết.Mà không phải mình ên ông Kha Văn Chầu kỳ cục (dữ) như vậy đâu nha. Không tin, ghé qua vườn hoa Mai Xuân Thưởng mà coi. Từ nhiều năm nay, biết bao nhiêu người dân miền Nam kéo ra Hà Nội khiếu kiện theo kiểu đó. Trong số này thiếu gì những bà “Mẹ Việt Nam Anh Hùng” (như mẹ Tư) và những người thuộc diện “gia đình có công với cách mạng” (như cô Bẩy).

Riêng bây giờ thì ngoài ông Kha Văn Chầu, còn có thêm rất nhiều người khác nữa đã cùng ký tên vào thư Thư ủng hộ Tuyên ngôn Dân Chủ ngày 8/4/2006 và Lời kêu gọi Đại Đoàn kết Dân tộc xây dựng lại đất nước ngày 15/4/2006 – theo như bản tin của ĐCV Online, đọc được vào ngày 26 tháng 7 năm 2006, với nội dung như sau:

“Chúng tôi gồm có 483 công dân của 3 tỉnh: tỉnh Kiên Giang, An Giang và Cần Thơ. Trong số những người này gồm có nhiều thành phần trong xã hội, có người là quân đội thuộc Mặt trận Dân Tộc Giải Phóng Miền nam Việt Nam trước năm 1975, là dân kháng chiến qua 2 thời kỳ cũng như những gia đình nuôi chứa cán bộ cơ sở quân đội Việt Cộng miền Nam trước 30-4-1975 cùng nhiều gia đình truyền thống cách mạng CS VN có công, là thân nhân các liệt sỹ và cùng nhiều bà con nông dân quê mùa ngu dốt, chân lấm tay bùn quanh năm chỉ biết đến ruộng lúa bờ khoai, đầu tắt mặt tối lấy đồng ruộng làm nguồn vui làm lẽ sống”.

“Sau ngày gọi là “giải phóng miền Nam” chúng tôi rời đơn vị cùng trở về quê hương, người thì bị thương tật, người thì lớn tuổi sức khoẻ kém đã nghỉ việc về sống với gia đình, đoàn tụ gia đình thân nhân họ hàng quyến thuộc tại miền Nam VN. Trước năm 1975, cuộc sống của gia đình người thân chúng tôi tuy sống dưới chế độ cũ Việt Nam Cộng hoà nhưng cuộc sống rất êm đềm và sung túc, cảnh làng quê và 2 bờ kênh rạch trù phú. Các gia đình chúng tôi đất đai ruộng vườn tược rất nhiều, có từ hàng chục đến hàng trăm công ruộng”.

“Nhưng đến năm 1976, các địa phương chúng tôi ở miền Tây Nam bộ đã bị các cán bộ của ĐCS, Nhà nước VN là những kẻ ỷ chức, ỷ quyền mượn danh nghĩa quân đội quốc phòng + cảnh sát, chính quyền thuộc bộ, ngành các cấp từ ấp, xã, huyện, tỉnh, thành phố Hồ Chí Minh đến Trung ương. Những kẻ này đã tổ chức cướp đất đai, nhà cửa, vườn ruộng, san ủi cả mồ mả tổ tiên, ông, bà, cha, mẹ chúng tôi để bán cho các công ty kinh doanh, cưỡng chế người dân chúng tôi lấy đất ruộng, lập nông trường, kẻ thì lấy đất để thuê người làm nhằm trục lợi, kẻ thì cướp được đất bán cho người khác lấy tiền đút túi, chúng chia chác đất đai tứ tung coi như của riêng của chúng, mà không trả tiền đền bù thoả thuận gì hết cho người nông dân chúng tôi”.

“Chúng mượn danh Luật Đất đai của Nhà nước CSVN được ghi trong điều 1 là: “Đất đai là công thổ của toàn dân” và Điều 4 của Hiến pháp CS VN qui định: “Đảng CSVN là đại biểu quyền lợi cho dân tộc VN, lãnh đạo trực tiếp, toàn diện tuyệt đối nhân dân VN…” để hợp pháp hoá việc cướp đoạt đất đai của nhân dân Việt Nam mà chúng tôi cũng là một nạn nhân trong những vụ cướp này. Cán bộ Nhà nước Cộng Sản Việt Nam ra lệnh là ai trong số chúng tôi mà không giao đất, nhà cửa cho chúng, là bị chúng chụp mũ liệt người đó thuộc vào đối tượng chống lại chính quyền cộng sản cách mạng, sẽ bị công an, cơ động cảnh sát điều tra, bắt bớ đánh bằng roi điện, súng điện, có cả toà án, viện kiểm sát do bọn chúng lập ra dựa vào Hiến pháp, Luật pháp của Nhà nước CS VN kết án bỏ tù oan sai”.

“Dân lành chúng tôi đã phải chịu đựng hơn 30 năm nay: nào là mất đất đai, mất tài sản, trắng tay hơn 30 năm qua mà không biết kêu ai. Đơn Yêu cầu khiếu tố của chúng tôi gửi từ địa phương cho đến Trung ương ở Hà nội, chẳng được một ai, hoặc được một cơ quan nào giải quyết mà hậu quả là người đưa đơn bị cảnh sát bắt bớ, tù đày, tra tấn và đánh đập dã man để chúng tôi không còn một ai dám ló đầu đi thưa kiện những kẻ cướp đất của mình…”.

Trong quyển Lịch Sử Tây Nam Bộ 30 Năm Kháng Chiến, có đoạn ghi rằng: “mùng 2 Tết Nguyên Đán năm Ất Mùi (1955), trong buổi chúc tết bác Hồ tại Phủ Chủ Tịch. đồng chí Nguyễn Văn Kỉnh thay mặt đồng bào Nam Bộ dâng tặng Bác cây vú sữa.”“Bác đã xúc động đến ngấn lệ khi biết đây là cây vú sữa của đồng bào vùng tận cùng của Tổ quốc. Cũng từ đó, cây vú sữa đã trở thành biểu tượng tấm lòng Bác Hồ đối với miền Nam và của miền Nam đối với Bác Hồ “.

Tình cảm của những đồng bào ở những “vùng tận cùng của tổ quốc” (rõ ràng) đã đổi. Cây vú sữa ở Phủ Chủ Tịch – ngoài Hà Nội – không biết có còn sống hay không chớ tấm lòng của dân miền Nam đối với Bác, Đảng và Nhà Nước thì đã chết - và chết từ lâu rồi. Cuốn Lịch Sử Tây Nam Bộ 30 Năm Kháng Chiến chắc phải viết lại, và sắp sang trang.

TƯỞNG NĂNG TIẾN

dacung
Posts: 409
Joined: Tue Dec 13, 2005 6:26 am
Location: USA
Contact:

Post by dacung »

Mẹ và em

Tưởng Năng Tiến Đăng ngày 04.22.08


Phần lớn người Việt đều mơ ước, sau một đêm dài, khi mở mắt dậy, thấy mình đang lơn tơn - đi trong nắng sớm - giữa một thành phố (rực rỡ) hoa đào. Tôi chưa bao giờ có thứ ước mơ… tào lao cỡ đó. Ông Bùi Minh Quốc cũng vậy. Lý do, giản dị, chỉ vì chúng tôi vốn đã là những người dân Đà Lạt - thế thôi. Trong những trang sổ tay trước, tôi cũng đã để cập đến chuyện này rồi. Nay, xin được tóm gọn lại - như sau:

Ngày đầu tiên lò dò đến thành phố Ðà Lạt, bác sĩ Yersin hết hồn hết vía - mặt mũi xanh lè, cắt không còn giọt máu - khi thấy tôi và ông Bùi Minh Quốc đang ngồi uống ruợu và cãi lộn (um xùm) trên bờ hồ Xuân Hương.

Bữa đó, nhà thơ xỉn. Ổng cao hứng ngâm bài “Mẹ Đâu Ngờ”:

Sau lưng mẹ là tổ quốc mình trong khổ nạn
Là những đứa con nằm vùng mẹ nuôi giấu ngày đêm
Có những lúc mẹ chưa kịp nhìn rõ mặt biết tên
Chỉ biết nó là cách mạng.
Mẹ đâu ngờ …
Có thằng con thoát chết vụ khui hầm
Trở về ngồi chễm trệ…
Có người mẹ tóc bạc chân trần oằn lưng
Dưới chồng đơn khiếu nại
Nặng hơn dẫy Trường Sơn

Tui cũng xỉn (thấy mẹ) luôn nên nằng nặc đòi sửa thơ của con người ta, cho bằng được:

Sau lưng mẹ là tổ quốc mình trong khổ nạn
Là những đứa con nằm vùng mẹ nuôi giấu ngày đêm
Có những lúc mẹ chưa kịp nhìn rõ mặt biết tên
Chỉ tưởng nó là cách mạng.
Mẹ đâu ngờ…

Ổng không chịu như vậy, lấy cớ rằng tui đòi đổi “biết” thành ra “ tưởng” chỉ vì là tui họ… Tưởng mà thôi!

- Ý Trời! Đừng có “tưởng tầm bậy” nha, cha nội! Mích lòng à. Đ…mẹ, tui đâu phải là cái thứ cà chớn dữ như vậy …

Ðúng lúc này thì Alexander Yersin xuất hiện. Nếu không nhờ chúng tôi lớn tiếng thì chưa chắc thằng chả đã tìm ra Ðà Lạt, vào chiều hôm đó.

Lịch sử của thành phố này, nay mai, rồi sẽ phải viết lại cho nó đàng hoàng (và rõ ràng) như thế. Làm gì có cái vụ bác sĩ Yersin là người đầu tiên đã đến Đà Lạt, mấy cha. Khi ổng tới đó thì tui và Bùi Minh Quốc đã ngồi nhậu (sương sương) ở bờ hồ Xuân Hương, cả chục ly rồi.

Nhưng đó là chuyện của lịch sử, trong tương lai. Bây giờ, xin được trở lại với bài thơ “Mẹ Đâu Ngờ” (cho xong nợ) cái đã.

Theo tôi thì thi sĩ Bùi Minh Quốc đã tự ái (hơi) quá đáng. Ở “ta” thì những đấng hiền mẫu, thuộc diện “Mẹ Đâu Ngờ”, có mặt ở khắp ba miền - và đã có từ lâu - chớ phải riêng chi ở miền Nam, vào thời “chống Mỹ cứu nước.”

Trước đó, hồi đầu thế kỷ XX, cụ thân sinh của nhà văn Võ Văn Trực cũng đã từng ngây thơ như thế - hay (dám) hơn thế nữa. Sự nhầm lẫn của bà (về cách mạng) rất dễ thương, cảm động và tội nghiệp vô cùng.

Trong cuốn Chuyện Làng Ngày Ấy (*) – tác phẩm đã bị cấm lưu hành ở Việt Nam, được in lại năm 2006 trên Tạp Chí Văn Học ở California – nhà văn kể lại về cuộc sống của bà như sau, sau khi đã “phải lòng” cách mạng:

Mẹ tôi vất vả hơn trước, tất tưởi hơn trưóc. Hết việc đồng áng lại lo việc nhà. Hết việc nhà lại lo việc hội họp. Chẳng mấy lúc mẹ đươc ngơi tay. Cán bộ thôn, xã và cả cán bộ cấp trên nữa thường xuyên vào nhà tôi, lúc một vài người, lúc dăm bẩy người. Có lần vào nghỉ một chốc rồi đi. Có lần vào làm việc rồi ngủ lại đêm. Hầu như ngày nào cũng có khách ăn cơm trong nhà tôi. Đang làm ngoài đồng, hễ tôi ra báo tin nhà mình có khách là mẹ về ngay. Thỉnh thoảng mẹ tham dự vào cuộc họp với các ông cán bộ. Nhưng công việc chính của mẹ là nấu cơm cho cán bộ ăn, lấy gạo nhà, thức ăn nhà, chẳng ai bận tâm đóng góp tiền nong… Mẹ tôi trang phục hoàn toàn khác hẳn, không ăn bận bình thường như trước nữa: mặc quần đùi, cắt tóc ngắn, đi dép cao su…

Đó là ‘phong trào cắt tóc thực hiện nếp sống mới.’ Mãi về sau, tôi mới biết mấy ông lãnh đạo đọc nhầm hai chữ ‘cấp tốc’ thành ‘cắt tóc’… (sđd 23 -26)

Mất đi mái tóc vì sự nhầm lẫn của các đồng chí lãnh đạo, tất nhiên, chỉ là chuyện nhỏ. Với thời gian, sự mất mát của mẹ mỗi lúc một lớn lao và khủng khiếp hơn nhiều

Sau mái tóc, đến tài sản.

Theo lời ông Chi Hội Trưởng Nông Hội địa phương thì bà con phát giác ra rằng gia đình của mẹ thuộc diện phải đóng thuế khả năng: Ba tạ thóc!

Mẹ tôi đứng dậy, giọng nói run run: ’Xin bà con dân làng xét cho thấu đáo. Cả nhà tôi chỉ còn hơn mười cân thóc với vài chục cân khoai khô…’ Chú Văn mắt toét cắt ngang:’Ba tạ! Ba tạ! Vấn để là bà phải gương mẫu’. Giọng nói của mẹ tôi như nhúng trong nuớc mắt: 'Từ khi cách mạng dành được chính quyền đến nay, tôi chấp hành nghiêm chỉnh mọi chính sách của nhà nước, của Nông Hội. Nhưng bây giờ thì quả là tôi không còn một chút khả năng để nộp thuế nữa. Không tin, mời Nông Hội vào nhà tôi khám ngay bây giờ… ". Vừa nói xong, mẹ tôi ngồi thụp xuống, ôm mặt khóc. Chú Văn mắt toét cười gằn: "Không còn thóc thì bà gỡ sân gạch bán mà nộp thuế. Vấn đề là khối người còn đói hơn bà. Vấn để là bà còn giầu gấp vạn nhà tôi…. Bà không đóng thì thế này này ' – chú nắm chặt hai nắm tay, nắm này đấm vào nắm kia - 'cứ chầy vồ mà nện từ trên sọ nện xuống cho đến khi mồm ợ ra thóc mới thôi (sđd 102 -103).

Kế tiếp là mạng sống của những người thân.

Cuộc đấu tranh ác nghiệt này đã bén lửa vào mái nhà yên ấm của tôi.

Cậu Quế là em thứ ba của mẹ… Mấy năm vừa rồi, người ta phá sạch đền chùa, cậu Quế lại lập bàn thờ Phật trong nhà. Người ta nghi là cậu chống lại chính quyền nên mới lập bàn thờ Phật. Bị dân quân bắt ra đình cho dân làng Quảng Trạch đấu. Tra khảo cậu, cậu không khai – vì có biết gì đâu mà khai. Càng không khai cậu càng nếm đủ món đòn tra tấn: treo ngược lên xà nhà, trói vào gốc cây, hắt nước bẩn vào mặt. Nhục nhất là cậu bị mấy mụ đàn bà tốc váy trùm lên đầu. Hàng tháng trời cậu bị giam, không được về nhà. Đêm hôm ấy cậu xin phép người dân quân gác cho đi ỉa. Người dân quân ngủ quên, sáng dậy không thấy cậu đâu cả, chợt mở chuồng xí thì thân hình cậu đã cứng đơ treo lủng lẳng bởi sợi dây thừng… (sđd 140- 142).

Cho mãi đến lúc cuối đời, ở tuổi tám mươi ba, mẹ mới gửi lại những lời trăn trối rằng “mẹ không ngờ” như vậy:

Mẹ không đủ sức để lắc đầu nữa. Mẹ vẫn im lặng nhìn tôi, vừa đượm chút xót xa, vừa đượm chút ân hận. Nước mắt mẹ ứa ra và lăn xuống da nhăn nheo như quả thị héo…Mẹ ra hiệu cho tôi cúi sát đầu xuống để mẹ nói một điều bí mật:’ Hằng năm ngày giỗ mẹ, con cúng đúng ngày mẹ mất, đừng cúng theo ngày qui định của hợp tác xã. Con chớ làm mâm cỗ, chi bộ biết sẽ phê bình, con chỉ cần múc chén nước trắng và thắp hương cho mẹ đúng ngày mẹ mất…’ Lúc sống thì mẹ tuân theo nghị quyết của chi bộ, lúc nằm xuống mồ mẹ mới dám chống lại nghị quyết.” (sđd 154).

Chuyện những bà mẹ mà cuộc đời “cách mạng” bầm dập và te tua (như thế) được giấu kín như bưng, ở miền Bắc. Do đó - khi vào Nam - Bùi Minh Quốc vẫn được bảo bọc bởi những bà “Mẹ Việt Nam Anh Hùng” khác:

… những đứa con nằm vùng mẹ nuôi giấu ngày đêm
Có những lúc mẹ chưa kịp nhìn rõ mặt biết tên
Chỉ (“tưởng”) nó là cách mạng.
Mẹ đâu ngờ …

Khi mẹ (biết) ngờ thì… đã muộn! Cả hai miền Bắc/Nam đã được “giải phóng” xong! Từ đây, cả nuớc lại phải bắt đầu một cuộc kháng chiến mới. Mẹ đã mất, hoặc đã quá già để có thể dự phần. Mẹ còn đủ sức để đi thăm nuôi con ở trong tù đã là chuyện may mắn lắm rồi – như mẹ của anh Lê Nguyên Sang đã tâm sự với phóng viên của RFA, vào hôm 10 tháng 5 năm 2007:

Tôi năm nay tuổi già sức yếu, tôi đã ngoài 70 tuổi, tai một bên điếc, mắt thì mờ không thấy đường, chân thì đau… nhà thì không có. Mỗi tháng đi tiếp tế cho con tôi hai lần, cũng chẳng biết nương nhờ vào ai.

Và đã đến lúc các em vào cuộc:

… tôi xin khẳng định bằng tất cả lương tâm, trách nhiệm và tình cảm của mình đối với đất nước Việt Nam và dân tộc Việt Nam là tôi sẽ chiến đấu tới cùng cho dù chỉ còn một mình tôi để đấu tranh, trước hết là giành lấy nhân quyền cho chính mình, và giành lấy nhân quyền, dân chủ và tự do cho người Việt Nam. Và Cộng sản Việt Nam đừng có mong chờ bất kỳ một điều gì là thỏa hiệp, chứ đừng nói là đầu hàng từ phía tôi.

Từ Hà Nội – giữa lòng cách mạng – em Lê Thị Công Nhân đã khẳng khái tuyên bố như trên, vào ngày 26 tháng 2 năm 2007. Em đã bị bắt sau đó, không lâu, và bị kết án tù vào ngày 11 tháng năm 2007.

Và điều này cũng đã được chính em dự liệu:

Tôi không nói mình là một tấm gương, nhưng tôi nghĩ rằng nếu như tôi có thể tạm thời nhận một nhiệm sở mới hết sức bất đắc dĩ đó là nhà tù thì tôi mong rằng tại nhiệm sở bên ngoài tức là xã hội sẽ có nhiều những người con Việt Nam tiếp tục những công việc mà tôi còn đang làm.

--------------------------------------------------------------------------------

Ghi chú:
(*) Chuyện Làng Ngày Ấy do NXB Lao Động ấn hành tháng 6 năm 1993. Nhà văn Xuân Cang chịu trách nhiệm xuất bản. Nhà văn Ma Văn Kháng chịu trách nhiệm bản thảo. Tác phẩm chưa ra khỏi nhà in đã bị thu hồi và cấm phát hành. Ở hải ngoại, có thể đặt mua tác phẩm này theo địa chỉ email: tapchivanhoc@yahoo.com.

dacung
Posts: 409
Joined: Tue Dec 13, 2005 6:26 am
Location: USA
Contact:

Post by dacung »

Xăng dầu quanh quẩn ký

Tác Giả: Trần Khải Thanh Thủy


Tại cây xăng, hay bất cứ ...cây cột đèn, cây bàng đầu ngõ, hay các loại cây xanh lớn nhỏ trong vườn, trong công viên...đến các cây cột nhà... nghĩa là ở bất cứ ngóc ngách nào, từ mặt đất đến...màn hình inter nét, câu cửa miệng của người dân cũng là " xăng lên giá, chết cha rồi "

Tính từ thời điểm 5 năm lại đây (2004-2008) chưa khi nào xăng tăng giá đến mức kỷ lục như vậy. Thời điểm tháng 1-2004, giá xăng là 5.600 VND một lít. Sang năm 2005 là 7.000 VND, rồi lên 8.800 đồng (cuối 2005) rồi 10.000 đồng năm 2006. Tiếp đó là 14.5000 đồng cuối năm 2007. Hiện tại, ngày 21-7-2008 xăng trèo lên 19.000 đồng /lít. Quả là ...kỷ lục ghi nét của ngành xăng dầu Việt Nam, tăng một lúc cả 31%, tăng cấp tập, quyết liệt luôn. Hệt như lối đánh của ...quân đội ta anh hùng với kẻ thù xâm lược, mà khẩu hiệu hào hùng của một thời là: Túm lấy thắt lưng địch mà đánh, hoặc "Tấn công tiêu diệt gọn. Hạ gục dứt điểm "quyết không để một tên xâm lược nào trên bờ cõi nước ta".

Nhờ sự lãnh đạo tài tình của đảng, mà 10 giờ trưa ngày 21/7/2008, nhà nước Việt Nam đã chỉ đạo cho ngành xăng dầu túm lấy thắt lưng người tiêu dùng mà đánh, đánh tơi bời, dứt điểm, chết gục luôn, cho họ không thể ngóc cổ lên làm tắc nghẽn giao thông, ô nhiễm môi trường được nữa. Thói quen tâm lý của người Hà Nội còn tồn tại vô vàn bất cập, từ văn hoá giao thông, văn hoá giao tiếp, văn hoá ẩm thực...đã được thay đổi căn bản, không còn cảnh tắc đường, ùn xe, do lưu lượng người đi lại qúa đông, cũng không lo cánh trẻ lạng lách, đánh võng thót tim, chóng mặt nữa, vì xăng nhảy chồm chộp như vậy, bố mẹ chúng lấy đâu ra tiền mà...ném qua cửa sổ, quẳng xuống mặt đường như thế?

Chỉ vài ngày trước đó, những người già, vốn đầy vinh dự và sự tự hào, vì đã được trưởng thành trong nôi cách mạng, cũng phải ngậm ngùi kêu lên:

Ngủ thì ai cũng như lương thiện
Tỉnh dạy sinh ra kẻ... cướp đường

Bất kể ai, dù trung niên, thanh niên, phụ nữ, hễ vác xe ra đường là trở thành...kẻ cướp. Không một khoảng trống trước mặt, sau lưng, xung quanh nào mà không bị tận dụng, lấn tới, khiến cảnh ùn tắc do đường hẹp, đường xấu, xe đông, càng thêm nghiêm trọng, đặc biệt vào những giờ cao điểm, khi cán bộ đi làm và con em đi học.

Khẩu hiệu của một thời binh lửa, gươm đao tưởng đã vĩnh viễn bị đào sâu chôn chặt trong qúa khứ, không ngờ vào những ngày xăng lên này lại trở thành có giá, được người dân tấm tắc nhắc đi nhắc lại: "Giữ xe như con, quý xăng như máu". Với cái giá 19.000 đồng một lít thì giá xăng đúng là giá máu thật, bà con ạ"

Không gì bằng nói có sách mách có chứng, tôi xin ghi lại vài mẩu đối thoại sau:

1. Trên từng cây số

Dừng lại trước cây xăng ven đường Ngô Gia Tự, bên này cầu Chương Dương, thuộc địa bàn Phường Đức Giang, Gia Lâm, tôi hỏi một người đàn ông trung niên vừa dắt xe ra khỏi cây xăng, mặt còn tần ngần như mất cắp, lóng ngóng mãi không đậy được nắp hộp xăng:

- Chào anh, Nhà nước đột ngột tăng giá xăng như vậy, anh có cảm tưởng, nhân xét gì không?

- Giời ạ! Người đàn ông thở như hắt ra, ném cái nhìn nảy lửa vào mặt tôi , như thể... tôi là nguyên nhân của sự...bốc cháy...quỹ tiền của anh ta vậy:

- Xăng lên, dầu lên, cái gì cũng lên, trong khi lương trả chậm, thưởng không có, còn cảm, còn nghĩ cái gì được nữa? Hả? Chị có thấy những người suốt đời làm nô lệ cho "giá áo túi cơm" không xong, sẽ nghĩ được cái gì hay ho không? ngoài sự đau khổ, oán hận ?

Biết gặp phải bảng hiệu "nguy hiểm chết người" tôi đành lủi thủi dắt xe đến điểm bán xăng trước mặt, cách đó vài trăm mét...

Gặp một người phụ nữ gương mặt buồn rầu, phúc hậu, tôi liều mạng đánh tiếng:

- Chào chị. Xăng lên giá mới rồi, thật sự chị có bị xốc không?

Nhìn tôi như thể vật thể lạ lẫm, rơi từ hành tinh khác đến, chị trả lời:

- Chả lẽ lại quẳng xe máy đi hả cô, phụ nữ chúng mình suốt đời nhét chật đời mình trong vòng vây của cuốn sổ chi tiêu gia đình chật hẹp. Nào gạo, nào tiền ăn, tiền điện, sinh hoạt, tiền học của con cái, tiền khóc cười cùng thiên hạ, không còn khoản tiền nào dư nổi trong tháng. Thậm chí đám cưới, đám ma, còn phải xin kiếu, đáng ăn mà chỉ dám uống, hoặc hứa đại, hứa xuông cho xong, để mỗi tháng khỏi mất câm mất ngầm vài trăm nghìn. Bây giờ xăng lên giá như thế này, đến phải chuyển sang đi xe đạp thôi cô ạ.

- Thì... tôi cố uốn lưỡi theo giọng đảng:-Nhà nước muốn lành mạnh hoá môi trưởng xăng dầu mà, sẽ không có chuyện buôn lậu xăng qua biên giới nữa.

- Dào ôi, người bên cạnh nghe thủng câu chuyện của chúng tôi, gay gắt cắt ngang:

- Xăng lên giá nghĩa là mọi thứ sẽ lên theo. Phải chăng những người làm công ăn lương như chúng tôi sẽ chết trước? Ông Vũ Văn Ninh có tiên liệu được tình thế này không? Tại sao cứ viện lấy lý do chống buôn lậu...để bào chữa cho hành động tuỳ tiện này? Trong khi thu nhập từ xuất khẩu dầu thô của nước ta cũng nhiều hơn trước cơ mà? Hơn nữa nếu coi việc tăng giá xăng là để chống buôn lậu, sao nhà nước không giảm giá các mặt hàng đang nhập khẩu và nhập lậu về ?.

Như một phản ứng dây chuyền, tất cả cùng xúm lại quây lấy 3 chúng tôi, mỗi người một câu, một ý. Quả thực, nếu là lãnh đạo, hẳn tôi sẽ không còn lỗ nẻ nào mà chui nữa, không bao giờ dám ...vi hành nữa, kể cả có đem theo cả tấn mo nang che mặt cũng vậy. Cho dù mắt không nhìn, nhưng tai vẫn phải nghe:

- Trong hoàn cảnh Thế giới hiện nay, việc tăng giá xăng dầu là tất yếu, nhưng lần này tăng liền 4.5000 VND, trong khi lương lậu quá thấp, thì đó chính là chỉ dấu không bình thường, khiến người dân phải đặt câu hỏi về những vấn đề trong nội bộ của giới lãnh đạo?

- Ô hay nội bộ lãnh đạo thì có liên quan gì đến đây?

- Sao lại không liên quan. Chúng nó tham nhũng, ăn bẩn, tranh giành, đoạt chức, tiếm quyền, chỉ vì ghế mà hành dân, vì muốn bóc lột dân mà tăng giá lên, chứ tình trạng giá dầu trên thế giới vừa mới giảm cơ mà, đâu phải vì chịu ảnh hưởng từ giá dầu thế giới? Làm con dân thì phải chịu, còn họ dù quyết định thế nào cũng vẫn là "hết lòng vì dân" thôi ! Thắc mắc gì, thắc mắc với ai? Thà thắc mắc với cái đầu gối mình còn hơn.

- Đúng quá còn gì, vài tuần trước, chính phủ còn cam kết không tăng giá trong năm nay, nhưng đùng một cái tăng tới hơn 30% thì ai mà chẳng sốc, chẳng oán? Các bố cứ thích lấy lý do bù lỗ để tăng giá ngất ngểu...vậy thì ai bù lỗ cho những người làm công ăn lương chúng tôi? Trong khi các bố đi ra khỏi cổng là xe công, còn chúng tôi thì sao? Làm thế này khác nào bóp cổ dân? Các bố lo cho dân "chu đáo" quá đấy, lo luôn cả hậu sự đi cho rồi.

- Tại sao chính phủ lại có thể tăng một cách bất hợp lý như vậy? Lương của một cán bộ công nhân viên chức trong thời buổi này phải chi hết 3 phần cho xăng, chưa kể giá xăng tăng thì các loại khác đều tăng? Vậy lấy gì mà ăn? Làm sao đội ngũ cán bộ công chức dành toàn tâm toàn ý cho công việc được ? Tính chi ly lương tôi, sau 20 năm cống hiến được 2.340.000 đồng một tháng. Nhà cách trường 13 km, ngày nào cũng đưa đón hai con đi học, đi làm, hết 50 km cả đi lẫn về. Tiền xăng chi hết 700000/tháng, tiền ăn sáng của 3 bố con bỏ rẻ cũng hết một triệu đồng nữa. Vậy còn tiền nhà, tiền điện, tiền nước, tiền học và trăm thứ bà rằn khác, xin chính phủ cho biết tôi phải mua gì? Ăn gì với vẻn vẹn 700.000 còn lại?

Quả là đã phẫn thì phải phát. Nếu xổ băng ghi âm ra mà ghi hết những "lời vàng ý ngọc" của những con người cần cù, mẫn cán này dành cho đảng và nhà nước thì in ra cả một tập dày ( hơn cả chước tác Hồ Chí Minh) ... tôi lúng túng dắt xe ra khỏi đám người đang phẫn, phát để trở về.

2. Trên từng blog:

Vừa vào đến nhà, trong khi ông xã thả dài lưng đo nỗi chán chường vì lo lượng tiền bốc hơi theo hơi dầu hơi xăng, thì hai cô con gái chụm đầu cười hi hí trên gác xép, thấy tôi phờ phạc dắt xe vào, cô lớn khoe:
- Con cho mẹ xem cái này, tụi bạn con vừa gửi đấy. Đúng là "chưa có bao giờ ...buồn như hôm nay, tăng giá xăng dầu, bạn bè than van. Xăng lên, lòng ta buồn sao buồn thế, những đứa bạn ta từ nay... sợ hãi "là là lá la là là ...Nó nhại lời nhạc sĩ Cao Việt Bách, khe khẽ hát ...

Quên cả thay quần áo ở nhà, tôi ngồi thụp xuống xem, không khỏi bần thần theo từng tâm trạng con chữ, dòng thơ;

Sao em không về xem bão giá
Từ mấy ngày qua chới với luôn.
Tiền lương vừa lãnh cầm đi chợ,
Bão giá quây quanh mặt xanh dờn.

Giá theo lối giá, lương đường lương,
Đời sống hôm nay thật thảm thương.
Tiền lương, tiền thưởng như chiếc lá,
Có trụ qua mùa bão giá không?

Mơ đến ngày nao, đến ngày nao
Lương mình được lãnh tăng thật cao.
Điện, nước, xăng, dầu -ồ chuyện nhỏ.
Cuối tháng lãnh lương thở cái phào.

Ngay cả đầu đề của Bài thơ : "Đây thôn Vĩ Dạ" cũng được tác giả không chuyên đổi thành : "Đây thời lạm phát" đầy ấn tượng, còn cái tên Hàn Mặc Tử quen thuộc đã thay bằng tên mới : Hàn Mặc... Cảm(!)

Viễn cảnh tương lai được một bloger trẻ vẽ ra:

Tôi lại đạp xe đèo em đến lớp
Xích lô đi về trong lễ đón dâu
Chị chạy bộ ra siêu thị mua rau
Công an nghỉ ngồi thương cho đèn đỏ

Mũ bảo hiểm bỗng nhiên vứt xó
Chó chạy tung tăng trên phố thưa người
Mẹ tôi rồ xe đạp điện ra ga
Cụ hàng xóm trượt patanh đi chợ

Ôi cuộc sống thời tiết kiệm nhiên liệu
Mới "bình dị" và "thơ mộng" biết bao ?

Nhịn ăn để mua xăng, hội nhập với cơ chế, con người trong thiên đường xã hội chủ nghĩa Việt Nam sẽ như thế này đây


3."Yêu cầu Thủ tướng từ chức"

Đó chính là nỗi lòng của người dân Việt Nam hiện tại khi nhận định về sự lừa mị của chính phủ lần này, sau bao nhiêu những cú lừa ngoạn mục trước đó. Nào một chính phủ "cho dân" và "vì dân". Nào "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân hưởng thụ" ...

Theo Nghị định 75/2008/CP thì 14 mặt hàng sẽ được Chính Phủ bình ổn giá, trong đó có xăng, dầu, thép, điện, nước...vậy mà nghị định chưa kịp ráo mực, chính phủ đã cho tăng giá xăng, dầu lên 31 % , mặc con dân đau xót, hẫng hụt. Chính vì vậy, người dân nô nức đặt câu hỏi: Không biết chuyện gì sẽ xảy ra sau đợt tăng giá này? Chính phủ hay là chú phỉnh đây? Thói đời đã hứa là nợ, mà đã nợ thì phải trả, nợ mà không trả có nghĩa là quỵt nợ. Thử hỏi từ khi đời dân có đảng đến nay, đảng đã bao nhiêu lần quỵt nợ của con dân rồi ? Cứ lừa mãi, thử hỏi đất nước sẽ đi về đâu? Thủ tướng có dám lên ngồi cung trăng, chăn trâu cắt cỏ gọi...Nguyễn chí Thanh ời ời không?

Dù thế nào, Chính phủ nhà nước cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam không thể đưa ra những nguyên nhân khách quan như giá xăng dầu tăng theo giá thế giới để biện hộ cho những việc làm tuỳ tiện, áp đặt do sự hạn chế, dốt nát, độc ác của mình mãi được. Ai cũng biết mức sống của Việt Nam thấp gần bét so với thế giới, đứng thứ 170 trong tổng số 200 nước trên thế giới, chỉ hơn vài hòn đảo hoang mạc và các nước đói nghèo Châu Phi. Mức thu nhập bình quân của mỗi người dân Việt Nam là 790 USD/ năm, thì chỉ bằng thu nhập của một công dân mỹ trong vòng 1 tuần, thậm chí 2 đến 3 ngày. Vậy tại sao đã ăn lương cộng sản và xã hội chủ nghĩa trả, lại cứ phải trả theo giá tư bản giàu sụ? Trong khi điện thoại, nhà ở, xăng dầu, ô tô đều đắt ngang hoặc đắt hơn nhiều nước trên thế giới ? Hơn cả Mỹ.

Nguyên nhân từ đâu đẻ ra lạm phát? Trách nhiệm này thuộc về ai, là điều bộ chính trị phải chỉ rõ và sửa sai để cứu dân, chứ không thể cứ đưa dân ra mà "trảm" như vậy được. Nhà nước có khuyết điểm mà không dám nhận thì niềm tin của dân chỉ còn nước tọt vào...xăng (quan tài) mà thôi.

Cuối cùng để cả nước không phải quay về thời bao cấp khổ sở đói nghèo, trước 1985, và mức độ lạm phát không còn tăng với tốc độ siêu mã ( từ 31 đến 50%. ) xin ông Nguyễn Tán Dóc ( tức Tấn Dũng) từ chức...

Hà Nội 24-7-2008
Trần Khải Thanh Thuỷ
(hội viên hội văn bút quốc tế)

© www.danchimviet.com

dacung
Posts: 409
Joined: Tue Dec 13, 2005 6:26 am
Location: USA
Contact:

Post by dacung »

Những người bại não

Tưởng Năng Tiến


Tôi biết Bill, Kite, và Lang khi còn đi học. Cả ba không may đều bị bại não. Lúc mới chập chững biết đi Bill té xuống hồ bơi và chìm nghỉm một hồi, thời gian đủ lâu để về sau y trở thành một gã dở hơi - nếu nói theo kiểu Việt Nam. Kite thì đẻ ngược và gặp bà mụ chậm tay nên tế bào não bị chết một mớ trước khi hắn cất tiếng khóc chào đời. Kite rồi ra cũng trở nên ... dở người, nếu vẫn cứ theo kiểu Việt Nam mà nói. Tương tự, khi hai tuổi, Lang bị sốt ác tính. Thuở ấy nước Mỹ chắc chưa có số điện thoại cấp cứu 911, và những xe cứu thương trang bị bình oxygen như bây giờ, nên khi đến được nhà thương thì tế bào não của y đã đi đong một ít. Tất nhiên là Lang bị "retarded" (chậm trí), nếu nói theo tiếng Mỹ.

Chậm trí có nhiều mức độ, phân chia tùy theo thương số thông minh của nạn nhân. Trong nỗi bất hạnh chung của ba nhân vật này họ có cùng một điều may mắn. Thương số thông minh của cả ba đều thấp nhưng không thấp lắm, nghĩa là cỡ chừng từ 50 - 55 đến cỡ gần 70. Cả ba, theo hồ sơ, cùng được chẩn bệnh là "Mild Mental Retardation" (bệnh chậm trí hạng nhẹ) - mức độ được coi là nhẹ nhất. Chính ở điểm chung đó tôi mới có cơ hội biết được cả ba người cùng một lúc. Họ đều là bệnh nhân lâu năm của của nhà thương X., nơi mà tôi được trường gửi đi thực tập, và đều đang ở giai đoạn chuẩn bị để cho xuất viện.

Tôi thực tập mỗi tuần ba ngày. Hơn phân nửa thời gian dùng để học nghề "cạo giấy"; phần còn lại, tôi được giao nhiêm vụ làm "group therapy" cho Bill, Kite và Lang. Gọi là "nhóm trị liệu", như theo chữ dùng của đời thường, chứ thực sự thưở ấy (và ngay cả bây giờ nữa) tôi không có khả năng chữa trị bệnh tật gì cho bất cứ ai và cũng chưa bao giờ tôi có tham vọng ấy. Tôi chỉ cố chỉ cho Bill, Kite và Lang một số những hiểu biết căn bản để sinh sống ở xã hội bên ngoài (basic skills to survive in the community), nếu nói nguyên văn bằng tiếng Anh qua sách vở.

Có sáng tôi đang chuẩn bị đến đón ba người ở "unit" của họ thì được báo tin cả ba đều biến mất. Bệnh nhân bỏ trốn là chuyện... bình thường, và sẽ bị bắt lại (không bao lâu sau đó) là chuyện bình thuờng không kém nên không có gì phải bận tâm. Tự nhiên có một buổi sáng rảnh rỗi nên tôi nghĩ ngay đến chuyện kiếm cớ chạy ra phố, kiếm một ly cà phê pha theo kiểu Việt Nam và một tờ báo tiếng Việt để đọc chơi. Vừa lái xe ra khỏi cổng vài trăm mét, tôi đã thấy Bill, Kite và Lang đứng lớ ngớ ở một góc đường, trước một cửa tiệm tạp hóa bán hàng đa dụng -Seven Eleven.

Tôi tắp xe vô, chưa kịp mở cửa thì Bill, Kite và Lang đã chạy nhào tới, tranh nhau nói, nói không kịp thở:

- We're in deep shit, man !

- We got big trouble, man !

- We're cold and hungry, man!

Tôi làm bộ như không biết chuyện gì xảy ra :

- Ủa, chớ tụi bay làm gì ở đây vậy cà ?

- Tụi tao chôm chìa khóa đi chơi tính gần sáng về ...

- Tụi tao làm mấy lần rồi, đâu có sao, đêm hôm qua xui quá...

- Xui làm sao ?

- Thằng cha gác gian nó quên khóa cổng nên tụi tao vô không được.

Tôi sợ mình nghe không rành tiếng Mỹ nên hỏi gặn:

- Nó quên khóa cửa tại sao lại không vô được ?

- Thì đã nói là tụi tao có chìa khóa mà. Cửa phải khóa mới mở được chớ.

Cố nén một tiếng thở dài, tôi chỉ tay về phía bệnh viện, cổng đang mở toác hoác, ráng nói vớt vát:

- O.K., còn mai giờ thì sao ? Cổng mở từ sáng sớm mà.

Cùng lượt, cả ba đều nổi nóng:

- Trời, đã nói là tụi tao có chìa khóa mà. Cổng nó mở tanh banh như vậy thì làm sao xài chìa khoá ! Mà mày có thuốc hút không, tụi tao thèm thuốc quá rồi.

Trong một thoáng, tôi chợt thấy chán chường và nghi ngại cho khả năng của mình nói riêng và của ngành tâm thần học nói chung. Trước khi gặp tôi, "chưa được tôi áp dụng tâm lý trị liệu", ba cha nội này cũng đã điên từ lâu, và điên dữ dội, nhưng chắc không điên... đến cỡ này.

Tôi mời ba người ăn "donut", uống cà phê, chìa cho họ bao thuốc Marlboro rồi gọi điện thoại về bệnh viện. Tôi tóm tắt sự việc, trấn an mọi giới chức hữu trách bằng tất cả những tĩnh từ Anh ngữ tốt lành nhất mà mình biết được khi nói về hiện trạng của Bill, Kite và Lang - đại loại là "they are cool, calm, logic, coherent, relevant, friendly, and very cooperative..." Tôi cố thuyết phục để họ đồng ý cho tôi đưa mấy chả về bằng xe của mình, khỏi phiền tới cảnh sát, xe cứu thương, xe cứu hỏa... Và tất nhiên tôi lờ tít vụ cái chìa khóa cổng.

Rồi chuyện cũng đâu vào đó. Cuối cùng, cả ba ông bạn của tôi rồi cũng đều được phép rời bệnh viện, hòa nhập với đời sống bên ngoài. Bill về ở với gia đình bà dì ở Bloomington, tiểu bang Illinois. Kite và Lang thì không có thân nhân nên được sắp xếp để sống ở nhà trọ dành riêng cho người bệnh (Board and Care Home) ở thành phố San Jose, miền Bắc California.

Tôi thì học xong ra trường, đi làm, có vợ, có con, có nhà, có cửa, có mèo, có chó... Cuộc sống của tôi chỉ khác Bill, Kite và Lang ở những cái có vớ vẩn và chưa chắc đã cần thiết đó. Ngoài ra, chúng tôi đều chia chung với nhau một cuộc đời thường, rất tầm thường và hơi tẻ nhạt - nếu nói một cách lịch sự là như thế. Ðiều an ủi là chúng tôi đều có cơm ăn ba bữa, quần áo mặc cả ngày, được chăm sóc đàng hoàng về y tế khi cần, và đều có những quyền tự do tối thiểu của một con người.

Tôi không nhớ gì đến Bill, Kite và Lang nữa cho mãi đến mấy tháng gần đây. Gần đây, nơi quê hương tôi xuất hiện ba nhân vật lãnh đạo mới của đảng cộng sản Việt Nam: ông Lê Khả Phiêu, ông Nguyễn Ðức Lương và ông Phan Văn Khải. Theo dõi tình hình đất nước cùng với hoạt động của ba nhân vật này tự nhiên khiến tôi nhớ đến Bill, Kite, và Lang đến muốn... rơi nước mắt!

Qua báo Nhân Dân, cơ quan ngôn luận của đảng cộng sản Việt nam, số ra ngày 3 tháng 4 vừa rồi ông tổng bí thư Lê Khả Phiêu tuyên bố nguyên văn như sau :"Không nơi nào thiên hạ tự động đóng cửa. Nếu cửa đóng, nó sẽ tự mở ra và tại Việt Nam cũng vậy. Trong tình thế hiện tại, đóng cửa để hiện đại hóa và kỹ nghệ hóa chỉ là ...ảo tưởng." Tôi có được xem qua tiểu sử của ông Phiêu, không thấy có nói đến chuyện ông bị ngọng nghịu hay khả năng tiếng Việt hạn chế vì lai Tàu hay lai Miên gì cả. Ông ấy ăn nói lòng vòng tối nghĩa như thế chả qua vì bối rối, thế thôi. Thái độ của ông thủ tướng Phan Văn Khải và ông chủ tịch nước Trần Ðức Lương cũng y như vậy.

Họ làm tôi liên tưởng đến cái đêm mà Bill, Kite và Lang đứng lóng ngóng ngoài cổng bệnh viện chỉ vì người gác gian quên... khóa cửa. Bức màn sắt, bức màn tre, hay cánh cửa Việt Nam... (muốn gọi tên gì cũng được) đã hỏng từ lâu và không đóng lại được nữa. Tuy thế ba ông Phiêu, Khải, Lương vẫn cứ lúng túng không thể bước chân ra được bên ngoài. Lý do chỉ vì họ còn kẹt trong túi cái chìa khóa... xã hội chủ nghĩa, nhất định phải dùng, thế thôi.

Cả ba ông, trong mấy tháng qua, đều nhiều lần khẳng định là Việt Nam sẽ tiếp tục con đường xã hội chủ nghĩa. Cho hợp thời trang, họ thêm rằng sẽ chủ trương "kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa".

Tôi đã có dịp nhìn thấy con "lama" ở Nam Mỹ - tiếng Việt có thể dịch là con "đà mã" vì nó trông y như con lạc đà nhưng không có bướu ở lưng và chỉ thấp bằng con ngựa nhỏ. Tôi cũng có nghe nói đến một giống vật nửa dơi nửa chuột nhưng không thể hình dung được thực sự trông nó ra sao. Vì nhu cầu hiếu tri, tôi ước ao trước khi nhắm mắt được nhìn thấy loài thú lạ này và được ai đó giảng cho nghe hoặc chỉ cho biết thế nào là kinh tế thị trường theo định hướng... chủ nghĩa xã hội!

May mắn cho tôi, hôm 24 tháng 3 năm 98, ông Phan Văn Khải đã "thuyết minh" điều này trong một cuộc họp báo tại Hà Nội là kinh tế thị trường theo định hướng xã hội của Việt Nam sẽ giống như Trung Quốc. Ah, thì ra thế, giống như Trung Cộng. Có thể nói (mà không sợ mang tiếng cường điệu) rằng lịch sử của đảng cộng sản Việt Nam chỉ là sự lập lại, một cách máy móc và dại dột, tất cả những lầm lẫn của đảng cộng sản Trung Hoa. Xin đơn cử vài thí dụ : cải cách ruộng đất, cải tạo công thương nghiệp, vụ Nhân Văn, vụ án xét lại...

Bây giờ ba ông Lương, Khải, Phiêu lại tiếp tục đi theo... Trung Cộng. Trí nhớ của họ thiệt là ngắn, ngắn hơn của Bill, của Kite và của Lang nhiều. Họ dám bị "Severe Mental Retardation" (bệnh chậm trí nặng), nghĩa là thương số thông minh chỉ cỡ chừng từ 20 -25 đến 35 - 40 thôi, nếu nói theo DSM IV (Diagnostic and Statistical Manual of Mental Disorder, Fourth Edition. Washington, DC, American Psychiatric Association, 1994).

Vẫn cứ theo DSM IV thì ngoài trí nhớ ngắn ra, những người chậm trí còn có những thuộc tính chung khác như thụ động và hay nhờ vả (passive and dependent). Khả năng sử dụng ngôn ngữ của họ cũng giới hạn nên hay có khuynh hướng sử dụng bạo lực. (Lack of communication skills may pre- dispose to disruptive and aggressive behaviors that substitute for communicative language - sách đã dẫn trang 43).

Tất cả những hội chứng kể trên ba ông Phiêu, Lương, Khải đều có đủ. Họ vô cùng thụ động và sợ thay đổi. Nói một cách ví von, ba ông giống như những người đạp phải cứt nhưng nhất định không chịu thay giầy; đã thế, họ sẵn sàng bỏ tù bất cứ ai đứng kế bên mà mở miệng kêu hôi hay đưa tay bịt mũi. Tôi thực lấy làm tiếc vì đã ví von như thế, đã thiếu thanh nhã lại hoàn toàn không cân xứng. Cứt còn có chỗ khả dụng chứ chủ nghĩa cộng sản thì không và so với chủ nghĩa cộng sản thì cứt cũng đâu đã lấy gì làm thối.

Họ thích nhờ vả vào thiên hạ. Chỉ trong vài tháng cầm quyền ba ông đã rủ nhau đi ăn mày ở khắp mọi nơi, từ Âu sang Á. Trong lịch sử đảng CSVN, hiếm khi có những đồng chí lãnh đạo sẵn sàng và vội vàng đi công du nước ngoài "để vận động hợp tác kinh tế" như ba ông Phiêu, Khải và Lương.

Họ ngại chuyện đối thoại và thích dùng bạo lực. Những lời kêu gọi cải cách của những phần tử cấp tiến trong nước, dù được trình bầy rất là nhũn nhặn, đều bị ba ông Lương, Khải, Phiêu đáp lại bằng một thái độ rất kém... ôn hòa, nếu không muốn nói là vô cùng đe dọa. Thêm một thí dụ nữa: trong vòng mấy tháng cầm quyền, thượng tướng Lê Khả Phiêu đã thăng chức cho cỡ đâu... 15 ông tuớng công an và bộ đội. Nếu không biết rằng những người bại não rất "sính" bạo lực, người ta đã ngỡ là đồng chí bí thư đang chuẩn bị để Việt Nam sẵn sàng bước vào... Thế Chiến Thứ Ba.

Lời cuối, để thay phần kết luận, tôi xin chân thành gửi lời tạ lỗi đến những người bị bệnh bại não vì đã có đôi lời khiếm nhã xúc phạm đến nỗi bất hạnh của họ - dù những gì tôi viết chỉ là ghi lại những dữ kiện khách quan. Không phải mọi người bị bệnh bại não đều thụ động như ông Lương, hay cầu cạnh như ông Khải hoặc cùng ưa bạo lực như ông Phiêu. Chậm trí, nghĩ cho cùng, cũng chỉ là một chứng bệnh - như trăm ngàn loại bệnh khác trong tiến trình sinh lão bệnh tử của kiếp người. Vấn đề chỉ là sự may rủi của mỗi cá nhân thôi. Khi để những người bại não lãnh đạo một quốc gia thì vấn đề mới trở thành sự may rủi của cả một dân tộc. Dân tộc Việt Nam thiệt... rủi, thế thôi !

dacung
Posts: 409
Joined: Tue Dec 13, 2005 6:26 am
Location: USA
Contact:

Post by dacung »

CUỐI NĂM NÓI CHUYỆN VỚI HỒN THIÊNG SÔNG NÚI

Việt Báo Thứ Bảy, 1/17/2009, 12:00:00 AM

Đời vẫn vốn không nương người thất thế. (Nguyễn Tất Nhiên)

Người Việt sính thơ, và hay sáng tác những bài thơ (rất) vụng. Ngoài cái tật hay làm thơ ra, dân Việt còn có một cái thói xấu (lớn) khác nữa là thích bắt người khác phải nghe hay đọc những thơ ngô nghê của mình. Nếu bạn không tin như vậy, cứ thử vào xem nhiều website sẽ thấy. Trên những diễn đàn này, trong phần góp ý, bên dưới những bài chủ, bao giờ cũng xuất hiện năm bẩy bài thơ lảng xẹt.

Tôi cũng là người Việt, nên cũng thích làm thơ, cũng chuyên môn sản xuất ra loại thơ (rất) vụng, và cũng không từ bỏ một cơ hội nào để gởi thơ lên net. Bài thơ đỡ dở nhất - tôi viết vào mùa Hè năm 1980, tên Chiều Vọng Các,sau khi leo rào từ một trại tị nạn ở Thái Lan ra Bankok chơi - có những đoạn (hơi) sến, như sau:

Chiều về trên xứ lạ
Cười nụ cười Anglais
Buồn qua hơi thuốc Thái
Thèm một phin cà phê
*
Chiều về trên xứ lạ
Execuse me
I'm sorry nói mãi
Thương một câu chửi thề
*
Chiều về trên xứ lạ
Ngỡ ngàng Chinatown.
Đây rượu nồng thịt béo
Mà bạn bè nơi nao
*
Dừng chân nơi quán lạ
Thèm cơm chiều hương quê
Mẹ cha ơi đừng đợi
Chiều nay con không về
(Chị ơi thôi đừng đợi
Chiều nay em chưa về)

Thơ thẩn cỡ đó, nếu đem dự thi chắc rớt (rớt chắc) nhưng mang gửi về Việt Nam cho gia đình cho ông bà già chơi thì họ phê hết biết luôn. Má tui đọc xong, khóc ròng cả tháng. Bả lu loa, mếu máo kể lể với mọi người:

- Coi: thằng út tui là dân nhậu. Trên tay nếu không cầm ly thì cũng cầm chai. Nó sinh ra để uống. Bỏ uống là... chết mẹ. Nó rất thích cảnh cơm hàng - cháo chợ, và thấy rượu thịt là vui mừng như lân thấy pháo. Vậy mà (Trời ơi) bây giờ thằng nhỏ bước vô quán như cái xác không hồn, thẫn thờ nhớ mẹ nhớ cha, nhớ bạn nhớ bè tới đắng miệng, ruợu uống không vô! Sao mà khổ thân dữ vậy con ơi? Vì ai mà con tui phải lìa xa gia đình, quê hương và lưu lạc nơi xứ lạ quê người như vậy, hả mấy ông cách mạng?

Ở thời điểm này, không riêng chi má tui đâu nha, ít nhứt cũng nửa nước Việt Nam đã ngộ nhận về thiện chí của nhà cầm quyền như thế. Người dân tưởng rằng chế độ bao cấp, chính sách hộ khẩu, tem phiếu, kinh tế mới, cải tạo công thương nghiệp, đổi tiền … đều chỉ là những phương thức cào bằng, bần cùng hoá cả xã hội, và tha hoá con người nên hè nhau bỏ chạy.

Còn về phiá nhà nước, khi thấy thiện chí xây dựng một xã hội công bằng, độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc bị người dân cương quyết khước từ - bằng cách liều mạng bỏ phiếu bằng chân - nên nổi giận, và đã (có) nặng lời chút đỉnh: “đồ cặn bã, ma cô, đĩ điếm Tất cả chỉ là những ngộ nhận nhất thời, và thời đó đã qua. Bây giờ là một thời khác hẳn. Những kẻ (lỡ) bỏ đi, vẫn thường được phép trở về. Và khi về, đều được Đảng và Nhà Nước hân hoan chào đón.

Năm 2004, có 19 người Việt ở hải ngoại được vinh danh tại Văn Miếu, Hà Nội (1). Năm 2005, thêm 19 người khác tiếp tục được nhận lãnh cái vinh dự (to lớn) tương tự (2).
Nhận xét về tổ chức Lễ Vinh danh nước Việt, ông Nguyễn Chơn Trung - Chủ nhiệm Uỷ ban Người Việt Nam ở nước ngoài TP.HCM đánh giá cao chương trình mà Báo Điện tử Vietnamnet đã thực hiện và thành công như mong đợi. Ông Trung cho rằng, Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị với nhiều chính sách đổi mới ngày càng thông thoáng hơn và tạo điều kiện cho bà con kiều bào ngày càng gần với quê hương, đất nước.

Thật vô cùng xúc động khi những người con Việt ở xa Tổ quốc hội tụ về đây, cùng lắng nghe tiếng gọi của non sông hào hùng từ ngàn xưa vọng về. Họ đại diện cho gần 3 triệu người Việt Nam ở nước ngoài, mang trong người dòng máu Lạc Hồng đã có những đóng góp trong quá trình đổi mới và phát triển đất nước. Họ xứng đáng là 'Những sứ giả Lạc Hồng', là chiếc cầu nối giữa người Việt trong nước và ngoài nước, giữa Việt Nam và cộng đồng Quốc tế.

Nhà báo Nguyệt Quế đã viết những dòng chữ (vô cùng) thắm thiết như trên, trong bài báo có tựa là Khi Hồn Thiêng Sông Núi Gọi Về tại chuyên san Người Viễn Xứ, ngày 6 tháng 2 năm 2006

Tui in bài báo này, gửi dìa nhà cho ông bà già coi chơi. Ba má tui sẽ hãnh diện và sung sướng (muốn chết) khi biết rằng nhờ sự thông thoáng của NQ 36, thằng con đã được chuyển từ diện cặn bã xã hội, chạy theo bơ thừa sữa cặnqua thành những sứ giả Lạc Hồng rồi! (Tui viết rõ ràng là Lạc Hồng, đừng có đánh máy hay đọc lộn thành Lạc Hồn nha, mấy cha). Hậu vận của tui, rõ ràng, quá tốt. Tui quả là người (cực kỳ) may mắn.
Không phải ai tha phương cầu thực cũng đều có cái may mắn đó đâu. Bà Tạ Thị Giám là một người, không may, như thế.

Trong một bài bào có tên Taiwan Shelter Helps Abused Vietnamese Workers, đọc được trên nhật báo Mercury News - số ra ngày 12 tháng 12 năm 2006 - ký giả K. Oanh Ha đã mô tả hiện cảnh của bà Giám, như sau:

Tạ Thị Giám, một người phụ nữ Việt Nam, đã bị hấp dẫn bởi lời hứa hẹn về số tiền luơng 500 Mỹ Kim mỗi tháng. Bà rời nhà nơi làng quê nghèo nàn ở ngoại thành Hà Nội để lao động cật lực trong một viện dưỡng lão tại Đài Loan, với hi vọng có tiền cho con đi học. Ngược lại, bà Giám cho biết, bà đã bị biến thành nô lệ cho người chủ Đài Loan, bị chủ đánh đập, không cho ăn, và buộc phải làm việc cho đến khi gục ngã. 'Họ đối xử với chúng tôi như một con vật, chứ không phải là một con người vì biết rằng chúng tôi đã lâm đến bước đường cùng, không còn nương tựa vào ai được nữa'. Bà Giám, 36 tuổi, đã nói như thế.

Tưởng như thế” đã đủ nát lòng, vậy mà nhiều cảnh đời lưu lạc còn truân chuyên hơn thế nữa. Những nạn nhân trong cuộc - theo tường thuật của Tuần báo Viet Tide, qua bài phóng sự Người Việt Trên Đất Đài: Lời Kêu Cứu Của Những Phận Người Bị Chà Đạp, phát hành từ California ngày 20/05/2005 - đều xin được giấu tên:

- N. nói: Quê tôi ở Việt Trì... Làng tôi nghèo lắm khó kiếm được công ăn việc lam. Tôi sang Đài Loan ngày 18 tháng Giêng năm 2005. Theo hợp đồng với công ty môi giới tại Việt Nam, tôi sẽ chăm sóc một ông già bị liệt toàn thân. Khi đi tôi đã vay gần 20 triệu tiền Việt Nam để giao cho công ty môi giới... Tôi bị cưỡng hiếp nhiều lần trong suốt thời gian bị cầm giữ trong nhà tay chủ môi giới này.

- M. nói: Làng quê của em ở Tây Ninh, nghèo lắm. Bọn em chưa hề biết Sài Gòn là gì, vậy mà bay giờ luân lạc sang tận Đài Loan. Lúc ra đi, bọn em chỉ mong lấy được tấm chồng, rồi kiếm việc làm để gửi tiền về giúp cha mẹ cất mái nhà ở. Không ngờ thân bọn em bị ô nhục đến thế.

- T. khóc: Vừa đặt chân đến phi trường Đài Bắc, tên môi giới hôn nhân cùng đồng bọn giữ hết giấy tờ hộ chiếu rồi đưa chị em em lên xe chở thẳng đến một căn nhà 16 tầng. Ở đó, bọn em bị canh giữ ngày đêm. Bọn em bị cưỡng bức phải tiếp khách. Suốt 21 ngày, thân xác bọn em bị khách chơi hành hạ ... Tương lai ra sao, về nước hay ở lại, bọn em cũng không biết, mà cũng không dám nghĩ tới ... Cứu bọn em các anh chị ơi.

Không hiểu con đường khổ nạn của những người lưu lạc (như bà Giám, bà M., bà N., bà T) ở Đài Loan còn bao xa nữa nhưng đối với một số phụ nữ Việt Nam khác - vừa có mặt ở Mã Lai - thì họ mới chỉ bắt đầu cuộc hành trình (không may) tương tự. Theo nhật báo International Herald Tribune - số ra ngày 19 tháng 12 năm 2006 - hiện có hàng chục thiếu nữ VN đang được trưng bầy tại các quán cà phê ở Mã Lai, để chờ được mua về làm vợ. Sự kiện này khiến cho người dân bản xứ cảm thấy bất an. Họ mô tả đó là một việc làm “bệnh hoạn và vô luân (The pratice has been described as "sickening and immoral")

Những người phụ nữ đã sa chân lỡ bước này, nếu (cũng) được hồn thiêng sông núi gọi về thì thiệt là đỡ khổ cho họ (và cũng đỡ tủi cho toàn dân Việt Nam) biết mấy. Những đưá bé thơ tên Xuân, tên Yến - đang bán thân nuôi miệng - ở Cao Miên cũng vậy. Hoàn cảnh của các em khiến mọi người đều phải xót xa, mà sao “hồn thiêng sông núi (cứ) tỉnh queo như vậy cà?

Cách gọi của hồn thiêng sông núi, dường như, có cái gì không ổn. Tui rà xoát lại chuyện này chút đỉnh và biết thêm rằng chuyện vinh danh hàng năm là do báo điện tử Vietnamnet tổ chức, còn gọi ai về để vinh danh lại là chuyện (riêng) của Mặt Trận Tổ Quốc!
Nói cách khác, giản dị và dễ hiểu hơn, là thông qua Mặt Trận Tổ Quốc, Đảng đang lãnh đạo và chỉ đạo luôn cả hồn thiêng sông núi nữa. Thiệt là quá đã (và quá đáng)!

Mà Đảng (ta) thì làm gì mà không có tính toán. Và toàn là những toan tính bẩn thỉu, ti tiện, và đểu cáng. Chỗ nào thấy không có lợi, và ai không có tiền thì Đảng làm lơ, chớ gọi (về) làm chi - cho chật chỗ?

Toàn thể nhân loại đều biết chuyện phụ nữ VN bị bầy bán trong những quán cà phê ở Mã Lai nhưng cả toà đại sứ VN ở Mã Lai thì không một ai biết là có chuyện (đáng tiếc) này - theo như tường thuật của phái viên AP, vào ngày 19 tháng 12 năm 2006: Vietnam's ambassador to Malaysia, Nguyen Quoc Dung, said officials were not aware of such incidents Đại sứ Việt Nam ở Mã Lai, Nguyễn Quốc Dũng, nói rằng giới chức có thẩm quyền không hề biết có những sự cố như vậy.

Và như vậy - trong những đợt vinh danh tới - những người như bà Tạ Thị Giám, cũng như những cô gái Việt đang ngồi phơi mặt trong những quán cà phê ở Mã Lai (chắc chắn) sẽ không được hồn thiêng sông núi gọi về đâu. Ủa, sao kỳ vậy, cùng là Việt Kiều hết trơn mà?

Coi: ông đại sứ Việt Nam ở Mã Lai mà còn không biết là họ có mặt bên xứ đó thì hồn thiêng sông núi làm sao có danh sách (để) gọi về chớ. Hơn nữa Văn Miếu - Quốc Tử Giám (ở Hà Nội) là chỗ linh thiêng, chỉ có loại ma cô đĩ điếm đã được chuyển diện thành “sứ giả Lạc Hồng mới xứng đáng được mời về để vinh danh thôi. Chớ còn cái thứ đang bán thân nuôi miệng, và bán với cái rất bèo, ở mấy xứ Á Châu thì khỏi!

Đời vẫn vốn không nương người thất thế. Đảng cũng vậy thôi à. Nhưng nói vậy, e chưa hết lẽ. Cũng có lúc Đảng nương (vào) người thất thế đó chớ. Nếu không, lấy đâu ra lý do để làm cách mạng và cướp chính quyền.

Tưởng Năng Tiến

Ghi chú:

(1) Ông Vũ Gỉan, Thụy Sĩ ; tiến sĩ Nguyễn Đăng Hưng, Vương quốc Bỉ; tiến sĩ Lương Văn Hy, Canada; tiến sĩ Nguyễn Chánh Khê, Việt Nam; viện sĩ Trần Văn Khê, Paris; tiến sĩ Đặng Lương Mô , Việt Nam; ông Nguyễn Ngọc Mỹ, Việt Nam; tiến sĩ Ngô Thanh Nhàn, Hoa Kỳ; ông Lê Phi Phi, Việt Nam; tiến sĩ Nguyễn Thuyết Phong, Hoa Kỳ; tiến sĩ Nguyễn Công Phú, Pháp; tiến sĩ Nguyễn Quang Riệu, Pháp; nghệ sĩ Đăng Thái Sơn, Canada; ông Bùi Kiến Thành, Hoa Kỳ; tiến sĩ Trần Văn Thọ, Nhật; tiến sĩ Trịnh Xuân Thuận, Hoa Kỳ ; tiến sĩ Võ Văn Tới, Hoa Kỳ; kiến trúc sư Hồ Thiệu Trị, Pháp; tiến sĩ Trần Thanh Vân, Pháp
Nguồn: Người Viễn Xứ.

(2) TS. Nguyễn Quốc Bình (VK Canada); TS. Nguyễn Trọng Bình (VK Mỹ); PGS, TS. Nguyễn Lương Dũng (VK Đức); TS. Nguyễn Trí Dũng (VK Nhật); Họa sĩ Lê Bá Đảng (VK Pháp); GS,TS. Nguyễn Quý Đạo (VK Pháp); Nhạc sĩ Nguyễn Thiên Đạo (VK Pháp); Bác sĩ Bùi Minh Đức (VK Mỹ); TS. Lê Phước Hùng (VK Mỹ); ThS. Phạm Đức Trung Kiên (VK Mỹ); GS,TS. Đoàn Kim Sơn (VK Pháp); GS Toán học Lê Tự Quốc Thắng (VK Mỹ); Ông Phan Thành - Chủ tịch HĐQT HHNVNONN TPHCM (VK Canada); GS,TS Nguyễn Văn Tuấn (VK Úc) và GS,TS Nguyễn Lân Tuất, VK Nga Nguồn: Người Viễn Xứ.

Post Reply